Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

65. Kinh Ô Điểu Dụ

22/03/201210:21(Xem: 8057)
65. Kinh Ô Điểu Dụ

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

65. KINH Ô ĐIỂU DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa, khi Chuyển luân vương muốn thử châu báu, liền cho tập trung bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, cho dựng cây tràng phan cao và đặt hạt châu trên đó. Ra đến ngoài viên quán, ánh sáng của minh châu soi sáng cảbốn loại quân. Ánh sáng ấy chiếu xa nửa do-diên.

“Bấy giờ có Phạm chí nghĩ rằng: ‘Ta nên đến xem Chuyển luân vươngvà bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly’. Phạm chí lại nghĩ: ‘Thôi,hãy bỏ qua việc muốn thấy Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắmhạt châu lưu ly, ta nên đến khoảng rừng kia’.

“Nghĩ xong, Phạm chí liền đến khu rừng. Sau khi đến nơi, vào trong rừng, Phạm chí đến ngồi dưới một gốc cây. Ngồi chưa bao lâu, có một con rái cá[02] đi đến. Phạm chí trông thấy, hỏi:

“Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, vào sông lớn kia. Tôi nay muốn đi; chỉ sợ loài người.”

Con rái cá kia sau khi chuyện trò với Phạm chí xong, liền bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có chim cứu-mộ[03] đến. Phạm chí trông thấy, liền nói:

“Xin chào, Cứu-mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôimuốn đi, nhưng chỉ sợ loài người.”

Chim cứu-mộ ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có kên kên[04] đến. Phạm chí trông thấy, liền hỏi:

“Xin chào Kên kên! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, giết hại xong rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, ngựa chết, trâu chết, người chết. Tôi nay muốn đi; nhưng chỉ sợ loài người.”

Kên kên nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có chim ăn bã[05] lại đến. Phạm chí trông thấy liền hỏi:

“Xin chào Ăn bã. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, ông có thấy Kên kên vừa đi đến đây không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.

Chim ăn bã ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có con sói[06] đến. Phạm chí trông thấy rồi lại hỏi:

“Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậmnày đến bụi rậm khác, từ chỗ hẻo lánh này đến chỗ hẻo lánh khác. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.

Sói nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có con quạ[07] đến, trông thấy, Phạm chí liền hỏi:

“Xin chào Quạ. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Này Phạm chí, ông trán cứng, si cuồng; sao lại hỏi tôi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Con quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có con đười ươi[08] đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:

“Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu[09]này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác; uống nước suối trong,ăn trái cây tốt, rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, không sợ loài người.

Đười ươi nói chuyện cùng Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nói các thí dụ ấy là muốn các ngươi hiểu rõ nghĩa. Các ngươi nên biết, nói các thứ dụ ấy như thế, có nghĩa của nó.

“Bây giờ, con thú rái cá nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? – Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống[10].Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trụ chánh niệm, nhưng vị ấy lại thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại[11],không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nêntệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy rái cá rồi hỏi:‘Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, nhiều hoa và cá, rùa. Trước tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Giờ tôi muốn đi, chỉ sợ loài người’. Tanói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệtcủa sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con rái cá, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo,thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sốngviễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.

“Lúc chim cứu-mộ đến nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại,không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tựxưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy cứu-mộ rồi hỏi: ‘Xin chào Cứu-mộ! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như concứu-mộ, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấntảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưasống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.

“Bầy kên kên nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vàonhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanhvăn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tựxưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn.Giống như Phạm chí thấy kên kên rồi hỏi: ‘Xin chào Kên kên, ngươi từđâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: “Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, sát hại rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói thí dụ ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sốngnhư kên kên, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trụ nơi vô sự, mang phấn tảoy, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sốngviễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như thế.

“Bầy chim ăn bã kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thídụ ấy có nghĩa như thế nào? Giả sử có thầy Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp để sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn xóm khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ ý, không giữ gìn các căn, không an trú chánh niệm. Vị ấy vào phòng Tỳ-kheo-ni giáo hóa, thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Tỳ-kheo-ni kia vào bao nhiêu nhà khác nói tốt nói xấu, thọ nhận phẩm vậtcủa tín thí rồi mang về cho vị Tỳ-kheo ấy. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Vị Tỳ-kheo ấythực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạthủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-mônmà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim ăn bã rồi hỏi: ‘Xin chào Ăn bã! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, ông thấy con kên kên vừa đi đó không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con chim ăn bã, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành và tịnh hóa khẩu hành, ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nênhọc như thế.

“Bầy con sói nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói ví dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có một Tỳ-kheo sống tại một thôn nghèo. NếuTỳ-kheo biết trong thôn ấp có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở, suốt chín tháng hoặc mười tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi: ‘Hiền giả du hành xứ nào?’ Tỳ-kheo ấy đáp: ‘Tôi sống tại thôn nghèo kia’. Các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ: Hiền giả này làm việc khó làm. Lý do vì sao? Vì Hiền giả này có thể sốngtại thôn nghèo ấy’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi ích, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Saukhi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy con sói rồi hỏi: ‘Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụirậm này đến bụi rậm khác, từ chốn hẻo lánh này đến chốn hẻo lánh khác rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con sói, chớ nên nương theo phi pháp để bảo tồn mạng sống. Hãy tịnh hóa thânhành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thường hành thiểu dục tritúc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên tu học như vậy.

“Lúc chim quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi; Ta nói ví dụ ấy cónghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương nơi vô sự xứ nghèo nàn mà ancư tọa hạ. Nếu Tỳ-kheo ấy biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấpvà thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở hai, ba tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy, liền hỏi: ‘Hiền giả tọa hạ nơi nào?’ Đáp rằng: ‘Chư Hiền, hiện giờ tôi nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kiamà an cư tọa hạ. Tôi không giống như bọn ngu si kia, làm sẳn giường chõng, rồi sống trong đó với năm sự đầy đủ[12],buổi sáng rồi buổi chiều, buổi chiều rồi buổi sáng, miệng chạy theo vị,vị trôi theo miệng, cầu rồi lại cầu, xin rồi lạixin’. Lúc các Tỳ-kheo nghe xong, liền nghĩ: “Hiền giả này làm những việc khó làm. Lý do vì sao? Hiền giả này có thể nương nơi vô sự xứ nghèonàn kia mà an cư tọa hạ’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, lễ bái, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thứcuống, giường nệm thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cần cho sự sống. Sau khi được lợi, vị Tỳ-kheo ấy lại đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ácgiới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt hủ bại, khôngphải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng làSa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim quạ rồi hỏi: ‘Xin chào Quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi về đâu?’ Đáp: ‘Này Phạm chí, ông là kẻ tráncứng, cuồng si, làm sao hỏi tôi rằng: ‘Ngươi từ đâu lại và muốn đi về đâu?’.’ Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con quạ, chớ nương theo phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường viễn ly. Nên học như thế.

“Con đười ươi kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói ví dụấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộthân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi, ăn xong. Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân xong vắt Ni-sư-đàn lên vai,đi đến nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào nhà trống, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, muốn cho mình được tâm không não hại; thấy của cải và vật dụng sinh tồn của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ được về mình. Đối với tâm tham lam vị ấy đã tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi, độ hoặc, ở trongthiện pháp không còn do dự. Đối với tâm nghi hoặc, vị ấy đã tịnh trừ. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm ô uế, trí yếu kém; ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, chứng đắc quả thiền thứ tư, thành tựu và an trụ. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, bất động, hướng đến chứng ngộ lậu tậntrí thông, rồi vị ấy liền biết như thật rằng: ‘Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là khổ diệt đạo’. Biết như thật rằng: ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo’. Sau khiđã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Sau khi giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong,không còn tái sanh nữa’. Giống như Phạm chí thấy đười ươi rồi hỏi: ‘Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí,tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt. Nay tôi muốn đi, chẳng sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như loài rái cá, chớ sống như chim cứu-mộ, chớ sốngnhư kên kên, chớ sống như chim ăn bã, chớ sống như con sói, chớ sống như quạ, mà nên sống như đười ươi. Lý do vì sao? Bởi vì Bậc Vô trước chân nhân trong thế gian giống như đười ươi.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 13. Không thấy Pāli tương đương.
[02]Thát thú 獺 獸.
[03] Cứu-mộ điểu 究 暮 鳥, không rõ chim gì.
[04] Thứu điểu 鷲 鳥.
[05] Thực thổ điểu 食 吐 鳥, chim ăn đồ (do thú khác) ói ra.
[06]Sài thú 豺 獸.
[07] Ô điểu 烏 鳥.
[08]Tinh tinh thú 猩 猩 獸.
[09]Nguyên Hán: quán 觀.
[10] Y thôn ấp hành依 村 邑 行, trái với hành ư vô sự 行 於 無 事. Xem cht.15, kinh số 26. Pāli, có lẽ gāmantaviharī.
[11] Hán:xúc y 觸 猗.
[12] Nămsự, tham chiếu No.125 (51.3) Tăng Nhất 49, Đại 2, tr.817b: 1. Lười biếng, 2. Ngủ nhiều, 3. Tâm loạn, 4. Các căn bất định, 5. Thích ở chợ hơn chỗ vắng vẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]