Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký

28/08/201100:23(Xem: 9096)
09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký

Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký Thứ Chín

Hạng thương căn bậc hạ đầu tiên đã được thọ ký đó là Ngài Mãn Từ Tử, thứ đến là Ngài Kiều Trần Như và 500 vị A la hán.

Sau đây là những người học và vô học được thọ ký vậy.

Lần thứ ba trao ký cho chúng Thanh văn bậc hạ như Ngài Mãn Từ Tử, Kiều Trần Như và 500 vị A la hán đều là bậc vô học. Những vị cùng hàng Thanh văn tiến đến địa vị tứ quả như Ngài A Nam, La Hầu La, cùng với 2.000 người khác, giờ đây mới được trao ký, nên phẩm này được thuyết. Ngài Mãn Từ Tử đứng đầu trong phẩm trao ký trước. Ngài A Nam đứng đầu trong phẩm trao ký này, vì thông với phẩm trước mà có danh xưng “thọ học, vô học nhân ký” vậy.

“Bấy giờ Ngài A Nam và Ngài La Hầu La nghĩ như vầy: chúng ta tự suy nghĩ nếu được trao ký thời chẳng sung sướng lắm sao? Liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật đầu mặt lạy chân Phật đồng bạch rằng: Thế Tôn! Chúng con trong đây cũng đáng có phần, chỉ có Đức Như Lai là chỗ nương của chúng con, lại chúng con là người quen biết của tất cả trời, người, A tu la trong đời. A Nan thường làm kẻ hộ trì pháp tạng, La Hầu La là con của Phật. Nếu Phật trao ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giáo cho, thời lòng nguyện cầu của chúng con đã mãn, mà lòng trông của chúng con cũng được đủ”.

Với ý nghĩa Ngài A Nan và hội chúng đều sung sướng mong chờ Đức Thế Tôn trao ký. Chỉ có Như Lai là chỗ nương về của chúng con, chúng con đã nhận chân được chỗ nương về đó là “tri kiến Như Lai” chứ chẳng phải ở tiểu quả Thanh văn vậy.

Lời thỉnh cầu của A Nam cùng 2.000 người khác Đức Thế Tôn rõ biết và Ngài đã trao ký cho.

“Bây giờ Đức Phật bảo A Nan: Ngươi ở đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, nước tên là Thường Lập Thắng Phan, kiếp tên Diệu Âm Biến Mãn”.

Do A Nan, bậc đa văn biện tài xuất chúng, túc duyên ấy sẽ đạt thành trí tuệ cao như núi, sâu rộng như biển, không có gì ngăn cản nên có danh xưng: “Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai”.

Với sự dẫn dắt chúng sinh cùng biện tài vô ngại mà tiếng tăm nhiệm mầu hiển bày khắp các cõi nên có tên là “Thường Lập Thắng Phan” kiếp tên là “Diệu Âm Biến Mãn”.

“Bấy giờ trong hội hàng tân Bồ Tát phát ý 8.000 người đều nghĩ như thế này: chúng ta vẫn chưa nghe các vị Đại Bồ Tát được thọ ký như thế, có nhân duyên gì mà các Thanh văn được thọ ký như vậy?”.

Sự khởi ghi của những vị Bồ Tát mới phát tâm Đại thừa là “hàng Thanh văn bậc hạ chưa đạt quả vị A la hán mà sao Đức Thế Tôn lại thọ ký như thế, vì nhân duyên gì lại được quả vị đó?.

Đây là một ý chí cao tuyệt của các Ngài vì phát khởi lòng bi mẫn để Đức Thế Tôn giải nghi cho chúng hội về hạt giống “vô lậu” chánh nhân. Ai cũng có hạt giống “chánh nhân”, ai cũng có Phật tánh, nhưng nhờ thiện tri thức hướng dẫn khuyến thỉnh, đó là “duyên nhân”. Từ chỗ hướng dẫn khuyến khích ấy mà mình tự tin nơi mình sẽ giác ngộ, sẽ nhận chân được “bản lai diện mục” của chính mình một cách rốt ráo, đó là “liễu nhân”.

Với chánh nhân, duyên nhân, và liễu nhân, mỗi chúng sinh đều gồm đủ. Khi nhận chân được rõ ràng thì không còn gì phải nghi vấn.

Do vậy, Đức Thế Tôn đã dạy rằng: “Các thiện nam tử! Ta cùng A Nan ở chỗ Đức Phật Không Vương đồng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. A Nan thường ưu học rộng, còn ta vì siêng năng tinh tấn, cho nên nay ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà A Nan hộ trì pháp tạng của ta, bổn nguyện A Nan như thế, nên mới trao ký dường ấy”.

Điều đó đã cho chúng ta thấy rõ rằng: muốn thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không phải học rộng là đủ, vì học chỉ làm thỏa mãn sự mong cầu hiểu biết. Vọng chấp trên sự hiểu biết đó mà không thấy được “tự tánh” vốn từ vô thủy vô chung, tự tại vắng lặng sáng soi không phải do học mà vào, không phải do chữ nghĩa nhiều mà vào được.

Sự “minh tâm kiến tánh” không phải có sự thể hiện thực tại, hay quán triệt thực tại mà phải siêu việt thực tại.

Phật và chúng sinh thể vốn đồng, nên Đức Thế Tôn đã bảo: “Ta và A Nan đều ở chỗ “Không Vương Như Lai”. Chính ở nơi “tánh không” ấy mà tùy duyên ứng hiện, năng quay bánh xe pháp để dìu dắt chúng sinh thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên gọi là “Như Lai”, A Nan vì đại bi công hạnh hộ trì pháp tạng thâm mật Như Lai. Ngài là vị Đại Bồ Tát hiện tướng Thanh văn trong chúng hội, khởi hạnh đa văn, truyền thừa giáo pháp nên lời trao ký quyết định thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là “Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai”.

Khi đó Ngài A Nan dùng kệ bạch rằng:

Thế tôn rất ít có,

Khiến con nhớ quá khứ,

Vô lượng các Phật pháp,

Như chỗ nghe ngày nay,

Con nay không còn nghi,

An trụ trong Phật đạo,

Phương tiện làm thị giả,

Hộ trì các Phật pháp.

Bấy giờ Phật bảo La Hầu La: “Người ở đời vị lai sẽ đặng làm Phật hiệu là Đạo Thất Bửu Hoa Như Lai... cũng đồng như Đức Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai không khác. Ngươi cũng làm trưởng tử cho Phật này, qua sau đây sẽ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Vì La Hầu La dùng thất giác chi làm nhân hạnh (trạch pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, xả, niệm, định). Nên trên quả vị đạt thành có danh xưng “Đạo Thật Bửu Hoa”. Và cũng vì “mật hạnh đệ nhất” của Ngài mà được tôn xưng là “Phật tử” hay “con Phật” vậy.

Sau đó Đức Thế Tôn thọ ký cho 2.000 vị Thanh văn hữu học cùng vô học, ý chí đã hòa dịu vắng lặng trong sạch, sẽ đặng thành Phật đồng một hiệu là “Bửu Tướng Như Lai” cõi nước trang nghiêm đều đồng nhau không khác.

Với ý nghĩa muốn thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cần phải cung kính hộ trì tạng pháp, phải thể hiện đức tính từ bi nhẫn nhục, phát đại nguyện rộng độ chúng sinh và thể nhập vào lý đạo Nhất thừa. Đó là ý chỉ tối hậu của toàn phẩm vậy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]