Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đệ tứ giác tri

15/09/201002:28(Xem: 8182)
Đệ tứ giác tri

CHÁNH VĂN:

Đệ tứ giác tri:
Giải đãi trụy lạc,
Thường hành tinh tấn,
Phá phiền não ác,
Tồi phục tứ ma,
Xuất ấm giới ngục.

DỊCH:

Điều thứ tư cần nên giác biết:
Kẻ biếng lười hạ liệt trầm luân.
Thường tu tinh tấn vui mừng,
Dẹp trừ phiền não ác quân nhiều đời.
Bốn ma hàng phục như chơi,
Ngục tù ấm giới thảnh thơi ra ngoài.

GIẢNG:

Điều giác ngộ thứ tư là lười biếng giải đãi thì bị sa đọa trầm luân. Thế nên phải luôn luôn tinh tấn tu hành mới phá trừ được phiền não nghiệp ác, hàng phục bốn ma, ra khỏi ngục tù năm ấm và ba cõi.

Thế nào là giải đãi, thế nào là tinh tấn? Giải đãi là bê tha lười biếng. Tinh tấn là siêng năng chuyên cần. Ví dụ người ham mê ngũ dục muốn có nhiều tiền của, chuyên cần làm việc cả ngày lẫn đêm, không biết lười mỏi, không biết chán ngán. Người như thế có được xem là tinh tấn không? - Không. Tại sao siêng năng chuyên cần làm việc cả ngày mà không phải là người tinh tấn? - Vì người chỉ biết siêng năng làm cho có nhiều tiền của, để được thỏa mãn dục lạc thế gian, mà không biết phát huy đức hạnh trí tuệ, đó chỉ là người giải đãi trụy lạc, chớ không phải là người tinh tấn. Tinh tấn đúng với tinh thần của Phật dạy là phải biết dừng và ngăn chận điều xấu, làm và phát triển điều tốt.

Tứ chánh cần trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Phật dạy về tinh tấn như sau:

1- Điều thiện chưa sanh, phải siêng năng làm cho sanh khởi.

2- Điều thiện đã sanh, phải cố gắng phát huy cho tăng trưởng.

3- Điều ác chưa sanh, phải thường kiểm soát canh chừng ngăn chận không cho sanh khởi.

4- Điều ác đã sanh, phải cố gắng chặn đứng, diệt trừ không cho sanh nữa.

Tinh tấn theo nghĩa vừa nêu, thì người thế gian đắm mê ngũ dục, dù có siêng năng làm việc cả ngày cả đêm cũng không thể gọi là tinh tấn. Ngược lại, người tuy suốt ngày không làm gì hết, mà tâm vừa khởi niệm bất thiện, liền dừng không cho tiếp tục sanh khởi; khi tâm khởi niệm lành thì phát huy cho nó thêm lớn mạnh, để làm lợi ích cho mọi người, đó là người tinh tấn. Nói một cách đơn giản, tinh tấn là ngăn ngừa không cho thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác, mà luôn khiến cho thân, khẩu, ý hiển phát nghiệp thiện. Giả sử nếu vì tập quán, chúng ta đã lỡ tạo ác, vi phạm điều Phật răn cấm, chẳng hạn như ghiền thuốc ghiền rượu, thì phải nỗ lực bỏ lần lần. Cố gắng bỏ tật hư nết xấu, dù khó khăn mấy cũng cố gắng trừ bỏ cho kỳ được, để khép mình trong phạm vi giới luật của Phật chế định, gìn giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý cho trong sạch, thường nỗ lực phát triển những hạnh lành, lợi mình lợi người.

Giải đãi hay tinh tấn đều tùy nơi mình, nếu giải đãi thì bị trầm luân, còn tinh tấn tu hành thì phá trừ được phiền não, đoạn dứt nghiệp ác. Phiền não mà Phật dạy đây, không phải chỉ là nỗi buồn bực ray rứt trong lòng khi gặp cảnh ngang nghịch trái ý, như mọi người thường nói, mà là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… Trong những món vừa kể, si là phiền não gốc. Do si mê không thấy các pháp đúng như thật, nên mới tham cầu chấp trước, tham cầu mà không được thỏa mãn liền nổi sân hận, miệng mắng chửi, tay chân đánh đập, đấm đá… tạo nhiều nghiệp ác, gây khổ cho mình và cho người. Người tu hành phải luôn luôn thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trí tuệ sáng thì vô minh lui, vô minh lui thì si mê không còn, thấy các pháp đúng như thật. Đối với pháp hữu vi biết rõ là pháp vô thường biến hoại, không bền không thật, không chấp trước đắm nhiễm, không tạo tác ác nghiệp, ngang đây mọi phiền não khổ đau không còn.

Thế thường nói đến ma, thì người đời nghĩ đến hồn ma bóng quế của người chết hiện lên, bằng những hình bóng cô gái xõa tóc, le lưỡi, đi hỏng chân khỏi mặt đất… để nhát phá người sống. Song, ma mà Phật nói ở đây là những gì làm ngăn ngại phá hoại sự tiến đạo của người tu hành chân chánh, đại lược có bốn thứ:

1- Ma phiền não: là tham, sân, si, mạn, nghi… sẵn có nơi mỗi người. Ví dụ người xuất gia phải sống phạm hạnh theo giới luật Phật dạy, nhưng vì lòng trần chưa dứt, tham ái hiện khởi, chạy theo nữ sắc, cởi áo hoàn tục, cưới vợ sanh con. Đời tu hành ngang đây dở dang lui sụt. Tham mê sắc dục tự lòng người tu hiện khởi, vì sức huân tu quá yếu không khắc phục được, nên bị nó làm chướng ngại sự tu hành, gọi đó là ma tham. Hoặc một Phật tử qui y thọ năm giới, lý đáng phải giữ tròn, nhưng Phật tử ấy vốn dĩ đã thích uống rượu, một hôm đi dự tiệc bạn bè mời ép, lòng tham ăn uống không dừng được, nên uống say túy lúy. Về nhà khi tỉnh lại thì hối hận mình đã phạm giới, trách bạn bè phá mình, chớ không nghĩ do lòng tham ăn uống của mình. Mình tu mà không khắc phục được, xuôi theo nó nên phá giới mất thanh tịnh. Tu mà bị chướng ngại là tại con ma tham ăn uống chớ đâu phải tại bạn bè! Bạn bè mời ép mà mình chế ngự được lòng tham ăn uống, không uống rượu thì có ai làm gì mình? Lại nữa, người tu lý đáng là không được sân giận, nhưng một hôm bỗng dưng có một người tới chùa nói năng gàn dở, chửi bới chúng Tăng, phá phách trong chùa, vài thầy Tăng khó chịu cũng lớn tiếng nặng lời lại. Như vậy là con ma sân của các vị ấy hiện. Vì các thầy tu, đạo lực non yếu không điều phục sân giận nên bị nó hoành hành, lớn tiếng nặng lời với người ta. Lại nữa, đa số chúng ta tọa thiền, cốt là để lóng lặng tâm cho an định tỉnh sáng, nhưng khi lên bồ đoàn ngồi xếp chân độ mười phút, mười lăm phút thì tâm thần mơ màng mờ mịt ngủ gà ngủ gật, ngủ như thế cho đến giờ xả thiền, không gượng được. Khi xả thiền cố ý nằm yên để ngủ thì không ngủ, vọng tưởng chạy nhảy lung tung… Hễ cứ lên bồ đoàn tọa thiền là ngủ gục không kềm, không gượng được. Như thế, có phải do thiếu ngủ mà ngủ gục không? - Không. Ngủ như thế là do con ma thùy miên nó phá nó ngăn che, khiến cho sự tu hành của mình bị ngăn ngại lui sụt. Đó là ma si làm chướng đạo người tu. Và những ma phiền não khác ngăn ngại người tu cũng thế.

2- Ma ngũ ấm: đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm món ngăn che làm cho con người không nhận ra chân lý, không sống được với trí tuệ, cứ mê mờ tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử khổ đau.

- Sắc ấm:là hình hài thân thể con người do đất, nước, gió, lửa hòa hợp tạm có. Con người vì mê chấp thân tứ đại là ngã nên tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử, không nhận ra Chân tánh nơi mình.

- Thọ ấm:là cảm giác sướng khổ vui buồn khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Người vì mê chấp cảm giác vui buồn là thật, nên khi thọ nhận được cảm giác vui, thì cố duy trì gìn giữ không muốn cho mất. Nhưng cảm thọ vui ấy không bền, là vô thường, mặc dù cố gìn giữ mà nó vẫn mất, và khi mất rồi thì buồn khổ. Khi thọ nhận cảm giác khổ thì không muốn nó tồn tại, song không được, vì nhân xấu đã gây rồi nên quả khổ phải thọ nhận. Con người vì mê lầm cố chấp cảm giác vui buồn là thật là ngã, nên tạo nhiều nghiệp ác trầm luân trong sanh tử, không nhận ra Chân tánh của chính mình.

- Tưởng ấm:là cái nhớ nghĩ việc đã qua hay mơ ước việc chưa tới. Cái mơ ước nhớ nghĩ đó là vô thường không thật. Con người vì mê lầm, chấp nó là thật là ngã, rồi tạo nghiệp thọ sanh, nên không nhận ra Chân tánh sẵn có nơi mình.

- Hành ấm:là ý niệm nghĩ suy chuyển động vận hành tạo tác các pháp hữu vi. Ý niệm suy tính vốn là vô thường không thật, con người do mê lầm, chấp nó là thật là ngã, tạo nghiệp rồi đi trong luân hồi sanh tử, nên không nhận ra Chân tánh ở chính mình.

- Thức ấm:là cái biết phân biệt cái này đẹp, cái kia xấu, cái này hay, cái kia dở. Cái phân biệt đẹp xấu hay dở chợt khởi rồi mất không thật. Con người vì mê mờ lầm chấp nó là thật là ngã, nên tạo nghiệp, thọ sanh tử, không nhận ra Chân tánh sẵn có nơi mình.

Tại sao gọi sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm là ma? Đối với Sắc thân tứ đại này, con người mê mờ chấp nó là thật là ta, nên suốt cả ngày cả đời mải mê lo vun bồi tô đắp cho nó được no đủ tươi tắn. Có khi vì lo vun bồi cho thân mà tạo nhiều nghiệp ác, quên đường đạo đức, không biết tu hành để tiến hóa trên đường thiện, không nhận ra Chân tánh sáng suốt sẵn có nơi mình, nên gọi là ma sắc ấm. Tuy nhiên, nếu biết dùng thân này làm phương tiện tu hành tiến hóa trên đường thiện, nhận ra Chân tánh sáng suốt nơi mình, làm lợi ích cho mọi người, thì không gọi là ma.

Phàm thọ khổ thọ vui đều là ma. Vì khi bị chê trách hay bị mắng chửi liền nổi giận, khi đã nổi giận thì tâm trí mê mờ không còn sáng suốt. Hoặc khi được khen được trọng, sanh kiêu căng ngã mạn, thì tâm trí cũng mê mờ không sáng suốt. Nên nói thọ lạc hay thọ khổ đều là ma. Tuy nhiên, ma hay phương tiện đều do nơi mình. Nếu mình mê lầm để cho nó làm chướng ngại việc tu hành, che khuất Phật tánh, mất giống trí tuệ, thì đó là ma. Ngược lại, mình biết lợi dụng nó để tu hành được giác ngộ thì đó không phải là ma, mà là phương tiện. Tưởng ấm, hành ấm, thức ấm cũng đều như vậy.

Người chân chánh tu hành đối với thân năm ấm này, phải khéo sử dụng để tu hành cho được giác ngộ, đừng để nó biến thành ma che khuất Phật tánh, mất giống trí tuệ, không giác ngộ.

3- Ma chết: là con người sau khi chết thành yêu, thành quỉ, hiện hình kỳ quái nhát người sống, hoặc làm cho người sống đau bệnh hay chết. Hoặc người tu hành chân chánh đang tinh tấn dụng công tu hành tiến bộ, bị vô thường đến chết đi, làm dở dang đứt đoạn sự tu hành, cũng gọi là ma chết.

4- Ma trời: là Ma vương và ma chúng ở cõi trời Dục giới, có khả năng biến hóa làm trở ngại việc tiến đạo của người tu hành lúc sắp thành đạo. Thái tử Sĩ-đạt-ta lúc sắp thành đạo, thiên ma hiện hình mỹ nữ, để cám dỗ Ngài trở lại hưởng dục lạc thế gian, không muốn Ngài thành Phật. Vì thiên ma muốn ai cũng đắm chìm trong ngũ dục, để chịu sự thống trị điều khiển của nó, nên khi thấy Thái tử sắp thành Phật, nó hiện ra để phá, làm chướng ngại việc thành đạo của Ngài. Lại nữa thiên ma còn lẫn lộn trong mọi tầng lớp người ngoài xã hội và ngay cả trong đạo. Nhiều khi nó ở ngay bên cạnh mà mình không hay không biết. Chẳng hạn người phát tâm tu hành, không ham muốn danh lợi vật chất nữa chỉ muốn giữ giới thanh tịnh để được an định giải thoát thôi, nhưng lại có người ở bên cạnh xúi giục hùn hạp làm ăn cho có tiền của, để tu cho thoải mái khỏi nợ thí chủ, hoặc xúi giục theo đường tranh danh đoạt lợi, để hưởng ngũ dục thế gian, đó cũng gọi là thiên ma. Tóm lại bất cứ ai quyến rũ xúi bảo người tu tranh danh đoạt lợi, hưởng thọ dục lạc thế gian, đều là thiên ma. Như vậy, lúc nào và nơi nào bên cạnh chúng ta cũng đều có thiên ma. Vì thế chúng ta phải thường xuyên cảnh giác, để đường tu chúng ta không bị thoái bộ. Phật dạy người tu tinh tấn chẳng những phá được phiền não ác nghiệp, mà còn tồi phục được bốn ma, thì sẽ ra khỏi ngục năm ấm và ngục tam giới. Tại sao Phật nói thân năm ấm này là nhà ngục? - Vì con người lúc nào cũng mê chấp thân này là thật là ngã, nên Phật tánh bị che khuất, trí tuệ lu mờ, phiền não bao vây, nghiệp chướng trói buộc, vì vậy mà nói thân năm ấm là nhà tù.

Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Cõi chúng ta đang ở là Dục giới, nên chúng sanh ở cõi này, đa số đều bị lòng tham muốn ngũ dục lôi cuốn thúc đẩy. Phật nói: “Tam giới vô an du như hỏa trạch.” Chúng sanh còn ở trong cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, đều không được an ổn, giống như đang ở trong nhà lửa vậy. Tại sao? - Vì chúng sanh ở ba cõi này luôn luôn bị lửa vô thường thiêu đốt, sanh lên chỗ này rồi tử, sanh lên chỗ kia rồi tử; cứ sanh tử, tử sanh, lộn đi lộn lại không biết bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp, không bao giờ ra khỏi. Nên nói tam giới là nhà tù, nhà ngục. Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ nói: Ông Trưởng giả có một ngôi nhà đang bị lửa cháy lớn, các con ông đang ở trong nhà mải mê vui chơi, không hề hay biết nhà cháy và sắp cháy tới thân mình. Ông Trưởng giả thấy đám con dại khờ, ngu si, lửa cháy mà không biết tìm đường chạy thoát, cứ mải mê vui chơi. Ông thương xót các con, gọi chúng ra khỏi nhà, hứa cho xe dê, xe nai, xe trâu. Nghe cha cho xe, các người con ham, mới chạy ra khỏi nhà và thoát nạn lửa cháy. Ông Trưởng giả dụ cho đức Phật, nhà cháy dụ cho ba cõi đang bị lửa vô thường thiêu đốt, con ông Trưởng giả, dụ cho chúng sanh đang thọ hưởng dục lạc trong ba cõi, mà không biết ngũ dục là vô thường, cứ mải mê thọ hưởng không biết tìm đường thoát ra, giống như đang ở trong nhà tù vậy. Người tu cốt yếu là thoát ra ngoài vòng luân hồi sanh tử của tam giới, để được tự do tự tại, chớ đâu phải chỉ quanh quẩn trong tam giới hưởng dục lạc thế gian! Vì thế mà Phật dạy phải tinh tấn tu hành, để thoát khỏi nhà năm ấm và nhà tam giới đang trói buộc chúng ta.

Như vậy, mỗi người chúng ta ai cũng có Phật tánh (Chân tâm) và ai cũng có ma chướng. Nên trên đường tu hành, chúng ta phải nỗ lực tinh tấn phá phiền não nghiệp ác, hàng phục ma chướng, bảo nhậm Phật tánh càng ngày càng tỏ sáng. Chúng ta biết như vậy rồi, thì cứ ngay nơi tâm mình mà tu hành, chớ không mong cầu ở ai khác bên ngoài. Muốn thành Phật thì nuôi lớn tánh Phật ngày càng tỏ sáng càng viên mãn, kết quả sẽ thành Phật. Nếu muốn thành ma thì trưởng dưỡng tham sân si… nơi mình càng ngày càng lớn mạnh thì sẽ thành ma. Thành Phật hay làm ma là do mình, ở đây chúng tôi chỉ có trách nhiệm chỉ cho quí vị biết điều nào nên làm, điều nào không nên làm, để quí vị tự tu sửa và nhận được sự lợi ích trong việc tu hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]