Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thế nào là ngụy tạo Kinh Điển

07/10/201010:29(Xem: 5799)
Thế nào là ngụy tạo Kinh Điển

Phat Thich Ca_4
THẾ NÀO LÀ KINH ĐIỂN NGUỴ TẠO TRONG PHẬT GIÁO

Thích Lệ Thọ

Gần đây chúng tôi ghi nhận một số Học giả và Giảng sư cho rằng, kinh điển sau thời đức Phật được các vị Thánh đệ tử chuyển tải ngôn ngữ xa xưa thành ngôn ngữ đương thời từ những bản kinh “gốc” hoặc phóng tác, trước tác…là kinh điển ngụy tạo!

Các học giả Tây phương quan niệm hệ thống giáo lý Phật giáo từ các bản Pali, Sanskrit là kinh “gốc” và kinh sau thời đức Phật là kinh phát triển để dễ dàng cho việc trích dẫn trong công tác so sách, nghiên cứu…đó là công việc bắt buộc cho những ai khi bước vào con đường học vấn. Đối với ngôn ngữ của Anh hay Mỹ thì thường dùng từ “Apocrypha” để chỉ cho các văn bản không phải là bản gốc, nên chung ta phải hiểu là: “kinh sau thời đức Phật”, “kinh phát triển” “Tân kinh”…chứ không hề áp đặt nghĩa xấu khi được chuyển tải qua tiếng Việt thành từ ngụy tạo! Mang nghĩa: “ kinh xảo trá” “kinh lường gạt” “kinh sai sự thật” “kinh ngụy biện”…Tiếng việt chúng ta được kết hợp với tiếng Trung Quốc, nên đời sống thường nhật chúng ta đã dùng khoảng 30% là âm Hán-Việt. Vì thế từ ngữ hết sức là đa dạng, nên khi diễn dịch phải thận trọng, để tránh nhằm lẫn giữa nghĩa “đen” và nghĩa “bóng”. Mọi lĩnh vực đều có “tự điển” riêng để diễn đạt đúng nghĩa theo lĩnh vực của mình, nhưng Phật giáo Việt Nam lại chưa có một quyển “Đạo Phật Tự Điển Anh-Việt” nên phải vai mượn từ những quyển tự điển thông dụng, cho nên khi tra từ “Apocrypha” vào hầu hết các quyển Anh-Việt tự điển thông dụng thì chỉ có nghĩa “kinh ngụy tác”. Dựa trên nghĩa này, một ít Học giả, Giảng sư mạnh dạn phán một câu “xanh rờn” kinh điển ngụy tạo! Nói như thế, có nghĩa là chúng ta đã đánh đổ toàn bộ hệ thống giáo lý Đại Thừa, vì được kiết tập sau khi đức Phật nhập Vô-dư-y Niết Bàn khoảng 200 năm, thậm chí như quyển kinh Vu Lan Báo Hiếu, mới ra đời khoảng 150 năm trở lại đây. Nhưng đâu có một ai dám cho bản kinh đó là không có giá trị! Hệ thống giáo lý Phật giáo thuở ban đầu giống như một cội cây chưa phát triển nhiều cành và lá, vì vào thời điểm của đức Phật, Ngài tập trung nhiều cho Tăng đoàn. Nhưng mãi về sau, hoàn cảnh xã hội phát triển, nhận thức về nội tâm cũng khác nên môi trường “Bình bát cơm nghìn nhà, thân chơi muôn dặm xa” là không thể thích nghi. Đồng thời, phật tử cũng không còn thời gian nhiều để gần gũi Tăng Ni học đạo, nên nhu cầu thay đổi ngôn ngữ vào thời của đức Phật cho phù hợp với nhận thức mới, là việc làm ắt có và đủ! Chứ không thể để giáo lý “sinh động” thực tiển giúp cho cuộc sống hết khổ đau và đạt được hạnh phúc, phải nằm bất động như những tài sản quí báu trong các viện bảo tàng! Giáo lý giải thoát của đức Phật còn được xem như là một thang thuốc có tám muôn bốn ngàn vị, để đối trị lại tám muôn bốn ngàn bệnh: “mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét và muốn….” của chúng sinh, nên toàn bộ kinh điển là không có một chữ một câu nào dư thừa, chứ đừng nói là có một quyển kinh “ngụy tạo” trong giáo lý Phật giáo!

Giả sử, các học giả Tây phương có dụng ý đi chăng nữa, thì các Học giả Phật giáo và các Giảng sư cũng phải lưu tâm sửa chữa lại nhưng khiếm khuyết của các học giả Tây phương chứ không nên vị nể họ có nhiều văn bằng và tầm ảnh hưởng của họ quá “nặng ký” trong lĩnh vực nghiên cứu, mà phải nói theo họ. Trong khi các Học giả phật giáo, các giảng sư cũng là người nghiên cứu lĩnh vực hệ thống giáo lý của chính mình, như thế chúng ta mới là người có đủ thẩm quyền hơn các học giả Tây phương chứ, vì chúng ta không những là nhà nghiên cứu mà còn là các Hành giả đang tu tập từ 10, 20 năm trở lên thì lẽ nào chúng ta lại không tường tận hơn các học giả Tây phương!

Chúng ta thử đặt lại vấn đề, hiện nay các học giả Tây phương và trong giới Phật giáo đều căn cứ theo theo hai ngôn ngữ cổ của Ấn Độ Pali và Sanskrit làm “gốc” để có cơ sở nghiên cứu và giảng dạy cho Phật tử. Nhưng trong tương lai biết đâu các nhà khảo cổ lại phát hiện ra một văn bản Magadha cổ hơn thì lúc đó chúng ta lại “phán” những bản kinh được viết bằng Pali và Sanskrit là kinh điển “trước tác” hoặc “kinh điển ngụy tạo” hay sao? Cách nay 100 năm, học thuyết tiến hóa của Darwin được thế giới xem như là kinh điển, cả thế giới đều đưa vào bộ phận giáo dục, nhưng ngày nay ngành khoa học lại đi xa hơn nên học thuyết đó không còn được xem là chân lý nữa!

Cho nên, đây chỉ là sự ngộ nhận và hạn chế giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ mà thôi, chứ không thể phủ nhận hệ thống kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo. Trong khi, các học giả các vị Thánh Tăng điều thừa nhận Ngài Long Thọ là Phật Thích Ca thứ hai nhưng không có 32 tương tốt! Hơn nữa, đức Phật cũng từng xác nhận: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” thế thì kinh điển sau thời đức Phật cũng đâu có gì trở ngại cho việc tu học của gới tu sĩ. Vả lại, những gì được “kiết tập” và phát triển giáo lý cho phù hợp với ngôn ngữ của xã hội đương thời là do các vị Thánh đệ tử bậc A-la-hán làm nên. Chắc chắn Trí tuệ của các Ngài hơn hẳn chúng ta đến hàng ngàn tỷ lần, nên chúng ta không thể đem “trí tuệ” của chúng ta đánh đồng với các Ngài và chạy theo các học giả Tây phương mà cho các bản kinh Đại Thừa là “kinh ngụy tạo”! Kinh điển thuộc về lý tưởng, tùy bệnh mà cho thuốc thì làm sao chúng ta có thể đo lường bằng khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ học…

Kinh điển “ngụy tạo” là đồng nghĩa với ngôn ngữ hiện đại là văn hoá “độc hại” cần phải loại trừ ra khỏi ngành văn chương để nó không làm “oen ố” đỉnh cao trí tuệ; cần phải loại trừ những gì không do Phật nói, để không làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh, giải thoát và an lạc hạnh phúc trong hệ thống giáo lý đạo Phật! Bản kinh nào trong hệ thống của Đại Thừa đã sai trật làm mất đi giá trị căn bản đạo đức và lộ trình hướng đến gải thoát? Đạo lý của đức Phật giống như trận mưa to xối xuống để đáp ứng cho tất cả cỏ cây, chứ không riêng biệt cho một số cây to nào mà thôi! Nó có khác chăng là hình thức và phương tiện đưa đến mục đích mà thôi, không thể lúc nào cũng phải ngồi thiền mới thành Phật, còn lặt rau, bửa củi, gánh nước, tụng kinh là thành tà ma ngoại đạo! Phải chăng, các vị Thánh Tăng đã khéo léo lấy nhiều hình thức: 5+5, 7+3, 4+6… để trở thành con số 10, nhằm hướng dẫn cho những người Thượng căn, Trung căn và Hạ căn. Nên đức Phật khẳng định rằng: “Đại dương chỉ thuần một vị mặn, cũng vậy đạo lý giải thoát của ta cũng chỉ thuần một vị là giải thoát!”

Vì vậy, khi chuyển ngữ, hoặc giảng dạy phải cần lưu ý đến ngôn ngữ vốn phong phú và đa dạng của tiếng Việt để tránh đi sự ngộ nhận giáo lý chính thống và giáo lý không chính thống trong Phật giáo! Đồng thời, giúp cho Phật tử không bị chao đảo trước những học vị “nặng ký” phát biểu, hoặc nghĩa lý từ những quyển tự điển thông dụng!

Delhi, 08/07/2002
Lệ Thọ


KINH LĂNG NGHIÊM LÀ KINH NGUỴ TẠO CHĂNG

HT. Tuyên Hoá


"Đại sư Hám Sơn từng nói hai câu như sau: "Chẳng đọc Pháp Hoa thì chẳng hiểu khổ tâm cứu đời của Như Lai; chẳng đọc Lăng Nghiêm thì không nắm được then chốt về mê hay ngộ của tu tâm". Đích xác là như vậy, bởi Kinh Lăng Nghiêm bao gồm hết thảy các pháp, nhiếp thọ hết mọi căn cơ, là pháp môn tinh tủy của các đời, là ấn chứng chính đề thành Phật và làm Tổ. Vì lẽ đó, người tu thiền bắt buộc phải nghiên cứu kỹ lưỡng bộ Kinh này, và hiểu thấu cảnh giới "năm mươi loại ấm ma" đặng tránh khỏi sa vào vòng của Ma vương. Nếu không vậy, không có sự nhận thức cho rõ ràng, thì bạ cảnh giới nào gặp phải cũng sanh tâm chấp trước, hành giả sẽ dễ nhập vào ma cảnh, thành kẻ quyến thuộc của ma vương. Đó là một điều cực kỳ nguy hiểm!

Chẳng riêng Chú Lăng Nghiêm phải thuộc lòng, mà Kinh Lăng Nghiêm thiền giả cũng phải thuộc nữa. Người ta nói "thuộc sẽ nẩy cái hay", thời cơ tới sẽ có nhiều lợi ích, sẽ có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Hễ người nào nghiên cứu văn học Trung quốc, tất phải đọc Kinh Lăng Nghiêm, văn từ thì ưu mỹ, nghĩa lý phong phú, tóm lại là một bộ Kinh lý tưởng.

Có một số tự cho mình là học giả có hạng, chưa hề nghiên cứu sâu rộng về Đạo Phật, đã tự nhận mình là chuyên gia Phật học, tự nhận mình có đủ uy tín mà sự thực không hiểu Phật giáo cho đến ngành ngọn, khinh xuất cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là một kinh ngụy tạo. Từ đó lại có một số, có dụng ý khác, ùa theo phụ họa. Đúng là kẻ mù dắt kẻ mù, thật đáng thương xót!

Tại sao người ta bảo Kinh Lăng Nghiêm chẳng phải do đức Phật Thích Ca thuyết giảng? Chẳng qua vì nghĩa lý trong bộ Kinh rất ư chân thật. Kinh đã nêu ra cho kỳ hết các căn bệnh của thế gian, bởi đó mà các loài yêu ma quỷ quái, các loài quỷ trâu, quỷ rắn, không còn cách nào hoành hành, phải hiện rõ nguyên hình của chúng. Từ đó chúng tìm mọi cách để phá, chúng phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy, thì chúng mới có cơ để sinh tồn. Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong. Trước hết chúng không giữ được "Lời dạy về bốn loại thanh tịnh", thứ hai chúng không tu tập được các "Pháp viên thông của hai mươi lăm bậc thánh", thứ ba chúng không dám đối diện với các cảnh giới của "Năm chục loại ấm ma".

Nếu như ai ai cũng đọc Kinh Lăng Nghiêm, cũng hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, thần thông của hàng ngoại đạo sẽ hết linh ứng, thành ra vô dụng khiến cho không ai còn tin vào thần thông của họ nữa. Đó là lý do bọn thiên ma ngoại đạo chỉ còn tìm cách dèm pha, tuyên truyền, bảo Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy.

Chẳng cứ chỉ những người tại gia phỉ báng Lăng Nghiêm là Kinh giả, ngay cả những kẻ xuất gia cũng bắt chước nói theo. Tại sao vậy? Bởi vì có một số xuất gia ít học, có khi không thông chữ nghĩa, không xem được Kinh điển, trong khi đó văn Kinh Lăng Nghiêm lại thâm thúy, ý nghĩa huyền diệu, khiến họ không hiểu được nên không làm sao phân biệt được chân giả. Đến khi nghe người ta bảo Kinh này là giả, Kinh kia là ngụy, thì họ đâu có suy xét gì, người ta nói sao thì nhắc lại y hệt. Tự nhiên Kinh Lăng Nghiêm bị lãnh tiếng oan là vì lẽ đó.

Lúc xưa tại Ấn Độ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý ra ngoại quốc. Những ai xuất cảnh đều bị khám xét gắt gao và, để phòng Kinh lọt ra ngoài, các nhân viên hải quan thường đặc biệt chú ý đối với các Tăng xuất cảnh.

Hồi đó tại Ấn độ - bên Trung quốc lúc đó là đời Đường - một vị cao tăng pháp danh là Ban Thích Mật Đế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc. Sợ bị phát hiện tại trạm kiểm soát, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm, nhét Kinh vào sâu trong cánh tay và sau cùng ông đã đổ lên bộ tại địa phận Quảng Châu. Lúc đó là thời gian Tể tướng Phòng Dung bị Võ Tắc Thiên giáng chức xuống làm Thái Thú Quảng Châu. Ban Thích Mật Đế được Phòng Dung mời tới để phiên dịch bộ Kinh này và chính Phòng Dung là người nhuận sắc cho bản dịch. Bởi vậy Kinh Lăng Nghiêm biến thành một tác phẩm văn học có giá trị, rồi sau đó trình lên cho Võ Tắc Thiên. Thời bấy giờ đương có tin đồn Kinh Đại Vân là kinh ngụy tạo nên Hoàng Đế Võ Tắc Thiên không cho Kinh này được lưu hành.

Đến khi Thiền sư Thần Tú được phong làm Quốc sư rồi được cúng dường ở trong hoàng cung, một hôm Thiền sư thấy được bộ Kinh này, thấy Kinh rất có lợi cho những hành giả tu thiền, mới cho Kinh này được phổ biến. Từ đó Kinh Lăng Nghiêm mới được lưu hành ở Trung quốc. Căn cứ theo truyền thuyết, Kinh Lăng Nghiêm là Kinh tối hậu truyền đến Trung quốc, nhưng cũng là Kinh bị hủy diệt đầu tiên vào thời Mạt Pháp, sau mới đến các Kinh khác, sau rốt còn lại một Kinh A-Di Đà.

Ghi chú: Thượng nhân Tuyên công chủ trương dứt khoát rằng Kinh Lăng Nghiệm chính là tâm ấn của chư Phật, điều này ngàn vạn lần đích xác. Bởi vậy ngay sau khi đặt chân tới Mỹ, Tuyên công liền giảng Kinh Lăng Nghiêm. Tại sao vậy? Phật Pháp truyền bá tới đất Mỹ, thì Mạt Pháp sẽ biến thành Chánh Pháp, và đó là tâm cơ của Thượng nhân trong sứ mạng nối tiếp huệ mạng Phật. Bài "Lăng Nghiêm Kinh Thiển Giảng" sẽ được đưa đăng từng kỳ trong tạp chí Vạn Phật Thành Kim Cương Bồ Đề Hải, bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Nay xin thông báo cùng quý bạn độc giả. (http://www.dharmasite.net/vekinhvachuTLN.htm#5)
/vekinhvachuTLN.htm


KINH ĐẠI THỪA CÓ PHẢI KINH TÂN TẠO NGỤY TẠO ?
Cư Sĩ Huệ Chiếu


Trong thời gian gần đây, trên thư viện Hoa sen, có một số người cho rằng các kinh Đại thừa, như: Lăng nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã, Phạm Võng, Địa Tạng, Lăng Gìa, Duy Ma Cật vv…không phải là kinh gốc, do không tìm thấy kinh bằng chữ Pali hay Sanskrit. Nhóm người nầy hoặc là học giả; hoặc tu theo các pháp môn không phải Đại thừa; hoặc những vị có niềm tin hay có cảm tình với Phật giáo nhưng chỉ tin qua các chứng tích kinh luận còn lưu truyền hay chỉ dựa vào chứng tích khảo cổ. Một số học giả Tây phương thì có quan niệm hệ thống giáo lý Phật giáo từ văn tự Pali, Sanskrit là kinh “gốc”, và cho rằng hệ kinh Bắc truyền “là kinh sau thời Đức Phật, là kinh Phát triển, hay Tân kinh” họ cho rằng kinh nầy là “các ngụy kinh được dùng trong Thiền tông thời kỳ đầu”, là kinh do người Trung Hoa “ngụy tạo”, tức tự dựng ra sau khi Phật giáo truyền sang; hoặc cho rằng kinh nầy mang màu sắc chính trị do người Trung Hoa có tư tưỏng bá quyền tự tạo.

Nhìn chung, nhóm người cho rằng kinh điển hệ Bắc truyền là Tân kinh hay Ngụy kinh chỉ dựa vào khảo cổ, suy luận, phân biệt qua mắt thấy tai nghe của con người, mà không phải là hành giả, chưa thực chứng giáo nghĩa Đại thừa. Từ đó đã làm nhiều người sơ cơ học Phật hoài nghi.

Để làm sáng tỏ các thắc mắc trên, mặc dù chỗ hiểu biết về Phật pháp của tôi còn rất nông cạn, văn tự chữ nghĩa yếu kém; nhưng vì lẽ thật, nên không ngại chỗ vụng về, xin được đề nghị chúng ta cùng nghiên cứu, tìm hiểu cho thấu đáo, để xem kinh hệ Bắc truyền, kinh Đại thừa, mà trước hết là kinh Thủ Lăng Nghiêm có phải do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết, hay do người sau tự bịa đặt như quan niệm của một số người; trước hết ta xem:

Về hình thức:

1.Khi đức Phật sắp Niết Bàn, ngài Anan, một vị đệ tử đa văn bậc nhất, bạch Phật: Khi kết tập những lời đức Phật thành kinh điển thì phải ghi như thế nào để người sau biết chắc thật đó là lời chính từ kim khẩu đức Thế Tôn. Đức Phật dạy khi kết tập kinh điển, mỗi kinh phải có đủ sáu cái hiện chứng (Chứng tín tựu), gồm:1) Tín, 2) Nghe, 3) Thời, 4) Phật, 5) Xứ, 6) Chứng. Đây là sáu cái bằng chứng cho người sau biết chính là kinh Phật, chẳng phải dối, mà vững lòng tin. Tức vào đầu mỗi quyển kinh phải ghi: 1. Như vậy (Như thị), làm Tín thành tựu, tín đây là tín của ngài A nan 2. Tôi nghe (Ngã Văn), làm Văn thành tựu, có nghĩa là A nan tự mình được nghe 3. Một thời (Nhất thời), làm Thời thành tựu để chỉ thời gian Đức Thế Tôn thuyết bộ kinh nầy 4. Phật, làm Chủ thành tựu, chỉ rõ Phật là chủ thuyết pháp 5. Tại… Tinh xá Kỳ Hoàn, trong thành Thất La Phiệt, làm Xứ thành tựu, chỉ rõ chốn đạo tràng thuyết pháp 6. Lấy các chữ “Cùng Đại Tỳ kheo chúng”, và cuối bộ kinh có ghi “Sau khi Phật thuyết kinh nầy rồi.. tất cả đại chúng đều hoan hỷ thọ trì lời Phật dạy, ân cần đảnh lễ lui ra”, làm Chúng thành tựu.

Như vậy, nếu xét về mặt nầy, thì kinh Lăng Nghiêm và các kinh Đại thừa hay kinh Nguyên thủy của hệ Bắc truyền, và kinh Nguyên thuỷ của hệ Nam truyền đều đúng với sáu cái hiện chứng nầy; tức có người nghe thuyết, có Đức Phật thuyết, có nơi chỗ thuyết, thuyết vào lúc nào, tên kinh là gì, đại chúng nghe thuyết gồm có những ai, nghe rồi hoan hỷ tín thọ phụng hành. Đây là bằng chứng chắc chắn rằng kinh nầy phải do chính đức Phật tuyên nói.

2. Phật giáo truyền sang các nước phía nam và đông bắc Á châu rất sớm, qua hai con đường: Nam truyền và Bắc truyền. Nam truyền gồm các nước phía nam châu Á như: Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia..; Bắc truyền gồm các nước như: Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…. Kinh điển hệ Nam truyền thường dùng bằng chữ Pali; Còn hệ Bắc truyền thường dùng chữ Sankrit dịch chữ Hán, rồi dịch sang tiếng các quốc gia lân cận. Từng quyển kinh đều có ghi rất rõ: dịch từ chữ gì ra chữ gì, ai là người dịch, dịch vào lúc nào, ở đâu. Người xưa rất chặt chẽ, khoa học, nên đã ghi rất rõ rằng kinh Lăng Nghiêm là bổn kinh văn có nguyên gốc từ Ấn Độ, chữ Phạn, do ngài Sa môn người Ấn là Bát Thích Mật Đế, dịch ra chữ Hán, vào đời nhà Đường, Sa môn Di Dà Thích Ca, người nước Ô Trành dịch ngữ; Pháp sư Hoài Địch chứng nghĩa; Tướng Quốc Phòng Dung nhuận bút.

Kinh Trường A Hàm, cũng ghi rõ như sau: Kinh Trường A-hàm (tiếng Phạn là Dìghàgama, tiếng Pàli là Digha-nikàya) gồm 22 quyển, do ngài Phật-Đà Da-Xá (Buddhayaśsa) tuyên đọc thuộc lòng (ám độc) bản Phạn, và ngài Trúc Phật Niệm truyền dịch từ Phạn văn ra Hán văn, vào năm Hoằng Thỉ thứ 15 đời Dao Tần.

Nếu xem các chứng tích nầy thì kinh Thủ Lăng Nghiêm cùng các kinh Đại thừa khác, và các kinh nguyên thuỷ Bắc truyền có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng từ Ấn Độ, vậy các kinh nầy ngụy tạo chỗ nào? Có người nói “nghe quý Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Thích Nhất Hạnh nói Kinh nầy xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu”, rồi tự nghĩ rằng quý Thầy nói kinh nầy được tạo sau nầy. Qúy Hòa Thượng không bao giờ có ý dám phỉ báng kinh điển như vậy, mà ý nói là kinh nầy mới bắt đầu lưu thông ở Trung Hoa thế kỷ thứ sáu, từ khi được dịch chữ Phạn sang chữ Hán. Chớ nên dùng sai ý mà gán ép cho quý Hòa Thượng. Một số học giả Tây phương nói là Tân kinh cũng rất lầm lẫn, vì họ không rõ biết gốc tích kinh nầy dịch từ Phạn văn ra Hán văn như đã nêu trên.

Sử ghi lại rất rõ về bộ kinh Lăng Nghiêm, cụ thể như sau: Tổ Thiên Thai, tức ngài Trí Giả Đại Sư nghe danh tên Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lâu lòng rất hâm mộ, ngài luôn hướng về Tây Thiên Trúc lễ bái suốt 18 năm, cầu Phật gia hộ cho kinh nầy truyền sang Trung Hoa mà mãi chưa được gặp. Cho đến đời Đường, vua Trung Tôn năm thứ nhất, bên Ấn Độ có Sa môn Bát Thích Mật Đế, dùng loại mực khó phai, viết kinh Thủ Lăng Nghiêm trên lụa thật mỏng, rạch vế đùi nhét vào rồi khâu lại, giả làm vết thương để qua mắt quan lính hải quan ở xứ Ấn Độ. Vì vua Ấn rất quý kinh nầy, coi là báu vật của quốc gia nên cấm không ai được đem ra khỏi nước. Ngài theo các lái buôn đi đường biển tới Trung Hoa, đến tỉnh Quảng Châu, may gặp quan tướng quốc Phòng Dung có người vợ biết cách dùng chất tẩy vết máu giữ cho nét chữ trên lụa vẫn nguyên vẹn không bị phai nhòa. Sa môn Bát Thích Mật Đế được mời về chùa Chế Chỉ dịch kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán; cùng với Sa môn Di Dà Thích Ca, người nước Ô Trành dịch ngữ; Pháp sư Hoài Địch, trụ trì chùa Nam Lâu, núi La Phù chứng nghĩa bản dịch; Tướng Quốc Phòng Dung nhuận bút. Sau khi dịch xong kinh Lăng Nghiêm, ngài Bát Thích Mật Đế trở về Ấn Độ trình lại với nhà vua và xin chịu phép nước.

Chứng lý còn ghi lại rành rành như trên, không thể nào chối cải, không có lý do gì nói là tân kinh do người Trung Quốc tự tạo. Chứng tỏ kinh Lăng Nghiêm có xuất xứ tại Ấn Độ.

Về nội dung:

Phật dạy người tu đời sau phải dùng các pháp ấn để biết đâu là kinh chính do lời Phật nói, mà không lầm lẫn với dị kiến, tà thuyết, đó là:

- Tam pháp ấn, gồm: 1. Các hành đều vô thường 2. Các pháp đều vô ngã 3. Niết Bàn là tịch tĩnh, vô vi, diệt mọi khổ đau về luân hồi, sanh tử.

- Thức tướng ấn: Ấn chứng rằng kinh đó là Liễu nghĩa giáo Đại thừa. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy phải dựa vào tứ y, gồm có: y theo pháp không y theo người, y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh chẳng liễu nghĩa.

Ta tìm hiểu nội dung kinh Lăng Nghiêm có nói đúng như các pháp ấn nầy không?

Trong kinh, đức Phật dạy: Chúng sanh cho rằng thân tứ đại nầy là thân ta, cho cảnh nầy là trường cửu thật có, tâm suy nghĩ là tâm mình, rồi từ đó mê chấp theo cảnh, buồn vui giận ghét…, gây nhân tạo quả kết thành nghiệp, luân hồi trong sáu nẻo. Phật lại dạy, bất cứ cái gì có hình tướng đều vô thường giả tạm hư vọng; những cái giả tạm, luôn sanh diệt đó không có gì là ta, là ngã; Chỉ vì chúng sanh không giác biết, bỏ quên bản tâm nên gọi là vô minh. Do vô minh nên bất giác vọng khởi tình thức, vọng sanh có hư không , thế giới, chúng sanh sáu cõi. Nếu biết nó là vô thường sanh diệt hư vọng; liền buông bỏ, không chấp thủ, ngay khi đó tâm hằng thanh tịnh, tịch tĩnh, vô vi, sáng suốt tự hiển bày. Bản tâm của chúng sanh và Phật vốn đồng, không ta người; vừa móng ý phân biệt đã rơi vào tình thức. Cho nên Phật dạy chúng sanh muốn hết mê thì phải luôn sống tùy thuận với bản tâm mình, sáu căn đối sáu trần cảnh mà không sanh sáu thức: “Bất tùy phân biệt”. Trong các kinh Đại thừa, Phật dạy rành rõ tiểu thừa đại thừa cũng chỉ vì muốn sách tấn chúng sanh, vì trong tâm mỗi chúng ta do mê nên đủ cả chủng tử tiểu lẫn đại, thiện ác, mê sâu mê cạn rất sai biệt… Người đời chẳng biết ý Phật, bèn cho là có thật tiểu đại, lầm chạy theo tướng sai khác rồi phân chia bỉ thử …thật lầm to!

Qua nội dung nầy, kinh đã nêu rõ “Nghĩa Chân thật”, mà chỉ có bậc chánh giác mới nói ra được lời này, rất chân xác với các pháp ấn Phật dạy, khẳng định là chính đức Thế Tôn thuyết.

Tóm lại, qua nghiên cứu về hình thức và nội dung như trên thì rõ ràng kinh Lăng Nghiêm chính do đức Phật tuyên nói. Ai nói kinh nầy không phải đức Phật nói thì người đó nói hoàn toàn sai. Chúng ta là Phật tử, phải bảo vệ chánh pháp, phải khẳng định như vậy, và công bố cho mọi Phật tử biết rõ việc nầy.
Khi xưa đức Phật đã biết trước thời mạt pháp sẽ có nhóm người tà kiến phá hoại Phật pháp, nên đã huyền ký trong nhiều bộ kinh, ta hãy nghe ở vài bộ kinh:

- Trong kinh Pháp Diệt Tận, có nói: “Vào thời mạt pháp kinh Thủ Lăng Nghiêm bị hoại diệt trước hết, sau đó, các kinh khác dần dần biến mất”.
- Trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Đức Phật dạy: “Nầy Vi Đề Hy! Trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm ta đã trình bày nhân địa tu hành Nhĩ căn viên thông cho đại chúng. Nhưng thời mạt pháp kinh điển dần dần ẩn mất, mà nên biết kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị diệt trước nhất, tiếp sau là kinh Lăng Già, kinh Kim Cang, kinh Ma Ha Bát Nhã, kinh Diệu Pháp Liên Hoa vv.. sau cùng là kinh A Di Đà”.

Nghe lời huyền ký nầy thì chúng ta tự biết nhóm người cho rằng kinh Lăng Nghiêm cũng như các kinh Đại thừa khác và các kinh Nguyên thuỷ hệ Bắc truyền là Tân tạo, ngụy tạo, là nhóm gì rồi! Nếu không phải là nhóm tà kiến phá pháp, thì cũng là nhóm nhất xiển đề, mà đức Phật đã huyền ký trong kinh Đại Bát Niết Bàn.

Về Kinh điển, Phật dạy rất nhiều và rất quý. Nhưng riêng với kinh Thủ Lăng Nghiêm cần nghiên cứu thật kỷ, đây là bộ kinh then chốt của giáo pháp Phật, vì trong kinh nầy Phật dạy những việc vô cùng quan trọng đối với chúng sanh có duyên lành với Phật pháp. Đức Phật đã chỉ rõ chỗ mê lầm của chúng ta, dạy rõ nguyên nhân sanh ra các hiểu biết sai lầm như: chấp thường, chấp đoạn diệt, chấp minh sơ thần ngã (tạo hóa), chấp hư không vô biên, hữu biên vv…; biện biệt vọng tâm, chỉ thẳng bản tâm; giúp ta có chánh kiến, có trí vô sư; giải tỏa được những mối nghi lớn. Chỉ dẫn cách chọn căn viên thông tu hành để chứng Như Lai Tạng tánh; dạy hết sức chi tiết về nội ma ngoại ma cần phải biết rõ để tiến thẳng đến Đạo Bồ Đề. Ngoài hiển pháp, đức Phật còn dạy Mật chú Lăng Nghiêm rất cần cho việc tiến tu. Từ xưa đến nay có vô số người nhờ đọc kinh Lăng Nghiêm mà ngộ đạo. Đây là bộ kinh mà tà ma và bọn ác kiến rất kinh sợ, nên muốn hủy diệt. Dù nay vào đời mạt pháp nhưng ai có phước duyên đọc, hiểu và thực hành theo kinh nầy thì sẽ thấy rõ bản tâm mình, sẽ thấy mình hết sức diễm phúc như sanh trong thời kỳ chánh pháp khi Phật còn tại thế. Vô cùng nuối tiếc vì bộ kinh nầy sẽ bị diệt trước nhất trong đời mạt pháp mà Phật đã huyền ký. Vì vậy, người học Phật cần tập trung nghiên cứu, cầu học để biết rõ nội dung của kinh, đừng bỏ lỡ cơ hội a tăng kỳ kiếp có một không hai nầy.

Riêng, với những ai vì lý do nào đó mà có ý nghĩ rằng kinh Đại thừa nói riêng kinh Phật nói chung, là ngụy tạo, tân tạo, thì hãy nghiên cứu cho thật kỷ, hãy cẩn trọng từng ý nghĩ, lời nói, chớ tự gây nhân xấu cho chính mình. Phật dạy các pháp do tâm tạo, nhân nào thì quả sẽ thế ấy. Sáu cõi cũng chỉ do tâm nầy, tâm tạo thiên đường tâm cũng tạo địa ngục. Tạo ác thì đời vị lai mình sẽ tự thấy cảnh giới ác hiện, không thể tránh khỏi vậy./.

Kính gửi Thư Viện Hoa Sen.
Bến Tre, ngày 19 tháng 02 năm 2008,
Cư sĩ Huệ Chiếu, kính ghi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]