Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Bảy Cách Tu

29/06/201021:06(Xem: 10017)
Kinh Bảy Cách Tu


KINH BẢY CÁCH TU
(Sabbāsava sutta)
(Bài dạy tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn)

Thích Nhật Từ


I. ĐẠI Ý KINH

Đức Phật giới thiệu bảy phương pháp diệt trừ tận gốc rễ của lậu hoặc, phiền não. Tuỳ theo căn tánh, hành giả chọn lựa cho mình phương pháp thích hợp nhất để giải phóng tất cả trói buộc, sống an lành và hạnh phúc, ngay bây giờ và tại đây.

II. NỘI DUNG KINH

Đối tượng thính chúngđược đức Phật giảng dạy phương pháp diệt trừ lậu hoặc là “người biết và người thấy.”

Hai loại tác ý: Tác ý là nền tảng nhận thức, theo đó, lậu hoặc sinh khởi hay bị đoạn diệt. Do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

1) Trừ diệt lậu hoặc bằng tri kiến:

Phàm phu do không tuệ trinên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.

Không cần tác ý mà lại tác ý: do vậy 3 lậu (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu) chưa sanh được sanh khởi, hay đã sanh được tăng trưởng.

Tác ý các pháp cần tác ý: nhờ đó, 3 lậu (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu) chưa sanh không sanh khởi, hay đã sanh được trừ diệt.

Không như lý tác ý về quá khứ: "Ta có mặt hay không? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt với hình vóc như thế nào?

Không như lý tác ý về vị lai: "Ta có mặt hay không? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt với hình vóc như thế nào?”

Không như lý tác ý về hiện tại: "Ta có mặt hay không? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt với hình vóc như thế nào? Chúng sanh từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?”

Hậu quả của không như lý tác ý: sáu tà kiến (còn gọi kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược) xuất hiện: 1) Ta có tự ngã", 2) Ta không có tự ngã, 3) Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã, 4) Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã, 5) Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã, 6) Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại.

Do bị tà kiến trói buộc, phàm phu không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Nhờ như lý tác ý: "Đây là khổ," "Đây là khổ tập," "Đây là khổ diệt," "Đây là con đường đưa đến khổ diệt," ba kiết sử là thân kiến, nghi, giới cấm thủ được trừ diệt. Đây gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

2) Trừ diệt lậu hoặc bằng phòng hộ: Với như lý giác sát, người trí sống phòng hộ mắt, tai, mủi, lưởi, thân và ý; nhờ đó, các lậu hoặc được diệt trừ và nhiệt não không còn.

3) Trừ diệt lậu hoặc bằng thọ dụng:

a) Y phục để che đậy sự trần truồng, ngăn ngừa lạnh, nóng, ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát.

b) Thực phẩm không phải để hưởng thụ, thoã mãn, tự làm đẹp thân, mà chỉ để thân được sống lâu và sống khoẻ, hỗ trợ con đường tu tập, nhờ đó diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, không còn lỗi lầm, sống được an ổn.

c) Sàng toạ chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

d) Dược phẩm để trị bệnh, ngăn chận các cảm giác khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.

4) Trừ diệt lậu hoặc bằng kham nhẫn:

a) Kham nhẫn khí hậu và thời tiết: lạnh, nóng.

b) Kham nhẫn thực phẩm: đói, khát.

c) Kham nhẫn ngoại duyên: sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát.

d) Kham nhẫn thị phi: kham nhẫn những cách nói mạ lỵ, phỉ báng.

e) Kham nhẫn cảm thọ khổ của thân (thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người).

5) Trừ diệt lậu hoặc bằng tránh né:

a) Tránh né thú dữ: voi, ngựa, cọp, rắn, chó sói v.v...

b) Tránh né ngoại cảnh: khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước.

c) Tránh né nơi chốn: những trú xứ không nên lai vãng, những chỗ ngồi không đáng ngồi.

d) Tránh né người bất thiện: bạn bè hay người ác độc nếu giao du thì bị người trí nghi ngờ, khinh thường.

6) Trừ diệt lậu hoặc bằng trừ diệt:

a) Dục niệm: tư duy, ý niệm hướng về dục, ước muốn thoã mãn dục tính, lệ thuộc dục vọng; xem khoái lạc giác quan là cứu cánh của cuộc sống.

b) Sân niệm: tư duy, ý niệm hay khuynh hướng bực tức, giận dữ, chống đối đối tượng, thể hiện qua lời tục tĩu, thô bạo, thiếu ái ngữ; qua hành động nóng nải và các biểu hiện nôn nóng.

c) Hại niệm: tư duy, ý niệm hay khuynh hướng tiêu diệt, cản phá đối tượng không thích; hãm hại, trù dập, ức hiếp người khác.

d) Bất thiện, đã khởi lên, đang hiện hữu hay sẽ có mặt; không để chúng tồn tại lâu dài trong ý nghĩ và việc làm.

7) Trừ diệt lậu hoặc bằng tu tập (bhāvanā):

Ngoài hỗ trợ bằng phương pháp đoạn trừ lậu hoặc trên nền tảng ngăn ngừa các tâm lý dục, sân, hại và các pháp bất thiện, hành giả còn phải vận dụng 7 yếu tố giác ngộ: a) chánh niệm, b) trạch pháp, c) tinh tấn, d) hoan hỷ, e) khinh an, f) định tĩnh, g) xả ly, hướng đến viễn ly, ly tham và giải thoát.

Bệnh Nào Thuốc Nấy: những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng dược đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ. Nhờ đó, con người được sống trong phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

III. CHÚ THÍCH THUẬT NGỮ

Lậu hoặc(P. āsava, S. āsrava): sự ô nhiễm, mê lầm (hoặc) hay rỉ chảy (lậu) của tâm, có khả năng làm chúng sanh rơi rớt (lậu) trong sanh tử luân hồi. Có ba loại lậu hoặc: a) dục lậu (kāmāsava): sự ô nhiễm do tham đắm khoái lạc giác quan; b) hữu lậu (bhavāsava): sự ô nhiễm do tham đắm tái sanh ở thế giới sắc thể và thế giới vô sắc thể; c) kiến lậu (diṭṭhāsava): sự ô nhiễm do chấp thủ vào quan điểm sai lầm, hay do thiếu tuệ giác về bốn chân lý thánh.

Như lý tác ý(yoniso manasikāraṃ) thường được dịch trong tiếng Anh là “thích hợp để chú ý” (fit for attention) hay “sự chú ý không ngoan” (wise attention), “sự phản ánh thông thái” (wise reflection), hay “sự chú tâm có lý trí” (rational attention) vốn không phản ánh đúng được thật chất của thái độ nhận thức này. Như lý tác ý là cách viết theo cấu trúc Hán Việt, thay vì phải gọi là “tác ý như lý” là cách dụng tâm hay nhận thức phù hợp với “đạo” hay nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Đây là cách thức đặt tâm vào quỷ đạo chân lý, phản ánh loại nhận thức sự kiện phù hợp với luật duyên khởi, luật nhân quả đang diễn ra hay tương thích với bản chất của sự vật hiện tượng đang diễn ra xung quanh ta.

Không như lý tác ý(ayoniso manasikāraṃ)hay còn gọi là “tác ý không như lý” tức là cách dụng tâm hay nhận thức không phù hợp với “đạo”, hay nhận thức trái ngược lại với chân lý hay nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Chẳng hạn, nhận thức “thường còn” trong vô thường; nhận thức có một bản ngã bất biến trong các sự vật không thực thể; nhận thức hạnh phúc trong khi sự kiện diễn ra là khổ đau.

Sáu giác quan: mắt, tai, mủi, lưởi, thân và ý là các cơ năng nhận thức trên cơ sở tưởng tri và ý niệm hoá.

Bảy giác tri: bảy yếu tố giúp cho hành giả đạt được sự giác ngộ: chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, hoan hỉ, khinh an, thiền định và buông xả.

Tà kiến (micchādiṭṭhi): quan niệm hay nhận thức không dựa trên lý duyên khởi, lý nhân quả, lý vô thường và lý vô ngã.

Kiến trù lâm(diṭṭhigaharam): tà kiến như rừng rậm; đây là quan niệm hay nhận thức sai lầm trói buộc con người như rừng cây làm cho người lạc lối bị mê hồn trận, không biết lối ra.

Kiến hoang vu (diṭṭhiṭhikantāram) tà kiến như bình nguyên hoang dã, làm người tu tập hành mất định hướng trên con đường đạo.

Kiến hý luận (diṭṭhivisūkam): tà kiến là nhận thức sai lầm, trói buộc con người trong các lý luận quanh co, vô ích cho đạo đức và nhận thức.

Kiến tranh chấp (diṭṭhivipphanditam): tà kiến trói buộc con người trong sự bảo thủ quan điểm của mình như chân lý, phủ định xung đột với các quan điểm khác, là đầu mối của chấp trước, tranh giành và đấu tranh.

Kiến kiết phược (diṭṭhisamyojanam): tà kiến trói buộc con người, làm cho con người không thể vùng vẫy nổi, sai sử con người trong khổ đau và luân hồi.

IV. NHẬN XÉT

Khái niệm “tưởng tri” và “thắng tri” được kinh này thay thế bằng hai khái niệm “tác ý không như lý” và “tác ý như lý.” Khi dụng tâm chân chánh thì đó là tác ý như lý. Đây cũng chính là “chánh kiến” tức cái nhìn đúng với bản chất của sự vật. Khi dụng tâm không chân chánh thì đó là “tác ý không như lý” và đây chính là tà kiến. Bài kinh này dạy chúng ta cách thức tác ý dụng tâm để mang lại giá trị hạnh phúc và an vui. Tất cả các nhận thức không theo quỹ đạo đó cần phải được loại trừ.

Nhận thức trong Kinh này được xem là đầu mối của khổ đau hoặc hạnh phúc, sinh tử hoặc giải thoát. Vấn đề không nằm ở đối tượng được nhận thức, mà nằm ở xu hướng của nhận thức. Nếu nhận thức đúng với chân lý thì đó là thắng tri của bậc thánh, vượt thoát khỏi mọi hệ luỵ. Ngược lại, nếu nhận thức không phù hợp với chân lý thì đó là tưởng tri, dấy khởi các tâm lý tham lam, sân hận, si mê, lôi kéo con người vào từ trừng của sinh tử.

Đối tượng tu tập của kinh này là phiền não lậu hoặc, những tâm lý âm tính, trói buộc chúng sanh trong khổ đau. Phương pháp tu tập trong Kinh này khởi đi bằng nhận thức “như lý tác ý” để thành tựu được đời sống đạo đức thanh tịnh. Nói cách khác, để có được hạnh phúc khỏi những đau khổ, hành giả phải điều chỉnh nhận thức và sự tác ý về đối tượng nhận thức.

Nếu các Kinh khác nhấn mạnh đến gốc rễ của lậu hoặc chính là các tâm lý tham, sân và si thì Kinh này đề cập đến cách thức nhận thức không đúng với chân lý tạo nên gốc rễ của phiền não, lậu hoặc. Điểm đặc biệt của Kinh này là đề cập đến 7 góc độ góp phần tạo ra lậu hoặc: nhận thức sai lầm, thiếu sự phòng hộ các giác quan, thọ dụng để thoã mãn các dục, thiếu kham nhẫn, không biết tránh né những thứ cần tránh né, không đoạn trừ các bất thiện pháp, và không tu tập các yếu tố dẫn đến sự giác ngộ. Con đường giải thoát hay con đường chế ngự lậu hoặc được khởi đi bằng nhận thức chân chánh và phát huy các đức tính đối lập với các cá tính vừa nêu.

Bài kinh này đề cập đến “như lý tác ý” như nhận thức chánh kiến, giúp con người dập tắt khổ đau. Qua đó, chúng ta thấy rằng trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo. Nơi nào có trí tuệ nơi đó có hạnh phúc. Mấu chốc của con đường tu tập trong Kinh này chính là đoạn trừ lậu hoặc bằng các từ bỏ thái độ chấp thủ quan điểm. Khi thái độ chấp thủ không còn, lề lối nhận thức theo truyền thống hay theo kinh nghiệm hữu ngã không còn chỗ đứng. Nhờ đó, các tác ý hưởng dục, tác ý giận dữ, tác ý sát hại, tác ý bất thiện hoàn toàn vắng mặt. Sự giác ngộ theo đó được trưởng thành.

VI. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Tại sao Kinh không đề cập sáu hay tám, mà chỉ có bảy phương pháp tu tập diệt trừ lậu hoặc. Số bảy trong Kinh này là con số biểu tượng hay mang một ý nghĩa nào khác?

2. Ngoài bảy cách thức tu tập trong Kinh, quý vị có phát kiến ra cách thức nào khác không mà vẫn có hiệu quả trong việc diệt trừ các lậu hoặc cá nhân ?

3. Theo bạn, các phương pháp tu tập trong Kinh này có giá trị tuyệt đối cho tất cả đối tượng khác nhau trong nhiều trường hợp khác nhau, hay chỉ áp dụng cho từng trừng hợp và từng đối tượng cụ thể ?

4. Theo bạn, cái gì làm cho bạn khổ đau nhất trong đời. Nếu bạn phải giáp mặt với khổ đau đó một lần nữa thì bạn chọn phương pháp nào trong bảy cách thức tu tập trong kinh này để giải quyết khổ đau đó?

5. Trong bảy phương pháp tu tập trong Kinh này, bạn thích phương pháp nào nhất? Tại sao?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]