Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời tựa Nhị khóa hiệp giải hội bổn

22/05/201318:38(Xem: 11495)
Lời tựa Nhị khóa hiệp giải hội bổn

Nhị khóa hiệp giải

Lời tựa Nhị khóa hiệp giải hội bổn

Hòa Thượng Thích Khánh Anh Việt dịch

Nguồn: Ngài Quán Nguyệt chú giải, Hòa Thượng Thích Khánh Anh Việt dịch

Nhị khóa hiệp giả hội bổn đây, là một công tác của Ngài Pháp Sư hiệu Quán Nguyệt bên phái Thiên thai diễn thuật ra.
Ta (Tịnh Hư) nghị luận rằng: Ngài Pháp Sư làm ra “Nhị khóa hiệp giải hội bổn” đây là Ngài biết đạo chăng?
Vã luận (phàm): từ cái tâm nó vốn là bản thể chơn không, mà biến hóa ra thành cái “ngoan không” là vì bởi cái niệm bất giác (mê); rồi từ nơi “ngoan không” đó lại thành lập ra thế giới; đã có thế giới rồi lại phát sanh ra vạn vật.
Đã có muôn loài sanh ra rồi, thì nhân tâm đều xu hướng đến để nhiễm trước vào, mà bỗng nhiên chấp lấy có cái “ta” làm chủ. Tự có cái ta rồi, thì với tất cả các pháp, không một pháp nào là không có cái ta nó chấp đến, từ tầng, mỗi lớp mê hoặc nghiệp chướng chất chồng, đều nhơn theo cái ta đó để phát sanh, mỗi sự, từng vật, hiện tượng ngỗn ngang cũng do cái ta đó mà huyễn hóa ra.
Đấy là từ nơi cái cảnh giới “Không” mà chường bày tiến đến cái cảnh giới “có”. Phật bảo “tâm sanh chủng chủng pháp sanh” là vậy.
Lật lại nghĩa trên để xét thì cái ta tức là cái người, ta tức là sự vật; ta tức là thế giới và ngoan không; đến cả những gì cũng cứ so theo chánh nghĩa đó để xét lại, tìm cho đến nơi bản thể chân không, thì hẳn không có cái chi đáng gọi là cái “ta” cả.
Với cả vũ trụ vạn hữu, đều không có cái chi đáng gọi là ta rồi, mà còn có cái ta tự biết đó, thì “cái ta” ấy nó hãy còn chưa thoát khỏi nơi cái ta của sanh, lão, bịnh, tử bất quá nó cũng như cái biết chiêm bao trong giấc chiêm bao của ông Trang Tử đã bảo thế thôi.
Đây là từ nơi các cảnh giới “có” mà tiêu dung hườn lại cái cảnh giới “Không” Phật bảo “tâm diệt chủng chủng pháp diệt” là thế.
Từ không mà tiến đến có, thì cách với đạo ngày một đi xa lần; từ có mà lui lại không thì với đạo càng ngày càng gần gũi sát.
Với nghĩa rằng “cách đạo một ngày một xa” đó, nó cũng như nghĩa của câu “gọng xe thì hướng về phương nam, mà lằn dấu của bánh xe lại lăn qua phía bắc”, nghĩa là đi cách xà lui.
Với cái lối hành động trái ngược như thế đó, há không thể không có một phương pháp gì để chận ngăn lại ư? Là cản lại không cho nó vọng hành như con tôm tít bắn lùi.
Với nghĩa rằng “cùng đạo càng ngày càng gần” đó nó cũng như nghĩa của câu “nấu nước sôi mà hóa làm hơi bốc bay lên” nghĩa là bể trần lòng cạn bằng cách diệt tâm thâu tâm, với cái lỗi phóng tâm như “trụ sắc trần sanh tâm.....” tán loạn như thế, thì há không thể không có một phương pháp gì để thâu liễm lại ư? là chế tâm lại một chỗ không cho nó phóng túng như con khỉ, con vượn nhảy nhót.
Phương pháp ấy là gì?
Thưa rằng chỉ là 2 thời khóa tụng mai chiều đây vậy. Vì rằng: có thời tảo khóa, thì với cảnh giới từ nơi “không mà có” kia để làm tâm hơi; có thời mộ khóa, thì với cái cảnh giới từ nơi “có mà không” đó, để làm tin tức. Vậy cái tăm hơi (tiêu) ấy, cái tin tức (tức) ấy, đây gọi là Đạo chăng?
Đạo lại có “thị đạo” có “phi đạo” là hai bề mặt và trái. Với phi đạo mà cũng không một mơi (sớm), một chiều nào khá rồi ra (lìa) được đó, là vì nó cũng là cái đạo để vào đạo, bởi nhờ có đó là phi, mới biết được đây là thị.
Với cái đạo để vào Đạo, nếu phi giải thích, thì không dễ gì mỗi ai cũng đều rõ được. Tỷ như qua chỗ nước lớn, tuy đã sẵn có ghe xuồng, nhưng không có dầm chèo mà có thể khỏi được cái điều mút mắt thở than rằng khơi bể mênh mông chăng!? Nếu mà quay trở về cố quốc. Tuy có xe tốt mà không có kim chỉ nam, thì điều đó có thể miễn khỏi cái sầu thảm lạc đường không?
Từ bổn kinh “Nhị khóa hiệp giả hội bổn” nầy ra đời, thì những nghĩa kín đáo của “nhị thời khóa tụng” đều rõ ràng bày ra, không sót mảy giấu khuất, dù là căn cơ người bực trung, trình độ người lớp hạ, cũng đều thông hiểu được dễ dàng; chỉ cốt một điều là cố gắng dày công lễ bái, trọn niệm tụng tu, thì tự nhiên cái cảnh duyên phải dứt, cái tâm vọng phải tan, một mảy trần chẳng dính bám vì xem “tâm minh cảnh” đâu phải như lòng gương hữu hình, muôn hiện tượng đều không trơn, bởi biết “quả bồ đề” nào phải như trái cây thực vật.
Đạo ở tại đấy chăng? Hay là không ở nơi đó ư? Ta đây là kẻ còn ngu dốt, đâu đã đủ trí để biết đặng! Song, tâm ta vẫn tự tin chắc rằng sẵn có Đạo ở tại đây mà không ngờ, ấy là “Lời giải” của nhị thời khóa tụng đây vậy. Đã rõ được lời giải của nhị khóa rồi, thì biết rằng lời giải nhị khóa đó, là phi giải nhị khóa vậy đâu, mà là giải cái đạo vào Đạo vậy.
Đành rằng với đạo không thể giải, mà với cái đạo vào Đạo chẳng khá dùng chẳng giải được, đấy là chỗ khổ tâm của Ngài Pháp Sư đối với việc tác thuật nầy vậy.
Trong đời có kẻ hỏi thăm đường đạo nầy, thì ắt phải từ nơi cái đạo vào Đạo mà vào chớ nghi. Mà ai là người muốn từ nơi cái đạo vào Đạo để đi vào, thì hơn nữa là ắt phải từ nơi cái đạo vào Đạo là chỗ của Ngài Pháp Sư hiệp giải đó để vào chớ có nghi ngờ gì nữa.
Nếu biết rằng: Cái đạo vào Đạo mà Pháp Sư giải ra đó, nó ở tại đây; ngay như cái đạo vào Đạo mà phi ngài Pháp sư giải đó, nó cũng ở tại đây, là vì chẳng phải ngài Pháp Sư chỗ giải cái đạo vào Đạo ở đây. Cho nên biết rằng: Cái đạo mà chẳng phải đạo vào Đạo của ngài Pháp Sư đã giải, cùng với cái đạo mà chẳng chẳng phải đạo vào Đạo của ngài Pháp Sư đã giải, cũng đâu chẳng ở đây; vì Đạo thì không đâu là không ở (mà không nhứt định ở đâu, kêu bằng phi nội, phi ngoại, vô thỉ, vô chung bất sanh, bất diệt, vô lai, vô khứ.)
Pháp sư ngài dư biết cái ý chỉ đó rồi; bởi thế, với tôi thì tôi lẳng lặng có chỗ cảm đến, rỗng rang có chỗ nghĩ đến, hình như chẳng tự biết trí lực của mình còn kém lắm, vừa nhận thấy thấp thoáng, mập mờ, mà dám làm lời tựa, và vội bàn đến cái tiêu tức của pháp môn, để dạy người có Đạo sau nầy.

Bấy giờ nhằm năm Quý Sửu (1913)
tháng trọng đông, ngày mười sáu,
núi Ốc Châu (tại huyện Tân xương, tỉnh Chiết giang)
họ Tịnh Hư, tên Du Hằng, soạn tựa nầy.

LƯỢC CHÚ THÍCH

Thiên thai tông: đời nhà Tỳ, Tổ Trí giả ở tại núi Thiên thai, nên Núi để lập thành danh tông phái. Dùng Pháp Hoa kính làm bổn kinh, dùng Trí độ luận làm chỉ nam, dùng Niết bàn kinh làm phù sơ, dùng đại phẩm kinh làm pháp quán, nhơn đó để phát minh cái diệu lý của nhứt tâm tam quán. Tông này Tổ thứ nhất là Huệ Văn ở Bắc Tề, tổ thứ hai là Huệ Tú ở Nam nhạc; tổ thứ ba là Trí giả vân vân.
Chơn Không: chẳng phải ngụy là chơn; lìa danh tướng là không nghĩa là cái không đơn độc lệch về bên chơn, vì khong hcấp có một vật gì cả nên gọi là chơn không, đó là cái cảnh giới Niết bàn của Tiểu thừa. Đối với cái có phi hữu gọi là diệu hữu, bảo cái không phi không là chơn không, đó là cái lẽ chơn không rất tột của Đại thừa.

THÊM CÁI BIỂU 7 PHÉP LẠY VÀ CHÚ GIẢI

1.- Lạy bằng cách ngã mạn và cống cao(Ngã mạn lễ): Ỷ thị lấy trong bậc ngôi của mình, vì không lòng cung kính, ý thức rong theo ngoại cảnh, thân lạy mà năm vóc chẳng sát đất, tỷ như cái chày đạp giã gạo, nó chỉ võng lên hạ xuống mà thôi, chứ không có ý niệm gì.
2.- Lạy bằng cách kẻ xướng lên người họa theo (Xướng hòa lễ): Bộ dạng lổm nhổm, lòng dạ xôn xao, thấy có ai thì hình như nhẹ nhàng, gấp lạy, người đi rồi, thì trễ nãi mệt mê; hoặc là lòng tán loạn mà miệng thì xướng họa vậy thôi.
3.- Lạy bằng cách cả thân lẫn tâm đều cung kính (Thân tâm cung kính lễ): Nghe xướng danh Phật, liền tưởng nhớ Phật, ngoài thân trong tâm thảy đều thành kính, với việc lạy đều tinh tiến ân cần chứ không trễ nãi. (Ba cách lạy này thuộc về Sự)
4.- Lạy bằng cách dấy trí thanh tịnh nơi lòng (Phát trí lưu tịnh lễ): Hiểu thấu cảnh giới của Phật đều tùy nơi tâm để hiện lượng nên lạy một Phật tức lạy tất cả Phật, lạy một lạy tức là nhiều lạy, vì lẽ là pháp thân của chư Phật vẫn lẫn suốt với nhau, nghĩa là tự Phật tức tha Phật.
5.- Lạy bằng cách khắp vào cõi pháp giới tánh(Biến nhập pháp giới lễ): Tự xét các pháp và thân tâm ta từ trăm đời ta, từ trăm đời trước, cho đến sau đời sau, vậy nay chưa hề lìa pháp giới tánh, chúng sanh bằng bực với Phật; chừ lạy một Phật, như lạy khắp cả chư Phật ở pháp giới.
6.- Lạy bằng cách quán tưởng lòng chân chánh (Chánh quán lễ): Lạy ngay lấy Phật tánh của mình chớ phi Phật nào đâu khác, bởi vì tất cả chúng sanh xưa nay đều vẫn sẵn sàng có Phật tánh hoàn toàn bình đẳng chân giác.
7.- Lạy bằng cách thân tướng bình đẳng (Thật tướng bình đẳng lễ): Sáu cách lạy trước có lạy có quán tưởng; tự Phật khác với tha Phật; chừ đây một lạy không hẳn tự tha, phàm thánh như một thể dụng chẳng hai nên đức Văn Thù nói: Tánh lạy vắng lặng, không phân biệt tâm cảnh, năng sở gì. (Bốn cách lạy này thuộc về Lý)
Kinh Đại Phương quản bửu triếp chép lời của Ông Trí Đăng Thinh văn hỏi đức Văn Thù rằng: „Thế nào là lạy Phật?“
Đức Văn Thù đáp: „Nếu thấy pháp (sự vật) sạch, thì gọi là thấy Phật sạch; hoặc thân và tâm chẳng thấp chẳng cao, chỉ ở một mực ngay thẳng, lòng vẫn vắng lặng, không hề diêu động, làm cái hạnh vắng lặng, như thế thì gọi lạy Phật“.
Kinh Hoa Nghiêm chép có ba cách lạy Phật: 1) Lạy nên lỗi: là trong lúc lạy Phật, cái thân dung nghi chẳng chính, vì theo nhau với tánh khinh mạn, tỷ như cái chày đạp lên xuống, nên Phật bảo là có lỗi. 2) Lạy tương tợ: Trong khi lạy Phật thân thể dung nghi tợ hồ đoan chính, mà tâm niệm thì tưởng xằng nghĩ bậy. 3) Lạy thuận thật: Lúc đương lạy Phật, thân nghi hợp nhau với cái trí chân chánh, vì thuận theo tâm thành thật để lạy.
Bộ Hoa Nghiêm tùy sớ diễn nghĩa nói: Hễ là kính lạy ngôi Tam Bảo, ắt phải năm vóc đều sát đất. Chi vậy? Lý do bẻ dẹp tánh kiêu mạn, dùng nêu lòng thành kính: 1. Đầu gối hữu 2. Đầu gối tả 3. Cùi chỏ tay hữu 4. Cùi chỏ tay tả 5. và trán, đầu chấm sát đất. Nghĩa là trong những lúc mỗi vóc nào vừa sát đất đều có mỗi câu nguyện như: Một (1) khi đầu gối hữu sát đất nguyện cho chúng-sinh đồng đặng đạo chánh giác. Hai (2) khi đầu gối tả sát đất, nguyện cho chúng-sinh lòng không tà kiến thuận với pháp ngoại đạo, mà đồng được đứng vững trong đạo chánh giác. Ba (3) tay hữu sát đất, dường như đức Thế Tôn lúc ngồi tọa kim cang, quả đất rung động hiện điềm, nguyện cho chúng-sinh đồng đắc quả Bồ đề. Bốn (4) tay tả sát đất, nguyện cho chúng-sinh xa lìa những phái ngoại đạo khó điều phục, dùng pháp tứ nhiếp để cảm hóa khiến vào đạo chánh. Năm (5) đầu mặt sát đất, nguyện cho chúng-sinh bỏ lìa tâm kiêu mạn, đồng đặng trọn nên đạo quả Vô thượng Bồ đề.
Sách Tây việc ký nói: Về nghi thức để tỏ lòng thành kính có chín cách lễ phép như dưới đây:
Thốt lời vỗ về hỏi han.
Cúi đầu để tỏ lòng kính viếng.
Giở tay đưa lên cao và hạ xuống để xá kính.
Hoặc vòng tay, hoặc chắp tay ngay trước ức để kính chào
Co cái đầu gối lại.
Quỳ gối mà duỗi dài hai chân ra.
Đầu gối quỳ sát đất.
Năm vóc đều co thúc tròn lại và,
Năm vóc đều gieo xuống sát đất.
Cả chín cách lễ phép để cung kính như trên, ưu điểm hơn hết là: hoặc một lạy, một quỳ để khen ngợi những đức tính tốt đẹp, gọi là hết lòng kính.

PHỤ LỜI CỦA NGỌC LÂM QUỐC SƯ NHƠN VIỆC KHÓA TỤNG BẢO CHỨNG

Quốc sư dạy rằng: Gần đây đạo pháp của người tu, ngày một yếu lần, là bởi ma chướng nó đắc thời, được mạnh lấn át đi; cũng vì bề trên không có đức thầy nghiêm huấn, nên để tà giáo chen chân vào tông môn (thiền tông), rồi ra nông nỗi?
Phần đông đều tự hào là: học tông chỉ, bàn tông chỉ v.v... mà ai ngờ là họ luống mê theo tông chỉ, lời của họ rặt một mùi xuyên tạc, còn giềng gốc từ trên mặt mắt sờ sờ mà họ chưa hề thấy.
Sở dĩ miệng thì mỗi lời rằng tỏ ý chỉ, mà chân lại mỗi bước sái chánh tông! Ngay như một hạng người không biết xấu hổ, vì họ tự dối khoe mình là con cháu dòng Lâm Tế, hễ mở miệng ra đã dốc rằng: “Duỗi (xủ xuống) lòng từ ắt có phương pháp, không phương pháp thì chẳng thể rũ lòng thương được.”
Lâm Tế tông có tám phương pháp như là: huyền, yếu, quyền, thật, chiếu, dụng, chủ, tân. Thế mà với cả chánh vụ của tùng lâm, và hai thời công phu khóa tụng, họ đều cho rằng: đấy chỉ là những việc cũ nên chấm (chỉ là cái điểm nhỏ) lấy, tưởng cũng nên làm chút đỉnh, và niệm Phật ít ít vậy, mới phải là giống được kẻ môn hạ của tổ Lâm Tế.”
Hứ ! Cha chả ! Ta chẳng biết hạng người ấy làn da mặt nó dày đến bực nào. Nếu là “việc cũ kĩ tầm thường” có trở ngại với đạo Tổ, thì chi bằng đừng niệm còn hơn, chớ sao lại nói “niệm Phật ít ít, làm việc chút đỉnh” mà chi? Hoặc tùy thuận thói đời cho rằng niệm Phật và làm như thế là cũ kĩ, thì đâu phải là chỗ hành động của bực đại trượng phu cùng Phật Tổ để làm thầy tai mắt cho người và trời ư?
Đối với mấy ông Sư ám đoản (tối tăm, thiển cận) lưu tục (phàm phu) nào đó, ta nay có lời thành thật để chỉ thị rằng: các Sư chớ tự hào là kẻ môn hạ của Tổ Lâm Tế, đừng dối khoe là tổ tông chỉ, và cũng chẳng cần riêng tìm cái lẽ gì để làm người (rõ chính mình tức chân lý); đã muốn rõ tông chỉ, thì chớ bỏ qua chuyện trước mặt, cũng đừng bắt lấy một điều nọ, buông thả một điều kia là được.
Dạy cho các Sư phải biết rằng: cái điều báo ân, chánh là hai thời khóa tụng đó, vì hai đường công phu ấy, vẫn cũng có tám yếu điểm là có huyền, có yếu, có quyền, có thật, có chiếu, có dụng, có chủ, có tân đó mà.
Cũng chẳng khác với Tổ Lâm Tế có pháp công án là 4 cách “Hét” để tiếp độ người như thượng tọa nào đó, cũng:
Có khi niệm Phật một tiếng cũng là một tiếng hét, tỷ là “Kim Cang vương bửu kiếm” là “gươm bén chặt đứt tất cả ý hiểu bằng chữ nghĩa”
Có khi niệm Phật một tiếng cũng là một tiếng hét, tỷ như “cứ địa kim mao sư tử” là thốt lời thở hơi, uy mãnh thế lực vang dậy, bầy thú khiếp vía, chúng ma khinh hồn.
Có khi niệm Phật một tiếng cũng là một tiếng hét như “thám can ảnh thảo” là: buộc lòng của con chim Đào Hà vào đầu cây sào, tay cầm sào đo dưới nước, đợi bầy cá bu đến rồi dùng cái vợt lưới đã thả ngầm trước ở dưới mà vớt lên, thế gọi “thám can”; cắt cỏ thả bè giữa nước, thì bầy cá núp ở dưới bóng cỏ, cũng lấy vợt lưới xúc lên, gọi là “ảnh thảo”. Hai phương thế ấy đều ví dụ chỗ khéo dùng của Thiện tri thức để tiếp các Học giả.
Có khi niệm Phật một tiếng mà chẳng dùng làm một tiếng niệm Phật hay cũng như tiếng “Hét”, thì các người hiểu bằng cách nào?
Cũng có: như giết chết, như cứu sống, như buông ra, như bắt lại; cũng có chủ, cũng có khách, cũng như ao thanh lương, cũng như đống lửa lớn, dan ra thì bị lạnh khổ, đụng đến thì cháy mặt mày. Tha hồ ai: đi tả đi hữu, khi tới khi lui, hoặc xiên hoặc ngay, nào phải nào chẳng, dầu việc làm giống nhau với trí hiểu, hay không đúng nhau cho đến chỗ xét thấy đã thấu thoát, và gì gì nữa chẳng hạn, cũng không cần hao công làm chi khác hơn là chỉ nội hai đường công phu khóa tụng, cũng đủ tài liệu dón gọn mà tường tất được hết cả.
Phàm là người ở về giới báo ân, chờ lấy hai đường khóa tụng cho là việc cũ luống suông, mà phải biết rằng hai thời công phu ấy đâu chẳng phải: là pháp bí mật của Phật Tổ, là môn tổng trì của Phật Tổ, là tâm yếu chẳng truyền của Phật Tổ, và chẳng chẳng là nẻo chóng tắt tự tha lưỡng lợi của Phật Tổ.
Nếu rằng không cần hai đường khóa tụng, vì riêng còn có tông chỉ khác, có Phật pháp khác, và riêng có chỗ hiểu rõ điều hay hơn nữa, mà lại muốn mượn cái thuyết “niệm Phật là để sửa khẩu nghiệp” (nguyên văn: lỡ niệm Phật phải đi súc miệng) của ngài Triệu Châu, để mong trốn tránh lười biếng, dối toan nói khoát với người, thì ai đó chính là người trước nhứt hủy báng ngài Triệu Châu rồi, vì chẳng muốn cho người ta niệm Phật mà lại, mình thì lại dùng báo ân bằng niệm Phật, thì thật là khá thương! Như thế là quá ư lẩn quẩn, mâu thuẫn!
Nếu các Sư hẳn là kẻ có thể phát triển ra được những Tay thợ, Mắt thầy, phát minh sản xuất thành lập ra được một cách gì riêng để tự độ, độ nhơn đi cái, thì, thượng tọa (mỗ) kia tự biết được các Sư, chẳng cần các Sư hành động giống với ta chi. Nếu các Sư bảo ắt phải như thế, ta lại chẳng như thế? Chỉ việc như thế của ta chẳng đủ tám điều Huyền, Yếu, Quyền, Thật, Chiếu, Dụng, Chủ, Tân, Tung Đoạt đó, vậy các Sư hiểu làm cách nào lại dám nghĩ bàn bướng ư?
Phàm là bị Ma thâu hút, hơi độc đã thấm sâu vào tâm não, thì tha hồ các Sư đi học Phật pháp, học tông chỉ bằng cách gì riêng khác, sanh tâm phân biệt bao nhiêu thời bao, chọn lựa cách khác muốn mấy thời mấy, đến ngày nào sáng mắt ra rồi, chừng đó mới tự biết mình thua!
Còn ai là đồng chi, chắc thật học đạo, tất phải lấy hai đường khóa tụng làm lập trường cho vững chắc, để nỗ lực hành trì, ngõ khỏi bị Ma vương cám dỗ!
Chi như với chúng nào là “Sư tử trùng” thì quyết chẳng nên coi thường dung dưỡng, để nó làm loại thanh quy (hai thời khóa)!

CHỈ LẼ CỐT YẾU

Xét ra, tánh pháp giới, tâm tri giác, chỉ thật là một tướng, tùy chúng sanh mỗi cơ cảm, nên pháp phương tiện có nhiều môn. Bởi thế, đức Như Lai thuyết pháp 49 năm, nói kinh hơn 300 hội, đều do từ trong tâm của “Pháp thân vô tướng” lưu thông ra, để thích hợp khắp suốt tất cả tầng lớp giữa muôn loại chúng sanh.
Nguyên vì, tâm Phật vẫn thanh tịnh, bao hàm, dung nạp cả tánh pháp giới, mà chúng sanh thì chỉ mê mẩn ở trong pháp giới tánh để sanh diệt lưu chuyển; chớ có biết đâu, tâm thể của chúng sanh cũng vẫn thanh tịnh, bao trùm mười phương, thì chư Phật cũng vẫn ở trong tâm ấy của chúng sanh để vãng lai thị hiện. Nên Quán Kinh nói: “cái Pháp thân (pháp giới tánh của chư Phật Như Lai), nó lẫn vào trong lòng tưởng của tất cả chúng sanh, nghĩa là trong khi lòng chúng sanh tưởng Phật, thì tâm ấy tức là Phật, đã là Phật thì tức là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp cũng đồng nghĩa trên.
Mặc dầu thế, lúc mà chúng sanh còn đương mê, chính là khi chư Phật đã ngộ, nếu phi có chư Phật xuất hiện nơi đời, thì chúng sanh làm gì tự biết được mình sẵn có đủ “tánh trí huệ” là tánh giác của Phật? Mà với sanh tử phiền não, không thể cùng tận đặng, nếu “tánh trí huệ” còn đương trầm mê!
Bởi thế, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, nói năm thời giáo pháp:
Tại nơi trường tịch diệt, Phật thị hiện ra cái thân đủ tướng tốt viên mãn, nói rộng ra cái trí mầu, đầy rẫy pháp giới; bực Bồ Tát là căn cơ Đại thừa nghe rồi liền chứng vào pháp viên đốn.
Kế đến Lộc Dã, Phật thuyết pháp Tứ đế, hạng căn cơ Tiểu thừa nghe rồi chứng đặng cái lý chơn không, ra khỏi cảnh giới ba cõi luân hồi (chứng A La Hán, ra khỏi sanh tử luân hồi tam giới).
Kế nói thời Phương Đẳng, nêu bày 4 giáo pháp, hạng người bực Tam thừa, tùy trình độ thế nào, được đắc đạo thế nấy.
Kế diễn thuyết pháp Bát Nhã, nói rõ cái tánh không, khiến cho căn cơ của tam thừa tiêu tán hết 2 cái tướng chấp ngã, chấp pháp, rộng ra hành pháp lục độ, kêu bằng “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
Kế đến A) Phật cùng đại chúng vân tập tại non Linh Thứu, để rao bày “Đại thừa diệu pháp” nghĩa là: mở pháp quyền đã nói từ 4 thời trước, để rõ pháp thật chỉ nhứt thừa ngày nay; bởi thế, cả tam thừa đều nhờ được Phật thụ ký, đến cả 6 cõi phàm đều đặng lần vào cảnh giới diệu huyền, tỷ như trăm sông đều dồn về biển, các sao đều rỡ giữa trời B) sau Phật thuyết kinh Niết bàn, là vì chúng sanh đời mạt pháp mà Phật ngài nhắc đi nhắc lại, để dựng đỡ giới luật lên, nói rõ pháp chơn thường là chơn thường, chơn lạc, chơn ngã và chơn tịnh; với cả 5 trên, gọi là “Ngũ thời thuyết”
Tóm lại, đâu chẳng vì cái lẽ bởi nhơn duyên của một việc lớn, mà Phật ngài phải xuất hiện nơi thế giới này, để khai thị cho chúng sanh giác ngộ vào tri kiến của Phật, phổ độ cho đều đắc viên mãn quả Phật mới thôi.
Song căn tánh của mỗi người mỗi khác, nên pháp môn cũng phải nhiều. Sở dĩ pháp Phật lưu truyền qua Trung Hoa từ Đông Hán đến đời Đường từ trước đến sau, tiếp tục có các Tổ Sư, riêng lập ra 8 tông phái; về pháp tu tịnh độ vãng sanh, Đức Thiện đạo ngài phân ra làm 2 chánh hạnh; một: chánh hạnh Di Đà pháp có 5 cách tu, như đọc tụng, quán tưởng v.v.. hai là tạp hạnh: ngoài 5 hạnh trên, gồm tu tất cả việc lành, đều hồi hướng về Tịnh độ. Còn ngài Huệ Viễn đời Tấn dựng Liên Tông tại Lư Sơn (tỉnh Chiết Giang). Có cả các đấng đại Nho, đại tiên đều vào Liên xã, để chuyên tu niệm Phật. Nối dõi theo sau thì có những nhơn sĩ đều được giải thoát là phần nhiều ở các tông khác nữa. Mà tông nào cũng lấy nhị thời khóa tụng đây để làm như đường ấy là lễ tụng không dời.
Lại may nữa là đời Đường, đời Tống đều có các Tổ thay nhau biên tập các văn trong Hiển giáo, Mật giáo vào nữa, cho nên 2 thời công khóa hôm mai rất đầy đủ. Nhưng với Tông tuy đều lập riêng mà chung nhau chưa vượt bỏ nhị khóa nầy vậy. Vì khiến cho kẻ trễ phải siêng, người cần lại càng tiến. Vậy thì đường đạo được lan rộng ra khắp giáp nhơn gian, để thích hợp các cơ bằng cách phổ thông như kia, là mối đầu đích ở tại nơi 2 đường khóa tụng đây chăng?
Con người ta từ vừa lọt lòng mẹ ra, tức nhiên đã có những hột giống nghiệp nhơn rồi, do nghiệp nhơn đó, sẽ chiêu cảm lấy quả báo.
Kinh Địa Tạng chép rằng:“mới mống ý động niệm, đã đều là tội rồi, huống nữa miệng nói, thân ra làm” Bởi nhơn giống trước, nảy nhơn giống sau, do quả nghiệp cũ chứa quả nghiệp mới đã lắm trước sau mới cũ, tiếp tục dồn chất, là những điều kiện tội chướng để luân hồi mãi trong sáu đường, không khi nào cùng tận, thì chẳng có ai có thể làm cho tiêu trừ giống nghiệp ấy đặng, nếu phi nhờ tự mình tham thiền, tụng Kinh lạy Phật, niệm Phật để sám hối cho thân khẩu ý được trong sạch.
Huống nữa, bọn tri-lưu ta ở vào giới Phật tự, là kẻ đã chẳng phụng sự Vương Hầu nơi Triều đình chánh phủ, lại phần nhiều là không dệt, cày nơi hãng xưởng, điều trù, mà chỉ nhờ ở phái ngoại hộ, thì rất khó bề tiêu rỗi của tín thí tứ sự cúng dường nếu chẳng tận tâm gia công hành đạo!
Tổ Triệu Châu dạy rằng: “Đời nay nếu chẳng rõ được đạo lý (minh tâm kiến tánh), thì đời sau phải đạo làm loài mang lông đội sừng là trâu ngựa, để trả nợ thí chủ”
Lại xét các Kinh Phật, thấy nhiều lời cảnh tỉnh như trên, đâu chẳng là Phật, Tổ vì thương xót, mới để lời răn nhắc, thật là lấy làm rùng rợn lo sợ nếu là kẻ có trí thức xem xét đến.
Nên biết rằng: với nhị thời khóa tụng, công quả ấy không những chỉ là tự lợi, mà lại cùng với pháp giới chúng sanh đồng đắc quả chánh giác của Phật nữa là khác; vậy các ngài xem đó nên nhớ lấy, dè chứ cho là việc thiển cận mà khinh dễ đa!
Với những lời niệm Phật, tụng kinh, cái thân phải cho đoan nghiêm, chớ dãi đãi, cái miệng cốt niệm tụng cho suốt thấu, cái ý nên chăm chú đừng lửng dời; thế thì ba nghiệp cùng họp nhau với ba chỉ. Đến như thân nghiệp siêng kính chẳng trễ, khẩu nghiệp thốt tiếng rõ ràng, ý nghiệp theo chữ tụng đến đâu liền tưởng xét đến đó; thế thì ba nghiệp cùng hiệp nhau với ba quán. Với tam chỉ, tam quán tỷ như đem gương soi hình tượng, vẫn không phân biệt chọn lựa gì.
Song khi niệm tụng mà cả ba nghiệp đều dùng đủ như thế, chẳng xót mảy mún, thì tâm ta với tâm Phật lẽ cảm ứng lẫn nhau, tỷ như đem nước trong trút vào nước trong, và lấy cái không hiệp với cái không, khá gọi công đức khắp giáp pháp giới, hạn lượng đồng với hư không.
Trong lúc mà ta để cái tâm (ý thức) nó buông thả tứ tán ra, thì ta đâu có tự biết tâm ta nó động hay chẳng động; còn trong giờ ta tham thiền hay tụng niệm gì, ta mới tự biết được tâm ta nó hiện hành ra những vọng niệm quá ư phức tạp lăng xăng. Với những tưởng niệm bậy bạ, ta muốn cho được tịnh chừng nào thì nó lại càng vọng động nổi lên chừng nấy. Chẳng khác nào như chai nước Lave khui nút rồi có những tâm bồng bột nổi lên hoài; dù nhục nhãn không thấy, chớ cái vọng niệm dấy lên hình dung cũng thế.
Chỉ bởi từ vô thỉ, những vọng-hoặc là thất tình, lục dục nó thành những cái tập khí, cái chủng tử đều ẩn núp trong tàng thức (A lại da), rồi phát hiện ra trong hằng giờ. Với sự phát hiện tập khí, chủng tử đó, chỗ thì bảo là vọng niệm, hoặc kêu vọng tưởng cũng gọi là vọng tâm, trong giờ loạn động, ta không để ý nên không biết, với giờ yên tịnh, ta mới xét thấy nó dấy niệm lên. Với những tập khí, chủng tử đã chất chứa từ nhiều kiếp như số vi trần kia, nay há dễ vội trừ hết liền đặng! Cần phải chăm chú tâm vào một cảnh, như: hoặc quán xét vào một chữ, hay một câu gì; hoặc tự nghe lại tiếng của mình tụng niệm v.v.... . . hễ để tâm vào một cảnh nào, thì từ thỉ chí chung, mỗi phút không rời không trễ, như viên tướng canh giác giữ trại. Giữ cái chánh niệm như thế, để tự giác ngộ, tự trị lấy mình, dù có một, hai cái tư tưởng xằng dấy lên, cũng có thể lần hồi tiêu trừ được, mà từ hữu niệm (chánh niệm) sẽ tiến vào cảnh vô niệm.
Hoặc người nào có trí huệ khá, liền có thể vừa tùy theo miệng đọc chữ đến đâu, vừa tùy theo tâm tưởng đến đó, tâm năng quán, cảnh sở quán, thể nó đều tức là thật tướng.
Lại nữa, có thể tự giác ngộ lại xét những cái vọng-hoặc là tạp khí chủng tử kia, nó đều không có từ nơi chỗ nào cả, cái tập cái chủng phi có, thì tâm năng niệm, cảnh sở niệm, thể nó cũng đều tự vắng lặng. Đương khi niệm mà tức là lìa nơi niệm.
Thế nên, hoặc kẻ trí hay người ngu, chỉ khứng thâu cái tâm vào một cảnh nào (như câu niệm Phật chẳng hạn), lâu lâu sau rồi tự đặng tinh thần, do đó thêm sáng suốt, cảm ứng bằng huyền cách mà khế họp nhau.
Kinh Diệu Túy Bồ Tát sở vấn chép rằng: “các nhà tu niệm nếu muốn cái phép trì tụng cho đặng mau thành tựu kết quả, linh nghiệm, thì với những nghi thức lễ pháp gì, chẳng đặng làm thiếu hay phạm môt mảy mún nào, vì hễ thiếu sót và trái phạm là, khiến cho các điều Ma chướng nó thừa dịp đặng tiện bề phá hại! Thế nên hành giả phải chăm lòng trì tụng, hằng giờ không xen hở, để cho 1/ là quán tưởng 2/ là chân ngôn 3/ là tự chủng, mỗi mỗi đều tinh thục nằm lòng, mỗi sự đều xứng nhau, thế mới thành được cái thể “vô tác diệu hạnh” của pháp Du Già, gọi là “tam mật tương ưng” Tam mật 1/tay kiết ấn 2/ miệng đọc chú 3/ tâm quán tưởng, cả ba đều xứng họp nhau, mới thành pháp mật nhiệm.
Lại người trì tụng: chẳng đặng để tâm nó leo qua cảnh khác (không phải chỗ mà mình đương tu trì) cùng nói chuyện khác với người. Việc tụng nếu gián đoạn, thì bất thành nghĩa tất-địa (pháp tu của Mật tông) là kêt quả chẳng nên gì!
Lại nữa, tụng niệm mà chẳng y theo nghi pháp, hoặc chẳng trì giới cấm, hay có giữ giới mà không được thanh tịnh, thì chẳng những pháp tu chẳng được thành tựu, mà người tu cũng phải rước lấy điều tổn hại là khác!
Các vị chủ trưởng trong 8 bộ Hộ Pháp, các vị Minh Vương kia, đều là chư Phật Bồ Tát hiện thân, thì trọn không làm giận làm hại, chứ các vị theo hầu là Thiên, Long, Mãnh quỷ, Độc thần, thấy người tu có lỗi, thì mấy vị ấy vì lòng hộ pháp, phải tức giận làm hại liền!
Kinh Kim Cang đảnh Du Dà niệm tụng chép rằng: “Phàm là người tu theo pháp Du Dà, phải đủ trí huệ, trước rõ pháp tam muội và pháp chân ngôn, 3 nghiệp đều an trụ giới Bồ Tát, phát tâm bồ đề, đã có công đức như thế, mới cho người đó tụng niệm pháp Du Dà”.
Kinh Bồ Tát thiện giới nói: “người tu tụng pháp thần chú, phải kiêng 5 điều chẳng đặng phạm đến 1/ ăn thịt, 2/ uống rượu, 3/ năm thứ rau củ cay hôi, 4/sự dâm dục, 5/chẳng đặng ăn uống ở trong nhà không thanh tịnh. Hành giả giữ đủ 5 điều giới cấm ấy, mới có thể làm được lợi ích lớn cho chúng sanh, vì hay trị được ác thần làm bịnh độc cho dân”.
Sách Pháp Uyển chép rằng: “Kẻ đạo (phái xuất gia) người tục (phái tại gia) tụng kinh, trì chú mà không được công hiệu đó, là tự họ không trung thành với 8 điều pháp giái, rồi lại chê là không hiệu nghiệm: 1/ hoặc văn tự sai sót, 2/ hoặc tiếng đọc không trúng sách, 3/hoặc uống rượu ăn thịt, 4/ hoặc ăn tạp những vị cay hôi nồng nàn, 5/tay dơ dáy cầm đến cuốn kinh vật cúng, 6/miệng nói chuyện phím, tiếng tục, 7/ quần áo không sạch, 8/chỗ ở chẳng nghiêm tịnh, thành thử khiến cho quỷ thần tiện bề phá hại, mà phải trở lại bị tai ương!
Nếu muốn hành trì tu luyện, trước mỗi giờ vào đàn, đều phải tắm rửa, miệng thường ngậm chất hương vị, lòng chí thành thận trọng, khắp vì lục thú chúng sanh, nên phát tâm tinh tiến, đừng trễ nãi. Người tu luyện mà chí ý được như thế chắc được thật nghiệm ngay.
Sách Hiển Mật viên thông biên rằng:
“Trong các Kinh: Kinh Kim Cang đảnh tô tất địa, Chuẩn Đề v.v.. đều nói người tu dùng công trì tụng, hoặc nằm mộng thấy chư Phật, Bồ Tát, vị Thánh Tăng, các thiên tướng, hoặc thấy tự thân mình đi lửng trên hư không, cỡi ngựa lội qua sông... mỗi ánh sáng của mỗi thứ hương, và các cái tướng lạ lùng; nếu người tu mà đặng ứng nghiệm như thế, thì lại cần gắng dấy 3 nghiệp, gia công tụng niệm, chẳng đặng phô bày những cảnh giới trong thần chú, để lòe bán rao với người, chỉ với người đồng đạo mà ta chẳng vì danh lợi, kính khen, mới được tiến bề trình bày chút đỉnh thôi”.
Kinh Đại Bi dạy rằng: “Nếu người tu niệm mà trong khi đương tụng khẩn thiết, bỗng xảy ra gặp những điều Ma nó hiện lên, để làm chướng ngại, hoặc thoạt nhiên trong thân tâm nó nhớn-nhác chẳng an, hoặc sanh chứng hay giận hờn, ưa buồn ngủ mà khó bề trì chú tụng kinh được, hoặc mơ thấy những hình tướng kỳ lạ, hoặc với thần chú mà sanh tâm nghi ngờ, hoặc sanh nhiều điều phân biệt tư tưởng, hoặc bị say mê chấp về pháp Có... với các điều trên, nếu muốn đối trị, thì nên quán tưởng nhìn vào chữ Lam là chữ viết bằng cách chữ Phạm như thế nầy (Om), hoặc quán tưởng nhìn vào chữ A như vầy (Án), cứ chăm lòng nhìn riết, thì tự nhiên các cảnh Ma chướng kia, nó tiêu diệt mất, sẽ biết phép nhơn duyên nó vốn là không có, vì chữ A ấy nghĩa là không, Lam: Sạch”.
Vì người tu niệm mà trước tướng chấp có, thì kết quả sẽ thành ra hưởng phước lành hữu lậu ở cõi người cõi trời: tu mà chấp không, công chỉ ích lợi cho một mình mình, thì sẽ thành hưởng phước thiện vô lậu của các thánh ở nhị thừa; tu bằng cách lợi ích cho mình và người, sẽ thành được phước lành của vô lậu pháp tánh; tu bằng cách: Năng niệm, sở niệm đều không, mình và người bình đẳng, tâm không phân biệt, thể trùm cõi hư không, lượng giáo cả pháp giới số hà sa, thì kết quả thành được phước thiện đạo Phật vô thượng. Thế nên người tu trì cốt phải tâm quảng đại khắp giúp ích nhau: nên văn sám hối nói: “Ta nay phát tâm tu đây, chẳng vì chỉ cầu riêng cho phần mình”. Chính là nghĩa đấy vậy
Các bài trong hai thời khóa tụng, đều thuộc về Tạng Đại Thừa thâu cả, như chú Lăng Nghiêm là cái ấn báu tột bực do nơi Hóa Phật thuyết ra tại nhóm hào quang trên đảnh của Phật Thích Ca; chú Đại Bi và cả mười thần chú, đều là nghĩa kín mầu hay lạ, có lợi ích cho tất cả chúng sanh; kinh A Di Đà là nghĩa trọn ba cõi thanh tịnh, để thâu nạp chúng sanh có niệm Phật; bổn Hồng Danh bửu sám, là để rửa sạch giống nghiệp từ vô thỉ cho chúng sanh trong chín cõi; văn Mông sơn thí thực, là siêu độ cho các linh hồn của lục đạo giữa pháp giới; pháp niệm Phật là gồm thâu cả công đức của những chỗ trì tụng, để đều hồi hướng về tịnh độ. Tỷ như nước ở từ trăm sông, đều gom về biển cả. Người mà xét hiểu được như thế, thì giữa hai thời khóa tụng, mỗi câu đều trọn gồm, mỗi bài cũng lẫn thâu, nguyện chí lại chẳng được ích lợi ư?
Mỗi chùa ở các nơi với hai thời công phu, đều có hơi khác nhau chút đỉnh đó là bởi các Tổ sư kia thành lập ra mỗi Tông chủ chẳng đồng, nhưng đâu chẳng cốt đem chúng tăng mau giải thoát để làm việc cần kíp. Hoặc có những người bực trí kẻ ngu đồng đối với việc tu niệm, mà kẻ siêng tụng thêm bài, vì tâm mộ đạo khẩn thiết; kẻ biếng đọc giảm bớt, vì chí quên xuất ly. Lại có người đến thời khóa tụng đọc giảm bớt, vì kiêm có thêm việc cúng đám gì đó; hoặc có sự tuy đã xuất gia mà hai đường công khóa chưa đọc thuộc hết. Thậm chí có sư để bàn Phật bụi bám, nhện giăng, nhang tàn khói lạnh, tuyệt không đèn lửa, có gì kệ kinh! chao ôi! Đời rốt dòng hèn, hình giống tướng Sư, lòng nhuộm màu tục, làm hoại pháp Phật! Xuất gia như thế, chẳng những phụ phàng Phật tánh, vả còn tự rước tội thêm là khác, vậy các học giả nghĩ lấy!
Công khóa: Đạo Nho xưa bảo: với sự làm có thành hiệu là công, với việc thì kể trình hạn là khóa. Lại rằng: quy định ra cái khóa trình để làm việc, để kỳ cho thành tích, là “công khóa”
Song, nói về “công khóa” của họ Thích Ca ta thì như thế nầy: kể công về trình độ nơi Tam Bảo, để làm cái ni thức hằng ngày. Xét rằng: với việc học tu mà phi nghi quỹ thì dễ sanh ra đãi đọa, với việc hành đạo mà phi khóa trình, cũng khó thể nghiệm rõ ràng.
Chính vì chúng ta từ vô thỉ lại, nghiệp duyên chồng chất làm chướng cản ngăn, tất không khỏi có cái vọng tình lui ngã, thế nếu phi trình hạn, để làm chừng mực, buộc phải nhớ phải lo, thì đâu có tiến tới đạo mầu? Bởi thế, các Tổ đặc biệt lập ra hai thời tảo khóa, vãn khóa, để cho các nhà học giả dầu có bận việc gì, chớ với thời khóa tụng chẳng thể sai; nếu vị nào tâm quán tưởng đã tinh thuần, thì cây đạo bồ đề ngày càng tăng trưởng, mà Phật quả cũng ngày một kết tinh thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]