Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-tát phổ-môn (Le récit parfaitement heureux)

20/05/201318:56(Xem: 14493)
25. Phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-tát phổ-môn (Le récit parfaitement heureux)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển VII

25. Phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-tát phổ-môn (Le récit parfaitement heureux)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Vô-Tận-Ý lễ Phật bạch rằng: "Thế-Tôn! Do nhân-duyên nào mà Bồ-tát Quán-Thế-Âm có tên là Quán-Thế-Âm?"
Phật bảo: " Vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng-sanh đang bị khổ-não mà nghe (nói đến) Bồ-tát Quán-Thế-Âm rồi "nhất tâm" xưng niệm danh hiệu của Bồ-tát, thì Bồ-tát xem thấy tiếng xưng niệm và tất cả chúng-sanh ấy đều được giải-thoát khổ não.
Người nắm giữ danh-hiệu của Bồ-tát Quán-Thế-Âm, thì nhờ oai thần của Bồ-tát mà:
1)vào lửa, lửa chẳng cháy.
2)trôi dưới nước, đặng vào chỗ cạn
3)đi thuyền tìm châu báu trong biển lớn, bị giông trôi tấp vào nước quỉ La-sát, thoát đặng nạn quỉ La-sát.
4)sắp bị người dùng dao gậy chém đánh, thời dao gậy bị gãy từng khúc.
5)khỏi bị Dạ-xoa và La-sát làm hại, vì chúng không dám ngó người xưng hiệu Bồ-tát Quán-Thế-Âm.
6)bị xiềng xích gông cùm. dầu có tội, dầu không bị tội, thời xiềng xích gông cùm ấy thảy đều đứt rã.
7)gặp đường hiểm trở, đặng thoát khỏi và không lòng sợ sệt.
Lại nữa, chúng-sanh nào nhiều dâm-dục,nhiều giận hờn, nhiều ngu si, mà thường cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán-Thế-Âm thời liền đặng lìa sân, lìa si.
Này Vô-Tận-Ý, Bồ-tát Quán-Thế-Âm oai thần mạnh lớn như thế, cho nên chúng-sanh phải một lòng tưởng nhớ.
Người nữ nào lễ bái, cúng dường Bồ-tát Quán-Thế-Âm để cầu con trai thời đặng con trai phước đức trí-huệ; còn muốn cầu con gái thời đặng con gái hình tướng xinh đẹp, tâm nhiều cội phước, người người kính mến.
Phước đức cung kính lễ bái Quán-Thế-Âm không bao giờ mất và nhiều như phước đức của người niệm danh hiệu và cúng dường sáu mươi hai ức Hằng-ha sa Bồ-tát.
Vô-Tận-Ý bạch: "Thế-Tôn! Bồ-tát Quán-Thế-Âm làm thế nào mà dạo khắp Ta-bà? Sức mạnh phương-tiện của Bồ-tát như thế nào?"
Phật bảo: "Nếu có chúng-sanh quốc-độ nào mà cần phải dùng một thân Phật mới độ thoát họ được, thời Bồ-tát Quán-Thế-Âm liền hiện thân Phật mà thuyết pháp cho họ nghe. Nếu phải cần thân Duyên-giác, thân Thanh-văn, thân Phạm-vương, thân Đế-Thích, thân Tự-Tại-Thiên, thân Đại-Tự-Tại-Thiên, thân Thiên-Đại-Tướng-Quân, thân Tỳ-sa-môn, thân Tiểu-vương, thân Trưởng giả, thân Cư-sĩ, thân Tể-quan, thân Bà-la-môn, thân Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-ba-di, thân của vợ Trưởng-giả, Cư-sĩ, Tể-quan, Bà-la-môn, thân con trai con gái, thậm chí đến thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, thân loài người cùng không phải loài người, để độ thoát chúng-sanh của một quốc độ nào đó, thì Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tuỳ trường hợp mà hiện thân ấy.
Vô-Tận-Ý, Bồ-tát Quán-Thế-Âm thành tựu công đức như thế, dùng các thứ thân hình, dạo cùng các nước mà độ thoát chúng-sanh, vì vậy chúng ngươi phải "nhất-tâm" cúng dường. Bồ-tát Quán-Thế-Âm còn được cõi Ta-bà gọi là "Người bố-thí vô-uý" vì trong hoàn cảnh sợ hãi tai nạn nguy-cấp, Bồ-tát có khả năng làm cho hết sợ"
Vô-Tận-Ý bạch Phật: "Thế-Tôn! Con xin cúng dường Bồ-tát Quán-Thế-Âm" Nói xong, liền mở xâu chuỗi ngọc đeo nơi cổ, giá trị trăm ngàn lượng vàng, đem dưng cho Bồ-tát Quán-Thế-Âm mà nói rằng: "Xin Ngài nhận món pháp-thí bằng châu báu này".
Bồ-tát Quán-Thế-Âm không chịu nhận. Vô-Tận-Ý lại thưa: "Xin Ngài thương xót chúng tôi mà nhận cho".
Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Quán-Thế-Âm: " Ông nên thương xót Vô-Tận-Ý và hàng tứ chúng cùng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, loài người và không phải người .v.v… mà nhận chuỗi ngọc.
Tức thời Bồ-tát Quán-Thế-Âm thương xót hàng tứ chúng, Trời, Rồng.v.v….nhận xâu chuỗi ngọc và chia làm hai phần: một phần dưng Đức Phật Thích-Ca, một phần dưng cúng tháp của Phật Đa-Bảo.
Vô-Tân-Ý đọc một bài kệ hỏi Phật:
"Bạch Thế-Tôn, con xin hỏi lại: Vì nhân-duyên nào mà Phật tử có tên là Quán-Thế-Âm?".
Đức Phật cũng dùng kệ đáp lại: Ngươi đã nghe những hạnh của Quán-Thế-Âm và sự ứng hiện ở các nơi của Bồ-tát, ấy là vì Quán-Âm đã phát thệ sâu như biển cả và không thể nghĩ bàn được dầu có trải qua nhiều kiếp. Lời thệ ấy là hầu hạ nhiều ngàn ức đức Phật và đạt đến sự thanh-tịnh tuyệt đối. Hãy nghe đây, ta sẽ vì ngươi mà nói sơ lược cho nghe danh hiệu và thấy thân Quán-Âm.
Ai không phạm cái lỗi trong tâm trống rỗng (nghĩa là không tưởng nhớ đến Bồ-tát), thời có khả năng trừ diệt các thứ khổ não.
Thí dụ ý muốn làm hại nổi lên, làm cho mình rơi xuống hầm lửa, nhờ sức mạnh của sự tưởng nhớ Quán-Âm mà hầm lửa biến thành ao. Hoặc trôi giạt biển cả, bị nạn quỉ cá rồng, nhờ sức tưởng nhớ Quán-Âm mà không bị sóng nhận chìm. Hoặc từ chót núi Tu-di bị người xô rớt xuống, nếu tưởng niệm Quán-Âm, thời như mặt trời treo giữa hư-không (không rớt). Hoặc bị người dữ rượt đuổi, rơi khỏi núi Kim-cang, nhờ sức niệm Quán-Âm, mà chẳng mất một mảy lông. Hoặc gặp kẻ thù bao vây, tay cầm dao quyết hại, nhờ sức niệm Quán-Âm mà những kẻ thù liền sanh lòng lành, hoặc gặp nạn phạm phép vua, khi sắp bị hành hình,nhờ sức niệm Quán-Âm, dao chém gãy từng đoạn. Hoặc bị xiềng trong tù, tay chân mang gông cùm, nhờ sức niệm Quán-Âm, đương nhiên được giải thoát. Hoặc bị trù ếm hay thuốc độc, nhờ sức niệm Quán-Âm mà bùa chú, thuốc độc kia trở lại làm hại người muốn làm hại. Hoặc gặp các loài quỉ, nhờ sức niệm Quán-Âm, các quỉ không dám hại. Hoặc bị thú dữ bao vây, nanh vuốt nhọn đáng sợ, nhờ sức niệm Quán-Âm mà chúng vội vàng bỏ chạy. Khi độc của rắn, bò cạp, dầu có bốc lên như khói lửa , nhờ sức niệm Quán-Âm mà theo tiếng niệm bỏ đi. Hoặc gặp cơn sấm sét, mưa to, mưa đá, nhờ sức niệm Quán-Âm mà tất cả đều tiêu tan.
Chúng-sanh thời bị vô lượng khổ-não bức bách thân thể, còn Quán-Thế-Âm thời trí-huệ diệu-huyền cho nên hay cứu thế-gian, lại thêm đầy đủ sức thần-thông và rộng tu trí phương-tiện, cho nên khắp cõi nước mười phương, không nước nào chẳng hiện, và lần hồi làm cho dứt hết những khổ não sanh, già, bệnh, chết, của chúng-sanh trong ba đường dữ là địa-ngục, ngạ-quỉ và súc-sanh.
Quán-Âm xem xét đúng với Chân-thực (Chơn-quán)
Quán-Âm xem xét đúng với lòng trong sạch (Thanh-tịnh-quán)
Quán-Âm xem xét đúng với trí-huệ rộng lớn (quảng-đại trí-huệ-quán)
Quán-Âm xem xét đúng với lòng từ-bi (Bi quán cập từ-quán)
Vì vậy cần phải hết sức chiêm ngưỡng.
Quán-Âm là Ánh-sáng trong sạch, không nhơ, là mặt trời Huệ có khả năng phá trừ mọi hắc-ám, hàng phục mọi tai nạn khói lửa và khắp soi sáng thế-gian.
Quán-Âm là lòng Đại-bi ngăn cấm sự sấm sét.
Quán-Âm là đám mây lành che chở cho ý Đại-bi kết thành.
Quán-Âm rưới mưa pháp cam-lồ làm dứt trừ lửa phiền-não.
Dầu kiện thưa chỗ công đường hay giữa trận chiến dễ làm sợ sệt, sự tưởng niệm Quán-Âm làm cừu oán đều lui tan.
Tiếng xét thấy khắp thế-gian là Tiếng Diệu-huyền, là Tiếng của vua cõi Trời (Phạm âm), là tiếng của sóng biển, không tiếng thế-gian nào bằng, vì vậy phải thường tưởng nhớ.
Trong mỗi niệm, chớ sanh nghi: "Quán-Thế-Âm là Thánh của Thanh-tịnh, là nơi nương tựa của đời khổ não, chết chóc. Đầy đủ mọi công đức, trong chúng-sanh với đôi mắt lành, Quán-Thế-Âm là biển phước lớn khôn lường, vì vậy phải nên quì lạy.
Bấy giờ Bồ-tát Trì-Địa đứng dậy lễ Phật bạch: "Thế-Tôn! Chúng-sanh nào mà nghe được phẩm Quán-Thế-Âm này là phẩm nói về đạo nghiệp tự-tại và sức thần-thông ứng hiện khắp cửa, thời nên biết công-đức người ấy chẳng phải ít".
Đức Phật nói phẩm Phổ-môn này, trong đại chúng có tám muôn bốn ngàn chúng-sanh đều phát tâm cầu Vô-thượng-giác.
*
* *

Huyền nghĩa

Tuy chữ (chữ Hán) có thể đọc Quan hay Quán, tôi tưởng ở đây đọc Quán đúng hơn. Trong Hán-văn có danh-từ "Quán-đài" là cái đài cao để trông xa. Lại nữa, trong Phật-học có danh từ "Quán tưởng" là xét thấy trong tư-tưởng, bằng tư-tưởng (voir par l'imagination).
Thế là thế-gian. Âm là tiếng.
Vậy Quán-Thế-Âm là xét thấy, xét nghe tiếng của thế-gian đau khổ, lo sợ.
Huỳnh-Bá Thiền-sư, trong sách Truyền-tâm Pháp-yếu nói: "Quán-Âm tiêu biểu cho Đại-bi". Vậy tuy nói Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tựu trung Kinh muốn đề cập đến đức Đại-từ Đại-bi của Phật. Như thế niệm Quán-Thế-Âm, là niệm Phật nhưng đứng về khía cạnh Đại-từ Đại-bi.
*
* *
Xưng tán đức Đại-từ Đại-bi trong phẩm 25 Kinh Diệu-Pháp, chư Tổ thường nhắc đến 3 điểm đặc biệt sau đây: 1) Thất nạn, 2) Nhị cầu, 3) Tam thập nhị ứng.
Thất nạn là bảy nạn của thế-gian: lửa, nước, sát hại (la-sát), đánh chém, vô minh (ma quỉ), mất tự-tại (gông cùm) và thù cướp.
Nhị cầu (2 sự cầu) là cầu con trai và cầu con gái.
Tam thập nhị ứng là 32 lối hiện thân để độ thoát chúng-sanh, như trong Kinh có nói.
Về huyền nghĩa trong thất nạn, xin xem chi-tiết ở đoạn sau. Đây xin sơ lược:
1)Vào lửa mà lửa không thiêu là như thế nào?
Người đời lầm lạc, khổ não là tại cái "thấy biết" (tri kiến); thấy thuộc về mắt, biết thuộc về tâm. Thấy biết tánh nóng, vì hay xúi giục, thúc đẩy con người làm theo sự càn-dở của vọng tưởng, cho nên ví như lửa.
2)Tam Tạng Pháp Số viết: "Quán thình tánh động tắc thuộc ư thuỷ": thấy nghe tánh động cho nên thuộc nước. Giọng quyển tiếng đàn có thể lôi cuốn người như nước.
3)La-sát là loài quỉ ăn thịt người, thí dụ cho những tai nạn gặp kẻ hung bạo muốn giết mình.
4)Về nạn dao gậy, Tam Tạng Pháp Số viết: "Lục căn hại nhân, bình nhẫn vô dị": Sáu căn hại người chẳng khác binh khí. Vậy tuy nói dao gậy, thực ý kinh muốn nói đến những cái hại của "lục-căn".
5)Nạn ma quỉ ám chỉ sức cám dỗ của tham, sân, si, mạn, nghi.
6)Nạn gông cùm ám chỉ những trói buộc do mê lầm tạo nên.
7)Thù cướp chỉ những sự thù oán mà vì vô-minh, ta đã kết tạo và những sự cướp giựt mà kẻ tham mong làm.
Tất cả những nạn ấy, dầu thuộc thân, dầu thuộc tâm, đều có thể diệt trừ được bằng pháp-môn niệm danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-tát một cách "nhất tâm".
Niệm mà đi đến chỗ "nhất tâm" (cũng như niệm Phật A-Di-Đà) mà lòng trở thành thanh-tịnh (Kinh bảo Quán-Thế-Âm là Thánh của Thanh-tịnh:Quán-Thế-Âm Tịnh Thánh). Có thanh-tịnh là có định, có định là có huệ, có huệ là có Từ-bi, mà từ-bi là Chân-thể (vraie essence) của con người, là đức chính của Phật-tánh. Vậy niệm Quán-Thế-Âm là tưởng nhớ độc nhất đến cái Chân-thể, đến vị Phật ở nơi mình, nhờ đó mà lần hồi mình bỏ được cái lối sống theo vọng tưởng vô minh, mà mình sống theo lối mới của Chân-thể thanh-tịnh và từ-bi, trí-huệ. Có những đức này thì được giải-thoát các nạn nói trên.
Cầu nam thời được con trai phước đức trí-huệ, cầu gái thời được con gái đoan-chánh. Hai sự cầu xin này là lấy sự cầu xin của thế-gian mà thí dụ, chớ người tu hành mà còn cầu con cái làm gì? Vậy ý Kinh dạy: muốn cầu phước đức, trí-huệ, đoan chánh là được như sở nguyện. Ấy là nhờ sức mạnh của sự niệm Phật, niệm Bồ-tát mà tâm trở nên thanh-tịnh, chánh-định…như đã nói, rồi làm phát sanh những kết quả trên, chẳng khác con là do sự thai nghén của mẹ.
Quán-Thế-Âm đã là tiêu-biểu cho đức Đại-từ Đại-bi của Phật tức của Tâm, mà tâm thời ai cũng có, cho nên đức ấy có thể hiển hiện bất luận trong một chúng-sanh nào, từ cõi thiên xuống tới cõi người và a-tu-la (ba cõi thiện) để độ thoát những chúng-sanh trong ba nẽo dữ (địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh).
Thật ra chúng-sanh của ba cõi chót cũng có tâm, nghĩa là cũng có từ-bi, nhưng vì quá bị vô-minh, vọng tưởng che áng, nên có của báu mà không biết đem dùng tự độ, hà huống đi độ người.
Tam thập nhị ứng còn có nghĩa đức từ-bi thị hiện mà có hiệu quả, là khi nào hợp với hoàn-cảnh. Nếu là trường-hợp của người đại trí, thí dụ, thì phải một người đại trí mới khuyến hoá được. Do đây nói, nếu cần phải hiện thân Phật để thuyết pháp, thì hiện thân Phật. Ở các giai cấp khác cũng vậy, thậm chí gặp cảnh của nữ nhân, thì cũng phải một người nữ mới nói cho nhau nghe.
*
* *
Mấy câu trong đoạn chót của bài kệ,bắt từ câu "Chân quán, thanh tịnh quán" cho đến hết, cần phải suy gẫm nhiều. Ta xem đời, xử sự với đời như thế nào? Xem đúng với sự Chân-thực hay theo vọng-tưởng?Ngó với đôi mắt thanh-tịnh hay dơ dục bởi lục-dục thất-tình? Xét một cách sáng suốt (trí-huệ) hay một cách đen tối? Có lấy lòng thương xót mà đãi người đãi vật hay với một tấm lòng ác độc? Có thương xót mới ngăn được những cơn giận sấm sét của mình (Bi thể giới lôi chấn), chỉ có lòng từ-bi mới tạo cho mình một vầng mây lành che chở cho mình (Từ ý diệu đại vân), chớ đừng tưởng tường cao chó dữ mà được an ổn…
Ba tiếng Quán-Thế-Âm đã có thần lực đem nhiều sự lợi-ích cho ta như thế, thì ở thế-gian có tiếng nào bằng mà không bỏ những tiếng này để tai chỉ nghe tiếng kia mà thôi? Đó là tiếng của Tâm ta (Diệu âm), đó là tiếng của cái Chí-Thiện (Phạm âm), đó là tiếng của Pháp (hải triều âm), đó là tiếng của Phật (Giác-ngộ).
Vì tiếng ấy có thể xuất phát mọi nơi, phát nơi kẻ lành để cho người dữ nghe, nên nói là thị hiện ở khắp các cửa, các nhà (phổ môn).
*
* *
Những công-đức thường được xưng tán ở Bố-tát Quán-Thế-Âm là: Thất nạn, nhị cầu, tam thập nhị ứng, thập tứ vô-uý.
Trước đã nói về ba cái đầu, nay xin nói về cái chót là Thập tứ vô-uý (14 cái "không sợ")
Theo sách Tam-Tạng Pháp-Số thì tên và nghĩa của Thập tứ vô-uý như sau:
1.Bất tự quán âm, dĩ quán quán dã.- Bất tự quán âm giả, vị bất tuỳ thanh trần sở khởi tri kiến dã.-Dĩ quán quán giã, vị phản chiếu tự tánh dã- Bất khởi tri kiến, tắc vô sở vọng; phản chiếu tự tánh, tắc nhất thế chân tịch, vô phục khổ não, cố linh thọ khổ chúng sanh mông thử chân quán, tức đắc giải-thoát, thị vi vô uý.
Bất tự quán âmlà nói không để cho cái "thấy biết" tuỳ theo cảnh vật (trần) và tiếng tăm (thanh) bên ngoài làm phát lên.-Dĩ quán quán là nói dùng cái tánh thấy quay lại soi xét tự-tánh mình.- Thấy nghe bên ngoài mà không khởi lên một "tri kiến" nào thì không có vọng (illusion); quay lại soi sáng tự-tánh, thì tất cả ắt phải chân-thực và vắng-lặng (chân tịch). Như thế thì không khổ não trở lại. Chúng-sanh thọ khổ vâng chịu lối xem xét chân-chánh này (chân quán) ắt được giải-thoát, vì vậy nên gọi là Vô-uý.
Nói tóm: không ngó ra ngoài mà cứ ngó ngược vào trong để thấy cái giá-trị và chân-tướng của sự vật. Thấy rõ rồi thời không còn phân biệt tốt xấu, hay dở, ngọt đắng,.v.v…(tri-kiến), làm cho mình bị mê hoặc, lầm lạc(vọng tưởng). Hết vọng tưởng tức không còn say đắm cảnh giả dối của thế-gian, và như thế là giải-thoát. Đã giải-thoát thì đâu còn sợ thiếu ăn ngon, không mặc đẹp, thậm chí đến không còn sợ cái chết nữa. Không sợ là vô-uý. Kinh nói: "Quán kỳ âm thanh, tức đắc giải-thoát", là nghĩa này.
2.Tri-kiến triền phược.-Tại tâm viết tri, tại nhãn viết kiến. Tri kiến tánh nhiệt, tắc thuộc ư hoả. Vị Bồ-tát năng triền chuyển tri kiến, dĩ phục chân-không, năng linh chúng-sanh, thiết nhập hoả nạn, tư bất năng thiêu, thị vô uý.
Cái biết (tri) thuộc về tâm; cái thấy (kiến) thuộc về mắt. Tính của "thấy biết" là nóng, vậy là thuộc về lửa. Đây Kinh muốn nói Bồ-tát có khả năng xoay đổi cái "thấy biết", đã tùng phục "chân không" khiến chúng-sanh (bắt chước làm theo) để có gặp lửa, tự mình không để cho lửa thiêu.
Nói tóm không để cho ngọn lửa "tri-kiến" nung đốt lòng mình. Ngọn lửa ấy là ngọn lửa tham muốn do cái thấy nhóm lên. Đây là chỗ trong Kinh nói: "Thiết nhập đại hoả, hoả bất năng thiêu". Không còn sợ (vô úy) lửa tham dục đốt là vậy.
3.Quán thính triền phục.- Quán thính tánh động, tắc thuộc ư thủy. Vị Bồ-tát năng triền chuyển quán thính, dĩ phục chân-không, năng linh chúng-sanh, thiết vi đại thủy sơ phiêu, tự bất năng một, thị vi vô uý.
Nghe thấy tánh động, vì vậy thuộc nước (tỷ như nước). Ở đây Kinh muốn nói Bồ-tát có khả năng xoay đổi cái nghe, bắt nó tuân theo chân-không (Réalité-Vacuité),vì vậy khiến được chúng-sanh, dầu có trôi dạt trong nước "nghe thấy" cũng không tự mình nhận chìm mình. Do đây nói là không sợ.
Vắn tắt, chuyển được cái nghe, không còn để cho nó chạy theo âm thanh giả dối của thế-gian và bắt nó quay lại nghe cho được cái tiếng bề trong của con người, là tiếng của cái Chân cái Không, thì khỏi còn sợ sự lôi cuốn, nhận chìm của "nước nghe biết".
4.Đoạn diệt vọng tưởng, tâm vô sát hại.- Vọng tưởng tác nghiệp, dĩ sát vi thủ. Vị Bồ-tát chứng ngộ Thực-tánh, đoạn diệt vọng-tưởng, đại từ tâm phát, vô sát hại niệm, năng linh chúng-sanh, nhập bỉ La-sát quỉ quốc, quỉ tự diệt ác, thị vi vô úy.
Vì vọng tưởng mà sanh hành động (tác nghiệp) mà trong các hành động, sự sát sanh đứng đầu là trọng nhất. Ý kinh muốn nói rằng, nhờ chứng ngộ Thực-tánh, Bồ-tát diệt được vọng-tưởng và tâm thương xót phát khởi, vì vậy mà có khả-năng khiến chúng-sanh gặp phải kẻ ác (La-sát), thì kẻ ác tự chúng hết ác. Đây là cái "không sợ" thứ tư.
Vọng tưởng hết, từ tâm sanh, không còn những tư-tưởng sát hại đối với người khác, loài khác, thì đâu còn ai là kẻ thù mà tất cả đều là bạn, là thân với ta, vì vậy không còn sợ "quỉ" sát hại.
5.Huân văn thành văn, lục căn sảo phục, đồng ư thanh thính.- Vị huân văn thuộc tư, tư ký sở văn vô tánh khả đắc, tắc thành Chân-văn. Lục căn hại nhân, binh nhẫn vô dị. Bồ-tát lục căn, ký giai tiêu diệt, dĩ phục Chân-không, nhất thế trần cảnh, đồng ư thanh thính, năng linh chúng-sanh, đương bị hại giả, đao nhẫn sở gia, đoạn đoạn chiết hoại, thị vi vô úy.
Hun chất cái nghe (cái học. cái biết) thuôc về suy gẫm; suy gẫm những tiếng tăm mình nghe không phải thực có (vô tánh), nhờ vậy mà cái nghe sai trước kia trở thành cái nghe chân-tánh (Chân-văn). Sáu căn hại người (trong đó cái nghe là một) không khác gì binh khí. Nay sáu căn ở Bố-tát đã tiêu diệt và tuân theo Chân-Không, thì tất cả ngoại cảnh đều như những tiếng nghe kia (nghĩa là bị nhận là không thực có, không có giá trị gì), nhờ vậy mà Bồ-tát có khả năng khiến chúng-sanh tránh khỏi nạn "binh khí" nói trên, như chúng ta tự gãy ra từng đoạn. Không sợ là vậy.
Đây là đoạn trong Kinh nói: Lâm đương bị hại, đao đoạn đoạn hoại.
Lóng nghe được tiếng của tâm thanh-tịnh (Văn), nghe cho lâu ngày (huân), tức phải có suy gẫm (tư) và nhờ suy gẫm mà thấy âm-thanh và tất cả tiền-trần là giả dối (vô tánh khả đắc). Cái nghe do đó chỉ còn nghe cái chân-thục (tâm) không còn nghe cái giả-dối nữa cho nên "không sợ" sự cám dỗ của lục căn nữa.
6.Văn huân tinh minh, minh-biến pháp giới
-Vị Bồ-tát tùng văn huân-tập, sở thành huệ-tánh. Ký đắc tịnh minh, minh chiếu thập phương, chu biến pháp-giới, u-ám tức tiêu, năng linh chúng-sanh, tuy bị Dạ-xoa chư ám giả lai cận kỳ trắc, tự thọ minh đạt, tự bất năng thị, thị vi vô-úy.

Cái nghe thành chân, tức là có định; có định rồi là phát huệ, sáng xét, sáng thấy sự thật trong cả mười phương pháp-giới, thì bao nhiêu u-ám dù có đến gần, đều bị cái sáng ấy làm tan, như gặp quỉ mà quỉ không dám ngó, đừng nói làm hại. Lại một cái "không sợ" khác mà người tu hành đạt đến.
7.Âm tánh viên tiêu, quán thính phản nhập.- Vị thọ hư-vọng thanh trần hệ phược, bất di cấm hệ già toả. Bồ-tát dĩ động tĩnh, chi tánh cu diệt, tắc kỳ quán thính phản vọng nhập chân, thanh trần giải-thoát, năng linh chúng-sanh, cấm hệ đẳng sự, bất năng trước thân, thị vi vô-úy.
Để cho ngoại cảnh sắc thanh giả dối cám dỗ thì con người bị dính níu với chúng có khác nào bị trói buộc giam cầm. Bây giờ cái nghe biết đã bỏ vọng về Chân, con người giải-thoát với tiếng tăm của đời, như người thoát khỏi gông cùm xiềng xích "không sợ" sự lôi cuốn, cột trói nữa. Đây là chỗ Kinh nói: Cấm hệ già tỏa, sở bất năng trước.
8.Diệt âm, viên văn, biến sanh từ-lực.- Vị Bồ-tát tiêu diệt âm thanh, viên thanh văn huệ, tắc biến sanh từ-lực, năng dĩ đại lợi, linh bỉ đắc lạc, thị dĩ chúng-sanh kinh ư hiểm lộ, như hành thản đồ, hoặc ngộ ác khẩu, tự bất năng kiếp, thị vi vô-úy.
Chẳng những sửa đổi cái nghe mà còn làm cho sức mạnh của lòng Từ lan rộng khắp cùng, thành ra đi đường nguy hiểm cũng như đi đường rộng rãi, còn gặp quân cướp ác, tự chúng bỏ ý định cướp giựt. Đây là cái "không sợ" do lòng từ bủa khắp ban cho và chỗ trong Kinh nói: Kinh quá hiểm lộ, tặc bất năng kiếp.
9.Huân văn ly trần, sắc bất năng kiếp.- Vị Bồ-tát dĩ tư (tư duy) huệ huân văn thành Tánh, ly chư trần vọng, bất bị sắc trần sở kiếp, năng linh nhất thể tánh đa dâm nhân, tham dục bất sanh, thị vi vô úy.
Cái sáng suốt (huệ) đã hun đúc thành Tánh rồi, ắt phải vĩnh viễn xa lìa những vọng-tưởng của trần-thế, không để cho sắc đẹp cướp đoạt cái sáng- suốt của mình, cho nên tham dục không sanh, "không sợ" sắc đẹp nữa.
10. Thuần âm vô trần, căn cảnh viên dung.- Vị Bồ-tát âm tánh thuần tịnh, ly chư vọng trần, căn cảnh tương nhập, viên dung vô ngại, năng linh hoài phẩn hận nhân, sân khuể bất sanh, thị vi vô úy.
Ý Kinh nói: Tâm đã thuần tịnh, xa lìa vọng tưởng của tiền-trần, thì ý và cảnh nhập lại làm một, ta là người, người là ta, ta là cảnh, mà cảnh cũng là ta. Thì không còn nuôi lòng giận hờn nữa. Như vậy là "không còn sợ" cái giận nữa.
11. Tiêu trần, triền minh.- Vị Bồ-tát trừ ám tiêu trần, triền phục tinh minh, năng linh nhất thể hổn-độn vô thiện tâm nhân, si ám viễn ly, thị vi vô-úy.
Bố-tát đã trừ khử mọi đen tối (trừ ám), tiêu diệt mọi thứ bụi đời (tiêu trần), chuyển biến tánh tối thành sáng, hoá ra xa lìa được si-mê. Nhờ đó mà "không sợ" bệnh Si nữa.
12.Dung hình phục văn.- Vị dung hình, tắc ngại diệt, phục văn, tắc tánh chân, cố thiệp thập thế-gian, nhi bất hoại thế-gian chi tướng, năng biến thập phương cúng-dường vi-trần số Phật, bẩm thừa kỳ pháp, các vi pháp-tử, dĩ thử vô-úy, thí chư vô tử chúng-sanh, dục cầu nam giả, linh đắc sanh nam.
Ý nói: Các hình tướng đã nấu cháy hết thành một chất loãng duy-nhất, thời sự sai khác trước kia làm trở ngại bị tiêu diệt, lại nghe được tiếng của Tâm thì Tánh trở thành chân, hết vọng. Bởi cớ, giao tiếp với thế-gian mà không làm hỏng các tướng của thế-gian, năng đi khắp mười phương, cúng dường vô số Phật, vâng chịu giáo pháp và làm con của Pháp. Do đó mà sanh lòng "không sợ", thí như người không con trai, cầu được con trai thời được con trai.
Theo thiển ý tôi, cầu con trai ở đây là ý Kinh nói cầu phúc-đức và trí-huệ, vì Kinh nói: Đắc sanh phước-đức trí huệ chi nam.
13. Lục căn viên thông, minh chiếu vô nhị.- Vị Bồ-tát lục căn viên dung, thông đạt vô ngại, hàm nhiếp pháp-giới, như Đại-Viên cảnh, minh chiếu vô nhị, do thử cố, năng thừa thuận pháp-môn, thọ lãnh vô thất. Dĩ thử vô-úy, thí chư vô tử chúng-sanh, dục cầu nữ giả, tức đắc sanh nữ.
Sáu căn đã hoàn-toàn, suốt thông không ngại, bao gồm pháp-giới như một chiếc Gương to, sáng soi tất cả như một vật một, do đó có khả năng xuôi theo cửa pháp, nhận lấy đầy đủ không rơi không mất. Đây là một cái "không sợ" khác. Thí như người không con, cầu con gái, được con gái.
Theo ngu ý, cầu con gái ở đây là cầu sự đoan-chánh (đoan-trang, nghiêm chánh).
14. Ngã nhất danh dữ lục thập nhị Hằng hà-sa danh đẳng vô hữu dị.-Vị Bồ-tát đắc chân viên-thông, năng linh cầu phúc chúng-sanh, đản trì ngã chi danh hiệu, dữ bỉ câu trì vô số Bồ-tát danh hiệu chi nhân, giảo lượng sở đắc phúc đức, đẳng vô hữu dị, thị vi vô úy.
Ý Kinh nói: Bồ-tát đạt đến cảnh Chân một cách thông-suốt trọn vẹn, thì có thể khiến những chúng-sanh cầu phước được phước đồng như người cùng cầu phước mà trì hiệu của vô số Bồ-tát.
Đây là đoạn Kinh nói: Năng linh chúng-sanh, trì ngã danh-hiệu, dữ bỉ cọng trì lục thập nhị Hằng-hà-sa chư pháp-vương tử, nhi6 nhân phước huệ, chánh đẳng vô dị.
*
* *

TỔNG LUẬN

Trước chúng ta đã học phẩm "Diệu-Âm" tiếng nói huyền diệu, tức là tiếng của Tâm thanh-tịnh.
Nghe được tiếng ấy chỉ có những người thanh-tịnh, mà thanh-tịnh được là vì có định, càng định lại càng thanh-tịnh. Định có là huệ phát sanh rồi cùng với huệ là Tâm từ-bi.
Trước muốn nghe "tiếng diệu" phải gần như bịt tai với tiếng đời, xoay cái nghe bề ngoài vào trong để nghe bề trong. Nay nghe bề trong xong rồi, phải quày trở ra mà nghe tiếng đời (quán-thế-âm) để mà cứu vớt chúng-sanh trong đau khổ. Đó là thể hiện Tâm Đại-Từ Đại-Bi mà Bồ-tát Quán-Thế-Âm là tượng trưng. Đại-Từ Đại-Bi là Phật, hay nữa là đức tướng căn-bản của Phật.
"Thất nạn" và "nhị cầu" nêu rõ những hiệu lực của việc "trì niệm" danh hiệu Quán-Thế-Âm, tức Đức Đại-Từ Đại-Bi. Pháp-môn trì-niệm này đồng một tánh chất với pháp-môn "trì-niệm" A-Di-Đà Phật chẳng hạn nhưng có chỗ đặc biệt là đứng hẳn về phương diện Từ-bi.
"Tam thập nhị ứng", chỉ Từ-bi có thể xuất phát ở mọi chúng-sanh, trừ ba hạng địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh là hạng vô-minh sâu dày.
Thập tứ vô-úy là cốt nói: chúng-sanh nào mà tâm đã thanh-tịnh, giác-ngộ, sáng-suốt và từ-bi phát khởi thì không còn sợ vọng tưởng, tham, sân, si lôi cuốn, thiêu đốt hay đắm chìm, cũng không còn sợ kẻ oán người thù.
Trì A-Di-Đà đắc thanh-tịnh. Trì Quán-Thế-Âm vừa đắc thanh-tịnh vừa đắc Từ-bi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]