Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

VI. Phất-Ba-Dục-Đế cúng trai

17/05/201313:11(Xem: 8900)
VI. Phất-Ba-Dục-Đế cúng trai

Kinh Đại Bát Niết Bàn [1]

VI. Phất-Ba-Dục-Đế cúng trai

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Đông Tấn, Sa Môn Thích Pháp Hiển

Bấy giờ, đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu đều từ tòa ngồi của mình, đứng dậy, đi đến thôn Cưu-bà. Đến thôn kia, Ngài cùng các vị Tỳ-Khưu, đi quanh trước sau, rồi ngồi xuống dưới một gốc cây.
Khi ấy, những người Bà-la-môn, Trưởng-giả, Cư-sĩ trong thôn kia, nghe thấy đức Phật đã đến thôn mình, đều cùng nhau đổ xô đến chốn Phật. Đến nơi, đầu mặt lễ xuống chân Phật, rồi ngồi lui về một bên, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu tới thôn chúng con, chúng con riêng nhận có ý-thú khác!”
Đức Như-Lai liền đáp: “Sau đây ba tháng Tôi sẽ nhập Niết-Bàn, nên từ thành Tỳ-Da-Ly, đi khắp thôn-ấp lần-lượt Tôi đến thôn này!”
Mọi người nghe đức Phật nói lời ấy, thương khóc áo-não, buồn-bã lăn ra đất, khoa tay, bứt đầu, đấm ngực kêu to: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian mất rồi, chúng con không bao lâu nữa, mất nơi quy-hướng, dẫn-đạo!”
Kêu rồi họ sụt-sùi bạch rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn, ở lại cõi thọ trong một kiếp hay non một kiếp.”
Đức Thế-Tôn đáp: “Các vị không nên sinh tâm buồn-rầu như thế! Sao vậy. – Tính, tướng của pháp hữu-vi như thế. Các vị nên bỏ tính lo buồn đi, tĩnh-tâm nghe Tôi thuyết-pháp lần cuối cùng!”
Lúc đó, những người kia, tự gượng nín nhịn, cúi đầu lặng nghe. Khi ấy, trong tòa ngồi kia, có một người Bà-la-môn, tên là Phất-ba-dục-đế, là người thông-minh, trí-tuệ, nghe nhiều, nhớ kỹ, đức Như-Lai liền bảo người ấy rằng: “Các vị nên biết: người tại-gia có bốn pháp, phải nên tu-tập: Một là, cung-kính cha mẹ, hết lòng hiếu-dưỡng. Hai là, thường đem pháp lành, dạy bảo vợ con. Ba là, thương, nhớ tôi đòi, biết những thức họ có hay không. Bốn là, gần-gũi thiện-tri-thức, xa tránh người ác. Nếu các ông thường làm được bốn pháp ấy, đời nay được người kính mến, đời sau thường sinh vào chốn thiện.
Lại nữa, ông Phất-ba-dục-đế! Người tại-gia có bốn pháp vui: Một là, không nợ tiền của người khác, thời không có sắc mặt hổ-thẹn. Hai là, người rất giầu có, tự tiếc không dám dùng gì, ngay đến cha mẹ, vợ con, thân-thích quyến-thuộc, đều không chu-cấp và không cúng-dàng các bậc Sa-môn, Bà-la-môn. Ba là, người rất giầu có, thân mặc áo đẹp, miệng ăn mùi ngon; biết cúng-dàng cha mẹ, thân-thích quyến-thuộc đều chu-cấp và phụng-sự các bậc Sa-môn, Bà-la-môn. Bốn là, người được ba nghiệp: thân, khẩu, ý, không làm ác; thông-minh trí-tuệ, ưa thích nghe nhiều.
Các ông nên biết: người tại-gia tuy có pháp vui ấy, nhưng, người không mang nợ người khác cùng người chỉ có tâm sẻn tham, thời pháp ấy gọi là pháp vui tối hạ; người hay làm việc bố-thí, là pháp vui của bậc trung, còn người mà nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, không tạo ác, thông-minh, trí-tuệ, ưa thích nghe nhiều, thời pháp ấy là pháp vui hơn hết (thượng thắng)”.
Đức Như-Lai liền nói kệ:
Không nợ cùng sẻn tham,
Gọi là vui tối hạ,
Có của đem bố-thí,
Ấy là vui bậc trung.
Ba nghiệp luôn trong sạch,
Trí-tuệ, thích nghe nhiều;
Đó là vui hơn hết,
Người trí-tuệ chăm làm.
Các vị từ ngày nay,
Cho đến hết cõi thọ;
Già trẻ dạy lẫn nhau,
Làm pháp trung, thượng ấy.[34]
Bấy giờ, bọn ông Phất-ba-dục-đế bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Từ nay chúng con xin đem pháp trung và pháp thượng (hơn hết), mở tỏ và dìu-dắt lẫn nhau!”
Khi ấy, bọn ông Phất-ba-dục-đế, năm trăm người liền ở trước Phật, thụ tam quy-y[35] và ngũ giới[36]. Bọn ông Phất-ba-dục-đế kia lại bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn cùng chư Tỳ-Khưu-Tăng, ngày mai hoan-hỷ nhận sự cúng-dàng của chúng con.” Đức Như-Lai mặc nhiên ưng-thuận.
Bọn ông Phất-ba-dục-đế biết đức Phật ưng-thuận rồi, liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, cùng chúng-nhân lại chiêm lễ ở đây, đều lễ Phật lui về.
Về đến nhà mình, suốt đêm họ đi sắm-sửa các thức ăn uống thơm-tho, ngon-lành. Đến ngày mai, khi sắp đến giờ ăn, họ sai người tín thành tới bạch Phật: “Kính xin Đức Thế-Tôn, biết thì giờ thụ-trai, việc trai-soạn đã xong!”
Khi ấy, đức Như-Lai cùng các vị Tỳ-Khưu-Tăng, vây quanh trước sau Phật, đi tới nhà bọn ông Phất-ba-dục-đế. Đến nơi, lần-lượt ngồi xuống. Ông Phất-ba-dục-đế, thấy đức Phật và chúng Tăng, đều an-tọa rồi, ông đi lấy nước, tự tay châm-chước[37] các thức ăn uống. Còn năm trăm người Bà-la-môn, Trưởng-giả, cư-sĩ, đều đem những cỗ cơm ngon tới nhà ấy, cùng cúng-dàng lên Phật.
Giữa bữa ăn, trong các vị Tỳ-Khưu, có vị không khéo giữ uy-nghi nơi thân-tướng, các người Bà-la-môn, Trưởng-giả, Cư-sĩ trông thấy vị ấy như thế, trong tâm không được vui-vẻ.
Đức Thế-Tôn biết tâm chúng-nhân như thế, Ngài liền phổ-cáo rằng: “Các ông nên biết: chính-pháp của Như-Lai sâu rộng như bể, không thể sánh-lường được. Trong bể lớn, có những chúng-sinh thân-thể rất to, dài đến một vạn sáu nghìn do-tuần, hoặc có chúng-sinh thân dài tám nghìn do-tuần, thân dài bốn nghìn do-tuần, thân dài một nghìn do-tuần, thân dài một tấc, nửa tấc, cho đến những thân cực-vi. Bể pháp của Như-Lai cũng thế, trong ấy hoặc có vị được quả A-la-hán, đủ ba phép minh[38] cùng sáu phép thần-thông[39] là vị có uy-đức lớn, đem lại phúc-lợi cho Nhân-Thiên và trong ấy lại cũng có vị được quả A-Na-Hàm[40], Tư-Đà-Hàm[41], Tu-Đà-Hoàn[42], nghĩa là, trong ấy cũng có các vị được tứ quả - tứ hướng[43]; cho đến cũng có những người phàm-phu chưa được pháp-lợi gì. Thế nên, các vị không nên đối với trong bể pháp, sinh tâm nghi-ngại!”
Lúc đó đức Thế-Tôn liền nói bài kệ:
Hết thảy mọi dòng sông,
Đều chảy về biển cả.
Cúng cơm Phật và Tăng,
Phúc về mình cũng vậy!
Đức Như-Lai nói bài kệ ấy rồi, Ngài lại vì mọi người, nói hết thảy mọi pháp. Ở trong pháp ấy, bọn ông Phất-ba-dục-đế năm trăm người, xa lìa trần-khổ, được pháp-nhãn-tịnh.

TOÁT-YẾU


Đến thôn Cưu-Bà đức Phật cùng các vị Tỳ-Khưu đến ngồi dưới gốc cây.
Những người Bà-la-môn, Trưởng-giả, Cư-sĩ trong số ấy có cả ông Phất-ba-dục-đế trong thôn nghe biết, kéo nhau đến lễ Phật, được biết đức Phật sắp nhập Niết-Bàn. Họ kêu khóc, thỉnh Phật lưu lại thế-gian, nhưng Phật không nhận lời và đều được Ngài an-ủi như bao lần trước.
Tới đây, Ngài dạy: “Người tại-gia có 4 pháp cần nên tu-tập:
1/ Cung-kính và hiếu-dưỡng cha mẹ.
2/ Đem pháp lành dạy vợ con.
3/ Thương mến và giúp đỡ tôi-tớ.
4/ Gần bạn lành, tránh bạn ác.
Ngài lại dạy: “Người tại-gia có 4 pháp vui:
1/ Không nợ ai.
2/ Giầu có nhưng bỏn sẻn với cả mình, cha mẹ, thân-thích v.v…
3/ Cự-phú biết ăn mặc, cung-dưỡng cha mẹ, thân-thích, phụng-sự các vị tu-hành.
4/ Thân, khẩu, ý, không làm ác, thông-minh, trí-tuệ, nghe nhiều.
Bốn hạng người này, 2 hạng đầu là pháp vui tối hạ, hạng thứ 3 là bậc trung, còn hạng thứ 4 là bậc thượng. Vậy, từ nay các vị nên làm theo bậc trung và bậc thượng kia!”
Mọi người nghe Phật nói pháp đều hoan-hỷ, xin thụ Tam-quy, ngũ-giới và xin thỉnh Phật cùng chúng Tăng ngày mai tới nhà nhận sự cúng-dàng của họ.
Trong bữa ăn, có vị không nghiêm-chỉnh uy-nghi, họ trông thấy, tâm họ không được vui vẻ. Đức Phật cảm thấy thế, Ngài dạy: “Trong bể lớn có nhiều loại chúng-sinh, to, nhỏ khác nhau, trong bể Pháp của Tôi cũng vậy, có các vị được Tứ-quả và cũng có những người phàm-phu chưa được pháp-lợi gì. Các vị không nên ngờ-vực. Và, biết rằng cúng-dàng Phật, chúng Tăng, phúc ấy mình sẽ được, như nước mọi sông, đều chảy về bể cả!”
Nghe đức Phật nói, mọi người xa lìa được trần-cấu và được pháp-nhãn-tịnh.



Chú thích


[34] Đến đây là hết quyển thượng.
[35] Tam quy-y: Quy-y Tam-Bảo: Phật, Pháp, Tăng.
[36] Ngũ giới: Năm điều răn: Không sát-sinh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không nói dối và không uống rượu.
[37] Châm-chước: Hầu-hạ, bưng-rót, gắp bỏ, san-sẻ thức ăn uống.
[38] Ba phép minh: 1/ Túc-mệnh. 2/ Thiên-nhãn. 3/ Lậu-tận.
[39] 6 phép thần-thông: Thần-thông có nghĩa là phép có tác-dụng tự-tại vô-ngại. 6 phép ấy là: 1/ Thần-túc-thông (Rddhividhi-jnàna). 2/ Thiên-nhãn-thông (Divya-caksus). 3/ Thiên-nhĩ-thông (Divya-sirotra). 4/ Tha-tâm-thông (Paracit-jnàna). 5/ Túc-mệnh-thông (Pur-vanivàsànusmrti-jnàna). 6/ Lậu-tận-thông (As-ravaksaya-jnàna).
[40] A-na-hàm (Angàmi): Quả vị thứ 3 trong 4 quả của Thanh-Văn. A-na-hàm Tàu dịch là Bất-lai hay Bất-hoàn. Nghĩa là vị tu-hành đã diệt hết hoặc-nghiệp cõi Dục không phải trở lại lần nữa. Và, sau chỉ phải sinh lên cõi Sắc, cõi Vô-Sắc mà thôi.
[41] Tư-đà-hàm (Sakrdàgàmi): Quả vị thứ 2 trong 4 quả của Thanh-Văn. Tư-đà-hàm Tàu dịch là “Nhất-lai”. Nghĩa là vị tu-hành, đoạn cửu-địa tư-hoặc, được 6 phẩm trước, còn 3 phẩm sau, còn phải thụ-sinh trong Dục-giới một lần nữa, nên gọi là “Nhất-lai”.
[42] Tu-đà-hoàn (Srotapanna-phala): Quả thứ 1 trong 4 quả của bậc Thanh-Văn. Tàu dịch là “Nhập-lưu, Nghịch-lưu, Dự-lưu”. Đều có nghĩa là vị tu-hành đã đi ngược dòng sinh-tử, phàm-phu mà đã được dự vào dòng Thánh-Đạo.
[43] Tứ-quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Tứ-hướng: Tu-đà-hoàn-hướng, Tu-đà-hàm-hướng, A-na-hàm-hướng, A-la-hán-hướng. Hướng có nghĩa là hướng tới, đi đến.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567