Chuyện Bách Dụ
Chuyện 91 - Chuyện 100
Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch
Chuyện 91
Người không biết đủ thì khổ
Lời dẫn: Đức Phật dạy: "Biết đủ thường vui, người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng thấy khổ". Vì thế, bất luận chúng ta đang hưởng thụ cuộc sống giàu sang, ăn ngon mặc đẹp; hay sống trong khổ cực, ăn uống đạm bạc, miễn biết đủ thì an vui. Kẻ không biết đủ, cho dù giàu nứt đố đổ vách, địa vị danh vọng cao ngất, nhưng hàng ngày vẫn tìm mọi cách tranh giành chiếc ghế, hạ thủ, đấu đá lẫn nhau, khổ não vô cùng.
Con người có giàu-sang, nghèo-hèn, khôn-dại, hiền-dữ. Đất có đồi núi chập chùng, hay đồng ruộng bằng phẳng chẳng bao giờ giống nhau. "Làm người có lúc gặp vận may, có lúc gặp rủi ro, chúng ta không thể so bì người này với người kia". Nếu như chúng ta "thấy người tài đức muốn mình bằng họ" thì càng so sánh càng mệt. Như thấy người giàu sang liền sinh tâm ganh tỵ; hoặc tự ty là điều không nên. Người giàu sang thấy người nghèo hèn thì kiêu ngạo, tự cao tự đại; hoặc người nghèo thấy người giàu sang thì tự ty, ganh tỵ đều không đúng. Chuyện đúng sai cũng là nguyên nhân tranh cãi, tất nhiên khổ não sẽ đến.
Ngày xưa có một nông dân, gia đình hắn tuy không có của ăn của để, nhưng cuộc sống cũng tạm đủ. Hắn tuy không có nhà cao cửa rộng, nguy nga tráng lệ, nhưng cũng có nhà ngói đỏ tường vôi, rộng rãi thoáng mát đủ cho một gia đình mười mấy con người sinh hoạt thoải mái; mặc dù, hắn không được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng cuộc sống luôn đầy đủ no ấm. Gia đình hắn trôi qua những ngày tháng hạnh phúc đơn sơ như thế.
Một hôm, hắn đến nhà trưởng giả có việc. Hắn thấy nhà ông ta có rất nhiều vàng bạc, của cải, ăn toàn những món sơn hào hải vị, ở nhà lầu cao rộng, nguy nga, đầy đủ tiện nghi sang trọng. Sau khi trở về nhà, hắn nhớ lại nhà ông trưởng giả giàu sang như thế nên đâm ra buồn chán, than thở; ăn cũng không ngon, ngủ không yên giấc, thường nói lẩm bẩm: "Chao ôi! Vì sao tài sản của ta không bằng trưởng giả? Nhà của ta không sang trọng bằng nhà ông ta?". Sau đó, hắn ngồi thờ thẫn như người thất tình.
Vợ hắn thấy tình cảnh như vậy, liền an ủi:
- Chàng ơi! Hãy bằng lòng sống với hiện tại, tài sản của chúng ta không nhiều bằng nhà trưởng giả, nhưng cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Tiện nghi trong nhà chúng ta tuy không được đắt, sang trọng như nhà ông ta, nhưng đâu thiếu vật gì. Chàng còn mơ ước gì nữa mà không hài lòng?
Hắn trợn mắt nạt:
- Nàng là phận đàn bà biết gì mà nói. Làm người phải tranh tài, Phật phải tranh lư hương. Trưởng giả là người, ta cũng là người, vì sao ta không bằng ông ta?
- Chàng ơi! Trưởng giả là người, chúng ta cũng là người, nhưng con người có sự giàu-sang, nghèo-hèn, vận mạng có tốt-xấu sai khác. Bởi vì, có người đời trước làm nghiệp thiện nên đời nay được hưởng phúc báo. Có người đời trước gây nghiệp ác nên đời nay chịu khổ báo. Có người thông minh, trí tuệ, làm việc có đạo đức, có lương tâm. Có kẻ ngu si, bất tài chỉ làm hại người, lợi mình, những việc họ làm đều trái với lương tâm, đánh mất nhân cách. Thì làm sao có chuyện giàu-sang giống nhau?
- Ý nàng nói ta là kẻ bại hoại đạo đức phải không?
- Thiếp không dám nói như thế, chúng ta làm đúng, ít tạo nghiệp ác là được rồi.
- Nàng hiểu được bao nhiêu? Lẽ nào ta không biết đạo lý này? Con người sống ở đời là phải tranh tài năng, không tranh nhau thì sống có ý nghĩa gì?
- Ý chàng nói là…
- Tài sản của chúng ta không bằng người khác, để lại có ích gì?
- Tài sản của chúng ta tuy không bằng trưởng giả, nhưng đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả nhà. Chàng muốn xử trí nó thế nào?
- Ta dự định đem hết của cải ném xuống biển, không còn của cải sẽ không còn đau khổ so sánh hơn thua với trưởng giả kia.
Đúng là hắn lý sự quạt mo, thế gian này có những kẻ khùng, cũng lý sự ngu si như hắn. Mặc dù vợ hắn khuyên can hết lời, nhưng hắn vẫn không nghe, ngang nhiên đem hết của cải ném sạch xuống biển cả.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người có khôn-dại, hiền-dữ, tư tưởng hiểu biết và cách nhìn nhận ở thế gian đều không giống nhau. Người có chính nhân quân tử và kẻ gian tà; hiểu biết có cao-thấp. Có người nhìn xa trông rộng về tương lai; có kẻ chỉ thấy lợi ngay trước mắt; có người chánh tri, chánh kiến; có kẻ tà tri, tà kiến; công có công lý; nghề có nghề chính đáng. Người sống ngay thẳng có lý lẽ đúng; kẻ tà thường lý lẽ cong quẹo. Người chánh hay tà mới có thể yên ổn đi trên con đường nhân sinh này? Quan trọng nhất là tương lai được hướng thượng vươn lên hay bị đọa; làm người hay làm qủy; được vãng sinh hay đọa làm súc sinh; lên thiên đường hay xuống địa ngục, đều do lý trí của chúng ta mà chọn lựa.
Con người tranh tài rất quan trọng phải không? Là tự mình tranh đấu để vươn lên là điều tất yếu; hay vì quốc gia, vì xã hội mà tranh tài cũng cần như vậy; hoặc vì nhân cách, đạo đức của mình mà tranh tài, lại càng quan trọng; hoặc vì sinh tử trong tương lai, hay vì độ chúng sinh mà phải tranh tài thì càng tốt. Nhưng có người vì những danh lợi giả dối, hay vì chút sĩ diện mà tốn rất nhiều tinh thần và sức lực để tranh nhau; thật là oan uổng. Có người vì so sánh tài sản của người khác, tranh nhau vì thể diện mà từ bỏ tất cả; càng tranh giành thì càng đau khổ. Bạn nói họ là người thông minh hay là kẻ ngu si?
Chuyện 92
Đem tài sản đổi lấy kẹo
Lời dẫn: Mỗi người chúng ta đều có thói quen hám của rẻ. Vì thế, từ xưa đã có câu nói: "Ham cái nhỏ, bỏ cái lớn". Vì sao nói ham cái nhỏ, bỏ cái lớn? Chúng tôi nói ví dụ như chúng ta có việc muốn nhờ người khác, trước khi bàn công việc, chúng ta phải biếu quà; họ nhận quà của chúng ta mà không e ngại từ chối yêu cầu của chúng ta; nếu không thì việc đó không bàn được.
Chúng ta làm việc giúp cho người khác, ít nhất cũng một chầu nhậu; hoặc nhận một phong bì; nếu không thì khó mà được toại nguyện. Nếu chúng ta bàn chuyện buôn bán làm ăn, trước phải mời đi nhà hàng thì bàn chuyện kinh doanh mới thành công; cho đến tổ chức mở tiệc sinh nhật, cưới gả, ma chay, chúc thọ đều phải mời dùng cơm trước rồi mới mời sau. Một bữa ăn, bất luận phải trả giá bao nhiêu cũng phải ăn. Bởi vì, thông thường đã hình thành thói quen như thế, nên lãng phí rất nhiều.
Tục Ngữ có câu: "Muốn bắt trộm gà, phải mất một nắm lúa". Kẻ muốn bắt trộm chó người ta nuôi, trước không đánh chó làm sao bắt trộm được? Kẻ muốn tham ô, trước tiên cũng phải chi cho người khác một ít thì việc tham ô mới suôn sẻ. Kẻ muốn lừa đảo lấy của người khác, trước tiên cũng phải chi ra một ít tiền để dụ họ thì lừa đảo mới thành công. Vì thế, ham cái nhỏ, bỏ cái lớn ở thế gian rất nhiều, kể ra không hết.
Ngày xưa có một phụ nữ vì chạy giặc nên rời bỏ quê nhà; nàng dắt theo đứa con trai và mang một bọc đựng rất nhiều của cải, nàng dự định đi thẳng đến nơi yên ổn để sinh sống. Hai mẹ con đi suốt hai ngày, hai đêm, thân thể rã rời, nên phải nghỉ ngơi. Họ đi đến ngồi nghỉ bên gốc cây, nàng lại buồn ngủ nên dặn chú bé:
- Trong bọc này đựng tài sản của chúng ta, lúc mẹ ngủ; nếu có ai muốn lấy bọc này thì con liền kêu mẹ dậy nhé! Tuyệt đối con không được đưa cho ai bọc này!
Chú bé đáp:
- Mẹ ơi! Con biết rồi!
Dặn con xong, nàng dựa vào gốc cây ngủ say. Lúc đó, có một tên trộm nhìn thấy người mẹ đã ngủ say, dường như không hay biết gì liền đến gần hỏi:
- Này chú bé! Trong bọc đựng gì thế?
Chú bé trả lời:
- Dạ, bọc đựng của cải đó!
- Chú bé ơi! Của cải đâu có ích gì, anh có rất nhiều kẹo nè, em ăn thử ngon không?
Hắn lại giơ kẹo trước mặt chú bé giở trò dụ dỗ:
- Kẹo nè! Em thích không?
- Dạ, em rất thích!
- Thế thì anh đưa cho em kẹo đổi bọc này cho anh có được không?
- Dạ được!
Thế là bọc đồ của cải bị tên trộm chôm lấy đi.
Người mẹ thức dậy không thấy bọc đồ, liền hỏi:
- Này con! Bọc đồ đâu rồi?
Chú bé đáp:
- Con cho chú kia mang đi rồi.
- Tại sao con cho chú đó mang đi? Không phải mẹ đã dặn con rồi, nếu có ai muốn lấy bọc này thì con liền kêu mẹ dậy?
- Mẹ ơi! Tại chú đó cho con rất nhiều kẹo đây nè!
- Con ơi! Có nhiều kẹo đi nữa cũng chẳng đáng giá bao nhiêu, tài sản trong bọc đó trị giá rất nhiều.
- Thế nào là trị giá rất nhiều hả mẹ?
Chú bé chẳng hiểu gì cả, người mẹ có giải thích cho nó cũng chẳng có ích gì; vả lại tài sản cũng bị tên trộm mang đi rồi, có đánh mắng chú cũng chỉ vô ích, nàng chỉ tự than trách mình.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người thường vấp phải ham cái nhỏ, bỏ cái lớn. Có người vì năm đồng tiền mà cãi nhau đỏ mặt tía tai, đánh mất tình bạn, mất đi khách hàng bị tổn thất rất lớn, trái với đạo đức, trái lương tâm mình, chỉ vì tiền mà đánh mất tất cả. Lại còn tạo tội nghiệp, trong tương lai nhiều đời nhiều kiếp phải đền trả, cũng kết thù oán rất nhiều, báo thù lẫn nhau, mãi mãi không hóa giải được. Chúng ta nghĩ thử xem chút lợi trước mắt quan trọng? Hay là đạo đức, nhân cách quan trọng?
Ngoại đạo vì tranh giành tín đồ mà đem tam giáo[5] và danh từ ngũ giáo[6] gộp lại sửa đổi thành những danh từ tà thuyết, tin đồn, dọa dẫm, lừa đảo. Bọn chúng vì tham lợi trước mắt nhất thời mà hại tuệ mạng của mình và tất cả chúng sinh. E rằng nhiều đời nhiều kiếp tội lỗi vô biên. Bọn chúng chỉ sung sướng nhất thời trước mắt mà muôn kiếp đọa vào đường tà. Chúng ta thử nghĩ xem, họ thông minh hay là ngu si? Là được hay mất? Như chú bé trong câu chuyện chỉ vì ham mấy viên kẹo mà đánh mất của cải giá trị rất nhiều. Câu chuyện này đáng làm bài học cho chúng ta.
Chuyện 93
Gây họa cho người
Lời dẫn: Ở đời, có người gây họa cho đời. Có người để phúc cho đời. Có người để lại tình thương khắp nhân gian, cũng có người để lại căm thù cho mọi người. Chúng ta nên để lại trí tuệ, để lại của cải, để lại nhân nghĩa, để lại danh tiếng, để lại chân lí cho cuộc đời. Nhưng cũng có kẻ để lại sự tàn bạo, để lại nợ nần, để lại tiếng xấu, để lại tà thuyết cho nhân gian. Cho nên ở đời có chuyện sang-hèn, giàu-nghèo, trên trời có hai mươi tám tầng, địa ngục có vô lượng địa ngục; cho đến chúng sinh ở dưới biển, đất liền và trong hư không, mỗi loài đều có phước, tội sai khác.
Người có tâm địa tốt, đến đâu cũng tìm cách giúp đỡ mọi người, cho nên họ để lại lòng yêu thương, phước đức, trí tuệ cho cuộc đời. Kẻ có tâm địa xấu đi đến chỗ nào cũng bóc lột người khác, để lại tai họa, hận thù và tiếng xấu ở nhân gian. Tuy họ có thể trốn thoát pháp luật, trốn tránh sự khiển trách của mọi người, nhưng không thoát được báo ứng nhân quả, nhân như vậy thì phải chịu quả như thế. Đây chính là chân lý trong vũ trụ rất công bằng và rất thực tế.
Ngày xưa có một phụ nữ rất nhiều chuyện, suốt ngày thị đi lông bông bên ngoài để nói những chuyện tốt-xấu. Thị không nói chuyện thị-phi của người thì khen-chê người này tốt, người kia xấu; thị đem điều tốt-xấu của mình để phê phán chuyện đúng sai của người khác.
Một hôm, thị gặp một cô gái trẻ đẹp. Thị bảo:
- Này em! Em rất xinh đẹp để ta giới thiệu cho cô một chàng trai khôi ngô tuấn tú, bảo đảm em rất hài lòng. Em đồng ý không? Chàng trai này vừa đẹp trai, vừa có học vấn, hiểu biết, lại giàu sang, có địa vị. Em kết hôn với anh ta quả thật là một đôi trai tài gái sắc, hạnh phúc không gì bằng.
Cô gái vốn không quen biết gì thị. Bỗng nhiên, nghe thị nói làm mai mối, e thẹn không dám nghe nên đi luôn. Thị tức giận càm ràm: "Cô này không biết điều, mai này nhờ ta làm mai, ta không đồng ý đâu nhé!". Cô gái nghe thị nói bậy bạ rất bực mình. Thật là, lời nói làm cho người khác bực tức chỉ là vô nghĩa.
Một lần, có người hàng xóm mất, thị giúp đỡ hết lòng, chỉ dạy con cái của người mất: "Này các con! Mẹ của các con mất rồi mà các con không chịu khóc lóc gì hết, càng khóc lớn tiếng thì càng tốt, mới bày tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với mẹ. Nếu không mọi người sẽ phê bình mà mẹ của các con cũng không được siêu thăng. Các con phải đốt nhiều vàng mã để mẹ các con xuống âm phủ có mà xài; lại còn đốt cả nhà giấy, xe hơi giấy và các dụng cụ đồ giả cho mẹ. Bằng không, mẹ các con sẽ quanh quẩn ở đây. Các con có muốn mẹ làm kẻ ăn xin, hay làm cô hồn, ma quỷ không? Lớn hết cả rồi mà không biết gì".
Thị chỉ bày cho mọi người, nếu bảo họ cảm tạ thị cũng không đúng, tức giận cũng không được, làm theo thị bảo cũng không ổn, không làm theo cũng khó xử; thật là làm khó hai bên. Thị đi đến đâu cũng chỉ gây phiền phức cho mọi người.
Hàng ngày, thị sống không có nề nếp; suốt ngày, thị lông bông ngoài đường, thường thường đến nửa đêm mới về nhà. Một hôm, thị nằm ngủ trưa bên cây cổ thụ. Lúc vừa thức giấc, thị chợt nhìn thấy một con gấu đen chạy đến, thị chạy trốn không kịp nên đành ôm chặt thân cây, con gấu vồ thị. Vì thị ôm chặt thân cây nên con gấu dùng hết sức kéo thị; không ngờ, vuốt của nó cắm sâu vào vỏ cây rút không ra được. Thị lập tức đè lên con gấu, nó nhất thời không cử động được. Khi đó, có một thanh niên đi ngang qua. Thị liền lớn tiếng bảo:
- Này chú em ơi! Hãy giúp dùm chị với, chỉ cần chú em giết chết con gấu này thì nó thuộc về chú.
Chàng trai hỏi:
- Tôi giúp chị như thế nào?
- Chỉ cần chú đè chặt bàn tay con gấu, chị cầm dao giết chết nó là xong!
- Dạ được!
Chàng trai đè tay con gấu cho thị; nhưng thị bỏ đi mất không quay lại để chàng trai chịu trận, đè gấu cứng đơ trong tình cảnh nguy hiểm. Thật là, lỡ cưỡi trên lưng cọp khó mà xuống được, chàng trai không biết làm thế nào cho toàn thân mạng.
Bài học đạo lý
Thế gian có rất nhiều tà thuyết, nói ra những điều dường như là đúng mà lý thì không phù hợp. Họ dựa vào trời, thần để nói, nếu như mọi người bác bỏ cũng không được mà không bác bỏ cũng không đúng. Họ phao tin đồn nhảm rất nhiều, nói là Ngọc Hoàng thượng đế nói ra, hay Phật kia dạy, rõ ràng là không hợp lí. Chúng ta bác bỏ được không? Dẫn đến mọi người tức giận, bác bỏ được không? Nếu để lại làm cho mọi người tin theo tà kiến điên đảo, cũng làm cho bọn gian tà thức hiện ý đồ lừa đảo, không xiển dương chính pháp được. Thật là người tốt khó làm mà để họa cho người thì dễ.
Chuyện 94
Hiểu lầm ý người khác
Lời dẫn: Người thông minh dễ dàng hiểu rõ ý của đối phương thể hiện qua từng cử chỉ đưa tay, cất chân, cho đến nhíu mày, nhăn mặt. Kẻ ngu si chẳng những nói ra rất nhiều lần họ không hiểu mà còn hiểu lầm ý của đối phương. Những chuyện bi hài này rất nhiều, lại còn làm mất cơ hội rất nhiều việc lớn; thậm bị mất thân mạng quý báu.
Thuở xưa có một chàng trai lãng tử sống phóng túng, gã yêu một phụ nữ đã có chồng rất xinh đẹp; cả hai người thường lén lút hẹn hò nhau. Có những lúc, chồng của ả vắng nhà thì họ tha hồ bên nhau suốt ngày, trút nỗi niềm nhớ nhung không bao giờ cạn.
Một hôm, gã hỏi:
- Này em yêu! Em có thật lòng yêu anh không?
Ả ỏng ẹo đáp:
- Tất nhiên là em yêu anh thật lòng, nếu không thì em dối chồng lén lút hẹn hò cùng anh làm gì?
- Vậy tại sao em không ly hôn với chồng để cùng anh xây dựng hạnh phúc.
- Vợ chồng em đang sống hòa thuận, anh ấy không phạm lỗi gì, làm sao em ly hôn được?
- Em nói như thế, chúng ta mãi mãi không thể chính thức kết hôn được phải không?
- Vậy anh có cách gì không?
Lúc họ đang tâm sự, bỗng bên ngoài người chồng về gõ cửa kêu:
- Em ơi! Anh về rồi, hãy mở cửa nhanh lên!
Ả nghe tiếng chồng gọi, hốt hoảng bảo:
- Dạ, anh đợi em tí, em ra mở cửa liền.
Ả nói nhỏ với tình nhân.
- Nguy to rồi! Chồng em về tới, anh phải đi ra mau lên. Chồng em ở bên ngoài đã biết chuyện tình của chúng ta, nếu anh ấy vào nhất định sẽ giết chết anh. Dưới nhà bếp nhà em có ma-ni (đường cống ngầm) anh chịu khó chui xuống đó trốn nhé. Nhanh lên, em ra mở cửa.
Trong lúc hốt hoảng, hắn hiểu lầm ý của ả là đi tìm viên ngọc ma-ni thì mới đi ra được, nên hắn tới lui trong nhà bếp tìm châu ma-ni. Lúc này, chồng của ả đã vào nhà, nhìn thấy gã liền nổi điên lên xông đến chẳng hỏi phải trái, cầm dao đâm gã chết tại trận. Trong cơn hấp hối, gã vẫn còn luyến tiếc thều thào nói: "Thật đáng tiếc! Ta chưa tìm được viên châu ma-ni".
Do đó, hắn ôm hận từ giã cõi đời. Thật đúng như Cổ đức dạy: "Nguyện chết làm hoa mẫu đơn, làm ma vẫn còn phóng túng".
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người ở đời sống phóng túng, đến khi làm ma vẫn sống phóng túng phải không? Chúng tôi e rằng, đối với họ kiếm được một bữa ăn cũng rất khó khăn, đói vẫn đói mà không chết. Quỷ sống không thể sống gọi là ngạ quỷ, nó có thể sống phóng túng như ở đời không? Kẻ sống phóng túng, chết bất đắc kì tử; hoặc có rất nhiều gia đình sống xào xáo, thương nhiều, hận cũng nhiều. Oán hận và tức giận là tội nhân ở hầm lửa địa ngục. Ai cũng sợ bị lửa dữ thiêu đốt mà vẫn thích sống phóng túng phải không?
Lại nói kẻ sống phóng túng thường luôn nơm nớp lo sợ, sợ người phát hiện, cũng là khi làm súc sinh sợ người giết họ. Chúng tôi nói theo thế gian, khi lửa dục đốt cháy tâm họ thì tinh thần không được yên ổn; giống như si mê, say xỉn. Cho dù tinh thần họ có yên ổn trong chốc lát, nhưng cũng là lợi bất cập hại. Chúng ta thử hỏi kẻ sống phóng túng có an lạc không?
Câu chuyện này để giải thích muôn sự muôn vật ở thế gian, sát na sinh diệt khổ, không, vô thường, vô ngã. Nếu như chúng ta giác ngộ được sự sinh diệt của mọi sự vật thì trong tâm thanh tịnh thấy được pháp không sinh, không diệt, thoát khỏi sinh tử; lại ngay trong cuộc sống thường được an lạc, không còn bị lửa dục thiêu đốt, đời sống mới có ý nghĩa, có mục đích. Bằng không thì suốt đời cứ mãi tính toán tranh giành, bị năm dục sai khiến không dừng, vẫn luôn một mình tạo nghiệp. Sau khi chết, bị đọa vào ba đường ác, không biết trải qua trăm nghìn kiếp có trở lại thân người được không, đều do một niệm sai lầm mà đưa đến. Đức Phật dạy: "Một niệm giác tức là Phật, một niệm mê là chúng sinh". Lẽ nào chúng ta vì một niệm sai lầm mà dẫn đến sinh tử khổ não vô cùng tận?
Chuyện 95
Giết oan bạn đời
Lời dẫn: Thương và ghét ở đời cách nhau thật mong manh, chẳng phải người thế gian thương tức là ghét, ghét tức là thương; thương-ghét luôn xoay vần không dừng. Chúng tôi nói nghĩa rộng là luân hồi sinh tử. Tất cả chúng sinh bị luân hồi sinh tử, phần đông đều do thương-ghét mà ra, tạo nghiệp thiện-ác mà chịu quả báo thiện-ác; đồng thời báo thù lẫn nhau, đòi nợ vẫn nợ, cho nên mới có luân hồi. Khổ báo vô cùng cũng là thương-ghét đưa đến.
Ngày xưa có một đôi chim bồ câu rất thương yêu nhau, cùng sống chung nhau trên cành cây cổ thụ xanh tươi. Hàng ngày, chúng nó bay đi tìm thức ăn, tối về cùng ngủ chung, như bóng không rời hình, thương yêu chân thành. Vào buổi chiều, chúng nó thường đậu trên mái nhà, ánh nắng hoàng hôn chiếu lên bộ lông chúng nó chiếu sáng lấp lánh đẹp vô cùng.
Hai con chim sống với nhau rất vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; có lúc chúng nó thể hiện tình cảm ra ngoài. Khi đậu trên cành cây, chim trống thường đậu sát vào chim mái âu yếm rỉa lông. Có những người nhìn thấy như vậy, đều trầm trồ khen ngợi nói: "Chim bồ câu là loài gia cầm mà chúng nó còn biết thương yêu nhau. Con người là tối linh trong muôn vật, vì sao chỉ biết lợi cá nhân mình mà tranh giành, giết hại lẫn nhau, không biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cuộc sống được an vui?" Thế gian này có mấy người yêu nhau trong sáng và chân thật? Tình yêu ở thế gian thường xảy ra "yêu quá sinh hận", "tức nước vỡ bờ", "vui quá sinh buồn". Đôi chim bồ câu cũng không ngoại lệ.
Mùa hè năm đó, đến mùa lúa chín vàng rực. Trong lúc, những người nông dân bận rộn thu hoạch mùa màng. Đôi chim bồ câu cũng vất vả đi tha từng gié lúa sót lại trên ruộng đem về tổ, chuẩn bị lương thực cho mùa đông để không còn lo hàng ngày đi tìm thức ăn. Cả hai con đều nỗ lực làm việc, chỉ vài ngày tổ của chúng đầy ắp lương thực.
Một hôm, cả hai con đều bay ra ngoài, bỗng chim mái một mình bay về, cẩn thận xem lúa trong ổ. Vài ngày sau, vì thời tiết nóng bức làm cho lúa trong ổ khô héo xẹp ít lại. Chim trống thấy như vậy sinh nghi ngờ, cho rằng chim mái ăn lén; hoặc tha đi chỗ khác. Vì thế, chim trống càng nghĩ càng tức giận, liền nói với chim mái:
- Chúng ta cực khổ cùng đi nhặt lúa tha về, cô lại lén tha đi đâu?
Chim mái đáp:
- Chàng nói gì kỳ vậy? Thiếp không có.
- Không có, vì sao lúa còn ít như thế? Lẽ nào ta tha đi nơi khác? Cô thường bay về một mình làm gì?
- Vì thiếp không yên tâm lúa ở trong ổ nên bay về xem thử.
- Cô nói dối! Rõ ràng cô lén tha lúa đi nơi khác.
- Tại sao chàng lại nói oan cho thiếp như vậy? Thiếp lại cho rằng chàng lén tha lúa đi thì đúng hơn.
Do đó, hai con cãi nhau chí chóe. Chim trống nổi điên ra sức mổ rất mạnh, chim mái chết ngay lập tức. Chim mái chết rồi, nó còn nói: "Thật đáng kiếp! Mày dám phản bội lại tao".
Vài ngày sau, thời tiết chuyển mùa, trời lạnh và mưa liên tục. Lúa trong ổ lại tươi, phình to trở lại, lúa vẫn nhiều như trước đây. Chim trống thấy sự việc như vậy, nó vô cùng hối hận nói: "Ta đã nghi oan cho nàng. Hóa ra, gié lúa bị trời nóng khô héo giảm ít lại, ta không chịu xem xét kỹ, ta lại giết chết nàng. Tội ta đáng chết! Ta thật đáng chết". Chim trống quá đau buồn nên nó chết theo chim mái.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người thường là "vui quá sinh buồn". Tình yêu cũng thường biến thành thù hận. Cuộc sống luôn đi đôi hai mặt: đúng-sai, khổ-vui, thương-ghét, yêu-hận, vận tốt-vận xấu, thành công-thất bại, giàu sang-nghèo hèn đều luôn xoay vần con người. Vì sao như thế? Lẽ nào "tạo hóa trêu ngươi". Ông trời không ban cho con người hạnh phúc, an vui mà cố ý làm cho họ nếm mùi đau khổ chăng?
Con người được hạnh phúc là có cơm ăn, áo mặc, nhà ở yên ổn. Nhưng khi ăn ngon, mặc đẹp họ lại thích sống đua đòi phung phí, quên đi lúc cực khổ. Có người còn tạo các ác nghiệp như giết người cướp của, mại dâm, rượu chè be bét, cờ bạc. Cổ đức dạy: "Con người khi no ấm, lại nghĩ đến chuyện sinh hoạt tình dục. Nghèo đói sinh tâm tham". Đây là căn tính thấp hèn của con người, cho nên bị trời phạt.
Kỳ thật, nhân quả tuần hoàn, xoay chuyển nghiệp thiện-ác từ đời quá khứ, nhiều đời nhiều kiếp đến nay vô lượng vô biên. Nếu như chúng ta tinh tiến sám hối, phát thiện tâm, cũng có liên quan phúc nghiệp đời quá khứ. Sống phung phí, sát sinh, trộm cướp, cúng tế cũng có liên quan ác nghiệp từ quá khứ đưa đến; cho nên có báo ứng đời nay; thương-ghét, yêu-hận cũng lại như vậy. Cho nên, lúc nào chúng ta cũng khởi thiện tâm thì được phước báo vô lượng tu tập thì sinh tâm từ bi, phát khởi trí tuệ thì phước báo tương lai nhiều đời nhiều kiếp hưởng mãi không hết.
Chuyện 96
Móc mắt khỏi làm việc
Lời dẫn: Đôi mắt là ánh sáng, là tương lai của con người; nếu như bị mù thì tương lai như không có. Thế giới này không có ánh sáng thì mọi sinh hoạt chìm trong bóng tối, sống đau khổ chi bằng chết sướng hơn. Thiên đường là nơi đại biểu ánh sáng và hạnh phúc; địa ngục là nơi tăm tối và đau khổ. Người bị mù thì cuộc sống của họ như ở trong địa ngục tăm tối phải không? Nếu như những người mù cùng sống chung nhau thì họ chỉ có cam chịu số phận bất hạnh. Nhưng có những người mắt sáng vì sao lại đi móc mắt? Vì họ muốn thoát khỏi khổ sai phục dịch. Nhưng sự cực khổ phục dịch đến lúc sẽ hết hạn, còn mắt bị mù thì chịu cảnh mù tối suốt cuộc đời. Vậy mà, thế gian lại có những kẻ ngu si như thế.
Ngày xưa có một nhà vua vì muốn trưng bày tiện nghi trong cung cho hoành tráng xinh đẹp; cho nên ra lệnh rất nhiều thợ mộc nổi tiếng trong nước vào cung đóng, chạm khắc những đồ dùng. Đồ dùng tiện nghi của nhà vua phải khác xa dân thường, chẳng những phải đóng, chạm khắc khéo và đẹp mà còn phải làm cho nhanh nên bắt mọi người làm việc suốt ngày và rất cực khổ. Có lúc, còn bị quan viên quản lý mắng chửi, đánh đập. Ai nấy đều than thở suốt ngày, nhưng không dám nghỉ.
Một hôm, có một người thợ thông minh, ngồi tại chỗ nhưng không chịu làm việc. Quan quản lý hỏi:
- Này tên kia! Vì sao mày không chịu làm việc?
Anh ta đáp:
- Bẩm quan! Mắt con bị đau, nhìn không thấy gì.
Do anh ta giả vờ rất giống nên quan không có nghi ngờ. Quan đến tâu nhà vua, anh ta bị mù không làm việc được. Vua liền hạ lệnh cho anh ta nghỉ. Những người thợ mộc cho làm như vậy sẽ khỏi làm việc cực khổ, nên mọi người cùng nhau giả mù. Nhưng bị quan quản lý phát hiện, bị phạt cả đám.
Trong đó, có một người đưa ra ý kiến:
- Chúng ta muốn thoát khỏi làm việc cực nhọc này, chỉ còn cách hay nhất là làm người bị mù thật.
Mọi người đều đồng ý nói theo:
- Ý kiến rất hay! Chúng ta bị mù cũng khổ thật, nhưng vẫn tốt hơn làm việc cực khổ.
Cho nên, mọi người đều tự móc mắt mình làm cho bị mù. Mặc dù họ khỏi bị khổ sai, nhưng tiền đồ một đời coi như chấm dứt.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Có người vì trốn làm việc kiếm tiền cực khổ nên đi lừa đảo, phạm tội bị xử. Có kẻ vì lợi ích cá nhân mà tham ô lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Có kẻ dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trộm cắp v.v…để khỏi lao động khổ nhọc. Nhưng tương lai cả một đời của họ bị hủy hoại trong chốc lát. Cổ đức dạy: "Lỡ bước một phen thành mối hận nghìn đời, quay đầu lại đã trăm tuổi rồi". Chúng tôi nói xa một chút, nhiều đời nhiều kiếp trong tương lai sẽ làm thân trâu, ngựa trả nợ cho mọi người. Đây là hám của rẻ nên phải chịu lỗ phải không?
Một người thông minh phải biết đem tài trí của mình ra tạo dựng cơ nghiệp, làm việc kiếm tiền chánh đáng, không sợ thiếu thốn. Nhưng có kẻ cứ cố chấp lợi dụng sự thông minh của mình làm việc phạm pháp, lại trốn thoát kẽ hở pháp luật. Có kẻ lợi dụng chút thông minh của mình mà làm chuyện bóc lột mọi người; thậm chí tranh giành cấu xé nhau, dùng thủ đoạn tinh vi để hại người. Có kẻ thừa gió bẻ măng. Có người làm tay sai cho giặc. Có người buôn bán ma túy, vũ khí. Những việc họ làm đều là một vốn bốn lời. Kỳ thật, họ tự đánh mất nhân cách và đạo đức, hủy diệt tương lai của mình. Về sau, phải chịu quả báo đau khổ. Chúng ta nghĩ thử xem, họ là người thông minh, hay là kẻ ngu si?
Con người quý ở có đạo đức, có lương tâm, có lí trí, có tầm nhìn ra trông rộng. Nếu vì lợi ích trước mắt mà chúng ta làm trái đạo đức, lương tâm; bất chấp tương lai chịu sinh tử và đau khổ thì khác gì những người tự móc mắt mình. Kẻ không có đạo đức, lương tâm làm việc thì làm càn, không biết đúng-sai, không biết thật-giả, chánh-tà, phải-trái, thiện-ác; họ cho rằng có tiền là có tất cả. Những kẻ này khác nào những người mù trong câu chuyện?
Người có trí tuệ biết nhân quả, làm việc suy nghĩ trước sau, lợi mình lợi người; lại tính chuyện tương lai nhiều đời nhiều kiếp, mới gọi là người mắt sáng. Có người chỉ vì danh lợi, bất chấp thủ đoạn, chỉ vì muốn lợi cho bản thân, không đếm xỉa đến sự sống còn, đau khổ và lợi ích của người khác; đó là người mù- tự hủy tiền đồ của mình và cướp đi sự lợi ích của người khác. Phật pháp là mắt của trời, người; mọi người muốn tìm tương lai của mình hãy nghiên cứu Phật pháp.
Chuyện 97
Hại bạn
Lời dẫn: Ích kỷ lợi mình là đặc tính của con người. Cổ đức dạy: "Người không vì người, trời tru đất diệt". Nhưng có lúc tự hại chính mình, hoặc gặp tai nạn thì kéo người khác cùng chịu hại với mình. Việc có lợi giành riêng mình, muốn riêng mình được lợi ích; việc có hại muốn bạn bè cùng chịu chung. Đây là căn tính thấp hèn của con người, hay là tâm ganh tỵ?
Ngày xưa có hai người người bạn rất thân nhau, một người học nghề thợ vàng, một người rất giàu có. Cả hai cùng thích đi du lịch, họ thường hẹn hò cùng nhau đi dạo ngắm cảnh non xanh nước biếc. Một hôm, họ đi dạo trong rừng sâu, quên mất trời đã về tối, nên đành nghỉ qua đêm bên gốc cây. Sáng hôm sau, họ đi xuống núi, vừa ngắm cảnh đồng bằng lúa xanh mơn mởn thẳng cánh cò bay, vừa thưởng thức hương thơm hoa cỏ dại bên đường. Trong lúc họ say sưa ngắm cảnh thiên nhiên; bất ngờ, không biết từ đâu một tên cướp chạy đến, bình thường người bạn giàu có rất cam đảm, nhưng khi gặp tên cướp hắn rất nhút nhát. Lúc tên cướp bắt hắn thì người bạn thợ vàng lẻn núp trong lùm cây. Tên cướp rút con dao ra, hắn run rẩy nói:
- Thưa đại ca! Em chỉ có chiếc áo này thôi, không còn vật gì khác.
Tên cướp quát:
- Đưa ra mau lên!
Trong chiếc áo bọc một cây vàng, hắn hỏi tên cướp:
- Em đưa đại ca cây vàng, đại ca trả lại cho em chiếc áo được không?
- Vàng ở đâu?
- Dạ, vàng trong chiếc áo.
- Tao không biết vàng thật hay giả, làm sao tin mày được?
- Dạ vàng thật trăm phần trăm, đại ca không tin thì có tên thợ vàng núp trong lùm cây kia, hỏi nó thì biết.
Tên cướp không để ý có người bạn thợ vàng, nghe hắn nói liền bước vào lùm cây lấy hết tài sản của người bạn này rồi đi. Lúc đầu, vốn chỉ có mình hắn bị cướp của; sau đó hắn chỉ bạn mình cũng bị mất của luôn. Thật là, hại người rồi hại mình.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người ở đời, bất luận là bạn chí thân, cùng hoạn nạn thì dễ, nhưng cùng giàu sang thì rất khó. Vì thế, dân gian có câu: "Sướng khổ có nhau"; hoặc "cùng sống cùng chết". Khi ta gặp hoạn nạn bị hại, mong muốn người cũng bị hại theo, nhưng người khác không có gặp nạn, ta cũng muốn họ cam tâm tình nguyện chịu nạn. Đây là tâm lý gì? Ganh tị. Tự mình bị hại, nhưng không muốn người khác được an ổn. Bồ-tát Địa Tạng nói: "Tôi không vào địa ngục thì ai vào địa ngục. Địa ngục vẫn còn tôi thề không thành Phật". Ngài A-nan phát nguyện: "Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, con nguyện không chứng Niết-bàn". Tinh thần hi sinh tự ngã, mong cho người khác được thành tựu, khác nhau một trời một vực.
Người ta yêu nhất thế gian, đó là tình chồng vợ. Lúc thương yêu nhau, cả hai cùng sướng khổ có nhau, cùng nhau sống chết. Khi tình cảm rạn nứt thì muốn mày chết, tao sống. Lúc yêu thương mặn nồng, đem cả thân mạng hi sinh cho đối phương, khi chia tay thì mong đối phương chết ngay lập tức. Đây là không muốn người khác hưởng thụ một mình.
Ở đời có người thích sống buông thả, đánh mất sự nghiệp; hoặc làm ăn thất bại, cũng muốn kéo người khác sống buông thả như mình, mất đi công đức đạo nghiệp. Họ muốn mọi người cùng trầm luân đọa lạc, không muốn cùng nhau nỗ lực tinh tiến tu hành, cùng sinh về Cực Lạc, cùng hành đạo Bồ-tát là vì sao? Đều là do ác duyên đời trước; hoặc do tâm ganh tỵ sai khiến. Ganh tỵ như vậy là ác ma của chúng ta. Thành tựu người khác là thành tựu mình, ganh tỵ người khác là ganh tỵ mình, hại người là hại mình. Vì sao mọi người muốn tự hại mình; hoặc tự cam chịu đọa lạc?
Chuyện 98
Con rùa thông minh
Lời dẫn: Cổ đức dạy: "Người có tài sai khiến người khác, kẻ bất tài bị người sai khiến". "Người tài dùng miệng, kẻ bất tài dùng thân". Trâu bò ngu ngốc, mặc dù thân chúng nó to lớn, mạnh mẽ, nhưng vẫn bị con người sai khiến. Con người tuy nhỏ, nhưng có khả năng dời núi lấp biển, chế tạo tàu thuyền, máy bay, xây dựng nhà cao ốc mấy chục tầng, điều khiển nhà máy, xí nghiệp. Chúng ta đủ thấy trí tuệ con người là thứ vạn năng.
Xưa kia có một chú bé thường chạy đến bên bờ sông chơi đùa. Một hôm, chú nhìn thấy một con rùa liền bắt nó. Chúng ta biết rùa là loài lưỡng thê, có thể bò trên đất liền và cũng có thể bơi lội dưới nước. Khi rùa bị bắt đầu, đuôi và bốn chân của nó rụt vào trong mai, đợi đến khi không có động tĩnh nó mới thò ra, lén chạy đi. Các loài động vật khác khi bị bắt không làm được như nó.
Lúc này, chú bé bắt được con rùa, liền kéo đầu và chân nó ra, nó lại rút vào trong mai. Chú bé nói:
- Ta không cần kéo đầu ngươi, ngươi rút vào mai làm gì cho mệt, ta muốn giết ngươi.
Con rùa đáp:
- Chú muốn giết ta không được đâu, bởi vì mai của ta rất cứng.
- Ta sẽ dùng lửa thiêu chết ngươi.
- Chú muốn dùng lửa thiêu chết ta cũng không được, vì thân ta cứng hơn đá, thiêu không chết.
- Ngươi không sợ lửa, không sợ đao. Vậy ngươi sợ gì?
- Ta rất sợ nước, chú thấy đem đá ném xuống nước thì nó liền chìm. Thân ta và đá giống nhau.
Chú bé cười ha hả và nói:
- Ta không nghĩ ra cách gì để giết ngươi, nay ngươi đã chỉ cách để ta giết chết ngươi. Ngươi đã giúp ta chu đáo, cảm ơn ngươi nhé!
Chú bé liền ném rùa xuống nước, một tiếng "bùm" rùa liền lặn mất xuống đáy sông.
Trong lúc chú bé đang đắc ý, bỗng nhiên rùa nổi lên nói:
- Cảm ơn chú bé nhé! Cảm ơn chú đã đưa ta về nơi ta sinh sống. Ta đi đây!
Chú bé ngạc nhiên nói:
- Việc này là thế nào? Rõ ràng ta ném xuống ngươi chìm mất mà. Vì sao ngươi nổi lên được?
Chú không biết rùa là động vật lưỡng thê, nên nghi ngờ.
Bài học đạo lý
Câu chuyện này nói người có trí tuệ, cho dù gặp cảnh nguy hiểm hay tai nạn thế nào, họ vẫn có thể hóa nguy thành an. Kẻ ngu vô sự vẫn đi gây sự, tự mình chuốc lấy phiền muộn.
Các vị đại đức! Đức Phật là Đấng giác ngộ, đầy đủ trí tuệ, từ bi, đức hạnh nên thành Phật. Vì thế, Ngài thoát khỏi sinh tử ba cõi, được đại tự tại; cho nên trí tuệ là nguyên nhân thành Phật rất quan trọng. Chúng ta sinh hoạt hàng ngày, cũng cần dựa trí tuệ, mới có thể thành công sự nghiệp, cũng mới có thể yên ổn, an vui trong cuộc sống.
Chúng tôi nói thí dụ: "Người có trí tuệ, họ có kế hoạch sự nghiệp, ứng phó muôn sự ở thế gian, đối nhân xử thế khéo léo, buôn bán thu chi rành mạch". Người có trí tuệ xử sự mọi việc tốt đẹp làm hài lòng mọi người. Kẻ không có trí tuệ làm việc này không xong, việc kia cũng không được, đi đến đâu cũng làm mọi người phiền lòng, làm việc không tốt, lại còn trầy trật không ra gì. Đến chỗ nào cũng tính toán chi li, tranh cãi với mọi người; lại chuốc nhiều phiền não, đau khổ; nặng hơn một chút là tạo tội nghiệp, làm cho tương lai chịu nhiều quả báo đau khổ. Cho nên trí tuệ là bảo bối của con người rất quan trọng.
Thế gian có rất nhiều tôn giáo. Tôn giáo vốn là nhiệm vụ vĩ đại dạy mọi người tu tâm dưỡng tính, bồi dưỡng tâm tính và đạo đức, nhân cách. Nhưng có người lợi dụng tôn giáo để làm công cụ cuộc sống; hoặc làm công cụ kiếm tiền, cầu danh lợi. Kết quả ngược lại, trở thành công cụ hại họ đọa lạc, đều có liên quan không có trí tuệ. Vì thế, trí tuệ là then chốt quan trọng, thăng hay đọa ở thế gian và xuất thế gian.
Chuyện 99
Của hoạch tài
Lời dẫn: Tục Ngữ có câu: "Ba năm xoay chuyển theo vận tốt hay xấu". "Gió nước theo sự di chuyển". "Có lúc trăng sáng, có lúc sao sáng". Các câu trên đều nói vận mạng con người luôn luôn thay đổi; vạn vật cũng luôn thay đổi. Vận mạng có dừng lại không? Vì sao như thế? Bởi vì tâm người luôn thay đổi, có lúc nghĩ thiện, có lúc nghĩ ác, có lúc làm thiện, có lúc làm ác; cho nên vận mạng cũng thay đổi tốt-xấu. Như thế, nếu khi chúng ta có cơ hội tốt, kiếm được nhiều tiền, gặp vận tốt thì nên cố gắng nắm bắt cơ hội, tích lũy công đức. "Trời nắng ráo tích trữ lương thực dành khi mưa". "Nuôi con cậy về già, tích trữ lúa gạo phòng khi đói". Chúng tôi nói rộng một chút, đời nay chúng ta phải tu đời sau được phúc, tốt nhất là tu giải thoát sinh tử.
Ngày xưa có một người rất nghèo đi lang thang nơi hoang vắng. Bất ngờ, hắn phát hiện một rương vàng, vui mừng khôn xiết. Hắn nghĩ rương vàng này cả đời hắn xài cũng không hết, hắn không còn lo chuyện cơm ăn, áo mặc, có thể xây nhà cao cửa rộng, cũng có quyền cưới năm thê, bảy thiếp, được hưởng thụ tất cả thú vui ở đời. Trong lúc, hắn ngất ngây say sưa đếm vàng,. Bỗng có một tên cướp đi ngang qua nhìn thấy liền cướp đi hết. Gã nhà nghèo vẫn trở lại trắng tay.
Bài học đạo lý
Câu chuyện này giải thích hàng phàm phu chúng ta từ đời quá khứ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, trôi nổi trong sinh tử, chịu khổ não vô lượng vô biên; ngày nay, gặp được Phật pháp thật không dễ gì. Người muốn tu phúc cõi trời, cõi người; hoặc muốn tu theo đạo Thanh văn giải thoát sinh tử; hoặc muốn tu theo Bồ-tát làm lợi ích chúng sinh, cuối cùng mới thành Phật. Mọi người đều có thể ở trong Phật pháp tìm những thứ mình cần, lấy không hết, dùng không cạn. Chúng tôi có thể nói là tài sản vô tận. Nhưng vì sáu căn của chúng ta phan duyên theo sáu trần, nên bị sáu giặc là nhãn thức, nhĩ thức lấy trộm đi công đức pháp bảo quý báu vô lượng, rốt cuộc chúng ta vẫn là phàm phu tục tử. Chúng tôi sợ rằng tương lai vẫn chịu sinh tử vô lượng, khổ não vô biên. Đây không phải là điều đáng tiếc hay sao?
Người học Phật vốn phải tín giải hành chứng, từ từ mà tu. Có người dừng ở phương diện hiểu biết mà không chịu tu hành; hoặc có tu hành thì buông lung sáu căn, tham đắm năm dục, sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ở thế gian. Cho nên tài sản công đức trong nhà mình bố thí, trì giới, nhẫn nhục đều bị sáu thức lấy trộm đi. Chúng ta vẫn mãi mãi là một phàm phu khổ não, chẳng phải là việc đáng tiếc hay sao?
Xưa nay chúng sinh đều có Phật tính, đều có của báu vô lượng. Vì giữ cửa-tu hành không nghiêm túc, để sáu trần xâm nhập trộm lấy đi nhiều của cải (sáu độ) mà chịu làm người nghèo cùng. Ngày nay không dễ gì gặp được Phật pháp, có thể làm một đại gia giàu nứt vách. Chúng ta hãy cố gắng nắm lấy cơ hội dụng công tu hành. Nếu như để sáu trần trộm lấy đi (lười biếng), không phải thật đáng tiếc hay sao?
Điều Ngự Trượng Phu một trong mười hiệu của Đức Phật; giống như huấn luyện viên luyện ngựa, có con vừa thấy roi đã chạy nhanh; có con đánh mới chịu chạy; có con đánh đập rất mạnh vẫn không chịu chạy. Đức Phật giáo hóa chúng sinh cũng như vậy. Có chúng sinh nghe Phật pháp liền nỗ lực tinh tiến tu hành. Có chúng sinh dạy nói, khuyến khích thế nào cũng không chịu tu hành. Người nghe Phật pháp mà không chịu tu hành thì khác nào nhặt được của báu mà bị kẻ khác cướp đi?
Xưa nay Thánh hiền, nhiều đời Tổ sư tu học Phật pháp đắc đạo chứng quả nhiều vô số, đều là người nghe pháp dụng công tu hành. Một chữ, một câu trong Phật pháp, mọi người nên lấy làm bảo bối thì mới có thể thụ dụng Phật pháp. Người chỉ nghe mà không chịu tu hành thì giống như có của cải mà không biết xài. Chúng ta hãy đem Phật pháp ứng dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày; giống như của ít mà biết sử dụng, như người biết khai thác tài nguyên nhiều vô số kể, dùng không hết, lấy không cạn. Người không biết sử dụng, có nhiều của cải cũng như không. Chúng ta đừng làm người nhặt được vàng mà bị người khác cướp đi nhé!
Chuyện 100
Tham cái nhỏ mất cái lớn
Lời dẫn: Mọi người đều có thói quen hám của rẻ. Như khi chúng ta bàn chuyện làm ăn buôn bán, cần phải đãi một bữa tiệc nhỏ thì chuyện làm ăn mới thành công. Khi chúng ta muốn đi kiện cáo, phải chìa phong bì ra trước thì mới được thắng kiện. Lúc chúng ta lâm bệnh nặng phải vào bệnh viện cấp cứu, cũng phải có phong bì mới được chăm sóc đặc biệt. Chúng ta muốn nhờ người khác làm việc gì, trước phải làm lợi cho họ, sau mới dám nhờ họ giúp đỡ. Mọi người biết nhận quà của người khác là việc làm trái pháp luật, phạm pháp, nhưng không ai từ chối cả. Do đó mà mọi người tự chôn vùi nhân cách, đạo đức, tương lai, danh dự của mình. Đây không phải là tham cái nhỏ bỏ cái lớn hay sao?
Ngày xưa, có một phụ nữ bồng con đi xa, vì đi rất lâu, nên nàng mỏi mệt, ngồi nghỉ bên gốc cây, bất chợt nàng ngủ say. Khi đó, có một tên lưu manh đi ngang qua, đem kẹo đến cho chú bé. Chú bé ham kẹo, nên rất mến hắn. Hắn lợi dụng lúc chú bé mê ăn kẹo, liền lấy hết đồ trang sức của người mẹ và đi mất. Khi người mẹ thức dậy thì tất cả tài sản đã bị tên lưu manh lấy đi sạch.
Bài học đạo lý
Câu chuyện này nói về người học Phật phải tinh tiến tu hành mới đúng, nhưng vì tham đắm danh lợi thế gian, tham chút lợi nhỏ mà tăng trưởng phiền não, đánh mất công đức trí tuệ, giống như chú bé ham ăn kẹo, đem hết đồ trang sức cho kẻ lưu manh; chẳng phải tham cái nhỏ bỏ cái lớn hay sao?
Đây là câu chuyện thí dụ. Người phụ nữ dụ cho chính niệm, ngủ say dụ cho lười biếng, mất chính niệm. Tên lưu manh dụ cho tâm của chúng ta. Kẹo dụ cho chút lợi. Chú bé dụ cho người học Phật phải chính niệm hộ trì thì sẽ không mất tài sản công đức. Chính niệm, chính kiến, chính định, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tư duy, chính tinh tiến đều là pháp bảo hộ trì bản tính của chúng ta, mới không bị tâm viên ý mã lấy trộm đi tài sản công đức của chúng ta.
Người học Phật, nếu không hám của rẻ thì dù có người đến lấy trộm tài sản công đức của chúng ta, nhưng chúng ta luôn cảnh giác, làm cho chính niệm ở trong hiện tại thì tên ý giặc liền bỏ chạy. Đức Phật dạy: "Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác ngộ muộn". Niệm khởi liền giác, giác thì vọng niệm không sinh. Đây là quá trình của người tu hành, là việc cần phải trải qua, chúng ta thành công hay thất bại cũng đều ở đây.
Chúng tôi nói cách khác, nếu chúng ta vì tham chút lợi ích, tiếp cận năm dục, cho đến ở chốn ồn náo, sẽ làm cho lòng ham muốn tăng trưởng mạnh. Chủng tử ở trong ruộng thức thứ tám thường say năm dục, cũng dẫn đến lòng ham muốn từ đời quá khứ, làm tăng trưởng mỗi ngày, đạo tâm suy giảm, bị giặc phiền não đánh bại, nên sinh tử khổ não vẫn vô lượng vô biên. Cổ đức dạy: "Giàu sang không ham mê, nghèo khó không thể lay chuyển, không khuất phục trước uy lực và quyền thế". "Không lay động trước tám ngọn gió, ngồi ngay thẳng trên tòa sen vàng". Đó là điều tu hành quan trọng nhất. Lòng ham muốn là ngọn lửa mạnh mẽ, đạo tâm là nước mát lạnh; lửa, nước không dung hòa nhau. Chúng ta nên chọn lấy cái nào? Là do trí tuệ chọn lựa.
Phật giáo có Đại thừa và Tiểu thừa. Đại thừa là người phát tâm rộng lớn, làm lợi ích cho chúng sinh là quan trọng. Tiểu thừa là người tự tu tự lợi làm chủ yếu, họ không có thời gian để làm lợi ích cho người khác, cũng không phát tâm Bồ-đề. Tham đắm lợi mình mà không đi làm lợi ích cho người khác, có phải tham cái nhỏ mất cái lớn không?
Người không phát tâm Bồ-đề, suốt ngày đi làm lợi ích cho chúng sinh, không có thời gian tinh tiến tu tập thì có giống chúng sinh bị trầm luân trong sinh tử hay không? Trước khi họ chưa giải thoát phiền não, tất nhiên sinh tử không thể giải thoát. Nhưng nếu họ giữ được tâm Bồ-đề, không rơi vào đường ác, cũng không mê muội tạo nghiệp ác thì sự nghiệp của họ là làm lợi ích cho chúng sinh, bản thân họ cũng dần dần tăng trưởng phúc đức trí tuệ. Cho nên, làm lợi người tức là làm lợi mình, không phải tham cái nhỏ mất cái lớn.
Tham cái nhỏ mất cái lớn là kẻ mê muội không giác ngộ. Đức Phật dạy: "Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả". Bồ-tát làm bất cứ việc gì, việc gì đáng làm, việc gì không nên làm, rõ ràng minh bạch. Chúng sinh sợ quả, vì không biết nhân như thế nào, sẽ sinh ra quả như thế nào, nên tạo tội nghiệp ngay trong cuộc sống hàng ngày. Khi quả đến thì than trời trách đất, cầu khẩn Bồ-tát gia hộ, cũng là tham cái nhỏ mất cái lớn.
Hết
(Cùng một dịch giả)
CHÚ THÍCH
[1] Tam chỉ: Ba pháp Chỉ do tông Thiên Thai lập ra để đối lại ba pháp quán Không, Giả và Trung. 1. Thế chân chỉ; 2. Phương tiện tuỳ duyên chỉ; 3. Tức nhị biên phân biệt chỉ.
[2] Tam luân thể không: Là thực thể của người bố thí, người nhận thí và vật bố thí đều không.
[3] Dương Quan đạo :Đường Dương Quan là con đường qua Dương Quan đi Tây Vực thời cổ, ví như tiền đồ thênh thanh sáng láng, con đường rộng lớn sáng sủa.
[4] Tam tòng tứ đức: Tam tòng: ở nhà theo cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con; tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh.
[5] Tam giáo: Tên gọi chung ba giáo Nho-Phật-đạo.
[6] Ngũ giáo:Năm loại đạo đức luân lí của Nho gia. Đó là: cha nghĩa, mẹ từ, anh thân, em kính và con hiếu.