Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Phẩm Quang Minh Biến Chiều Cao Quý Đức Vương Bồ Tát

10/05/201319:07(Xem: 10827)
22. Phẩm Quang Minh Biến Chiều Cao Quý Đức Vương Bồ Tát

Kinh Ðại Bát Niết Bàn

22. Phẩm Quang Minh Biến Chiều Cao Quý Đức Vương Bồ Tát

Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “ Nầy Thiện nam tử! Nếu có Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn như vậy, thời đặng mười công đức mà hàng Thanh Văn Bích Chi Phật chẳng có. Công đức nầy chẳng thể nghĩ bàn, người nghe đến sẽ kinh sợ. Công đức nầy chẳng phải trong ngoài, chẳng phải khó dễ, chẳng phải tướng phi tướng, không có tướng mạo, chẳng phải là thế pháp, trong thế gian không có. Đây là mười công đức:
Công đức thứ nhứt có năm điều: Một là chỗ chẳng nghe có thể đặng nghe, hai là nghe rồi có thể làm lợi ích, ba là có thể dứt tâm nghi hoặc, bốn là trí huệ chánh trực, năm là có thể biết tạng bí mật của Như Lai.
Những gì là chỗ chẳng nghe có thể được nghe? Chính là nghĩa vi mật rất sâu: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật và Pháp cùng tăng không có sai khác, tánh tướng của Tam Bảo là thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả chư Phật không rốt ráo nhập Niết Bàn là thường trụ không biến đổi. Lại Niết Bàn của Như Lai chẳng phải có không, chẳng phải hữu vi vô vi, chẳng phải hữu lậu vô lậu, chẳng phải sắc phi sắc, chẳng phải danh phi danh, chẳng phải tướng phi tướng, chẳng phải hữu phi hữu, chẳng phải vật phi vật, chẳng phải nhơn quả, chẳng phải đãi phi đãi, chẳng phải minh ám, chẳng phải xuất phi xuất, chẳng phải thường phi thường, chẳng phải đoạn phi đoạn, chẳng phải thỉ chung, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng phải ấm phi ấm, chẳng phải nhập phi nhập, chẳng phải giới phi giới, chẳng phải thập nhị nhơn duyên, chẳng phải phi nhơn duyên. Những pháp như vậy đều vi mật rất sâu, từ trước chỗ chẳng nghe mà có thể được nghe. Lại có chỗ chẳng nghe, như là tất cả sách vỡ ngoại đạo: Tỳ Đà Luận, Tỳ Dà La Luận, Vệ Thế Sư Luận, Ca Tỳ La Luận, cùng tất cả kỹ nghệ, chú thuật, y dược, thiên văn, địa lý v.v…, nay ở nơi kinh nầy mà đặng biết tất cả. Lại có mười một bộ kinh trừ Tỳ Phật Lược, cũng không có những nghĩa rất sâu như vậy, nay do kinh nầy mà đặng biết rõ đó. Đây gọi là chỗ chẳng nghe mà có thể được nghe.
Nghe rồi có thể làm lợi ích, chính là nếu có thể nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn nầy, thời có thể biết rõ tất cả kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa những nghĩa vị rất sâu. Ví như đối với tấm gương sáng sạch, người thấy rõ ràng sắc tượng của mình. Cũng vậy, Bồ Tát cầm gương Đại Niết Bàn thời đặng thấy rõ tất cả nghĩa rất sâu của kinh điển Đại Thừa. Cũng như có người ở trong nhà tối cầm ngọn đuốc lớn thời thấy rõ các đồ vật. Cũng vậy Bồ Tát cầm đuốc Đại Niết Bàn thời đặng thấy rõ nghĩa rất sâu của Đại Thừa. Cũng như mặt trời mọc có ngàn muôn ánh sáng soi rõ chỗ u ám của các núi, làm cho mọi người thấy những vật rất xa. Cũng vậy, huệ nhựt thanh tịnh Đại Niết Bàn nầy chiếu rõ chỗ rất sâu của Đại Thừa, làm cho hàng nhị thừa xa thấy Phật đạo, vì có thể nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn vi diệu nầy .
Nầy Thiện nam tử! Nếu có Đại Bồ Tát nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn nầy thời đặng biết danh tự của tất cả pháp. Nếu có thể biên chép đọc tụng thông thuộc vì người giảng thuyết, suy nghĩ ý nghĩa thời rõ biết nghĩa lý của tất cả pháp.
Nầy Thiện nam tử! Người nghe và lãnh thọ thời chỉ biết danh tự mà chẳng biết ý nghĩa. Nếu có thể biên chép thọ trì đọc tụng, vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời có thể rõ biết được nghĩa.
Nầy Thiện nam tử! Người nghe kinh nầy, nghe có Phật tánh nhưng chưa có thể thấy được. Nếu biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời thấy được Phật tánh. Người nghe kinh nầy, nghe có danh từ bố thí nhưng chưa có thể thấy được Đàn Ba La Mật, nếu biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời có thể thấy được Đàn Ba La Mật, nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật cũng vậy.
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nếu có thể nghe kinh Đại Niết bàn nầy thời biết pháp biết nghĩa đủ cả hai đức vô ngại, đối hàng Sa Môn, Bà La Môn, hoặc chư thiên, Ma Vương, Phạm Vương, trong tất cả thế gian đều đặng vô sở úy, vì đại chúng khai thị phân biệt mười hai bộ kinh, diễn thuyết ý nghĩa không có sai lầm, có thể tự biết chẳng chờ học với người được gần vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đây gọi là nghe rồi có thể làm lợi ích.
Nầy Thiện nam tử! Có thể dứt tâm nghi lầm. Nghi có hai thứ: Một là nghi nơi danh từ, hai là nghi ý nghĩa. Người nghe kinh nầy, dứt tâm nghi danh từ, người suy nghĩ ý nghĩa thời dứt tâm nghi ý nghĩa.
Nghi lại có năm thứ: Một là nghi Phật quyết định nhập Niết Bàn hay chăng? Hai là nghi Phật có phải thường trụ chăng?? Ba là nghi Phật có phải chơn lạc chăng? Bốn là nghi Phật có phải chơn tịnh chăng? Năm là nghi Phật có phải chơn ngã chăng? Người nghe kinh nầy thời dứt hẳn lòng nghi Phật nhập Niết Bàn. Biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời dứt hẳn bốn điều nghi, thường, lạc, ngã, tịnh.
Nghi lại có ba tbhứ: Một là nghi Thanh Văn là có hay là không? Hai là nghi Duyên Giác là có hay là không? Ba là nghi Phật thừa là có hay là không? Người nghe kinh nầy thời dứt hẳn ba điều nghi như vậy. Còn biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời có thể rõ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Nầy Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh chẳng nghe kinh Đại Niết Bàn nầy, thời tâm họ nhiều sự nghi ngờ. Như nghi hoặc thường hay vô thường, hoặc lạc hay chẳng lạc, hoặc tịnh hay chẳng tịnh, hoặc ngã hay vô ngã, hoặc mạng hay phi mạng, hoặc chúng sanh hay phi chúng sanh, hoặc rốt ráo hay chẳng rốt ráo, hoặc đời khác, hoặc đời đã qua, hoặc có, hoặc không, hoặc khổ, hoặc chẳng phải khổ, hoặc tập, hoặc chẳng phải tập, hoặc đạo hoặc chẳng phải đạo, hoặc diệt hoặc chẳng phải diệt, hoặc pháp, hoặc phi pháp, hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc không hoặc chẳng phải không. Người nghe kinh nầy thời dứt hẳn các điều nghi như vậy.
Thiện nam tử! Nếu có người chẳng nghe kinh nầy thời lại có nhiều tâm nghi. Như nghi sắc uẩn là ngã ư? Thọ, tưởng, hành, thức, là ngã ư? Nhãn là năng kiến ư? Ngã là năng kiến ư? Thọ tưởng hành thức là năng kiến ư? Ngã là năng kiến ư? Sắc uẩn thọ báo ư? Ngã thọ báo ư? Thọ tưởng hành thức thọ báo ư? Ngã thọ báo ư? Sắc uẩn đến đời khác ư? Ngã đến đời khác ư? Thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Những pháp sanh tử là có thỉ có chung ư? hay là vô thỉ vô chung ư? Người nghe kinh nầy cũng dứt hẳn được những điều nghi như vậy. Lại có người nghi nhứt xiển đề phạm bốn tội nặng tạo tội ngũ nghịch, hủy báng kinh Đại Thừa Phương Đẳng, hạng người nghe kinh nầy cũng dứt hẳn được những điều nghi như vậy.
Lại có người nghi thế gian có ngằn mé hay không có ngằn mé? Có thập phương thế giới hay không thập phương thế giới. Người nghe kinh nầy cũng dứt hẳn được những điều nghi như vậy. Đây gọi là có thể dứt tâm nghi lầm, có trí huệ chánh trực không tà vạy. Vì nếu tâm nghi thời chỗ nhận thấy chẳng chánh. Tất cả phàm phu nếu chẳng đặng nghe kinh Đại Niết Bàn nầy thời chỗ nhận thấy tà vạy. Nhẫn đến Thanh Văn Duyên Giác chỗ thấy biết cũng vạy vò. Vì phàm phu ở trong hữu lậu mà thấy là thường, lạc, ngã, tịnh nơi Như Lai lại thấy là vô thường khổ, bất tịnh, vô ngã, thấy có chúng sanh có thọ mạng, có tri kiến, chấp trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng là Niết Bàn, thấy trời Tự Tại có tám thánh đạo, chấp có, chấp đoạn, các sự nhận thấy như vậy gọi là tà vạy. Đại Bồ Tát nếu đặng nghe kinh Đại Niết Bàn nầy tu hành thánh hạnh thời dứt trừ được những điều tà vạy như vậy.
Hàng Thanh Văn Duyên Giác thấy Bồ Tát từ trời Đâu Suất hoá hiện ngự trên Bạch tượng giáng thần vào thai mẹ tại thành Ca Tỳ La, cha hiệu Tịnh Phạn, mẹ tên Ma Gia. Ở thai đủ mười tháng sanh ra. Lúc sanh ra chưa đến đất, Thiên Đế Thích đưa tay đở, Nan Đà Long Vương và Bạt Nan Đà Long Vương phun nước tắm.
Đại Thần Vương Ma Ni Bạt Đà cầm lọng báu đứng hầu phía sau. Địa thần hoá hoa sen đở dưới chân. Bồ Tát đi qua bốn phương đều đủ bảy bước. Lúc đến Thiên Miếu các thiên tượng đều đứng dậy tiếp nghinh. Tiên A Tư Đà hai tay bồng xem tướng, xem xong Tiên nhơn buồn khổ thương phận mình sắp chết chẳng được thấy Bồ Tát thành Phật. Lớn lên đến thầy học sách, học toán số, cỡi ngựa, bắn cung, đồ sắm, các nghề nghiệp. Ở trong thâm cung cùng vui với sáu muôn thể nữ. Ra ngoài thành dạo chơi đến vườn Ca Tỳ La, dọc đường gặp người già, người bịnh, người chết, và gặp thầy Sa Môn mặc pháp phục đi trên đường, khi trở về cung, thấy các thể nữ hình mạo như xương khô, xem cung điện không khác gò mả. Nhàm chán, nửa đêm vượt thành xuất gia, đến chỗ các Đại Tiên nhơn Uất Đà Dà, A La La v.v… nghe giảng nói về Thức Vô Biên Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Nghe rồi quan sát kỹ biết những xứ ấy là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, bèn bỏ đi đến núi Tuyết, dưới cội cây tu khổ hạnh trọn sáu năm. Sau đó biết khổ hạnh chẳng đặng thành vô thượng chánh giác, bèn đến tắm rửa trong sông A Nậu Bạt Đề. Tắm xong nhận lấy cháo sữa của cô gái chăn bò dâng. Ăn xong lại đến ngồi dưới cây Bồ Đề, phá ma Ba Tuần đặng thành vô thượng chánh giác. Đến thành Ba La Nại chuyển pháp luân lần đầu độ năm vị Tỳ Kheo, nhẫn đến ở rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na nầy nhập Niết Bàn . Các điều nhận thấy như vậy gọi là chỗ thấy biết vạy vò của Thanh Văn Duyên Giác.
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn nầy, thời dứt trừ đặng những điều thấy biết như vậy. Nếu có thể biên chép đọc tụng thông thuộc vì người diễn thuyết suy nghĩ ý nghĩa, thời đặng trí huệ chánh trực không tà vạy.
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, biết rõ Bồ Tát từ vô lượng kiếp nhẫn lại chẳng từ trời Đâu Suất giáng thần thai mẹ, nhẫn đến thành Câu ThiNa nhập Niết Bàn. Đây gọi là chỗ thấy biết chánh trực của Đại Bồ Tát.
Có thể biết nghĩa thâm mật của Như Lai, tức là biết rõ Đại Niết Bàn, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, sám trừ bốn giới trọng, trừ tâm hủy báng chánh pháp, hết tội ngũ nghịch, dứt nhứt xiển đề, rồi sau đặng thành vô thượng chánh giác.
Lại nghĩa thậm thâm là dầu biết chúng sanh thiệt không có ngã, nhưng nghiệp quả đời vị lai chẳng mất ; dầu giết năm ấm hiện đây dứt hết, nhưng nghiệp thiện ác trọn chẳng hư mất ; dầu có các hành nghiệp nhưng không có tác giả ; dầu có chỗ đến nhưng không có người đi; dầu có trói buộc nhưng không người bị trói ; dầu có Niết Bàn nhưng không có người diệt ; đây gọi là nghĩa bí mật rất sâu.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa được nghe chỗ chưa từng nghe của Phật nói thời nghĩa nầy chẳng phải. Vì nếu pháp là có lẽ ra quyết định có, pháp nếu là không lẽ ra quyết định không. Nếu không thời lẽ ra chẳng sanh, nếu có thời lẽ ra chẳng diệt, như nghe thời là nghe, nếu chẳng nghe thời là chẳng nghe, sao lại nói rằng nghe chỗ chẳng nghe. Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe đây là chẳng nghe, còn nếu đã nghe thời lại chẳng nghe, vì đã đặng nghe. Sao lại nói rằng nghe lại chẳng nghe?
Ví như người đi, nếu đã đến thời chẳng đi còn đi thời chẳng đến. Cũng như đã sanh thời chẳng sanh, còn chẳng sanh thời là chẳng sanh. Đã đặng thời chẳng đặng, còn chẳng đặng thời là chẳng đặng. Nghe rồi thời chẳng nghe, còn chẳng nghe thời là chẳng nghe. Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe mà nghe đó, thời tất cả chúng sanh chưa có Bồ Đề lẽ ra cũng có đó, người chưa đặng Niết Bàn lẽ ra cũng đặng đó, người chưa thấy Phật tánh lẽ ra cũng thấy Phật tánh, sao lại nói rằng bực Thập Trụ Bồ Tát dầu thấy Phật tánh nhưng chưa đặng rõ ràng.
Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe mà nghe, thời đức Như Lai thuở xưa từ ai mà đặng nghe. Nếu nói rằng đặng nghe, cớ sao trong kinh A Hàm đức Như Lai lại nói là không có thầy, nếu chẳng nghe thời là chẳng nghe mà đức Như Lai đặng thành vô thượng chánh giác, thời tất cả chúng sanh chẳng nghe lẽ ra cũng đặng thành vô thượng chánh giác. Nếu đức Như lai chẳng nghe kinh Đại Niết Bàn mà thấy Phật tánh, thời tất cả chúng sanh chẳng nghe kinh nầy lẽ ra cũng được thấy Phật tánh.
Bạch Thế Tôn! Phàm là sắc thời hoặc có thể thấy, hoặc chẳng thấy được, tiếng cũng như vậy, hoặc là có thể nghe, hoặc chẳng được nghe. Đại Niết Bàn nầy chẳng phải sắc chẳng phải tiếng , sao lại nói rằng có thể thấy nghe được.
Bạch Thế Tôn! Quá khứ đã diệt thời chẳng thể nghe, vị lai chưa đến cũng chẳng thể nghe, lúc hiện tại lóng nghe thời chẳng gọi là nghe, nghe rồi khiến dứt lại chẳng thể nghe. Kinh Đại Niết Bàn nầy cũng chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, nếu chẳng phải thời gian thời chẳng thể nói, nếu chẳng thể nói thời chẳng thể nghe, sao lại nói rằng Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn nầy được nghe chỗ chẳng nghe.
Phật nói: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Nay ông khéo biết tất cả pháp như huyễn, như dương diệm, như thành Càn Thát Bà, như dấu vẽ trong nước, cũng như bóng nước, bọt nước, cây chuối rỗng không chẳng chắc thiệt, chẳng phải mạng, chẳng phải ngã, không có khổ vui, như chỗ thấy biết của Thập Trụ Bồ Tát” .
Lúc đó trong đại chúng thoạt có ánh sáng lớn chiếu đến, ánh sáng nầy chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, mà thấy là xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải sắc, chẳng phải sáng, mà thấy là sắc là sáng, chẳng phải thấy mà thấy.
Đại chúng gặp ánh sáng nầy thân tâm vui thích như Tỳ Kheo nhập Sư tử Vương Định
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn: Ai phóng ánh sáng nầy?”
Đức Như Lai yên lặng chẳng đáp.
Ca Diếp Bồ Tát lại hỏi Văn Thù Sư Lợi: Nhơn duyên gì mà có ánh sáng nầy chiếu đến đại chúng?
Văn Thù Sư Lợi yên lặng chẳng đáp.
Vô Biên Thân Bồ Tát lại hỏi Ca Diếp Bồ Tát: “ Ai phóng ánh sáng nầy?”
Ca Diếp Bồ Tát yên lặng chẳng đáp.
Tịnh Trụ Vương Tử Bồ Tát lại hỏi Vô Biên Thân Bồ tát: “ Duyên cớ gì trong đại chúng đây có ánh sáng nầy?”
Vô Biên Thân Bồ Tát yên lặng không đáp.
Lần lượt đến năm trăm vị Bồ Tát xoay vần hỏi nhau , nhưng không ai giải đáp.
Đức Thế Tôn hỏi Văn Thù Sư Lợi: “ Duyên Cớ gì trong đại chúng đây có ánh sáng nầy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: “ Bạch Thế Tôn! Ánh sáng nầy gọi là trí huệ. Trí huệ chính là thường trụ. Pháp thường trụ không có nhơn duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ gì có ánh sáng nầy .”
Ánh sáng nầy gọi là Đại Niết Bàn, Đại Niết Bàn thời gọi là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhơn duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ gì có ánh sáng nầy.
Ánh sáng nầy chính là Như Lai, Như Lai chính là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhơn duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ.
Ánh sáng nầy gọi là Đại Từ Đại Bi, đại từ bi gọi là thường trụ, pháp thường trụ chẳng phải từ nhơn duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ.
Ánh sáng nầy chính là niệm Phật, niệm Phật là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhơn duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ.
Áng sáng nầy là đạo bất cộng với tất cả Thanh Văn Duyên Giác, đạo bất cộng là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhơn duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ, Đức Thế Tôn cũng có nhơn duyên: Nhơn dứt vô minh chứng đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Phật nói: “ Nầy Văn Thù Sư Lợi! nay ông chớ nhập đệ nhứt nghĩa đế, nên dùng thế đế để giải đáp.”
Văn Thù Sư Lợi nói: “ Bạch Thế Tôn! Từ đây qua phương đông cách hai mươi hằng hà sa thế giới, có cỏi bất động, chổ Phật ngự rộng một muôn hai ngàn do diên. Cõi đó toàn thất bảo không có đất đá, bằng thẳng êm dịu không có hầm hố. Cây cối toàn bằng bốn chất vàng, bạc lưu ly và pha lê, trên cây thường có hoa trái. Nếu có chúng sanh nào được ngửi mùi thơm của hoa nầy thời thân tâm an vui nhập đệ tam thiền. Khắp nơi có hai ngàn sông lớn nước sông đủ tám vị công đức, nếu có chúng sanh nào tắm trontg nước đó thời thân tâm vui vẻ như nhập đệ nhị thiền. Trong sông có nhiều thứ hoa đẹp: Những hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Hai bờ sông cũng có các thứ hoa thơm đẹp. Đáy sông toàn trải cát vàng. Có những thềm bực bằng vàng, bạc, lưu ly cùng pha lê nhiều màu, nhiều giống chim đẹp bay đậu trên đó.ï Lại có vô lượng cọp, sói, sư tử v.v… Các cầm thú ấy xem nhau như con đẻ. Trong cỏi đó không có những tội ác cùng hạng nhứt xiển đề. Khí hậu điều hòa không có lạnh nóng đói khát khổ sở, không có tham dục, sân hận phóng dật tật đố. Không mặt trời mặt trăng thời tiết như cõi trời Đao Lợi. Nhân dân cõi đó đồng có ánh sáng, không có tâm kiêu mạn. Tất cả đều là Bồ Tát Đại Sĩ đầy đủ thần thông, có công đức lớn, tôn trọng chánh pháp, mến tu Đại Thừa, có đại từ bi thương xót tất cả chúng sanh.
Đức Phật ở cõi đó hiệu là Mãn Nguyệt Quang Minh Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Lúc đức Phật đó thuyết pháp, tòan thể chúng sanh trong cõi Bất Động đều được nghe. Đức Phật đó vì Lưu Ly Quang Bồ Tát mà giảng thuyết kinh Đại Niết Bàn đến đọan Bồ Tát tu hành kinh nầy thời đều đặng nghe chỗ chẳng đặng nghe. Lưu Ly Quang Bồ Tát gạn hỏi đức Phật Mãn Nguyệt Quang Minh, như tại đây Cao Quý Đức Vương Bồ Tát vừa hỏi đức Như Lai giống nhau không khác. Đức Phật Mãn Nguyệt Quang Minh bảo Lưu Ly Quang Bồ Tát rằng: Phương Tây của cõi Bất Động nầy cách hai mươi hằng hà sa Phật độ có cõi Ta Bà, cõi ấy đầy những đất đá gai chông hầm hố gò nỗng, thường có những khổ về đói khát lạnh nóng. Nhơn dân cõi Ta Bà chẳng biết cung kính Sa Môn, Bà La Môn, cha mẹ Sư Trưởng, phần nhiều tham đắm phi pháp, tà pháp, chẳng tin chánh pháp, thọ mạng của họ ngắn ngủi. Nhiều kẻ gian trá bị chánh quyền trừng phạt. Dầu đã có nước để cai trị, nhưng vua quan chẳng biết vừa đủ sanh lòng tham kéo binh đánh chiếm nước khác làm cho những người vô tội bị chết oan. Các nhà lãnh đạo thật hành những điều phi pháp như vậy, nên Tứ Thiên Vương các Thiên thần không hoan hỷ, thường giáng tai họa ; Hạn hán, bão lụt, mất mùa đói khát, nhơn dân nhiều bịnh, vô lượng sự khổ não. Cõi Ta Bà đó có Phật hiệu Thích Ca Mưu Ni Như Lai mười hiệu đầy đủ, hiện ở thành Câu Thi Na trong rừng Ta La Song Thọ, vì đại chúng diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn, hiện có Bồ Tát tên Quang Minh Biến Chiếu CaoQuý Đức Vương đã đem việc nầy hỏi đức Thích Ca Mâu Ni, nay đức Phật đó đương giải đáp, ông nên mau qua cõi đó sẽ được nghe.
Bạch Thế Tôn! Lưu Ly Quang Bồ Tát vâng lời đức Phật Mãn Nguyệt Quang Minh cùng tám muôn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát sắp đến đây. Do nhơn duyên nầy nên hiện điềm phóng ánh sáng. Đây là có duyên cớ mà có ánh sáng nầy.
Lúc đó Lưu Ly Quang Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Đại Bồ Tát mang theo các thứ phan lọng, hương hoa, chuỗi ngọc nhiều thứ kỹ nhạc, đồng đến rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, đầu mặt lễ chưn Phật, đem đồ cúng dường dưng lên, cung kính đi nhiễu bên hữu ba vòng rồi ngồi qua một phía.
Đức Phật hỏi Lưu Ly Quang Bồ Tát: Ông vì đến mà lại, hay vì chẳng đến mà Lại?
_ Bạch Thế Tôn! Đến cũng chẳng lại, chẳng đến cũng chẳng lại. Tôi quán sát nghĩa nầy đều không có lại. Các hành pháp nếu là thường cũng chẳng lại, nếu là vô thường cũng không có lại. Nếu người thấy có chúng sanh tánh thời có lại, chẳng lại. Nay tôi chẳng thấy chúng sanh có định tánh, thời đâu có lại cùng chẳng lại. Người có kiêu mạn thời thấy có đi, có lại. Người không kiêu mạn thời không thấy có đi, có lại. Người có chấp lấy tạo tác thời thấy có đi có lại. Người không chấp lấy tạo tác thời không thấy có đi, có lại.
Nếu thấy Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn thời có đi, có lại. Người chẳng thấy Như Lai nhập Niết Bàn thời không đi, không lại.
Người chẳng nghe Phật tánh thời có đi , có lại. Người nghe Phật tánh thời không đi không lại.
Nếu thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật có Niết Bàn thời thấy có đi có lại. Người chẳng thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật có Niết Bàn thời không đi, không lại.
Nếu người thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, thời có đi, có đến. Nếu người không thấy thời không đi, không đến.
Nếu thấy Như Lai không có thường, lạc, ngã, tịnh thời có đi có đến. Nếu thấy Như Lai là thường lạc, ngã, tịnh thời không đi không đến.
Bạch Thế Tôn! Xin để việc đó lại. Nay tôi có chỗ muốn hỏi mong đức Phật thương xót cho phép.
Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Giờ đây phải lúc tùy ý ông hỏi ta sẽ giải đáp cho ông. Vì chư Phật khó gặp như hoa Ưu Đàm, pháp cũng khó được nghe, trong mười hai bộ kinh, bộ Phương Đẳng Đại thừa lại khó hơn. Vì thế nên phải chuyên tâm lóng nghe và lãnh thọ.
Lưu Ly Quang Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát có thể tu hành kinh Đại Niết Bàn được nghe chỗ chẳng nghe.
Phật khen rằng: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Nay ông muốn cùng tận biển Đại Thừa Đại Niết Bàn, lại gặp Phật có thể khéo giải thuyết. Phật là lương y có thể khéo nhổ mũi tên độc nghi ngờ của ông. Phật có đuốc huệ soi sáng Phật tánh cho ông. Ông muốn qua khỏi sông lớn sanh tử Phật có thể làm thuyền sư cho ông, ông ở nơi Phật tưởng là cha mẹ, Phật cũng ở nơi ông tưởng là một. Lòng ông tham của báu chánh pháp, gặp Phật có nhiều pháp lại hay bố thí. Ông nên lóng nghe khéo suy nghĩ đó.
Nầy Thiện nam tử! Khi nghe pháp rồi phải sanh lòng kính tin tôn trọng. Đối với chánh pháp chớ tìm cầu chỗ lỗi, chớ nghĩ tham sân si. Chớ nhìn xem dòng họ tốt xấu của pháp sư . Sau khi nghe pháp chớ sanh lòng kiêu mạn, chớ gì cung kính, danh dự, lợi dưỡng , phải vì được lợi ích pháp vị cam lồ độ thế gian. Cũng chớ nghĩ rằng, tôi nghe pháp rồi trước tự độ mình sau sẽ độ người, trước sẽ tự giải thoát sau sẽ giải thoát cho người, trước tự an thân sau sẽ làm cho người được an, trước tự được Niết Bàn sau sẽ làm cho người được Niết Bàn. Nên có quan niệm bình đẳng đối với Phật, Pháp, Tăng. Trong sanh tử phải có quan niệm là khổ oan lớn. Đối với Đại Niết Bàn phải quan niệm là thường, lạc, ngã, tịnh. Trước vì người sau sẽ vì mình. Nên vì Đại Thừa chớ vì Nhị Thừa. Nên không trụ trước đối với tất cả pháp, cũng chớ chuyên chấp tất cả pháp tướng. Đối với các pháp chớ có lòng tham, thường có quan niệm biết pháp, thấy pháp.
Nầy Thiện nam tử! Ông có thể hết lòng nghe pháp như vậy, đây thời gọi là được nghe chỗ chẳng nghe.
Nầy Thiện nam tử! Có chẳng nghe mà nghe, có chẳng nghe mà chẳng nghe, có nghe mà chẳng nghe, có nghe mà nghe.
Nầy thiện nam tử! Như chẳng sanh mà sanh, chẳng sanh mà chẳng sanh, sanh mà chẳng sanh, sanh mà sanh.
Như chẳng đến mà đến, chẳng đến mà chẳng đến, đến mà chẳng đến, đến mà đến.
_ Bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng sanh mà sanh?
_ Nầy Thiện nam tử! An trụ nơi thế đế, lúc mới xuất thai đây gọi là chẳng sanh mà sanh.
_ Bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng sanh mà chẳng sanh?
Nầy Thiện nam tử! Đại Niết Bàn đây không có tướng sanh, đây gọi là chẳng sanh mà chẳng sanh.
_ Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là sanh mà chẳng sanh?
Nầy Thiện nam tử! Cứ theo thế đế , lúc chết thời gọi là sanh mà chẳng sanh.
_ Bạch Thế Tôn! Thế nào là sanh mà sanh?
Nầy Thiện nam tử! Tất cả phàm phu thời gọi là sanh mà sanh. Vì phàm phu sanh, sanh chẳng dứt, vì tất cả hữu lậu niệm niệm sanh luôn, đây gọi là sanh mà sanh. Bực tứ trụ Bồ Tát thời gọi là sanh mà chẳng sanh, vì sanh mà tự tại.
Nầy Thiện nam tử! Trên đó là nói về nội pháp. Còn về ngoại pháp cũng có chưa sanh mà sanh, chưa sanh mà chưa sanh, sanh mà chưa sanh, sanh mà sanh. Như hột giống lúa chưa mọc mầm, được tứ đại hòa hiệp, công người săn sóc, rồi sau mới mọc lên đây gọi là chưa sanh mà sanh. Như hột giống hư và hột giống chưa gặp đủ duyên, thời gọi là chưa sanh mà chưa sanh. Như mầm đã mọc mà chẳng lớn thêm, thời gọi là sanh mà chưa sanh. Như mầm lớn thêm thời gọi là sanh mà sanh. Tất cả ngoại pháp hữu lậu sanh mà sanh như vậy.
_ Bạch Thế Tôn! Pháp hữu lậu nếu có sanh, thời là thường hay vô thường?
Sanh nếu là thường, thời pháp hữu lậu không có sanh, sanh nếu là vô thường thời hữu lậu là thường.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu sanh có thể tự sanh, thời sanh không tự tánh. Nếu có thể sanh cái khác duyên cớ gì chẳng sanh vô lậu.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu lúc chưa sanh mà có sanh, sao lại đến nay mới gọi là sanh. Nếu lúc chưa sanh là không sanh, cớ sao chẳng nói hư không là sanh?
Phật nói: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Chẳng sanh mà sanh, không thể nói được, cho đến sanh mà sanh cũng không thể nói được, sanh cùng bất sanh đều không thể nói được. Vì có nhơn duyên nên cũng có thể nói được.
Thế nào là chẳng sanh mà sanh chẳng thể nói được? Chẳng sanh lại gọi là sanh, làm sao có thể nói được, vì nó sanh.
Thế nào là sanh mà sanh, chẳng thể nói được? Vì sanh mà sanh nên là sanh, vì sanh mà sanh nên là chẳng sanh, cũng chẳng nói được.
Thế nào là sanh mà chẳng sanh, chẳng thể nói được? Sanh thời gọi là sanh, sanh chẳng tự sanh, nên chẳng thể nói được.
Thế nào là chẳng sanh mà chẳng sanh, chẳng thể nói được? Chẳng sanh gọi là Niết Bàn, vì Niết Bàn chẳng sanh nên chẳng thể nói được, vì Niết Bàn do tu mà chứng đặng.
Thế nào là sanh cũng chẳng thể nói được? Vì sanh vốn là không .
Thế nào là chẳng sanh không thể nói được? Vì có chứng đặng.
Thế nào là vì có nhơn duyên cũng có thể nói được? Mười pháp nhơn duyên làm sanh tác nhơn do đây nên cũng có thể nói được.
Nầy Thiện nam tử! Nay ông chớ nhập thậm thâm không định, vì đại chúng căn trí chậm lụt.
Nầy Thiện nam tử! Pháp hữu vi sanh cũng là thường, do trụ vô thường, nên sanh cũng vô thường. Trụ cũng là thường do sanh mà sanh nên trụ cũng vô thường. Dị cũng là thường, do pháp vô thường nên dị cũng vô thường. Hoại cũng là thường, do trước không nay có nên hoại cũng vô thường.
Nầy Thiện nam tử! Vì cứ nơi tánh, nên sanh trụ dị hoại đều là thường, vì niệm niệm diệt nên không thể nói là thường, vì Đại Niết Bàn nầy có thể dứt diệt được, nên lại gọi là vô thường.
Nầy Thiện nam tử! Pháp hữu lậu lúc chưa sanh, đã có tánh sanh, vì thế nên sanh có thể sanh được. Pháp vô lậu vốn không tánh sanh, vì thế nên sanh không thể sanh được. Như lửa có tánh sẵn gặp duyên thời phát. Mắt có tánh thấy đủ duyên thời thấy. Sanh pháp của chúng sanh cũng như vậy, do tánh sẵn có, gặp nhơn duyên của nghiệp, cha mẹ hòa hiệp thời bèn có sanh. Lưu Ly Quang Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Đại Bồ Tát nghe pháp nầy rồi, vọt thân lên hư không cao bảy cây Đa La, chắp tay cung kính bạch Phật: “ Thế Tôn! Tôi nhờ đức Như Lai ân cần dạy bảo, do Đại Niết Bàn mới đặng tỏ ngộ ý nghĩa nghe chỗ chẳng nghe, cũng làm cho tám muôn bốn ngàn Bồ Tát nầy hiểu rõ những nghĩa chẳng sanh mà sanh v.v… của các pháp.
Bạch Thế Tôn! Nay tôi đã tỏ ngộ dứt hết nghi ngờ, nhưng trong hội nầy có một Bồ Tát hiệu là Vô Úy lại muốn thưa hỏi mong đức Phật cho phép.
Phật bảo Vô Úy Bồ Tát: “ Nầy Thiện nam tử! Tùy ý ông hỏi, ta sẽ vì ông giải nói”.
Vô Úy Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Bồ Tát đồng đứng dậy nghiêm chỉnh y phục, quỳ chắp tay bạch Phật: “ Thế Tôn! Chúng sanh cõi Ta Bà nầy phải thật hành hạnh nghiệp gì để được sanh về cõi Bất Động? Bồ Tát cõi đó thế nào mà đặng đầy đủ trí huệ, đầy đủ các công hạnh, có oai đức lớn, trí huệ lanh lẹ, nghe liền hiểu rõ?”
Đức Phật liền nói kệ rằng:
Chẳng hại mạng chúng sanh.
Giữ gìn các cấm giới.
Bẩm thọ pháp của Phật.
Thời sanh cõi Bất Động.
Chẳng đoạt của người khác.
Thường ban cho tất cả.
Tạo chiêu đề tăng phường.
Thời sanh cõi Bất Động.
Chẳng phạm vợ con người,
Vợ nhà chẳng phi thời.
Thí trì giới ngọa cụ,
Thời sanh cõi Bất Động.
Chẳng vì mình hoặc người,
Cầu lợi và khủng bố.
Giữ lời chẳng vọng ngữ.
Thời sanh cõi Bất Động.
Chớ phá thiện tri thức,
Xa lìa quyến thuộc ác.
Thường nói lời hòa hiệp,
Thời sanh cõi Bất Động.
Như các bực Bồ Tát,
Thường lìa lời ác khẩu.
Nói ra người thích nghe,
Thời sanh cõi Bất Động.
Nhẫn đến lúc giỡn cười,
Chẳng nói lời phi thời.
Giữ gìn lời chánh pháp,
Thời sanh cõi Bất Động.
Thấy người đặng lợi dưỡng,
Thường sanh lòng vui mừng.
Chẳng sanh lòng tật đố,
Thời sanh cõi Bất Động.
Chẳng não hại chúng sanh,
Thường sanh lòng từ bi.
Chẳng làm phương tiện ác,
Thời sanh cõi Bất Động.
Tà kiến bác bố thí.
Không cha mẹ, khứ lai.
Chẳng có tà kiến ấy.
Thời sanh cõi Bất Động.
Đường xa làm giếng tốt.
Trồng rừng rậm cây trái.
Thường thí người khất thực.
Thời sanh cõi Bất Động.
Đối với Phật, Pháp, Tăng.
Cúng một đèn một hương.
Nhẫn đến dưng một hoa,
Thời sanh cõi Bất Động.
Nếu vì cớ sợ sệt.
Lợi dưỡng cùng phước đức.
Chép một kệ kinh nầy.
Thời sanh cõi Bất Động.
Nếu vì cầu phước lợi.
Được ở trong một ngày.
Đọc tụng kinh điển nầy.
Thời sanh cõi Bất Động.
Nếu vì đạo vô thượng,
Trong một ngày một đêm.
Thọ trì bát quan trai.
Thời sanh cõi bất động.
Chẳng cùng người phạm tội.
Người hủy báng Đại Thừa.
Đồng ở chung một chỗ.
Thời sanh cõi Bất Động.
Nếu thí cho người bịnh.
Nhẫn đến một trái cây.
Vui mừng mà săn sóc.
Thời sanh cõi Bất Động.
Chẳng lạm dùng của Tăng.
Khéo giữ vật của Phật.
Tô quét chỗ Phật Tăng.
Thời sanh cõi Bất Động.
Tạo tượng và tháp Phật.
Chừng bằng ngón tay cái.
Thường sanh lòng vui mừng.
Thời sanh cõi Bất Động.
Nếu vì kinh điển nầy.
Đem thân cùng của cải.
Cúng dường người thuyế pháp.
Thời sanh cõi Bất Động.
Nếu nghe và biên chép.
Thọ trì cùng đọc tụng.
Tạng bí mật của Phật.
Thời sanh cõi Bất Động.
Vô Úy Bồ Tát Bạch Phật: “ Thế Tôn! Nay tôi đã biết những công hạnh đặng sanh về cõi nước Bất Động.
Thế Tôn! Cao Quý Đức Vương Bồ Tát nầy vì khắp xót thương tất cả chúng sanh nên trước kia có chỗ thưa hỏi, nếu đức Như Lai giải thuyết thời có thể lợi ích an vui cho hàng trời, người, bát bộ.
Đức Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Ông nên hết lòng lóng nghe, tôi sẽ vì ông phân biệt giải thuyết.
Vì có nhơn duyên nên chưa đến chẳng đến. Vì có nhơn duyên nên chẳng đến mà đến, vì có nhơn duyên nên đến mà chẳng đến. Vì có nhơn duyên nên đến mà đến.
Nầy Thiện nam tử! Xét về chẳng đến gọi là Đại Niết Bàn. Hàng phàm phu chưa đến bởi có tham dục sân khuể và ngu si. Vì hai nghiệp thân và khẩu chẳng thanh tịnh, cùng lãnh thọ tất cả vật bất tịnh, phạm bốn trọng tội, hủy báng Phương Đẳng Đại thừa là hạng nhứt xiển đề tạo tội ngũ nghịch, do nghĩa nầy nên chưa đến chẳng đến.
Chẳng đến gọi là chẳng đến Đại Niết Bàn. Do nghĩa gì mà được đến? Vì dứt hẳn tham dục sân khuể ngu si và tội ác của thân khẩu, chẳng thọ tất cả vật bất tịnh, chẳng phạm bốn tội trọng, chẳng hủy báng Phương Đẳng Đại Thừa, chẳng làm hạng nhứt xiển đề, chẳng tạo tội ngũ nghịch. Do nghĩa nầy nên gọi là chẳng đến mà đến.
Bực Tu Đà Hoàn tám muôn kiếp thì đến, bực Tu Đà Hàm sáu muôn kiếp thì đến, bực A Na Hàm bốn muôn kiếp thì đến, bực A La Hán hai muôn kiếp thì đến, Bích Chi Phật mười ngàn kiếp thì đến. Do nghĩa nầy nên gọi là chẳng đến mà đến.
Đến gọi là hai mươi lăm cõi. Tất cả chúng sanh đều bị vô lượng phiền não che ��ậy, qua lại chẳng ngừng dường như bánh xe lăn, đây gọi là đến Thanh Văn Duyên Giác và Bồ Tát vì đã đặng lìa hẳn nên gọi là chẳng đến, lại ba bực nầy vì muốn hoá độ chúng sanh nên thị hiện ở trong đó, nên cũng gọi là đến.
Đến chính là hai mươi lăm cõi. Tất cả phàm phu, Tu Đà Hoàn nhẫn đến A Na Hàm, vì phiền não nên gọi là đến mà đến.
Nầy Thiện nam tử! Nghe chỗ chẳng nghe cũng như vậy. Có chẳng nghe mà nghe, chẳng nghe mà chẳng nghe, nghe mà chẳng nghe, nghe mà nghe.
Chẳng nghe là Đại Niết Bàn vì chẳng phải hữu vi, vì chẳng phải âm thanh, vì chẳng thể nói. Thế nào là cũng nghe?
Vì đặng nghe danh từ: Thường, lạc, ngã và tịnh. Do nghĩa nầy nên gọi là chẳng nghe mà nghe.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Như Phật nói Đại Niết Bàn là chẳng thể nghe được, sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh mà có thể nghe được. Vì người đoạn phiền não gọi là đặng Niết Bàn, nếu chưa đoạn gọi là chẳng được. Do nghĩa nầy tánh Niết Bàn trước không mà nay có. Nếu pháp thế gian trước không mà nay có thời gọi là vô thường. Ví như bình bồn v.v…Trước không mà nay có, đã có hoàn không, nên gọi là vô thường. Niết Bàn nếu như vậy, sao lại nói rằng thường, lạc, ngã , tịnh.
Bạch Thế Tôn! Phàm do trang nghiêm mà được thành đều gọi là vô thường. Niết Bàn nếu như vậy lẽ ra là vô thường. Những gì trang nghiêm Niết Bàn? Chính là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba La Mật, bốn tâm vô lượng, quán tướng xương trắng, a na ba na, lục niệm xứ, phá tích sáu đại, do những pháp đó mà thành tựu Niết Bàn nên là vô thường.
Bạch Thế Tôn! Phàm là cóù, thời gọi là vô thường. Nếu Niết Bàn là có thời lẽ ra là vô thường. Như ngày trước trong kinh A Hàm Phật nói: Thanh Văn Duyên Giác, chư Phật đều có Niết Bàn, do nghĩa nầy nên gọi là vô thường.
Bạch Thế Tôn! Pháp có thể thấy thời gọi là vô thường. Như ngày trước Đức Phật nói: Người thấy Niết Bàn thời dứt trừ được tất cả phiền não. Ví như hư không chẳng có chướng ngại nên gọi là thường. Giả sử Niết Bàn là thường v.v… , cớ sao chúng sanh lại có người được, người chẳng được. Như vậy Niết Bàn đối với chúng sanh chẳng bình đẳng lẻ ra chẳng gọi là thường.
Ví như trăm người chung có một kẻ oán thù, nếu hại được kẻ nầy thời nhiều người được an lạc. Giả sử Niết Bàn là pháp bình đẳng, lúc một người được, lẽ ra nhiều người cũng được, một người dứt kiết sử lẽ ra nhiều người cũng dứt, nếu chẳng như vậy sao lại gọi là thường.
Như có người cung kính cúng dường tôn trọng tán thán quốc vương, vương tử, phụ mẫu, sư trưởng thời được lợi dưỡng, đây chẳng gọi là thường. Niết Bàn cũng vậy, như ngày trước trong kinh A Hàm đức Phật nói với A Nan: Nếu có người cung kính Niết Bàn thời dứt được kiết sử hưởng thọ vô lượng an lạc do đây nên chẳng gọi là thường.
Bạch Thế Tôn! Nếu trong Niết Bàn có danh từ thường, lạc, ngã, tịnh thời chẳng gọi là thường, như không có, sao lại có thể nói?
Đức Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “ Thể Niết Bàn chẳng phải trước không nay có. Nếu thể Niết Bàn trước không nay có thời chẳng phải vô lậu. Pháp thường trụ, nay có Phật hay không Phật, tánh tướng vẫn thường trụ. Bởi chúng sanh bị phiền não che đậy nên chẳng thấy Niết Bàn, bèn gọi là không. Đại Bồ Tát dùng giới định huệ siêng tu tâm mình, dứt xong phiền não bèn đặng thấy Niết Bàn. Phải biết Niết Bàn là pháp thường trụ chẳng phải trước không nay có nên gọi là thường.
Như dưới giếng trong nhà tối có các thứ châu báu, người cũng biết là có nhưng vì tối nên không thấy. Người có trí thắp đèn sáng lớn cầm soi đó thời thấy châu báu rõ ràng. Người trí nầy trọn chẳng nghĩ rằng: Nước giếng cùng châu báu, trước không mà nay có.
Cũng vậy, Niết Bàn trước vốn tự có, chẳng phải nay mới có, vì phiền não tối tăm nên chúng sanh chẳng thấy. Đức Như Lai đại trí thắp đèn trí huệ, làm cho Bồ Tát đặng thấy Niết Bàn, thường, lạc, ngã , tịnh. Do đây nên người trí chẳng nên nói rằng Niết Bàn trước không mà nay có.
Nầy Thiện nam tử! Như ông nói do trang nghiêm nên đặng thành Niết Bàn lẽ ra là vô thường , nghĩa nầy cũng không phải. Vì thể của Niết Bàn chẳng phải sanh, chẳng phải xuất, chẳng phải thiệt, chẳng phải hư, chẳng phải tạo tác mà có, chẳng phải là pháp hữu lậu hữu vi, chẳng phải nghe, chẳng phải thấy, chẳng phải đọa, chẳng phải chết, chẳng phải tướng biệt dị, cũng chẳng phải tướng đồng, chẳng phải qua, chẳng phải lại, chẳng phải quá khứ, vị lai , hiện tại, chẳng phải một và nhiều, chẳng phải dài và vắn, chẳng phải tròn và vuông, chẳng phải nhọn và méo, chẳng phải có tướng và không tướng, chẳng phải danh và sắc, chẳng phải nhơn và quả, chẳng phải ngã và ngã sở. Do những nghĩa nầy nên Niết Bàn là thường không biến đổi. Phải tu tập pháp lành trong vô lượng kiếp để tự trang nghiêm rồi mới được thấy.
Ví như duới đất có mạch nước trong mát chúng sanh chẳng thấy được, người trí ra công đào đất, thời đặng nước. Niết Bàn cũng như vậy.
Ví như người mù chẳng thấy mặt trời mặt trăng lương y điều trị thời đặng thấy. Mặt trời mặt trăng chẳng phải là trước không mà nay có. Niết Bàn cũng như vậy từ trước đã tự có, chẳng phải mới có ngày nay.
Như người có tội bị trói nhốt trong khám, lâu ngày mãn tù mới được thả ra, trở về nhà đặng thấy cha mẹ anh em vợ con quyến thuộc. Niết Bàn cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử! Ông nói vì nhơn duyên nên pháp Niết Bàn lẽ ra vô thường, nghĩa nầy chẳng đúng.
Nầy Thiện nam tử! Xét về nhơn có năm thứ: Một là sanh nhơn, hai là hòa hiệp nhơn, ba là trụ nhơn, bốn là tăng trưởng nhơn, năm là viễn nhơn. Sanh nhơn chính là nghiệp phiền não, cũng như hột giống của cây cỏ.
Hòa hiệp nhơn, như pháp lành hòa hiệp với tâm lành, pháp chẳng lành hòa hiệp với tâm chẳng lành, pháp vô ký hòa hiệp cùng tâm vô ký.
Trụ nhơn, như dưới có cột thời nóc nhà chẳng sập, núi, sông, cây cối, nhơn mặt đất mà đặng đứng vững, cũng vậy, nhờ có tứ đại cùng vô lượng phiền não mà chúng sanh đặng an trụ. Tăng trưởng nhơn, do uống ăn y phục v.v… làm cho chúng sanh Tăng trưởng. Ví như lửa chẳng đốt, chim chẳng ăn thời hột giống của cây cỏ được Tăng trưởng. Như hàng Sa Môn, Bà La Môn nhờ thầy lành bạn tốt mà được Tăng trưởng. Như nhờ cha mẹ mà con được Tăng trưởng.
Viễn nhơn, như nhơn thần chú mà quỉ chẳng hại được, độc chẳng trúng được, như nhờ quốc vương không có trộm cướp, như nương đất nước mà mầm mọc lên, như nước khuấy, công người là Viễn nhơn của chất tô. Như ánh sáng màu sắc v.v…là Viễn nhơn của nhãn thức, tinh huyết của cha mẹ là Viễn nhơn của chúng sanh. Như thời tiết v.v… đều gọi là Viễn nhơn.
_ Nầy Thiện nam tử! Thể Niết Bàn chẳng phải do nhơn như vậy làm thành, sao ông lại nói là vô thường?
_ Lại có hai thứ nhơn: Một là tác nhơn, hai là liễu nhơn. Như khí cụ của thợ gốm thời gọi là tác nhơn, như đèn đuốc vân vân soi vật trong tối thời gọi là liễu nhơn.
_ Nầy Thiện nam tử! Đại Niết Bàn chẳng do tác nhơn mà có, chỉ do liễu nhơn. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba La Mật gọi là liễu nhơn. Bố thí là nhơn của Niết Bàn, chẳng phải là nhơn của Đại Niết Bàn. Đàn Ba La Mật mới được gọi là nhơn của Đại Niết Bàn. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là nhơn của Niết Bàn, chẳng phải nhơn của Đại Niết Bàn. Vô lượng vô số pháp trợ Bồ Đề mới được gọi là nhơn của Đại Niết Bàn.
Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Tại sao bố thí chẳng được gọi là Đàn Ba La Mật? Bố thí thế nào mới được gọi là Đàn Ba La Mật, nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật? Thế nào gọi là Niết Bàn và Đại Niết Bàn?
Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành Đại Thừa Phương Đẳng Đại Niết Bàn, chẳng nghe bố thí cũng chẳng thấy bố thí. Chẳng nghe Đàn Ba La Mật cũng như chẳng thấy nhẫn đến chẳng nghe Bát Nhã, chẳng thấy Bát Nhã, cũng chẳng nghe chẳng thấy Bát Nhã Ba La Mật. Chẳng nghe chẳng thấy Niết Bàn và Đại Niết Bàn.
Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn, biết và thấy pháp giới, hiểu rõ thật tướng không có tất cả tướng: Không có tướng hòa hiệp giác tri. Đặng tướng vô lậu, tướng vô tác, tướng như huyễn hóa, tướng ánh nắng, tướng thành Càn Thát Bà, tướng trống không. Bồ Tát thấy được những tướng như vậy thời không tham, sân, si, chẳng nghe chẳng thấy. Đây gọi là Đại Bồ Tát an trụ thật tướng.
Đại Bồ Tát tự biết đây là bố thí, đây là Đàn Ba La Mật nhẫn đến đây là Bát Nhã, đây là Bát Nhã Ba La Mật, đây là Niết Bàn, đây là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là bố thí mà chẳng phải Ba La mật? Thấy có người xin rồi sau mới cho, đây là bố thí chẳng phải Ba La Mật. Nếu không người xin tâm tự thí xả, thời gọi là Đàn Ba La Mật. Nếu bố thí có thời gian thời gọi là bố thí chẳng phải Ba La Mật. Nếu thường thật hành bố thí thời gọi là Đàn Ba La Mật, nếu bố thí rồi trở lại sanh lòng hối hận đây gọi là bố thí chẳng phải Ba La Mật. Thí rồi chẳng ăn năn thời gọi là Đàn Ba La Mật.
Đại Bồ Tát đối với của cải có bốn quan niệm lo sợ: Một là vua quan tịch thâu, hai là trộm cướp, ba là nước lụt, bốn là lửa cháy, do đó nên vui vẻ đem bố thí, đây gọi là Đàn Ba La Mật nếu mong được báo đền mà bố thí thời chẳng phải Ba La Mật. Bố thí chẳng mong báo đền thời gọi là Đàn Ba La Mật.
Nếu vì kinh sợ, vì tiếng tăm lợi lộc, vì gia pháp tương truyền, vì cầu vui cõi trời, vì kiêu mạn, vì hơn người, vì quen thân, vì cầu báo đền thời như là buôn bán đổi chác. Như người trồng cây để được bóng mát, được bông trái, hoặc để được cây gỗ. Nếu người tu hành mà bố thí như vậy thời gọi là bố thí chẳng phải Ba La Mật.
Đại Bồ Tát tu hành Phương Đẳng Đại Niết Bàn, chẳng thấy người bố thí cũng như chẳng thấy kẻ lãnh thọ và của cải, chẳng thấy thời tiết, chẳng thấy phước điền hay chẳng phải phước điền, chẳng thấy nhơn duyên, quả báo, chẳng thấy người làm kẻ thọ, chẳng thấy nhiều hay ít, tịnh hay bất tịnh, chẳng khinh người lãnh thọ cũng như chẳng khinh thân mình hay của cải, chẳng để ý người ngó thấy hay không ngó thấy, chẳng chấp mình cùng người chỉ vì pháp thường trụ Phương Đẳng Đại Niết Bàn mà thật hành bố thí chỉ vì lợi ích tất cả chúng sanh mà thật hành bố thí, vì dứt tất cả phiền não cho chúng sanh mà thật hành bố thí, chỉ vì chúng sanh nên chẳng thấy người thí kẻ thọ cùng của cải, mà thật hành bố thí.
Ví như người té xuống biển lớn, ôm lấy tử thi mà được thoát nạn., Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn lúc thật hành bố thí cũng như ôm lấy tử thi để được vào bờ.
Ví như có người bị nhốt trong ngục kín, cửa nẻo đều đóng chặt, chỉ có lỗ cầu xí, bèn do nơi đó chui ra mà được thong thả, Đại Bồ Tát tu hành Đại Niết Bàn lúc thật hành bố thí cũng như vậy.
Ví như người sanh qúy phải nạn gấp kinh sợ không có chỗ dựa nương, bèn nương nhờ chiên đà la. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thật hành bố thí cũng như vậy
Ví như người bịnh nặng, vì muốn được lành mạnh nên uống chất thuốc dơ. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thật hành bố thí cũng như vậy.
Như Bà La Môn gặp lúc mất mùa đói khát vì mạng sống nên ăn thịt chó, Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thật hành bố thí cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử! Trong Đại Niết Bàn những việc như vậy, từ vô lượng kiếp đến nay chẳng nghe mà được nghe giới luật cùng Thi La Ba La Mật nhẫn đến Bát Nhã cùng Bát Nhã Ba La Mật, như trong kinh Tạp Hoa đức Phật đã giảng rộng.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn chẳng nghe mà được nghe? Mười hai bộ kinh nghĩa lý thâm thúy từ trước chẳng nghe, nay nhơn kinh nầy mà được nghe đầy đủ. Trước dầu được nghe nhưng chỉ nghe danh tự, nay ở kinh nầy mới đặng nghe nghĩa lý. Thanh Văn Duyên Giác chỉ nghe danh tự của mười hai bộ kinh mà chẳng nghe nghĩa lý, nay ở kinh nầy được nghe đầy đủ. Đây gọi là chẳng nghe mà được nghe.
Trong tất cả kinh của Thanh Văn Duyên Giác chẳng nghe đức Phật có thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng rốt ráo nhập diệt, Tam Bảo và Phật tánh không có tướng sai khác, người phạm bốn trọng tội, hủy báng kinh điển Đại Thừa, tạo tội ngũ ngịch và nhứt xiển đề, tất cả đều có Phật tánh. Nay ở kinh nầy mà đặng nghe đó. Đây gọi là chẳng nghe mà được nghe.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Nếu nhứt xiển đề v.v… mà có Phật tánh, tại sao bọn họ lại đọa địa ngục?
Bạch Thế Tôn! Giả sử bọn họ có Phật tánh, sao lại nói là không có thường, lạc, ngã, tịnh?
Nếu dứt căn lành gọi là nhứt xiển đề, lúc dứt căn lành tại sao Phật tánh lại chẳng dứt? Phật tánh nếu dứt sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh? Như Phật tánh chẳng dứt sao lại gọi là nhứt xiển đế?
Bạch Thế Tôn! Phạm bốn tội nặng gọi là bất định, hủy báng kinh Đại Thừa, tạo tội ngũ nghịch cùng nhứt xiển đề đều gọi là bất định. Những hạng nầy nếu quyết định làm sao đặng thành Vô Thượng Bồ Đề, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật cũng gọi là bất định, vì nếu quyết định lẽ ra Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật đều chẳng được thành Vô Thượng Bồ Đề.
Bạch Thế Tôn! Nếu phạm bốn tội nặng là chẳng quyết định, thời Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật cũng là chẳng quyết địnyh, chư Phật Như Lai cũng lại chẳng quyết định như thế thể tánh Niết Bàn cũng lại chẳng quyết định, tất cả pháp cũng chẳng quyết định. Tại sao chẳng quyết định gọi là nhứt xiển đề. Trừ nhứt xiển đề thời thành Phật đạo. Chư Phật Như Lai lẽ ra cũng như vậy, nhập Niết Bàn rồi đáng lẽ cũng lại trở ra chẳng nhập Niết Bàn. Nếu như vầy thời tánh Niết Bàn cũng là chẳng nhứt định. Vì chẳng nhứt định nên biết chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh. Sao lại nói rằng: Nhứt xiển đề v.v… sẽ đặng Niết Bàn?”
Đức Phật nói: “ Lành thay! Lành thay! Ông vì muốn lợi ích an lạc chúng sanh, vì lòng từ bi xót thương thế gian, vì muốn sách tấn các Bồ Tát phát Bồ Đề tâm, nên hỏi Phật những điều như vậy
Ông đã gần gũi vô lượng chư Phật quá khứ trồng những căn lành, từ lâu đã thành tựu công đức Bồ Đề hàng phục các loài ma, đã giáo hóa vô lượng vô biên chúng sanh đưa họ đến vô thượng chánh giác, từ lâu đã thông đạt tạng thâm mật của Như Lai, đã từng đem những nghĩa thâm mật như trên thưa hỏi hằng hà sa chư Phật thuở quá khứ. Tất cả thế gian hoặc người hoặc trời hoặc Sa Môn hoặc Bà La Môn hoặc Ma Vương, Phạm Vương, ta đều không thấy ai có thể hỏi được như vậy. Ông nên thành tâm lóng nghe.
Nầy Thiện nam tử! Nhứt xiển đề cũng chẳng nhứt định. Vì nếu nhứt định thời nhứt xiển đề trọn không thể đặng thành vô thượng chánh giác. Vì chẳng nhứt định nên có thể đặng thành.
Như ông hỏi: Phật tánh chẳng dứt, sao nhứt xiển đề lại dứt căn lành?
Nầy Thiện nam tử! Căn lành có hai thứ: Trong và ngoài. Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, nên chẳng dứt.
Căn lành lại có hai thứ: Hữu lậu và vô lậu. Phật tánh chẳng phải hữu lậu vô lậu nên chẳng dứt.
Lại có hai thứ căn lành: Thường và vô thường. Phật tánh chẳng phải thường , chẳng phải vô thường nên chẳng dứt.
Nếu là những thứ bị dứt, thời trở lại đặng. Nếu chẳng trở lại đặng thời gọi là chẳng dứt. Nếu dứt rồi trở lại đặng thời gọi là nhứt xiển đề. Phạm bốn tội nặng, hủy báng đại thừa, tạo tội ngũ nghịch cũng chẳng nhứt định như vậy. Vì nếu nhứt định thời những hạng nầy trọn chẳng thể đặng vô thượng Bồ Đề.
Sắc cùng tướng của sắc, hương, vị, xúc, sanh đến vô minh, ấm, nhập , giới, hai mươi lăm cõi, bốn loài sanh, tất cả pháp cũng đều không có tướng nhứt định.
Ví như nhà ảo thuật ở trong đại chúng biến hóa làm quân lính, chuỗi ngọc đồ trang sức, xóm làng, thành ấp, rừng cây, suối, ao, sông, giếng. Trong đại chúng có bọn trẻ thơ vì không đủ trí, nên lúc xem coi cho đó là thiệt. Người trí biết đó là hư dối , do sức ảo thuật làm lầm mắt người.
Tất cả phàm phu nhẫn đến Thanh Văn Bích Chi Phật, đối với tất cả pháp thấy có tướng nhứt định. Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng thấy tướng nhứt định.
Ví như mùa hạ thấy ánh sáng dợn, trẻ thơ cho là nước. Người trí trọn chẳng nhận là nước thiệt, chỉ là ánh nắng gợn làm lầm mắt người.
Tất cả phàm phu Thanh Văn Duyên Giác thấy tất cả pháp đều cho là thật. Chư Phật Bồ Tát chẳng thấy có tướng nhứt định.
Ví như khe núi, do tiếng mà có vang. Trẻ thơ cho là thiệt tiếng. Người trí hiểu là không thật, chỉ có tướng tiếng phỉnh dối nơi nhĩ thức.
Tất cả phàm phu Thanh Văn Duyên Giác đối với tất cả pháp thấy có tướng nhứt định. Chư Phật Bồ Tát hiểu rõ đều không tướng nhứt định, thấy là tướng vô thường, tướng không tịch, tướng không sanh diệt. Do nghĩa nầy, Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp là tướng vô thường.
Nầy Thiện nam tử! Cũng có định tướng, chính là thường, lạc, ngã, tịnh nơi quả Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Quả Tu Đà Hoàn cũng chẳng quyết định, vì chẳng quyết định nên trãi qua tám muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác. Quả Tu Đà Hàm cũng chẳng quyết định, vì trải qua sáu muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác Quả A Na Hàm cũng chẳng quyết định, vì trải qua bốn muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác. Quả A La Hán cũng chẳng quyết định, vì trải qua hai muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác.
Bích Chi Phật cũng chẳng quyết định, vì trải qua mười ngàn kiếp đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nầy Thiện nam tử! Hôm nay Như lai ở trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, thị hiện nằm dựa trên giường sư tử sắp nhập Niết Bàn, làm cho chúng đệ tử chưa chứng quả A La Hán cùng các lực sĩ rất lo rầu, cũng làm cho trời, người, A Tu la, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già v.v… trần thiết đồ cúng dường. Muốn khiến mọi người dùng ngàn bức vải lông vấn thân Như Lai, bảy báu làm quan tài, đựng đầy dầu thơm, chất những gỗ thơm để thiêu đó. Chỉ trừ hai thứ chẳng thể cháy được: Một là y lót mình, hai là lớp vải vấn phía ngoài hết. Vì chúng sanh nên phân chia xá lợi làm tám phần.
Tất cả hàng Thanh Văn đệ tử đều cho rằng Đức Như Lai nhập Niết Bàn. Phải biết Đức Như Lai cũng chẳng quyết định rốt ráo nhập Niết Bàn, vì đức Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. Do nghĩa nầy nên Đức Như Lai nhập Niết Bàn cũng chẳng nhứt định.
Nầy Thiện nam tử! Nên biết Như Lai cũng chẳng quyết định. Như Lai chẳng phải Thiên. Có bốn hạng thiên: Một là thế gian thiên, hai là sanh thiên, ba là tịnh thiên, bốn là nghĩa thiên.
Thế gian thiên, lệ như các vị Quốc vương. Từ Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng gọi là Sanh Thiên. Từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật gọi là Tịnh Thiên. Thập trụ Bồ Tát v.v… gọi là Nghĩa Thiên, vì có thể hiểu rõ nghĩa của các pháp, chính là thấy nghĩa không của tất cả pháp.
Nầy Thiện nam tử! Như Lai chẳng phải Quốc Vương, chẳng phải Tứ Thiên Vương, nhẫn đến trời Phi Phi Tưởng, cũng chẳng phải Tu Đà Hoàn, Bích Chi Phật, Thập Trụ Bồ Tát. Do đây nên Như Lai chẳng phải Thiên. Mặc dù như vậy, nhưng chúng sanh cũng gọi Phật là Thiên Trung Thiên. Vì thế nên Như Lai chẳng phải là Thiên cũng chẳng phải là chẳng phải Thiên, chẳng phải là người cũng chẳng phải là chẳng phải người, chẳng phải là quỷ, cũng chẳng phải là chẳng phải quỷ, chẳng phải là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chẳng phải là chúng sanh cũng chẳng phải là chẳng phải chúng sanh, chẳng phải là pháp cũng chẳng phải là chẳng phải pháp, chẳng phải là sắc cũng chẳng phải là chẳng phải sắc, chẳng phải là dài, vắn cũng chẳng phải là chẳng phải dài, vắn. Chẳng phải là tướng cũng chẳng phải là chẳng phải tướng, chẳng phải là tâm cũng chẳng phải là chẳng phải tâm, chẳng phải là hữu lậu, chẳng phải là vô lậu, chẳng phải là hữu vi, chẳng phải là vô vi, chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường, chẳng phải là huyễn hóa cũng chẳng phải là chẳng phải huyễn hóa, chẳng phải là danh cũng chẳng phải là chẳng phải danh, chẳng phải là định cũng chẳng phải là chẳng phải định, chẳng phải có không cũng chẳng phải là chẳng phải có không, chẳng phải ngôn thuyết cũng chẳng phải là chẳng phải ngôn thuyết, chẳng phải Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải Như Lai. Do nghĩa nầy nên Như Lai chẳng quyết định.
Nầy Thiện nam tử! Cớ sao Như Lai chẳng gọi là thế gian Thiên? Thế gian Thiên chính là của vị Quốc Vương. Đức Như Lai từ vô lượng kiếp đã bỏ ngôi Quốc Vương, cho nên Như Lai chẳng phải là Quốc Vương. Như Lai giáng sanh nơi nhà vua Tịnh Phạn tại thành Ca Tỳ La Vệ, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Quốc Vương.
Như Lai từ lâu đã lìa khỏi các cõi, nên chẳng phải là sanh thiên. Như Lai lên trời Đâu Suất xuống Diêm Phù Đề, nên chẳng phải là chẳng phải sanh Thiên.
Như Lai chẳng phải Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật, nên Như Lai chẳng phải là Tịnh Thiên.
Tám pháp trong đời chẳng ô nhiễm được, dường như Liên Hoa chẳng dính bụi, nước, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Tịnh Thiên.
Như Lai chẳng phải là Thập Trụ Bồ Tát, nên Như Lai chẳng phải là Nghĩa Thiên. Như Lai thường tu mười tám nghĩa không, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Nghĩa Thiên.
Như Lai chẳng phải là người vì Như Lai từ vô lượng kiếp đã lìa quả báo người. Như Lai giáng sinh thành Ca Tỳ La nên chẳng phải là chẳng phải người.
Như Lai chẳng phải là quỷ vì chẳng hại tất cả chúng sanh. Như Lai cũng dùng thân quỷ để hóa độ chúng sanh nên chẳng phải là chẳng phải quỷ.
Như Lai chẳng phải là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ vì từ lâu đã lìa ác nghiệp, cũng hiện thọ thân trong ác đạo để giáo hóa chúng sanh, nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ,
Như Lai chẳng phải là chúng sanh vì từ lâu đã lìa tánh chúng sanh.
Có lúc Như Lai diễn thuyết chúng sanh, nên cũng chẳng phải là chẳng phải chúng sanh.
Các pháp mỗi mỗi đều có tướng sai khác. Như Lai chỉ có một tướng, nên chẳng phải là pháp. Như Lai là pháp giới nên cũng chẳng phải là chẳng phải pháp.
Như Lai chẳng nhiếp trong mười sắc pháp, nên chẳng phải là sắc.
Thân Như Lai có ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, nên chẳng phải là chẳng phải sắc.
Vì dứt tất cả sắc nên Như Lai chẳng phải là cao. Tất cả thế gian không ai thấy được đỉnh đầu của Như Lai, nên chẳng phải là chẳng phải cao.
Từ lâu, đã xa lìa kiêu mạn, nên Như Lai chẳng phải là thấp. Vì độ Trưởng Giả, Cù Sư La, Như Lai hiện thân ba thước, nên chẳng phải là chẳng phải thấp.
Từ lâu đã xa lìa các hình tướng, nên Như Lai chẳng phải là tướng. Như Lai biết rành tất cả tướng, nên chẳng phải là chẳng phải tướng.
Như Lai rỗng rang như hư không, nên chẳng phải là tâm. Vì Như Lai có mười tâm trí lực, cũng có thể rõ biết tâm của chúng sanh, nên cũng chẳng phải là chẳng phải tâm.
Vì Như Lai là thường, lạc, ngã , tịnh, nên chẳng phải là hữu vi. Như Lai thị hiện có đến, đi, ngồi, nằm cùng thị hiện Niết B��n nên chẳng phải là vô vi.
Vì có thân phần đoạn nên Như Lai chẳng phải là thường.ï Lại vì có biết, vì có nói năng, vì có họ tên, vì có cha mẹ, vì có bốn oai nghi, vì có nơi chỗ, do đây nên Như Lai chẳng phải là thường. Phàm pháp có sanh gọi là vô thường. Như Lai là vô sanh nên chẳng phải là chẳng phải thường. Phàm pháp thường trụ thời khắp tất cả chỗ như hư không, không chỗ nào không có, Như Lai khắp tất cả chỗ cũng như vậy nên là thường. Những pháp vô thường thời chỗ nầy có, chỗ kia không, Như Lai chẳng như vậy nên là thường. Pháp vô thường thời có lúc có lúc không, Như Lai chẳng như vậy nên là thường. Pháp thường trụ không danh, sắc, không nhơn, không quả, Như Lai cũng như vậy nên là thường. Pháp thường trụ chẳng nhiếp trong thời gian ba đời, Như Lai cũng như vậy nên là thường.
Vì dứt tất cả tâm luống dối, nên Như Lai chẳng phải là huyễn hóa. Như Lai có lúc chia một thân làm vô lượng thân, vô lượng thân hiệp làm một thân, đi thẳng qua núi qua vách không bị chướng ngại, đi trên nước như đất, vào trong đất như nước, đi trên hư không như đất bằng, thân tuôn ra khói lửa, hực hở như đống lửa, hiện tiếng mây sấm chấn động, hoặc hiện làm thành ấp xóm làng nhà cửa núi sông cây cối, hoặc hiện thân to lớn, hoặc thân nhỏ, thân nam, thân nữ, thân đồng nam, thân đồng nữ, vì thế nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải huyễn hóa.
Trong rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, Như Lai thị hiện nhập Niết Bàn vì thế nên Như Lai chẳng phải quyết định. Do vì thường, lạc, ngã tịnh nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng quyết định.
Vì đã dứt ba thứ lậu: Một là dục lậu tức là tất cả phiền não ở dục giới trừ vô minh ; hai là hữu lậu tức là tất cả phiền não sắc giới và vô sắc giới trừ vô minh ; ba là vô minh lậu tức là vô minh trong tam giới.
Vì thế nên Như Lai chẳng phải hữu lậu.
Tất cả phàm phu đối với đời vị lai đều có tâm nghi: Trong đời vị lai sẽ có thân hay chẳng có thân? Trong đời qua khứ thân vốn có hay là vốn không? Trong đời hiện tại thân nầy có hay thân nầy không? Nếu có ngã, thời ngã ấy là sắc hay là chẳng phải sắc? Là tưởng hay chẳng phải tưởng? Thân nầy thuộc về cái khác hay chẳng thuộc? Là có mạng có thân hay có thân không mạng? Thân cùng mạng là thường hay vô thường? Thân cùng mạng do Tự Tại Thiên tạo ư? Thời tiết tạo ư? Vô nhơn tạo ư? Thế tánh tạo ư? Vi trần tạo ư? Pháp cùng phi pháp tạo ư? Sĩ phu tạo ư? Phiền não tạo ư? Cha mẹ tạo ư? Ngã ở nơi tâm hay ở nơi nhãn? Ngã thắp đầy trong thân ư? Ngã từ đâu đến, đi đến chỗ nào? Ai sanh ai chết? Ngã thuở quá khứ là chủng tánh nào? Đời vị lai sẽ thuộc chủng tánh nào? Thuở quá khứ, thân nầy của ta là nam hay nữ? Nếu ta sát sanh sẽ phải tội hay không tội? Nhẫn đến uống rượu sẽ có tội hay không tội? Ta tự gây tạo hay vì người mà gây tạo? Ngã thọ báo hay thân thọ báo?
Vô lượng điều nghi chấp như vậy che đậy chúng sanh làm cho tâm phiền muộn. Do những điều nghi chấp nầy sanh ra sáu thứ quan niệm: Một là quyết định có ngã, hai là quyết định không ngã; ba là ngã thấy là ngã; bốn là ngã thấy là không ngã; năm không ngã thấy là ngã; sáu là ngã làm ngã thọ ngã biết. Những quan niệm trên đây gọi là tà kiến.
Như Lai đã dứt hẳn vô lượng cội gốc tà kiến, hữu lậu như vậy, nên Như Lai chẳng phải hữu lậu. Đại Bồ Tát tu thánh hạnh Đại Niết Bàn cũng dứt hẳn được những lậu như vậy. Chư Phật thường tu thánh hạnh nên là vô lậu.
Nầy Thiện nam tử! Phàm phu chẳng thể khéo nhiếp năm căn thời có ba thứ lậu, bị nghiệp ác kéo dắt đến nơi chỗ chẳng lành. Ví như ngựa dữ tánh hung hăng, có thể làm cho người cỡi đến chỗ hiểm nạn. Người không khéo nhiếp năm căn cũng như vậy, có thể làm cho người đó xa lìa pháp lành đến những chỗ ác.
Ví như voi dữ chưa điều thuận, người cỡi nó chẳng thể tùy ý, nó đưa người xalìa thành ấp đến nơi rừng sâu. Chẳng khéo điều nhiếp năm căn nó sẽ dắt người xa lìa thành ấp Niết Bàn đến nơi rừng rậm sanh tử. Ví như tôi nịnh bảo vua làm ác, như đứa con hư chẳng tuân lời dạy của cha mẹ sư trưởng, chẳng khéo nhiếp ngũ căn nó sẽ khiến người làm ác chẳng thuận pháp lành.
Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn thường bị địa ngục súc sanh ngạ quỉ tàn hại, như giặc cướp hại người lành.
Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn chạy theo ngũ trần, như người chăn trâu chẳng khéo giữ gìn để trâu làm hại lúa mạ.
Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn nên thường ở trong ba cõi chịu nhiều sự khổ não. Đại Bồ Tát lúc tu Thánh hạnh Đại Niết Bàn, thường có thể khéo nhiếp ngũ căn, dứt trừ tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn , tật đố, để được thành tựu tất cả pháp lành.
Nếu người có thể khéo giữ gìn ngũ căn thời nhiếp được tâm, nếu nhiếp được tâm thời nhiếp ngũ căn. Ví như có người ủng hộ Quốc Vương thời là ủng hộ Quốc Gia, ủng hộ Quốc Gia thời là ủng hộ Quốc Vương.
Đại Bồ Tát nếu đặng nghe kinh Đại Niết Bàn nầy thời được trí huệ vì được trí huệ thời được chuyên niệm. Nếu ngũ căn tán loạn thời chánh niệm có thể nhiếp dừng lại, vì là niệm huệ vậy. Như người chăn giỏi, giả sử trâu sút dây đi ăn lúa mạ của người thời liền bắt lại. Nhờ niệm huệ nên Đại Bồ Tát thâu nhiếp ngũ căn chẳng cho tán loạn. Nhờ có niệm huệ nên Đại Bồ Tát chẳng thấy ngã tướng, chẳng thấy tướng ngã sở, chẳng thấy chúng sanh cùng chỗ thọ dụng. Thấy tất cả pháp đồng là pháp tánh, sanh ra tướng đất đá ngói sạn. Như nhà cửa do nhiều duyên hiệp lại thành không có tánh nhứt định. Thấy chúng sanh do tứ đại ngũ ấm hiệp thành không tánh quyết định. Vì không tánh quyết định nên Bồ Tát ở trong đó chẳng sanh tham đắm. Tất cả phàm phu vì thấy có chúng sanh nên khởi phiền não. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn vì có niệm huệ nên đối với chúng sanh chẳng sanh tham trước.
Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn chẳng chấp trước tướng chúng sanh mà hiện làm ra những pháp tướng. Như thợ vẽ dùng các thứ màu vẽ thành những hình tượng: Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu, hoặc ngựa. Phàm phu không trí huệ thấy đó thời cho rằng có tướng nam nữ v.v… thợ vẽ rõ biết không có nam nữ. Cũng vậy vì có niệm huệ nên Đại Bồ Tát đối với tướng sai khác của các pháp thấy là một tướng, trọn chẳng thấy tướng chúng sanh.
Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn vì khéo quán sát pháp tướng nên lúc thấy nam nữ đoan chánh trọn chẳng sanh lòng tham trước.
Đại Bồ Tát biết ngũ dục không có thiệt vui, chẳng tạm dừng, như chó ngậm xương khô, như người cầm lửa đi ngược gió, như rắn độc đựng trong trấp, như trong chiêm bao lượm được trái cây trên đường, như khối thịt bầy chim đuổi theo, như bóng nước, như dấu vẽ trong nước, như dệt hết đường canh chỉ, như người tù dắt ra chợ, như vật mượn tạm. Bồ Tát quan sát ngũ dục nhiều lỗi ác như vậy.
Đại Bồ Tát quán sát chúng sanh vì sắc hương vị xúc, nên từ vô lượng kiếp đến nay, chịu nhiều khổ não. Trong một kiếp, mỗi chúng sanh, xương nơi thân chất như thành Vương xá, như núi Tỳ Phú La. Uống sửa mẹ nhiều như nước trong bốn biển. Máu trong thân chảy ra nhiều hơn nước bốn biển. Nước mắt khíoc người chết của cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, nhiều hơn nước bốn biển. Dùng tất cả cỏ cây trên mặt đất làm thẻ dài bốn tấc để đếm cha mẹ cũng không thể hết. Từ vô lượng kiếp, hoặc ở địa ngục súc sanh ngạ quỷ chẳng thể tính đếm. Vò quả đất nầy bằng trái táo còn có thể dễ hết, nhưng sanh tử rất khó hết.
Đại Bồ Tát quán sát tất cả chúng sanh vì ngũ dục mà chịu vô lượng sự khổ như vậy, do đây Bồ Tát chẳng mất niệm huệ.
Ví như trong đời có nhóm người đông đầy chật hai mươi lăm dặm. Vua truyền một quan chức cầm một chén dầu đầy đi qua giữa đám đông ấy không được làm đổ, nếu đổ rơi một giọt sẽ bị tội chết. Vua lại sai một người cầm gươm theo sau nếu thấy dầu đổ thời chém. Vì sợ chết nên quan chức ấy hết lòng gìn giữ chén dầu, đi qua khỏi đám đông chẳng làm đổ một giọt.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát ở trong sanh tử chẳng mất niệm huệ, nên dầu thấy ngũ dục mà tâm không tham trước. Lúc bấy giờ ngũ căn của Bồ Tát thanh tịnh, vì ngũ căn thanh tịnh nên giữ gìn giới căn đầy đủ.
Tất cả phàm phu ngũ căn chẳng thanh tịnh chẳng khéo giữ gìn nên gọi là căn lậu. Bồ Tát đã dứt hẳn nên là vô lậu. Như Lai đã dứt hẳn cội gốc nên chẳng phải là lậu.
Nầy Thiện nam tử! Lại có ly lậu. Đại Bồ Tát vì muốn được quả Phật vô thượng cam lồ nên lìa các ác lậu. Nếu có thể tu hành kinh Đại Niết Bàn, biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa, đây gọi là xa lìa.
Nầy Thiện nam tử! Ta chẳng thấy trong mười hai bộ kinh có kinh nào lìa được các ác lậu như kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn nầy.
Ví như ông thầy giỏi dạy các đồ đệ, trong hàng đồ đệ người thuận theo lời thầy dạy thời chẳng gây tạo việc ác.
Cũng vậy Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thời tâm chẳng gây tạo nghiệp ác.
Ví như trong đời có người giỏi chú thuật, nếu ai một lần nghe được chú nầy trong bảy năm chẳng bị trúng độc, rắn độc chẳng cắn được, nếu có người tụng thuộc chú nầy thời trọn đời không có những sự họa hại. Cũng vậy, nếu có chúng sanh một lần nghe kinh Đại Niết Bàn nầy thời trọn bảy kiếp chẳng bị đọa ác đạo. Nếu có người biên chép, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa, thời quyết định thấy Phật tánh đặng vô thượng Bồ Đề.
Kinh Đại Niết Bàn nầy có vô lượng công đức như vậy. Nếu người nào biên chép, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa của kinh nầy, thời thiệt là đệ tử Phật, khéo lãnh thọ giáo pháp của Phật, là người mà Phật thường thấy thường nhớ, là người biết rõ Phật chẳng nhập Niết Bàn. Người nầy ở tại chỗ nào thời Phật cũng ở trong đó, thường nhận sự cúng dường của người nầy, hoặc hiện làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Bà La Môn, Phạm Chí, người nghèo khổ ăn xin. Người nầy hoặc ở trong chiêm bao thấy tượng Phật, hoặc thấy Trời, thấy Sa Môn, Thánh Vương, Quốc Vương, Sư Tử Vương, hoa sen, hoa Ưu Đàm, hoặc thấy núi cao, biển lớn, mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy Bạch Tượng, bạch Mã, hoặc thấy cha mẹ, đặng bông, đặng trái, vàng bạc, lưu ly, pha lê những châu báu, thấy sữa, lạc, tô, đề hồ v.v…, nên biết chính là Như Lai nhận sự cúng dường. Người nầy sau khi tỉnh giấc vui mừng liền đặng những đồ vật cần dùng, tâm chẳng nghĩ điều ác, thích thật hành điều lành.
Nầy Thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn có vô lượng vô số công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nay ông phải tin lấy lời của Phật.
Nếu người nào muốn thấy Phật, muốn cung kính Phật, muốn đồng pháp tánh mà thấy Phật, muốn đặng không định, muốn thấy thiệt tướng, muốn tu tập Thủ Lăng Nghiêm định, Sư Tử Vương định, muốn phá tám ma: Phiền não, ngũ ấm, tử ma, thiên ma, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, muốn đặng hưởng vui trong loài người hay trên trời, thời phải qua gần gũi học hỏi cúng dường cung kính tôn trọng tán thán người thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết tư duy ý nghĩa kinh Đại Niết Bàn, rửa tay chưn cho người đó, trải giừơng chiếu cung cấp đầy đủ tất cả đồ cần dùng. Nếu người đó từ xa đến, phải ra rước ngoài mười do diên. Vì tôn trọng kinh Đại Niết Bàn nên đem tất cả vật nhu dụng dưng cúng cho người đó. Nếu không có, phải tự bán thân mình để mua sắm. Vì kinh nầy khó được gặp hơn hoa Ưu Đàm.
Nầy Thiện nam tử! Ta nhớ thuở quá khứ vô lượng vô biên na do tha kiếp, thuở đó có cõi nước hiệu là Ta Bà, Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni đầy đủ mười hiệu, vì hàng đại chúng tuyên nói kinh Đại Niết Bàn. Thuở đó ta được nghe kinh nầy nơi các người bạn. Lòng ta vui mừng muốn sắm đồ cúng dường, nhưng vì quá nghèo thiếu nên không có một vật chi đáng giá. Ta tự đem thân đi bán, nhưng vì bạc phước nên chẳng ai chịu mua. Buồn tủi trở về nhà, giữa đường ta gặp một người, bèn đem tâm sự bày tỏ. Người ấy bảo ta: Nếu ông bằng lòng làm theo nhu cầu của người thời người sẽ mua với giá năm đồng tiền vàng. Người ấy có bịnh lạ y sĩ chế thuốc mỗi ngày cần có ba lượng thịt người. Ta vui mừng nhận lời yêu cầu. Người đó trả tiền trước, sau bảy ngày ta sẽ đến nhà người để theo đúng nhu cầu của người. Người ấy bằng lòng nhưng chỉ cho một ngày vì bịnh người phải gấp dùng thuốc.
Sau khi lãnh tiền ta liền đến chỗ Phật đảnh lễ chơn Phật, rồi đem tất cả năm đồng tiền vàng dưng lên Phật. Cúng dường xong, ta chí thành lóng nghe Phật giảng kinh Đại Niết Bàn. Lúc đó tâm trí ta quá tối, dầu đặng nghe kinh nhưng chỉ thọ trì được một bài kệ:
Như Lai chứng Niết Bàn . Dứt hẳn nơi sanh tử. Nếu người hết lòng nghe thường được vui vô lượng.
Sau khi thọ trì bài kệ trên đây rồi, ta liền đến nhà người bịnh. Nhờ ta niệm tưởng bài kệ, nên dầu mỗi ngày cắt lấy ba lượng thịt nơi thân, nhưng ta chẳng lấy làm đau khổ lắm. Trọn một tháng, mỗi ngày ta cắt lấy thịt cho người làm thuốc, do đó bịnh người được lành mà thân của ta cũng được bình phục, ta liền phát tâm vô thượntg Bồ Đề, nguyện đời vị lai đặng thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.
Nầy Thiện nam tử! Do công đức của một bài kệ ấy làm cho ta ngày nay được thành Phật, ở trong đại chúng tuyên nói kinh Đại Niết Bàn nầy.
Nầy Thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn thành tựu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đây là tạng bí mật rất sâu của chư Phật. Do nghĩa nầy nên người thọ trì dứt lìa được những ác lậu. Chính là voi ác, ngựa ác, trâu ác, chó ác, rắn độc, chỗ đất nhiều gai, gộp cao, bờ biển, nước xoáy chảy xiết, người ác, nước ác, thành ác, nhà ác, bạn ác v.v… Những nơi đó nếu là nhơn ác lậu thời Bồ Tát liền xa lìa, nếu chẳng phải nhơn ác lậu thời Bồ Tát chẳng xa lìa. Nếu thêm hữu lậu thời xa lìa, nếu chẳng thêm thời chẳng xa lìa. Nếu là pháp ác thời bèn xa lìa, nếu có thể làm lành thời chẳng xa lìa. Xa lìa như thế nào? Chẳng cầm dao gậy, thường dùng trí huệ phương tiện mà xa lìa đó, đây gọi là chánh huệ viễn ly, vì muốn thêm lớn pháp lành thời phải xa lìa pháp ác.
ĐạiBồ Tát quán sát thân tướng của mình, xem như ghẻ, như nhọt như oán thù, như tên độc, là chỗ khổ, là cội gốc của tất cả thiện ác. Thân nầy dầu bất tịnh như vậy, Bồ Tát vẫn săn sóc nuôi dưỡng, chẳng phải vì tham thân, chính là vì pháp lành ; chẳng phải vì sanh tử, chính là vì Niết Bàn ; vì thường, lạc, ngã, tịnh ; vì đạo Bồ Đề ; vì nhứt thừa ; vì ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vì pháp vương. Đại Bồ Tát thường phải giữ gìn thân thể cho được an tòan để biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa kinh Đại Niết Bàn nầy. Vì thế nên Bồ Tát phải khéo giữ gìn thân thể. Do nghĩa nầy nên Bồ Tát đặng xa lìa tất cả ác lậu.
Như người muốn qua sông phải khéo giữ gìn thuyền bè. Người đi đường xa khéo giữ gìn ngựa hay. Như nhà trồng tỉa khéo giữ gìn phân tro. Như vì chữa độc nên khéo giữ gìn rắn độc. Như người vì của cải nên nuôi dưỡng Chiên Đà La. Như vì muốn phá giặc nên nuôi dưỡng dũng sĩ. Như người lạnh giữ gìn ngọn lửa. Như người bịnh hủi tìm cầu thuốc độc. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dầu thấy thân nầy đầy vô lượng nhớp nhơ, nhưng vì muốn thọ trì kinh Đại Niết Bàn nên vẫn giữ gìn nuôi dưỡng.
Đại Bồ Tát xem voi ác cùng bạn ác đồng nhau không khác, vì đều làm hại thân. Đối với voi ác, Bồ Tát chẳng sợ bằng sợ bạn ác.Vì voi ác chỉ hại thân mà chẳng hại được tâm. Bạn ác thời hại cả hai thứ thân và tâm. Voi ác chỉ làm hại một thân. Bạn ác có thể làm hại vô lượng thân lành vô lượng tâm lành. Voi ác chỉ có thể phá hoại thân hôi nhơ. Bạn ác có thể phá hoại tịnh thân cùng tịnh tâm. Voi ác chỉ có thể làm hại nhục thân. Bạn ác làm hại đến pháp thân. Bị voi ác giết chẳng sa đến ba đường ác. Bị bạn ác giết tất sa đến ba đường ác. Voi ác chỉ là kẻ oán thù của thân. Bạn ác là kẻ oán thù của pháp lành. Do đây nên Bồ Tát thường phải xa lìa bạn ác.
Những ác lậu như vậy, phàm phu chẳng xa lìa nên sanh ác lậu, Bồ Tát xa lìa thời chẳng sanh ác lậu. Bồ Tát còn không có ác lậu như vậy huống là Như Lai.
Thế nào là gần gũi ác lậu? Tất cả phàm phu lãnh lấy y phục vật thực đồ nằm thuốc thang, họ vì sự đòi hỏi của thân tâm mà tìm cầu những vật như vậy, nên gây tạo nhiều tội ác, chẳng biết là lỗi lầm, phải luân hồi trong ba đường ác, do đây nên gọi là ác lậu. Đại Bồ Tát thấy những lỗi như vậy thời bèn xa lìa.
Lúc cầu y phục Bồ Tát bèn nhận lấy. Chẳng phải vì thân mục đích chỉ vì pháp lành ; chẳng kiêu mạn, thường khiêm tốn, chẳng vì phục sức tốt đẹp, chỉ vì hổ thẹn, để che lạnh che nắng, che gió mưa ngăn muỗi mòng. Bồ Tát dầu lãnh thọ vật thực, nhưng lòng chẳng tham đắm chẳng vì thân chĩ vì chánh pháp, chẳng vì da thịt chỉ vì chúng sanh, để trị bịnh đói, dầu đặng món ăn ngon cũng vẫn không tham đắm.
Bồ Tát lúc nhận lấy phòng nhà cũng như vậy, chẳng để quan niệm tham đắm ở nơi lòng, vì che mưa gió, vì Bồ Đề mà nhận lấy phòng nhà.
Lúc cầu thuốc thang lòng Bồ Tát không tham đắm, chẳng phải vì mạng sống chỉ vì chánh pháp, vì pháp thân huệ mạng. Như người bị ung nhọt, dùng thuốc đắp lên lấy vải bó đó, như vậy là chỉ vì để rút máu mủ cho bịnh được lành. Vì tránh gió độc nên ở trong nhà kín. Cũng vậy, Đại Bồ Tát xem thân thể là ung nhọt nên lấy y phục che đậy, vì cửu khiếu máu mủ mà tìm cầu món ăn vật uống, vì mưa gió độc nên nhận lấy phòng nhà vì bốn độc phát bịnh nên tìm cầu thuốc thang. Vì đạo Bồ Đề mà Bồ Tát lãnh lấy bốn thứ cúng dường chẳng vì mạng sống. Bồ Tát suy nghĩ như vầy: Nếu tôi chẳng nhận lấy bốn thứ cúng dường nầy, thời thân thể phải chết mất, chẳng thể nhẫn thọ khổ nhọc ; nếu không kham sự khổ nhọc thời không thể tu tập pháp lành ; nếu kham sự khổ nhọc thời có thể tu tập vô lượng pháp lành ; nếu tôi chẳng kham nhẫn các sự khổ, thời sẽ sanh lòng giận hờn đối với việc nghịch trái, và sẽ sanh lòng tham đắm đối với cảnh thuận vui ; nếu tìm cầu sự vui mà chẳng đặng thời sanh lớn vô minh mê muội.
Do đây nên phàm phu sanh những ác lậu đối với bốn thứ cần dùng. Bồ Tát vì có thể quan sát như vậy nên chẳng sanh những ác lậu, do đây nên gọi là vô lậu. Bồ Tát còn vô lậu như vậy huống là Như Lai. Vì thế nên Như Lai chẳng gọi là hữu lậu.
Nầy Thiện nam tử! Tất cả phàm phu dù khéo giữ gìn thân tâm nhưng vẫn còn sanh ba thứ ác giác, do cớ nầy nên dầu phục trừ phiền não đặng sanh cõi trời phi phi tưởng, nhưng vẫn trở lại đọa trong ba đường dữ. Ví như có người đi qua biển lớn, sắp đến bờ mà bị chết đuối. Phàm phu trên đây cũng vậy, sắp ra khỏi ba cõi trở lại đọa nơi tam đồ. Đó là do vì không có thiện giác, chính là không có sáu chánh niệm.
Phàm phu tâm lành kém yếu, tâm ác lại lẫy lừng. Vì tâm lành kém nên trí huệ cũng kém. Vì trí huệ kém nên thêm lớn những ác lậu.
Bồ Tát nhờ huệ nhãn thanh tịnh thấy lỗi của ba thứ giác quán, biết ba thứ giác quán nầy có những họa hoạn thường làm oán thù đối với ba thừa. Do ba thứ giác quán nầy làm cho vô lượng phàm phu chẳng thấy Phật tánh, trong vô lượng kiếp điên đảo cho rằng Phật Thế Tôn không có thường, lạc, và ngã, chỉ có tịnh thôi ; lại cho rằng Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn. Tất cả chúng sanh là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, mà điên đảo cho là có thường, lạc, ngã, tịnh. Thiệt không có tam thừa mà điên đảo cho là thật có tam thừa. Đạo nhứt thừa chơn thật mà điên đảo cho là không có nhứt thừa.
Ba thứ giác quán nầy thường bị chư Phật và Bồ Tát quở trách. Ba thứ giác quán nầy thường hại nơi mình cũng hại đến kẻ khác. Có ba thứ giác quán nầy thời sanh ra tất cả điều ác. Ba thứ giác quán nầy chính là ba sợi dây trói liền chúng sanh trong sanh tử vô biên.
Bồ Tát thường quán sát ba thứ giác quán nầy. Hoặc có lúc vì nhơn duyên đáng lẽ phải sanh dục giác Bồ Tát yên lặng chẳng lãnh thọ. Ví như người xinh đẹp sạch sẽ chẵng nhận lãnh tất cả phẩn nhơ, như hoàn sắt nóng không ai cầm lấy, như dòng Bà La Môn chẳng nhận thịt bò ; như người no bụng chẳng nhận đồ ăn dở, như vua Chuyển Luân chẳng ngồi chung một giường với Chiên Đà La, Bồ Tát khinh ghét ba thứ ác giác chẳng nhận chẳng ham cũng như vậy. Bồ Tát thường suy nghĩ: Chúng sanh biết rằng ta là ruộng phước tốt, ta đâu nên nhận pháp ác ấy, nếu ta nhận pháp ác thời chẳng đáng là ruộng phước của chúng sanh. Dầu ta chẳng tự nói mình là ruộng phước tốt, nhưng chúng sanh thấy hình tướng bèn nói ta là ruộng phước. Nếu ta sanh ác giác như vậy thời là khi dối tất cả chúng sanh. Thuở quá khứ, vì khi dối nên trong vô lượng kiếp đọa ba đường ác trôi lăn trong sanh tử. Nếu ta có ác tâm nhận của người cúng thí, tất cả thiên nhơn và ngũ thông tiên đều sẽ rõ biết, sẽ bị quở trách. Nếu ta có ác giác nhận sự cúng thí của người, sẽ làm cho thí chủ được phước đức kém ít, hoặc không phước đức, như thế ta là kẻ thù óan của thí chủ. Tất cả thí chủ thường mến kính ta, sao ta lại khi dối họ mà cho làm kẻ oán thù của họ, vì ta làm cho họ được ít phước đức, hoặc không phước đức.
Bồ Tát thường suy nghĩ: Ta thường tự xưng là người xuất gia. Luận về người xuất gia chẳng sanh ác giác, nếu sanh ác giác thời chẳng phải xuất gia. Người xuất gia thân cùng miệng phải tương ưng, nếu chẳng tương ưng thời chẳng phải xuất gia. Ta bỏ cha mẹ anh em vợ con quyến thuộc bạn bè để xuất gia tu hành, chính là thời kỳ tu tập những thiện giác, chẳng phải là thời gian sanh ác giác. Ví như có người vào biển tìm châu báu, chẳng lấy chơn châu mà lại lấy thủy tinh. Cũng như có người bỏ âm nhạc hay mà đi chơi giỡn trên đống phẩn nhơ. Như bỏ bảo nữ mà giao thông với tớ gái. Như bỏ bồn vàng mà dùng chậu sành. Như bỏ vị cam lộ mà uống thuốc độc. Như bỏ y sĩ thân thiện tài giỏi mà cầu thuốc với y sĩ oán thù dở. Cũng vậy, ta bỏ lìa pháp vị cam lồ của Đại Sư Như Lai Thế Tôn, mà nhận lấy các thứ ác giác của ma oán. Thân người khó đặng như hoa Ưu Đàm mà ta đã được. Như Lai khó gặp như hoa Ưu Đàm mà ta đã gặp. Pháp bửu thanh tịnh khó được thấy nghe mà ta được nghe. Như con rùa đui gặp được bộng cây nổi. Mạng người chẳng dừng qua mau hơn thác nước đổ, ngày nay dầu còn khó bảo đảm được ngày mai, sao lại buông lung ở nơi pháp ác? Thời tráng kiện chẳng dừng qua mau như ngựa chạy, sao lại tự thị sanh lòng kiêu mạn . Bốn ác ma rình rập tìm cầu lỗi lầm của ta, sao lại để cho ác giác sanh khởi! Ví như nhà hư mục sắp sập, mạng sống của ta cũng vậy, đâu nên sanh việc ác. Phàm Sa Môn gọi là tỏ ngộ nơi thiện giác, ta là Sa Môn sao lại sanh ác giác? Người xuất gia phải tu đạo lành, nay ta làm ác đâu đáng gọi là xuất gia. Bà La Môn gọi là người tu hạnh thanh tịnh, nay ta thật hành ác giác chẳng thanh tịnh đâu gọi là chơn thật Bà La Môn. Nay ta cũng gọi là dòng Sát Đế Lợi. Luận về dòng Sát Đế Lợi thời hay trừ được kẻ oán địch, nay ta chẳng trừ được oán địch ác giác, đâu đáng gọi là dòng Sát Đế Lợi. Tỳ Kheo gọi là phá phiền não, nay ta chẳng phá được ác giác phiền não đâu đáng gọi là Tỳ Kheo.
Trong đời có sáu chỗ được gặp gỡ, nay ta đã được, đâu nên để ác giác ở nơi lòng. Những gì là sáu chỗ khó được? _ Một là Phật ra đời khó gặp, hai là chánh pháp khó nghe, ba là tâm lo sợ khó sanh, bốn là khó được ở trung quốc, năm là khó được thân người, sáu là năm căn khó đầy đủ. Sáu việc như vậy khó được mà ta đã được, vì thế nên chẳng nên sanh ác giác.
Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn nầy thường siêng quán sát những ác giác như vậy.
Hàng phàm phu chẳng thấy lỗi họa của ác giác, nên lãnh thọ ba thứ ác giác, gọi đó là lãnh thọ ác lậu.
Bồ Tát thấy như thế nên chẳng lãnh chẳng ham, nương nơi tám thánh đạo để trừ bỏ đó, để chặt đứt đó. Do đây nên Bồ Tát không thọ ác lậu. Sao lại nói rằng Như Lai có ác lậu? Do nghĩa nầy nên Như Lai chẳng phải là hữu lậu.
Nầy Thiện nam tử! Phàm phu nếu gặp lúc thân tâm khổ não thời sanh các sự ác. Lúc bị thân bịnh hay tâm bịnh, khiến thân khẩu, ý tạo những nghiệp ác. Vì tạo nghiệp ác nên luân hồi trong ba đường dữ thọ những sự khổ. Tại sao vậy? Vì phàm phu không có niệm huệ.
Bồ Tát thường tự suy xét rằng: Ta từ vô số kiếp xưa đến nay, vì thân tâm nầy mà gây tạo những nghiệp ác, nên phải lưu chuyển trong sanh tử đọa nơi ác đạo chịu đủ sự khổ, làm cho ta xa lìa con đường chơn chánh ba thừa. Suy nghĩ như vậy rồi Bồ Tát rất sợ sệt đối với thân tâm của mình, lìa bỏ việc ác mà thẳng đến đạo lành.
Ví như có Quốc Vương đem bốn con rắn độc đựng chung trong một cái trấp, sai người nuôi dưỡng cho ăn , tắm rửa. Vua ra lịnh nếu để một con rắn giận dữ không vừa lòng, thời ta sẽ xử tử nhà ngươi.
Người đó nghe lịnh nghiêm khắc của Quốc Vương, sợ quá bỏ trấp rắn chạy trốn . Vua liền sai năm Chiên Đà La cầm dao rượt theo. Người ấy ngó ngoái lại thấy phía sau năm người rượt gấp bèn vội chạy đi. Năm người lập kế giấu dao, rồi bí mật sai một người giả dạng hiền lành đến khuyên bảo người ấy trở lại. Người ấy chẳng tin chạy thẳng đến một tụ lạc kia để ẩn trốn. Lúc đã vào trong tụ lạc, xem thấy những nhà cửa đều không có người cũng không có đồ vật, bèn ngồi trên đất. Thoạt nghe trên không có tiếng nói: Nầy nam tử! Tụ lạc nầy hoang vắng không có cư dân, đêm nay sẽ có sáu tên cướp đến. Nếu người gặp cướp thời khó bảo tồn tánh mạng. Người ấy nghe tiếng trên hư không bảo như vậy sợ hãi quá bèn bỏ tụ lạc mà đi. Dọc đường gặp một con sông nước chảy gấp. Tìm không có thuyền bè, vì sợ nên lấy các thứ cỏ cây kết làm bè. Tự nghĩ rằng: Nếu ta dừng ở nơi đây tất sẽ bị rắn độc, năm Chiên Đà La, một người dối hiền lành và sáu tên cướp làm nguy hại. Còn nếu qua sông thời chiếc bè nầy không bảo đảm có thể sẽ phải chìm chết. Nhưng thà chết đuối, trọn chẳng để kẻ ác kia làm hại. Suy nghĩ xong, kéo bè cỏ xuống nước, thân nằm trên bè, tay ôm bè, chưn đạp nước vượt dòng nước chảy xiết mà qua sông.
Lúc đã được qua đến bờ bên kia an ổn không họa hoạn, hết kinh sợ trong lòng rất thơ thới vui vẻ.
Bồ Tát đặng nghe và thọ trì kinh Đại Niết Bàn, suy xét thân nầy như cái trấp, địa, thủy, hỏa, phong như bốn rắn độc: Kiến độc, Xúc độc, Khí độc, Nọc độc. Tất cả chúng sanh gặp bốn rắn độc nầy thời phải mất thân mạng. Tứ đại cũng như vậy: Hoặc kiến chấp làm độc, hoặc chạm xúc làm độc, hoặc hà khí làm độc, hoặc cắn nọc làm độc, do đây nên xa lìa những điều lành.
Bồ Tát suy xét bốn rắn độc có bốn dòng họ: Dòng Sát Đế Lợi, dòng Bà La Môn, dòng Tỳ Xá, dòng Thủ Đà. Tứ đại cũng có bốn chủng tánh: Tánh cứng, tánh ướt, tánh nóng, tánh động. Vì thế nên Bồ Tát xem tứ đại đồng chủng tánh với bốn rắn độc.
Bồ Tát lại suy xét bốn rắn độc nầy thường rình hại người: Lúc nào sẽ nhìn ngó, lúc nào sẽ chạm xúc, lúc nào sẽ hà hơi, lúc nào sẽ cắn. Tứ đại cũng như vậy thường rình chờ dịp để hại chúng sanh.
Nếu bị bốn rắn độc hại chết chẳng đến nỗi phải đọa trong ba đường ác. Nếu bị tứ đại giết hại tất sa vào ba đường ác. Bốn rắn độc nầy dầu săn sóc nuôi dưỡng nó nhưng nó cũng thường muốn giết người. Cũng vậy, dầu thường cung cấp, nhưng tứ đại cũng luôn kéo dắt người tạo những nghiệp ác. Bốn rắn độc ấy nếu một con sân giận thời sẽ giết người. Tánh tứ đại nếu một đại phát lên cũng có thể hại người. Bốn rắn độc ấy dầu ở chung một chỗ, nhưng tâm tánh của nó đều riêng khác. Tứ đại dầu đồng ở một thân mà tánh của mỗi đại khác nhau. Bốn rắn độc ấy dầu có cung kính nó cũng khó có thể gần gũi nó, tứ đại cũng như vậy. Bốn rắn độc ấy nếu lúc hại người, có được phù chú thuốc men của Sa Môn hay Bà La Môn thời có thể chữa trị. Tứ đại giết người dầu có Sa Môn hay Bà La Môn dùng thần chú phép tắc cũng chẳng trị được. Như người trí nghe hơi tanh của rắn độc liền tránh xa. Chư Phật Bồ Tát nghe hơi hôi của tứ đại cũng liền tránh xa.
Bồ Tát lại suy nghĩ tứ đại như rắn độc, nên rất sợ sệt chạy đi lo tu tám thánh đạo.
Năm Chiên Đà La dùng lệ cho năm ấm. Bồ Tát quán sát năm ấm như Chiên Đà La.
Chiên Đà La thường hay làm cho người phải xa lìa ân ái mà hội họp với oán thù. Cũng vậy, năm ấm khiến người tham gần pháp ác mà xa lìa những pháp lành.
Như Chiên Đà La võ trang để tự vệ: Hoặc dao, gậy, cung tên hoặc thuẫn giáp, họ có thể hại người. Cũng vậy, năm ấm dùng các thứ phiền não để tự võ trang, hại những người ngu si làm cho sa vào trong ba cõi.
Như Chiên Đà La bắt được người có tội lỗi bèn giết hại. Cũng vậy, năm ấm có những kiết sữ thường hay hại người.
Do nghĩa nầy nên Bồ Tát quán sát năm ấm như Chiên Đà La.
Lại như Chiên Đà La không tâm từ mẫn họ hại cả người thân cũng như kẻ thù. Cũng vậy, năm ấm hại cả pháp lành, pháp ác, không lòng từ mẫn.
Như Chiên Đà La não hại tất cả mọi người, ngũ ấm dùng các thứ phiền não thường não hại tất cả chúng sanh trong dòng sanh tử.
Chiên Đà La luôn luôn có tâm niệm muốn giết hại, năm ấm cũng thường có những kiết sử não hại.
Như người cụt chân lại không dao gậy không người hộ vệ, phải biết người nầy ắt bị Chiên Đà La giết hại. Cũng vậy, chúng sanh không chân, không dao, không hộ vệ, thời bị giặc năm ấm làm hại. Chân lệ cho giới, dao lệ cho trí huệ, người hộ vệ lệ cho thiện tri thức. Nếu không ba điều nầy tất bị năm ấm làm hại. Do dây nên Bồ Tát xem năm ấm như Chiên Đà La.
Bồ Tát lại quán sát năm ấm còn hơn Chiên Đà La. Vì người bị Chiên Đà La giết hại chẳng đọa địa ngục, còn bị năm ấm giết hại thời đọa địa ngục. Do đây nên Bồ Tát lập thệ rằng: Tôi thà trọn đời gần Chiên Đà La, chớ chẳng gần năm ấm dầu chỉ tạm thời.
Chiên Đà La chỉ có thể hại nơi người ngu si ở cõi dục. Giặc ngũ ấm hại khắp tất cả phàm phu chúng sanh trong ba cõi.
Û
Chiên Đà La chỉ có thể giết hại người có tội, năm ấm giết hại chúng sanh không luận có tội hay không tội.
Chiên Đà La chẳng giết hại người già cả, phụ nữ và trẻ thơ, năm ấm giết tất cả chúng sanh không luận già trẻ cùng phụ nữ.
Vì thế nên Bồ Tát quán sát năm ấm còn hơn Chiên Đà La, lập thệ trọn đời thà ở gần Chiên Đà La chớ chẳng gần gũi năm ấm dầu chỉ tạm thời.
Chiên Đà La chỉ hại người khác không bao giờ tự hại mình, giặc năm ấm hại mình hại người hơn Chiên Đà La.
Chiên Đà La có thể dùng lời lành, tiền của, châu báu lo lót mà được thoát khỏi. Năm ấm chẳng như vậy, không thể dùng lời lành để khuyến dụ cũng không thể dùng tiền của châu báu lo lót mà được thoát khỏi.
Trong ngày đêm Chiên Đà La chẳng ắt luôn luôn giết hại, năm ấm thời niệm niệm thường giết hại chúng sanh.
Chiên Đà La chỉ ở một chỗ, có thể trốn lánh khỏi, năm ấm thời ở khắp tất cả chỗ nên không thể trốn lánh.
Chiên Đà La dầu hại người, lúc hại xong, thời chẳng theo nữa. Năm ấm khi đã giết hại chúng sanh lại theo dõi luôn chẳng rời.
Do đây nên Bồ Tát lập thệ thà trọn đời ở gần Chiên Đà La, quyết không gần gũi năm ấm dầu chỉ tạm thời.
Người có trí huệ dùng phương tiện lành khéo thoát khỏi đặng năm ấm. Chính là thật hành tám thánh đạo, sáu Ba La Mật, bốn vô lượng tâm mà được giải thoát, thân tâm chẳng bị năm ấm làm hại. Vì thân như kim cương, tâm như hư không.
Do nghĩa nầy nên Bồ Tát quán sát năm ấm có những điều chẳng lành, lòng rất sợ sệt lo tu tám thánh đạo. Cũng như người kia sợ bốn rắn độc cùng năm Chiên Đà La, kiếm đường chạy trốn không dám ngó ngoái lại.
Kẻ giả làm bạn thân chính là để lệ cho tham ái. Bồ Tát quán sát kỹ tham ái như kẻ địch giả làm người thân. Nếu đã biết đượclà giả thời không bị hại, còn nếu chẳng rõ biết tất sẽ bị hại. Cũng vậy, nếu biết được tánh của tham ái thời nó chẳng thể làm cho chúng sanh luân chuyển sanh tử, như không rõbiết thời phải luân hồi trong sáu loài chịu đủ mọi sự khổ. Vì tham ái làm hại khó bỏ lìa, như kẻ địch giả làm người thân nên khó xa lìa. Kẻ oán địch giả làm người thân, luôn rình chờ có dịp để hại người, tham ái làm cho người xa lìa tất cả pháp lành gần gũi tất cả pháp ác cũng như vậy. Bồ Tát quán sát kỹ tham ái như kẻ địch giả người thân, vì thấy mà chẳng thấy, vì nghe mà chẳng nghe, như người phàm phu thấy lỗi sanh tử, dầu có trí huệ nhưng vì si mê che đậy nên rồi lại chẳng thấy lỗi. Hàng Thanh Văn Duyên Gúac cũng như vậy: Dầu thấy nhưng chẳng thấy, dầu nghe nhưng chẳng nghe. Do tâm tham ái nên dầu thấy lỗi sanh tử mà không thể mau đến vô thượng Bồ Đề. Do nghĩa nầy nên Bồ Tát xem tham ái như kẻ địch giả người thân.
Như kẻ oán địch chẳng thân mà giả là người thiệt thân, chẳng thể gần gũi mà giả gần gũi, là ác mà giả là lành, chẳng thân yêu mà giả là thân yêu, để luôn luôn chờ dịp hại người. Tham ái cũng như vậy.
Kẻ địch giả người thân, chỉ thấy được thân và miệng của họ mà chẳng biết được tâm của họ, nên họ có thể phỉnh gạt. Tham ái hư dối khó biết nên nó có thể làm mê lầm tất cả chúng sanh.
Kẻ địch gỉa người thân thời có trước có sau có thể dễ xa lìa, tham ái không trước không sau nên khó xa lìa được.
Kẻ địch giả người thân, ở xa thời khó biết, gần gũi thời dễ biết. Tham ái gần gũi còn khó rõ biết huống là ở xa.
Tất cả chúng sanh vì tham ái mà xa Đại Niết Bàn gần gũi sanh tử, xa thường, lạc, ngã, tịnh mà gần vô thường khổ vô ngã bất tịnh. Do đây nên trong các kinh Phật nói là nhơ nhớp trong ba cõi. Nơi việc hiện tại vì vô minh nên chẳng thấy lỗi họa chẳng xa lìa được. Kẻ địch giả người thân trọn chẳng hại được người có trí. Do đây nên Bồ Tát quán sát kỹ tham ái nầy, lòng rất sợ lo tu tám thánh đạo. Như người kia sợ bốn rắn độc, năm Chiên Đà La và một kẻ giả người thân nên kiếm đường chạy trốn chẳng trở lại.
Tụ lạc trống rỗng không cư dân chính là lệ cho lục nhập. Bồ Tát quán sát nội lục nhập trống rỗng không chỗ có như tụ lạc trống. Như người sợ chết kia đã vào tụ lạc nhẫn đến chẳng thấy có một người ở, tìm khắp nơi cũng chẳng gặp được một món đồ. Cũng vậy, Bồ Tát quán sát kỹ lục nhập trống rỗng không chỗ có, chẳng thấy chúng sanh, chẳng thấy một vật thật có.
Tụ lạc trống rỗng đó, đảng cướp ở xa trọn chẳng tưởng là trống rỗng. Phàm phu cũng như vậy, đối với lục nhập chẳng nghĩ là trống rỗng, do đó nên luân chuyển trong sanh tử thọ vô lượng sự khổ. Bồ Tát quán sát lục nhập nầy luôn nghĩ tưởng là trống rỗng, nên chẳng bị khổ luân hồi sanh tử. Bồ Tát đối với lục nhập thường không có quan niệm điên đảo, nên chẳng còn luân hồi sanh tử. Như đảng cướp, lúc vào tụ lạc trống rỗng nầy thời được an vui. Giặc phiền não cũng như vậy, lúc vào trong lục nhập thời được an vui. Như đảng cướp vào tụ lạc nầy thời không lòng sợ sệt.
Giặc phiền não ở nơi lục nhập nầy cũng không sợ sệt như vậy. Như tụ lạc trống rỗng là chỗ ở của các loài ác thú: Sư tử, cọp, sói. Lục nhập nầy cũng là chỗ ở của tất cả phiền não ác.
Do đây nên Bồ Tát quán sát kỹ lục nhập trống rỗng không chỗ có là chỗ ở của tất cả việc ác. Tụ lạc nầy trống rỗng không vui, mà đảng cướp tưởng là có người có vật là an vui. Đối với lục nhập trống rỗng không chỗ có mà người ngu tưởng là có, là vui, chỉ có người trí mới biết được sự thật.
Tụ lạc kia lúc thời có người, lúc thời không người. Lục nhập một mặt luôn không người, vì tánh nó vốn là không, chỉ có người trí rõ biết, chẳng phải là mắt thấy được. Do đây nên Bồ Tát quán sát lục nhập nhiều sự oán thù tai hại, lo tu tám đạo thánh chẳng thôi chẳng nghĩ. Như người kia sợ bốn rắn độc, năm Chiên Đà La. Một kẻ giả bạn thân cùng sáu tên cướp vội vã lên đường chạy thẳng.
Sáu tên cướp dùng lệ cho sáu trần: Bồ Tát quán sát sáu trần nầy như sáu tên cướp hung dữ, vì chúng nó có thể cướp tất cả những pháp lành, như sáu tên cướp có thể cướp tài vật của tất cả nhơn dân.
Như sáu tên cướp vào nhà người thời có thể cướp đoạt tất cả tài sản hiện có trong nhà chẳng chọn tốt xấu, làm cho người giàu to thoạt vậy nghèo cùng. Giặc sáu trần nầy lúc vào nơi sáu căn thời nó có thể cướp giựt tất cả pháp lành của người, làm cho người hết lành hết phước thành kẻ bần cùng Nhứt Xiển Đề. Vì thế nên Bồ Tát quán sát sáu trần như sáu tên cướp.
Như sáu tên cướp lúc muốn cướp nhà người phải nhờ người trong nhà làm nội ứng, nếu không người nội ứng thời bọn cướp bèn trở lại. Giặc sáu trần nầy cũng như vậy, lúc muốn cướp pháp lành cần phải do bề trong chúng sanh có những tướng tri kiến: Thường, lạc, ngã, tịnh, bất không v.v… nếu không có những tướng bề trong như vậy, thời giặc sáu trần chẳng thể cướp được pháp lành.
Người trí trong tâm không có những tướng như vậy, phàm phu thời có, nên sáu trần thường đến xâm đoạt pháp lành của phàm phu.
Người trí có thể khéo dùng trí huệ đề phòng giữ gìn nên chẳng bị cướp đoạt. Do đây nên Bồ Tát quán sát sáu trần nầy như sáu tên cướp.
Như sáu tên cướp có thể làm khổ não thân tâm của nhơn dân, giặc sáu trần thường làm thân tâm chúng sanh khổ não cũng như vậy.
Sáu tên cướp chỉ có thể đoạt tài sản hiện có của người, giặc sáu trần thường cướp đoạt pháp lành của chúng sanh cả ba đời.
Sáu tên cướp đến đêm tối thời vui mừng, giặc sáu trần ở trong vô minh hắc ám thời nó vui thích. Sáu tên cướp chỉ có nhà vua mới có thể dẹp bắt, giặc sáu trần chỉ có Phật Bồ Tát mới ngăn dứt được nó.
Sáu tên cướp nầy, lúc muốn cướp giựt, chẳng lựa chọn người xinh đẹp, thông minh, học rộng, giàu sang hay nghèo hèn. Giặc sáu trần lúc muốn cướp pháp lành cũng chẳng lựa chọn người xinh đẹp nhẫn đến nghèo hèn.
Sáu tên cướp nầy, dầu nhà vua bắt được, chặt tay chưn, nhưng vẫn không thể làm cho tâm chúng nó hết hung ác. Giặc sáu trần cũng như vậy, dầu Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, chặt đứt nó, cũng chẳng thể làm cho nó chẳng cướp pháp lành. Như người dũng kiện mới có thể dẹp hẳn sáu tên cướp nầy. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát mới có thể dẹp hẳn giặc sáu trần.
Như có người quyến thuộc đông, giòng họ lớn, bà con nhiều, thời chẳng bị sáu tên cướp xâm đoạt tài sản. Cũng vậy, chúng sanh nếu có thiện tri thức thời chẳng bị giặc sáu trần cướp hại.
Sáu tên cướp nầy nếu thấy tài vật của người, thời có thể trộm cướp. Giặc sáu trần nếu thấy, nếu biết, nếu nghe, nếu ngửi, nếu chạm, nếu hay biết, thời đều có thể cướp đoạt.
Sáu tên cướp chỉ có thể cướp đoạt tài sản của người, cõi dục, giặc sáu trần có thể cướp đoạt tất cả của báu pháp lành ba cõi.
Do đây nên Bồ Tát quán sát kỹ sáu trần còn hơn sáu tên cướp kia, do đây nên lo tu tám thánh đạo thẳng tiến chẳng trở lại. Như người kia sợ bốn rắn độc năm Chiên Đà La, một kẻ giả bạn thân cùng sáu tên cướp rời bỏ tụ lạc trống rỗng theo đường thẳng chạy đi.
Dọc đường gặp một con sông, chính là lệ cho phiền não.
Bồ Tát quán sát phiền não nầy như sông lớn, nước sông chảy xiết có thể làm trôi hương tượng. Phiền não cũng có thể làm trôi bực Duyên Giác.
Sâu khó đến đáy nên gọi là “sông”, bờ xa khó qua đến nên gọi là “lớn”. Giữa sông có nhiều loài cá hung dữ. Phiền não cũng như vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới có thể cùng tột nên gọi là rất sâu, chỉ có Phật và Bồ Tát mới qua đến bờ nên gọi là rộng lớn, thường hại tất cả chúng sanh si mê nên gọi là hung dữ. Do đây nên Bồ Tát quán sát phiền não nầy dường như sông lớn.
Như nước sông lớn có thể sanh trưởng tất cả cỏ cây lùm rừng, phiền não cũng có thể sanh trưởng chúng sanh hai mươi lăm cõi. Như có người té xuống sông lớn mà không hổ thẹn, chúng sanh sa vào trong phiền não cũng không hổ thẹn như té xuống sông chìm chưa đến đáy mà đã chết, chúng sanh sa vào phiền não luân hồi trong hai mươi lăm cõi vẫn chưa đến đáy. Trên đây nói đáy sông là lệ cho tướng không, nếu chẳng tu tướng không nầy, thời chẳng đặng ra khỏi hai mươi lăm cõi. Tất cả chúng sanh vì chẳng thể khéo tu tướng không nên thường bị phiền não nhận chìm: Do đây nên Bồ Tát quán sát phiền não nầy dường như sông lớn.
Như sông lớn kia chỉ có thể làm hại thân mạng mà chẳng phá được pháp lành, phiền não thời có thể phá hoại tất cả pháp lành của thân tâm.
Sông lớn kia chỉ có thể làm trôi chìm người trong cõi dục, phiền não thời có thể hại tất cả nhơn thiên trong ba cõi.
Sông lớn trong đời nếu tay ôm phao, vịn bè, chưn đạp, thời có thể đến bờ bên kia. Với phiền não thời chỉ có Bồ Tát tu sáu pháp Ba La Mật mới qua khỏi được.
Như sông lớn người khó lội qua chúng sanh cũng khó thoát qua khỏi phiền não. Thế nào gọi là khó? Đến bực thập trụ Bồ Tát vẫn còn chưa rốt ráo thoát khỏi hẳn phiền não, chỉ có chư Phật mới rốt ráo. Do đây nên gọi là khó qua khỏi được.
Như có người bị nước sông đẩy trôi chẳng có thể làm được việc gì, chúng sanh bị phiền não lôi cuốn cũng không thể tu tập pháp lành. Như người té sông bị nước cuốn đi, người có đủ sức thời cứu vớt được. Chúng sanh sa vào phiền não làm nhứt xiển đề, hàng Thanh Văn Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật đều không cứu tế được. Sông lớn trong đời phải khô cạn lúc kiếp tận. Với phiền não hàng Thanh Văn Duyên Giác dầu tu thất giác chi vẫn còn chẳng làm khô được. Vì thế nên Bồ Tát quán sát các phiền não dường như sông lớn.
Như người kia sợ bốn rắn độc năm Chiên Đà La, một kẻ giả bạn thân cùng sáu tên cướp mà bỏ tụ lạc trống rỗng thẳng đường chạy đi đến bên sông lớn, rồi lấy cỏ kết làm bè. Cũng vậy, Bồ Tát sợ tứ đại, ngũ ấm , tham ái, lục nhập, lục trần , đến sông phiền não, rồi tu giới, định huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu môn ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, dùng đây làm thuyền bè để vượt qua sông phiền não đến bờ Niết Bàn: Thường, lạc, ngã, tịnh kia. Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn suy nghĩ như vầy: Nếu tôi không suy nghĩ nhận lấy sự khổ nơi thân, sự khổ nơi tâm, thời không thể làm cho tất cả chúng sanh qua khỏi sông phiền não. Nhờ suy nghĩ như vậy nên dầu có khổ não, Bồ Tát vẫn yên lặng nhẫn thọ. Vì nhẫn thọ thời chẳng sanh ác lậu. Bồ Tát còn không có những ác lậu, huống là Như Lai. Do đây nên chư Phật là vô lậu. Vì Như Lai thường đi trong hữu lậu, chính là hiện thân trong hai mươi lăm cõi, nên hàng Thanh Văn cùng kẻ phàm phu cho rằng Phật là hữu lậu. Thật ra chư Phật Như Lai chơn thật vô lậu. Do nhơn duyên trên đây nên chư Phật Như Lai không có tướng quyết định. Và cũng do những cớ trên đây nên người phạm bốn tội nặng, hủy báng kinh Đại Thừa và nhứt xiển đề đều không quyết định.
Cao Qúy Đức Vương Bồ Tát nói: “ Phải lắm! Phải lắm! Đúng như lời đức Phật dạy, tất cả pháp đều không quyết định, do đây nên biết Như Lai cũng chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.
Như vừa rồi đức Phật nói trong đoạn Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn nghe chỗ chẳng nghe, có nói đến Niết Bàn cùng Đại Niết Bàn. Bạch Thế
Tôn! Thế nào là Niết Bàn? Thế nào là Đại Niết Bàn?
Đức Phật khen: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát đặng niệm tổng trì, mới có thể thưa hỏi như ông .
Nầy Thiện nam tử! Như người đời nói: Có biển, có biển lớn ; có sông, có sông lớn ; có núi, có núi lớn ; có thành, có thành lớn ; có chúng sinh, có chúng sinh lớn ; có vua, có vua lớn ; có người, có người lớn ; có trời, có trời lớn ; có đạo, có đạo lớn ; Niết Bàn cũng như vậy: Có Niết Bàn và có Đại Niết Bàn.
Thế nào là Niết Bàn?
Như người đói đặng chút ít cơm ăn thời gọi là được an vui. Như người bịnh được lành thời gọi là an vui. Như người kinh sợ đặng chỗ nương dựa thời được an vui. Như người nghèo cùng đặng châu báu thời được an vui. Như người quán xương trắng chẳng sanh lòng tham dục thời được an vui. Tất cả sự an vui trên đây cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn trong phạm vi tương đối.
Nầy Thiện nam tử! Nếu người phàm phu nhẫn đến hàng Thanh Văn, hoặc nhơn thế tục, hoặc nhơn thánh đạo, mà dứt được kiết sử, cõi dục thời được an vui. Có thể dứt kiết sử cõi sơ thiền nhẫn đến có thể dứt kiết sử cõi Phi Phi Tưởng thời được an vui. Những sự an vui nầy cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn có tập khí phiền não.
Thế nào gọi là tập khí phiền não?
Hàng Thanh Văn Duyên Giác còn có tập khí phiền não, chính là những quan niệm: Thân tôi, áo tôi, tôi đi, tôi đến, tôi nói, tôi nghe, chư Phật Như Lai nhập Niết Bàn, bổn tánh Niết Bàn không ngã, không lạc, chỉ có thường và tịnh, Phật, Pháp và Tăng có tướng sai khác, Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, chỗ chứng đặng Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác cùng chư Phật đồng nhau không sai khác, những quan niệm trên đây là tập khí phiền não. Vì thế nên chỗ chứng đặng của hàng nhị thừa chẳng phải là Đại Niết Bàn, vì không có thường, lạc, ngã, tịnh. Có thường, lạc, ngã, tịnh mới được gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Ví như vùng nào có thể chứa đựng tất cả những dòng nước thời gọi là biển lớn. Chỗ nào Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật chứng nhập thời gọi là Đại Niết Bàn. Tứ Thiền, ba môn tam muội, tám pháp bội xả, tám pháp thắng xứ, mười pháp nhứt thiết xứ, vị nào có thể nhiếp thủ vô lượng pháp lành như vậy thời gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Ví như có con sông, hương tượng lớn nhứt lội không đến đáy thời gọi là sông lớn. Hàng Thanh Văn , Duyên Giác nhẫn đến thập trụ Bồ Tát chẳng thấy Phật tánh thời gọi là Niết Bàn, chẳng phải Đại Niết Bàn. Nếu có thể thấy rõ Phật tánh thời được gọi là Đại Niết Bàn.
Chỉ có đại tượng vương mới có thể tột đến đáy sông lớn Đại Niết Bàn. Đại tượng vương đây là lệ cho chư Phật.
Nầy Thiện nam tử! Nếu các đại lực sĩ trải qua nhiều thời gian không thể leo lên được, mới gọi là núi lớn. Hàng Thanh Văn Duyên Giác và Bồ Tát không thể thấy được mới gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Nơi trấn giữ của các vị tiểu vương thời gọi là thành nhỏ, chỗ của vua Chuyển Luân Vương trấn đóng mới gọi là thành lớn. Chỗ chứng nhập của Thanh Văn Duyên Giác: Tám muôn, sáu muôn, bốn muôn, hai muôn, một muôn kiếp, thời gọi là Niết Bàn. Chỗ chứng nhập của Như Lai vô thượng pháp vương mới được gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Ví như có người thấy bốn đội binh lòng chẳng sợ sệt, nên biết người nầy gọi là đại chúng sanh. Nếu có chúng sanh đối với ác đạo phiền não ác nghiệp mà chẳng sợ sệt, có thể ở trong đó mà rộng độ chúng sanh, nên biết người nầy đặng Đại Niết Bàn.
Nếu có người cúng dường cha mẹ, cung kính Sa Môn và Bà La Môn thật hành pháp lành, lời nói thành thật không có khi dối, có thể nhẫn những sự ác hại, lại hay bố thí cho kẻ nghèo thiếu, thời gọi là bực đại trượngphu. Cũng vậy, Bồ Tát có đại từ bi thương xót tất cả, xem chúng sanh như cha mẹ, đưa chúng sanh qua khỏi sông sanh tử, đem đạo nhứt thừa chơn thật chỉ dạy cho chúng sanh, đây gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Chữ đại là nói chẳng thể nghĩ bàn, nếu chẳng thể nghĩ bàn mà chúng sanh chẳng thể tin được, thời gọi là Đại Niết Bàn, chỉ có Phật và Bồ Tát thấy được. Lại do vô lượng nhơn duyên rồi sau mới có thể được nên gọi là đại. Vì có đại ngã nên gọi là Đại Niết Bàn. Vì Niết Bàn không có đại ngã là tự tại nên gọi là đại ngã. Đại tự tại là vì có tám điều tự tại: Một là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân. Tự tại như vậy thời gọi là đại ngã.
Hai là thị hiện một thân vi trần đầy khắp cõi đại thiên, thiệt ra thân Như Lai chẳng đầy nơi cõi đại thiên, vì là vô biên, do sức tự tại nên thị hiện đầy khắp cõi đại thiên. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.
Ba là có thể đem thân khắp cõi đại thiên nầy bay trên hư không nhẹ nhàng đến nơi hai mươi hằng hà sa thế giới mà không chướng ngại. Thiệt ra thân Như Lai không có nặng nhẹ, do sức tự tại nên làm có nhẹ có nặng, đây gọi là đại ngã.
Bốn là Như Lai chỉ có nhứt tâm an trụ chẳng động, do sức tự tại, vô lượng thân hình hóa hiện ra đều làm cho có tâm. Cũng do sức tự tại, có lúc Như Lai làm một việc mà khiến cho tất cả chúng sanh đều được thành tựu. Do sức tự tại thân Như Lai thường ở một cõi mà làm cho tất cả chúng sanh ở cõi khác đều thấy. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.
Năm là căn tự tại, với một căn Như Lai có thể thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc, hay biết. Sáu căn của Như Lai thật ra chẳng thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm, biết, do sức tự tại nên làm cho sáu căn đều tự tại, do đây gọi là đại ngã.
Sáu là vì tự tại nên chứng đặng tất cả pháp, thật ra tâm Như Lai không có quan niệm chứng đặng, vì là vô sở đắc. Nếu pháp là có thời có thể gọi là chứng đắc, pháp vẫn không thật có, đâu được gọi là chứng đắc. Giả sử Như Lai có quan niệm chứng đắc thời chư Phật chẳng được Niết Bàn. Do vì không chứng đắc nên gọi là được Niết Bàn. Do tự tại mà chứng được tất cả pháp nên gọi là đại ngã.
Bảy là diễn thuyết tự tại. Như Lai diễn thuyết nghĩa một bài kệ trãi qua vô lượng kiếp cũng chẳng hết như nói về giới, định, thí , huệ v.v… Đức Như Lai chẳng có quan niệm rằng ta nói người nghe, cũng chẳng nghĩ là một bài kệ. Người đời dùng bốn câu làm một bài kệ, Như Lai thuận theo thế tục nên cũng nói là bài kệ. Tất cả pháp tánh cũng không có ngôn thuyết, do sức tự tại nên Như Lai diễn thuyết, vì diễn thuyết nên gọi là đại ngã.
Tám là Như Lai khắp đầy tất cả chỗ như hư không. Tánh hư không chẳng thể thấy được. Như Lai thiệt cũng chẳng thể thấy được, vì tự tại nên làm cho chúng sanh được thấy. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.
Do nghĩa tự tại nầy nên gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Như kho báu chứa nhiều thứ châu báu lạ kỳ nên gọi là đại tạng. Cũng vậy, tạng pháp rất sâu, rất diệu của Như Lai chứa đầy những pháp kỳ lạ chẳng thể nghĩ bàn, nên gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Phật nhiều vô biên mới gọi là đại, Niết Bàn vô biên, vô lượng nên gọi là đại. Nầy Thiện nam tử! Lại vì có đại lạc nên gọi là đại Niết Bàn, Niết Bàn vốn không sự vui, do vì bốn điều vui nên gọi là đại Niết Bàn. Một là vì dứt những sự vui, chẳng dứt sự vui thời gọi là khổ, nếu có khổ thời chẳng gọi là thiệt vui. Vì dứt sự vui nên không có khổ, không khổ không vui mới gọi là đại lạc. Tánh Niết Bàn không khổ không vui nên Niết Bàn gọi là đại lạc. Do nghĩa nầy mà gọi là đại Niết Bàn.
Vui có hai thứ: Vui của phàm phu và vui của chư Phật. Vui của phàm phu là vô thường bại hoại, nên không có thiệt vui. Vui của chư Phật là thường là không biến đổi nên gọi là đại lạc. Lại có ba thứ thọ: Một là khổ thọ, hai là lạc thọ, ba là bất khổ bất lạc thọ. Bất khổ bất lạc đây cũng là khổ. Niết Bàn dầu cũng chẳng khổ, chẳng vui nhưng là thật vui, do đây nên gọi là Đại Niết Bàn.
Hai là vì đại tịch tịnh gọi là đại lạc. Tánh Niết Bàn là đại tịch tịnh, vì xa lìa tất cả sự ồn náo, do đại tịch tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Ba là vì biết tất cả nên gọi là đại lạc. Như Lai biết tất cả nên gọi là Đại Niết Bàn.
Bốn là vì thân chẳng hư hoại nên gọi là đại lạc. Thân Như Lai là thân kim cương không hư hoại, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân vô thường, nên gọi là đại lạc, là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Danh tự của thế gian hoặc có nhơn duyên đặt ra hoặc không nhơn duyên đặt ra. Có nhơn duyên đặt ra như Xá Lợi Phất, vì bà mẹ tên là Xá Lợi, nhơn tên mẹ mà đặt tên ông là Xá Lợi Phất. Như Ma Vu La đạo nhơn, vì sanh quán tại nước Ma Vu La, nhơn tên nước mà đặt tên cho đạo nhơn. Như Mục Kiền Liên, Mục Kiền Liên chính là họ, nhơn họ đặt tên gọi là Mục Kiền Liên. Như ta sanh trong dòng Cù Đàm, nhơn dòng họ đặt tên gọi ta là Cù Đàm. Như nhà thông thái Tỳ Xá Khư, Tỳ Xá Khư chính là tên một ngôi sao, nhơn ngôi sao nầy đặt tên là Tỳ Xá Khư. Như người có sáu ngón tay, nhơn đây gọi là người sáu ngón. Như danh từ Phật nô, Thiên nô, nhơn nơi Phật, nhơn nơi Thiên, mà gọi là Phật nô, Thiên nô. Như nhơn nơi ẩm ướt sanh ra nên gọi là loài thấp sanh. Như nhơn nơi tiến mà gọi là Ca Ca La, gọi là Cứu Cứu La. Những danh từ như vậy là có nhơn duyên mà đặt tên.
Không nhơn duyên mà đặt ra, như hoa sen, như đất, nước, gió, lửa , hư không. Như một danh từ mạn đà bà chỉ cho hai vật: Điện đường và uống nước, điện đường chẳng phải uống nước nhưng cũng đều được gọi là mạn đà bà. Như tát bà sa đa gọi là xà cái, thiệt chẳng phải là xà cái. Như trên đây gọi là không nhơn mà lập danh tự.
Nầy Thiện nam tử! Đại Niết Bàn đây cũng không có nhơn duyên mà lập danh tự. Như hư không chẳng nhơn sự trống rỗng nhỏ mà gọi là đại không, Niết Bàn cũng chẳng nhơn nơi tướng nhỏ mà gọi là Đại Niết Bàn. Ví như có một vật chẳng thể cân lườntg chẳng thể nghĩ bàn thời gọi là đại, Niết Bàn cũng chẳng thể cân lường chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là Đại Niết Bàn.
Do vì thuần thanh tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn. Thanh tịnh có bốn thứ: Một là hai mươi lăm cõi gọi là bất tịnh, vì có thể dứt hẳn nên gọi là thanh tịnh. Thanh tịnh đây tức là Niết Bàn. Niết Bàn nầy cũng đặng gọi là có. Nhưng thiệt ra Niết Bàn chẳng phải là có, Như Lai thuận theo thế tục nên nói Niết Bàn là có. Ví như người đời chẳng phải cha gọi là cha chẳng phải mẹ gọi là mẹ, chẳng phải thiệt cha mẹ mà nói là cha mẹ. Cũng vậy, tùy thuận theo thế tục nên nói chư Phật có Đại Niết Bàn.
Hai là vì nghiệp thanh tịnh. Tất cả phàm phu vì nghiệp chẳng thanh tịnh nên không có Niết Bàn. Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là đại tịnh, do đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Ba là vì thân thanh tịnh. Thân vô thường thời gọi là chẳng thanh tịnh. Thân Như Lai thường trụ không biến đổi nên gọi là đại tịnh, vì đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Bốn là vì tâm thanh tịnh. Tâm nếu có ác lậu thời gọi là chẳng thanh tịnh. Tâm của Phật vô lậu nên gọi là đại tịnh, vì đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Đây gọi là nam tử nữ nhơn tu hành kinh Đại Niết Bàn nầy thành tựu đầy đủ phần công đức thứ nhứt.
Nầy Thiện nam tử! Kế đây là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bànn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ hai.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, xưa chỗ chẳng được mà nay được, xưa chỗ chẳng thấy mà nay được thấy, xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe, xưa chỗ chẳng đến mà nay được đến, xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Thế nào gọi là xưa chẳng được mà nay được? Chính là nói về thần thông. Thần thông có hai thứ: Một là ngoài, hai là trong. Thần thông ngoài thời cùng ngoại đạo giống nhau. Thần thông trong lại có hai thứ: Một là của nhị thừa hai là của Bồ Tát. Thần thông của Bồ Tát, hàng Thanh Văn Bích Chi Phật chẳng có được. Hàng nhị thừa biến hóa một tâm hiện làm một chẳng hiện được nhiều. Bồ Tát ở trong một tâm thời có thể hiện đủ tất cả thân trong lục đạo, do vì được thế lực của kinh Đại Niết Bàn. Đây gọi là xưa chỗ chẳng được mà nay được. Lại Bồ Tát được thân tự tại, tâm tự tại. Tất cả phàm phu thân cũng như tâm đều chẳng tự tại hoặc tâm theo nơi thân, hoặc thân theo nơi tâm. Ví như người say, rượu ở trong thân, lúc bấy giờ thân động tâm cũng động theo, cũng như thân mõi mệt thì tâm cũng mõi mệt theo, đây thời gọi là tâm theo nơi thân. Lại như trẻ thơ, thân nó nhỏ bé, tâm nó nhỏ theo, người lớn thân lớn thì tâm cũng lớn theo. Lại như có người thân thể thô rít, tâm họ thường nghĩ đến dầu mỡ muốn thoa cho được trơn nhuyễn, đây cũng gọi là tâm theo nơi thân.
Thế nào gọi là thân theo nơi tâm? Chính là đi, đến, ngồi, nằm, thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, người sầu não thời thân gầy héo, người vui mừng thời thân tươi nở, người kinh sợ thời thân run rẩy, chuyên tâm thính pháp thời thân vui vẻ, người buồn khóc thời nước mũi nước mắt chảy tuôn đây thời gọi là thân theo nơi tâm.
Bồ Tát thời chẳng như vậy thân tâm đều được tự tại, Đại Bồ Tát hiện thân tướng như vi trần, thân vi trần nầy có thể khắp đến vô lượng vô biên hằng hà sa thế giới không bị chướng ngại, mà tâm Bồ Tát thường định vẫn không di động, đây thời gọi là tâm chẳng theo nơi thân, và cũng gọi là xưa chỗ chẳng đến mà nay được đến, vì tất cả Thanh văn, Bích Chi Phật chẳng thể đến được mà Bồ Tát đến được. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật dầu dùng thần thông chẳng có thể biến thân nhỏ như vi trần khắp đến vô lượng hằng hà sa thế giới. Thanh Văn, Bích Chi Phật lúc thân động thời tâm cũng động theo. Bồ Tát chẳng như vậy, tâm dầu chẳng động mà thân đến khắp tất cả chỗ, đây gọi là tâm chẳng theo nơi thân. Lại Bồ Tát hóa thân lớn bằng đại thiên thế giới, đem thân to lớn nầy chui vào thân nhỏ như vi trần, tâm của Bồ Tát cũng chẳng nhỏ theo. Thanh Văn, Bích Chi Phật dầu có thể hóa thân to lớn như đại thiên thế giới nhưng chẳng thể đem thân to lớn nầy chui vào thân nhỏ như vi trần.
Trong việc nầy nhị thừa còn chẳng làm được huống là có thể khiến tâm chẳng động theo. Đây gọi là Bồ Tát tâm chẳng theo nơi thân.
Đại Bồ Tát dùng một âm thanh có thể làm cho tất cả chúng sanh trong đại thiên thế giới đều nghe trong tâm Bồ Tát trọn chẳng nghĩ rằng khiến âm thanh nầy khắp đến các thế giới làm cho chúng sanh được nghe, Bồ Tát nói rằng do tôi thuyết pháp làm cho chúng sanh được nghe nên biết người nầy trọn chẳng thể đặng vô thượng chánh giác. Vì tâm tưởng như trên đây là tâm sanh tử, tất cả Đại Bồ Tát đã hết tâm sanh tử nầy vì thế nên thân tâm của Bồ Tát chẳng theo dõi nhau.
Nầy Thiện nam tử! Tất cả phàm phu thân tâm theo nhau. Bồ Tát chẳng như vậy, vì hóa độ chúng sanh nên dầu hiện thân nhỏ nhưng tâm chẳng bé nhỏ vì tâm tánh của Bồ Tát luôn rộng lớn. Dầu lúc hiện thân lớn như đại thiên thế giới, nhưng tâm cũng chẳng lớn. Do nghĩa nầy nên tâm của Bồ Tát chẳng theo nơi thân Đại Bồ Tát đã từ vô lượntg, vô số kiếp xa lìa rượu chẳng uống, nhưng tâm cũng động, tâm không buồn khổ mà thân cũng rơi lệ, thiệt không kinh sợ mà thân cũng run rẩy, do đây nên biết rằng Bồ Tát thân tâm tự tại, chẳng theo dõi nhau. Đại Bồ Tát dầu hiện một thân, mà các chúng sanh mỗi người tự thấy sai khác.
Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe? Đại Bồ Tát trước lấy tướng các thứ tiếng: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng người, tiếng ốc, tiếng trống, tiếng ống tiêu, tiếng ca, tiếng
Cười v.v…
Mà luyện tập đó, do luyện tập nên có thể nghe tất cả tiếng của những địa ngục trong vô lượng đại thiên thế giới, lại càng tu tập thêm nên được nhĩ căn khác lạ, khác hơn thiên nhĩ của Thanh Văn Bích Chi Phật. Vì nhĩ căn thanh tịnh của nhị thừa nếu nương tứ đại tịnh diệu, của Sơ Thiền thời chỉ nghe tiếng cõi Sơ Thiền chẳng nghe được cõi Nhị Thiền, nhẫn đến Tứ Thiền cũng như vậy, dầu có thể trong một lúc được nghe tất cả tiếng trong đại thiên thế giới nhưng chẳng thể nghe được tiếng trong vô lượng vô biên trong hằng sa thế giới. Do nghĩa nầy nên gọi là BồTát xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe, Bồ Tát dầu nghe tiếng tâm mà trong lòng vẫn không có tướng nghe tiếng chẳng có tướng thường, lạc, ngã, tịnh, tướng chủ, tướng y, tướng tác, tướng nhơn, tướng định, tướng quả. Do nghĩa nầy nên các vị Bồ Tát xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Như Phật nói Bồ Tát chẳng thấy có tướng định, không tướng quả thời không được đúng. Vì trước kia Như Lai nói: Nếu có người nghe một chữ một câu kinh Đại Niết Bàn nầy quyết định được thành vô thượng Bồ Đề. Giờ đây sao Như Lai lại nói là không định không quả? Nếu được vô thượng Bồ Đề thời chính là tướng quyết định, chính là tướng quả, sao lại nói rằng không định không qua? Vì nghe tiếng ác thời sanh tâm ác vì sanh tâm ác thời đọa tam đồ, nếu đọa tam đồ thời là định quả, sao lại nói rằng không định không quả?
Như Lai khen rằng: “ Lành thay! Ông có thể thưa hỏi như vậy. Giả sử Chư Phật nói các âm thanh là có tướng định quả, đây thời chẳng phải là tướng của Chư Phật, mà là tướng Ma vương, là tướng sanh tử, là tướng xa lìa Niết Bàn. Vì tất cả Chư Phật chỗ nói ra không có tướng định quả. Ví như dùng lưỡi dao sáng soi mặt người ; dựng đứng thời thấy mặt dài, để ngang thời thấy mặt rộng. Do nghĩa đây nên Chư Phật phàm nói ra không có tướng định quả. Đại Niết Bàn thiệt chẳng phải kết quả của tiếng. Giả sử Niết Bàn là quả của tiếng thời Niết Bàn chẳng phải là pháp thường trụ. Ví như những pháp trong đời theo nhơn mà sanh, có nhơn thời có quả, không nhơn thời không quả, vì nhơn vô thường nên quả cũng vô thường, nhơn cũng làm quả, quả cũng làm nhơn, do nghĩa nầy nên tất cả pháp không có tướng nhứt định. Giả sử Niết Bàn từ nhơn mà sanh, vì nhơn vô thường nên quả cũng vô thường. Nhưng Niết Bàn chẳng từ nhơn mà sanh, thể Niết Bàn chẳng phải là quả, vì thế nên Niết Bàn là thường trụ. Do nghĩa đây nên thể của Niết Bàn là không định không quả.
Nầy Thiện nam tử! Luận về Niết Bàn, cũng có thể nói là định, cũng có thể nói là quả. Niết Bàn của tất cả chư Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, nên nói là định không sanh già hư hoại nên nói là định. Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội nặng, hủy báng Đại Thừa, tạo tội ngũ nghịch, rời bỏ bổn tâm, thời quyết định chứng đặng Niết Bàn, nên gọi là định.
Nầy Thiện nam tử! Như ông vừa nói: Nếu có người nghe một chữ, một câu kinh Đại Niết Bàn, thời đặng vô thượng Bồ Đề. Đối với nghĩa nầy, ông còn chưa hiểu rõ. Ông nên lóng nghe! Nếu có người nghe một câu, một chữ kinh Đại Niết Bàn, trong tâm chẳng có quan niệm tướng chữ, tướng câu, chẳng có tướng nghe, tướng Phật, tướng nói pháp, đây gọi là tướng, vô tướng. Do tướng vô tướng nên đặng vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử! Như ông vừa nói vì nghe tiếng ác, mà đến tam đồ, nghĩa đó không phải. Vì chẳng phải tiếng ác mà đến tam đồ. Phải biết quả nầy là do tâm ác. Vì như có người nghe tiếng ác mà tâm chẳng sanh ác, do đây nên biết chẳng phải do tiếng ác mà đọa trong tam đồ. Nhưng chúng sanh do nơi phiền não ác tâm quá nhiều mà phải sanh vào ba đường ác, chẳng phải là do nơi tiếng ác. Nếu tiếng có tướng quyết định, những người nghe tiếng ác, lẽ ra tất cả đều sanh tâm ác. Nay nghe tiếng ác, mà có người sanh tâm ác, có người chẳng sanh tâm ác, nên biết rằng tiếng không có tướng quyết định. Do vì không tướng quyết định nên dầu nghe tiếng ác mà chẳng sanh tâm ác.
_ Bạch Thế Tôn! Tiếng nếu không quyết định, cớ sao Bồ Tát nay đặng nghe chỗ xưa chẳng nghe?
_ Nầy Thiện nam tử! Tiếng không có tướng quyết định nên làm cho Bồ Tát nay được nghe chỗ xưa chẳng nghe. Do nghĩa nầy nên Như Lai nói xưa chỗ chẳng nghe, mà nay được nghe.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là chỗ xưa chẳng thấy mà nay được thấy? Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn, trước lấy tướng sáng: Những ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đèn đuốc, bảo châu, lửa. Do tu tập ánh sáng mà đặng nhãn căn khác lạ, khác hơn Thiên nhãn của Thanh Văn Duyên Giác. Thiên nhãn của Nhị thừa nếu nương nơi nhãn căn tứ đại cõi dục thời chẳng thấy sơ thiền, nếu nương nơi nhãn căn sơ thiền thời chẳng thấy cõi trên, cũng chẳng thấy nhãn căn của chính mình, nhiều lắm là thấy tột đến đại thiên thế giới. Đại Bồ Tát chẳng tu thiên nhãn, thấy sắc thân tốt đẹp đều là tướng xương trắng, dầu thấy sắc tướng trong hằng hà sa thế giới khác, nhưng chẳng tưởng là sắc tướng, chẳng tưởng là tướng thường, tướng có, tướng vật, tướng danh tự, chẳng tưởng là tướng thấy, cũng chẳng nói nhãn căn nầy có tướng thanh tịnh vi diệu, chỉ thấy là tướng nhơn duyên cùng tướng chẳng phải nhơn duyên. Thế nào là nhơn duyên? Sắc là cảnh duyên của nhãn căn. Giả sử sắc chẳng phải là nhơn duyên, thời tất cả phàm phu lẽ ra chẳng thấy tướng sắc. Thế nào là chẳng phải nhơn duyên? Đại Bồ Tát dầu thấy sắc nhưng chẳng tường là tướng sắc , do đây nên chẳng phải là duyên. Vì thế nên thiên nhãn thanh tịnh của Bồ Tát khác vơi thiên nhãn của Thanh Văn Duyên Giác. Trong một lúc, Bồ Tát thấy khắp chư Phật hiện tại ở mười phương thế giới. Cũng có thể thấy vi trần. Hàng Thanh Văn Duyên Giúac chẳng thấy được như thế. Bồ Tát dầu thấy nhãn căn của mình mà vẫn không có tướng thấy, thấy tướng vô thường, thấy thân của phàm phu có ba mươi sáu vật, chứa đầy những thứ bất tịnh, thấy rõ như xem trái a ma lặc trong bàn tay. Nếu thấy sắc tướng của chúng sanh, Bồ Tát biết người nầy là căn tánh đại thừa hay tiểu thừa. Đụng chạm đến y phục của họ, Bồ Tát cũng biết người đó có những căn lành hay căn chẳng lành. Do đây nên gọi là xưa chỗ chẳng thấy mà nay được thấy, cũng gọi là xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết. Vì khi thấy thời biết chỗ xưa chẳng biết, do vì biết nên thấy chỗ xưa chẳng thấy.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát dầu biết tâm tham, sân, si của phàm phu, nhưng vẫn chẳng tưởng là tâm và tâm sở, chẳng tưởng là chúng sanh cùng vật. Thường tu tướng rốt ráo không đệ nhứt nghĩa, do tu tập tướng không, nên biết được chỗ xưa chẳng biết.
Biết như thế nào? Biết không có ngã không có ngã sở, biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Vì có Phật tánh nên hàng Nhứt Xiển Đề rời bỏ được bổn tâm thời sẽ đặng vô thượng chánh giác. Những điều trên đây hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng biết được mà Bồ Tát có thể biết. Vì thế nên gọi là xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn nhớ đời quá khứ tất cả chúng sanh bao nhiêu những dòngạo cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn thân, kẻ thù. Trong một niệm Bồ Tát đặng trí khác lạ, khác với trí huệ của Thanh Văn, Duyên Giác. Thế nào là khác? Trí huệ của Thanh Văn, Duyên Giác nhớ đến dòng họ cha mẹ v.v… Của chúng sanh đời quá khứ mà có tướng dòng họ cha mẹ v.v… Bồ Tát dầu nghĩ nhớ dòng họ cha mẹ thuở quá khứ, nhưng trọn chẳng tưởng có tướng dòng họ cha mẹ v… Mà thường thấy tướng không tịch. Đây gọi là Bồ Tát xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn đặng tha tâm trí khác với Thanh Văn, Duyên Giác. Thế nào là khác? Hàng Thanh Văn Duyên Giác lúc dùng một niệm trí biết tâm của người, thời chẳng thể biết tâm của chư thiên, ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục. Trong một niệm Bồ Tát biết khắp tất cả tâm của lục đạo chúng sanh. Đây gọi là Bồ Tát xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết. Bồ Tát lại ở nơi trong một tâm rõ biết từ sơ tâm đến tâm thứ mười sáu của Tu Đà Hòan. Do đây nên gọi là xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết. Đây là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ hai.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ ba? Đại Bồ Tát bỏ lòng từ đặng lòng từ, lúc đặng lòng từ chẳng do nhơn duyên. Thế nào là bỏ lòng từ đặng lòng từ? Từ gọi là thế đế. Đại Bồ Tát bỏ lòng từ thế đế đặng lòng từ đệ nhứt nghĩa. Lòng từ đệ nhứt nghĩa chẳng do nhơn duyên. Lòng từ nếu là có thể bỏ thời gọi là lòng từ của phàm phu, lòng từ nếu có thể được thời gọi là lòng từ vô duyên của Bồ Tát, đặng lòng từ lân mẫn, đặng lòng từ của Như Lai, lòng từ nầy là lòng từ không nhơn duyên. Lại bỏ lòng từ của hoàng môn, của người không căn, hai căn, nữ nhơn, đồ tể thợ săn v.v… cũng bỏ lòng từ của Thanh Văn, Duyên Giác, đặng lòng từ vô duyên của Bồ Tát. Chẳng còn thấy lòng từ của mình cũng chẳng thấy lòng từ của người, cũng chẳng thấy trì giới, phá giới. Dầu tự thấy lòng bi nhưng chẳng thấy tướng chúng sanh. Dầu có chịu khổ nhưng chẳng thấy người chịu khổ. Vì Bồ Tát tu hành chơn thật không đệ nhứt nghĩa nên thành tựu đầy đủ phần công đức thứ ba như vậy. Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tư? Nơi đây có mười việc: Một là căn lành sâu không bị lay động, hai là đối với thân mình có quan niệm quyết định, ba là chẳng thấy phước điền và chẳng phải phước điền, bốn là tu tập công hạnh thanh tịnh Phật độ, năm là diệt trừ ba thứ hữu dư, sáu là dứt trừ nghiệp duyên, bảy là tu thân thanh tịnh, tám là rõ biết các duyên, chín là lìa những oán địch, mười là dứt trừ nhị biên.
Thế nào là căn lành sâu khó lay động. Căn lành đây là nói chẳng phóng dật, chẳng phóng dật là căn lành của vô thượng Bồ Đề. Cội gốc pháp lành của tất cả chư Phật đều do chẳng phóng dật. Vì chẳng phóng dật nên những căn lành khác lần lần được tăng trưởng. Như trong các thứ dấu chân, dấu chân của voi là hơn hết, ở trong các pháp lành, chẳng phóng dật cũng là hơn hết. Như trong các thứ ánh sáng, ánh sáng mặt trời là hơn hết, chẳng phóng dật cũng là hơn hết các pháp lành khác. Như vua Chuyển Luân là bực nhứt trong các vua
chúa, chẳng phóng dật cũng là bực nhứt trong các pháp lành. Như trong các dòng nước, bốn sông là hơn hết, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành, như núi Tu Di là bực nhứt trong các núi, chẳng phóng dật cũng là hạng bực nhứt trong các pháp lành. Như hoa sen xanh hơn tất cả những hoa mọc trong nước, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành. Như hoa Bà Lợi Sư Ca hơn tất cả thứ hoa mọc trên đất, chẳng phóng dật cũng hơn hết các pháp lành khác. Như trong các loài thú, Sư Tử là hơn hết, chẳng phóng dật hơn những pháp lành khác. Như trong các loài chim, kim súy điểu là bực nhứt, chẳng phóng dật cũng là bực nhứt trong các pháp lành. Như trong loài thân to lớn, vua A Tu La, La Hầu La, là to hơn cả, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành. Như trong tất cả chúng sanh, đức Như Lai là tôn quí nhứt, chẳng phóng dật cũng là bực nhứt trong các pháp lành. Như trong các đoàn thể, chư Tăng là hơn hết, chẳng phóng dật cũng hơn hết trong các pháp lành. Như trong giáo pháp của Phật, kinh Đại Niết Bàn là hơn hết, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành. Do những nghĩa nầy nên căn lành chẳng phóng dật sâu bền khó lay động.
Thế nào là do chẳng phóng dật mà được thêm lớn các căn lành? Những căn lành: Tín, Giới, Bố Thí, trí huệ, nhẫn nhục, đa văn, tinh tấn, niệm định, thiện tri thức đều do chẳng phóng dật mà được thêm lớn.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là đối với thân mình Bồ Tát có quan niệm quyết định? Bồ Tát quyết định biết rằng thân của ta đây quyết định sẽ làm pháp khí vô thượng bồ đề ở đời vị lai, chẳng có tâm hẹp nhỏ, chẳng có tâm biến đổi, chẳng sanh tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng sanh tâm ma, tâm tự hưởng vui, tâm sanh tử. Thường vì chúng sanh cầu tâm từ bi. Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn đối với thân mình sanh lòng quyết định.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát chẳng thấy phước điền và chẳng phải phước điền? Những gì là phước điền? Ngoại đạo trì giới trên đến chư Phật đây gọi là phước điền. Nếu có người nghĩ rằng những bực nầy thuộc về phước điền nên biết tâm niệm nầy hẹp kém.
Đại Bồ Tát quán sát tất cả chúng sanh không ai chẳng phải là phước điền do vì Bồ Tát khéo tu tập niệm xứ khác lạ, nên quán sát chúng sanh không thấy có trì giới cùng hủy giới. Thường quán sát bốn pháp bố thí của Phật nói ra đều đặng quả báo thanh tịnh. Những gì là bốn thứ bố thí? Một là thí chủ thanh tịnh, người thọ chẳng thanh tịnh. Hai là thí chủ chẳng thanh tịnh, người thọ thanh tịnh, ba là thí chủ cùng người thọ đều thanh tịnh. Bốn là thí chủ cùng người thọ đều chẳng thanh tịnh.
Thí chủ có đủ trì giới đa văn trí huệ rõ biết nhơn cùng quả bố thí, người thọ thời phá giới tà kiến không tin bố thí cùng quả báo, đây gọi thí chủ thanh tịnh mà người thọ chẳng thanh tịnh.
Nếu thí chủ phá giới tà kiến không tin bố thí cùng quả báo, người thọ thời trì giới đa văn trí huệ biết có nhơn cùng quả bố thí, đây gọi là thí chủ chẳng thanh tịnh người thọ thời thanh tịnh.
Nếu người bố thí cùng người thọ đều trì giới đa văn trí huệ biết có bố thí cùng quả báo, đây gọi là người thí người thọ đều thanh tịnh.
Nếu người thí người thọ đều phá giới tà kiến không tin nhơn cùng quả bố thí, đây gọi là người thí kẻ thọ đều chẳng thanh tịnh.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy tại sao lại nói Bồ Tát được qủa báo thanh tịnh, vì không thí, không báo nên gọi là thanh tịnh?
_ Nầy Thiện nam tử! Nếu có người chẳng thấy bố thí cùng quả báo bố thí, nên biết rằng, người nầy chẳng gọi là phá giới tà kiến.
Nầy Thiện nam tử! Nếu y theo nhị thừa nói rằng chẳng thấy bố thí cùng quả báo, đây gọi là phá giới tà kiến. Nếu nương kinh Đại Niết Bàn nầy mà chẳng thấy bố thí cùng quả báo thời gọi là trì giới chánh kiến. Đại Bồ Tát có niệm xứ khác lạ, do tu tập niệm xứ nầy nên chẳng thấy chúng sanh trì giới phá giới người thí người thọ và quả báo bố thí, nên được gọi là trì giới chánh kiến. Vì những nghĩa trên đây nên Đại Bồ Tát chẳng thấy phước điền và chẳng phải phước điền.
Thế nào gọi là thanh tịnh cõi Phật? Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh, nên lìa tâm giết hại. Do căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật, nguyện chúng sanh đặng thọ mạng dài lâu có thế lực lớn được thần thông lớn. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước được thọ mạng dài lâu có thế lực lớn và thần thông lớn.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh, nên lìa tâm trộm cướp. Đem căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh, đồng thành Phật. Nguyện cõi nước thuần là bảy báu, chúng sanh đầy đủ vật cần dùng tùy theo ý muốn. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, cõi nước thuần là bảy báu, chúng sanh giàu đủ tùy ý tự tại.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng bồ dề, vì độ chúng sanh, nên lìa tâm tham dục. Đem căn lành nầy nguyện cùng chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện tất cả chúng sanh không có tham dục, sân khuể, ngu si, cũng không có người đói khát khổ não. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật chúng sanh trong cõi nước xa lìa tâm tham dục sân khuể, ngu si, không có người đói khát khổ não.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh nên lìa tâm vọng ngữ. Đem căn lành nầy nguyện tất cả chúng sanh cùng thành Phật. Nguyện các cõi nước thường có cây bông, cây trái, cây mùi thơm, chúng sanh đều được tiếng nói tốt. Do sức thệ nguyện nầy nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, cõi nước thường có cây bông, cây trái, cây mùi thơm chúng sanh đều được tiếng nói tốt thanh tịnh.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh nên xa lìa tâm lưỡng thiệt. Đem căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện các cõi nước tất cả chúng sanh thường hòa hiệp nhau, cùng nhau giảng nói chánh pháp. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước đều hòa hiệp nhau cùng nhau giảng luận pháp yếu.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng Bồ Đề, vì độ chúng sanh nên xa lìa tâm ác khẩu. Đem căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật, nguyện các cõi nước mặt đất bằng thẳng, không có sạn sỏi gai góc, chúng sanh đều có tâm bình đẳng. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, cõi nước bằng thẳng không có sạn sỏi gai góc, tâm chúng sanh đều bình đẳng.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng Bồ Đề, vì độ chúng sanh nên lìa lời nói vô nghĩa. Đem căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh không có khổ não. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sanh trong cõi nước không có khổ não.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh nên xa lìa tâm tham lam tật đố. Đem căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh không có tham lam tật đố, não hại, tà kiến. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trong cõi nước đều không có tâm tham lam, tật đố, não hại, tà kiến.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh, nên xa lìa tâm não hại. Đem căn lành nầy nguyện cùng tất ca ûchúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh đồng tu tập đại từ đại bi, đặng bực nhứt tử. Do sức thệ nguyện nầy nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trong cõi nước đều tu tập đại từ đại bi, được bực nhứt tử.
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn vì vô thượng Bồ Đề vì độ chúng sanh nên xa lìa tà kiến đem căn lành nầy nguyện cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật. Nguyện chúng sanh đều được Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Do sức thệ nguyện nầy, nên đời vị lai lúc Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trong cõi nước đều được thọ trì Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, đây gọi là Bồ Tat tu hành thanh tịnh cõi Phật.
Thế nào Đại Bồ Tát dứt trừ hữu dư? Hữu dư có ba thứ: Một là phiền não dư báo, hai là dư nghiệp, ba là dư hữu.
Nếu có chúng sanh quen gần tham dục, báo nầy thành thục phải đọa nơi địa ngục, ra khỏi địa ngục phải thọ thân súc sanh: Bồ câu, se sẽ v.v… các loài chim, ca,ù trạch cùng khỉ, vượn cheo, nai v.v… Nếu được làm người, thời phải thọ thân hoàng môn, phụ nữ, hai căn, không căn, dâm nữ. Nếu được xuất gia thời phạm giới trọng ban đầu. Đây gọi là dư báo.
Nếu có chúng sanh quen gần sân, khuể, báo nầy thành thục phải đọa địa ngục. Ra khỏi địa ngục phải thọ thân súc sanh: Rắn độc, sư tử, cọp, sói, beo, gấu, mèo, chồn , ó, diều, v.v… Nếu được làm người thời đủ cả mười sáu nghiệp ác. Nếu được xuất gia thời phạm giới trọng thứ ba. Đây gọi là dư báo.
Nếu có chúng sanh quen gần ngu si, báo nầy thành thục sẽ đọa địa ngục. Ra khỏi địa ngục phải thọ thân súc sanh: Voi, heo, bò, trâu, dê, rận, rệp, muỗi, ruồi, kiến, mối v.v… Nếu được làm người thời bị đui, điếc, câm, ngọng, lưng gù, tàn tật, thời không thể học tập. Nếu được xuất gia thời ưa phạm giới trọng. Đây gọi là dư báo.
Nếu có người quen gần kiêu mạn, báo nầy thành thục sẽ đọa địa ngục. Ra khỏi địa ngục thọ thân súc sanh: Lạc đà, lừa , ngựa, chó v.v… Nếu được làm người thọ thân tôi tớ nghèo cùng ăn xin. Nếu được xuất gia thường bị chúng sanh khinh tiện, phạm giới thứ tư. Đây gọi là dư báo.
Như trên đây gọi là phiền não dư báo. Đại Bồ Tát do tu tập kinh Đại Niết Bàn đều có thể trừ diệt.
Thế nào là dư nghiệp? Tất cả nghiệp của phàm phu, nghiệp của Thanh Văn: Tu Đà Hoàn có nghiệp bảy lần thọ thân, Tư Đà Hàm có nghiệp hai lần thọ thân, A Na Hàm có nghiệp thọ thân cõi sắc, đây gọi là dư nghiệp. Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn đều có thể dứt trừ những nghiệp dư nầy.
Thế nào là dư hữu? A La Hán đặng quả A La Hán, Bích Chi Phật đặng quả Bích Chi Phật, không nghiệp, không kiết sử, mà còn hai quả, đây gọi là dư hữu.
Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn đều có thể trừ ba thứ hữu dư trên đây, nên gọi là Đại Bồ Tát diệt trừ hữu dư.
Thế nào là Bồ Tát tu thân thanh tịnh? Đại Bồ Tát tu giới bất sát có năm thứ tâm: Hạ, trung, thượng, thượng thượng, thượng trung thượng, nhẫn đến chánh kiến cũng lại như vậy. Năm mươi tâm nầy gọi là sơ phát tâm. Quyết định đầy đủ thành tựu năm mươi tâm nầy đây gọi là viên mãn. Một trăm tâm như vậy gọi là một trăm phước đức. Đầy đủ một trăm phước làm thành một tướng tốt. Lần lượt đầy đủ thành tựu ba mươi hai tướng tốt, thời gọi là thân thanh tịnh. Sở dỉ lại tu tám mươi vẻ đẹp, vì trong đời có chúng sanh phụng thờ tám mươi vị Thiên Thần: Thập nhị nhựt Thần, mười hai vị Trời lớn, năm ngôi sao lớn, sao Bắc Đẩu, Mã Thiên , Hành Đạo Thiên, Bà La Đọa Bạt Xà Thiên, Công Đức Thiên,Nhị Thập Bát Tú, Địa Thiên, Phong Thiên, Thủy Thiên , Hỏa Thiên, Phạm Thiên , Lâu Đà Thiên, Nhơn Đề Thiên,, Câu Ma La Thiên, Bát Tý Thiên, Ma Hê Thủ La Thiên, Bàn Xà La Thiên, Qủi Tử Mẫu Thiên, Tứ Thiên Vương Thiên, Tạo Thơ Thiên, Bà Tẩu Thiên, đây gọi là tám mươi. Vì những chúng sanh nầy mà Bồ Tát tu tập tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm nơi thân. Đây gọi là Bồ Tát tu thân thanh tịnh. Vì tám mươi thiên thần nầy được chúng sanh kính trọng, nên Bồ Tát tu tập tám mươi vẻ đẹp, thân thể không đổi dời, làm cho chúng sanh tùy theo lòng tin, đều được thấy, sanh lòng tôn kính mà phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Ví như có người muốn thỉnh Quốc Vương, thời phải sửa sang trần thiết nhà cửa cho thật sạch sẽ khéo léo, sắm đủ trăm thứ thực phẩm thơm ngon rồi sau mới rước Quốc Vương ngự đến nhà. Cũng vậy, Đại Bồ Tát muốn thỉnh đấng Pháp Vương Vô Thượng Bồ Đề, thời phải trước tu thân cho thật thanh tịnh, rồi sau Pháp Vương mới đến ngự.
Ví như có người muốn uống chất cam lộ thời phải trước rửa thân thật sạch. Cũng vậy, Đại Bồ Tát muốn uống Pháp vị Vô Thượng Bát Nhã Ba La Mật, trước phải tu tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm nơi thân.
Ví như đem bình vàng, chậu bạc đựng nuớc trong sạch thời cả trong lẫn ngoài đều trong sạch. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dùng thân thanh tịnh chứa Vô Thượng Bồ Đề, thời trong ngoài đều thanh tịnh.
Như y trắng Ba La Nại dễ ăn màu thuốc nhuộm, vì chất y vốn trắng sạch. Cũng vậy, Đại Bồ Tát do thân thanh tịnh nên mau thành Vô Thượng Bồ Đề.
Do nghĩa nầy nên Đại Bồ Tát tu thân thanh tịnh, thế nào là Bồ Tát khéo biết các duyên?
Đại Bồ Tát chẳng thấy sắc tướng, chẳng thấy sắc duyên, chẳng thấy sắc thể, chẳng thấy sắc sanh, chẳng thấy sắc diệt, chẳng thấy một tướng, chẳng thấy nhiều tướng, chẳng thấy người thấy, chẳng thấy tướng mạo, chẳng thấy người thọ, vì đã rõ nhơn duyên. Như đối với sắc, tất cả pháp cũng như vậy. Đây gọi là Bồ Tát rõ biết các duyên.
Thế nào là Bồ Tát lìa các thù địch?
Bực Ngũ Trụ Bồ Tát chẳng xem phiền não là oán thù. Vì do phiền não mà Bồ Tát có thọ sanh, do thọ sanh nên có thể xoay vần giáo hoá chúng sanh.
Những gì là oán thù đối với Bồ Tát?
Chính là kẻ hủy báng kinh điển Đại Thừa. Bồ Tát thọ sanh không sợ địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, chỉ sợ kẻ hủy báng kinh điển Đại Thừa. Có tám thứ ma là oán thù của Bồ Tát, xa lìa được tám thứ ma nầy thời gọi là lìa thù địch.
Thế nào là Bồ tát xa lìa hai bên?
Hai bên là hai mươi lăm cõi và ái phiền não. Bồ Tát luôn xa lìa hai mươi lăm cõi cùng ái phiền não.
Đây gọi là Đại Bồ tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tư.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Như lời đức Phật vừa
nói: Nếu Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thời thành tựu mười công đức như vậy. Cớ sao Đức Như Lai chỉ tu có chín điều mà không tu tịnh độ?”
Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Từ xưa ta thường tu tập đủ cả mười điều. Tất cả Đại Bồ Tát cùng tất cả Như Lai không có ai là chẳng tu tập trọn cả mười điều như vậy.
Giả sử thế giới đầy dẫy nhơ uế, không bao giờ Như Lai xuất hiện nơi ấy.
Nầy Thiện nam tử! Ông chớ cho rằng chư Phật xuất hiện nơi thế giới nhơ uế. Nên biết rằng tâm tưởng như vậy là kém hẹp chẳng tốt. Ông nên biết rằng thiệt ra ta không có xuất hiện nơi Diêm Phù Đề.
Như có người nói riêng cõi nầy có mặt nhựt, mặt nguyệt, cõi khác không có. Lời nói nầy không có nghĩa lý.
Nếu có Bồ Tát nói cõi nầy nhơ uế xấu xa, cõi khác thanh tịnh xinh đẹp đây cũng là lời không có nghĩa lý.
Nầy Thiện nam tử! Về phương Tây, cách cõi Ta Bà nầy bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, những sự trang nghiêm xinh đẹp trong cõi đó đều bình đẳng, như cõi Cực Lạc, như cõi Mãn Nguyệt. Hiện tại ta xuất hiện trong cõi Vô Thắng đó. Vì hoá độ chúng sanh nên ta thị hiện chuyển pháp luân nơi Diêm Phù Đề nầy.
Chẳng phải riêng gì thân ta thị hiện chuyển pháp luân nơi cõi nầy, mà tất cả Chư Phật cũng chuyển pháp luân trong cõi nầy.
Do nghĩa nầy nên Chư Phật đều tu đủ cả mười điều như vậy.
Nầy Thiện nam tử! Do thệ nguyện, nên đời đương lai, Từ Thị Bồ Tát làm cho cõi nầy trở thành thanh tịnh trang nghiêm.
Do nghĩa nầy nên tất cả thế giới của chư Phật đều thanh tịnh trang nghiêm.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ năm? Nơi đây có năm điều công đức, một là nơi thân các căn đều trọn vẹn ; hai là chẳng sanh chốn biên địa, ba là chư Thiên Thần mến tưởng ; bốn là thường được chư Thiên, Ma Vương, Sa Môn, Bà La Môn v.v… cung kính, năm là được trí túc mạng. Do năng lực kinh Đại Niết Bàn mà Bồ Tát đồng đủ năm công đức như vậy.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Ngày trước Phật dạy: Nếu có người bố thí thời được năm công đức. Sao nay Như Lai lại bảo nhơn kinh Đại Niết Bàn mà đặng năm công đức?”
Phật nói: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Các công đức ấy đều có nghĩa sai khác. Nay ta sẽ vì ông mà giảng nói.
Năm điều công đức do bố thí mà được là không định, không thương, không tịnh, không thắng, không lạ, không phải vô lậu, không thể lợi ích an lạc xót thương tất cả chúng sanh.
Nếu là năm điều công đức do y theo kinh Đại Niết Bàn mà được thời là định, là thường, là tịnh, là thắng, là lạ, là vô lậu, có thể lợi ích an lạc xót thương tất cả chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử! Xét về người bố thí thời xa lìa đói khát.Kinh Đại Niết Bàn có thể làm cho chúng sanh đều được xa lìa bịnh khát ái trong hai mươi lăm cõi. Do nơi bố thí làm cho sanh tử nối luôn, kinh Đại Niết Bàn có thể làm cho sanh tử phải dứt. Nhơn bố thí nên thọ lấy pháp phàm phu., nhơn kinh Đại Niết Bàn mà được pháp Bồ Tát. Do bố thí nên dứt được sự nghèo cùng khổ não, kinh Đại Niết Bàn có thể dứt tất cả sự nghèo thiếu về pháp. Do bố thí mà có phần, có quả, do kinh Đại Niết Bàn mà được vô thượng Bồ Đề không phần không quả.
Đây gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ năm.
Thế nào là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ sáu?
Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn được Kim Cang Tam Muội. An trụ trong chánh định nầy thời phá tan được tất cả pháp. Thấy tất cả pháp đều là vô thường, đều là tướng lay động, là nhơn duyên của sự khủng bố, bịnh khổ, cướp trộm, niệm niệm dứt hoại không chơn thiệt. Tất cả đều là cảnh giới của ma, không có tướng đáng thấy.
Đại Bồ Tát an trụ trong tam muội nầy, nhẫn đến không thấy một chúng sanh thiệt. Vì chúng sanh mà Bồ Tát tinh cần tu tập Thi La Ba La Mật, nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật. Nếu Bồ Tát còn thấy có một chúng sanh thời không thể rốt ráo đầy đủ Đàn Ba La Mật nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật.
Nầy Thiện nam tử! Ví như vật gì bị chất kim cang dóa đập thời đều bể tan, mà chất kim cang nầy không hề hư tổn. Cũng vậy, pháp gì bị Kim cang tam muội chiếu đến thời đều nát rã, mà tam muội nầy không hề hao tổn.
Trong các thứ châu báu, chất kim cang là hơn tất cả. Cũng vậy, trong các tam muội, Kim cang tam muội là thứ nhứt. Vì Bồ Tát tu tập tam muội nầy thời tất cả tam muội đều đến quy thuộc.
Như các vua chúa nhỏ đều đến quy thuộc Chuyển Luân Thánh Vương, tất cả chánh định đều đến quy thuộc Kim cang tam muội.
Ví như có người là kẻ thù địch của quốc gia mọi người đều nhàm ghét, ai giết được người nầy thời cả nước đều ngợi khen công lao. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội có thể phá hoại oán thù của tất cả chúng sanh, thế nên thường được tất cả tam muội tôn kính.
Ví như có người mạnh mẽ không ai cự lại, nếu có người thắng được người nầy thời được người đời khen tặng. Cũng vậy, Kim Cang tam muội có sức phá dẹp những pháp khó phá, nên được tất cả tam muội đến quy thuộc.
Như người đến tắm nơi biển lớn, phải biết rằng người nầy đã dùng nước của các sông ngòi suối ao. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội, thời là đã tu tập tất cả tam muội khác.
Như trong Hương Sơn có một suối nước tên A Na Bà Đạp Đa, người nào được uống nước suối nầy thời không có những bịnh hoạn, vì nước suối nầy đủ tám vị. Cũng vậy, Kim Cang tam muội đủ tám chánh đạo, Bồ Tát tu tập tam muội nầy thời dứt sạch những bịnh nặng phiền não tội lỗi.
Như người cúng dường Trời Ma Hê Thủ La, thời là đã cúng dường tất cả Chư Thiên. Cũng vậy, người tu tập Kim Cang tam muội thời là đã tu tập tất cả tam muội khác.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát an trụ trong Kim Cang tam muội thời thấy tất cả pháp không bị chướng ngại, như xem trái A Ma Lặc trong bàn tay. Bồ Tát nầy dầu được thấy như vậy, nhưng trọn không có quan niệm là thấy tất cả pháp.
Như có người ngồi nơi ngã tư đường, thấy mọi người đi, đứng, ngồi, nằm. Cũng vậy, Bồ Tát an trụ Kim Cang tam muội thời thấy sự sanh diệt mọc lặn của tất cả pháp.
Như người lên núi cao trông xa thấy rõ tất cả cảnh vật. Cũng vậy, Bồ Tát lên núi Kim Cang chánh định thời thấy rõ tất cả pháp.
Như mùa xuân, trời mưa láy pháy, giọt mưa li ti không có chỗ hở trống, người mắt sáng thời thấy rõ ràng. Cũng vậy, Bồ Tát đặng mắt thanh tịnh Kim Cang tam muội, thấy rõ những thế giới thành hoại ở mười phương, không chướng ngại.
Như do núi Càn Đà, bảy mặt trời đồng mọc, bao nhiêu cây cối nơi núi ấy đều cháy cả. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội thời bao nhiêu rừng rậm phiền não liền tiêu diệt.
Như chất kim cang dầu có thể phá nát tất cả vật, nhưng trọn không có quan niệm rằng ta hay phá nát. Cũng vậy, Bồ Tát tu tập Kim Cang tam muội có thể phá phiền não mà trọn chẳng có quan niệm niệm rằng ta hay phá hoại phiền não. Như quả đất có thể giữ gìn muôn vật nhưng trọn chẳng có quan niệm rằng sức ta có thể giữ gìn ; lửa cũng chẳng nghĩ rằng ta hay đốt cháy ; nước cũng chẳng nghĩ rằng ta hay thấm nhuần ; gió cũng chẳng nghĩ rằng ta hay thổi động ; hư không cũng chẳng nghĩ rằng ta hay dung chứa ; Niết Bàn cũng chẳng nghĩ rằng ta làm cho chúng sanh đặng diệt độ. Cũng vậy, Kim Cang tam muội dầu có thể diệt trừ tất cả phiền não, nhưng vẫn không nghĩ rằng ta hay diệt trừ.
Nếu có Bồ Tát an trụ nơi Kim Cang tam muội nầy, trong khoảng một niệm biến vô lượng thân như Phật, khắp cả hằng hà sa thế giới ở mười phương, dầu biến hoá như vậy nhưng Bồ Tát vẫn không có lòng kiêu mạn. Vì Bồ Tát thường nghĩ rằng: Ai có chánh định nầy và biến hoá được như vậy? Chỉ có Bồ Tát an trụ Kim Cang tam muội nầy mới có thể biến hóa như vậy. Bồ Tát nầy trong một niệmđi khắp hằng hà sa thế giới ở mười phương rồi trở về bổn xứ, dầu có thần lực như vậy nhưng cũng chẳng nghĩ rằntg ta được thần lực ấy đó là do sức của Kim Cang tam muội. Bồ Tát nầy lại ở trong một niệm có thể dứt những phiền não của chúng sanh trong hằng hà sa thế giới ở mười phương, mà vẫn không có quan niệm rằng ta hay dứt phiền não của chúng sanh, đó là do sức Kim Cang tam muội. Bồ Tát nầy dùng một tiếng nói để thuyết pháp làm cho tất cả chúng sanh riêng theo loài của mình mà đặng hiểu rõ, lại thị hiện một sắc thân mà làm cho tất cả chúng sanh đều riêng thấy sắc thân riêng khác. Bồ Tát ở an một chỗ thân không dời đổi mà có thể làm cho chúng sanh theo chỗ ở của nó đều đặng thấy Bồ Tát diễn nói một pháp: Hoặc giới, hoặc nhập, mà tất cả chúng sanh đều riêng theo chỗ đã hiểu biết mà đặng nghe đó.
Bồ Tát an trụ Kim Cang tam muội dầu thấy chúng sanh mà vẫn không có tướng chúng sanh, dầu thấy nam nữ nhưng không tướng nam nữ, dầu thấy sắc thọ vị nhưng không có tướng sắc thọ vị, dầu thấy ngày đêm mà không có tướng ngày đêm, dầu thấy tất cả pháp nhưng không có tướng tất cả pháp, dầu thấy tất cả phiền não kiết sử cũng không có tướng tất cả phiền não, dầu thấy tám thánh đạo mà không có tướng tám thánh đạo, dầu thấy Bồ Đề thấy Niết Bàn nhưng không có tướng Bồ Đề, Niết Bàn, vì tất cả pháp vốn không có tướng. Bồ Tát nầy do sức Kim Cang tam muội nên thấy tất cả pháp bổn lai không có tướng.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào gọi là Kim Cang tam muội? Như chất Kim cang nếu ở trong ánh nắng thời màu sắc chẳng nhứt định. Cũng vậy, Kim Cang tam muội ở trong đại chúng cũng chẳng nhứt định, vì thế nên gọi là Kim Cang tam muội.
Như chất Kim cang tất cả người đời không thể bình luận giá cả. Cũng vậy, Kim Cang tam muội có bao nhiêu công đức tất cả trời người không thể nghĩ lường được, do đây nên lại gọi là Kim Cang tam muội.
Như người nghèo đặng báu Kim cang thời hết nghèo cùng khốn khổ, lại khỏi ác quỉ tà độc. Cũng vậy, Đại Bồ Tát được tam muội nầy thời có thể dứt hết phiền não khổ hoạn xa lìa các ma tà độc, do đây nên gọi là Kim Cang tam muội.
Đây gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ sáu.
Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ bảy?
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nầy nghĩ rằng: Pháp gì có thể làm nhơn duyên gần với Đại Niết Bàn? Bồ Tát nầy liền biết có bốn điều: Làm nhơn duyên gần, nếu rời bốn pháp nầy thời không thể được Đại Niết Bàn: Vì thế nên nói rằng siêng tu tất cả khổ hạnh mà được Đại Niết Bàn, thời không đúng.
Đây là bốn điều: Một là gần gũi bạn lành ; hai là chuyên tâm nghe pháp ; ba là nhiếp niệm tư duy ; bốn là tu hành đúng pháp.
Như có người mang bịnh: Hoặc nóng, hoặc lạnh, hư lao, các tà quỉ độc, người bịnh nầy, tìm đến lương y, lương y liền theo bịnh cho thuốc. Người bịnh nầy hết lòng y theo lời chỉ dẫn của lương y, uống thuốc đúng cách, bịnh được lành, thân được an. Người bịnh dụ cho Bồ Tát. Lương y dụ cho thiện tri thức. Phương thuốc của lương y nói dụ cho kinh Đại Thừa. Y theo lời chỉ dẫn của lương y dụ cho khéo suy nghĩ nghĩa lý của kinh Đại Thừa. Hiệp thuốc uống đúng cách dụ cho tu hành đúng pháp. Bịnh lành dụ cho dứt hết phiền não. Thân an dụ cho đặng Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.
Ví như có Quốc Vương muốn cai trị đúng pháp, làm cho nhơn dân được an vui, nhà vua hỏi cách cai trị nơi các quan. Các quan bèn đem cách thức của Tiên Vương tâu với Quốc Vương. Quốc Vương liền chí tâm tin tưởng thật hành theo, đúng như pháp cai trị nước nhà, làm cho cả nước không giặc cướp, nhơn dân an vui. Quốc Vương dụ cho Bồ Tát, các quan dụ cho bạn lành. Cách thức cai trị của các quan tâu dụ cho mười hai bộ kinh. Quốc Vương hết lòng tin tưởng thật hành dụ cho Bồ Tát nhiếp tâm tư duy nghĩa lý của mười hai bộ kinh. Quốc Vương cai trị đúng pháp dụ cho Bồ Tát tu hành đúng theo sáu môn Ba La Mật. Cả nước không giặc cướp dụ cho Bồ Tát đã lìa phiền não kiết sử. Nhơn dân được an vui dụ cho Bồ Tát chứng được Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.
Như có người bị bịnh phong hủi, có trí thức bảo rằng: Nếu ông đến được bên núi Tu Di thời bịnh có thể lành. Vì nơi đó có vị thuốc hay như cam lộ, uống được thuốc đó thời bịnh gì cũng lành. Người bịnh tin theo lời đi đến bên núi hái lấy thuốc cam lồ mà uống, tật bịnh liền hết, thân được an vui. Người bịnh dụ cho phàm phu. Trí thức dụ cho Đại Bồ Tát. Tin theo lời bảo dụ cho bốn tâm vô lượng. Núi Tu Di dụ tám thánh đạo. Vị thuốc cam lồ dụ cho Phật tánh. Bịnh hủi được lành dụ lìa phiền não. Đặng an vui dụ đặng Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.
Ví như có người nuôi những đệ tử thông minh trí huệ, ngày đêm người nầy luôn dạy dỗ chẳng biết mõi. Bồ Tát cũng như vậy, tất cả chúng sanh hoặc tin, hoặc chẳng tin, Bồ Tát luôn giáo hóa không biết nhàm mõi.
Nầy Thiện nam tử! Thiện tri thức là nói chư Phật Bồ Tát và hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cùng những người tin kinh Đại Thừa. Thế nào gọi là thiện tri thức? Hàng thiện tri thức có thể chỉ dạy cho chúng sanh xa lìa mười điều ác, tu hành mười điều lành, do nghĩa nầy nên gọi là thiện tri thức. Lại hàng thiện tri thức lời nói đúng như pháp thật hành đúng như lời nói, chính là tự mình chẳng sát sanh cũng bảo người chẳng sát sanh, nhẫn đến tự mình có chánh kiến, cũng đem chánh kiến dạy cho người.
Nều có thể được như đây thời gọi là chơn thiệt thiện tri thức. Tự mình tu tập Bồ Đề cũng có thể dạy người tu hành Bồ Đề. Tự mình tu hành chánh tín, trì giới, bố thí, đa văn, trí huệ, cũng có thể dạy người như vậy, do đây nên gọi là thiện tri thức.
Nầy Thiện nam tử! Hàng thiện tri thức có thiện pháp. Những gì là thiện
pháp? Những việc của mình thật hành chẳng mong cầu tự vui, mà thường vì chúng sanh cầu an vui, thấy người khác có lỗi không rao nói, miệng thường tuyên nói những việc thuần thiện, do đây nên gọi là thiện tri thức.
Nầy Thiện nam tử! Như mặt trăng từ đêm mùng một đến đêm rằm lần lần thêm lớn đầy đủ. Cũng vậy, thiện tri thức làm cho những người học đạo lần lần xa lìa pháp ác, thêm lớn pháp lành. Nếu người gần gũi thiện tri thức, từ trước chưa có giới định huệ giải thoát, giải thoát tri kiến nay bèn có đó, người chưa đầy đủ thời được thêm rộng, do vì gần gũi thiện tri thức. Sự gần gũi nầy làm cho người lại được rõ thấu nghĩa sâu của mười hai bộ kinh. Nếu có thể chăm nghe nghĩa sâu của mười hai bộ kinh thời gọi là thính pháp. Nghe kinh Đại Thừa thời gọi là chơn thật thính pháp. Chơn thật thính pháp chính là nghe kinh Đại Niết Bàn, nghe có Phật tánh, Như Lai rốt ráo chẳng nhập Niết Bàn, do đây nên gọi là chuyên tâm thính pháp. Chuyên tâm thính pháp gọi là tám thánh đạo, do tám thánh đạo có thể dứt tham dục, sân khuể, ngu si, nên gọi là thính pháp. Xét về người thính pháp gọi là mười một pháp không, do pháp không nầy đối với tất cả pháp chẳng thấy có tướng mạo. Xét về người thính pháp gọi là sơ phát tâm nhẫn đến rốt ráo tâm vô thượng Bồ Đề, nhơn nơi sơ tâm mà đặng Đại Niết Bàn, chẳng phải do nghe pháp mà đặng Đại Niết Bàn. Chính là do tu tập nên chứng Đại Niết Bàn. Như người bịnh dầu nghe lời chỉ dẫn của lương y cùng tên của món thuốc nhưng chẳng thể lành bịnh, phải do uống thuốc bịnh mới được lành. Dầu nghe mười hai nhơn duyên nhưng chẳng thể dứt được tất cả phiền não, cần phải nhiếp niệm khéo tư duy mới dứt được phiền não. Đây gọi là pháp nhiếp niệm tư duy thứ ba. Lại do nghĩa gì gọi là nhiếp niệm tư duy? Đây là nói ba môn tam muội: Không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội. Không là đối với hai mươi lăm cõi chẳng thấy một cõi nào là có thật. Vô tác là đối với hai mươi lăm cõi chẳng mong cầu. Vô tướng là không có mười tướng, chính là không có sắc tướng, thinh tướng, hương tướng, vị tướng, xúc tướng, sanh tướng, trụ tướng, diệt tướntg, nam tướng, nữ tướng. Tu tập ba môn tam muội như vậy thời gọi là Bồ Tát nhiếp niệm tư duy.
Thế nào gọi là tu hành đúng pháp? Chính là tu hành Đàn Ba La Mật nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, biết tướng chơn thật của ấm nhập giới, cũng biết Thanh Văn, Duyên Giác chư Phật đồng một đạo mà nhập Niết Bàn, chính là thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng sanh già, bịnh, chết, chẳng đói khát, khổ não, chẳng thối chuyển chẳng hư mất.
Nầy Thiện nam tử! Người hiểu nghĩa sâu của Đại Niết Bàn, thời biết chư Phật trọn chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Bực thiện tri thức chơn thật thứ nhứt là Bồ Tát và chư Phật, vì bực nầy thường dùng ba pháp khéo điều ngự: Một là lời nói hoàn toàn dịu hòa, hai là hoàn toàn quở trách, ba là dịu hòa cùng quở trách. Do đây nên Bồ Tát và chư Phật là bực thiện tri thức chơn thật. Phật và Bồ tát là bực đại lương y nên gọi là thiện tri thức, vì biết bịnh, biết thuốc, cho thuốc đúng bịnh.
Ví như lương y thông thạo tám môn trị bịnh xem bịnh có ba tướng: Phong, nhiệt, hàn. Người bịnh phong cho uống thuốc dầu tô, người bịnh nhiệt cho uống thuốc thạch mật, người bịnh hàn cho uống nước gừng. Do biết gốc bịnh cho thuốc được lành nên gọi là lương y. Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát biết phàm phu có ba thứ bịnh:Tham dục, sân khuể, ngu si. Người tham dục dạy quán tướng xương trắng, người sân khuể dạy quán từ bi, người ngu si dạy quán mười hai nhơn duyên. Do đây nên chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.
Như thuyền chủ vì giỏi đưa người nên gọi là đại thuyền chủ. Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát đưa chúng sanh khỏi biển sanh tử nên gọi là thiện tri thức.
Nầy Thiện nam tử! Do Phật và Bồ Tát làm cho chúng sanh được tu hành đầy đủ những căn lành. Ví như núi Tuyết là nơi sản xuất những cội gốc thuốc hay vi diệu. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát là chỗ xuất sanh tất cả căn lành, do đây nên gọi là thiện tri thức.
Trong núi Tuyết có vị hương dược tên là Ta Ha, người nào thấy thuốc nầy thời được sống lâu, không có bịnh khổ, bốn thứ độc không làm hại được. Người nào rờ đụng thuốc nầy thời sống lâu đủ một trăm hai mươi tuổi. Người nào nhớ thuốc nầy thời được trí túc mạng. Đó là do thế lực của vị thuốc nầy. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát, nếu ai được thấy thời tất cả phiền não đều trừ, bốn ma chẳng nhiễu loạn được. Người nào gần gũi chư Phật và Bồ Tát, vì được nghe pháp, nên được trường thọ chẳng bị sanh tử. Người nào tưởng niệm chư Phật và Bồ Tát thời được vô thượng Bồ Đề. Do đây nên chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.
Như trong Hương Sơn có ao A Na Bà Đạp Đa, từ ao nầy thành nguồn bốn con sông lớn: Sông Hằng, sông Vân Đầu, sông Tư Đà, sông Bác Xoa. Người đời thường nói rằng: Nếu người có tội tắm nơi bốn con sông nầy thời tội đều tiêu diệt. Nên biết lời nói nầy là hư vọng chẳng thật. Chỉ có chư Phật và Bồ Tát mới là chơn thật. Vì người nào được gần gũi thời tất cả tội chướng đều tiêu trừ. Do đây nên chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.
Ví như trên mặt đất có bao nhiêu cỏ thuốc, rừng cây, trăm giống lúa, mía nho, các thứ bông trái. Gặp trời nắng hạn sắp khô chết, Nan Đà Long Vương vì xót thương chúng sanh nên ra khỏi biển lớn làm mưa xối xuống, nhờ đó tất cả cỏ cây bông trái đều được tươi tốt. Cũng vậy, tất cả chúng sanh có bao nhiêu căn lành sắp tiêu diệt, chư Phật và Bồ Tát sanh lòng đại bi từ biển trí huệ rưới pháp cam lồ, làm cho chúng sanh được mười hai pháp lành. Do đây nên chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.
Ví như lương y thông thạo tám môn trị bịnh, thấy những người bịnh thời lo chữa trị, không ngó đến dòng họ, đẹp xấu cũng không nghĩ đến châu báu, do đây nên người đời xưng tặng là đại lương y. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát thấy chúng sanh có bịnh phiền não, liền sanh lòng từ mẫn mà thuyết pháp, không ngó đến dòng họ đẹp xấu cùng của cải, chúng sanh được nghe pháp, phiền não liền trừ diệt. Do đây nên chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức. Do vì gần gũi thiện hữu nên được gần Đại Niết Bàn.
Thế nào là Bồ Tát nhờ nghe pháp mà đặng gần với Đại Niết Bàn? tất cả chúng sanh do nghe pháp mà có tín căn, vì có tín căn nên thích thật hành bố thí , trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn , thiền định và trí huệ, được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Phật. Do đây nên biết rằng được những pháp lành đều là thế lực của sự nghe pháp.
Ví như trưởng giả chỉ có một con trai, ông sai con đến nước khác buôn bán đổi chác. Ông chỉ rành đường sá, rồi lại dặn rằng: Nếu gặp dâm nữ thời con phải cẩn thận, chớ gần gũi, nếu thương yêu gần gũi thời mất tiền của và thân mạng cũng khó bảo toàn, cũng chớ giao du với người tệ ác. Người con kính thuận theo lời dạy của cha, thân tâm an ổn được nhiều của báu mang về.
Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sanh cũng như vậy, chỉ rành đường đạo cùng những pháp chướng ác. Nhờ nghe pháp mà chúng sanh xa lìa những điều ác, đầy đủ những pháp lành đây là do sự thính pháp mà được gần với Đại Niết Bàn.
Ví như gương sáng soi rõ mặt người. Cũng vậy, người được nghe pháp thời thấy rõ pháp lành, pháp ác, do đây nên được gần Đại Niết Bàn.
Ví như nhà tìm châu bảo chẳng biết đường sá, có người hiểu biết chỉ đường, bèn đến được chỗ châu báu. Cũng vậy, tất cả chúng sanh muốn đến chỗ lành để lấy pháp bảo, chẳng biết phương pháp tu hành, nhờ Bồ Tát chỉ dạy, chúng sanh tuân theo mà được đến chỗ lành đặng pháp bảo vô thượng Đại Niết Bàn. Đây là do nghe pháp mà đặng gần với Đại Niết Bàn.
Ví như voi say hung dữ, có nhà điều tượng dùng móc sắt móc rách da đầu, voi say liền điều thuận hết tâm hung dữ. Cũng vậy, tất cả chúng sanh do tham, sân , si nên muốn gây tạo nhiều tội ác, Bồ Tát vì họ thuyết pháp, làm cho họ dứt hết tâm ác, do đây nên gần được Đại Niết Bàn. Vì thế nên Như Lai ở trong các kinh bảo hàng đệ tử phải nhiếp tâm lóng nghe và lãnh thọ mười hai bộ kinh, tu bảy giác chi, lìa năm thứ cái chướng. Do tu tập bảy giác chi thời được gần Đại Niết Bàn.
Do thính pháp mà Tu Đà Hoàn lìa những sự khủng bố:
Trưởng giả Tu Đạt Đa trước kia mang bịnh nặng, ông rất lo rầu sợ sệt. Sau khi được nghe Xa Lợi Phất nói bực Tu Đà Hoàn có bốn công đức, dùng mười thứ ví dụ để an ủi. Trưởng giả nghe rồi liền hết sợ sệt. Đây cũng là do thính pháp mà được gần Đại Niết Bàn, vì được mở thông pháp nhãn.
Trong đời có ba người: Một là không con mắt, hai là một con mắt, ba là đủ hai mắt. Người không con mắt dụ cho thường chẳng được nghe pháp. Người một con mắt dụ cho được tạm thời nghe pháp mà tâm không được an trụ. Người đủ hai con mắt dụ cho chuyên tâm nghe pháp lãnh thọ và thực hành, do đây được gần Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Ngày trước lúc ta ở thành Câu Thi Na, Xá Lợi Phất đương bịnh khổ. Ta sai A Nan đến thuyết pháp. Lúc đó Xá Lợi Phất nghe A Nan thuyết pháp, bèn bảo bốn người đệ tử khiêng giường bịnh đến chỗ Phật để nghe pháp. Do phước lực nghe Phật thuyết pháp nên Xá Lơiï Phất được lành bịnh thân thể an ổn. Vì thế nên nghe chánh pháp thời được gần Đại Niết Bàn.
Thế nào là Bồ Tát do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn? Nhơn sự tư duy nầy mà tâm được giải thoát. Vì tất cả chúng sanh thường bị ngũ dục ràng buộc, do tư duy nên đều được giải thoát. Đây là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.
Tất cả chúng sanh thường bị thường, lạc, ngã, tịnh làm điên đảo. Do tư duy nên được thấy các pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nhờ sự thấy nầy mà hết điên đảo. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.
Tất cả pháp có bốn tướng: sanh tướng, lão tướng, bịng tướng, diệt tướng. Do bốn tướng nầy làm cho phàm phu đến Tu Đà Hoàn bị nhiều sự khổ não. Nếu người có thể nhiếp niệm khéo tư duy, dầu gặp bốn tướng nầy nhưng chẳng bị khổ não. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Tất cả pháp lành đều do tư duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳn tư duy thời trọn không thể được vô thượng Bồ Đề. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.
Nếu có chúng sanh tin Phật, Pháp, Tăng không biến đổi nên sanh lòng cung kính. Nên biết rằng đây là do năng lực của sự nhiếp niệm tư duy mới được dứt trừ tất cả phiền não. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.
Thế nào là Bồ Tát tu hành đúng chánh pháp? Nầy Thiện nam tử! Dứt những pháp ác tu các pháp lành thời gọi là Bồ Tát tu hành đúng pháp. Lại thấy tất cả pháp trống rỗng không chỗ có, không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, do sự thấy biết nầy nên thà bỏ thân mạng chẳng phạm cấm giới. Đây gọi là Bồ Tát tu hành đúng pháp.
Tu có hai thứ: Chơn thật và chẳng thật. Chẳng biết tướng của Niết Bàn, Phật Tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, tướng hư không v.v… đây gọi là chẳng thật. Nếu biết thời gọi là chơn thật.
Thế nào gọi là biết tướng của Niết Bàn? Niết Bàn có tám điều: Một là sạch hết, hai là tánh lành, ba là thật, bốn là chơn, năm là thường, sáu là lạc, bảy là ngã, tám là tịnh. Niết Bàn lại có tám điều: Một là giải thoát, hai là tánh lành, ba là chẳng thật, bốn là chẳng chơn, năm là vô thường, sáu là vô lạc, bảy là vô ngã, tám là vô tịnh.
Niết Bàn lại có sáu tướng: Một là giải thoát, hai là tánh lành, ba là chẳng thật, bốn là chẳng chơn, năm là an lạc, sáu là thanh tịnh.
Nếu chúng sanh y theo đạo thế tục mà dứt phiền não, thời Niết Bàn đó có tám điều giải thoát chẳng chơn thật, vì là vô thường. Vì vô thường nên là không thật, vì không thật thời không chơn. Dầu dứt phiền não nhưng rồi sẽ khổ trở lại, do đây nên không có thường, lạc, ngã, tịnh, đây gọi là Niết Bàn có tám điều giải thoát không thật.
Thanh Văn Duyên Giác vì dứt phiến não nên gọi là giải thoát nhưng chưa được vô thượng Bồ Đề, đây gọi là chẳng thật vì chẳng thật nên chẳng chơn. Đời vị lai sẽ được vô thượng Bồ Đề nên là vô thường. Vì được tám thánh đạo vô lậu nên gọi là thanh tịnh an lạc, đây gọi là Niết Bàn có sáu tướng.
Nầy Thiện nam tử! Nếu biết như vậy đó là biết Niết Bàn, chẳng gọi là biết Phật tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, hư không.
Phật tánh có sáu điều: Một là thường, hai là tịnh, ba là thật, bốn là thiện, năm là sẽ thấy, sáu là chơn. Phật tánh lại có bảy điều: Sáu điều như trên, bảy là có thể chứng, đây gọi là Bồ Tát biết Phật tánh.
Như Lai chính là tướng giác ngộ, tướng lành, là thường, lạc, ngã, tịnh, là giải thoát chơn thật, dạy đạo có thể thấy được, đây gọi là Bồ Tát biết tướng Như Lai.
Pháp là hoặc lành chẳng lành, hoặc thường chẳng thường, hoặc lạc chẳng lạc, hoặc ngã chẳng ngã, hoặc tịnh chẳng tịnh, hoặc tri chẳng tri, hoặc giải chẳng giải, hoặc chơn chẳng chơn, hoặc tu chẳng tu, hoặc sư chẳng phải sư, hoặc thật chẳng thật, đây gọi là Bồ Tát biết pháp tướng.
Thế nào là Bồ Tát biết Tăng tướng?
Tăng là thường, lạc, ngã, tịnh, là tướng đệ tử, tướng có thể thấy, là thiện , là chơn, chẳng thật, vì tất cả Thanh Văn sẽ được thành Phật, vì tỏ ngộ chơn tánh nên gọi là chơn. Đây gọi là Bồ Tát biết tướng của Tăng.
Thiệt tướng là: Hoặc thường, vô thường, hoặc lạc, vô lạc, hoặc ngã, vô ngã, hoặc tịnh, vô tịnh, hoặc thiện, bất thiện, hoặc có, hoặc không, hoặc Niết Bàn, hoặc chẳng phải Niết Bàn, hoặc giải thoát, hoặc chẳng phải giải thoát, hoặc tri, hoặc bất tri, hoặc đoạn, hoặc bất đoạn, hoặc chứng, hoặc chẳng chứng, hoặc tu, hoặc chẳng tu, hoặc thấy, hoặc chẳng thấy, đây gọi là thiệt tướng, chẳng phải là Niết Bàn Phật tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không.
Đây gọi là Bồ Tát nhơn tu kinh Đại Niết Bàn nầy biết tướng sai khác của Niết Bàn, Phật tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, thiệt tướng, hư không.
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn chẳng thấy hư không, vì Phật và Bồ Tát dầu có ngũ nhãn nhưng chẳng thấy, chỉ có huệ nhãn mới thấy được. Chỗ thấy của huệ nhãn là không có pháp thấy được nên gọi là thấy. Nếu là không có vật gọi là hư không, thời hư không ấy gọi là thật, do vì thật thời gọi là thường không, vì thường không nên không có lạc, ngã và tịnh.
Nầy Thiện nam tử! Trống không gọi là không có pháp, không có pháp gọi là trống không. Như trong đời chỗ không có vật gọi là trống không, tánh hư không cũng như vậy, vì không chỗ có nên gọi là hư không.
Nầy Thiện nam tử! Tánh chúng sanh cùng tánh hư không đều không có thiệt tánh. Như có người nói rằng:Trừ dứt những vật có rồi sau mới là không. Nhưng hư không nầy thiệt chẳng thể làm ra, vì là không chỗ có, đã không chỗ có nên biết là không có hư không. Tánh hư không nầy nếu có thể làm ra thời gọi là vô thường, nếu là vô thường thời chẳng gọi là hư không.
Nầy Thiện nam tử! Như người đời nói rằng hư không là không sắc chất, không cách ngại, là thường chẳng biến đổi, do đây nên trong đời gọi tánh hư không là đại chủng thứ năm. Nhưng hư không nầy thiệt ra không có tánh, do ánh sáng nên gọi là hư không, thật ra không có hư không. Như thế đế thiệt ra không có tánh vì thuận theo chúng sanh mà nói là có thế đế.
Nầy Thiện nam tử! Thể Niết Bàn cũng không có chỗ trụ, chính nơi chư Phật dứt sạch phiền não mà gọi là Niết Bàn. Niết Bàn chính là thường, lạc, ngã, tịnh. Niết Bàn dầu là lạc, nhưng chẳng phải là thọ lạc, bèn là sự vui tịch diệt vi diệu vô thượng. Chư Phật có hai thứ vui: Một là tịch diệt lạc, hai là giác tri lạc. Thể thiệt tướng có ba thứ vui: Một là thọ lạc, hai là tịnh diệt lạc, ba là giác tri lạc. Phật tánh có một thứ vui, vì sẽ được thấy, lúc chứng vô thượng Bồ Đề thời gọi là Bồ Đề lạc.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Bạch Thế Tôn! Nếu chỗ phiền não dứt là Niết Bàn thời không phải. Vì xưa kia lúc Đức Như Lai mới thành Phật, đi đến bờ sông Ni Liên Thiền, Ma Vương cùng quyến thuộc đến chỗ Phật thưa rằng: Thời kỳ Niết Bàn đã đến sao Thế Tôn chẳng nhập?”
Phật bảo Ma Vương: Nay ta chưa có hàng đa văn đệ tử giới hạnh tinh nghiêm
Trí huệ thông minh, có thể giáo hoá chúng sanh, nên ta chẳng nhập Niết Bàn.
Nếu nói rằng chỗ phiền não dứt là Niết bàn, Bồ Tát từ vô lượng kiếp đã dứt phiền não, cớ sao chẳng đặng gọi là Niết Bàn? Đều đồng dứt, cớ sao gọi riêng chư Phật có Niết Bàn, còn Bồ Tát thời không? Nếu dứt phiền não chẳng phải là Niết Bàn cớ sao ngày trước đức Như Lai bảo ông Sanh Danh: Chính thân của ta đây là Niết Bàn.?
Lúc Như Lai ở nước Tỳ Xá Ly, Ma Vương lại đến thưa: Thế Tôn ngày trước nói rằng vì chưa có hàng đệ tử đa văn trì giới thông minh trí huệ có thể giáo hóa chúng sanh, nên Thế Tôn chẳng nhập Niết bàn. Nay đã đầy đủ cớ sao Thế Tôn chẳng nhập? Như Lai bảo Ma Vương: Sau đây ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.
Bạch Thế Tôn! Giả sử diệt độ chẳng phải nhập Niết bàn, tại sao đức Như Lai lại hẹn ba tháng sẽ nhập Niết Bàn?
Bạch Thế Tôn! Nếu dứt phiền não là Niết Bàn, ngày trước lúc đức Như Lai ngồi nơi đạo tràng Bồ Đề dứt hết phiền não bèn là Niết Bàn, sao lại nói với Ma Vương sau ba tháng sẽ nhập Niết Bàn?
Bạch Thế Tôn! Nếu lúùc đó là Niết Bàn, tại sao lại tuyên bố đến cuối đêm sẽ nhập Niết Bàn?
Đức Như Lai là đấng thành thiệt, cớ sao lại nói những lời hư vọng như vậy?
Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “ Nầy Thiện nam tử! Như Lai đã đặng tướng lưỡi rộng dài, phải biết rằng Như Lai từ vô lượng kiếp đã lìa vọng ngữ. Tất cả chư Phật và Bồ Tát phàm có nói ra đều là lời thành thật chắc chắn không hư dối.
Nầy Thiện nam tử! Ngày trước Ma Ba Tuần thỉnh Phật nhập Niết Bàn, mà Ma Vương chẳng biết tướng Niết Bàn. Ý Ma Vương cho rằng chẳng giáo hoá chúng sanh yên lặng bất động đó là Niết Bàn. Ví như người đời thấy có ai chẳng nói chẳng làm, bèn cho rằng người nầy như chết. Ý Ma Vương cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử! Như Lai chẳng nói Phật Pháp và chúng Tăng không có tướng sai khác. Chỉ nói thường trụ và thanh tịnh hai pháp nầy không sai khác. Phật cũng chẳng nói Phật cùng Phật tánh và Niết Bàn không có tướng sai khác, chỉ nói thường hằng bất biến là không sai khác, Phật cũng chẳng nói Niết Bàn và thiệt tướng không có tướng sai khác, chỉ nói thường trụ và thật chẳng biến đổi không có sai khác.
Nầy Thiện nam tử! Có lúc hàng Thanh Văn đệ tử của ta sanh sự tránh tụng, như các Tỳ Kheo ở nước Câu Diêm Vi trái lời dạy của Phật phạm nhiều cấm giới, chẳng kính trọng Phật, Pháp, Tăng, giới luật hòa thượng. Những Tỳ Kheo ác nầy chẳng tin lời dạy của Phật. Vì những người nầy mà ta bảo Ma Ba Tuần ông chớ lo rằng chậm. Sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Nhơn vì các Tỳ Kheo ác nầy, khiến hàng Thanh Văn chẳng thấy thân của ta, chẳng nghe ta thuyết pháp, bèn cho rằng Như Lai nhập Niết Bàn. Chỉ hàng Bồ Tát thấy được thân ta, thường nghe ta thuyết pháp, nên chẳng cho rằng Phật nhập Niết Bàn.
Dầu hàng Thanh Văn nói rằng Như Lai nhập Niết Bàn, nhưng thật ra ta chẳng nhập Niết Bàn.
Nếu Thanh Văn đệ tử của ta nói rằng Như Lai nhập Niết Bàn, phải biết người nầy chẳng phải đệ tử của Phật, là bè đảng của ma, là người tà kiến chẳng phải chánh kiến. Nếu nói Như Lai chẳng nhập Niết bàn, phải biết người nầy thiệt là đệ tử Phật, là người chánh kiến chẳng phải bè đảng của ma.
Nầy Thiện nam tử! Ta chẳng thấy trong hàng đệ tử có người nào cho rằng Như Lai chẳng giáo hóa chúng sanh yên lặng bất động gọi là Niết bàn.
Ví như trưởng giả có đông con cái, đi đến xứ khác chưa trở về. Những người con đều cho rằng cha mình đã chết. Như trưởng giả nầy thiệt chẳng chết, mà những người con điên đảo tưởng rằng chết. Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử vì chẳng thấy Phật, bèn cho rằng Như Lai đã nhập Niết Bàn trong rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, nhưng thật ra ta chẳng nhập Niết Bàn, mà hàng Thanh Văn tưởng là nhập Niết Bàn.
Ví như ngọn đèn sáng, có người che kín đó, những kẻ không biết cho rằng đèn đã tắt, nhưng đèn sáng nầy thiệt chẳng tắt, vì không biết nên cho là tắt. Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử dầu có huệ nhãn nhưng bị phiền não che đậy làm cho tâm điên đảo chẳng thấy được thân chơn thật của Phật, bèn tưởng là Phật diệt độ, nhưng thiệt ra ta chẳng diệt độ.
Như người sanh manh chẳng thấy mặt trời mặt trăng, chẳng biết ngày đêm sáng tối, vì chẳng biết bèn nói rằng không có mặt trời mặt trăng thiệt, do vì không thấy nên sanh tưởng điên đảo. Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử, vì chẳng thấy Như Lai bèn cho rằng Phật nhập Niết Bàn. Nhưng thật ra Như Lai chẳng nhập Niết Bàn.
Ví như mây mù che khuất mặt trời mặt trăng, kẻ ngu si cho rằng không có mặt trời mặt trăng. Cũng vậy, Vì các phiền não che đôi mắt trí huệ nên hàng Thanh Văn chẳng thấy Như Lai bèn cho rằng Như Lai nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Đây là đức Như Lai thị hiện Anh Nhi Hạnh chớ chẳng phải diệt độ.
Nầy Thiện nam tử! Như lúc mặt trời lặn, vì Hắc Sơn che khuất mặt trời, nên chúng sanh Diêm Phù Đề chẳng thấy, nhưng thật ra mặt trời không có lặn, vì không thấy nên chúng sanh tưởng là lặn. Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử bị phiền não che ngăn chẳng thấy thân Phật, vì chẳng thấy nên cho rằng Như Lai nhập Niết Bàn, nhưng thiệt ra Phật chẳng nhập Niết Bàn.
Do đây nên Phật ở nước Tỳ Da Ly bảo Ma Ba Tuần: Sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Như Lai thấy trước rằng Ca Diếp Bồ Tát sau ba tháng căn lành sẽ thành thục, cũng thấy núi Hương Sơn ông Tu Bạt Đà La an cư xong sẽ đến chỗ ta, nên ta bảo Ma Ba Tuần sau ba tháng sẽ nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Có năm trăm lực sĩ mãn ba tháng cũng sẽ phát tâm vô thượng Bồ Đề, vì họ nên ta bảo ma Ba Tuần sau ba tháng Phật sẽ nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Bọn ông Thuần Đà năm trăm Lê Xa tử, và Am La nữ
Sau ba tháng thời đạo tâm vô thượng sẽ thành thục, vì những người nầy nên ta bảo ma Ba Tuần sau ba tháng Như Lai sẽ nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Ông Tu Na Sát Đa theo hàng ngoại đạo Ni Kiền Tử, ta vì ông thuyết pháp trọn mười hai năm, ông chẳng tin chẳng thọ, chẳng bỏ tà kiến, ta biết ác tâm tà kiến của ông sau ba tháng quyết định có thể dứt trừ, nên ta bảo ma Ba Tuần sau ba tháng Phật sẽ nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Do nhơn duyên gì mà ngày trước ở bên sông Ni Liên, ta bảo ma Ba Tuần vì chưa có hàng đệ tử đa văn trí huệ nên Phật chẳng nhập Niết Bàn?
Lúc đó ta muốn chuyển pháp luân độ các ông Kiều Trần Như v.v…, cũng muốn độ các ông Da Xá, muốn độ bọn ông Úc Dà trưởng giả, muốn độ vua Tần Bà Ta La nước Ma Dà Đà cùng vô lượng nhơn thiên, muốn độ thầy trò Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Dà Da Ca Diếp, cũng muốn độ các ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v… Vì thế nên ta bảo ma Ba Tuần: Như Lai chẳng nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Có Niết Bàn chẳng phải là Đại Niết Bàn. Chẳng thấy Phật tánh mà dứt phiền não thời gọi là Niết Bàn chẳng phải Đại Niết Bàn. Bởi chẳng thấy Phật tánh nên không có thường, ngã, chỉ có lạc và tịnh, do đây nên dầu dứt phiền não mà chẳng được gọi là Đại Niết Bàn. Nếu thấy Phật tánh dứt phiền não thời gọi là Đại Niết Bàn, vì thấy Phật tánh nên được gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.
Nầy Thiện nam tử! “ Niết” nghĩa là chẳng, “ Bàn” nghĩa là dệt, nghĩa chẳng dệt gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là che, chẳng bị che bèn gọi là Niết Bàn. Bàn lại có nghĩa là đi đến, chẳng đi chẳng đến gọi là Niết Bàn. “ Bàn” lại có nghĩa là bất định, không bất định gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là mới cũ, không mới cũ gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là chướng ngại, không chướng ngại gọi là Niêt Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Có hàng đệ tử của phái Ưu Lâu Khư, phái Ca Tỳ La nói “Bàn:” là danh tướng, không danh tướng gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là có; không có thời gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là hòa hiệp; không hòa hiệp gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là khổ ; không khổ gọi là Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Người dứt phiền não chẳng gọi là tu Niết Bàn, chẳng sanh phiền não thời gọi là Niết Bàn. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn chẳng khởi phiền não nên gọi là Niết Bàn. Có trí huệ ở nơi tất cả pháp không có chướng ngại thời gọi là Như Lai. Như Lai chẳng phải phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Đây gọi là Phật tánh.
Thân tâm trí huệ của Như Lai khắp đầy vô lượng vô biên, vô số cõi, không bị chướng ngại, đây gọi là hư không.
Như Lai thường trụ không có biến đổi, đây gọi là thật tướng.
Do nghĩa nầy nên Như Lai thiệt chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.
Đây gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ bảy.
Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tám?
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn: Trừ dứt năm việc, xa lìa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, giữ gìn một việc, gần gũi bốn việc, tin thuận nhứt thật, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát.
Trừ dứt năm việc, chính là trừ năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức: Năm thứ nầy hay làm chúng sanh sống chết nối mãi, chẳng rời gánh nặng chia lìa tụ họp, buộc ràng trong ba đời, không thể cầu tìm cho ra nghĩa lý ; do những lẽ nầy nên gọi là “ẤM”.
Đại Bồ Tát dầu thấy sắc ấm, nhưng chẳng thấy tướng của nó, vì trong mười món sắc suy tìm tánh của nó trọn không thể được, vì thuận theo thế tục mà gọi là “ẤM”.
Có một trăm lẻ tám thứ thọ, Bồ Tát dầu thấy thọ ấm, nhưng vẫn không thấy tướng của thọ. Vì thọ dầu có một trăm lẻ tám, nhưng tất cả không có nghĩa lý quyết định thật.
Như sắc và thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.
Vì thấy rõ năm ấm là cội gốc sanh ra phiền não, nên Đại Bồ Tát dùng phương tiện làm cho dứt.
Đại Bồ Tát xa lìa năm việc, chính là xa lìa năm kiến chấp: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ. Do năm kiến chấp nầy sanh ra sáu mươi hai thứ kiến chấp. Vì những thứ kiến chấp nầy mà sanh tử nối mãi chẳng dứt, nên Bồ Tát ngăn ngừa không gần gũi.
Đại Bồ Tát thành tựu sáu việc, chính là thành tựu sáu chánh niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niện Thiên, niệm Thí, niệm Giới.
Đại Bồ Tát tu tập năm việc, chính là tu tập năm định: Tri định, tịch định, thân tâm thọ khóai lạc định, vô lạc định, Thủ Lăng Nghiêm định. Tu tập năm thứ định tâm nầy thời gần với Đại Niết Bàn, vì thế nên Đại Bồ Tát chuyên cần tu tập.
Bồ Tát giữ gìn một việc, chính là giữ gìn tâm Bồ Đề. Đại Bồ Tát luôn siêng năng gìn giữ tâm Bồ Đề, như người đời săn sóc đứa con một, như người chột mắt giữ gìn một mắt còn lại, như đi giữa rừng hoang vắng giữ gìn người dẫn đường. Do gìn giữ tâm Bồ Đề mà được vô thượng Bổ Đề, do được vô thượng Bồ Đề nên có đủ thường, lạc, ngã và tịnh, chính là Đại Niết Bàn do đây nên Bồ Tát gìn giữ một tâm Bồ Đề nầy.
Bồ Tát gần gũi bốn việc, chính là gần bốn tâm vô lượng: Đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả: Do bốn tâm nầy có thể làm cho vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ Đề, nên Bồ Tát luôn gần gũi.
Bồ Tát tin thuận nhứt thật, chính là rõ biết tất cả chúng sanh đều về nơi đạo duy nhứt, đạo duy nhứt nầy là Đại Thừa: Nơi Đại Thừa nầy, chư Phật và Bồ Tát chia ra làm ba thừa để dụ dẫn chúng sanh.
Bồ Tát tâm thiện giải thoát chính là đã dứt hẳn tham, sân, si.
Bồ Tát huệ thiện giải thoát, chính là Đại Bồ Tát rõ biết tất cả pháp không chướng ngại. Do huệ giải thoát nên những pháp từ xưa chưa nghe mà nay được nghe, từ xưa chưa thấy mà nay được thấy, từ xưa chưa đến mà nay được đến.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Như lời Phật nói: “ Tâm giải thoát”, xét ra không đúng nghĩa. Vì tâm vốn không hệ phược. Bổn tánh của tâm không bị tham, sân, si, hệ phược. Đã là vốn không hệ phược, sao lại nói là giải thoát?
Thế Tôn! Nếu bổn tánh của tâm chẳng bị tham kiết hệ phược, do nhơn duyên gì mà có thể hệ phược được tâm? Ví như vắt sừng, vì vốn không sữa nên dầu tốn nhiều công lực vẫn không do đâu có sữa chảy ra. Nếu vắt vú bò, tốn công ít mà được nhiều sữa. Cũng vậy, tâm vốn không tham, sao nay lại có. Nếu trước vốn không mà sau mới có, thời chư Phật và Bồ Tát vốn không tham, nay đáng lẽ đều có.
Thế Tôn! Như thạch nữ vốn không con, dầu tốn nhiều công lực, nhiều nhơn duyên vẫn không thể có con. Cũng vậy, tâm vốn không tham, dầu gây tạo nhiều duyên, cũng không do đâu sanh được tham.
Thế Tôn! Như dùi cây ướt không thể được lửa. Cũng vậy, dầu dùi tìm nơi tâm vẫn không thể có tham. Tại sao tham kiết hệ phược được tâm .
Thế Tôn! Ví như ép cát không thể có dầu. Cũng vậy, dầu ép nơi tâm vẫn không có tham. Phải biết rằng tham cùng tâm, lý nghĩa của hai thứ riêng khác nhau. Thiết sử có tham, đâu nhiễm ô được tâm.
Thế Tôn! Ví như đem nọc cắm giữa hư không trọn không thể đứng cứng được. Cũng vậy, đem tham cắm vào tâm, trọn không thể hệ phược được tâm, dầu dùng nhiều nhơn duyên.
Thế Tôn! Nếu tâm vốn không tham mà lại gọi là giải thoát, thời chư Phật và Bồ Tát sao chẳng nhổ gai trong hư không?
Thế Tôn! Tâm quá khứ không gọi là giải thoát. Tâm vị lai cũng không giải thoát ; tâm hiện tại chẳng cùng chung với đạo ; thế thời tâm nào gọi là được giải thoát?
Thế Tôn! Như ngọn đèn quá khứ không thể diệt tối ; ngọn đèn vị lai cũng không thể diệt tối ; ngọn đèn hiện tại lại không thể diệt tối ; vì sáng cùng tối, hai thứ ấy không đồng thời có. Tâm cũng như vậy, sao lại nói rằng tâm được giải thoát?
Thế Tôn! Tham cũng là có. Nếu tham là không, thời lúc thấy người nữ lẽ ra chẳng sanh tham. Nếu do người nữ mà sanh tham, thời tham là có thật. Vì có tham nên đọa ba đường ác.
Thế Tôn! Như có kẻ thấy tượng vẽ người nữ cũng sanh tham, vì sanh tham nên thành có nhiều tội lỗi. Nếu vốn không tham, tại sao thấy tướng vẽ lại sanh tham? Nếu tâm không tham, tại sao Như Lai nói Bồ Tát tâm được giải thoát? Nếu tâm có tham, sao lại phải chờ thấy người nữ rồi sau mới sanh. Người không thấy thời không sanh? Hiện tại tôi thấy có quả báo ác do tham gây ra, nên biết tham là có sân và si cũng như vậy.
Thế Tôn! Như chúng sanh có thân không ngã, mà phàm phu chấp có ngã ; dầu chấp có ngã nhưng không vì thế mà đọa ba ác đạo. Tại sao người tham đối với không tướng nữ sanh tưởng là nữ mà phải đọa ba ác đạo?
Thế Tôn! Ví như dùi cây sanh lửa, nhưng tánh lửa nầy trong các duyên đều không có, cớ gì mà được sanh ra lửa?
Thế Tôn! Cũng vậy , trong sắc không có tham, trong thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều không có tham, tại sao nơi sắc v.v… lại sanh ra tham? Nếu trong các duyên đều không có tham, tại sao riêng chúng sanh có tham, mà chư Phật và Bồ Tát không sanh tham?
Thế Tôn! Tâm cũng là bất định. Nếu tâm là nhứt định thời không có tham sân si. Nếu tâm đã là bất định, sao lại nói rằng tâm được giải thoát? Tham cũng là bất định, nếu đã là bất định, tại sao lại nhơn nơi tham mà sanh ra ba ác đạo? Kẻ tham cùng cảnh giới, cả hai đều bất định. Vì đồng chung duyên một cảnh sắc, hoặc sanh tham, hoặc sanh sân, hoặc sanh si. Nếu cả hai đều bất định, tại sao đức Như Lai nói rằng Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thời tâm được giải thoát?
Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Tâm cũng chẳng bị tham kiết hệ phược, cũng chẳng phải chẳng bị hệ phược ; chẳng phải giải thoát, cũng chẳng phải giải thoát ; chẳng phải có ; chẳng phải không ; chẳng phải hiện tại, chẳng phải quá khứ chẳng phải vị lai.
Vì tất cả pháp đều không tự tánh.
Nầy Thiện nam tử! Có các nhà ngoại đạo cho rằng: Nhơn duyên hòa hiệp thời có quả sanh ra.
Nếu trong các duyên vốn không tánh sanh mà có thể sanh ra, thời hư không vốn chẳng sanh lẽ ra cũng sanh được quả. Nhưng hư không vẫn chẳng sanh vì chẳng phải là nhơn.
Do vì trong các duyên vốn cá tánh của quả, nên hòa hiệp thời sanh được quả.
Như người đời khi muốn xây vách thời dùng bùn đất khô dùng cọ màu, lúc muốn vẽ vời thời dùng cọ màu mà chẳng dùng cỏ cây, may áo thời dùng kim chỉ mà chẳng dùng cây bùn, cất nhà thời dùng bùn cây mà chẳng dùng kim chỉ. Người dùng đến vật đó là vì nó có thể sanh ra quả, vì sanh được quả nên biết trong các nhơn tất đã có tánh. Nếu là không tánh, thời trong một vật lẽ ra phải xuất sanh tất cả vật.
Nếu là đáng lấy, đáng làm, đáng đem ra, nên biết rằng trong đó tất cả trước có tánh của quả. Nếu là không có tánh của quả thời người chẳng lấy, chẳng làm, chẳng đem ra. Chỉ có hư không là chẳng lấy, chẳng làm nên có thể xuất sanh tất cả muôn vật, do vì có nhơn.
Như hột ni câu đà mọc lên cây ni câu đà ; trong sửa có tánh chất đề hồ ; trong sợi chỉ có tánh của vải ; trong đất sét có tánh của cái bình.
Nầy Thiện nam tử! Tất cả phàm phu bị vô minh làm mù lòa nên bày ra định thuyết: Sắc có nghĩa tham luyến, tâm có tánh tham. Họ lại cho rằng: Tâm phàm phu có tánh tham, cũng có tánh giải thoát gặp duyên tham thời tâm sanh tham, nếu gặp được duyên giải thoát thời tâm giải thoát.
Những thuyết nầy đều không đúng nghĩa.
Có hạng phàm phu lại cho rằng: Trong tất cả nhơn đều không có quả; nhơn có hai thứ: Vi tế và thô đại ; tế thời là thường, thô thời vô thường. Từ nhơn vi tế chuyển thành nhơn thô, từ nhơn thô nầy lại chuyển thành quả. Vì nhơn thô vô thường nên quả cũng vô thường.
Có hạng phàm phu lại cho rằng: Tâm không có nhơn, tham cũngkhông có nhơn, do thời tiết thời sanh tâm tham.
Vì không biết được tâm nhơn duyên, nên những hạng nầy luân hồi trong sáu đường, chịu đủ mọi sự sanh tử.
Ví như con chó bị xiềng, trọn ngày đi quanh cột không thể thoát lìa. Cũng vậy, tất cả phàm phu bị xiềng vô minh cột vào cột sanh tử, cứ vòng quanh mãi ở hai mươi lăm cõi không thoát ly được.
Ví như có kẻ sa vào hầm xí, đã được ra khỏi rồi lại té vào hầm. Như người bịnh được lành trở lại làm nhơn cho bịnh. Như người đi đường xa gặp chỗ hoang vắng, đã đi qua được rồi trở lại nữa. Như đã tắm rửa sạch sẽ trở lại lấy bùn đất trét vào. Cũng vậy, tất cả phàm phu đã được thoát khỏi cõi Vô Sở Hữu, chỉ chưa thoát khỏi cõi Phi Phi Tưởng, trở lại sa vào đến ba ác đạo. Vì tất cả phàm phu chỉ biết quán sát nơi quả, mà chẳng suy gẫm nhơn duyên.
Như con chó đuổi theo cục đất chẳng chạy theo người. Cũng vậy, hạng phàm phu chỉ nhìn nơi quả mà chẳng nhìn nơi nhơn duyên. Do chẳng thấy biết nhơn duyên nên từ cõi Phi Phi Tưởng sa đến ba ác đạo.
Nầy Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát trọn không bảo nhứt định rằng: Trong nhơn có quả, trong nhơn không quả, trong nhơn cũng có cũng không quả, trong nhơn chẳng phải có chẳng phải không quả.
Nếu kẻ nào cho rằng trong nhơn quyết định có quả, không quả, cũng có cũng không quả, chẳng phải có chỗ phải không quả, nên biết rằng đây là bè lũ của ma, là thuộc về loài ma là người tham ái, chẳng thể dứt hẳn sự hệ phược của sanh tử, người nầy chẳng rõ biết tâm tướng và tham tướng.
Nầy Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát hiển bày lý trung đạo: Dầu nói các pháp là chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng chẳng quyết định. Vì nhơn nơi nhãn, sắc, minh, tâm và niệm mà có thức sanh ra. Thức nầy quyết định chẳng ở trong nhãn, chẳng ở trong sắc, chẳng ở trong minh, chẳng ở trong tâm, chẳng ở trong niệm, cũng chẳng ở chặn giữa, chẳng phải có chẳng phải không.
Vì từ các duyên sanh ra nên gọi là có. Vì không tự tánh nên gọi là không. Do đây nên Như Lai nói các pháp là chẳng phải có chẳng phải không.
Nầy Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát trọn không quyết định nói tâm có tánh thanh tịnh và tánh chẳng thanh tịnh, tánh tịnh cùng bất tịnh, vì tâm vốn vô trụ.
Do từ nơi duyên sanh ra nên nói là chẳng phải không, lại vì vốn không có tánh tham nên nói là chẳng phải có.
Nầy Thiện nam tử! Do từ nơi nhơn duyên mà tâm sanh ra tham, do từ nơi nhơn duyên mà tâm được giải thoát. Nhơn duyên có hai thứ: Một là theo sanh tử, hai là theo Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử! Vì có nhơn duyên mà tâm cùng với tham sanh ra, chung với tham cùng diệt, có nhơn duyên tâm cùng với tham sanh mà chẳng chung với tham cùng diệt. Có nhơn duyên tâm chẳng cùng với tham sanh mà chung với tham cùng diệt. Có nhơn duyên tâm chẳng cùng với tham sanh cũng chẳng cùng với tham diệt.
Nầy Thiện nam tử! Có hạng phàm phu chưa dứt tâm tham, huân tập tâm tham, những kẻ nầy, tâm của họ chung với tham cùng sanh cùng diệt.
Như chúng sanh cõi dục, tất cả đều có khí vị sơ thiền, hoặc tu hay chẳng tu, gặp nhơn duyên thời bèn được ; nơi đây nói nhơn duyên chính là cho hỏa tai. Cũng vậy, tất cả phàm phu hoặc huân tập hay không huân tập, tâm của họ chung với tham cùng sanh, chung với tham cùng diệt, vì họ chẳng dứt tham vậy.
Hàng Thanh Văn vì có nhơn duyên nên sanh tâm tham, vì sợ tâm tham nên tu tập quán bạch cốt, đây gọi là tâm cùng tham sanh mà chẳng cùng tham diệt. Lại hàng Thanh Văn chưa chứng quả A La Hán vì có nhơn duyên nên sanh tâm tham, lúc đã chứng A La Hán thời tham liền diệt, đây cũng gọi là tâm cùng tham sanh mà chẳng chung với tham cùng diệt. Đại Bồ Tát lúc chứng bực Bất Động cũng như vậy.
Thế nào là tâm chẳng cùng tham sanh mà chung với tham cùng diệt?
Đại Bồ Tát đã dứt tâm tham, vì độ chúng sanh mà thị hiện có tham, vì thị hiện nên có thể làm cho vô lượng chúng sanh học tập thành tựu pháp lành. Đây gọi là tâm chẳng cùng tham sanh mà với tham cùng diệt.
A LA Hán, Duyên Giác, Chư Phật, Chư Bồ Tát trừ Bất Động Địa, gọi là tâm chẳng chung với tham cùng sanh cùng diệt.
Do những nghĩa trên đây, nên chư Phật và Bồ Tát chẳng quyết định nói tâm tánh vốn thanh tịnh, tâm tánh vốn không thanh tịnh.
Nầy Thiện nam tử! Tâm nầy chẳng cùng với tham hòa hiệp, cũng chẳng cùng với sân, si hòa hiệp.
Như mặt trời, mặt trăng, dầu bị khói bụi mây mù và La Hầu A Tu La che chướng, làm cho chúng sanh không thấy, nhưng tánh mặt trời mặt trăng trọn chẳng cùng hòa hiệp với năm thứ ấy.
Cũng vậy, dầu do nhơn duyên mà tâm sanh tham, nhưng thật ra tâm tánh chẳng cùng tham hòa hiệp.
Nếu là tâm tham thời chính là tánh tham. Nếu là tâm chẳng tham thời chính là tánh chẳng tham. Tâm chẳng tham không thể làm tham. Tâm tham không thể chẳng tham.
Do nghĩa trên đây nên kiết sử tham dục không thể làm nhiễm ô được tâm.
Chư Phật và Bồ Tát đã phá hẳn tham kiết, nên gọi là tâm được giải thoát.
Tất cả chúng sanh vì do nhơn duyên mà sanh tham kiết, vì do nhơn duyên mà được giải thoát.
Nầy Thiện nam tử! Như núi Tuyết, chỗ cao vót. Người cùng khỉ vượn đều không đi được, hoặc có chỗ vượn đi được mà người không đi được, hoặc có chỗ vượn cùng người đều đi được.
Chỗ mà người cùng vượn đều đi được đó, như thợ săn dùng keo nhựa bày trên bàn để bắt vượn. Vì ngu si, vượn đến lấy bàn tay rờ bóc, tay dính vào nhựa. Muốn gỡ tay, vượn dùng chơn đạp, lại dính luôn chơn. Muốn gỡ chơn, vượn dùng miệng cạp, lại dính cả miệng. Hai tay, hai chưn cùng miệng của vượn đều dính khắn vào nhựa không thể thoát được. Bấy giờ thợ lấy gậy xỏ vượn mang về nhà.
Chỗ cao vót của núi Tuyết dùng dụ cho chánh đạo của Phật và Bồ Tát chứng. Khỉ vượn dụ cho phàm phu. Thợ săn dụ cho ma Ba Tuần. Keo nhựa dụ cho tham dục.
Người cùng khỉ vượn đều không thể đi là dụ cho phàm phu và Ma Vương Ba Tuần đều không thể đi đến.
Khỉ vượn đi được mà người thời không, dụ hàng ngoại đạo, có trí huệ, các ác ma dù có dùng ngũ dục cũng không hệ phược được họ.
Người cùng khỉ vượn đều đi được là dụ cho tất cả phàm phu cùng ma Ba Tuần luôn ở trong sanh tử không thể tu hành. Hàng phàm phu bị ngũ dục hệ phược nên ma Ba Tuần tha hồ mang đi. Như thợ săn kia bắt khỉ vượn mang về nhà.
Nầy Thiện nam tử! Như Quốc Vương ở trong nước mình thời thân tâm an lạc, nếu qua đến nươc khác thời tất phải gặp nhiều sự khổ não. Cũng vậy, tất cả chúng sanh nếu có thể tự trụ nơi cảnh giới của mình thời được an lạc, nếu đến cảnh giới khác tất gặp ác ma bị những khổ não.
Tự cảnh giới là chỉ tứ niệm xứ. Cảnh giới khác là nói ngũ dục.
Thế nào gọi là hệ thuộc nơi ma? Có những chúng sanh nơi vô thường thấy là thường, nơi thường lại thấy là vô thường ; nơi khổ thấy là lạc, nơi lạc lại thấy là khổ ; nơi bất tịnh thấy là tịnh , nơi tịnh lại thấy là bất tịnh ; nơi vô ngã thấy là ngã, nơi ngã lại thấy là vô ngã . Nơi chẳng phải giải thoát thấy là giải thoát nơi thiệt giải thoát lại thấy là chẳng giải thoát. Nơi chẳng phải thừa thấy là thừa, nơi thừa lại thấy là chẳng phải thừa. Những hạng nầy gọi là kẻ hệ thuộc nơi ma. Phàm kẻ hệ thuộc nơi ma thời tâm họ không thanh tịnh.
Nầy Thiện nam tử! Nếu thấy các pháp thiệt có tướng nhứt định là tổng là biệt, nên biết rằng người nầy lúc thấy sắc liền chấp tướng sắc, nhẫn đến lúc thấy thức cũng chấp tướng thức. Lúc thấy nam nữ, nhựt , nguyệt, ấm, nhập, giới v.v…liền chấp tướng nam, tướng nữ nhẫn đến tướng nhập, tướng giới. Kẻ có kiến chấp nầy gọi là hệ thuộc nơi ma. Kẻ hệ thuộc nơi ma thời tâm họ không thanh tịnh.
Nầy Thiện nam tử! Nếu thấy ngã là sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, sắc thuộc nơi ngã ; nhẫn đến thấy ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức, thức thuộc nơi ngã. Kiến chấp nầy hệ thuộc nơi ma, người nầy không phải đệ tử Phật.
Nầy Thiện nam tử! Hàng Thanh Văn đệ tử của ta xa lìa mười hai bộ kinh của Như Lai, mà tu tập theo sách vở của những ngoại đạo, chẳng tu công hạnh tịch diệt xuất gia, thuần kinh doanh sự vụ tại gia thế tục. Những gì là sự vụ tại gia thế tục? Nhận chứa tất cả vật bất tịnh, tôi tớ, ruộng, nhà, voi, ngựa, xe cộ, đà, lừa, gà, chó, khỉ, vượn , heo, dê, các thứ lúa bắp ; xa lìa sư trưởng, chúng Tăng, gần gũi cư sĩ bạch y, trái phản Thánh giáo. Bảo hàng bạch y rằng: Đức Phật cho phép Tỳ Kheo nhận chứa những vật bất tịnh. Đây gọi là sự vụ tại gia.
Có các đệ tử chẳng vì Niết Bàn, chỉ vì lợi dưỡng mà nghe thọ mười hai bộ kinh, ăn dùng của thường trụ như của riêng mình, tham tiếc nhà người cùng danh tiếng, gần gũi Quốc Vương và các Vương Tử, bói xủ lành dữ, suy tính đầy vơi, bài bạc, thân thiện Tỳ Kheo Ni cùng các xử nữ, chứa hai hạng sa di, thường đến nhà hàng thịt, thợ săn, quán rượu, và chổ ở của Chiên Đà La, buôn bán các loại, tự tay làm đồ ăn, nhận đi xứ lân quốc, lãnh lịnh đi thơ. Nên biết rằng người như trên đây là quyến thuộc của ma, không phải đệ tử Pohật. Do nhơn duyên nầy mà tâm cùng tham chung sanh, chung diệt. Sân và si cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử! Do đây nên tâm tánh chẳng phải tịnh, cũng chẳng phải bất tịnh. Vì thế nên ta nói rằng tâm được giải thoát.
Nếu có người không nhận, không chứa tất cả vật bất tịnh, vì Đại Niết Bàn mà thọ trì đọc tụng mười hai bộ kinh, biên chép giải thuyết. Nên biết rằng người nầy thật là đệ tử Phật. Người nầy không đi nơi cảnh giới của ác ma Ba Tuần. Người nầy chính là tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì tu tập nên chẳng cùng tham mà sanh, cũng chẳng cùng với tham mà diệt.
Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tám.
Thế nào là thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín?
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, đầu tiên phát năm điều thời được thành tựu phần công đức nầy: Một là tín tâm ; hai là trực tâm ; ba là giới ; bốn là gần gũi bạn lành, năm là học rộng nghe nhiều.
Thế nào là tín tâm?
Bồ tát tin nơi TAM BẢO, bố thí cúng dường thời có quả báo. Tin nơi hai đế lý, đạo nhứt thừa không có nẻo nào khác, vì muốn chúng sanh mau được giải thoát mà chư Phật và Bồ tát phân biệt làm ba thừa. Tin đế lý đệ nhứt nghĩa. Tin thiện phương tiện: Đây gọi là tin.
Người có lòng tin như trên đây, không ai phá hoại được. Do đức tin nầy mà được tánh thánh nhơn. Người nầy tu hành bố thí không luận ít nhiều đều được gần nơi Đại Niết Bàn, chẳng đọa nơi sanh tử. Như bố thí, trì giới , đa văn và trí huệ cũng vậy. Dầu có tín tâm nầy nhưng cũng chẳng chấp. Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thành tựu điều ban đầu.
Thế nào là trực tâm?
Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, có lòng chất trực.
Tất cả chúng sanh , nếu gặp nhơn duyên thời móng lòng dua vạy. Bồ Tát thời không như vậy, vì hiểu rõ các pháp đều là nhơn duyên. Bồ Tát dầu thấy chúng sanh có những lỗi lầm, mà trọn không nói đến, vì sợ sanh phiền não, nếu sanh phiền não thời phải đọa ác thú.
Bồ Tát nầy nếu thấy chúng sanh có chút ít điều lành liền tán thán đó. Gì là lành? Chính là Phật tánh. Do Bồ Tát tán thán Phật tánh nên chúng sanh phát tâm Bồ Đề.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Như đức Phật vừa nói: Bồ Tát tán thán Phật tánh làm cho chúng sanh phát tâm Bồ Đề. Lời đây không đúng nghĩa. Vì đức Như Lai lúc mới khai kinh Niết Bàn nói có ba hạng: Một là nếu có người bịnh gặp được thầy giỏi thuốc hay, người khán bịnh khéo thời được lành mạnh, nếu không đuợc như trên thời bịnh không lành ; hai là được gặp hay không được gặp đều không được lành ; ba là được gặp hay không được gặp bịnh đều lành.
Tất cả chúng sanh cũng có ba hạng như vậy: Một là hạng gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, nghe nói diệu pháp thời được phát tâm Bồ Đề, nếu không gặp thời không phát, đây là chỉ cho các bực Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.
Hai là hạng dầu được gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, được nghe diệu pháp cũng chẳng phát tâm Bồ Đề, đây là nói hạng Nhứt Xiển Đề.
Ba là hạng hoặc gặp hay chẳng gặp, tất cả đều có thể phát tâm Bồ Đề, đây là nói Bồ Tát.
Nếu đã nói rằng gặp cùng chẳng gặp tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ Đề, giờ đây tại sao đức Như Lai lại nói: Do tán thán Phật tánh làm cho chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ Đề?
Thế Tôn! Nếu nói rằng gặp cùng chẳng gặp đều không thể phát tâm Bồ Đề cả, lời nầy cũng không đúng nghĩa, vì hạng nầy sẽ được vô thượng Bồ Đề. Hạng Nhứt Xiển Đề do vì có Phật tánh, nên hoặc được gặp hay không được gặp, cũng đều sẽ được vô thượng Bổ Đề.
Thế Tôn! Như đức Phật định nghĩa Nhứt Xiển Đề là dứt thiện căn, cũng không đúng. Vì hạng nầy không dứt Phật tánh. Cứ lý thời Phật tánh không thể dứt, sao đức Phật nói là dứt thiện căn?
Như trong mười hai bộ kinh của Phật nói ngày trước, có hai thứ thiện căn: Thường và vô thường. Thiện căn thường thời không dứt, còn vô thường thời dứt.
Thiện căn vô thường có thể dứt nên đọa địa ngục. Còn thường chẳng thể dứt, cớ sao đức Phật chẳng có lời ngăn?
Chẳng dứt Phật tánh chẳng phải nhứt xiển đề, cớ sao đức Phật lại nói là nhứt xiển đề?
Thế Tôn! Nếu nhơn Phật tánh mà phát tâm vô thượng Bồ Đề, cớ sao Như Lai lại vì chúng sanh nói rộng mười hai bộ kinh?
Thế Tôn! Như bốn con sông lớn từ ao A Na Bà Đạp Đa chảy ra, nếu có trời, người, cùng chư Phật cũng không thể bảo rằng nước sông lớn nầy không chảy vào biển cả sẽ trở lại nguồn.
Cũng vậy, người có Phật tánh, không luận nghe pháp hay không nghe, có giới hay không giới, có bố thí hay không bố thí, có tu hay không tu, có trí hay không trí, tất cả lẽ ra đều được vô thượng Bồ Đề.
Thế Tôn! Như từ núi A Đà Diên, mặt trời mọc lên đến hướng chánh nam, không bao giờ mặt trời có thể nghĩ rằng ta không đến hướng Tây, ta trở lại phương Đông. Cũng vậy, đã có Phật tánh không có lẽ chẳng được vô thượng Bồ Đề mặc dầu không nghe pháp, không trì giới, không bố thí, không tu, không trí huệ.
Thế Tôn! Như Lai nói tánh nhơn quả là chẳng phải có chẳng phải không. Nghĩa nầy cũng chẳng đúng.
Vì như trong sữa không có tánh của chất lạc, thời tất không có lạc. Như hột ni câu đà không có tánh cây năm trượng cao, thời tất không mọc lên cây cao năm trượng. Nếu trong Phật tánh không có cội vô thượng Bồ Đế, sao lại có thể sanh cội Bồ Đề vô thượng. Cứ như nghĩa nầy, thời làm sao hiệp với nghĩa nhơn quả chẳng phải có chẳng phải không của Phật đã nói?
Đức Thế Tôn tán thán rằng: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện nam tử! Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu như hoa Ưu Đàm: Một là người không phạm tội ác ; hai là người có tội biết hối cải.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là làm ơn ; hai là nhớ ơn.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là học hỏi điều mới ; hai là ôn nhuần điều học cũ không quên.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là tạo ra mới, hai là tu sửa chỗ cũ.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là thích nghe pháp ; hai là thích thuyết pháp.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là khéo gạn hỏi ; hai là khéo giải đáp.
Người khéo gạn hỏi chính là ông vậy. Người khéo giải đáp chính là Như Lai vậy.
Nầy Thiện nam tử! Do nơi khéo gạn hỏi bèn chuyển được pháp luân vô thượng, có thể làm khô cây do mười hai nhơn duyên, có thể qua khỏi sông lớn sanh tử vô biên, có thể chiến đấu với ma vương Ba Tuần, có thể xô ngã thắng tràng của Ba Tuần dựng.
Nầy Thiện nam tử! Như trước kia Phật nói ba hạng bịnh nhơn, hạng gặp thầy giỏi, thuốc hay, khán bịnh khéo, cùng không gặp đều được lành mạnh, đó là vì thọ mạng quyết định, do vì người nầy trong vô lượng đời đã tu ba thứ thiện căn: Thượng, Trung và Hạ, nên được thọ mạng quyết định. Như người Uất Đơn Việt tuổi thọ ngàn năm, nếu mắc phải bịnh , dầu gặp thầy gặp thuốc được săn sóc kỹ, cùng không gặp đều sẽ được lành mạnh cả, vì họ đã được tuổi thọ quyết định.
Hạng bịnh nhơn nếu gặp thầy giỏi thuốc hay, khán bịnh khéo thời được lành, bằng không gặp thời chẳng lành, đây là những người thọ mạng không quyết định. Hạng người nầy dầu thọ mạng chưa hết, song có chín nhơn duyên có thể làm họ chết yểu: Một là biết ăn sẽ không an mà cứ ăn, hai là ăn quá nhiều ;l ba là ăn chưa tiêu mà lại ăn nữa ; bốn là đại tiều không điều hòa ; năm là lúc bịnh không nghe theo lời chỉ dẫn của y sĩ ; sáu là chẳng nghe lời dặn bảo của người khán bịnh ; bảy là cố nín nhẫn không chịu ói ; tám là đi đêm, vì đi đêm sẽ bị ác quỷ, ác trùng làm hại ; chín là phòng thất quá độ. Do đây nên Phật nói hạng bịnh nhơn nầy gặp thầy gặp thuốc thời lành, nếu không gặp thời không lành.
Hạng bịnh nhơn gặp thầy gặp thuốc hay không gặp đều không được lành mạnh, đây là những người tuổi thọ đã hết.
Chúng sanh cũng như vậy. Người phát tâm Bồ Đề, nếu gặp bạn lành, chư Phật, Bồ Tát, được học hỏi pháp cao sâu, hoặc không được gặp được học, tất cả đều sẽ được thành, vì người nầy đã có thể phát tâm vô thượng Bồ Đề. Như người Uất Đơn Việt có thọ mạng quyết định.
Hàng nhị thừa từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật, nếu được nghe thiện hữu, Chư Phật, Bồ Tát giảng nói pháp Đại Thừa thời có thể phát tâm Bồ Đề, nếu không gặp không nghe thời không thể phát tâm Bồ Đề vô thượng. Như người thọ mạng không quyết định, do chín duyên làm cho họ phải yểu thọ, nếu gặp Thầy gặp thuốc thời lành, không gặp thời bịnh không lành.
Hạng nhứt xiển đề, dầu có gặp thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, có nghe pháp cao sâu, hay không nghe không gặp, đều không thể lìa tâm nhứt xiển đề, vì họ đã dứt thiện căn. Hạng nhứt xiển đề cũng được thành vô thượng Bồ Đề, vì nếu có thể phát tâm Bồ Đề vô thượng thời chẳng còn gọi là nhứt xiển đề.
Nầy Thiện nam tử! tại sao nói hạng nhứt xiển đề được vô thượng Bồ Đềà?
Hạng nhứt xiển đề, thật ra không thể được vô thượng Bồ Đề, như người tuổi thọ đã hết, dầu gặp thầy gặp thuốc, cũng không lành bịnh được.
Nầy Thiện nam tử! “ Nhứt Xiển” gọi “Tín”, “Đề” là bất cụ, bất cụ tín gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là tín ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; bởi bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là thiện phương tiện ; “Đề” là bất cụ, vì tu thiện phương tiện chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là tu thiện phương tiện ; chúng sanh chẳng phải là cụ ;l bởi bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt xiển” gọi là tiến: “Đề” là bất cụ ; vì tinh tiến chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là tiến ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển”gọi là niệm ;:”Đề” là bất cụ ; vì niệm chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là niệm, chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là định, “Đề” là bất cụ ; vì định chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là định ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là huệ ; “Đề” là bất cụ ; vì huệ chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là huệ ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là vô thường thiện ; “‘Đề” là bất cụ ; vì vô thường thiện chẳng đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh là thường, chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện. Vì thiện pháp là từ phương tiện mà được, mà Phật tánh chẳng phải từ phương tiện được, nên gọi là chẳng phải thiện.
Do Phật tánh có thể được thiện quả vô thượng Bồ Đề, nên nói là chẳng phải bất thiện.
Lại vì thiện pháp sanh rồi mà được, còn Phật tánh không phải sanh rồi mà được nên nói là chẳng phải thiện.
Bởi dứt cả thiện pháp sanh và được, nên gọi là nhứt xiển đề.
Nầy Thiện nam tử! Như ông gạn hỏi nếu nhứt xiển đề có Phật tánh, tại sao không ngăn tội địa ngục?
Nầy Thiện nam tử! Trong nhứt xiển đề không có Phật tánh.
Ví như nhà vua nghe tiến đờn véo von thánh thót, quá thích thú say sưa, bèn bảo đại thần: Tiếng quá hay như thế từ đâu mà có?
Đại thần tâu là từ cây đờn phát ra tiếng ấy.
Nhà vua truyền đem đờn đến trước mặt, rồi bảo cây đờn kêu đi! Kêu đi! Cây đờn vẫn không kêu. Nhà vua bèn bứt dây, rọc da, chẻ cây, tìm mãi vẫn không có tiếng. Nhà vua nổi giận trách đại thần là tâu dối.
Đại thần phân trần: Nếu muốn cho đờn kêu ra tiếng thời phải khéo khảy đánh, chớ không phải làm cách như vậy.
Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, vốn không chỗ trụ. Dùng phương tiện khéo thời thấy được. Vì được thấy nên được vô thượng Bồ Đề.
Hạng nhứt xiển đề không thấy Phật tánh, làm thế nào ngăn được tội ba
ác đạo!
Nầy Thiện nam tử! Nếu nhứt xiển đề tin có Phật tánh, nên biết rằng người nầy không bị sa vào ba ác đạo, cũng chẳng còn gọi là nhứt xiển đề.
Nầy Thiện nam tử! Như lời ông gạn, nếu trong sữa không có tánh của chất lạc thời lẽ ra chẳng có lạc ; nếu trong hột Ni Câu Đà không có tánh cao năm trượng thời lẽ ra không mọc lên cây cao năm trượng?
Kẻ ngu si mới nói như thế, người trí không bao giờ nói như thế, vì là không có tánh vậy.
Nầy thiện nam tử! Nếu trong sữa có tánh của chất lạc lẽ ra chẳng cần nhờ công lực các duyên. Như nước và sữa trộn lộn, rồi nằm chờ đến mãn tháng trọn không thành lạc. Nếu dùng một giọt sữa rồi tìm nước cây nhễu vào bèn thành lạc. Nếu vốn đã có lạc sao lại phải nhờ duyên.
Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, nhờ các duyên thời được thấy, nhờ các nhơn duyên thành vô thượng Bồ Đề. Nếu phải chờ các nhơn duyên rồi sau mới thành thời chính là vô tánh vậy. Do vô tánh nên có thể thành vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử! Do cớ trên đây nên Đại Bồ Tát thường tán thán điều lành của người, chẳng rao nói lỗi xấu của kẻ khác, đây gọi là chất trực tâm.
Lại thế nào là Bồ Tát có tâm chất trực? Bồ Tát thường không phạm lỗi ác. Thiết sử có lầm lỗi thời liền sám hối với thầy, với bạn đồng học, trọn chẳng che giấu. Tự hổ thẹn, tự trách, chẳng dám tái phạm. Nơi tội khinh xem dường rất nặng. Nếu người gạn hỏi liền đáp rằng thiệt có phạm, là chẳng tốt, là chẳng lành, tội nầy là quả ác, là chính tôi gây tạo đây là do phiền não cấu tập. Do trực tâm nên tin có Phật tánh, vì tin Phật tánh nên không gọi là nhứt xiển đề. Do trực tâm nên gọi là đệ tử Phật. Nếu lãnh thọ đồ cúng dường của người, dầu mỗi thứ cả ngàn muôn cũng chẳng đủ làm nhiều.
Đây gọi là Bồ Tát tâm chất trực.
Thế nào là Bồ Tát tu trì giới luật?
Bồ Tát tu trì cấm giới, chẳng cầu sanh thiên, chẳng vì khủng bố, nhẫn đến chẳng thọ cẩu giới, kê giới, ngưu giới, trĩ giới. Chẳng thật hành phá giới, giới khuyết điểm, giới tỳ vết, giới tạp, giới Thanh Văn, mà thọ trì giới Đại Bồ Tát, thọ trì giới Thi La Ba La Mật được giới đầy đủ chẳng sanh kiêu mạn.
Đây gọi là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn trọn nên công hạnh thứ ba là giới.
Thế nào là Bồ Tát gần gũi thiện hữu?
Đại Bồ Tát thường vì chúng sanh nói thiện đạo chẳng nói ác đạo. Nói ác đạo chẳng phải quả báo lành tốt.
Nầy Thiện nam tử! Thân của Phật đây là chơn thiện tri thức của tất cả chúng sanh, vì thế nên có thể dứt tà kiến của Bà La Môn Phú Dà La. Nếu có chúng sanh nào gần gũi Phật, dầu có tội địa ngục cũng liền được sanh thiên, như gã Tu Na Sát Đa La v.v… đáng lẽ đọa địa ngục, do gặp được Phật tội liền tiêu trù mà sanh lên trời cõi sắc.
Dầu có các ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…, nhưng chẳng gọi là chơn thiện tri thức của chúng sanh, vì các ông ấy là nhơn duyên sanh tâm nhứt xiển đề vậy.
Nầy Thiện nam tử! Ngày trước lúc Phật ở nước Ba La Nại, ông Xá Lợi Phát có dạy hai đệ tử: Một người tu bạch cốt quán, một người tu sổ tức quán. Trải qua nhiều năm tu tập, cả hai người đều không được chánh định bèn sanh tà kiến cho rằng không Niết Bàn vô lậu, giả sử có thời chúng tôi đã được, vì chúng tôi khéo trì giới, tinh tấn tu.
Phật rõ việc nầy bèn gọi Xá Lợi Phất mà quở rằng: Ông không khéo dạy dổ. Sao ông thuyết pháp điên đảo cho hai đệ tử như vậy. Hai đệ tử của ông đó, căn tánh đều khác nhau: Một người vốn là thợ giặt, một người vốn là thợ kim hoàn. Thợ kim hoàn nên truyền pháp sổ tức quán, người thợ giặt phải dạy bạch cốt quán. Vì ông dạy lầm nên làm cho cả hai sanh tà kiến.
Quở xong, Phật chỉ dạy cho hai người đệ tử tu quán như đã bảo với ông Xá Lợi Phất. Sau đó hai người đều chứng quả A La Hán. Vì thế nên Phật là chơn thiện tri thức của tất cả chúng sanh.
Giả sử có chúng sanh nào kiết sử cực trọng mà được gặp Phật, Phật liền dùng phương tiện dứt trừ được cả.
Như em Phật, ông Nan Đà, có dục vọng rất nặng, Phật dùng phương tiện khéo làm cho Nan Đà hết dục vọng.
Như gã Ươn Quật Ma La có lòng sân rất nặng, do gặp Phật mà hết sân.
Vua A Xà Thế có ngu si dày, đến ra mắt Phật liền hết ngu si.
Như trưởng giả Bà Hi Dà từ vô lượng kiếp quen tập phiền não rất nặng, quy y với Phật liền sạch phiền não.
Giả sử có kẻ tệ ác hèn hạ, được gần gũi Phật làm đệ tử, thời tất cả trời người đều cung kính mến tưởng.
Ông Thi Hội Cúc Đa tà kiến rất nặng, nhơn gặp Phật mà hết tà kiến.
Do gặp Phật nên tiêu tội địa ngục thành duyên sanh thiện, như gã chiên đà la Khí Hứ.
Do gặp Phật, nên lúc sắp chết trở lại được sống lâu, như Thiên Đế Kiều Thi Ca.
Do gặp Phật, nên hết điên cuồng, như Sấu Cù Đàm Di.
Do gặp Phật, nên bỏ nghề giết thịt, như Tỳ Kheo Xiển Đề.
Do gặp Phật, nên thà chết chớ không phạm cấm giới, như các Tỳ Kheo bị trói bằng dây cỏ tươi.
Do nghĩa trên đây, nên A Nan nói nửa phần phạm hạnh là thiện tri thức, Phật bảo là không phải. Đầy đủ phạm hạnh mới gọi là thiện tri thức.
Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn trọn nên điều thứ tư là gần gũi thiện tri thức.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đa văn?
Đại Bồ Tát vì Đại Niết Bàn, mười hai bộ kinh mà biên chép, đọc tụng, giải thuyết, thời gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Trừ mười một bộ kinh, chỉ thọ trì , đọc tụng, biên chép, giải thuyết bộ Tỳ Phật Lược, cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Trừ cả mười hai bộ kinh, nếu có thể thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải thuyết kinh điển vi diệu Đại Niết Bàn nầy thời gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Không đợi thọ trì toàn bộ kinh nầy, chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, hoặc chỉ có thể thọ trì câu Như Lai thường trụ tánh không biến đổi ; đây gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Không đợi như trên, hoặc chỉ biết rằng Như Lai thường không thuyết pháp, cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn, vì pháp vốn vô tánh. Như Lai dầu giảng nói tất cả pháp nhưng thường không chỗ n ói.
Đây gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết Bàn trọn nên điều thứ năm là đầy đủ đa văn.
Nầy Thiện nam tử! Nếu có nam tử cùng nữ nhơn nào vì Đại Niết Bàn mà trọn nên năm điều như trên thời làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, thí được việc khó thí.
Thế nào Bồ Tát làm được việc khó làm?
Nếu nghe có người mỗi ngày ăn một hột mè mà được thành vô thượng Bồ Đề, vì tin theo đây, Bồ Tát có thể trong vô lượng vô số kiếp, mỗi ngày thường ăn một hột nè.
Nếu nghe rằng vào lửa mà được thành vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát có thể trong vô lượng kiếp vào trong lửa dữ ở ngục A Tỳ.
Thế nào là Bồ Tát nhẫn được việc khó nhẫn?
Nếu nghe rằng chịu những đau khổ: Tay đánh gậy đập, đá ném, dao chém mà được Đại Niết Bàn, Bồ Tát có thể chịu đủ tất cả sự khổ ấy trong vô lượng kiếp mà không thấy là đau khổ.
Thế nào là Bồ Tát thí được việc khó thí?
Nếu nghe rằng đem vợ con, nhà nước, đầu mắt tủy não bố thí cho người thời được thành vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát liền ở trong vô lượng vô số kiếp đem những thứ ấy bố thí cho người, không một niệm hối tiếc.
Bồ Tát dầu làm, dầu nhẫn, dầu bố thí như vậy, song trọn không có quan niệm rằng tôi làm, tôi nhẫn, tôi bố thí.
Ví như cha mẹ chỉ có một con trai, rất mến yêu con, cho con ăn ngon mặc đẹp. Nếu bị con khinh khi mắng hỗn, cha mẹ cũng không hờn giận, cũng chẳng nghĩ công nuôi dưỡng.
Cũng vậy, Bồ Tát xem chúng sanh như con một.
Nếu con phải bịnh, thời cha mẹ cũng bịnh, lo tìm thầy chạy thuốc ; khi con đã được lành mạnh, cha mẹ cũng chẳng nghĩ rằng ta lo chạy chữa cho con.
Cũng vậy, Bồ Tát thấy chúng sanh bị mắc bịnh phiền não, thương xót đem chánh pháp dạy cho. Nhờ nghe chánh pháp mà chúng sanh dứt được phiền não. Bồ Tát trọn không nghĩ rằng ta làm cho chúng sanh hết phiền não. Nếu có quan niệm chúng sanh được độ thời không thể thành vô thượng Bồ Đề. Chỉ có quan niệm rằng không có một chúng sanh nào được nghe ta thuyết pháp mà dứt phiền não.
Bồ Tát đối với chúng sanh không có lòng sân hận, không có lòng hỷ lạc, vì Bồ Tát khéo tu tập không tam muội. Nếu là tu tập không tam muội, thời Bồ Tát còn sanh sân, sanh hỷ đối với ai?
Ví như cụm rừng kia bị người chặt đốn, bị lửa cháy, bị nước ngập, cụm rừng sẽ sanh sân hỷ với ai? Cũng vậy, đối với chúng sanh Bồ tát không có lòng sân hỷ , vì đã khéo tu tập không tam muội vậy .
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! tất cả các pháp là tánh nó tự không, hay là vì không, không nên không?
Nếu tánh nó tự không thời chẳng nên tu không rồi sau mới thấy được không. Tại sao đức Như Lai nói do tu không mà được thấy không?
Nếu tánh nó tự chẳng không , thời dầu có tu không, cũng chẳng thể làm cho nó thành không?
Phật bảo: “ Nầy Thiện nam tử! Tất cả các pháp tánh của nó tự không, vì tánh của tất cả pháp vốn là bất khả đắc vậy .
Như sắc tánh bất khả đắc. Thế nào là sắc tánh? Xét nơi sắc, chẳng phải là địa, thủy , hỏa , phong, cũng chẳng rời ngoài địa, thủy, hỏa, phong ; chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, cũng chẳng rời ngoài xanh, vàng, đỏ, trắng ; chẳng phải có, chẳng phải không, đâu có thể nói là sắc có tự tánh. Vì tánh bất khả đắc nên gọi là không.
Tất cả pháp khác cũng như vậy.
Bởi tương tợ tương tục nên phàm phu theo kiến thức của mình mà cho là các pháp tánh chẳng không tịch. Còn Đại Bồ Tát nhờ đầy đủ năm công hạnh nên thấy tất cả pháp, tánh vốn không tịch.
Nầy Thiện nam tử! Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn nào thấy tất cả pháp, tánh chẳng không, phải biết rằng người đó không phải là Sa Môn, Bà La Môn, người đó không tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được vào Đại Niết Bàn, chẳng được hiện tiền thấy Phật, Bồ Tát ; người đó là quyến thuộc của ma.
Nầy Thiện nam tử! tất cả các pháp tánh nó vốn tự không, cũng do Bồ Tát tu tập không mà thấy các pháp là không.
Nầy Thiện nam tử! Như tất cả pháp vì tánh nó vô thường nên diệt có thể diệt được. Nếu chẳng phải là vô thường thời diệt chẳng thể diệt được.
Pháp hữu vi, vì có sanh tướng nên sanh có thể sanh nó, vì có diệt tướng nên diệt có thể diệt nó. Các pháp vì có tướng khổ nên khổ có thể làm cho khổ?
Như tánh muối là mặn nên có thể ướp mặn vật khác. Vì tánh mật là ngọt nên có thể ướp ngọt vật khác. Vì tánh giấm là chua nên có thể ướp chua vật khác. Vì tánh gừng là cay nên có thể ướp cay vật khác. Vì A Lê Lặc đắng nên có thể ướp đắng vật khác. Vì trái Am La lạt nên có thể ướp lạt vật khác. Tánh chất độc có thể làm hại, nên ướp vật khác thành độc có thể làm hại. Tánh cam lộ làm cho người không chết, nếu đem hiệp với vật khác cũng có thể thành vị bất tử?
Bồ Tát tu không cũng như vậy. Vì tu không nên thấy tất cả pháp, tánh của nó đều không tịch.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát lại bạch: “ Thế Tôn! Nếu như muối có thể làm cho vật không phải mặn thành ra mặn. Tu không tam muội cũng như vậy, thời chánh định nầy không lành, không diệu, tánh cách điên đảo. Nếu không tam muội chỉ thấy không, không là không có pháp thời là thấy những gì?”
Phật bảo: “ Nầy Thiện nam tử! Không tam muội nầy thấy nơi pháp chẳng phải không, mà có thể làm thành không tịch, nhưng vẫn chẳng phải là điên đảo. Như muối làm vật không mặn thành mặn. Cũng vậy, không tam muội làm pháp chẳng không thành không.
Nầy Thiện nam tử! Tham là tánh có chẳng phải tánh không. Nếu tham là tánh không thời lẽ ra chúng sanh chẳng vì tham mà phải đọa địa ngục. Nếu bị đọa địa ngục, thời tham tánh đâu phải là không!
Nầy Thiện nam tử! Sắc tánh là có. Gì là sắc tánh? Chính là điên đảo. Do điên đảo nên chúng sanh tham đắm. Nếu sắc tánh chẳng phải điên đảo thời đâu có thể làm cho chúng sanh tham đắm! Vì sanh tham nên biết rằng sắc tánh chẳng phải là không có. Do cớ trên đây nên tu không tam muội chẳng phải là điên đảo vậy.
Nầy Thiện nam tử! Tất cả phàm phu nếu thấy người nữ liền sanh tướng nữ.
Bồ Tát thời không như vậy, dầu thấy người nữ nhưng không sanh tướng nữ, vì không sanh tướng nữ nên không sanh tham ; tham không sanh chẳng phải là điên đảo vậy.
Vì người đời thấy có người nữ, nên Bồ Tát tùy thuận nói có người nữ. Nếu lúc thấy người nam mà nói là nữ, thời là điên đảo.
Do đây nên Phật bảo Xa Đề rằng: Nầy Bà La Môn! Nếu cho ngày là đêm, thời là điên đảo. Cho đêm là ngày cũng là điên đảo.
Nầy Thiện nam tử! Tất cả Bồ Tát trụ bực cửu địa thấy pháp có tánh, do đây nên không thấy Phật tánh, nếu đã thấy Phật tánh thời chẳng còn thấy tánh tất cả pháp. Do tu tập không tam muội nên chẳng thấy pháp tánh. Vì không thấy
Pháp tánh nên thấy Phật tánh.
Chư Phật và Bồ Tát có hai thuyết: Một là có tánh, hai là không tánh.
Vì chúng sanh nên nói có Pháp tánh, vì các bực hiền thánh nên nói không Pháp tánh.
Vì muốn người không thấy được pháp không, nên tu không tam muội khiến thấy được không. Người không thấy pháp tánh cũng do tu không nên không. Do nghĩa nầy nên tu không thời thấy được không.
Nầy Thiện nam tử! Ông gạn rằng: Người thấy không đó, không là không có pháp thời thấy những gì?
Nầy Thiện nam tử! Đúng như vậy, Đại Bồ Tát thiệt không chỗ thấy, không chỗ thấy chính là không chỗ có, không chỗ có chính là tất cả pháp. Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn nơi tất cả pháp đều không chỗ thấy. Nếu có chỗ thấy thời không thấy Phật tánh, không thể tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Chẳng được vào nơi Đại Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát thấy tất cả pháp, tánh vô sở đắc.
Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát chẳng những nhơn tu tam muội mà thấy không, Bát Nhã Ba La Mật cũng không, thiền Ba La Mật cũng không, Tỳ Lê Gia Ba La Mật cũng không, Sằn Đề Ba La Mật cũng không, Thi La Ba La Mật cũng không, Đàn Ba La Mật cũng không, sắc cũng không, nhãn cũng không, thức cũng không, Như Lai cũng không, Đại Niết Bàn cũng không. Vì thế nên Bồ Tát thấy tất cả pháp đều là không.
Do đây nên lúc ở thành Ca Tỳ La, Phật bảo A Nan: Ông chớ sầu não khóc lóc! _ A Nan bạch: Thế Tôn! Nay quyến thuộc của tôi đều bị giết chết cả, làm sao tôi không sầu não khóc lóc được! Như Lai cùng tôi đồng sanh trưởng tại thành nầy, đồng là thân thích của dòng Thích Ca, tại sao chỉ riêng có Như Lai là không sầu não, dung nhan lại tươi sáng như vậy?
_ Nầy A Nan! Ông thấy thành Ca Tỳ La là có thật, còn Phật thời thấy là không tịch trọn không chỗ có. Ông thấy dòng Thích Ca là thân thích, còn Phật vì tu không nên đều không chỗ thấy. Vì thế nên ông sanh lòng sầu khổ, còn dung nhan của Phật càng thêm tươi sáng.
Nầy Thiện nam tử! Vì chư Phật và Bồ Tát tu tập không tam muội như vậy nên chẳng sanh sầu não.
Đây gọi là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín.
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ mười rốt sau cả?
Bồ Tát tu tập ba mươi bảy phần trợ đạo vào Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh. Vì các chúng sanh phân biệt gỉai thuyết kinh Đại Niết Bàn hiển thị Phật tánh.
Nếu Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát tin lời trên đây thời được vào Đại Niết Bàn. Nếu người không tin thời luân hồi sanh tử .
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “ Thế Tôn! Những chúng sanh nào ở trong kinh nầy chẳng sanh lòng cung kính?
Phật bảo: “ Nầy Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết Bàn có hàng Thanh Văn đệ tử ngu si phá giới ưa sanh sự đấu tranh, bỏ mười hai bộ kinh, mà đi đọc tụng văn kệ sách vở của ngoại đạo, nhận chứa tất cả vật bất tịnh, nói rằng Phật cho phép. Những người ngu si nầy đem chiên đàn tốt đổi lấy gỗ tạp, đem vàng đổi lấy thau, đem bạc đổi lấy nhôm, hàng lụa đổi lấy bố gai, đem vị cam lộ đổi lấy chất độc.
Thế nào là chiên đàn đổi lấy gỗ tạp?
Như các đệ tử vì cúng dường mà thuyết kinh pháp cho hàng bạch y. Hàng bạch y phóng dật không thích nghe pháp. Bạch y ngồi cao, Tỳ Kheo ngồi thấp. Nhẫn đến đem những đồ ăn uống ngon để cung cấp mà họ vẫn chẳng bằng lòng nghe. Đây gọi là đem chiên đàn đổi lấy gỗ tạp.
Thế nào là đem vàng đổi lấy thau?
Thau là dụ cho sắc thinh, hương, vị, xúc năm dục trần, vàng là dụ cho giới. Đệ tử của ta vì sắc mà phá giới đã thọ. Đây là đem vàng đổi lấy thau.
Thế nào là đem bạc đổi lấy nhôm?
Bạc dụ cho thập thiện, nhôm dụ cho thập ác. Đệ tử của ta vất bỏ mười hạnh lành mà làm mười điều ác. Đây gọi là đem bạc đổi lấy nhôm vậy?
Thế nào là đem lụa đổi gai bố?
Gai bố dụ cho vô tàm vô quý. Lụa dụ cho tàm quý. Đệ tử của ta bỏ tàm quý quen tập vô tàm vô quý. Đây là đem lụa đổi gai vậy?
Thế nào là vị cam lồ đổi chất độc?
Chất độc dụ cho các thứ lợi dưỡng. Cam lồ dụ cho pháp vô lậu. Đệ tử của ta vì lợi dưỡng mà tự khen tự khoe với hàng bạch y rằng mình được vô lậu. Đây là cam lồ đổi chất độc.
Sau nầy kinh Đại Niết Bàn lưu hành ở Diêm Phù Đề, có các đệ tử Phật thọ trì, đọc tụng, biên chép, diễn thuyết sẽ bị các ác Tỳ Kheo đây giết hại.
Lúc đó các ác Tỳ Kheo nhóm họp nhau lập chế ước nghiệm rằng: Vị nào đọc tụng thọ trì biên chép diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn, đều chẳng được cùng ở, cùng ngồi, cùng đàm luận chuyện trò. Vì kinh Đại Niết Bàn chẳng phải của Phật nói, do người tà kiến tạo ra. Người tà kiến là lục sư, kinh điển của lục sư chẳng phải kinh điển của Phật. Vì tất cả chư Phật đều nói các pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nếu nói các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh thời đâu phải là kinh do Phật nói.
Chư Phật cho các đệ tử chứa các thứ vật, còn lục sư chẳng cho các đệ tử cất chứa tất cả vật. Nếu cấm chứa thời thế nào lại là lời của Phật?
Chư Phật chẳng cấm đệ tử dứt hẳn năm vị sữa bò và ăn thịt. Còn lục sư chẳng cho ăn năm thứ muối, năm thứ vị sữa bò và huyết mỡ. Nếu cấm những thứ nầy thời đâu phải là kinh điển chánh của Phật!
Chư Phật nói ba thừa, mà kinh nầy thuần nói nhứt thừa và Đại Niết Bàn, thời đâu gọi là kinh điển chánh của Phật được!
Chư Phật rốt ráo nhập Niết Bàn, còn kinh nầy nói Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng nhập Niết Bàn.
Kinh nầy không ở trong số mười hai bộ, chính là ma thuyết, chẳng phải Phật thuyết.
Nầy Thiện nam tử! Người như trên đây dầu là đệ tử Phật mà chẳng thể tin thuận kinh Đại Niết Bàn nầy.
Nầy Thiện nam tử! Trong thời kỳ như vậy, nếu có chúng sanh tin kinh điển nầy nhẫn đến nửa câu, phải biết rằng người nầy thiệt là đệ tử của Phật, do sự tin nầy mà thấy Phật tánh nhập Đại Niết Bàn.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát nói: “ Lành thay! Lành thay! Ngày nay đức Như Lai khéo khai thị kinh Đại Niết Bàn.
Thế Tôn! Tôi nhơn việc nầy bèn được giải ngộ kinh Đại Niết Bàn một câu nửa câu. Do hiểu một câu đến nửa câu nên thấy chút phần Phật tánh. Cứ như lời Phật nói, tôi cũng sẽ được vào Đại Niêt Nàn.
Đây gọi là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ mười.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]