Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

185. Kinh Ngưu giác sa-la lâm (II) [1]

10/05/201313:28(Xem: 14792)
185. Kinh Ngưu giác sa-la lâm (II) [1]

Kinh Trung A Hàm

185. Kinh Ngưu giác sa-la lâm (II) [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa đến Na-ma-đề-sấu[2], ở tại tinh xá Kiền-kì[3].

Bấy giờ, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y trì bát, vào Na-ma-đề khất thực. Sau khi ăn xong, vào buổi chiều, Ngài đi đến khu rừng Ngưu giác sa-la[4]. Có ba người con dòng quý tộc cùng ở trong đó, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la[5].

Ba Tôn giả ấy làm như vầy. Nếu ai khất thực đi về trước thì trải giường, múc nước, mang dồ rửa chân ra, để sẵn ghế rửa chân, khăn lau chân, bình đựng nước, chậu rửa. Nếu có thể ăn hết đồ ăn đã xin được thì cứ ăn. Nếu còn dư thì cho vào đồ chứa đậy kín cất. Ăn xong, cất bình bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào nhà ngồi tĩnh tọa. Nếu ai khất thực đi về sau, có thể ăn hết đồ ăn thì cứ ăn. Nếu không đủ thì lấy đồ dư của người trước đem ra ăn cho đủ. Nếu còn dư nữa thì đem đổ chỗ đất sạch hay trong nước không có trùng. Người ấy lấy đồ đựng của người kia rửa, lau thật sạch rồi đem treo một bên, dọn dẹp giường chiếu, nhặt ghế rửa chân, thâu khăn lau chân, cất đồ rửa chân, bình nước và chậu rửa, dọn dẹp nhà ăn sạch sẽ rồi thâu cất y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt trên vai, vào nhà tĩnh tọa.

Ngồi đến xế, trong các Tôn giả ấy, nếu ai đang tĩnh tọa mà ngồi dậy trước, thấy bình nước và chậu rửa chân không có nước thì phải đem đi lấy. Nếu xách nổi thì xách, bằng không thì vẫy tay một Tỳ-kheo khác, hai người cùng khiêng, mỗi người khiêng một phía, không nói chuyện với nhau, không hỏi gì nhau.

Các vị ấy cứ năm ngày họp một lần, hoặc để nói pháp, hoặc yên lặng cả theo các bậc Thánh.

Bấy giờ người giữ rừng thấy Thế Tôn từ xa đi đến, đón ngăn lại, quở rằng:

“Sa-môn! Sa-môn! Chớ có vào khu rừng này. Vì sao? Hiện nay trong khu rừng này có ba người dòng quý tộc ở. Ấy là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la. Nếu thấy ông, chắc họ không chịu.”

Đức Phật bảo rằng:

“Này Người giữ rừng, nếu họ thấy Ta thì không có gì là không chịu”.

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà từ xa thấy Thế Tôn đến, liền quở người giữ rừng rằng:

“Này Người giữ rừng, chớ có ngăn cản Đức Thế Tôn. Này Người giữ rừng, chớ có quở la Đức Thiện Thệ. Vì sao? Vì đó là Tôn sư Thế Tôn của tôi đến, là Đấng Thiện Thệ của tôi đến.”

Rồi Tôn giả A-na-luật-đà ra rước Thế Tôn, đón lấy y bát. Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la trải giường ngồi, Tôn giả Kim-tì-la đi lấy nước.

Đức Thế Tôn bấy giờ sau khi rửa tay xong, ngồi xuống chỗ ngồi đã dọn sẵn. Ngồi xong Ngài hỏi rằng:

“A-na-luật-đà, ông có thường an ổn, không thiếu thốn chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vẫn thường an ổn, không có gì thiếu thốn.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này A-na-luật-đà, vì sao ông được an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các vị phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các vị phạm hạnh này để tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này’. Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn”.

Phật hỏi Tôn giả Nan-đề, đáp cũng như vâïy. Phật lại hỏi Tôn giả Kim-tì-la rằng:

“Ông có thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?”

Tôn giả Kim-tì-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn không có gì thiếu thốn.”

Phật lại hỏi:

“Này Kim-tì-la, vì sao ông thường được an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả Kim-tì-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các vị phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các vị phạm hạnh này để tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này’. Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn”.

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, các ông thường cùng nhau hòa hiệp an ổn, không tranh chấp như vậy, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hiệp nhất như nước với sữa. Thế nhưng có chứng đắc pháp Thượng nhân mà có sai giáng an lạc trụ chỉ[6] chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, quả như vậy. Chúng con thường cùng hòa hiệp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hiệp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà có sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, chúng con ly dục ác bất thiện pháp, cho đến, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

“Bạch Thế Tôn, như vậy, chúng con cùng hòa hiệp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hiệp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, tâm của con câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với từ, biến khắp tất cả phương thứ hai, phương thứ ba, phương trên, phương dưới và bốn phương bàng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, khéo tu vô lượng, biến khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trú. Cũng vậy, bi tâm, hỷ tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, khéo tu vô lượng, biến khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trú.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, chúng con đắc Như ý túc, Thiên nhĩ trí, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, vượt qua, lướt qua, không còn có pháp nào khác nữa của bậc Thượng nhân, mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ như vầy: “Chỗ an trụ của người con dòng họ quý tộc này an ổn khoái lạc. Hôm nay Ta hãy thuyết pháp cho họ nghe.”

Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, liền thuyết pháp cho Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy đi về.

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la đi theo Đức Thế Tôn được một quãng đường, rồi trở lại chỗ ở.

Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la khen Tôn giả A-na-luật-đà:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả A-na-luật-đà, chúng tôi trước chưa nghe Tôn giả A-na-luật-đà nói những nghĩa lý như vậy. Chúng tôi có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy, nhưng Tôn giả A-na-luật-đà đã hết sức khen ngợi chúng tôi trước Đức Thế Tôn.”

Tôn giả A-na-luật-đà khen Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la:

“Lành thay! Lành thay! Này chư Tôn giả, tôi cũng chưa bao giờ nghe Tôn giả có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy. Nhưng một thời gian dài, với tâm tôi, tôi biết tâm của Tôn giả, Tôn giả có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì thế, đứng trước Đức Thế Tôn tôi mới trình bày như vậy.

Bấy giờ có vị trời Trường Quỷ[7], hình dáng cực diệu, sáng chói lồng lộng, lúc đêm tàn, sáng rạng đông, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lẽ dưới chân rồi lui đứng một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.”

Các Địa thần nghe Trường Quỷ thiên nói, làm cho âm thanh vang lớn:

“Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.” Nghe theo âm thanh vang lớn của Địa thần, các cõi Hư không thiên, Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đa thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, khoảnh khắc đã làm cho âm thanh thấu đến Phạm thiên: “Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Thật vậy, này Trường Quỷ thiên, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.

“Này Trường Quỷ thiên, các Địa thần nghe tiếng nói của ngươi rồi, liền làm vang lớn âm thanh, ‘Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la’. Tiếp theo âm thanh vang lớn của Địa thần, các cõi Hư không thiên, Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đa thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, khoảnh khắc đã làm cho âm thanh thấu đến Phạm thiên: ‘Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la’.

“Này Trường Quỷ thiên, nếu ba gia đình quý tộc kia có ba người con quý tộc này, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tín xả, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì ba gia đình quý tộc ấy sẽ nhớ lại nhân duyên và công hạnh của ba người con. Họ cũng sẽ được lợi ích lớn, khoái lạc lâu dài. Và nếu thôn ấp, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời mà nhớ nghĩ đến nhân duyên và công hạnh của ba người con dòng dõi quý tộc ấy, họ cũng sẽ được đại lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.

“Này Trường Quỷ thiên, vì ba người con dòng dõi quý tộc ấy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy”.

Phật thuyết giảng như vậy. Ba người con dòng quý tộc và Trường Quỷ thiên sau khi nghe những lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli M.31 Cūḷagosiṅga-suttaṃ.

[2]. Na-ma-đề-sấu 那 摩 提 瘦. Pāli: Nadika, hay Natika, thuộc xứ Vajji, ở giữa Ketigāma và Vesali. Theo phiên âm bản Hán, mà tương đương Pāli có thể là Nadikesu, giữa những người Nadika, cho thấy đây là một bộ tộc thay vì một địa danh.

[3]. Kiền-kì tinh xá 犍 祁 精 舍. Pāli: Giñjakāvasatha (Luyện ngõa đường), một tinh xá bằng gạch mà dân xứ Vajji cúng dường Phật. Du khách hay các du sĩ cũng thường ghé ngụ tinh xá này.

[4]. Xem chú thích kinh số 184 ở trước.

[5]. Anurudha, Nandiya, Kimbila, cả ba đều dòng họ Thích, cùng xuất gia một lần khi Phật về thăm Ca-tì-la-vệ.

[6]. Sai giáng an lạc trụ chỉ 差 降 安 樂 住 止. Pāli: phāsuvihāro, sống an lạc thoải mái. Xem thêm kinh số 77, đoạn cuối.

[7]. Trường Quỷ thiên 長 鬼 天; Pāli: Dīgho parajano yakkho, quỷ Dạ-xoa tên là Dīgha (dài).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]