Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phẩm Phương-tiện (L’habileté des moyens)

06/05/201312:22(Xem: 14246)
2. Phẩm Phương-tiện (L’habileté des moyens)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển I

2. Phẩm Phương-tiện (L’habileté des moyens)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ đức Thế-Tôn xuất định và nói với Xá-lợi-Phất: "Trí huệ" (Sagesse, Science) của các đức Phật rất sâu, vô lượng, khó hiểu, khó vào, dầu là hàng Thanh-văn, Bích-chi-Phật cũng vậy. Tại sao thế?
"Vì trí-huệ ấy là kết-quả của sự gần-gũi trăm nghìn muôn ức Phật, của sự trọn tu vô lượng đạo-pháp Phật (discipline de Bouddha), của sự dõng-mãnh, tinh-tấn, của sự hiểu biết trọn vẹn các pháp (lois) rất sâu. Vì sâu khó như thế cho nên các đức Phật phải dùng lời nói khó hiểu mà nói và dùng vô số phương-tiện dìu dắt chúng-sanh làm cho xa lìa lòng chấp. Nhưng thôi, không nói thêm nữa làm gì, vì chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột chân-tướng của các pháp"
Các hàng Thanh-văn, La-hán và tứ-chúng đều lấy làm lạ, không biết tại sao hôm ấy Phật lại ân cần nói đến cái khó của Pháp và ca ngợi những phương-tiện như thế. Đến như vấn-đề giải-thoát (xa lìa lòng chấp) thì nhờ Phật dạy từ trước tới đó, tất cả đều được giải-thoát và chứng Niết-bàn, cớ sao nay Phật còn đề-cập đến nữa?
Xá-lợi-Phất biết tứ-chúng có chỗ nghi trong lòng, và chính ông cũng chưa rõ lời Phật nói. Ông liền xin Phật giải thích.
Phật từ chối bảo: " Thôi thôi! Chẳng nên nói nữa, vì nếu nói ra thì tất cả trời, người đều kinh sợ".
Xá-lợi-Phất lại tha thiết cầu xin hai lần nữa. Đến lượt thứ ba, Phật mới nhận lời: "Ông đã ba phen thưa thỉnh, tôi không thể không nói. Vậy hãy lóng nghe và suy nghĩ cho khéo".
Phật vừa dứt lời là trong Pháp-hội, 5.000 tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đứng dậy lễ Phật rồi lui, vì họ tư tưởng đã chứng đạo rồi, không cần nghe.
Thế-Tôn yên lặng không ngăn cản và bảo Xá-lợi-Phất: "Thế là trong chúng ta đây còn rặt hột chắc (giống tốt, hột to). Họ đi như thế là hay. Vậy ông nên khéo nghe lời tôi nói.
"Pháp mầu, các đức Phật khi đúng thời mới nói, như hoa linh thoại, đến thời-tiết mới trỗ một lần".
"Pháp ấy không phải lấy óc suy lường, phân biệt mà hiểu được, vì vậy phải dùng vô số phương-tiện như nhân-duyên, lời-lẽ, thí-dụ mà diễn nói".
" Các đức Phật ra đời chỉ vì một duyên cớ là:
-Khai mở tri-kiến của Phật (tức trí-huệ của Phật).
-Chỉ cho chúng-sinh thấy.
-Làm cho chúng-sinh nhận rõ.
-Để cho chúng-sinh đi vào con đường tri-kiến ấy, tức là thành Phật.
" Vậy chỉ có một cỗ xe (thặng thường đọc là thừa), cỗ xe chở đến chỗ thành Phật; không có cỗ xe nào khác, cũng không có hai ba cỗ khác nhau. Ba đời chư Phật (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai) đều dạy như vậy và chúng-sinh nghe hiểu đều thành Phật. Nhưng vì gặp đời ô-trược ( kiếp trược, chúng-sinh trược, kiến trược, mệnh trược, phiền-não trược) cho nên Phật phải quyền nói ba "cỗ xe" (ba thừa).
" Lý "nhất thừa" tuy dành cho hàng Bồ-tát, nhưng nếu La-hán và Duyên-giác mà không cố hiểu thì chẳng phải đệ-tử Phật. Tưởng mình đã chứng Niết-bàn mà không tin pháp "Nhất thừa" là tăng-thượng-mạn, là chưa thực chứng La-hán".
Thế-Tôn nhắc lại những đắn đo khi Ngài muốn đem trí-huệ tuyệt luân của Ngài ra dạy đời, lúc Ngài mới đắc đạo dưới gốc Bồ-đề. Suốt 21 ngày, Ngài suy nghĩ: Tri-kiến, trí-huệ của Ngài bậc nhất, còn chúng-sinh thì bị tham vui, mê muội làm mù, làm thế nào hiểu được. Chư Thiên thấy vậy, cung kính lễ bái, ai cầu Thế-Tôn "chuyển pháp luân".
Thế-Tôn bèn suy nghĩ tiếp: Nếu đem "Phật-thừa" (chân lý tuyêt đối) ra nói thì làm sao chúng sinh tin được, và như thế là làm cho chúng-sinh rơi vào ba nẻo ác, chìm mãi trong biển khổ. Nhớ lại lối phương-tiện hoá-độ của chư Phật trong quá khứ, Thế-Tôn bèn phân biệt giáo pháp thành ba thừa để cho hạng trí kém, không dám tự tin sẽ thành Phật, đều được độ.
Nhưng Phật ra đời là để chỉ bày chân-lý cứu-cánh chứ chẳng phải để dùng những pháp phương-tiện mãi. Nay xét đã đến lúc, nên Thế-Tôn quyết định đem Phật-thừa ra dạy.
Tuy nhiên đừng tưởng những việc làm tầm thường như tu lục độ, cúng dường xá-lợi, tạo tháp, tô tượng, niệm Phật, nghe Pháp là sai với nẻo giải-thoát. Đó là những bước tiến trên "Đường Phật".
*
* *

Huyền nghĩa

Sự giác-ngộ của Phật là Vô-thượng, trí-huệ của Phật là vô lượng, vô biên, cái thấy biết của Phật (tri-kiến) đã đạt đến mức tuyệt đối.
Cái thấy biết đó là gì ?
Là "Tất cả là một, tất cả chúng-sinh đều từ phổ-quang minh trí (nguồn ánh-sáng bao trùm vũ-trụ vô biên cũng vừa là trí-huệ sáng ngời: Lumière omniprésente- Intelligence éclairante) mà ra thì tất cả sẽ trở về với Ánh-sáng Trí-huệ ấy, tức là thành Phật"
Nhưng sự thật một trăm phần trăm đó, khó hiểu, khó nhận. Nói ra chỉ làm cho chúng-sinh kinh khủng, không tin, như thế là làm cho chúng-sinh càng sa đoạ vào nẻo ác, chìm sâu trong biển khổ.
Nhưng không nói không được, vì lý do xuất thế của chư Phật là phát-minh sự thật ấy cho chúng-sinh biết đường mà quay đầu đổi hướng.
Chúng-sinh khó thấy biết như Phật chỉ vì chúng-sinh sống vào một kiếp ô-trược truỵ-lạc (kiếp trược), vì chúng-sinh bị bụi đời làm oen-ố cái căn-bản lành sạch của mình (chúng-sinh trược), vì cái thấy của chúng-sinh bị vọng hoặc quá nhiều (kiến trược), vì đời sống của chúng-sinh quá thiên về dục-lạc thành đen tối (mệnh trược), vì chúng-sinh quá nhiều phiền-não (phiền-não trược).
Bệnh đã nặng như thế, Phật không thể cho chúng-sinh uống phương thần dược quá mạnh bằng cách nói sự thật, mà phải dùng phương-tiện, nghĩa là lấy thuyết nhân duyên, lấy lời nói, dùng thí-dụ mà khiến chúng-sinh lần lần xa lìa lòng chấp (attachements) để khi thời cơ đến, đem Chân-lý tuyệt đối ra nói.
Đại cương pháp phương-tiện ở điểm vì chúng-sinh sợ khổ mà cảnh thế-gian lại là cảnh khổ, cho nên Phật mới đưa ra một cảnh ngược là Niết-bàn an vui. Đó là một sự quyền biến, tạm bợ để dẫn dắt chúng-sinh từ thấp lên cao, từ dễ tới khó, chớ không có Niết-bàn thật sự.
Đến như chia có cấp bậc như Thanh-văn, Duyên-giác, Bố-tát, ấy cũng tạm mà dạy vậy thôi. Không có ba thứ xe chở chúng-sinh đến mút con đường Đạo, mà chỉ có một chiếc xe (Nhất thặng hay Nhất thừa). Chiếc xe ấy là chiếc xe Phật.
Những chiếc xe tạm gọi là Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, thật ra là chiếc xe Phật vừa nói. Bất quá đó là những giai đoạn của một con đường dài nhất.
Có những việc xem tầm thường như tu lục độ, sửa tâm cho mền dẻo, cúng dường xá-lợi, tô tượng, tạo tháp, niệm Phật, nghe pháp. Nhưng đó cũng là "Phật thừa", vì đó là những bước hướng về Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Vậy nên tin, nên mừng: tất cả sẽ thành Phật đạo.
*
* *
Đem lý Phật thừa ra dạy là từ cứu-cánh trên cao đi xuống.
Tam thừa Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát là bắt từ dưới đi lên cái cứu-cánh cao tột kia






CHÚ THÍCH

[1] Nay Phật phóng hào-quang sáng, là để giúp sự khai phát nghĩa của Thực-tướng.
[2] Phải xô ngã những chướng ngại do 6 căn của thân"tứ đại" dựng lên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]