Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21 - 25

06/05/201311:09(Xem: 12391)
21 - 25
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


21 - 25

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông


XXI. VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC KHÔNG LÀ QUẢ VỊ CHỨNG ĐẮC CỦA NHƯ LAI

BẠCH THẾ TÔN! PHẬT ĐƯỢC QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC LÀ KHÔNG CÓ ĐƯỢC GÌ Ư?

_ ĐÚNG VẬY, TU BỒ ĐỀ! VỚI PHÁP VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, NHƯ LAI KHÔNG CÓ ĐƯỢC TÍ TI NÀO, GỌI LÀ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, VẬY THÔI. TU BỒ ĐỀ! TẠI VÌ PHÁP ĐÓ BÌNH ĐẲNG KHÔNG CÓ THẤP CAO, GỌI LÀ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC. VÌ KHÔNG CÓ NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ, VÌ CHUYỂN HÓA HẾT CHẤT ÁC, PHÁT TRIỂN TOÀN PHÁP LÀNH, GỌI LÀ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, VẬY THÔI.

NÀY! TU BỒ ĐỀ! NÓI RẰNG PHÁP LÀNH, KỲ THỰC KHÔNG CÓ PHÁP LÀNH, NHƯ LAI NÓI PHÁP LÀNH, VẬY THÔI.

TRỰC CHỈ

Nếu Như Lai CHỨNG ĐẮC Như Lai đã mắc vào tứ tướng, thì không là Như Lai được nữa.

Nếu Như Lai CHỨNG ĐẮC, Như Lai mắc vào NĂNG SỞ, cũng đã mất chất Như Lai rồi.

Vì thế, Phật nói: Với quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Như Lai không có CHỨNG ĐẮC một tí ti nào, gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vậy thôi.

Như Lai không là người NĂNG CHỨNG NĂNG ĐẮC THÌ PHÁP VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, tự nó hóa giải tiêu vong. Vì SỞ, không NĂNG thì SỞ không có lý do tồn tại.

*****


XXII. GIÁ TRỊ CỦA BÁT NHÃ BA LA MẬT VƯỢT NGOÀI TỈ LỆ THÔNG THƯỜNG

TU BỒ ĐỀ! GIẢ SỬ CÕI TAM THIÊN ĐẠI THIÊN CÓ BAO NHIÊU NÚI CHÚA TU DI, NẾU ĐEM GỘP LẠI, THẬT LÀ TO LỚN. THẾ MÀ, NẾU CÓ NGƯỜI ĐEM THẤT BẢO CHẤT THÀNH ĐỐNG TO NHƯ NHỮNG NÚI TU DI KIA ĐỂ LÀM VIỆC BỐ THÍ, PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI NÀY VẪN LÀ HỮU HẠN.

KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT, NẾU THỌ TRÌ, ĐỌC TỤNG, GIẢNG NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE, KHÔNG ĐƯỢC NHIỀU, THÌ CHỪNG BỐN CÂU KỆ, PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI NÀY NHIỀU HƠN NGƯỜI BỐ THÍ THẤT BẢO. VÀ NẾU SO SÁNH, PHƯỚC ĐỨC NGƯỜI BỐ THÍ THẤT BẢO KHÔNG BẰNG MỘT PHẦN TRĂM, MỘT PHẦN NGHÌN, MỘT PHẦN MUÔN, MỘT PHẦN TRIỆU.... THẬM CHÍ KHÔNG THỂ TỈ LỆ ĐƯỢC.

TRỰC CHỈ

Đọc Bát Nhã Ba La Mật, nếu chưa hiểu thâm ý của kinh, người đọc có thể cảm nghe nhàm chán, vì những đoạn tán thán công đức Bát Nhã quá nhiều lần. Nhưng nếu để tâm nghiên cứu, sẽ thấy sự tán thán và so sánh nhiều thứ nhiều lần, có hàm chứa dụng ý thâm sâu. Đành rằng kinh điển có câu "Tài pháp nhị thí đẳng vô sai biệt, đàn Ba La Mật cụ túc thạnh mãn". Làm việc bố thí viên mãn, thì phải thí pháp lẫn cả thí tài. Nhưng cần hiểu rõ rằng: Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối. Trong các cách cúng dường, cúng dường PHÁP là ưu việt. Vì Bát Nhã Ba La Mật là pháp sản sanh ba đời chư Phật.

*****


XXIII. VỚI BÁT NHÃ BA LA MẬT, NĂNG SỞ SONG VONG

TU BỒ ĐỀ! Ý ÔNG THẾ NÀO? CÁC ÔNG CHỚ CHO RẰNG NHƯ LAI CÓ Ý NGHĨ: TA CÓ ĐỘ CHÚNG SANH! TU BỒ ĐỀ! ÔNG ĐỪNG NGHĨ THẾ. THỰC RA KHÔNG CÓ CHÚNG SANH NÀO NHƯ LAI ĐỘ CẢ. NẾU CÓ CHÚNG SANH NHƯ LAI ĐỘ, HÓA RA NHƯ LAI CÓ TƯỚNG NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ?

TU BỒ ĐỀ! NHƯ LAI NÓI: CÓ NGÃ, CHẲNG PHẢI CÓ NGÃ, NGƯỜI PHÀM PHU CHO LÀ CÓ NGÃ ĐẤY THÔI!

TU BỒ ĐỀ! NHƯ LAI NÓI PHÀM PHU KHÔNG PHẢI PHÀM PHU, GỌI LÀ PHÀM PHU, VẬY THÔI.

TRỰC CHỈ

Nếu cho rằng Như Lai có độ chúng sanh, thì đó là người đệ tử chỉ hiểu Phật ở những mảy lông ngoài. Phật chất của một vị Phật, họ chưa hề biết đến.

Một Bồ tát khởi ý niệm: "Ta hóa độ chúng sanh" đã là phi Bồ Tát. Bồ Tát giả danh rồi. Như Lai khởi ý niệm có độ chúng sanh, sao còn là Như Lai được?

Theo giáo lý Phật, chúng sanh ví như đơn vị tế bào của toàn thân Như Lai, Phật. Làm cái việc lể gai, khi bàn chân mình bị dẫm phải, người trí có ai kể công với cái bàn chân của mình? Nặn mụn ở mặt, dán nhọt ở lưng mình, không phải là vấn đề ơn với nghĩa mà ai cũng tinh tấn làm với một nhiệt tâm vô điều kiện.

Phật là toàn thân của con người ấy. Chúng sanh là những tế bào bị nhiễm bệnh trong cơ thể của toàn thân. Chăm sóc vết thương nhiễm bệnh của mình, không thể có ý nghĩ: làm cho ta, cho ngươi, cho chúng nó. Càng không có ước vọng nghĩa trả, ơn đền.

Thế cho nên, độ chúng sanh mà Như Lai nói Như Lai chẳng có ý nghĩ độ sanh gì cả.

Tại vì chúng sanh chấp cái TA,TÔI nên Như Lai gọi sự chấp mắc đó là chấp NGÃ. Từ quan niệm NGÃ chấp, sanh khởi đối tượng chấp NHƠN. Đó là tụi mày, chúng nó, bọn bây...Chủ thể đối tượng phân biệt ranh giới rồi thì ĐỒNG THỂ ĐẠI BI TÂM bị nát vụn ra từng mảnh một.

Như Lai dạy đừng chấp NGÃ, có nghĩa là đừng có quan niệm chỉ nghĩ đến cái TA, để rồi sanh tâm tham lam ích kỷ, khuynh loát, triệt hạ: mầy, nó, tụi kia....

Không chấp ngã, có thể được hiểu đồng nghĩa với "diệt trừ nguyên nhân chia rẽ". Không chia rẽ thì đoàn kết. Đoàn kết thì nhân loại thương yêu nhau. Thương yêu nhau thì hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly. Nhân loại sẽ sống yên vui. Thế giới toàn một màu xanh hy vọng. Mọi người sinh hoạt trong ánh sáng hiền dịu của ĐỒNG THỂ ĐẠI BI TÂM.

Diệt NGÃ là diệt cái chia rẽ, cái giành ăn, cái ích kỷ, cái triệt hạ, cái thủ tiêu nhau cạn tàu ráo máng ấy. Thật ra chẳng có cái NGÃ gì.

Vì vậy Như Lai mới nói: HỮU NGÃ GIẢ, NHƯ LAI THUYẾT TỨC PHI HỮU NGÃ, NHI PHÀM PHU CHI NHƠN DĨ VI HỮU NGÃ.

Vấn đề PHÀM PHU, thật ra chẳng có gì là thật chất cố định phàm phu.

Phàm phu là con người.
Bồ Tát là con người.
Phật là con người.
MÊ trọn vẹn là phàm phu.
Giác có mức độ là Bồ Tát.
Giác trọn vẹn là Phật.

Bởi thế, kinh nói: PHÀM PHU GIẢ, NHƯ LAI THUYẾT TỨC PHI PHÀM PHU THỊ DANH PHÀM PHU.

*****


XXIV. PHẢI CHIÊM NGƯỠNG CÁCH NÀO MỚI ĐÍCH THỰC THẤY NHƯ LAI?

TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? CÓ THỂ TRÔNG VÀO THÂN 32 TƯỚNG CHO LÀ ĐÍCH THỰC THẤY NHƯ LAI CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! ĐÚNG VẬY, TRÔNG VÀO THÂN 32 TƯỚNG LÀ ĐƯỢC THẤY NHƯ LAI.

_ TU BỒ ĐỀ! NẾU TRÔNG VÀO THÂN 32 TƯỚNG MÀ CHO LÀ NHƯ LAI, THÌ CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG CŨNG LÀ NHƯ LAI SAO? VÌ CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG CŨNG CÓ THÂN 32 TƯỚNG.

_ BẠCH THẾ TÔN! CON HIỂU Ý PHẬT: KHÔNG THỂ TRÔNG VÀO 32 TƯỚNG CHO LÀ ĐÍCH THỰC NHƯ LAI.

* BẤY GIỜ ĐỨC THẾ TÔN NÓI KỆ:

NẾU DỰA VÀO SẮC THÂN CHO LÀ PHẬT

DỰA VÀO ÂM THANH THUYẾT PHÁP CHO LÀ PHẬT

NGƯỜI ẤY TU CÁI ĐẠO TÀ

HỌ KHÔNG THỂ BIẾT ĐƯỢC NHƯ LAI

TRỰC CHỈ

* Tu Bồ Đề là một trong mười đại đệ tử Phật. Ông được Phật khen là giải không đệ nhất. Thế mà ở đây ông đã hiểu sai lệch về lý không. Sự chợt tỉnh chợt mê đó, của ông Tu Bồ Đề, nói lên cái tính bất ổn chung của hàng Thanh văn, Duyên giác. Đạo diễn ra sự kiện đó, với dụng ý cảnh giác hành nhị thừa, rằng các ông hãy khéo giữ vững lập trường tư tưởng, chớ nên lơ đễnh trên đường tiến đến Bồ Đề Niết Bàn Vô Thượng.

Sự giải thoát giác ngộ không dựa vào một sắc chất, âm thanh cố định nào. Dựa trên sắc chất, âm thanh cho là Phật, người đó chưa hiểu Phật, là người tu đạo tà không thể biết đích thực Như Lai.

Bởi vì:

Với sắc thân 32 tướng không phải Như Lai, nếu thiếu giác ngộ và giải thoát.

Phàm thiếu giác ngộ giải thoát thì không phải Như Lai, ví như Chuyển Luân Thánh Vương.

*****


XXV. SẮC THÂN 32 TƯỚNG VỚI NHƯ LAI BẤT TỨC BẤT LY

TU BỒ ĐỀ! ÔNG ĐỪNG NGHĨ RẰNG NHƯ LAI NHỜ KHÔNG DO THÂN TƯỚNG CỤ TÚC MÀ NHƯ LAI ĐƯỢC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

TU BỒ ĐỀ! ÔNG ĐỪNG NGHĨ NHƯ VẬY. KHÔNG PHẢI VÌ KHÔNG DO THÂN TƯỚNG CỤ TÚC MÀ ĐƯỢC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

NẦY! TU BỒ ĐỀ! ÔNG ĐỪNG NGHĨ RẰNG NGƯỜI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, NÓI CÁC PHÁP ĐOẠN DIỆT. ÔNG ĐỪNG NGHĨ THẾ. NGƯỜI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, KHÔNG CHỦ TRƯƠNG VẠN PHÁP ĐOẠN DIỆT ĐÂU!

TRỰC CHỈ

Sắc thân 32 tướng còn được gọi là sắc thân cụ túc. Sắc thân này Phật có và Chuyển Luân Thánh Vương cũng có. Thế nhưng Phật là Phật, còn Chuyển Luân Thánh Vương là Chuyển Luân Thánh Vương. Vấn đề âm thanh tốt cũng thế. Phật nói chim Ca lăng tần già cũng có âm thanh tốt.

Do đó với nhận thức của người trí:

Với sắc thân 32 tướng không phải Như Lai.

Nếu thiếu chất giác ngộ giải thoát đối với chân lý.

Phàm thiếu chất giác ngộ giải thoát đối với chân lý thì không là Như Lai. Ví như Chuyển Luân Thánh Vương..

Âm thanh hay, tiếng nói tốt không phải là Phật.

Vì là duyên sanh, vô tri giác.

Phàm là pháp duyên sanh vô tri giác thì không là Phật, ví như tiếng đàn, tiếng hót của chim...

Hai luận cứ đó, nhằm giới thiệu cho người Phật tử một căn bản nhận thức, thế nào là một Như Lai, qua tinh thần Bát Nhã.

Sắc thân 32 tướng cụ túc không phải Phật.

Âm thanh nói pháp không phải Phật.

Vậy hãy tìm Phật ở đâu để được thấy biết Như Lai?

Tìm ở cõi hư vô xa thẳm trong vũ trụ mông lung?

_ Không được. Vì Phật không phải cùng loại với hư vô.

Tìm Phật ở trong những điềm chiêm bao đẹp, có áng mây hồng, có hồ sen trắng, có dáng điệu tha thướt của đấng....thần tiên?

_ Không phải. Trong chiêm bao không bao giờ có Phật...Vì Phật không là mộng ảo bâng quơ.

Hay là tìm Phật trong "thiền định xuất hồn"?

_ Rất là tai họa. Xuất hồn không thể gặp Phật, vì Phật không phải loại vía quỷ hồn ma.

Xưa kia, khi còn tại thế, Phật có 1250 đệ tử A La Hớn, luôn luôn tùy tùng thân cận, nghe Phật thuyết pháp rày đó mai đây, có phải chăng Phật là một cái hồn? Các vị Đại A La Hớn vận dụng những 1250 cái hồn phiêu phiêu phưởng phưởng để được gần gũi Đức Như Lai?

_ Không. Phật không phải ông gì xa lạ, cũng không phải vía thánh hồn ma.

Phật là một con người. Ngoài con người ra, không thể tìm đâu cho ra Phật. Người đệ tử quy y Phật cũng chỉ là quy y với con người: con người LƯỠNG TÚC TÔN, LƯỠNG TÚC TỀ TÔN

Mê là chúng sanh.

Giác là Phật.

Giác và Mê là tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng chúng sanh và Phật. 32, 42, 52 tướng có chăng, cũng không phải yếu tố quyết định địa vị của một Như Lai.

Bảo rằng: Do có 32 tướng cho nên là Phật. Hiểu thế, đã sai lầm.

Bảo rằng: Phải không do 32 tướng mới được quả Phật. Đó là đối chấp đoạn diệt, càng tai hại lớn.

Phật nói: Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không nói vạn pháp đoạn diệt, không chủ trương cái thuyết đoạn diệt ấy.

Với sắc thân 32 tướng, Như Lai bất tức, bất ly.

Tìm thấy Phật và biết chúng sanh, phải nhận thức trên tiêu chuẩn MÊ và GIÁC.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com