Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ sáu Phẩm thứ năm: Lư Ca Gia Ðà

03/05/201320:21(Xem: 11332)
Quyển thứ sáu Phẩm thứ năm: Lư Ca Gia Ðà

Kinh Nhập Lăng Già (10 quyển - Quyển 1-6)

Quyển thứ sáu
Phẩm thứ năm: Lư Ca Gia Đà

Cư sĩ Tuệ Khai Việt dịch

Nguồn: Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo
Thích Đỗng Minh

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại bạch đức Phật rằng:

- Thưa đức Thế Tôn! Một thuở, đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nói rằng, đủ thứ biện thuyết của Lô Ca Gia Đà, nếu có gần gũi cúng dường người đó thì nhiếp lấy dục thực, chẳng nhiếp lấy pháp thực. Thưa đức Thế Tôn! Vì sao nói rằng, đủ thứ biện thuyết Lô Ca Gia Đà, gần gũi cúng dường, nhiếp lấy dục thực, chẳng nhiếp lấy pháp thực?

Đức Phật dạy rằng:

- Này Đại Tuệ! Lô Ca Gia Đà có đủ thứ biện tài, ngôn từ, câu cú xảo diệu mê hoặc thế gian, chẳng y vào như pháp mà nói, chẳng y vào như nghĩa mà nói, chỉ tùy theo sự ưa thích của tình cảm phàm phu ngu si ở thế gian mà nói việc thế tục, chỉ có ngôn từ khéo léo, chương cú mỹ diệu làm mất đi chính nghĩa. Này Đại Tuệ! Đó gọi là lỗi của Lô Ca Gia Đà đủ thứ biện tài lạc thuyết.

Này Đại Tuệ! Biện tài như vậy của Lô Ca Gia Đà chỉ nhiếp lấy phàm phu ngu si của thế gian, chẳng phải vào pháp tướng như thật mà nói pháp, tự chẳng giác tri (hay biết) tất cả pháp rơi vào trong nhóm tà kiến nhị biên, tự mất chính đạo, cũng khiến cho người khác mất. Vậy nên họ chẳng thể lìa khỏi các đường, do chẳng thể thấy chỉ là tự tâm phân biệt chấp trước ngoại pháp có tướng. Vậy nên chẳng lìa khỏi hư vọng phân biệt.

Này Đại Tuệ! Vậy nên ta nói, Lô Ca Gia Đà tuy có đủ thứ biện tài xảo diệu ưa nói các pháp nhưng mất chánh lý nên chẳng được ra khỏi sinh già, bịnh chết, ưu bi khổ não... tất cả khổ tụ, do y vào đủ thứ danh tự, chương cú, thí dụ, nói khéo để mê hoặc, lừa dối người.

Này Đại Tuệ! Thích Đề Hoàn Nhân rộng lý giải các luận, tự tạo ra thanh luận (luận về âm thanh). Lô Ca Gia Đà đó có một đệ tử chứng được thế gian thông, đi đến cung trời Đế Thích kiến lập luận pháp mà nói lên rằng: “Thưa Kiều Thi Ca! Tôi đánh cược chung với ngài là cùng với ngài luận nghị. Nếu người chẳng đúng thì phải chịu khuất phục”. Để cho tất cả những người trời thấy biết, ông ấy liền lập lời yêu cầu chung rằng: “Nếu tôi thắng thì ngài cần phải đánh nát bánh xe ngàn nan hoa của ngài. Nếu tôi chẳng đúng (thua) thì từ đầu đến chân, từng đốt, từng đốt xương tách rời để đáp tạ cho ngài”. Nói lên lời yếu thệ này rồi, người đệ tử của Lô Ca Gia Đà hiện làm thân rồng luận nghi chung với Thích Đề Hoàn Nhân. Do luận pháp của ông ấy liền có thể thắng Thích Đề Hoàn Nhân kia nên khiến cho trời ấy khuất phục. Ông liền ở trong trời đánh tan nát chiếc xe mà bánh xe có ngàn nan hoa thành vi trần, rồi liền hạ xuống nhân gian.

Này Đại Tuệ! Bà la môn Lô Ca Gia Đà với đủ thứ ví dụ tương ứng như vậy... cho đến hiện thân súc sinh y vào danh tự mê hoặc thế gian, người trời, A tu la... do tất cả chúng sinh của các thế gian chấp trước pháp sinh diệt, huống gì là đối với loài người?

Này Đại Tuệ! Do nghĩa này nên cần phải xa lìa bà la môn Lô Ca Gia Đà, vì nhân lời nói của người đó có thể sinh ra khổ tụ. Vậy nên chẳng nên thân cận cúng dường, cung kính thỉnh vấn bà la môn Lô Ca Gia Đà.

Này Đại Tuệ! Pháp nói ra của bà la môn Lô Ca Gia Đà chỉ thấy cảnh giới thân trí hiện tiền, nương vào danh tự của đời để nói các tà pháp. Này Đại Tuệ! Luận tạo ra của bà la môn Lô Ca Gia Đà có đến trăm ngàn kệ mà đời sau mạt thế phân ra làm nhiều bộ, mỗi mỗi đều có tên khác, nương vào tự tâm thấy mà tạo ra vậy.

Này Đại Tuệ! Bà la môn Lô Ca Gia Đà không có đệ tử có thể thọ trì luận ấy. Vậy nên đời sau phân làm nhiều bộ với đủ thứ tên khác nhau.

Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo.v.v... nội tâm không có như thật giải nên nương vào đủ thứ nhân, đủ thứ lý giải khác tùy theo tự tâm tạo ra mà vì người nói, chấp trước Tự Tại nhân.v.v...

Này Đại Tuệ! Trong sự tạo luận của tất cả ngoại đạo không như thật pháp, chỉ là tất cả Lô Ca Gia Đà, đủ thứ nhân môn (cửa nhân duyên) nói trăm ngàn vạn pháp mà những ngoại đạo đó chẳng biết là Lô Ca Gia Đà.

Bồ tát Đại Tuệ bạch đức Phật rằng:

- Thưa đức Thế Tôn! Nếu tất cả ngoại đạo chỉ nói Lô Ca Gia Đà nương vào đủ thứ danh tự, chương cú, thí dụ của thế gian mà chấp trước các nhân thì, thưa đức Thế Tôn! Chúng sinh, trời, người, A tu la của tất cả đất nước trong mười phương tập họp chỗ đức Như Lai. Đức Như Lai cũng dùng đủ thứ danh tự, chương cú, thí dụ của thế gian nói pháp mà chẳng nói tự thân nội trí chứng pháp. Nếu vậy thì cũng đồng với lời nói của tất cả ngoại đạo, chẳng khác.

Đức Phật bảo rằng:

- Này Đại Tuệ! Ta chẳng nói tới Lô Ca Gia Đà, cũng chẳng nói rằng, các pháp chẳng lại chẳng đi.

Này Đại Tuệ! Ta nói, các pháp chẳng lại chẳng đi.

Này Đại Tuệ! Sao gọi là lại? Này Đại Tuệ! Sở dĩ nói rằng “lại” là gọi sinh tụ đến, do hòa hợp sinh ra vậy.

Này Đại Tuệ! Sao gọi là đi? Này Đại Tuệ! Sở dĩ nói rằng “đi” là gọi đó là diệt. Này Đại Tuệ! Ta nói, chẳng đi chẳng lại là gọi chẳng sinh chẳng diệt.

Này Đại Tuệ! Ta nói chẳng đồng với pháp của ngoại đạo kia. Vì sao vậy? Vì do chẳng chấp trước ngoại vật có không, kiến lập nói đến tự tâm thấy, chẳng trụ hai chỗ, chẳng hành phân biệt cảnh giới các tướng, do biết như thật tự tâm kiến (thấy) nên chẳng sinh ra tự tâm phân biệt thấy. Do chẳng phân biệt tất cả tướng mà có thể vào Không, Vô tướng, Vô nguyện ba cửa giải thoát nên gọi là giải thoát.

Này Đại Tuệ! Ta nhớ thuở quá khứ, ở tại một chỗ trụ, bấy giờ có một đại bà la môn Lô Ca Gia Đà đi đến chỗ của ta mà thỉnh ta rằng: “Này ông Cù Đàm! Tất cả tạo tác sao?” Này Đại Tuệ! Khi đó ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Tất cả tạo tác thì đây là Đệ nhất Lô Ca Gia Đà”. Bà la môn nói rằng: “Này ông Cù Đàm! Tất cả chẳng tạo tác sao?”. Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Tất cả chẳng tạo tác thì chính là Đệ nhị Lô Ca Gia Đà”. Bà la môn nói rằng: “Như vậy tất cả thường hay tất cả vô thường? Tất cả sinh hay tất cả chẳng sinh?” Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Chính là Đệ lục Lô Ca Gia Đà”.

Này Đại Tuệ! Lô Ca Gia Đà lại hỏi ta rằng: “Này ông Cù Đàm! Tất cả một chăng? Tất cả khác chăng? Tất cả đều chăng? Tất cả chẳng đều chăng? Tất cả các pháp y vào nhân sinh ra, thấy đủ thứ nhân sinh?” Này Đại Tuệ! Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Chính là Đệ thập nhất Lô Ca Gia Đà!”.

Này Đại Tuệ! Bà la môn đó lại hỏi ta: “Này ông Cù Đàm! Tất cả vô ký sao? Tất cả hữu ký sao? Có ngã sao? Không ngã sao? Có đời này sao? Không có đời này sao? Có đời sau chăng? Không có đời sau chăng? Có giải thoát chăng? Không giải thoát chăng? Tất cả trống rỗng chăng? Tất cả chẳng trống rỗng chăng? Tất cả hư không chăng? Chẳng phải duyên diệt sao? Niết Bàn sao? Này Cù Đàm! Tác chăng? Chẳng phải tác chăng? Có trung ấm chăng? Không có trung ấm chăng?” Này Đại Tuệ! Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Nói như vậy thì tất cả đều chính là Lô Ca Gia Đà, chẳng phải lời nói của ta, chính là pháp đã nói của ông! Này Bà la môn! Ta nói nhân hí luận hư vọng phân biệt phiền não huân tập từ vô thỉ nên nói ba hữu đó. Do chẳng giác tri đó chỉ là tự tâm phân biệt thấy có, chẳng phải thấy bên ngoài có như pháp ngoại đạo”.

Này Đại Tuệ! Ngoại đạo nói rằng: “Ngã, căn, ý nghĩa, ba thứ hòa hợp có thể sinh ra trí (biết?)”. Ta đáp: “Này Bà la môn! Ta thì chẳng như vậy, ta chẳng nói nhân, cũng chẳng nói không nhân mà chỉ nói tự tâm phân biệt thấy có tướng cảnh giới, năng thủ. Ta nói nhân duyên giả danh tập họp mà sinh ra các pháp chẳng phải như Bà la môn các ông và cảnh giới khác, do rơi vào ngã kiến”.

Này Đại Tuệ! Niết Bàn, hư không, duyên diệt chẳng thành ba số (?), huống gì là nói rằng, tác có tác, chẳng tác (làm)?

Này Đại Tuệ! Lại có Bà la môn Lô Ca Gia Đà đến hỏi ta rằng: “Này ông Cù Đàm! Nhân của ái nghiệp vô minh ở những thế gian này sinh ra ba hữu hay là không nhân vậy?”. Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Lô Ca Gia Đà hai pháp này chẳng phải pháp của ta vậy!”.

Bà la môn lại hỏi ta rằng: “Này ông Cù Đàm! Tất cả pháp rơi vào tự tướng hay đồng tướng vậy?”. Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Đây chính là Lô Ca Gia Đà, chẳng phải pháp của ta! Bà la môn ! Chỉ có tâm ý, ý thức chấp trước ngoại vật đều chính là Lô Ca Gia Đà, chẳng phải pháp của ta vậy”.

Này Đại Tuệ! Bà la môn Lô Ca Gia Đà lại hỏi ta rằng: “Này ông Cù Đàm! Vả có pháp chẳng phải Lô Ca Gia Đà sao?. Này ông Cù Đàm! Tất cả ngoại đạo kiến lập đủ thứ danh tự, chương cú, nhân, thí dụ để mà nói thì đều là pháp của ta!”. Thì ta đáp rằng: “Này Bà la môn! Có pháp chẳng phải pháp của ông mà chẳng phải chẳng kiến lập, cũng chẳng phải chẳng nói đủ thứ danh tự, chương cú, cũng chẳng phải chẳng y nghĩa, y nghĩa nói mà chẳng phải pháp kiến lập của Lô Ca Gia Đà. Này Bà la môn! Có pháp chẳng phải Lô Ca Gia Đà, do các pháp đó, tất cả ngoại đạo cho đến cả ông chẳng thể rõ biết, do hư vọng chấp trước pháp chẳng thật bên ngoài, phân biệt hí luận vậy. Sao gọi là xa lìa phân biệt? Là tâm quan sát có, không, tự tâm thấy tướng như thật giác tri. Vậy nên chẳng sinh ra tất cả phân biệt, chẳng thủ các cảnh giới pháp bên ngoài, tâm phân biệt dứt, trụ chỗ tự tại, cảnh giới tịch tịnh. Đó gọi là chẳng phải Lô Ca Gia Đà, là luận pháp của ta, chẳng phải luận của ông! Này Bà la môn! Ta lược nói ra đó! Do những đâu mà thức chẳng hành, chẳng thủ (lấy), chẳng thoái, chẳng cầu, chẳng sinh, chẳng chấp trước, chẳng vui, chẳng thấy, chẳng nhìn, chẳng trụ, chẳng xúc... Đó gọi là trụ, gọi là khác nghĩa một (?). Này Bà la môn! Chấp trước đủ thứ tướng, tự ngã hòa hợp ái trước các nhân thì chính là pháp Lô Ca Gia Đà của Bà la môn, chẳng phải là pháp của ta vậy!”.

Này Đại Tuệ! Bà la môn Lô Ca Gia Đà đi đến chỗ ta hỏi pháp như vậy, ta đáp lại Bà la môn đó những lời nói như trên thì Bà la môn lặng thinh ra đi mà chẳng hỏi sự kiến lập chân pháp của ta. Lòng Bà la môn Lô Ca Gia Đà tác khởi ý niệm này: “Samôn Thích Tử ở ngoài pháp của ta này thật là đáng thương xót! Ông nói tất cả pháp không nhân, không duyên, không có tướng sinh, chỉ nói rằng, tự tâm phân biệt thấy pháp. Nếu có thể giác tri tự tâm thấy tướng thì tâm phân biệt diệt”. Này Đại Tuệ! Ông nay hỏi ta, vì sao Lô Ca Gia Đà đủ thứ biện thuyết thân cận cúng dường, cung kính người đó, chỉ nhiếp lấy dục vị, chẳng nhiếp lấy pháp vị.

Ngài Đại Tuệ bạch đức Phật rằng:

- Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là Thực cú nghĩa? Sao gọi là Pháp cú nghĩa?

Đức Phật bảo ngài Đại Tuệ rằng:

- Hay thay! Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông mới có thể vì chúng sinh đời vị lai hỏi han Như Lai hai nghĩa như vậy. Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói!

Ngài Đại Tuệ bạch đức Phật rằng:

- Hay thay! Thưa đức Thế Tôn! Thưa vâng! Con xin thọ giáo!

Đức Phật bảo ngài Đại Tuệ rằng:

- Cái gì là ăn? Là vị ăn tiếp xúc với vị, ưa cầu phương tiện, khéo ton hót, đắm say vị, chấp trước ngoại cảnh.... những pháp như vậy gọi là khác nghĩa một, do chẳng thể vào nghĩa pháp môn cảnh giới không hai.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Gọi là thực thì nương vào tà kiến sinh ra ấm có chi thể, chẳng lìa khỏi sinh già bịnh chết ưu bi khổ não, ái sinh ra hữu.v.v... những pháp như vậy gọi đó là Thực. Vậy nên ta và tất cả chư Phật nói, thân cận cúng dường Bà la môn Lô Ca Gia Đà kia thì gọi là được thực vị, chẳng được pháp vị.

Này Đại Tuệ! Cái gì là pháp vị? Là như thật có thể biết hai thứ vô ngã; do thấy tướng nhân vô ngã, pháp vô ngã, vậy nên chẳng sinh ra tướng phân biệt và như thật có thể biết trí thượng thượng của các địa, bấy giờ có thể lìa khỏi tâm ý, ý thức, vào đất trí chư Phật thọ vị (ngôi vị), nhiếp lấy tất cả các chỗ cú tận (hết câu?), như thật có thể biết tất cả chỗ tự tại của chư Phật. Đó gọi là Pháp vị, chẳng rơi vào tất cả tà kiến hí luận nhị biên.

Này Đại Tuệ! Ngoại đạo nói pháp nhiều khiến cho chúng sinh rơi vào nhị biên, chẳng khiến cho bậc trí giả rơi vào nhị biên. Vì sao vậy? Này Đại Tuệ! Những ngoại đạo.v.v... nói nhiều về đoạn, thường do không nhân nên rơi vào thường kiến, thấy nhân diệt nên rơi vào đoạn kiến.

Này Đại Tuệ! Ta nói như thật thấy, chẳng chấp trước sinh diệt. Vậy nên lời nói của ta gọi là Pháp vị. Này Đại Tuệ! Đó gọi là ta nói về Thực vị và Pháp vị. Này Đại Tuệ! Ông và các Bồ tát Mahatát phải học pháp này!

Bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng:

Ta nhiếp lấy chúng sinh
Y giới ngăn các ác
Trí tuệ, tà kiến diệt
Ba giải thoát lớn thêm.
Ngoại đạo hư vọng nói
Đều là luận thế gian
Dùng tà kiến nhân quả
Lập luận, chánh kiến không.
Ta lập pháp kiến lập
Lìa hư vọng thấy nhân
Vì các đệ tử nói
Lìa khỏi pháp thế gian.
Chỉ tâm, không ngoại pháp
Do không lòng nhị biên
Pháp năng thủ, khả thủ
Lìa khỏi kiến đoạn, thường.
Chỉ hành xử của lòng
Đều là thế tục luận.
Nếu hay quán tự tâm
Chẳng thấy các hư vọng
Người lại (lai giả) thấy nhân sinh
Người đi (khứ giả) thấy quả diệt.
Đi, lại biết thật chân
Chẳng phân biệt hư vọng
Tác - chẳng tác và thường
Vô thường, vật đây, đó.
Pháp như vậy vân...vân...
Đều là Thế tục luận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]