Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Phẩm phát tâm thứ mười một

03/05/201312:13(Xem: 11642)
6. Phẩm phát tâm thứ mười một

Kinh Hoa Thủ (Quyển II)

6. Phẩm phát tâm thứ mười một

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Lúc bấy giờ ở phương Ðông quá a tăng kỳ cõi, có một thế giới tên là Ðại Danh Văn, đức Phật hiệu là Tu Di Kiên hiện đang thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề cho Quang Minh Oai Ðức Tụ Bồ Tát, bảo rằng: Quang Minh Oai Ðức Tụ Bồ Tát đây theo thứ tự sau ta sẽ thành Phật.

Lúc bấy giờ những vị Phật đang thuyết pháp cho đại chúng bao vây chung quanh. Quang Minh Oai Ðức Tụ Bồ Tát lúc đó ở trong chúng hội thấy ánh sáng rực rỡ, nghe tiếng nói cười, thấy cõi đất rung động, bèn hỏi đức Phật rằng, bạch Thế Tôn: đây là ánh quang minh và âm thanh gì của Phật phát ra vậy? Phật Tu Di Kiên đáp: ở phương Tây cách đây vô số cõi có một thế giới tên là Ta Bà, đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni hiện đang thuyết kinh Ðại Thừa. Chúng hội Bồ Tát ở đó đầy đủ thật là trang nghiêm. Nay ở 10 phương các cõi nhiều như số cát sông Hằng ít có chúng đại Bồ Tát như vậy. Nếu người nào nghe danh chư Bồ Tát cũng được lợi ích lớn, huống gì được mắt thấy thân cận cúng dường. Lúc đó Quang Minh Oai Ðức Tụ Bồ Tát bạch Phật rằng, thưa Thế Tôn: con muốn thân đến cõi Ta Bà để ra mắt đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lễ bái cúng dường; cũng như để gặp chư vị Bồ Tát oai đức trang nghiêm. Phật đáp: như ông muốn sang thì tùy ý. Lúc đó đức Phật đưa cho Quang Minh Oai Ðức Tụ Bồ Tát bảy cành hoa sen (21) và bảo rằng: ông đem những hoa này sang tặng đức Phật Thích Ca và, cho ta có lời thăm hỏi Ngài có được ít bịnh, ít phiền, chỗ ở có thư thái, sức khỏe có được dồi dào không? Lúc đó Bồ Tát liền cầm hoa sen rồi đảnh lễ dưới chân đức Phật mà đi thẳng, như đại lực sĩ duỗi cánh tay, bỗng chốc không còn trông thấy ở đó nữa. Bồ Tát tới thành Vương Xá ở cõi Ta Bà này vào thẳng Trúc Lâm đảnh lễ dưới chân đức Phật rồi đứng qua một bên mà bạch Phật rằng: đức Tu Di Kiên Phật thăm hỏi đức Thế Tôn có được ít bịnh, ít phiền, chỗ ở có thư thái, sức khỏe có được dồi dào không? Ngài đưa hoa này sang cúng dường đức Thế Tôn. Lúc Phật nhận hoa xong, hỏi rằng: Phật Tu Di Kiên có được ít bịnh, ít phiền, và có được khỏe mạnh không? Ðáp: đức Tu Di Kiên Phật ở bên đó vẫn được an lạc không việc gì cả. Phật đưa hoa sen cho ngài Di Lặc và bảo rằng, này A Dật Ða (22), ông cầm hoa này là gieo thiện duyên trợ giúp thành Phật đạo. Lúc đó Bồ Tát Di Lặc nhận hoa từ Phật rồi đưa cho Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Tinh Ðắc Bồ Tát, Na La Ðạt Bồ Tát, Ðế Ðắc Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thiện Lực Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Trì Thế Bồ Tát, Trì Ðịa Bồ Tát, Trụ Ý Bồ Tát, Vô Biên Ý Bồ Tát, Việt Tam Giới Hạnh Bồ Tát, Vô Biên Hạnh Bồ Tát, Vô Lượng Lực Bồ Tát, Phổ Hiện Duyên Bồ Tát, Kiên Ý Bồ Tát , Vô Biên Lực Bồ Tát, Bất Hư Lực Bồ Tát, Sư Tử Lực Bồ Tát, Tật Biện Bồ Tá , Lợi Biện Bồ Tát, Thâm Biện Bồ Tát, Vô Biên Biện Bồ Tát, Vô Lượng Biện Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, Hoa Ðức Tạng Pháp Vương Tử, Vô Biên Thủ Bồ Tát, Vô Trước Thủ Bồ Tát, Bửu Thủ Bồ Tát, Bửu Tý Bồ Tát , Bất Hư Ðức Bồ Tát, Bất Ðộng Hạnh Bồ Tát, Vô Ưu Bồ Tát, Ly Ưu Bồ Tát, Phát Vô Phân Biệt Hạnh Bồ Tát, Ly Chư Nạn Bồ Tát, Ly Nam Tướng Bồ Tát, Ly Nữ Tướng Bồ Tát, Ly Chúng Sanh Tướng Bồ Tát, Võng Minh Bồ Tát, Bất Nhập Thai Bồ Tát, Phật Hoa Thủ Bồ Tát, Hoa Thủ Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Thành Lợi Bồ Tát, Thượng Ðức Bồ Tát, Bảo Ðức Bồ Tát, Châu Anh Bồ Tát, Châu Cát Bồ Tát, Hoa Nhĩ Bồ Tát, Vân Âm Bồ Tát, Tất Cánh Tư Bồ Tát, Vô Biên Xã Bồ Tát, Thiện Tư Hạnh Bồ Tát, Bất Hư Nguyện Bồ Tát, Quá Nguyện Bồ Tát, Chuyển Nguyện Bồ Tát, Thâm Hạnh Nguyện Bồ Tát, Nguyện Ly Nạn Bồ Tát, Diễn Hoa Bồ Tát, Bảo Hoa Bồ Tát, Bất Hư Xưng Bồ Tát, Bất Hư Tán Bồ Tát, Phổ Nguyện Bồ Tát, Chư Ðạo Bất Loạn Bồ Tát, Thường Hỷ Nghiêm Bồ Tát, Thường Bi Nghiêm Bồ Tát, Hóa Vô Tri Nguyện Bồ Tát, Cụ Giới Nguyện Bồ Tát, Chấp Cự Bồ Tát, Lạc Chúng Bồ Tát, Thiện Chúng Bồ Tát, Lạc Hạnh Bồ Tát, Ái Thiên Bồ Tát, Lạc Phật Bồ Tát, Nguyện Bất Ly Phật Bồ Tát, Nguyện Chuyển Pháp Luân Bồ Tát, Nguyện Chuyển Vô Ngại Pháp Luân Bồ Tát, Nguyện Xã Nhứt Thiết Bồ Tát, Nguyện Vô Xan Bồ Tát, Nguyện Vô Sai Biệt Bồ Tát, Nguyện Thiệu Phật Chủng Bồ Tát, Nguyện Bất Loạn Bồ Tát, Nguyệt Bồ Tát, Pháp Bồ Tát, Ðức Hải Bồ Tát, Thiện Giới Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Ðại Ðạo Sư Bồ Tát, Thượng Chúng Bồ Tát, Tăng Thượng Bồ Tát, Bảo Nghiêm Bồ Tát, Phổ Lợi Bồ Tát, Phổ Ðức Bồ Tát, Ca Sa Tướng Bồ Tát, Vô Nhiễm Bồ Tát, Diệt Tướng Bồ Tát, Tịch Diệt Bồ Tát, Thiện Ý Bồ Tát, Hỷ Kiến Bồ Tát, Lạc Thắng Bồ Tát, Thượng Nghiêm Bồ Tát, Thường Thắng Bồ Tát, Thắng Chúng Bồ Tát, Thắng Số Bồ Tát, Hoại Ma Bồ Tát, Thắng Oán Bồ Tát, Phổ Danh Văn Bồ Tát, Nhật Bảo Bồ Tát, Chuyển Pháp Bồ Tát, Tăng Pháp Bồ Tát, Thiện Tri Thức Bồ Tát, Thiên Thiện Hữu Bồ Tát, Tăng Hữu Bồ Tát, Nhất Cái Bồ Tát, Bảo Cái Bồ Tát, Thiện Tú Vương Bồ Tát, Tinh Tú Bồ Tát, Pháp Thiên Bồ Tát, Tịnh Môn Bồ Tát, Tịnh Dũng Bồ Tát, Dũng Hạnh Bồ Tát, Vô Biên Hạnh Bồ Tát, Bất Hư Hạnh Bồ Tát, Hương Ðức Bồ Tát, Trí Ðức Bồ Tát, Vô Biên Nhãn Bồ Tát, Ðế Ðức Bồ Tát, Phạm Thượng Bồ Tát, Trì Pháp Bồ Tát, Pháp Ðức Bồ Tát, Tự Tại Lực Bồ Tát, Vô Tích Hạnh Bồ Tát, Thiện Hạnh Bồ Tát, Ðẳng Hạnh Bồ Tát v.v... cùng bảy vạn bảy nghìn vị Bồ Tát như thế đồng nói lời rằng: chư thiện tri thức, ta nhận hoa này từ đức Phật, nay trao nhau. Các vị lấy hoa để trợ giúp Phật đạo đều phải nhất tâm phát đại nguyện... Lúc đó bảy vạn bảy nghìn vị Bồ Tát cầm hoa sen đồng lòng phát đại nguyện phương tiện hoàn lại chỗ Phật; Phật thương xót nhận cho rồi, bảo Di Lặc rằng, nay ta được an ổn làm cho các vị gieo căn lành lớn.

Này A Dật Ða ! Gặp Phật ra đời rất khó, gặp chư Bồ Tát cũng khó như vậy. Tại sao thế? Vì chỗ đắc pháp của ta đều từ hạnh Bồ Tát mà sanh. Ý ông nghĩ sao? Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề có đủ thập lực (c.th. 32 / c.I) xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề có mười tám pháp bất cộng (23) xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu như Như Lai không phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác có pháp bất hư hạnh (24) xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu như Như Lai không phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác có được pháp quán tượng vương (25) xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề có pháp sư tử phấn tấn tam muội (26) xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề thì có pháp vô kiến đảnh tướng (27) xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề có ba lần chuyển pháp luân xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề có 32 tướng đại nhơn xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng Bồ Ðề có trăm nghìn vô lượng pháp xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn. Nếu Như Lai không phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác có đại chúng Thanh Văn xuất thế gian chăng?

- Không thể, thưa Thế Tôn.

Vì thế, A Dật Ða nên biết, tất cả công đức chư Phật đều do điều phục tâm ban đầu; cho nên người thế gian khó gặp Bồ Tát, cũng như khó gặp được Phật. Này A Dật Ða, cũng ví như không có bò thì không có sữa đặc. Cũng như thế, nếu không có Bồ Tát phát tâm thì không có Phật. Như có bò mới có sữa, cũng như có Bồ Tát phát tâm thì Phật chủng mới không mất. Này A Dật Ða ! cũng như trồng cây mới có hoa trái; cũng thế, nếu có Bồ Tát phát tâm thì Phật chủng mới không mất. Vì thế ông nên biết, phát tâm rất khó; vì phát tâm khó nên cũng khó thành Phật. Này A Dật Ða, cũng như của báu vô giá trong biển thì một ít cũng đã là nhiều. Chúng sanh có ít người phát tâm Bồ Ðề như thế, vì phần nhiều muốn quả Thanh Văn, Bích Chi Phật; cho nên phải biết rằng, người phát tâm Bồ Tát là khó bậc nhất. Như hoa Ưu Ðàm lâu lâu mới nở một lần, cái tâm báu (Bồ Tát) thật quí giá vô cùng ! Tâm ấy cao vòi vọi như núi Tu Di. Tâm ấy như hư không, không thể tan hoại được. Tâm ấy như biển cả khó lường. Tâm ấy không gì có thể so sánh bằng, hơn cả châu ma ni trong ba nghìn đại thiên thế giới.

Này A Dật Ða ! Giả sử tâm có hình sắc ở cõi trời, người, a tu la... đều phải kính lễ. Vì thế, các vị phát tâm này nên chuyên cần tinh tấn quán sâu trong pháp dục lạc.






CHÚ THÍCH

(1) Tứ niệm tức bốn phép quán niệm để tu tập đạo giác ngộ. Ðó là:

1/ Quán thân bất tịnh: quán xét thân thể từ đầu đến chân hoàn toàn bất tịnh, không có gì tinh sạch cả. Như lông, móng, đờm, dãi, tinh, khí, máu, mũ... đều là những thứ tanh hôi bẩn thỉu. 2/ Quán thọ là khổ: quán xét sự thọ nhận buồn, vui, giận, ghét, yêu thương, thích muốn, tử biệt, sinh ly, bịnh ốm... hoành hành tâm sinh lý con người là khổ. 3/ Quán tâm vô thường: quán xét tâm luôn luôn biến đổi không ngừng như vượn chuyền cành, ngựa sổ dây cương; khó nắm bắt lại được. 4/ Quán pháp vô ngã: quán xét các pháp không có chủ tể, không tự tánh, không có thật thể... như huyển hóa (hư dối) nên dễ biến hoại.

(2) Bát Thánh Ðạo hay Bát Chánh Ðạo: Tám con đường chân chánh hành giả cần tinh tấn thực hành để đạt chân lý. Ðó là: 1/ chánh kiến: thấy biết chân chánh, không tin nhãm, theo càn, mà phải giảo nghiệm, cân nhắc kỹ càng trước khi tin bất cứ điều gì. 2/ chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh. 3/ chánh ngữ: nói lời chân chánh, không bẻ cong sự thật. 4/ chánh nghiệp: hành động chân chánh. 5/ chánh mạng: nghề nghiệp sinh sống chánh đáng, không làm những nghề thiếu lương thiện, trái với lương tâm. 6/ chánh tinh tấn: cố gắng tiến tới mãi không ngừng cho đến khi đạt thành như ý nguyện. 7/ chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh. 8/ chánh định: quán tưởng thiền định hay nhiếp tâm chân chánh.

(3) Tam giải thoát môn là ba cửa giải thoát. Ðó là Không, Vô Tướng và Vô Nguyện. 1/ Không: vạn pháp ở thế gian này đều không. 2/ Vô Tướng: các pháp nói chung không có thể tướng nhất định mà do giả hợp tạo thành. 3/ Vô Nguyện hay Vô Tác: không mong cầu gì hay không tạo tác riêng tư cho mình. Hành giả do ba cửa giải thoát này mà đạt tới Niết Bàn an lạc.

(4) Pháp bất nhị: pháp môn không hai, tức pháp Ðại Thừa duy nhứt, ngoài ra không còn thừa nào khác.

(5) Các pháp trợ đạo Bồ Ðề gồm chung trong 37 phẩm được phân ra như sau: 1/ Tứ niệm xứ (xem c.th. 1 trên), 2/ tứ chánh cần: bốn pháp luôn cần hành: a) điều ác chưa sanh đừng cho sanh, b) ác đã sanh làm cho tiêu diệt, c) thiện chưa sanh khiến phát sanh, d) thiện đã sanh làm cho tăng trưởng. 3/ tứ nbư ý túc: bốn pháp biết đủ như ý. a) dục như ý túc, b) niệm như ý túc, c) tinh tấn hay nhứt tâm như ý túc, d) định như ý túc. 4/ ngũ căn: năm căn là: a) tín (niềm tin), b) tấn (dũng mãnh tiến tới), c) niệm (suy nghĩ chín chắn kỹ lưỡng, d) định (quán tưởng thiền định), e) huệ (trí huệ). 5/ ngũ lực là tín, tấn, niệm, định, huệ lực, tức sức mạnh của 5 căn phản ảnh trung thực đúng với công hạnh tu tập của hành gỉa. 6/ thất Bồ đề phần hay còn gọi là thất giác chi hoặc thất Thánh Tài là bảy pháp trợ lực mạnh mẽ trong việc tu tập, a) trạch pháp (chọn lựa pháp môn tu thích hợp), b) tinh tấn, c) hỷ (hoan hỉ, tha thứ đối với người khác), d) khinh an (nhẹ nhàng thư thái), e) niệm (như trên), g) định (như trên), h) xã (buông xã không dính mắc). 7/ bát chánh đạo (xem c.th. 2 trên).

(6) Ngũ dục hay năm thứ khoái lạc là: 1/ tiền tài, 2/ sắc đẹp, 3/ danh thơm, 4/ ăn ngon mặc đẹp, 5/ ngủ nghỉ.

(7) Tướng bỉ thử: tướng còn phân biệt giữa người với ta có sự cách biệt nhau, giữa kẻ thân người sơ, kẻ yêu người ghét. Vì còn thấy có các tướng như thế nên việc tu hành khó giải thoát được.

(8) Ngũ thông: năm phép thần thông. Trong 6 phép thần thông, trừ lậu tận thông, chỉ có Phật mới đạt được (xem c,th, 37 q.I)

(9) Ngũ ấm: năm thứ chứa nhóm, tập hợp hay còn gọi là ngũ uẩn: a) sắc (sắc thân hay sắc chất), b) thọ (nhận chịu, có ba hình thức: khổ, lạc, và không khổ không vui gọi là xã thọ), d) tưởng (tưởng tượng hay nghĩ tới đối tượng), e) hành (hành vi tạo tác từ ý niệm khởi), e) thức (hiểu biết, phân biệt đúng sai, chánh, tà...).

(10) Pháp nhãn: con mắt pháp, tức là con mắt trong đạo lý. Một trong ngũ nhãn của Phật và Bồ Tát là nhục nhãn, huệ nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Pháp nhãn soi rõ thấu suốt tất cả vạn pháp. Bồ Tát dùng pháp nhãn quán xét vạn pháp rốt ráo đến tột cùng để độ khắp tất cả chúng sanh.

(11) Pháp vô sanh nhẫn: pháp vô sanh hay pháp nhẫn nhục tuyệt vời của người tu hành đã đạt đến chân lý. Vạn pháp vốn không sanh thì cũng không diệt; nếu thấu triệt như thế là được giải thoát, đạt đến Niết Bàn tịch tịnh.

(12) A tăng kỳ: số tự dùng chỉ số nhiều không thể tính đếm bằng toán số được nên gọi là vô số. Một a tăng kỳ kiếp là một thời hạn vô số kiếp (cõi). Một a tăng kỳ gồm con số 1 và theo sau 47 số zéro.

(13) Pháp đà la ni: đà la ni có nghĩa là trì (giũ gìn) hay tổng trì (giữ tất cả); có sức giữ, gom nhóm các pháp lành không để tản lạc mất, như món đồ tốt dùng chứa nước, nước không thể chảy ra ngoài được. Có bốn thứ đà la ni: 1) Văn hay pháp đà la ni, 2) nghĩa đà la ni, 3) chú đà la ni,và, 4) nhân đà la ni. Pháp đà la ni đối với giáo pháp của đức Phật, nghe rồi thu nhiếp lấy không để quên mất. Nghĩa là nghĩa lý ý thú các pháp, giữ gìn, ghi nhớ không quên. Chú hay chơn ngôn, thần chú. Những câu bí mật của chư Phật, Bồ Tát truyền lại trợ lực cho việc tu hành, trừ dứt những sự độc ác, thọ trì tất cả không quên; cũng gọi là pháp ấn hay linh phù. Nhân đà la ni là nhân cái thật tướng của các pháp, hành giả nhẫn nhục an trụ được thì thân tâm không xao động.

(14)12 bộ kinh trong Tam Tạng Thánh điển gồm:

1/ Tu Ða La hay khế kinh, tức kinh trường hàng, văn xuôi

2/ Kỳ Dạ (Geya) hay trùng tụng, văn lặp đi lặp lại, thể văn vần, kệ

3/ Xà Dà La Na hay Hòa Ca la na: thọ ký

4/ Dà Ðà (Gâtha): phúng tụng hay cô khởi

5/ Ưu Ðà Na (Udana): tự thuyết. Kinh do Phật tự thuyết không có người thưa thỉnh, như Kinh A Di Ðà chẳng hạn.

6/ Xà Ðà Dà (Jàtaka): bổn sanh

7/ Y Ðế Mục Ða Da (Itivrtaka): bổn sự

8/ Ni Ðà Na (Nidana): nhân duyên

9/ A Ba Ðà Na (Avađàna): thí dụ

10/ Phương Quảng hay Tỳ Phật Lược (Vaipulya)

11/ Vị Tằng Hữu hay A Phù Ðà Ðạt Ma (Adbhutahdarma)

12/ Ưu Bà Ðề Xá (Upadêsa): luận nghị hay luận thuyết.

(15)Nghiệp báo: nghiệp là hành vi tạo tác có thiện, ác; báo: đáp ứng lại, trả lại có vui, có khổ do đời trước ta làm lành hay làm ác chiêu cảm nên, đến thời kỳ phải thọ báo.

(16)Núi Tu Di: một ngọn núi cao lớn nhất thế giới nơi chư Thánh, Tiên thường ngự trên đỉnh. Ðức Phật Thích Ca cũng có một thời ngự trên đỉnh Tu Di để thuyết pháp cho bốn vị thiên vương: Trì Quốc Thiên Vương (chủ trị phương Ðông), Quảng Mục Thiên Vương ( phương Tây), Tăng Trưởng Thiên Vương (phương Nam), và Ða Văn Thiên Vương (phương Bắc). Núi Tu Di có nhiều đặc điểm, nên trong kinh thường dùng để so sánh với những việc lớn lao không gì địch lại.

(17)Sáu thời: Khoảng thời gian tính theo âm lịch trong một ngày; mỗi giờ theo âm lịch tương đương 2 tiếng đồng hồ. Ban ngày tính từ giờ thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân đến giờ dậu, ban đêm từ giờ tuất, hợi, tý, sửu, dần đến giờ mẹo (7 giờ tối đến 7 giờ sáng).

(18)Ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ (quỉ đói), súc sanh hay sáu giống vật nuôi trong nhà.

(19)Ba độc là tham, sân, si rất độc hại, phá hủy các thiện căn, làm hại đời sống của chúng ta, do thân, khẩu, ý tạo nên.

(20)Bốn châu: cõi thế gian này phân thành bốn châu trong thiên hạ.

1/ Ðông Thắng Thần châu: cõi này hình tròn, dân cư là chư thần sống đến 600 tuổi.

2/ Tây Ngưu Hoá châu ở về hướng Tây núi Tu Di. Ở cõi này có rất nhiều bò mà người ta dùng thay cho tiền bạc trong việc buôn bán, nên gọi là Ngưu Hóa vậy.

3/ Nam Thiệm Bộ Châu: là cõi chúng ta đang sống, ở về phương Nam núi Tu Di.Ở trung tâm châu này có loại cây Diêm Phù.

4/ Bắc Cu Lô châu, cũng gọi là Uất Ðan Việt, ở về hướng Bắc núi Tu Di. Người cõi ấy sống lâu đến 1000 tuổi, được an vui, bình đẳng, tức cõi của chư Tiên nhơn chung ở.

(21)Bảo cái, tràng phan: bảo cái là cây lọng che lớn phủ trùm ra chu vi rộng từ 1m đến 1m50; tràng phan: cờ phướn dài treo thòng xuống mỗi khi chùa, đình có lễ lược gì quan trọng, hay dùng trang hoàng chỗ Phật, Thánh, Thần Tiên... cho được trang nghiêm.

(22)Bảy cành hoa sen: con số tượng trưng. Ở đây là thất giác chi hay thất Bồ Ðề phần; trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xã.

(23)A Dật Ða: có nghĩa là vô năng thắng, tên của đức Bồ Tát Di Lặc (Maitreya Buddhisattva) là vị Phật tương lai. Ngài là bậc giáo chủ cõi Long Hoa và sẽ hạ sanh kế thừa đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

(24)Pháp bất công: pháp không đồng nhau, có cao thấp cho hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.

(25)Bất hư hạnh: hạnh không hư dối, hạnh chân thật; cũng tức hạnh Bồ Tát hay hạnh của Phật.

(26)Pháp quán tượng vương: một pháp quán vượt hơn hết có mãnh lực phi thường như voi chúa dẫn đầu, làm bẻ dẹp tất cả mọi vọng niệm, mê chấp...

(27)Sư tử phấn tam muội: sức thiền định vận dụng toàn thân tâm lực hùng mạnh như sức sư tử dũng dước, không con thú nào bì kịp. Phật cũng vậy, dùng định lực oai mãnh, sức phấn tấn của Ngài thì không một chúng sanh nào sánh kịp. tức Phật dùng định lực mạnh mẽ, phi thường, mau chóng không gì bằng.

(28)Vô kiến đảnh tướng: Tướng trên đỉnh đầu của đức Phật, người phàm phu không thể thấy được. Trên đỉnh đầu của Phật có tướng nhục kế, tức khối thịt lồi lên như búi tóc, là một trong 32 tướng tốt mà chỉ có đức Phật mới có được. Có tướng thật mà không trông thấy nên gọi ''vô kiến'' là vậy.

Tam chuyển pháp luân, tức ba lần đức Phật chuyển xe pháp để lợi lạc hữu tình. Ðó là chuyển pháp lần thứ nhất tại vườn Lộc Uyển với pháp Tứ Ðế độ 5 anh em ông Kiều Trần Như chứng được thánh quả A La Hán. Lần thứ hai, Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa độ cho vô số chúng sanh vào Ðại Thừa, được Phật tuệ. Lần thứ ba, Phật giảng kinh Niết Bàn, nói về Phật tánh: thường, lạc, ngã, tịnh độ hàng thượng căn, thượng trí đạt đến giải thoát an lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]