Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Quyển mười: Bồ Tát Địa

18/04/201318:42(Xem: 12168)
10. Quyển mười: Bồ Tát Địa

Kinh Bồ Tát Thiện Giới

10. Quyển mười: Bồ Tát Địa

Thích Thiện Thông

Nguồn: Thích Thiện Thông

PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU
NGÀI ƯU BA LY HỎI THỂ THỨC THỌ GIỚI
VÀ NHỮNG PHÁP GIÁ, KHAI CỦA GIỚI BỒ TÁT

Đại Bồ Tát muốn thành tựu Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới, trước hết phải đầy đủ sự học về giới Cư sĩ giới Sa di và giới Tỳ kheo.

Nếu nói không cần giới cư sĩ vẫn được giới Sa di, điều đó thật quấy, hoặc không cần đủ giới Sa di vẫn được giới Tỳ kheo, việc đó cũng không phải. Hoặc không đủ ba bực giới như trên mà được giới Bồ Tát, điều này cũng vô lý.

Ví như lâu đài bốn tầng, nếu không do tầng nhất mà xây lên tầng hai, điều ấy khó có. Hoặc không từ tầng hai mà xây lên tầng ba, hay không do tầng ba mà xây tầng bốn, việc đó cũng hoàn toàn phi lý.

Bồ Tát đủ ba thứ giới rồi, nếu muốn thọ giới Bồ Tát, phải nên hết lòng, lấy sự không tham đắm làm gốc. Tâm phải buông bỏ những vật bên trong bên ngoài. Nếu không buông bỏ, hoặc không đủ ba loại giới trước, trọn không thể được giới Bồ Tát.

Người muốn thọ giới Bồ Tát, hãy sự xét nét bản thân, cũng như xét nét khả năng hiểu biết của mình, có thể kham năng lãnh thọ thực hành và giữ gìn hay không? Nếu có thể, thì nên phát nguyện và đối trước Tam Bảo tự nguyện thọ giới Bồ Tát.

Khi đó, nên ở chỗ vắng lặng, lễ lạy chư Phật trong mười phương, xoay mặt về hướng Đông (hoặc tượng Phật xoay về hướng nào, thì đối hướng đó), đối trước tượng Phật quỳ gối sát đất, chấp tay trước ngực và nói lên như sau:

Kính bạch chư Phật và chư Bồ Tát Đại đức Tăng chứng minh cho:

Nay con pháp danh là…Cầu giới Bồ Tát Con đã đủ giới Ưu bà tắc, cho đến đã đủ những việc làm của người có chút ít học vấn. Vì thế con theo các đức Phật và các vị Bồ Tát trong mười phương, cầu giới Bồ Tát.

Nay đây chư Phật, Bồ Tát mười phương đều xét biết tâm con. Như con không có tâm tin tưởng, hủy bỏ Bồ Đề tâm, hoặc có tâm xấu ác hư dối, xin chớ ban bố cho con giới pháp. Nếu con không có những tâm như thế, xin chư Phật Bồ Tát thương xót đến con, ban bố cho con giới Bồ Tát (lạy 1 lạy).

(Lập lại lời tác bạch này lần thứ hai rồi lần thứ ba. Sau mỗi lần tác bạch lạy 1 lạy).

Bạch ba lần như vậy xong rồi, đứng lặng trong chốc lát, chuyên tâm tưởng đến chư Phật Bồ Tát trong 10 phương. Kế đó là quỳ bạch:

Nay chư Phật và chư Bồ Tát đã ban cho con giới Bồ Tát. Vì sao vậy? Vì chư Phật, Bồ Tát 10 phương do Tha tâm trí xem xét tâm con, con có tâm chơn thật, cho nên biết rằng chư Phật Bồ Tát vì thương xót mà đã ban giới cho con rồi vậy.

Nay con không thầy dạy dỗ, chư Phật và chư Bồ Tát mười phương là thầy của con. Xin thương xót chứng minh cho con (lạy 1 lạy).

(Lập lại lần thứ hai, lần thứ ba lời bạch trên đây, mỗi lần bạch xong lạy một lạy).

Lúc đó chư Phật, Bồ Tát sẽ hiện điềm lành (như có gió mát bốn phương thổi nhẹ đến chẳng hạn), cho biết là đắc giới.

Chư Phật Bồ Tát mười phương bảo khắp đại chúng:

Ở thế giới đó có Tỳ kheo… chơn thật thọ giới Bồ Tát. Vì thương xót người ấy, ta đã ban cho giới pháp. Nay người ấy không thầy dạy dỗ, ta vì người ấy mà làm thầy và che chở pháp đệ của ta.

(Đến đây là kết thúc việc đối trước Tam Bảo tự nguyện thọ giới Bồ Tát. Người thọ giới đứng lên lễ Phật, hồi hướng v.v…Đây gọi là pháp Tự Yết ma cầu giới Bồ Tát).

Xin lưu ý: Pháp đối trước tượng Phật, Bồ Tát mà thọ giới trên đây. Áp dụng cho người đã thọ giới Tỳ Kheo nhưng chưa thọ giới Bồ Tát. Đến khi muốn thọ giới Bồ Tát, nhưng các nơi lại không có giới đàn, hoặc trong vòng hàng trăm đến hàng ngàn cây số mà không có vị giới sư trao truyền, hoặc vì loạn ly không đi xa được, mới cho đối trước Tam Bảo tự cầu thọ giới Bồ Tát. Nếu có giới sư đã thọ giới Bồ Tát mà giới tử không đến cầu thỉnh giới sư tác pháp chứng minh, lại chỉ tự đối trước tượng Phật, Bồ Tát cầu thọ giới, điều này không đúng. Vì xem thường vị đã thọ giới trước.

Việc đối trước tượng Phật, Bồ Tát xin tự thọ giới, trong kinh Phạm Võng có dạy: Cần nên đối trước Tam Bảo sám hối trong 7 ngày, 14 ngày 21 ngày hoặc đến ba tháng, sáu tháng, cầu cho được thấy hảo tướng là: Trong chiêm bao thấy Phật xoa đảnh, thấy hoa quý, các cảnh tượng lạ… Thấy triệu chứng như vậy, đối trước tượng Phật, Bồ Tát thọ giới liền đắc giới.

Ngoài ra những cư sĩ muốn cầu thọ giới Bồ Tát, nên đến chư sư hướng dẫn và y theo sự hướng dẫn ấy mà cầu thọ giới Bồ Tát tại gia.

PHÉP ĐỐI TRƯỚC GIỚI SƯ CẦU THỌ GIỚI

Nếu có bực minh sư đã thọ giới Bồ Tát, song người muốn thọ giới lại vì tâm kiêu mạn, không theo bực minh sư để thọ, thì không đắc giới Bồ Tát. Trừ khi vị sư đó hủy giới.

Hoặc có vị minh sư, mà người thọ giới ở xa hoặc nước có loạn lạc, hoặc tự mình mang bệnh nặng, hoặc bận làm lợi ích cho nhiều người. Gặp những trường hợp đó đối trước tượng Phật, tượng Bồ Tát tự nguyện thọ giới (như thể thức ở trước).

Những người xuất gia, tại gia, nếu có thể buông bỏ bớt tài sản vật chất, nếu có thể thực hành bố thí, trong thâm tâm lập nguyện cao cả, quyết chí cầu Vô thượng Bồ Đề và muốn thọ giới Bồ Tát. Vị này khéo biết nghĩa lý, có thể giải nói, chỉ dạy người khác. Người muốn thọ giới Bồ Tát hãy nên qua đến chỗ vị đồng pháp ấy, cúi đầu làm lễ, vén áo vai hữu, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch như sau:

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính bạch Đại Đức xin lắng nghe cho:

Nay con theo Đại Đức xin thọ giới Bồ Tát, Giới đại tự tại, giới Vô thượng, giới Vô thắng, Đại Đức không bỏ tâm ân trọng đối với con. Xin thương xót thí giới cho con.

Bạch như vậy rồi, nếu vị Đại Đức im lặng hứa nhận, người cầu giới đứng lên, sửa y phục ngay ngắn, theo sự hướng dẫn của vị Đại Đức ấy, đối trước Tam bảo, hướng về mười phương Chư Phật Thế tôn và Đại địa Bồ Tát cựu trụ, đầu mặt lễ lạy Tam Bảo, tùy sức hiểu biết của mình mà tán dương công đức của Phật, Bồ Tát.

Trước sự chúng minh của vị Đại Đức, người xin thọ giới quỳ thẳng, chấp tay bạch như sau:

-Kính bạch Đại Đức, nay con pháp danh là… Xin thọ giới Bồ Tát. Đại Đức thương xót, xin ban cho con giới Bồ Tát. Từ mẫn cố. Đại từ mẫn cố.

(Nếu vị Đại Đức im lặng nhận lời. Khi đó giới tử hãy chí tâm nghĩ đến Tam Bảo, sanh tâm vui mừng và thầm nghĩ như vậy: nay tôi sẽ được thành tựu công đức bảo tạng không thể lường, không có bờ mé, không gì cao hơn, sẽ được giới pháp của Bồ Tát đã thọ trì. Giới tử lại một lòng nhiếp niệm, đứng thẳng yên lặng, đợi sự khai thị của giới sư).

Giới sư bảo:

-Này Thiện nam tử lóng nghe:

-Pháp Đệ Bồ Tát! Nay người có phải chơn thật là Bồ Tát tâm không? Có chơn thật phát Bồ Đề tâm không?

Đáp: - Kính Bạch Đại đức, Nay con thật có phát tâm.

Hỏi: - Nay người đã đủ ba loại giới trước chưa?

Đáp: - Mô Phật đã đủ.

Hỏi: - Có thể buông bỏ vật bên trong lẫn vật bên ngoài không?

Đáp: - Mô Phật, có thể buông bỏ.

Hỏi: - Có tiếc thân mạng không?

Đáp: - Mô Phật, không tiếc thân mạng.

Hỏi: - Người muốn theo tôi thọ giới của tất cả Bồ Tát, giới nhiếp trì tất cả đạo Bồ Tát, giới lợi ích tất cả chúng sanh. Giới này như giới của chư Phật, Bồ Tát trong mười phương ba đời. Vậy người có thể gìn giữ được chăng?

Đáp: - Mô Phật có thể gìn giữ.

(Giới sư lập lại lần thứ hai, lần thứ ba câu hỏi này. Giới tử đáp đủ ba lần)

Khi đó Giới sư xướng lên như sau: - Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính xin chư Phật và chư Bồ Tát Đại đức Tăng mười phương chứng minh:

Này có giới tử pháp danh là… Thỉnh cầu nơi con, từ chư Phật, chư Bồ Tát tăng trong mười phương, xin thọ giới Bồ Tát. Giới tử này đã đủ ba điều giới, phát Bồ Đề tâm, chơn thật là Bồ Tát. Giới tử này đã đủ ba bực giới, phát Bồ Đề Tâm, chơn thật là Bồ Tát. Có thể xả bỏ vật bên trong, bên ngoài, không tiếc thân mạng. Kính mong chư Phật, chư Bồ Tát Tăng trong mười phương thương xót, ban cho giới tử… giới Bồ Tát. Xin thương xót ban cho giới Bảo tạng, công đức vô lượng vô biên, vô thượng, để làm lợi ích chúng sanh, thêm lớn pháp của chư Phật và chư Bồ Tát.

(Giới sư bạch lần thứ hai rồi lần thứ ba từ câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca… cho đến chư Phật và chư Bồ Tát).

Khi đó các phương sẽ có gió mát thổi nhẹ đến, giới sư sẽ biết, Chư Phật, Bồ Tát mười phương đã ban giới pháp cho giới tử. Xong rồi giới sư bảo giới tử:

Giới sư dạy:

-Này Giới tử, hãy lóng nghe.

Nay chư Phật và chư Bồ Tát trong mười phương đã ban cho người giới pháp, như giới của tất cả Bồ Tát trong ba đời. Người phải hết lòng mà gìn giữ.

Hỏi: - Vậy có thể giữ được không?

Đáp: - Mô Phật giữ được.

(Giới sư hỏi lại lần thứ hai, lần thứ ba Từ Câu: Nay chư Phật…cho đến… có thể giữ được không - Giới tử ba lần đáp).

Đến đây giới sư kính lạy chư Phật, chư Bồ Tát tăng mười phương và lễ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (giới tử lạy theo).

PHẦN XƯỚNG LỄ

-Nhứt tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, Thập phương Tam thế Nhứt thiết Thường Trụ Phật Đà Da Tôn (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ tận hư không, biến pháp giới, Thập phương Tam thế Nhứt Thiết Thường Trụ Đạt Mạ Da Tạng (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ Tận hư không, Biến pháp giới, Thập phương Tam thế Nhứt thiết Thường Trụ Tăng già Da chúng (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ Đại trí Văn Thù Sư lợi Bồ Tát Ma ha Tát (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ Thanh tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lạy).

-Chí tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch Đại Tổ sư Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lạy).

Giới sư bạch:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính mong Chư Phật và Chư Bồ Tát Đại Đức Tăng trong mười phương chứng minh cho.

Nay cho giới tử là Tỳ kheo…Ba lần nói lên Đã từ Chư Phật và chư Bồ Tát mười phương mà đắc giới. Người nói ra là con. Người thọ là… Con vì… làm người chứng nhận. Vô lượng Chư Phật, Chư Bồ Tát mười phương là Đại sư. Bực tiểu sư nay là thân con. Trong hai bực thầy: Một là bực thầy có thể thấy. Hai là bực thầy không thể thấy. Bực thầy không thể thấy là Chư Phật, Bồ Tát mười phương. Bực thầy có thể thấy là thân con. Bên cạnh bực thầy không thể thấy và bực thầy có thể thấy, giới tử này đắc giới rồi vậy.

(Giới sư bạch lần thứ hai rồi lần thứ ba).

Làm Yết ma như vậy là xong. Bạch Yết ma xong rồi, giới sư và giới tử yên lặng trong giây lát.

(Trong khi đó Chư Phật, Bồ Tát mười phương thế giới biết được tướng này rồi, bảo khắp đại chúng: - Trong thế gian kia, có người… như thế, theo bực trí giả ấy mà thọ giới Bồ Tát. Người thọ giới này là Pháp đệ của ta. Nay ta hết lòng thương xót và hộ niệm cho người ấy).

Nhờ chư Phật và chư Bồ Tát trong mười phương thương xót hộ niệm , cho nên người truyền giới và người thọ giới đều thêm lớn pháp lành.

Sau khi đứng lặng trong giây lát rồi, Giới sư và giới tử kính lễ Tam Bảo và hồi hướng.

Đến đây gọi là xong việc thọ giới của giới tử. Giới của tất cả. Giới không gì cao hơn. Giới không gì trội hơn. Giới chứa nhóm công đức. Giới vắng lặng. Giới trong sạch thâm tâm. Giới phá hỏng tất cả phiền não của chúng sanh. Giới như vậy hơn tất cả giới của Thanh Văn, Duyên Giác.

Tại sao thế?

-Vì độ tất cả chúng sanh vậy.

PHẦN PHỤ CHÚ: Thể thức đàn truyền giới Bồ Tát trong bộ Giới đàn Tăng đã có mục "Khoa Tiết truyền Bồ Tát Giới" được tuyển dịch rất hoàn bị, thiết tưởng nơi đây chúng tôi khỏi phải dịch ra Việt văn về chi tiết truyền giới cũng nên. Tuy nhiên có vài lý do khiến chúng tôi khỏi phải dịch đầy đủ thể thức truyền Bồ Tát giới được nói trong kinh này.

1.Để mạch văn có sự liên lạc thứ lớp từ trước tới sau, hầu tránh sự lủng củng.

2.Vì là một bộ kinh từ đức Phật dạy về Bồ Tát pháp, cắt quãng bỏ đi là điều không thích nghi, nhứt là đối với luật môn.

3.Người được thọ giới Bồ Tát, về sau trở thành bực thiện tri thức, khi truyền trao giới pháp cho người khác, vị đó cần phải biết và có đủ nghi thức để hướng dẫn người sau thọ giới.

4.Để rộng đường so sánh đối với các nghi tiết khác, có liên quan đến thể thức thọ giới Bồ Tát.

Về phần đảnh lễ Tam Bảo, chúng tôi rút trong "Khoa tiết truyền Bồ Tát giới" ghi vào cho nhứt loạt. Xét rằng không trái với bổn văn. (hết phần phụ chú).

Bồ Tát thọ Bồ Tát rồi, phải nên học và đọc Tạng Kinh, tạng Luận của Bồ Tát.

Khi vị giới tử muốn theo vị tri thức đồng học, đồng pháp cầu thọ giới Bồ Tát, trước hết hãy nhận xét vị này qua tác phong và đạo hạnh. Nếu là người mà mình không tin tưởng, chẳng nên theo vị đó xin thọ giới. Người thiếu tin tưởng nghĩa là: Người bỏn sẻn, tham lam không biết tri túc, người phá giới, làm ô uế giới, chẳng kính trọng giới, người hay tham, hay giận, không biết nhẫn nhục, không vì người khác mà dấu dữ bày lành, người biếng trễ lười nhác, ham hố thú vui ở đời, hoặc ưa bàn nói đến việc thế tục, cho đến chẳng mấy khi nghĩ đến Tam Bảo. Hoặc người bị lưới nghi vây bủa, si mê tăm tối, chẳng thể đọc tụng kinh luật, luận của tạng pháp Bồ Tát, mà còn sanh tâm chê bai, bài bác v.v. Gặp người như thế không nên theo y thọ giới.

Lại nữa, khi đã thọ giới Bồ Tát rồi, không được đến kẻ bất tín mà nói giới, cho đến không được nói với những kẻ chê bai kinh điển Đại thừa.

Tại sao vậy?

-Nếu nói mà kẻ khác không tin. Do nhân duyên đó, người không tin sẽ sa đọa địa ngục. Vì vậy chẳng nên nói. Nếu nói, người nói mắc tội.

Còn như biết chắc rằng, nói với người bất tín, có thể phá bỏ ác nghiệp, ác khẩu và tâm bất tín của họ. Như vậy nói không mắc tội.

Bồ Tát khi đã thọ giới Bồ Tát giới rồi, vị thầy nên vì người học mà giảng nói pháp nào là phạm, pháp nào chẳng phải phạm.

-Này … Hãy chú ý lóng nghe:

Về giới Bồ Tát có tám giới trọng. Bốn giới căn bản (Sát, Đạo, Dâm, Vọng) từ trước người đã biết rồi. Bốn giới còn lại như sau:

-Nếu Bồ Tát vì lợi nuôi sống, tự khen bản thân mình, trên cương vị Bồ Tát, như vậy mắc tội Đây là giới trọng thứ năm của Bồ Tát.

-Nếu có kẻ nghèo nàn khổ sở, hoặc kẻ bệnh hoạn tìm đến cầu xin, Bồ Tát lại tham tiếc của cải, đến đỗi một vật không đáng một đồng tiền cũng không muốn cho. Hoặc có người đến cầu học giáo pháp mà lại lẫn tiếc, cho đến một bài kệ cũng không giảng nói cho nghe. Đây gọi là giới trọng thứ sáu của Bồ Tát.

-Bồ Tát nếu giận ai, không nên biểu lộ bằng những hành động hung dữ như dùng tay chân đấm đá, dùng gậy gộc đánh đập, hoặc dùng lời nói mắng nhiếc. Hoặc không đủ sức đánh mắng trả lại, nhưng ôm mối hận trong lòng. Nếu bị người khác đánh mắng đến cầu xin sám hối, tạ tội, mà mình không chịu cho người sám hối, cố tình ôm mối hận mãi không thôi. Tâm như thế là không trong sạch. Đây là giới trọng thứ bảy của Bồ Tát.

Nếu Bồ Tát có bạn đồng học, đồng thầy, người này lại chê bai, bác bỏ kinh điển phương đẳng Đại thừa, nhận học mang kinh, không khác gì những kẻ phi pháp. Với người như vậy chẳng nên ở chung. Nếu biết chắc rồi, chẳng được đến người khác mà ca ngợi, đề cao người đồng học ấy. Đây gọi là giới trọng thứ tám của Bồ Tát.

Bồ Tát có hai hạng: Một là hạng Bồ Tát tại gia. Hai là hạng Bồ Tát xuất gia. Tại gia có sáu giới trọng. Xuất gia có tám giới trọng. Tám giới trọng này, nếu phạm mỗi một giới, hoặc phạm đủ tám giới, hiện tại không thể tô điểm vô lượng sự trang nghiêm của đạo Vô thượng Bồ Đề. Hiện tại không thể làm cho tâm được vắng lặng. Nếu thế, chỉ gọi là Bồ Tát danh tự, chẳng phải đúng nghĩa Bồ Tát. Đây mệnh danh là Bồ Tát Chiên đà la, chẳng được gọi là Sa môn, Bà la môn chẳng thể xu hướng đúng đạo Vô thượng Bồ Đề.

Tâm của Bồ Tát có ba tánh chất: Hạ, trung, thượng (1).

Từ giới thứ năm đến giới thứ tám, nếu khởi tâm xấu ác, tâm bực thượng phạm phải. Đây gọi là phạm cấm.

Tâm bực thượng nghĩa là: Đối với tám giới mà vui thích làm, làm với tâm không hổ thẹn, không biết sám hối, chẳng nhìn nhận phạm tội mà còn ca ngợi việc phá giới. Đây gọi là phạm với tâm ác bậc thượng.

Bồ Tát dầu phạm bốn giới trên đây (từ giới thứ năm đến giới thứ tám) nhưng rốt rồi không mất giới Bồ Tát.

Còn như Tỳ kheo phạm bốn giới căn bản, là đánh mất giới ba-la-đề mộc-xoa.

Nếu Bồ Tát phạm bốn giới trọng căn bản (hoặc một trong bốn giới) của Tỳ Kheo, cũng là mất giới Bảo Giải thoát, làm ô uế giới Bồ Tát. Ô uế nghĩa là hiện tại chẳng thể trang nghiêm đạo Bồ Đề, chẳng thể được vô lượng phước đức và các chánh định, vì thế gọi là ô uế.

Có hai nhân duyên làm mất giới Bồ Tát:

Một là thoái lui Bồ Đề tâm. Hai là mắc tội với tâm bậc thượng. Lìa hai nhân duyên này, dầu cho sang đời khác phải ở trong đường địa ngục, ngạ quỷ súc sanh, trọn không mất giới Bồ Tát.

Giới Bồ Tát không đồng với Ba la đề mộc xoa của Thanh Văn. Nếu Bồ Tát có đời sau thọ giới Bồ Tát nữa, chẳng gọi là mới đắc giới, mà gọi là mở mang sự lóng lánh trong sạch.

Nay sẽ nói thêm về những pháp nào là phạm, pháp nào chẳng phải phạm. Nói thêm về những tướng khinh, tướng trọng khác nhau giữa tâm bực thượng bực trung, bực hạ của người đã thọ giới Bồ Tát.

Chú thích: (1) Tâm bực hạ nghĩa là khởi tâm hành động mà chủ đích không nhứt định, hoặc phản ứng tự nhiên. Tâm bực trung là khởi tâm hành động mà còn kiêng sợ ngần ngại. Tâm bực thượng văn sau có giải.

1.Nếu Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, ban ngày hoặc ban đêm, đối với chỗ có tháp, tượng Phật, hay chỗ có kinh điển. Nơi mà hàng ngàn, hàng vạn Bồ Tát tụ tập để đọc tụng. Nếu không dùng hương hoa, đèn đuốc cúng dường, lễ lạy, chẳng hay ca tụng ngợi khen, cho đến không một ý niệm sanh tâm vui mừng. Đây là phạm trọng, nhưng không gọi là phạm tám giới trọng, mà là tâm ô uế, tâm nghi ngờ của Bồ Tát.

2.Nếu như có người rủi bị thương tích té ngã, mà khởi tâm bất tịnh (lợi dụng việc tiếp cứu mà khởi dục tính), hoặc tiếp cứu mà không kính trọng hay tâm bất tín biếng lười. Đây gọi là phạm trọng. Nếu không có lòng nghĩ đến (kẻ bị thương tích) gọi là phạm khinh.

Thế nào không phạm?

-Hoặc có tâm trong sạch thường cầu Bồ Đề. Tâm trong sạch như bốn món tín tâm của bực Tu Đà Hoàn.

3.Nếu Bồ Tát chẳng ít muốn, biết đủ, lại tham đắm lợi dưỡng, gọi là phạm trọng. Nhưng chẳng phải Bát trọng.

Thế nào không phạm? -Nếu xét biết rằng: do chẳng tri túc mà có thể điều phục chúng sanh. Như thể không phạm.

4.Nếu Bồ Tát gặp bực thượng tọa kỳ túc đức độ, hoặc bực đồng học, đồng thầy đến nhà mà sanh tâm kiêu mạn, hoặc bởi tâm xấu chẳng đứng dạy tiếp nghinh lễ lạy, sắp đặt chỗ nơi ngồi nằm, chẳng chào hỏi trước tiên, chẳng cùng chung đối đáp. Hoặc người có hỏi chỗ nghi ngờ lại chẳng giải nói. Đây gọi là phạm trọng, nhưng không phải Bát trọng mà là tâm ô uế nghi ngờ của Bồ Tát.

5.Nếu như có người bị thương, té ngã. Trong khi tiếp cứu mà không khởi tâm bất tịnh. Không phạm. Hoặc vì bận rộn các việc khác không thể tiếp cứu không phạm. Bệnh việc khác như là: Lúc đang bệnh, khi ngủ, khi loạn tâm, khi cúng Phật, khi để tâm nghe pháp, khi chép kinh, đọc tụng giải nói, khi luận nghị nghĩa lý với kẻ đến trước. Hoặc khi bảo vệ người nói pháp, tâm biết mà không tiện nói ra, hoặc đang coi chừng công việc do tăng sai bảo, hoặc bảo vệ cho nhiều người… Như thế không phạm.

6.Nếu tỳ kheo (chưa thọ giới Bồ Tát), vì muốn tìm tòi tội lỗi mà nghe giới Bồ Tát, cả đến người không tin nhận, người không chịu sự dạy bảo, người chẳng thành tựu giới Ưu bà tắc, chẳng thành tựu giới Sa di, chẳng thành tựu giới ba la đề mộc xoa của Tỳ Kheo. Người như thế chẳng được nghe giới Bồ Tát. Nếu nghe mắc tội.



7.Nếu Tỳ kheo phạm tội Ba dật đề mà không hổ thẹn sám hối, nếu nghe giới Bồ Tát là mắc tội thôi lan giá chẳng hổ thẹn, chẳng sanh hối cải, nghe giới Bồ Tát là mắc tội tăng già bà thi sa, chẳng hổ thẹn, chẳng sám hối mà nghe giới Bồ Tát, mắc tội ba la di. Nghĩa là phạm giới trọng thứ tám. Nếu biết mà vẫn cố nói cho những người phạm đó nghe, người nói cũng phạm tội tăng già ba thi sa. Vì vậy trong kinh dạy như vầy: "Người không tin chẳng nên nghe. Người không tin chớ vì họ nói".

8.Nếu có người thí chủ đức tin thuần hậu đến thỉnh Bồ Tát tới nhà, tới chùa tháp, xóm làng, hoặc thỉnh đến quốc thổ (kinh đô) của vị ấy để cung cấp những nhu cầu như y phục, các thức ăn uống mền nệm, thuốc men v.v… Bồ Tát vì kiêu mạn, giận hờn, khinh chê, không qua đến chỗ đó. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

Nếu nhận lời thỉnh, trong khi đi không có bạn lữ, một mình đến nhà bạch y cư sĩ, mà không nói pháp chỉ bày giáo hóa, khiến họ biết cúng dường Tam Bảo. Đây gọi là phạm trọng, nhưng không phải Bát trọng.

Thế nào không phạm? -Hoặc đang bệnh, hoặc căn tánh tối chậm, hoặc thỉnh đi quá xa, hoặc sợ lâm nạn dọc đường v.v…Những trường hợp biết là dầu không nhận lời mời, người thỉnh cũng không phiền giận. Không phạm.

9.Nếu trước đó đã nhận lời thỉnh cúng rồi, nhưng vì gặp lúc siêng tu thiện pháp, hoặc vì muốn nghe nghĩa chưa từng được nghe, hoặc biết người chủ mời thỉnh mà tâm không chân thật, hoặc nhận người đó thỉnh e nhiều người giận hờn, hoặc Tăng hạn chế. Những trường hợp đó không đi không phạm.

10.Nếu có tín chủ đàn việt đem vàng bạc, chơn châu, xa cừ, mã não, lưu ly, pha lê, tôi tớ, xe cộ, voi ngựa và những vật tạp khác như thảm lót ngồi v.v… để dâng thí cho Bồ Tát, Bồ Tát nên nhận. Không nhận mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

-Thế nào không phạm? -Hoặc tâm cuồng loạn, hoặc biết nhận rồi ắt sanh tham đắm, hoặc biết nhận rồi thí chủ sanh ra hối tiếc, hoặc biết thí chủ cúng rồi tâm bị điên cuồng, hoặc biết nhận rồi thí chủ nghèo nàn, hoặc biết vật này đã cúng vào Tam Bảo, hoặc biết vật này do cướp giựt mà được. Hoặc biết nhận rồi sẽ bị nhiều sự khổ sở. Như bị vua bắt, bị giặc trộm lấy, bị giết chết, bị giam nhốt, bị tiếng xấu đồn xa, bị đuổi khỏi cảnh. Hoặc biết nhận rồi chẳng thể buông bỏ hay chẳng dùng vun trồng phước đức nơi ruộng phước lành v.v… Những trường hợp như thế, không nhận không phạm.

11.Nếu có người vì muốn hiểu nghĩa, muốn được nghe pháp, ở chỗ của Bồ Tát khải thỉnh những điều chưa nghe, Bồ Tát lại vì lòng khinh khi ngã mạn, không vì người giải nói. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

Thế nào không vi phạm? -Hoặc biết kẻ kia về trước là hạng tà kiến, muốn nghe để tìm bới tội lỗi. Với kẻ đó, không giảng nói không phạm. Hoặc đang bệnh, hoặc bệnh mới bớt, hoặc đang cuồng loạn. Hoặc biết rằng không nói sẽ làm cho người kia tự xét và tự điều phục, hoặc Phật chưa quy định, hoặc biết người này không kính trọng Tam Bảo, hoặc nhận thấy người này cử chỉ thô tháo, hoặc biết người kia căn tánh đần độn, nghe nghĩa sâu xa sẽ sanh tà kiến, hoặc biết kẻ tà kiến kia nghe rồi sẽ xoay vần truyền nói với người ác tâm để phá hoại chánh pháp.

Biết được những việc như thế, không giảng nói không phạm.

12.Nếu có những kẻ hung dữ thường làm các việc giết hại (kẻ đồ tể) hoặc dạng chiên đà la, mà Bồ Tát không gần gũi tới lui với họ, vì họ giảng nói những điều chơn chánh. Nếu không làm. Mắc tội. Tại sao vậy? Bồ Tát hoặc thấy những người giữ giới tinh tấn thân, miệng, ý trong sạch, mà không sanh lòng Từ đối với người đó, vẫn không hề gì. Nếu gặp người hung ác, nên luôn luôn sanh lòng từ bi. Vì thế, nếu Bồ Tát không gì giải nói cho những kẻ bất hạnh. Mắc tội.

-Thế nào không phạm? -Hoặc kẻ đó cuồng loạn, hoặc vua cấm, hoặc tăng cấm, hoặc sợ nhiều người tỵ hiềm, hoặc biết rõ tuy không nói nhưng người kia tự biết hổ thẹn và tự điều phục.

13.Nếu thí chủ không phải bà con, hay kẻ trưởng giả, bà la môn, đem các thứ y dâng cúng BồTát, Bồ Tát nên nhận. Nếu Bồ Tát tự tìm thứ đó mà được cúng số nhiều, cũng nên nhận.

Như cúng y, được cúng bình bát cũng vậy. Như bình bát, chỉ dệt cũng vậy.

14.Nếu Bồ Tát đến nhà thí chủ cầu xin chỉ dệt, sai thợ dệt không phải bà con để dệt vải, bảo thợ dệt cho chắc chắn, dày rộng. Lại nói rằng "Tôi không tự mặc, làm việc này, người và thí chủ cả hai đều được phước" Nếu thí chủ nói "Tôi vì thầy mà mua sắm, xin thầy tự mặc cho". Bồ Tát được cúng rồi, nếu tự vì thân mình mà qua chỗ thợ dệt, dạy thợ phải dệt cho chắc chắn, dày rộng. Nếu được y mà tự mặc là phạm trọng, nhưng chẳng phải bát trọng. Nếu không bảo thợ dệt. Không phạm.

15.Bồ Tát thọ Bồ Tát giới rồi, nên nhận, nên chứa đồ trải lót thềm sang trọng, như thảm dệt chẳng hạn. Đến như vàng bạc, số nhiều cả ngàn, cả muôn cũng vậy (được nhận).

Hàng Thanh Văn vì chỉ lo tự lợi, bởi thế Như Lai chẳng cho phép nhận chứa.

Bồ Tát không phải như thế, vì làm lợi ích chúng sanh (trang nghiêm chùa tháp), đó nên nhận chứ không được phép không nhận. Nếu vì tri túc hay vì danh dự mà chẳng nhận, mắc tội thất ý (sơ sót).

16.Nếu Bồ Tát vì nhân duyên biếng lười, chẳng hay làm lợi ích chúng sanh. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

17.Nếu Bồ Tát được người ca tụng mình là bực Thập trụ, là A la hán, hay bực tu Đà Hoàn ít muốn, biết đủ. Được ca tụng như thế, vẫn im lặng chấp nhận. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

18.Nếu Bồ Tát, gặp lúc vào trong chỗ chúng tăng, thấy có những người giỡn cười trái phép mà không quở trách. Mắc tội. Trừ khi nghe pháp, vì chế ngự mình, không quở thì không phạm, hoặc tùy ý nói pháp, hay có thể làm lợi ích. Như thế không phạm.

19.Nếu Bồ Tát nói rằng: "Bồ Tát chẳng ưa Niết Bàn, cũng không phải chẳng ưa. Chẳng sợ phiền não, cũng chẳng phải chẳng sợ. Vì sao? -Vì trôi lăn trong sanh tử". Nếu Bồ Tát nói như thế. Mắc tội. Tại sao vậy? -BồTát ưa thích Niết Bàn, điều ấy Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết được. Sự ưa thích Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác đối với sự ưa thích Niết Bàn của Bồ Tát, trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn, vạn phần, cho đến không một phần nào (của Thanh Văn, Duyên Giác) có thể so sánh kịp. Vì sao thế? -Thanh Văn, Duyên Giác chỉ vì tự lợi, chẳng hay lợi tha. Bồ Tát không phải như vậy, vừa tự lợi vừa lợi tha. Bồ Tát mặc dầu thực hành việc làm hữu hậu vẫn hơn La Hán, trọn ngày ở chỗ phiền não hữu lậu mà tâm không bị nhiễm ô, do đó không mắc tội.

20.Nếu Bồ Tát không kiêng sợ tiếng xấu gièm pha, không giữ gìn để khỏi bị mang tiếng xấu. Mắc tội thất ý.

21.Nếu người khác không xấu mà đồn càn rằng kẻ ấy xấu ác, mắc tội phạm ác, tội này do phiền não vi phạm. Nếu bị điều phục mà thêm lời không tốt nữa, mắc tội thất ý, không phải phạm ác.

Thế nào không phạm? -Hoặc la, quở ngoại đạo trá hiện tìm đến thọ giới Bồ Tát, hoặc tâm không ác ý nhưng ngoài miệng phát ra lời xấu, hoặc điên cuồng, hoặc biết rằng quở trách là có lợi ích lớn, hoặc biết rằng giận người nọ, người ấy tự được lợi ích (tự ăn năn). Nếu vì bảo vệ giới luật mà không (lộ vẻ) nổi giận. Mắc tội.

22.Nếu biết rằng: Giận người nọ, được một ít lợi ích hiện tại, không có lợi ích lớn cho đời sau. Hoặc bị đánh liền đánh lại, bị mắng liền mắng lại, bị quấy rối liền quấy rối trở lại. Mắc tội thất ý. Tội này do phiền não vi phạm.

23.Nếu có Bồ Tát khác trách mình, dù thật hay không thật, Bồ Tát ngay khi đó nên hạ mình khiêm tốn đón nhận lỗi lầm, hướng về vị kia mà tạ lỗi. Nếu không như vậy. Mắc tội. Hoặc không quy tạ cũng là mắc tội. Vì cớ buông lung chẳng chịu quy tạ. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc biết người kia hồi nào đến giờ tánh tình tệ xấu, luôn luôn tìm tòi chỗ dở của mình. Hoặc biết: không nhận tạ lỗi sẽ làm cho người kia tự phá bỏ tâm ác. Như thế không phạm.

24.Đối với người khác, nếu Bồ Tát biết rõ người đang giận mình, lại luôn nghĩ như vầy: Nếu lúc nào gặp kẻ đó, ta sẽ đánh sẽ mắng mới vừa. Nghĩ như vậy không thôi, không dứt, chẳng thể chế ngự tâm mình. Mắc tội.

25.Nếu Bồ Tát cùng với Tỳ kheo ni đi chung một đường. Không phạm. Nếu có tâm tham dục. Mắc tội. Không phạm là tự chế ngự được mình.

26.Nếu Bồ Tát theo Tỳ kheo ni không phải bà con, tự tay nhận lấy thức ăn để ăn. Không phạm. Vì sao? -Đại Bồ Tát phát Bồ Đề tâm rồi, đối với tất cả mọi người, không ai chẳng là bà con với mình.

27.Nếu Bồ Tát vì có tham lợi mà làm người sai khiến, hoặc vì tham mà chứa nuôi đệ tử. Phạm tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc để chế ngự, hoặc để hộ pháp, hoặc vì lợi ích, hoặc không lòng tham.

28.Nếu Bồ Tát trễ nãi, biếng lười, chẳng siêng năng tinh tấn, ưa nằm dài, ngủ thẳng. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc đang bệnh, lúc bệnh mới khỏi khí lực chưa đủ, hoặc đi xa mệt mỏi, hoặc đọc tụng nhiều bị mỏi mê, hoặc khi suy nghĩ cách đối trị.

29.Nếu Bồ Tát cùng nhau bàn luận việc đời nói lời vô nghĩa, vô ích. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc khi người khác hỏi phải nói, hoặc chiều theo người để điều phục người, trong khi nói không sanh tâm thêm bớt.

30.Nếu Bồ Tát vì tâm kiêu căng, ngã mạn, chẳng thưa thỉnh bực thầy, chẳng nhận sự dạy bảo của thầy. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc bệnh, hoặc rối trí, hoặc quá thông minh nghe nhiều học rộng, có trí tuệ điều phục chúng sanh, hoặc khi đang nhập định.

31.Nếu Bồ Tát lúc phát khởi dục tình mà chẳng quán tưởng pháp đối trị, chẳng mau mau điều phục để diệt đi. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Tuy có quán tưởng đối trị, nhưng sức phiền não mạnh chẳng thể làm cho diệt liền, hoặc vì thử xem kết quả sự điều phục của mình khi dục tâm phát khởi.

32.Nếu Bồ Tát nói rằng: "Chẳng nên thọ giới của Thanh Văn, chẳng nên đọc kinh, tụng kinh của Thanh Văn. Vì sao? -Vì kinh điển của Thanh Văn chẳng làm lợi ích chúng sanh". Nếu nói như vậy phạm trọng. Nhưng chẳng gọi là Bát trọng.

Thế nào không phạm? -Hoặc vì phương tiện nói để đối trị kẻ tham đắm kinh điển Tiểu thừa.

33.Nếu Bồ Tát chẳng đọc, chẳng tụng kinh luận thuộc Tạng pháp Bồ Tát, chỉ một mực đọc kinh điển Thanh Văn. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc chẳng nghe, chẳng biết có Tạng pháp Bồ Tát.

34.Nếu Bồ Tát chẳng đọc, chẳng tụng kinh điển chánh thức của Phật, lại đọc điển tích thế gian, hoặc đọc văn thơ, kệ tụng thế gian, những sách sớ giải khoa thuật. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc đề nghị luận phá dẹp tà kiến, hoặc đọc đôi ba phần kinh Phật, một phần thế điển. Để chi? -Để biết thế điển là hư dối, Phật pháp chơn thật, hoặc để biết qua việc đời, khỏi bị người đời khinh mạn.

35.Nếu Bồ Tát nghe Bồ Tát tạng và Thanh Văn Tạng có những sự không thể nghĩ bàn mà chẳng tin, chẳng nhận, nói rằng không phải Phật nói ra. Tự mình chê bai, hoặc làm cho người khác chê bai. Mắc tội.

36.Nếu Bồ Tát nói như vầy: "Trí lực của tôi yếu kém, mắt thịt không trong sạch, không thể thấy cảnh giới rất sâu của Như Lai, cảnh giới Như Lai là chỗ thấy của Phật nhãn, chỉ có Phật mới hay biết. Tất cả pháp giới chẳng phải là chỗ năng lực tôi có thể theo kịp".

Nếu Bồ Tát luôn luôn suy nghĩ và có nhận thức như thế, gọi là hạnh chơn thật, không phạm vào hai pháp "Nhẫn hay chẳng phải nhẫn" của Bồ Tát.

37.Nếu Bồ Tát sanh tâm giận dỗi, kiêu mạn tự nói mình trì giới, đa văn, trí tuệ, tất cả đều hơn người. Nói như thế mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

Thế nào không phạm? -Hoặc vì phá chấp tà, vì phá kẻ khinh miệt Phật pháp, hoặc để bẻ dẹp tâm tự cao, tự đại của đối phương, hoặc vì kẻ chưa tin làm sanh đức tin, kẻ đã tin rồi lòng tin càng thêm lớn.

38.Nếu Bồ Tát nghe chỗ nọ có người giảng pháp cách đó một do tuân, mà chẳng qua nghe pháp. Mắc tội. Nếu khinh người nói pháp, không đến nơi đó, Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm. Nếu biếng lười chẳng chịu qua đến. Mắc tội thất ý.

Thế nào không phạm? -Hoặc không biết, không hay, không nghe ai nói, hoặc bệnh, bệnh mới vừa khỏi sức khỏe chưa đủ. Hoặc biết rõ người nói pháp một cách lộn xộn không đúng pháp, ngại cho người nói pháp sanh tâm e thẹn. Hoặc người nói một pháp không nghĩa gì khác. Hoặc đang dụng công tu tập. Hoặc đang giáo hóa nhiều người. Hoặc chẳng biết nổi những điều người kia nói, hoặc chẳng thể nhớ nghĩ. Các trường hợp đó không phạm.

39.Nếu Bồ Tát khinh người nói pháp, chẳng sanh tâm cung kính, chẳng ca ngợi đạo đức của vị kia mà còn cười cợt với mọi người, cho những lời, những nghĩa vị đó nói ra không đúng. Mắc tội.

40.Bồ Tát thọ Bồ Tát giới rồi, những việc công cộng của nhiều người xây dựng, mà không hòa mình tham gia. Mắc tội. Hoà mình nghĩa là: hoặc tới lui ra sao, ủng hộ tiền của, hòa giải sự tranh chấp, hoặc làm việc từ thiện…

Với người giữ giới, người bố thí, người học rộng đa văn, nếu không cùng họ làm việc lợi ích phổ hóa Phật pháp. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc đang bệnh, hoặc không biết làm, hoặc tự lo liệu việc lớn, hoặc trước đã hứa giúp đỡ kẻ khác, hoặc đang dụng công tu tập, hoặc ngại nhiều người giận, hoặc lúc hỷ hạ, lúc tâm thần rối loạn, hoặc biết không hòa đồng có thể điều phục người nọ, hoặc Tăng hạn chế.

41.Nếu Bồ Tát khi dễ người nói pháp, sỉ nhục, đánh ném, cười cợt những lời người nói, chỉ căn cứ theo văn tự, không nương theo nghĩa lý. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

42.Bồ Tát thọ Bồ Tát rồi, nếu chẳng luôn luôn tùy thuận làm lợi ích chúng sanh. Mắc tội. Nghĩa là những khi đi, đứng, nằm ngồi đều phải tu các hạnh lành.

43.Bồ Tát thọ Bồ Tát rồi, nếu gặp người bệnh khổ mà chẳng hay trông nom hoặc làm người cung cấp sai bảo. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc tự mình bị bệnh, hoặc bệnh nhân kia có nhiều bà con, hoặc tự mình gấp tu tập công phu, dụng công tối đa, hoặc trước đó trông nom bệnh cho người khác, hoặc căn tánh tối chậm không biết chăm sóc.

Như sự giúp đỡ bệnh nhân, sự giúp đỡ kẻ nghèo nàn, kẻ khốn khổ cũng vậy.

44.Nếu Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, thấy chúng sanh tà ác tu hành theo những cách dở xấu mà chẳng hay dạy quở, khuyên gắng kẻ đó tránh xa. Mắc tội thất ý.

Thế nào không phạm? -Hoặc biết người này có thiện tri thức, vị thiện tri thức ấy có thể quở trách chỉ dạy. Hoặc biết dầu có vì kẻ đó giảng nói, họ cũng chẳng nghe lời. Hoặc có đến khuyên giải, kẻ kia có tâm làm hại.

45.Nếu Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, dùng những món đồ quý giá để chứa đựng, không khác gì cư sĩ. Mắc tội thất ý.

46.Nếu Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, chẳng nên dùng chén bát bằng vàng, bằng bạc để đựng lấy món ăn, thức uống. Bình bát bằng đồng cũng phải khác với cư sĩ. Chén đĩa bằng gỗ, bằng sừng cũng không nên dùng. Nếu dùng mắc tội.

47.Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, chịu ơn của ai mà không nhớ tới. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

48.Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi mang ơn huệ của người khác mà chẳng tìm cách báo đáp. Mắc tội. Báo đáp bằng cách giữ gìn giới luật, tinh tấn tọa thiền, đọc tụng kinh điển, tùy tâm người thí chủ vui ưa điều gì, nên lấy đó báo đáp.

Thế nào không phạm? -Khi thí chủ không nhận.

49.Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, gặp người lâm cảnh khổ não như thân thuộc bị chết, mất mát của cải, nạn vua, giặc cướp, nước trôi, lửa cháy, thân quyến chia lìa… Nên đến đó nói pháp an ủi, tùy người cầu gì sức mình có thể kham được, nên đem của giúp cho. Nếu chẳng như thế. Mắc tội.

Thế nào không tội? -Hoặc mình chẳng được tự do, hoặc tự mắc bệnh nặng, hoặc người không nhận lời, hoặc khi có nạn, hoặc vua giận người đó, hoặc tăng hạn chế.

50.Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, nếu nhận chứa đệ tử, có người thí chủ dốc lòng tin tưởng Tam Bảo, mà không cầu xin những vật cần dùng như áo, bát, thức ăn, mền đắp, thuốc thang, phòng nhà v.v… Khi có những thứ đó rồi mà không theo thời cung cấp cho đệ tử những món ấy, lại cũng không tùy lúc giảng nói giáo pháp để dạy đệ tử. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc biết đệ tử có thế lực, có uy tín lớn, thông minh, phước đức và có nhiều thí chủ. Hoặc biết đệ tử là ngoại đạo trá hiện để trộm học pháp. Hoặc biết đệ tử không có khả năng tăng trưởng Phật pháp.

51.Nếu Bồ Tát thọ Bồ Tát rồi, thường nên ca ngợi việc hay, việc tốt của người. Nếu ẩn dấu đức độ người khác. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm.

Thế nào không phạm? -Mình ca tụng mà người kia ngăn cản, hoặc loạn tâm độn trí chẳng biết, hoặc bệnh nặng, hoặc ngại người khác tị hiềm. Hoặc truy biết rõ nhưng khó phân biệt.

52.Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, nếu ngồi nằm giường chõng cao quá tám ngón tay của Phật. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc khi thuyết pháp. Hoặc do thí chủ dốc lòng tin tưởng cung thỉnh, hoặc lúc đến ngồi trong đền thờ của ngoại đạo.

53.Nếu Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, trong số những kẻ đệ tử đáng giận mà không giận, đáng quở chẳng quở, đáng phạt chẳng phạt, đáng đuổi chẳng đuổi. Mắc tội. Tội này do phiền não vi phạm. Trái lại, nếu không đáng giận mà giận, không đáng quở lại quở, không đáng phạt lại phạt, không đáng đuổi lại đuổi. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Hoặc biết đệ tử có thể đốt chùa, phá tháp, làm các việc đại ác, giết thầy hòa thượng, giết bực đồng thầy, giết cha mẹ. Hoặc biết đệ tử lập tâm chờ cơ duyên phá hoại chúng tăng. Hoặc biết sau này đệ tử tự sanh hổ thẹn ăn năn.

54.Nếu Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, như được sức thần túc lớn, nhận thấy điều đáng ngại mà không ngại sợ, người có thể sanh lòng tin, mà chẳng làm cho họ phát khởi đức tin. Mắc tội.

Thế nào không phạm? -Nếu biết tất cả đức tin ấy chỉ là tín tà, đảo kiến mà chẳng tin Phật pháp. Không phạm.

55.Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, thường nên hết lòng nhớ nghĩ bảo trì giới pháp, chẳng nên có những ý tưởng hủy phạm. Như đã trót phạm, phải mau mau đối trước người khác mà bày tỏ sám hối. Người mà mình bày tỏ là bực Tiểu thừa hay Đại thừa, có khả năng hiểu biết đúng nghĩa và khéo giải nói.

Trên đây là tất cả giới của Bồ Tát. Từ bực Sơ phát tâm Bồ Tát hiểu sáu pháp ba la mật, cho đến tất cả giới. Hết thảy đều là giới cấm của Bồ Tát. Đây là Tất cả giới.

Trước kia, trong kinh của Thanh Văn, Như Lai chưa nói đến những pháp này. Nay trong Luận Tạng Bồ Tát. Như Lai nói ra.

Vì sao gọi là tất cả giới?

-Vì nói tổng quát hết thảy giới của tại gia và giới xuất gia. Thế nên gọi là Tất cả giới.

Giới khó khăn: Có ba sự: Một là, Bồ Tát có sự tự do, tự tại rất mực, của cải giàu vô lượng nhưng đều có thể bỏ lìa tất cả rồi thọ giới Bồ Tát. Đây mệnh danh là giới khó khăn. Hai là: Bồ Tát gặp nạn nguy cấp còn không để có chút tì vết đối với việc trì giới, không để cho giới bị sứt mẻ, huống gì hủy phá. Đây gọi là giới khó khăn. Ba là: Mặc dầu tùy thuận đi, đứng, ngồi, nằm như bao nhiêu người, nhưng Bồ Tát luôn luôn giữ gìn giới luật một cách vững chắc, chẳng để hủy phạm. Như thế gọi là Giới khó khăn.

Tự giới của tất cả: Đây có bốn điều: Một là Lãnh thọ. Hai là Tánh. Ba là Tu. Bốn là phương tiện.

-Lãnh thọ: Nghĩa là ba lần bạch yết ma.

-Tánh: Là cùng tương ưng với tánh, vì tánh của Bồ Tát mềm mỏng, ba nghiệp thân, miệng, ý thường tốt lành.

-Tu: Nghĩa là ở nơi vô lượng đức Phật, vô lượng Bồ Tát mà tu hành.

-Phương tiện: Như các Bồ Tát dùng bốn nhiếp pháp nhiếp hoá chúng sanh, chỉ dạy khiến cho tu tập pháp lành thuộc thân, miệng, ý. Đây gọi là Tự giới của tất cả.

Giới của người lành: Có năm điều: Một là, tự giữ gìn giới cấm. Hai là, dạy người giữ gìn. Ba là, khen ngợi về Giới. Bốn là, thấy người giữ giới vui mừng khen ngợi. Năm là, nếu phạm, theo phép sám hối tâm không thôi nghĩ. Đây gọi là giới của người lành.

Giới trong tất cả hạnh: Có mười ba điều: Một là phát nguyện hướng về Niết Bàn. Hai là rộng lớn. Ba là trong sạch. Bốn là vui mừng. Năm là chẳng phá hỏng. Sáu là đưa đến. Bảy là Vững chắc. Tám là trang sức. Chín là Chân thật. Mười là Đúng nghĩa. Mười một là Tin tưởng. Mười hai là quý báu. Mười ba là thường hằng.

Như bực Thanh Văn chẳng hạn, tất cả pháp lành và giới cấm của Thanh Văn, đều là cái nhân của đạo Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Giới trong tất cả hạnh.

Giới trừ khử: Có tám điều:

Bồ Tát thường nghĩ như vầy: Như ta chẳng ưa chết, thì tất cả chúng sanh cũng như vậy, vì thế chẳng nên giết hại mạng sống của tất cả mọi người.

Như ta chẳng ưa bị trộm cướp, bị kẻ tham dâm, bị kẻ ác khẩu, nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời vô nghĩa, chẳng ưa bị gậy gộc, bị ném đá, bị đánh mắng v.v… Thì tất cả chúng sanh cũng vậy. Vì thế chẳng nên trộm cướp, tham dâm, nói ác, nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời vô nghĩa, hoặc dùng gậy đá để đánh đập mắng nhiếc ai… Đây gọi là Giới trừ khử.

Bồ Tát dầu phải tan thân mất mạng, trọn không hủy phạm tám giới trọng đã thọ.

Giới tự lợi lợi tha: Bồ Tát đối với giới cấm, điều nào nên ngăn đóng tức ngăn đóng, điều nào nên khai mở tức khai mở. Nếu điều nên ngăn đóng mà không ngăn, chỗ đáng khai mở mà không mở. Mắc tội.

Bồ Tát biết tất cả chúng sanh, nếu đáng thâu nhiếp tức thâu nhiếp, đáng buông xả liền buông xả. Tịnh giới nơi thân, miệng, ý luôn luôn tương ưng với Bố thí ba la mật, cho nên đi chung với Bát nhã ba la mật. Tịnh giới như vậy lợi ích cho mình và cho tha nhân. Đây gọi là Giới tự lợi, lợi tha.

Giới vắng lặng: Từ lúc mới thọ giới, hết lòng giữ vững, vì bốn quả sa môn, vì quả vị Bồ Tát, chẳng vì thân mạng. Đây gọi là Giới vắng lặng.

Khi Bồ Tát đang ngồi, nếu thấy vua chúa, trưởng giả mà vội vàng đứng dậy. Mắc tội.

Nếu trước đó đang ngồi kiết già, thấy vua chúa hoặc trưởng giả mà vội quỳ lên. Mắc tội.

Nếu trước đó áo không được ngay ngắn, thấy vua hay trưởng giả đi đến mà vội thu gọn thân hình, vội vã sửa lại áo mặc. Mắc tội.

Nếu trong lúc vua hay trưởng giả nói lời hung ác, lại theo ý của người mà khen ngợi. Mắc tội.

Điều không nghi ngờ mà nghi một cách mạnh mẽ. Mắc tội. Điều đáng nghi ngờ lại chẳng sanh nghi. Mắc tội.

Người giữ giới Bồ Tát, đầu đêm, cuối đêm chẳng được phép nằm ngủ, phải đủ nguyện lành, hạnh lành và pháp lành. Kham lãnh đúng với chức năng, bản hoài của mình cũng như với trách nhiệm ứng dụng tiếp vật lợi sanh, thành tựu nếp sống chơn chánh, xa lìa quan niệm đoạn thường, thực hành đầy đủ theo đường lối Trung đạo, lìa bỏ năm thứ dục lạc ở đời, vui với niềm vui cao cả, xa lìa chấp trước tà vậy, chẳng phá hỏng, chẳng để hư hoại giới pháp. Đây gọi là Giới vắng lặng.

Ba Tụ tịnh giới của Bồ Tát tạo thành đầy đủ vô lượng quả báo nhiệm mầu. Do đó, Tụ giới là nhân duyên của tất cả.

Đầy đủ Thi ba la mật, người thọ giới đây mặc dầu chưa được Vô thượng Bồ Đề nhưng đã đầy đủ năm thứ công đức:

1.Thường được chư Phật, Bồ Tát nghĩ đến.

2.Cảm thọ niềm vui thường hằng trong sạch.

3.Lúc lâm chung không hối hận.

4.Bỏ thân rồi lại sanh về thế giới của chư Phật.

5.Trang nghiêm đạo Vô thượng Bồ Đề.

Người thọ và giữ giới Bồ Tát, chẳng tự vì thân mình, chỉ vì lợi ích tha nhân và làm trang nghiêm đạo Vô thượng Bồ Đề.

Tất cả giới Bồ Tát trên đây, đều là chỗ thành tựu của Hằng hà sa các đức Phật và các vị Bồ Tát quá khứ, hiện tại và vị lai cho đến chư Phật, Bồ Tát trong khắp mười phương cũng vậy.

HẾT QUYỂN MƯỜI

(TRỌN BỘ)

"Nguyện cho tất cả những ai, được đọc kinh sách này, phước trí trang nghiêm, tuệ đăng thường chiếu, phát bồ đề tâm, thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh, phật sự viên thành, chóng thành Phật đạo."

Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567