Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vào ‘Thiền Tập Với Pháp Ấn’ Của Nguyên Giác: ‘Thấy Tâm Tịch Lặng Không Người, Không Ta’

27/02/202315:43(Xem: 2610)
Vào ‘Thiền Tập Với Pháp Ấn’ Của Nguyên Giác: ‘Thấy Tâm Tịch Lặng Không Người, Không Ta’

thien tap-nguyen giac       


Vào ‘Thiền Tập Với Pháp Ấn’
Của Nguyên Giác: ‘Thấy Tâm Tịch Lặng Không Người, Không Ta’

 

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

 

Có lần, trong lúc trò chuyện thân tình khi chúng tôi còn làm việc chung với nhau ở tòa soạn Nhật báo Việt Báo cách nay nhiều năm, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã kể cho tôi nghe về cơ duyên anh bước vào Thiền. Rằng, một hôm tại Chùa Tây Tạng ở Bình Dương, Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu, là Thầy Bổn Sư của anh, dạy cho người em gái của anh pháp môn niệm Phật để hành trì. Vì không thấy Hòa Thượng dạy cho mình pháp gì để tu, anh mới hỏi Hòa Thượng: “Còn con thì tu pháp môn gì?” Hòa Thượng nhìn thẳng anh, rồi dạy: “Thấy tánh!”

Đó là phép dạy Thiền: Trực chỉ, dứt khoát, không quanh co, không nhiều lời, không để cho tâm phan duyên của người đối diện có một chút cơ hội nào để bám víu! Nhưng, phép dạy Thiền đó không phải vị Thầy nào cũng có thể làm được. Nó đòi hỏi nơi vị Thầy một nội lực thân chứng thực sự cao thâm để có thể nhìn thấu suốt căn cơ của người đệ tử mà truyển trao đúng pháp.

Lời dạy “thấy tánh” mà Hòa Thượng Bổn Sư khai thị cho anh Nguyên Giác như câu chuyện ở trên là một trong những yếu chỉ của Thiền: “kiến tánh thành Phật.” Thấy tánh là ngay tức thì thấy Phật, mà thấy Phật là giác ngộ, là đạt được trí tuệ vượt qua bờ kia, hay còn gọi là tuệ giải thoát.

Khi nghe anh Nguyên Giác kể câu chuyện trên, tôi giật mình và bất giác tưởng chừng như đang nghe một huyền thoại trong các chuyện cổ tích của Thiền một thời xa xưa nào đó! Nhưng, đó không phải là chuyện cổ tích mà là chuyện đã thực sự xảy đến với Cư sĩ Nguyên Giác. Tôi biết chắc đó là sự thật một trăm phần trăm. Nhiều năm làm việc với anh, tôi thấy rõ anh là một người cư sĩ đúng nghĩa, là một người con Phật trọn vẹn. Anh sống chân tình và trọng tình trọng nghĩa. Anh chỉ muốn giúp người khác mà hiếm khi dám thọ ơn. Anh rất mực cẩn trọng đối với nhân quả, nghiệp báo. Anh có nhiều tài, có sức làm việc bền bĩ, và có sức viết phi thường. Đã qua tuổi “cổ lai hy” mà anh vẫn còn viết đều, viết mạnh.

Có lẽ, tôi đoán, lời dạy của Hòa Thượng Bổn Sư hôm nọ đã khai tâm và mở lối cho anh để rồi từ đó anh không còn do dự và nỗ lực không ngừng thực hành Thiền và truyền bá Thiền đến cho mọi người. Cư sĩ Nguyên Giác là một trong những hành giả Thiền quảng bá nhiều nhất pháp môn Thiền đến mọi người. Dù bận rộn nhiều công việc sinh nhai trong những năm trước, anh cũng đã không bỏ phí thời gian ít ỏi của mình để dịch và viết hàng chục tác phẩm về Thiền góp phần vào việc truyền bá Phật Pháp.

Cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” dày 460 trang, vừa được Ananda Viet Foundation xuất bản vào đầu năm 2023, là một trong hàng chục tác phẩm và dịch phẩm về Thiền của Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải không ngoài mục đích truyền bá Phật Pháp cho những ai có duyên để tu tập.

Tôi được thiện duyên đọc khá nhiều các tác phẩm của Cư sĩ Nguyên Giác và tôi nghiệm ra rằng trong hầu hết các bài viết, các tác phẩm của anh, bao gồm cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” đều hàm ngụ hai đặc điểm nổi bật: thứ nhất là không lý luận quanh co, và thứ hai là đi thẳng vào thực hành.

Trong đặc điểm thứ nhất, Cư sĩ Nguyên Giác rất hiếm khi trích dẫn các luận giải mà thay vào đó hầu hết đều trích Kinh. Các luận giải là do chư vị luận sư, học giả diễn giải theo phương pháp phân tích lý luận, không tránh phần nào quan điểm cá nhân. Trong khi đó, Kinh là lời đức Phật dạy không phải để lý luận mà để chỉ thẳng con đường tu tập cho các hàng đệ tử. Lý luận thì dễ bắt cầu cho tâm phan duyên và vọng tưởng khởi sinh. Chỉ thẳng con đường tu tập là tức thì dập tắt mọi vọng niệm. Trong bài “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” Cư sĩ Nguyên Giác viết cụ thể hơn về hai đặc điểm được nêu ra ở trên:

“Đức Phật nói rằng giải thoát là nơi thân tâm này, chứ không ở đâu xa. Do vậy, sau khi thâm tín nhân quả, hãy có niềm tin chắc thật rằng giải thoát là từ nơi thân này và tâm này.

“Thay vì tranh luận bằng cách mượn những lý luận của nhiều ngàn năm trước, hãy mời gọi nhau nói bằng những gì rất cụ thể, dễ hiểu, thấy được, nghe được. Thí dụ, khi dạy Ngài Rahula về vô thường, Đức Phật nói khởi đầu rằng “mắt là vô thường, cái được thấy là vô thường.” Đó là những gì rất cụ thể, ngay ở đây và bây giờ.” (Thiền Tập Với Pháp Ấn, tr. 98)

Trong đặc điểm thứ hai, Cư sĩ Nguyên Giác luôn luôn nhắm đến mục đích giúp cho người đọc nắm vững phương pháp thực hành để giải thoát. Người học Phật mà không thực hành theo lời dạy của đức Phật và chư Tổ thì chỉ xây dựng tòa nhà kiến thức Phật Pháp bằng lý thuyết suông, với chất liệu duy lý và hý luận, không giúp ích gì cho con đường tu tập để giác ngộ và giải thoát. Bài “Kinh Cho Người Bệnh Nặng và Cận Tử” trong “Thiền Tập Với Pháp Ấn” là một điển hình cụ thể, mà trong đó Cư sĩ Nguyên Giác nêu ra nhiều trường hợp các cư sĩ thời đức Phật đang lâm trọng bệnh và nhờ những lời dạy của đức Phật và chư vị đại đệ tử của Phật mà được chứng ngộ và giải thoát để giúp cho những ai không may bị dính Covid-19 biết cách tu tập để thoát khổ. Trong Lời Thưa của cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” Cư sĩ Nguyên Giác đã nói lên điều này như sau:

 “Người viết luôn luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ; cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước qua bờ bên kia.”

Cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn” gồm 27 bài viết xoay quanh chủ đề chính là giới thiệu các “pháp ấn” trong Phật Pháp cho người tu thiền thực hành. Pháp ấn, có thể hiểu một cách đơn giản là Giáo pháp chính thống, then chốt, tinh yếu trong Phật Pháp. Đối với nhiều người chưa học hiểu và nghiên cứu sâu Phật Pháp thì thấy Tam Tạng Kinh Điển mênh mông, bát ngát như nhìn vào biển lớn không thấy đâu là bến bờ, và do đó, không biết nương vào đâu để tu tập. Vì vậy, việc biết được các Giáo pháp then chốt là điều vô cùng lợi lạc trên con đường tu học.

Thường có ba pháp ấn (theo Phật Giáo Nam Truyền): Vô thường, Khổ và Vô ngã; hay bốn pháp ấn (theo Phật Giáo Bắc Truyền): Vô thường, Khổ, Không, và Vô ngã. Trong cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn” của Cư sĩ Nguyên Giác tập trung chính yếu giới thiệu đến người đọc các pháp ấn này.

Trong cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” Cư sĩ Nguyên Giác đề cập đến các pháp ấn ở nhiều chỗ, nhiều nơi trong 27 bài viết chứ không theo thứ tự nào và cũng không tập trung giới thiệu một pháp ấn trong một bài viết mà thôi. Ở đây, tôi xin đưa ra vài trường hợp mà Cư sĩ Nguyên Giác giới thiệu các pháp ấn này để giúp người tu thiền biết rõ phương  tiện tu tập. Chẳng hạn, khi giới thiệu về pháp ấn vô thường, Cư sĩ Nguyên Giác viết như sau:

“Tương tự, nếu chúng ta thường trực sống với pháp ấn vô thường, sẽ thấy rằng không hề có cái gì gọi được là “một vật” bởi vì dòng chảy xiết liên tục không để cho một “vật” nào, hay một “pháp” nào, hay một “đối tượng” nào có thể gọi được là một vật, một pháp, một đối tượng của tâm. Trong Kinh SA 203, Đức Phật dạy rằng chỉ cần một pháp quán vô thường là đủ để giải thoát.

“Trong bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, Kinh SA 203 viết, trích như sau:

“Nếu có Tỳ-kheo nào, đoạn trừ được một pháp, thì sẽ đạt được chánh trí và có thể tự tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’… …Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy đối với vô minh ly dục, minh phát sanh.” (Sđd., tr. 166)

Ở một chỗ khác trong “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” Cư sĩ Nguyên Giác nói thêm về quán vô thường:

“Như các kinh dẫn trên, trong tận cùng rồi phải quán vô thường để vào Niết Bàn. Quán tưởng vô thường được Đức Phật trong Kinh SA 270 khen ngợi như là đi như dấu chân voi, như biển đón nhận vô lượng sông, như mặt trời xua mọi tối tăm, và là tối thắng. Kinh SA 270, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết về cách quán niệm vô thường: 

“Tỳ-kheo, làm thế nào để tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh? Nếu Tỳ-kheo ở chỗ đồng trống hay ở trong rừng cây, mà khéo tư duy chân chánh, quán sát sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường; tư duy như thế thì dứt hết tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh. Vì sao? Vì nếu người nào tu tập được tưởng vô thường, thì có thể tu tập được tưởng vô ngã. Thánh đệ tử an trú ở tưởng vô ngã, tâm lìa ngã mạn, tùy thuận chứng đắc Niết-bàn.” (Sđd., tr. 189)

Các pháp luôn luôn biến hoại, không có gì tồn tại lâu hơn một sát na, đó là vô thường. Vì tất cả mọi sự mọi vật, bao gồm thân ngũ uẩn của con người là vô thường, cho nên khổ. Khổ là trạng thái tâm lý biến dịch và bất an của chúng sinh đối với tất cả các pháp. Nghĩa là cả thân và tâm đều sinh diệt không ngừng. Vì sinh diệt không ngừng cho nên có si

“Đức Phật dạy trong Kinh AN 5.57 rằng tất cả, dù xuất gia hay tại gia, dù nam hay nữ, đều phải thường xuyên quán sát: Mình sẽ già, mọi người sẽ già; Mình sẽ bệnh, mọi người sẽ bệnh; Mình sẽ chết, mọi người sẽ chết; Tất cả những gì thân thương rồi sẽ biến mất; Nghiệp thiện ác mình làm sẽ cuốn trôi mình đi. Có thể ghi nhớ lời vắn tắt là: sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, sẽ ly biệt, sẽ đi theo nghiệp. Đức Phật nói, hễ quán sát liên tục như thế cũng sẽ giải thoát. Tức là, niệm vô thường, niệm khổ thường xuyên như thế, sẽ tới lúc giải thoát. Kinh AN 5.57 bản dịch Thầy Minh Châu, viết:

"Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt."(Sđd., tr. 174-175)

Giới thiệu pháp ấn vô ngã, Cư sĩ Nguyên Giác viết như sau:

“Trong nghĩa rất đơn giản: lý duyên khởi cho thấy không hề có một pháp nào có tự ngã. Đức Phật còn dạy rằng các pháp hữu vi chỉ là như bọt sóng, như điển chớp, như huyễn ảo, như mộng… Đức Phật cũng từng nói về tiếng trống, tiếng đàn thực sự là do duyên mà thành tiếng, không từ đâu và cũng không về đâu. Bởi vậy, các Thiền sư thời xưa nói rằng “tức tâm, tức Phật” cũng đúng, mà nói “chẳng phải tâm, chẳng phải vật, chẳng phải Phật” cũng đều đúng. Trong lý vô ngã, sẽ thấy như thế.

“Cũng khi trực nhận pháp ấn vô ngã mới hiểu lời Đức Phật dạy: Hãy buông bỏ cả ba thời quá khứ, vị lai, hiện tại. Trong Kinh Xuất Diệu có câu: "Xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu, nhất thiết tận xả, bất thọ sanh lão." (Sđd., tr. 165)

Cư sĩ Nguyên Giác cũng đã trích lời dạy của Đức Phật xác minh về hiệu quả của việc quán vô ngã:

“Trong Tiểu Bộ Kinh, phần Kinh Tập, Phẩm Qua Bờ Kia, Kinh Snp 5.15, Đức Phật dạy:

“Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.”

Bản tiếng Anh của John D. Ireland khi dịch lời dạy trên, viết: “Look upon the world as empty, Mogharaja, ever mindful; uprooting the view of self you may thus be one who overcomes death. So regarding the world one is not seen by the King of Death.” (Sđd., tr. 164-165)

Nhưng pháp ấn then chốt mà hành giả thiền nên thực tập chính là “phải lìa tất cả tướng.” “Lìa tất cả tướng” đồng nghĩa với “vô tâm,” “vô niệm,” mà Thiền Tông hay nói đến, hay như Kinh Kim Cang nói đến “tâm vô sở trụ.” Trong “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” Cư sĩ Nguyên Giác đã giải thích và trích lời Phật dạy trong Kinh Bahiya dạy pháp tu này như sau:

“Đức Phật dạy rằng phải lìa tất cả các tướng. Nghĩa là trong cái được thấy, trong cái được nghe… không hề có tướng nào gọi là A hay B, không hề có cái gì gọi là tướng nhân hay tướng ngã, không hề có bất kỳ tướng nào hết… mà chỉ là những cái được thấy và những cái được nghe liên tục chảy xiết qua tâm gương sáng. Thấy như thế là giải thoát. Đó là thấy được tánh Như: Thiền Tông so sánh tương tự như gương sáng không hề lưu ảnh, vì Hồ tới hiện Hồ, Hán tới hiện Hán. Liên tục giữ tâm vô tướng như thế là giải thoát. Đức Phật dạy ngài Bahiya cách nhìn này:

“Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.” (Sđd., tr. 68)

Trong “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” Cư sĩ Nguyên Giác cũng đã có hai bài viết rất công phu vừa mang tính lịch sử vừa có chất liệu văn học Thiền đặc thù mà tôi vô cùng thích thú. Đó là bài viết về hai vị thiền sư Nhật Bản: Ryōkan Taigu (良寛大愚 - Lương Khoan Đại Ngu – 1758-1831) và Bạch Ẩn Huệ Hạc (白隱慧鶴 - Hakuin Ekaku - 1686-1769).

Đặc biệt nhất là bài viết về Thiền Sư Ryokan Taigu, mà trong bài này, Cư sĩ Nguyên Giác ngoài việc ghi lại tiểu sử chi tiết còn dịch và giới thiệu rất nhiều bài thơ, hay trích đoạn thơ của vị thiền sư này. Cuộc đời của Ryokan, qua ngòi bút của Cư sĩ Nguyên Giác, có lối sống thong dong tự tại và giải thoát trọn vẹn của một ẩn sĩ chọn sống một mình nơi rừng hoang, nơi đồng vắng, nhưng lại tỏa ra phong cách lãng mạn và thi vị của một nhà thơ sống hết mình với cõi thơ siêu thoát của ông.  Hãy đọc một bài thơ do Thiền Sư Ryokan Taigu viết qua lời dịch rất thơ của Cư sĩ Nguyên Giác:

“Trong vắng lặng, bên cửa sổ trống

Ta ngồi thiền tọa, mặc phẩm phục trang nghiêm,

Rún và mũi thẳng đường,

Tai song song với vai

Ánh trăng ngập cả phòng;

Mưa đã ngưng, nhưng mái hiên còn nhỏ giọt.

Toàn hảo giây phút này—

Trong tánh không vô tận, hiểu biết ta thẳm sâu.

 

Vào đêm, sâu trong núi,

Ta ngồi trong thiền tọa

Chuyện nhân gian không bao giờ tới đây;

Tất cả đều vắng lặng và rỗng rang,

Nhang đã tàn trong đêm vô tận.

Áo ta đã đẫm sương.

Không ngủ được, ta bước vào rừng—

Đột nhiên, trên đỉnh cao, trăng tròn hiện.

 

Đời ta nghèo

Nhưng tâm ta sáng tỏ

Khi ta qua

Ngày lại ngày

Trong lều cỏ này.

 

Như dòng suối nhỏ

Len lỏi qua

Các vách núi rêu,

Ta cũng lặng lẽ

Trở thành sáng tỏ và trong trẻo.

 

Khi các niệm

Đã vắng cả rồi

Ta lẩn vào rừng [pháp]

Và gom nhặt

Một xấp tiền của mục đồng.

 

Rách rưới và tả tơi, rách rưới và tả tơi

Rách rưới và tả tơi là đời này.

Lương thực? Rau cỏ dại bên đường.

Những bụi cây mọc quanh lều ta.

Trăng và ta thường ngồi chung cả đêm,

Và hơn một lần, ta đi lạc giữa rừng hoa dại,

Quên lối về nhà.

Không ngạc nhiên gì, ta rời khỏi chúng:

Làm sao một ông sư khùng như thế sống trong chùa?”  (Sđd., tr. 368-369)

 

Bài thơ quá hay, đầy thi vị nhưng cũng vô cùng siêu thoát, không vướng một hạt bụi nào! Tôi thích nhất là đoạn bài thơ tả cảnh một ông sư ngồi thiền một mình trong căn nhà trống, dường như chỉ là một túp lều tranh trống trải, vì “ánh trăng ngập cả phòng.” Rồi sau cơn mưa trời lại tạnh và thiền sư lững thững bước vào rừng giữa đêm thanh vắng, bất chợt nhìn lên bầu trời chỉ thấy một vầng trăng tròn chiếu sáng cả nhân gian. Cảnh này đúng là “trong tánh không vô tận, hiểu biết ta thẳm sâu.”

Đọc xong bài thơ của Ryokan, tôi lại nhớ “ánh trăng trên đồi,” và “tâm tịch lặng” trong bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,” trong bài “Khi Đức Phật Hóa Thân” của cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn,” cũng đầy thi vị và siêu thoát. Một đoạn trong bài thơ như sau:

“… Đêm qua trăng mọc trên đồi

thấy tâm tịch lặng không người, không ta

ai hỏi thì nhấc cành hoa

thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …”

Xin phép Cư sĩ Nguyên Giác cho mượn đoạn thơ này trong bài “Như nắng tà huy” để kết thúc bài này dù còn rất nhiều điều bổ ích để đọc và học trong cuốn “Thiền Tập Với Pháp Ấn.”  

Xin cảm ơn Cư sĩ Nguyên Giác và xin giới thiệu đến chư độc giả tác phẩm “Thiền Tập Với Pháp Ấn.”

 

 

 



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]