- Chương 01: Vài Nhận Định
- Chương 02 : Lòng Từ Bi Nhân Ái
- Chương 03: Thiền Định Khai thông sức mạnh của tâm thức
- Chương 04: Trí Tuệ
- Chương 05: Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng
- Chương 06: Tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt
- Chương 07: Dẫn nhập về tâm thức thần bí nhất
- Chương 08: Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi
- Chương 09: Tinh thần Vajra và "lòng nhân ái toàn cầu"
- Chương 10: Giáo huấn thứ hai
- Chương 11: Con đường thăng tiến tuần tự
- Chương 12: Giáo huấn thứ ba Sự giải thoát tự nhiên
- Chương 13: Tính cách độc đáo của ba giáo huấn
TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH
Khám phá tâm thức thần bí nhất
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Hoang Phong chuyển ngữ
PHẦN THỨ BA
Bình giải về Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu
của Patrul Rinpoché
***
Chương 8
Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi
Các học phái thuộc truyền thống dịch thuật xưa và cả dịch thuật mới của [Phật giáo] Tây Tạng đều cho biết rằng khi một vị du-già cao thâm (một đại sư Tây Tạng) khởi động ánh sáng trong suốt thì đấy là cách mà họ lắng vào sự nghỉ ngơi (reposer/rest) [bên trong tâm thức mình]. Vậy chúng ta hãy phân tích và tìm hiểu sâu xa hơn về vấn đề này hầu giúp mình khám phá ra một nguyên lý tối thượng, làm nền tảng chung cho toàn thể các học phái Phật giáo Tây Tạng, thuộc cả hai truyền thống dịch thuật xưa và mới.
Nếu muốn bước vào con đường tu tập tâm linh thì cần phải làm cho sự sinh sôi của vô số các thứ tư duy mang tính cách khái niệm và nhị nguyên (dualist/ đối nghịch) phải dừng lại và tan biến hết trong bầu không gian nền tảng tự tại của tâm thức ánh sáng trong suốt. Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì đấy là cách giúp mình hiểu được bản chất và nguồn gốc của các thứ ấy, và nhờ đó mình cũng sẽ hiểu được là phải làm thế nào để chúng hiện lên một cách thiết thực hầu mang sự tốt lành cho kẻ khác (khi đã hiểu được bản chất và nguồn gốc của các tư duy của mình thì đấy cũng là cách hiểu được phải làm thế nào để chúng hiện lên một cách lợi ích hầu giúp đỡ chúng sinh). Vậy thì các sự sinh sôi mang tính cách nhị nguyên và khái niệm ấy là thế nào?
CÁC CẤP BẬC CỦA TRI THỨC
Đã từng có nhiều kinh sách mô tả về các cấp bậc tâm thức hay tri thức, từ thô thiển đến thật tinh tế. Các cấp bậc tri thức thô thiển nhất liên quan đến mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể (tri thức thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác). Cấp bậc tinh tế hơn hết là tri thức tâm thần, tức là những gì mà chúng ta thường gọi là tư duy và sự tưởng tượng (nói một cách tổng quát, một cá thể gồm có thân xác vật chất cộng thêm 6 thể loại tri thức, 5 tri thức liên quan đến 5 cơ quan cảm giác trên thân thể và tri thức thứ sáu là tâm thức, liên quan đến não bộ. Cơ quan cảm giác thứ sáu này tinh tế hơn cả vì nó phối hợp và diễn đạt được các tín hiệu ghi nhận bởi 5 cơ quan giác cảm khác trên thân thể, nó biết lý luận, suy nghĩ, xét đoán, tưởng tượng... Dù nó tinh tế hơn hết thế nhưng nó vẫn là một cơ quan cảm giác tương tự như các cơ quan cảm giác khác. Tuy không bị mù, quáng gà, điếc hay lãng tai...,như các cơ quan cảm giác khác, nhưng nó cũng có thể bị mất trí, điên loạn, đờ đẫn, u mê, lầm lẫn, v.v. Nếu muốn tìm hiểu Phật giáo một cách nghiêm chỉnh và đúng đắn thì phải luôn nghĩ đến khái niệm này, tức là năm thứ cấu hợp tạo ra một nhân dạng, và lại còn có tâm thức là tri thức thứ sáu, cũng là cấu hợp phức tạp nhất). Tri thức tâm thần lại được phân chia thành nhiều cấp bậc khác nhau, các tư duy thông thường thuộc vào các cấp bậc thô thiển nhất, các cấp bậc khác dần dần tinh tế hơn, chẳng hạn như [tri thức] trong khi ngủ say, bị bất tỉnh, hoặc bị ngưng thở... (trong khi ngủ say, bất tỉnh hay ngưng thở trong chốc lát, thì sự hoạt động của 5 cơ quan cảm giác sẽ giảm xuống hoặc ngưng hẳn, không đưa các tín hiệu vào não bộ tức là "tri thức tâm thần", khiến nó không bị nhiễu loạn hay quấy rối và vì thế nó trở nên tinh tế hơn những lúc bình thường), cấp bậc cao hơn hết là tâm thức tinh tế và thần bí nhất của ánh sáng trong suốt (sẽ được giải thích dưới đây và cũng là điểm chủ yếu của chương 8 này).
Theo quan điểm Phật giáo, các thể loại tri thức thô thiển đều có một điểm khởi đầu và một điểm chấm dứt (sinh ra từ một nguyên nhân và chấm dứt sau đó, có nghĩa là tất cả các thứ tư duy, xúc cảm, tác ý đều là vô thường), thế nhưng đối với tâm thức tinh tế thì không có khởi điểm. Tâm thức tinh tế luôn ở thể dạng liên tục, không khởi thủy cũng không chấm dứt, đối với karma/nghiệp cũng vậy, nguyên nhân và hậu quả của nó cũng không có khởi thủy (nguyên nhân đưa đến hậu quả, hậu quả sẽ tạo ra nguyên nhân khác: đó là nguyên tắc căn bản và bất di dịch của sự vận hành bất tận của thế giới hiện tượng). Tâm thức tinh tế và sâu xa nhất chỉ có thể hiển lộ trong khi xảy ra quá trình của cái chết, hoặc trong một số các thể dạng [tâm thần] thật đặc biệt tạo ra bởi thiền định (các nhà sư cao thâm có thể theo dõi quá trình của cái chết "giả" (simulation) tạo ra bởi thiền định, nhờ đó họ có thể "hình dung"/"tưởng tượng" được sự diễn tiến của cái chết khi nó thật sự xảy ra). Tuy nhiên các giai đoạn tri thức kém sâu sắc hơn và cũng cực ngắn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào [trong cuộc sống bình thường], chẳng hạn như những lúc lắng vào giấc ngủ, khi giấc mơ chấm dứt, hoặc trong lúc hắt hơi, ngáp hay cực khoái (orgasm/khoái lạc). Khi tâm thức ánh sáng trong suốt của cái chết hiển lộ thì tất cả các sự sinh sôi đủ loại (các sự phát sinh hỗn độn và dồn dập của tư duy, xúc cảm, tác ý...) trong cuộc sống bình thường [trước đó] đều tan biến bên trong tâm thức của ánh sáng trong suốt đó (trong quá trình diễn tiến của cái chết, khi tâm thức ánh sáng trong suốt hiện ra thì tất cả mọi thứ tư duy, xúc cảm, tác ý... nói chung là mọi sự sôi sục hay ô nhiễm của tâm thức, đều tan biến trong thể dạng ánh sáng trong suốt đang hiển hiện. Trong những lúc hắt hơi, khi lắng vào giấc ngủ, lúc cực khoái... tâm thức ánh sáng trong suốt phi-tư-duy cũng hiển hiện nhưng cực ngắn, khiến chúng ta không "cảm nhận" được. Nhờ luyện tập và hành thiền, các nhà sư cao thâm có thể nhận biết được các sự hiển hiện cực ngắn đó của tâm thức ánh sáng trong suốt).
Quá trình của cái chết nêu lên thật rõ ràng các cấp bậc khác nhau của tâm thức, chính vì thế chúng ta sẽ dựa vào quá trình này để phân tích và tìm hiểu tâm thức cặn kẽ hơn. Cái chết xảy ra theo từng giai đoạn một, xuyên qua một loạt các thể dạng hoà tan (dissolution) hay chấm dứt (cessation) liên quan đến bốn thành phần (khả năng) nội tạng là:
- Đất, tức khả năng của các chất rắn của cơ thể chống đỡ tri thức;
- Nước, tức khả năng của các chất lỏng của cơ thể chống đỡ tri thức;
- Lửa, tức khả năng của hơi nóng của cơ thể chống đỡ tri thức;
- Khí, tức khả năng sinh lực của cơ thể, chống đỡ tri thức.
(xin lưu ý trong giai đoạn đầu tiên của quá trình của cái chết là sự "hòa tan" của các khả năng của các thành phần vật chất - đất, nước, lửa và khí - giữ vai trò chống đỡ tri thức, bởi vì tri thức phải cần đến một cơ sở chống đỡ và chuyển tải nó. Tri thức tâm thần gồm các sự suy nghĩ, xúc cảm, tác ý... không thể lơ lửng trong không trung mà cần có não bộ với các tế bào thần kinh làm "điểm tựa" cho chúng. Sau khi các thành phần vật chất mất hết khả năng thì sẽ đến lượt tri thức tâm thần bị hòa tan hay tan biến qua các thể dạng thô thiển và tinh tế của nó, và sau cùng sẽ hiện ra tâm thức ở cấp bậc tinh tế nhất còn gọi là tâm thức ánh sáng trong suốt)
Trong cuộc sống bình thường, có thể hình dung các thành phần trên đây (đất, nước, lửa và khí) như là một cái dàn (monture/frame/khung) hay một thứ nền tảng, mang chức năng chống đỡ cho tri thức, tương tự như một con ngựa và tri thức là người kỵ mã cưỡi trên lưng nó. Khi quá trình của cái chết xảy ra thì khả năng của các thành phần chống đỡ tri thức (đất, nước, lửa và khí) sẽ lần lượt suy giảm, trước hết là các thành phần rắn (đất) của cơ thể, khả năng chống đỡ tri thức trước đây của chúng sẽ chuyển sang cho các thành phần linh động hơn (nước). Mỗi giai đoạn hòa tan như thế đều làm gia tăng thêm khả năng chống đỡ tri thức của các thành phần tiếp theo sau đó (lửa, khí).
TÁM GIAI ĐOẠN CỦA QUÁ TRÌNH CÁI CHẾT
Khả năng của thành phần đất (các phần cứng của cơ thể như thịt xương, kể cả các tế bào thần kinh của não bộ, v.v.) chống đỡ tri thức bị hòa tan trong thành phần nước (máu, huyết tương và các chất lỏng khác. Xin lưu ý là "khả năng" của các thành phần ấy bị "hòa tan", tức "không còn giữ được chức năng của chúng nữa", nhưng không phải là chính các thành phần vật chất ấy bị hòa tan). Các dấu hiệu phát lộ ra bên ngoài của sự hòa tan này là cơ thể trở nên hốc hác (émacié/emaciated, các dấu hiệu này có thể xảy ra rất sớm). Các dấu hiệu bên trong (có nghĩa là bên trong tâm thần của người "hấp hối" khi quá trình của cái chết xảy ra) là các ảo giác hiện ra từ xa, tương tự như trên mặt cát trong sa mạc hay trên mặt đường nóng bỏng của một xa lộ (nhìn từ xa trên mặt đường hay trong sa mạc nóng bỏng thường thấy hiện ra các hình ảnh loang loáng tương tự như là các vũng nước, giống như bị hoa mắt, đó là dấu hiệu bên trong và đầu tiên nhất của quá trình cái chết) .
Sau đó đến lượt khả năng của các chất lỏng của cơ thể chống đỡ cho tri thức, bị hoà tan trong thành phần lửa (hơi nóng của cơ thể). Các dấu hiệu phát lộ ra bên ngoài là các chất lỏng bị khô cạn: miệng không còn nước bọt, mũi bị khô, các chất lỏng khác như nước tiểu, máu, tinh khí và mồ hôi bị khô cạn. Các cảm nhận bên trong (tâm thần) là các làn khói xoắn trôn ốc thoát ra từ một ống khói, hoặc tỏa ra mù mịt trong một gian phòng.
Sau đó thì đến lượt khả năng hơi nóng của cơ thể chống đỡ tri thức bị hòa tan trong thành phần khí - tức là khí lực điều khiển các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như hít vào, thở ra, ợ, khạc, nói năng, nuốt, co duỗi các khớp xương, buông lỏng hay co thắt các bắp thịt, mở hay khép miệng và các mi mắt, hoặc các chức năng khác như tiêu hóa, tiểu tiện, đại tiện, kinh nguyệt và xuất tinh. Các dấu hiệu phát lộ ra bên ngoài của các sự hòa tan này là cơ thể bị mất nhiệt, khiến sự tiêu hóa thực phẩm bị ngưng lại. Hô hấp khó khăn, thở ra càng lúc càng dài, hít vào càng lúc càng ngắn. Cổ họng khò khè hay hổn hển. Bên trong [tâm thức] thì hiện ra các đốm sáng tương tự như đom đóm, hoặc các tia lửa bắn ra từ một cái chảo bằng sắt đóng bồ hóng (lọ nồi, hay mỡ cháy khét) đặt trên một đống lửa củi (tương tự như bị choáng váng và "đổ đom đóm" vì bị ngã hay va đầu vào tường), các tia lửa ấy đôi khi cũng có thể hòa lẫn với khói.
Tiếp theo đó là các luồng khí lực sẽ bị hòa tan vào bên trong cơ thể và sự hô hấp bằng hai lỗ mũi sẽ chấm dứt (ngưng thở). Sau đó sẽ hiện ra một đốm sáng tương tự như ngọn lửa lung linh của một chiếc đèn đốt bằng bơ (người Tây Tạng không có dầu hỏa thường phải đốt đèn bằng bơ lấy từ sữa) hay ngọn lửa leo lét của một ngọn nến sắp hết sáp. Tiếp theo đó, đốm sáng chập chờn này sẽ dần dần trở nên vững vàng hơn.
Bốn giai đoạn tiếp theo và cũng là bốn giai đoạn cuối cùng của cái chết, liên quan đến sự hòa tan của các cấp bậc [còn vướng mắc] khái niệm của tri thức (tức là các cấp bậc tri thức thô thiển của tri thức còn bị chi phối bởi tác động của sự hiểu biết khái niệm). Các thể loại tri thức khái niệm (tức tri thức tâm thần nói chung) tuy tinh tế hơn năm thể loại tri thức cảm giác (tri thức thị giác, thính giác...) nhưng vẫn còn thuộc vào cấp bậc thô thiển của tâm thức (nói chung). Các thể loại tri thức này gồm có ba nhóm, tương quan với ba thể loại "khí" hay "năng lực": mạnh, trung bình và yếu, chúng "cưỡi" lên các luồng khí này [tương tự như những người kỵ mã trên lưng ngựa] (các luồng khí lực được so sánh với các con ngựa chuyển tải các thể loại tri thức mang tính cách khái niệm, sự linh động của tri thức sở dĩ có được là nhờ vào các luồng năng lực hay khí lực chuyển tải chúng).
Nhóm thứ nhất gồm các thể loại tri thức khái niệm tương quan với một sự chuyển động mạnh của khí lực tri thức, hướng vào các đối tượng của nó (nói chung là các cảm nhận tạo ra các tác động thật mạnh trong tâm thức). Nhóm này gồm tất cả là ba mươi ba cảm nhận khái niệm, chẳng hạn như các sự sợ hãi, bám víu, đói, khát, lòng từ bi (sự xúc động trước cảnh khổ đau của kẻ khác chẳng hạn), sự chiếm hữu (ham muốn làm sở hữu chủ hay chiếm đoạt một thứ gì đó), sự ganh tị, v.v.
Nhóm thứ hai gồm các thể loại tri thức khái niệm tương quan với một sự chuyển động trung bình của khí lực tri thức, hướng vào các đối tượng của nó. Nhóm này gồm tất cả là bốn mươi cảm nhận khái niệm, chẳng hạn như các sự hân hoan, ngạc nhiên, rộng lượng, thèm muốn hôn hít, anh hùng tính, tánh xấu, tính bất lương, v.v.
Nhóm thứ ba gồm các thể loại tri thức khái niệm tương quan với một sư chuyển động yếu của khí lực tri thức, hướng vào các đối tượng của nó. Nhóm này gồm tất cả là bảy cảm nhận khái niệm, chẳng hạn như các sự quên lãng, lầm lẫn - thí dụ như trông thấy nước nhưng thật ra chỉ là ảo ảnh - ngẩn người (catatonie/catatonia/đờ người hay ngỡ ngàng, là một triệu chứng bệnh lý tâm thần khiến cứng đờ cả người, không biết phải xử sự như thế nào trước một sự kiện hay biến cố xảy ra - gcts), trầm cảm, lười biếng, nghi ngờ, kể cả các sự ham muốn và hận thù.
Cả ba thể loại cảm nhận khái niệm trên đây thật ra cũng chỉ là những gì phản ảnh từ các cấp bậc sâu xa hơn của tri thức, khi các cảm nhận mang tính cách đối nghịch (nhị nguyên) [bên trong chúng] đã giảm xuống, bởi vì thật sự ra thì đấy cũng chỉ là các xu hướng đã có sẵn (predispositions) từ bên trong ba cấp bậc tinh tế của tâm thức. Các cấp bậc tâm thức tinh tế đó chỉ có thể hiển hiện khi nào các cấp bậc tri thức thô thiển chấm dứt, hoặc qua một sự cố tình nhờ vào các thể dạng thiền định sâu xa, hoặc một cách tự nhiên qua quá trình của cái chết, hoặc trong lúc lắng vào giấc ngủ (trong quá trình diễn tiến của cái chết các cảm nhận mang tính cách khái niệm sẽ dần dần tan biến, lúc lắng vào giấc ngủ cũng vậy các tư duy khái niệm cũng sẽ tan biến, thế nhưng trong khi ngủ thì các tư duy khái niệm cũng có thể hiện lên qua các giấc mơ).
Khi các khí lực - mà tám mươi tri thức khái niệm "cưỡi" trên lưng chúng tương tự như những người kỵ mã - chấm dứt thì căn bản của tri thức cũng sẽ chuyển từ các cấp bậc thô thiển sang các cấp bậc tinh tế hơn, còn gọi là "khí tinh tế" (hay "khí lực tinh tế"). Sự kiện này sẽ đưa đến sự hình thành của ba cấp bậc tinh tế khác nhau của tri thức. Trải qua hết ba cấp bậc đó thì tri thức sẽ dần dần trở nên ít đối nghịch hơn, đồng thời sự tương phản giữa chủ thể-đối tượng cũng giảm xuống. Điều đó sẽ đưa đến sự hiển lộ của cấp bậc thật tinh tế của tri thức là tâm thức ánh sáng trong suốt, là một thể dạng vô cùng mạnh mẽ (hiệu lực) khi được sử dụng vào việc tu tập tâm linh.
Tiếp theo đó sẽ xảy ra bốn cấp bậc cuối cùng của thể dạng tri thức sâu xa:
Khi các khí lực [trên đây] - được xem như những con ngựa mà vô số các thể dạng tri thức khái niệm "cưỡi" lên lưng chúng như những người kỵ mã - bị hòa tan thì tâm thức chính nó cũng sẽ biến thành một khoảng không gian mở rộng, bao la mang một màu trắng rạng rỡ (étincelant/shining), tương tự như bầu trời chan hòa ánh trăng - màu trắng đó không hẳn là một thứ ánh trăng chiếu rọi trong một bầu không gian trống không mà đúng hơn là một khoảng không gian ngập tràn một thứ ánh sáng trắng. Các tư duy mang tính cách khái niệm sẽ tan biến hết [trong bầu không gian mang màu trắng đó] và không có gì hiện ra [sau đó] cả, nếu không thì cũng chỉ là một màu trắng rạng rỡ của tri thức (tất cả mọi cảm nhận khái niệm đều tan biến hết). Tuy nhiên một sự ý thức thật tinh tế giữa chủ-thể và đối-tượng vẫn còn tàng ẩn trong thể dạng ấy, khiến từ bên trong nó vẫn còn phảng phất một hình thức nhị nguyên thật tinh tế, vì thế nó vẫn còn mang một chút tính cách đối nghịch thật nhẹ nhàng nào đó. Người ta gọi thể dạng ấy là "tâm thức biểu hiện màu trắng rạng rỡ", bởi vì nó cũng tương tự như bầu trời lúc trăng đang mọc, người ta xem thể dạng đó là "trống không" (vide/empty) bởi vì nó đã vượt thoát các thể loại tri thức khái niệm và cả các năng lực - hay khí lực - mà chúng "cưỡi" lên trên.
Khi nào tâm thức biểu hiện màu trắng [trên đây] và các năng lực (khí lực) của nó bị hòa tan, thì tâm thức (nói chung) sẽ biến thành một khoảng không gian rộng lớn mang màu đỏ hay cam, rạng rỡ hơn cả [khoảng không gian màu trắng] trước đó. Ngoài ra không có một thứ gì khác hiện lên. Sự quán thấy ấy cũng tương tự như một vòm trời trong sáng chan hòa ánh nắng. Tuy nhiên hình ảnh ấy không hề giống như mặt trời chiếu sáng cả vòm trời, mà là một bầu không gian ngập tràn ánh sáng màu đỏ hay cam. Với thể dạng đó, tâm thức trở nên càng ít đối nghịch (dualistic/sự tương phản giữa chủ thể và đối tượng) hơn trước, và được gọi là "tâm thức với biểu hiện gia tăng" (esprit d'accroissement de l'apparence/spirit of increasing appearance), bởi vì nó cũng tương tự như một sự hiển hiện của ánh nắng chói lòa của mặt trời đang lên. Thể dạng tâm thức này được xem là "rất-trống-không" (très-vide/very-empty) bởi vì nó vượt lên một cấp bậc cao hơn cả "tâm thức biểu hiện màu trắng" trước đó và cả các luồng khí lực mà tâm thức này "cưỡi" lên.
Khi "tâm thức với biểu hiện gia tăng" màu đỏ hay cam và năng lực (khí lực) của nó bị hòa tan hết, thì tâm thức (nói chung) chính nó cũng sẽ biến thành một thể dạng tinh tế hơn trước đó và sẽ biến thành màu đen lóng lánh. Ngoài ra không có bất cứ một thứ gì khác hiện lên sau đó. Thể dạng này được gọi là "tâm thức gần thành đạt" (proche obtention/near obtaining), bởi vì nó sắp trở thành tâm thức của ánh sáng suốt. Tâm thức với không gian tỏa rộng màu đen trên đây cũng tương tự như một vòm trời không trăng, tối sầm, lúc hoàng hôn vừa chấm dứt và các vì sao thì chưa hiện ra. Trong giai đoạn khởi đầu của sự hiển hiện của "tâm thức gần thành đạt" tối đen trên đây, người ta (tức là người đang "chết", hay nói cách khác là đang trải qua quá trình diễn tiến của cái chết) vẫn còn [giữ được khả năng] ý thức, thế nhưng trong giai đoạn tiếp theo sau đó thì sẽ không còn ý thức được gì nữa cả, mà rơi vào một bóng tối dầy đặc, tương tự như bị bất tỉnh. Thể dạng trên đây sở dĩ được gọi là "gần thành đạt" là vì nó báo hiệu sự hiển lộ của tâm thức ánh sáng trong suốt sắp xảy ra. Tâm thức tối đen đó cũng được xem là tâm thức "trống-không-thật-lớn" (grand-vide/big-empty), bởi vì nó vượt cao hơn "tâm thức với biểu hiện gia tăng" trước đó và cả các năng lực mà nó "cưỡi" lên.
Khi "tâm thức gần thành đạt" màu đen bị hòa tan hết và sự suy sụp (tan biến) của [các thể loại] tri thức cũng chấm dứt, thì tâm thức (nói chung) chính nó cũng sẽ biến thành "tâm thức ánh sáng trong suốt". Tâm thức này còn được gọi là "tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt", thể dạng này thuộc vào cấp bậc tinh tế, sâu xa và mạnh nhất của tri thức. Thể dạng tri thức đó hoàn toàn trở thành phi-khái-niệm (non-conceptual) và phi-đối-nghịch (non-dualistic), tương tự như một vòm trời lúc hừng đông và trong thể dạng tự nhiên của nó, trước khi mặt trời ló dạng, không ánh trăng, không ánh sáng mặt trời, cũng không có một bóng tối nào cả. Thể dạng sâu kín đó sở dĩ được gọi là "tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt" là vì nó không mang tính cách phù du (tạm thời) tương tự như trường hợp của "tâm thức gần hoàn tất" màu đen, "tâm thức với biểu hiện đang gia tăng" màu đỏ và cam, và "tâm thức với biểu hiện màu trắng", là ba thể dạng tâm thức vừa mới xuất hiện trước đó nhưng cũng chỉ là để chấm dứt sau đó dưới tác động của các điều kiện [chi phối chúng] (có nghĩa là ba thể dạng này còn lệ thuộc vào một số điều kiện "khác hơn" với chúng góp phần tạo ra chúng, trái lại tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt đã thoát khỏi tất cả các điều kiện trói buộc - tức các tư duy đối nghịch và khái niệm), và do đó chúng chỉ mang tính cách phù du (tạm thời) và phụ thuộc (adventive). Tâm thức của ánh sánh trong suốt được xem là "hoàn-toàn-trống-không" (tout-vide/all-empty), bởi vì nó nằm ra bên ngoài toàn bộ các cấp bậc (spectrum) tri thức khái niệm và cả ba thể loại tâm thức với các biểu hiện màu trắng, đỏ-cam và đen (xin lưu ý xuyên qua các thể dạng trên đây, tâm thức sẽ dần dần trở nên "trống-không", "rất-trống-không", "trống-không-thật-lớn" và sau hết là "hoàn-toàn-trống-không").
Tóm lại, khi quá trình của cái chết thật sự bắt đầu thì người ta (người"đang chết" nói một cách khác là đang ở trong tình trạng diễn tiến của quá trình của cái chết) sẽ trải qua tám giai đoạn [nối tiếp nhau]. Bốn giai đoạn đầu liên quan đến sự suy sụp của bốn thành phần (đất, nước, lửa và khí) và bốn giai đoạn tiếp theo sau đó thì liên quan đến sự suy sụp của tri thức, đưa đến cấp bậc thần bí nhất của tâm thức gọi là "tâm thức ánh sáng trong suốt" (đó là cấp bậc thứ tư của tâm thức sau khi đã trải qua ba cấp bậc biểu hiện màu trắng, đỏ-cam và đen).
Khoảng thời gian diễn ra các cấp bậc tâm thức trên đây - trong đó kể cả cấp bậc tâm thức ánh sáng trong suốt - có thể là rất ngắn hoặc cũng có thể kéo dài. Một số người chỉ có thể lưu lại vài phút trong cấp bậc cao nhất, tức là trong thể dạng tâm thức ánh sáng trong suốt của cái chết, nhưng một số khác thì có thể lưu lại [trong thể dạng đó] từ một đến hai tuần. Đối với một người tu tập cao thâm thì khoảng thời gian trên đây [khi tâm thức ánh sáng trong suốt hiện ra với mình] sẽ là cả một cơ hội quý hiếm giúp mình thiền định. Đối với những người [tu tập] hội đủ khả năng quán thấy được tâm thức ánh sáng trong suốt sẽ có thể lưu lại trong thể dạng đó thật lâu, hơn nữa tùy theo trình độ luyện tập của mình họ có thể sử dụng thể dạng đó với mục đích giúp mình "thực hiện" được (quán nhận được) sự thật về sự trống không/Tánh không của sự hiện hữu nội tại của tất cả mọi hiện tượng (nên hiểu rằng sự "trống không" hiểu biết được bằng lý luận khác hẳn với "sự trống không" thực hiện được bằng một sự cảm nhận trực tiếp phi-tư-duy và phi-khái-niệm, tức là một sự cảm nhận bằng trực giác về sự "trống không" bao la và vô tận của chính mình và cả thế giới)
Một số các thiền sư bạn tôi thuật lại với tôi về các cảm nhận sâu xa mà họ đã thực hiện được về các giai đoạn hòa tan [xảy ra trong quá trình của cái chết], thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là các cảm nhận dựa vào thực tế (trong nguyên bản là chữ fac simile, là một thuật ngữ trong tiếng La-tinh nói lên một sự lập lại, nhái theo hay bắt chước một thứ gì đó tương tự như thế). Nhiều người Tây Tạng được xác nhận là đã chết theo tiêu chuẩn y khoa, thế nhưng thân xác của họ vẫn giữ được sự tươi tốt khá lâu (trong một thời gian khá dài). Gần đây, thân xác của một vị Lạt-ma thuộc học phái Sakyapa vẫn giữ được sự tươi tốt suốt trong hai mươi ngày, sau đó mới bắt đầu hư rữa. Vị này "chết" ở Dharamsala tại Ấn Độ, nếu cứ để yên thì vị ấy sẽ vẫn tiếp tục lưu lại trong thể dạng thiền định về cái chết, thế nhưng sau đó người ta đã đưa xác ông về Rajpur, gần Dehra Dub, tại đây xác của ông vẫn tiếp tục giữ được tình trạng tươi mát [thêm một thời gian nữa]. Quả đáng phục ! Tôi từng được biết khoảng mười lăm người Tây Tạng mà xác họ không hề bị hư rữa sau nhiều ngày, đặc biệt trong một vài trường hợp [sự tươi mát] có thể kéo dài nhiều tuần, có một trường hợp kéo dài ba tuần (chỉ có các nhà sư cao thâm khi nhìn vào một người qua đời thì mới có thể biết được là người này vẫn còn lưu lại trong thể dạng tâm thức ánh sáng trong suốt hay đã chết hẳn). Đối với vị thầy giám hộ của tôi là Ling Rinpoché (vị thầy của Đức Đạt-lai Lạt-ma khi Ngài còn trẻ) thì khoảng thời gian này kéo dài mười ba ngày tất cả (Ling Rinpoché, tên đầy đủ là Thoupten Loungtog Namgyel Thrinlé, 1904-1983, là một vị đại sư và cũng là vị giám hộ thứ hai của Đức Đạt-lai Lạt-ma từ năm 1941, và đã cùng vượt biên với Ngài ngày 17 tháng ba năm 1959).
Nền tảng tu tập của tôi xoay quanh sự suy tư về bốn căn bản giáo huấn là vô thường, khổ đau, sự trống không/Tánh không và không có cái tôi/vô ngã (nhìn vào chính mình thì mình sẽ thấy được bốn sự thật ấy, nhìn vào kẻ khác thì mình cũng sẽ thấy bốn sự thật ấy nơi họ, nhìn vào thế giới thì cũng chỉ có bốn sự thật ấy mà thôi. Sự quán thấy thật sâu xa về bốn sự thật ấy chính là sự giác ngộ). Ngoài ra, một trong số tám nghi lễ mà tôi phải thực thi hằng ngày là thiền định về các giai đoạn của quá trình cái chết. Tôi hình dung ra sự hòa tan của thành phần đất trong nước, thành phần nước trong lửa, v.v., và tiếp tục như thế xuyên qua toàn bộ tám giai đoạn [của quá trình của cái chết]. Dù không dám tự nhận là đã đạt được các kinh nghiệm cảm nhận sâu xa, thế nhưng sau khi hình dung ra sự hòa tan của tất cả các sự hiển hiện theo đúng các nghi thức hành thiền, thì tôi nhận thấy một sự ngưng thở thật nhẹ nhàng xảy ra. Tôi tin rằng các dấu hiệu đầy đủ hơn sẽ hiện ra khi người hành thiền quán tưởng đến các thể dạng hòa tan thật lâu và thật sâu xa (nhiều nhà sư Tây Tạng cao thâm cố tình "ra đi" hoặc hoàn toàn khiến mình "biến mất" bằng phép hành thiền đó. Các sự kiện này đã được Đức Đạt-lai Lạt-ma thuật lại trong quyển sách "Chủ động cái chết để tái sinh trong một kiếp sống tốt đẹp hơn" của Ngài, sẽ nói đến dưới đây). Hằng ngày tôi luyện tập về phép "thần linh du-già" (deity yoga), tức là phép quán tưởng về chính mình dưới một thể dạng lý tưởng nào đó, cả trên phương diện tinh thần lẫn hình tướng/thân xác (có nghĩa là hình dung hay tưởng tượng mình là một vị thần linh hay một vị Phật nào đó từ thân xác đến tâm thức), phép luyện tập này đòi hỏi người hành thiền phải quán tưởng về cái chết, nhờ đó tôi cũng đã quen thuộc với quá trình này. Đến khi cái chết vật chất xảy ra [với tôi] thì các giai đoạn [trong quá trình của cái chết] sẽ không còn xa lạ gì với tôi nữa. Tuy nhiên tôi cũng muốn nói thêm một điều là không biết lúc đó tôi sẽ thành công hay không (thành công ở đây có nghĩa là sẽ tái sinh dưới thể dạng một vị Bồ-tát hay một vị Phật hầu tiếp tục giúp đỡ chúng sinh, hoặc hòa nhập vĩnh viễn vào dòng luôn lưu vô tận phi-thời-gian của vũ trụ, tất cả tùy thuộc vào sự chọn lựa và quyết tâm của mình khi giai đoạn tâm thức ánh sáng trong suốt hiện ra với mình).
Trong giai đoạn cuối cùng của cái chết, và khi tất cả các thể loại tri thức thô thiển đều bị hòa tan vào thể dạng "tất-cả-đều-trống-không" (all-empty), tức tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt, thì muôn trùng sự vật trong thế giới cũng như mọi khái niệm [trong tâm thức] chẳng hạn như sự kiện "chỉ là như thế" (ainsité/suchness/cũng chỉ là vậy) cũng như mọi sự phân biệt (nguyên nhân tạo ra mọi sự vật), tất cả sẽ đều lắng dịu trong tâm thức tinh tế nhất. Đúng vào thời điểm đó mọi sự hiển hiện trong môi trường (tức là thế giới) và cả chúng sinh (trong đó kể cả chúng ta) sẽ bất thần dừng lại (retrait/withdrawal/thu lại, đình chỉ). Kể cả đối với những người không tu tập cũng vậy, các biểu hiện thô thiển cũng sẽ dừng lại. Sự dừng lại đó của các biểu hiện quy ước không phải là nhờ vào sự quán thấy hiện thực đạt được bằng phép thiền định (mà là một sự "dừng lại" tự nhiên xảy ra trong quá trình của cái chết khi hiện ra tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt, sự "dừng lại" đó giống như nhau giữa những người tu tập cũng như không tu tập). Trong giai đoạn cuối cùng khi các khí lực tạm thời giữ chức năng chống đỡ cho tri thức đã hoàn toàn bị hòa tan thì tâm thức của người trong cuộc (người quá cố) - dù là một người tu tập hay không tu tập cũng vậy - sẽ trở thành tương tự như một bầu không gian mở rộng, thuần nhất (incomposé/decomposed, disaggregated) và tinh khiết (immaculate/không ô nhiễm) (cái chết được diễn tiến xuyên qua một quá trình thật phức tạp của sự hòa tan các khả năng của các thành phần vật chất [đất, nước, lửa, khí] và tâm thần [các thể dạng thô thiển của xúc cảm, tác ý và các sự hiểu biết quy ước] đưa đến thể dạng cuối cùng là một bầu không gian thuần nhất và tinh khiết. Điều này cho thấy cái chết được giải thích theo Phật giáo Tây Tạng không "giản dị" như cái chết theo tiêu chuẩn "y khoa", cũng không liên hệ gì đến cái chết "hình dung" hay "tưởng tượng" bởi các tôn giáo độc thần. Nói một cách khác thì cái chết là một quá trình sinh học và tâm lý học, sự diễn tiến của nó tương tự như nhau đối với tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, nam nữ hay tín ngưỡng).
ĐƯA CẤP BẬC TINH TẾ NHẤT CỦA TÂM THỨC
VÀO VIỆC TU TẬP TÂM LINH
Tu tập [Phật giáo] tức là tìm cách vượt lên trên sự trống không/Tánh không thường tình, có nghĩa là vượt lên trên sự vắng mặt đơn giản của các biểu hiện mang tính cách khái niệm (cách định nghĩa về mục đích tu tập của Phật giáo trên đây thật sâu sắc và siêu việt, thí dụ trong một gian phòng có một cái bàn, nếu lấy cái bàn đi thì gian phòng sẽ "trống không", tức không có cái bàn nào trong đó cả: đó là sự trống không "thường tình". Dưới con mắt của một người tu tập Phật giáo thì lại khác, dù trong gian phòng có một cái bàn đi nữa, thế nhưng đối với người này thì gian phòng và cả cái bàn cũng chỉ là một sự "trống không" về sự hiện hữu tự tại hay nội tại của chúng: "gian phòng" và "cái bàn" chỉ là các "khái niệm", một sự hiểu biết "quy ước", không phải là hiện thực của mọi sự vật. Sự "trống không" mang tính cách "triết học" đó của tất cả mọi sự hiện hữu mới đúng là sự "trống không đích thật" đối với sự hiểu biết của một người tu tập Phật giáo. Sự trống không mênh mông, toàn diện và sâu sắc đó vượt lên trên sự "trống không thường tình", phản ảnh những sự trống không quy ước, chẳng hạn như các sự mất mát, đổi thay, thua thiệt, thiếu thốn...và cả cái chết). Khi ánh sáng trong suốt hiện lên thì người ta (người tu tập) phải tìm cách thực hiện (đạt được) sự trống không kỳ diệu của sự hiện hữu nội tại qua tâm thức của ánh sáng trong suốt ấy (như đã được nêu lên trên đây: tâm thức của ánh sáng trong suốt hiện lên trong giai đoạn cuối cùng của tám thể dạng hòa tan. Thể dạng đó mang tính cách thuần nhất và tinh khiết, không còn vướng một chút ô nhiễm mang tính cách khái niệm nào cả, và đấy cũng là biểu hiện của sự "trống không" kỳ diệu và tuyệt đối). Sự thực hiện [tánh không kỳ diệu đó] sẽ không đòi hỏi một sự cố gắng nào cả khi ánh sáng trong suốt hiện lên với mình, mà chỉ cần làm quen với nó (có nghĩa là phải luyện tập để nhận biết được ánh sáng trong suốt khi nó chớm hiện lên với mình) trước khi các giai đoạn hòa tan (của bốn thành phần: đất, nước, lửa và khí) xảy ra, và phải tập trung ngay vào sự trống không/Tánh không khi ba thể dạng ánh sáng trắng, đỏ-cam và đen mới vừa mới bắt đầu hiển hiện (có nghĩa là trước khi chết phải tập nhận biết được thể dạng tâm thức ánh sáng trong suốt, và cả trước khi ba quá trình hoà tan của ba thể dạng tâm thức - màu trắng, đỏ-cam và đen - chấm dứt, tức là lúc tâm thức vẫn còn giữ được khả năng ý thức hay nhận biết, thì phải tập trung ngay sự chú tâm vào sự trống không/Tánh không trước khi tâm thức ánh sáng trong suốt hiện ra với mình, hầu giúp mình sẵn sàng lưu lại bên trong nó, nếu không thì sẽ quá trễ). Nếu các bạn đủ khả năng biến ánh sáng trong suốt của cái chết trở thành một tri thức mang các phẩm tính hoàn hảo (thuần nhất và tinh khiết, không còn bị ô nhiễm bởi một sự cảm nhận khái niệm nào), thì tâm thức các bạn sẽ quán thấy được gương mặt đích thật của nó, bản chất của chính nó, tức là thực thể của tâm thức căn bản (và cũng là dòng luân lưu/continuum vô-tận và phi-thời-gian của tâm thức của chính mình).
Trên đây là cách đưa các thể dạng tinh tế nhất của tâm thức vào việc tu tập tâm linh và đấy cũng là cách tích cực và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên phép luyện tập này cũng đòi hỏi một sự luyện tập thường xuyên. Các giai đoạn của cái chết qua các sự mô tả trên đây cho thấy cả một sơ đồ phác họa lại các cấp bậc sâu xa của tâm thức. Các cấp bậc này cũng xảy ra trong cuộc sống thường nhật, thế nhưng thông thường người ta không nhận biết được chúng và vì thế nên không biết lợi dụng chúng [trong việc tu tập của mình].
Sự diễn tiến theo chiều gia tăng của tám giai đoạn [trên đây] không những xảy ra trong lúc cận tử mà còn hiện ra khi lắng vào giấc ngủ, khi giấc mơ chấm dứt, hoặc lúc nhảy mũi, bất tỉnh hay cực khoái (orgasm). Sự diễn tiến theo chiều ngược lại (sự thoái lùi) của tám giai đoạn này sẽ xảy ra khi quá trình của cái chết đã hoàn tất (trước khi chuyển sang quá trình của sự tái sinh), hoặc khi thức giấc, lúc khởi sự một giấc mơ (tâm thức bắt đầu rơi vào các cảm nhận mang tính cách khái niệm), lúc nhảy mũi vừa chấm dứt (có những lúc ngứa mũi, muốn nhảy mũi nhưng không nhảy mũi được, sự ngứa ngáy tiếp tục gia tăng đến khi có thể nhảy mũi, sự kiện này cho thấy tám giai đoạn theo chiều diễn tiến đảo ngược, tức sau khi vừa nhảy mũi xong thì tình trạng bình thường sẽ xảy ra), lúc tỉnh lại sau một cơn bất tỉnh, hoặc trong lúc cực khoái. Sau đây là bảng tóm lược tám giai đoạn:
SỰ HÒA TAN THEO CHIỀU THĂNG TIẾN
1. Sự hiển hiện của ảo giác
2. Sự hiển hiện của khói
3. Sự hiển hiện của đom đóm
4. Sự hiển hiện của ngọn lửa của một chiếc đèn dầu
5. Tâm thức với biểu hiện màu trắng rạng rỡ
6. Tâm thức với biểu hiện màu đỏ-cam rạng rỡ
7. Tâm thức tối đen và lóng lánh của thể dạng gần hoàn tất
8. Tâm thức ánh sáng trong suốt.
SỰ TÁI HIỂN HIỆN THEO CHIỀU THOÁI LÙI
8. Tâm thức ánh sáng trong suốt
7. Tâm thức tối đen và lóng lánh của thể dạng gần hoàn tất
6. Tâm thức với biểu hiện hiện màu đỏ-cam rạng rỡ
5. Tâm thức với biểu hiện màu trắng rạng rỡ
4. Sự hiển hiện của ngọn lửa của một chiếc đèn dầu
3. Sự hiển hiện của đom đóm
2. Sự hiển hiện của khói
1. Sự hiển hiện của ảo giác.
Trong giai đoạn cuối cùng của chiều thẳng tiến, các cấp bậc thô thiển của tri thức, tức là năm tri thức cảm giác (tri thức thị giác, thính giác, v.v) cùng khả năng lý luận (rationality) và cả ba cấp bậc tinh tế của tri thức (gọi chung là "tri thức tâm thần", tức là tri thức thứ sáu), sẽ hòa tan vào tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt (lúc đó cái chết thật sự xảy ra: không còn cảm nhận được bất cứ một thứ gì nữa, không nhớ cũng không còn lý luận được nữa). Thể dạng tâm thức của ánh sáng trong suốt trên đây được gọi là "hoàn-toàn-trống-không" (all-empty), có nghĩa là hoàn toàn trống không về các cấp bậc thô thiển [trước đây của nó]. Thể dạng tâm thức đó rất mạnh, do đó khi các cấp bậc thô thiển của tri thức hoàn toàn đã bị hòa tan hết một cách tự nhiên, chẳng hạn như trong lúc cái chết xảy ra, thì chúng ta sẽ không còn cơ may nào an trú trong thể dạng tâm thức của ánh sáng trong suốt nữa (có nghĩa là đã quá trễ bởi vì trong lúc đó không còn ý thực được gì nữa cả, quá trình của sự hình thành sẽ khởi động đưa đến sự tái sinh). Bởi vì sau khi các giai đoạn hòa tan chấm dứt, thì quá trình đảo ngược sẽ bắt đầu ngay và các sự sinh sôi mang tính cách đối nghịch (nhị nguyên) và khái niệm cũng sẽ hiển hiện trở lại (đưa đến sự "hình thành" tức là "sự sinh"). Hai chuỗi dài chuyển biến trên đây - gồm quá trình thăng tiến của các thể dạng hòa tan và quá trình đảo ngược của các thể dạng tái hiển hiện - sẽ diến tiến dựa trên căn bản của tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt (độc giả có thể xem thêm về các cấp bậc của tri thức mô tả trên đây trong quyển "Mind of Clear Light. Advise on Living Well and Dying Consciously"/Tâm thức ánh sáng trong suốt: các lời khuyên giúp mang lại một cuộc sống tốt đẹp và một cái chết chủ động" của Đức Đạt Lai Lạt-ma, Aria Books, 2003 - gcts. Quyển sách này của Đức Đạt-lai Lạt-ma trước đó cũng đã được xuất bản nhiều lần với nhiều tựa có đôi chút khác biệt, và cũng đã được dịch sang tiếng Việt: "Nhận thức cái chết để sống tốt hơn", nhà xuất bản Phương Đông, 2007, Hoang Phong chuyển ngữ, Bản dịch này sau đó cũng đã được sửa chữa và tái bản với tựa: "Chủ động cái chết để tái sinh trong một kiếp sống tốt đẹp hơn", nhà xuất bản Phương Đông, 2010. Hai bản Việt dịch này được dựa vào bản gốc tiếng Pháp: "Vaincre la Mort et vivre une Vie meilleure", Plon, 2003. Ngoài ra độc giả cũng có thể xem thêm quyển: "Thể dạng trung gian giữa cái chết và sự sinh" do Hoang Phong chuyển ngữ dựa theo ba bài giảng của vị đại sư Dagpo Rinpoché, nhà xuất bản Phương Đông, 2011).
Theo các thuật ngữ sử dụng bởi các học phái thuộc truyền thống dịch thuật xưa của Phật giáo Tây Tạng thì tất cả các sự sinh sôi [của tư duy] mang tính cách khái niệm đưa đến hành động đều bắt nguồn (tạo ra, phát sinh ra) từ sự tích lũy của các xu hướng có sẵn (prédispositions/tức là nghiệp), là các thể loại tri thức thô thiển hơn cả các thể loại tâm thức biểu hiện (màu trắng), thăng tiến (màu đỏ-cam) và gần thành đạt (màu đen). Sau khi tất cả các thể loại tâm thức này chấm dứt (bị hòa tan hết) thì tâm thức ánh sáng trong suốt mới có thể lóe lên được. Khi nó đã hiển lộ mà chúng ta không đủ khả năng để an trú/lưu lại bên trong nó, thì các thứ tâm thức gần hoàn tất (màu đen), thăng tiến (màu đỏ-cam) và biểu hiện (màu trắng) sẽ được khởi động trở lại (theo chiều đảo ngược) làm phát sinh ra tám mươi thể loại tri thức khái niệm, các thứ này lại tiếp tục đưa đến các hành động ô nhiễm và các xu hướng (predispositions/nghiệp), tạo ra mọi thứ khổ đau (tức là sự diễn tiến ngược chiều đưa đến sự tái sinh và mọi thứ khổ đau của sự sống).
Vì thế, khi tám mươi tri thức khái niệm (xin nhắc lại: "tri thức khái niệm" là các tư duy, xúc cảm, tác ý..., nói chung là các sự "hiểu biết" và các "cảm nhận" mang tính cách công thức và quy ước) cùng với ba thể loại tâm thức: biểu hiện, thăng tiến và gần thành đạt (nói chung là các giai đoạn hòa tan của tâm thức) vửa chấm dứt, thì chúng ta phải [lợi dụng ngay thời điểm ấy để] an trú thật vững vàng bên trong [thể dạng tâm thức] ánh sáng trong suốt đó, và trong trường hợp này thì các khái niệm và các thứ xúc cảm khổ đau sẽ không sao phát lộ được. Đấy mới lả một sự nghỉ ngơi đích thật [với đầy đủ ý nghĩa của nó] (sự nghỉ ngơi đó cũng có nghĩa là một sự "đình chỉ" hay "tắt nghỉ" - tiếng Pa-li và tiếng Phạn là "nirodha" - nói một cách khác là không còn tái sinh nữa).
ÁNH SÁNG TRONG SUỐT TÀNG ẨN
TRONG TẤT CẢ MỌI THỂ LOẠI TRI THỨC
Quan điểm trên đây là do các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới đưa ra. Sở dĩ phép luyện tập Đại hoàn thiện mang nhiều khía cạnh sâu sắc là nhờ dựa vào quan điểm này, tức là cho rằng ánh sáng trong suốt tàng ẩn ngay bên trong tất cả mọi thể dạng của tri thức. Chính vì thế nên chúng ta không cần phải chờ đến khi tất cả các cấp bậc thô thiển và các luồng khí lực tinh tế của tri thức dừng lại nhờ vào thiền định, thì mới có thể đưa tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt vào con đường tu tập. Nếu thấu triệt được tính cách hiện thực của tâm thức vajra/kim cương tác động ngay từ bên trong sự hiển hiện của sáu thể loại tri thức (năm tri thức cảm giác và tri thức tâm thần) thì chúng ta tất sẽ hiểu rằng mọi hình thức biểu hiện của sự hiện hữu chu kỳ (cõi luân hồi) và cả nirvana/niết-bàn sở dĩ hiện hữu là do nơi quyền lực của tâm thức vajra/kim cương, và các biểu hiện đó cũng chỉ là các sự phát tán của nó. Nhờ thế chúng ta cũng sẽ hiểu rằng tất cả mọi hiện tượng không hề được tạo tác bởi chính chúng, mà là bởi sức mạnh của tâm thức căn bản, tức là tâm thức thần bí nhất. Nagarjuna/Long Thụ trong tập luận Vòng hoa Trân Quý (tập luận này đã được dịch sang tiếng Pháp và mang tựa là: "Précieuse Guirlande des avis au roi, vacuité et compasion/Vòng hoa trân quý gồm các lời khuyên dành cho nhà vua: sự trống không và lòng từ bi", nhà xuất bản Marpa, 1981 - gcts. Tựa tiếng Phạn là "Rajaparikatha-ratnavali", Hán dịch là Bảo hành vương chính luận) nêu lên cho thấy là sự hiện hữu chu kỳ (cõi luân hồi) chỉ là ảo giác, bởi vì nó phát sinh dựa vào một nguyên nhân ảo giác [khác] là vô minh. Cũng vậy, thật hết sức hiển nhiên, dù rằng tâm thức thần bí nhất dường như tự nó không phải là một ảo giác, thế nhưng các hiện tượng [ảo giác] thuộc sự hiện hữu chu kỳ và cả niết bàn thì lại phát lộ từ bên trong nó, dù bề ngoài không có vẻ là như thế (tức là bề ngoài thì các thứ ấy không có vẻ gì cho thấy là chúng phát sinh từ tâm thức thần bí), và nếu đứng trên quan điểm đó thì tất cả mọi hiện tượng cũng chỉ là ảo giác. Nếu đã là như thế thì chúng ta không sao tránh khỏi phải chấp nhận rằng tất cả mọi hiện tượng chỉ đơn giản hiện hữu bằng tên gọi mà thôi. Nhà sư Dodrupchen cho biết rằng khi nào chúng ta ý thức được mọi sự vật thuộc vào phạm vi của sự nhận thức (connaissable/cognizable, knowable), qua cung cách mà chúng hiển hiện và sinh sôi, chỉ là các sự phát lộ của tâm thức thần bí nhất, thì chúng ta lại càng phải bắt buộc chấp nhận mạnh mẽ hơn nữa quan điểm triết học cho rằng chúng chỉ có thể hiện hữu duy nhất nhờ vào quyền năng của các sự sinh hoạt mang tính cách khái niệm mà thôi (có nghĩa là mọi hiện tượng nhận thức được hay hiểu biết được sở dĩ hiện hữu là nhờ vào các sự suy nghĩ, phán đoán, nhận xét... mang tính cách quy ước và công thức của chúng ta, nói một cách khác là nhờ vào sự "hiểu biết" tạo ra bởi giáo dục và các kinh nghiệm cảm nhận cá nhân của từng mỗi cá thể trong cuộc sống. Sở dĩ chúng ta có thể sinh hoạt, hiểu nhau và cùng chia sẻ một cuộc sống tập thể là nhờ và sự hiểu biết quy ước và công thức, nói chung là các khái niệm).
Phép Đại hoàn thiện chủ trương một phương pháp luyện tập giúp quán thấy tất cả mọi hiện tượng của sự hiện hữu chu kỳ và cả niết bàn cũng chỉ là những sự biểu lộ và phát xạ (irradiation) tự nhiên của tâm thức, [phát sinh] từ bên trong tri thức, và tri thức thì chính nó cũng chỉ là cơ sở chống đỡ cho thực thể căn bản của [toàn bộ] tâm thức mà thôi (xin nhắc lại là các thuật ngữ tâm thức/spirit và tri thức/consciousness đã được giải thích trong một chương trước). Dù rằng [cho đến nay] không có nhiều [kinh sách] giải thích về sự phủ nhận sự hiện hữu nội tại và sự quán thấy mọi hiện tượng chỉ đơn giản hiện hữu bằng tên gọi nhờ vào sự lý luận, nhưng dầu sao đi nữa cũng có thể xem tất cả các thứ ấy chỉ là các sản phẩm phụ (sous-produit/by-product) của sự hiểu biết khi cho rằng toàn thể mọi hiện tượng cũng chỉ là những sự biểu lộ, một hình thức phát tán (deployment) của ánh sáng trong suốt hay tâm thức thần bí nhất (nếu các hiện tượng chỉ đơn giản là sản phẩm phụ phát sinh từ một thứ gì khác thì tự chúng "không thật" và "không hàm chứa" một sự hiện hữu tự tại nào cả, khi đã hiểu được một cách cụ thể sự kiện đó thì sẽ không còn cần đến bất cứ một sự lý luận triết học nào để chứng minh sự trống không/Tánh không của mọi hiện tượng). Chính vì thế mà phép luyện tập trên đây, do các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới đưa ra, bao gồm toàn bộ các khía cạnh quan trọng và chủ yếu nhất về sự trống không/Tánh không nêu lên trong học thuyết Trung Quán (sự trống không hay Tánh không đã được Đức Phật nêu lên trong hai bài kinh ngắn và dài về Tánh không (MN 121 và 122) như là một phương pháp thiền định giúp người tu tập biến cải tâm thức mình. Bảy thế kỷ sau đó Nagarjuna/Long Thụ biến phương pháp cụ thể và thiết thực này thành một quan điểm triết học, và từ đó đến nay không thấy có một triết thuyết nào khác giải thích sâu xa hơn quan điểm của Nagarjuna/Long Thụ, ngoại trừ quan điểm của các học phái Phật giáo Tây Tạng thuộc truyền thống dịch thuật mới cho rằng tất cả mọi hiện tượng trong thế giới cũng như mọi thể dạng tri thức bên trong mỗi cá thể đều phát sinh từ tâm thức ánh sáng trong suốt. Một khi đã phát sinh từ một thứ gì khác thì những thứ ấy không thể hàm chứa một sự hiện hữu nội tại nào. Quan điểm này tuy rất giản dị thế nhưng có thể giải thích được tất cả các điểm chủ yếu nêu lên trong quan điểm của Nagarjuna/Long Thụ về sự trống không/Tánh không của thế giới hiện tượng và của cả các thể dạng tri thức thô thiển bên trong tâm thức con người).
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Trong số năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) tạo ra một cá thể con người thì tâm thức là cấu hợp phức tạp nhất, không những nó mang lại khổ đau, hạnh phúc, sự đần độn và cả trí thông minh cho mỗi người trong chúng ta, mà còn là nguyên nhân gây ra mọi sự phức tạp cho cả thế giới này, từ xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, văn minh kỹ thuật và các sự xung đột cũng như chiến tranh triền miên - kể cả chiến tranh tôn giáo - trong suốt lịch sử nhân loại.
Dù con người đạt được những tiến bộ vượt bực trên mọi lãnh vực, thế nhưng đối với tâm thức của chính mình thì gần như là còn mù tịt. Ngành tâm lý học hiện đại của nền văn minh Tây Phương cũng chỉ mới được thành hình vào cuối thế kỷ XIX, nhưng chủ yếu cũng chỉ là để chữa trị các bệnh tâm thần. Ngành tâm lý học tương đối "mới mẻ" đó dường như chưa thấy hay chưa đủ sức mang lại những ứng dụng rộng rãi trong các lãnh vực tâm linh và xã hội hầu kiến tạo một thế giới an bình hơn. Các trung tâm điều trị các bệnh tâm thần thường được thiết đặt ở những nơi kín đáo, chẳng qua vì dường như người ta rất sợ hoặc không muốn nghe nói đến các thứ bệnh ấy, và cứ nghĩ rằng là mình "bình thường". Thế nhưng thật ra bên trong nội tâm của mỗi người trong chúng ta luôn sôi sục đủ mọi thứ tư duy, xúc cảm, tác ý đủ loại đưa đến các hành động và ngôn từ có thể có hại cho mình và cả xã hội.
Gỡ rối được sự phức tạp đó của tâm thức và làm lắng xuống sự sôi sục của nó hầu mang lại sự thanh thản và an bình, có nghĩa là một sự "nghỉ ngơi" thật sâu xa bên trong nội tâm mình, chính là mục đích chủ yếu nhất của việc tu tập Phật giáo. Sự thanh thản và an bình đó hay sự "nghỉ ngơi" đó trong tâm thức mình sẽ tỏa rộng ra chung quanh, góp phần mang lại niềm an vui và một nền hòa bình lâu bền cho thế giới. Con đường đó do Đức Phật vạch ra thiết nghĩ cũng không đến đỗi quá rắc rối, thế nhưng chúng ta thì lại tìm cách làm cho nó "phức tạp" thêm khiến mình đi trệch ra khỏi con đường đó: sống thì cầu an, chết thì cầu siêu, thấp thỏm tìm đường đi về hướng Tây, thay vì biến cải tâm thức mình và mang lại sự "nghỉ ngơi" cho nó. Đối với một số các tín ngưỡng khác cũng vậy, sống thì cố gắng ngoan ngoãn, chết thì tìm đường lên Trời, thay vì nhìn vào bên trong tâm thức mình để nhận thấy những thứ thúc dục của bản năng hầu chủ động chúng.
Thật vậy mọi thứ tư duy, xúc cảm, tưởng tượng, khát khao, hy vọng cùng các thứ thúc đẩy bản năng phủ lấp tâm thức khiến nó không trông thấy được bản chất sâu kín của chính nó là sự trong sáng và khả năng hiểu biết, Phật giáo gọi sự phủ lấp đó là "u mê" hay "vô minh". Hãy nêu lên một vài thí dụ cụ thể, chẳng hạn một cặp vợ chồng lớn tuổi mơ ước sau khi chết sẽ được cùng nhau vào cõi vĩnh hằng, thế nhưng cả hai suốt đời cắn đắng nhau, vào cõi vĩnh hằng lại đời đời kiếp kiếp tiếp tục cắn đắng nhau thì quả thật chẳng thú vị gì lắm; đối với một đôi vợ chồng trẻ được tiếp tục hú hí với nhau đời đời, thì cũng có thể hiểu được, thế nhưng nếu một người được vào cõi vĩnh hằng sớm hơn và nếu từ cõi vĩnh hằng "trông thấy" hay "tưởng tượng" ra người phối ngẫu của mình còn sống trong thế gian này đang ôm ấp một người khác, thì nhất định một ngày nào đó cũng sẽ xảy ra án mạng trong cõi vĩnh hằng! Đối với một đứa hài nhi chết yểu lúc còn đỏ hỏn và ngo ngoe thì nếu cứ phải gánh chịu mãi mãi tình trạng đó, không ai bồng bế, vỗ về, thì quả đáng thương. Trong cõi cực lạc cũng vậy, nếu viếng thăm một vài hôm thì cũng có thể là thú vị, thế nhưng nếu ngày nào hoa cũng rơi như mưa, chim hót liên tục, cảnh vật toàn là châu báu nhưng cứ trơ trơ ra đấy, thì biết đâu sau vài ngày thì cũng chán!
Nêu lên các nhận xét trên đây không hề có ý chỉ trích mà chỉ là để cho thấy tất cả những viễn tượng mà tôn giáo hứa hẹn cũng chỉ là những phóng tưởng tâm thần, thúc đẩy bởi các thứ bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết của con người mà thôi. Chương 8 trên đây cho biết là các thứ phóng tưởng đó bắt nguồn từ sự sinh sôi của của các thứ tư duy khái niệm mang tính cách công thức và quy ước, thuộc vào các cấp bậc thô thiển nhất của tâm thức chúng ta.
Phật giáo Tây Tạng cho rằng tâm thức gồm có 80 cấp bậc tất cả, từ thật thô thiển đến thật tinh tế, do đó cũng có thể hình dung tâm thức như một củ hành với những lớp vỏ hành úp kín lên nhau. Quá trỉnh của cái chết lột dần từng lớp một, làm hiện ra tâm thức của ánh sáng trong suốt. Nếu trồng củ hành vào đất thì các lớp vỏ hành bên ngoài sẽ dần dẫn bị "hòa tan" để nuôi mầm sống bên trong củ hành làm mọc lên một cọng hành khác, cọng hành này lại tạo ra một củ hành mới. Đối với một cá thể con người cũng vậy, xuyên qua quá trình chuyển biến từ một bào thai đến một cá thể trưởng thành, giáo dục và các cảm nhận trong cuộc sống sẽ dần dần tạo ra các lớp lang của sự hiểu biết công thức và quy ước dưới hình thức khái niệm, phủ kín tâm thức của cá thể ấy.
Tóm lại, cái chết là một quá trình sinh học và tâm lý học thuộc vào quy luật vận hành chi phối toàn thể thế giới hiện tượng, còn thì các câu chuyện về cõi cực lạc ở vào hướng Tây hay thiên đường ở trên Trời đều là những chuyện sáng chế của tôn giáo. Trong lịch sử của nền văn minh nhân loại chưa có một ngành khoa học nào, một luận thuyết triết học nghiêm chỉnh nào hay một phương tiện cụ thể nào, giúp con người biết được những gì xảy ra phía sau cái chết. Lãnh vực này dường như vẫn còn là độc quyền của tôn giáo. Thế nhưng phàm bất cứ thứ gì độc quyền cũng đều đưa đến sự lạm dụng, do đó các vị sáng lập tôn giáo tha hồ tưởng tượng ra đủ mọi thứ chuyện dựa vào các sự thúc đẩy bản năng của mình. Tưởng tượng là quyền tự do cá nhân và cũng là khả năng "thiên phú" của con người, chúng ta cũng chỉ biết cầu mong các sự dị biệt giữa các sự tưởng tượng đó không gây ra chiến tranh và xung đột mà thôi.
Trái lại khám phá thật độc đáo trên đây của Phật giáo Tây Tạng về quá trình của cái chết phải chăng là một ngoại lệ? Thật vậy, tuy phát sinh từ tôn giáo thế nhưng sự khám phá đó đã mang lại một sự hiểu biết siêu việt và rất hợp lý, bởi vì đó la một sự hiểu biết trực tiếp mang lại từ phép thiền định và các kinh nghiệm cảm nhận ngàn năm của các nhà sư cao thâm, không hề là một sự tưởng tượng. Dầu sao thì đấy cũng là phương pháp duy nhất chọc thủng được bức tường ngăn cách giữa sự sống và cái chết, mang lại một phương tiện trực tiếp và thiết thực cho việc tu tập tâm linh. Sự hiểu biết hay khám phá đó của Phật giáo Tây Tạng không cần phải có "đức tin" để "tin", mà chỉ đòi hỏi chúng ta phải tạo được cho mình một khả năng thật sắc bén của sự lý luận, một sự suy tư lâu dài và một sự cảm nhận thật tinh tế mang lại bởi các thể dạng thiền định sâu xa, để có thể thấu triệt được nó. Một số các nhà sư Tây Tạng cao thâm đã khắc phục và chủ động được quá trình đó của cái chết và đã tạo được những sự thực hiện phi thường, đấy là các bằng chứng cụ thể. Người ta thường bảo rằng một nửa con người của Đức Đạt-lai Lạt-ma là một nhà sư, một nửa còn lại là một nhà khoa học. Nhiều khoa học gia lừng danh trên thế giới thuộc đủ mọi ngành là bạn của Ngài, rất kính nể và thán phục Ngài, thường xuyên tham vấn Ngài, chẳng phải đấy là thêm một bằng chứng nữa về sự hiểu biết siêu việt của Ngài và của Phật giáo Tây Tạng hay sao?
(hết chương 8)
Bures-Sur-Yvette, 06.03.18
Hoang Phong chuyển ngữ