Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Bốn Trọng Tâm Của Chánh Niệm

10/12/201512:36(Xem: 9266)
Chương 8: Bốn Trọng Tâm Của Chánh Niệm
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
Từ CHÁNH NIỆM
Đến GIÁC NGỘ
CẨM NANG CỦA NGƯỜI TU THIỀN
Nguyên tác
MINDFULNESS, BLISS,
AND BEYOND
A MEDITATOR’S HANDBOOK
AJAHN BRAHM
Nguyên Nhật Trần Như Mai
dịch
***


CHƯƠNG  8

Bốn Trọng Tâm Của Chánh Niệm

 (Tứ Niệm Xứ)

 

 

Trong chương này, tôi sẽ giải thích Bốn Trọng Tâm Của Chánh Niệm hay Tứ Niệm Xứ (satipatthāna), và ảnh hưởng của pháp môn này trong thiền tập đã được mô tả từ đầu cho đến nay.

Trước tiên, tu tập Tứ Niệm Xứ (satipatthāna), không phải là con đường duy nhất để chứng đắc giác ngộ, như môt vài diễn giả quá nhiệt tình đã tuyên bố. Theo Đức Phật, con đường duy nhất để chứng đắc giác ngộ là qua việc thực hành Bát Chánh Đạo (Kinh PhC 273-74). Tứ Niệm Xứ, là chi phần thứ bảy của Bát Chánh Đạo. Người nào chỉ thực tập “một chánh đạo”, như là phát triển Tứ Niệm Xứ, nhưng lại bỏ qua những chi phần khác, thì sẽ không đạt được giác ngộ. Cũng giống như người nào cố gắng nướng một cái bánh mà chỉ dùng một nguyên liệu, như là bột chẳng hạn, thì sẽ đói thôi.

Vì những lý do nêu trên, việc giảng giải Tứ Niệm Xứ  ở đây sẽ đặt trong bối cảnh của Bát Chánh Đạo, chứng minh bằng cách nào bảy chi phần kia của Bát Chánh Đạo là điều kiện tiên quyết và hổ trợ cho việc tu tập Tứ Niệm Xứ.

Một vài tác giả cũng tuyên bố rằng pháp môn Tứ Niệm Xứ, có nguồn gốc từ Phật giáo, đó là sự khám phá độc đáo của Đức Phật đã đưa Ngài đến giác ngộ và sau đó là sự giác ngộ của các vị A-la-hán đệ tử của Ngài. Tuy nhiên, điều này cũng không hợp lý lắm. Như tôi giải thích trong chương này, Tứ Niệm Xứ là việc thiết lập chánh niệm vào những đề mục như thân, thọ, tâm, và pháp. Những người thông minh và thích tìm tòi học hỏi thuộc mọi sắc tộc và tôn giáo đã từng tập trung tư tưởng về nhiều khía cạnh của thiên nhiên để tìm ra ý nghĩa của chúng. Điều tra nghiên cứu không phải là phương pháp độc đáo của Phật giáo mà thôi.

Nét độc đáo của Phật giáo là hành thiền để nhập định hay nhập tầng thiền (jhana). Để đạt đến các tầng thiền đòi hỏi một lối sống quân bình thật tế nhị. Sự quân bình đó được gọi là “Trung Đạo”(xem Kinh Mahasaccaka,Trung BK 36, 31-33). Trung Đạo này không được các nhà tu khổ hạnh thời Đức Phật cũng như nhiều người trên thế giới chấp nhận. Thí dụ, năm nhà tu hành khổ hạnh đồng hành với Đức Phật đã từ bỏ Ngài khi Ngài bắt đầu sống theo Trung Đạo. Tính sáng tạo độc đáo của Phật giáo là ở chỗ sử dụng kinh nghiệm nhập định để tăng cường công việc tìm tòi nghiên cứu, và để đưa chánh niệm đến một mức độ phát triển đầy uy lực.

 

Chuẩn Bị Thực Hành Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna)

Niệm Xứ (satipatthāna), thường được dịch là “Nền Tảng của Chánh Niệm”. Tuy nhiên, từ ngữ phiên dịch chính xác và đầy ý nghĩa hơn là “Trọng Tâm của Chánh Niệm”. Giáo pháp của  Niệm Xứ chỉ dẫn hành giả cần phải đặt chánh niệm ở nơi nào. Nếu chúng ta nghĩ đến chánh niệm như là ánh sáng của ngọn đèn pin, thì Niệm Xứ chỉ cho hành giả nơi nào cần chiếu ánh sáng đến để khám phá ra chân lý giác ngộ.

Trong hai bản Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) được truyền lại cho chúng ta (Trường BK 22, Trung BK 10), Đức Phật dạy rằng “nếu có người nào tu tập Thiền Tứ Niệm Xứ theo đúng phương pháp” (như đã mô tả trong các kinh này) trong bảy ngày, thì hoặc là họ sẽ đạt được giác ngộ hoàn toàn hoặc là đạt được quả ‘Bất Lai’. Rất nhiều Phật tử, cả xuất gia lẫn tại gia, đã hoàn tất nhiều khóa tu thiền ẩn cư kéo dài hơn bảy ngày và vẫn không giác ngộ. Xin đừng trách Đức Phật! Thay vào đó, hãy nhìn lại lời hứa của Đức Phật: “nếu người nào tu tập Tứ Niệm Xứ theo đúng phương pháp như vậy...”. Lý do khiến cho giác ngộ không đến với họ là vì họ không thực hành Tứ Niệm Xứ đúng phương pháp. Họ cũng giống như người mua một cái máy gia dụng kỹ thuật cao đắt tiền, mở thùng ra, ráp máy lại, và hồi hộp cắm vào ổ điện. Bỗng nghe tiếng BÙNG! Có cái gì sai rồi. Chỉ sau đó họ mới đọc lại cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng. Sao ta không luôn luôn đọc cuốn cẩm nang hướng dẫn trước khi sử dụng? Lý do khiến các Phật tử không đạt được giác ngộ là vì họ không thực hành Tứ Niệm Xứ đúng theo cuốn cẩm nang hướng dẫn.

Đức Phật đã dạy hai kiểu thiền Tứ Niệm Xứ. Kiểu đầu tiên được nhập định (jhana)  hổ trợ và đưa đến giác ngộ trong một thời gian ngắn. Kiểu thứ hai, không qua nhập định, sẽ đưa dến những tuệ giác quí giá, nhất là những tuệ giác giúp cho bạn buông xả và đến gần với nhập định, nhưng không đưa đến giác ngộ.

Cả hai kiểu này đều có trong kinh. Trong chương này, chủ yếu là tôi sẽ hướng trọng tâm đến kiểu thứ nhất để thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.

 

Tầm Quan Trọng Của Nhập Định
Đối Với Tứ Niệm Xứ

Kinh dạy rằng người thực hành Tứ Niệm Xứ “sau khi đã dẹp bỏ tham đắm và khổ não đối với cuộc đời”. Đây là câu phiên dịch thường được biết từ tiếng Pali vineyya loke abhijjhā- domanassam, nhưng đây là lời dịch đáng tiếc. Lời dịch này trước tiên do Giáo sư dịch giả Phật học nổi tiếng là Rhys Davids gợi ý hơn một trăm năm về trước và đã bị kẹt như thế từ đó đến nay. Lời dịch này không những vô nghĩa mà còn sai lầm. Lời phiên dịch sai lạc này là lý do chính tại sao những Phật tử Tây phương hiện đại hiểu lầm cẩm nang hướng dẫn và thấy rằng Thiền Tứ Niệm Xứ không có kết quả đối với họ.

Như các bài bình luận đã giải thích, câu đó thật sự có nghĩa là “sau khi đã tạm thời dẹp bỏ năm chướng ngại” (năm triền cái). Lời giải thích này cũng phù hợp với những từ ngữ Pali được dùng đâu đó trong kinh. Điều này có nghĩa là điều kiện tiên quyết để thực hành Tứ Niệm Xứ là trước tiên phải dẹp bỏ năm chướng ngại. Lời chỉ dẫn này trong cuốn cẩm nang đã không được các Phật tử áp dụng nên đã tiếp tục làm cho việc thực hành Tứ Niệm Xứ không mang lại kết quả mong muốn.

Chức năng của nhập định là tạm thời từ bỏ năm chướng ngại (Kinh Nalakapāna, Trung BK 68, 6: “Chưa nhập định, năm chướng ngại vẫn còn xâm chiếm và ở lại trong tâm hành giả. Đạt đến định, năm chướng ngại không còn xâm chiếm và ở lại trong tâm nữa”. Người nào đã trải qua cảm nghiệm nhập định biết rằng sau khi xuất định, chánh niệm của người ấy rất mạnh và có thể giữ vững thật dễ dàng. Đây là kết quả của năm chướng ngại đã bị loại trừ.

Tôi còn nhớ thời tôi còn là một sinh viên trẻ ở đại học, tôi thường đi chơi với bạn gái. Ở các buổi dạ hội, đèn luôn luôn lờ mờ. Khi chúng tôi đi ăn tối, thường là buổi ăn tối bên ngọn nến lung linh. Khi chúng tôi chèo thuyền trên sông, thường là chèo thuyền dưới ánh trăng bàng bạc. Tôi hiểu rằng muốn chuyện tình cảm lãng mạn xảy ra thì trời phải tối. Thật ra, trời tối đến nỗi tôi thật sự không thấy rõ tôi đang đi chơi với ai.

Chánh niệm yếu ớt cũng giống như đi chơi ban đêm. Bạn không thể thấy rõ ràng. Có thể cái bạn thấy chỉ là hình bóng. Một số người thích chánh niệm yếu ớt. Họ không thích thấy sự vật đúng như thật, bởi vì chánh niệm sẽ hé lộ cho họ thấy vài sự thật về cuộc sống mà họ không muốn phải đối mặt. Nhiều người thích đắm chìm trong mộng ảo, ngất ngây trong ma túy, hay say sưa trong men rượu. Những người khác tránh khỏi chánh niệm bằng cách luôn luôn bận rộn. Chỉ có rất ít người có can đảm và thành thật muốn giữ chánh niệm.

Uy Lực Của Chánh Niệm

Nếu chánh niệm giống như ngọn đèn, thì hành thiền thắp sáng ngọn đèn đó. Khi tôi còn là một tăng sĩ trẻ ở chùa Wat Pa Nanachat ở miền Đông Bắc Thái Lan, tôi cảm thấy thật an tịnh khi thiền hành bên trong chánh điện. Tôi đã đi với tầm nhìn hướng trên nền bê-tông trước mặt khoảng hai mét. Rồi tôi phải đứng lại. Tôi không thể tin được, vì mặt nền bê-tông ảm đạm bắt đầu mở ra trước mắt tôi thành một bức tranh đẹp rực rỡ. Những hình thể màu xám khác nhau và kết cấu mặt nền bỗng nhiên hiện ra như một bức tranh tuyệt đẹp mà tôi chưa từng thấy. Tôi nghĩ đến việc cắt cái mảnh nền đó ra và gởi đến phòng triển lãm tranh Tata Gallery ở Luân đôn. Đó là một tác phẩm nghệ thuật. Một hai giờ sau, cái nền bê-tông đó trở lại hình ảnh bình thường ảm đạm của nó.

Những gì đã xảy ra, và điều này cũng có thể đã xảy ra với bạn, là tôi đã trải qua một kinh nghiệm ngắn ngủi về “chánh niệm đầy uy lực”. Trong chánh niệm đầy uy lực, tâm giống như ngọn đèn pha cực sáng, cho phép bạn thấy thật sâu những gì bạn đang nhìn. Nền bê-tông bình thường trở thành một tác phẩm nghệ thuật lớn. Quả thật một ngọn cỏ đang tỏa ánh sáng long lanh với những mảng màu xanh huỳnh quang rực rỡ tươi vui nhất. Một cành cây con biến thái thành một vũ trụ đầy hình dáng, màu sắc và cấu trúc mênh mông vô tận. Cái bé nhỏ trở nên thâm sâu và cái tầm thường trở nên siêu phàm dưới năng lượng sáng rực của uy lực chánh niệm.

Điều đang xảy ra là do năm chướng ngại đang được loại trừ. Trong kinh đã dạy rằng năm chướng ngại làm “suy yếu trí tuệ”. Khi chúng không còn nữa, thì cảm nghiệm giống như đang nhìn qua một cái kính che gió của xe hơi đã được lau chùi sạch vết mờ và bụi bặm, hay đang nghe bằng đôi tai đã được ráy sạch sẽ, hay quán niệm bằng một cái tâm đã được vén màn sương mù. Khi bạn biết được sự khác nhau giữa chánh niệm đầy uy lực và chánh niệm yếu ớt bằng kinh nghiệm bản thân, chứ không phải chỉ là một ý niệm, thì bạn sẽ hiểu được sự cần thiết phải nhập định trước khi thực hành Tứ Niệm Xứ.

Nhập định  phát sinh chánh niệm “cực mạnh”. Nếu chánh niệm hùng mạnh giống như ngọn đèn pha một triệu watts thì chánh niệm ‘cực mạnh’ do định phát sinh giống như mặt trời nóng đến ngàn tỷ watts. Nếu mục tiêu của bạn là giác ngộ, thì chánh niệm ‘cực mạnh’ là mức độ cần phải có. Những ai đã trải nghiệm các trạng thái của tâm sau khi xuất định sẽ hiểu được tại sao phải như vậy. Hãy xem ví dụ này: chánh niệm yếu ớt cũng giống như đào một cái lỗ bằng một cái muỗng cà-phê; chánh niệm đầy uy lực giống như đào một cái lỗ bằng cái xuổng; chánh niệm ‘cực mạnh’ giống như đào một cái lỗ với một cái máy đào đất khổng lồ có thể đào xúc đất trong một mẻ với số lượng bằng mấy năm bạn đào bằng cái muỗng.

 

Đóa Hoa Sen Ngàn Cánh

Tôi muốn trình bày bằng cách nào giữ vững chánh niệm vào một đối tượng độc nhất sẽ khai mở bản chất đích thực của bạn: Bản chất của thân và tâm bạn. Tôi sẽ trình bày bằng cách trở lại ví dụ đoá hoa sen ngàn cánh.

Hãy nhớ lại rằng hoa sen khép tất cả cánh vào ban đêm. Vào buổi sáng, những tia nắng mặt trời đầu tiên bắt đầu sưởi ấm hoa sen. Đây là chất kích hoạt cho cánh hoa nở ra. Phải mất một thời gian, nhiều phút, để cho hơi ấm tích tụ đầy đủ giúp cho lớp cánh đầu tiên nở ra. Nếu trời có mây hay sương mù thì phải mất một thời gian rất lâu. Một khi lớp cánh ngoài cùng đã nở ra, hơi ấm của mặt trời mới có thể sưởi ấm lớp cánh kế tiếp, và sau một vài phút ánh nắng chiếu liên tục, lớp cánh ấy sẽ nở ra. Điều này giúp cho lớp cánh kế tiếp nhận hơi nắng ấm và chẳng bao lâu sẽ lần lượt nở ra. Hoa sen có nhiều lớp cánh và vì vậy phải mất một thời gian dài để nở trọn vẹn cả đoá hoa. Một đóa hoa sen ngàn cánh cần ánh nắng mặt trời thật mạnh, kéo dài một thời gian dài, để có thể nở ra mọi cánh hoa và hé lộ những hạt châu ngọc nổi tiếng trong đài sen.

Trong Thiền Tứ Niệm Xứ, đóa hoa sen ngàn cánh là một hình ảnh ví dụ về thân và tâm này, nghĩa là, chính ‘bạn’- hay bất cứ danh từ nào bạn muốn gọi con người đang ngồi đâu đó ngay lúc này đang đọc trang sách này. Mặt trời là một hình ảnh ví dụ về chánh niệm. Bạn cần phải giữ vững chánh niệm hùng mạnh về thân và tâm trong một thời gian rất dài để cho lớp cánh sen trong cùng có thể nở ra. Nếu năm chướng ngại đang còn đó, không có tuệ giác nào khai mở, thì cũng giống như khi trời có mây hay sương mù, mặt trời không thể sưởi ấm hoa sen.

Nếu bạn đã không duy trì được chánh niệm đầy uy lực về thân và tâm trong một thời gian dài, thì những hiểu biết của bạn chỉ giúp bạn thấy những lớp cánh sen ngoài cùng. Nhưng nếu bạn phát sinh chánh niệm đầy uy lực và giữ vững được nó trong một thời gian dài liên tục, thì bạn sẽ bắt đầu thấy tất cả điều này trong một ánh sáng hoàn toàn khác hẳn. Trước đây bạn nghĩ rằng bạn đã biết ‘mình’ là người như thế nào, nhưng bây giờ bạn nhận thức rằng tâm bạn đã đầy vọng tưởng và bạn đã biết rất ít về bản thân mình. Qua việc giữ vững chánh niệm đầy uy lực về thân và tâm, chân lý bắt đầu hé lộ.

Khi bạn hành thiền theo phương pháp này, tất cả những nhãn hiệu cũ bạn gắn cho mình sẽ biến mất. Tất cả những ý niệm cũ - bạn đã nghĩ mình là ai, những người khác đã nói gì về bạn, và bạn đã tin mình là người như thế nào - tất cả đều là những cánh hoa ngoài cùng. Những cánh hoa này mở ra để hé lộ những sự thật sâu sắc hơn nhiều. Nhãn hiệu và ý niệm là những tập quán cũ. Chúng là những mô tả hời hợt để che dấu sự thật bên trong. Khi những lớp cánh hoa bên ngoài đã mở ra, bạn bắt đầu thấy sự vật mà bạn chưa từng thấy trước đây. Bạn cảm nghiệm được những điều mà bạn không thể tìm ra tên gọi để mô tả, những cảm nghiệm vượt ra ngoài những tri giác thông thường. Phần lớn những tri giác của chúng ta chỉ là lặp lại những gì chúng ta đã được dạy ở trường hay ở nhà. “Con bò”, “con chó”, “nhà sư”, “người cảnh sát”, tất cả những từ này là thí dụ của những tên gọi không chính xác mà chúng ta đã được dạy để gán cho vạn vật trong thế giới này. “Tư tưởng”, “tình cảm”, “ý thức”, và “cái ngã” là những thí dụ về những tên gọi sai lầm mà chúng ta đã được dạy để gán cho những đối tượng của tâm. Chúng chỉ là những tri giác thông thường đã che dấu sự thật.

Ví dụ này được gọi là “đoá hoa sen ngàn cánh” bởi vì có cả ngàn trình độ về thực tại để khai mở. Công phu thiền tập mất rất nhiều giờ ngồi thiền, để khai mở nhiều lớp màng vô minh sâu dày và những ý niệm sai lầm về bản thân và thế giới. Khi Đức Phật dạy rằng căn nguyên của đau khổ là vô minh (avijjā), ngài không nói rằng điều này sẽ được khai mở dễ dàng. Màng vô minh được vén lên, như bản chất của nó, có nhiều tầng lớp, giống như việc khai mở từng lớp cánh hoa sen.

Một mối nguy hiểm mà bạn cần phải cảnh giác trong đời sống tâm linh của bạn, nhất là trong lúc hành thiền, là đánh giá quá cao về những thành tựu của mình. Đôi lúc khi chánh niệm đầy uy lực của bạn về thân và tâm được giữ vững, và tuệ giác khởi sinh. Có lẽ ánh nắng mặt trời đã sưởi ấm hoa sen sung mãn đến nỗi bốn mươi chín cánh hoa đã nở ra và bạn đã thấy được cánh hoa thứ năm mươi của đóa sen ngàn cánh. Cánh hoa thứ năm mươi này quá xinh đẹp và sâu sắc đến nỗi bạn nghĩ,” Ồ! Đây rồi, cuối cùng ta đã hiểu được những gì ở trong tâm của hoa sen này”. Xin lỗi bạn, nhưng bạn còn có đến chín trăm rưỡi cánh hoa cần nở ra. Vì vậy, hãy thận trọng. Bạn chưa được giác ngộ trọn vẹn đâu.

Khi cánh hoa thứ một ngàn nở ra, tuyệt đẹp và siêu phàm, lúc ấy bạn thấy được hạt bảo châu nổi tiếng trong tâm hoa sen. Bạn có biết hạt bảo châu đó là gì không? – kim cương hay hồng ngọc? Đâu phải, đó là ‘Tánh Không.’ Bạn thấy được viên ngọc ‘Tánh Không’ vô giá nằm ngay trong lòng của thân tâm, và đây không phải là cái mà bạn đã từng mong đợi! Điều ấy cho bạn biết đó không phải chỉ là một cánh hoa khác. ‘Tánh Không’ là cái có bản chất hoàn toàn khác hẳn với mọi cánh hoa khác, với mọi sự vật khác. ‘Trống Không’! Để đạt đến trình độ này đòi hỏi chánh niệm cực mạnh được duy trì vào một đối tượng trong một thời gian rất dài.

 

Mục Đích Của Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna)

Một yêu cầu cần thiết khác trước khi bắt đầu thực tập Tứ Niệm Xứ là phải hiểu trọn vẹn mục đích của Tứ Niệm Xứ. Mục đích của bất cứ công phu tu tập nào cũng giúp giải thích cho ta biết cần phải làm như thế nào. Khi bạn đã có một ý niệm rõ ràng về mục đích thì bạn có nhiều cơ may đạt được.

Như vậy mục đích của Tứ Niệm Xứ là gì? Mục đích là để thấy được vô ngã (anattā), nghĩa là không có cái ta, không có ta, không có cái gì thuộc về tự ngã của ta. Như kinh đã dạy, “Chánh niệm được thiết lập vững vàng để thấy rằng chỉ có thân, thọ, tâm và pháp và những cái này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta”. (Đây là tôi dịch đúng như lời lặp lại trong kinh).

Khi bạn nhớ kỹ trong tâm trí rằng mục đích của Thiền Tứ Niệm Xứ là phá tan vọng tưởng về ta, của ta, hay về một cái ngã, để thấy vô ngã hay là “tánh không trong tâm của hoa sen”, thì phương cách thực hành tu tập trở nên rõ ràng. Đặc biệt bạn có thể nhận thức sâu sắc tại sao Đức Phật chỉ dạy bốn trọng tâm của chánh niệm là thân, thọ, tâm, pháp. Ngài dạy bốn trọng tâm này bởi vì đó là những lãnh vực rộng lớn mà đời sống con người cho là “ta” hay là ‘của ta”.

Như vậy, thực hành Tứ Niệm Xứ là duy trì chánh niệm cực mạnh trên mỗi đối tượng của bốn trọng tâm nhằm mục đích xoá bỏ ảo tưởng về một cái ngã. Bạn đã bị vô minh che mờ quá lâu rồi, bạn nhận diện mình qua cái thân của bạn, xem tình cảm của bạn chính là mình (vì thế tình cảm chịu sự kiểm soát của bạn), cho rằng tâm (là tiến trình hiểu biết) là chính mình, và dính mắc với những đối tượng của tâm (pháp) xem đó là những vấn dề đáng cho bạn quan tâm.

 

Tóm tắt những điểm sơ khởi

Đây là những chuẩn bị để thực tập thành công Tứ Niệm Xứ. Tóm tắt lại thành những điểm chính như sau:

  1. Trước tiên phải đoạn trừ năm chướng ngại qua kinh nghiệm nhập định (vineyya loke abhijjhā domanassam).
  2. Phải đạt được chánh niệm cực mạnh là kết quả của nhập định. (satimā)
  3. Phải tinh cần giữ vững chánh niệm cực mạnh trên đối tượng chú tâm. (atāpi)
  4. Ghi nhớ kỹ mục đích của Tứ Niệm Xứ là để đạt được tuệ giác vô ngã (sampajāno).

Bây giờ tôi sẽ lần lượt mô tả việc thực hành Tứ Niệm Xứ trên mỗi trọng tâm của chánh niệm.

 

Quán Về Thân

Trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Suttas) có mười bốn lãnh vực để tập trung quán niệm về Thân. Chúng được hợp lại thành nhóm như sau: 1) Hơi thở, 2) Tư thế của thân, 3) Hoạt động của thân, 4) Kết cấu của thân, 5) Thân được xem là kết hợp của tứ đại 6) Quán chín loại thi thể. Ở đây, tôi sẽ thảo luận ngắn gọn mọi nhóm, ngoại trừ nhóm thứ năm.

 

Hơi Thở

Trong triết lý Ấn Độ, hơi thở (tiếng Sankrit là prana) đôi lúc được xem là cốt lõi sống còn của con người. Thật vậy, từ Pali ‘pana’ nghĩa là ‘thú vật’ cũng mang ý nghĩa là ‘hơi thở’. Tương tự như thế, trong tiếng Anh từ ‘thú vật’ xuất phát từ tiếng La-tinh animalis, nghĩa là ‘có hơi thở’. Dĩ nhiên, trong thời đại cổ sơ, hơi thở được xem là một phần quan trọng của sự sống đến nỗi hơi thở được cho là đồng nghĩa với cái ngã hay linh hồn.

Bằng cách tập trung chánh niệm cực mạnh vào hơi thở, ta có thể cảm nghiệm hơi thở như một tiến trình rỗng không, hoàn toàn chịu sự chi phối của duyên sinh, mà không có người nào đang thở cả. Hơn nữa, trong khi nhập định, ta có thể cảm nghiệm hơi thở biến mất hoàn toàn (như trong Tứ Thiền) mà không có gì nguy hiểm cho mạng sống cả.

Trong thời gian thầy tôi là Ngài Ajahn Chah lâm bệnh lâu ngày, Ngài thường ngưng thở. Có một lần trong phiên trực, người y tá mới đã hốt hoảng. Anh ta biết Ngài Ajahn Chah phải qua đời một ngày nào đó, nhưng anh ta không muốn sự kiện ấy xảy ra trong phiên trực của anh ta! Vị sư thị giả của Ngài Ajahn Chah trong phiên trực hôm đó phải bảo đảm với anh y tá rằng Ngài Ajahn Chah đã ngưng thở như thế nhiều lần, và đó chỉ là dấu hiệu của nhập Định thâm sâu. Anh y tá vẫn cứ lo âu và vì vậy cứ vài phút lại lấy máu để thử trong suốt những giờ Ngài ngưng thở, để bao đảm rằng máu của Ngài vẫn còn đầy đủ khí oxygen. Rốt cuộc, bao lâu còn đầy đủ khí oxygen trong máu thì vẫn không có gì tổn hại cho cơ thể. Người y tá khám phá rằng mặc dù Ngài Ajahn Chah đã ngưng thở rất lâu, mức độ oxygen trong máu của Ngài vẫn ổn định. Trong khi nhập Định, tiến trình trao đổi chất trong cơ thể đã giảm xuống đến mức độ hầu như bạn không sử dụng chút năng lượng nào. Bạn không cần phải thở.

Tại sao người bình thường thở hổn hển khi họ bị kích động, hay thở hắt ra thật khó khăn ngay trước khi chết? Có lẽ họ dính mắc với hơi thở sâu xa hơn họ nhận biết. Nên nhớ, Tứ Niệm Xứ khai mở những dính mắc thật hoàn toàn bất ngờ. Khi bạn cảm nghiệm được sự ngừng lại của hơi thở, thì rõ ràng là hơi thở không phải là của bạn chút nào cả. Từ tuệ giác đó, sự dính mắc với hơi thở tự tháo gỡ.

 

Tư Thế và Hoạt Động Của Thân

Có hai cách để hiểu một sự việc: Bằng cách quán chiếu xem nó được làm bằng cái gì, hay nó hoạt động như thế nào. Ở đây, chúng ta phân tích thân này bằng cách quán chiếu xem nó hoạt động như thế nào. Chỉ là một ảo tưởng khi nghĩ rằng tôi đang đi, đứng, nằm, ngồi, duỗi tay ra, v..v...Sự thật là có một cái thân đang làm việc này, chứ không phải là tôi.

Nhiều người đạt thành tích cao trong thể thao, nghệ thuật, hay ngay cả trong thiền tập, mô tả một trạng thái ‘không có cái tôi’ được gọi là ‘xuất thần”. Khi một vũ công cổ điển Ấn Độ nổi tiếng mà tôi biết, được hỏi làm thế nào cô ấy có thể trình diễn đạt được tiêu chuẩn cao như vậy, cô trả lời rằng cô luyện tập đều đặn, nhưng khi buổi trình diễn bắt đầu, cô cố ý quên hết tất cả những điều đã được dạy. Cô ‘tự rút lui’ và để cho vũ điệu đảm nhận công việc của nó. Đây là một cách mô tả cổ điển về trạng thái xuất thần. Khi một lực sĩ ở trong trạng thái xuất thần, cô ấy có thể di chuyển tự nhiên không cần nỗ lực, một cách duyên dáng và toàn hảo. Khi hành giả ở trong trạng thái xuất thần, người ấy có thể theo dõi định lực (samadhi) càng lúc càng thâm sâu một cách tuyệt diệu, không đứt đoạn, và không thể diễn tả bằng lời nói. Rõ ràng là bạn trải nghiệm tất cả chuyện này chỉ như một tiến trình, không có ai điều khiển. Tiến trình này vô ngã (anattā).

Bạn quan sát tư thế của thân với chánh niệm cực mạnh và nhanh chóng tiến vào một trạng thái khi mà tất cả tư thế và hoạt động về thân được xem chỉ là những tiến trình do nhân duyên thúc đẩy, chứ không phải do cái ngã thúc đẩy. Bạn không còn là chủ thể điều khiển cái thân này. Bạn tách rời khỏi thân và sống ung dung thoải mái.

Một số thiền sư nghĩ một cách lầm lẫn rằng chánh niệm phải luôn luôn tập trung vào hoạt động trong giây phút hiện tại. Thật ra, từ chánh niệm trong tiếng Pali là sati, cũng có nghĩa là nhớ. Chánh niệm cực mạnh có thể tập trung vào một đối tượng đã qua rất lâu, nhìn chăm chú vào nó mà đối tượng vẫn không bị phai mờ, để khai mở sự thật về nó.

Thí dụ, trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) hành giả được yêu cầu thực tập chánh niệm tập trung vào giấc ngủ. Ngay cả các bậc A-La-Hán cũng không ý thức khi các vị ấy đang ngủ, điều này có nghĩa gì? Nhiều dịch giả đã thử giải quyết vấn đề này bằng cách thay đổi ý nghĩa của bài thực tập thành ra ‘chánh niệm trong lúc bắt đầu chìm dần vào giấc ngủ’. Tuy nhiên, từ Pali dùng trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) có nghĩa là “trong giấc ngủ”, và có một từ ngữ khác cho nghĩa ‘bắt đầu chìm vào giấc ngủ’, đó là niddam okkamati. Việc thực tập chánh niệm tập trung vào giấc ngủ nghĩa là hành giả dùng một kinh nghiệm về giấc ngủ trước đó để làm trọng tâm cho chánh niệm cực mạnh trong giây phút hiện tại. Đó là chánh niệm dùng một kinh nghiệm đã qua như một đối tượng để quán chiếu. Điều này có vẻ như quá chi tiết, không cần thiết đối với bạn bây giờ, nhưng như bạn sẽ thấy, nó sẽ trở nên rất quan trọng khi tôi giảng đến phần tập trung chánh niệm vào tâm thức (citta).

 

Cấu Tạo Của Thân

Tôi nhớ lại khi tôi vào khoảng mười một tuổi ngồi xem một chương trình trên máy truyền hình đen trắng của ba mẹ tôi, chương trình chiếu những cảnh giải phẩu lớn với những chi tiết đầy máu me ghê rợn rất phổ biến thời bấy giờ. Ba mẹ và em trai tôi phải rời khỏi phòng vì ghê sợ, nhưng họ phải để cho tôi ngồi lại xem vì tôi lý luận rằng chương trình này có tính cách giáo dục. Tôi thấy thật thu hút khi nhìn những bộ phận bên trong cơ thể con người.

Nhiều năm sau khi đã trở thành một nhà sư Phật giáo, tôi rất tích cực quan sát những cảnh giải phẩu tử thi ở Thái lan và Úc. Điều thu hút sự chú ý của tôi bây giờ là tại sao một số người cảm thấy ghê rợn chỉ với ý nghĩ về việc nhìn xem việc giải phẩu tử thi, và thường ngất xỉu khi phải tham dự vào việc ấy. Mặc dù tất cả chúng ta đều đã được dạy về sinh vật học ở trường, đa số chúng ta vẫn muốn phủ nhận bản chất của thân thể chúng ta. Tại sao chúng ta ngất xỉu hay rên rỉ khi nhìn thấy các bộ phận thân thể phơi bày ra?

Chúng ta có một sự dính mắc rất lớn với thân thể này, một vọng tưởng gây nhiều đau khổ cho chúng ta. Bằng cách tập trung chánh niệm cực mạnh vào cấu tạo cơ thể bạn, bạn có thể vượt qua sự phủ nhận và sợ hãi để nhìn thân thể đúng như thực trạng của nó. Nó chỉ là một cơ thể. Từng mảnh từng miếng được ghép lại với nhau và tách rời nhau, chẳng đẹp mà cũng chẳng xấu, không mạnh cũng không yếu. Nó chỉ là một sản phẩm của thiên nhiên, không phải là cái gì thuộc về bạn. Bạn có thể giữ cho nó mạnh khỏe mãi mãi không? Bạn có thể ngăn không cho nó chết không? Vậy thì ai làm chủ thân thể bạn? Chắc chắn rõ ràng thiên nhiên là chủ nhân của thân thể bạn, chứ không phải là bạn.

Dấu hiệu cho thấy bạn đã thâm nhập được sự thật về thân là thái độ hoàn toàn không sợ hãi trước cái chết của chính mình. Một trắc nghiệm khác về tuệ giác của bạn là phản ứng của bạn trước cái chết của một người thân yêu hay người bạn thân. Nếu bạn nhận được cú điện thoại báo tin cho biết người thân của bạn vừa mới qua đời trong một tai nạn giao thông và câu trả lời của bạn là, “Vâng, ai rồi cũng phải chết”, thì lúc ấy bạn đã giải thoát được sự dính mắc về thân.

 

 

Thiền Quán Về Tử Thi

Thiền quán về xác chết kết hợp với quán niệm về cấu tạo của thân và hoạt động của thân. Việc này tạo ra sự nhàm chán về thân vào lúc bắt đầu, khởi sinh tuệ giác vào giai đoạn giữa, và giải thoát vào giai đoạn cuối. Đây là một phương pháp mạnh mẽ và hữu hiệu.

Một tử thi do tai nạn giao thông thường nhanh chóng được phủ kín và đưa đến một nhà tang lễ, nơi đó xác sẽ được ướp và trang điểm phấn son. Kỹ năng của người ướp xác làm cho cậu George giống như đang ngủ một cách thoải mái chứ không phải chết trơ như đá. Chúng ta không muốn thấy một tử thi giống như sự thật. Chúng ta hài lòng hơn với điều mơ ước. Không may thay, vọng tưởng đòi hỏi một giá rất đắt. Ta càng trì hoãn việc hiểu biết về cái chết, ta càng đau khổ hơn khi phải đối diện nó.

Khi chánh niệm cực mạnh tập trung vào một xác chết hay hồi tưởng rõ ràng về một xác chết, xác chết sẽ lần lượt khai mở như một đoá hoa sen ngàn cánh và hé lộ sự thật được che dấu sâu kín dưới bề mặt. Xác chết đang dạy cho bạn biết đây là hoạt động của thân – nó sẽ già, rã rời, và chết. Đây là số phận của thân xác bạn cũng như những người khác. Tuệ giác như vậy sẽ làm phát sinh nhàm chán thân này và không còn mong cầu có một thân khác vào đời sau. Nhìn một xác chết tan rã và trở về với trạng thái tự nhiên một lần nữa chứng minh ai là kẻ sở hữu đích thực – đó là thiên nhiên. Bạn sẽ không còn tham đắm thân này, yêu thích thân thể của người bạn tình, hay sợ hãi cái chết. Và nếu tuệ giác đạt đến mức thông suốt tột cùng, thì bạn sẽ không bao giờ tái sinh vào thân người nữa.

 

Quán Về Cảm Thọ

Trọng tâm thứ hai của chánh niệm là cảm thọ (vedanā). Từ này cần được giải thích bởi vì từ tiếng Anh “feeling” không diễn dịch được ý nghĩa hoàn toàn chính xác. Trong tiếng Anh, “feeling” có rất nhiều nghĩa. Nó có thể mang ý nghĩa về những trạng thái tình cảm lẫn những cảm giác về thể chất. Từ Pali vedanā có ý nghĩa ‘tính chất của mọi cảm nghiệm có ý thức, như vui, buồn hoặc trung tính (không vui cũng không buồn)’ – dù là do sắc, thanh, hương, vị, xúc hay ý khởi lên.

Trong tiếng Anh, chúng ta dùng những từ khác nhau để diễn tả những cảm giác vui hoặc không vui của từng giác quan trong sáu căn. Nếu ta muốn mô tả cảm giác của mắt thấy, chúng ta nói “đẹp’, ‘xấu’ hoặc ‘trung bình’. Nếu chúng ta nói về âm thanh, chúng ta nói là “trầm hùng”, “chát chúa” hay “tẻ nhạt”. Nếu chúng ta mô tả những cảm giác về thể chất, chúng ta nói “đau nhức”, “khoái lạc” hay “nhàm chán”. Tính chất dễ chịu thường thấy ở cái đẹp, âm thanh dịu dàng hay lạc thú về thể chất được gọi là “lạc thọ” (sukha vedanā). Tính chất khó chịu thường thấy ở những cái xấu xí, âm thanh hỗn tạp hay cảm giác đau đớn thể chất được gọi là khổ thọ (dukkha vedanā). Và cảm giác không vui thích cũng không khó chịu được gọi là “bất khổ bất lạc thọ”.

Nên nhớ rằng những tính chất mà chúng ta nhận biết như là đẹp, xấu, trầm hùng, vui thích...v..v..không nằm ở sự vật. Nếu không phải như vậy thì tất cả chúng ta đã đồng ý với nhau về cái gì là đẹp hay cái gì đáng vui thích. Những tính chất dễ chịu, khó chịu hay trung tính là những giá trị chúng ta gán cho thực tại qua cái tâm chúng sinh của ta. Một lần nữa, cảm thọ có nghĩa là tính chất đi kèm theo mỗi cảm nghiệm có ý thức được bạn xem như là vui, không vui hay trung tính.

Khi chánh niệm vững mạnh và ổn định, bạn có thể quan sát về cảm thọ, hiện tại và quá khứ, mà không có ham muốn hay ghét bỏ xen vào làm phức tạp vấn đề. Khi chánh niệm còn yếu và năm chướng ngại vẫn có mặt, thì phản ứng của tâm trước khổ thọ là ghét bỏ và phản ứng trước lạc thọ là ham muốn. Những phản ứng như vậy sẽ làm tâm dao động và bóp méo sự thật, cũng giống như gió làm xao động mặt hồ và làm méo mó hình ảnh những con cá đang bơi dưới mặt nước. Một lần nữa điều này chứng tỏ tầm quan trọng của kinh nghiệm nhập Định để loại bỏ năm chướng ngại trước khi thực hành Tứ Niệm Xứ, nhất là loại bỏ tham dục và sân hận, như vậy mới có khả năng quan sát cảm thọ với tâm bình thản khách quan.

 

Sự Sinh Diệt Của Cảm Thọ

Khi tâm tĩnh lặng và không còn ham muốn hay ghét bỏ, bạn thấy rằng lạc thọ không có gì khác hơn là khoảng thời gian lúc khổ thọ này chấm dứt trước khi một khổ thọ khác khởi lên. Thật vậy, bạn cũng có thể nhận thấy cường độ của lạc thọ trực tiếp tương ứng với mức độ khổ thọ ngay trước đó, và cường độ của khổ thọ được đo lường bằng mức độ lạc thọ vừa mới bị mất đi.

Trong một cuốn sách ghê rợn mô tả sự giam cầm và tra tấn tù nhân chính trị ở Argentina trong những năm 1970, một tác giả kể lại rằng kinh nghiệm đau đớn nhất của ông ta không phải là những trận đòn hay những lần bị tra tấn có tên gọi là ‘Susan’ (đây là tên mà những người cai ngục đã đặt cho máy tra tấn dùng điện giật trên tù nhân)(5). Thời điểm đau khổ nhất của ông, sau những tháng năm bị giam cầm vô thời hạn, là lúc tên cai ngục trao cho ông lá thư của vợ ông. Ông đã cố quên tất cả những kỷ niệm của những tháng năm hạnh phúc trước khi bị tù đày để có thể chịu đựng được sự kinh hoàng và tuyệt vọng của hiện tại. Bức thư của vợ ông đã khơi dậy bao kỷ niệm nồng ấm với vợ và gia đình ông, khiến cho hoàn cảnh đen tối và thống khổ của ông càng trở nên không thể nào chịu đựng nỗi. Ông oán trách vợ ông đã gởi bức thư đó và nội tâm ông gào thét đau đớn, tiếng thét còn lớn hơn cả những lần ông bị tra tấn bằng điện. Như câu chuyện này đã mô tả cụ thể, cường độ của khổ thọ hay những điều bất mãn tương ứng với mức độ lạc thọ mà bạn nhớ lại và nay không còn nữa.

 

Cảm Thọ Không Thuộc Về Bạn

Như vậy ta thấy rõ ràng là cảm thọ chịu ảnh hưởng của nhân duyên, cũng giống như đêm tạo duyên cho ngày và ngày tạo duyên cho đêm. Đó chỉ là trò chơi nhị nguyên của thiên nhiên. Cảm thọ vượt khỏi sự điều khiển của bạn và vượt khỏi sự điều khiển của bất cứ ai. Cảm thọ được hiểu là không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Hiểu được cảm thọ như vậy qua chánh niệm cực mạnh, rằng đó chỉ là cảm thọ và vượt khỏi sự kiểm soát của bất cứ ai, sẽ giúp khởi sinh tâm bình thản an nhiên đối với lạc thọ hay khổ thọ. Bạn nhận thức một cách chắc chắn rằng không có lạc thọ thường hằng và cũng không có khổ thọ vĩnh viễn. Một thế giới thần tiên toàn hảo được xem là bất khả thi về mặt cảm giác, đó chỉ là những suy tưởng ước mơ, và tương tự như thế, một địa ngục muôn đời cũng được xem là không thể có thật.

Như vậy, mục đích trọng tâm thứ hai của chánh niệm là đạt được tuệ giác rằng cảm thọ không phải là của ta, rằng lạc thọ và khổ thọ xoay quanh bên nhau, là hai người bạn đồng hành bất khả phân trên sàn nhảy của vòng luân hồi sinh tử. Tham ái trở thành vô nghĩa. Và khi tham ái cuối cùng được từ bỏ, sẽ đưa đến giải thoát khỏi khổ thọ (và cả lạc thọ nữa).

Quán Về Tâm

Trọng tâm thứ ba của chánh niệm, quan sát tâm (citta) hay tâm thức, là một trong những phần thực hành khó nhất. Phần lớn việc hành thiền của nhiều người không phát triển đủ để có thể nhận ra tâm. Tâm cũng giống như một vị hoàng đế phủ kín từ đầu đến chân bằng năm lớp trang phục dày: Đôi giày ống cao đến đầu gối, quần dài từ thắt lưng cho đến gót chân, chiếc áo thụng trải dài từ cổ cho đến bắp chân và từ cánh tay cho đến cườm tay; găng tay bao phủ bàn tay và cổ tay, và một chiếc mũ an toàn trùm kín đầu. Được che kín hoàn toàn như vậy nên người ta khó thấy được vị hoàng đế. Cũng vậy, năm giác quan: thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm, đã hoàn toàn che phủ tâm khiến bạn không thể thấy được tâm.

Để thấy được vị hoàng đế, bạn phải cởi hết trang phục của ông ta. Cũng vậy, để thấy được tâm, bạn phải từ bỏ năm giác quan bên ngoài. Chính nhiệm vụ của nhập định là từ bỏ năm giác quan và làm hiển lộ tâm. Như vậy, bạn không thể bắt đầu thực tập trọng tâm thứ ba này cho đến khi bạn trải nghiệm nhập định. Bởi vì làm sao bạn có thể quán được tâm khi bạn chưa thật sự trải nghiệm về tâm? Cũng giống như bạn ngắm vị hoàng đế khi tất cả những gì bạn thấy là bộ trang phục của ông ta.

Quán sát bản chất của tâm cũng giống như nghiên cứu bản chất của vàng. Trước khi các nhà hóa học thử kim loại này, họ phải biết chắc là mẫu vàng đã được gạn lọc tất cả các tạp chất khác, và cái mà họ đang thử là vàng nguyên chất 100%. Tương tự như vậy, trước khi bạn bắt đầu quán sát bản chất của tâm, bạn cần phải chắc chắn rằng tâm thức này đã được thanh lọc hết tất cả những loại thức khác, nghĩa là, năm thức thuộc năm giác quan bên ngoài đã được loại bỏ. Một lần nữa, điều này chỉ thực hiện được sau khi xuất định. Rồi chánh niệm cực mạnh tiếp nhận cảm nghiệm nhập định vừa mới trải qua, một cảm nghiệm về tâm tách rời khỏi năm giác quan vẫn còn được duy trì, như là đối tượng để quán sát. Chỉ bằng cách này bạn sẽ thấy sự thật tâm là vô ngã (anattā), tâm phải chịu sự sinh diệt, nó không phải là ‘ta’, là ‘của ta’, hay là ‘tự ngã của ta’, nó không phải là Trời hay thức vũ trụ - nó chỉ là tâm (citta), một ngọn lửa cháy vì có nhiên liệu.

 

Tâm Đi Về Đâu Sau Khi Giác Ngộ

Ngọn lửa tùy thuộc vào nhiên liệu. ‘Nhiên liệu’ trong tiếng Pali là upādāna. Lửa của ngọn nến tùy thuộc vào sức nóng, sáp và tim đèn. Nếu bất cứ một trong ba ‘nhiên liệu’ ấy biến mất thì ngọn nến  tắt. Nếu một cơn gió thổi bay sức nóng, thì ngọn lửa tắt. Nếu tim đèn cháy hết thì ngọn lửa cũng tắt. Và nếu sáp cạn kiệt thì ngọn lửa cũng tắt. Một khi ngọn lửa tắt, nó không đi đâu cả. Không có một thiên đường cho tất cả những ngọn lửa tốt đẹp vui vẻ đến đó để cháy sáng muôn đời. Ngọn lửa cũng không hoà nhập với một Ngọn Lửa siêu nhiên của vũ trụ. Nó chỉ tắt ngấm, thế thôi.Trong tiếng Pali, từ Niết bàn (nibbāna) dùng để chỉ ngọn lửa đã ‘tắt ngấm’.

Tâm cũng tùy thuộc vào nhiên liệu. Kinh dạy rằng tâm tùy thuộc vào thân và các đối tượng của tâm (nāma-rūpa) và khi các đối tượng của tâm không còn, thì tâm hoàn toàn tịch diệt (Tương Ư. BK 47, 42). Nó tắt ngấm. Nó nhập ‘Niết bàn’(nibbāna). Nó không đi đâu cả; nó chỉ chấm dứt hiện hữu. Một điều thú vị là hai vị tỳ kheo ni nổi tiếng là Kisāgotamī và Patācārā đã hoàn toàn giác ngộ khi các vị ấy thấy ngọn nến tắt (Kinh Ph.C. 275, kệ số 116).

 

Bản Chất Của Tâm

Khi bạn duy trì chánh niệm cực mạnh về tâm thức thuần tịnh, bản chất của tất cả mọi loại ý thức  tự hiển lộ. Bạn thấy ý thức không phải là một tiến trình trôi chảy êm đềm nhưng là một loạt những sự kiện riêng rẽ, biệt lập. Ý thức có thể so sánh với một bãi cát trên bờ biển. Nhìn bên ngoài bãi cát có vẻ như liên tục qua hàng trăm mét. Nhưng sau khi bạn quan sát kỹ bạn khám phá ra rằng bãi cát được tạo thành bởi những hạt cát riêng rẽ, biệt lập. Có những khoảng không giữa mỗi hạt cát, mà không có cái gì thuộc về bản chất cơ bản của cát xen vào khoảng trống giữa hai hạt cát. Cũng vậy, cái mà chúng ta cho là dòng chảy của ý thức được thấy rõ ràng là một loạt những sự kiện biệt lập, mà không có gì trôi xen vào giữa.

Tương tự như thế là hình ảnh ví dụ về dĩa trái cây đủ loại. Giả sử trên dĩa trái cây có một quả táo. Bạn thấy rõ quả táo này hoàn toàn biến mất và thay vào đó xuất hiện một quả dừa. Rồi quả dừa này biến mất và thay vào đó một quả táo khác xuất hiện. Rồi quả táo thứ hai biến mất và một quả dừa khác hiện ra. Quả dừa lại biến mất và một trái chuối hiện ra và lại biến mất khi một quả dừa khác xuất hiện trên dĩa, rồi một trái chuối khác, dừa, táo, dừa, xoài, dừa, chanh, dừa...v..v. Ngay khi một trái cây biến mất, thì chỉ một lát sau một trái cây hoàn toàn khác hiện ra. Tất cả đều là trái cây nhưng thuộc nhiều chủng loại khác nhau, không có hai quả nào giống nhau. Hơn nữa, không có tinh chất trái cây liên kết trôi chảy từ quả này sang quả kế tiếp. Trong hình ảnh so sánh này, quả táo tượng trưng cho một đối tượng của nhãn thức, chuối tượng trưng cho một đối tượng của tỷ thức, xoài tượng trưng cho thiệt thức, chanh tượng trưng cho thân thức, và quả dừa tượng trưng cho ý thức. Mỗi phút giây của thức là biệt lập, không có gì liên kết trôi chảy từ phút giây này sang phút giây kế tiếp.

Ý thức, ‘quả dừa’, xuất hiện sau mỗi loại thức xuất phát từ ngũ căn và vì thế cho ta ảo tưởng giống nhau trong mỗi cảm nghiệm về thức. Đối với người bình thường, có một tính chất chung trong khi nhìn, nghe, ngữi, nếm, và xúc chạm. Chúng ta gọi tính chất đó là “tánh biết”. Tuy nhiên, với chánh niệm cực mạnh, bạn sẽ nhận ra rằng ‘tánh biết’ này không phải là một phần của thấy, nghe v..v.., mà nó khởi lên sau mỗi loại thức thuộc ngũ căn. Hơn nữa, ‘tánh biết’ này biến mất, thí dụ, khi nhãn thức khởi lên. Và nhãn thức biến mất khi tâm thức khởi lên. Trong ví dụ về dĩa trái cây, không thể có quả táo và quả dừa trên dĩa cùng một lúc.

 

 

‘Tâm Nhận Biết’ Không Phải Là Ta

Quán Về Tâm theo cánh này - thấy tâm như là một chuổi sự kiện riêng lẻ, biệt lập không có gì tiếp nối từ sát-na này này sang sát-na kế tiếp - sẽ phá tan ảo tưởng rằng có một tâm nhận biết, thường hằng, luôn luôn có mặt ở đó để tiếp nhận cảm nghiệm về thế giới. Bạn đang giải tỏa nơi nương tựa cuối cùng của ảo tưởng về một cái ngã. Trước đây, đối với bạn, có vẻ như quá rõ ràng rằng “ta là người đang nhận biết”. Nhưng cái có vẻ như rõ ràng ấy thường là sai lầm. Bây giờ bạn thấy đó chỉ là ‘tánh biết’, là tâm thức, giống như quả dừa đôi lúc có mặt trên dĩa, đôi lúc không. Tâm thức chỉ là một hiện tượng tự nhiên, phải chịu hoại diệt. Nó không thể là ta, của ta hay là tự ngã của ta. Cái tâm nhận biết, hay tâm thức, cuối cùng được hiểu là vô ngã.

Như đã nói ở trên, chúng ta thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ với mục đích nhận thức được tính vô ngã (anattā). Hai nơi nương tựa cuối cùng của ảo tưởng về cái ngã hay linh hồn là tâm nhận biếttâm tạo tác. Nếu bạn nhận diện cái gì đó là phần chính yếu của ‘bạn’, thì nó sẽ là một hoặc cả hai cái tâm này. Bạn cho rằng bạn là cái tâm nhận biết hay là cái tâm tạo tác ấy. Hai vọng tưởng sâu dày từ muôn kiếp này chính là cái ngăn chận bạn tiến đến giác ngộ. Một khi bạn đã thấy rõ ràng xuyên suốt những vọng tưởng ấy, bạn sẽ đắc quả Nhập Lưu. Nếu bạn thấy xuyên suốt như vậy từng mỗi phút giây, bạn sẽ đắc quả A-La-Hán.

 

Quán Về Các Pháp / Đối Tượng Của Tâm

Các pháp là trọng tâm cuối cùng trong bốn trọng tâm của chánh niệm. Những đối tượng của tâm được liệt kê trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) là năm chướng ngại (triền cái), năm uẩn, sáu căn, bảy giác chi, và Tứ Diệu Đế. Tôi hiểu danh sách này là những thí dụ tiêu biểu về đối tượng của tâm, và vì thế những đối tượng khác của tâm không đề cập trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta), như là ý niệm hay cảm xúc cũng có thể nằm trong danh sánh này.

 

Quán Về Năm Chướng Ngại

Như tôi đã giải thích trong phần quán về cảm thọ (vedanā), năm chướng ngại phải được loại trừ trước khi bạn có thể quán chiếu hữu hiệu về bất cứ trọng tâm nào của chánh niệm. Nhưng làm thế nào đế quán năm chướng ngại sau khi bạn đã loại trừ chúng? Như tôi đã nói trước đây, chánh niệm có thể dùng một cảm nghiệm đã qua để quán chiếu. Chánh niệm bao gồm ký ức trong đó. Vì vậy, chánh niệm cực mạnh có thể dùng một cảm nghiệm trước đây như hôn trầm thụy miên chẳng hạn, và giữ yên cảm nghiệm đó đủ lâu trong ánh sáng mạnh mẽ của chánh niệm để có thể nhìn sâu vào bản chất đích thực của nó. Với chánh niệm cực mạnh bạn sẽ hiểu được rằng năm chướng ngại này chỉ là những khoảnh khắc của các hình ảnh trên màn hình, rằng chúng không phải là bạn, hay có liên hệ gì với bạn, như ví dụ sau đây sẽ chứng minh.

Nhiều năm trước đây, một người bạn học cũ về thăm viếng Jamaica. Anh ấy đi xem phim trong một rạp chiếu bóng cho phép khán giả ngồi trong xe để xem, trong một thị trấn xa xôi nổi danh về những chuyện bạo động. Anh ngạc nhiên khi thấy màn hình là một bức tường đắp bằng bê-tông dày khoảng 60cm. Màn hình này phải tốn rất nhiều tiền để xây. Nó cho thấy rằng dân chúng ở thị trấn này rất thích những phim đấu súng Cao Bồi Miền Tây của Mỹ. Tuy nhiên, mỗi khi câu chuyện đến giai đoạn đấu súng, nhiều người trong đám khán giả lấy súng của họ ra và tham gia cuộc đấu súng. Nếu họ không thích viên cảnh sát trưởng, họ sẽ bắn vào hình ảnh của viên cảnh sát trên màn hình, hay họ xả đạn vào những người da đỏ hay bất cứ ai làm cho họ bực mình. Người chủ rạp chiếu bóng không thể ngăn cản họ tham gia cuộc đấu súng, và ông ta đã phải thay quá nhiều màn hình bằng vải bị thủng nhiều lỗ đạn đến nỗi ông ta phải xây màn hình bằng bê-tông không thể nào bị thủng này. Như vậy khán giả của ông có thể tham gia các cuộc đấu súng mà không làm hỏng màn hình.

Giống như khán giả đi xem phim, nếu bạn nhận những hình ảnh trên màn hình là thật, bạn sẽ muốn bắn vào chúng. Tuy nhiên, với chánh niệm, bạn sẽ thấy chúng không liên hệ gì đến bạn. Khi bạn nhìn thấy năm chướng ngại như những hình ảnh trên màn hình của ý thức, chúng sẽ không bao giờ làm phiền bạn nữa. Bạn sẽ được giải thoát.

 

Quán Về Ý Niệm

Ý niệm, hay lời đàm thoại nội tâm, là một đối tượng của tâm có thể làm khởi lên nhiều đau khổ. Nó có thể biểu hiện bằng sự bất an, hối hận, nghi ngờ, ham muốn hay sân hận. Như vậy, ý niệm là trung tâm điểm của năm chướng ngại. Những ý niệm bi quan triền miên sẽ đưa đến trầm cảm, thậm chí có thể tự tử. Những ý niệm sợ hãi ám ảnh mãi sẽ đưa đến bệnh hoang tưởng. Rõ ràng là ta sẽ được rất nhiều lợi lạc nhờ pháp quán về ý niệm theo trọng tâm thứ tư này của chánh niệm.

Một lần nữa, một chánh niệm cực mạnh có thể nhìn xuyên suốt trò chơi dễ bị lừa gạt là ý niệm. Với chánh niệm bình thường, bạn có khuynh hướng tin vào những suy nghĩ của mình, bị mắc kẹt trong đó, thậm chí còn tôn sùng, cho nó là đúng hơn thực tại. Một người đang đói bụng bước vào một tiệm ăn đắt tiền và được trao một bảng thực đơn. Anh ta ăn bảng thực đơn, trả tiền, rồi đi. Anh ta vẫn đói. Bảng thực đơn không phải là thức ăn, chẳng khác gì ý niệm không phải là thực tại.

Chánh niệm cực mạnh thấy rằng, ở mức độ tốt nhất, ý niệm xa rời thực tại một bước, và ở mức độ tệ nhất, ý niệm hoàn toàn tách rời khỏi thực tại. Bất thiện chí uốn cong ý niệm để biến thành sân hận, ham muốn dục lạc sẽ thổi phồng ý niệm thành thèm khát, và bất an sẽ bóp méo ý niệm thành sự bực tức. Khi chúng ta nhìn thật rõ ràng, thì ý niệm không đáng tin cậy. Ngay cả ý niệm này cũng vậy!

Khi Tứ Niệm Xứ nhìn thấy ‘suy nghĩ’đúng như thực tướng của nó, đó chỉ là sự phỏng đoán tạm thời, thì chúng ta cảm thấy bình thản đối với những suy nghĩ của ta. Dấu hiệu của sự bình thản và trí tuệ là ở chỗ bạn có thể buông xả ý niệm bất cứ lúc nào. Bằng chứng của tuệ giác ấy là khả năng giữ im lặng của bạn. Trong kinh, từ ngữ để chỉ một bậc giác ngộ là “bậc thánh im lặng” (santamuni).

Quán Về Ý Chí

Một đối tượng quan trọng khác của tâm mà tôi muốn thảo luận ở đây là ý chí (cetanā) thuộc về đề mục quán ngũ uẩn (khandha) trong trọng tâm thứ tư của Tứ Niệm Xứ. Ý chí là tâm tạo tác, hay là kẻ chủ động. Như tôi đã đề cập ở trên, ý chí là một trong hai chỗ nương tựa cuối cùng của ảo tưởng về cái ngã, cùng với tâm nhận biết (citta). Quán về ý chí, hay là kẻ chủ động, và thấy nó là vô ngã, vì vậy rất quan trọng đối với tiến trình giác ngộ.

Nhiều năm trước đây, tôi là hội viên của Hội Nghiên Cứu Năng Lực Huyền Bí của Đại Học Cambridge. Mỗi năm chúng tôi mời một nhà thôi miên chuyên nghiệp đến để trình bày tài nghệ của ông ta, thường làm cho sinh viên chúng tôi rất vui thích. Có một lần, nhà thôi miên đưa một sinh viên tình nguyện đi vào một trạng thái bị thôi miên rất nặng. Trước mặt tất cả sinh viên, nhà thôi miên nói với anh ta rằng sau đó vào lúc chiều tối, khi nhà thôi miên sờ vào tai trái của anh, thì anh sinh viên ấy phải đứng dậy hát bài quốc ca Anh. Và sau đó, khi anh đã ra khỏi trạng thái xuất thần vì bị thôi miên, khi nhà thôi miên sờ vào tai anh ta, anh sinh viên tội nghiệp này đứng dậy và hát bài quốc ca Anh ‘Xin Chúa Phù Hộ Cho Nữ Hoàng!’(God Save the Queen). Anh hát một mình, với một tràng cười lớn kèm theo. Phần hấp dẫn nhất của cuộc biểu diễn này là khi được hỏi, anh sinh viên quả quyết rằng anh đã tự do quyết định hát bài quốc ca và đưa ra vài lý do phức tạp để giải thích. Điều này chứng tỏ rằng ngay cả việc tẩy não vẫn có vẻ như là ý chí tự do đối với người bị tẩy não.

Bạn bị ảo tưởng khi cho rằng bạn đang đọc những điều này là do ý chí tự do của chính bạn. Bạn ơi, bạn không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải đọc điều này! Ý chí không phải là hành động của một chúng sanh, nó là sản phẩm cuối cùng của một tiến trình.

Khi chánh niệm cực mạnh lấy kinh nghiệm nhập định vừa qua như đối tượng để quán chiếu, nó thấy rằng, ý chí, hay kẻ chủ động, đã hoàn toàn vắng mặt trong trạng thái định. Ý chí đã biến mất trong một thời gian dài. Quán chiếu với một tâm hoàn toàn tỉnh giác mà không có sự hiện hữu của ý chí sẽ cho phép bạn thấy rằng “ý chí”, “sự lựa chọn” và tâm tạo tác không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta. Bất cứ điều gì bạn làm chỉ là kết quả của một quan hệ nhân duyên phức tạp.

Khi tôi nói như vậy, người nghe cảm thấy sợ hãi. Sự sợ hãi này là một dấu hiệu cho thấy rằng ý chí của bạn, cái mà bạn đã gắn bó quá sâu xa, nay sắp bị lấy mất. Thực ra, người Tây phương chúng tôi quá dính mắc với ảo tưởng về ý chí tự do, đến nỗi chúng tôi đã bảo vệ ảo tưởng đó trong qui định của hiến pháp và bản tuyên ngôn nhân quyền. Bạn có thể đưa ra lời phản đối rằng nếu không có ý chí tự do, tại sao ta cần phải bận tâm nỗ lực hết sức để đạt được giác ngộ? Câu trả lời thật rõ ràng. Bạn phải nỗ lực hết sức vì bạn không có sự lựa chọn nào khác!

Chỉ có chánh niệm cực mạnh mới có năng lực chọc thủng hàng rào sợ hãi do dính mắc dựng lên và quan sát tiến trình của ý chí đúng như thực chất của nó. Giống như đóa hoa sen ngàn cánh, khi lớp cánh sen tiêu biểu cho tâm tạo tác nở ra, bạn thấy được một điều thật bất ngờ, rằng không có ai ở đây để làm mọi việc này. Ý chí là vô ngã ((anattā). Tham ái bắt đầu được tháo gỡ từ điểm này.

 

Quán về Cảm Xúc

Đối tượng cuối cùng của tâm mà tôi muốn thảo luận ở đây là cảm xúc. Cảm xúc là trạng thái của tâm được xếp loại như là trầm cảm hay hứng khởi, tội lỗi hay tha thứ, lo âu hay thanh thản, sân hận hay từ bi, v...v...Cảm xúc thường làm chúng ta chao đảo, và điều này thường làm chúng ta tổn thương.Cảm xúc là những đối tượng của tâm, những gì hiện ra trên màn hình của ý thức, và là một phần của trọng tâm thứ tư của chánh niệm.

Khi tôi còn là một thanh niên Phật tử, tôi đi xem phim Chuyện Miền Tây. Có một cảnh thật cảm động vào đoạn cuối, khi người anh hùng Tony chạy đến người yêu của anh là Maria, anh đã bị bắn và chết trong vòng tay của Maria, trong ánh đèn đường của thành phố New York. Lúc mối tình định mệnh của họ bị chia cắt bi thảm như vậy, họ đã cùng hát, “Vẫn còn một chỗ cho chúng ta. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi nào đó”. Nhiều người trong số khán giả đã khóc nức nỡ không kềm chế được. Tại sao họ khóc? Cuối cùng, đó chỉ là một chuyện phim, chỉ là trò chơi của ánh sáng trên màn hình bằng vải.

Khi bạn bị cảm xúc che mờ, bạn xem chúng là quan trọng, là thật, là ‘của ta’. Bạn bị kẹt cứng trong đó đến nỗi bạn thường tìm kiếm những cảm xúc không vui, chẳng hạn như tìm xem những chuyện buồn khổ. Tại sao nhiều người đi xem phim mang theo một hộp khăn giấy, bởi vì họ biết qua các mục điểm phim rằng đấy là một phim làm nhiều người rơi lệ? Bởi vì những người đó bị dính mắc với cảm xúc, thích thú với những cảm xúc ấy, và nhận diện mình qua những cảm xúc đó. Họ không muốn giải thoát khỏi cảm xúc.

Chánh niệm cực mạnh quán chiếu về cảm xúc sẽ khai mở thực tại là bạn có muốn giải thoát hay không. Nó dẹp bỏ sự chọn lựa theo ưa thích của bạn. Bạn nhận ra rằng cảm xúc là những mỹ nhân ngư khêu gợi đang vẫy tay mời gọi bạn đi đến những tảng đá đầy cạm bẫy nguy hiểm. Nhưng bản chất của cảm xúc chỉ là những đối tượng của tâm, do nhân duyên phối hợp một cách tình cờ, giống như một đợt khí hậu thay đổi đang tràn tới trên trời, không liên hệ gì đến chúng ta. Khi bạn thấy được sự thật, bạn sẽ không còn dính mắc với cảm xúc và thoát khỏi sự kiểm soát độc đoán của nó.

Bất cứ cái gì là đối tượng của tâm, bất cứ cái gì xuất hiện trên màn ảnh của ý thức – dù đó là năm chướng ngại, ý tưởng, ý chí, hay cảm xúc - đều có thể đặt dưới ánh sáng liên tục xuyên suốt của chánh niệm cực mạnh. Ở đó bạn sẽ nhận thức được những điều hoàn toàn bất ngờ. Bạn sẽ thấy được những gì mà Đức Phật đã thấy dưới gốc cây bồ đề. Sự nhận thức sẽ khai sáng cho bạn hiểu rằng tất cả những sự kiện trên màn ảnh của ý thức chỉ là trò chơi của thiên nhiên, không phải trò chơi của Trời, cũng không phải trò chơi của một linh hồn. Không có gì ở đó cả. “Không có ai ở trong nhà cả”. Những đối tượng của tâm ấy là trống không. Chúng là vô ngã (anattā). Bạn đã thấy xuyên suốt ảo tưởng. Bây giờ bạn đã giải thoát, không còn chịu ảnh hưởng của bất cứ đối tượng nào của tâm.

Đức Phật hứa rằng bất cứ ai thực hành Tứ Niệm Xứ một cách tinh cần trong vòng bảy ngày sẽ đạt đến quả Nhập Lưu hay được giác ngộ hoàn toàn. Bây giờ có lẽ bạn đã hiểu tại sao nhiều hành giả thất vọng khi thấy rằng sau một thời gian thực hành nhiều hơn bảy ngày mà họ vẫn không giác ngộ. Như tôi đã nói trước đây, lý do là họ đã không thực hành Tứ Niệm Xứ đúng theo lời chỉ dạy của Đức Phật. Hãy thử thực hành và xem kết quả. Hãy phát triển chánh niệm cực mạnh phát sinh nhờ nhập Định để bạn tự biết rằng chánh niệm bình thường yếu ớt như thế nào. Hãy đặt tâm nhận biết hay tâm tạo tác dưới ánh sáng của chánh niệm siêu cường, can đảm vượt qua lớp kiến chấp của bạn. Rồi hãy chờ đón điều bất ngờ. Đừng đoán mò sự thật. Hãy kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi cánh hoa sen thứ một ngàn nở ra trọn vẹn để lộ đài sen. Đó là lúc chấm dứt vọng tưởng, chấm dứt vòng luân hồi (samsāra), và cũng là chấm dứt Niệm Xứ.

Ý kiến bạn đọc
20/02/201703:58
Khách
Xin cám ơn Quangduc.com đã post bài Từ CHÁNH NIỆM Đến GIÁC NGỘ, CẨM NANG CỦA NGƯỜI TU THIỀN, TG AJAHN BRAHM do Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch.
Xin cho hỏi:
1. Đây chỉ mới là phần 1 của sách còn phần 2 khi nào mới có?
2. Nếu muốn tham gia vào hoạt động Phật sự của trang quangduc.com thì tôi phải làm sao, hiện nay tôi đang ở Melbourne.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]