Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Căn Bản Pháp Hành Thiền I

22/03/201505:59(Xem: 12829)
Chương 1: Căn Bản Pháp Hành Thiền I
PHẦN I


AN LẠC CỦA THIỀN ĐỊNH


— 1 —

Căn Bản Pháp Hành Thiền I


Trong chương này, chúng ta sẽ nói đến bốn giai đoạn sơ khởi của hành Thiền. Có thể các bạn muốn lướt qua thật nhanh các giai đoạn đầu, nếu vậy bạn hãy hết sức thận trọng. Nếu bạn vượt qua các giai đoạn đầu quá nhanh, có thể bạn sẽ thấy việc chuẩn bị chưa được đầy đủ. Cũng giống như bạn cố gắng xây một căn nhà trên một cái nền tạm bợ - cấu trúc nhà sẽ vươn lên rất nhanh, nhưng nó sẽ sớm sụp đổ! Là người khôn ngoan, bạn sẽ bỏ thời giờ xây dựng nền móng thật vững chắc. Rồi khi bạn tiến lên xây các tầng cao hơn - giống như những trạng thái hỷ lạc của Thiền- căn nhà của bạn sẽ vững vàng.


Giai Đoạn 1:

Tỉnh Giác Về Giây Phút Hiện Tại

Khi tôi giảng dạy phương pháp hành Thiền, tôi thích bắt đầu bằng giai đoạn đơn giản là buông bỏ gánh nặng của quá khứ và tương lai. Có lẽ bạn nghĩ rằng đây là một việc dễ làm, nhưng không phải vậy đâu. Buông bỏ quá khứ nghĩa là không nghĩ đến công việc, gia đình, những cam kết, những trách nhiệm, những quãng đời niên thiếu của bạn với tất cả chuyện vui buồn, v.v... Bạn buông bỏ mọi kinh nghiệm quá khứ bằng cách không nghĩ đến chúng nữa. Trong lúc hành Thiền, bạn trở thành một con người không có quá khứ. Bạn không nghĩ đến việc bạn sống ở đâu, bạn sinh ra ở đâu, cha mẹ bạn là ai, bạn được nuôi dưỡng như thế nào. Bạn từ bỏ tất cả quá khứ đó. Bằng cách này, nếu bạn đang cùng hành Thiền với những người khác, tất cả trở thành bình đẳng - bạn chỉ là một thiền sinh. Không có gì quan trọng dù bạn là một hành giả nhiều kinh nghiệm hay chỉ là kẻ tập sự.

Nếu chúng ta buông bỏ tất cả quá khứ ấy, chúng ta trở nên bình đẳng và tự do.Chúng ta tự giải phóng mình khỏi một số điều bận tâm, những tri giác, hay tư tưởng có thể làm giới hạn, ngăn cản ta phát triển sự an tịnh phát sinh nhờ tâm buông bỏ. Mỗi phần đời quá khứ của ta cuối cùng được giải phóng, ngay cả ký ức về những gì chỉ xảy ra vài giây phút trước đây. Dù bất cứ cái gì xảy ra cũng không làm chúng ta quan tâm, chúng ta buông xả hết. Chúng không còn vang vọng trong tâm ta.

Tôi mô tả việc phát triển tâm giống như một căn phòng nhỏ có bọc nệm cách âm. Khi có một kinh nghiệm, một tri giác hay tư tưởng chạm phải bức tường của căn phòng này, nó không dội lại. Nó chỉ chìm sâu vào trong lớp nệm bọc và ngừng ngay. Quá khứ không vang vọng trong tâm thức ta. Một số người nghĩ rằng nếu họ quán tưởng về quá khứ, họ có thể rút ra bài học và giải quyết được vấn đề của họ. Nhưng khi chúng ta nhìn về quá khứ, chúng ta thường nhìn qua một lăng kính lệch lạc. Dù ta nghĩ chúng như thế nào đi nữa, thật sự chúng chẳng phải y như vậy! Đó là lý do tại sao người ta thường tranh cãi về những gì xảy ra thậm chí chỉ vài phút trước đây.

Giới chức cảnh sát điều tra về tai nạn giao thông thường biết rất rõ là hai nhân chứng khác nhau, cả hai đều hoàn toàn thành thật, có thể đưa ra những lời tường thuật mâu thuẩn nhau về cùng một tai nạn. Khi chúng ta thấy được ký ức của chúng ta không đáng tin cậy chút nào, chúng ta sẽ không còn đánh giá quá cao về quá khứ. Chúng ta có thể chôn vùi nó, giống như chúng ta chôn vùi một người đã chết. Chúng ta chôn vùi chiếc quan tài hay hỏa thiêu thi hài người chết, thế là xong.

Đừng vương vấn quá khứ. Đừng tiếp tục mang theo các quan tài chất đầy những khoảnh khắc đã qua. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ tự đè nặng mình bằng những gánh nặng mà thật ra không còn thuộc về bạn. Khi bạn buông bỏ quá khứ, bạn sẽ được tự do trong giây phút hiện tại. Còn đối với tương lai - những dự đoán, sợ hãi, kế hoạch, và mong đợi – cũng cần phải buông bỏ. Có lần Đức Phật đã dạy,” Bất cứ các ông nghĩ đến một việc gì sẽ xảy ra như thế nào, nó sẽ luôn luôn xảy ra khác với điều các ông nghĩ “(Trung BK, 113, 21). Đối với bậc hiền trí thì tương lai rất mơ hồ, không biết được, không tiên đoán được. Dự đoán về tương lai thật là vô ích, và đó luôn luôn là một việc đại lãng phí thì giờ trong lúc hành Thiền.


Tâm Tuyệt Vời và Lạ Lùng

Khi bạn làm việc với tâm, bạn thấy nó thật lạ lùng. Tâm có thể làm được những việc bất ngờ và tuyệt diệu. Những thiền sinh gặp khó khăn khi họ không đạt được trạng thái tâm an tịnh, đôi lúc bắt đầu nghĩ:”Đây nữa, ta lại phải chịu thêm một giờ bực bội”. Nhưng thường lại có chuyện lạ xảy ra: Mặc dù họ đang đự đoán một sự thất bại, họ lại đạt đến một trạng thái hành thiền rất an tịnh.

Mới đây, tôi nghe nói đến một thiền sinh lần đầu tiên tham dự một khóa thiền ẩn cư mười ngày. Sau ngày đầu tiên, anh ta cảm thấy đau nhức đến nỗi anh ta xin được về nhà. Vị thầy hướng dẫn bảo:” Tôi hứa với bạn là chỉ cần ở lại thêm một ngày nữa thôi, bạn sẽ hết đau nhức”. Thế là anh ta ở lại thêm một ngày nữa, nhưng cơ thể anh vẫn đau nhức tệ hơn. Một lần nữa, anh ta lại muốn về nhà. Vị thầy lặp lại lời hướng dẫn, “Chỉ thêm một ngày nữa thôi, cơn đau nhức sẽ hết”. Anh ta ở lại qua ngày thứ ba, nhưng cơ thể vẫn đau nhức tệ hại hơn nữa. Mỗi buổi tối trong chín ngày đầu tiên, anh đều đến gặp vị thầy để xin về nhà. Và vị thầy chỉ nói, “Chỉ thêm một ngày nữa thôi là hết đau”. Ngày cuối cùng của khóa tu, trong buổi ngồi thiền đầu tiên, anh hết sức kinh ngạc khi thấy cơn đau nhức biến mất và không còn trở lại. Anh có thể ngồi lâu hơn mà không đau chút nào. Anh ngạc nhiên thích thú khi thấy tâm kỳ diệu biết bao trước những kết quả thật bất ngờ anh có thể đạt được. Vì vậy bạn không thể biết được tương lai. Những gì sẽ xảy ra trong tương lai có thể thật lạ lùng, kỳ quặc, vượt ra ngoài những dự đoán của bạn. Những kinh nghiệm của thiền sinh này có thể giúp bạn có đủ trí tuệ và can đảm để buông bỏ mọi ý nghĩ và mong đợi về tương lai.

Trong lúc hành thiền mà bạn cứ nghĩ:”Còn bao nhiêu phút nữa đây? Ta còn phải chịu đựng như thế này đến bao giờ?” nghĩa là bạn đang phóng tâm vào tương lai. Cơn đau nhức có thể biến mất trong nháy mắt. Bạn không thể biết được khi nào chuyện ấy sẽ xảy ra.

Trong một khóa thiền ẩn cư bạn có thể nghĩ rằng không có buổi thiền tập nào của bạn thành công cả. Nhưng trong buổi hành thiền tiếp theo, có thể khi ngồi xuống bạn lại cảm thấy tâm thật thoải mái và an tịnh. Bạn nghĩ: “Ồ, bây giờ mình có thể thiền được rồi”. Nhưng rồi buối ngồi thiền tiếp theo bạn lại cảm thấy bực bội như những lần đầu. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Vị thầy đầu tiên dạy Thiền cho tôi nói với tôi những điều nghe có vẻ rất lạ vào thời đó. Thầy nói rằng không có cái gọi là hành thiền yếu kém. Thầy nói đúng. Tất cả những buổi thiền tập mà bạn gọi là yếu kém hay đầy bực bội ấy chính là giai đoạn bạn làm việc cật lực để được “lãnh lương”. Cũng giống như một người làm việc suốt ngày Thứ Hai mà cuối ngày chẳng nhận được đồng nào. Anh ta nghĩ:” Ta làm việc như thế này để làm gì nhỉ?”. Anh ta lại làm việc suốt ngày Thứ Ba và rồi cũng chẳng nhận được đồng nào. Lại một ngày không ra gì. Cứ thế suốt ngày Thứ Tư đến Thứ Năm anh ta tiếp tục làm việc nhưng vẫn không thấy được đền đáp công lao khó nhọc. Bốn ngày tệ hại liên tục. Cho đến ngày Thứ Sáu. Anh vẫn làm việc y hệt những ngày trước, và cuối ngày ông chủ đã đến trả lương cho anh. Ồ! tại sao mỗi ngày lại không phải là ngày lãnh lương nhỉ?

Tại sao mỗi buổi hành thiền lại không phải là ngày lãnh lương? Bạn hiểu được ví dụ ấy không? Trong những lần cố gắng hành thiền một cách khó nhọc, bạn đã tích lũy vốn liếng, nhân duyên cho sự thành công sau này. Chính các buổi thiền tập đầy khó khăn ấy đã giúp bạn tích lũy sức mạnh để tạo thành động lực đưa đến an tịnh. Rồi khi vốn liếng đã đầy đủ, tâm tự nhiên tiến vào một trạng thái an tịnh thật tốt đẹp, và đó là ngày lãnh lương. Nhưng bạn nên nhớ rằng chính trong những buổi hành thiền bạn cho là yếu kém ấy thân tâm đã chuẩn bị phần lớn các điều kiện để đưa đến kết quả tốt đẹp cuối cùng.


Quá khứ và tương lai là những gánh nặng

Trong một khoá thiền do tôi hướng dẫn, vào buổi tham vấn, một phụ nữ nói với tôi là bà ấy đã giận tôi suốt ngày vì hai lý do khác nhau. Trong những buổi thiền tập đầu tiên, bà đã gặp nhiều khó khăn và đâm ra giận tôi vì tôi đã không rung chuông sớm hơn để chấm dứt buổi tập. Trong những buổi hành thiền sau đó bà đã đạt được trạng thái tâm an tịnh tuyệt vời và bà lại giận tôi vì tôi đã rung chuông quá sớm. Thật ra, các buổi thiền tập đều có một thời lượng giống nhau, mỗi buổi đúng một giờ.

Khi bạn chờ đợi tương lai bằng cách suy nghĩ:” Còn bao nhiêu phút nữa thì chuông reo nhỉ?” bạn đã tự hành hạ mình. Vì thế hãy thận trọng đừng vác lên vai gánh nặng của thời gian “Còn bao nhiêu phút nữa đây?” hay “Ta phải làm gì tiếp theo nhỉ?”. Nếu đó là điều bạn đang suy nghĩ, thì bạn đã không chú tâm đến những gì đang xảy ra trong hiện tại. Bạn chẳng phải đang hành thiền, mà bạn đang mời sự phiền bực đến quấy nhiễu bạn đấy.

Trong giai đoạn thiền tập này hãy giữ sự chú tâm vào ngay giây phút hiện tại, thậm chí đến mức độ bạn không còn biết ngày giờ, sáng hay chiều? - không cần biết! Bạn chỉ biết có một điều là ngay giây phút này đây. Bằng cách ấy bạn đi vào “thời khắc của tu viện” tuyệt vời, nơi bạn đang hành thiền trong lúc này. Bạn không cần biết bao nhiêu phút đã trôi qua và bao nhiêu phút còn lại. Thậm chí bạn cũng không còn nhớ là ngày nào nữa.

Khi còn là một tăng sinh trẻ tuổi ở Thái Lan, thật sự tôi đã quên đó là năm nào! Thật là kỳ diệu khi được sống trong một cảnh giới phi thời gian, một cảnh giới được tự do hơn nhiều so với cái thế giới bị thời gian chi phối mà chúng ta đang sống. Trong cảnh giới phi thời gian, bạn cảm nhận được phút giây hiện tại - giống như tất cả bậc hiền trí đã từng thể nghiệm được giây phút này hàng ngàn năm nay. Bạn đã đi vào thực tại của bây giờ và ở đây.

Thực tại của bây giờ và ở đây thật huy hoàng và đáng kinh ngạc. Khi bạn đã từ bỏ hết cả quá khứ và tương lai, bạn như là người mới sống lại. Bạn ở đây, bạn đang giữ chánh niệm. Đây là giai đoạn đầu của hành thiền, chỉ cần giữ vững chánh niệm trong giây phút hiện tại. Đạt đến giai đoạn này, bạn đã trải qua nhiều nỗ lực. Bạn đã buông bỏ gánh nặng đầu tiên vốn làm trở ngại cho bước tiến sâu hơn vào thiền định. Vì vậy điều quan trọng là bạn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố cho giai đoạn đầu tiên này thật mạnh mẽ, ổn định và vững chắc.


Giai Đoạn Hai:

Tỉnh Giác Im Lặng Về Phút Giây Hiện Tại

Trong phần giới thiệu tôi đã phác họa sơ lược mục tiêu của hành thiền là đạt đến sự im lặng tuyệt vời, tĩnh lặng, và tâm sáng suốt để giúp phát triển nhiều tuệ giác thâm sâu. Bạn đã buông bỏ gánh nặng đầu tiên làm trở ngại cho bước tiến sâu vào thiền định.Bây giờ bạn phải tiến đến một trạng thái tâm yên lặng đích thực và tuyệt vời hơn nữa.


Im Lặng Nghĩa Là Không Bình Luận

Trong khi thảo luận về giai đoạn hai, cũng cần nói rõ sự khác nhau giữa trải nghiệm tỉnh giác im lặng về phút giây hiện tại suy nghĩ về phút giây hiện tại. Tôi dùng ví dụ việc xem một trận đấu quần vợt trên màn ảnh truyền hình để giúp bạn hiểu được điểm này. Có thể bạn để ý rằng có hai trận đấu đang diễn ra cùng một lúc: Trận đấu bạn thấy trên truyền hình và trận đấu bạn nghe người bình luận mô tả. Người bình luận thường thiên vị. Thí dụ, nếu một tay vợt người Úc đang đấu với một tay vợt người Mỹ, thì bình luận viên thể thao của Úc rất có thể sẽ đưa ra những lời bình luận khác hẳn với bình luận viên của Mỹ. Trong thí dụ này, xem truyền hình mà không bình luận gì cả tượng trưng cho sự tỉnh giác im lặng về phút giây hiện tạitrong thiền tập, còn chú ý đến lời bình luận tượng trưng cho suy nghĩ về phút giây hiện tại. Bạn phải nhận thức rằng bạn đến gần với sự thật hơn khi bạn quan sát mà không bình luận gì cả, khi bạn chỉ thể nghiệm sự nhận biết im lặng về phút giây hiện tại mà thôi.

Đôi lúc chúng ta tưởng rằng chính thông qua sự bình luận nội tâm mà ta biết được thế giới. Thật ra, tiếng nói nội tâm ấy chẳng biết gì về thế giới cả. Chính tiếng nói nội tâm ấy đã thêu dệt ra những vọng tưởng khiến ta đau khổ. Tiếng nói nội tâm khiến ta tức giận đối với kẻ thù và tạo ra những gắn bó nguy hiểm với những người ta yêu mến. Tiếng nói nội tâm là nguyên nhân tạo nên mọi vấn đề của cuộc sống. Nó tạo nên sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, lo âu và trầm cảm. Nó dựng lên những ảo tưởng này cũng tài tình như những diễn viên khéo dùng thủ đoạn kích động khán giả để tạo ra sự kinh sợ hay bi thương. Vì vậy nếu bạn đi tìm chân lý, bạn phải biết quý trọng sự tỉnh giác im lặng, và khi bạn hành thiền, bạn phải xem việc này quan trọng hơn ý niệm nào khác.

Chính vì con người lúc nào cũng cho những ý niệm của mình có giá trị cao khiến điều này trở thành một chướng ngại cho sự tỉnh giác im lặng. Sáng suốt loại bỏ tầm quan trọng ta gán cho suy luận và hiểu được rằng sự tỉnh giácim lặng giúp ta hiểu biết vạn vật chính xác hơn, như vậy sẽ mở cánh cửa cho ta bước vào sự tĩnh lặng nội tâm.

Một phương cách hữu hiệu để vượt qua sự bình luận nội tâm là phát triển sự tỉnh giácim lặngthật tinh tế về giây phút hiện tại. Bạn quan sát mỗi phút giây thật chặt chẽ đến nỗi bạn không còn thì giờ để bình luận về những gì vừa xảy ra. Một niệm khởi lên thường là một ý kiến về những gì vừa xảy ra. “Điều ấy tốt”. “Điều kia xấu”. “Cái gì vậy?”. Tất cả những lời bình luận ấy thuộc về trải nghiệm trước đây. Khi bạn đang ghi nhận hay bình luận về một trải nghiệm đã qua, bạn không còn chú ý đến trải nghiệm vừa mới đến. Bạn đang tiếp xúc với khách cũ và bỏ quên mất những người khách mới đến.

Để triển khai ẩn dụ này, hãy tưởng tượng tâm bạn như một người chủ nhà tổ chức một buổi dạ tiệc, bạn đứng đón khách trước cửa. Nếu một người khách bước vào và bạn bắt đầu trò chuyện với người này, thì bạn không làm tròn nhiệm vụ là phải chú ý chào từng người khách khi họ bước vào. Vì mỗi lúc đều có khách bước vào, bạn chào người này xong là phải chào ngay người đi vào kế tiếp. Bạn không thể có đủ thời giờ để nói chuyện với bất cứ người nào, dù là một cuộc trò chuyện ngắn nhất, vì như thế có nghĩa là bạn phải bỏ sót người bước vào kế tiếp. Trong thiền tập, sự việc cứ hiện đến trong tâm ta hết chuyện này đến chuyện kia qua cửa ngõ của giác quan. Nếu bạn chú tâm đón nhận một sự việc và bắt đầu đàm thoại với nó thì bạn bỏ sót mất sự việc kế tiếp đang xảy ra ngay sau đó.

Khi bạn hoàn toàn sống trong giây phút hiện tại với từng sự việc, với từng người khách hiện ra trong tâm bạn, thì bạn không còn khoảng trống cho suy luận nội tâm. Bạn không thể đàm luận với chính mình bởi vì bạn hoàn toàn bận rộn chú tâm vào việc đón nhận mọi việc ngay lúc nó vừa xuất hiện. Đây là lúc bạn đang tinh tế thanh lọc sự nhận biết về giây phút hiện tại đến mức độ nó trở thành sự tỉnh giác im lặng vềhiện tại trong từng giây phút.

Trong lúc phát triển sự im lặng nội tâm, bạn đang từ bỏ một gánh nặng rất lớn khác. Giống như bạn đã đeo một cái ba-lô nặng chĩu trên lưng trong suốt ba chục hay năm chục năm ròng rã, và trong suốt thời gian ấy bạn đã lê bước chân mệt nhọc trên nhiều dặm đường dài. Giờ đây bạn đã có được can đảm và trí sáng suốt để cởi cái ba lô ấy ra và đặt nó xuống đất trong chốc lát. Bạn cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, thật là thanh thản, thật là tự do, khi bạn đã đặt được gánh nặng xuống đất.

Một phương cách hữu ích khác để phát triển sự im lặng nội tâm là nhận diện khoảng cách giữa các ý niệm, hoặc giữa những thời khắc đối thoại nội tâm. Hãy theo dõi thật kỹ với sự nhận biết nhạy bén khi một ý niệm vừa tan biến và trước khi một ý niệm khác khởi lên - Đấy! Khoảng cách đó chính làsự tỉnh giác im lặng. Lúc đầukhoảng cách đó có thể chỉ trong giây lát, nhưng khi bạn đã nhận ra sự im lặng thoáng qua ấy bạn sẽ dần dần quen thuộc với nó. Và khi bạn đã quen thuộc với nó, sự im lặng sẽ kéo dài lâu hơn. Cuối cùng khi bạn đã tìm thấy nó, bạn bắt đầu vui hưởng sự im lặng, và đó là lý do khiến nó kéo dài lâu hơn. Nhưng nên nhớ rằng sự im lặng rất dễ mắc cở. Nếu sự im lặng nghe bạn nói về nó, nó sẽ biến ngay lập tức!


Im Lặng Thật Là Thích Thú!

Thật tuyệt diệu nếu mỗi chúng ta có thể từ bỏ tất cả tiếng nói nội tâm và an trú trong sự tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tạitrong một thời gian vừa đủ dài để cảm nhận được điều này làm ta thích thú biết chừng nào. Im lặng giúp phát triển trí tuệ và óc sáng suốt nhiều hơn suy nghĩ. Khi ta nhận thức được điều này, sự im lặng trở nên hấp dẫn và quan trọng hơn. Tâm ta sẽ hướng về sự im lặng, tìm kiếm nó không ngừng, cho đến mức độ là tâm chỉ dấn thân vào quá trình suy nghĩ khi nào thật cần thiết, chỉ khi nào có việc gì đáng suy nghĩ. Một khi chúng ta nhận thức được rằng phần lớn những suy nghĩ của chúng ta thật ra chẳng đáng bận tâm chút nào, chẳng đi đến đâu, mà chỉ làm chúng ta nhức đầu, chúng ta sẽ vui vẻ và dễ dàng dành nhiều thì giờ hơn để tìm về sự tỉnh lặng nội tâm. Như vậy, giai đoạn hai của thiền tập là sự tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại. Chúng ta có thể muốn dành nhiều thì giờ chỉ để phát triển hai giai đoạn đầu tiên này, bởi vì nếu chúng ta có thể đạt đến điểm này, chúng ta đã đi được một đoạn dường dài trong nỗ lực thiền tập. Trong sự tỉnh giác im lặng về ‘ngay phút giây này’, chúng ta đã cảm nhận được rất nhiều an tịnh, hỷ lạc và theo sau đó là trí tuệ.


Giai Đoạn Ba:

Tỉnh Giác Im Lặng Về Hơi Thở Trong Giây Phút Hiện Tại


Nếu chúng ta muốn đi xa hơn nữa, thì thay vì tỉnh giác im lặng về những gì hiện ra trong tâm, chúng ta chọn sự tỉnh giác im lặng về một đối tượng mà thôi. Đối tượng đó có thể là cảm nhận về hơi thở, ý tưởng về lòng từ bi (mettā), một vòng tròn đầy màu sắc hiển thị trong tâm (kasina), hay nhiều đề mục quán niệm thông thường khác. Ở đây tôi sẽ mô tả sự tỉnh giác im lặng về hơi thở trong phút giây hiện tại.


Hợp Nhất Đối Lập Với Đa Dạng

Chọn một đối tượng để tập trung chú ý nghĩa là buông bỏ sự đa dạng và tiến đến phía đối lập với nó, là sự hợp nhất. Khi tâm bắt đầu hợp nhất và duy trì sự chú ý về một đối tượng mà thôi, thì ta cảm thấy sự an tịnh, hỷ lạc và nội lực gia tăng đáng kể. Ở đây chúng ta khám phá rằng sự đa dạng của tâm thức cũng là một gánh nặng khác. Giống như bạn có sáu máy điện thoại trên bàn cùng reo lên một lượt. Dẹp bỏ sáu máy này và chỉ cho phép một đường giây điện thoại riêng trên bàn mà thôi, điều đó thật nhẹ người đến mức phát sinh an lạc. Hiểu được sự dạng là một gánh nặng là điều rất quan trọng để có thể tập trung chú tâm vào hơi thở.


Kiên Nhẫn Thận Trọng Là Con Đường Nhanh Nhất

Nếu bạn đã phát triển được sự tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tạimột cách thận trọng trong một thời gian dài, bạn sẽ thấy thật dễ dàng hướng sự tỉnh giác ấy vào hơi thở và theo dõi hơi thở từng phút giây không gián đoạn. Đó là nhờ bạn đã vượt qua được hai trở ngại lớn của pháp Quán Niệm Hơi Thở. Trở ngại đầu tiên là tâm thường có khuynh hướng rong ruỗi về quá khứ hay tương lai, và trở ngại thứ hai là tiếng nói nội tâm. Vì vậy mà tôi đã giảng về hai giai đoạn mở đầu là tỉnh giác về giâyphút hiện tạivà tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tạinhư là sự chuẩn bị vững chắc cho bước tiến vào mức thiền định thâm sâu hơn về hơi thở.

Thông thường thiền sinh bắt đầu pháp Quán Niệm Hơi Thở khi tâm họ vẫn còn đang chạy nhảy lăng xăng về quá khứ hay tương lai, và khi những suy luận nội tâm làm nhận chìm mức độ tỉnh giác. Không chuẩn bị đúng đắn khiến họ thấy việc theo dõi hơi thở thật khó khăn, thậm chí không thể làm được, và bỏ cuộc trong sự bực bội. Họ bỏ cuộc vì họ đã không bắt đầu đúng chỗ. Họ đã không thực hiện công việc chuẩn bị trước khi dùng hơi thở làm trọng tâm của sự chú ý. Tuy nhiên, nếu tâm bạn đã được chuẩn bị tốt bằng cách hoàn tất hai giai đoạn nêu trên, thì khi bạn hướng tâm về hơi thở bạn sẽ có thể dễ dàng duy trì sự chú tâm vào nó. Nếu bạn thấy theo dõi hơi thở thật khó khăn, đây là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã quá vội vàng vượt qua hai giai đoạn đầu. Hãy quay trở lại các bài thực tập đầu tiên. Kiên nhẫn thận trọng là con đường nhanh nhất!


Bạn Theo Dõi Hơi Thở Từ Điểm Nào Không Thành Vấn Đề

Khi bạn tập trung sự chú ý vào hơi thở, bạn chú tâm theo dõi hơi thở đang xảy ra ngay bây giờ. Bạn cảm nhận hơi thở đang diễn tiến như thế nào, nó đang đi vào, đi ra, hay đang ở nửa chừng. Vài vị thầy dạy rằng phải theo dõi hơi thở ở chóp mũi, vài vị khác bảo phải theo dõi hơi thở ở bụng, vài vị khác nữa lại bảo phải chuyển hơi thở đến chỗ này xong rồi chuyển nó đến chỗ kia. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng bạn theo dõi hơi thở từ điểm nào không thành vấn đề. Thật ra, tốt nhất là đừng ấn định vị trí nào cho hơi thở. Nếu bạn theo dõi hơi thở tại chóp mũi thì nó sẽ trở thành “tỉnh giác về chóp mũi”, không phải tỉnh giác về hơi thở, và nếu bạn theo dõi hơi thở từ bụng thì nó trở thành “tỉnh giác về bụng”. Bạn chỉ cần tự hỏi mình “Tôi đang thở vào hay đang thở ra? Làm sao tôi biết được điều này?”. Đấy! Cảm nhận sẽ cho bạn biết hơi thở đang làm gì, đó là điều bạn cần tập trung chú ý. Đừng quan tâm về việc hơi thở được đặt ở đâu. Chỉ cần tập trung chú ý vào chính cảm nhận hơi thở ra vào.


Khuynh Hướng Kiểm Soát Hơi Thở

Một vấn đề phổ biến ở giai đoạn này là khuynh hướng kiểm soát hơi thở, và điều này làm cho việc theo dõi hơi thở không được thoải mái. Để vượt qua điểm khó khăn này, hãy tưởng tượng bạn chỉ là một hành khách ngồi trong xe nhìn hơi thở qua cửa sổ. Bạn không phải là người lái xe, cũng không phải là người chỉ đường ngồi ở ghế sau. Vậy hãy ngừng ra lệnh, hãy buông thư và vui hưởng cuộc hành trình. Hãy để cho hơi thở thực hiện công việc thở ra vào, bạn chỉ theo dõi mà thôi.

Khi bạn đếm hơi thở ra thở vào khoảng một trăm lần liên tục, không bỏ sót lần nào, bạn đã đạt được điều mà tôi gọi là giai đoạn ba của nỗ lực hành thiền, giai đoạn này liên hệ đến việc duy trì sự chú tâm vào hơi thở. Lần này sẽ an lạc hơn giai đoạn trước. Để tiến sâu hơn, bước kế tiếp bạn sẽ nhắm đến giai đoạn hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở.

Giai Đoạn Bốn:

Hoàn Toàn Duy Trì Sự Chú Tâm Vào Hơi Thở

Giai đoạn bốn xảy ra khi sự chú tâm của bạn tiến đến việc theo dõi hơi thở trong từng mỗi phút giây. Bạn nhận biết hơi-thở-vào ngay từ giây phút đầu tiên, khi cảm giác thở vào bắt đầu khởi lên. Rồi bạn quan sát cảm giác ấy phát triển từ từ trong suốt tiến trình di chuyển của một lần thở-vào, không bỏ sót một giây nào của hơi-thở-vào. Khi hơi-thở-vào chấm dứt, bạn biết rõ giây phút đó. Trong tâm mình, bạn thấy rõ bước di chuyển cuối cùng của hơi-thở-vào. Rồi bạn thấy giây phút tiếp theo như là khoảng ngừng giữa các hơi thở, và nhiều khoảng ngừng nữa cho đến khi hơi-thở-ra bắt đầu. Bạn thấy được giây phút bắt đầu của hơi-thở-ra và mỗi cảm giác tiếp theo sau khi hơi- thở-ra diễn tiến, cho đến khi hơi-thở-ra tan biến lúc nó đã hoàn tất chức năng của mình. Tất cả việc này được thực hiện trong im lặng và ngay trong phút giây hiện tại.


Đứng ngoài cuộc

Bạn cảm nghiệm từng phần của mỗi hơi-thở-vào và hơi-thở-ra liên tục mấy trăm lần trong một lúc. Vì vậy nên giai đoạn này được gọi là hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở. Bạn không thể đạt đến giai đoạn này bằng cách ép buộc, nắm giữ hay bám chặt. Bạn chỉ có thể đạt đến mức độ an tịnh này bằng cách buông xả mọi chuyện trong toàn thể vũ trụ ngoại trừ cảm nghiệm tức khắc về hơi thở đang xảy ra trong im lặng. Thật ra, “bạn” không đạt đến giai đoạn này, mà chính là “tâm” đã đạt được. Chính “tâm” tự làm việc này. Tâm nhận ra giai đoạn này sẽ là nơi cư trú thật an vui, chỉ có một mình tâm cùng với hơi thở mà thôi. Đây là nơi mà kẻ chủ động, là phần lớn của tự ngã con người, bắt đầu biến mất.

Bạn thấy rằng sự tiến bộ diễn ra thật tự nhiên vào giai đoạn thiền tập này. Chúng ta chỉ cần đứng ngoài cuộc, buông bỏ, và quan sát tất cả những gì đang xảy ra. Chỉ cần bạn để mặc nó, tâm sẽ tự động hướng về sự hợp nhất thật đơn giản, bình yên và thú vị, đó là được ở một mình với một đối tượng, chỉ việc hòa nhập với hơi thở trong từng mỗi phút giây mà thôi. Đó là sự hợp nhất của tâm, hợp nhất trong từng giây phút, hợp nhất trong tĩnh lặng.


Bắt Đầu Hơi Thở Tuyệt Đẹp

Giai đoạn thứ tư này tôi gọi là “tấm ván lấy đà để nhảy” của thiền tập, bởi vì từ đây bạn có thể lấy đà để chìm sâu vào những trạng thái hỷ lạc. Khi chúng ta chỉ cần duy trì sự hợp nhất của tâm thức bằng cách không can thiệp, thì hơi thở sẽ bắt đầu tan biến. Hơi thở có vẻ như mờ nhạt dần vì bây giờ tâm tập trung chú ý vào trọng điểm của cảm nghiệm về hơi thở, đó là sự an tịnh, tự do và hỷ lạc diệu kỳ.

Vào giai đoạn này, tôi dùng từ “hơi thở tuyệt đẹp”. Ở đây, tâm nhận thấy rằng hơi thở an bình này thật vô cùng tuyệt diệu. Chúng ta nhận biết hơi thở tuyệt đẹp này một cách liên tục, giây phút này nối tiếp giây phút kia, không bị gián đoạn chút nào trong chuổi cảm nghiệm này. Chúng ta chỉ nhận biết hơi thở tuyệt đẹp mà không cần có nỗ lực nào và trong một thời gian rất dài.

Giờ đây như tôi sẽ giải thích trong chương kế tiếp, khi hơi thở biến mất, tất cả còn lại là “cái đẹp”. Cái đẹp vô hình trở thành đối tượng duy nhất của tâm. Tâm bây giờ lấy chính tâm mình làm đối tượng. Bạn không còn biết gì về hơi thở, thân thể, ý niệm, âm thanh, hay thế giới bên ngoài. Tất cả những gì bạn nhận biết là cái đẹp, sự an bình, hỷ lạc, ánh sáng, hay bất cứ điều gì mà tri giác của bạn sẽ đặt tên sau này. Bạn đang cảm nghiệm cái đẹp mà thôi, một cách liên tục, không cần nỗ lực gì cả, đó là trạng thái‘Không’ tuyệt đẹp! Từ lâu, bạn đã buông bỏ đàm luận, buông bỏ mọi mô tả hay đánh giá. Giờ đây, tâm bạn tĩnh lặng đến nỗi nó không thể nói gì được nữa. Bạn bắt đầu cảm nghiệm niềm hỷ lạc đang nở hoa trong tâm. Niềm hỷ lạc ấy sẽ nẩy nở, phát triển, và trở nên vững chắc, mạnh mẽ. Rồi sau đó bạn có thể bước vào những trạng thái nhập địnhđược gọi là các tầng Thiền (jhānas).

Tôi đã mô tả bốn giai đoạn đầu của thiền tập. Mỗi giai đoạn phải được phát triển tốt trước khi tiến đến giai đoạn tiếp theo. Xin hãy dành nhiều thời giờ cho bốn giai đoạn đầu tiên này, luyện tập chúng thật vững vàng và ổn định trước khi tiến bước xa hơn. Bạn phải có khả năng giữ vững giai đoạn bốn thật thoải mái, hoàn toàn duy trì sự chútâm vào hơi thở, theo dõi mỗi hơi thở không một lần gián đoạn trong hai hoặc ba trăm lần liên tục. Tôi không nói bạn phải đếm hơi thở trong giai đoạn này; tôi chỉ cho phỏng định khoảng thời gian hành giả cần phải có khả năng giữ vững trong giai đoạn bốn trước khi tiến tới xa hơn. Trong thiền tập, như tôi đã nói trước đây, kiên nhẫn thận trọng là con đường nhanh nhất.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]