Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Điểm trọng yếu thứ ba: Sự xác tín trong giải thoát

26/06/201114:29(Xem: 4682)
Chương 5: Điểm trọng yếu thứ ba: Sự xác tín trong giải thoát

KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT
Tác giả: Đại sư Orgyen Kusum Lingpa, Liên Hoa dịch -
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN II: BA LỜI ĐÁNH VÀO ĐIỂM TRỌNG YẾU

Giáo huấn đặc biệt của Khepa Shri Gyalpo

CHƯƠNG 5: ĐIỂM TRỌNG YẾU THỨ BA: SỰ XÁC TÍN TRONG GIẢI THOÁT

Chủ đề chúng ta đang thảo luận là tịnh quang thừa của Đại Viên Mãn Nying-Thig (Tâm Yếu). Bậc Thầy của con đường sau xa này là Đức Phật trong hiển lộ Pháp thân của Ngài là Samantabhadra (Phổ Hiền), Đức Phật nguyên thủy, đấng đã hiển lộ mạn-đà-la trí tuệ nguyên thủy của sự biểu lộ Pháp thân.

Giáo lý về Ba Lời Đánh vào Điểm Trọng yếu này có liên quan tới cái thấy, thiền định và hành động. Chúng tương ứng với danh xưng của ba bậc nắm giữ dòng truyền thừa vĩ đại. Cái thấy là Longchen Rabjam, “sự bao la vô hạn vĩ đại”. Thiền định là Khyentse Ozer, “các tia sáng của sự trí tuệ và tình thương”. Hành động của Gyalwe Nyugu, “trưởng tử của các đấng Chiến Thắng”. Điểm trọng yếu thứ nhất là nhận ra bản tánh của các bạn. Điểm thứ hai là xác quyết trên một điều.

Bây giờ chúng ta bắt đầu với điểm thứ ba. Điểm này liên quan tới hành động và tương ứng với danh xưng Gyalwe Nyugu, “trưởng tử của các đấng Chiến Thắng”. Cách thức mà các bạn nên thực hành là an trụ trong sự tỉnh giác về ba điểm giải thoát vọng tưởng.

Điểm thứ nhất là nhận ra giác tánh nội tại chính là bản tánh của bạn. Việc nhận ra bản tánh của bạn cũng giống như nhận ra một người quen biết cũ mà các bạn đã rất lâu không gặp. Đó là một sự nhận ra hiển nhiên.

Điểm thứ hai, an trú mà không có bất kỳ bận tâm nào tới lợi hay hại khi các bạn ngơi nghỉ trong giác tánh nội tại. Điều này giống như kẻ trộm vào một căn nhà trống và nhận thấy không có gì để trộm cắp, và vì thế không có lợi cũng không có hại.

Điểm thứ ba để giải thoát vọng tưởng là tương tự như con rắn tự duỗi mình ra một cách tự nhiên. Một yogin ngoại hạng khi duy trì cái thấy theo cách này sẽ không bao giờ rơi vào cạm bẫy của mối bận tâm đối với lợi hay hại. Tuy nhiên, lúc ban đầu, trước khi các bạn đạt tới cấp độ đó, các bạn phải nhận ra các vọng tưởng. Việc đơn thuần nhận ra chúng cũng giống như con rắn tự duỗi mình ra.

Với ba cách giải thoát này, ta có thể giải thoát các vọng tưởng một cách phù hợp. Có một so sánh tương đồng với sự thiền định không đúng đắn: ta muốn tránh ánh nắng mặt trời và vào nghỉ trong một bóng cây, rồi lại đứng dậy và có thể lại quay vào nghỉ trong bóng mát. Các bạn đừng thiền định theo cách này, bởi các bạn sẽ không đối mặt với tham và sân, ưa thích và ghét bỏ bằng cách tiếp cận đúng đắn và các bạn sẽ không thể chiến thắng chúng.

Vì các hiện tượng phức hợp được đặt nền trên sự vô minh hay thiếu tỉnh giác mà chúng ta đã lang thang vô tận trong vòng sinh tử. Bất kỳ cố gắng nào để trở nên thoải mái bằng cách tìm cầu những gì ưa thích và tránh né những điều ghét bỏ, hoặc bằng việc theo đuổi bất kỳ điều gì xuất hiện, sẽ chỉ kéo dài sự bất lực của bạn trong việc hộ trì sự nhận biết rigpa. Các bạn cần làm việc với ba phương thức để giải thoát các vọng tưởng, vốn là những gì các bạn kinh nghiệm như những bông tuyết rơi trên một tảng đá cháy nóng, lập tức tan ra, hoặc như những gì bạn vồ vập lấy như con kên kên vồ chụp một con chim nhỏ. Các bạn cần giữ gìn giáo lý về tánh giác để có thể kinh nghiệm các tư tưởng phát khởi và được giải thoát một cách đồng thời. Đây là cách mà truyền thống Nying-Thig thực hành giáo lý Dzogchen.

Có những lúc tâm thức tràn đầy sự tham luyến rất mạnh mẽ, sự mãnh liệt tiềm ẩn của các biến cố tâm lý thứ yếu, nó áp đảo sự thiền định. Nếu các bạn tự cho phép mình đi theo những tư tưởng này trong thiền định thì các bạn sẽ tích tập nhiều thêm nữa các nguyên nhân cho vòng sinh tử. Nếu các bạn cho phép tâm thức niệm tưởng phàm tục này chiến thắng các bạn, thì các bạn đang tích tập các dấu vết nghiệp trên laya (a-lại-da thức), cấp độ tâm thức nền tảng của kinh nghiệm thông thường. Và đây chính là những gì các bạn mang theo mình như hành trang đi tới những đời sau. Lệ thuộc vào những tập khí đó, các bạn sẽ có những khuynh hướng chín muồi trong đời này và những đời tương lai. Vì thế các bạn phải thận trọng.

Có một so sánh tương đồng với việc vẽ hình trên nước. Hình vẽ trên nước giống như sự phát khởi của các vọng tưởng; còn nước thì giống như giác tánh nội tại rigpa. Điều này được gọi là trạng thái tự giải thoát xảy ra một cách tự nhiên. Bất kỳ vọng tưởng nào xuất hiện cần được xem như những hình vẽ trên nước: chúng xuất hiện từ nước và tan biến lại trong nước. Chúng hoàn toàn không thể sờ mó được. Mọi vọng tưởng xuất hiện từ rigpa tan biến trở lại vào rigpa, và khoảnh khắc đó chúng ta kinh nghiệm sự tự giải thoát xảy ra một cách tự nhiên.

Bất kỳ sự hình thành tư tưởng nào khởi sinh từ rigpa phải được xem như thực phẩm tươi ngon cho giác tánh trống không, vì cho dù là loại tư tưởng nào cũng đều là biểu lộ của Pháp thân. Đó là sự phô diễn của Pháp thân, vốn không dấu vết và tự do một cách tự nhiên. Chúng ta tìm thấy cách diễn cảm “A La La” trong bản văn gốc. Đây là sự biểu lộ ngạc nhiên hay kỳ diệu. Trong trường hợp này, sự ngạc nhiên phải thực hiện với nhận thức bất ngờ rằng thậm chí các vọng tưởng cũng là một biểu lộ của Pháp thân.

Là một hành giả bình thường, do khuynh hướng mạnh mẽ này bị khuynh loát bởi sự giam cầm của các tích tập nghiệp và sự hiện diện của các tích tập này, chúng ta có thể cho rằng ta phải kiềm hãm các tư tưởng và hoàn thành điều gì đó. Vì thế chúng ta bị vướng mắc trong tiến trình “sản sinh cái gì đó” để tiệt trừ mọi tập quán đã được tích tập. Đừng để cho những tình huống này chế ngự. Thay vào đó, chỉ đơn giản ghi nhớ tính cách tự giải thoát xảy ra một cách tự nhiên này. Khi các ý niệm phát khởi, chúng tự giải thoát nếu các bạn hiểu rõ ba cách thức giải thoát. Sự nhận thức cũng giống như nhân ra một người quen đã lâu không gặp trong một đám đông. Các tư tưởng tự giải thoát trong sự nhận thức đó.

Một cách khác là các bạn nhận thức rằng chúng không có lợi hay có hại. Việc nhận thức rằng không có lợi hay có hại cũng giống như một tên trộm vội vã vào một căn nhà rồi nhận ra là nó trống không và không có gì để lấy trộm.

Các tư tưởng cũng có thể tự giải thoát như một con rắn tự duỗi mình ra. Chỉ cần thư giãn và biết rằng đây là giáo huấn cốt tủy quan trọng nhất. Điều này tách Dzogchen khỏi các con đường khác, gồm cả Trung quán và Mahamudra (Đại Ấn). Đây là giáo lý Dzogchen cao tột nhất.

Có những cấp bậc thiền định khác đưa ta tới những mức độ cao hơn trong Sắc giới và Vô sắc giới, nhưng những cách thiền định đó cũng giống như sữa hay bơ đã bị hỏng, vì chúng là những trệch hướng đối với con đường đi tới sự thiền định chân thật. Bản tánh của tánh Không là Pháp thân và sự thiền định là thiền định của sự ngơi nghỉ trong bản tánh của thực tại đúng như nó đang hiện hữu. Đây không phải là kiểu thiền định phân tích. Đây là cách thức mọi khía cạnh của nghịch cảnh được đưa vào con đường để ngăn cản bất kỳ sự lạc lối nào do nỗ lực phân biệt giữa xấu và tốt, cần thiết và không cần thiết. Không có sự hiểu biết này, thiền định sẽ là con đường lầm lạc (vô minh). Đây là sự thiền định duy nhất giải thoát ta khỏi con đường lầm lạc.

Sự giải thoát không đến từ các kỹ thuật shamatha được sử dụng bởi cách tiếp cận của Tiểu thừa, vì với các kỹ thuật này ta chỉ có thể thành tựu một trạng thái an trú yên bình tạm thời. Chúng không giải thoát tâm thức khỏi vấn đề căn bản, và vì thế các vọng tưởng tiếp tục phát khởi. Đây là lý do vì sao việc đạt được sự xác tín trong cái thấy và việc duy trì sự thiền định phù hợp với cái thấy là rất quan trọng. Đó là phương cách duy nhất để giải trừ các vọng tưởng. Với kỹ thuật này, các bạn sẽ như một người đi tới một đại lục tràn ngập châu báu và không có bất cứ một hòn đá tầm thường nào. Các vọng tưởng không đáng sợ chút nào. Chúng trở thành dòng chảy mãi không ngừng của việc duy trì sự xác tín vào cái thấy.

Trong kinh nghiệm này, mọi tri giác mê lầm được tịnh hóa trong sự phô diễn của Pháp thân, và mọi nghịch cảnh xuất hiện như những bằng hữu của ta. Mọi mê lầm được bao hàm như con đường và sinh tử không bị loại trừ. Sinh tử là toàn hảo trong bản tánh bẩm sinh của nó và ta được giải thoát khỏi trói buộc của sự hiện hữu hiện tượng, bởi ta đã kinh nghiệm trạng thái giải thoát không thể tìm kiếm và vốn là như thế. Nếu ta không có kinh nghiệm này về Pháp thân, vốn không phải là một sự thiền định, thì ta không bao giờ có thể hy vọng có được bất kỳ kết quả nào trên con đường. Bất kỳ sự thiền định nào mà ta thực hiện cũng sẽ chẳng bao giờ có lợi lạc. Đó sẽ chỉ là con đường lầm lạc, vì ta vẫn bị trói buộc bởi sự bám chấp và dính mắc nhị nguyên.

Sự bám chấp vào bản ngã và dính mắc với các hình tướng khách quan đã gây nên một sự phân cách giữa bản ngã với các đối tượng và sự phân cách giữa chúng sinh với Phật tánh, hay sinh tử với Niết-bàn. Nếu ta thực hành kỹ thuật Dzogchen về sự xác định cái thấy và duy trì sự thiền định, là sự tỉnh giác về cái thấy, thì ta sẽ được giải thoát khỏi sự trói buộc của bám chấp và dính mắc nhị nguyên. Đây là trạng thái không do trau giồi (tu tập) của Pháp thân. Ta đã có được sự xác tín nơi giải thoát, hiểu rõ đây là cách thức duy nhất để thành tựu sự giải thoát và sự xác tín đó là điểm trọng yếu thứ ba.

Cái thấy là Longchen Rabjam, thiền định là Khyentse Ozer, hành động là Gyalwe Nyugu. Trong Dzogchen, chúng ta có cái thấy, thiền định, hành động, và kết quả, chúng tạo thành sự thành tựu toàn khắp về giác tánh nội tại. Khi trạng thái giác tánh nội tại này trở nên hoàn toàn rõ ràng, nó là tri giác trực tiếp của Pháp tánh, có năng lực soi sáng mọi cấp độ bóng tối, giống như mặt trời và mặt trăng chiếu sáng bóng tối vô minh.

Tiến trình đó bắt đầu với cái thấy, là sự nhận ra bản tánh tỉnh giác nội tại của ta. Nhờ thực hành, cái thấy trở thành sự thuần tịnh nguyên thủy, tương ứng với trekchod “xuyên thẳng đến sự thuần tịnh nguyên thủy”. Các bạn dùng cái thấy để xuyên thẳng đến sự thuần tịnh nguyên thủy. Trạng thái thuần tịnh nguyên thủy đó là sự trong sáng rỗng rang nền tảng, không bao giờ bị ô nhiễm bởi các tập khí, không có vết tích của đức hạnh hay ác hạnh. Trạng thái đó tinh khôi và viên mãn tự thân, là cực điểm của tất cả chín thừa.

Sự thành tựu pháp Dzogchen này là kết quả tối hậu của tất cả những con đường khác nhau trong Phật Pháp, nhưng cuối cùng để thành tựu con đường đó các bạn phải thành tựu Dzogchen. Nhờ thành tựu trạng thái thuần tịnh nguyên thủy này, ta trực tiếp gặp gỡ bản tánh trí tuệ tự sinh của ta. Để gặp gỡ bản tánh trí tuệ tự sinh một cách trực tiếp, ta thiền định theo ba phương cách để giải thoát các vọng tưởng và đạt được trạng thái toàn giác viên mãn này. Mọi sự được bao gồm trong trạng thái toàn giác viên mãn này. Mọi sự mà loài người biết tới đều vốn có trong đó. Cho dù các bạn không trải qua thời gian để học hỏi những điều này, tâm thức các bạn sẽ tự nhiên mở rộng qua sự thực hành, và tánh giác toàn trí bẩm sinh bao la sẽ tự hiển lộ. Mức độ cao cấp này được đạt tới với thị kiến thứ ba của tưgal được gọi là “mức độ viên mãn của rigpa”. Trong sự thực hành các bạn sẽ đạt đến mức độ nhận ra được rằng trước đây mình đã từng mê lầm nhưng giờ thì không còn nữa. Bạn sẽ cảm nhận được rằng mình đã từng là một chúng sinh tầm thường, nhưng giờ đây là một vị A-la-hán. Bạn sẽ đạt đến chỗ nhận biết sự khác nhau ấy và điều đó sẽ không thay đổi. Khi các bạn còn là một chúng sinh, hôm nay các bạn có thể đức hạnh và ngày mai trở nên vô đạo đức, bởi các bạn có thể thay đổi. Nhưng khi các bạn đạt tới cấp độ này của Dzogchen thì không thể có sự thay đổi hay thối lui (bất thối chuyển).

Vào lúc ta gặp gỡ bốn ánh sáng, gồm cả ánh sáng của “trí tuệ tự sinh”, trí tuệ bẩm sinh của ta bắt đầu sáng chói đến nỗi sự toàn giác nội tại hiển lộ. Đây là sự chứng ngộ bản tánh của shunyata (tánh Không) vốn thấm đẫm lòng trắc ẩn và đại bi bẩm sinh. Rồi thì lòng từ ái và bi mẫn tự phô diễn khiến ta thực sự có thể làm chủ đời mình như một vị Bồ Tát, là bậc mà cách hành động tự biểu lộ như một hành giả của sáu ba-la-mật. Hành động này sẽ trở thành một đại dương mênh mông của Bồ Tát hạnh, huy hoàng và chói ngời như những tia nắng mặt trời chiếu sáng đồng thời mọi phía.

Cái thấy này của sự tiếp cận tịnh quang – con đường Kim Cương thừa Đại Viên Mãn – là vô song. Đây là các giáo lý siêu việt nhất từng được trình bày trong thế giới này. Nếu đã từng có một giáo huấn trực chỉ cốt tủy, thì giáo huấn đó chính là pháp Dzogchen. Giáo huấn trực chỉ này được truyền trực tiếp từ Đức Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ Hiền) tới Đức Vajrasattva. Ngài truyền nó cho ngài Garab Dorje, xuống tới vị Guru gốc của tôi. Guru truyền giáo lý này cho tôi như tinh chất của trái tim ngài trong hình thức của các giáo huấn trực chỉ cốt tủy. Giáo lý này được trình bày qua những ngôn từ súc tích không thể nghĩ bàn và hết sức sâu xa. Ngài Patrul Rinpoche đã nói về chính mình khi ngài viết bản văn gốc này, là di chúc cuối cùng của ngài Garab Dorje: “Dù tôi là người đã không thực hành thiền định cũng vẫn có được những lợi lạc to lớn.” Đây là một cách biểu lộ sự khiêm tốn. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là ngài đã không đạt được trạng thái thành tựu đó. Đây là dòng khẩu truyền cổ xưa, trước tiên nó phải được nghe để cắt đứt mọi nghi ngờ, sau đó được tư duy để củng cố sự xác tín hoàn toàn, và cuối cùng được thiền định để đem lại năng lực vốn tiềm ẩn.

Giáo lý này về cái thấy, thiền định, hành động, và kết quả được truyền dạy lúc ban đầu bởi ngài Garab Dorje vĩ đại khi ngài ra đi trong thân cầu vồng. Thân ngài là một trái cầu ánh sáng trong bầu trời khi vị đệ tử Manjushrimitra cầu xin ngài ban cho các giáo huấn cốt tủy trước khi ngài biến mất. Các giáo huấn đến từ quả cầu ánh sáng này và được Manjushrimitra nhận lãnh. Ngay chính giây phút đó, tâm thức của Manjushrimitra và Garab Dorje hợp nhất và trở thành không hai. Đây là di chúc cuối cùng của Garab Dorje.

Ngài Longchen Rabjam đã dành trọn đời mình để thực hành giáo lý này và đã đạt được thị kiến thứ tư của tưgal được gọi là “sự tan biến của các hiện tượng trong chân tánh của chúng”. Điều này có nghĩa là sự nhị nguyên ngừng hiện hữu, và đó là sự giác ngộ. Hoạt động giác ngộ của Ngài đã viên mãn, và Ngài đã thọ nhận dòng truyền dạy tâm truyền tâm. Sau đó, Longchen Rabjam xuất hiện với Jigme Lingpa trong một linh kiến và truyền các giáo lý này cho ngài. Đến lượt Jigme Lingpa đã thiền định về các giáo lý này và truyền chúng cho đệ tử chính của ngài là Gyalwe Nyugu. Vị này tu tập thành tựu và truyền các giáo lý này cho Patrul Rinpoche, là bậc đã viết bản văn này.

Giáo lý này là sự truyền dạy của ba dòng truyền thừa: dòng tâm truyền tâm, dòng truyền dạy bằng các biểu tượng, và dòng khẩu truyền. Đây là vàng đã được tinh lọc. Nó không chỉ là vàng, nó được tinh lọc, là cốt tủy của tám mươi bốn ngàn pháp môn. Nó là tâm yếu của ba dòng truyền thừa, được bí mật trao cho các đệ tử tâm đắc. Nó là ý nghĩa sâu xa và lời nói từ tâm. Một người thực hành giáo lý này chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ trong chỉ một thân, ngay trong đời này. Nó không được chia sẻ với bất kỳ người nào có sự nghi ngờ. Tuy nhiên, không chỉ bày giáo lý này cho người có đức tin sẽ là một thất bại to lớn. Đây là giáo lý đặc biệt của Khepa Shri Gyalpo, Patrul Rinpoche, ngài sống vào khoảng một trăm bảy mươi năm trước. Ngài có nhiều đệ tử đã trở thành các Đạo sư vĩ đại của thời đại chúng ta và là các bậc Thầy của chúng ta, và chính từ các ngài mà ta nhận lãnh giáo lý. Sự truyền thừa như thế không phải là quá xa xôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]