Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Bardo đời này

26/06/201114:29(Xem: 4439)
Chương 3: Bardo đời này

KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT
Tác giả: Đại sư Orgyen Kusum Lingpa, Liên Hoa dịch -
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN I: GIẢI THOÁT NHỜ LẮNG NGHE TRONG BARDO

CHƯƠNG 3:BARDO ĐỜI NÀY

Bardo đầu tiên được gọi là Bardo Đời Này. Bardo này bắt đầu khi tinh trùng của cha và trứng của mẹ hợp nhất và qua sự hợp nhất đó tâm thức được đi vào. Đây là lúc thụ thai, và chính trong giây phút đó đời sống bắt đầu. Tâm thức phát triển trong tử cung khoảng chín tháng mười ngày cho tới lúc sinh ra. Chúng ta ở trong Bardo Đời Này từ lúc sinh ra cho tới bardo kế tiếp của tiến trình chết.

Khi ở trong Bardo Đời Này, hai bardo khác xuất hịên. Chúng là Bardo Thiền định và Bardo Trạng thái Mộng. Bardo Trạng thái Mộng bắt đầu khi chúng ta rơi vào giấc ngủ và ta ở trong bardo này cho tới khi thức dậy. Bardo Thiền định tương ứng với thời kỳ trong đó chúng ta đang thực hành Mahamudra (Đại ấn), Madyamika (Trung quán) hay Dzogchen (Đại viên mãn).

Trong khi thiền định, các bạn đang cố gắng hòa tâm bạn với tâm Đạo Sư và kinh nghiệm đó được nối kết với Bardo Thiền định. Thông thường, ta ngồi xuống để thực hành, dùng một khoảng thời gian nhất định để làm việc đó, hồi hướng công đức, và sau đó đứng lên và bắt tay vào các hoạt động khác.

Sự thực hành theo lối này là một sự hiểu biết bên ngoài về Bardo Thiền định. Sự hiểu biết bên trong của bardo đặc biệt này siêu việt mọi biên giới hay giới hạn của sự việc đó. Nó liên quan tới kinh nghiệm về các vọng tưởng và mối liên hệ của ta đối với chúng. Trong thực hành thiền định, ta có thể nhận ra khoảnh khắc giữa các niệm tưởng. Từ lúc niệm tưởng sau cùng chấm dứt, ngay trước khi bắt đầu niệm kế tiếp có một khoảng hở, trong đó ta có thể kinh nghiệm bản tánh tỉnh giác nội tại của ta. Kinh nghiệm đó là ý nghĩa bên trong của việc đi vào Bardo Thiền định.

Điều quan trọng là phải chú ý tới khoảng hở giữa các niệm tưởng đó, bởi vì trong khi các bạn an trụ trong kinh nghiệm tỉnh giác nội tại bẩm sinh này, thoát khỏi các tư tưởng hay ý niệm, thì các bạn ở trong Bardo Thiền định. Kinh nghiệm này thoát khỏi sự mê lầm và được kể đến như Bardo Thiền định tuyệt đối hay tối hậu. Nó là không gian hay khoảng hở giữa các tư tưởng hay ý niệm. Trong ba bardo mà chúng ta sẽ thảo luận tối nay, quan trọng nhất là Bardo Thiền định. Nếu các bạn có thể thực hành thành công thiền định trong đời này thì các bạn đang chuẩn bị cho chính mình sự giải thoát trong bất kỳ trạng thái bardo nào khác. Như thể là các bạn đã phải mãi mãi sống trong bóng tối và bất ngờ ánh sáng xuất hiện. Nếu các bạn tu tập tâm thức các bạn qua thiền định và có thể an trụ trong sự tỉnh giác nội tại, thì bản tánh tịnh quang của tâm bạn sẽ tỏa chiếu một cách tự do và càng lúc càng mạnh mẽ hơn khi các bạn thực hành. Nó là bản tánh căn bản của các bạn. Ban đầu, khi các bạn thực hành thiền định này, có thể bạn chỉ ở trong một cách thức hơi thông thường hay hơi thấp, rồi dần dần sẽ đến gần mức độ trung bình, và sau rốt mức độ sẽ trở nên rất lớn lao. Theo cách này, Bardo Thiền định được thành tựu.

Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng các thực hành thiền định này – và có nhiều thực hành liên quan tới sự chứng nghiệm Bardo Thiền định – phải được đi trước bởi các thực hành chuẩn bị tiên quyết. Ngay cả khi các bạn đang tu tập một thực hành Dzogchen rất sâu xa như Yeshe Lama, các bạn luôn luôn phải bắt đầu với các sự chuẩn bị tiên quyết. Nếu cái bình bất tịnh và đồ chứa tồi tệ thì chất liệu được đổ vào đó trong sạch thế nào cũng chẳng ăn nhằm gì. Cách thức khác của việc sử dụng nó là: thực hành chuẩn bị giống như tim đèn và các bạn không thể có một ngọn đèn bơ mà không có tim đèn. Cũng vậy, các bạn không thể có một thực hành thiền định thực sự mà không có sự bắt đầu là các chuẩn bị tiên quyết. Guru Yoga là thực hành chuẩn bị tiên quyết thực sự mang đến những sự ban phước. Rất quan trọng là phải nhận bốn quán đảnh và bắt đầu sự thực hành của các bạn trong một trạng thái được ban phước bởi tâm Đạo Sư. Trong trường hợp đặc biệt này, sau khi đã nhận các ban phước của Đạo Sư, các bạn sẽ bắt đầu các thực hành được nối kết với sáu bardo.

Bardo Đời Này được nối kết với sự tự giải thoát của nền tảng toàn khắp. Nó cắt đứt những sợ hãi bên ngoài và bên trong, giống như một con chim sẻ đi vào tổ của nó một cách không sợ hãi. Bardo Trạng thái Mộng được nối kết với sự tự giải thoát khỏi vô minh giống như một ngọn nến được thắp lên trong bóng tối. Bardo Thiền định được nối kết với sự tự giải thoát của giác tánh nội tại giống như một đứa con lạc loài tìm thấy mẹ nó. Bardo Vào lúc Chết được nối kết với “sự tự giải thoát qua chuyển di tâm thức”, làm tỏ sáng điều tối tăm giống như di chúc sau cùng của một nhà vua. Bardo Pháp tánh có liên quan tới sự tự giải thoát ngay trên cái thấy, và giống như một đứa con nằm trong lòng mẹ, nghĩa là có sự xác tín vào chính những tri giác của mình. Và, Bardo Trở thành được nối kết với “sự tự giải thoát của hiện hữu hiện tượng”, giống như một đường hầm dẫn tới mục đích. Theo truyền thống, sáu bardo này được dạy theo thứ tự đó.

Tất cả chúng sinh trong sáu cõi được bao gồm trong Bardo Đời Này. Nó trải rộng tới ba mươi ba cõi trời. Pháp đã được truyền bá trong ba cõi này, và ngay cả các vị trời vĩ đại như Brahma, Indra, Vishnu v.v... đều đã là những đệ tử của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và đã có mặt khi bánh xe Pháp được quay. Tuy nhiên, nói chung thì Pháp không nở rộ trong những cõi đó. Cũng thế, trong cảnh giới của loài rồng, tất cả tám vị lãnh đạo rồng vĩ đại đã có cơ hội diện kiến đức Phật, giữ samaya (hứa nguyện) và đem giáo pháp tới cõi của họ, nhưng nói chung thì các giáo lý không hưng thịnh ở đó. Trong thế giới này của chúng ta có khoảng năm tỉ người và rất ít người trong số đó là Phật tử mặc dù Pháp đã được truyền bá ở đây.

Tất cả chúng sinh được sinh trong Bardo Đời Này phải được sinh ra bằng một trong bốn loại tái sinh: noãn sinh (sinh ra từ trứng), thai sinh (từ bào thai), thấp sinh (sinh ra từ hơi ấm và sự ẩm ướt) hay hóa sinh (sinh ra do sự hóa thành, ngay lập tức). Căn bản phổ quát đối với một sự tái sinh như thế là vô minh. Chính trạng thái vô minh phải được tự giải thoát. Bản chất của tái sinh là sự vô minh, trong khi sự biểu lộ của nó là các khuynh hướng quen thuộc, và vì thế ta cần trau dồi hai loại trí tuệ (sự thấu suốt tính vô ngã của cá nhân và của các hiện tượng). Nhờ đó ta bắt gặp cái thấy Dzogchen, tẩy sạch căn bản vô minh và sự biểu lộ của nó. Căn bản là sự vô minh và sự biểu lộ của vô minh là các khuynh hướng quen thuộc. Bởi những thứ đó, ta hoàn toàn mê lầm trên con đường bardo dẫn đến bốn loại tái sinh.

Bằng sự hiểu biết các giáo lý kinh điển và tantra, sự tự giải thoát khỏi vô minh là hoàn toàn có thể được – và thực ra nếu không có sự hiểu biết này thì đó sẽ là điều không thể làm được đối với chúng sinh – với căn bản vô minh như một tập quán, ta biết cách làm thế nào đóng kín khuynh hướng quen thuộc tái sinh qua bốn lối vào. Khi ta cắt đứt các ý niệm cảm xúc, thì một cách tự động, ta đạt đến bản tánh nội tại của chính mình và vì vậy không còn sự hoài nghi nào nữa. Ta chặt đứt sự hoài nghi và các lề thói quen thuộc tận hang ổ của chúng và sau đó không còn hoài nghi điều gì nữa. Vì thế, cần thiết phải phát triển ba cấp độ của trí tuệ: sự nghe (văn), sự suy niệm (tư), và thiền định (tu).

So sánh tương tự được đưa ra ở đây đối với Bardo Đời Này là hình ảnh một con chim rời tổ để bay đến những miền khí hậu ấm áp vào mùa đông, nhưng khi mùa xuân đến sẽ trở về tổ cũ, thoát khỏi nỗi hoài nghi hay sợ hãi. Hơn nữa, con chim có sự tin tưởng hoàn toàn nơi cái tổ nó đã xây cất và xếp đặt một cách khéo léo, nên để những chú chim con ở lại một mình mà không chút e ngại, và vì thế khi trở về cùng lương thực, nó bay thẳng về tổ với niềm vui và sự tin tưởng. Không có gì để hoài nghi! Cũng thế, một khi ba cấp độ của trí tuệ đã được phát triển, dây buộc của mọi hoài nghi hoàn toàn bị cắt đứt.

Như các bài kệ gốc chỉ dạy, chớ phí phạm đời người quý báu này, ta phải sử dụng bình chứa (pháp khí) này để thể nhập trạng thái của ba thân. Bằng cách tiến lên một cách kiên định trên con đường và phát triển ba cấp độ của trí tuệ, các hình tướng xuất hiện được nhận ra như sự phô diễn của tâm. Bản tánh của tâm được nhận ra là tánh Không và bản tánh của tánh Không được nhận ra là Pháp thân. Các hình tướng xuất hiện trở thành con đường. Con đường trở thành Pháp thân và ba thân được hiện hành.

Sự tái sinh làm người đặc biệt chỉ có được một lần này. Ví dụ như sau khi tái sinh một trăm lần làm thân chim, vẫn không có gì chắc chắn là sẽ được tái sinh làm người. Thâm chí sau khi tái sinh một triệu lần làm một chúng sinh trong địa ngục hay ngạ quỷ, vẫn khó có thể được tái sinh làm người. Vì thế, các bạn thấy đấy, điều này cực kỳ hi hữu và quý báu.

Việc đạt được sự tự giải thoát cũng giống như đi tới một hòn đảo bằng vàng. Nơi đó mọi thứ đều cùng một chất thể quý báu và không có gì là tầm thường, vì mọi sự đều là bản tánh trống không vĩ đại của pháp giới và ta được giải thoát khỏi thiền định, quán tưởng hay bất kỳ cố gắng nào để thành tựu bất cứ điều gì. Sẽ không có thêm kinh nghiệm bardo nào nữa, bởi ta sẽ giác ngộ như một vị Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]