Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Học thuyết

15/03/201108:20(Xem: 8023)
Học thuyết

CÁC TÔNG PHÁI ĐẠO PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến biên soạn

TỊNH ĐỘ TÔNG

HỌC THUYẾT

A. Học thuyết: Thuyết niệm Phật vãng sinh được giảng rõ trong các bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông. Theo thuyết này, chúng sinh dù tạo nhiều ác nghiệp, chỉ cần có đủ niềm tin vào đức Phật A-di-đà, hết lòng xưng niệm danh hiệu của ngài thì đều có thể được vãng sinh về thế giới của ngài, tức là cõi Tây phương Tịnh độ, hay cõi Cực lạc.

Cơ sở của niềm tin này là 48 lời đại nguyện của đức Phật A-di-đà từ khi ngài còn hành đạo Bồ Tát. Theo đó, khi ngài thành Phật, nếu có bất cứ chúng sinh nào phát tâm cầu được sinh về cõi thế giới của ngài, thành tâm xưng niệm danh hiệu của ngài, ngài sẽ hiện đến trước mặt người ấy vào lúc lâm chung để tiếp dẫn cho được vãng sinh như nguyện.

Như vậy, điểm khác biệt căn bản giữa thuyết Tịnh độ với các thuyết khác là niềm tin vào tha lực, kết hợp với tự lực của người tu. Nhờ có sự kết hợp này, nên ngay cả khi người niệm Phật còn nhiều ác nghiệp vẫn có thể được vãng sinh về cõi Phật, gọi là “đới nghiệp vãng sinh”.

Vì những chúng sinh còn nhiều ác nghiệp vẫn có thể vãng sinh, nên khi sinh về cõi Phật cũng không phải tất cả mọi chúng sinh đều như nhau, mà tùy theo hạnh nghiệp trước đó sẽ được hóa sinh vào một trong 9 phẩm. Tùy theo mức độ tu tập và hạnh nghiệp, chúng sinh khi vãng sinh về cõi thế giới Cực lạc sẽ hóa sinh từ bậc thấp nhất là Hạ phẩm, bậc trung bình là Trung phẩm và bậc cao nhất là Thượng phẩm. Trong mỗi bậc đều có phân ra từ Hạ sinh cho đến Trung sinh, rồi đến Thượng sinh. Như vậy, có cả thảy là 9 bậc, từ Hạ phẩm Hạ sinh là thấp nhất cho đến Thượng phẩm Thượng sinh là cao nhất.

Giáo lý Tịnh độ tông dạy rằng, con người vào thời mạt pháp, khi chánh pháp đã suy vi, thường không có đủ căn lành và trí tuệ như các bậc hiền thánh xưa kia. Vì vậy, việc tu chứng theo các pháp môn khác là cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, việc tu theo pháp môn niệm Phật không đòi hỏi nhiều trí tuệ, chỉ cần có đủ quyết tâm và đức tin là bất cứ ai cũng có thể thực hiện và đạt được kết quả viên mãn.

Điều này cũng ví như người muốn mang hòn đá nặng qua sông, nếu không có sức mạnh thì không thể làm nổi. Nhưng nếu biết dùng một chiếc thuyền, đặt hòn đá lên trên đó thì có thể nhẹ nhàng chèo đi mà vẫn đưa hòn đá được sang bên kia sông! Chiếc thuyền của người tu Tịnh độ chính là nguyện lực của đức Phật A-di-đà. Nếu người tu biết nương vào đó thì dù sức yếu vẫn có thể làm được việc rất khó làm, nghĩa là được sinh về cõi Phật.

Thật ra, tất cả các tông phái khác nhau của đạo Phật cũng đều có yếu tố đức tin vào chư Phật. Điều khác biệt ở đây là Tịnh độ tông nhấn mạnh vào đức tin này nhiều hơn, và không chỉ tin vào đức Phật, mà còn là tin vào nguyện lực tiếp dẫn rất cụ thể của ngài.

Một điểm rất đáng chú ý là giáo lý của Tịnh độ tông hoàn toàn không tương phản hay làm ngăn ngại việc tiếp nhận giáo lý của các tông phái khác. Chính điểm đặc biệt này đã khiến cho Tịnh độ tông ngày càng thâm nhập rất sâu vào tất cả các tông phái khác, và việc niệm Phật dần trở nên một pháp môn quen thuộc đối với tất cả mọi tín đồ Phật giáo.

Từ khoảng sau thế kỷ 9, ngay cả Thiền tông cũng có nhiều bậc đại sư cổ xúy việc “Thiền-Tịnh song tu”, nghĩa là kết hợp cả việc tu thiền và việc niệm Phật cầu vãng sinh. Khuynh hướng này hiện đến nay vẫn còn phổ biến ở hầu hết các chùa.

B. 48 đại nguyện của đức Phật A-di-đà: Đức tin căn bản của Tịnh độ tông được dựa trên nguyện lực của đức Phật A-di-đà. Vì thế, nội dung 48 lời nguyện của ngài từ khi còn hành đạo Bồ Tát là rất quan trọng để giúp người niệm Phật sinh khởi lòng tin. Bốn mươi tám lời đại nguyện này được ghi chép đầy đủ trong Đại A-di-đà kinh. Trong kinh Vô Lượng Thọ cũng có đủ 48 lời nguyện này, nhưng sự sắp xếp trật tự có phần khác và nội dung cũng có phần giản lược hơn. Để giúp quý độc giả tiện việc tham khảo, chúng tôi chọn dịch và giới thiệu nội dung 48 lời nguyện này theo kinh Đại A-di-đà, bản Hán văn do Quốc học Tiến sĩ Vương Nhật Hưu đời Tống hiệu chỉnh và biên tập.

Đại nguyện thứ nhất: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho nhân dân trong cõi nước của ta tránh khỏi ba đường ác: Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, cho đến không có các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ nhì: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho trong cõi nước của ta không có nữ giới. Tất cả chư thiên, loài người cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... trong vô số thế giới khác, nếu được sinh về cõi nước của ta đều sẽ hóa sinh ra từ hoa sen quý trong hồ nước bằng bảy báu. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta khi muốn ăn liền có trăm vị ngon lạ tự nhiên hiện ra trong bát quý bằng bảy báu. Sau khi ăn xong thì bát ấy tự nhiên biến mất. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ tư: Sau khi ta thành Phật, chúng sinh trong cõi nước của ta khi cần đến y phục thì vừa nghĩ đến liền có ngay đúng như ý muốn, không bao giờ phải cần đến những việc cắt, may, nhuộm, sửa... Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ năm: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho trong cõi nước của ta từ mặt đất lên tận hư không đều có những cung điện lầu gác xinh đẹp, có đủ các hương thơm vi diệu hợp thành. Hương thơm ấy xông khắp các thế giới trong mười phương. Những chúng sinh nào ngửi được mùi hương ấy đều phát tâm tu theo hạnh Phật. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ sáu: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều thương yêu kính trọng lẫn nhau, không có lòng ganh ghét oán giận. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bảy: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều không có các tâm tham lam, sân hận và si mê. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ tám: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều cùng một tâm lành, không nghi ngờ lẫn nhau. Có điều gì vừa muốn nói ra thì tự nhiên đều hiểu được ý nhau. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ chín: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều không nghe biết đến những danh từ chỉ sự bất thiện, huống chi là thật có những điều ấy. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều biết rõ thân thể là hư huyễn, không có tâm tham đắm. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười một: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta tuy có phân ra loài người và chư thiên khác nhau, nhưng đều có hình thể toàn một màu vàng ròng, vẻ mặt đoan chánh đẹp đẽ, không ai có những nét xấu xí. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười hai: Sau khi ta thành Phật, ví như chư thiên và loài người trong khắp vô lượng thế giới mười phương, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... thảy đều được sinh làm người, đều tu tập chứng quả Thanh văn, Duyên giác, đều tu thiền đạt đến mức nhất tâm, rồi cùng nhau muốn tính đếm tuổi thọ của ta. Tính đếm như vậy trong cả ngàn muôn vạn kiếp cũng không một ai có thể biết được. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười ba: Sau khi ta thành Phật, ví như chư thiên và loài người trong khắp vô lượng thế giới mười phương, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... thảy đều được sinh làm người, đều tu tập chứng quả Thanh văn, Duyên giác, đều tu thiền đạt đến mức nhất tâm, rồi cùng nhau muốn tính đếm số chúng sinh trong cõi nước của ta. Tính đếm như vậy trong cả ngàn muôn vạn kiếp cũng không một ai có thể biết được. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười bốn: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều có thọ mạng dài lâu vô số kiếp, không ai có thể tính đếm được. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười lăm: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta thảy đều được thọ hưởng những sự khoái lạc không khác gì các bậc tỳ-kheo đã dứt sạch lậu hoặc. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười sáu: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều trụ nơi địa vị chánh tín, lìa xa mọi tư tưởng điên đảo, phân biệt, các căn đều tịch tĩnh, dừng lắng cho đến lúc đạt được Niết-bàn. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười bảy: Sau khi ta thành Phật, sự thuyết giảng kinh điển và tu hành đạo pháp đều nhiều hơn gấp mười lần so với chư Phật. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười tám: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều rõ biết hết thảy những kiếp quá khứ, biết được mọi sự việc đã xảy ra trong trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ mười chín: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được thiên nhãn, nhìn thấy khắp trăm ngàn ức na-do-tha thế giới. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được thiên nhĩ, nghe được tiếng thuyết pháp của trăm ngàn ức na-do-tha chư Phật. Nghe rồi liền có thể nhận lãnh làm theo. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi mốt: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được tha tâm trí, rõ biết được tâm niệm của hết thảy chúng sinh trong trăm ngàn ức na-do-tha thế giới. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi hai: Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được phép Thần túc, chỉ trong khoảng thời gian của một niệm có thể vượt qua được trăm ngàn ức na-do-tha thế giới. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi ba: Sau khi ta thành Phật, danh hiệu của ta vang truyền khắp vô số thế giới trong mười phương. Hết thảy chư Phật trong các thế giới ấy, mỗi vị đều ở giữa đại chúng mà xưng tán công đức của ta cùng ca ngợi cõi thế giới thù thắng của ta. Hết thảy chư thiên, loài người, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... khi nghe được danh hiệu của ta, chỉ cần phát khởi tâm lành mừng vui hoan hỷ, thì hết thảy đều sẽ được sinh về thế giới của ta. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi bốn: Sau khi ta thành Phật, hào quang trên đỉnh đầu của ta chiếu sáng rực rỡ nhiệm mầu, vượt hơn ánh sáng của mặt trời mặt trăng đến trăm ngàn vạn lần. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi lăm: Sau khi ta thành Phật, hào quang của ta chiếu sáng đến khắp những chỗ tối tăm u ám trong vô số cõi thế giới, khiến cho đều sáng rực. Hết thảy chư thiên và loài người, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... khi được thấy hào quang của ta rồi thảy đều sinh khởi lòng từ, muốn làm việc thiện, rồi tất cả đều được sinh về thế giới của ta. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi sáu: Sau khi ta thành Phật, chư thiên và loài người trong vô số cõi thế giới, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... khi được hào quang của ta chiếu vào thân thể liền được thân tâm từ hòa hơn cả chư thiên. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi bảy: Sau khi ta thành Phật, chư thiên và loài người trong vô số cõi thế giới, nếu có ai phát tâm Bồ-đề, vâng giữ trai giới, thực hành sáu pháp ba-la-mật, tu các công đức, hết lòng phát nguyện được sinh về thế giới của ta, thì khi người ấy lâm chung ta sẽ cùng với đại chúng hiện đến trước mặt, tiếp dẫn người ấy sinh về thế giới của ta, làm bậc Bồ Tát trụ ở địa vị không còn thối chuyển. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi tám: Sau khi ta thành Phật, chư thiên và loài người trong vô số cõi thế giới, nếu có ai được nghe danh hiệu của ta liền thắp hương, dâng hoa, dùng các thứ đèn đuốc, cờ phướn trang nghiêm, cúng dường trai tăng, xây dựng chùa tháp, giữ gìn trai giới thanh tịnh, làm các việc thiện, một lòng nhớ nghĩ đến ta, cho dù chỉ trong một ngày một đêm không gián đoạn, cũng chắc chắn sẽ được sinh về cõi thế giới của ta. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ hai mươi chín: Sau khi ta thành Phật, chư thiên và loài người trong vô số cõi thế giới, nếu có ai hết lòng tin tưởng muốn được sinh về cõi thế giới của ta, chỉ cần niệm rõ lên danh hiệu của ta mười tiếng, hết thảy liền được sinh về cõi thế giới của ta, chỉ trừ ra những kẻ phạm vào năm tội nghịch[52]hoặc phỉ báng Chánh pháp. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi: Sau khi ta thành Phật, chư thiên và loài người trong vô số cõi thế giới, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... nếu như trong tiền kiếp đã từng làm các việc ác, nay được nghe danh hiệu của ta liền hết lòng sám hối, quay sang làm thiện, vâng giữ giới luật, thọ trì kinh điển, phát nguyện được sinh về thế giới của ta, thì khi lâm chung liền không bị đọa vào trong ba đường ác, thẳng tắt một đường sinh về thế giới của ta, mọi chỗ mong cầu đều được như ý. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi mốt: Sau khi ta thành Phật, chư thiên và loài người trong vô số cõi thế giới, nếu ai được nghe danh hiệu của ta liền cúi đầu sát đất lễ lạy cung kính, mừng vui tin tưởng phát tâm ưa muốn tu theo hạnh Bồ Tát, liền được hết thảy chư thiên và người đời kính trọng. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi hai: Sau khi ta thành Phật, hết thảy nữ nhân trong vô số cõi thế giới, nếu được nghe danh hiệu của ta liền mừng vui tin tưởng, phát tâm Bồ-đề, sinh lòng chán ghét thân nữ. Sau khi lâm chung liền không còn phải thọ sinh làm thân nữ. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi ba: Sau khi ta thành Phật, những chúng sinh nào sinh về cõi thế giới của ta đều là hàng Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ,[53]trừ ra những vị có phát nguyện sinh về những thế giới khác để giáo hóa chúng sinh, tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật liền được tùy ý sinh về phương ấy. Ta sẽ dùng sức oai thần khiến cho vị ấy giáo hóa được hết thảy chúng sinh đều phát khởi lòng tin, tu hạnh Bồ-đề, hạnh Phổ Hiền, hạnh tịch diệt, Phạm hạnh thanh tịnh, hạnh cao trổi nhất, cùng với hết thảy các hạnh lành. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi bốn: Sau khi ta thành Phật, những chúng sinh nào ở thế giới của ta muốn sinh về thế giới khác liền được như ý nguyện nhưng không còn phải đọa vào trong ba đường ác. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi lăm: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta dùng đủ loại hương hoa, cờ phướn, trân châu, chuỗi ngọc, cùng với đủ mọi thứ phẩm vật cúng dường, muốn hiện đến vô số cõi thế giới để cúng dường chư Phật, liền chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn có thể hiện đến đủ khắp mọi nơi. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi sáu: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta nếu muốn dùng đủ mọi thứ phẩm vật cúng dường để cúng dường vô số chư Phật trong mười phương, liền tức thời hiện đến trước các vị Phật ấy với đầy đủ mọi thứ phẩm vật. Cúng dường rồi, ngay trong ngày ấy chưa đến giờ thọ trai đã kịp trở về. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi bảy: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta thọ trì kinh pháp, tụng đọc, giảng thuyết, liền có đủ biện tài trí huệ. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi tám: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta có thể giảng thuyết hết thảy các pháp, được biện tài trí huệ không hạn lượng. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ ba mươi chín: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta đều được sức mạnh như lực sĩ Kim cang na-la-diên ở cõi trời, thân thể đều toàn một màu sáng đẹp như vàng tử ma, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, giảng kinh hành đạo không khác gì chư Phật. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi: Sau khi ta thành Phật, cõi thế giới của ta thanh tịnh soi chiếu khắp vô lượng thế giới trong mười phương. Các vị Bồ Tát nếu muốn nhìn vào trong cây quý để thấy được hết thảy những cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh trong khắp mười phương, liền tức thời nhìn thấy hiện ra đầy đủ như trong tấm gương sáng ở ngay trước mặt. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi mốt: Sau khi ta thành Phật, những vị Bồ Tát trong cõi thế giới của ta, dù có ít công đức cũng có thể thấy biết được cây bồ-đề nơi đạo tràng của ta cao đến bốn ngàn do-tuần. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi hai: Sau khi ta thành Phật, hết thảy chư thiên và loài người cùng với vạn vật trong cõi thế giới của ta đều trang nghiêm thanh tịnh, sáng suốt đẹp đẽ, hình dáng và màu sắc đều đặc biệt kỳ diệu, nhiệm mầu tinh tế đến mức không ai có thể nói hết được. Chúng sinh dù có đạt được thiên nhãn cũng không thể phân biệt gọi tên hay tính đếm được hết mọi thứ trong thế giới của ta. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi ba: Sau khi ta thành Phật, hết thảy chúng sinh trong cõi thế giới của ta, tùy theo chí nguyện, nếu muốn nghe pháp liền tức thời được nghe. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi bốn: Sau khi ta thành Phật, hết thảy hàng Bồ Tát hay Thanh văn trong cõi thế giới của ta đều có đủ trí huệ, thần lực, trên đỉnh đầu cũng có hào quang chiếu sáng, tiếng nói phát ra vang rền, lưu loát, giảng kinh hành đạo đều không khác với chư Phật. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi lăm: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, đều được phép Tam-muội thanh tịnh giải thoát. Các vị trụ yên nơi phép tam-muội này thì chỉ trong thời gian một ý niệm khởi lên đã có thể cúng dường vô số chư Phật mà vẫn không rời khỏi thiền định. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi sáu: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, đều được phép Tam-muội Phổ đẳng, từ đó cho đến khi thành Phật luôn thường được nhìn thấy vô số chư Phật. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi bảy: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, liền được ngay địa vị không còn thối chuyển. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Đại nguyện thứ bốn mươi tám: Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, liền được ngay các bậc nhẫn nhục từ thứ nhất, thứ hai cho đến thứ ba,[54]đều được phép Tam-muội thanh tịnh giải thoát. Các vị trụ yên nơi phép tam-muội này thì chỉ trong thời gian một ý niệm khởi lên đã có thể cúng dường vô số chư Phật mà vẫn không rời khỏi thiền định. Nếu không được vậy, ta quyết không thành Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]