Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải; Nguyễn Minh Hiển hiệu đính
QUYỂN TRUNG
II. SINH TỬ VÀ NIẾT BÀN
1. NGHIỆP QUẢ SAI BIỆT
Vua lại hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, người thế gian sanh ra vốn dĩ thân thể đều đầy đủ như nhau, tại sao lại có người được sống lâu, có người chết yểu; có người lắm bệnh khổ, có người được ít bệnh; có người giàu sang, có người nghèo hèn; có bậc đại sĩ, có kẻ tiểu nhân; có người hình dung xinh đẹp, có kẻ xấu xí khó coi; có người nói ra được người khác tin cậy, có người luôn bị nghi ngờ; có người sáng suốt hiếu thuận, có người ngu si thiển trí... Vì sao có những sự bất đồng như vậy?”
Na-tiên nói: “Cũng giống như các loại cây trái, trong đó có loại chua, lại có loại đắng, có loại cay, cũng có loại ngọt. Này đại vương, các loại cây sao lại sanh ra trái chẳng giống như nhau?”
Vua đáp: “Cây trái sở dĩ không giống nhau, là vì giống loại của chúng khác nhau.”
Na-tiên nói: “Người ta cũng vậy. Chỗ sở niệm trong tâm đều không giống nhau, vì thế mà người thế gian chẳng thể đồng như nhau. Có người được sống lâu, có người chết yểu; có người lắm bệnh khổ, có người được ít bệnh; có người giàu sang, có người nghèo hèn; có bậc đại sĩ, có kẻ tiểu nhân; có người hình dung xinh đẹp, có kẻ xấu xí khó coi; có người nói ra được người khác tin cậy, có người luôn bị nghi ngờ; có người sáng suốt hiếu thuận, có người ngu si thiển trí...
“Vì thế, Phật có dạy rằng: ‘Tùy nơi việc làm thiện hoặc ác mà người ta phải tự nhận lãnh lấy nghiệp quả.’ Có người giàu sang phú quý, có người nghèo khổ bần cùng... thảy đều do nơi những điều thiện ác đã làm từ đời trước. Cho nên mỗi người đều tùy nơi phước đức của mình mà nhận lãnh.”
Vua tán thán: “Lành thay! Lành thay!”