Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 15: Thiền sư Achaan Jumnien

25/04/201319:51(Xem: 3091)
Chương 15: Thiền sư Achaan Jumnien


Những vị Thiền sư đương thời

Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt

Sài Gòn, 1999

---o0o---

Chương XV

Thiền sư Achaan Jumnien

---o0o---

Sinh ra trong một làng quê, khi còn nhỏ theo học nghề với ông lang vườn - một tu sĩ tại gia, một nhà chiêm tinh gia - Achaan Jumnien bắt đầu tu tập thiền vào lúc sáu tuổi. Bài tập đầu tiên của ông là thiền định về tâm từ. Ông cũng được đào tạo thành một ông lang vườn, được động viên tu tập thiền và giữ cuộc sống độc thân. Vào thời niên thiếu, nhiều dân làng địa phương đã giúp đỡ ông, khi hai mươi tuổi ông xuất gia làm nhà sư Phật giáo nguyên thủy. Ông tiếp tục tu tập những môn thiền định khác với những vị thầy nổi tiếng ở Thái Lan, và làm nhà sư khất thực đi khắp nơi và sau đó được thiền sư Achaan Dhammadaro ở Wat Tow Kote dạy thiền quán cho ông.

Khi Achaan Jumnien tu tập thiền quán, lúc ấy ngài được ba mươi tuổi và mọi người địa phương biết đến bởi vì trí tuệ của ngài trong việc thuyết giảng giáo pháp và do bởi năng lực từ bi bác ái của ngài. Ngài được dân chúng gần chùa Wat Sakontawas cung thỉnh đến thuyết giảng, bởi vì họ gặp phải nhiều vấn đề hệ trọng. Ðây là một vùng rừng rậm và rừng cao su ở miền nam Thái Lan và điểm tập trung của nhiều cuộc đụng độ của quân đội chính phủ và quân phiến loạn trong vùng rừng núi. Lúc ban đầu đến đây thuyết giảng, ngài được lệnh là phải ra đi hoặc sẽ bị giết. Ngài vẫn tiếp tục thuyết giảng giáo pháp. Nhờ năng lực của giáo pháp, cuối cùng ngài đã có thể thuyết giảng cho binh sĩ ở thị trấn và sau đó cũng được mời đến thuyết giảng cho quân du kích ở trong rừng. Do vậy hai phía đều đề nghị bảo vệ tu viện của ngài. Tiếp tục sống hòa hợp với giáo pháp là sự che chở mà ngài cần đến, ngài đã trả lời như thế.

Achaan Jumnien là một vị thầy hết sức cởi mở, đã sử dụng nhiều phương pháp tu tập. Ngài đã nghiên cứu nhiều hình thức kĩ thuật hơn là chỉ tập trung duy nhất một phương pháp, ngài sẽ quy định những loại thiền khác nhau cho những đệ tử của mình tùy theo nhu cầu, cá tính, hoặc sự gắn bó của họ. Tuy thế ngài cũng không đặt nặng vấn đề kĩ thuật tu tập, cuối cùng ngài hướng dẫn thiền sinh trở về với thiền quán để chứng thực bản chất của tiến trình thân tâm là vô thường, khổ não, vô ngã. Ðó là một phần giáo dục của ngài mà không có một ai đi sai con đường. Ngài dạy sự phát triển trong giáo pháp là một sự thử nghiệm và quán chiếu về những ham muốn, và đau khổ, theo dõi tiến trình thiền định của chúng ta cũng như khía cạnh khác của việc phát huy thiền quán. Dù vậy ngài hướng dẫn các đệ tử của mình rất sâu sắc, đặc biệt khi họ phát huy ở những giai đoạn tập trung cao hoặc đang thể nhập vào thiền quán (hai phương pháp đặt biệt của ngài). Ngài thường nhắc nhở các hành giả con đường đi của quý vị trong giáo pháp là một sự theo dõi và quán chiếu liên tục. Ngài nói rằng nó rất quan trọng để biết rằng người ta phải chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của họ trong giáo pháp. Việc tu tập cho bản thân mình và cho tất cả chúng ta là một tiến trình lâu dài và mặc dù chúng ta có thể dùng nhiều kĩ thuật thiền đặc biệt trong lúc này, nhưng sự tham muốn thường hằng cuối cùng của chúng ta đó là sự an lạc, đó là cái kết luận chân chính đối với việc tu tập tinh thần của chúng ta.

Thiền viện Wat Sakontawas trải rộng trên một vùng đồi núi với nhiều cốc của những thiền sinh nằm gọn giữa những hàng cây cao su. Vào mùa mưa có từ một trăm đến hai trăm vị sư và ni sư theo học với thiền sư Achaan Jumnien. Có hơn sáu người phương Tây theo học ở đây và dù thiền sư Achaan Jumnien không nói tiếng Anh, nhưng vẫn luôn có một người phiên dịch. Ngài Achaan Jumnien trẻ trung, vui vẻ và dễ dàng tiếp cận.

Vào lúc xuất bản cuốn sách này, tôi nghe rằng ngài Achaan Jumnien đã dời tu viện của ngài vào những hang hốc vùng đồi núi ở Krabi, một tỉnh ở miền Nam Thái Lan.


Hồi ức về một cuộc phỏng vấn

với Achaan Jumnien tại chùa Wat Sukontawas,
tỉnh Surrathani, Thái Lan

Hỏi: Ngài hướng dẫn loại thiền nào ở đây?

Ðáp: Ở đây, ông sẽ nhận thấy nhiều người đang tu tập nhiều loại thiền. Ðức Phật vạch ra hơn bốn mươi pháp thiền cho những đệ tử của ngài. Chẳng có một ai có cùng một giai cấp, cũng không có cùng một khả năng. Tôi không dạy chỉ một loại thiền mà nhiều loại, chọn lựa loại thích hợp cho mỗi đệ tử. Một số ở đây đang tu tập thiền quán hơi thở. Những người khác thực hành dựa trên việc theo dõi những cảm xúc của cơ thể. Một vài người tu tập tâm từ. Ðối với một số người, tôi hướng dẫn giai đoạn đầu thiền quán, trong lúc những người khác những phương pháp thiền định và cuối cùng đưa họ đến những bài tập thiền quán cao hơn cùng với tuệ giác.

Hỏi: Ngài nói có nhiều phương pháp tốt để tu tập. Thế thì những vị thầy tuyên bố rằng phương pháp của họ là phương pháp chân chính của Ðức Phật và những phương pháp khác không dẫn đến sự giác ngộ là thế nào?

Ðáp: Toàn bộ phương pháp của Ðức phật có thể tóm gọn lại một câu: Không (bám víu) chấp thủ bất cứ điều gì. Thông thường ngay những người khôn ngoan sẽ vẫn chấp vào một phương pháp mà họ tu tập. Họ vẫn chưa có thể hoàn toàn thoát khỏi phương pháp và vị thầy của họ. Họ không hòa hợp với phần đông trong sự tu tập của chúng tôi. Ðiều này không có nghĩa là họ không thể trở thành những vị thầy tốt. Ông hãy cẩn thận đừng đánh giá họ hoặc chấp thủ vào những ý tưởng của bản thân một vị thầy là phải như thế này thế nọ. Trí tuệ là một điều gì đó mà chúng ta có thể bám chặt. Ðơn giản là không chấp thủ sẽ giúp cho trí tuệ thông suốt.

Tôi đã gặp may mắn. Tôi đã nắm vững được những phương pháp của các vị thầy trước khi bắt đầu việc hướng dẫn. Có nhiều phương pháp tốt.

Phương pháp nào thích hợp thì bạn nên hết lòng tu tập phương pháp đó cùng với niềm tin và nghị lực. Sau đó chính bản thân sẽ chứng thực được kết quả.

Hỏi: Ngài thường bắt tay vào việc hướng dẫn các thiền sinh của mình trực tiếp với thiền Quán hoặc thiền Chỉ phải không?

Ðáp: Hầu như họ thường khởi sự với thiền Quán. Mặc dù đôi khi, tôi dạy thiền Chỉ trước, nhất là họ đã có kinh nghiệm về thiền hoặc nếu như tâm của họ có khuynh hướng dễ dàng với thiền tập trung. Nhưng cuối cùng điều quan trọng nhứt là mọi người sẽ quay lại với thiền quán.

Có một bài pháp trong kinh điển Pàli mà đức Phật đã bàn đến việc này, trong lúc thu nhận một số cư sĩ tại gia, ngài trình bày một số tính nết khác nhau của các vị sư đang ngồi dưới tàn cây trước mặt ngài. Như thế chúng ta biết rằng từ thời đức Phật, các vị thầy có thiên hướng để giúp mình chọn lựa phương pháp thích hợp cho những người tu thiền.

Hỏi: Những yếu tố nào có liên quan trong việc chọn một phương pháp thiền thích hợp?

Ðáp: Khi hướng dẫn một thiền sinh, tôi xem xét những việc tu tập đã qua và khuynh hướng của người ấy. Tôi cũng xem xét thời gian và năng lực một thiền sinh phải dốc lòng cho việc tu tập được bao nhiêu. Có phải người ấy là cư sĩ sẽ tu tập được một giờ, một ngày, hoặc một vị sư muốn công phu liên tục hai mươi bốn giờ liền? Tính khí. Có phải tính khí một người hỗ trợ thêm cho việc tu tập? Ðề mục tâm từ đối với một số người có tính nóng giận là một phương cách tốt để tu tập. Ðề mục thiền về tâm xả, bố thí, thích hợp cho những ai quan tâm đến những người xung quanh họ, thay vì tự chính bản thân mình phải tu tập. Có nhiều yếu tố để người ta có thể chọn lựa một phương pháp để tu thiền. Thực tế, thiền là một cách sống. Ở đây chúng ta đang bàn luận về thiền như là những kĩ thuật để dùng cho một cách sống sâu sắc hơn, nhưng chúng ta phải nhớ rằng mọi điều trong cuộc sống đều có thể là thiền. Tính theo như những kĩ thuật, nếu quý vị chọn bất cứ phương pháp thiền nào của Phật giáo dẫn đến tuệ giác, và tu tập hết lòng, bạn không thể nào sai lạc được.

Hỏi: Ngài có thể cho thêm một vài lời chỉ dẫn và làm thế nào để điều khiển việc tu tập của chúng ta?

Ðáp: Việc tu tập cần phải được điều khiển để vượt trội hơn những triền cái hoặc những sự chấp thủ. Nếu quý vị trung thực với bản thân thì quý vị có thể dễ dàng chứng thực những điều này. Ví dụ, nếu tính khí của bạn là một cá tính dẫn dắt quý vị tới sự lãnh đạm, quý vị cần có sự nỗ lực phụ để nuôi dưỡng tâm từ bi. Nếu tham ái là một vấn đề, hãy dùng sự suy niệm về sự nhàm chán xác thân cho đến khi quý vị có thể nhìn thấy bản chất thật của nó một cách rõ ràng hơn, xúi dục sự ham muốn của quý vị. Nếu quý vị bị lừa dối và bị nhầm lẫn, hãy trao dồi sự thẩm xét và sự khôn ngoan có liên quan đến kinh nghiệm của quý vị, hãy nghiên cứu và theo dõi một cách rõ ràng để vượt qua khuynh hướng này. Nhưng quý vị phải tu tập hết sức và tận tình, quý vị phải nỗ lực theo con đường đã vạch ra với một sự ham muốn tột bực là tìm được chân lý. Ngược lại nói một cách khác, việc tu tập của quý vị sẽ bị trì trệ và trở thành giống như một thói quen. Chỉ có một cách là chấm dứt tham, sân, si trong tâm của quý vị. Từng tí một, từng sát-na, quý vị phải liên tục, kiên định đi theo con đường của quý vị. Gan dạ đi thẳng vào những chấp thủ của quý vị và thực hành liên tục cho tới khi đạt được đạo quả giải thoát. Ðó là tất cả.

Hỏi: Việc tu tập thiền một mình thì tốt hơn với một nhóm phải không?

Ðáp: Có sự khác biệt. Trong trường hợp của những người tu thiền, nếu họ năng nổ và nhiệt tình thì tốt hơn là để cho họ tu tập một mình, và chỉ cần giám sát họ cẩn thận trong buổi đầu tu tập. Ðối với những người không có nỗ lực hoặc không tự giác, hoặc đặc biệt là không được quân bình và cần gần gũi một vị thầy, họ cần phải tu tập trong một nhóm có được sự hướng dẫn. Với cách này, họ có thể được giúp đỡ, được tạo sự phấn khởi và có thể dùng năng lực của nhóm để củng cố thêm sự tu tập của họ. Ðối với những thiền sinh có nhiều kinh nghiệm hơn, nếu họ nghiêm ngặt, tận tâm, đơn độc và im lặng là điều tốt nhứt. Những thiền sinh này có thể tự mình tu tập và con đường của họ không cần đến sự thúc đẩy của vị thầy hoặc của nhóm. Với những người kém kỷ luật, thậm chí thiếu kinh nghiệm, tốt hơn tập họp họ lại thành nhóm. Kỷ luật và việc tu tập nghiêm khắc sẽ giúp họ vượt qua trở ngại của nội tâm cho tới khi bản thân của họ thấy rõ giáo pháp chân chính. Sau đó việc tu tập của họ tự đạt được kết quả hoặc trong nhóm, không còn bị trở ngại.

Hỏi: Ngài thật sự có thường đề nghị tu tập thiền Quán tích cực trong biệt lập không?

Ðáp: Ðúng vậy. Ðối với những người đã có sự chuẩn bị, sự tu tập thiền quán tích cực thì rất hữu ích. Nếu nó được kết hợp cùng với sự biệt lập, hành giả có thể phát huy được sự tập trung nhanh cao độ và tuệ giác trong sạch. Thậm chí bây giờ, tôi có thể tự mình từ bỏ tất cả trong một tháng, một năm với một bộ y, bát duy nhất sống một mình trong rừng và tu tập tích cực. Hầu hết các thiền sinh ở đây đều được khuyến khích tu tập như thế. Khi họ đạt được kinh nghiệm, sau đó họ có thể tìm được sự quân bình cho mình, giữa việc từ bỏ khóa tu tập tích cực và thay vào đó sẽ sống trong một cuộc đời mang tính chất thiền hàng ngày.

Về công phu tu tập tích cực, trong một khóa tu tập lâu dài, các thiền sinh của tôi thường tu tập thiền quán đơn giản, quán chiếu sự thay đổi của thân và tâm. Trong các khóa ngắn hơn, họ sẽ tiến hành các bài tập thiền định đặc biệt hoặc cố gắng quán niệm một oai nghi nào đó. Dù thế, cuối cùng, họ cũng phải trở lại với thiền quán và hạnh xả ly. Ðây là mục đích của Phật pháp.

Hỏi: Xin ngài vui lòng mô tả tiến trình tìm hiểu rốt ráo một oai nghi.

Ðáp: Nổi lo sợ vì đau đớn hoặc sự chấp thủ của chúng ta đối với thân, quấy rầy sự trong sạch và tuệ giác. Ðối với những đệ tử đã có năng lực và định hướng, tôi đề nghị họ tu tập thiền quán, tập trung về sự chuyển dịch của các cảm thọ trong thân. Việc này được thực hiện trong lúc giữ vững duy nhất một oai nghi - ngồi, đứng, nằm hoặc đi trong một khoảng thời gian dài. Khi hành giả chú tâm đến bất cứ oai nghi nào, theo dõi thân, sự đau đớn gia tăng, khi hành giả tiếp tục giữ yên một chỗ, sự đau đớn tiếp tục gia tăng và hành giả tập trung trực tiếp trên những cảm giác này. Sự đau đớn của thân là một đề mục chính xác để tâm tập trung vào. Cuối cùng tâm ghi nhận sự đau không phải đau nhưng là một cảm thọ rõ ràng ham muốn hoặc cũng không ham muốn, sanh và diệt trong thân. Thông thường những hành giả sẽ ngồi hoặc đứng mỗi ngày trong một tư thế. Ngay khi chúng ta ngừng di chuyển, sự đau đớn vẫn còn nằm trong thân của chúng ta. Ðôi lúc sự đau đớn kéo dài bốn hoặc năm giờ, đôi lúc tám giờ hoặc nhiều giờ hơn nữa rồi sẽ biến mất trước khi hành giả vượt qua sự chấp thủ đối với sự đau đớn của thân xác. Sau đó không cần để di chuyển hoặc thay đổi tư thế. Tâm trở nên hết sức trong sạch, tập trung, và có thể thích nghi. Một nguồn vui lớn lao và hỉ lạc đi kèm cùng sự đột phá này. Hành giả thấy rõ ràng với sự xả bỏ, sự sanh diệt của các hiện tượng thân tâm. Với sự ham muốn về thân không bị xao động và sự tập trung cao độ phát triển, tuệ giác phát sinh.

Sự đột phá một oai nghi là một trong nhiều phương pháp tu tập chúng tôi sử dụng ở đây. Nó chỉ được áp dụng cho những thiền sinh nhiệt tình và có sự giám sát.

Hỏi: Nhiều vị thiền sư của thiền quán nhấn mạnh về sự khởi đầu về một khía cạnh đặc biệt của sự nhận thức, chẳng hạn như sự cảm thọ, tình cảm hoặc sự nhận biết. Liệu chánh niệm có thể được phát huy trên bất cứ khía cạnh của những phần này, sẽ dẫn tới cùng một nơi, một tâm chánh niệm sâu sắc, hoàn toàn?

Ðáp: Lẽ dĩ nhiên. Ở mỗi sát-na, mỗi cảm nhận phản ánh toàn bộ giáo pháp. Ðiều này có nghĩa là bất cứ khía cạnh nào của thân hoặc tâm chúng ta theo dõi có thể dẫn đến sự tập trung cao độ và hiểu được chúng ta là ai. Khi có nhận thức tổng thể chúng ta là ai, chúng ta cũng sẽ nhận biết như thế nào về toàn thể vũ trụ... đều có cùng những đặc tính. Chúng ta sẽ thấy được sự vô thường, sự thay đổi của toàn bộ sự cảm nhận, chúng ta sẽ thấy sự bấp bênh ở mọi trạng thái, và quan trọng nhất là chúng ta sẽ nhận ra sự vô ngã của vạn vật. Người ta có thể hành thiền trên bất cứ phần nào với sự cảm nhận trực tiếp của chúng ta, hình ảnh, âm thanh, vị, hương, cảm thọ, ý nghĩ, hoặc những yếu tố của tâm. Việc tập trung vào bất cứ một trong những phạm vi này là một phương pháp tốt để làm cho sự tập trung và tuệ giác càng sâu sắc. Nhưng ở một số điểm, tâm trở nên trong sạch và quân bình mà bất cứ điều gì phát sinh đều được hành giả nhận thấy mà không bị ảnh hưởng. Hành giả dừng lại để tập trung đến bất cứ điều gì đặc biệt và tất cả đều được hành giả nhận thức đơn thuần là thân tâm, một tiến trình sanh diệt trống rỗng của chính nó, hoặc thấy nó chỉ là những sự rung động hoặc năng lượng, một sự cảm nhận rỗng không. Bằng một cái tâm quân bình trọn vẹn không có những phản ứng như vậy, chúng ta tìm được sự giải thoát chân chánh, vượt qua phiền não, không còn cái ngã. Không còn hành động và thậm chí không còn cảm giác của sự biết, đơn thuần chỉ là một vũ trụ trống rỗng, như bản chất của nó.

Hỏi: Có phương pháp nào dùng để suy niệm về sự suy nghĩ, sử dụng tư tưởng trong thiền không?

Ðáp: Ðầu tiên khi chúng ta bắt đầu tu tập, chúng ta bắt đầu nhận thức bản chất tiến trình tư tưởng bình thường của chúng ta. Một dòng ý tưởng vô tận, nhiều điều kỳ dị, những nuối tiếc, những kế hoạch, những sự phán xét, lo sợ, ham muốn, bình phẩm, lo lắng... sự việc có thể hữu ích, đặc biệt ở những giai đoạn đầu thiền định, để thực hành với sự nghĩ, để hướng dẫn tâm suy nghĩ vào việc tu tập của chúng ta. Những điều này có nghĩa là tu tập những ý tưởng có liên hệ với giáo pháp, chẳng hạn phản ánh về tứ đại. Suy niệm về tất cả những gì chúng ta biết đã liên tục thay đổi hình dạng ra sao, mà thế giới của chúng ta chỉ đơn thuần là một vở kịch về sự thay đổi các yếu tố. Chúng ta cũng có thể điều khiển sự nghĩ để suy niệm về tam tướng ở mọi tình huống trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta có thể suy nghĩ về cuộc sống và suy niệm cái chết như là một phương pháp để hiểu được sự cảm nhận của chúng ta về những từ ngữ của giáo pháp. Toàn bộ điều này là sự tu tập chánh kiến. Từ những cuốn sách và những lời dạy, chúng ta đi đến ý tưởng trực tiếp của chính chúng ta, và sự xem xét, và cuối cùng thiền định với một sự hiểu biết sâu sắc vắng lặng trong tâm của chúng ta.

Hỏi: Sự thảo luận về giáo pháp có giá trị nào cho sự tu tập không?

Ðáp: Nếu tâm tập trung và vắng lặng sau đó tuệ giác có thể phát triển khi chúng ta nghe được giáo pháp từ những người thông thái thuyết giảng. Ðương nhiên, nếu quý vị phải thảo luận, việc thuyết giảng về giáo pháp là sự đàm đạo thích hợp nhất. Tuy thế cuộc thảo luận thường thái quá làm mất đi sự trong sạch của chúng ta. Chỉ khi tâm yên lặng chúng ta mới có thể nghe pháp trong một tính cách thật sự trong sạch, với bản thân của chúng ta và ở cùng với những người khác có sự hiểu biết. Ðối với hầu hết mọi người, tâm đã chứa đầy những lời nói và các ý tưởng và sự tu tập tốt nhất là trao dồi sự tập trung và sự vắng lặng.

Hỏi: Có sự liên quan với nhiều phương pháp tu tập ở đây, ngài đề nghị các đệ tử về việc ăn uống như thế nào?

Ðáp: Phân lượng thức ăn không đặt thành vấn đề. Nó cần đủ để duy trì sức khỏe của thân. Ðiều quan trọng là thực phẩm được dùng như thế nào. Thông thường chúng ta có nhiều sự ham muốn mạnh mẽ đi kèm với việc ăn. Thiền định là một cách để vượt qua sự ham muốn. Chúng ta cần phải chuẩn bị và ăn thức ăn với sự chú ý cẩn thận đến tiến trình liên hệ. Một số hình thức về thiền trong lúc ăn gồm có quán tất cả thực phẩm và những chất chung quanh ta có liên quan đến tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Sau đó quý vị có thể cảm nhận sự trôi chảy của tứ đại trong và ngoài thân chúng ta. Hoặc nói khác đi, quý vị có thể nhận thức sự tiếp xúc khi quý vị ăn. Cái cảm giác về sự cảm thọ thức ăn trên tay và miệng của quý vị, sự xúc chạm mùi hương ở mũi, sự xúc chạm bàn tay của quý vị trên bát. Hãy tập trung sâu sắc về sự tiếp xúc, cảm giác sự xúc chạm trong toàn bộ tiến trình ăn, và quý vị sẽ vượt qua sự ham muốn. Nếu sự ham muốn của quý vị đặc biệt mạnh mẽ, quý vị có thể thiền về những khía cạnh ghê tởm thức ăn trong lúc chuẩn bị nó, tiêu hóa, bài tiết hoặc hành thiền về sự thay đổi liên tục ở thức ăn từ nông trại cho đến trong dạ dày của mình.

Sự nhận thức về toàn bộ tiến trình nhận và ăn thức ăn sẽ rất rõ ràng đơn giản. Theo dõi tâm khi sự biết thay đổi, sự ham muốn đi và đến, chuẩn bị để ăn, nhai, nếm... bất cứ điều gì trở thành sự biết, hãy theo dõi tiến trình đó. Thiền trong lúc ăn đều sẽ giúp quý vị vượt qua sự ham muốn, mang lại sự trong sạch và tử bỏ được ham muốn.

Hỏi: Hatha yoga và những phương pháp tu tập về thân là thế nào?

Ðáp: Những phần này rất hữu ích để giữ cơ thể khỏe mạnh, nhưng những việc tu tập như thế không phải là vấn đề mấu chốt đối với việc tu tập của chúng ta, khi việc hành thiền đạt được tiến bộ, cơ thể chúng ta tự động trở nên quân bình. Sự tập trung được gia tăng cũng như chánh niệm tự động dẫn đến tư thế tốt hơn và nguồn năng lực lưu thông thoải mái trong cơ thể. Khi việc hành thiền của quý vị sâu sắc hơn, quý vị sẽ cảm thấy thân thể nhẹ nhàng hơn, quân bình hơn, đầy năng lực hơn. Quý vị không cần bận tâm về vấn đề này hoặc thêm nó vào danh sách ham muốn của mình. Tự nó sẽ đến.

Bản thân tôi chưa từng tu tập Hatha yoga hoặc bất cứ phương pháp nào giống như nó, tuy thế bây giờ tôi nhận thấy ngủ không quá ba giờ đồng hồ là đủ rồi. Tôi luôn luôn cảm thấy thân thể nhẹ nhàng và đầy năng lực. Tôi có thể đi qua những vùng rừng núi trong nhiều ngày không ăn, không nghỉ, mà không cảm thấy đau ốm -- tất cả đều do việc giữ tâm nghiêm nhặt trong thiền định. Chắc chắn là phải bảo vệ thân thể, nhưng không cần cảm nhận những sự đạt được của thân là nền tảng cần thiết cho việc tu tập của chúng ta.

Hỏi: Về giới đức là căn bản ra sao trong việc tu tập của chúng ta?

Ðáp: Hoàn toàn không thể tránh được. Có ba mức độ quan trọng của giới đức. Trước tiên là sự kềm chế không làm những hành động vô bổ, giữ các giới luật cơ bản. Thứ hai là sự chế ngự các giác quan, hướng các căn vào việc tu tập và tránh xa mọi tham muốn. Thứ ba là giới nội tâm vượt xa bất cứ những giới luật nào, nó đạt được từ một tâm vắng lặng và trong sạch. Ở phần này, trí tuệ phát sinh có liên quan đến sáu căn và từng sát-na của sự sống, phải chánh niệm đoạn trừ cái ngã. Tất cả chúng ta phải bắt đầu tu tập hai loại giới đức đầu, và khi tâm của chúng ta trong sạch và vắng lặng sau đó giới đức nội tâm sẽ đến. Nó phát sinh hòa hợp với thân tâm, đoạn trừ được tham muốn và từ sự hiểu biết sâu sắc về sự rỗng không (vô ngã) của thế gian.

Hỏi: Ngài đề nghị thời gian bao lâu cho người nội trợ và cư sĩ tu tập thiền?

Ðáp: Ðối với người vẫn còn nghi ngờ và còn yếu kém trong việc tu tập, thỉnh thoảng họ nên thiền định một giờ đồng hồ bất cứ khi nào họ thích, không bắt buộc, tuy thế vẫn tiếp tục đủ để nhận thấy được lợi ích mang lại cho họ. Ðối với những người đã thấy rõ ràng kết quả của việc tu tập, nên tham thiền càng nhiều càng tốt trong ngày làm việc của họ, để một giờ trong yên lặng mỗi buổi sáng hoặc tối. Ðối với những người hiểu được bản chất tu tập, dù sống trong thế gian cũng không bị triền cái (trở ngại) và họ có thể trao dồi chánh niệm và sự trong sạch ở mọi lúc. Họ hiểu rõ tất cả tình huống những lời dạy là thế nào và thiền định đích thật không tách rời cuộc sống nhưng lại bồi bổ sự vắng lặng nội tâm và trí tuệ ở mọi hoàn cảnh. Và rồi sự tu tập giáo pháp của người đó không còn bị lệ thuộc thời gian hoặc hoàn cảnh.

Hỏi: Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện mâu thuẫn về những trạng thái An chỉ định (thiền-na, jhana). Một số người cho rằng hầu hết không một ai có thể đạt những trạng thái đó hiện nay. Một số người nói rằng chúng cần thiết để đạt được cho việc tiếp cận vào Níp-bàn. Những người khác tuyên bố rằng bây giờ chúng làm trở ngại tuệ giác. Ðiều nào đúng?

Ðáp: Hiện nay vẫn còn có người đạt được thiền duyên. Tuy thế nó không cần thiết cho sự tiếp cận với Níp-bàn, tu tập an chỉ định là con đường tốt nhất cho một số người. Người khác cũng có thể đạt được Níp-bàn bằng cách tu tập thiền quán không cần đến an chỉ định. Những đệ tử của tôi tu tập cả hai phương pháp.

Những người tu tập thiền định dùng hơi thở hoặc quán tưởng một biến xứ (kasina) cho tới khi họ đạt được an chỉ định. Sau đó họ chuyển hướng qua thiền quán khi đã vượt qua khỏi giai đoạn an chỉ định. Ðôi khi tôi cùng với họ tham thiền, lưu lại cùng một mức độ với họ để theo dõi việc tu tập của họ. Nếu một người có thể đạt được an chỉ định cũng như tuệ giác, có thêm những lợi ích phụ. Trong kinh điển có nhiều sự việc đề cập một số đệ tử giác ngộ của đức Phật đã nhập an chỉ định. Họ đạt được những lợi ích rõ ràng từ phương pháp tu tập này, ngay cả khi họ đã giác ngộ hoàn toàn. Vì thế đối với chúng ta, sức mạnh của tâm cũng là những kết quả để đạt được an chỉ định thì cũng rất hữu ích để trợ giúp cho tâm xả, thân thể khỏe mạnh, và thể nhập vào giáo pháp.

Hỏi: Với sự thể nhập đầy đủ vào giáo pháp, một người cảm nhận được sự an lạc Níp-bàn chỉ một lần cho mỗi giai đoạn trước khi giác ngộ hoàn toàn, ở những tầng thánh dự lưu, nhất lai, bất lai, và sự giải thoát tối cao không?

(Lưu ý: Ðây là bốn tầng thánh giác ngộ theo kinh điển Phật giáo nguyên thủy. Chúng sẽ được diễn giải sâu hơn trong tiến trình đoạn trừ kiết sử được liệt kê ở dưới).

Ðáp: Người ta có nhắc lại sự cảm nhận về việc thể nhập Níp-bàn mà không cần phải đoạn trừ thêm những kiết sử này. Mười kiết sử buộc chúng ta vào vòng tái sinh là:

1. Thân kiến
2. Hoài nghi
3. Giới cấm thủ
4. Tham dục
5. Sân hận
6. Ái sắc
7. Ái vô sắc
8. Ngã mạn
9. Trạo cử
10.Vô minh

Người nhập dòng Dự lưu đoạn trừ được ba kiết sử đầu cùng với sự thể nhập đầu tiên của mình vào trong giáo pháp. Người Nhất lai làm yếu đi những kiết sử còn lại, trong lúc đó người Bất lai đoạn trừ tất cả ngoại trừ năm phần cuối. A-la-hán, người thoát khỏi hoàn toàn phiền não, không còn tái sinh, đoạn trừ tất cả kiết sử.

Hỏi: Các tỉnh chung quanh chùa của ngài đã bị hệ lụy sâu sắc vào cuộc chiến giữa quân chính phủ và quân nổi dậy ở vùng Ðông Nam Á. Ngài có nhận ra vai trò đối với một nhà sư hoặc những thiền sư như ngài ở trong cuộc chiến này?

Ðáp: Một tính cách mà giáo pháp của đức Phật được tồn tại hơn 2500 năm là các nhà sư không tham gia vào các phe phái chính trị. Giáo pháp cao hơn cả chính trị. Nhà chùa của chúng tôi là nơi nương náu tránh xa trận địa, cũng như giáo pháp là nơi nương nhờ để tránh xa tham ái. Tôi chia sẻ giáo pháp đồng đều cho tất cả mọi người tìm đến, và khi tôi đi ra ngoài, tôi dạy cho tất cả mọi người đến hỏi. Ở vùng rừng núi tôi đã thuyết giảng giáo pháp cho quân du kích và ở thành phố tôi dạy cho quân chính phủ - chỉ sau khi hai bên buông súng. An lạc và hạnh phúc chân chính sẽ không đến từ sự đổi thay trong trật tự xã hội. Cả hai bên ở trong những cuộc đấu sức này có thể có những lời kêu ca hợp lý, nhưng sự an lạc của nội tâm một người chỉ có thể đạt được qua giáo pháp. Ðối với những nhà sư, các cư sĩ đều như nhau, đạt được sự an toàn từ giáo pháp, từ tuệ giác họ thấy được sự vô thường của tất cả vạn pháp.

Hỏi: Chúng ta có cần một vị thầy để hướng dẫn tu tập hoặc có thể tự mình thực hiện?

Ðáp: Nếu như một người đã đọc nhiều và nghe giáo pháp đúng, tốt đẹp, họ có thể tự mình tu tập mà không cần đến sự hướng dẫn xa hơn. Tuy thế, thậm chí với những người với sự hiểu biết hết sức thông suốt, họ cũng có thể dễ dàng bị trở ngại hoặc bị đánh lừa bởi những vi tế của tâm. Tôi luôn luôn đề nghị một cách kiên định là sự tu tập cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của một vị thầy người có một sự hiểu biết rõ ràng phương cách và những khó khăn bất ngờ của nó. Nó cũng hữu ích để trở thành một phần tử của một cộng đồng giáo pháp, ở đó những người bạn quan tâm về tinh thần có thể hỗ trợ lẫn nhau. Những ham muốn và bợn nhơ đã lôi kéo và khống chế đời sống của chúng ta. Sự hỗ trợ và hướng dẫn của một vị thầy giúp chúng ta khám phá bản chất thật của các pháp.

Hỏi: Có những mục đích rất thanh cao khi đến chùa để tu tập là điều quan trọng phải không?

Ðáp: Có nhiều nguyên nhân đưa con người đến với giáo pháp. Ðôi lúc chúng ta có thể nhìn thấy chúng, đôi lúc không. Có thể có những ham muốn xấu xa đưa quý vị tới nghe giáo pháp hoặc hành thiền và rồi quý vị cũng vẫn gặt hái những kết quả tốt đẹp. Có những ni sư ở đây đã kể cho tôi rằng, một phần lý do chính của họ đi đến là họ nhận thấy tôi hoặc một trong những vị thầy phụ tá của tôi đặc biệt đẹp trai hoặc thu hút. Tuy thế sau khi ở đây họ từ bỏ lý do ban đầu đó và bây giờ họ là những hành giả tuyệt vời và thiền sinh nghiêm túc của giáo pháp. Ðối với bạn là một người thực hành thì điều gì quan trọng ngay lúc này là bạn phải gắng nhận thức rằng không có điều gì khác đưa bạn với giáo pháp, mà do bởi tâm, sự ước ao, và những mục đích của bạn ngay giây phút hiện tiền. Chánh niệm và sự tu tập thiền quán (tuệ giác) có năng lực dứt bỏ hoàn toàn nghiệp quá khứ. Ngay cái giây phút chúng ta thật sự có chánh niệm và nhận thức chúng ta đã đoạn trừ được ham muốn và ngừng tạo nghiệp mới. Một số nhân cũ của chúng ta sẽ tạo quả, nhưng với tâm chánh niệm có thể giúp ta phá bỏ xiềng xích của nghiệp quá khứ.

Hỏi: Ngài thường liên kết ba từ: giáo pháp, bản chất và sự bình thường. Ngài có thể giải thích về điều này?

Ðáp: Tất cả ba từ này đều cùng một cơ bản. Bản chất của nó được phô bày một cách tự nhiên. Sự bình thường là sự việc xảy ra mà không có sự trở ngại. Và giáo pháp là chân lý của vạn pháp. Giáo pháp hướng dẫn tâm trở về với những gì tự nhiên, trở về bản chất thật của chúng ta. Sau đó chúng ta nhận ra tất cả mọi vật là như thế - chẳng có gì đặc biệt, bình thường, và quen thuộc với cảm giác sâu kín nhất. Như vậy giáo pháp mang chúng ta trở về với bản chất và chân lý - sự thật trong sự bình thường. Nhận thức về bản chất đời sống của chúng ta rõ ràng hơn, mang lại cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc hơn về giáo pháp. Vòng tròn này diễn tiến liên tục cho tới khi thân và tâm là cùng một bản chất. Cho tới khi tất cả các khía cạnh của đời sống chúng ta trở nên rõ ràng, đơn giản như giáo pháp mở ra, phơi bày ra.

Hỏi: Những điều gì mà ngài vẫn còn cho đó là một vấn đề đối với bản thân trong việc tu tập của mình?

Ðáp: Khi bắt đầu dạy giáo pháp tôi đã hết sức quan tâm làm cách nào để các thiền sinh của tôi thực hành tốt. Tôi muốn họ hiểu được giáo pháp và nhanh chóng đạt lợi ích từ việc tu tập thiền. Tương tự, tôi quan tâm về kỷ luật tổng quát cho chùa của tôi. Ðiều này rất quan trọng vì nó tạo cái nhìn tốt đối với sự trợ giúp cúng dường của người tại gia, cho nên mọi người tu tập thiền nghiêm túc. Tôi cảm thấy rằng tôi phải giám sát tất cả mọi sự việc. Bây giờ hầu như tôi đã hoàn toàn xả bỏ điều đó. Nhà chùa đã tiến bộ tốt đẹp. Những đệ tử của tôi học hành có kết quả ở mức độ tự nhiên và phù hợp nhất đối với họ. Tôi đã giáo dục mọi thiền sinh trong một môi trường thích hợp. Tôi vẫn còn một số vướng mắc trong vấn đề là, từ khi còn nhỏ tuổi tôi đã tu tập tâm từ. Ðiều này vẫn còn là một năng lực mạnh mẽ trong cuộc sống của tôi và tôi bị dính mắc với nó về việc giúp đỡ mọi người. Tôi muốn họ đạt được lợi ích nhanh chóng từ giáo pháp, từ việc hành thiền. Tôi muốn họ nhận thức được sự đoạn trừ khổ đau. Bây giờ, với sự tu tập cho chính bản thân, tôi đang cố gắng chuyển lòng thương và sự chấp thủ này sang một tình thương vi tế hơn nhiều và hỉ xả. Ðiều quan trọng phải biết rằng mọi người phải có bổn phận đối với sự tăng tiến của họ trong giáo pháp. Nó là một tiến trình tự nhiên. Lời dạy của đức Phật là một chất xúc tác cho sự phát triển tự nhiên của trí tuệ. Bây giờ nó tùy thuộc vào bạn.

Cầu xin cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc. Cầu xin cho tất cả chúng sinh đoạn trừ được khổ đau.


Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này. 
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]