Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Thiền sư Achaan Chaa

25/04/201319:43(Xem: 3110)
Chương 4: Thiền sư Achaan Chaa

Những vị Thiền sư đương thời

Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt

Sài Gòn, 1999

---o0o---

Chương IV

Thiền sư Achaan Chaa

---o0o---

Thiền sư sanh trong một gia đình khá giả ở vùng nông thôn nước Lào gần vùng đông bắc Thái Lan. Ngài xuất gia sa-di hồi còn nhỏ, hai mươi tuổi ngài thụ giới tỳ khưu (bhikkhu). Trên trình độ lớp bốn ở trường làng, ngài đã học giáo lý căn bản và kinh điển khi còn là một vị sư trẻ. Sau đó ngài thực hành thiền định dưới sự hướng dẫn của nhiều vị thiền sư địa phương theo truyền thống ẩn dật ở Lào. Ngài đi bộ nhiều năm theo phong cách của một nhà sư thọ hạnh đầu đà, ngủ dưới gốc cây và qua một thời gian ngắn tu tập với thiền sư Achaan Mun, một trong những vị thiền sư Thái Lan - Lào có năng lực và nổi tiếng ở thế kỷ này. Sau nhiều năm vân du và thực hành thiền, ngài trở về cư ngụ trong một khu rừng rậm rạp gần làng quê của ngài. Người dân ở đây nói khu rừng này không có người ở, được biết đây là nơi ở của rắn hổ mang, cọp và ma quỷ, nhưng ngài nói, đây là một nơi hoàn hảo nhất cho một vị tỳ khưu thọ hạnh đầu đà. Một thiền viện lớn đã được thành lập khi có tăng ni và phật tử đến nghe pháp và lưu lại đây. Bây giờ ngài có nhiều đệ tử dạy thiền và nhiều ngôi chùa trong rừng khắp miền đông bắc Thái Lan.

Ði vào Wat Ba Pong, trước tiên người ta dễ trông thấy chư sư đang quay nước giếng, và một tấm bảng treo trên con đường có ghi: "Quý vị đến đây hãy yên lặng, chúng tôi đang hành thiền." Mặc dù có một nhóm hành thiền và tụng kinh hai lần một ngày và thường buổi chiều ngài Achaan Chaa thuyết pháp, cơ bản của thiền định là cách sống. Công việc chư sư là vá y và quét dọn đường rừng và sống thật đơn giản. Chư sư ở đây sống theo hạnh đầu đà giới hạn bửa ăn một ngày một buổi và giới hạn vật dụng, y phục và chỗ ở. Chư vị sống trong những cái lều cá nhân rải khắp cả khu rừng, và tu tập thiền hành trên con đường sạch sẽ dưới những gốc cây. Nhiều đệ tử người phương Tây của ngài bây giờ chọn nơi cư ngụ ở thiền viện mới và sống thiền trong những túp lều rải rác được xây dựng trong những hang động trên sườn đồi.

Chế độ ăn uống giản dị của thiền viện nhằm tạo điều kiện để phát huy trí tuệ. Thiền sư Achaan Chaa nhấn mạnh rằng: "Mỗi người có tốc độ đi riêng của mình", và như thế chúng ta đừng ngại chiều dài của con đường hay điểm đến. "Ðơn giản là hãy trú vào giây phút hiện tại", và ngài khuyên: "Cuối cùng tâm sẽ đạt được sự quân bình tự nhiên của nó khi việc tu tập trở thành thói quen". Ít khi ngài nói đến việc thành đạt bất cứ trạng thái tâm đặc biệt nào hay trạng thái tâm định và tâm giác ngộ. Thay vì trả lời khi được hỏi, ngài hỏi lại chất vấn: nếu ngài có đầy đủ sự từ bỏ tất cả chấp thủ thì còn đau khổ nữa không? Bằng câu trả lời thông thường là "không", ngài sẽ hướng dẫn anh ta, đơn giản là hãy tiếp tục sự thực hành theo dõi tâm của anh và đừng cho dính mắc vào cái gì thậm chí tuệ giác hay kinh nghiệm giác ngộ, chỉ tiếp tục đừng cho dính mắc điều này trong từng giây một.

Ðời sống hàng ngày ở thiền viện phải tập trung tu tập nhiều như hình thức ngồi và đi. Giặt y, làm sạch ống nhổ, quét dọn chánh điện, đi bát, tất cả đều bằng thiền cả, và như ngài Achaan Chaa nhắc nhở chúng ta, ở nhà, rửa nhà cầu, đừng có nghĩ là quý vị đang làm nó như một sự bắt buộc. Ðó cũng là pháp. Thiền nghĩa là chánh niệm vào những gì chúng ta làm. Ðôi khi lối sống này dường như nghiêm khắc và gay gắt và sự phấn đấu để tìm ra sự bình an trở nên là một bài học lớn trong thiền. "Khi quý vị giận dữ hay than oán bản thân, điều đó là một cơ hội lớn để biết được tâm mình". Trong sự tuân thủ giới luật để tạo nên một cộng đồng hoà hợp, chúng ta thấy rõ lòng ham muốn và hình ảnh mà chúng ta phải đối chọi với cuộc sống này như thế nào. Giới luật nghiêm khắc giúp chúng ta cắt đứt nhu cầu bản ngã - hình thức khoe khoang bề ngoài.

Thiền sư Achaan Chaa không có nhấn mạnh bất cứ kĩ thuật thiền nào đặc biệt mà cũng không động viên tu tập tích cực để đạt đến tuệ giác và giác ngộ mau lẹ. Trong hình thức ngồi, người ta có thể theo dõi hơi thở cho đến khi nào tâm tĩnh lặng, và sau đó tiếp tục thực hành bằng cách quan sát tiến trình thân tâm. Sống đơn giản, hãy để tự nhiên, và hãy theo dõi tâm là cơ bản cho sự thực hành. Nhẫn nại là điều quan trọng. Khi còn là một tu sĩ mới ở thiền viện của ngài, tôi bị chán nản bởi những khó khăn của việc tu tập về sự thực hành và hình như giới luật thất thường mà tôi phải theo. Tôi bắt đầu phê bình những vị sư khác về sự thực hành tùy tiện và nghi ngờ trí tuệ trong lời dạy của ngài Achaan Chaa. Có một lúc nọ, tôi đến gặp ngài để nêu lên những thắc mắc và nhận xét rằng ngài đã mâu thuẫn nhau và hình như chính ngài thường làm trái ngược trong cách tu chưa rõ ràng. Ngài cười và chỉ cho thấy bao nhiêu điều mà tôi đã đau khổ do việc phê bình những người xung quanh tôi. Sau đó ngài giải thích rằng, thực ra lời dạy của ngài chỉ là sự bình thường hóa cái tâm. Ðiều đó như là tôi gặp gỡ những người đi trên con đường mà tôi đã quen, ngài nói: "Tôi ngước lên và trông thấy ai đó sắp sửa té xuống mương tay phải của con đường hay là đi lạc ra con đường mòn bên tay phải do vậy tôi gọi to anh ta: "Hãy đi bên tay trái, hãy đi bên tay trái". Một cách tương tự tôi gặp một ai đó sắp sửa đi lạc vào con đường mòn phía tay trái hoặc sắp sửa rơi vào cái hố bên tay trái, tôi gọi to lên: "Hãy đi bên tay phải, hãy đi bên tay phải". Tất cả sự thực hành chỉ là phát huy tâm quân bình, không có dính mắc, không có ích kỷ". Ngồi thiền hay làm việc trong những sinh hoạt hàng ngày của chúng ta là một phần của việc tu tập và theo dõi sát một cách kiên nhẫn để trí tuệ mở mang và an lạc một cách tự nhiên. Ðây là con đường của thiền sư Achaan Chaa.

Thiền sư Achaan Chaa tiếp đãi ân cần những người phương Tây và hơn hai mươi người đã sống và tu học với ngài nhiều năm tháng. Trí tuệ là một cách sống, và ngài Achaan Chaa duy trì lối sống đơn giản, của các tỳ khưu thời đức Phật, áp dụng cho việc học giáo pháp ngày hôm nay.


Những ghi nhận từ một buổi hỏi đáp
với thiền sư Achaan Chaa ở Wat Ba Pong

--o0o---

Hỏi: Tôi cố gắng tu tập nhưng dường như chẳng tới đâu.

Ðáp: Ðiều này rất quan trọng. Ðừng có cố gắng đạt đến nơi nào trong sự tu tập, chính ham muốn để tự do hay giải thoát thì ham muốn đó sẽ ngăn chặn sự giải thoát của quý vị. Quý vị có thể cố gắng chăm chỉ như quý vị mong muốn hãy thực hành tích cực ngày và đêm, nhưng nếu tham dục vẫn còn ngự trị trong tâm thì quý vị sẽ không bao giờ tìm được an lạc. Sức mạnh tham dục này là do hoài nghi và trạo cử gây nên. Quý vị tu tập bất kể là bao lâu, trí tuệ sẽ không phát sanh từ tham dục. Do đó đơn giản là hãy từ bỏ. Hãy chú niệm thân tâm một cách chánh niệm nhưng đừng cố đạt đến bất cứ điều gì. Ðừng dính mắc vào thậm chí ngay cả sự thực hành hay sự giác ngộ.

Hỏi: Còn về giấc ngủ? Tôi phải ngủ bao nhiêu?

Ðáp: Ðừng có hỏi tôi; tôi không thể xác định cho quý vị được. Trung bình tốt cho một người là bốn giờ một đêm. Tuy nhiên điều quan trọng là quý vị chú niệm và biết được chính mình. Nếu quý vị cố tình ngủ quá ít thì cơ thể quý vị cảm thấy không thoải mái và sẽ khó khăn để duy trì chánh niệm . Ngủ quá nhiều đưa đến sự đần độn hay tâm trạo cử. Hãy tìm sự quân bình tự nhiên cho chính mình. Quan sát thân tâm một cách kĩ lưỡng và gìn giữ giấc ngủ cần thiết cho đến khi nào quý vị tìm được giải pháp tốt nhứt. Nếu quý vị thức giấc và sau đó lăn mình ngủ nướng thì đó là phiền não. Hãy duy trì chánh niệm ngay sau khi quý vị mở mắt.

Hỏi: Còn về ăn uống? Tôi phải ăn bao nhiêu?

Ðáp: Ă thì bằng như ngủ. Quý vị phải biết được chính mình. Thức ăn phải hấp thụ để đáp ứng cho nhu cầu thân thể. Nhìn vào thức ăn của mình xem như là thuốc. Quý vị ăn nhiều quá thì cảm thấy buồn ngủ sau bửa ăn và quý vị trở nên mập hơn mỗi ngày phải không? Hãy dừng lại. Thử nghiệm thân và tâm riêng của quý vị. Không cần ăn chay. Thay vì kinh nghiệm số lượng thức ăn mà quý vị ăn. Hãy tìm sự quân bình tự nhiên cho thân thể của quý vị. Hãy để tất cả thức ăn chung trong bát của quý vị, theo cách tu đầu đà. Sau đó quý vị có thể biết một cách dễ dàng số lượng quý vị ăn. Hãy quan sát chính mình một cách chăm chú khi quý vị ăn. Hãy biết được chính mình. Tinh hoa tu tập của chúng ta chỉ là ở chỗ này. Không có gì đặc biệt cho quý vị phải làm. Chỉ quan sát. Hãy thử nghiệm chính mình. Hãy quan sát tâm. Sau đó quý vị sẽ biết được những điều gì là quân bình tự nhiên cho sự tu tập riêng của mình.

Hỏi: Tâm của những người châu Á và những người phương tây có khác nhau không?

Ðáp: Về phương diện cơ bản, không có khác nhau. Phong tục tập quán và ngôn ngữ bên ngoài có thể khác nhau, nhưng tâm con người bản tánh tự nhiên là giống nhau. Tham và sân thì giống nhau trong tâm người phương Ðông hay phương Tây. Khổ và chấm dứt đau khổ thì tất cả mọi người giống nhau.

Hỏi: Thích hợp để đọc nhiều hay nghiên cứu kinh điển, đó là một phần của thực hành không?

Ðáp: Pháp Phật thì không tìm thấy trong sách vở. Nếu quý vị thật sự muốn biết được chính mình những gì đức Phật đã dạy thì quý vị không cần phải lo lắng về sách vở. Hãy quan sát tâm chính mình. Hãy kiểm chứng để biết được những cảm thọ sanh diệt như thế nào, những suy nghĩ sanh diệt ra sao. Ðừng dính mắc vào bất cứ cái gì, chỉ chánh niệm vào những gì đã phát sanh. Ðây là con đường đưa đến chân lý của đức Phật. Hãy tự nhiên. Mọi việc quý vị làm trong đời sống của mình đây là cơ hội để tu tập. Tất cả đều là chân lý. Khi làm công việc lặt vặt trong nhà, quý vị hãy cố gắng chánh niệm. Quý vị vệ sinh ống nhổ hay nhà cầu đừng có cảm thấy là quý vị làm nó vì sự thiên vị của người khác. Có pháp khi quý vị vệ sinh ống nhổ. Ðừng có nghĩ là quý vị tu tập chỉ có ngồi kiết già không đâu. Một số người đã phàn nàn là không có đủ thời gian để hành thiền, không có đủ thời gian để thở phải không? Ðây là thiền của quý vị: chánh niệm, tự nhiên vào những gì quí vị làm.

Hỏi: Tại sao chúng tôi không có trình pháp hàng ngày với thiền sư?

Ðáp: Nếu quý vị có những thắc mắc thì quý vị được tư do đến để hỏi thiền sư bất cứ thời gian nào. Nhưng chúng ta không cần trình pháp hàng ngày ở đây. Nếu thiền sư trả lời mỗi câu hỏi nhỏ, quý vị sẽ không bao giờ hiểu tiến trình hoài nghi trong tâm của mình. Ðó là tinh hoa mà quý vị học để kiểm nghiệm, để phỏng vấn chính mình. Lắng nghe chăm chú những bài giảng mỗi ngày, sau đó thực hiện lời dạy này để so sánh với sự tu tập riêng của mình. Nó có giống nhau không? Nó có khác nhau không? Tại sao quý vị có hoài nghi đó? Hoài nghi đó là của ai? Chỉ nhờ tự kiểm chứng, có thể quý vị sẽ hiểu được.

Hỏi: Ðôi khi lo lắng về giới luật của tỳ khưu. Nếu con giết côn trùng một cách vô ý, đó có phải là hành động xấu không?

Ðáp: Giới luật (Sìla) là tinh hoa cho sự tu tập của chúng ta, nhưng quý vị không nên dính mắc vào giới luật một cách mù quáng. Không giết thú vật hay giữ giới luật, điều quan trọng là cố ý. Hãy biết được tâm của mình. Quý vị không nên chú trọng đến giới luật một cách quá đáng. Nếu thực hiện giới luật đúng, nó hỗ trợ cho sự tu tập, nhưng một số tỳ khưu thì quá quan tâm đến giới luật nhỏ mọn đến nỗi các vị không ngủ yên. Giới luật thì không nên cưu mang như một gánh nặng. Sự tu tập của chúng ta ở đây lấy giới luật là nền tảng. Giới luật trong sạch làm tăng thêm kỷ luật đầu đà và sự tu tập. Chánh niệm và lưu ý đến những giới nồng cốt cũng như 227 giới có nhiều lợi ích. Hai trăm hai mươi bảy giới làm cho đời sống tu đơn giản lại. Không nên ngạc nhiên hành động ra sao, cho nên quý vị có thể đừng suy nghĩ thay vì chỉ đơn giản là chánh niệm. Giới luật có thể giúp cho chúng ta sống với nhau hoà hợp. Tăng đoàn lưu truyền một cách êm đẹp. Bề ngoài mọi người quan sát và hành động giống nhau. Giới luật là bước đầu tiên cho định và tuệ. Nhờ thực hiện chính xác giới luật của tỳ khưu và hạnh đầu đà đời sống chúng ta đơn giản, giới hạn tứ sự của mình. Vì thế cho nên chúng ta phải thực hành lời dạy của đức Phật đầy đủ: Chế ngự điều ác và làm các điều lành. Sống đơn giản, gìn giữ nhu cầu sống có chừng mực. Hãy thanh lọc tâm. Ðó là, hãy chú niệm thân tâm trong bốn oai nghi của mình. Ngồi, đứng, đi hay nằm hãy cảm nhận cho được chính mình.

Hỏi: Về hoài nghi, tôi có thể làm gì? Nếu người ta làm phiền tôi với những sự hoài nghi về tu tập, về sự tiến bộ, hay về thiền sư?

Ðáp: Hoài nghi là một điều tự nhiên. Ai cũng khởi đầu bằng những thứ hoài nghi đó. Quý vị có thể học nhiều về chúng. Ðiều quan trọng là quý vị đừng có dính mắc với những sự hoài nghi của mình. Ðó là, đừng nên cố chấp vào chúng. Sự cố chấp này sẽ dẫn tâm vào vòng sanh tử. Thay vì, hãy quán chiếu toàn bộ tiến trình hoài nghi và băn khoăn. Hãy nhận thức những hoài nghi đó. Thấy hoài nghi sanh diệt như thế nào. Sau đó quý vị sẽ không còn bị hoài nghi lừa dối mình nữa. Quý vị sẽ bước ra khỏi hoài nghi và tâm của quý vị sẽ yên tĩnh. Quý vị có thể thấy được mọi vật sanh diệt như thế nào. Chỉ từ bỏ những gì mà quý vị bị dính mắc. Hãy từ bỏ hoài nghi của mình và đơn thuần là quán chiếu. Ðây là phương pháp chấm dứt hoài nghi.

Hỏi: Còn về phương pháp tu tập khác nhau? Dường như có nhiều thiền sư và nhiều hệ thống thiền khác nhau điều đó hay nhầm lẫn.

Ðáp: Ðiều đó giống như đi phố. Người ta có thể đi đến hướng bắc và đông bắc bằng nhiều con đường. Thông thường những hệ thống thiền này chỉ khác nhau hình thức bề ngoài. Dù quý vị có thể đi bộ trên một con đường này hay con đường khác, nhanh hay chậm, nếu quý vị chánh niệm thì tất cả đều giống nhau. Có một điểm chủ yếu là tất cả sự tu tập tốt cuối cùng đều đạt kết quả tốt. Ðó là không có dính mắc. Cuối cùng tất cả những hệ thống thiền phải được loại bỏ. Cũng như người ta không có dính mắc đến vị thầy. Nếu một hệ thống thiền nào dẫn đến từ bỏ, không cố chấp, thế là tu tập đúng pháp.

Quý vị có thể muốn du lịch, để viếng những vị thiền sư và những hệ thống thiền khác nhau. Một số quý vị đã thực hiện rồi. Ðây là một sự khao khát tự nhiên. Quý vị sẽ thấy rằng một ngàn vấn đề được đặt ra và sự hiểu biết về nhiều hệ thống thiền đó sẽ không đưa quý vị đến chân lý được. Cuối cùng quý vị sẽ chán nản. Quý vị sẽ thấy rằng chỉ dừng lại và kiểm nghiệm tâm của chính mình, quý vị mới thấy được những gì đức Phật đã dạy. Không cần phải đi tìm kiếm ở bên ngoài. Cuối cùng quý vị phải trở về đối diện với bản chất như thật của mình. Ðây là mục tiêu mà quý vị thực hành giáo pháp.

Hỏi: Nhiều lần hình như chư sư ở đây không có tu tập. Chư vị nhìn tùy tiện, không có chánh niệm gì cả. Ðiều này làm tôi bị lay động.

Ðáp: Thật sự là không nên chú ý đến người khác. Ðiều này sẽ không giúp ích gì cho sự tu tập của quý vị. Nếu người ta làm phiền quý vị, hãy chú tâm đến sự phiền phức trong tâm của mình. Nếu giới luật của người khác không trong sạch hay họ không phải là tỳ khưu tốt, điều đó không là gì đáng cho quý vị phê bình. Phê bình người khác trí tuệ sẽ không phát sinh. Giới luật của tỳ khưu là khí cụ dùng để hành thiền. Nó không phải là vũ khí dùng để phê bình hay để tìm lỗi. Không ai tu tập giùm cho quý vị, mà quý vị cũng không tu tập giùm cho ai được. Chỉ chánh niệm những việc mình làm. Ðây là phương pháp để tu tập.

Hỏi: Tôi hết sức tu tập để chế ngự giác quan. Tôi luôn luôn giữ đôi mắt nhìn xuống và chánh niệm mỗi hành động nhỏ khi tôi làm. Ví dụ: khi ăn, tôi mất một thời gian lâu và cố chú niệm mỗi cái đụng, nhai, nếm, nuốt... tôi làm mỗi động tác rất chú tâm và thận trọng. Tôi đang thực hành như vậy có thích hợp không?

Ðáp: Chế ngự giác quan là tu tập thích đáng. Chúng ta phải chánh niệm nó từ đầu ngày cho đến cuối ngày. Nhưng đừng làm quá trớn! Hãy đi, ăn và hành động một cách tự nhiên. Và sau đó hãy phát huy chánh niệm tự nhiên vào những gì đang diễn tiến với chính mình. Ðừng có ép buộc việc hành thiền của quý vị hay ép buộc mình vào những mô hình rắc rối. Ðây là hình thức ái dục nữa. Hãy nhẫn nại và chịu đựng thì cần thiết. Nếu quý vị hành động và chánh niệm tự nhiên, trí tuệ cũng sẽ phát sanh tự nhiên.

Hỏi: Có cần thiết ngồi duỗi chân ra để ngồi lâu không?

Ðáp: Không, ngồi nhiều giờ kết quả cho thấy không cần thiết. Một số người nghĩ rằng quý vị có thể ngồi lâu hơn, thì quý vị mới là người có trí tuệ. Tôi thấy những con gà ấp trong ổ kết quả cho thấy là nhiều ngày. Trí tuệ phát huy từ chánh niệm trong mọi oai nghi. Tu tập của quý vị phải bắt đầu ngay khi quý vị thức dậy vào buổi sáng. Phải liên tục cho đến khi đi ngũ. Ðừng có quan tâm đến vấn đề là mình ngồi bao lâu. Ðiều quan trọng là quý vị gìn giữ cho được sự chú niệm cho dù mình đang làm việc, đang ngồi hay đang vệ sinh.

Mỗi người có tốc độ đi của mình. Một số quý vị sẽ chết vào tuổi năm mươi. Một số khác sẽ chết vào tuổi sáu mươi lăm, và một số khác nữa sẽ chết vào tuổi chín mươi. Cũng vậy sự tu tập của quý vị tất cả sẽ đều không giống nhau. Ðừng có suy nghĩ và lo lắng về điều này. Hãy cố gắng gìn giữ chánh niệm và để những gì hãy lấy những cái đó tự nhiên. Sau đó tâm của quý vị sẽ trở nên càng yên tĩnh hơn trong môi trường xung quanh. Nó sẽ trở nên yên tĩnh như mặt hồ tĩnh lặng. Sau đó tất cả loài thú quý hiếm và kỳ lạ sẽ đến uống nước bên bờ hồ. Quý vị sẽ biết đuợc một cách rõ ràng bản chất của tất cả sự vật trên thế gian. Quý vị sẽ biết được nhiều điều lạ và thần bí sanh diệt. Nhưng quý vị vẫn tĩnh lặng. Những vấn đề sẽ phát sanh quý vị sẽ biết trực tiếp nhờ chúng. Ðây là an lạc của đức Phật.

Hỏi: Tôi vẫn còn nhiều suy nghĩ. Tâm tôi phóng túng rất nhiều mặc dù tôi cố chánh niệm.

Ðáp: Ðừng có lo lắng về điều này. Cố gắng gìn giữ tâm của mình trong hiện tại. Những gì phát sanh trong tâm, chỉ chú niệm nó, quán chiếu nó. Thậm chí đừng mong để cắt đứt những suy nghĩ đó. Sau đó tâm sẽ đạt đến trạng thái tự nhiên. Không còn phân biệt giữa thiện và ác, nóng và lạnh, nhanh và chậm. Không anh không tôi, không còn bản ngã ở đâu cả. Chỉ có những cái gì đang có. Khi đi khất thực không cần làm công việc gì riêng biệt cả. Ðơn thuần là đi và biết những gì đang xảy ra. Không cần dính mắc đến chỗ hẻo lánh hay chỗ thiếu thốn. Các vị đi bất cứ nơi nào, hãy biết chính mình bằng con người tự nhiên và quán chiếu. Nếu hoài nghi phát sanh, hãy quán chiếu chúng sanh và diệt. Ðiều đó rất đơn giản. Hãy nắm chặt vào sự không có.

Ðiều đó y như quý vị đang bước xuống một con đường. Quý vị sẽ tóm tắt được những chướng ngại vật. Khi quý vị gặp phiền não chỉ biết chúng và chỉ khắc phục bằng cách đoạn trừ chúng. Ðừng suy nghĩ về những chướng ngại vật mà quý vị đã trải qua rồi. Ðừng lo lắng về những thứ quý vị chưa thấy. Hãy bám vào hiện tại. Ðừng có quan tâm đến chiều dài của con đường hay nơi đến. Mọi vật đều thay đổi. Bạn sẽ trải qua bất cứ điều gì, đừng dính mắc vào nó. Cuối cùng tâm sẽ đạt đến sự quân bình tự nhiên, ở đó nơi nào tu tập cũng tốt đẹp. Tất cả mọi vật sẽ tự sanh và diệt.

Hỏi: Ngài có bao giờ xem kinh Pháp Bảo Ðàn của lục tổ Huệ Năng chưa?

Ðáp: Trí tuệ của Huệ Năng thì rất là sắc bén. Ðó là lời dạy uyên thâm, người sơ cơ không dễ hiểu được. Nhưng nếu quý vị tu tập có giới luật, có nhẫn nại và không dính mắc thì cuối cùng quý vị sẽ hiểu được. Trước kia tôi có một đệ tử ở trong một túp lều mái cỏ. Vào một ngày mùa mưa cơn gió mạnh thổi bay nửa mái. Anh không lo lắng để sửa nó, chỉ để cho trời mưa rơi vào. Nhiều ngày trôi qua thì tôi hỏi anh ta về túp lều của anh. Anh trả lời là anh đang tu hạnh không dính mắc. Ðiều này không dính mắc mà có trí tuệ. Vấn đề trên giống như tâm xả của một con trâu nước. Nếu quý vị sống một cuộc đời trong sạch và giản dị, nếu quý vị có nhẫn nại và không ích kỷ thì quý vị sẽ hiểu được trí tuệ của Huệ Năng.

Hỏi: Ngài đã nói rằng thiền Chỉ và thiền Quán thì giống nhau. Ngài có thể giải thích thêm điều này không?

Ðáp: Ðiều đó hết sức đơn giản. Thiền chỉ (Samatha) và thiền quán (Vipassanà) tác động qua lại với nhau. Trước tiên tâm trở nên tĩnh lặng nhờ tập trung vào một đề mục thiền. Nó chỉ yên lặng trong khi quý vị đang ngồi thiền với đôi mắt nhắm lại. Ðây là thiền chỉ và cuối cùng thiền chỉ này là nhân cho thiền quán phát sanh. Sau đó tâm tĩnh lặng hoặc là vì ngồi nhắm mắt lại hoặc là đi vòng trong thành phố náo nhiệt. Giống như, trước kia quý vị là một đứa bé. Bây giờ quý vị đã khôn lớn. Ðứa trẻ và người khôn lớn đều cùng là một người phải không? Quý vị có thể nói rằng là giống nhau hay là nhìn vào một khía cạnh khác quý vị có thể nói rằng khác nhau. Tương tự thiền chỉ và thiền quán người ta cũng có thể nhìn khác nhau. Hay giống như thức ăn và phẩn người. Thức ăn và phẩn người có thể kêu như nhau. Ðừng tin những gì tôi nói, sự tu tập của quý vị sẽ thực chứng được tự mình. Không có gì đặc biệt để vướng mắc. Nếu quý vị quán chiếu như thế nào cho thiền chỉ và thiền quán phát sinh, thì quý vị sẽ tự mình liễu ngộ chân lý. Ngày nay con người thường bị dính mắc vào ngôn từ. Người ta gọi việc tu tập của mình là thiền quán, người xem là thiền chỉ hoặc là người ta gọi sự tu tập của họ là thiền chỉ trước thiền quán. Tất cả những sự việc này đều là vớ vẩn . Ðừng có bận suy nghĩ về việc này. Ðơn thuần là hãy thực hiện sự tu tập thì quý vị sẽ tự mình chứng ngộ.

Hỏi: Trong sự tu tập của chúng ta có cần thiết để nhập An Chỉ Ðịnh không?

Ðáp: Không. Nhập an chỉ định thì không cần thiết. Chúng ta phải đặt một ít tâm an tịnh và nhất tâm vào. Sau đó hãy sử dụng điều này để quán chiếu chính mình. Không có gì quan trọng để vướng mắc. Nếu an chỉ định xuất phát từ trong sự tu tập thì cũng tốt thôi. Chỉ đừng có dính mắc vào nó. Một số người bị bám víu vào an chỉ định. An chỉ định chỉ là một niềm vui thôi. Quý vị phải biết giới hạn thích đáng.nếu là người trí thì quý vị sẽ biết được cách sử dụng và nhược điểm của an chỉ định, cũng như quý vị biết nhược điểm của trẻ con là tương phản với người lớn tuổi.

Hỏi: Tại sao chúng ta phải tuân theo những giới luật nghiêm khắc như ăn trong bát?

Ðáp: Giới luật nghiêm khắc giúp chúng ta đoạn trừ phiền não. Bởi vì tuân theo như thế, những người ăn trong bát chú tâm xem thức ăn như là thuốc. Nếu chúng ta không có phiền não thì việc ăn uống chúng ta không thành vấn đề. Nhưng còn ở đây chúng ta dùng cái hình thức để tạo cho việc tu tập đơn giản hơn. Ðức Phật không chế định cho tất cả nhà sư cần thiết phải tuân theo giới luật nghiêm ngặt. Nhưng Ngài cũng muốn giúp đỡ cho những ai muốn tu tập nghiêm túc. Những giới luật đó hỗ trợ cho hình thức giới luật bên ngoài và do đó cũng giúp cho tinh thần của chúng ta bền chí và mạnh mẽ. Những giới luật này để kiềm chế bản thân mình. Ðừng quan tâm đến sự tu tập của người khác. Hãy theo dõi tâm và chú niệm những gì có lợi cho quý vị. Nguyên tắc là chúng ta phải tu tập bất cứ loại thiền định nào, cái cốc cấp cho chúng ta thì cũng tương tự như giới luật hữu ích. Cái cốc giúp cho nhà sư khỏi dính mắc vào trú xứ của mình. Nếu chư vị bỏ đi và trở về chư vị phải nhận một nơi ở mới. Ðây là sự tu tập của chúng ta - không dính mắc vào bất cứ điều gì.

Hỏi: Nếu đặt mọi thứ chung với nhau trong bát là quan trọng, tại sao ngài không làm như vị thầy đã tự mình làm việc này? Ngài không cảm thấy quan trọng đối với vị thầy đã đưa ra một ví dụ sao?

Ðáp: Vâng, đúng thế, một vị thầy cần phải làm gương cho những đệ tử. Tôi không quan tâm đến những điều mà quý vị chỉ trích tôi. Quý vị cần hỏi những gì quý vị muốn. Nhưng điều quan trọng là quý vị đừng dính mắc vào vị thầy. Nếu như tôi có vẻ bề ngoài hoàn toàn tuyệt đối, điều này sẽ vô cùng khủng khiếp. Quý vị luôn luôn dính mắc vào tôi. Ngay cả đức Phật đôi lúc nói với các đệ tử cần làm điều này và rồi làm một điều khác cho bản thân mình. Sự nghi ngờ về vị thầy của mình cũng có thể có lợi. Quý vị nên theo dõi những phản ứng của quý vị. Quý vị có nghĩ là mình có thể giữ một ít thức ăn trong bát cho người cư sĩ làm công quả trong chùa được không?

Trí tuệ đối với quý vị là theo dõi và phát huy. Học hỏi những gì tốt đẹp nơi vị thầy. Nhận thức được sự tu tập của mình. Nếu tôi nằm nghĩ mà quý vị phải hành thiền điều này có làm quý vị giận dữ không? Nếu tôi gọi màu xanh là màu đỏ hay nói rằng đàn ông là đàn bà, đừng tin theo tôi một cách mù quáng.

Một trong những vị thầy của tôi ăn rất nhanh. Lúc ăn ngài rất ồn ào. Tuy vậy ngài bảo chúng tôi ăn chậm và chánh niệm. Tôi thường theo dõi ngài và lấy làm bực mình. Tôi rất đau khổ nhưng ngài thì không! Tôi nhìn ra phía ngoài. Rồi sau đó tôi hiểu ra. Một số người lái xe nhanh nhưng cẩn thận. Nhưng người khác lái chậm và gây nhiều tai nạn. Ðừng dính mắc vào quy tắc và hình thức bên ngoài. Nếu quý vị theo dõi người khác mười phần trăm thời gian và theo dõi bản thân mình chín mươi phần trăm, đây là sự tu tập thích đáng. Lúc ban đầu tôi thường theo dõi vị thầy của tôi là Achaan Tong Rath và đặt nhiều nghi ngờ. Thậm chí nhiều người nghĩ là ông ta điên. Ngài thường làm những việc lạ lùng và rất dữ dằn với các đệ tử. Bên ngoài ông ta nổi giận nhưng bên trong thì không có gì, không có ai ở đó. Ngài thật là phi thường. Ngài sống trong sạch và chánh niệm cho đến lúc chết.

Nhìn từ bên ngoài thì bản thân mình sẽ so sánh và phân biệt. Bằng hình thức này thì bạn sẽ không tìm được hạnh phúc hoặc là quý vị sẽ an lạc nếu quý vị dành thì giờ tìm kiếm một người thánh thiện hoặc một vị thầy gương mẫu. Ðức Phật dạy chúng ta nhìn vào giáo pháp, chơn lý, đừng nhìn vào người khác.

Hỏi: Làm cách nào chúng ta vượt qua lòng tham trong việc tu tập của chúng ta? Ðôi lúc tôi cảm thấy mình như thể là một nô lệ đối với lòng tham dục của tôi.

Ðáp: Lòng ham muốn cần được quân bình bằng cách quán thân bất tịnh. Chấp vào thân xác là một điều hết sức ghê gớm và người ấy phải giữ tâm đối kháng. Quán chiếu thân như là tử thi và theo dõi tiến trình hoại diệt hoặc suy tưởng đến những bộ phận của cơ thể như phổi, lá lách, mỡ, phẩn... hãy nhớ những sự việc này và quán tưởng để sự nhàm chán của cơ thể này khi tham dục phát sanh. Ðiều này sẽ giúp quý vị đoạn trừ lòng tham dục.

Hỏi: Còn về giận dữ thì sao? Tôi phải làm gì khi giận dữ phát sanh?

Ðáp: Quý vị phải tu tập tâm từ. Khi trạng thái tâm sân phát sanh trong thiền định, hãy làm quân bình chúng bằng cách phát huy tâm từ. Nếu một người nào đó làm cái gì xấu hay giận dữ thì quý vị đừng giận dữ với người ấy. Nếu quý vị giận dữ, quý vị là người si mê hơn anh ta. Là người trí. Hãy mang tâm từ bi cho người đang đau khổ đó. Hãy yêu thương anh ta như thể là người ruột thịt của mình. Hãy tập trung bằng tâm từ xem nó như là một đề mục thiền. Hãy rải lòng từ đến tất cả chúng sanh trên thế gian. Chỉ nhờ có lòng từ thì mới khắc phục được tâm sân.

Ðôi khi quý vị có thể nhìn thấy những vị sư khác cư xử một cách tồi tệ. Quý vị có thể trở nên bực mình. Ðây là một điều không cần thiết để phiền não. Tuy nó chưa phải là giáo pháp của chúng ta. Quý vị có thể nghĩ như thế này: "Các vị không có hoàn toàn như tôi. Các vị không phải là thiền giả như chúng tôi. Những vị đó không phải là những vị sư tốt. "Ðây là phiền não lớn về phía của quý vị. Ðừng có so sánh. Ðừng có phân biệt. Xả bỏ ý niệm của quý vị và hãy tự mình quán chiếu. Ðây là pháp của chúng ta. Quý vị không thể bắt buộc mọi người phải làm như quý vị muốn, hay giống như quý vị. Cái mong muốn này chỉ làm cho quý vị đau khổ mà thôi. Ðó là một lỗi lầm thông thường mà hành giả thường gặp phải, ngoài ra nhìn lỗi người khác thì không phát huy được trí tuệ. Ðừng bận tâm. Ðơn thuần là hãy quán chiếu bản thân mình và những cảm thọ thì quý vị sẽ hiểu được sự việc như thế nào.

Hỏi: Tôi cảm thấy buồn ngủ nhiều. Nó làm cho tôi khó hành thiền.

Ðáp: Có nhiều cách để khắc phục buồn ngủ. Nếu quý vị đang ngồi một nơi tối tăm hãy chuyển ra một nơi sáng sủa. Hãy mở mắt ra. Ðứng dậy và rửa mặt, vổ vào mắt, hoặc đi tắm. Nếu quý vị cảm thấy buồn ngủ. Hãy thay đổi oai nghi. Ði nhiều. Ði lui đi tới. Ðiều ghê sợ biến đi sẽ giúp bạn tỉnh lại. Nếu không có kết quả thì hãy đứng yên, thanh lọc tâm, và tưởng tượng đó là một ngày đầy ánh nắng. Hoặc ngồi trên mỏm đá cao hoặc trên một miệng giếng sâu. Quý vị sẽ không dám buồn ngủ nữa nếu không hành thiền được thì phải đi ngủ thôi. Nằm xuống cẩn thận và cố gắng theo dõi cho đến lúc quý vị đi vào giấc ngủ. Và rồi ngay khi quý vị thức dậy, hãy đứng thẳng người lên. Ðừng nhìn vào đồng hồ hoặc lăn qua lăn lại. Bắt đầu chánh niệm ngay lúc quý vị tỉnh dậy.

Nếu quý vị cảm thấy buồn ngủ, mỗi ngày hãy cố gắng ăn ít lại. Hãy theo dõi bản thân. Khi ăn còn năm muỗng nữa no thì quý vị đừng ăn mà hãy uống nước thay vào. Hãy đi và ngồi. Hãy theo dõi cơn buồn ngủ và cơn đói của quý vị. Quý vị phải biết quân bình sự ăn uống của mình. Khi quý vị tiếp tục hành thiền, quý vị sẽ cảm thấy có nhiều năng lực hơn một cách tự nhiên và ăn ít đi.

Hỏi: Tại sao chúng ta phải thực hiện nhiều pháp cung kính ở đây?

Ðáp: Sự cung kính là một điều rất quan trọng. Nó là hình thức bên ngoài đó cũng là một hình thức để tu tập. Hình thức này phải thực hiện chính xác. Ngủ thể đầu địa. Ðể hai khuỷu tay gần hai đầu gối và hai đầu gối cách nhau khoảng 22cm. Hãy quỳ lạy từ từ, thân tâm chánh niệm. Ðó là một phương pháp tốt để đối trị lại tính ngã mạn của chúng ta. Chúng ta phải thường xuyên quỳ lạy. Khi lạy ba lần, quý vị hướng tâm đến Tam bảo. Những phẩm chất của một tâm trong sạch đó là trong sáng và an lạc. Vì vậy chúng ta dùng hình thức bên ngoài để tu tập bản thân. Thân và tâm trở nên hoà hợp với nhau. Ðừng có bận tâm đến cách lạy của những người khác. Nếu những vị sa-di và những vị tỳ khưu quỳ lạy không chánh niệm, quý vị không cần phải đánh giá về sự việc này. Việc huấn luyện con người là một điều khó khăn. Một số người thì thông minh nhưng một số khác chậm lục. Sự phán xét người khác chỉ làm tăng thêm sự ngã mạn của quý vị. Thay vào đó hãy theo dõi bản thân. Quỳ lạy thường xuyên sẽ đoạn trừ lòng ngã mạn của quý vị.

Những ai thực sự hòa nhập với giáo pháp thì người đó vượt qua hình thức bên ngoài. Mọi việc họ thực hiện chỉ là hình thức cung kính. Ðiều này họ thực hiện được bởi vì họ đã vượt qua sự ích kỷ.

Hỏi: Vấn đề nào quan trọng nhất về những đệ tử mới của quý vị?

Ðáp: Các ý niệm. Những quan điểm và tư tưởng về những vấn đề. Về bản thân họ, về việc tu tập, về việc dạy giáo pháp của đức Phật. Nhiều người đến đây đã từng có những chức vị cao trong xã hội. Họ là những thương gia giàu có, hoặc những người tốt nghiệp đại học, các thầy giáo và những viên chức chánh quyền. Tâm họ chất chứa đầy những ý niệm và những vấn đề. Họ khó lòng nghe những người khác. Giống như nước trong tách. Nếu một tách mà chứa đầy nước dơ bẩn thì nó vô ích. Chỉ sau khi nước cũ được đổ đi, thì cái tách đó mới hữu dụng. Quý vị phải từ bỏ quan điểm rồi thì quý vị mới nhận thức được. Việc tu tập của chúng ta đi vượt xa những sự khôn ngoan và sự ngu dốt. Nếu quý vị tự nhủ rằng: "Tôi thông minh, tôi giàu có, tôi quan trọng, tôi hiểu biết mọi tư tưởng Phật giáo". Quý vị chấp thủ vào bản ngã. Tất cả mọi điều quý vị thấy đều là cái tôi. Nhưng trong Phật giáo là loại trừ bản ngã. Vô ngã và Níp-bàn.

Hỏi: Những phiền não như tham, sân, chỉ là ảo tưởng hay chúng có thật không?

Ðáp: Cả hai. Những phiền não chúng ta gọi là tham, sân, si chúng chỉ là hình thức bên ngoài. Như chúng ta gọi một cái bát lớn, nhỏ, xinh đẹp hoặc bất cứ là gì. Ðây không phải là thực thể. Nó là một khái niệm mà chúng ta đã tạo nên bởi lòng ái dục. Nếu chúng ta muốn một cái bát lớn thì chúng ta gọi cái này nhỏ. Aùi dục tạo cho chúng ta phân biệt. Mặc dù sự thật vẫn là sự thật. Hãy nhìn sự việc theo tính cách này. Quý vị có phải là một con người không? Quý vị trả lời đúng. Ðây là cái vẻ bên ngoài của những sự việc nhưng thực sự quý vị chỉ là một sự kết hợp của năm uẩn. Nếu tâm giải thoát thì không còn phân biệt nữa. Không to không nhỏ, không anh không tôi. Không còn điều gì cả. Chúng ta nói vô ngã. Theo thực tế, cuối cùng không có ngã hoặc vô ngã.

Hỏi: Ngài có thể giải thích thêm một chút về Nghiệp được không?

Ðáp: Nghiệp là hành động. Nghiệp là sự trói buộc. Thân, khẩu, ý tất cả đều tạo nghiệp khi chúng ta bị trói buộc. Chúng ta tạo nên thói quen. Những điều này có thể làm cho chúng ta đau khổ trong tương lai. Ðây là quả của sự trói buộc, và phiền não trong quá khứ của chúng ta. Tất cả chấp thủ đều đưa đến tạo nghiệp. Giả sử quý vị là tên cướp trước khi quý vị trở thành một nhà sư, quý vị làm người khác đau khổ, làm cha mẹ quý vị phiền não. Bây giờ quý vị là nhà sư, nhưng khi quý vị nhớ lại những gì quý vị đã làm cho những người khác đau đớn ngay cả ngày nay quý vị vẫn thấy phiền não. Hãy nhớ rằng không chỉ thân mà khẩu ý có thể tạo nên những điều kiện cho quả của tương lai. Nếu quý vị tạo những việc thiện trong quá khứ và ngày nay nhớ lại quý vị sẽ thấy hạnh phúc. Trạng thái tâm hạnh phúc này là kết quả của nghiệp quá khứ. Tất cả mọi việc tạo ra bởi nhân, theo chu kỳ dài hoặc từng sát-na khi chúng được quán chiếu. Nhưng quý vị không cần bận tâm vạch rõ quá khứ, hiện tại, vị lai. Mà đơn thuần chỉ theo dõi thân tâm. Rồi chính bản thân quý vị có thể hiểu nghiệp. Theo dõi tâm quý vị, tu tập và tu tập thì quý vị sẽ nhìn thấy nghiệp một cách rõ ràng. Tuy thế phải chắc chắn rằng quý vị không tạo nghiệp cho những người khác. Ðừng bị trói buộc và đừng quan sát những người khác. Nếu tôi uống thuốc độc, tôi sẽ đau khổ. Không cần quý vị chia xẻ điều này với tôi! Hãy nhận lấy điều tốt mà vị thầy ban cho. Rồi quý vị có thể an lạc, tâm quý vị giống như tâm của vị thầy. Nếu quý vị quán chiếu quý vị sẽ thấy rõ điều đó. Nếu ngay bây giờ quý vị không hiểu được, nhưng khi quý vị tu tập dần dần nó sẽ trở nên rõ ràng. Quý vị biết được bản thân mình. Ðiều này được gọi là tu tập giáo pháp.

Khi chúng tôi còn trẻ, cha mẹ thường hay trừng phạt chúng tôi và giận nữa. Thực ra cha mẹ muốn giáo dưỡng chúng tôi thôi. Quý vị phải nhận thức điều đó qua một thời gian dài. Cha mẹ và thầy dạy chỉ trích chúng ta, thì chúng ta bực mình. Sau đó chúng ta có thể biết lý do tại sao. Sau khi thực hành lâu quý vị sẽ biết được. Những ai quá ngã mạn sẽ bỏ đi sau một thời gian ngắn. Họ không bao giờ học được. Quý vị phải đoạn trừ sự ngã mạn của mình. Nếu quý vị tự nghĩ mình giỏi hơn những người khác thì quý vị chỉ có đau khổ thôi. Thật đáng thương. Không cần phải bực mình. Chỉ có chú niệm thôi.

Hỏi: Dường như là từ khi xuất gia, tôi thấy sự thử thách và đau khổ của tôi gia tăng.

Ðáp: Tôi biết rằng một số quý vị đã có một cuộc sống vật chất đầy đủ phía sau và tự do bên ngoài. Bằng so sánh, bây giờ quý vị sống một cuộc sống khắc khổ. Cho nên, trong tu tập, tôi thường buộc quý vị ngồi và chờ đợi hàng giờ. Thực phẩm và khí hậu thì khác biệt với quê nhà quý vị. Nhưng bất cứ ai phải trải qua điều nầy. Ðây là sự đau khổ để dẫn đến đoạn tận đau khổ. Ðây là phương pháp quý vị nên học. Khi quý vị giận hay cảm thấy buồn phiền cho mình, đây là cơ hội lớn để biết đuợc tâm. Ðức Phật đã dạy phiền não tức bồ đề.

Các đệ tử của tôi thì giống như con của tôi. Tôi chỉ có lòng từ và luôn luôn nghỉ đến họ. Nếu như tôi buộc phải làm cho quý vị bực mình thì điều đó tốt cho bản thân quý vị thôi. Tôi biết trong một số quý vị được giáo dục tốt và có nhiều kiến thức. Những người ít học và ít hiểu biết thì có thể tu tập một cách dễ dàng. Việc này nhự thể là những người phương Tây quý vị có một căn nhà rất lớn để lau chùi. Khi quý vị lau cái nhà thì quý vị sẽ có một nơi ở rộng rãi. Quý vị có thể sử dụng nhà bếp và thư viện. Quý vị phải nhẫn nại. Nhẫn nại và chịu đựng là tinh hoa cho sự tu tập của chúng ta. Khi tôi là một nhà sư trẻ, tôi không phải chịu đựng cực khổ như quý vị. Tôi biết ngôn ngữ và ăn thực phẩm địa phương của tôi. Thế mà một ngày nọ tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi muốn hoàn tục hay thậm chí tự sát. Ðây là loại đau khổ xuất phát từ tà kiến. Khi quý vị thấy được chân lý rồi thì quý vị từ bỏ được các quan niệm và ý niệm. Mọi việc đều trở nên an lạc.

Hỏi: Tôi đã và đang tu tập trạng thái tâm rất an lạc từ thiền định. Bây giờ tôi phải làm gì?

Ðáp: Như vậy thì tốt. Hãy làm cho tâm an lạc tập trung thêm nữa. Hãy thực hiện sự tập trung này để quán chiếu thân tâm. Khi tâm chưa an lạc quý vị cũng phải quán chiếu. Sau đó quý vị sẽ biết được an lạc thực sự. Tại sao? Bởi vì quý vị sẽ thấy được vô thường. Nếu quý vị dính mắc vào trạng thái tâm an lạc thì quý vị đau khổ khi quý vị thiếu chúng. Hãy từ bỏ mọi thứ, thâm chí cả sự an lạc.

Hỏi: Tôi có nghe rằng ngài đã từng sung sướng cho nên ngài sợ những ai tu tập rất cực lực có phải không?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Tôi sợ. Tôi sợ vì họ quá khắt khe. Họ tu tập quá sức nhưng không có trí tuệ. Họ tự đẩy mình đến điều đau khổ mà không cần thiết. Một số người trong quý vị đã kiên quyết để đạt được sự giác ngộ . Quý vị tự hành xác phấn đấu mọi lúc. Ðây là sự ép xác quá mức. Mọi người đều giống như nhau. Họ không biết bản chất của sự vật. Mọi cơ cấu thân tâm đều vô thường. Ðơn thuần là quán chiếu và đừng vướng mắc.

Những người khác cho rằng họ biết. Họ phê bình, họ theo dõi, họ phán xét. Ðiều này được thôi. Mặc kệ họ đi. Sự phân biệt này là một điều nguy hiểm. Nó giống như một con đường có khúc quanh rất hiểm trở. Nếu chúng ta cho rằng những người khác tồi tệ hơn hoặc tốt hơn hoặc giống như chúng ta thì như chúng ta bị lạc tay lái trong khúc quanh đó. Nếu chúng ta phân biệt, thì chúng ta chỉ đau khổ mà thôi.

Hỏi: Cho đến bây giờ tôi vẫn tu tập thiền được nhiều năm. Tâm tôi cởi mở và an lạc ở hầu hết mọi tình huống. Bây giờ tôi muốn cố gắng tu tập trở lại và tu tập tập trung cao hơn.

Ðáp: Ðiều này rất tốt. Nó là một bài tập tinh thần lợi ích. Nếu quý vị có trí tuệ, thì quý vị sẽ không vướng mắc vào trong trạng thái tập trung của tâm. Nó giống như việc muốn ngồi thiền lâu dài hơn. Ðiều này rất tốt cho việc tu tập. Nhưng thực tế, việc tu tập thì không giống như bất cứ oai nghi nào. Vấn đề chính ở đây là quán chiếu tâm. Ðây là trí tuệ. Khi quý vị đã quán chiếu và biết được tâm, sau đó quý vị đạt được trí tuệ để hiểu biết những nhược điểm của sự tập trung, hoặc của kinh sách. Nếu quý vị đã tu tập và hiểu biết được sự không vướng mắc rồi thì quý vị sẽ trở lại với kinh sách. Kinh sách sẽ giống như một buổi điểm tâm ngọt ngào, chúng giúp quý vị dạy dỗ những người khác, hoặc quý vị có thể trở lại việc tu tập cao hơn. Quý vị có trí tuệ là không nên bám víu vào bất cứ điều gì.

Hỏi: Xin ngài ôn lại một số điểm chính về cuộc thảo luận của chúng ta.

Ðáp: Quý vị phải quán chiếu bản thân. Phải biết quý vị là ai. Nhờ quán chiếu nên biết được thân tâm. Hãy biết giới hạn trong lúc ngồi, ăn, ngủ của mình. Hãy dùng trí tuệ. Sự tu tập thì không nhằm đạt được điều gì. Ðiều duy nhất là chánh niệm thôi. Toàn bộ việc thiền định của chúng ta là nhìn thẳng vào tâm. Quý vị sẽ thấy được đau khổ, nhân và quả của nó. Nhưng quý vị phải có sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn nhiều và bền bỉ. Dần dần quý vị sẽ hiểu ra. Ðức Phật dạy các đệ tử của mình là phải ở với các vị thầy của họ ít nhất là năm năm. Quý vị phải học hỏi những giá trị của sự tha thứ, nhẫn nại và hiến dâng.

Ðừng có tu tập quá nghiêm ngặt. Ðừng dính mắc hình thức bên ngoài. Theo dõi người khác là việc tu tập tồi tệ. Ðơn thuần là hãy để tự nhiên và quán chiếu điều đó. Giới luật của tỳ khưu và quy luật của thiền viện thì rất quan trọng. Hai điều này tạo nên một môi trường hài hòa và giản dị. Gìn giữ cho tốt đẹp các giới luật. Nhưng hãy nhớ, cơ bản giới luật của tỳ khưu là nổ lực chánh niệm. Quán chiếu tâm. Quý vị phải có trí tuệ. Ðừng có phân biệt. Liệu quý vị có cảm thấy bực mình một cây nhỏ trong rừng mà nó không được cao và thẳng như các cây khác? Ðây là một điều thật vớ vẩn. Ðừng phán xét những người khác. Có những sự khác biệt nhau. Không cần thiết phải cưu mang gánh nặng chuyển hóa họ.

Vì vậy hãy kiên nhẫn. Hãy tu tập giới luật. Sống giản dị và tự nhiên theo dõi tâm. Ðây là bài tập thực hành của chúng ta. Nó sẽ giúp cho quý vị không còn ích kỷ nữa. Dẫn đến an lạc.


Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]