Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương II- Phần 2

25/04/201319:18(Xem: 2596)
Chương II- Phần 2


Pháp Yếu Tu Tập - Tọa Thiền Chỉ Quán

Nguyên tác: Trí-Khải Ðại-Sư
Dịch giả: Thích-Thanh-Từ

---o0o---

Chương II - Phần 2

Phần Chánh Tôn (tiếp theo)

---o0o---

VI. Chánh Tu

Tu Chỉ, Quán có hai thứ: tu trong khi ngồi thiền và tu trong khi tiếp duyên đối cảnh.

A. Tu Trong Khi Ngồi Thiền

Cả bốn oai nghi đều tu được, nhưng người học đạo trong lúc ngồi tu thù thắng hơn, nên trước cuộc trong phạm vi ngồi để giải rõ Chỉ, Quán. Lược nói có 5 ý:

1. Tu Chỉ, Quán đối trị tâm thô loạn ban đầu

Nghĩa là hành-giả khi mới ngồi thiền vì tâm thô loạn nên phải tu Chỉ, Quán để phá trừ nó. Chỉ nếu không phá được liền nên tu Quán, cho nên nói: "Tu Chỉ, Quán đối trị tâm thô loạn ban đầu". Nay nói tu Chỉ, Quán có hai ý:

a) Tu Chỉ. Có ba thứ:

1) Hệ duyên thủ cánh chỉ: Là buộc tâm tại chót mũi và giữa rún v.v..., khiến tâm không tán loạn. Kinh chép: "Buộc tâm không buông lung, cũng như xích con vượn".

2) Chế tâm chỉ: Là tùy tâm vừa khởi liền kềm hãm lại, không cho nó dong ruổi tán loạn. Kinh chép: "Năm căn, tâm là chủ, thế nên các ông phải khéo dứt tâm".

Hai phần trên thuộc về sự tướng không cần phân biệt rộng.

3) Thể chơn chỉ: Là tùy tâm khởi niệm tất cả pháp đều biết do nhơn duyên sanh, nó không có tự-tánh thì tâm không chấp. Nếu tâm không chấp thì vọng niệm dứt, cho nên gọi là Chỉ. Như bài kệ trong kinh:

"Trong hết thảy các pháp,
Nhơn duyên sanh không chủ.
Dứt tâm suốt nguồn gốc,
Gọi là trí sa-môn".

Hành-giả khi mới tập ngồi thiền, tùy tâm khởi niệm tất cả pháp vọng niệm tiếp tục không dừng; tuy dùng phương-pháp thể chơn-chỉ như trên mà vọng niệm không dứt, phải quán trở lại chỗ khởi của tâm: "quá-khứ đã qua, hiện-tại chẳng dừng, vị-lai chưa đến, cùng tột ba thời trọn không thể được. Pháp đã không thể được thì tâm cũng không thể có; nếu tâm không có thì tất cả pháp đều không". Hành giả tuy quán tâm không trụ, đều không thể có, mà không phải không có cái hiểu biết niệm khởi liên-tục từng sát-na.

Loại quán tâm-niệm nầy do sáu căn bên trong và sáu trần bên ngoài, căn trần đối nhau cho nên có thức sanh, căn trần chưa đối thì thức hẳn không sanh. Quán sanh như thế, quán diệt cũng vậy. Danh-từ sanh diệt chỉ là giả-lập, tâm sanh-diệt đã diệt thì tịch diệt hiện-tiền. Trọn không có chỗ được, ấy gọi là Niết-bàn không tịch, thế là tâm vọng tự đứng vậy. Luận Ðại-Thừa Khởi-Tín chép: "Nếu tâm dong-ruổi tán-loạn, liền phải thu nhiếp trụ nơi chánh-niệm. Nói chánh-niệm, nên biết chỉ có tâm, không có ngoại cảnh; lại nội tâm nầy cũng không có tự tướng, mỗi niệm không thể có được". Người sơ tâm tu-học, tâm chưa có thể dừng trụ. Nếu cố ép cho nó trụ, thường hay phát cuồng. Phải như người tập bắn, tập lâu mới bắn trúng.

b) Tu Quán: Quán có hai thứ:

1. Ðối trị quán: Như quán bất-tịnh đối-trị tham dục, quán từ-bi đối-trị giận hờn, quán giới phân-biệt đối-trị chấp ngã, quán sổ-tức đối-trị loạn động v.v... Ở đây khỏi phải giải thích.

2. Chánh quán: Quán các pháp không tướng đều do nhân-duyên sanh; nhân duyên không tánh tức là thật tướng. Trước rõ cảnh bị quán tất cả đều không thì tâm năng quán tự-nhiên không khởi những đoạn văn trước và sau đã bàn nhiều về lý nầy, xin để tự hiểu. Như bài kệ trong kinh nói:

Các pháp không bền chắc
Thường ở trong tâm niệm
Người thấu đạt lý không
Tất cả không khởi niệm.

2. Tu Chỉ, Quán đối-trị tâm bệnh trầm, phù

Hành-giả khi ngồi thiền tâm mê muội không nhớ, hoặc nhiều ngủ gục, khi ấy nên tu Quán để chiếu phá nó. Nếu trong khi ngồi, tâm ấy phù động lăng xăng không yên, khi ấy nên tu Chỉ để chận đứng nó. Ấy là đã được nói tướng tu Chỉ Quán đối trị tâm bệnh phù, trầm; nhưng phải khéo biết thuốc và biết tướng bệnh mà đối dùng, mỗi mỗi đừng để mắc phải lỗi đối trị sai lạc.

3. Tùy tiện nghi tu Chỉ Quán

Hành-giả khi tọa thiền, tuy vì đối trị tâm trầm nên tu Quán chiếu, mà tâm vẫn không tỉnh sáng, cũng không có pháp-lợi; khi ấy nên thử tu Chỉ mà chận đứng nó. Nếu khi tu Chỉ liền biết thân tâm an-tịnh, là biết hợp với tu Chỉ, nên dùng Chỉ để an tâm. Nếu khi tọa thiền, tuy vì đối trị tâm phù-động nên tu Chỉ, mà tâm vẫn không an-trụ, cũng không có pháp-lợi, nên thử tu Quán. Nếu trong khi Quán liền biết thân tâm tỉnh sáng, an-ổn lặng-lẽ, là biết hợp tu Quán, liền nên dùng Quán để an tâm. Ðó là lược nói tướng tùy tiện-nghi tu Chỉ Quán. Chỉ cần khéo chọn pháp thích hợp mà tu thì tâm thần an-ổn loạn phiền não dứt, chứng được các pháp-môn.

4. Ðối-trị tế tâm trong định tu Chỉ Quán

Nghĩa là hành-giả trước dùng chỉ quán đối phá tâm thô loạn, loạn tâm đã dứt, liền được nhập-định; vì định tâm vi-tế, nên cảm biết như thân rỗng lặng thọ sự khoái lạc, hoặc tâm tiện-lợi phát khởi, thu nhận tâm tế-vi nầy, chấp lý lệch lạc tà vạy. Nếu không biết định tâm để ngăn dứt sự hư dối ấy, ắt sanh tham trước chấp cho là thật. Nếu biết nó là hư-dối không thật thì hai thứ phiền-não ái kiến không khởi ấy là tu chỉ. Nếu tâm đắm trước ái kiến kết nghiệp không dứt, khi ấy nên tu Quán. Quán tâm vi-tế trong định, nếu không thấy tâm ấy thì không chấp-định kiến; nếu không chấp định kiến thì ái kiến nghiệp phiền-não thảy đều diệt sạch, ấy gọi là tu Quán. Ðây là lược nói tướng đối-trị tâm vi-tế trong định tu Chỉ Quán. Phân biệt phương-pháp Chỉ, Quán cũng đồng như trước duy có phá lỗi định kiến vi-tế là khác.

5. Quân bình định-huệ tu Chỉ Quán

Hành-giả trong khi tọa thiền nhơn tu Chỉ, hoặc nhơn tu Quán được nhập thiền-định. Tuy được nhập định mà không có Quán-huệ, ấy là si định, không thể đoạn kiết. Hoặc quán-huệ kém ít thì không thể phát khởi được chân huệ, đoạn các kiết-sử, phát các pháp-môn. Khi ấy nên tu Quán mà phá dẹp thì định-huệ được quân-bình, hay đoạn được kiết-sử và chứng các pháp-môn.

Hành-giả trong khi tọa thiền nhơn quán, tâm rỗng-rang khai-ngộ, trí-huệ sáng-suốt, mà định tâm kém ít, nên tâm tán động, như ngọn đèn trước gió không chiếu rõ các vật, không thể xuất ly sanh-tử. Khi ấy nên tu Chỉ, do tu Chỉ mà tâm được định, như ngọn đèn để trong nhà kín, hay phá được tối tăm và soi vật rõ-ràng. Ðó là lược nói Quán-bình định huệ tu Chỉ-Quán. Hành giả nếu như thế trong khi ngồi thân ngay thẳng khéo dùng 5 ý tu Chỉ-Quán nầy, thủ hay xả không mất sự thích ứng của nó, là người ấy đã khéo tu Phật-pháp, vì khéo tu nên một đời không luống uổng vậy.

B. Tu Chỉ Quán Khi Trải Duyên Ðối Cảnh

Thân thường ngồi ngay thẳng tu Chỉ-Quán là phương-pháp thù-thắng cần-yếu để vào đạo, nhưng còn ngại khi thân tiếp duyên, đối cảnh. Nếu khi tiếp duyên đối cảnh mà không tu Chỉ-Quán, ấy là tu tâm có gián-đoạn, những kiết nghiệp khi xúc-cảnh liền sanh khởi, không thể chóng tương-ưng với Phật-pháp được. Nếu trong tất cả thời đều tu phương-tiện Chỉ-Quán thì chắc chắn người ấy thông-đạt Phật-pháp một cách nhanh chóng.

Thế nào là tu Chỉ-Quán khi trải duyên? - Nói duyên có 6 thứ: 1- Ði, 2- Ðứng, 3- Ngồi, 4- Nằm, 5- Làm việc, 6- Nói năng.

Thế nào là tu Chỉ-Quán khi đối-cảnh? - Nói cảnh là 6 trần: 1- Mắt đối sắc, 2- Tai đối tiếng, 3- Mũi đối mùi, 4- Lưỡi đối vị, 5- Thân đối xúc, 6- Ý đối pháp.

Hành-giả tùy trong 12 việc nầy mà tu Chỉ-Quán, gọi là khi trải duyên đối cảnh tu Chỉ-Quán.

Trải Duyên Tu Chỉ Quán

1. Ði:Nếu khi đi nên khởi nghĩ thế nầy: Ta nay vì những việc gì muốn đi? Nếu bị phiền-não sai-sử và việc ác, vô-ký mà đi thì không nên đi; nếu không phải bị phiền-não sai-sử, vì việc thiện lợi-ích, đúng pháp thì nên đi. Thế nào trong khi đi tu Chỉ? Nếu khi đi liền biết nhân sự đi mà có tất cả phiền não pháp thiện, ác v.v..., biết rõ tâm và tất cả pháp trong khi đi đều không thể được, thì tâm vọng niệm tự dứt, đó gọi là tu Chỉ. Thế nào trong khi đi tu Quán? Nên khởi nghĩ thế này: do tâm khiến thân động, cho nên có tới lui, gọi là đi. Nhơn việc đi nầy mà có tất cả phiền-não pháp-thiện, ác v.v..., liền phản quán tâm trong khi đi không thấy tướng mạo, phải biết người đi và tất cả pháp trong khi đi rốt ráo rỗng lặng, ấy gọi là tu Quán.

2. Ðứng: Khi đứng nên khởi nghĩ như thế nầy: ta nay vì những việc gì mà muốn đứng? Nếu vì các phiền não và việc ác, vô ký mà đứng thì không nên đứng; nếu vì việc thiện, lợi ích thì nên đứng. Thế nào trong khi đứng tu Chỉ? Nếu khi đứng liền biết nhơn đứng mà có tất cả phiền não, pháp thiện, ác v.v... biết rõ râm và tất cả pháp trong khi đứng đều không thể được thì tâm vọng niệm dứt, ấy là tu Chỉ. Thế nào trong khi đứng tu Quán? Nên khởi nghĩ thế nầy: Do tâm khiến thân dừng, nên gọi là đứng. Vì nhơn đứng mà có tất cả phiền-não, pháp thiện, ác v.v... phải phản quán tâm trong khi đứng không thấy tướng mạo, nên biết người đứng và tất cả pháp trong khi đứng rốt-ráo, rỗng lặng, ấy gọi là tu Quán.

3. Ngồi: Khi ngồi nên khởi nghĩ thế nầy: Ta nay vì những việc gì mà muốn ngồi? Nếu vì phiền-não và việc ác, vô ký v.v... thì không nên ngồi; vì việc thiện, lợi-ích thì nên ngồi. Thế nào trong khi ngồi tu Chỉ? Nếu khi ngồi phải biết rõ nhơn ngồi nên có tất cả phiền-não pháp thiện, ác v.v... mà thật không có một pháp có thể được, thế là tâm vọng-niệm không sanh, ấy gọi là tu Chỉ. Thế nào trong khi ngồi tu Quán? Nên khởi nghĩ thế nầy: Do tâm nghỉ nên xếp chân ngồi yên, nhơn đó có tất cả pháp thiện, ác v.v... cho nên gọi là ngồi. Phải quán trở lại tâm trong khi ngồi không thấy tướng mạo, nên biết người ngồi và tất cả pháp trong khi ngồi rốt-ráo rỗng lặng. Ấy gọi là tu Quán.

4. Nằm: Khi nằm nên khởi nghĩ thế nầy: Ta nay vì việc gì mà muốn nằm? Nếu vì việc không lành, phóng-túng v.v... thì không nên nằm; nếu vì điều-hòa tứ đại mà nằm thì nên nằm như Sư-tử nằm. Thế nào trong khi nằm tu Chỉ? Nếu khi nằm ngủ, nghỉ, phải biết rõ vì nhơn nằm mà có tất cả pháp thiện, ác... nhưng thật không có một pháp có thể được, thế là vọng niệm không khởi, ấy gọi là tu Chỉ. Thế nào trong khi nằm tu Quán? Nên khởi nghĩ thế nầy: Do sự nhọc-nhằn nên sanh mờ-mịt, buông lung sáu tình, nhơn đó mà có tất cả phiền-não pháp thiện, ác v.v... liền phải phản quán tâm trong khi nằm không thấy tướng mạo, nên biết người nằm và tất cả pháp trong khi nằm rốt-ráo rỗng lặng, ấy gọi là tu Quán.

5. Làm việc: Nếu khi làm việc nên khởi nghĩ thế này: Ta nay vì việc gì mà muốn làm như thế? Nếu vì việc bất thiện, vô ký v.v... thì không nên làm; nếu vì việc thiện, lợi-ích thì nên làm. Thế nào trong khi làm việc tu Chỉ? Nếu khi làm việc nên biết rõ vì nhơn làm việc mà tất cả pháp thiện, ác v.v..., nhưng thật không có một pháp có thể được, thế là vọng-niệm không khởi ấy gọi là tu Chỉ. Thế nào khi làm việc tu Quán? Nên khởi nghĩ thế nầy: Do tâm khiến thân chuyển động, nay mới tạo-tác các việc không có tướng mạo, nên biết người làm việc không có tướng mạo, nên biết người làm và tất cả pháp trong khi làm rốt-ráo rỗng lặng ấy gọi là tu Quán.

6. Nói năng: Nếu khi nói lên khởi nghĩ thế nầy: Ta nay vì việc gì muốn nói? Nếu tùy thuận phiền-não luận bàn những việc ác, vô ký v.v... thì không nên nói; nếu vì việc thiện, lợi-ích thì nên nói. Thế nào trong khi nói tu Chỉ? Nếu khi nói liền biết bởi nhơn lời nói nầy mà có tất cả phiền-não pháp thiện, ác v.v... biết rõ tâm và tất cả phiền-não, pháp thiện, ác v.v... trong khi nói đều không thể được thì tâm vọng-niệm liền dứt, ấy gọi là tu Chỉ. Thế nào trong khi nói tu Quán? Nên khởi nghĩ thế nầy: Do tâm xét nghĩ kích-động hơi thở xông lên cổ họng, môi, lưỡi, răng, ổ gà, cho nên xuất ra những tiếng nói. Bởi nhơn tiếng nói nầy, mà có tất cả pháp thiện, ác v.v... nên gọi là nói. Phản quán tâm trong khi nói không thấy tướng mạo, phải biết người nói và tất cả pháp trong khi nói rốt-ráo rỗng lặng, ấy gọi là tu Quán.

Trở lên 6 nghĩa tu-tập Chỉ-Quán tùy thời thích hợp mà dùng, mỗi nghĩa đều có ý tu Chỉ Quán của 5 phần trước. Như trước đã nói.

Ðối Cảnh Tu Chỉ Quán

1. Khi mắt thấy sắc tu Chỉ Quán: Tùy khi thấy sắc, tưởng như trăng thấy đáy nước không có thật thể. Nếu thấy sắc đáng yêu không khởi lòng tham ái, thấy sắc đáng ghét không sanh tâm giận ghét, thấy sắc không yêu, không ghét, không khởi si-mê và loạn tưởng, ấy là tu Chỉ. Thế nào là khi mắt thấy sắc tu Quán? Nên khởi nghĩ thế nầy: Những hình sắc trông thấy, tướng của nó là không-tịch. Tại sao? Vì ở trong căn, trần, không, minh kia, do nhân-duyên hòa-hiệp mới sanh nhãn-thức, kế sanh ý-thức phân biệt các thứ hình sắc, nhơn đó, có tất cả pháp phiền-não, thiện, ác v.v... Phản quán tâm nghĩ tưởng sắc ấy không thấy tướng mạo, nên biết thấy sắc và tất cả pháp cứu-kính không tịch, ấy là tu Quán.

2. Khi tai nghe tiếng tu Chỉ Quán: Tùy khi nghe tiếng, nên xét tiếng, như âm vang. Nếu nghe tiếng êm tai thích ý, không khởi lòng yêu mến, nghe tiếng trái tai nghịch ý không sanh tâm giận hờn, nghe tiếng không thích, không trái chẳng khởi tâm phân biệt, ấy là tu Chỉ. Thế nào trong khi nghe tiếng tu Quán? Nên khởi nghĩ thế này: Những tiếng nghe, nó không thực có, chỉ do căn, trần hòa hợp sanh nhĩ thức, kế sanh ý-thức gắng khởi phân biệt, nhơn đây có tất cả pháp phiền-não, thiện, ác v.v..., gọi là nghe tiếng. Phản quán tâm nghe tiếng không thấy tướng mạo, nên biết nghe tiếng và tất cả pháp cứu kính không tịch, ấy là tu Quán.

3. Khi mũi ngửi mùi tu Chỉ Quán: Tùy khi mũi ngửi mùi, biết nó như hơi như khói không thật. Nếu ngửi mùi thơm thích ý không khởi lòng đam mê, ngửi mùi hôi trái ý không khởi tâm ghét giận, ngửi mùi thơm, không hôi chẳng sanh loạn niệm, ấy là tu Chỉ. Thế nào trong khi ngửi mùi tu Quán? Phải nghĩ thế nầy: ta nay ngửi mùi tu Quán? Phải nghĩ thế nầy: ta nay ngửi mùi nó hư dối không thật. Tại sao? Vì căn trần hòa-hợp sanh tỷ thức, kế sanh ý thức cố chấp nhận tướng mùi, nhơn đó có tất cả pháp phiền-não, thiện, ác v.v..., cho nên gọi là ngửi mùi . Phản quán tâm ngửi mùi không thấy tướng mạo, nên biết ngửi mùi và tất cả pháp cứu-kính không tịch, ấy là tu Quán.

4. Khi lưỡi nếm vị tu Chỉ Quán: Tùy lưỡi nếm liền nghĩ như trong mộng được thức ăn. Nếu được vị ngon không khởi lòng tham đắm, được vị dở không khởi tâm giận ghét, vị không ngon, không dở chẳng khởi ý phân biệt, đó là tu Chỉ. Thế nào trong khi lưỡi nếm vị tu Quán? Nên xét thế nầy: Ta nay nếm các vị thật không thể được. Tại sao? Vì sáu vị trong, ngoài tánh nó không có phân biệt, nhơn hòa-hiệp với thiệt căn bên trong mà sanh thiệt-thức, kế sanh sanh ý-thức cố gắng chấp nhận tướng vị, nhơn đó mới có tất cả pháp phiền-não, thiện, ác v.v... Phản quán thức duyên vị không thấy tướng mạo, nên biết người nếm vị và tất cả pháp cứu-kính không-tịch, ấy là tu Quán.

5. Khi thân xúc chạm tu Chỉ Quán: Tuy khi xúc chạm liền biết nó như bóng huyễn hòa không thật, nếu xúc cái vui thích ý không khởi tham trước, xúc chạm cái khổ trái ý không khởi tâm ghét giận, xúc chạm cái không vui, không khổ chẳng khởi nhớ tưởng phân biệt, ấy là tu Chỉ. Thế nào khi xúc chạm tu Quán? Nên khởi nghĩ thế này: Chạm những cái nhẹ, nặng, lạnh, nóng, trơn, nhám, v.v..., gọi là xúc; đầu mình sáu phần gọi là thân; tánh xúc đã hư giả, thân cũng không thiệt, do nhân duyên hòa hợp liền sanh thân thức, kế sanh ý thức nhớ tưởng phân biệt tướng khổ, vui v.v..., gọi là xúc. Phản quán tâm duyên xúc nầy không thấy tướng mạo, phải biết người xúc chạm và tất cả pháp cứu-kính không tịch, ấy là tu quán.

6. Trong khi ý biết pháp tu Chỉ Quán: Như trong đoạn dạy sơ tọa thiền đã nói rõ. Từ trước y sáu căn tu Chỉ Quán, tùy ý thích dùng mà áp dụng, mỗi mỗi đều có đủ năm ý ở trước, trong đó đã phân biệt rộng, ở đây không cần biện giải lại. Hành-giả nếu hay trong tất cả chỗ: đi, đứng, ngồi, nằm, thấy, nghe, hiểu, biết, v.v..., mà tu Chỉ Quán, là người ấy chân thật tu theo Ðại-Thừa. Như kinh Ðại Phẩm chép: "Phật bảo ông Tu-Bồ-Ðề: Nếu Bồ-tát khi đi thì biết đi, khi ngồi thì biết ngồi cho đến mặc y Tăng-già-lê, nhìn, chợp mắt... đều nhứt tâm, ra vào điều trong thiền-định, chính người ấy là Bồ-tát Ðại-Thừa".

Lại nữa, nếu người hay như thế trong tất cả chỗ tu hạnh Ðại-Thừa, người ấy ở thế-gian là bậc tối thắng, tối thượng không có ai bì kịp. Trong Bộ-Thích-Luận, bài kệ nói:

Yên ngồi trong rừng vắng,
Lặng lẽ diệt các ác,
Ðạm bạc được nhứt tâm,
Vui đây trời khó bì.
Người cầu lợi thế-gian,
Giường, nệm, áo quần đẹp,
Vui vầy không an ổn,
Cầu lợi không chán nhàm.
Áo nhuộm ở chỗ vắng,
Ðộng tịnh tâm thường nhứt,
Tự lấy trí-huệ sáng,
Quán thật tướng các pháp,
Trong tất cả các pháp,
Thảy đều do quán nhập,
Tâm giải huệ lóng lặng,
Ba cõi khôn so kè.

VII. Tướng Thiện Căn Khai Phát

Hành-giả nếu hay từ Giả nhập Không quán Trung, tu Chỉ Quán như thế thì trong khi tọa thiền thân tâm sáng suốt. Khi ấy sẽ có các thứ thiện-căn khai phát cần phải biết rõ. Nay lược nói Tướng-Thiện-Căn khai phát có hai thứ:

A. Tướng Thiện Căn Khai Phát Bên Ngoài

Nghĩa là những việc thiện khai phát như: bố-thí, trì-giới, ở hiếu thuận cha mẹ, tôn trưởng, cúng dường Tam-Bảo và nghe kinh, học đạo v.v... Nếu không tu hành chân chánh sẽ bị ma cảnh chen vào. Ở đây khỏi phải giải thích.

B. Tướng Thiện Căn Khai Phát Bên Trong

Nghĩa là những pháp-môn thiền-định thiện-căn khai phát. Có chỗ nói các pháp-môn thiền-định thiện-căn khai phát có ba ý:

1. Hiểu rõ tướng Thiện-căn khai phát

Có năm thứ:

a) Tướng sổ tức thiện-căn khai phát: Hành-giả vì khéo tu Chỉ Quán nên thân tâm được điều hòa, vọng-niệm dừng bặt, nhơn đó tự biết tâm dần dần nhập định, phát các định Dục-giới Vị-đáo-địa, thân tâm lặng lẽ rỗng rang, định tâm an ổn. Ở trong định nầy đều không thấy có tướng-mạo của thân tâm. Về sau, hoặc trải một phen ngồi, hai phen ngồi, nhẫn đến một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng lần lần dứt hết không còn đắc thắc hay lui sụt. Chính ở trong định chợt biết thân tâm vận động phát ra tám thứ cảm-giác. Nghĩa là cảm-giác thân đau, ngứa, lạnh, ấm, nhẹ, nặng, nhám, trơn. Trong khi cảm-giác thân tâm an-định, rỗng rang thư thới, vui-vẻ thanh-tịnh không có gì sánh bằng. Ấy là biết tướng "Sổ-tức Thiền-định căn-bản thiện-căn khai phát". Hành-giả hoặc ở trong định Dục-giới vị-đáo-địa thoạt-nhiên biết hơi thở ra, vào, dài, ngắn, những lỗ chân lông khắp thân đều trống hở. Dùng tâm nhãn thấy cả 36 vật ở trong thân, như mở cửa kho thấy các thứ đậu, mè v.v..., tâm sợ, mừng, vắng-lặng, an vui. Ấy là tướng "Tùy tức đặc thằng hiện căn khai phát".

b) Tướng bất tịnh quan thiện-căn khai phát: Hành giả nếu được định Dục-giới vị-đáo-địa, ở trong định nầy thân tâm rỗng lặng, thoạt nhiên thấy thân người nam, nữ chết; chết rồi phát sình, nức nở, vôi tửa, máu mủ tươm ra, thấy xương trắng bừa bãi, trong tâm sanh buồn, mừng, nhàm chán sự yêu thương. Ðó là Tướng "Cửu tưởng thiện-căn khai phát". Hoặc ở trong định yên lặng chợt thấy bên trong thân nhớp nhúa, bên ngoài thân sình chương, rạn nứt, thân mình xương trắng từ đầu đến chân từng lóng gá nhau. Thấy việc ấy rồi, định tâm an-ổn tỉnh ngộ lý vô-thường, chán nhàm ngũ-dục, không chấp ngã, nhơn. Ðó là Tướng "Bội Xả thiện-căn khai phát". Hoặc trong khi định tâm thấy trong thân tất cả loài phi cầm tẩu thú, đồ mặc, thức ăn uống, phòng nhà, rừng núi thảy đều bất tịnh. Ðây là Tướng "Ðại Bất Tịnh thiện-căn khai phát".

c) Tướng từ tâm thiện-căn khai phát: Hành-giả tu Chỉ Quán, hoặc được định Dục-giới vị-đáo-địa, ở trong định nầy thoạt-nhiên phát tâm thương, nhớ tưởng, chúng-sanh. Hoặc vin nơi người thân, được tướng an vui liền phát thâm-định, nội tâm vui vẻ thanh-tịnh không thể thí-dụ. Hoặc vin nơi người không thân, không sơ, kẻ oán thù, nhẫn đến năm loài chúng-sanh trong mười phương cũng lại như thế. Sau khi xuất định tâm vãn vui-vẻ thấy người nào gương mặt cũng hòa nhã. Ấy là Tướng "Từ tâm thiện-căn khai phát". Tướng Bi tâm, Hỷ tâm, Xả tâm khai phát, so cái nầy có thể biết.

d) Tướng nhân duyên quán thiện-căn khai phát: Hành-giả nhơn tu Chỉ Quán, hoặc được định Dục-giới vị-đáo-địa thân tâm an-tịnh. Thoạt nhiên tâm sanh giác ngộ, suy tầm các nhân duyên: vô minh, hành v.v... trong ba đời, không thấy tướng nhân, ngã, lìa đoạn-kiến, thường-kiến, phá các chấp kiến, được định an ổn, giải huệ khai phát, tâm sanh pháp-hỷ, không nhớ việc thế-gian, nhẫn đến trong ngũ ấm, thập nhị-xứ, thấp bát-giới phân-biệt cũng như vậy. Ðó là Tướng "Nhân duyên quán thiện-căn khai phát".

e) Tướng niệm Phật thiện-căn khai phát: Hành giả nhơn tu Chỉ Quán hoặc được định Dục-giới vị-đáo-địa thân tâm rỗng lặng. Thoạt nhiên nghĩ nhớ chư Phật có công đức, tướng-hảo không thể nghĩ bàn; có pháp thập-lực, từ-vô-sở-úy, thập-bát-bất-cộng, tam-muội, giải-thoát v.v... không thể nghĩ bàn; có thần thông, biến-hóa, thuyết pháp không ngăn ngại, lợi ích chúng-sanh không thể nghĩ bàn; như thế, những công-đức vô lượng không thể nghĩ bàn. Khi khởi niệm ấy liền sanh tâm kính mến, tam-muội khai phát, thân tâm khoái-lạc, thanh-tịnh an-ổn, không có các tướng ác. Sau khi xuất định, thân thể nhẹ nhàng tự biết có công-đức cao vọi, được người yêu kính. Ấy là Tướng "niệm Phật tam-muội thiện-căn khai phát".

Lại nữa, hành-giả nhơn tu Chỉ, Quán nếu được thân tâm lóng sạch, hoặc phát tướng vô-thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, tướng nhàm chán sự ăn uống, bất tịnh ở thế gian, tưởng khi chết lìa tất cả, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên, niệm xứ, chánh-cần, như-ý, ngũ-căn, ngũ-lực, thất giác-chi, bát thánh đạo, không, vô-tướng, vô tác, lục-độ, các thứ ba-la-mật, thần thông, biến hóa v.v..., tướng tất cả pháp-môn phát hiện, trong ấy nên rộng phân biệt. Cho nên trong kinh nói: "Giữ tâm một chỗ không việc gì chẳng xong".

2. Phân biệt chơn ngụy

Có hai thứ:

a) Biện tướng thiền tà-ngụy phát hiện: Hành-giả nếu khi phát các thứ Thiền như trước, mỗi pháp tùy nhơn hiện ra: Hoặc thân xao động, hoặc thân nặng nề như bị vật gì đè lên, hoặc thân nhẹ nhàng muốn bay, hoặc như bị trói buộc, hoặc xiêu vẹo ngũ mê, hoặc rất lạnh, rất nóng, hoặc thấy bao nhiêu cảnh giới khác lạ, hoặc tâm mờ-mịt, hoặc khởi nghĩ tưởng dữ, hoặc nhớ các việc thiện tạp nhạp bên ngoài khiến tâm tán-loạn, hoặc vui mừng loạn động, hoặc buồn-bã lo rầu, hoặc những thứ dữ chạm vào rợn người lòng dựng đứng, hoặc rất vui khiến say mê. Những thứ tà pháp như thế cùng với thiền đồng phát gọi là tà-ngụy.

Những thứ tà định nầy, nếu người mê thích tức là cùng 95 thứ quỉ thần tương-ưng, phần nhiều ưa mất trí điên cuồng. Hoặc khi các loài quỉ thần biết được những điều mà người tu thiền ưa thích liền giúp thế lực khiến các thứ tà định, tà trí, biện-tài, thần-thông làm mê lầm xao-động người thế-gian. Những kẻ ngu trông thấy cho là chứng đạo quả, thảy đều tin phục; kỳ thật người kia trong tâm điên-đảo, chuyên hành pháp quỉ làm mê loạn thế gian. Người ấy khi chết hằng không gặp Phật, lại đọa trong các loài quỉ thần. Nếu khi ngồi phần nhiều hành theo pháp ác tức đọa địa-ngục. Hành-giả khi tu Chỉ, Quán, nếu chứng các thứ thiền như thế, có những tướng tà-ngụy nầy liền phải đuổi nó. Làm thế nào đuổi nó? - Hoặc biết nó là hư dối, chánh tâm không thọ, không đắm trước liền tự tiêu diệt; nên dùng chánh quán phá nó tức thì dứt sạch.

b) Biện-tướng thiền chân-chánh phát hiện: Hành-giả nếu trong khi ngồi phát các thứ thiền không có những tướng tà-ngụy như trước đã nói, tùy mỗi thứ thiền khi phát hiện liền biết cùng với định tương-ưng; sáng suốt, thanh-tịnh, trong tâm vui mừng, lặng-lẽ khoái lạc, không có che đậy, thiện tâm khai phát, lòng tin kính tăng-trưởng, trí soi xét phân-minh, thân tâm êm dịu, tinh-tế rỗng lặng, nhàm chán thế-gian, không tác-động, không tham muốn, ra vào tự-tại, ấy là người chánh thiền khai phát. Ví như cộng sự với người ác thì thường bị lo phiền, nếu cộng sự với người thiện thì hằng gặp những việc tốt, phân-biệt tướng hai thứ thiền tà, chánh phát hiện cũng như vậy.

c) Khéo dùng Chỉ Quán nuôi lớn các thiện-căn: Nếu trong khi ngồi, các thứ thiện-căn khai phát nên dùng hai pháp Chỉ Quán tiến tu, khiến nó tăng-trưởng. Nếu nên dùng Chỉ thì lấy Chỉ mà tu, nếu nên dùng Quán thì lấy Quán mà tu. Phần trước đã nói đủ, ở đây chỉ lược bày đại-ý.

VIII. Hiểu biết Ma Sự

Tiếng Phạn gọi là Ma-la (Mara), đời Tần dịch là Sát. Nó cướp của công-đức và giết mạng trí-huệ của người tu-hành, nên gọi là ác ma. Sự là lấy công-đức trí-huệ độ thoát chúng-sanh vào Niết-bàn là Phật-sự; thường phá-hoại căn lành của chúng-sanh khiến lưu chuyển trong vòng sanhh-tử là Ma-sự. Nếu người khéo an tâm trong chánh-đạo mới biết đạo càng cao, ma càng thạnh. Phải biết Ma-sự có bốn loại:

1- Ma phiền-não.
2- Ma ấm, nhập, giới.
3- Ma chết.
4- Ma quỉ thần.

Ba loại ma trước đều là việc thường ở thế-gian và tùy tâm người sanh ra, nên phải tự tâm chân chánh đuổi trừ nó, ở đây không phân-biệt. Tướng ma quỉ thần là điều cần phải biết, đây lược nêu ra. Quỉ thần có ba loại:

a) Ma Tinh-mị: Là loài thú theo 12 giờ, nó biến-hóa làm các thứ hình sắc. Hoặc nó hóa người thiếu-nử, người già nua, nhẫn đến những hình tướng đáng sợ không phải ít để làm não loạn người tu-hành. Các loài Tinh-mị nầy não hại người tu, mỗi loài đến theo giờ của nó, phải biết rành rõ. Nếu giờ Dần (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt là loài cọp v.v... Nếu giờ Mẹo (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt là loài thỏ, nai v.v... Nếu giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài rồng, trạnh v.v... Nếu giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài rắn, trăn v.v... Nếu giờ Ngọ (11 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài ngựa, lừa, lạc đà v.v... Nếu giờ Mùi (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài dê v.v... Nếu giờ Thân (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt loài khỉ, vượn v.v... Nếu giờ Dậu (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt loài gà, chim v.v... Nếu giờ Tuất (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài chó, chó sói v.v... Nếu giờ Hợi (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài lợn v.v... Nếu giờ Tý (11 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài chuột v.v... Nếu giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài trâu v.v... Hành giả nếu thấy chúng thường dùng những giờ này đến, tức biết những loài tinh thú ấy, kêu tên nó mà quở trách liền phải tiêu diệt.

b) Ma Ðôi-dịch: Nó cũng làm những việc xúc chạm não loạn người tu hành. Hoặc hóa như con sâu, con mọt bò lên đầu, mặt người vùi, chích, chớp nhán; hoặc bươi, vạch dưới hai nách của người; hoặc chợt ôm người giữ người; hoặc kêu vang lên làm ồn hóa hình các loài thú rất nhiều tướng lạ. Khi nó đến não loạn, người tu liền nên nhứt tâm nhắm mắt lại, thầm mắng nó thế nầy: "Ta nay đã biết ngươi, ngươi là loài quỉ Thâu-lạp-kiết-chi tà-kiến ưa phá giới ngửi mùi ăn lữa trong cõi Diêm-phù-đề, ta nay giữ giới quyết không sợ ngươi". Nếu người xuất-gia nên tụng Giới bổn, nếu người tại-gia nên tụng tam-qui, ngũ-giới v.v... thì bọn quỉ nầy khúm-rúm rút lui. Nếu có hóa các thứ tướng mạo làm chướng nạn người tu như thế và các phương-pháp đoạn trừ, ở trong kinh thiền có nói rộng.

c) Ma nảo: Bọn ma nầy hay hóa làm ba thứ cảnh-tướng ngũ-trần đến phá thiện tâm người.

1. Hóa cảnh nghịch ý: Như hóa cọp, sói, sư-tử, những hình-tượng đáng sợ, là ngũ-trần ghê sợ khiến người phải khinh khủng.

2) Hóa cảnh thuận ý: Như hóa hình-tượng cha mẹ, anh em, chư Phật và nam, nữ đẹp đẽ đáng yêu, là ngũ-trần yêu thích khiến người sanh tâm đắm mến.

3) Hóa cảnh không thuận không nghịch: Là cảnh ngũ-trần bình thường làm loạn động tâm người tu-hành khiến mất thiền-định.

Thế nên, ma gọi là "Sát", cũng gọi là "Mũi tên hoa", cũng không là "năm mũi tên"; vì nó bắn vào năm giác quan của người. Giữa vật-chất và tinh-thần nó tạo ra bao nhiêu cảnh-giới làm mê-lầm não-loạn người tu hành, nên gọi là ma. Hoặc nó tạo ra những thứ âm-thinh: hay, dở; những thứ mùi: thơm, hôi; tạo ra những thứ vị: ngọt, đắng, nhữn cảnh-giới: khổ, vui, đến làm xúc-não thân người đều là việc của ma, tướng nó rất nhiều ở đây không thể kể hết. Tóm phần trọng-yếu, nếu tạo những thứ ngũ-trần làm não-loạn người, khiến mất pháp lành, khởi các phiền-não đều là ma-quân. Do nó hay phá hoại tính bình-đẳng của Phật-pháp, khởi các pháp chướng đạo: tham-dục, lo buồn, giận hờn, ngủ mê v.v... Như bài kệ trong Kinh chép:

Dục ma quân thứ nhứt,
Ưu sầu đội thứ hai,
Ðói khát quân thứ ba,
Mến yêu là thứ tư,
Ngủ mê quân thứ năm,
Kinh sợ đội thứ sáu,
Nghi hối quân thứ bảy,
Giận hờn là thứ tám,
Mê danh-lợi thứ chín,
Ngã-mạn là thứ mười.
Như thế, những thứ quân,
Ðắm người xuất-gia.
Ta lấy sức thiền trí
Phá dẹp các quân ma,
Ðược thành Phật đạo rồi,
Ðộ thoát tất cả người.

Hành giả đã biết việc ma, cần phải đuổi nó. Phương pháp đuổi có hai:

1. Tu chỉ đuổi: Phàm thấy tất cả cảnh ma bên ngoài đều biết là hư dối, không lo, không sợ, cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, dứt tâm lặng yên thì ma tự tiêu diệt.

2. Tu quán đuổi: Nếu thấy các cảnh ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Nếu nó trì hoản không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh-niệm không động, biết trên bản tánh chân-như ma-giới tức là Phật-giới; nếu ma-giới là Phật-giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì ma-giới không xả, Phật-giới không thủ, Phật-pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt.

Lại nữa, nếu thấy ma cảnh không tiêu chẳng cần phải lo, nếu thấy tiêu diệt cũng chớ sanh mừng. Vì cớ sao? - Vì chưa từng thấy có người ngồi thiền thấy ma hóa làm cọp, sói đến ăn thịt, cũng chưa từng thấy ma hóa là nam, nử đến kết làm vợ chồng, chính nó là huyển-hóa. Người ngu không rõ tâm sanh kinh sợ và khởi lòng tham đắm, nhơn đó mà tâm loạn, mất thiền-định và sanh cuồng, tự chuốc lấy họa hoạn đều tại mình không có trí-huệ mà thọ hại, không phải tại ma gây nên. Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, chỉ phải đoan tâm chánh-niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Ðại-thừa, Phương-đẳng và Thần-chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam-bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng chú để tự đề phòng, sám hối, hổ-thẹn và tụng giới-luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt. Ma-sự rất nhiều nói không thể hết, phải khéo biết nó.

Thế nên, người sơ tâm tu-hành cần phải gần gũi thiện-tri-thức. Nếu có những việc nan như vậy ấy là ma nhập tâm người hay khiến người tâm thần cuồng loạn, hoặc mừng, hoặc lo, nhơn đó thành bệnh đến chết. Hoặc khi ma cho được tà thiền-định, trí-huệ, thần-thông, đà-la-ni, thuyết pháp giáo hóa, người đều kính phục, về sau phá hoại việc lành xuất-thế của người và phá hoại chánh-pháp. Những việc ma như thế, có nhiều loại sai biệt không thể nói hết. Nay lược chỉ bày những điều cần yếu để cho người tu trong lúc tọa thiền không lầm nhận các cảnh-giới ma.

Nói tóm lại, nếu muốn dẹp tà về chánh phải quán thật tướng của các pháp, khéo tu Chỉ Quán thì không có cái tà nào mà không dẹp được. Cho nên trong Kinh Luận chép: "Trừ thật tướng của các pháp, kỳ dư tất cả là ma-sự". Như bài kệ chép:

Nếu phân-biệt nhớ tưởng,
Tức là lưới của ma,
Không động, không phân biệt,
Ấy tức là pháp ấn.

IX. Trị Bệnh

Hành-giả chuyên tâm tu hành, hoặc tứ đại có bệnh là vì dùng quán tâm, quán hơi thở kích động bệnh cũ phát khởi. Hoặc không khéo điều hòa ba việc - thân, tâm, hơi thở - trong, ngoài có chỗ sai siển, cho nên có bệnh-hoạn. Phàm phương-pháp tọa thiền nếu khéo dụng tâm thì 404 bệnh tự nhiên lành, nếu dụng tâm sai siển thì 404 bệnh nhơn đó phát sanh. Thế nên, nếu tự tu hay dạy người tu, phải khéo biết gốc bệnh, phải khéo biết phương-pháp dùng nội tâm trị bệnh trong lúc tọa thiền. Một phen phát bệnh chẳng những chướng ngại sự tu-hành, còn lo mất mạng là khác.

Nay nói về pháp trị bệnh có hai ý:

1.- Tướng bệnh phát khởi.
2.- Phương-pháp trị bệnh.

1. Tướng bệnh phát khởi. Bệnh phát tuy có nhiều cách, lược nói không ngoài hai thứ:

a) Tướng bệnh do tứ đại tăng giảm: Nếu địa đại tăng thì mắc bệnh thủng kiết trầm trọng, thân thể khô gầy, như thế 101 bệnh sanh. Nếu thủy đại tăng thì đàm ấm dẫy đầy, ăn uống không tiêu, đau bụng, hạ hơi v.v... 101 bệnh sanh. Nếu hỏa đại tăng thì chợt lạnh, chợt nóng toàn thân đau nhức, hôi miệng, đại tiểu không thông v.v... 101 bệnh sanh. Nếu phong đại tăng thì thân-thể lơ lửng trên không, lăn lộn đau nhức, phổi ưng thở gấp, ụa mửa mệt lả, như thế v.v... 101 bệnh sanh. Cho nên trong Kinh nói: "Một đại không điều-hòa thì 404 bệnh sanh, tứ đại không điều-hòa thì 404 bệnh đồng khởi". Tứ đại phát bệnh mỗi thứ có tướng mạo của nó, chính trong khi ngồi thiền và trong khi mộng phải khảo sát cho rõ.

b) Tướng ngũ-tạng sanh bệnh: Từ tim sanh bệnh thì thân-thể nóng, lạnh, đầu nhứt, miệng khô v.v..., vì tim là chủ về miệng. Từ phổi sanh bệnh thì thân thể mập phù, tứ chi mỏi mê, mũi nghẹt v.v..., vì phổi chủ về mũi. Từ gan sanh bệnh trong lòng thường không vui, buồn rầu, thương lo, giận hờn, đầu nhức, mắt mờ v.v..., vì gan chủ về con mắt. Từ lá lách sanh bệnh thì thân-thể và trên mặt nổi phong khắp cả, ngứa ngáy đau nhức, ăn uống không ngon v.v..., vì lá lách chủ về lưởi. Từ trái cật sanh bệnh thì ở cổ sanh nấc-cục, bụng no, lỗ tai bùng v.v..., vì trái cật chủ về lỗ tai. Năm tạng sanh bệnh rất nhiều, mỗi cái có tướng của nó, phải xem xét trong khi ngồi thiền và trong mộng thì biết được.

Như thế nguyên-nhân sanh bệnh của tứ-đại, ngũ-tạng không phải một, tướng bệnh rất nhiều không thể nói hết. Hành-giả nếu muốn tu pháp-môn Chỉ Quán để thoát ly sanh-tử, phải khéo biết nguyên-nhân sanh bệnh. Hai thứ bệnh nầy nguyên nhân chung là do trong và ngoài phát động. Hoặc do dụng tâm không điều hòa, quán hạnh sai lạc, hoặc do khi pháp định phát sanh không biết giữ gìn đến khiến tứ đại, ngũ tạng sanh bệnh, ấy là tướng bệnh do bên trong phát khởi.

Lại nữa, có ba thứ nhơn-duyên khiến người mắc bệnh:

1.- Tứ đại, ngũ tạng tăng giảm khiến người mắc bệnh như đã nói trên.
2.- Quỉ thần gây nên khiến người mắc bệnh.
3.- Nghiệp báo khiến người mắc bệnh. Những bệnh như thế, mới mắc phải sớm trị rất dễ được lành, nếu để qua thời-gian lâu bệnh thành thục, thân gầy bệnh nặng chữa trị rất khó lành.

2. Phương-pháp trị bịnh

Ðã rõ nguyên-nhân phát bệnh, cần tạo phương-pháp trị bệnh. Phương-pháp trị bệnh có nhiều cách, tóm lược không ngoài hai phương tiện Chỉ và Quán. Thế nào là dùng Chỉ trị bệnh? - Có thầy nói: "Phải an tâm ngưng tại chỗ bệnh, tức là bệnh lành. Tại sao? Vì tâm là chủ của thân quả báo trong một thời-kỳ, ví như vua đến chỗ nào thì bọn trộm cướp đều tan sạch". Lại có thầy bảo: "Dưới rốn một tấc gọi là Ðơn-điền, nếu ngưng tâm tại chỗ nầy không tán loạn, trải qua thời-gian lâu đa số bệnh đều dứt". Có thầy bảo: "Thường ngưng tâm dưới chân, bất luận đi, đứng hay nằm nghỉ liền trị được bệnh. Vì cớ sao? - Vì người do tứ đại không thông điều hòa cho nên sanh các bệnh đó là tâm thức duyên lên trên khiến tứ đại không điều-hòa. Nếu an tâm ở dưới thì tứ đại tự nhiên điều hòa các bệnh điều lành".

Dùng Quán trị bệnh. Có thầy nói: Dùng Quán tâm-tưởng sáu thứ hơi thở trị bệnh, tức là dùng Quán trị bệnh. Thế nào là sáu thứ hơi thở? Nghĩa là: suy, hô, hy, ha, hư, hứ. Sáu thứ hơi thở nầy đều do trong lưỡi, miệng và tâm-tưởng phương-tiện chuyển động mà thành, phải dùng đều đều nhẹ nhẹ. Bài tụng chép:

Tâm thuộc về Ha, thận thuộc Suy.
Tỳ Hô, phổi Hứ thánh đều biết.
Gan và tạng nhiệt do chữ Hư.
Tam tiêu ngăn trệ chỉ nói Hy.

Có thầy nói: Nếu khéo dùng Quán tưởng vận chuyển 12 thứ hơi thở thì trị được nhiều bệnh. 12 thứ hơi thở:

1- Hơi thở lên.
2- Hơi thở xuống.
3- Hơi thở đầy.
4- Hơi thở tiêu.
5- Hơi thở tăng trưởng.
6- Hơi thở diệt-hoại.
7- Hơi thở ấm.
8- Hơi thở lạnh.
9- Hơi thở xông lên.
10- Hơi thở gìn giữ.
11- Hơi thở điều hòa.
12- Hơi thở bồi bổ.

12 thứ hơi thở nầy đều do tâm quán-tưởng mà có. Nay lược tướng đối trị của 12 thứ hơi thở. Hơi thở lên trị bệnh trầm trọng. Hơi thở xuống trị bệnh lơ lững. Hơi thở đầy trị bệnh khô gầy. Hơi thở tiêu trị bệnh thủng phù. Hơi thở tăng-trưởng trị bệnh ốm yếu. Hơi thở diệt hoại trị bệnh tăng thạnh. Hơi thở ấm trị bệnh lạnh. Hơi thở lạnh trị bệnh nóng. Hơi thở xông lên trị bệnh ngăn nghẹn không thông. Hơi thở gìn giữ trị bệnh lăn lộn. Hơi thở điều hòa chung trị bệnh tứ đại bất hòa. Hơi thở bồi bổ bồi dưởng tứ đại suy kém. Khéo dùng các thứ hơi thở nầy, có thể trị lành các bệnh, suy ra có thể biết.

Có thầy nói: "Khéo dùng giả tưởng quán hay trị hết các bệnh. Như người mắc bệnh lạnh, tưởng trong thân hơi lửa xông ra liền trị được bệnh lạnh. Cách trị bệnh này trong kinh Tạp-A-Hàm về 72 thứ bi pháp trị bệnh có nói rộng.

Có thầy bảo: "Dùng Chỉ Quán kiểm xét tứ đại trong thân có bệnh, tâm cũng không có chỗ sanh bệnh thì các bệnh tự lành. Như thế, bao nhiêu thuyết nói dùng Quán trị bệnh chỗ ứng dụng không đồng, nếu khéo hiểu được ý đều trị lành bệnh.

Hai pháp Chỉ, Quán nếu người khéo hiểu được thì không bệnh nào mà trị chẳng lành. Nhưng người thời nay, căn-cơ tối, cạn, đa số tập quán tưởng không thành-công nên pháp này ít được lưu truyền. Lại, có người tu không được pháp nầy, sanh kiến chấp tà dị, những thứ thuốc bằng cây, cỏ, vàng, đá... thích hợp với bệnh thì nên dùng.

Nếu là bệnh do quỉ phá thì phải lập tâm cho vững. thêm tụng chú để giúp sự trị bệnh. Nếu là bệnh nghiệp báo cần phải tu phước và sám-hối, bệnh ắt tiêu-diệt. Hai pháp Chỉ, Quán trị bệnh, nếu người khéo hiểu một pháp cũng đủ tự tu và dạy người, huống là thông đạt cả hai. Nếu cả hai pháp đều không biết thì bệnh sanh không thể trị, chẳng những bỏ bê sự tu-hành, còn e tánh mạng khó bảo toàn làm sao tự tu và dạy người? Thế nên, người muốn tu Chỉ, Quán phải hiểu phương pháp nội tâm trị bệnh. Pháp nầy không phải hiểu một, hiểu ý tại người, chớ không thể truyền bằng văn-tự.

Lại nữa, trong khi ngồi thiền dụng tâm trị bệnh cần phải gồm đủ 10 pháp sẽ được lợi-ích. Mười pháp: 1- Tin. 2- Dùng. 3- Siêng. 4- Thường-trụ trong duyên. 5- Phân-biệt nguyên nhân bệnh khởi. 6- Phương-tiện. 7- Thực-hành lâu. 8- Biết thủ xả. 9- Gìn giữ. 10- Biết ngăn cản.

Thế nào là tin? - Nghĩa là tin pháp nầy hay trị được bệnh.

Sao là dùng? - Chuyên cần không nghỉ, đến khi lành bệnh mới thôi.

Sao là trụ trong duyên? - Tâm vi-tế luôn luôn y nơi pháp, không duyên cái gì khác.

Sao là phân biệt nguyên nhân bệnh khởi? - Như đoạn trước đã nói.

Sao là phương-tiện? - Là thở ra, hít vào tâm tưởng vận chuyển khéo léo thành-tựu không cho trái phép.

Sao là thực-hành lâu? - Nếu áp dụng chưa có lợi ích chẳng kể ngày tháng thường tập không phế bỏ.

Sao là biết thủ xả? - Biết có cái ích liền chuyên cần, cái có hại liền xả đi, chín chắn chuyển tâm điều trị.

Sao là gìn-giữ? - Khéo biết các duyên xúc phạm mà giữ-gìn.

Sao là ngăn cản? - Ðược điều ích lợi không đến người khác nói, chưa tổn hại không sanh nghi chê.

Nếu y mười pháp nầy trị bệnh quyết định có hiệu nghiệm không dối vậy.

X. Chứng Quả

Nếu hành-giã khi tu Chỉ-Quán như thế, biết rõ tất cả pháp đều do tâm sanh, nhơn-duyên hư giả không thật, nên là không; vì biết không, nên không thấy có tướng danh-tự của tất cả pháp, thế là thể nhập chân thật. Khi ấy, trên không thấy có Phật-quả đáng cầu, dưới không thấy có chúng-sanh đáng độ. Ấy gọi là Quán từ giả nhập không, là Quán nhị-đế, là huệ-nhãn, là nhất-thế-trí. Nếu trụ nơi Quán nầy tức là sa vào quả vị Thinh-văn, Bích-Chi Phật. Cho nên trong kinh nói: "Các vị Thinh-văn v.v... tự than rằng: chúng ta nếu nghe cõi Phật thanh-tịnh, giáo-hóa chúng-sanh, tâm không vui mừng. Vì sao? Vì tất cả pháp thảy đều rổng lặng, không sanh không diệt, không lớn không nhỏ, vô-lậu vô-vi, suy nghĩ như thế nên không vui mừng". Phải biết người thấy được pháp vô-vi mà vào chánh-vị, người ấy trọn không thể phát ba thứ tâm bồ-đề, vì sức định nhiều mà không thấy Phật-tánh.

Nếu Bồ-tát vì tất cả chúng-sanh thành-tựu, tất cả Phật-Pháp thì không nên chấp giữ vô-vi tự tịch-diệt, khi ấy nên tu Quán từ Không nhập Giả. Nghĩa là phải thật Quán tâm-tánh tuy không, nhưng khi đối duyên liền sanh ra tất cả các pháp cũng như huyển hóa, tuy không quyết định thật mà vẫn có các tướng thấy, nghe, hiểu biết v.v... khác nhau. Hành-giã khi Quán như thế, tuy biết tất cả pháp rốt-ráo là rỗng lặng, mà hay ở trong không tu các hạnh, như gieo giống trong không; cũng hay phân biệt các-căn của chúng-sanh tánh dục vô-lượng, nên thuyết pháp cũng vô-lượng. Nếu chứng được vô ngại biện tài thì hay làm lợi ích chúng-sanh khắp lục đạo. Ấy gọi là Phương-tiện tùy-duyên Chỉ, là Quán từ Không nhập Giả, là Quán bình-đẳng, là pháp nhãn, là Ðạo-chủng trí. Trụ trong Quán nầy sức trí huệ nhiều, tuy thấy được Phật tánh mà không rõ ràng.

Bồ tát tuy thành-tựu hai pháp Quán trên, đó gọi là Quán môn phương-tiện, không phải là Chánh-quán. Kinh chép: "Hai thứ trước là đạo phương tiện, nhơn hai thứ Quán không ấy được và Quán Trung-đạo đệ nhất nghĩa, song chiếu cả hai đế, tâm thường vắng lặng, tự nhiên trôi vào biển Ðại-Giác. Nếu Bồ-tát muốn ở trong một niệm đầy đủ tất cả Phật-Pháp nên tu "Chỉ dứt hai bên phân-biệt", thực hành Chánh-Quán Trung-Ðạo.

Thế nào là Chánh-Quán? - Nếu thấu hiểu tâm tánh không phải Chơn, không phải Giả, dứt tâm duyên Chơn. Giả gọi là Chánh Thật Quán tâm tánh không phải không, không phải giả, mà không phá hoại pháp không, giả. Nếu hay chiếu liễu như thế thì ở nơi tâm tánh thông-đạt được Trung-đạo, viên chiếu cả nhị-đế. Nếu hay tự tâm thấy được Trung đạo, nhị đế, thì thấy Trung-đạo, nhị-đế của tất cả pháp, mà không chấp Trung-đạo, nhị-đế. Bởi vì quyết định tánh không thể có, ấy gọi là Chánh-quán Trung-đạo. Như bài kệ trong Luận nói:

Nhơn duyên sanh các pháp,
Ta nói tức là Không,
Cũng gọi là Giả danh,
Cũng gọi nghĩa Trung-đạo.

Sưu tầm ý bài kệ nầy, không những đầy đủ phân biệt tướng Trung-Quán, cũng gồm nói chỉ thú hai thứ quán-môn phương-tiện trước. Phải biết Chánh-quán Trung-đạo tức là Phật-nhãn, nhứt-thế chủng-trí. Nếu trụ nơi quán nầy thì sức định và huệ đồng đẳng, thấy Phật-tánh rõ-ràng, an trụ trong Ðại-thừa, bước đi bằng phẳng nhanh như gió, tự nhiên vào trong biển Ðại-giác. Thực hành hạnh Như-Lai, vào nhà Như-Lai, mặc y Như-Lai, ngồi tòa Như-Lai, dùng đồ trang-nghiêm của Như-Lai, mà tự trang-nghiêm. Ðược sáu căn thanh-tịnh vào cảnh-giới của Phật, đối với tất cả pháp không nhiễm trước, tất cả Phật-pháp đều được hiện-tiền, thành-tựu niệm Phật tam-muội. An trụ trong định Thủ-Lăng-Nghiêm, thế là phổ hiện sắc thân Tam-muội, khắp vào cõi Phật trong mười phương, dạy bảo chúng-sanh trang-nghiêm tất cả cõi Phật, cúng dường mười phương chư Phật, thọ trì pháp-tạng của chư Phật, đầy đủ tất cả hạnh Ba-la-mật, ngộ nhập vị Ðại-Bồ-Tát, cùng với Ngài Văn-Thù, Phổ-Hiền kết bạn. Thường-trụ trong thân pháp tánh, vì chư Phật khen ngợi thọ ký, ấy là trang-nghiêm Ðẩu-Xuất Ðà-Thiên, thị-hiện giáng trần trong thai mẹ, xuất-gia, đến Ðạo-tràng, hàng phục ma oán, thành chánh-giác, chuyển pháp-luân, vào Niết-bàn. Ở các cõi nước khắp mười phương làm viên-mãn tất cả Phật-sự, đầy đủ hai thân - chơn và ứng - ấy là Sơ-Phát-Tâm Bồ-tát.

Trong kinh Hoa-Nghiêm nói: "Khi Sơ-phát-tâm liền thành Chánh-giác, thông suốt tánh chân thật của các pháp, được huệ-thân không phải do người khác mà ngộ". Cũng nói: "Sơ phát-tâm Bồ-tát được một thân Như-Lai làm vô-lượng-thân". Cũng nói: "Sơ phát-tâm và cứu-kính-tâm hai cái không khác, hai tâm như thế, tâm trước là khó". Kinh Ðại-Phẩm nói: "Tu Bồ-đề! Có Ðại Bồ-tát mới sơ-phát-tâm liền tọa Ðạo-tràng, chuyển bánh xe chánh-pháp, phải biết Bồ-tát ấy như Phật vậy". Trong Kinh Pháp-Hoa nàng Long-Nữ dâng hạt châu làm chứng, những kinh như thế đều nói sơ-phát-tâm làm đủ tất cả Phật-pháp, như kinh Ðại-Phẩm nói "Chữ A", kinh Phát-Hoa nói "khiến chúng sanh khai Phật tri-kiến", kinh Niết-bàn nói "Thấy Phật tánh cho nên trụ Ðại Niết-bàn". Ðã lược nói tướng Sơ-phát-tâm nhơn tu Chỉ, Quán được chứng quả.

Kế nói Hậu-tâm chứng quả. Cảnh-giới của Hậu-tâm chứng không thể biết, nay suy theo giáo-lý để rõ, trọn không rời hai Pháp Chỉ và Quán. Tại sao? Kinh Pháp-Hoa nói: "Ân cần khen ngợi trí-huệ chư Phật là nghĩa Quán". Ðây là đứng về Quán để rõ quả. Kinh Niết-bàn luận rộng về "Một trăm câu giải-thoát" để giải thích Ðại Niết-bàn. Niết-bàn nghĩa là Chỉ. Ðó là đứng về Chỉ để rõ quả. Cho nên nói Ðại Niết-Bàn là Thường-tịch-định. Ðịnh tức là nghĩa Chỉ. Trong kinh Pháp-Hoa tuy đứng về mặt Quán để rõ quả, nhưng cũng nhiếp Chỉ. Cho nên nói: Nhẫn đến tướng cứu-cánh niết-bàn thường-tịch-diệt trọn qui về không. Trong Kinh Niết-Bàn tuy đứng về mặt Chỉ để rõ quả, nhưng cũng gồm Quán. Bởi vì lấy ba đức làm Ðại Niết-Bàn. Hai bộ kinh lớn này tuy văn có hiện, có ẩn khác nhau, nhưng đều đứng về hai môn Chỉ, Quán biện chỗ cứu-cánh của nó, gồm căn-cứ hai pháp Ðịnh, Huệ để rõ quả-vị cùng tột.

Hành-giả phải biết quả ban đầu, bậc giữa, rốt sau đều không thể nghĩ bàn. Cho nên bản Tân dịch kinh Kim-Quang-Minh nói: "Như-Lai lúc ban đầu không thể nghĩ bàn, Như-Lai khoảng giữa bao nhiêu thứ trang-nghiêm. Như-Lai rốt sau thường không thể phá hoại". Ðó là ước về hai tâm tu Chỉ, Quán để biện kết-quả của nó. Bài kệ trong Kinh Ban-Châu-Tam-Muội chép:

Chư Phật từ tâm được giải-thoát,
Tâm ấy thanh tịnh gọi không nhớp.
Năm đạo sạch-sẽ chẳng nhuốm màu,
Học được pháp nầy thành Ðại-đạo.

Thệ nguyện tu-hành phải trừ tam-chướng và ngũ-cái. Nếu như không trừ, tuy siêng-năng dụng công trọn không lợi ích.


Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này. 
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)

Trình bày: Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567