NHÂN SINH YẾU NGHĨA
HT Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch Việt
12
"Nhân chi sơ,
Tính bổn thiện,
Tính tương cận,
Tập tương viễn".
Nghĩa là: Con người lúc mới sinh ra thì không hấp thụ những thứ tập quán huân nhiễm xấu xa của thế giới. Tính vốn thiện, tốt. Tính thiện này tức là Phật tính chớ chẳng phải là nhân tính.
"Tính vốn thiện" không nói rõ là nhân tính hay Phật tính cho nên chúng ta đoạn định là Phật tính của con người mà không phải là nhân tính. Nếu là nhân tính thì giống như một số hạt giống, mùa xuân thì gieo giống, mùa thu thì thu hoạch, đến mùa đông thì làm thành gạo ăn. Mùa xuân lại gieo giống, mùa thu lại thu hoạch, năm này năm nọ luân chuyển như thế. Phần đông hạt giống thực vật thì như thế. Là vô tình cho nên là vô tính không có Phật tính. Phật tính không riêng người mới có, mà hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, cho nên "Tính vốn thiện".
"Tính tương cận, tập tương viễn". Con người làm người bản tính với Phật tính tương cận là thuận Phật tính mà sinh là nhờ trời đất tạo hóa, nhân duyên thai dục mà sinh. "Tính tương cận". Người nam trước mười sáu tuổi, con gái trước mười bốn tuổi, tập tính không thâm sâu, do đó hun đúc ô nhiễm cũng không thâm sâu. Cho nên gọi là đồng tử hoặc là xích tử, tức là tính hỗn độn, không thiện, không ác, không âm, không dương. Lúc này nam là "càn tam vận", nữ là "khôn lục đoạn", thuần âm thuần dương không có phức tạp. Bổn thân Phật tính không biến. Ðây là vừa đúng lúc thành thục, thì "Gần chu thì đỏ, gần mực thì đen". Nếu chung quanh hàng xóm là thiện, thì nhiễm thiện ; nếu chung quanh thôn ấp là ác, thì nhiễm thành ác bá thổ hào. Cho nên gọi là "Tập tương viễn".
"Ấu bất giáo, tính nãi thiên". Nếu lúc này không giáo dục trẻ con, không giúp đỡ chúng thì chúng sẽ trở thành hạ lưu. Có những bậc cha mẹ bỏ bê trẻ con, cho rằng đó là để chúng nó được tự do. Thật ra đó là không hiểu tự do như thế nào. Chúng không có cơ hội phát huy Phật tính vốn có. Lúc đó chúng có thể lên thiên đường, đến Phật quốc, làm A Tu la, làm người, súc sinh, ngạ quỷ, thậm chí đọa địa ngục. Cho nên phải có thầy tốt, bạn hiền, gia đình, trường học giáo dục chúng. Vấn đề giáo dục trẻ con rất quan trọng. "Giáo chi đạo, quy dĩ chuyên". Ðạo là giáo dục, điểm quan trọng của việc giáo dục là chuyên nhất, phải có mục tiêu chuyên nhất, giúp đỡ, hướng dẫn chúng đi trên con đường chánh. Cho nên người học Phật, đối với gia đình phải giáo dục con cái trở thành người tốt.
Những năm gần đây thiên tai nhân họa luôn luôn phát sinh, tai nạn phi cơ, xe lửa, đủ thứ tai nạn vô số kể, người chết cũng không cách chi thống kê được vì tâm con người đã xu hướng diệt vong, người người đều không muốn sống, muốn chết sớm, cho nên tạo thành đủ thứ vũ khí giết người, hỗ tương cạnh tranh làm hủy diệt địa cầu. Tại sao thế giới đến nông nỗi này, lâm vào trạng thái nguy hiểm này? Người sống trên thế giới này, chẳng biết lúc nào chết sẽ đến, nào là "Ái tử bệnh (AIDS) và chứng Sida. Chứng Sida chủ yếu là vì con người ăn thịt, tàn sát sinh linh. Hiện nay đất, nước và không khí đều ô nhiễm, hết thảy vật chất cũng biến thành ô nhiễm. Thứ ô nhiễm này, nước chẳng thể rửa sạch được, vì nó từ trong mà ra ngoài. Không chỗ nào mà chẳng hại độc ô nhiễm, nào là động vật ăn các thứ chất hóa học hoặc bị chích những thứ thuốc hóa học rồi bị người giết ăn thịt. Thứ thịt này vào trong cơ thể con người thì sinh ra đủ thứ biến hóa chẳng tốt, cũng hỗ tương thương hại, do đó sinh ra chứng Sida và các thứ quái bệnh khác mà chẳng có thuốc chữa trị.
Hãy nhìn những nhi đồng nhược trí trên thế giới hiện nay, càng ngày càng nhiều, vì quan hệ toàn địa cầu ô nhiễm, cha mẹ cũng hút sách, không giữ quy cụ mới tạo thành hậu quả nhi đồng nhi đồng.
Nguồn gốc ái tử bệnh (Aids) là từ đồng tính luyến ái, giữa trời đất có hai khí âm dương, hai khí này hòa hợp thì thiên hạ thái bình, nếu âm dương không đều, có âm không dương hoặc có dương không âm thì sẽ sinh ra trọng bệnh, khiến cho con người chết mau. Hiện tại phần đông không dám nói lời thật. Thật ra hết thảy bệnh trị không lành, đều do người tham hoan dục lạc, ngông láo không kiêng sợ gì, do đó mà phát sinh. Hiện tại con người không bằng loài cầm thú. Cho nên:"Ðồng tính tương kỵ, dị tính tương hấp". Trời đất vạn vật sống như vậy, mà nay trời đất đảo lộn, cho nên vạn vật cũng không còn nữa, sắp bị tiêu diệt! Sao lại như vậy? Hiện tại đồng tính luyến ái lưu hành, là gốc rễ tai họa, vong quốc diệt chủng, khiến toàn nhân loại tuyệt chủng. Vì người đều có ý niệm tự muốn diệt vong mới có chuyện ái tử bệnh lan tràn. Nếu vẫn tiếp tục không giác ngộ thì cơ bản đạo đức phẩm cách làm người tương lai hậu quả không thể tưởng tượng được, muốn vãn hồi kiếp sống này, thiên đại họa này, thì người người đều phải khử dục đoạn ái, không lạm giao, không quấy rối đồng tính luyến ái mà phải tiết chế tự tôn tự trọng.
Hơn nữa phàm là trẻ con sinh ra phải giáo dục căn bản, khiến chúng không hút độc, không uống rượu, không cờ bạc rượu chè, lang thang chơi bời, ăn ngon lười làm. Phải giáo dục trẻ con, đừng để chúng hư hỏng, giết người phóng hỏa. Lúc còn trẻ phải giáo dục kỹ lưỡng. Vì sao thế giới hiện nay thanh niên phiếm loạn? Ðều vì bậc làm cha mẹ chỉ sinh con mà không biết dạy, cho nên có câu:
"Nuôi không dạy lỗi tại cha,
Dạy không nghiêm lỗi tại thầy".
Do đó phải từ gốc rễ mà giải quyết, không thể đề xướng hoặc cổ võ đồng tính luyến ái. Con người nếu không tiết dục thì tương lai nước này nước kia, cho đến toàn thế giới đều sẽ tuyệt chủng. Tại sao? Vì đồng tính luyến ái thì không sinh con cái. Ðồng tính tương kỵ: dương và dương tranh, hỗ tương độc hại, sinh ra chứng bệnh không cứu chữa. Nhưng phần đông không thừa nhận, nói thẳng là bịt tai ăn cắp chuông. Có người nói rằng: Nếu đem hai con chuột đực bỏ vào lồng, lâu dần chúng sẽ phát sinh hành vi đồng tính luyến ái, nhưng người là thứ linh trong vạn vật, tại sao phải học súc sinh?
Truyền thống giáo dục Á Châu mới là dạy nhi đồng cách thức làm người, hiếu, để, trung, tín, nghĩa, lễ, liêm, sỉ tám đức. Cho nên:
"Lựa thiện mà theo, không thiện thì cải ;
Phải đạo thì tiến, trái đạo thì lùi".
Nhưng xã hội tây phương mê về tự do, hiểu lầm tự do, không đảm nhận tự do, thật có thể nói rằng trẻ mà không dạy, già mà không nuôi dưỡng, "Ðảo hành nghịch thi". Trẻ con còn nhỏ mà không dạy vậy sinh ra làm gì? Nếu cha mẹ sinh con ra mà không biết thương yêu dạy dỗ con cái, thì những bậc cha mẹ ấy chỉ tạo nghiệp. Tại xã hội tây phương, vứt bỏ những người già, không kính trọng, không ái hộ. Cho nên già mà không nuôi dưỡng. Vốn "Lão hữu sở chung, tráng hữu sử dụng, ấu hữu sở trường". Người già thì khoảng năm mươi tuổi mà không có vải lụa thì không ấm thân, khoảng bảy mươi tuổi mà không có thịt thì ăn không no. Thịt đương thời không như thịt bây giờ, đầy dẫy độc tố. Con người già rồi thì mắt mờ, tai điếc, răng rụng, thật đáng thương xót. Phần đông nuôi con để nhờ về tuổi già, không phải là ích kỷ. Vì tuổi già thì nhờ con cái chiếu cứ, nếu không tại sao sinh con rồi nuôi con? Vì sao phải kết hôn? Như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa gì hết. Phần đông bậc cha mẹ hiểu lầm tự do, để con cái tùy ý phát triển, như thế thì trong vạn người chỉ có một hai người minh bạch. Không sai, có nhiều người khi sinh ra thì hiểu chân lý. Nhưng chẳng phải ai ai cũng lựa thiện mà theo, lựa không thiện mà cải. Trẻ con nếu sinh mà không dạy dỗ, nuôi dưỡng chúng, để chúng tùy căn tính mà phát triển thì hậu quả "Gần mực thì đen, gần xích thì đỏ, nhiễm vàng thì vàng".
Tại sao thanh thiếu niên tây phương có vấn đề hút sách nghiêm trọng? Vì từ lúc tiểu, trung học rất dễ tiếp cận những kẻ hút sách, xì ke, ma túy, tùy tiện dưỡng thành tập quán thói hư tật xấu. Còn phô trương rằng hút những thứ độc ấy khiến cho sau này biến thành thông minh, khoái lạc, thật ra đó là khiến người mau chết. Như càng quấy rối càng ngu si. Trẻ con hút độc dược rồi giống như nhập vào tà định mà chẳng phải là định lực. Thực vì chất độc khống chế mà thôi. Thanh thiếu niên đi trên con đường tự do như thế, cuối cùng đi vào con đường tử vong. Ðó là hiểu lầm tự do, mà hoàn toàn không đảm nhận tự do.
Hơn nữa hiện tại, tiểu, trung, đại học đều cổ súy tính hành vi, đây là một nguyên nhân lớn đưa đến nền giáo dục bị phá sản. Thật là hoàn toàn sai lầm! Phải dạy trẻ con đừng lạm giao (không nên kết bè bạn mà không lựa chọn cả nam lẫn nữ), phải khiết thân tự ái, giữ thân như ngọc, đừng để chúng từ sáng đến tối nhìn truyền hình, bị yêu quái ăn mất. Trẻ con năm sáu tuổi suốt ngày xem truyền hình học hành vi nam nữ làm tình bỉ ổi bẩn thỉu. Ðây là thế giới gì? Tự do gì?
Tại trường học, rất nhiều thầy giáo đối với học sinh chẳng có căn bản, phẩm đức làm người. Ngược lại còn cổ động chúng kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Như ngành y khoa, khoa học kiếm được nhiều tiền, ngoài ra hết thảy đều không cứ. Tại sao nói giáo dục bị phá sản? Vì ai ai cũng bỏ gốc theo ngọn. Lúc trước người không hiếu thảo với cha mẹ, cho đó là quên gốc, hiện nay là bỏ gốc, không những quên mất mà gốc rễ cũng không cần. Con người chỉ biết xí đồ lợi dưỡng mà không biết báo ân, chỉ cứ ăn uống chơi bời hưởng thụ, mà không cung cấp cho cha mẹ. Một cây nếu không có gốc rễ thì sẽ khô chết. Con người nếu mất gốc rễ thì sẽ tử vong. Con người hiện nay giống như cục thịt biết đi. Lòng tham muốn cũng vì lợi, quên mất nhân cách, chỉ biết lợi mình mà không lợi người. Có bằng cấp học vị, dùng lợi ích dụ dỗ học sinh. Học sinh chuyên hướng thầy giáo tặng quà cáp, thì thầy giáo dạy họ thế nào để tranh đệ nhất, như thế nào để thủ đoạn, như thế nào để lường gạt người đời, mua danh chuộc tiếng khen. Ðây không phải là giáo dục phá sản chăng?
Lời tôi nói phần đông không thích nghe, nhưng tôi không thể không nói. Tôi là đại biểu Thiên Chúa, Gia Tô, Phật, A Lạp Thánh nhân nói những lời này. Nếu như những vấn đề trên chỉ quan hệ một mình tôi thì tôi không nói. Nhưng đây là then chốt sự tồn vong sinh tử của nhân loại. Cho nên không màng người thích hay không thích nghe, tôi cứ nói thẳng.
Biện Pháp Tốt Nhất Tiêu Trừ Chiến Tranh
Các bạn muốn nghe cái gì, thì tôi nói cái đó, nhưng tôi không biết các bạn muốn nghe cái gì, cho nên tôi cũng không biết phải nói cái gì?
Nay tôi nói về Việt-Nam tại sao đánh nhau, có một năm tôi đi Việt-Nam (1974), sau khi xuống máy bay, tôi nói với người tiếp đón: "Người Việt Nam khổ lắm, tương lai sẽ khổ lắm". Người tiếp đón tôi còn chưa hiểu rõ nói:"Việt-Nam tốt lắm, rất thái bình. Nguyễn văn Thiệu nói với chúng tôi còn có khoảng năm năm thái bình. Vì năm năm không phải là thời gian ngắn, có thể kiếm được rất nhiều tiền".
Tôi nói:"Sợ kiếm chưa được tiền thì vận mạng không còn". Năm 1975, Việt-Nam thất thủ, ngày 14 tháng 1, tôi từ Á Châu cũng từ Việt Nam trở về Mỹ, ngày 15 tháng 1, tôi điện thoại cho Phương Quả Ngộ, đương thời chỉ là chiến tranh ở miên trung (Sài Gòn chưa mất), tôi nói với cô ta:"Vợ chồng các con sớm thu thập tài sản và lo hết thảy mọi việc, sớm đi Mỹ, đừng có lưu lại ở Việt Nam". Phương Quả Ngộ thì chẳng hỏi, chẳng lo lắng gì, nhưng chồng của y thì bồn chồn lo lắng, đã điện thoại hỏi tôi rằng:"Hòa Thượng muốn chúng con đến Mỹ sớm, vậy cứu kính có chuyện gì chăng?" Trong điện thoại không tiện nói, tôi chỉ nói là:"Không có việc gì, mau đến Mỹ, càng sớm càng tốt". Ngày 10 tháng 3, Phương Quả Ngộ, một mình đến Mỹ. Thật ra cô ta đến Mỹ, không phải là tôi gọi điện thoại kêu cô ta đến, mà là ngày 20 tháng 3, con gái của cô ta kết hôn, cô ta phải đến Mỹ làm chứng hôn. Chồng của cô ta còn ở tại Hương Cảng. Ðến khoảng trung tuần tháng tư, chồng của cô ta gọi điện thoại tìm tôi, tìm tôi ba ngày, hỏi tôi:"Bây giờ con có thể về Việt Nam được không?" Lúc đó Sài Gòn chưa thất thủ. Tôi nói:"Ba tuần sau nếu về được thì về, không thể về được thì đừng về". Kết quả hai tuần rưỡi sau, Việt Nam hoàn toàn biến sắc. Ðương thời tôi xuống máy bay nói:"Người Việt Nam khổ lắm", là nguyên nhân đó vậy. Chúng ta cùng nhau nghiên cứu nguyên nhân đó. Người Việt Nam rất nhiều người tin Phật, tại sao lại chịu hoàn cảnh như thế, tôi nghe nói có rất nhiều người đi tị nạn thì bị chìm thuyền mất tích, nhưng cũng có người niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cho nên đến nơi an toàn. Việt Nam vốn rất nhiều người tin Phật, tại sao có đại tai nạn như thế? Nay tôi hoàn toàn nói hết sự quan hệ ấy, vì người Việt Nam sát khí rất nặng, tâm sát ai ai cũng mạnh cho nên tạo thành tai kiếp. Người Việt Nam sự nóng giận cũng vĩ đại, đây cũng là một phần tai họa. Nếu người không có nóng giận thì chẳng có tai nạn gì cả. Người học Phật trước hết đừng có nóng giận, vì có nóng giận thì có chiến tranh.
Mới đây có người nói:
"Trăm ngàn ức kiếp trong bát canh,
Oán sâu như biển hận khó tan,
Muốn biết vì sao có chiến tranh,
Hãy nghe lo thịt lúc nửa đêm".
"Trăm ngàn ức kiếp trong bát canh, oán sâu như biển hận khó tan". Ðây là vấn đề cừu hận không dễ gì giải quyết. Tôi cải hai, ba chữ hai câu sau:
"Muốn dứt chiến tranh nước và lửa,
Thì mỗi người đừng có sát sinh".
Xưa kia đánh nhau thì dùng thương, kiếm, kích, cung, giáo. Hiện nay là thời đại nguyên tử, dùng súng đạn nguyên tử để tác chiến. Súng đạn thuộc hỏa, nguyên tử thuộc thủy. Cho nên nói "Muốn dứt chiến tranh nước và lửa thì người người đừng có sát sinh". Chúng sinh không sát hại lẫn nhau, thì không có xảy ra chiến tranh. Nếu chúng sinh cứ tiếp tục giết nhau, thì chiến tranh vĩnh viễn không bao giờ dứt. Vì người ăn thịt quá nhiều, cho nên chúng đến đòi nợ, bạn thiếu tiền người ta quá nhiều, thì trả không xong, trả cái này còn cái kia. Cho nên phát sinh chiến tranh. Chúng ta là người học Phật, thứ nhất thì đừng nóng giận, thứ hai thì đừng sát sinh.
Mất chỗ nào thì đến chỗ đó tìm, rách chỗ nào thì vá chỗ đó. Con người qua những lúc túng thiếu nghèo cùng, thì tiết chế cần kiệm để duy trì sinh hoạt, người thế tục thì như thế, nhưng chúng ta là người học Phật pháp xuất thế cũng phải minh bạch đạo lý thế gian, nếu bạn minh bạch pháp thế gian thì cũng minh bạch Phật pháp. Nếu bạn không hiểu đạo lý thế gian thì pháp xuất thế bạn cũng hồ đồ, cho nên:"Phật pháp không rời thế gian pháp". Chúng ta tại thế giới này đã mất đi, mất đi rất nhiều, đời đời kiếp kiếp đánh mất đi vật vô cùng quý giá, tức nhiên mất đi từ chỗ này thì phải tìm nó trở lại, tức phải duy trì thân thể này kiện khang, vì thân thể này mất đi vật quý giá quá nhiều, cho nên mới sinh ra rất nhiều thứ bệnh. Nếu trong tự tính rỉ ra chất "hỏa dược" thì tự tính chúng ta biến thành ngu si vì trong tự tính của chúng ta vốn là "Trí huệ hỏa".
Hỏa dược là gì? Là sự nóng giận, là sự vô minh phiền não của con người, ngày xưa người Trung Hoa gọi là "Ðại thương dược", cũng gọi là "Dương pháo", đây là thứ mà chúng ta không nên phóng vào bên trong "Dương pháo", vì nó sẽ rỉ ra trong tự tính, rỉ ra trong trí huệ, cho nên khiến cho trí huệ bị che mất. Chúng ta ở trong vô minh phiền não, đây là nơi đã mất đi rất nhiều, cho nên phải tiêu diệt "Hỏa dược vô minh phiền não", khiến cho "Hỏa dược" tiêu sạch, thì trí huệ hỏa quang vốn có mới hiện tiền. Ðó gọi là "Mất chỗ nào thì tìm chỗ đó".
Chúng ta mặc đồ, chỗ nào rách thì vá chỗ đó. Từ vô lượng kiếp đến nay bỏ quên mất tự tính, tự tính ngày càng không được kiện khang, trí huệ ngày càng giảm. Nếu vô minh nhiều thì trí tuệ ít, vô minh ít thì trí tuệ nhiều, cũng giống như cái cân, rất công bình, tơ hào không sai. Vô minh, phiền não, vọng niệm, tham niệm, tà niệm, tà kiến, dục vọng quá nhiều. Chúng ta phải đoạn dục khử ái, mới có thể hồi quang phản chiếu, mới có thể để cho chỗ thọ thương của tự tính khôi phục kiện khang, khôi phục trí huệ. Ðó gọi là "Rách chỗ nào thì vá chỗ đó".
Vía Quán Thế Âm Bồ Tát Thành Ðạo
Giảng Tại Vạn Phật Thành ngày 19/6/88
Các vị thiện tri thức, có những người đến từ Mã Lai, có người đến từ Phi Luật Tân, có người đến từ Ðài Loan, có người đến từ Gia Nã Ðại, tôi cũng không nhớ nhiều. Hôm nay là ngày kỷ niệm vía Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo. Bồ Tát Quán Thế Âm trong quá khứ thực hành "vô duyên đại từ, đồng thể đại bi". Vì Ngài đại từ với những kẻ không có duyên, cho nên ai ai cũng có duyên với Ngài. Ngài nhìn hết thảy thống khổ của chúng sinh, như thống khổ của chính mình, cho nên gọi là đồng thể đại bi. Ngài đồng thể đại bi và đại từ với kẻ không có duyên, cho nên Ngài đã gieo duyên vô tận vô biên. Ngài và chúng ta mỗi chúng sinh đều có tinh thần không thể phân biệt, cũng có thể nói Ngài luôn luôn nghĩ đến kẻ khác, không có tâm ích kỷ, tâm tự lợi, không có tơ hào tâm chỉ lo cho chính mình. Ngài vì lợi ích hết thảy chúng sinh mà tu hành, do đó hết thảy chúng sinh đặc biệt có duyên với Bồ Tát Quán Thế Âm.
Trong một năm, ngày 19 tháng 2, ngày 19 tháng 6 và ngày 19 tháng 9, trong ba ngày này phần đông đều đến Chùa lễ Bồ Tát Quán Thế Âm tối đa. Mặc dù rất nhiều người bận rộn, vẫn cố gắng đến Chùa lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Sự thành tâm như thế là do từ bi nguyện lực của Bồ Tát Quán Thế Âm tiếp dẫn.
Tức nhiên chúng ta tin sâu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì mỗi ngày phải thực hành theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta phải học tâm bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, lợi ích chúng sinh, thời thời khắc khắc tưởng nghĩ đến kẻ khác, đây mới là ngày chân chánh kỷ niệm vía Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm quán xem hết thảy thống khổ của thế gian, tầm thanh cứu khổ. Chúng ta thấy những chúng sinh khốn khổ gian nan thì cố gắng giúp đỡ họ, đó mới là chân chánh tin Bồ Tát Quán Thế Âm, lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta mỗi người đều phải học đồng thể đại từ, vô duyên đại bi, đầy đủ tâm từ bi để đại biểu Bồ Tát Quán Thế Âm, cứu độ chúng sinh gặp khổ gặp nạn, như thế mới là chân chánh kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, mới là chân chánh lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Về nhà rồi thì nổi nóng giận, nhìn cái này không tốt, cái kia cũng không đúng. Chân chánh kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là phải lợi người, không nên nổi nóng giận, không sinh phiền não, không có tham sân si, đó mới là chân chánh kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Các bạn đừng quên rằng Bồ Tát Quán Thế Âm, không nổi nóng giận với bất cứ ai. Bạn lễ bái Bồ Tát xong rồi, về nhà lại nóng giận như cũ thì Bồ Tát Quán Thế Âm lo lắng cho bạn, nói bạn không bỏ tính nóng giận, thì đến khi nào mới minh bạch Phật pháp? Hy vọng mọi người đừng làm cho Bồ Tát Quán Thế Âm lo lắng, không an tâm.
Các bạn, hôm nay không biết thức ăn chay có ngon chăng, tôi già rồi không còn biết mùi vị, các bạn ăn ngon hay không tôi không biết, tôi cũng không muốn các bạn biết, nếu ngon thì các bạn hoan hỉ, không ngon thì sinh phiền não. Tôi không muốn các bạn sinh phiền não. Không hoan hỉ cũng không phiền não, đó mới là mùi vị đạo chân chính. Hy vọng các bạn càng ngày càng tinh tấn, siêng tu giới định huệ, tức diệt tham sân si.
----o0o---
Nguồn: Chùa Kim Quang
Trình bày: Nhị Tường