Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 2

24/04/201320:10(Xem: 4370)
Quyển 2

KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU
Hán dịch : Cưu-ma-la-thập
Việt dịch : Nhựt Chiếu

---o0o---

Quyển 2

Ðời Diêu Tần Ngài Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập... dịch.

XIII. Ðức Phật bảo A-nan: Tưởng này thành rồi lại nên buộc niệm trụ ý quán kỹ xương sống trong eo lưng. Tưởng các xương sống trắng như ngọc tuyết. Thấy xương sống rồi, thấy xương toàn thân đốt đốt chống lên nhau, lại trở nên sáng sạch trắng như pha lê. Thấy từng đốt xương lớn nhỏ, mỗi xương đều sáng như gương pha lê. Hỏa đại, phong đại, địa đại, các cảnh giới đều hiện trong một đốt xương. Lúc tưởng này thành, thấy đất phương dưới từ dưới giường dần dần từ đó mở ra. Thấy đất dưới một giường rồi, lại thấy đất dưới hai giường. Thấy đất dưới hai giường rồi, lại thấy đất dưới ba giường. Thấy đất dưới ba giường rồi, dần dần thấy trong một nhà. Thấy trong một nhà rồi kế thấy trong hai nhà. Thấy trong hai nhà rồi dần dần thấy trong ba nhà. Thấy trong ba nhà rồi, lại thấy đất trong một sân dần dần từ đó mở ra. Lúc thấy việc này phải nên quán kỹ, cho đến phương dưới không có chướng ngại. Trong phong luân phương dưới có các gió nổi dạy. Các dạ-xoa hướng đến đều hút gió này. Hút gió này rồi các lỗ lông của thân sanh cưu-bàn-đồ. Mỗi cưu-bàn-đồ phun ra các núi lửa đầy đại thiên thế giới. Trong các núi ấy bỗng nhiên lại có vô lượng gái đẹp, trống nhạc đờn ca đến trước hành giả. La-sát lại đến tranh giành ăn thịt. Hành giả thấy rồi rất kinh sợ không tự kềm giữ được. Lúc xuất định luôn luôn lo âu, lòng đau, xương đỉnh đầu muốn vỡ. Nhiếp tâm nhập định như trước đều thấy cảnh giới tứ đại. Thấy cảnh giới này rồi, nhờ định lực tự thấy thân thể trắng như người ngọc. Trên mỗi đốt xương lửa cháy, dưới mỗi đốt xương nước chảy, trong tai gió thổi, trong mắt mưa đá. Thấy việc này rồi, ở dưới đất phía trước có mười con rắn độc, thân dài lớn năm trăm do-tuần, có 1.200 chân, chân giống như rồng độc, thân túa ra lửa và nước, uốn lượn ở đất. Lúc tưởng này thành chỉ nên chí tâm sám hối tội trước. Lúc xuất định không được nói nhiều. Ở chỗ vắng lặng nhứt tâm buộc niệm, chỉ trừ giờ ăn. Lại nên sám hối, dùng bơ và thuốc, sau đó mới nên đổi phép quán này.

Ðức Phật bảo A-nan: Quán này gọi là quán tứ đại thứ hai. Ông khéo thọ trì, cẩn thận chớ để quên mất.

Bấy giờ A-nan nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành.

Lúc tưởng này thành gọi là quán kiết sử căn bản thứ 13 xong.

XIV. Ðức Phật bảo A-nan: Tưởng này thành rồi lại nên đổi phép quán. Ðổi phép quán là lúc hỏa đại động, nên khởi tưởng núi. Nên tưởng các núi giống như băng sương bị lửa làm chảy ra. Lửa dữ như thế cháy rất mãnh liệt. Lúc lửa cháy mạnh thân thể nóng như chưng cách thủy. Lại tưởng rồng mưa đá để dập lửa dữ. Lại nên tưởng đá nát như bụi. Rồng lại phun gió làm tụ các bụi nhỏ chứa đến thành núi. Vô lượng cây rừng gai gốc bụi rậm đều tự nhiên sanh. Bấy giờ nước trắng đầy đủ năm sắc chảy giữa những cây gai. Những nước như thế chứa trên đỉnh núi, giống như chứa băng đông lại bất động. Tưởng này thành rồi gọi là phép quán thay đổi thứ 14.

Ðức Phật bảo A-nan: Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào thiền định, chánh thọ thì ông nên dạy phép quán thay đổi này, cẩn thận chớ để quên mất. Quán tứ đại này nếu có người đắc thì Phật cho dùng bơ, thịt, các thuốc uống. Lúc ăn thịt, trước phải rửa khiến không còn mùi vị, nên tưởng như người đời đói mà ăn thịt con. Nay thân ta đây nếu không ăn thịt thì phát cuồng mà chết. Do đó lúc Ðức Phật ở nước Xá-vệ cho phép các thầy tỳ-kheo vì tu thiền nên được ăn thịt có ba sự thanh tịnh.

Bấy giờ A-nan nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành

Ðức Phật bảo A-nan: Dạy phép quán thay đổi này rồi lại phải dạy lại phép buộc niệm trụ ý như trước. Quán kỹ xương sống lại khiến trắng sạch hơn trước vài lần. Ở giữa hai đốt xương nhờ sáng sạch nên thấy được tất cả các sự dơ xấu. Lúc tưởng này thành nên tự quán thân thành một người xương, giữa các đốt xương trắng sạch sáng tỏ như gương pha lê. Quán tất cả người xương trong Diêm-phù-đề và tứ đại có bao nhiêu cảnh giới đều hiện ra trong một khớp xương. Thấy việc này rồi, thấy những người xương từ phương đông lại hướng đến hành giả, xếp hàng thứ tự số như bụi nhỏ. Như thế , những người xương trắng đều xếp hàng thứ tự đi đến hành giả đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu xanh xếp hàng thứ tự đi đến hành giả đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu như bùn đọng, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu như nước đục, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu đỏ, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu hồng, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-ba ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương thân máu mủ dơ bẩn, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu vàng, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng như vậy. Lại có người xương màu lục, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy coiõ Diêm-phù-đề, dần ần rộng lớn, cho đến đầy thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu tía, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy cả thế giới Sa-ba ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy. Lại có người xương màu bịnh ghẻ na-lị, giữa những khớp xương chảy ra mười sáu màu mủ lộn xộn dơ bẩn, hàng hàng nối nhau đi đến hành giả, đầy cõi Diêm-phù-đề, dần dần rộng lớn, cho đến đầy cả thế giới Sa-bà ở phương đông. Phương nam, tây, bắc, bốn gốc, trên, dưới cũng lại như vậy.

Lúc tưởng này thành, hành giả kinh sợ. Thấy các dạ-xoa muốn đến ăn mình. Bấy giờ lại thấy những người xương, lửa nổi lên ở mỗi đốt xương, nối nhau cháy sáng đầy khắp thế giới Sa-bà. Lại thấy trên đỉnh đầu người xương vọt ra nước như cờ pha lê. Lại thấy tất cả lửa trên đầu người xương biến thành núi đá. Lúc đó lỗ tai của những con rồng phát ra gió, thổi lửa động núi. Khi ấy các núi xoay về trụ trong hư không như cái bàn của người nung đồ gốm mà không bị phân tán ngăn ngại. Thấy việc này rồi rất kinh sợ. Vì kinh sợ nên có một ức quỷ gánh núi, phun lửa hình trạng mỗi khác đi đến chỗ ấy.

Ðức Phật bảo A-nan: Nếu có tỳ-kheo chánh niệm an trụ, tu không phóng dật thì lúc thấy việc này nên dạy các phép quán không, vô ngã. Lúc xuất định cũng nên khuyến tấn để đến người có trí tuệ hỏi về nghĩa không rất sâu. Nghe nghĩa không rồi phải nên tự quán thân mình, thấy do dựa vào nhân bất tịnh của cha mẹ hòa hợp hình thành, gân ràng buộc, máu dơ bẩn, ba mươi sáu vật ô uế không sạch, thuộc các nghiệp duyên từ vô minh khởi. Nay quán thân này thấy không có một cái gì đáng yêu mến, như vật hư nát. Lúc tư duy như thế, những người xương đều đến bức bách mình. Nên duỗi cánh tay để chỉ và hạch hỏi những người xương, đồng thời quán niệm như sau: Người xương này từ tư tưởng hư vọng và phân biệt mà hiện. Thân ta cũng thế, từ tứ đại sanh, cùng ở chỗ thôn lạc lục nhập. Huống là những xương từ hư vọng xuất. Lúc quán niệm này, những người xương trắng nát tan như bụi, tích tụ trên đất như núi tuyết trắng. Rất nhiều người xương tạp sắc có một con rắn hổ mang lớn thình lình nuốt thức ăn. Trên núi tuyết trắng có một người bạch ngọc thân thể đoan nghiêm, cao ba mươi sáu do tuần, cổ đỏ như lửa, mắt có bạch quang. Lúc nước trắng và cờ pha lê đều tự nhiên vào đỉnh đầu người bạch ngọc thì các loại rồng, quỷ, rắn, rắn hổ mang, khỉ, sư tử, chồn, mèo đều kinh chạy, sợ lửa lớn nên tìm đến nương tựa trên và dưới cây. Chín mươi chín con rắn thân có lỗ chân lông đều ở trên cây. Bấy giờ rồng độc uốn lượn vòng quanh cây. Lại thấy voi đen đứng bên gốc cây.

Lúc thấy việc này phải nên dùng tâm thâm thiết sám hối sáu thời, không thích nói nhiều, ở chỗ thanh vắng, tư duy về các pháp không. Trong các pháp không, không có đất nước, cũng không lửa gió. Sắc là điên đảo từ huyễn pháp sanh. Thọ là nhân duyên từ các nghiệp sanh. Tưởng là điên đảo, là pháp không trụ. Thức là bất kiến thuộc các nghiệp duyên, sanh các loại tham ái. Quán kỹ thân này thấy đủ loại như thế. Ðịa đại từ không thấy có, thấy không cũng không thì nói thế nào chắc thật. Tưởng địa đại như thế thì suy xét giải thích thế nào là địa. Quán như thế rồi gọi là quán ngoại địa. Nhứt nhứt quán kỹ địa đại vô chủ. Lúc tưởng như thế, thấy núi xương trắng lại hoại nát giống như bụi nhỏ. Chỉ người xương ở trong khoảng bụi nhỏ có các ánh sáng trắng cùng kềm giữ liền nhau. Trong ánh sáng trắng lại sinh các loại ánh sáng bốn màu. Trong ánh sáng bốn màu lửa lại nổi lên mãnh liệt thiêu các dạ-xoa. Lúc các dạ-xoa bị lửa bức bách đều nhảy lên cây. Chưa lên trên cây thì bị voi đen giẫm đạp. Dạ-xoa phun ra lửa đốt chân voi đen. Lúc đó voi đen phát ra tiếng rống như tiếng rống của sư tử, diễn thuyết pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, cũng nói thân này là pháp bại hoại, không lâu sẽ bị hủy diệt. Voi đen nói rồi đánh với dạ-xoa. Dạ-xoa dùng chỉa lớn đâm tim của voi đen. Voi đen lại rống lên một tiếng làm một phần đất chấn động. Lúc đó rễ thân cánh lá của cây lớn dao động cùng một lúc. Rồng cũng phun lửa muốn đốt cây này . Những con rắn kinh sợ trườn ra, mỗi con duỗi ra chín mươi chín đầu để cứu cây này. Lúc đó dạ-xoa kinh hãi đứng dậy, tay cầm đá lớn muốn ném voi đen. Voi đen liền đến trước dùng vòi quấn đá ném trên cây. Ðá đến trên cây hình giống núi dao. Những dạ-xoa này phấn chấn nhảy lên, các lỗ chân lông của thân mình hiện ra những con rồng độc. Rồng có bốn đầu phun khói lửa rất đáng sợ.

Lúc tưởng này thành, tự thấy thân mình, nơi tim trong thân sâu như hầm giếng. Trong giếng có rắn phun độc trên dưới. Có ngọc ma-ni hiện ra trên giếng, được buộc treo lơ lửng bằng mười bốn sợi tơ. Lúc rắn độc đó ngước lên, miệng táp viên ngọc không thể được, thì buông mình rơi xuống đất hôn mê. Lúc đó lửa trong miệâng lại trở về vào trong đỉnh đầu. Hành giả nếu thấy việc này thì nên sám hối. Xin ăn theo ý thích để điều hòa tứ đại, khiến cực an ổn. Nên ngồi trong nhà kín, nơi không có tiếng chim sẻ.

Ðức Phật bảo A-nan: Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đắc được quán này thì gọi là đắc quán địa đại. Nên chuyên cần buộc niệm, cẩn thận chớ phóng dật. Nếu tu không phóng dật, hành nhanh hơn nước chảy thì sẽ được đảnh pháp. Tuy còn lười nhác mà đã xả bỏ nơi tam đồ ác đạo. Khi xả báo thân, qua đời sau sẽ sanh về cõi trời Ðâu-suất được gặp Bồ-tát Di-lặc nói cho các pháp khổ, không, vô thường...hoát nhiên ý mở, thành tựu quả A-na-hàm.

Ðức Phật bảo A-nan: Nay ông nên thọ trì pháp quán địa đại một cách nghiêm cẩn, hãy thận trọng chớ để quên mất. Vì tất cả chúng sanh đời sau phu diễn nói rộng.

Bấy giờ A-nan nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành.

Ðắc quán này gọi là quán địa đại thứ 14 xong. Cũng gọi là phân biệt tướng mạo của địa đại. Cũng gọi là thấy tướng thô của ngũ ấm. Người có trí tuệ cũng tự biết được kiết sử nhiều ít. Trong tứ niệm xứ gọi là thân niệm xứ. Chỉ thấy ngoài thân , chưa thấy trong thân. Cảnh giới của thân niêm xứ là phần đầu tiên trong bốn phần. Ðắc quán này thân tâm vui vẻ, ít tranh tụng.

Ðức Phật bảo A-nan: Tưởng này thành rồi, kế nên quán lửa ngoài thân, từ nhân duyên mà có. Có duyên thì khởi, duyên lìa thì diệt. Nhiều lửa như thế , không từ đâu đến cũng không đi đâu, biến diệt không rõ, trọn không tạm dừng. Lúc tư duy như thế, lửa ngoài liền diệt, lại không hiện lại. Ngoài ra, lại nên tư duy nước sông lớn sông nhỏ, nước ao, nước chảy...là do sức rồng biến hóa tạo thành. Nay ta vì sao thấy nước này một cách trái ngược. Những nước này không từ đâu đến, không đi về đâu. Lúc tư duy như thế nước ngoài không hiện. Lại nên khởi niệm gió này và hư không với tiếng rống của rồng mượn duyên mà có. Tưởng như thế cũng không ở trong cũng không ở ngoài, không ở giữa, mà do tâm điên đảo nên thấy việc này một cách trái ngược. Lúc tư duy như vậy gió ngoài không khởi.

Lại nên buộc niệm tư duy xương sống trong thân. Thấy xương trong thân trắng như ngọc tuyết, có ba mươi sáu vật dơ xấu bất tịnh trong mỗi một đốt xương đều hiện ở trong. Lại thấy da của thân giống như túi da, đầy vật bất tịnh, móng tay móng chân lở loét vô lượng, trăm ngàn bịnh ung nhọt đều ở trong. Mủ chảy ra giọt giọt không dứt. Nên trên đầu người xương rất đáng chán ngán lo âu. Hoặc thấy ngũ tạng trong thân đều đi vào trong ruột già. Ruột già phình trướng hư nát chảy nước khó chịu. Bấy giờ hành giả nhờ định lực nên xuất định nhập định, thấy tất cả người và thân mình đồng là vật tụ tập bất tịnh. Thấy thân những người nữ như chó trùng dơ xấu bất tịnh. Tự nhiên sẽ đắc tưởng không tham sắc.

Ðức Phật bảo A-nan: Lúc tưởng này thành gọi là quán tứ đại ở ngoài thứ 14. Cũng gọi là học hiểu dần quán không. Ðức Phật bảo A-nan: Ông hãy trì giữ lời Phật, cẩn thận chớ để quên mất.

Bấy giờ A-nan nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành.

XV. Ðức Phật bảo A-nan: Tưởng này thành rồi lại nên dạy buộc niệm quán kỹ địa đại trong thân. Ðịa đại trong thân là xương, răng, móng, lông, ruột, bao tử, bụng, gan, tim, phổi, những vật chắc thật đều là địa đại, do tinh khí tạo thành. Chúng ta biết địa ở ngoài vô thường. Ví như đại địa, khi hai mặt trời xuất hiện thì địa đại khô bỏng. Khi ba mặt trời xuất hiện thì sông lớn, sông nhỏ, hồ, ao đều khô kiệt. Khi bốn mặt trời xuất hiện thì biển lớn ba phần giảm hai. Khi năm mặt trời xuất hiện thì biển lớn khô hết. Khi sáu mặt trời xuất hiện thì địa đại bốc cháy. Khi bảy mặt trời xuất hiện thì địa đại cháy hết. Ðịa ở ngoài còn như vậy, thế không lâu bền, huống là địa trong thân lại kiên cố sao? Bấy giờ hành giả nên tự tư duy: Nay thân này của ta tóc là ngã ư, móng là ngã ư, xương là ngã ư, ngũ tạng là ngã ư? Quán kỹ như thế thì thấy những chi tiết của thân đều không có ngã. Tự quán các xương, quán kỹ từng xương này từ nơi nào sanh. Lúc cha mẹ hòa hợp hai chất tinh trắng đỏ, lúc thì như sữa, lúc thì như bọt, lúc thì như ca-la-la, lúc thì như an-phù-đà. Những khi như thế, nơi nào có xương. Nên biết xương này vốn không. Nay có rồi, có lại không. Xương này đồng với tướng hư không. Ðịa ngoài vô thường địa trong cũng vậy. Lúc tư duy như thế, quán kỹ tất cả xương của thân mình tự nhiên vỡ tan giống như vi trần. Nhập định quán xương chỉ thấy xương xứ, không thấy xương tướng. Xuất định thấy thân như trước không khác.

Lại nên quán lửa trong thân do lửa ngoài mà có. Lửa ở ngoài vô thường không có lúc tạm dừng. Nay lửa trong thân ta do đâu mà nóng lâu dài. Khi quán như thế, quán tất cả ánh sáng của lửa trên các xương đều diệt không hiện.

Lại nên quán nước trong thân. Nước này của ta do nước ngoài mà có. Nước ngoài vô thường, thế không lâu dài, nước trong thân cũng vậy, mượn duyên mà có. Nơi nào có nước và tụ tập bất tịnh?

Gió ở ngoài vô thường, thế không lâu dài, từ nhân duyên sanh, lại từ duyên diệt. Nay trong thân ta có bao nhiêu gió, giả ngụy hợp thành, miễn cưỡng là bộ phận trọng yếu chớ nơi nào có gió, do vọng tưởng khởi là thấy điên đảo. Lúc tư duy như thế không thấy gió trong thân và lỗ tai của các con rồng có bao nhiêu gió đều diệt không hiện.

Tự tư duy kỹ các pháp như thế thì nơi đâu có người và đất, nước, lửa, gió? Quán địa này là pháp bại hoại, quán hỏa này giống như huyễn, lại quán phong này từ điên đảo khởi, quán thủy này từ tưởng hư vọng hiện. Lúc quán như thế, hành giả thấy thân giống như cây chuối không chắc thật. Hoặc tự thấy tim như bọt trên nước, nghe các tiếng ở ngoài giống như tiếng trong hang. Lúc quán như thế, thấy tất cả ánh sáng của lửa trên các xương, thấy nước sáng trắng, thấy gió của các con rồng (tạo ra) đều ở một chỗ. Quán thân vắng lặng không phân biệt thân tướng. Thân tâm an ổn điềm nhiên vui thích. Như cảnh giới này gọi là quán tứ đại thứ 15 xong.

Ðức Phật bảo A-nan: Nay ông nên chí tâm thọ trì phép quán tứ đại này, cẩn thận chớ để quên mất. Vì tất cả chúng sanh đời sau, nên diễn thuyết rộng.

Bấy giờ A-nan nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành.

XVI. Lúc quán này, vì học quán không khiến thân hư tâm lao nên dùng bơ và các thuốc bổ. Ở trong thiền định sâu nên quán tưởng bồi bổ. Quán tưởng bồi bổ là trước tự quán thân, khiến da lớp lớp bọc nhau giống như cây chuối, rồi sau an tâm, tự tưởng khai mở đỉnh đầu. Lại nên khuyến tấn Ðế thích, Phạm vương, chư thiên hộ đời cầm bình vàng đầy thiên dược_ Thích Ðề-hoàn Nhơn ở bên trái, chư thiên hộ đời ở bên phải, cầm thiên dược rưới trên đỉnh đầu và khắp toàn thân. Ngày đêm sáu thời hằng quán tưởng này. Nếu lúc xuất định thì tìm các thuốc bổ, dùng thức ăn uống tốt, luôn luôn ngồi an ổn khoái lạc gấp đôi lúc thường. Tu như thế bồi bổ thân qua ba tháng rồi, nhiên hậu mới quán niệm các cảnh giới khác. Do sức thiền định chư thiên hoan hỷ. Lúc Thích Ðề-hoàn Nhơn thuyết cho pháp không, vô ngã rất sâu và khen ngợi, thì hành giả đầu mặt kính lễ. Nhờ uống thiên dược, nên lúc xuất định nhan sắc hòa vui, thân thể thắm đượm như bôi dầu mở. Thấy việc này gọi là quán tứ đại thứ 16 xong.

XVII. Ðức Phật bảo A-nan: Tưởng này thành rồi lại phải dạy buộc niệm trụ ý để quán ngoại sắc. Tất cả sắc từ nơi nào sanh. Lúc quán này, thấy năm sắc bên ngoài như hào quang năm sắc vây quanh thân mình. Lúc tưởng này hiện, tự quán thân, từng xương ngực dần dần sáng sạch như gương pha lê, sáng tỏ khả ái. Lại thấy ngoại sắc, từng sắc sáng như ánh sáng mặt trời. Lúc đắc quán này, bốn phương tự nhiên sanh bốn voi đen. Voi đen hét lớn đạp lên các sắc tiêu mất. Như thế, các sắc trên đất diệt mất, màu đen và vàng ở trong hư không khả ái gấp đôi lúc thường. Bấy giờ voi lớn dùng vòi quấn cây. Bốn con voi ở bốn bên muốn nhổ cây này mà không thể nghiêng động. Lại có bốn con voi dùng vòi quấn cây cũng không chuyển động. Bấy giờ hành giả thấy việc này rồi, lúc xuất định nên ở chỗ vắng. Hoặc trong gò mả, hoặc dưới gốc cây, hoặc chỗ a-luyện-nhã, che thân kín đáo. Phải nên vắng lặng, lại tìm thuốc tốt để bồi bổ thân mình. Tu tập pháp dược bổ thân như trên qua ba tháng, nhứt tâm tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, tâm không phóng dật. Ðối với giới đã thọ không khởi tâm hủy phạm. Ngày đêm sáu thời sám hối các tội. Lại tư duy thân không, ngã không. Quán kỹ từng cảnh giới như trước khiến cực sáng tỏ. Lúc tưởng này thành, xương ngực dần dần sáng, giống như ngọc thần, trong ngoài chiếu suốt. Rắn độc trong tim lại vươn mình bay lên trụ trong hư không, trong miệng có lửa, muốn táp châu ma-ni, nhưng hoàn toàn không thể được. Mất thăng bằng buông mình rơi xuống đất như trước, thân tâm bất tỉnh, vọng thấy bốn phương. Bấy giờ các con voi lại tranh nhau chạy đến chỗ cây. Lúc đó những dạ-xoa, la-sát, ác thú, rồng, rắn... đồng thời phun độc, đánh voi đen. Khi đó voi đen dùng vòi quấn cây hét lên rồi lôi đi. Lúc voi lôi cây, các rồng, dạ-xoa phun độc chận đánh phía trước, không chịu dừng. Bấy giờ dưới đất có một con sư tử, hai mắt sáng rực giống như kim cương bỗng nhiên vọt ra, đánh các con rồng. Lúc đó những con rồng vọt lên trụ trong hư không. Còn voi cứ kéo cây mãi không dừng, đất dần dần rung động. Lúc đất động, hành giả nên quán đất này từ không mà có, chẳng phải là pháp chắc thật. Ðất này như thành càn-thát-bà, như ngựa hoang đi, từ hư vọng xuất, duyên nào mà động. Lúc tư duy như thế tự thấy xương ngực cho đến xương mặt của thân mình dần dần sáng sạch. Thấy các thế gian, tất cả có bao nhiêu đều sáng tỏ. Lúc đắc quán này như cầm gương sáng, tự xem hình tượng mặt mày. Bấy giờ hành giả thấy tất cả các sắc và các vật bất tịnh ngoài thân. Cũng thấy tất cả bất tịnh trong thân . Lúc tưởng này thành gọi là quán thân niệm xứ thứ 17.

Ðức Phật bảo A-nan: Ông khéo thọ trì phép quán đảnh chương cú thân niệm xứ này, cẩn thận chớ để quên mất. Khai pháp môn cam lồ, vì tất cả chúng sanh vị lai, nên diễn nói rộng.

Bấy giờ A-nan nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành.

XVIII. Ðức Phật bảo A-nan: Tưởng này thành rồi lại phải dạy buộc niệm tư duy quán kỹ xương mặt. Tự thấy xương mặt như gương bạch ngọc, trong ngoài đều rất sạch như gương sáng, dần dần rộng lớn. Thấy xương toàn thân trắng như gương pha lê, trong ngoài đều sạch. Tất cả các sắc đều hiện ở trong. Trong chốc lát thấy thân như người bạch ngọc. Lại thấy lặng trong như ngọc tỳ-lưu-ly, trong ngoài đều rỗng không. Tất cả các sắc đều hiện ở trong.

Lại thấy thân mình như người bạch ngân, chỉ còn lớp da mỏng. Da cực mỏng, mỏng hơn một loại vải trắng dệt bằng sợi cây kiếp- bối của trời, trong ngoài chiếu suốt.

Lại thấy thân mình như người Diêm-phù-đàn-na-kim, trong ngoài đều rỗng không.

Lại thấy thân mình như người kim cương.

Lúc thấy địa này, voi đen nhiều gấp bội dùng vòi quấn cây, vận hết sức thân mình, nhưng cây bất động. Bấy giờ các con voi hét lên dữ dội kinh động đại địa. Lúc đại địa động, có núi kim cang từ đất phương dưới xuất hiện trụ ở trước hành giả. Bấy giờ hành giả thấy bốn bên mình có núi kim cang. Lại thấy đất phía trước giống như kim cang. Ðồng thời thấy những con rồng tìm (cái gì) trên, dưới cây và phun ra ngọc kim cang. Cây trở nên kiên cố, voi không làm lay động được. Chỉ có nước năm sắc từ trên cây xuất hiện chảy ngược lên cành cây, rồi từ trên đọt cây chảy xuống trong lá cho đến thân cây. Cũng chảy trong núi kim cang lan tràn đầy khắp đại địa, dưới đất kim cang cho đến núi kim cang. Nước năm sắc này phóng hào quang năm sắc hoặc trên hoặc dưới qua lại vô thường. Bấy giờ voi đen từ núi kim cang đi ra muốn hút nước này. Những con rồng phun độc đánh voi lớn. Lúc đó những con rắn vào trong tai của rồng hợp lực gây thanh thế cùng đánh voi đen. Bấy giờ voi đen hết sức thất điên bát đảo nhưng cũng không sao.

Lúc thấy việc này, những ánh sáng của nước đều biến thành kỹ nhạc. Hoặc biến hóa hình trạng giống như thiên nữ ca vịnh tấu nhạc rất khả ái vui tươi. Những người con gái này đoan chính, ở trên trời và cõi người không bằng được. Nhạc được tấu với âm thanh huyền diệu dù trên trời Ðao-lợi cũng không sánh kịp. Hóa nữ như thế trình diễn vài ức thiên vạn kỹ thuật, không thể nói hết. Lúc thấy việc này, cẩn thận chớ mê đắm theo, phải nên buộc tâm nhớ bất tịnh trước.

Lúc xuất định nên đến người có trí tuệ hỏi về nghĩa không rất sâu. Bấy giờ người trí nên vì hành giả nói về vô ngã không. Hành giả lại nên buộc niẹâm như trước, tự quán xương thân. Tự thấy xương ngực sáng sạch khả ái, tất cả bất tịnh đều hiện ở trong. Thấy việc này rồi nên tự tư duy về mình như sau: Tóc là ngã ư, xương là ngã ư, móng là ngã ư, răng là ngã ư, sắc là ngã ư, thọ là ngã ư, tưởng là ngã ư, thức là ngã ư. Nhứt nhứt quán kỹ, vô minh là ngã ư, hành là ngã ư, thức là ngã ư, danh sắc là ngã ư, lục nhập là ngã ư, xúc là ngã ư, thọ là ngã ư, ái là ngãø ư, thủ là ngã ư, hữu là ngã ư, sanh là ngã ư, lão tử là ngã ư. Nếu tử là ngã, lúc các trùng ăn, tan diệt hoại mất thì ngã ở đâu? Nếu sanh là ngã thì niệm niệm không dừng, tư tưởng không thường trụ ở trong sanh này. Nên biết sanh này cũng chẳng phải là ngã. Nếu đầu là ngã thì sao tám đoạn xương đầu khớp khớp mỗi khác, trong não sinh trùng, quán trong đầu này thì thấy thật vô ngã. Nếu mắt là ngã thì sao trong mắt đất và nước không thật, mượn lửa làm ánh sáng, mượn gió chuyển động. Lúc tan diệt hư nát, chim quạ, bồ cắt... đều đến ăn, lở loét trùng giòi cùng ăn. Quán kỹ mắt này (thì biết vô ngã). Nếu tim là ngã thì sao sức gió chuyển động (trong tim) không có lúc tạm dừng, cũng có sáu con rồng cử động và trong tâm này có vô lượng độc tâm làm căn bản. Suy xét những thứ độc này cùng tâm tính đều từ cái có không thực, vọng tưởng gọi là ngã. Như vậy các pháp: địa thủy hỏa phong, sắc hương vị xúc và 12 nhân duyên, suy xét kỹ từng pháp một thì nơi nào có ngã? Quán thân đã vô ngã, thì sao gọi là có ngã sở. Ngã sở: Sắc xanh là của ta, sắc vàng là của ta, sắc đỏ là của ta, sắc trắng là của ta, sắc đen là của ta. Năm sắc này từ khả ái mà có, theo sự trói buộc mà sanh nước dục nhiễm trước. Sanh từ sông lão tử, khởi từ giặc ân ái, thấy từ sự si mê. Các sắc như thế thật chẳng phải là ngã. Chúng sanh mê hoặc vướng mắc nói ngang là ngã. Chúng sanh thấy biết hư vọng lại gọi là ngã sở. Tất cả như huyễn thì nơi nào có ngã; thế thì trong pháp huyễn há có ngã sở? Lúc tư duy như thế, tự thấy xương thân sáng sạch khả ái. Việc hiếm thấy của tất cả thế gian đều hiện ở trong. Lại thấy thân mình như người ngọc tỳ-lưu-ly, trong ngoài đêu rỗng không. Như người đội cờ lưu ly ngước nhìn không trung, tất cả đều thấy. Bấy giờ hành giả từ trong thân đến ngoài thân, nhờ quán không, nên giác ngộ pháp vô ngã. Tự thấy hai chân của thân mình như ống lưu ly. Cũng thấy việc hiếm thấy của tất cả thế gian ở phương dưới.

Lúc tưởng này thành thì trên đất phía trước hành giả sáng sạch khả ái như ngọc tỳ-lưu-ly ánh chiếu cực kỳ thông suốt. Người trì giới đầy đủ thấy đất trong sạch như cung điện Phạm vương. Người thiếu oai nghi, tuy thấy đất sạch nhưng giống như thủy tinh.

Lúc tưởng này thành, có vô lượng trăm ngàn vô số dạ-xoa, la-sát đều từ đất xuất hiện. Tay cầm sừng dê trắng, mai rùa, đá trắng đập núi kim cang. Lại có các quỷ tay cầm vồ sắt đập núi kim cang. Lúc đó trên núi có năm quỷ thần ngàn đầu ngàn tay, tay cầm ngàn cây kiếm đánh với la-sát. Rắn độc, rồng độc đều phun chất độc xung quanh núi này. Lại có những người con gái ca vịnh yểu điệu, làm các biến động để hộ giúp núi này.

Nếu thấy việc này nên nhứt tâm quán lúc những người con gái hiện ra. Nên quán những người nữ này giống như đồ bất tịnh, nơi chứa đầy hơi thúi trong bình vẽ, xuất hiện từ hư vọng, đến không có nguyên nhân, đi cũng không chỗ đến. Tướng mạo như thế là do ác nghiệp tội duyên đời trước của mình, nên thấy người nừ này. Người nữ này thấy từ hư vọng, là nhân duyên tham ái của vô số đời vọng tưởng của mình. Nên chí tâm quán pháp vô ngã, thân mình vô ngã, thân người cũng vậy. Những điều thấy này thuộc các nhân duyên, ta không nguyện cầu. Ta quán thân này vô thường bại hoại cũng không có cái ta, thì nơi nào có người và chúng sanh. Tư duy như vậy rồi, nhứt tâm quán kỹ pháp không vô ngã. Lúc quán vô ngã thì mé đất lưu ly phương dưới có bốn đại quỷ thần tự nhiên đi đến vỗ núi kim cang. Lúc đó các dạ-xoa, la-sat cũng giúp quỷ này phá núi kim cang. Núi kim cang dần dần đổ nát, trải qua nhiều thời gian núi cao rộng đều hết, chỉ còn đất kim cang. Bấy giờ những con voi và những ác quỷ đều ra sức kéo cây, cây kiên cố khó lay động.

Thấy việc này rồi lại hoan hỷ sám hối các tội. Sám hối tội rồi, buộc niệm như trước, quán người lưu ly. Trên đất lưu ly, ở bốn phương sinh bốn hoa sen. Hoa ấy màu vàng, cũng có ngàn cánh kim cang làm đài. Có một tượng vàng ngồi kiết già ở phương đông, thân tướng đầy đủ quang minh không thiếu. Phương nam, tây, bắc cũng lại như vậy. Lại thấy thân lưu ly trong sáng tăng lên, trong ngoài thông suốt, không có các chướng ngại. Trong thân ngoài thân đầy hóa Phật. Những hóa Phật này đều phóng hào quang. Hào quang ấy vi diệu như ức ngàn mặt trời chói lọi đoan nghiêm. Hóa Phật đầy khắp tất cả ba ngàn đại thiên thế giới. Mỗi một hóa Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Mỗi một tướng tốt phóng ra ngàn hào quang. Hào quang ấy nhiều như trăm ngàn mặt trời mặt trăng hòa hợp. Trong mỗi một hào quang có vô số Phật . Như thế dần dần lại tăng rộng, số lượng không thể biết. Trong mỗi ánh sáng lại có vô số hóa Phật . Những hóa Phật này uyển chuyển trở về, vào trong thân người lưu ly. Bấy giờ tự thấy thân mình như núi bảy báu cao sáng khả quan. Lại trang nghiêm sáng rỡ như núi Tu-di có bảo vật xen nhau. Núi chiếu sáng trên đất kim cang. Lúc đó đất kim cang lại sáng rỡ như ngọc ma-ni màu xanh sẫm ánh đỏ của cõi trời Diệm-ma. Thân lại chuyển thành trong sáng như hào quang của vô số chư Phật hóa thành đài báu, cũng vào đỉnh đầu người lưu ly. Lại thấy chư Phật ngồi kiết già trên đài hoa sen đầy trong núi Thiết-vi phía trước và giữa hư không không thiếu. Thân của từng hóa Phật đầy thế giới mà các hóa Phật đó không chướng ngại nhau. Lại thấy các núi Thiết-vi sạch như lưu ly, không có tướng chướng ngại. Thấy núi sông, vách đá, cây cối, gai gốc của cõi Diêm-phù-đề, tất cả đều là chư hóa Phật mầu nhiệm. Tâm dần dần rộng lớn, thấy ba ngàn đại thiên thế giới trống không và tất cả đất đều là tượng Phật vi diệu. Lúc đó hành giả chỉ quán vô ngã, cẩn thận chớ khởi tâm đuổi theo tượng Phật . Lại nên tư duy: Ta nghe Phật nói chư Phật Như lai có hai loại thân, một là sanh thân, hai là pháp thân. Nay chỗ ta thấy đã chẳng phải pháp thân, lại chẳng phải sanh thân, là do giả tưởng thấy, từ hư vọng khởi. Chư Phật không đến, ta cũng không đi. Vì sao nơi đây bỗng sanh tượng Phật . Lúc nói lời này, chỉ nên tự quán thân mình vô ngã. Cẩn thận chớ đuổi theo các tượng hóa Phật . Lại nên quán kỹ nay thân này của ta lúc trước bất tịnh, chín lỗ mủ chảy, gân ràn rụa, máu dơ bẩn, sanh tạng thục tạng, đại tiểu tiện lợi, tám vạn hộ trùng, mỗi một trùng lại có tám mươi ức tiểu trùng làm quyến thuộc. Thân này như thế đâu có sạch chi. Tư duy như thế, tự thấy thân mình giống như túi da. Xuất định cũng thấy trong thân không có xương, da của thân như cái túi. Cũng quán thân người giống như túi da.

Lúc thấy việc này, nên đến người có trí tuệ hỏi về các pháp khổ. Nghe pháp khổ rồi, quán kỹ thân này thuộc các nhân duyên nên có khổ sinh. Ðã thọ sinh rồi thì ưu bi, khổ não, ân ái biệt ly và oán tắng hội. Như thế đủ thứ pháp khổ ở thế gian. Nay thân này của ta không bao lâu sẽ hư hoại, thuộc loại sanh tử ở trong lưới khổ. Các giặc như dao gió đi theo thân ta. Lửa dữ của địa ngục a-tỳ cháy mạnh sẽ thiêu đốt ta. Lạc đà, lừa, heo, chó, tất cả súc sanh và các cầm thú, ta đều trải qua, thọ các thân hình xấu xí ấy. Những khổ như thế gọi là ngoại khổ. Nay trong thân ta tự có bốn con rồng độc lớn, vô số rắn độc. Mỗi con rắn có chín mươi chín đầu. Các ác quỷ la-sát và các ác quỷ cưu-bàn-đồ... tụ tập ở tâm ta. Như thế thân tâm rất là bất tịnh, là chỗ hủ bại xấu ác tụ tập, chủng tử của ba cõi manh nha không dứt. Vì sao nay ta ở trong bất tịnh mà sanh tưởng thanh tịnh. Ðối với vật hư vọng mà tưởng là kim cang. Ðối với chỗ không có Phật mà tưởng Phật tượng. Tất cả tính tướng của các hành trong thế gian thảy đều vô thường, không lâu sẽ diệt. Thân này của ta như trong khoảng khảy móng tay cũng sẽ bại hoại. Dùng tưởng hư vọng này thấy tịnh giả ngụy trong bất tịnh.

Lúc tư duy như thế, tự thấy thân mình sạch như lưu ly, các tướng túi da tự nhiên biến mất. Quán thân và ngã trọn không thể được. Chỉ thấy bốn phương có các voi đen giẫm đạp lên đất phía trước. Tất cả đất kim cang phía trước bể nát. Thấy đất, cây, cành khô, cho đến những cành khô ở phương dưới rất nhiều không thể nói hết. Bấy giờ voi đen, như khi trước, dùng vòi quấn cây. Vô lượng rồng, dạ-xoa và voi đen đánh nhau. Voi lồng lên dày đạp các quỷ thần đó quỵ xuống đất bất tỉnh. Ở trong hư không có rất nhiều quỷ thần tay cầm bánh xe dao trợ giúp voi đen muốn nhổ cây này. Như thế một số rễ cây nhiều lúc bị động. Lúc cây này động, hành giả tự thấy đất dưới giường dây tự nhiên chấn động ngày ngày như thế.

Mãn chín mươi ngày như thế nên xin thức ăn tươi tốt và các thuốc bổ để bồi bổ thân thể. Ngồi ngay an ổn. Lại thực hành như trước và thấy như trước. Từ cảnh giới đầu tiên, quán kỹ từng cảnh giới qua lại cẩn thận, trải qua mười sáu lần, khiến cực sáng sạch. Ðã sáng sạch rồi, trở lại buộc niệm quán thân khổ, không, vô thường, vô ngã cũng đều không.

Lúc tư duy như thế, quán thân không thấy thân, quán ngã không thấy ngã, quán tâm không thấy tâm. Bấy giờ hốt nhiên thấy đại địa này, núi sông vách đá tất cả đều không.

Lúc xuất định như người say mê. Phải nên chí tâm tu phép sám hối, lễ bái tha thiết, buông xả quán này. Lúc lễ bái chưa ngước đầu lên, tự nhiên được thấy chân ảnh của Như lai, dùng tay xoa đầu, khen rằng: Pháp tử! Lành thay! Lành thay! Nay con khéo quán phép không của chư Phật. Nhờ thấy linh ảnh của Phật nên tâm rất vui mừng, lại được tỉnh ngộ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Tân-đầu-lư và 500 A-la-hán bay đến trước, vì hành giả tuyên nói rộng pháp không rất sâu. Nhờ thấy 500 tỳ-kheo Thinh văn, nên tâm rất vui mừng chí thành sám hối. Lại thấy Tôn giả Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-liên, La-dạ-na và 1.250 linh ảnh Thinh văn. Bấy giờ lại thấy linh ảnh Phật Thích-ca-mâu-ni. Thấy linh ảnh Phật Thích-ca-mâu-ni rồi lại được thấy linh ảnh sáu Ðức Phật quá khứ. Linh ảnh của chư Phật lúc đó như gương pha lê sáng rỡ đẹp đẽ. Mỗi vị duỗi cánh tay mặt xoa đầu hành gia. Chư Phật Như lai tự nói danh hiệu. Ðức Phật thứ nhất nói: Ta là Tỳ-bà-thi. Ðức Phật thứ hai nói: Ta là Thi-khí. Ðức Phật thứ ba nói: Ta là Tỳ-xá. Ðức Phật thứ tư nói: Ta là Câu-lưu-tôn. Ðức Phật thứ năm noi: Ta là Ca-na-hàm Mâu-ni. Ðức Phật thứ sáu nói: Ta là Ca-diếp-tỳ. Ðức Phật thứ bảy nói: Ta là Phật Thích-ca-mâu-ni, là Hòa thượng của con. Con quán pháp không ,Ta đến chứng minh cho con. Sáu Ðức Phật Thế tôn hiện tiền thấy biết chứng giám cho con. Lúc Ðức Phật nói lời này, thấy sắc thân của Phật hết sức rõ ràng, cũng thấy sáu vị Phật hết sức phân minh.

Bấy giờ bảy Ðức Phật, mỗi vị phóng quang tướng lông trắng đại nhân giữa chân mày. Hào quang rất nhiều chiếu khắp thế giới Sa-bà và thân lưu ly đều sáng rỡ. Lúc chư Phật hiện tướng này, những lỗ chân lông phóng đại quang minh, hóa Phật vô số, đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, trên đất và hư không thuần một màu hoàng kim. Trong số chư Thế tôn đó có vị phi hành, có vị làm mười tám loại thần biến, có vị kinh hành, có vị vào sâu thiền định, có vị mặc nhiên an trụ, có vị phóng đại quang minh. Chỉ Ðại Hòa thượng Thích-ca-mâu-ni nói bốn chân đế cho hành giả, phân biệt nghĩa không của các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Sáu Ðức Phật quá khứ lại cũng phân biệt 12 nhân duyên, hoặc lại diễn thuyết 37 đạo phẩm, tán thán Thánh hạnh. Bấy giờ hành giả thấy Phật nghe pháp tâm sinh hoan hỷ.

Ðây là lúc nên tự tư duy chư Phật Thế tôn có hai loại thân, nay ta được thấy, thấy sắc thân của Phật mà không thấy năm phần pháp thân là tri kiến giải thoát của Như lai. Lúc tư duy như thế, lại ân cần sám hối ngày đêm sáu thời không trễ nải, luôn tu thiền định. Nên ghi nhớ rằng: Sắc thân này như huyễn như mộng, như ánh lửa, như vòng lửa quay, như thành càn-thát-bà, như tiếng gọi dội lại. Do đó Ðức Phật đã nói tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện.

Những pháp như thế, nay ta nhứt nhứt phải nên quán kỹ khiến cực rõ ràng. Lúc quán như thế hóa Phật không hiện. Nếu còn một ít lại phải quán không. Vì quán không nên hóa Phật liền biến mất, chỉ còn bảy Ðức Phật. Bấy giờ bảy vị Phật và chư đại chúng Thinh văn quyến thuộc rộng vì hành giả nói 37 pháp trợ Thánh đạo. Nghe pháp này rồi thân tâm hoan hỷ. Lại quán kỹ các pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã. Lúc quán này voi lồng lên hét lớn kéo cây rung động. Lúc cây mới động, thấy đất một phòng chấn động sáu cách. Lại có dạ-xoa đâm voi đen chết. Nhiều voi đen chết nằm trên đất, không bao lâu hư nát chảy nước, mủ trắng, mủ đen, mủ xanh, mủ vàng, mủ lục, mủ tía, mủ đỏ, máu đỏ dầm dề trên đất. Lại có con bọ hung và các trùng tụ tập dạo chơi ở trên. Lại có các trùng trong mắt phát ra lửa đốt bọ hung chết. Bấy giờ ở bờ đất kim cang phương dưới có năm bánh xe kim cang, có năm người kim cang ở trong bánh xe ấy, tay mặt cầm kiếm kim cang, tay trái cầm chày kim cang. Dùng chày đập đất, dùng kiếm chặt cây. Lúc thấy việc này, đại địa dần dần chấn động. Thấy đất trong thành chấn động sáu cách. Thấy một thành rồi lại thấy hai thành. Dần dần rộng lớn thấy một do tuần. Thấy một do tuần rồi, lại rộng lớn thấy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả đất động. Lúc động, phương đông nổi lên phương tây chìm xuống, phương tây nổi lên phương đông chìm xuống, phương nam nổi lên phương bắc chìm xuống, phương bắc nổi lên phương nam chìm xuống, giữa nổi lên bìa chìm xuống, bìa nổi lên giữa chìm xuống. Lúc đất này động, thấy gốc cây lớn cho đến bờ kim cang. Khi người kim cang dùng dao chặt, làm cho gốc cây đứt. Lúc gốc cây đứt, những rồng rắn đều phun lửa, tìm cây mà lên. Bấy giờ có nhiều la-sát tụ tập lại trên cây củi. Lúc người kim cang dùng chày kim cang đập cành cây cho cây này gẫy, từ một chày cho đến 84.000 chày cành cây mới gẫy. Bấy giờ chày bắt đầu tự nhiên phát ra lửa đốt hết cây này. Chỉ còn lỏi cây như dùi kim cang. Từ trên đỉnh tam giới xuống đến bờ kim cang không nghiêng động.

Khi hành giả đắc quán này, lúc xuất định an lạc. Khi xuất định nhập định tâm luôn luôn vắng lặng, không có tướng vui hay lo. Lại siêng năng tinh tấn ngày đêm không ngừng. Nhờ tinh tấn nên Ðức Thế tôn Thích-ca-mâu-ni và sáu vị Phật quá khứ sẽ hiện ra ở trước nói về không tam-muội, vô nguyện tam-muội, vô tác tam-muội rất sâu. Nghe rồi hoan hỷ thuận theo lời Phật dạy, quán kỹ pháp không như nước lớn chảy. Chẳng bao lâu sẽ được đạo A-la-hán.

Ðức Phật bảo A-nan: Pháp quán tưởng bất tịnh này là đại cam lồ, diệt tham dâm dục, trừ được tâm bịnh kiết sử của chúng sanh ông khéo thọ trì, cẩn thận chớ để quên mất. Sau khi Phật diệt độ, nếu tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà tắc, ưu-bà-di nghe Thánh pháp cam lồ quán đảnh này, nhiếp được các căn, chí tâm buộc niệm, quán kỹ thân phần, tâm không phân tán, buộc tâm an trụ trong khoảng chốc lát, thì người này mệnh chung sẽ được sanh lên cõi trời. Nếu lại có người thuận theo lời Phật dạy, buộc niệm quán kỹ một móng một ngón, khiến tâm an trụ, nên biết người này cuối cùng không đọa lạc vào ba đường ác. Nếu lại có người buộc niệm quán kỹ thấy xương trắng toàn thân thì người này mệnh chung sẽ sanh về cõi trời Ðâu-suất, được gặp Bồ-tát nhứt sanh bổ xứ hiệu là Di-lặc. Thấy cõi trời đó rồi thì được thọ lạc. Lúc Di-lặc thành Phật, đầu tiên nghe pháp, được quả A-la-hán và ba minh sáu thông, đủ tám giải thoát. Nếu lại có người quán pháp bất tịnh này được đầy đủ, thấy chân ảnh của Phật trên thân này, nghe Phật thuyết pháp thì được hết các khổ.

Bấy giờ A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dạy, sửa lại y phục, làm lễ Phật , chấp tay quỳ thẳng bạch Ðức Phật rằng: Thưa Ðức Thế tôn, pháp yếu này thọ trì như thế nào và pháp này nên gọi là gì?

Ðức Phật bảo A-nan: Pháp này gọi là quán thân bất tịnh tạp uế tưởng, cũng gọi là pháp phá ngã quán vô ngại không. Ông khéo thọ trì, vì chúng sanh trược khổ đời vị lai, nhiều người tham dâm, nên phân biệt rộng.

Lúc Ðức Phật nói lời này, các vị Ðế thích Phạm vương hộ đời, vô số thiên tử cầm hoa trời mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn- đà-la, hoa mạn-thù-sa, hoa ma-ha mạn-thù-sa rãi trên Ðức Phật. Và chư đại chúng đảnh lễ chân Phật, tán thán Ðức Phật rằng: Ðức Như lai xuất thế rất là hiếm có, đã hàng phục được Ca-hy-la Nan-đà kiêu mạn tà kiến, cũng vì chúng sanh tham dâm đời vị lai mà nói pháp dược cam lồ, làm cho Tam bảo cửu trụ, chư thiên tăng trưởng. Lành thay! Ðức Thế tôn khéo thuyết pháp này. Rồng, thần, dạ-xoa, càn-thát-bà... cũng cùng chư thiên tán thán Ðức Phật . A-nan, Ca-hy-la Nan-đà, 1.000 tỳ-kheo, vô lượng chư thiên, tám bộ chúng nghe Ðức Phật nói vui vẻ phụng hành, lễ Phật rồi lui ra.

Ðắc quán này gọi là mười sắc bất tịnh, cũng gọi là phân biệt cảnh giới các trùng, là môn bất tịnh tối sơ, có mười tám phương tiện, tính chất của các cảnh giới không thể nói hết. Lúc nhập chánh định sẽ tự nhiên được. Ðến đây kết thúc pháp quán thứ 18.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]