Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương XV - BỘ NÃO RẤT MỀM DẺO, HÃY LÀM CHO TỐT HƠN

24/04/201319:40(Xem: 4307)
Chương XV - BỘ NÃO RẤT MỀM DẺO, HÃY LÀM CHO TỐT HƠN

Chương XV

BỘ NÃO RẤT MỀM DẺO,
HÃY LÀM CHO TỐT HƠN

1. Thiền Rất Lợi Ích Cho Nhân Loại

Chúng ta cần được nhắc lại những lời tha thiết chân thành của ngài Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện với trên mười ngàn nhà thần kinh học tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã nêu ra trước đây. Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói lên ước mong làm lợi ích cho nhân loại mà không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay văn hóa:

"Đã từ lâu, đạo Phật tuyên dương Tâm con người có khả năng làm thay đổi lớn lao. Trong mục đích đó, đạo Phật đã phát triển nhiều kỹ thuật Thiền Quán, hay cách thực hành Thiền, nhắm đến hai mục tiêu chính: Trau dồi lòng từ bi (tình thương yêu rộng lớn) và trau dồi sự thấy biết chân thật (trí tuệ), đó là sự hợp nhất của Bi và Trí. Cốt tủy của cách thực hành hai điều trên ở trong hai kỹ thuật chính yếu: Làm cho sự chú ý thành tinh tế hơn cùng với sự ứng dụng thực sự , cũng như� sự điều hành và chuyển hoá các cảm xúc. Trong hai lãnh vực nói trên, tôi nghĩ rằng có thể có sự hợp tác rộng lớn giữa truyền thống Thiền quán nơi đạo Phật và khoa thần kinh học. Ví dụ, khoa thần kinh học đã phát triển phong phú về sự hiểu biết cơ cấu của bộ não liên hệ với chú ý và cảm xúc. Mặc khác, truyền thống Thiền Quán trong đạo Phật, với một lịch sử� lâu dài chú tâm vào sự đào luyện tinh thần, cung cấp các kỹ thuật cụ thể làm cho sự chú ý thành tinh tế hơn cùng sự điều hành và chuyển hóa cảm xúc...

Những lợi ích về sự hợp tác giữa đạo Phật và khoa học đã bắt đầu chứng minh được. Theo những bản báo cáo về các cuộc nghiên cứu thần kinh học sơ khởi về luyện Tâm thì chỉ cần thực hành giản dị sự chú tâm đều đặn hay chủ ý nuôi dưỡng lòng từ bi theo cách thực hành trong đạo Phật cũng đưa đến những thay đổi có thể quan sát được trong não bộ con người liên hệ đến các trạng thái tinh thần tích cực có thể đo lường được. Những khám phá mới đây của khoa thần kinh học đã chứng tỏ tính cách mền dẻo (dễ thay đổi) bẩm sinh của bộ não, cả về hai phương diện sự nối kết giữa các khớp của các sợi thần kinh cũng như sự sanh ra các tế bào thần kinh mới, khi bộ não hứng nhận các yếu tố bên ngoài khích thích như là vận động thể lực và sống trong một môi trường phong phú. Truyền thống Thiền quán đạo Phật cũng có thể giúp nới rộng lãnh vực nghiên cứu khoa học này qua đề nghị thực hành các phương pháp huấn luyện Tâm liên hệ đến sự thay đổi bộ não. Nếu kết quả đúng như đạo Phật đã chủ trương, Thiền quán có thể làm thay đổi hoạt động các khớp sợi thần kinh cùng sự thay đổi thần kinh trong bộ não thì đây có thể đưa đến những sự ứng dụng rất rộng lớn. Những tác động của sự nghiên cứu này không chỉ quy về trong sự gia tăng kiến thức về Tâm con người, mà quan trọng hơn nữa, có thể rất có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta hiểu biết vể giáo dục và sức khỏe tâm thần. Cũng như thế, theo như truyền thống Phật giáo chủ trương, sự nuôi dưỡng kỹ lưỡng lòng từ bi sẽ tạo ra sự thay đổi tận gốc nhận thức của người thực hành, đưa đến sự cảm thông với những người khác, và điều này sẽ đưa đến những tác động lớn lao trong xã hội."

Thiền đã được thực hành hàng ngàn năm tại nhiều nước Á Đông để đem lại niềm an vui và sự khỏe mạnh. Thiền gồm có hai loại: Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động.

Thiền tĩnh lặnglà ngồi yên một chỗ trên gối gọi là bồ đoàn. Thiền tĩnh lặng gồm có hai loại.

  • Thực hành chú tâm thoải mái vào một chỗ như chú ý vào hơi thở vào hay hơi thở ra, chú ý vào cảm giác sướng hay khổ, chú ý vào bất cứ điều gì xuất hiện nơi tâm hoặc chú ý vào đối tượng thấy hay nghe. Đó là chú tâm vào bốn lãnh vực khác nhau của đời sống nên gọi là Thiền Chú Tâm Vào Bốn Lãnh Vực (Tứ Niệm Xứ). Ngày nay tại Hoa Kỳ và các nước Tây Phương, phương pháp thực hành Thiền cho số đông người tương đối giản dị hơn: Thực hành chú tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra cùng nhận biết cảm giác xuất hiện. Đó là Thiền chỉ(ngưng mọi ý tưởng, chỉ chú tâm vào một thứ).

  • Ngoài Thiền chỉ còn có Thiền quán, không chú tâm vào một đối tượng nào cả, ngay cả hơi thở vào, hơi thở ra mà chỉ để tâm trở về với trạng thái buông xả mở rộng tự nhiên nhưng rất linh động và thấy biết mọi thứ mà không chú tâm vào thứ gì cả.

Ngoài Thiền tĩnh lặng còn có Thiền hoạt độngnhư đi thiền hành, đi bộ và chú tâm vào hơi thở cùng bước chân, hoặc chuyển động chân tay với sự phối hợp nhịp nhàng của hơi thở trong Thái Cực Quyền hay Khí Công. Ngoài ra, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, lạy Hồng Danh Chư Phật (108 lạy), tán và tụng kinh trong chánh niệm cũng là loại thiền hoạt động.

Thiền trong Phật Giáo thường nhắm đến sự thực hành một phương pháp để đem lại niềm an lạc hay đưa đến sự giác ngộ. Ngày nay Thiền được phổ biến rộng rãi tại Tây Phương trong các Thiền viện hay trong các chương trình phát triển sức khỏe. Nhiều bác sĩ hay nhân viên chăm sóc sức khỏe khuyến khích những người bị các vấn đề khó khăn về thể chất hay tâm thần thực hành Thiền để chữa trị các chứng bệnh sau đây:

  • Các chứng đau nhức thân thể, tay chân do các thứ bệnh gây ra.

  • Các chứng lo âu, trầm cảm hay bị căng thẳng tinh thần.

  • Cao huyết áp (hiện nay bộ Y Tế Hoa Kỳ đề nghị thực hành Thiền như là bước quan trọng trong chương trình giảm huyết áp).

  • Những chứng nghiện rượu, thuốc lá hay ma túy.

  • Cùng rất nhiêu thứ bệnh khác đã được trình bày trong các chương phía trước.

Do đó, Thiền tại Âu Mỹ càng lúc càng được chú trọng và khuyến khích thực hành để đem lại sức khỏe và niềm an vui trong đời sống. Tại nhiều nước Âu Mỹ, trong các chương trình phục hồi hay phát triển sức khỏe, nhiều người thực hành phương pháp Thiền giản dị như chú tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra lúc ngồi trên ghế hay trên gối tròn để cho Tâm được buông xả. Họ thường thực hành từ 15 phút đến nửa giờ một lần ngồi. Tuy nhiên, cũng có một số ít các bệnh nhân không nên Thiền. Những người bị chứng rối loạn cường động (attention deficit hyperactivity disorder) hay tâm phân liệt (schizophrenia) thường được khuyên đừng thực hành Thiền vì có thể làm cho hội chứng bệnh gia tăng.

2. Gia Tăng Hợp Tác Giữa Thiền Và Thần Kinh Học

Sau khi ngài Đạt Lai Lạt Ma hợp tác với các nhà thần kinh học để tìm hiểu về ảnh hưởng của Thiền đối với tâm thần và nhất là bộ não thì nhiều điều mới mẻ hữu ích đã được khám phá. Mặc dù hai bên có cái nhìn khác cách biệt về Tâm và não, chẳng hạn các nhà thần kinh học cho não là nơi phát sinh ra các hoạt động của Tâm, nhưng các nhà tu theo Phật giáo thì cho Tâm là gốc của bộ não. Tuy vậy, hai bên vẫn gặp nhau đều đặn hai năm một lần tại vùng Dharamsala ở Ấn Độ, chỗ an cư của ngài Đạt Lai Lạt Ma cùng chư tăng Tây Tạng, hoặc tại các viện đại học Hoa Kỳ để trình bày các kết quả nghiên cứu nghiêm chỉnh về Thiền và khoa thần kinh học trong đó nhấn mạnh đến tính cách mền dẻo của bộ não. Sự mềm dẻo của bộ não được phản ảnh qua việc Thiền có thể làm cho bộ não thay đồi hay nói cách khác, phát triển tốt hơn.

Các nhà khoa học đã mời các vị Thiền sư thượng thặng thuộc các Tông Phái Tây Tạng tham dự các cuộc nghiên cứu và cùng lúc so sánh với những người thực hành Thiền khác tại Hoa Kỳ và đi đến kết luận là Thiền làm cho các vùng liên hệ đến cảm xúc tích cực như an vui, cảm thông, tình thương gia tăng hoạt động và các vùng liên hệ đến cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, giận hờn, lo âu giảm thiểu hoạt động. Ngoài ra, họ còn thấy những người Thiền thì hệ thống miễn nhiễm gia tăng hoạt động và kháng thể chống bệnh tăng lên đến 50%.

�Tính cách mền dẻo của bộ não đ�� được nghiên cứu nhiều trước đây và các chuyên viên cho biết các hoạt động cơ thể như đánh đàn, tập luyện, vận động thể lực làm cho bộ não thay đổi cấu trúc và chức năng tại nhiều nơi trong bộ não. Tuy nhiên, chỉ mới gần đây người ta mới chú trọng đến Thiền có thể đưa đến kết quả như trên. Giáo sư Richard Davidson thuộc viện đại học Wisconsin, Madison, đã mời các vị Thiền sư thuộc các Tông Phái Tây Tạng đã thiền trên 10,000 giờ để nghiên cứu những gì xảy ra trong bộ não khi vị thiền sư này Thiền từ bi quán: tỏa chiếu tình thương đến mọi loài. Đó là cách Thiền để cho tình thương tràn đầy Tâm và Tâm nơi đây là không gian rộng lớn vô cùng.

Sau đó, qua các tấm hình chụp và các điền não đồ, người ta thấy có hai điều quan trọng:

  • Nơi các nhà tu Phật Giáo các làn sóng não bộ gammagia tăng, biểu lộ trạng thái hòa hợp tốt đẹp trong bộ não rất cao khi thực hành Thiền từ bi quán, so với những người mới được hướng dẫn thực hành Thiền. Theo giáo sư Davidson, đây là một điều chưa từng được trình bày trong các tài liệu y khoa, và điều này có thể đem nhiều lợi ích trong sự huấn luyện phát triển về nhận thức.

  • Nơi vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái) của các vị tu sĩ Phật Giáo có nhiều hoạt động và phía vỏ não trước trán bên phải (VNTT bên phải) thì lắng dịu.

Điều này rất quan trọng vì vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái) là gốc của các cảm xúc tích cực như vui tươi, cảm thông, thương yêu, hạnh phúc, còn phía bên phải (VNTT bên phải) là nơi liên hệ đến những cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn rầu, giận dữ, sợ hãi. Ngoài ra, các chuyên viên tâm thần nhận thấy mức độ hạnh phúc của người này khác với người kia và cố gắng tìm ra phương thức ứng dụng để gia tăng cảm giác an vui nơi con người.� Nhiều cuộc khảo cứu về những người bị bệnh nơi phần não bộ cũng giúp họ hiểu được phần nào cơ chế của bộ não liên hệ đến hạnh phúc và khổ đau. Có những bệnh nhân bị thương tổn ở bán cầu não bên phải hay phát cười hoặc có những cơn sảng khoái, ngược lại, những bệnh nhân bị tổn thương ở bán cầu não bên trái thì hay khóc hoặc bị trầm cảm. Những cuộc nghiên cứu như trên cho thấy phần não bên trái (VNTT bên trái) có vai trò trong cảm giác an vui và phần não bên phải (VNTT bên phải) có vai trò trong cảm giác buồn rầu hay tiêu cực.

Các chuyên viên tâm thần đã tìm hiểu vấn đề này nhiều hơn nữa qua những người lành mạnh và họ khám phá phần vỏ não trước trán của những người tham dự các cuộc thí nghiệm cho thấy khi xem một đoạn phim vui, nếm mùi vị ngon hay được thưởng tiền thì phần vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái) gia tăng hoạt động. Ngược lại, xem những đoạn phim không vui, nếm mùi vị dở và bị đe dọa mất tiền thì vỏ não trước trán bên phải (VNTT bên phải) gia tăng hoạt động. Không những vậy, những người lạc quan có nhiều hoạt động vỏ não trước trán bên trái hơn là những người bi quan, thường có ít hoạt động nơi vùng vỏ não bên trái hơn nhiều. Các em bé hay khóc thấy khi mẹ đi ra ngoài cũng có những hoạt động vùng vỏ não bên phải nhiều hơn là những em bé không khóc, những em này có nhiều hoạt động ở vỏ não trước trán bên trái hơn.

289

Hình 291 (15-1) Vỏ não trước trán phải, trái

Trong hình trên, phần trên là một khuôn mặt buồn rầu, khổ đau (khóc) do những hoạt động của vỏ não trước trán bên phải (VNTT bên phải). Phần dưới là nét mặt tươi vui (cười) do những hoạt động của vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái).

Từ đó người ta tìm hiểu thêm và thấy những người có nhiều hoạt động nơi vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái) thì cơ thể của họ có khả năng chịu đựng căng thẳng nhiều hơn, hệ thống miễn nhiễm mạnh hơn, chất hormone liên hệ với căng thẳng cortisol cũng thấp hơn. Họ tìm hiểu thêm về yếu tố di truyền liên hệ đến hạnh phúc nơi những người sinh đôi và thấy cảm xúc của họ gần giống nhau. Nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy các yếu tố di truyền nơi các gen (gene) đóng một vai trò rất quan trọng: Gần như hạnh phúc của con người từ 40 đến 50 phần trăm là do di truyền qua các gen.

Đạo Phật nhấn mạnh đến yếu tố duyên hợp, các thành phần khác nhau họp lại và tạo ra một trạng thái nào đó và nếu các thành phần thay đổi thì trạng thái này thay đổi. Do đó, hạnh phúc và khổ đau không phải là định mệnh phải gánh chịu suốt đời người (dù có qua di truyền từ cha mẹ) mà là một trạng thái có thể thay đổi được. Trong chiều hướng tìm hiểu phương thức làm hết khổ và gia tăng niềm vui, nhiều nhà thần kinh học đã mời các vị tu sĩ Phật giáo tham dự các cuộc nghiên cứu tại Hoa Kỳ và Âu Châu để tìm hiểu mức độ hoạt động của vùng vỏ não trước trán của họ khi Thiền rồi đối chiếu với những người không thực hành Thiền. Họ lại còn tìm hiểu trạng thái các vùng não bộ khi các vị Thiền sư thực hành các phương pháp Thiền định khác nhau như Thiền chỉ, Thiền quán, Thiền từ bi quán, v.v... Từ các cuộc nghiên cứu này mà họ rút ra những kết luận khoa học rất hữu ích cho mọi người. Đó cũng là điều mong muốn của ngài Đạt Lai Lạt Ma, tức là rút ra những điều gì hay và tốt đẹp nhất trong các phương pháp tu tập của Phật Giáo để mọi người cùng sử dụng làm gia tăng sự khỏe mạnh và hạnh phúc của loài người, không phân biệt tôn giáo và chủng tộc.

3. Ta Có Thể Làm Cho Bộ Não Tốt Hơn

Nhà thần kinh học Antonio Damasio phụ trách phân khoa thần kinh học của viện đại học Iowa Collge of Medecine là một nhà nghiên cứu tiền phong về bộ não và nhận thức. Ông đã viết nhiều cuốn sách giá trị và tương đối dễ đọc để trình bày kết quả các cuộc nghiên cứu trong phạm vi này, trong đó có hai cuốn Descartes' Error: Emotion, Reason and the Human Brain (Avon Hearst, 1995) và cuốn The Feeling of What Happens: Body and Emotion in the Making of Consciousness (Harcourt, 2000), lôi cuốn rất nhiều người đọc. Trong một cuộc nói chuyện, ông nhấn mạnh thực hành sự chú tâm khi Thiền hay tập Yoga làm gia tăng khả năng nhận thức. Đó là những phương pháp rất lành mạnh để huấn luyện bộ não qua sự tập luyện chú tâm vào một điểm và sau khi thành tựu bước sang cách thứ nhì là bỏ sự chú tâm vào một điểm và mở rộng tâm để thấy không còn có sự cách biệt giữa chủ thể nhận biết và đối tượng bị nhận biết. Điều này liên hệ đến Thiền chỉ (thiền chú tâm vào một điểm như là cây nhang hay là nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra, không để cho ý tưởng lôi kéo) và Thiền quán (mở rộng tâm thức, buông xả thoải mái, thấy biết mọi thứ mà không dính mắc).

Bác sĩ Antonio Damasio cho rằng cơ thể con người, về phương diện sinh học, hướng về sự tạo lập quân bình, giúp cho cơ thể trở lại trạng thái bình thường lành mạnh sau khi bị các căng thẳng làm mất quân bình. Thiền cũng như tôn giáo nói chung giúp cho tâm thần qua sự quân bình hoạt động của cơ thể để trở lại trạng thái thoải mái. Điều quan trọng hơn nữa là qua các cuộc nghiên cứu về nhận thức của những người thực hành Thiền, người ta tìm hiểu thêm cách thức thực hành nào giúp gia tăng khả năng nhận biết về chính mình để giúp cho họ có hạnh phúc và được tốt đẹp hơn. Điều này là một bước dài trong các cuộc nghiên cứu về thần kinh, trước đây người ta không chấp nhận tính cách đặc biệt của người tham dự cuộc nghiên cứu (như các vị thiền sư thuộc các Tông Phái Tây Tạng) vì cho rằng đây là những trường hợp đặc biệt, nhưng nay, nhờ có các máy móc tân tiến nên họ có thể phối hợp các cuộc nghiên cứu riêng biệt cùng lúc so sánh với một số đông các người bình thường khác để tìm hiểu những yếu tố tốt đẹp đặc biệt của Thiền.

Năm 2005, các nhà� nghiên cứu thuộc các viện đại học Yale, Harvard, Massachusetts General Hospital và M.I.T (Massachusetts Intitute of Technology) cho biết là Thiền làm gia tăng độ dày của vỏ não nơi vùng rất quan trọng cho phần cảm giác, nhận thức và tiến trình cảm xúc. Đây là điều rất đặc biệt vì người lớn tuổi thì vỏ não sẽ mỏng dần đi, do đó, thực hành Thiền có thể làm cho vỏ não không những bớt bị mỏng đi khi lớn tuổi mà lại còn giúp gia tăng độ dày. Điều đặc biệt hơn nữa là những người tham dự vào cuộc nghiên cứu là những người có gia đình, có đời sống bình thường và chỉ ngồi Thiền trung bình có 40 phút mỗi ngày, thời gian tương đối ngắn ngủi so với các vị tu sĩ Phật giáo hành Thiền rất nhiều năm và sống đời độc thân trong tu viện.

Tiến sĩ Sara Lazar, chuyên viên nghiên cứu của nhà thương Massachusetts General Hospital và cũng là giáo sư tại viện đại học Harvard, cùng với các nhà nghiên cứu trong nhóm này, cho rằng đây là một điều rất đáng lưu tâm vì Thiền làm gia tăng chất xám của não, nơi vùng vỏ não liên hệ đến các khu vực cảm giác, thính giác, thị giác, nội thức về nhịp đập của tim và hơi thở. Những khu vực nói trên đa số nằm ở phía bên bán cầu phải, nơi liên hệ đến sự thực hành Thiền tỉnh thức (chú tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra, nhận biết những cảm giác xuất hiện). Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các loại Thiền thuộc các tông phái khác, hay Yoga, cũng đều có thể làm gia tăng độ dày ở các vùng khác.

Như vậy, qua hàng trăm cuộc nghiên cứu như đã nói trên, đặc biệt nhất là nhóm của giáo sư Sara Lazar, đã khám phá Thiền làm cho chất xám trong bộ não gia tăng độ dày. Họ dùng máy họa hình qua tiếng đội từ trường (máy chụp ảnh cọng hưởng MRI) hay điện não kế và khám phá những người tu Thiền nội quán (loại Thiền chú tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra và cảm nhận cảm giác xuất hiện nơi thân thể và nơi Tâm), thì thấy vùng não bộ liên hệ với sự chú ý, nội thức và diễn tiến cảm giác trở nên dày hơn, kể cả vùng vỏ não trước trán và vùng thùy đáo trước (anterior insula) của những người này gia tăng độ dày so với những người không thực hành Thiền. Những vùng nói trên đa số nằm phía bên bán cầu não phải là vùng chính từ đó phát xuất sự chú tâm. Chú tâm là cách thực hành chính của Thiền chỉ, chú tâm vào một điểm hay chú tâm vào hơi thở cùng cảm nhận cảm giác phát sinh từ sự thực hành này.

Điều đáng chú ý hơn nữa là các loại tập luyện khác cũng tạo ra những kết quả tốt như Yoga, Tai-Chi hay Thái Cực Quyền, vận động thể lực, v.v... cũng đưa đến kết quả như trên, đồng thời làm giảm mức độ căng thẳng đưa đến sự giảm chứng trầm cảm. Điều quan trọng là thực hành môn Thiền hay vận động nào mà mình thích nhất vì nhờ đó mà chúng ta có thể thực hành lâu dài và càng thực hành lâu dài thì kết quả càng tốt đẹp. Nói khác đi, vùng vỏ não trước trán liên hệ đến an vui, cảm thông, tích cực cùng trí nhớ dày thêm với thời gian tập.

290

Hình 292(15-2) Chất trắng và Chất xám trong Não bộ

Trước đây chúng ta đã biết vùng vỏ não trước trán bên trái liên hệ đến các cảm xúc tích cực như an vui, cảm thông, phấn khởi, hạnh phúc, giờ đây chúng ta biết thêm khi thực hành Thiền thì khu vực liên hệ đến chú ý, nội thức và tiến trình điều hành cảm xúc ở phía bán cầu não bên trái trở nên mạnh hơn. Ngoài ra, các nhà khoa học trên cũng khám phá những người nào Thiền lâu năm hơn thì độ dày vỏ não trước trán nhiều hơn là người mới Thiền. Cả hai bên bán cầu não đều gia tăng độ dày theo thời gian Thiền và từ đó các chuyên viên thần kinh cho rằng Thiền có thể làm giảm bớt tiến trình mỏng dần nơi vùng vỏ não nơi những người lớn tuổi và càng thực hành lâu ngày thì càng tốt.

Điều khám phá trên rất tốt cho sự thực hành Thiền tĩnh lặng phối hợp với Thiền hoạt động trong Khí Công Tâm Pháp vì giúp cho người tập luyện phát triển khả năng sống hạnh phúc, đồng thời giúp cho chất xám trong bộ não được dày thêm, giúp cho chúng ta phát triển trí nhớ, điều hành tiến trình cảm xúc tốt đẹp. Đó chính là nền tảng của đời sống phát triển, thành công, khỏe mạnh và hạnh phúc.

4. Sử Dụng Não Càng Làm Não Khỏe Mạnh Hơn

Chúng ta thường nghe câu nói 'dùng nó đi, không thì mất nó đấy' (use it or lose it), câu này càng đúng khi nói đến bộ não. Nói khác đi, nếu không sử dụng bộ não thì nó sẽ yếu kém dần khi chúng ta lớn tuổi.

Vận động thể lực, thực hành nhận thức giúp ta đảo ngược lại sự mất mát trí nhớ khi tuổi cao. Tiến sĩ Karyn M. Frick dạy tại viện đại học Yale, cùng các chuyên viên trong nhóm nghiên cứu thần kinh, cho biết có đến 80 phần trăm người lớn tuổi bị mất trí nhớ nhiều hay ít ở một mức độ nào đó. Điều cần thiết là tìm ra nguyên do tại sao tiến trình lão hóa lại làm cho mất trí nhớ và có những loại mất trí nhớ khác nhau như thế nào.

Cách làm giảm đi bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi không dùng thuốc men mà chỉ qua sự vận động thể lực và thực hành sự chú tâm qua Thiền là một điều rất quan trọng cho mọi người vì đa số người lớn tuổi đang phải đối phó với nạn thuốc men tăng giá tại Hoa Kỳ, còn ở những nước nghèo thì thuốc men đối với đại đa số quần chúng nghèo là điều ít khi nghĩ tới. Đó là chưa nói đến các phản ứng phụ có hại khi dùng thuốc men, nhất là khi không được bác sĩ hướng dẫn rõ ràng.

Chương trình Khí Công Tâm Pháp phối hợp Thiền tĩnh lặng (ngồi yên) và Thiền hoạt động (vận động thể lực) đáp ứng hai yếu tố trên. Vận động thể lực và phát triển nhận thức qua Thiền để duy trì khả năng tốt đẹp của trí nhớ ở mọi lứa tuổi. Tu Thiền hay thực hành bất cứ một phương pháp gì mà ngồi yên một chỗ nhiều quá thì không tốt vì cơ thể sẽ yếu đi rất nhiều. Cơ thể chúng ta cần vận động để phát triển sức khỏe. Và như chúng ta đã biết, khi vận động thể lực thì chất ốcxít nitric được sản xuất ra nhiều giúp cho tim mạch cùng nhiều phần khác trong cơ thể được khỏe mạnh. Theo bác sĩ Jason Allen thuộc viện đại học Duke University thì vận động thể lực giúp cho cơ thể sản xuất chất ốcxít nitric giúp cho các mạch máu nở ra nên làm cho nguy cơ mạch máu bị nghẽn giảm bớt nhiều. Bác sĩ Allen cũng cho biết chính chất này cũng làm cho thành mạch máu được sạch sẻ, qua việc tác động vào mạch máu làm cho thành mạch máu buông xả và sạch vì các hồng huyết cầu được làm cho loãng ra và không dính vào lớp ngoài của thành mạch máu. Những người bị nguy cơ về bịnh tim mạch lại có lợi ích nhiều hơn khi vận động chính là vì những lý giải nêu trên.

Các nhà khoa học đã giải thích thêm về hiện tượng đó như sau. Màng phía trong cùng của loại tế bào nội mô (endothelium, là những loại tế bào đơn tạo thành lớp lót trong tim, mạch máu và mạch bạch huyết), tiết ra chất ốcxít nitric khi chất enzyme ốcxít nitric xúc tác. Sau đó, chất ốxít nitric chuyển một tín hiệu đến các tế bào nơi cơ mềm trong thành mạch máu làm cho mạch máu thư giãn. Khi mạch máu thư giãn thì nó nở ra nên đưa đến kết quả tốt là áp huyết hạ xuống, nhờ vậy máu gia tăng lưu chuyển trong mạch. Nếu vận động thể lực nhiều hơn thì giúp số lượng ốcxít nitric gia tăng trong máu, nhờ đó mà gia tăng khả năng phòng ngừa tự nhiên về bịnh tim mạch. Vì là phòng ngừa tự nhiên nên rất tốt, bớt tốn kém, an toàn và dài hạn. Bác sĩ Allen cũng cho biết nhiều sản phẩm có tên ốcxít nitric đã được quảng cáo bán trên thị trường để chống bệnh tim mạch. Nhưng hay nhất và an toàn nhất là vận động thể lực để cơ thể tự sản xuất ra chất này. Vận động thể lực để duy trì sức khỏe và trí nhớ là một chương trình thực hành suốt đời người. Về dinh dưỡng, mỗi ngày ăn nhiều rau trái, bớt các chất béo bão hòa nơi thịt súc vật, không ăn dầu nhân tạo (transfat hay hydrogenated fat), gia tăng ăn các loại hạt đậu và thêm ít hạt béo như hạnh nhân, đậu nành và chất xơ trong cốc lứt (đó cũng là những thực phẩm chứa nhiều sinh tố A và C giúp cho sự duy trì chất ốcxít nitric trong cơ thể không bị ốc xít hóa trở thành những thứ có hại cho cơ thể) và cần thở không khí trong lành.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu của bác sĩ Eric B. Larson và nhóm nghiên cứu sức khỏe Group Health Cooperative, được tường thuật lại trong tờ Annals of Internal Medecine vào ngày 17, tháng 1, năm 2006, những người cao niên vận động thể lực thì ít bị chứng lãng trí hơn những người không tập luyện. Nói khác đi, vận động thể lực làm cho tinh thần sáng suốt hơn. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi trên 17, 000 người cao niên từ 65 tuổi trở lên với trí óc bình thường thì thấy rằng những người vận động thể lực trên ba lần một tuần thì chứng lãng trí giảm đi khoảng 40% so với người không tập luyện. Các chuyên viên giải thích vận động giúp cho sự nhận thức được tốt đẹp lâu dài, duy trì trí nhớ vì làm cho máu đến nhiều hơn trong bộ não, nơi vùng liên quan đến ký ức. Do đó, qua cuộc nghiên cứu cho thấy, dù một người đã 75 tuổi và trước đây chưa thực hành vận động thể lực nếu bắt đầu ngay ngày hôm nay thì vẫn có nhiều lợi ích tốt đẹp cho họ. Tập Khí Công Tâm Pháp 5 ngày một tuần sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu các hoạt động nhận thức liên hệ đến khả năng nhớ các trường hợp xảy ra cùng nội dung của chúng, nhớ các sự kiện và sự kiểm soát tiến trình của vỏ não trước trán, về sự phối hợp giữa ý tưởng và hành động thì thấy người lớn tuổi bị mất dần chất trắng nơi phần vỏ não phía trước trán. Điều này đưa đến việc giảm sút khả năng kết hợp với các vùng khác trong não bộ làm giảm khả năng nhớ các việc xảy ra cùng nội dung của chúng, khả năng nhớ các dữ kiện và khả năng phối hợp giữa tư tưởng và hoạt động.

  • Sự suy giảm khả năng kết hợp các vùng khác trong não bộ liên hệ đến việc nhớ các việc xảy ra cùng nội dung của chúng thì cần đến sự kiểm soát nhận thức (cognitive control) thuộc vỏ não trước trán.

  • Còn khả năng nhớ các dữ kiện và khả năng phối hợp giữa ý nghĩ và hành động của chính mình thì liên hệ đến chất trắng của não nơi phía dưới thùy đỉnh và thùy thái dương.

  • Sự thống nhất hoạt động sút kém nếu chất trắng giảm sút nơi vùng vỏ não trước trán và phần trước của thể chai (hay gian noãn thể, corpus callosum).

291

Hình 293(15-3) Tiểu não, Thể chai

Những nhà nghiên cứu cho rằng thuốc men, dinh dưỡng và vận động thể lực đóng góp vào việc gia tăng sự phối hợp hoạt động của các chất trắng trong não giúp cho khả năng nhận thức nơi người cao niên duy trì lâu dài.

5. Ứng Dụng Hằng Ngày Để Cho Bộ Não Tốt Hơn

Giáo sư Kabat Zinn có chương trình ứng dụng Thiền vào chỗ làm việc giúp cho nhân viên các công ty, các� giám đốc, nhà giáo, luật sư, thẩm phán, lực sĩ chuyên nghiệp hay thế vận hội, các nhà truyền giáo, họ đều thực hành Thiền để làm giảm căng thẳng, gia tăng khả năng truyền thông, phát triển kỹ năng lãnh đạo, làm việc chung trong nhóm, gia tăng hiệu năng làm việc chung, gia tăng sự vững chãi trong các hoàn cảnh phức tạp và gia tăng khả năng suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo.

Thiền không những được ứng dụng vào công việc làm mà còn hướng dẫn các sinh viên hay học sinh thực hành Thiền để phát triển khả năng học hành, các giám đốc cùng những người điều hành các xí nghiệp để họ biết cách diều hành căng thẳng, gia tăng thông minh cảm xúc, phát triển liên hệ tốt đẹp với thuộc cấp để cho công việc thương mại được thành công hơn, các ông bầu các đội bóng tranh giải quốc gia để họ phát triển khả năng làm việc với nhóm họ đang hướng dẫn, các người bị bệnh đau nhức thân thể hay những người bị các chứng bệnh tâm thần như lo âu, sợ hãi, trầm cảm nhẹ, v.v... Nhiều cuộc nghiên cứu vẫn được tiếp tục đồng thời với sự thực hành Thiền trong nhiều lãnh vực sinh hoạt khác nhau trong xã hội để tìm hiểu tác động của Thiền vào những vùng não bộ cùng kết quả lâu dài tốt đẹp khi thực hành Thiền. Và như chúng ta đã biết, Thiền là đem Tâm trở về trạng thái� tỉnh thức, trong sáng, thấy biết rõ ràng và an lạc khi ngồi yên một chỗ theo dõi hơi thở hay bước đi trong chánh niệm (Thiền hành), ăn cơm, lái xe, nói chuyện, hoạt động tay và chân điều hòa, quét nhà, rửa chén, uống trà, chạy bộ, hát hay đàn. Đó là Thiền hoạt dộng, nghĩa là Tâm ở trong trạng thái tỉnh thức, trong sáng, thấy biết rõ ràng, vắng lặng, thoải mái và hạnh phúc khi hoạt động

Ngoài ra, các nhà khoa học muốn biết rõ vai trò của bộ não trong cảm xúc tổng quát, chẳng hạn tại sao người này lại hạnh phúc hơn người kia và phương thức nào ứng dụng để gia tăng cảm giác an vui nơi con người. Khảo cứu về những người bị bệnh nơi phần não bộ cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu được phần nào cơ chế của bộ não liên hệ đến hạnh phúc và khổ đau. Có những bệnh nhân bị thương tổn ở bán cầu não bên phải hay phát cười hoặc có những cơn sảng khoái. Ngược lại, những bệnh nhân bị tổn thương ở bán cầu não bên trái thì hay khóc hoặc bị trầm cảm. Những cuộc nghiên cứu như trên cho thấy phần não bên trái có vai trò trong cảm giác an vui và phần não bên phải có vai trò trong cảm giác buồn rầu hay tiêu cực.

6. Thiền, Bộ Não Và Âm Nhạc

Trong các Thiền viện Nhật Bản, phần tụng kinh là một nghi lễ rất quan trọng trong chương trình tu Thiền. Các Thiền sinh thức dậy thật sớm và ngồi Thiền, sau đó họ tụng kinh. Vị thầy chủ lễ thường là vị Thiền sư hay là vị Giáo Thọ dâng hương và hướng dẫn buổi tụng kinh. Các vị Duy Na (người thỉnh chuông) và Duyệt Chúng (người thỉnh mõ) hoạt động phối hợp nhịp nhàng làm phát ra những tiếng chuông và mõ trầm hùng, chững chạc, đều đặn hòa với tiếng tụng kinh như tiếng sóng triều dâng mạnh mẽ, nghiêm trang và hùng dũng trong không gian vắng lặng, rộng lớn bao la. Cùng một lúc, người tham dự buổi tụng kinh cảm nhận vùng không gian rộng lớn trong đó có những tiếng chuông trầm hùng, tiếng mõ thanh thoát và lời tụng đọc nối tiếp hùng dũng không khác gì khi chúng ta đứng trên một đỉnh núi cao, phía trên trời rộng bao la, phía dưới là sóng biển nối tiếp kéo vào bờ với những âm thanh mạnh mẽ, đều đặn, hùng mạnh mà lại trầm vang. Có những buổi lạy trên một trăm lạy danh hiệu chư Phật và chư tổ để bày tỏ lòng cám ơn của Thiền sinh đối với các bậc thầy tổ. Tất cả mọi người tham dự buổi lễ đều đóng góp vào buổi tụng kinh như những nhạc sĩ hay ca sĩ trong buổi hòa tấu.

Tịnh Độ Tông Việt Nam cũng xem phần nghi lễ rất quan trọng. Chư Tăng Ni thức dậy lúc ba giờ sáng và tụng kinh nên gọi là Công Phu Khuya. Quý vị Tăng Ni dâng hương, lễ Phật, tụng kinh và sau đó tụng rất nhanh năm bài chú thật dài rồi sau đó mười bài chú ngắn gọi là Thập Chú Lăng Nghiêm rất khó đọc mà những người không quen hầu như không đọc theo được. Lời tụng đọc rất hùng dũng theo tiếng mõ rất nhanh cùng với tiếng chuông trầm hùng. Tiếng khánh, mõ, chuông, lời tán và tụng hòa nhịp trước Phật Đài có đèn tỏa sáng cùng với ánh sáng các ngọn đèn cầy lung linh và hương trầm thơm ngát đưa Tâm chúng ta vào một thế giới bao la mầu nhiệm mà không gian, thời gian, âm thanh, hình ảnh và mùi hương biểu lộ thành sự có mặt nhiệm mầu trong cái rỗng lặng bao la, hay Chân Không Diệu Hữu, tràn đầy niềm hạnh phúc không ngôn ngữ nhưng vô cùng sâu thẳm. Các điều nói trên cũng biểu lộ trong các buổi lễ hàng tuần, cầu an hay cầu siêu. Các vị Lạt Ma Tây Tạng cũng có những hình thức nghi lễ rất đặc biệt theo Mật Tông để đưa Tâm ta về chốn an vui hạnh phúc. Do đó, chúng ta thấy có nhiều người Phật tử bị bệnh tham dự buổi lễ tụng kinh cầu an của quý vị tăng ni Việt Nam hay Tây Tạng thì họ thấy Thân Tâm khỏe khoắn.

Bác sĩ Daniel G. Amen là một chuyên gia thần kinh học nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong cuốn sách 'Làm Cho Bộ Não Tốt Đẹp Hơn' (Making the Good Brain Great) cùng với các tài liệu hướng dẫn khác, đã nói đến âm nhạc, Thiền và kinh nghiệm tâm linh. Ông ta nhấn mạnh hát làm cho bộ não thành tốt hơn. Hát trong phòng tắm một mình, hát thành lời ca hay chỉ phát ra tiếng theo điệu nhạc cũng được. Một người ca hát là một người đang bày tỏ niềm vui. Một người đang buồn mà cất tiếng hát một bài ca vui thì cảm xúc cũng thay đổi theo.

Ông Don Campbell, người sáng lập Viện Âm Nhạc, Sức Khỏe và Giáo Dục (Institute of Music, Health and Education), trong cuốn 'In the Mozart Effect, of Music, Health and Education', liệt kê những lợi ích khi cất lên lời hát để làm gia tăng niềm vui và trí nhớ.

Ông ta nhấn mạnh dù hát theo cách nào, thành lời ca, lời tụng, phát ra giọng lên xuống theo bài hát mà không có chữ, đọc thơ hay cả nói thành lời đều có tác dụng chữa trị bệnh tật. Phát âm các tiếng như Ah, U, (ou như trong chữ soup), Ay, I kéo dài (tiếng Anh ee), Ô (oh) hay Um (om) làm cho tinh thần họ thoải mái, giải trừ các chứng mất ngủ, đau đầu, làm cho sức khỏe gia tăng:

  • Aaaa (Ahhh): Đưa đến sự buông thư ngay tức thì.

  • iii hoặc Ay (Ee, Ay): Là những âm thanh tác động mạnh nhất, làm gia tăng sự chú tâm, giảm đau và giận dữ.

  • Ôô hay Um (Oh, Om): Là những âm thanh rất rung cảm, có thể làm cho gia tăng nhiệt độ của da và thư giãn bắp thịt.

Nếu chỉ cần hát hay phát ra âm thanh theo điệu nhạc năm phút mỗi ngày trong hai tuần thì rất tốt của sức khỏe. Nếu thực hành như vậy mà có thêm sự chú tâm thì các tiếng này sẽ làm cho bộ não trở nên linh hoạt và sống động hơn cùng với khả năng an trú trong hiện tại. Điều này rất phù hợp với lời tụng của chư Tăng Tây Tạng. Quý thầy thường tụng câu thần chú 'Um Mani Pat Mê Hum' với âm thanh trầm và dài. Còn các vị tu theo Tịnh Độ niệm câu 'Nam Mô A Di Đà Phật', nhất là quý thầy cô Trung Hoa, cất lời hát 'Nam Mô A Mi Tô Fô', ngân nga, trầm bổng và kéo dài. Lời niệm này được phối hợp trong thế tập Dưỡng Sinh Tâm Pháp dễ gia tăng phần buông thư khi tập với mục đích cảm nhận nguồn an vui sâu thẳm nơi Tâm và nơi bộ não. Có thể tập các thế này sau khi tập Khí Công Thiếu Lâm hay tập riêng rẽ khi thấy người bị căng thẳng thần kinh.

Cách đây 1500 năm, vào đời nhà Tùy tại Trung Hoa, các bậc thầy đã dạy Lục Âm Liệu Pháp, dùng sáu âm thanh theo các mùa khác nhau để chữa trị bệnh tật. Người thực hành phối hợp hơi thở và động tác và chỉ phát âm trong miệng (không thành tiếng ra ngoài) các âm thanh: Xu, He, Si, Chu, Hu và Xi. Nói tóm lại, nhiều nền văn hóa có những sinh hoạt tập luyện liên hệ giữa âm thanh và sức khỏe.

Chúng ta biết phần vỏ não trước trán bên phải liên hệ với sự nhận biết về không gian cùng với sự sáng tạo. Viện đại học University of California ở Irvine (UCI) đã tổ chức một cuộc nghiên cứu chứng tỏ người nghe nhạc Mozart bài Sonata for Two Pianos giúp gia tăng khả năng về nhận biết không gian cùng khả năng sáng tạo. Tại sao lại là nhạc của Mozart? Vì cấu trúc bản nhạc có nhiều giai điệu nên giúp cho bộ não người nghe vận động theo sự cân xứng liên hệ đến phần não cao cấp. Như vậy, nghe nhạc cổ điển có thể giúp cho trẻ em ghi nhớ và sử dụng các dữ kiện tốt đẹp hơn. Ngoài ra, trong cuộc nghiên cứu về nghe nhạc làm giảm bớt bệnh thiếu tập trung (attention deficit desease hay ADD) nơi trẻ em. Các nhà nghiên cứu cho các em bị bệnh này nghe những bài trong 100 Masterpieces, Vol. 3: Wolfgang Amadeus Mozart và phần Piano Concerto No. 21 in C, The Marriage of Figaro, Flute Concerto No. 2 in D, Don Giovanni cùng các bản hòa tấu khác, thì thấy các em gia tăng khả năng chú ý cùng thái độ tốt hơn.

Tuy nhiên cũng có nhiều loại nhạc đưa đến sự tàn phá như nhạc Rock, theo bác sĩ Thomas Verny trong cuốn Bí Mật Về Đời Sống Của Thai Nhi, (The Secret Life of the Unborn Child), khi người mẹ có thai nghe loại nhạc với âm thanh dữ dội này thì thai nhi đạp trong bụng người mẹ rất mạnh. Như vậy, chúng ta có thể nói nếu người mẹ mang thai thì nên nghe các loại nhạc cổ điển êm dịu hay niệm các câu thần chú như 'Um Mani Pat Mê Hum' hay câu niệm Phật 'Nam Mô A Di Đà Phật' rất tốt cho con của mình. Nếu thích danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì hát theo lời niệm của tăng đoàn Làng Mai 'Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm' rồi cầu nguyện gia hộ cho mẹ con được an lành khỏe mạnh cũng rất hữu hiệu.

Bác sĩ Amen cũng nhắc nhở thêm là thùy thái dương của bộ não, nằm phía hai bên màng tang liên hệ đến sự phát ra âm điệu vốn rất quan trọng cho sự làm lành bệnh cũng như sức khỏe. Các tôn giáo đông phương tụng hay hát âm điệu để đưa đến trạng thái bình an kỳ diệu. Hiện nay tại Hoa Kỳ, có những trung tâm chữa trị cho bệnh nhân nhảy theo điệu nhạc giúp họ chóng bình phục.

7. Thực Hành Sống Khỏe Mạnh Và Hạnh Phúc

Như đã trình bày rõ nơi phần trước đây, vận động thể lực là một việc làm cần thiết giúp cho chúng ta được khỏe mạnh về thể chất, phát triển trí nhớ, nhận thức, quyết định đúng và an vui tinh thần.

Thân

Tâm

*Giảm huyết áp

*Giảm nguy cơ bị tiểu đường

*Giảm nguy cơ bị rỗng xương

*Giảm nguy cơ bị tim ngưng đập cấp tính

*Giảm nguy cơ bị đột quỵ

*Giảm nguy cơ bị ung thư ruột gi�

*Giảm nguy cơ ung thư vú

*Bảo vệ tế bào thần kinh không bị nhiễm độc cùng rất nhiều điều tốt lành cho thân và tâm nữa.

*Giảm chứng lãng trí

*Duy trì lành mạnh trí óc nơi người cao niên

*Giảm chứng trầm cảm

*Giảm chứng lo âu

*Gia tăng niềm vui

*Gia tăng cảm giác thoải mái

*Gia tăng cảm giác tích cực, cảm thông

Bảng 7 (15-1) Lợi Ích Cho Thân Tâm

Khi chúng ta đi bộ, chạy, tập Khí Công, lạy Hồng Danh Chư Phật, tập thể dục, chơi thể thao, tim đập nhanh hơn và chuyển nhiều máu cùng dưỡng khí đến bộ não và các bộ phận khác trong cơ thể. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy vận động thể lực vừa phải sẽ làm cho thân thể và tinh thần được khỏe mạnh hơn (xem bảng 15-1).

Nếu thực hành điều nói trên cùng với ăn uống lành mạnh như bớt ăn dầu mỡ bão hòa, dầu nhân tạo (trans fat), thịt và gia tăng ăn trái cây, các loại rau trái, ngũ cốc lứt, uống đủ nước, bỏ thuốc lá và tránh rượu, cờ bạc, các thức ăn có nhiều đường, bột ngọt, biết chăm sóc đời sống tâm linh tốt đẹp thì chúng ta sẽ sống khỏe mạnh, sống lâu và sống hạnh phúc.

Khí Công Tâm Pháp là sự phối hợp tốt đẹp của Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động cùng với cách dinh dưỡng và lối sống lành mạnh trong đời sống hàng ngày. Thiền tĩnh lặng đem đến rất nhiều sự lợi ích mà chúng ta đã biết qua các chương trước đây. Phối hợp Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động, tức là chú tâm vào các động tác và hơi thở khi tập luyện cũng như trong các sinh hoạt khác, thì dĩ nhiên kết quả sẽ tốt đẹp bội phần. Ngoài kết quả khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, một mục đích rất quan trọng khác khi tập Khí Công Tâm Pháp là đưa đến niềm an vui kỳ diệu. Khi nói kỳ diệu là nói đền tính chất sâu thẳm, bền bỉ, an bình nhưng linh động và tích cực của niềm hạnh phúc có mặt nơi bộ não và nơi Tâm. Vì thông thường ai trong chúng ta cũng biết Thiền là tốt, vận động thể lực là tốt, ăn uống đúng là tốt nhưng nếu không có động lực mạnh mẽ thúc đẩy thì chúng ta không thực hành được một chương trình đều đặn. Trong Khí Công, động lực đó là niềm an vui kỳ diệucùng biểu lộ một lúc nơi bộ não và nơi tâm.

Tâm và bộ não là hai thực thể cùng có mặt một lúc, một bên là vật chất một bên là không vật chất. Sự tập luyện này phối hợp tất cả những khám phá tốt đẹp nhất của các nhà thần kinh học trong các phần đã nói trên cùng với truyền thống khí công và tâm linh của Phương Đông. Đều đặc biệt là sự ứng dụng đặt trên nền tảng nhân quả (cause and effect) là nền tảng của khoa học thực nghiệm. Thực hành đúng thì có kết quả, thực hành không đúng thì không có kết quả. Vậy làm sao thực hành cho đúng là điều chúng ta cần nhớ, gồm có:

1.Khí Công Thiếu Lâm

  • Tập các thế cho thật đúng theo lời hướng dẫn. Nên nhìn vào gương để xem vị trí tay chân mà để cho thật đúng.

  • Khi hít vào, lúc nín thở, cách vận chân khí hay đẩy hơi đến các vùng Thổ 1, Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ 2 và Thổ 3 phải cho đúng: Hít vào, nín thở, đẩy hơi, cảm nhận cảm giác (hơi căng) vùng vận chân khí đến.

  • Khi tập có người hướng dẫn, người tập không đếm số để khỏi bị phân tâm. Khi tập một mình, cảm nhận nín vừa đủ là thở ra, cũng không đếm số.

  • Lúc thở ra rất quan trọng: Cảm nhận cảm giác buông thư nơi bộ não. Cảm giác này dần dần phát triển và chuyển dần sang phía não trước trán bên trái cùng với cảm giác an vui thích thú gia tăng. Tuy nhiên, đừng quá chú tâm mong muốn cảm giác an lạc xuất hiện mà để nó tự nhiên xuất hiện.

  • Khi chú tâm vào hơi thở và cảm giác xuất hiện nơi thân và nơi bộ não (khi tập khí công và cả các phần tập kế tiếp) thì hoạt động nơi vùng liên hệ đến sự chú ý thuộc bán cầu não bên phải gia tăng hoạt động, tạo ra sự phát triển quân bình giữa hai bán cầu não.

  • Khi thở mười hơi cho sạch phổi thì gia tăng trạng thái buông thư, đưa đến kết quả an lạc.

2.Các Thế Yoga

  • Các thế Quân Bình Chân Khí, Vượng Não và Vận Nội Lực giúp ích nhiều cho sức khỏe của bộ não và toàn thân. Khi tập cảm nhận năng lượng gia tăng nơi bộ não và nơi thân.

  • 70 động tác Yoga giúp gia tăng sức mạnh và sự dẻo dai của các bắp thịt, gân và sự cứng cáp của xương cùng sự kết hợp chức năng hoạt động của các vùng trong cơ thể. Tập với sự chú tâm rất tốt theo truyền thống Yoga.

3.Dưỡng Sinh Tâm Pháp

Tám thế Dưỡng Sinh Tâm Pháp là sự vận động tay chân hòa hợp, cân bằng và đối xứng cùng với tiếng nhạc niệm trầm bổng làm cho hai bán cầu não gia tăng sự hòa điệu, đưa đến trạng thái Thân Tâm Nhất Như trong niềm an vui sâu thẳm và bình lặng.

Tâm, cái biết toàn diện, biết về các cảm giác ở những vùng khác nhau nơi bộ não như cảm giác an vui thoải mái nơi vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái), các cảm giác phát sinh khi chuyển động chân tay nơi vùng� đỉnh đầu, biết về hơi thở vào, hơi thở ra, cảm giác hơi căng tại những nơi vận chân khí đến và trạng thái an bình, vắng lặng của tâm không có các ý tưởng khởi dậy trong khi tay chân chuyển động điều hòa.

Nếu có thì giờ chúng ta nên tập hết các thế nói trên. Nếu ít thời giờ hơn thì tập Khí Công Thiếu Lâm và Dưỡng Sinh Tâm Pháp. Nếu có rất ít thì giờ thì nên tập Khí Công Thiếu Lâm trước khi ăn sáng, và cũng xin nhớ ăn sáng hay điểm tâm là một việc rất cần thiết cho sức khỏe và sự quân bình tốt đẹp của cơ thể. Những vị về hưu có nhiều thì giờ nên tập tất cả và phối hợp với Lạy Hồng Danh theo Khí Công để gia tăng sức khỏe, nhất là duy trì sức khỏe của cột sống lâu dài. Nếu quý vị thích đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, tập thể lực thì tập Khí Công Thiếu Lâm rồi duy trì trạng thái an vui và tập qua các thứ nói trên cũng rất tốt. Những vị nào có nhiều khả năng sáng tạo trong lãnh vực văn chương, nghệ thuật trình diễn, hội họa, soạn nhạc, ca hát, hoặ�c tham khảo tài liệu nghiên cứu, dạy học, điều hành cơ sở thương mại, du lịch, đọc thơ, sáng tạo trong ngành thời trang, diễn xuất, thể thao chuyên nghiệp, nếu tập Khí Công Thiếu Lâm, Yoga, Dưỡng Sinh Tâm Pháp và Thiền tĩnh lặng sẽ cảm nhận được năng lượng hạnh phúc, cảm thông và hiểu biết gia tăng, đưa đến nhiều thành công tốt đẹp hơn trong phạm vi chuyên môn của mình.

Tâm và bộ não là hai thứ bất khả phân, muốn có an vui, thương yêu và hạnh phúc thì phải có một bộ não lành mạnh. Bác sĩ Daniel G. Amen nhắc nhở chúng ta phải tự nhắc nhở những điều quan trọng cho bộ não như sau:

1.Chăm sóc bộ não qua ăn uống tốt, tập luyện và Thiền,

2.Tránh làm cho bộ não bị thương tổn,

3.Không dùng hay tránh những chất làm hại não (ma túy, thuốc lá, rượu hay một số các loại thuốc an thần như Xanax, Ativan, Valium, thuộc nhóm benzodiazepines, hoặc là một số các chất hóa học diệt trừ sâu bọ),

4.Vận động thể lực hàng ngày,

5.Ngủ đầy đủ, thường là tám tiếng mỗi ngày,

6.Tương quan tốt đẹp với những người chung quanh,

7.Tích cực ngừa lão hóa để trẻ lâu qua dinh dưỡng, sinh tố, vận động trí não, vận động thể lực, sống đời vui tươi, nghe hay chơi âm nhạc, đời sống tâm linh tốt,

8.Thực hành Thiền,

9.Mỗi ngày học hỏi một điều gì mới.

Điều này thêm vào vốn rất quan trọng: Trở thành một huấn luyện viên Khí Công Tâm Pháp để thực hành cả 9 điều nói trên thường xuyên.

Người tập Khí Công Tâm Pháp muốn phát triển khả năng nhân thức, giải trừ căng thẳng, thoải mái trong các hoàn cảnh khó khăn, phát triển sức khỏe, đi sâu vào niềm hạnh phúc kỳ diệu của đời sống tâm linh và thể chất thì nên tập luyện mỗi ngày cho thành thục. Sau đó, qua những kinh nghiệm an vui sung sướng và sức khỏe gia tăng của chính mình mà đi hướng dẫn cho người khác. Nếu chúng ta tập do người khác hướng dẫn thì kết quả được ba phần và nếu sau đó chúng ta tự tập luyện thì kết quả tăng lên năm phần. Còn nếu chúng ta đi hướng dẫn cho người khác thì kết quả lên đến mười phần, chưa kể vòng tay thân hữu chúng ta sẽ mở ra rất rộng lớn và sự cống hiến an vui và sức khỏe của chúng ta tạo ra một phản ứng dây chuyền nối tiếp không ngừng mà mỗi người trong mạng lưới sức khỏe và an vui đó là một viên ngọc tỏa chiếu ánh sáng của chính mình đồng thời phản chiếu ánh sáng của tình thương, an vui, sức khỏe và hạnh phúc của hàng ngàn viên ngọc chung quanh.

Cuộc hành trình nào cũng bắt đầu bằng bước đầu tiên. Và trong chương trình tập luyện Khí Công Tâm Pháp, bước đầu tiên là thở đan điền. Thở đan điền với Tâm tỉnh thức cũng là bước mầu nhiệm kế tiếp cho đến bước cuối cùng và đó là nền tảng của sự thực hành liên tục mỗi ngày. Trên thực tế, khi tập Khí Công Tâm Pháp, phối hợp giữa Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động, chúng ta không thấy có bước nào là bước đầu, bước nào là bước giữa và bước nào là bước cuối. Mỗi hơi thở vào, mỗi cử động tay hay chân, mỗi cái nín hơi cùng cảm nhận vùng chân khí chuyển đến, mỗi cái thở ra cùng tâm nhận biết cảm giác an vui thích thú nơi bộ não, là một bước tuyệt đối vào chốn hạnh phúc kỳ diệu trong không gian bao la và thời gian vĩnh cữu. Dó chính là bước đầu tiên cùng xuất hiện với bước cuối cùng.

8. Xin Đọc Thêm Tài Liệu Tham Khảo

Để tìm hiểu thêm về các lợi ích của Thiền trình bày trong chương này, xin quý vị vui lòng đọc thêm trong các tài liệu tham khảo liên hệ sau đây:

  • Daniel G. Amen, Making a Good Brain Great, Harmony Books, New York, 2005 cùng các tài liệu hướng dẫn khác.

  • Daniel Goleman, Working with Emotional Intelligence, Bantam Books, New York, January 2000

  • Kabat-Zinn J, Lipworth L, Burney R, Sellers W. Four year follow-up of a meditation-based program for the self-regulation of chronic pain: treatment outcomes and compliance. Clinicle Journal� Pain, 1986

  • Kabat-Zinn J, Massion AO, Kristeller J, Peterson LG, Fletcher K, Pbert L, et al. Effectiveness of a meditation-based stress reduction program in the treatment of anxiety disorders. American Journal� Psychiatry, 1992

  • Kabat-Zinn J, Full catastrophe living:using the wisdom of your body and mind to face stress, pain,and illness, Random House,New York, 1999.

  • Zara Hoshmand, Conciousness at the Crossroads, coversation with the Dalai Lama on brain science and Buddhism, Mind and Life Institute, Snow Lion Publication, New York, 1999

  • Science Journal, November 2004, Sharon Begley, Scans of Monks' Brains Show Meditation Alters Structure, Functioning, November 5, 2004

  • Bác sĩ Ngô Gia Hy, Khí Công Học và Y Học Hiện Đại, nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Nai, Việt Nam

  • Meditation associated with increased grey matter in the brain, Neuroreport. 16(17):1893-1897, November 28, 2005. Lazar, Sara W. a; Kerr, Catherine E. b; Wasserman, Rachel H. a b; Gray, Jeremy R. c; Greve, Douglas N. d; Treadway, Michael T. a; McGarvey, Metta e; Quinn, Brian T. d; Dusek, Jeffery A. f g; Benson, Herbert f g; Rauch, Scott L. a; Moore, Christopher I. h i; Fischl, Bruce d j


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]