Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương XIII - NỀN TẢNG VỮNG CHẮC CỦA SỨC KHỎE VÀ HẠNH PHÚC

24/04/201319:30(Xem: 4908)
Chương XIII - NỀN TẢNG VỮNG CHẮC CỦA SỨC KHỎE VÀ HẠNH PHÚC

Chương XIII

NỀN TẢNG VỮNG CHẮC CỦA
SỨC KHỎE VÀ HẠNH PHÚC

Trong chương XII trước đây, chúng ta đã thấy Khí Công Tâm Pháp có một nền tảng khoa học thật sự; trong chương này chúng ta sẽ thấy Khí Công Tâm Pháp còn là một nền tảng vững chắc trên đó chúng ta phát triển sức khỏe và hạnh phúc. Sức khỏe liên hệ nhiều đến sự dồi dào năng lượng, mà năng lượng thì quy tụ nơi ba đan điền; thở đan điền hay thở bụng là đem chân khí vào vùng đan điền. Hạnh phúc là một trạng thái của Tâm, nhưng cái Tâm phi vật thể này liên hệ ra sao với bộ não là một vật thể đo đạc được ? Chúng ta sẽ có dịp phân tích một nụ cười để tìm hiểu thế nào là an vui, sung sướng. Đó là nội dung của chương này.

1. Sức Khỏe Và Năng Lượng

Khi đọc hết chương XII vừa rồi, chúng ta đã biết cách thở thoải mái và cũng đã tập thở đan điền hay thở bụng. Mỗi ngày chúng ta nên tiếp tục tập thở như vậy, nhất là khi sửa soạn phần tập Khí Công. Chúng ta dành vài phút để ôn lại tính cách quan trọng của thở đan điền. Ngay bây giờ, xin hãy tập thở đan điền để bộ não trở nên lắng dịu khi đọc tiếp chương này.

Trong buổi nói chuyện với trên mười ngàn nhà nghiên cứu thần kinh tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 12 tháng 11 năm 2005, đức Đạt Lai Lạt Ma đã khích lệ sự cập nhật hóa kiến thức khoa học cũng như phương pháp thực hành Thiền quán. Ngài nói:

"Sự gặp gỡ giữa khoa thần kinh học hiện đại và phương pháp Thiền quán đạo Phật có thể dẫn đến sự khảo cứu về tác động của những hoạt động có chủ ý nơi những mạch thần kinh trong bộ não, những nơi được xem là rất quan yếu cho những diễn tiến tâm ý có liên hệ các phần riêng biệt. Ít nhất thì mối tương quan gặp gỡ này cũng giúp nêu lên những câu hỏi quan yếu về nhiều lãnh vực chính. Ví dụ, những cá nhân có khả năng cố định (qua Tâm) để điều hòa cảm xúc hay chú ý, như truyền thống đạo Phật chủ trương, hay khả năng điều hành cảm xúc và chú ý này tùy thuộc lớn lao vào sự thay đổi về thái độ và các hệ thống trong bộ não (qua bộ não) có liên hệ đến các chức năng này? Một phạm vi mà truyền thống Thiền quán của đạo Phật có thể đóng góp phần quan trọng là phát triển những kỹ thuật để huấn luyện lòng từ bi. Về cách huấn luyện Tâm liên hệ đến sự điều hành chú ý và cảm xúc, câu hỏi cần thiết phải được nêu lên là mỗi phương pháp thực hành đặc biệt (pháp môn) thì tương ứng với một thời điểm nào đó thì mới đưa đến kết quả, vậy những phương pháp mới có thể tạo ra để đáp ứng với tuổi tác, trình trạng sức khỏe cũng như nhiều yếu tố khác."

Điều ngài Đạt Lai Lạt Ma nói ra rất rõ ràng về phương diện thực hành: Đạo Phật chú ý vào sự điều hành Tâm để phát triển khả năng nhận thức trong đó có chú ý, ngôn ngữ, tưởng tượng, ký ức và quyết định, khả năng điều hành và chuyển hóa các cảm xúc như lo, buồn, thù hận, giận dữ thành những cảm xúc tốt đẹp như thoải mái, thương yêu, cảm thông, vui vẻ. Còn các nhà thần kinh học thì lại chú ý vào sự điều hành của bộ não, tìm hiểu những khu vực nào trong bộ não liên hệ đến nhận thức, cảm xúc, động viên cùng những hoạt động nào trong bộ não có thể thay đổi được từ tiêu cực thành tích cực để làm giảm đau, gia tăng sức khỏe và an vui. Sự hợp tác trên 20 năm qua giữa Phật Giáo và khoa thần kinh học đã đóng góp cho kiến thức và sự thực hành nói trên rất tốt đẹp.

Ngài Đạt lai Lạt Ma muốn đi xa hơn nữa về phương diện hành trì, thực hành các pháp môn hay phương pháp tu tập nên đã đặt câu hỏi nêu trên: "Mỗi thời đại cần có một phương pháp thực hành phù hợp mới có nhiều kết quả."Vào các thời điểm trước đây, con người có nhiều thì giờ vì sinh hoạt trong xã hội tương đối giản dị, do đó người tu học có thể ngồi Thiền nhiều giờ vì ít bận bịu. Thế giới chúng ta ngày nay khác xa: công ăn việc làm, gia đình, di chuyển, du lịch, giải trí, thông tin đều tăng lên rất nhiều. Đó là chưa kể vì thực phẩm gia tăng đưa đến ăn uống quá nhiều, giải trí qua truyền hình đưa đến sự thiếu hoạt động là đầu mối của rất nhiều bệnh tật thời đại: bệnh tiểu đường, cao máu, tim mạch, béo phì, bất an. Ngài Đạt Lai Lạt Ma thật có cái nhìn của bậc trí tuệ về thời đại khi ngài nói:

" Câu hỏi cần thiết phải được nêu lên là mỗi phương pháp thực hành đặc biệt thì tương ứng với một thời điểm nào đó thì mới đưa đến kết quả, vậy, những phương pháp mới có thể tao ra để đáp ứng với tuổi tác, trình trạng sức khỏe cũng như nhiều yếu tố khác."

Khí Công Tâm Pháp là phương pháp phối hợp Thiền hoạt động với Thiền tĩnh lặng để đáp ứng nhu cầu cần thiết hiện nay. Đó là làm cho an tĩnh thần kinh, phát triển niềm an vui nơi Tâm và nơi bộ não, vận động thể lực để phát triển sức khỏe và hạnh phúc lâu dài qua cách tập thở nơi đan điền hạ và cảm nhận niềm an lạc, thoải mái, tỉnh táo nơi vùng đan điền thượng (hình số 13-1) cùng thực hành các thế tập cho 12 bộ phận trong người (lục phủ và lục tạng) hoạt động điều hòa, quân bình và khỏe mạnh; vận động để 12 hệ thống thân thể gồm hệ thống bắp thịt gân, xương, da, dinh dưỡng, bài tiết, tuần hoàn, hô hấp, tuyến nội tiết, miễn nhiễm, thần kinh, sinh sản và hệ thống các trung tâm năng lượng hay đan điền được điều hòa và khỏe mạnh. Phối hợp Thiền hoạt động và Thiền tĩnh lặng sẽ tạo ra sự buông thư trong các hoạt động hàng ngày, do đó làm cho đời sống của chúng ta vui tươi, tích cực, mạnh mẽ, thông minh, hiểu biết, thành công và phát triển. Chúng ta cần biết rõ thêm về năng lượng hay chân khí trong cơ thể cùng tác động của năng lượng đến lục phủ ngũ tạng (theo Đông Y) và 11 hệ thống của cơ thể (theo Tây Y) sẽ đưa đến sự khỏe mạnh và an vui.

001


Hình 282 (13-1) Ba Đan Điền

Khi hạnh phúc và sức khỏe gia tăng, chúng ra điều hướng lại đời sống của mình hay nói khác đi, chúng ta từ từ thay đổi lối sống qua cách sinh hoạt, ăn uống và suy nghĩ một cách thoải mái và có hiệu quả như một ngọn gió xuân trong lành thổi cánh buồm trong chuyến viễn hành trên đại dương bao la. Và để xây dựng cho nền tảng vững chắc của đời sống tốt đẹp đó, chúng ta bước một bước đầu tiên vững chãi trên con đường vạn dặm: Thực hành thở thoải mái vùng đan điền.

2. Ba Đan Điền, Nơi Quy Tụ Năng Lượng

Đến đây, chúng ta cần ôn lại về vị trí ba đan điền cùng cách thở bụng hay thở đan điền. Như chúng ta đã biết, theo Đông Y, chân khí là nguồn năng lượng tốt lành chạy khắp thân thể để nuôi dưỡng các bộ phận trong người. Chân khí gồm có hai loại: Khí Tiên Thiên và Khí Hậu Thiên. Khí Tiên Thiên là do cha mẹ truyền lại hay di truyền, Khí Hậu Thiên là do dưỡng khí (khi thở) và thực phẩm (khi ăn) tạo ra. Chốn tụ lại của hai loại chân khí nói trên nơi vùng đan điền hạ hay vùng bụng.

Đan điền là chỗ nguồn năng lượng tụ lại. Có nhiều đan điền trong thân thể chúng ta trong đó có ba đan điền quan trọng nhất khi chúng ta thực hành khí công hay tu tập, đó là Đan Điền Thượng nơi Ấn Đường (điểm ở giữ hai chân mày), liên hệ đến vùng vỏ não trước trán, Đan Điền Trung ở vùng tim và Đan Điền Hạ nơi vùng có huyệt Khí Hải hay biển năng lượng. Như vậy đan điền không phải là một điểm mà là một vùng trong cơ thể. Điều này rất quan trọng vì khi tập thở, tập Khí Công, tập Yoga và tập Dưỡng Sinh chúng ta cảm nhận cảm giác thoải mái nơi các vùng này.

  • Khi chúng ta thở đan điền (hạ)hay thở bụng nhẹ nhàng với sự chú tâm thoải mái thì Tâm chúng ta từ từ buông xả, từ đó sự rỗng lặng và rộng lớn xuất hiện, niềm an vui tỏa ra từ đan điền thượng đến khắp thân thể và đồng thời biểu lộ nơi Tâm.

  • Khi hạnh phúc tràn đầy nơi Thân và Tâm thì nguồn năng lượng của tình thương yêu trong lành bừng dậy và tỏa chiếu. Chúng ta cảm nhận cảm giác thoải mái, ấm áp, an vui tràn đầy vùng đan điền trung, vùng quả tim.

  • Từ đó một nguồn năng lượng trong lành làm cho thân thể chúng ta lành mạnh (healing energy) tràn đầy bộ não, nhất là vùng vỏ não trước trán (vùng đan điền thượng) lan đến các tế bào, các bộ phận, xương cốt và da thịt trong người chúng ta.

Hiện nay, trước khi tập Khí Công, chúng ta nên để dành một tuần lễ để tập thở đan điền hay thở bụng cho thành thục. Thở đan điền, còn được gọi là thở bụng hay hoành cách mô, cũng được nhiều bác sĩ Tây Y khuyến khích thực hành để tạo ra cảm giác buông thư, đưa đến trạng thái thoải mái, hạ huyết áp và giảm cơn đau nhức.

Chúng ta đang ở bước thứ nhất là tập thở và cố gắng thực hành cho thật đúng là cách thở đan điền hay thở bụng. Chúng ta có thể ngồi trên ghế, trên gối ngồi Thiền (bồ đoàn) hay nằm khi tập thở đan điền. Thở vào bụng phình ra (phồng), thở ra bụng xẹp xuống (xẹp). Từ 10 phút chúng ta tăng lên 15, sau đó 20 phút thở đan điền cùng cảm nhận nguồn năng lượng nơi thân.

002

Hình 283 (13-2) Thở Vào Phồng

002b

Hình 284 (13-3) Thở Ra Xẹp

Tây Y không nói đến chân khí mà nói đến năng lượng (energy) giúp cho cơ thể hoạt động tốt đẹp. Nguồn năng lượng đó từ thực phẩm ăn vào và đo bằng số calorie. Trung bình, mỗi người cần từ 1,500 đến 2,500 calories mỗi ngày, đồng thời cũng cần có dưỡng khí (qua hơi thở) để chuyển hóa chất dinh dưỡng thành nhiệt năng đo bằng số calorie. Tây Y cho rằng nguồn năng lượng này (chất dinh dưỡng ăn vào và được tế bào trong thân chuyển thành phân tử adenosine triphosphate hay ATP cùng dưỡng khí) được các mạch máu chuyển đến khắp nơi trong cơ thể. Như vậy Động và Tây Y đều nói nền tảng của năng lượng nuôi dưỡng thân thể là thực phẩm ăn vào và dưỡng khí thở vào, chỉ có một sự khác biệt căn bản là Tây Y nói năng lượng được chuyển đi trong các mạch máu đến các tế bào, còn Đông Y thì nói năng lượng được chuyển đi qua các đường kinh lạc gồm có hai loại năng lượng dinh khí (năng lượng để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng) và vệ khí (năng lượng bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn hại).

Khi bắt đầu tập thở bụng, chúng ta để bàn tay trước bụng, thở vào chúng ta đưa bàn tay ra phía trước cho bụng phình theo, thở ra chúng ta đưa bàn tay vào phía trong cho bụng xẹp xuống. Để gia tăng sự chú tâm, chúng ta có thể nói thầm �phồng�, �xẹp� theo hơi thở vào và hơi thở ra.

Ban đầu chúng ta tập thở đan điền 10 phút, sau đó tăng lên 15 phút, 20 phút, nửa giờ và một giờ. Khi chúng ta thở đan điền quen dần thì bụng tự động phồng lên và xẹp xuống theo mỗi hơi thở vào và ra. Thở đan điền là phương pháp dễ dàng nhất để chúng ta thực hành chú tâm thoải mái vào thân thể và cảm giác như lời Phật dạy trong cách thực hành Tứ Niệm Xứ. Đó là chú tâm thoải mái vào bốn lãnh vực hay nơi là thân thể, cảm giác, tâm tư và các điều mình thấy, nghe biết hay pháp một cách trực tiếp. Cái thấy biết rõ ràng trực tiếp trong trạng thái Tâm rỗng lặng rộng lớn đó chính là Tâm chân thật hay Chân Tâm, còn được gọi là Phật tánh hay Tánh Giác.

Những vị nào thực hành phương pháp niệm Phật thì có thể dễ dàng phối hợp lời niệm với hơi thở. Hít vào niệm thầm 'Nam Mô A', thở ra niệm thầm 'Di Đà Phật'. Những người theo Mật Tông có thể niệm 'Án Ma Ni - Bát Di Hồng' hay 'Om Ma Ni - Pat Mê Hum'. Quý vị trong các tôn giáo bạn có thể tùy nghi chọn một câu có sáu chữ thích hợp với niềm tin của mình và niệm thầm theo hơi thở phồng-xẹp. Những vị không theo một tôn giáo nào có thể tự mình tìm ra các lời niệm thích hợp.

Nhịp thở mỗi người dài ngắn khác nhau nên tùy theo đó mà thực hành cho hợp với khả năng tự nhiên của mình. Khi thở đan điền không cầu phải nín thở hay đưa hơi từ phổi xuống bụng hoặc đẩy mạnh hơi từ phổi xuống bụng (điều này không tốt vì có thể đưa đến bệnh trĩ). Bụng như một cánh cửa hai chiều nhẹ nhàng đưa ra ngoài và đưa vào trong, bụng phồng và xẹp nối tiếp nhau nhẹ nhàng và liên tục không chút gắng sức. Khi thở đan điền thành thục thì cơ thể chúng ta có khả năng thở từ sáng đến tối một cách tự nhiên.

Thở đan điền mới nghe thấy chẳng có gì đặc biệt. Trên thực tế, như chúng ta đã biết, hiện nay nhiều viện đại học y khoa, nhiều nhà thương, nhiều trung tâm chữa trị các bệnh đau nhức cùng nhiều bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân Thiền hay tạo ra phản ứng thư giãn qua cách thở đan điền mà họ gọi là thở hoành cách mô (abdominal breathing), tạo ra một trạng thái thư giãn toàn thân từ đó các chất hóa học tốt gọi là thần kinh dẫn truyền như endorphin, dopamine, serotonine làm giảm đau và gia tăng niềm an vui và tinh thần phấn chấn. Điều nói trên rất quan trọng vì Thiền là một phương thức thực hành quan trọng hiện nay bên cạnh thuốc men giúp cho việc trị liệu tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm điều này để biết rõ tác dụng hữu ích của Thiền.

3. Tâm, Hạnh Phúc Và Sức Khỏe

Mục đích của Khí Công Tâm Pháp không chỉ giới hạn trong việc làm giảm cơn đau mà chính là để gia tăng niềm an vui nơi mỗi người. Khi đã quen thuộc với các thế tập chúng ta thực hành sự chú tâm thoải mái và buông thư thì niềm an vui nơi Tâm, hay tinh thần (hỷ) và niềm sung sướng nơi Thân và bộ não gia tăng (lạc). Khi phối hợp Thiền hoạt động với những kinh nghiện hỷ lạc tốt đẹp đó với Thiền tĩnh lặng thì chúng ta có thể mời gọi hạnh phúc xuất hiện khi chúng ta ngồi yên lặng, đánh máy vi tính, lái xe, ăn cơm, nói chuyện, tập khí công, đi bộ hay tham dự các sinh hoạt cộng đồng.

Những điều nói trên về các hoạt động của tế bào thần kinh, Thiền và niềm an vui, tích cực, lành mạnh của Tâm cho thấy có sự liên hệ mật thiết giữa Thân và Tâm. Đạo Phật nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của cái Tâm, tức là phần phi vật chất trong mọi quyết định, làm chủ mọi quyết định liên hệ đến thân làm, miệng nói và ý suy nghĩ. Trong kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, đức Phật dạy:

"Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo.

Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như bóng không rời hình."

(H.T. Minh Châu dịch)

Tâm ô nhiễm là Tâm mê mờ. Tâm trong sạch và vắng lặng là Tâm chân thật. Trong đạo Phật, ý căn hay trung khu thần kinh, được xem là một cơ quan rất quan trọng liên hệ đến sự thấy biết hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên ý căn lại bị ô nhiễm bởi sự dính mắc vào các thứ thấy biết này. Từ sự dính mắc sai lầm đó mà đưa đến những hành vi xấu (thân), lời nói ác độc (khẩu) và ý tưởng sai lầm (ý). Khi trở về với sự vắng lặng thì Tâm tự mình buông xả các dính mắc và quay về với tánh rộng lớn ban đầu.

Người nào thực hành tu tập cũng đều thấy hai sự kiện đối nghịch đó: Tâm bị vướng kẹt trong không gian và thời gian nhỏ bé khi ham muốn sai lầm, giận dữ hay mê mờ và bị quay cuồng trong áp lực của sự căng thẳng. Tâm trở về với trạng thái rỗng lặng, rộng lớn thênh thang, an vui kỳ diệu và hiểu biết chân thật. Một bên là khổ đau và một bên là hạnh phúc.

Tâm vừa là sự bày tỏ của các sinh hoạt trong bộ não gọi là tâm ý, giới hạn trong sinh hoạt của ý căn hay trung khu thần kinh (bộ não), mà cũng là một thứ biểu lộ bên ngoài bộ não. Không khác gì một hạt điện tử vừa là một hạt vừa là một làn sóng. Đó là tính cách bất nhị của các hiện tượng mà các vị thiền sư thường nhắc nhở. Các nhà khoa học chỉ đo được những gì thuộc phạm vi vật chất trong bộ não hay Tướng và đặt những giả thiết về cái Tâm không thuộc phạm vi vật chất. Hiện nay có hai trường phái chính: (1) một trường phái cho rằng cái Tâm ở ngoài bộ não; (2) trường phái kia cho rằng Tâm chỉ là sự tổng hợp của tất cả mọi hoạt động của bộ não.

Đạo Phật (1) khi nói về Tâm ý là nói về sinh hoạt tâm lý thuộc về não bộ hay ý căn, (2) khi nói về Tánh Giác thì nói về một thực thể không thuộc phạm vi vật chất.

�Tuy khác nhau nhưng hai thứ trên có mặt cùng lúc ở trong nhau và cùng biểu lộ một lúc nên gọi là không hai hay bất nhị. Tánh Giác hay Chân Tâm lúc nào cũng rỗng rang, vắng lặng, trong sạch nhưng vì chúng ta không quen sống với Tâm đó nên chúng ta bị cái thấy cái nghe cùng sự dính mắc vào đó ràng buộc, gọi là Tâm mê mờ hay vô minh, nên đưa đến khổ đau cùng một số bệnh tật. Chúng ta đã biết về tính cách tai hại của các cảm xúc xấu, thái độ tiêu cực là đầu mối của rất nhiều bệnh tật mà chúng ta thường nghe nói: Bệnh do Tâm sinh.

Để phát triển sức khỏe và ngăn ngừa các thứ bệnh do Tâm sinh chúng ta tập Khí Công Tâm Pháp. Một cách tổng quát, sự thực hành chương trình tập luyện Thân và Tâm hiện nay của các nhóm Thiền tĩnh lặng phối hợp Thiền hoạt động có hiệu quả tốt đẹp vì:

  • Nhiều bệnh tật có gốc rễ nơi Tâm hay tinh thần; từ đó phát sinh ra những thái độ hay tánh tình đóng góp vào sự gia tăng bệnh tật.

  • Chữa trị bệnh là chữa trị tận gốc và gốc đó là nơi Tâm và nơi hệ thần kinh.

  • Chương trình chữa trị Thân Tâm nhằm cắt đứt vòng luân hồi của căng thẳng vì căng thẳng đưa đến lo âu, tác động vào thân thể làm bệnh tật gia tăng. Căng thẳng cứ tiếp tục quay hoài trong vòng luân hồi miên viễn.

  • Hướng dẫn bệnh nhân ra khỏi vòng luẩn quẩn đó bằng cách nhận rõ phản ứng nơi Tâm, sự căng thẳng nơi thân thể và tâm, biết cách thực hành buông thư để thoát ra khỏi thói quen tai hại, phát triển các tánh tình tốt và thái độ lành mạnh.

Những chương trình điều trị phối hợp với sự chăm sóc của các chuyên viên y tế có học hỏi về Thiền buông thư nên kết quả rất tốt đẹp. Các tập san y khoa đã phổ biến các thành quả tốt đẹp của hai tổ chức Thiền giảm căng thẳng MBSR và Thiền buông thư của Viện Y Khoa Thân Tâm nói trên. Đây là khoảng 50 dự án nghiên cứu y khoa nghiêm túc của nhiều chuyên viên sức khỏe trong hơn 20 năm, mà để hiểu rõ hơn, chúng ta nên thử đọc qua 9 tài liệu nghiên cứu đã được công bố trên các tập san y khoa.� (Xin xem phần viện dẫn các tài liệu nghiên cứu về Thiền cuối Chương 1.)

Trong cuốn Destructive Emotion [1]nói về hậu quả tai hại của các cảm xúc xấu, bác sĩ Davidson thấy khi con người bị dính chặt vào trong cảm xúc tiêu cực như ganh ghét, giận dữ, khiếp sợ điếng người, trầm cảm thì hạch Hạnh Nhân trong vùng cảm xúc của bộ não hoạt động mạnh. Bên cạnh sự gia tăng hoạt động của hạch Hạnh Nhân, vùng vỏ não trước trán bên phải cũng có những hoạt động gia tăng bất thường. Hạch Hạnh Nhân đã tác động vào vùng não này khi chúng ta có cảm xúc tiêu cực và làm cho các ý tưởng, các ký ức và nhận thức của chúng ta trở nên lệch lạc. Như khi giận ai, chúng ta chỉ nhớ những chuyện làm cho chúng ta giận, nói khác đi đó là đổ dầu vào lửa.

Khi chúng ta có những cảm xúc ngược lại như tích cực, hy vọng, vui vẻ, cảm thông, thì vỏ não trước trán bên trái có những hoạt động gia tăng và lúc đó hạch Hạnh Nhân và vỏ não trước trán bên phải trở nên yên lặng. Từ đó, bác sĩ Davidson kết luận là những người có tâm trạng vui tươilà những người vùng vỏ não trước trán bên tráicó nhiều hoạt động, ngược lại, những người có vùng vỏ não trước trán bên phảicó nhiều hoạt động là những có tâm trạng buồn rầu, tiêu cực.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, bác sĩ Davidson xác nhận là Thiền có thể làm cho bộ não thay đổi, nói khác đi, khi thực hành Thiền chúng ta có thể chuyển hóa từ một người lo lắng, buồn rầu, hay giận, trở thành một người vui tươi, cảm thông và thoải mái. Có câu hỏi là điều tích cực này sẽ phát triển đến mức nào khi thực hành Thiền? Để trả lời câu trên, bác sĩ Davidson đã mời một vị tu viện trường một tu viện Tây Tạng ở niềm nam Ấn Độ. Thông thường, phần đông nơi chúng ta tỷ lệ các hoạt động hai bên vùng vỏ não trước trán gần như bằng nhau. Tuy nhiên, đối với vị tu viện trưởng này thì hoạt động ở vùng vỏ não trước trán bên trái ở mức độ mà nhà nghiên cứu này chưa từng thấy ai được như vậy.

Những kết quả trên tuy đặc biệt nhưng lại là thành quả tốt đẹp của những người tu hành lâu năm. Vì cùng mong muốn đem sự thực hành Thiền vào sinh hoạt chính thống tại Hoa Kỳ, hai ông Davidson và Kabat Zinn đã hợp tác với nhau làm một cuộc nghiên cứu về thực hành Thiền của những người mới bắt đầu và họ thực hành Thiền 45 phút mỗi ngày trong 8 tuần lễ. Sau đó họ đúc kết thành quả của những người này như sau:

  • Hệ thống miễn nhiễm gia tăng hoạt động tốt đẹp,

  • Bớt lo âu,

  • Phần não liên hệ với trạng thái tích cực (vỏ não trước trán bên trái, phần nằm ngay sau xương trán bên trái) như vui tươi, nhiệt tình, lòng tốt có những hoạt động gia tăng.

Mỗi ngày họ tự thực hành 45 phút; ngoài ra mỗi tuần họ được hướng dẫn thực hành Thiền 3 giờ theo phương pháp Thiền và quán tưởng thở từng phần nơi cơ thể. Những người tham dự khóa nghiên cứu này là những chuyên viên làm việc cho một công ty sinh hóa, họ bị nhiều mệt mỏi, căng thẳng, chịu nhiều áp lực công việc nên hết muốn làm việc. Sau khi thực hành Thiền 8 tuần lễ, các hoạt động từ phía não phải dần dần chuyển sang phía não trái nên có những dấu hiệu tốt xuất hiện:

  • Họ bắt đầu thích thú công việc trở lại,

  • Khi được giao việc, họ không còn cảm thấy bị ép buộc, mà là nhận một thách thức mới mẻ,

  • Thái độ của họ thay đổi rất tốt đẹp.

4. Nụ Cười Và Bộ Não

Chúng ta thường nghĩ Tâm là quan trọng vì Tâm quyết định mọi chuyện qua sự suy nghĩ, nhận thức hay phản ứng. Do đó, trong phần tu học chúng ta chú trọng vấn đề Điều Tâm. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21 này, chúng ta cũng học hỏi được nhiều điều hữu ích nơi các nhà thần kinh học về sự quan trọng của bộ não, do đó bên cạnh Điều Tâm chúng ta cũng Điều Thân qua cách thở, tập các động tác và cảm nhận niềm an vui. Bộ não điều hành tất cả các hoạt động đó.

Khi các nhà thần kinh học tìm hiểu về niềm vui và nụ cười thì họ thấy đó là sự kết hợp của nhiều vùng trong bộ não. Có ba phần chính trong bộ não làm cho nụ cười xuất hiện nơi miệng của chúng ta.

284

Hình 285 (13-4) Khi Ta Cười

  • Vùng nhận thức: nơi vùng vỏ não trước trán, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa câu nói khôi hài,

  • Vùng vận động: nơi vùng vỏ não cơ động giúp cho các cơ miệng mở ra thành nụ cười,

  • Cảm giác vui phát xuất từ vùng các nhân nằm kề nhau (nucleus accumbens), một nhân nhỏ phía dưới thùy trán của bộ não, nơi tiết ra chất dopamine tạo ra khoái cảm.

283

Hình 286 (13-5) Chất thần kinh dẫn truyền

Chúng ta thường chỉ nghĩ lòng mình vui thì miệng mình cười và ít khi để ý đến một tiến trình phức tạp kết hợp một cách kỳ diệu để cho niềm vui và nụ cười xuất hiện.

Trong buổi hội luận giữa các nhà khoa học và ngài Đạt Lai Lạt Ma, được trình bày chi tiết trong quyển sách về các cảm xúc có tính cách phá hoại hay hủy diệt (Destructive Emotion), có nói về các nụ cười. Chúng ta thường thấy các hình quảng cáo chụp các người cười vui khi giới thiệu món hàng. Thế giới thương mại đầy những nụ cười. Tuy nhiên, bác sĩ Guillaume Duchenne, nhà thần kinh học của Pháp vào thế kỷ thứ 19, đã phân biệt ra 18 loại nụ cười để phân biệt những nụ cười biểu lộ từ thân tình, hạnh phúc, vui lòng, sung sướng khác hẳn với những nụ cười nghề nghiệp (chụp hình quảng cáo), xã giao, không thành thật hay không phát ra từ niềm hạnh phúc có thật. Bác sĩ tâm lý học Paul Ekman, chuyên gia về nghiên cứu nét mặt biểu lộ cảm xúc trong các nền văn hóa và chủng tộc khác nhau, nhận xét khuôn mặt của ngài Đạt Lai Lạt Ma rất đặc biệt về nhiều phương diện: Bắp thịt nơi khuôn mặt của ngài dịu như những người hai mươi tuổi, do ngài biểu lộ cảm xúc của mình một cách tự nhiên, không đè nén, khi thấy những người bị khổ đau hoặc trong sự giao tiếp chân tình với những người chung quanh.

Theo bác sĩ Ekman, mặt dù nét mặt biểu lộ cảm xúc của chúng ta nhưng thường chúng ta không có ý thức về cảm xúc của mình vì chúng ta chỉ biết mình giận hay sợ hãi vào lúc nửa (1/2) hay một phần tư (1/4) giây sau khi cảm xúc xuất hiện, chứ không phải trước hay bắt đầu ngay khi cảm xúc xuất hiện. Như thế thì đã trễ vì lúc đó chúng ta bị các cảm xúc giận dữ hay sợ hãi chụp xuống và bao bọc rồi. Nếu chúng ta biết được trước khi cơn giận xuất hiện thì tốt cho chúng ta hơn nhiều.

Bác sĩ Eckmam nêu ra các loại cảm xúc căn bản như giận dữ, kinh tởm, khinh thường, ngạc nhiên, vui thích, bối rối và thấy tội lỗi. Những cảm xúc này, như giận dữ, là đại diện cho một nhóm hay gia đình cảm xúc. Ví dụ khi nói đến cảm xúc tốt như hạnh phúc thì gồm có:

  • Thích thú,

  • Hào hứng (khi gặp những thách đố mới mẻ)

  • Yên lòng,

  • Hứng khởi,

  • Thấy kỳ diệu,

  • Những cảm giác sung sướng của năm giác quan,

  • An bình.

Mỗi chúng ta còn có rất nhiều loại cảm xúc khác nhau, tốt hay xấu, đưa đến những kết quả tốt đẹp hay tai hại cho mình và cho những người chung quanh. Và hơn ai hết, mỗi người chúng ta trực tiếp nhận biết rõ ràng về các kết quả xấu hay tốt này. Vấn đề còn lại là làm sao phát triển các cảm xúc tốt và bớt đi các cảm xúc xấu để cho đời sống chúng ta được khỏe mạnh, phấn khởi, an vui, thông minh, hạnh phúc và thành công trong đời sống hàng ngày. Nhiều cuộc nghiên cứu đưa đến kết luận là vùng vỏ não trước trán bên tráiđóng vai trò rất quan trọng về hai phương diện: sức khỏe và hạnh phúc.

Con người là động vật có vỏ não nơi vùng thùy trán lớn nhất so với các động vật khác. Vùng này đóng vai trò rất quan trọng trong sự điều hành cảm xúc cũng như sắp xếp các dữ kiện thâu thập và đưa đến kết quả hành động. Nói khác đi, duy trì được sự quân bình về đời sống cảm xúc và nhận biết về những gì đang xảy ra cùng có những hành động thích hợp. Bác sĩ Austin tóm lược chức năng của vùng vỏ não thùy trán này trong ba phần như sau.

285

Hình 287 (13-6) Vỏ não phần ở mắt

286

Hình 288 (13-7)Vỏ não phần lưng bên

1.Vỏ não phần ở mắt (orbital cortex): Ngăn chận những thúc đẩy bên trong làm những điều không thích hợp, có tính cách thô thiển với xã hội. Giúp ngăn chận những thái độ do những kích động không tốt từ bên ngoài tạo ra.

2.Vỏ não phần lưng bên (dorsolateral cortex): Giúp rút tỉa và sắp xếp lại tiến trình của các dữ kiện được thâu nhận về những kinh nghiệm đang xảy ra. Giúp phối hợp các liên tưởng nhanh chóng ở nhiều mức độ nhận thức và thái độ, cũng giúp thay đổi trạng thái tâm thần cho thích hợp.

3.Vỏ não ở giữa (medial cortex): Giúp phần cơ thể tham dự hoạt động khi được động viên.

Cả ba vùng này đều có nhận chất dopamine, đây là một chất thần kinh dẫn truyền do các khớp thần kinh tiết ra, tạo ra cảm giác sung sướng. Ngoài ra, vùng vỏ não ở phần bụng và giữa (ventromedial cortex) đóng vai trò rất quan trọng trong sự điều hành cảm xúc. Vùng vỏ não trán thuộc bán cầu não tráicó những chức năng quan trọng như phán xét (đánh giá các dữ kiện và đưa đến kết luận), tiên liệu, nhớ lại và đặc biệt là nhân cách (làm những gì đúng, tốt và hợp với đạo đức) và hoạch định. Những điều nói trên rất quan trọng cho sự tu tập của chúng ta vì không những vùng vỏ não phía trước vùng trán là nơi biểu lộ những cảm xúc tốt đẹp (bên trái) mà còn cả những sự điều hành nhân cách của chúng ta cho tốt đẹp và ngăn chận những hành động tai hại do bản năng thúc đẩy.

Trước đây các nhà tâm lý học cho rằng những cảm xúc con người được hình thành thời còn bé thơ không thể thay đổi được. Ngày nay khoa thần kinh học nhờ các máy móc tân tiến như điện não ký, máy chụp hình cọng hưởng hay họa hình qua tiếng dội của từ trường (fMRI, functioning Magnetic Resonance Imaging) để tìm hiểu rõ hơn về chức năng của não cùng sự phát triển nhanh chóng trong ngành nghiên cứu thần kinh. Do sự tha thiết của các chuyên viên và cả của Bộ Y Tế, Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ muốn ứng dụng những khám phá về thần kinh học vào trong khoa trị liệu đủ các chứng bịnh như lo âu, sợ hãi, các thứ bệnh tật do căng thẳng gây ra (mà bác sĩ Herbert Benson thuộc Mind /Body Medecine Institute cho biết từ 60 đến 90 phần trăm bệnh là do tâm sinh) mỗi năm phải tốn đến hàng trăm tỷ mỹ kim để chữa trị, nên đã tài trợ rộng rãi cho các chương trình nghiên cứu của các trường đại học hay cơ sở nghiên cứu nổi tiếng như Havard, MIT, hệ thống các đại học ở California, Wisconsin, Massachussetts, v.v... và họ phối hợp với nhau để chia sẻ các thành quả nghiên cứu. Điều nổi bật nhất là nhiều nhà khoa học đã hợp tác với nhau với sự tham sự của ngài Đạt Lai Lạt Ma, cung cấp kiến thức về Phật Giáo, tâm lý học Phật Giáo, cách tu Thiền và kết quả hành trì để các nhà khoa học có các dữ kiện cụ thể khi nghiên cứu lợi ích của Thiền.

Và điều quan trọng hơn hết là cung cấp những hành giả thực hành Thiền lâu năm, đã đạt được niềm hạnh phúc kỳ diệu, làm đối tượng của các cuộc nghiên cứu này. Các nhà thần kinh học đã căn cứ vào các hoạt động của bộ não của các vị Thiền sư này, như các hoạt động võ não trước trán bên trái và bên phải, các làn sóng não, ngồi ngoài lạnh dưới 0 độ (-18 độ bách phân) trong 8 giờ đồng hồ với chiếc tăng bào mỏng manh, mà họ đã đi đến những khám phá cụ thể, ích lợi và đem ứng dụng cho mọi người như ngài Dạt Lai Lạt Ma mong muốn. Các kết quả thực hành Thiền cùng sự thay đổi tốt đẹp phải được phổ biến rộng rãi để cho mọi người ở mọi nơi không phân biệt tôn giáo đều có thể sử dụng ích lợi cho họ. Trong quyển Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc (The Art of Happiness, sách đã được bà Chân Huyền chuyển ngữ), nói về tính cách mền dẻo của bộ não sau nhiều năm tìm hiểu về thần kinh học và cách phối hợp thực hành Thiền để chuyển hóa các hoạt động trong bộ não thành tốt đẹp hơn, ngài Đạt Lai Lạt Ma có phát biểu như sau:

"Sự huấn luyện có hệ thống của Tâm, sự nuôi dưỡng hạnh phúc, sự chuyển đổi chân thật nội tâm do sự tự chọn lựa và chú tâm vào các trạng thái tinh thần tích cực cùng thách thức các trạng thái tinh thần tiêu cực có thể thực hành được vì tính cách mền dẻo của bộ não."

Cũng như các nhà thần kinh học, qua kinh nghiệm chính của sự thực hành, ngài tán đồng quan điểm là các 'mạch điện' trong bộ não không cố định, có thể 'quấn thêm đường dây mới' để cho bộ não thích nghi tốt đẹp hơn.

Đó là tin mừng chung cho chúng ta, là bộ não của chúng ta có tính chất mền dẻo, các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, tánh tình xấu như tham lam, ích kỷ, hung dữ, thái độ buồn thẳm, thờ ơ, lãnh đạm, tánh khí vui buồn bất thường cùng những khổ đau do những vết thương trong lòng từ lúc còn nhỏ đến nay, cùng nhiều thứ buồn phiền khác có thể thay đổi được qua sự thực hành Thiền, bên cạnh việc đi đến các vị bác sĩ tâm thần hay chuyên môn trị liệu. Tại sao chúng ta phải chuyển đổi từ thái độ tiêu cực thành tích cực? Vì người có tánh tình, cảm xúc vui tươi, cởi mở, cảm thông, thương yêu thì mạnh khỏe và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những người tiêu cực, đó là chưa kể họ ít bị bệnh hoạn hơn và khi bị bệnh thì phục hồi nhanh chóng hơn vì hệ thống miễn nhiễm của họ hoạt động tốt đẹp. Thiền giúp cho chúng ta hiểu biết hơn về cảm xúc của mình và phát triển khả năng an trú trong những cảm xúc vui tươi, lành mạnh. Đó là sự Thông Minh Cảm Xúc (Emotional Intelligence), một cụm từ mới được các nhà tâm lý học như Howard Gardner, Peter Salovery, John Mayer, Reuven Baron khai sinh.

5. Thông Minh Cảm Xúc

Chúng ta đã tìm hiểu về Thông Minh Cảm Xúc vốn rất quan trọng cho sức khoẻ, sự thành công và hạnh phúc của mỗi người. Có nhiều chuyên gia trình bày về vấn đề này mà chúng ta có thể tóm lại như sau: "Thông Minh Cảm Xúc là có khả năng nhận biết được những cảm xúc của mình rõ ràng và điều hành chúng tốt đẹp, cùng có khả năng vận động chính mình, đồng thời hiểu biết những cảm xúc của người khác để tạo mối tương quan tốt đẹp đưa đến thành công và hạnh phúc."Tiến sĩ Daniel Goleman dựa trên những cuộc nghiên cứu của nhiều người khác và của chính mình đã đề ra năm điều căn bản về khả năng vững chãi về cảm xúc và tương quan xã hội, nay ta có thể tóm lươc như sau:

1.Tự biết rõ ràng hay tự tri: Biết rõ cảm xúc của mình trong hiện tại và xử dụng những chỉ dẫn để điều hướng quyết định của mình, biết rõ khả năng của mình trên nền tảng của niềm tự tin vững vàng.

2.Tự điều hay tự quản: Có thể tự điều khiển được cảm xúc của mình để không làm trở ngại công việc, bình phục lại tốt đẹp sau những sự đau buồn và có khả năng không bị lôi cuốn bởi những vui sướng ngắn hạn, mà là niềm hạnh phúc trong dài hạn.

3.Động lực thúc đẩy hay năng lực siêng năng: Nguồn năng lực thâm sâu được động viên để tiến tới, cùng hướng dẫn hoàn thành mục tiêu, khích lệ sự khởi đầu, sự phát triển và sự tiếp tục khi bị chướng ngại.

4.Cảm thôngngười khác: Biết về những cảm xúc của những người chung quanh và tạo liên hệ tốt đẹp với nhiều giới khác nhau.

5.Khả năng tương giaotốt đẹp: Biết điều hành cảm xúc của mình trong sự tương quan với kẻ khác, biết rõ về hoàn cảnh thực tại, tạo sự tương quan nhẹ nhàng và dùng những điều đó để hướng dẫn kẻ khác hay giải quyết các xung đột. [2]

Khi nói đến huấn luyện về Thông Minh Cảm Xúc, các nhà chuyên môn không nói nhiều đến yếu tố hạnh phúc trong sự huấn luyện này. Nhưng điều này lại được đức Phật chú trọng rất nhiều vì không có hạnh phúc hay hỷ lạc (hỷ là niềm an vui tinh thần, lạc là niềm sung sướng của thân thể), thì động lực thúc đẩy thực hành sẽ rất yếu kém, hay nói khác đi năng lực của sự siêng năng hay tinh tấn sẽ không đủ sức động viên chúng ta tiếp tục thực hành hay hành trì mỗi ngày. Chính năng lượng của hỷ lạc thúc đẩy chúng ta tiếp tục tập luyện Thân và Tâm hàng ngày vì càng thực hành càng thấy an vui (hỷ) và sung sướng (lạc) nơi Tâm và nơi Thân.

Ngày nay các nhà thần kinh học trình bày cho chúng ta thấy rõ ràng về ảnh hưởng của cảm xúc có nền tảng ngay nơi bộ não của chúng ta. Bộ não con người có lớp tân vỏ não là lớp vỏ bọc bên ngoàinão mà tiến sĩ Goleman gọi là 'phần não suy nghĩ', tương quan với một phần não bên tronggọi là 'hệ bán tín' (limbic system, một hệ thống phức tạp gồm các đường và mạng thần kinh trong não). Hệ này liên quan đến biểu lộ bản năng và tính khí như tìm thức ăn, sinh sản hay biểu lộ sự sợ hãi, giận dữ hay khoan khoái mà ông ta gọi 'phần não cảm xúc'. Trong phần hệ bán tính (limbic system) này có một hạt nhỏ như hạt hạnh nhân gọi là hạch Hạnh Nhân(amygdala), đó là cội nguồn của tất cả những ham muốn hay đam mê. Hạch Hạnh Nhân là một trong những hạch căn bản, hình tương tự như quả hạnh nhân, ở sâu trong mỗi bên bán cầu não. Chức năng hạch này liên quan đến tính tình, cảm giác, năng khiếu và trí nhớ ngắn hạn.

287

Hình 289 (13-8) Hệ Bán Tin

Hai phần 'não suy nghĩ''não cảm xúc này'có những sợi thần kinh nối tiếp với đồi não hay đồi thị (thalamus, khối chất xám hình như quả trứng), hành xử như một người kiểm soát tin tức. Tất cả những sắc (màu sắc, hình dáng), thanh (âm thanh), hương (mùi vị), xúc (cảm giác) đều đi tới đồi não (thalamus) trước, được đồi não phân loại ra (như người nhân viên bưu điện nhận thư người gởi, phân loại thư ra và quyết định gởi đi đến đâu) và quyết định sẽ chuyển các tin tức, do ngũ quan đón nhận chuyền vào não, đến những vùng khác nhau trong bộ não. Như khi nhìn một cành cây thì chuyển tín hiệu này đến vùng thị giác để thấy hình dáng cùng màu sắc cành cây.

Tuy nhiên khi một tin tức thuộc loại cảm xúc như khi bất chợt chúng ta thấy một con sư tử, thì đồi não (thalamus) chuyển đi hai làn sóng tin tức: (1) cái thứ nhất đến hạch hạnh nhân và (2) cái thứ nhì đến vùng tân võ não. Vùng tân võ não có chức năng phân tích rồi quyết định hành động. Vùng hạnh nhân là phần cảm xúc của bộ não, vì nhậ�n được tin tức trước (biết ngay có sự nguy hiểm) nên phản ứng tức khắc. Nhờ đó mà chúng ta có cơ may thoát nạn, chứ còn chờ cho phần tân võ não phân tích và quyết định thì chúng ta đã bị sư tử ăn thịt rồi! Goleman gọi đó là 'bị cảm xúc bắt cóc'và điều này xảy ra thường xuyên. Hiện nay người ta chưa biết được tỷ lệ sai biệt tốc độ các tín hiệu này đến hai vùng khác nhau nói trên nơi bộ não loài người. Tuy nhiên, khi thí nghiệm nơi loài chuột thì họ thấy tốc độ khác nhau là 1 đối với 1/2, và người ta nghĩ đối với loài người có lẽ cũng như vậy. Như vậy là chúng ta cảm xúc trước khi chúng ta biết thật sự chuyện gì đang xẩy ra!

Như vậy, hệ thống bán tín (limbic system) trong đó có hạch hạnh nhân là phần rất quan trọng cho sự sinh tồn của tổ tiên chúng ta thời còn ở trong các hang động vì phải đối phó với sự hiểm nguy hàng ngày trước các thú dữ như cọp, beo, rắn, rít, bò cạp cùng các loại thú khác có thể bất ngờ tấn công họ bất cứ lúc nào. Và để bảo vệ mạng sống, bộ não qua hàng triệu năm tiến hóa, đã tạo đường dây chuyển các tin tức thuộc loại cảm xúc này như lo lắng, sợ hãi, ham muốn để con người phản ứng ngay tức khắc khi thấy một con sư tử (đe dọa mạng sống) hay khi thấy con nai (thức ăn cho bữa ăn chiều), nhờ đó mà tổ tiên chúng ta sống còn. Chúng ta biết ơn tổ tiên và chúng ta cũng biết ơn hệ thống bán tín trong bộ não của tổ tiên chúng ta đã phát triển khả năng bảo vệ mạng sống bằng cách chiến đấu hoặc bỏ chạy và săn mồi để có thực phẩm qua hàng triệu năm, cùng bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống cho nên chúng ta mới có mặt ngày hôm nay.

Tuy nhiên, điều rắc rối là đời sống nhân loại bây giờ khác xa thời thượng cổ nhưng hệ thống bán tín vẫn hoạt động như trước. Nhiều lúc chúng ta phản ứng hay hành động trước khi chúng ta biết rõ chuyện gì đang xảy ra và điều này đưa đến nhiều thảm kịch đớn đau mà trong cuốn Emotional Intelligence, tác giả nói đến một tai nạn đau thương cho gia đình ông Cabtree. Một buổi sáng khi cha mẹ vắng mặt, em Matilda Cabtree nghĩ cách chọc bố cho vui. Khi hai vợ chồng ông Bobby Cabtree đi thăm bạn về thì nghe có tiếng động trong nhà. Hai vợ chồng lại đinh ninh con gái mình đang ở chơi nơi nhà bạn của em. Ông ta đi lấy khẩu súng lục và tiến vô phòng. Em bé Matilda đang núp trong tủ quần áo thấy bố lại gần liền nhảy ra 'Hù' bố. Ông Cabtree liền nổ súng và bắn chết con gái của mình trong phản ứng tự vệ, dù chưa biết được điều gì đang xảy ra! Đó là phản ứng phát xuất từ hạch hạnh nhân trước khi vùng tân vỏ não nhận tín hiệu và phân tích để biết thực sự cái gì đang xảy ra.

Phản ứng cảm xúc này không những xuất hiện trong trường hợp đặc biệt nói trên mà còn trong rất nhiều sinh hoạt thường ngày khác, làm gia tăng sự căng thẳng trong đời sống, đưa đến các chứng bệnh tâm thần và thể chất. Do đó, thực hành Thiền làm gia tăng các hoạt động của phần vỏ não trước trán bên trái cùng lúc để cho phần vỏ não trước trán bên phải bớt hoạt động, kèm theo với sự lắng dịu của hạch hạnh nhân. Những điều này đưa đến sự yên lặng của các cảm xúc tiêu cực, nhờ đó niềm an vui, sung sướng, thoải mái xuất hiện, cũ�ng như khả năng phán đoán, phân tích và hoạch định gia tăng.

Chương trình Khí Công Tâm Pháp, phối hợp Thiền hoạt động và Thiền tĩnh lặng, sẽ có kết quả tự nhiên là làm lắng dịu hoạt động của hạch Hạnh Nhân và vỏ não trước trán bên phải (viết tắt: VNTT bên phải), cùng lúc phát triển những hoạt động và cảm nhận niềm an vui, sung sướng biểu lộ nơi võ não trước trán bên trái (viết tắt: VNTT bên trái). Một người sống hạnh phúc và tập luyện thường xuyên thì sức khỏe thể chất và tâm thần của họ rất bền vững và tốt đẹp, giúp cho quốc gia nhẹ bớt gánh nặng phí tổn về y tế, gia tăng sức khỏe chung, nhân công làm việc thì tăng năng xuất, thanh thiếu niên thì an vui, học giỏi, số tội phạm cũng sẽ giảm bớt và phẩm chất đời sống người dân được gia tăng. Đó là luật duyên khởi trong vũ trụ mà đức Phật thường nhắc nhở.

Tổng quát

Riêng cho cảm xúc

Kết quả

Cái này có thì cái kia có

ZNhiều hoạt động nơi VNTT bên trái

ZHạnh phúc

Cái này không thì cái kia không

ZKhông có nhiều hoạt động nơi VNTT bên phải

ZKhông khổ đau

Cái này sinh thì cái kia sinh

ZCó hạnh phúc thì

ZGia tăng sức khỏe

Cái này diệt thì cái kia diệt

ZVùng VNTT bên phải giảm hoạt động

ZHạch Hạnh Nhân giảm hoạt động liên hệ

ZCảm xúc tiêu cực không xuất hiện

Bảng 6 (13-1) Luật Duyên Khởi

6. Cách Tập Để Phát Triển Hạnh Phúc

Chúng tôi xin nhắc lại chương trình tập thở và Khí Công như sau.

  • Trong tuần lễ đầu, xin tập Thở Đan Điền hay thở bụng cho thành thục rồi tập qua thế Khí Công Thiếu Lâm. Sau khi đã tập thành thục bảy thế Khí Công và cách thở, mỗi lần tập chúng ta để tâm buông xả thật thoải mái rồi bắt đầu tập các thế.

  • Điều quan trọng nhất khi tập các thế Khí Công Thiếu Lâm là sau khi hít hơi vào đầy phổi, phải nín thở rồi đẩy hơi (hay vận chân khí) đến các vùng liên hệ trong thế tập (như bụng, phổi, thận, gan, tim).

  • Lúc nín hơi thì không cần đếm số, nếu tập cả nhóm thì người hướng dẫn sẽ đếm, nếu tập riêng khi cảm thấy nín vừa đủ thì thở ra. Tại sao không đếm số? Để đừng bị phân tâm, để hoàn toàn cảm nhận cảm giác nơi vùng vận chân khí đến (đẩy hơi đến).

  • Khi thở ra, buông xả nơi bộ não và đồng thời cảm nhận nguồn an vui, sung sướng, thoải mái nơi võ não trước trán bên trái (VNTT bên trái). Cảm giác an vui sung sướng sướng này có thể lan ra phía sau và phía trên bộ não, vùng đang vận động và cảm giác của toàn thân. Niềm an vui hạnh phúc sẽ kéo dài nhiều giờ sau khi tập.

Hạnh phúc không những cần thiết cho mỗi cá nhân mà còn cần thiết cho cả những người khác mà ta chung sống. Như một người vợ hay chồng an vui thì người phối ngẫu của mình cũng sẽ có hạnh phúc. Nhà nghiên cứu người Anh Nick Powdthavee làm việc trong phân khoa kinh tế thuộc viện đại học Warwick khảo cứu 9,700 cặp vợ chồng từ 16 đến 65 tuổi từ năm 1996 đến năm 2000 và thấy rằng trong gia đình hễ có người chồng hay vợ hạnh phúc thì người kia cũng đón nhận được hạnh phúc. Nếu đem so sánh hạnh phúc khi nhận được tiền lương và nỗi buồn khi thất nghiệp không có lương thì hạnh phúc hưởng được này lớn hơn là khi nhận tiền lương. Hạnh phúc ấy cũng có thể so sánh với niềm vui khỏi trả phí tổn hai tháng nằm nhà thương như đã xẩy ra năm ngoái, năm nay thì không vì ta sống hạnh phúc khỏe mạnh. Nói khác đi hạnh phúc tăng lên 30% đối với người phối ngẫu vì không phải đối diện với các vấn đề trên. [3]

Nhiều cuộc nghiên cứu y khoa cho thấy thực hành Thiền hay buông thư thì giảm bớt sự căng thẳng trong đời sống hàng ngày. Chúng ta đều biết sự căng thẳng là nguồn gốc của nhiều chứng bệnh tâm thần cũng như thể chất. Tập san nghiên cứu về tim The American Journal Of Cardiology trong số Ngày 1, Tháng Năm, năm 2005 có phần khảo cứu về các phương pháp làm giảm sự căng thẳng đối với các người lớn tuổi. Các chuyên gia so sánh phương thức thực hành Thiền siêu thoát (Transcendental Meditation) với các phương pháp trị liệu làm giảm sự căng thẳng khác thì thấy những người thực hành buông thư có mức độ tử vong về bệnh tim giảm 30 phần trăm so với nhóm người không thực hành. Các chuyên gia nhắc nhở những người bị cao huyết áp nên thực hành Thiền, đó là một cách rất tốt để bảo vệ sức khỏe, ngoài việc ăn uống kiêng cử, giảm ăn muối, vận động thân thể và đừng hút thuốc lá. Đó là sự thực hành một lối sống lành mạnh mà những người tập Khí Công Tâm Pháp được khuyến khích thực hành song song với sự phát triển về trí tuệ và sự thông minh cảm xúc.

Khi thực hành Thiền, chúng ta buông thả hay thực hành sự không dính mắc vào các ý tưởng, các cảm xúc, chúng có đến nhưng rồi sẽ đi. Tâm trở nên lắng dịu dần và trạng thái an vui xuất hiện. Khi trạng thái an vui có mặt thì các cảm xúc tiêu cực cùng dần dần mất đi khả năng trói buộc chúng ta, và khi có sự buông thả toàn diện thì trạng thái rỗng lặng rộng lớn bao la xuất hiện. Đó là Tâm không sanh không diệt, vừa biểu lộ trong các sinh hoạt hàng ngày cùng lúc siêu vượt, không bị ràng buộc, bởi những cái thấy biết qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của mình. Đó là cái cội gốc nơi chúng ta vậy.

Chúng ta hãy nghe Thiền sư Thần Hội, vị tổ nối tiếp dòng Thiền của ngài Lục Tổ Huệ Năng giải thích về điều này như sau:

"Vì có Phật Tánh nên gọi là thường. Vì thường nên được gọi là cội gốc, chẳng phải trước không nay có. Quyển thứ mười lăm (Kinh Đại Bát Niết Bàn) nói: Phật tánh đó không đắc không sanh. Vì cớ sao? Vì chẳng phải sắc chẳng phải không sắc, không dài không ngắn, không cao không thấp, không sanh không diệt. Do không sanh diệt nên gọi là thường. Vì thường nên gọi là cội gốc." [4]

Thiền sư Lâm Tế giải thích rõ hơn: "Tuy Tâm là không hình tướng, không sinh và không diệt nhưng Tâm biểu lộ qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý."Điều mà Thiền Tông nhấn mạnh cũng rất là đặc biệt và cũng là lời mời gọi các nhà thần kinh học hiện nay đi thêm một bước nghiên cứu nữa, đó là tương quan Thân và Tâm, ta có thể tóm tắt như sau.

Đời sống của con người biểu lộ qua sự hoạt động của sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (hay trung khu thần kinh, bộ não). Tâm chân thật, hay Chân Tâm, còn được gọi là Phật Tánh, nếu không có đời sống xuất hiện, một sinh mạng ra đời, thì ở trong trạng thái không biểu lộ thành cái thấy, cái nghe. Khi một sinh mạng chào đời thì qua sáu căn nơi cơ thể mà biểu lộ sự thấy, nghe, cảm xúc, suy nghĩ hay hoat động. Thân người có sinh và có diệt nhưng Phật Tánh không sinh và cũng không diệt. Tuy nhiên, hai thứ Tâm và Thân này không là hai thứ tách biệt khỏi nhau mà cùng ở trong nhau dù biểu lộ qua hai cách khác nhau. Một thứ có hình tướng và một thứ không có hình tướng cho nên nói Thân và Tâm không phải là một cái duy nhất mà cũng không phải là hai thứ khác biệt. Đó là tính cách bất nhịhay không hai của thân và tâm.

Ở đây chúng ta cũng nên nói thêm là trong ngành tâm lý học đã có hai phái duy tâm và duy vật. Phái duy vật cho chỉ có vật chất thôi, như bộ não, là nền tảng mọi thứ cảm giác. Phái duy tâm nhấn mạnh chỉ có tâm hoặc linh hồn thì mới có sự thấy biết, như một người đứng phía sau, 'một con người' ở trong bộ não nhận biết những gì bộ não ghi nhận. Còn bên duy vật chủ trương bộ não là gốc, từ bộ não phát xuất toàn bộ sinh hoạt về nhận thức, cảm xúc, cảm giác, tánh tình, thái độ của con người. Các khu vực trong bộ não có những hoạt động riêng biệt và khi kết hợp lại, tạo cho chúng ta có cảm tưởng là có một chủ thể nhận thức mọi thứ. Có thể ví như những ngọn đèn màu khác nhau chiếu lên không gian và kết hợp là thành một vùng có ánh sáng (ví dụ cho tâm). Ánh sáng đó không tự nó có mà do các ngọn đèn chiếu lên và khi bóng đèn thay đổi màu sắc (ví dụ cho những khu vực khác nhau trong bộ não) thì vùng ánh sáng thay đổi màu sắc theo. Phe duy tâm thì cho rằng vùng ánh sáng là chính và tác động vào đèn hay tâm tác động vào bộ não. Phe duy vật cho tất cả các ý tưởng, cảm xúc, tâm tư chỉ là những bóng dáng từ bộ não chiếu ra.

Phật giáo nhấn mạnh đến tính cách trung đạo. Tâm và Thân cùng biểu lộ một lúc qua cái thấy nghe. Các căn như mắt tai, hệ thần kinh hay ý căn là nền tảng vật chất của sự thấy nghe còn Tâm là sự biểu lộ cái thấy nghe đó trong trạng thái phi vật chất và hai bên liên hệ nhau mật thiết. Khi trở về với Tâm chân thật thì sự biểu lộ đó rất rõ ràng, trong sáng, chân thật, không dính mắc nên đời sống chúng ta trở nên bén nhạy, uyển chuyển, linh động và hạnh phúc rất nhiều. Thiền Sư Lâm Tế trình bày sự liên hệ giữa Tâm và Vật mật thiết đó như sau:

"Ví nói đến chỗ thấy của sãi núi tôi, thì không gì chẳng sâu thẳm, không gì chẳng giải thoát. Quí ông cầu chân lý! Tâm pháp không hình tướng, xâu suốt hết mưới phương:

Tại mắt gọi là thấy,

Tại tai gọi là nghe,

Tại mũi ngửi mùi,

Tại miệng bàn nói,

Tại tay nắm giữ,

Tại chân đi đứng,

Gốc là một tinh minh chia thành sáu phần hòa hiệp. Một Tâm đã là không nên tùy chỗ mà giải thoát. Được như vậy là chốn chốn chẳng trệ, xâu suốt mười phương, ba cõi tự tại, vào tất cả cảnh giới sai biệt; trong khoảng búng tay, vào suốt pháp giới, gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La Hán nói La Hán, gặp ngạ quỉ nói ngạ quỉ, dạo khắp quốc độ, giáo hóa chúng sanh mà không hề lìa một niệm.

Nếu có người đứng bên hỏi ta về việc cầu Phật, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới thanh tịnh.

Ví hỏi ta về Bồ Tát, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới từ bi.

Ví hỏi ta về Bồ Đề, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới tịnh diệu.

Nếu hỏi ta về Niết Bàn, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới tịch tĩnh.

Cảnh thì sai khác muôn vàn, người thì chẳng khác; đó là tùy theo ngoại vật mà ứng hiện hình tướng, như trăng trong lòng nước." [5]

Người 'chẳng khác' nói trên là Tâm chân thật vốn không hình tướng, tùy duyên mà biểu lộ qua sáu căn thành cái thấy, cái nghe, lời nói, hoạt động hay suy nghĩ nơi thân thể hay tướng. Thông thường, khi Tâm có nhiều ý tưởng hay khi Tâm dính mắc vào những tâm tư vui buồn thì Tâm ở một nơi mà Thân ở một nẽo. Khi thực hành sự chú tâm thoải mái nơi hơi thở vào, hơi thở ra, bước chân đi, hay khi tập Khí Công Tâm Pháp, điều hòa hơi thở với các động tác tập với sự chú tâm thoải mái thì trạng thái buông thư xuất hiện. Tâm trở về với cái rỗng lặng, rộng lớn, yên tĩnh nhưng vẫn thấy, biết, nghe, nói, phản ứng rất tỉnh thức, bén nhạy, trong sáng và an lạc. Đó là trạng thái Thân và Tâm là một hay Thân Tâm Nhất Như.

Thân Tâm Nhất Nhưlà trạng thái hòa hợp lý tưởng giữa Thân và Tâm của người tu Thiền, Tịnh Độ hay Mật Tông. Lúc đó Thân và Tâm 'là một' trong hai sự biểu lộ khác nhau: (1) Tâm rộng lớn bao la, vắng lặng, trong sáng nhưng thông minh, bén nhạy, tỉnh thức, đầy sáng tạo, thấy biết chân thật, rõ ràng mọi thứ và (2) Thân thì hoạt động hữu hiệu, làm việc rất thoải mái, chính xác một cách tự nhiên, cử động nhẹ nhàng, chậm rãi như người trà chủ cầm môi bằng tre múc nước nóng và chế nước vào tách trong Trà Đạo hay phản ứng rút gươm chớp nhoáng đánh bại địch thủ khi bị tấn công trong Kiếm Đạo. Tất cả mọi hoạt động xảy ra trong 'Vô Tâm' hay 'Vô Niệm' hay 'Tâm Vô Trụ Xứ' (xin xem chi tiết trong quyển Những Nét Văn Hóa Của Đạo Phật, Phụng Sơn).




[1]Working with Emtional Intelligence, Daniel Goleman, sách đã viện dẫn.

[2]Royal Economic Society Annual Conference, Nottingham, U.K., tháng 3, 2005, Universityof Warwick

[3]Royal Economic Society Annual Conference, Nottingham, U.K., tháng 3, 2005, Universityof Warwick, sách đã dẫn.

[4]Thiền Sư Thần Hội, HT Thích Thanh Từ dịch và giảng,, ấn bản tại Hoa Kỳ, tháng 10 năm 2002

[5]Trúc Thiên dịch, Thiền Luận, ấn bản phát hành tại Hoa Kỳ, tr. 573.


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]