Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương II - Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, CÔNG DỤNG VÀ NỀN TẢNG KHÍ CÔNG TÂM PHÁP

24/04/201314:08(Xem: 4372)
Chương II - Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, CÔNG DỤNG VÀ NỀN TẢNG KHÍ CÔNG TÂM PHÁP

Chương II

Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, CÔNG DỤNG
VÀ NỀN TẢNG KHÍ CÔNG TÂM PHÁP

Chúng ta đã biết rất rõ ràng về sự ích lợi của Thiền qua rất nhiều cuộc nghiên cứu y khoa. Khí Công Tâm Pháp là Thiền hoạt động phối hợp với Thiền tĩnh lặng để đem lại kết quả tốt đẹp tối đa cho người tập luyện về phương diện phát triển sức khỏe và niềm hạnh phúc trong đời sống. Khi tập Khí Công Tâm Pháp, chúng ta cần hiểu rõ về ý nghĩa của sự tập luyện này cùng những kết quả thật sự có được khi chúng ta thực hành chương trình tập luyện thường xuyên.

1. Ý Nghĩa Khí Công Tâm Pháp

Khílà năng lượng và chân khílà năng lượng tốt lành trong cơ thể. Chân khí có ba loại:

1.Chân khí hay năng lượng tốt lành do di truyềntừ cha mẹ, cha mẹ khỏe mạnh thì con cái được phần khỏe mạnh.

2.Chân khí hay năng lượng tốt lành từ thực phẩm và nước uống do sự tiêu hóacủa cơ thể tạo ra. Ngoài ra dưỡng khí hay khí oxy khi thở vào cũng là thành phần quan trọng tạo ra chân khí.

3.Chân khí còn là năng lượng tâm linh, nguồn năng lượng của niềm hạnh phúc bao la kỳ diệu biểu lộ cùng lúc nơi bộ não và nơi tâm. Khác với hai nguồn năng lượng trên, nguồn năng lượng tâm linh này có sẵn đầy đủ nơi mỗi người, chỉ cần thực hành sự buông xả là niềm an vui bừng dậy.

Như thế, chân khí có hai loại có cơ sở thể chất đó là chân khí do di truyền mà Đông Y gọi là Khí Tiên Thiênvà chân khí do thức ăn, nước uống và dưỡng khí tạo ra gọi là Khí Hậu Thiên. Loại thứ ba vừa có cơ sở thể chất là nơi bộ não và cơ sở tâm lý là nơi tâm gọi là nguồn năng lượng của niềm hạnh phúc kỳ diệu. Ba nguồn chân khí nói trên sung mãn thì đời sống con người khỏe mạnh an vui, nếu yếu kém thì bị bệnh tật và khổ đau.

Theo Đông Y, Khí Tiên Thiên hay chân khí do di truyền mà có, và Khí Hậu Thiên do dinh dưỡng và dưỡng khí tạo ra được tích tụ nơi vùng đan điền. Do đó, khi tập thở đan điền và tập các thế vận chân khí đến lục phủ và ngũ tạng thì giúp bồi bổ và phát triển cả hai loại chân khí nói trên trong thân thể. Còn các bác sĩ Tây Y thì nhấn mạnh đến sự cần thiết thực hành thở đan điền mà họ gọi là thở bụng hay thở hoành cách mô đưa đến kết quả làm cho thần kinh êm dịu, hệ đối giao cảm gia tăng hoạt động đưa đến sự thư giãn thân và tâm rất tốt cho sự giải trừ rất nhiều bệnh tật.

Cônglà phương pháp tập luyện vừa thân thể vừa tinh thần hay công phu. Tâmlà tánh thấy biết và Pháplà sự chân thật. Tâm Pháplà tánh thấy biết chân thật, rỗng lặ�ng, rộng lớn, vô lượng vô biên, an vui kỳ diệu. Như vậy, Khí Công Tâm Pháplà phương pháp tập luyện về thể chất lẫn tinh thần để phát triển sức khỏe và sống với tâm chân thật an vui kỳ diệu. Khí Công Tâm Pháp là phương pháp tập luyện để phát triển ba nguồn năng lượng nói trên.

2. Ba Thành Phần Tập Luyện

Khí Công Tâm Pháp phối hợp Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động gồm có ba thành phần: Khí Công Thiếu Lâm, Yoga và Dưỡng Sinh Tâm Pháp, phối hợp cách thở, các động tác, cách vận chân khí đến 12 bộ phận trong người, 70 động tác Yoga căn bản phát triển sức mạnh của gân, bắp thịt và xương, và 8 thế Dưỡng Sinh Tâm Pháp có những lợi ích riêng biệt cùng tạo nên trạng thái buông thư khi vận động, đưa đến sự tiếp xúc với niềm hạnh phúc kỳ diệu nơi Thân và Tâm. Khí Công Tâm Pháp không chỉ là những cách thức tập luyện mà là một lối sống lành mạnh bao gồm tập luyện mỗi ngày, dinh dưỡng tốt đẹp, có đời sống lành mạnh an vui qua Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động. Đây là sự thực hành rất rõ ràng, cụ thể phản ảnh những cuộc nghiên cứu mới nhất của hai ngành Tây Y và Đông Y về các phương diện vận động, dinh dưỡng, sống đời lành mạnh, thành công và hạnh phúc.

Tây Y không nói đến chân khí mà chỉ nói đến năng lượng từ thực phẩm và dưỡng khí, các yếu tố tốt hay xấu do di truyền (từ ông bà, cha mẹ) và chú trọng đến sự chữa trị bệnh tật bằng thuốc men, giải phẫu� hay các phương thức phòng ngừa bệnh tật. Ngoài ra, nhiều bác sĩ khuyến khích vận động hay tập luyện thể thao, Taichi (một loại khí công nhẹ), khí công. Thiền tĩnh lặng hay hoạt động làm giảm sự căng thẳng (stress, là đầu mối của rất nhiều bệnh tật), dinh dưỡng tốt và thực hành buông thư đóng góp rất nhiều cho sự phát triển sức khỏe, gia tăng tuổi thọ và sống đời hạnh phúc. Tây Y hiện nay không chỉ chú tâm đến gốc rễ của bệnh tật có tính cách vật lý hay cơ giới (bệnh tật phát sinh do vi khuẩn, sự yếu kém các bộ phận trong cơ thể, do sự mất quân bình về huyết áp, số lượng� cholesterol, trạng thái và sức khỏe tim mạch thuộc hệ tuần hoàn cũ�ng như các hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ miễn nhiễm, v.v mà còn chú trọng rất nhiều đến sức khoẻ tâm thần. Nhiều cuộc nghiên cứu y khoa cho thấy có đến 70% các bệnh tật nơi thân thể là do tâm sinh, mà đa số do sự căng thẳng trong đời sống tạo ra. Do đó, nếu thực hành các phương pháp giảm sự căng thẳng thì giảm được rất nhiều bệnh tật.

Tất cả mọi thứ có mặt là do nhiều yếu tố khác nhau kết hợp lại mà thành như sức khoẻ mỗi người là do nhiều thứ� kết hợp: yếu tố di truyền, cách ăn uống, lối sống cá nhân, sự tập luyện hàng ngày, đời sống tâm linh và môi trường sinh sống. Nói khác đi, ba nguồn năng lượng di truyền, dinh dưỡng và dưỡng khí cùng tâm linh tốt thì sức khỏe tốt, nếu xấu thì sức khỏe yếu kém. Đó không phải là một định mệnh do Trời hay Thượng Đế bắt chúng ta phải gánh chịu hoặc nghiệp báo chúng ta không thể thoát khỏi. Chúng ta có thể làm cho ba nguồn năng lượng nói trên tốt đẹp hơn thì sức khỏe sẽ phát triển. Nếu chúng ta tiêu cực, viện cớ là bị trời phạt hay nghiệp báo mà không thay đổi cách sống tốt đẹp hơn như bỏ rượu, thuốc lá, cờ bạc, ăn quá nhiều thịt và chất béo, ít vận động, thì chúng ta lại đóng góp thêm một yếu tố� xấu vào bệnh tật.

Ngoài ra, nhu cầu cần thiết của con người ở mọi nơi mọi thời đại là sống đời an vui hạnh phúc. Thực hành Thiền hay là sống với tâm rỗng lặng, trong sáng, tỉnh thức, bén nhạy, thông minh, thấy biết chân thật trong các hoạt động thường ngày (Thiền hoạt động) hay khi ngồi yên và chú tâm thoải mái vào hơi thở (Thiền tĩnh lặng) thì niềm an vui kỳ diệu bừng dậy. Hiện nay nhiều nhà tâm lý trị liệu và thần kinh học đang nghiên cứu về Thiền và niềm hạnh phúc. Chính ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng hợp tác với nhiều giáo sư và chuyên viên tâm thần học trong hơn hai thập niên qua trong chương trình khảo cứu tìm ra phương thức thực hành cụ thể cùng các kết quả tốt đẹp mà khoa học có thể kiểm chứng được. Trước đây người ta chỉ nói đến tính cách thực nghiệm của khoa học, nhưng trong thế kỷ 21 này, chúng ta lại đang chứng kiến tính cách thực nghiệm của tôn giáo hay đời sống tâm linh càng lúc càng gia tăng. Khi nói đến thực nghiệm tức là nói đến tính cách nhân (cause) và quả (effect) có thể quan sát, thí nghiệm và đo lường được mà khoa học cho đó là những điều kiện cần thiết phải có. Chính trong chiều hướng đó mà có cuộc hội luận Nghiên Cứu Về Tâm, năm 2005: Khoa Học Và Ứng Dụng Chữa Trị Của Thiền vào ngày 8, 9, 10 tháng 11, năm 2005 (Investigating the Mind 2005, The Science and Clinical Applications of Meditation) tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, với sự tham dự của các chuyên viên� thượng thặng trong ngành này qua 5 đề tài chính yếu mà ngài Đạt Lai Lạt Ma đã tham dự thảo luận trong cả 5 buổi, liên hệ đến thực hành Thiền và các lợi ích cụ thể của Thiền về thể chất lẫn tinh thần.

Sự gặp gỡ giữa các nhà khoa học và tôn giáo này là kết quả nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học cùng sự tự nguyện để làm đối tượng quan sát và thử nghiệm của các thiền sư� cùng những người tu thiền thuộc nhiều tông phái để tìm ra sự ích lợi có thật dưới sự quan sát 'sắc bén' của con mắt khoa học, không bỏ sót một góc cạnh nào trong cuộc nghiên cứu, để tìm ra những nguyên nhân (nhân) và hậu quả (quả) rõ ràng, cụ thể và có thể thực nghiệm (lập đi lập lại và đạt được kết quả như nhau trong điều kiện như nhau) để ứng dụng trong đời sống thường ngày hầu đạt được sự khỏe mạnh và hạnh phúc. Cuộc hội luận trên là một tin mừng cho nhân loại.

Trong cuốn sách nhỏ này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về một số các cuộc nghiên cứu khoa học liên quan đến sức khỏe, tập luyện, Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động cùng cách tập luyện căn bản của Khí Công Tâm Pháp gồm Khí Công Thiếu Lâm, Yoga và Dưỡng Sinh Tâm Pháp trên nền tảng của khoa học hiện nay, cùng những lợi ích và sự cần thiết phát triển sức khỏe và niềm an vui tinh thần trong đời sống hàng này. Phương pháp tập luyện này rất rõ ràng, cụ thể, khoa học và hiệu quả mà bất cứ người theo tôn giáo nào (hoặc không theo tôn giáo nào) khi tập luyện đúng cách đều thấy có kết quả tốt đẹp. Đó là định luật nhân quả tự nhiên: Nhân lành thì quả tốt. Người tập Khí Công Tâm Pháp không những phát triển sức khỏe về thân mà còn gia tăng sự thông minh về trí não và về cảm xúc.

3. Tự Tri Và Thông Minh Cảm Xúc

Thực hành Thiền, ngoài sự phát triển sức khỏe và trí tuệ, còn giúp chúng ta phát triển thông minh cảm xúc (emotional intelligence). Thông thường khi nói đến sự thông minh chúng ta đều nghĩ đến sự thông minh của trí óc. Một người có nhiều khả năng quan sát, ghi nhớ, phân tích các dữ kiện một cách khách quan và đưa đến các kết luận rõ ràng là một người thông minh. Tuy nhiên, có những trường hợp cho chúng ta thấy sự thông minh còn liên hệ đến một khía cạnh quan trọng khác của đời sống, đó là sự thông minh cảm xúc. Thực hành sự tự thấy biết chính mình một cách rõ ràng chân thật là mở rộng phạm vi thông minh của mình và thấy biết rõ ràng về những cảm xúc chính mình là rọi ánh sáng của sự thông minh hiểu biết đó vào tận cội nguồn sâu kín của tâm thức, từ đó một nguồn năng lượng bị đè nén có cơ hội trào dâng và nở hoa.

Bác sĩ Antonio Damasio, chuyên gia thần kinh tại viện đại học University of Iowa, có chữa trị cho một luật sư rất giỏi. Mấy năm trước đây luật sư này bị một bướu ung thư nhỏ nơi não thuộc vùng thùy trán trước. Bác sĩ giải phẫu cắt cục bướu này thành công, nhưng không may lại cắt đứt các sợi thần kinh nối liền từ thùy trán trước đến vùng hạch hạnh nhân (amygdala) nằm phía trong bộ não. Tuy vẫn có đầy đủ sức khỏe, nhưng anh ta không đủ khả năng làm việc, nên bị mất việc làm, bị vợ bỏ, bị mất nhà.[1]

Bác sĩ đọc kết quả của những thử nghiệm về thần kinh tâm lý thì thấy tất cả đều bình thường nên không biết bệnh anh phát xuất từ đâu. Một hôm tình cờ ông ta khám phá được khi hỏi bệnh nhân một câu rất giản dị là anh ta muốn lấy hẹn lần khám bệnh kế tiếp vào lúc nào. Người luật sư này dưa ra một danh sách về giờ hẹn kỳ tới trong vòng hai tuần lễ, những cái thuận tiện và không thuận tiện của mỗi giờ hẹn nhưng anh ta lại không biết được giờ hẹn nào là tốt nhất nên không thể quyết định được nên chọn ngày giờ nào! Bác sĩ Damasio hiểu ra được là người bệnh không có cảm giác (feeling) gì về các ý tưởng anh trình bày nên anh không có khả năng lựa chọn.

Bác sĩ Damasio cũng có những bệnh nhân khác giống như trường hợp này. Họ là những người bị chứng khiếm khuyết vùng trán (prefontal deficit), mặt dù họ phân biệt được rất rõ ràng cái đúng và sai giữa hai sự lựa chọn nhưng họ lại có những quyết định sai lầm tai hại về nghề nghiệp, tài chánh, gia đình, tình cảm, tiêu pha cũng như� những công việc khác, làm cho những người chung quanh tức giận. Lý do giản dị là những người này, như bệnh nhân luật sư nói trên, không có khả năng cảm nhận những ý tưởng của mình. Ý tưởng không phải chỉ xuất hiện đơn thuần mà luôn luôn kèm theo một dòng cảm xúc phát xuất từ những kinh nghiệm chúng ta có trước đây về những điều đúng hay sai, từ đó can dự hay đưa đến việc chọn lựa một quyết định nào đó giữa nhiều sự lựa chọn khác nhau. Chính cái cảm nhận đúng hay sai đó đưa đến một quyết định chọn cái này hay cái kia. Nếu cảm nhận này không có thì chúng ta sẽ không còn khả năng quyết định, hoặc là nếu phải quyết định thì lại chọn lựa sai lầm, đưa đến nhiều kết quả tai hại. Nói khác đi, ý tưởng và cảm xúc luôn luôn có mặt cùng lúc, không bao giờ có một cái gọi là ý tưởng thuần túy không có cảm xúc.

Những điều nói trên liên hệ đến đề tài về sự thông minh cảm xúcđược đề cập đến rất nhiều trong thập niên qua. Trước đây người ta chỉ chú trọng đến sự thông minh trí óc và cho rằng người nào có chỉ số thông minh (IQ hay Intelligent Quotient) cao thì thông minh nhiều hơn và có cơ hội thành công hơn. Trường học và cha mẹ học sinh rất quan tâm đến chỉ số thông minh của con cái mình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã trình bày có một sự thông minh khác rất quan trọng không kém đó là thông minh về cảm xúc. Loại thông minh này nếu phát triển sẽ giúp cho người ta trưởng thành, phát triển và thành công lớn lao trong nhiều lãnh vực sinh hoạt.

Tiến sĩ Daniel Goleman, chuyên gia tâm lý đã viết nhiều sách về sự thông minh cảm xúc, là người sáng lập tổ chức Dịch Vụ Thông Minh Cảm Xúc, và là giáo sư tại đại học Harvard ở Boston, tiểu bang Massachussetts, ông khích lệ sự giảng dạy về sự thông minh cảm xúc này cho học sinh, sinh viên và những người đang đi làm, nhất là những người có chức vụ cao trong xí nghiệp để họ hiểu biết rõ về mình và người, nên dễ dàng thanh công hơn. Ông ta viện dẫn một cuộc nghiên cứu tại công ty điện thoại lớn tại Hoa Kỳ, phòng thí nghiệm của công ty AT&T ở vùng New Jersey, là đầu não nghiên cứu của công ty này, có rất nhiều kỹ sư rất thành công ở trường học và chỉ số thông minh IQ rất cao. Trong cuộc nghiên cứu này người ta đề nghị các người quản trị và nhân viên nêu ra tên của 10 đến 15 phần trăm những người được xem là đặ�c biệt nhất, những ngôi sao sáng trong sở làm. Sau khi họ duyệt lại các hồ sơ cá nhân, quan sát cách làm việc và phỏng vấn các người được xem là rất giỏi này, họ có nhận định như sau.

  • Họ đã xây dựng nên một hệ thống thân hữu để được giúp đỡ khi cần đến như họ gọi ai thì được trả lời, giúp đỡ, họ gởi điện thư email hỏi điều gì thì có hồi báo trả lời.

  • Họ là những người hợp tác rất tốt đẹp với kẻ khác vì họ là những người hiểu biết, tế nhị, hòa đồng, có sức hấp dẫn và đằm tính, không bị sự thăng trần của xúc cảm lôi cuốn. [2]

Chúng ta sẽ tìm hiểu cách làm sao để gia tăng sự thông minh cảm xúc và những vùng nào trong bộ não liên hệ đến vấn đề này nhiều hơn trong phần nói về hệ thống thần kinh. Nơi đây chúng ta nói về kết quả tốt đẹp của người có sự thông minh mà tiến sĩ Daniel Goleman trình bày trong tác phẩm nói về tính chất, sự xây dựng và kết quả ứng dụng của thông minh cảm xúc (Working with Emotional Intelligence), cụ thể trong nhiều lãnh vực sinh hoạt. Từ đó người học hỏi và thực hành gia tăng khả năng điều hòa thân tâm mình hay tự quản (self management) trong 5 lãnh vực Tự tri, Tự Quản, Động Viên, Cảm Thông và Khả Năng Tương Quan Tốt Đẹp. [3]

Khí Công Tâm Pháp, ngoài việc giúp cho phát triển sức khỏe, còn chú trọng rất nhiều đến thông minh cảm xúc và thực hành biết rõ hay tự tri về cử động và cảm giác nơi Thân cùng cảm nhận những các giác an lành nơi Tâm. Sự tập luyện không chỉ giới hạn trong một hay hai giờ tập mà còn kéo dài suốt trong ngày và cả khi buồn ngủ và lúc ngủ. Mức độ thông minh cảm xúc nhờ đó gia tăng và giúp cho người tập hiểu rõ về khả năng, cảm xúc của mình và của người khác để phát triển mối tương quan xã hội tốt đẹp, nhờ đó mà gia tăng sự thành công trong công ăn việc làm cùng với hạnh phúc gia đình phát triển.

4. Mục Đích, Công Dụng Khí Công Tâm Pháp

Khi tập Khí Công Tâm Pháp, chúng ta phối hợp Thiền Tĩnh Lặng với Thiền Hoạt Động; ngay cả khi hoạt dộng, chúng ta vẫn chú ý đến hơi thở và sự buông thư. Vào thế kỷ thứ 21, Viện Y Khoa Thân Tâm, (Mind & Body Medical Institute) do bác sĩ Herbert Benson điều hành với nhiều chuyên viên đóng góp vào chương trình cung cấp các dịch vụ chữa trị bệnh tật và phát triển sức khỏe cùng sự thành công trong việc làm và học hành qua qua sự tác động tích cực của sự thực hành tâm buông xả và thân thư giản hay sự buông thư mà ông gọi là the Relaxation Response. Sự thực hành này đã được nhiều tôn giáo hướng dẫn, riêng về Phật giáo, ba tông phái chính là Tịnh Độ, Thiền và Mật Tông đều có những phương pháp hướng dẫn chi tiết để đưa đến trạng thái buông thư hay buông xả tâm, thư giãn thân. Trong nhiều cuộc khảo cứu do bác sĩ Richard Friedman, giám đốc khảo cứu của Viện Y Khoa Thân Tâm, đã đóng góp một phần quan trọng và phối hợp với các chuyên viên trong nhiều lãnh vực chuyên môn liên hệ. Họ thấy rõ sự� ích lợi lâu dài của thực hành buông thư hay buông xả Tâm, thư giãn Thân mà chúng ta có thể chia thành tám lãnh vực như sau. [4]

1.Bệnh Tim Mạch

  • Bệnh huyết áp cao (high blood pressure): Giảm huyết áp xuống rất đáng kể, bớt hay không dùng thuốc trong ba năm.

  • Bệnh tim đập loạn nhịp (cardiac arrhythmia): Giảm bớt số lần bị.

  • Những bệnh nhân bị mổ tim bị ít chứng tim đập loạn nhịp sau khi mổ hoặc giảm bớt chứng lo âu (anxiety), đó là chứng lo lắng, sợ hãi ở nhiều cấp độ khác nhau.

2.Các Bệnh Làm Đau Nhức

  • Những người bị đau nhức kinh niên thấy bớt đau nhức, hoạt động nhiều hơn, giảm bớt các chứng bệnh tâm thần như lo âu, trầm cảm, giận dữ.

  • Những bệnh nhân đau đầu nhiều loại khác nhau thấy giảm bớt.

3.Bệnh Tâm Thần

  • Những người bị chứng khó ngủ lành bệnh và ngủ bình thường.

  • Những người bị chứng lo âu, trầm cảm, tức giận giảm bớt.

4.Bệnh Ung Thư: Giảm bớt hội chứng và phát triển khả năng kiểm soát nôn mửa.

5.Bệnh Aids: Giảm bớt hội chứng và gia tăng khả năng kiềm soát nôn mửa.

6.Người Đi LàmViệc: Bớt lo âu, trầm cảm hay giận dữ.

7.Sinh Viên: Gia tăng niềm tự quý trọng (self esteem).

8.Những Chứng Liên Hệ Đến Nữ Giới

  • 36% phụ nữ bi chứng hiếm muộn không rõ nguyên do có con sáu tháng sau khi thực hành chương trình hướng dẫn gồm có vận động, dinh dưỡng, giảm trừ căng thẳng.

  • Những phụ nữ bị hội chứng hậu mãn kinh giảm trên 50%.

5. Những Lợi Ích Khác Khi Thực Hành Thiền Buông Thư

Ngoài ra, vào năm 2005, Bà Claudia Wallis� tổng hợp các trường hợp thực hành buông thư qua cách thở đan điền (hay thở bụng) giúp cho các bệnh nhân bớt bị đau nhức mà chúng ta có thể tóm lại như sau. [5]

#

Nếu có chứng bệnh

Nên thực hành

1

Chứng đau đầu bắ�t nguồn từ căng thẳng hay stress, chất caffeine, rượu, ánh sáng chói, bụi bặm trong không khí.

Thiền, buông thư, quán tưởng, biofeedback.

2

Viêm khớp xương vùng đầu gối (bệnh

hư xương khớp, Ostheoarthritis) là bệnh sụn khớp tạo ra cơn đau và làm cho sự đi đứng khó khăn.

Thiền, buông thư.

3

Bị thương tổn bắp thịt hay khớp nơi vùng vai.

Tập buông thư.

4

Đau lưng.

Tâp buông thư.

5

Bệnh dây thần kinh (neuropathy), đau nơi vùng thắt lưng, nơi dây thần kinh bị tổn hại, làm cho dây thần kinh ngoại biên bị yếu đi và tê như trường hợp bệnh tiểu đường, ung thư, viêm herpes hay AIDS.

Thực hành buông thư để giảm đau.

6

Bệnh đau giữa đùi phía trên (fibromyalgia) do chứng rối loạn xương và bắp thịt gây ra.

Tập các thứ làm gia tăng sự mềm dẻo của bắp thịt như Yoga.

Bảng 1 (2-1) Chứng Bệnh Và Thực Hành

6. Chất Ốcxít Nitric Xuất Hiện Khi Buông Thư

Ngoài ra, khi thực hành buông thư thì một chất hóa học đặc biệt xuất hiện trong cơ thể, đó là chất ốcxít nitric. Bác sĩ Herbert Benson nhấn mạnh đến tính cách tích cực, tốt đẹp và kỳ diệu mà chất ốcxít nitric tạo ra: Điều quan trọng nhất của chất này là những hoạt động của nó trong bộ não và trong thân người. Đây là một phân tử nhỏ nên không bị giới hạn bởi các định luật chi phối các phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người. Đây là những đám hơi li ti chạy khắp thân thể và trong hệ thần kinh trung ương hay bộ não, và giữa hai đầu mút sợi thần kinh của tế bào thần kinh, những tín hiệu hay tin tức truyền đi có thể được chuyển qua chuyển lại nhiều lần trong những đám hơi li ti đó. Chất ốcxít nitric xuất hiện khi chúng ta thực hành buông thư. Bác sĩ Benson đã viện dẫn kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về những� lợi ích của ốcxít nitric trong một phạm vi rộng lớn liên quan đến sức khỏe của chúng ta có thể tóm lại như sau. [6]

  • Làm gia tăng trí nhớ và học hỏi khi đóng vai của một chất dẫn truyền thần kinh trong bộ não, nơi liên hợp thần kinh (hai đầu mút của sợi thần kinh). Oxít nitric có khả năng �điều chỉnh truyền thông� giúp cho các thần kinh dẫn truyền có nhiệm vụ chuyển đạt các tin tức trong bộ não làm việc hữu hiệu hơn.

  • Làm gia tăng sự sản xuất các chất đôpamin (dopamine) và enđọtphin (endorphins) là những chất thần kinh dẫn truyền đưa đến cảm giác mạnh khỏe và an lạc nơi chúng ta. Hai chất này cũng có thể có vai trò trong việc xuất hiện của các cảm giác cực điểm nơi thân thể như sự an lạc cao độ của người chạy bộ đường trường hay cảm giác thân tâm nhất như hay �vào vùng kỳ diệu� (in the zone) của các lực sĩ khi tranh tài. (Trong trạng thái vào vùng kỳ diệu đó người lực sĩ thấy cái tôi tan biến hay vô ngã, cử động chân tay rất nhẹ nhàng, linh hoạt, chính xác, tự nhiên, thoải mái cùng với niềm an vui rộng lớn.)

  • Điều hòa máu huyết chạy đến mọi nơi trong cơ thể.

  • Gia tăng hiệu quả trị liệu pháp thay thế khích thích tố estrogen (estrogen replacement therapy) làm giảm bệnh u uất nơi người mãn kinh nguyệt.

  • Chữa trị chứng não bộ thiếu dưỡng khí hay oxy do hậu quả của tai biến não.

  • Làm cho các mạch máu giãn lớn ra để máu chạy nhiều hơn về tim, rất quan trọng cho những bệnh nhân tim mạch sau khi thay động mạch vành tim.

  • Chống lại sự nhiễm trùng.

  • Giải trừ chứng bất lực.

  • Gia tăng khả năng của hệ thống miễn nhiễm.

  • Đưa đến sự thư giãn và tạo duyên cho sự chữa lành bệnh tật qua sự cầu nguyện.

7. Nền Tảng Khí Công Tâm Pháp

Khí Công Tâm Pháp là phương pháp vận động cơ thể cùng lúc chú trọng đến sự buông thư mà chúng ta thấy cuộc nghiên cứu cho biết có những kết quả tốt đẹp như� đã được Tây Y trình bày, cùng phối hợp với sự hiểu biết về sự vận hành chân khí hay năng lượng trong cơ thể qua các đường kinh lạc tạo ra sự quân bình chân khí đưa đến sự phát triển sức khỏe của Đông Y. Ngoài ra, Khí Công Tâm Pháp là sự phối hợp giữa Thiền hoạt động và Thiề�n tĩnh lặng, phối hợp sự thực hành buông thư� với những kết quả cụ thể nói trên. Được vậy là nhờ (1) sự ứng dụng tinh yếu thực hành buông thư của ba tông phái Thiền, Tịnh Độ và Mật Tông, (2) cùng với các thế tập luyện của Khí Công Thiếu Lâm chuyển năng lượng đến 12 bộ phận trong cơ thể qua các đường kinh lạc để phát triển sức khỏe tối đa của mỗi người, (3) Yoga làm gia tăng sức mạnh của bắp thịt và gân cốt, và (4) Dưỡng Sinh Tâm Pháp tạo nên sự quân bình toàn diện thân tâm cùng cơ hội đi vào trạng thái an vui kỳ diệu nhất của con người mà Mật Tông gọi là Đại Lạc, Tịnh Độ gọi là Cực Lạc và Thiền Tông gọi là Hỷ Lạc. Điều đặc biệt hơn nữa, niềm an vui kỳ diệu này xuất hiện trong khi tập luyện, phối hợp giữa tĩnh (buông thư) và động (vận động). Niềm an vui kỳ diệu này kéo dài sau khi tập và cũng có thể được mời gọi trở về bất cứ lúc nào chúng ta muốn như khi lái xe, làm việc, ăn cơm, xem tivi, chuyện trò hay tập thể thao. Nói tóm lại, sau khi đã thực hành thành công và quen dần với trạng thái an vui, sung sướng mà Đức Phật gọi là hỷ lạc (hỷ là niềm vui tâm linh, lạc là sự sung sướng nơi cơ thể, hay cụ thể hơn là nơi bộ não) chúng ta có thể làm cho trạng thái hỷ lạc này xuất hiện lâu dài và bền vững hơn.

Như thế, Khí Công Tâm Pháp không phải chỉ là một cách tập luyện mà là một lối sống lành mạnh an vui qua sự thực hành buông thư, chú tâm thoải mái vào cảm xúc nơi thân và nơi tâm, tập luyện hàng ngày cùng với dinh dưỡng [7]tốt đẹp để có được những kết quả cụ thể.

Phát triển sức khỏe

Chân khí gia tăng

Chóng lành bệnh tật.

Thấy biết trong sáng

Thân tâm vững vàng.

Gia đình hạnh phúc

Học hành thông minh

Làm việc giỏi dắn.

Thành công trong đời

Cùng sống an vui kỳ diệu.




[1]Bad Decisions: Gretchen Vogel, �Scientists Probe Feeling Behind Decision Making�, Science, February 28, 1997.

[2]Emotional Intelligence

[3]Working with Emotional Intelligence, Daniel Goleman, Batam Book, 1998, USA

[4]Herbert Benson, MD with Marg Stark, Timeless Healing, Scribner, New York, 1996, trang 146 và kế� tiếp

[5]Newsweek ngày 28 tháng 2 năm 2005

[6]Herbert Benson and William Proctor, The Breakout Principle, New York, Scribner, 2003, trang 49-51

[7]Được trình bày chi tiết trong cuốn Khí Công Tâm Pháp, Làng Tâm Linh Trúc Vàng xuất bản


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]