Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thà Như Giọt Mưa

10/12/201922:50(Xem: 5725)
Thà Như Giọt Mưa
                            
troimuavathu_1
                              THÀ NHƯ GIỌT MƯA                                                   
                                                                                          Thích Nữ Huệ Trân

“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá

Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá

Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá

Có còn hơn không,

Có còn hơn không …”

Đó là những câu mở đầu bài thơ của một người làm thơ như ăn cơm, làm thơ như uống nước, làm thơ như thiền hành, làm thơ như tĩnh tọa, làm thơ như say ngủ …. Làm thơ mà như chưa từng nghĩ là mình làm thơ, huống chi, nhọc nhằn khoác vào mình những hư danh nhân thế.

          Đó là người làm thơ, tên gọi Nguyễn Tất Nhiên. Tên như định mệnh. Tất Nhiên. Tất nhiên là thế. Tất nhiên như vậy. Nhưng “Là thế” là thế nào? “Như vậy” là ra sao?

          Có thắc mắc chăng là nhân thế. Nguyễn Tất Nhiên không thắc mắc. Bởi vì người đó làm gì có sát-na nào dành cho thắc mắc! Từng giây từng phút hiện hữu, người đó chỉ làm thơ và cõi thơ của người đó là hoa tâm mở rộng. Không nghi hoặc gì. Không oán than gì. Không giận hờn gì. Không chờ đợi cũng chẳng đòi hỏi gì. Đời cho. Ta cám ơn. Đời không cho. Ta cũng cám ơn.

          Như gió. Cũng ngọn gió đó, mùa hè được trân quý, mùa đông lại bị nguyền rủa, đuổi xua! Nhưng gió chỉ lặng thinh, vẫn đến và đi, trăm năm như thoáng chốc, thoáng chốc tựa trăm năm…

 

          Chiều nay, tâm bỗng quyện vào những giọt mưa từ cõi huyễn hoặc này. Những giọt mưa tưởng như chỉ mới rơi từ nhiều thập niên qua, nhưng tới nay mới nhận ra là mưa đã rơi từ vô lượng kiếp.

          Tại sao tới nay mới nhận thấy?

          Bao người đã từng hát những câu thơ này, như tôi, hát từ thuở thơ ngây, nhưng hát, như con chim ngứa cổ, ngẩng nhìn trời mây và cất tiếng, tuyệt nhiên chẳng cần biết cái ngôn ngữ được diễn đạt bằng âm thanh đó mang tâm ý gì.

          Thế nên, từ nhiều thập niên qua, cứ vô tâm hát mà không nhận ra bài pháp TỨ DIỆU ĐẾ” ở ngay trong những tiếng mưa rơi:

          “Người từ trăm năm, về như dao nhọn

          Người từ trăm năm, về như dao nhọn

          Dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm

          Dòng máu chưa kịp tràn

          Dòng máu chưa chảy đầm”    

          Đó là SỰ CÓ MẶT CỦA  KHỔ ĐAU. Vì thế mà ngọn Bát Phong dạt tới có làm tơi tả lá hoa thì cây vẫn cam chịu như những gì chẳng thể tránh! Bởi thế, tiếng mưa lại xôn xao nhắc nhở:

 

          “Người từ trăm năm, về khơi tình động

          Người từ trăm năm, về khơi tình động

          Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn hơi

          Nào có hay đời cạn,

          Nào có hay cạn đời”

          Đó là SỰ CÓ MẶT CỦA NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU.

 

          Mưa không ngừng rơi, không ngừng quán chiếu:

          “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá

          Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá

          Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá

          Có còn hơn không

          Có còn hơn không”

 

          Có gì?

          Có sự tỉnh thức để CHẤM DỨT SỰ KHỔ ĐAU. Muốn chấm dứt khổ đau phải nhìn ra huyễn giả:

          “Người từ trăm năm, về qua sông rộng

          Người từ trăm năm, về qua sông rộng

          Ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay

          Chỉ thấy sông lồng lộng,

          Chỉ thấy sông chập chùng

          Người từ trăm năm, về phai tóc nhuộm

          Người từ trăm năm, về phai tóc nhuộm

          Ta chạy mòn đời, ta chạy tàn hơi

          Quỵ té trên đường rồi,

          Sợi tóc vương chân người”

 

          Mây tan rồi mà mưa vẫn rơi. Vì mưa thương trần thế. Mưa nhỏ lệ từng giọt, dẫn CON ĐƯỜNG ĐI TỚI SỰ CHẤM DỨT KHỔ ĐAU.

          “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá

          Thà như giot mưa, khô trên tượng đá

          Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến

          Những giọt rưng rưng, ướt ngọn lông măng

          Khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn …”

 

          Trời ơi, bài thơ từ nhiều thập niên qua, bao người đã “hát cho vui”, sao giờ phút này, trong am thất tĩnh lặng, tôi lại nhìn ra hành trình Tứ Diệu Đế của tác giả?

          Thôi,

          Chẳng còn chi nghi hoặc nữa.

          Người chạm được vào Phật-tánh của chính mình mới có thể thoát tục giữa bủa vây phiền não mà cất lên tiếng thơ như thế!

          Người chạm được vào Phật-tánh của chính mình mới có thể lặng lẽ đến sân chùa, buông bỏ hệ lụy đời-thường mà thả hồn thơ vào hương đêm quyện tiếng chuông ngân!

         

          Không ai biết đã bao lần như thế, nhưng rồi, trong sân ngôi chùa đó, một khuya  cô tịch, không cả tiếng chuông ngân, chỉ với Đêm và Sao, người làm thơ mang tên Nguyễn Tất Nhiên đã an nhiên thị tịch, không ai biết, không ai hay, chỉ có Đêm, Trăng và Sao đưa tiễn!

 

          Một người Đến và Đi như thế, khi thốt lên: “Có còn hơn không” thì không phải cái Có, Không của cõi Ta-bà, mà cái Có đó phải là “Cái Có của núi Tu Di trong hạt cải, Cái Có của đại dương nằm trong vỏ ốc”

          Cái Có đã như thế thì cái Không phải là “tự tánh không của vạn pháp”. Tự tánh đó chính là “Không có, Không không, Không sanh, Không diệt, Không thành, Không hoại”

          Không một pháp nào từ KHÔNG thành CÓ.

          Không một pháp nào từ CÓ thành KHÔNG.

 

          Còn thấy Có, thấy Không là còn đang oằn vai ngũ trược, làm sao chiêm ngưỡng Tổ Đạt Ma cưỡi bè lau về Thiên Trúc, hay qua sông bằng chiếc dép cỏ mà lòng chẳng chút hoài nghi? 

                                                                                       

TN Huệ Trân

(Về một người làm thơ đã đi vào Cõi Thơ Bất Tận -

Một người viết nhạc đã đi vào Biển Nhạc Vô Biên)

 

Thơ Nguyễn Tất Nhiên

Nhạc Phạm Duy

 

            

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/09/2013(Xem: 8708)
Trong nhà thiền có hai câu được xem như châm ngôn của hành giả tu thiền, đó là “Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ”. Hai câu này là một hay khác? Nếu là một thì nói một câu đủ rồi, dùng chi tới hai câu.
10/09/2013(Xem: 7069)
Xưa nay Thiền pháp là mạch nguồn của Phật pháp. Thiền pháp đủ sức tháo gỡ mọi dính mắc tăm tối của con người. Hiện thực Thiền pháp tháo tung mọi dây mơ rễ má, các thứ buộc ràng từ lâu nay trong cuộc sống.
01/09/2013(Xem: 10222)
Hôm nay, tôi sẽ nói đề tài: "Chỗ gặp gỡ và chỗ không gặp gỡ giữa Thiền Tông và Tịnh Ðộ Tông". Phật giáo Việt Nam chúng ta có chia ra nhiều tông phái, nhưng xét kỹ thì có ba tông chính: Thiền Tông, Tịnh Ðộ Tông và Mật Tông
30/08/2013(Xem: 11624)
Tâm Tình Dẩn nhập Cuộc đời ngày càng phức tạp, học Phật cũng như thế. Người học Phật ngày nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, trăm hoa đua nở, tài liệu, kinh điển Phật Pháp, phương tiện thông tin đầy đủ và hữu hiệu, nên việc tìm hiểu, thực hành giáo Pháp, nếu muốn
31/07/2013(Xem: 7768)
Thiền không phải điều huyễn luận được sáng tạo từ ý thức, hoặc từ những quái thai biến chứng của tư tưởng bị dồn kín, đè nén trong những tra vấn cùng quẩn. Tất cả những vũ đoán về thiền là một cái gì đều hoàn toàn sai lầm lạc lối, nếu dùng trí thức hoặc ý niệm cố hữu để thẩm định, ắt hẳn lạc xa nghìn trùng. Thiền vốn khước từ tất cả, dù đó là hệ thống tư tưởng vĩ đại, được dàn dựng công phu hoặc dùng kiến thức đa năng soi chiếu vẫn là điều phủ quyết, chối bỏ mãnh liệt nơi thiền.
21/07/2013(Xem: 9578)
Video: Thiền Vipassana 9
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com