“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá
Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá
Có còn hơn không,
Có còn hơn không …”
Đó là những câu mở đầu bài thơ của một người làm thơ như ăn cơm, làm thơ như uống nước, làm thơ như thiền hành, làm thơ như tĩnh tọa, làm thơ như say ngủ …. Làm thơ mà như chưa từng nghĩ là mình làm thơ, huống chi, nhọc nhằn khoác vào mình những hư danh nhân thế.
Đó là người làm thơ, tên gọi Nguyễn Tất Nhiên. Tên như định mệnh. Tất Nhiên. Tất nhiên là thế. Tất nhiên như vậy. Nhưng “Là thế” là thế nào? “Như vậy” là ra sao?
Có thắc mắc chăng là nhân thế. Nguyễn Tất Nhiên không thắc mắc. Bởi vì người đó làm gì có sát-na nào dành cho thắc mắc! Từng giây từng phút hiện hữu, người đó chỉ làm thơ và cõi thơ của người đó là hoa tâm mở rộng. Không nghi hoặc gì. Không oán than gì. Không giận hờn gì. Không chờ đợi cũng chẳng đòi hỏi gì. Đời cho. Ta cám ơn. Đời không cho. Ta cũng cám ơn.
Như gió. Cũng ngọn gió đó, mùa hè được trân quý, mùa đông lại bị nguyền rủa, đuổi xua! Nhưng gió chỉ lặng thinh, vẫn đến và đi, trăm năm như thoáng chốc, thoáng chốc tựa trăm năm…
Chiều nay, tâm bỗng quyện vào những giọt mưa từ cõi huyễn hoặc này. Những giọt mưa tưởng như chỉ mới rơi từ nhiều thập niên qua, nhưng tới nay mới nhận ra là mưa đã rơi từ vô lượng kiếp.
Tại sao tới nay mới nhận thấy?
Bao người đã từng hát những câu thơ này, như tôi, hát từ thuở thơ ngây, nhưng hát, như con chim ngứa cổ, ngẩng nhìn trời mây và cất tiếng, tuyệt nhiên chẳng cần biết cái ngôn ngữ được diễn đạt bằng âm thanh đó mang tâm ý gì.
Thế nên, từ nhiều thập niên qua, cứ vô tâm hát mà không nhận ra bài pháp “TỨ DIỆU ĐẾ” ở ngay trong những tiếng mưa rơi:
“Người từ trăm năm, về như dao nhọn
Người từ trăm năm, về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
Dòng máu chưa kịp tràn
Dòng máu chưa chảy đầm”
Đó là SỰ CÓ MẶT CỦA KHỔ ĐAU. Vì thế mà ngọn Bát Phong dạt tới có làm tơi tả lá hoa thì cây vẫn cam chịu như những gì chẳng thể tránh! Bởi thế, tiếng mưa lại xôn xao nhắc nhở:
“Người từ trăm năm, về khơi tình động
Người từ trăm năm, về khơi tình động
Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn hơi
Nào có hay đời cạn,
Nào có hay cạn đời”
Đó là SỰ CÓ MẶT CỦA NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU.
Mưa không ngừng rơi, không ngừng quán chiếu:
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá
Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá
Có còn hơn không
Có còn hơn không”
Có gì?
Có sự tỉnh thức để CHẤM DỨT SỰ KHỔ ĐAU. Muốn chấm dứt khổ đau phải nhìn ra huyễn giả:
“Người từ trăm năm, về qua sông rộng
Người từ trăm năm, về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng,
Chỉ thấy sông chập chùng
Người từ trăm năm, về phai tóc nhuộm
Người từ trăm năm, về phai tóc nhuộm
Ta chạy mòn đời, ta chạy tàn hơi
Quỵ té trên đường rồi,
Sợi tóc vương chân người”
Mây tan rồi mà mưa vẫn rơi. Vì mưa thương trần thế. Mưa nhỏ lệ từng giọt, dẫn CON ĐƯỜNG ĐI TỚI SỰ CHẤM DỨT KHỔ ĐAU.
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá
Thà như giot mưa, khô trên tượng đá
Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
Những giọt rưng rưng, ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn …”
Trời ơi, bài thơ từ nhiều thập niên qua, bao người đã “hát cho vui”, sao giờ phút này, trong am thất tĩnh lặng, tôi lại nhìn ra hành trình Tứ Diệu Đế của tác giả?
Thôi,
Chẳng còn chi nghi hoặc nữa.
Người chạm được vào Phật-tánh của chính mình mới có thể thoát tục giữa bủa vây phiền não mà cất lên tiếng thơ như thế!
Người chạm được vào Phật-tánh của chính mình mới có thể lặng lẽ đến sân chùa, buông bỏ hệ lụy đời-thường mà thả hồn thơ vào hương đêm quyện tiếng chuông ngân!
Không ai biết đã bao lần như thế, nhưng rồi, trong sân ngôi chùa đó, một khuya cô tịch, không cả tiếng chuông ngân, chỉ với Đêm và Sao, người làm thơ mang tên Nguyễn Tất Nhiên đã an nhiên thị tịch, không ai biết, không ai hay, chỉ có Đêm, Trăng và Sao đưa tiễn!
Một người Đến và Đi như thế, khi thốt lên: “Có còn hơn không” thì không phải cái Có, Không của cõi Ta-bà, mà cái Có đó phải là “Cái Có của núi Tu Di trong hạt cải, Cái Có của đại dương nằm trong vỏ ốc”
Cái Có đã như thế thì cái Không phải là “tự tánh không của vạn pháp”. Tự tánh đó chính là “Không có, Không không, Không sanh, Không diệt, Không thành, Không hoại”
Không một pháp nào từ KHÔNG thành CÓ.
Không một pháp nào từ CÓ thành KHÔNG.
Còn thấy Có, thấy Không là còn đang oằn vai ngũ trược, làm sao chiêm ngưỡng Tổ Đạt Ma cưỡi bè lau về Thiên Trúc, hay qua sông bằng chiếc dép cỏ mà lòng chẳng chút hoài nghi?
TN Huệ Trân
(Về một người làm thơ đã đi vào Cõi Thơ Bất Tận -
Một người viết nhạc đã đi vào Biển Nhạc Vô Biên)
Thơ Nguyễn Tất Nhiên
Nhạc Phạm Duy