Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 4: Năm phép thiền định căn bản

21/08/201914:19(Xem: 3034)
Bài 4: Năm phép thiền định căn bản

duc dat lai lat ma-1
Thiền định

một phương pháp biến cải tâm linh

 

Đức Đạt-lai Lạt-ma

Urgyen Sangharakshita

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

 

 

Bài 4

 

Năm phép thiền định căn bản

 

Phật giáo có năm phép luyện tập thiền định căn bản, mỗi phép là một liều thuốc hóa giải một trong năm « độc tố » [tâm thần] là: sự xao lãng, giận dữ, kiêu hãnh, thèm khát và vô minh

 

Sự Xao lãng

 

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem độc tố này là gì. Xao lãng là xu hướng của tâm thức nhảy hết chuyện này sang chuyện khác. Đó là trường hợp của những người có một tâm thức tương tự như con cào cào hay con bướm, không sao có thể dừng lại với bất cứ một thứ gì, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Câu thơ nổi tiếng của T.S. Eliot (Thomas Stearns Eliot, 1888-1965, thi hào người Anh gốc Mỹ, đoạt giải Nobel văn chương năm 1948) : « xao lãng bởi sự xao lãng của sự xao lãng » có thể nói lên điều đó. Câu thơ này nêu lên một cách ngắn gọn cuộc sống ngày nay trong xã hội : đó là một quá trình liên tục – hết ngày này đến tuần khác – của sự « xao lãng bởi sự xao lãng của sự xao lãng ». Liều thuốc hóa giải sự xao lãng trong hoàn cảnh đó – ít nhất là đối với lãnh vực tâm thần – là sự chú tâm vào hơi thở. Một sự tập trung thật mạnh hướng vào quá trình hô hấp của mình là một phương pháp rất hiệu nghiệm, có thể hóa giải được tất cả mọi hình thức xao lãng.

 

Sự Giận dữ

 

            Độc tố thứ hai là sự giận dữ. Liều thuốc hóa giải sự giận dữ tương đối khá giản dị. Đó là Metta bhavana, một phép luyện tập giúp mình khơi động lòng nhân ái vô biên, một phép thiền định thật tuyệt vời, thế nhưng tiếc thay một số người trong chúng ta lại cho là vô cùng khó khăn. Nhiều người qua các kinh nghiệm riêng của mình đều công nhận phép luyện tập này ít nhất cũng có thể thỉnh thoảng làm tan biến được các xúc cảm tiêu cực, nhất là đối với sự giận dữ. Phép thiền định Metta bhavana sẽ giúp mình gia tăng sự chú tâm, phát huy tình thương yêu và lòng nhiệt tâm đối với tất cả chúng sinh. Cách khơi động lòng nhân ái vô biên sẽ làm tan biến độc tố của sự giận dữ.

 

Sự Thèm khát

 

            Độc tố thứ ba là sự thèm khát. Dưới một góc nhìn nào đó thì độc tố này vô cùng nguy hiểm. Độc tố đó không nhất thiết chỉ là một sự mong muốn đơn giản (simple desire) mà là một thứ mong muốn mà chúng ta có thể gọi là « bấn loạn thần kinh » (neurotic desire) (nguyên nhân của sự thèm khát rất sâu kín đôi khi rất bấn loạn đó là các sự thúc đẩy và đòi hỏi của bản năng, nhất là các thứ bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết). Hãy lấy thí dụ về miếng ăn – hay thức ăn thường nhật. Tất cả chúng ta đều muốn ăn và thích ăn, điều đó rất tự nhiên và lành mạnh (bản năng sinh tồn thúc đẩy sự thích ăn và muốn ăn, sự thúc đẩy đó rất tự nhiên và cần thiết hầu duy trì sự sống). Thế nhưng sự ham muốn miếng ăn sẽ trở thành một hình thức bấn loạn thần kinh khi chúng ta tìm cách biến thức ăn thành một thứ thay thế cho các đòi hỏi khác mang tính cách tâm thần hay xúc cảm (ăn thì phải thật ngon, các thức ăn phải cầu kỳ, ăn trong một khung cảnh sang trọng, có người hầu hạ, âm nhạc, ca hát, rượu ngon để uống kèm, đó là các hình thức mượn miếng ăn, « tô điểm » miếng ăn để che lấp những đòi hỏi khác sâu kín hơn, phản ảnh những sự lo sợ « vô thức » bên trong tâm thần mình). Mới chiều hôm qua tôi được đọc một bài báo trong một tập san phụ nữ cho biết là nhiều độc giả của tập san này từng viết thư cho biết cứ mỗi khi phải đối đầu với các khó khăn về mặt xúc cảm thì họ cảm thấy thèm ăn bánh kẹo và cứ thế mà ăn liên hồi, không sao dừng lại được. Sự thèm ăn đó mang tính cách bấn loạn thần kinh, nói một cách khác thì đấy chính là sự « thèm khát » (Cố gắng làm việc để có miếng ăn là một sự mong muốn lành mạnh, là một cách làm thỏa mãn sự đòi hỏi của bản năng sinh tồn. Mưu mô, tính toán, lường gạt, xả thân… để làm giàu bằng mọi cách, sẽ biến mình thành con mồi của bản năng sinh tồn, phản ảnh một sự thèm khát bấn loạn thần kinh).   

 

Như chúng ta vừa thấy trên đây sự thèm khát rất dễ nhận thấy, nhưng lại là cả một vấn đề thật to lớn, nhất là trong thời đại chúng ta. Trong xã hội ngày nay có một thứ kỹ nghệ khổng lồ, nhằm mục đích khích động sự thèm khát của chúng ta. Thật dễ hiểu đó là kỹ nghệ quảng cáo. Dù cho chúng ta có gán cho cái kỹ nghệ đó một cái tên gọi nào khác thì chủ đích của nó vẫn là tìm cách thuyết phục chúng ta nhất định phải có cái này hay cái kia cho bằng được – dù chúng ta ý thức hay không ý thức được sự cần thiết của những thứ ấy thì cũng không cần biết. Thật vậy chúng ta có thể bảo rằng quảng cáo là một trong số các ngành nghề đi ngược lại với bất cứ một hình thức đạo đức nào (bị thu hút bởi quảng cáo – trá hình hay lộ liễu – là một hình thức xao lãng thật khủng khiếp, đày đọa và đánh lạc hướng sự sinh hoạt và cả tâm thức con người, khiến con người không nhìn thấy một nếp sống khác thanh thản và tự nhiên hơn,  phù hợp hơn với thiên nhiên sự sống. Hãy nêu lên một thí dụ thật nhỏ, chẳng hạn như phấn son, trang sức, áo quần, giày dép thật « đẹp » và « đúng mốt », v.v. cũng chỉ đơn giản là các thứ dùng để « quảng cáo » thân thể của mình và nuôi sống các kỹ nghệ sản xuất các thứ ấy mà thôi, đấy là chưa nói đến các trường hợp giải phẩu « thẩm mỹ », quần áo hở hang, thắt chặt chỗ này, độn thêm chỗ kia, là các trường hợp « quảng cáo  lường gạt»/false advertising/publicité mensongère)

 

            Sự thèm khát có thể loại bỏ được bằng nhiều phương pháp luyện tập khác nhau. Con số thật lớn các liều thuốc hoá giải đủ mọi thể loại giúp chúng ta có một ý niệm nào đó về sự tàn phá của độc tố thèm khát. Một số các liều thuốc đó mang tính cách vô cùng khắc nghiệt, chẳng hạn như phép suy ngẫm về mười giai đoạn phân hủy của một xác chết, phương pháp này rất phổ biến trong các nước Phật giáo. Người ta thường cho rằng phương pháp này vô cùng hữu hiệu đối với sự thèm khát dục tính, nhất là dưới các hình thức bấn loạn thần kinh (bản năng truyền giống tạo ra các sự thèm khát sinh lý rất mạnh, không khác gì với sự dày vò của một cơn đói, sự thèm khát đó đưa đến các xúc cảm bấn loạn đủ loại. « Thiền định » về thân thể của người mà mình thèm muốn dưới thể dạng một xác chết đang phân hóa là cách có thể làm giảm bớt tình trạng bấn loạn thần kinh/neurotic của mình).

 

            Nếu không thực hiện đến cùng được phép luyện tập này thì cũng có một phép luyện tập khác cùng một thể loại nhưng nhẹ nhàng hơn : đó là cách suy tư về việc hỏa táng. Có thể các bạn cũng đã được biết là tại Ấn-độ người ta không chôn cất người chết mà mang ra hỏa táng. Người ta thường chọn một khu đất cạnh bờ sông để làm nơi hỏa táng, Các bạn nên tìm đến nơi này một mình vào lúc ban đêm và ngồi xuống thiền định. Tôi có thể quả quyết với các bạn là các nơi này, nhất là vào ban ngày, không phải là các nơi vui mắt lắm. Các mẩu xương và quần áo cháy dở vung vải khắp nơi, mùi hôi thối của thịt người chưa cháy hết bốc lên trong không khí. Thế nhưng khung cảnh đó có thể rất thuận lợi và hiệu nghiệm trong việc luyện tập thiền định về thân thể con người. Riêng đối với tôi thì tôi có thể quả quyết với các bạn là phép luyện tập này vô cùng sinh động.

 

            Cách nay nhiều năm trên bờ sông Hằng không xa thị trấn Lucknow, chính tôi cũng đã từng cảm nhận được cảm tính đó. Nơi này trước đây là một bãi cát trắng mênh mông dùng làm nơi hỏa táng. Đêm hôm đó vào ngày trăng rằm, cảnh vật nhuốm một màu trắng bạc, ánh sáng trăng vừa đủ để trông thấy đây đó những đống vun lên nho nhỏ là những nơi mà người ta mới hỏa táng xong, rải rác trên mặt cát khắp nơi là các mẩu xương và các mảnh sọ người. Khung cảnh thật vắng lặng và yên tĩnh, người ta cảm thấy mình tách xa với thế giới. Cảm tính đó không phảng phất một chút xúc cảm yếm thế hay đau buồn nào cả, mà tôi còn có thể khẳng định với các bạn là xúc cảm đó thật hết sức sinh động. Như tôi vừa nói trên đây, người ta cảm thấy mình tách ra khỏi tất cả, gần như là mình vừa hoàn tất việc hỏa táng của chính mình. Sự cảm nhận đó không khỏi khiến liên tưởng đến trường hợp của một người hindu (người Ấn) tự đứng ra lo toan công việc hỏa táng của chính mình và tìm thấy niềm vui qua từng giai đoạn trong công việc hỏa táng đó, giúp mình trở thành một người sannyasin chính thống (sannyasin là tiếng Phạn có nghĩa khá gần với chữ bhikkhu/tỳ-kheo trong Phật gíáo, sannyasin là một người theo Ấn giáo chính thống, đã được thụ phong qua một số các nghi lễ trước một ngọn lửa thiêng nhằm giúp mình trở thành một người tu hành phiêu bạt, sống lang thang, hết thánh địa này đến thánh địa khác). Ý nghĩa của hành động đó là một khi đã chối bỏ thế giới để trở thành một người sannyasin thì cũng có nghĩa là mình đã chết trên phương diện dân sự (tức là đã tách ra ngoài xã hội), đối với thế giới thì sự hiện hữu của mình không còn nữa. Đó là những gì phải thực hiện sau cùng trước khi khoác lên người chiếc áo màu vàng (của người tu hành). Cảm tính « kết nối giữa cái chết và việc từ bỏ [thế giới] » (có nghĩa là đi tu) và « lòng quyết tâm gạt bỏ tất cả mọi sự thèm khát thế tục » mang cùng một ý nghĩa như nhau.

 

            Nếu không tìm được một nghĩa địa để thiền định (điều này quả hết sức khó đối với một số người), thì cũng có một phép luyện tập khác cùng một thể loại nhưng nhẹ nhàng hơn. Đó là cách thiền định về cái chết như là một thứ gì đó không sao tránh khỏi được, nó sẽ đến đúng hẹn với từng mọi người, không một ai có thể thoát khỏi nó cả. Cái chết nhất định sẽ xảy ra với mình, vậy thì tại sao lại không sống cuộc đời này của mình một cách tốt đẹp hơn. Tại sao lại dồn cả đời mình vào các sinh hoạt không đáng để thực hiện ? Tại sao lại cứ để mình bị lôi cuốn bởi những thứ lạc thú hạ cấp (miserable/tầm thường, tồi tàn, vô nghĩa) không mang lại cho mình sự thỏa mãn hay hạnh phúc lâu bền ? Trên đây là cách thiền định về ý nghĩa của cái chết, và cũng là liều thuốc hóa giải sự thèm khát nói chung, dù là dưới hình thức chiếm hữu, danh vọng hay lạc thú.

 

            Ngoài ra người ta cũng có thể thiền định về vô thường : tất cả đều phù du, không có  bất cứ một thứ gì có thể kéo dài cả (kể cả thái dương hệ và từng hơi thở của chính mình), tất cả đều đổi thay trong từng khoảnh khắc một. Chúng ta phải ghi khắc trong tâm là tất cả mọi thứ sẽ đều trôi qua, chẳng khác gì như những áng mây trên trời. Cách thiền định này cũng sẽ tạo ra các tác động tổng quát tương tự như đối với các phép thiền định mà tôi vừa trình bày trên đây. Người ta không thể nào khăng khăng bám chặt vào những thứ mà mình biết rằng sớm muộn gì  mình cũng sẽ phải buông bỏ chúng.

 

 

            Sau hết còn có thêm một phép luyện tập khác nữa, đó là cách suy tư về bản chất ghê tởm của miếng ăn. Tôi sẽ không nêu lên chi tiết về phép luyện tập này, chẳng qua cũng vì chẳng có gì là thú vị cả, đấy chỉ là một cách cố tình tạo ra như thế (cố tình nêu lên sự ghê tởm và nguy hại của các miếng ăn để mình không « thèm khát » chúng), tuy nhiên cũng khá hiệu nghiệm đối với các cô bé gái thích bánh kẹo một cách bấn loạn thần kinh (ham ăn bánh kẹo thì sẽ béo phì, thế nhưng một người tu hành thì không được phép đánh giá một « chúng sinh » là đẹp hay xấu, « mảnh mai » hay « to béo ». Đây là một cách nói ý nhị và khéo léo của nhà sư Sangharakshita. Nói chung hám ăn là hình thức sơ đẳng nhưng cũng căn bản nhất của bản năng sinh tồn).

 

 

Trong số các phép luyện tập hóa giải sự thèm khát trên đây, các bạn phải chọn ra một phép phù hợp với mình. Nếu các bạn cảm thấy sự thèm khát của mình quá mạnh và mình thì lại cứ thích để cho sự thèm khát đó siết chặt mình trong nanh vuốt của nó, thì không nên do dự một chút nào cả : hãy cứ cắn răng tìm đến một nơi hỏa táng, và dù không trông thấy thân xác người chết hay bất cứ một vật gì, dù chỉ là một vài mảnh xương, hầu giúp mình liên tưởng đến cái chết, thì cũng cứ làm hiện lên với mình ý nghĩ về cái chết. Một số người tập quen dần với ý nghĩ đó bằng cách nhìn vào một vài mảnh sọ hay mảnh xương  (của một con vật nào đó chẳng hạn) trông thấy chung quanh mình (bản năng sợ chết rất mạnh khiến nhiều người không dám nghĩ đến nó, thế nhưng đến khi nó sắp xảy ra với mình thì khi đó sẽ là cả một thảm trạng. Ý thức được cái chết cũng có nghĩa là biết nhìn vào thực trạng của chính mình một cách thẳng thắn. Sự ý thức đó sẽ giúp mình hóa giải – ít nhất cũng được một phần nào – các sự thèm khát, bám víu và đam mê của mình. Đối với người Tây phương sự ý thức đó thường được hiểu như là một sự yếm thế, nhưng đối với người Đông phương thì đấy lại là một sự can đảm, thực tế mang lại cho mình một sự nhẹ nhàng và an vui).

 

            Sau hết, các bạn có bao giờ cảm thấy sợ hãi một thứ gì đó hay không? Trong gian hộ của tôi tại Highgate (ngoại ô phía bắc thành phố Luân-đôn), có một cái bát cổ làm bằng sọ người đánh bóng loáng. Một hôm có một phụ nữ đến chơi và cùng uống trà, bà này tò mò muốn biết về các vật dụng của người Tây Tạng mà tôi có, bà cho biết là mình rất thích tất cả những gì của người Tây Tạng. Tôi bèn nói với bà : « Vậy bà có muốn xem cái này hay không? » và đặt ngay cái bát vào tay bà ta. Bà này suýt đánh rơi cái bát xuống đất, cứ như là bốc phải một cục than hồng, và thốt lên : « Đây là một cái sọ người mà ! ». Tôi trả lời: « Đúng vậy, đây là một cái sọ người. Người dân Tây Tạng thường dùng các vật dụng như thế ». Tôi muốn nói là người Tây Tạng rất thích các vật dụng làm bằng xương hay sọ người, chẳng hạn như các tràng hạt làm bằng các mảnh xương, các cái kèn làm bằng ống chân hay chén bát làm bằng sọ người. Chẳng qua vì cách nhìn cái chết của họ rất tự nhiên và bình thường. Họ không cho rằng cái chết là một thứ gì đó thật kinh hoàng hay khiếp đảm như chúng ta thường nghĩ. Phần đông trong chúng ta lớn lên với tín ngưỡng Ki-tô, và mỗi khi nghe nói đến « cái chết » thì cảm thấy lạnh cả xương sống. Phật giáo không nhìn vào cái chết như vậy. Đối với Phật giáo, cái chết là một cái gì đó thật tự nhiên như chính sự sống. Để nói lên điều này, tôi xin trích dẫn câu thơ tuyệt đẹp của một thi hào cận đại người Bengali (người Ấn sinh sống trong vùng Bengal, đông bắc bán lục địa Ấn-độ, cũng mạn phép nói thêm là nhà sư Sangharakshita cũng là một thi sĩ với nhiều tác phẩm rất sâu sắc) là Tagore : «Tôi hiểu rằng tôi sẽ yêu cái chết chẳng khác gì như yêu sự sống ». Thi hào Tagore xem sự sống và cái chết cũng chỉ là hai mặt của cùng một sự vật, vì thế nếu các bạn yêu sự sống thì cũng nên yêu cả cái chết. Điều đó có vẻ là một sự nghịch lý, thế nhưng quả đúng là như vậy.

 

Sự Kiêu hãnh

 

            Độc tố thứ tư là sự kiêu hãnh (pridefulness/orgueil). Độc tố này thường được hiểu như là một thứ cảm tính « tự hào » hay « tự phụ » (self-regard/fierté), thế nhưng theo tôi thì nên xem cảm tính này là một sự « kiêu hãnh ». Qua kinh nghiệm cá nhân của mỗi người thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng cảm thấy đôi chút kiêu hãnh về chính mình, do vậy nên tôi chẳng cần phải nói thêm gì cả. Sự kiêu hãnh có thể hiểu như là một sự cảm nhận của chính mình về một cái tôi (cái ngã) tách ra khỏi chính mình, thế nhưng không phải chỉ đơn giản là một sự tách rời mà là cả một sự cô lập hóa, thế nhưng cũng không phải chỉ đơn giản là một sự cô lập hóa mà là một sự cô lập hóa thuộc một cấp bậc cao hơn.  

 

            Liều thuốc hóa giải độc tố kiêu hãnh đó là phép thiền định về sáu thành phần : đất, nước, lửa, khí, ether hay không gian (tiếng Phạn là aksha) và tri thức.

 

            Vậy cách luyện tập về phép thiền định về sáu thành phần là như thế nào? Trước hết là ngẫm nghĩ về thành phần đất. Chúng ta suy nghĩ như thế này : « Trong thân thể vật lý (thân xác vật chất) của tôi có thành phần cứng là « đất », chẳng hạn như thịt, xương, v.v. Vậy thành phần đất đó từ đâu đến đây ? Nó đến từ thành phần đất của vũ trụ, nói một cách khác là các chất cứng trong vũ trụ. Khi tôi chết thì thịt, xương, v.v. của tôi sẽ tan rã và sẽ trở về với thành phần đất của vũ trụ: tro hóa thành tro, bụi bặm hóa thành bụi bặm! ». Cứ hãy suy tư và ngẫm nghĩ như thế dù đấy chỉ là vài nét đại cương, bởi vì phép thiền định này trên thực tế khúc triết hơn thế rất nhiều.

 

            Đến đây chúng ta sẽ thiền định về thành phần nước. Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này : « Bên trong tôi có máu, mồ hôi, nước mắt, v.v. đó là thành phần nước. Vậy thành phần nước đó từ đâu đến đây để tụ lại trong tôi như thế này? Nước nào có phải là của tôi đâu, nó không thật sự là của tôi. Nó đến từ nước trong môi trường chung quanh tôi : nào là nước mưa, biển cả, sông ngòi... Một ngày nào đó tôi sẽ phải trao trả nó. Một ngày nào đó thành phần nước trong tôi sẽ cùng chảy với thành phần nước của cả vũ trụ nảy ».

 

            Tiếp theo chúng ta sẽ thiền định về thành phần lửa, tinh tế hơn so với các thành phần đất và nước. Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này : « Trong tôi có hơi nóng. Hơi nóng ấy từ đâu đến? Nguồn gốc to lớn tạo ra hơi nóng trong toàn thể thái dương hệ là gì? Đó là mặt trời. Không có mặt trời thì thái dương hệ sẽ tối om và giá buốt. Hơi nóng trong tôi phát sinh từ nguồn năng lượng đó (nhiều người – trong số đó kể cả một số khoa học gia – cho rằng hơi nóng trong cơ thể là do sự chuyển hóa sinh học của các tế bào tạo ra, thế nhưng phải hiểu rằng các tế bào tự chúng cũng phải nhờ vào nguyên liệu là thức ăn thực vật để tạo ra hơi nóng, và thực vật thì phải nhờ vào sức nóng và ánh sáng mặt trời để sinh sôi và phát triển).  Khi tôi chết, chuyện gì sẽ xảy ra? Hơi nóng là một trong các thứ cuối cùng rời khỏi thân xác, bắt đầu từ tứ chi và sau cùng chỉ còn lại một điểm ấm thật nhỏ trên đỉnh đầu. Khi điểm ấm này biến mất thì tôi chết. Thành phần nóng trước đây trong tôi sẽ quay trở lại với khối trữ lượng hơi nóng và ánh sáng của vũ trụ. Thiền định về thành phần lửa là như vậy, tức là phải suy nghĩ rằng hơi nóng là một thứ vay mượn và sẽ phải hoàn trả nó.  

 

            Sau đó chúng ta lại tiếp tục suy nghĩ về thành phần khí : « Vậy trong tôi thành phần khí là gì? Đó là không khí trong phổi. Tôi hấp thụ nó và hoàn trả nó qua từng khoảnh khắc một. Nó không thật sự là của tôi, nhờ sự hô hấp mà tôi có nó qua từng khoảnh khắc thật ngắn mà thôi. Tôi vẫn còn tiếp tục hít vào và thở ra, và lại hít vào rồi lại thở ra cho đến một ngày nào đó, tôi sẽ không còn hít vào nữa. Tôi hoàn trả sự hô hấp của tôi và tôi chết. Sự hô hấp trước đây sẽ không còn là của tôi nữa, kể cả trong lúc này nó cũng chẳng phải là của tôi ».

 

            Đến đây chúng ta lại tiếp tục thiền định về ether tức là không gian. Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này : « Thân xác vật chất của tôi chiếm hữu một phần không gian nào đó. Thế nhưng khi thân xác này của tôi tan rã thì cái khoảng không gian giới hạn mà nó chiếm hữu trước kia sẽ trở thành như thế nào?  Nó sẽ hòa lẫn với không gian vô tận chung quanh tôi, nói một cách khác là nó biến mất ».

 

            Sau hết những gì sẽ xảy ra với tri thức ? Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này : « Trong hiện tại thì tri thức tôi liên kết với thân xác vật chất của tôi và cả cái phần không gian mà nó chiếm hữu. Khi cái thân xác đó chấm dứt sự hiện hữu của nó, và cái không gian mà nó chiếm hữu trước đây đã hòa lẫn với không gian vô tận, thì cái tri thức giới hạn đó sẽ trở thành như thế nào ? Nó cũng sẽ trở thành vô tận. Nó sẽ được tự do. Khi tôi chết trên phương diện vật lý (thể xác) thì vào lúc đó tôi sẽ cảm nhận được cái tri thức vô tận ấy trong một khoảnh khắc thật ngắn. Khi tôi chết trên phương diện tâm linh thì tri thức của tôi sẽ vượt lên trên tất cả các biên giới, dù các biên giới ấy là gì cũng vậy (kể cả không gian và thời gian), và tôi sẽ cảm nhận được một sự tự do hoàn hảo (tức là sự Giải thoát). Đấy là cách thiền định về tri thức (tức là một sự luyện tập trong hiện tại giúp mình « quen dần » với quá trình diễn tiến đó của dòng tri thức mình trong « giai đoạn trung gian » sẽ xảy ra sau này giữa cái chết và sự tái sinh của mình. Trong sự diễn tiến của quá trình đó khi cái chết tâm linh xảy ra thì nhờ vào sự luyện tập trước đây mình sẽ cảm nhận được sự trống không tuyệt đối của tri thức vô tận đó hầu hòa nhập với nó, và đó chính là sự giải thoát, không rơi trở lại với cái tôi trần tục của mình trước đây qua sự tái sinh).

 

            Trên đây chỉ là một cách giải thích vắn tắt thế nhưng cũng có thể mang lại cho các bạn một ý niệm nào đó về phương pháp thiền định về sáu thành phần: đất, nước, lửa, khí, không gian và tri thức. Đó là cách mà chúng ta sử dụng liều thuốc hóa giải sự kiêu hãnh. Chúng ta sẽ tuần tự tách ra khỏi thân xác vật chất gồm các thành phần thô thiển và cả phần không gian mà nó từng chiếm hữu, cùng với tri thức giới hạn liên kết với cái thân xác đó và luôn cả phần không gian mà nó từng chiếm hữu trước đó (« tri thức giới hạn » có nghĩa là tri thức vẫn còn ở trong tình trạng liên kết và lệ thuộc vào thân xác và cả phần không gian mà nó chiếm hữu). Đó là cách mà người ta trở thành hoàn toàn tự do : có nghĩa là đạt được Giác ngộ.

 

Vô minh

 

Độc tố thứ năm là vô minh., và trong trường hợp này thì có nghĩa là vô minh tâm thức, tức là tâm thức không nhận biết được Hiện thực là gì. Qua một góc nhìn nào đó thì cũng có thể bảo rằng vô minh chính là sự ô nhiễm căn bản (tức là nghiệp ghi khắc và tồn lưu trên dòng tri thức mình). Liều thuốc hóa giải sự ô nhiễm đó (tức là nghiệp hay tình trạng vô minh của tâm thức) là phép thiền định về các « mối dây trói buộc » (nidana) của sự tạo tác do điều kiện mà có (nidana là các « khoen » kết nối với nhau thành một sợi dây xích buộc chặt con người trong cõi luân hồi, kinh sách Hán ngữ gọi là Thập nhị nhân duyên. Cõi luân hồi tức là « thế giới hiện tượng » hiện ra chung quanh chúng ta, trong đó tất cả mọi sự hiện hữu, kể cả chính mình, đều nhất thiết phải tương kết và tương tạo tức là phải lệ thuộc vào nhau để mà có, nói một cách khác thì đấy là các sự tạo tác lệ thuộc vào thật nhiều điều kiện (conditioned co-production / interdependence / pratityasamutpada), Có tất cả hai mươi bốn mối dây trói buộc, mười hai mối dây thứ nhất là các mối dây thế tục, tạo ra sự hiện hữu luân hồi (xoay tròn bất tận trong thế giới hiện tượng). Mười hai mối dây thứ hai thuộc lãnh vực tâm linh, tạo ra sự hiện hữu theo cách xoắn ốc (vừa xoay tròn vừa hướng lên cao đưa đến sự Giải thoát). Mười hai mối dây đầu tiên biểu trưng cho « Bánh xe của sự sống » (cõi luân hồi). Mười hai mối dây thứ hai biểu trưng cho các giai đoạn trên con đường [tu tập đưa đến sự Giải thoát]. Nhóm thứ nhất mang tính cách tác động (reactive, tạo ra nghiệp). Nhóm thứ hai mang tính cách sáng tạo (creative, đưa đến sự Giải thoát) (đây là cách giải thích ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc của nhà sư Sangharakshita về khái niệm « Mười hai mối dây trói buộc » chúng sinh trong cõi luân hồi. Khái niệm này thật ra gồm 24 mối dây tất cả : 12 mối dây đầu tiên mang tính cách trói buộc – trong đó mối dây thứ nhất là vô mình – và mười hai mối tháo gỡ – trong đó mối dây cuối cùng là sự Giải thoát. Nhà sư Sangharakshita gọi nhóm thứ nhất là « nhóm tác động » tức là các sự thúc đẩy dây chuyền đưa đến sự tạo nghiệp, một sự xoay vần biểu trưng bởi « Bánh xe của sự sống » ; nhóm thứ hai là « nhóm sáng tạo » nói lên một sự quyết tâm, một sự tu tập, tạo ra một sự tháo gỡ tuần tự, và mối tháo gỡ cuối cùng là thể dạng vô minh trong tâm thức).

 

            Trên đây là năm phép thiền định căn bản : chú tâm vào hơi thở là liều thuốc hóa giải sự xao lãng ; phát huy lòng nhân ái vô biên là liều thuốc hóa giải sự giận dữ ; thiền định về vô thường, cái chết, sự ô uế, v.v., là liều thuốc hóa giải sự thèm khát ; thiền định về sáu thành phần là liều thuốc hóa giải sự kiêu hãnh ; và sau hết là thiền định về các nidana, là liều thuốc hóa giải các thể dạng vô minh tâm thần [đưa đến sự Giải thoát].

 

                                                                                                            Vittel, 16.08.19

                                                                                                   Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 6262)
Từ lâu tôi luôn nghĩ rằng thực hành thiền Minh Sát là hành Chánh Niệm. Kinh nghiệm hành thiền và học thiền của tôi rất giới hạn gồm có thiền Minh Sát theo truyền thống của Ngài Mahasi Sayadaw, (Thiền sư U Pandita, Thiền Sư Khippapanno). Gần đây tôi có được cơ hội học được phương pháp Niệm Cảm Thọ của Thiền Sư Cư sĩ S.N. Goenka. Duyên may đưa đến năm nay tôi được đi học thiền "Niệm Tâm" ở thiền viện của Cố Hòa Thượng Thiền Sư Shwe Oo Min, Miến Điện.
22/04/2013(Xem: 5651)
Tất cả mọi vật, mọi loài trên thế gian này đều có sự tuần hoàn riêng của nó. Mọi vật, mọi loài đều sanh diệt, diệt sanh chứ không có cố định. Ðể hiểu thêm về sự tuần hoàn của con người, Ðồng Mai sẽ viết về sự tuần hoàn của mưa và mong quý vị hãy quán chiếu về sự tuần hoàn của mưa mà hiểu được sự tuần hoàn của con người cũng như mọi vật.
22/04/2013(Xem: 5193)
Đối với người tu thiền, bệnh tật không chỉ có thể điều trị bằng y dược mà còn có thể chữa trị bằng những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày nếu mọi hành vi đều được kiểm soát bởi Tâm. Sức mạnh trị bệnh của Tâm (The healing power of Mind) là cuốn sách của một vị sư Tây Tạng - Tulku Thondrup - giới thiệu những bài tập Thiền đơn giản nhằm mục đích giúp hành giả bảo vệ sức khỏe.
22/04/2013(Xem: 5142)
Thật là vui vẻ khi cuối tuần nầy đa số chúng ta đã buông bỏ mọi âu lo, thành tựu và vấn đề, để có thời gian ngồi thiền ở nơi đây. Tôi vừa bước ra ngoài đi dạo một lát và gặp một cơn mưa phùn. Và rồi tôi nghĩ, việc thực tập thiền của chúng ta cũng giống như mưa vậy, vì mưa liên tục nuôi dưỡng, cũng như thấm nhuần vào cuộc sống của chúng ta.
22/04/2013(Xem: 9727)
Vì không lập văn tự, không chủ trương hình tướng bên ngoài, chỉ phá trừ sự câu chấp cố hữu mà con người, chúng sinh đã cưu mang trải qua bao nhiêu cuộc sống, từ đời này qua kiếp nọ, đã không thấy được tự tánh thường hằng vô sinh, tồn tục tận cùng nơi tâm thức. Nơi đây, chúng ta nghe Lục Tổ Huệ Năng, sau khi được Ngũ Tổ HoằngNhẫn giải Kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm." thì Lục Tổ được đại ngộ và thưa với Ngũ Tổ rằng.
22/04/2013(Xem: 7175)
Tâm thiền là vắng lặng nhưng không phải là sự yên lặng mà tư tưởng có thể nhận thức được. Thiền không phải là cái vắng lặng của một buổi tối. Nó thật sự vắng lặng khi tất cả những tư tưởng, lời nói và nhận thức hoàn toàn ngừng bặt. Tâm thiền này là tâm tôn giáo mà không bị quản thúc bởi một tôn giáo hay bất cứ một hình thức lễ nghi nào.
22/04/2013(Xem: 5606)
Các khoa học gia đã tìm thấy Thiền tập đều đặn có thể thay đổi cơ cấu hoạt động và hệ thống kinh mạch bên trong não bộ. Cuộc nghiên cứu về não bộ đang bắt đầu đưa ra những bằng chứng cụ thể về những gì mà các hành giả Thiền Phật giáo đã xác nhận qua nhiều thế kỷ nay: kỷ luật tinh thần và Thiền tập có thể thay đổi cơ cấu hoạt động của não bộ và cho phép con người đạt được nhiều mức độ tỉnh giác khác nhau.
22/04/2013(Xem: 5799)
Thiền duyệt có nghĩa là sự an vui trong thiền tập. Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi tưởng muốn an tâm và phát triển định lực ta cần phải có một sự cố gắng vất vả ghê gớm lắm. Tôi còn nhớ trong khóa tu thiền đầu tiên, tâm tôi cứ suy nghĩ lung tung và chu du đi khắp mọi nơi. Ðến một lúc bực mình quá, tôi tự nhủ là nếu nó xảy ra lần nữa thì tôi sẽ đập đầu vào tường cho biết!
22/04/2013(Xem: 7773)
Trong một vài thập niên vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ lớn lao trong việc tìm hiểu một cách khoa học về não bộ và cơ thể con người nói chung. Hơn nữa, với sự xuất hiện của ngành di truyền học hiện đại, kiến thức của khoa thần kinh học về hoạt động của những cơ cấu sinh học giờ đây đã đạt đến mức độ vi tế nhất của các di truyền tử riêng biệt.
22/04/2013(Xem: 5060)
Stress : có nghĩa là sự dồn nén, cưỡng ép trên cả hai mặt sinh lý và tâm lý, một trạng thái căng thẳng thần kinh, gây ra lo âu, sợ sệt và sau cùng là sự suy nhược cơ thể. Một nhân vật nêu lên trong bài viết này cho biết chữ stress không có trong ngôn ngữ Tây tạng, người dịch cũng nghĩ rằng không có trong ngôn ngữ Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]