- Chương 01: Vài Nhận Định
- Chương 02 : Lòng Từ Bi Nhân Ái
- Chương 03: Thiền Định Khai thông sức mạnh của tâm thức
- Chương 04: Trí Tuệ
- Chương 05: Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng
- Chương 06: Tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt
- Chương 07: Dẫn nhập về tâm thức thần bí nhất
- Chương 08: Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi
- Chương 09: Tinh thần Vajra và "lòng nhân ái toàn cầu"
- Chương 10: Giáo huấn thứ hai
- Chương 11: Con đường thăng tiến tuần tự
- Chương 12: Giáo huấn thứ ba Sự giải thoát tự nhiên
- Chương 13: Tính cách độc đáo của ba giáo huấn
TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH
Khám phá tâm thức thần bí nhất
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Hoang Phong chuyển ngữ
PHẦN THỨ BA
Bình giải về Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu
của Patrul Rinpoché
***
Chương 13
Tính cách độc đáo của ba giáo huấn
Phần kết luận của bài thơ:
Sự "quán thấy" là một trong ba giáo huấn chủ yếu,
Cùng với phép "Thiền định" về trí tuệ nồng nhiệt (exalted/hân hoan, nhiệt tâm, hăng say) và Lòng "Từ bi" nhân ái,
Sẽ được hỗ trợ bởi sự tham gia của tất cả các người con của các vị Chiến Thắng (tức là chư Phật và chư Bồ-tát, những người đã chiến thắng vô minh).
Các vị Chiến thắng của cả ba thời gian (quá khứ, hiện tại và tương lai) có bao giờ tự hỏi:
Mình đã từng trông thấy một giáo huấn nào siêu việt hơn giáo huấn này hay chăng?
Người khám phá (the discoverer, tiếng Tây Tạng là Tertön) ra kho tàng Dharmakaya / Thân Đạo Pháp, phát sinh từ sự tỏa sáng năng hoạt của tâm thức thần bí nhất,
Nhờ vào các cảm ứng hiện lên từ trí tuệ vô biên của mình, đã phát hiện ra văn-bản-kho-tàng này (texte-tresor/treasure-text, tức là bài thơ này),
Một kho tàng [hoàn toàn] khác hẳn với các kho tàng khác, khai quật từ lòng đất hay trong núi đá (một số lớn các văn bản quý hiếm trong Phật giáo Tây Tạng thường được xem là do các vị đại sư chôn dấu ở những nơi kín đáo để lưu lại cho các thế hệ mai sau).
Đây chính là di chúc tối hậu của Garab Dorgje (vị tổ của phép Đại hoàn thiện/ Dzogchen. Nhà sư Patrul Rinpoché đã trước tác bài thơ này nhờ vào các cảm ứng của vị tổ trên đây),
Và cũng là cốt lõi tinh anh (quintessence) của tâm thức nồng nhiệt (exalted) của tất cả ba dòng truyền thừa.
Sự bí mật trao truyền cho các đệ tử của con tim tôi (các đệ tử yêu quý của mình).
Chính là những lời thuyết giảng này, phát xuất từ con tim tôi, và bên trong con tim của những lời thuyết giảng đó hàm chứa cả một ý nghĩa thật sâu xa.
Chớ khinh thường ý nghĩa cốt lõi ấy, đó là tinh anh của tất cả mọi ý nghĩa!
Không nên để thất thoát đi những lời giáo huấn ấy!
LÒNG VỊ THA
Phép luyện tập thiền định được hỗ trợ bởi sự thực thi các hành động vị tha, các hành động đó đồng thời cũng được thúc đẩy bởi tình thương yêu và lòng từ bi. Bài thơ trên đây nói lên ý nghĩa đó như sau: "Sự quán thấy, là một trong ba giáo huấn chủ yếu, cùng với phép thiền định về trí tuệ nồng nhiệt và lòng từ bi nhân ái, [cả ba] sẽ được hỗ trợ bởi sự tham gia chung của tất cả các người con của các vị Chiến Thắng".
Nhà sư Patrul Rinpoché đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của con đường tâm linh mà người Bồ-tát bước theo. Con đường đó được xây dựng bởi các hành động vị tha khơi động bởi tình thương yêu và lòng từ bi, và đó cũng là những gì sẽ góp phần giúp cho việc luyện tập về Ba giáo huấn được vững chắc hơn.
TÍNH CÁCH CAO SIÊU CỦA CON ĐƯỜNG
Khi nào vẫn chưa sử dụng được tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt trên đường tu tập thì các bạn sẽ không thể nào đạt được thể dạng một vị Phật. Nguồn gốc duy nhất và vững chắc nhất (substantial) có thể mang lại sự hiểu biết toàn năng của một vị Phật là tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt, tức là tâm thức thần bí nhất. Các văn bản (kinh sách) trong hệ thống Đại hoàn thiện nêu lên một kỹ thuật giúp [người tu tập] cảm nhận được thật nhanh chóng tâm thức thần bí nhất ở cấp bậc căn bản, nằm bên trong bầu không gian của sự rung động (vibration) phát sinh từ tâm thức thần bí nhất, kể cả trong lúc mà sáu tri thức vẫn còn đang hoạt động (xin nhắc lại: tri thức của một cá thể gồm có 6 thể loại: 5 thể loại tri thức cảm giác - tức là các sự nhận biết/cảm nhận của mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt - và tri thức tâm thần liên quan đến não bộ. Sự hoạt động hay vận hành của 6 thể loại tri thức ấy đưa đến các sự sinh hoạt hay hiểu biết khái niệm. Câu trên đây cũng rất quan trọng, nêu lên cho thấy là trong khi sáu thể loại tri thức vẫn còn đang trong tình trạng hoạt động tức là mình vẫn còn "sống" và đang tham gia vào thế giới, sinh hoạt với thế giới qua các khái niệm của mình và các người khác, thế nhưng mình vẫn có thể cảm nhận được tâm thức thần bí nhất tức là sự giác ngộ hay ánh sáng trong suốt bên trong chính mình). Đây cũng là điểm đặc thù của hệ thống Đại hoàn thiện. Nhà sư Patrul Rinpoché đã nêu lên điều đó qua câu thơ: "Các vị Chiến thắng cả ba thời gian có bao giờ tự hỏi mình đã từng trông thấy một giáo huấn nào siêu việt hơn giáo huấn này hay chăng?" Đấy là cách mà nhà sư này nêu lên sự cao siêu của con đường Đại hoàn thiện.
Nhà sư Patrul Rinpoché đã phát hiện ra bài thơ này nhờ vào các cảm ứng hiển hiện từ sự rung động của tâm thức thần bí nhất. Bài thơ đó có thể xem như là cả một kho báu khám phá ra từ bên trong bầu không gian của trí tuệ, một viên kim cương hiển lộ một cách tự nhiên từ bên trong tâm thức thần bí nhất, kho báu đó quả khác hẳn với các kho báu khai quật từ lòng đất. Một cách tổng quát, kinh sách của học phái Nyingmapa/Ninh-mã được phân chia theo ba dòng truyền thừa khác nhau:
1- Dòng truyền thừa dài (lâu đời) gồm những lời thuyết giảng thiêng liêng và các kinh sách dịch từ các bản gốc của Phật giáo Ấn Độ.
2- Dòng truyền thừa gần gồm các văn-bản-kho-tàng (textes-trésors/treasure-texts), vị đại sư Padmasambhava (thế kỷ thứ VIII, là một vị cao tăng người Ấn đã đưa Phật giáo vào Tây Tạng. Người dân nơi đây tri ân và tôn thờ ngài như là một vị Phật thứ hai sau Đức Phật Thích-ca) cho rằng các văn bản này sẽ rất hữu ích cho các thế hệ tương lai, nhất là đối với các nhà sư tại Tây Tạng, do đó ông đã cất dấu các văn bản này để một trăm hay một ngàn năm sau những người hội đủ nghiệp lành sẽ khám phá ra (đây là một trong các nét đặc thù mang tính cách thiêng liêng của Phật giáo Tây Tạng. Một số văn bản - kinh sách và các tập luận - được xem là có nguồn gốc lâu đời được cất dấu để lưu lại cho các thế hệ về sau, lý do trước hết là để tránh các sự nhiễu nhương có thể xảy ra làm thất lạc, và lý do sau đó là vì các văn bản này có thể là quá khúc triết mà chỉ có các thế hệ sau này mới thấu triệt được. Các vị đại sư của các thế hệ về sau nhờ các cảm ứng thiêng liêng đã khám phá ra các văn bản ấy. Do đó các "văn-bản-kho-tàng" dù mới được phát hiện nhưng vẫn được xem là có nguồn gốc chính thống và lâu đời, kể cả một số kinh cũng được xem là do chính Đức Phật thuyết giảng). Khi thời cơ hội đủ, và nhờ vào sự hướng dẫn mầu nhiệm của vị đại sư Padmasambhava, cũng như sức mạnh đạo đức, nghiệp lành và lòng mong cầu tìm được các văn bản ấy, tất cả đã giúp cho những người các thế hệ sau này tìm lại được các văn bản đó. Mặc dù đã trải qua nhiều thế hệ nhưng phúc lành của Padmasambhava vẫn còn nguyên vẹn, và chính vì thế mà người ta gọi [các kinh sách này] là dòng truyền thừa gần.
3- Dòng truyền thừa sâu xa của các sự cảm nhận thiêng liêng (expériences visionnaires/visionary experiences / các cảm nhận siêu nhiên, thấy xa hay mặc khải/ revelation). Các bản văn thơ siêu việt có thể xuất hiện qua ba trường hợp khác nhau: trước hết các bản văn thơ đó có thể hiện lên qua các cảm nhận thiêng liêng/siêu nhiên, sau đó tức là trong trường hợp thứ hai, chúng cũng có thể hiện lên bên trong tri thức tâm thần (tức tri thức thứ sáu), và sau cùng trong trường hợp thứ ba, chúng cũng có thể hiển hiện từ các tri thức cảm giác (tức là năm thể loại tri thức phát sinh từ năm cơ quan cảm giác. Nói chung các bản văn thơ thật sâu sắc và siêu phàm hiện lên nhờ vào các cảm ứng thiêng liêng, hoặc bên trong một tri thức tâm thần thật bén nhạy, hoặc nhờ vào các tri thức cảm giác, chẳng hạn như "trông thấy" các cảnh tượng hay hình ảnh mầu nhiệm, "nghe thấy" những âm thanh thiêng liêng , "ngửi thấy" những mùi hương thoát tục, v.v. , các cảm nhận đó sẽ là những nguồn cảm hứng giúp mình sáng tạo hay trước tác được các tác phẩm thật sâu sắc và tinh tế. Thí dụ bài thơ trên đây của Patrul Rinpoché xuất phát từ các cảm ứng thiêng liêng của nhà sư này tức là thuộc trường hợp thứ nhất. Đối với trường hợp của các thể loại tri thức cảm giác thì các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia... nhờ vào các thể loại tri thức bén nhạy đó của mình có thể thực hiện được các tuyệt tác, kể cả một người đầu bếp nhờ tri thức vị giác, khứu giác cũng có thể tạo ra những món ăn tuyệt hảo. Thế nhưng các "tác phẩm" đó cũng chỉ ở vào một cấp bậc khiêm nhượng nào đó mà thôi. Trong khi đó các nhà sư cao thâm nhờ vào các thể loại tri thức cảm giác thật bén nhạy và tinh tế của họ có thể đạt được những cảm nhận siêu phàm, mà các người khác không thể nắm bắt hay cảm nhận được. Ngược lại điều này cũng cho thấy là nếu tri thức tâm thần của một cá thể nào đó chỉ "cảm nhận" được các sự đam mê, hận thù, ganh tị..., và năm thể loại tri thức cảm giác của mình cũng chỉ "cảm nhận" được các hình dáng dâm ô, mùi thơm và sự đụng chạm thích thú, miếng ăn ngon, âm thanh khích động, thì các "cảm nhận" ấy sẽ không có gì là thiêng liêng cả, mà chỉ đưa đến các sự tham lam, thèm khát, bám víu..., tiếp theo sau đó là các sự tính toán, mưu mô, hung bạo và sau cùng là khổ đau. Con người có thể bình đẳng trên phương diện thân xác, sức khỏe và bản năng, nhưng không hề ngang hàng nhau trên phương diện "cảm nhận" và "xúc cảm" là như vậy).
Xuyên qua trí tuệ hiện lên từ tâm thức thần bí nhất của mình, nhà sư Patrul Rinpoché đã tiếp nhận (khám phá, phát hiện) được văn-bản-kho-tàng (tức là bài thơ) trên đây, nhờ vào các cảm ứng hiển hiện từ bầu không gian của tâm thức thần bí nhất tốt một cách toàn diện (universally good). Và đấy cũng là ý nghĩa ẩn chứa trong tiết thơ: "Người khám phá ra kho tàng Dharmakaya/Thân Đạo Pháp phát sinh từ sự tỏa sáng năng hoạt của tâm thức thần bí nhất, nhờ vào các cảm ứng hiện lên từ trí tuệ vô biên của mình, đã phát hiện ra văn-bản-kho-tàng này, một kho tàng [hoàn toàn] khác hẳn với các kho tàng khác khai quật từ lòng đất hay trong núi đá".
Thể loại cảm nhận lóe lên một cách bất thần từ bên trong lãnh vực tư duy đó, được xem là một kho tàng khám phá từ bên trong không gian của các sự thực hiện phi thường (các sự sáng tạo hay khám phá thượng thặng, lóe lên trong tâm thức qua các cảm ứng thiêng liêng, trong trường hợp trên đây là bài thơ của nhà sư Patrul Rinpoché). Các cảm nhận (cảm ứng) như thế quả thật hết sức phi thường (extraordinary/lạ lùng, kỳ bí) thế nhưng ngày nay người ta vẫn thấy xảy ra (bằng chứng là bài thơ trên đây thuộc thế kỷ thứ XIX). Bất cứ ai chỉ biết sáng tác bằng cách vận động sự suy nghĩ khái niệm của mình thì thật hết sức khó cho họ trước tác được một bản văn như thế. Thế nhưng sau khi đã đạt được tâm thức thần bí nhất, tức là tri thức trần trụi (naked consciousness) của tâm thức tốt một cách toàn dìện, và nó đã trở nên quen thuộc với mình qua nhiều kiếp sống, thì tâm thức thần bí nhất hiện lên từ thiền định sẽ hội đủ khả năng giúp mình nhớ lại được các cảm nhận thật lâu đời, ngược về hàng chục, hàng ngàn kể cả hàng trăm ngàn kiếp trước, tất cả mọi thứ dường như chỉ mới xảy ra vào ngày hôm qua (vượt thoát khỏi kích thước thời gian và không gian của hiện thực). Người ta có thể nhớ lại giáo huấn mà mình từng được học hỏi trong quá khứ đã được chôn dấu bên trong không gian của tâm thức thần bí nhất. Ngày nay có một vị Lạt-ma thuộc học phái Nyingmapa/Ninh-mã có thể nhớ lại được các kỷ niệm thật đáng kinh ngạc mỗi khi ông khơi động sự năng hoạt của tâm thức thần bí nhất của mình. Ông có thể nhớ lại được các sự kiện ngược về thời đại của Padmasambhava, thế kỷ thứ VIII, và cả những lần tái sinh quan trọng của mình. Thật hết sức kỳ diệu!
Nhà sư Rinpoché đồng hóa bài thơ của mình với những lời di huấn sau cùng của nhà sư người Ấn là Garab Dorje thuộc học phái Nyingmapa/Ninh-mã (Garab Dorje là vị thầy "nhân dạng" đầu tiên của phép tu tập Đại hoàn thiện, sinh ra trong một trường hợp thật lạ lùng tại đế quốc Oddyana, 166 năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Qua các cảm ứng thiêng liêng của mình ông đã tiếp nhận được 6 400 000 câu thơ tan-tra của phép Đại hoàn thiện và đạt được thân xác cầu vồng [còn gọi là thân xác ánh sáng, các nhà sư cao thâm Tây Tạng khi chết nhờ vào các phép thiền định gọi là Longdé và Thögal của hệ thống Đại hoàn thiện, có thể biến thân xác vật chất của mình trở thành thân xác ánh sáng và biến mất sau đó - ghi chú thêm của người chuyển ngữ]. Khi qua đời ông đã lưu lại di chúc bí mật của mình cho người đệ tử thân cận nhất là Manjushrimitra, đó là bài thơ "Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm" trên đây - gcts) qua câu thơ sau đây: "Đấy chính là di chúc tối hậu của Garab Dorgje, và cũng là cốt lõi tinh anh của tâm thức nồng nhiệt của tất cả ba dòng truyền thừa". Giáo huấn đó được lưu truyền qua ba dòng truyền thừa là vị Chiến thắng Rabjam, vị Toàn năng Khyentse Öser Jigme Lingpa, và vị Jigme Gyalwe Nyugu, cả ba vị này đều được nêu lên trong phần mở đầu của bài thơ. Nhà sư Patrul Rinpoché đã tỏ bày sự tôn kính (tri ân) của mình đối với các vị thầy vĩ đại trong học phái Nyingmapa/Ninh-mã, bằng cách đồng hóa họ với sự "quán thấy", "thiền định" và "hành động". Sự đồng hóa đó cũng phản ảnh một cách ngắn gọn, nhưng cũng thật tài tình, nội dung của toàn bài thơ, do đó tôi cũng xin bình giảng thêm về phân đoạn này:
Xin tôn vinh (homage/tri ân) các vị thầy của trí tuệ.
Sự "quán thấy" To rộng như không gian muôn chiều, [là nhà sư] Longchen Rabjam.
"Thiền định" là Muôn tia sáng của trí tuệ và tình thương yêu, [là nhà sư] Khyentse Öser.
"Hành động" là Hạt mầm của kẻ Chiến thắng, [là nhà sư] Gyalwe Nyugu.
Tôi nêu lên điều đó không một chút ngại ngùng, bất cứ ai luyện tập theo phương cách đó,
Tất sẽ đạt được sự giác ngộ ngay trong kiếp sống này,
Hoặc ít nhất cũng đạt được một thể dạng phúc hạnh thật tuyệt vời! A la la!
BA CHỮ: QUÁN THẤY, THIỀN ĐỊNH, HÀNH ĐỘNG
Như tôi vừa nêu lên trên đây, ngay trong phần mở đầu của bản văn, tác giả đã nêu sự tôn kính/tri ân của mình đối với các vị thầy của trí tuệ. Trong các phép luyện tập gọi chung là "tan-tra" và "man-tra" thì các vị thầy tinh thần (gourou/guru) thường giữ một vị thế rất quan trọng. Nhất là đối với phép Đại hoàn thiện, sự nhiệt tâm và lòng kính cẩn đối với các vị Lạt-ma rất cần thiết cho những ai muốn nhận biết được tâm thức thần bí nhất sinh ra một cách tự nhiên. Đấy cũng là lý do tại sao tác giả Patrul Jigme Chokya Wangpo Rinpoché đã mở đầu bài thơ với những lời tôn vinh các vị thầy mình bằng cách đồng hóa họ với tất cả các cội nguồn an trú giúp [người tu tập] thoát khỏi sự vận hành của các chu kỳ khổ đau và những gì hữu hạn (finitude/finiteness/vô thường).
Chính vì vai trò quan trọng đó của các vị thầy nên nhà sư Patrul Rinpoché đã nêu lên ba chữ là sự "quán thấy", "thiền định" và "hành động" để biểu trưng cho hai vị thầy "gián tiếp" của mình là Longchen Rabjam - Không gian mênh mông và muôn chiều - và Khyentse Öser - Muôn tia sáng của trí tuệ và tình thương yêu - còn gọi là Jigme Lingpa, và vị thầy "trực tiếp" của mình là Gyalwe Nyugu - Hạt mầm của kẻ Chiến thắng - tên đầy đủ là Jigme Gyalwe Nyugu, đệ tử của Jigme Lingpa. Đấy là cách mà tác giả của bài thơ trên đây nêu lên sự "quán thấy", "thiền định" và "hành động", mà ý nghĩa đã được đồng hóa với các vị Lạt-ma trực tiếp và gián tiếp của mình, như tôi đã giải thích trên đây.
SỰ QUÁN THẤY LÀ KHÔNG GIAN
TO RỘNG VÀ MUÔN CHIỀU
Sự quán thấy là bản chất của một vị Phật, bản chất đó vượt lên trên các sự sinh sôi, hậu quả tạo ra bởi sự sinh hoạt khái niệm (tức các sự suy nghĩ cũng như các xúc cảm quy ước và công thức). Các học phái dịch thuật xưa cũng như mới của Phật giáo Tây Tạng đều xem sự quán thấy ấy chính là trí tuệ nguyên sinh của ánh sáng trong suốt, là "tử cung (matrix/thai nhi, khuôn đúc) của các đấng tathagata/như lai" ("tử cung của một vị Phật" tiếng Phạn là "Tathagatagarbha". Tiền ngữ Tathagata có nghĩa từ chương là "Như thế" - nói một cách khác là không từ đâu đến cũng không đi về đâu cả - Tathagatha/Như lai cũng là một trong các danh xưng của Đức Phật. Hậu ngữ garbha có nghĩa là tử cung/womb, còn được dịch là bào thai hay thai nhi, nói lên nơi tạo tác hay cất chứa tất cả mọi hiện tượng. Từ ghép Tathagatagarbha - gồm hai chữ trên đây - cũng được dịch là Như Lai Tạng hay Phật tánh, là một khái niệm vô cùng quan trọng trong Đại Thừa và Kim Cương Thừa, nói lên bản thể tinh túy của một vị Phật nơi tất cả chúng sinh tiến hóa). Trí tuệ nguyên sinh của ánh sáng trong suốt tự nó không mang tính cách độc lập và cũng không hàm chứa một sự hiện hữu nội tại nào (câu này cho thấy trí tuệ nguyên sinh là một quá trình hình thành/a process of becoming), tuy thế nó cũng không hề hàm chứa bất cứ một sự sinh sôi khái niệm nào (trí tuệ nguyên sinh tuy không mang tính cách nội tại nhưng nó rất tinh khiết, bởi vì bên trong nó không xảy ra bất cứ một sự sinh sôi khái niệm nào cả). Đó là một thực thể tinh khiết từ khởi thủy và mang bản chất tự phát (spontaneous). Cái tử cung tinh khiết và tự phát đó là nền tảng đưa đến mọi thứ hiển hiện trong sự hiện hữu chu kỳ (luân hồi) và cả nirvana/niết-bàn. Đối với sự "quán thấy" thì nó là một không gian tỏa rộng, và từ bên trong không gian đó vô số hiện tượng sẽ hiện ra và [sau đó] chúng cũng sẽ tan biến hết vào bên chính sự quán thấy ấy. Nhà sư Patrul Rinpoché nêu lên điều này qua câu thơ: "Sự quán thấy to rộng như không gian muôn chiều [là nhà sư] Longchen Rabjam". Sở dĩ ông nêu lên sự quán thấy là Không gian to rộng và muôn chiều là để đồng hóa với vị Lạt-ma cội nguồn Longchen Rabjam và cũng là vị thầy gián tiếp của mình.
Sự quán thấy là chủ đích của thiền định, và cũng là bản thể của một vị Phật, bản thể đó tinh khiết một cách tự nhiên, và còn được gọi "tử cung của các đấng tathagatha/như lai". Bản thể ấy của một vị Phật tỏa sáng xuyên qua không gian bao la, một bầu không gian to rộng, và bầu không gian đó cũng là bầu không gian của hiện thực. Cũng nên hiểu rằng tất cả mọi hình thức hiển hiện của sự hiện hữu chu kỳ (mọi hiện tượng xảy ra trong sự hiện hữu luân hồi) và của cả nirvana/niết bàn, đều được cất chứa nguyên vẹn và đầy đủ bên trong bầu không gian hiện thực mang tính cách bình đẳng đó (luân hồi hay niết bàn thì cũng chỉ là các hiện tượng ngang hàng như nhau trên phương diện hiện tượng), đấy là ý nghĩa của sự quán thấy. Chính vì thế mà người ta gọi [sự quán thấy] là không gian to rộng, muôn chiều và vô tận, mang các kích thước bao la.
Theo quan điểm của Đại hoàn thiện [nói chung] thì sự quán thấy được xem là "vượt lên trên tâm thức". Thế nhưng nếu hiểu theo cách mà nó được nêu lên trong bản văn này (bài thơ của Patrul Rinpoché) thì sự "quán thấy" sẽ được hiểu như là tri thức [giữ vai trò] "trông thấy", nhưng không phải là những gì được trông thấy [bởi tri thúc]. Do đó sự quán thấy liên hệ với chủ thể "trông thấy", nhưng không liên hệ gì đến đối tượng được trông thấy. Dầu sao cũng phải nói lên là các thuật ngữ này không được thích nghi lắm, bởi vì sự quán thấy ở đây (tức đúng nghĩa của nó) phải vượt lên trên cả tâm thức. Bởi vì chủ thể và đối tượng [cả hai] đều bị giới hạn bên trong bầu không gian của trí thức (sự quán thấy hay trí tuệ nguyên sinh hay bản thể của một vị Phật vượt cao hơn sự phân biệt giữa chủ thể/đối tượng, phát sinh từ sự vận hành của tâm thức bình thường).
Tất cả mọi hiện tượng đều cất chứa bên trong bầu không gian bao la của tâm thức thần bí nhất, tâm thức đó cũng là nơi hiển lộ của mọi hiện tượng và cũng là cơ sở tồn tại (foundation) của mọi sự hiển hiện. Sự khác biệt giữa hai thứ là: một bên là cơ sở tồn tại có nghĩa là tâm thức thần bí nhất, và một bên là sự hiển hiện (appearance) tức là sự rung động (vibration) của nó. Người ta gọi tâm thức đó là "tâm thức thần bí nhất tốt một cách toàn diện" và sự quán thấy là "không gian to rộng và muôn chiều".
THIỀN ĐỊNH LÀ MUÔN TIA SÁNG
CỦA TRÍ TUỆ VÀ TÌNH THƯƠNG YÊU
Khi đã đạt được sự quán thấy, thì tình thương yêu chúng sinh sẽ hiện lên một cách tự nhiên (spontaneous) bên trong các bạn, thế nhưng chúng sinh vì vô minh nên không hề hay biết gì về tình thương yêu ấy [tương tự như] trong lòng các bạn (thiền định giúp mình quán thấy được trí tuệ và tình thương yêu, trong khi đó chúng sinh thì mù tịt về sự quán thấy ấy). Nhà sư Patrul Rinpoché nói lên điều này qua câu thơ: "Thiền định là Muôn tia sáng của trí tuệ và tình thương yêu" và đó cũng là ý nghĩa từ chương của tên gọi nhà sư Khyentse Öser. Có một điểm giúp phân biệt giữa tâm thức thần bí nhất và sự rung động của chính nó: sự rung động của tâm thức thần bí nhất có khả năng kết hợp được tám thể loại hiển hiện tự nhiên (spontaneous), một trong số tám thể loại hiển hiện này là lòng từ bi nhân ái, tức là "Muôn tia sáng của trí tuệ và tình thương yêu". Thiền định về lòng từ bi nhân ái đó sẽ làm hiện lên các yếu tố đột khởi (spontaneous/hiện lên một cách tự nhiên) giúp "vượt lên đỉnh cao" (franchissement du pic/crossing the peak) (trong Đại hoàn thiện, phép luyện tập "vượt lên đỉnh cao" - tiếng Tây Tạng gọi là "Thögal" - phản ảnh tính cách đột khởi trong việc tu tập, tức là thay vì chỉ biết mò mẫm và loanh quanh trong thung lũng và các ngọn đèo thì hãy vượt thẳng lên đỉnh núi cao - gcts) có nghĩa là vượt lên một cách tự nhiên (spontaneously), trong khi đó thì phép luyện tập dựa vào "không gian to rộng và muôn chiều" là một cách "cắt đứt" (couper à travers/cut through/cắt ngang) (trong Đại hoàn thiện, phép luyện tập "cắt đứt" - tiếng Tây Tạng là Trektchö - là cách chặt đứt các sự căng thẳng và bám víu mang tính cách nhị nguyên, giúp mình hòa nhập vào sự suy tư tự nhiên hơn trong cuộc sống thường nhật - gcts) và phép luyện tập này cũng được gọi là phép tinh khiết hóa cơ bản.
Khi nào đã nhận diện được gương mặt tự nhiên của tâm thức thần bí nhất với tất cả sự trần trụi của nó, và [sau đó] nếu đủ khả năng thường trú bên trong bầu không gian của tâm thức thần bí nhất ấy nhờ vào sự chú tâm nền tảng, tức là sự chú tâm tự nhiên và tự tại, thì trong khi hành thiền các yếu tố đột khởi sẽ tự nhiên hiện lên với các bạn. Sự "trần trụi" (nudité/nudity) ở đây có nghĩa là các sự bế tắc vì ô nhiễm tạo ra bởi sự sinh hoạt khái niệm đều đã được loại bỏ - có thể xem sự sinh hoạt khái niệm như là các thứ quần áo, nếu lột bỏ những thứ ấy đi thì thân thể - tức là tri thức - sẽ bị phơi bày.
Khi sự cảm nhận về tâm thức thần bí nhất hiện lên với mình thì sự chú tâm nền tảng cũng sẽ xuất hiện theo, điều đó sẽ giúp mình hành thiền dễ dàng hơn. Đúng vào lúc đó người hành thiền cũng sẽ nhận định được một cách dứt khoát là sự giải thoát mà mình mong cầu không phải là một thứ gì ở bên ngoài bầu không gian của tâm thức thần bí nhất, và những gì mà mình cần phải loại bỏ tức là sự hiện hữu chu kỳ, cũng không phải là những gì khác hơn là sự rung động của dòng tri thức thần bí nhất. Người hành thiền đồng thời cũng ý thức được thật minh bạch và không chối cãi được là tất cả mọi thứ: từ cái tốt đến cái xấu, từ nirvana/niết-bàn đến samsara/luân hồi, từ hy vọng đến sợ hãi..., tất cả đơn giản chỉ là những trò chơi, những sự rung động hay tỏa sáng (effulgence) của tâm thức thần bí nhất.
HÀNH ĐỘNG LÀ HẠT MẦM CỦA KẺ CHIẾN THẮNG
Một khi vẫn đủ sức tiếp tục thường trú thật vững chắc bên trong sự cảm nhận về bầu không gian không một chút chướng ngại của tâm thức thần bí nhất, thì dù mình có tham dự vào bất cứ một hình thức sinh hoạt nào, mỗi sinh hoạt đó đều mang một sắc thái cá biệt, một hương vị duy nhất (một người giác ngộ sinh hoạt chẳng khác gì như chúng ta, thế nhưng phong thái của họ và bên trong tâm thức họ phản ảnh một sự thoát tục thật sâu xa mà đôi khi chúng ta không nhận thấy được). Nhà sư Patrul Rinpoché nêu lên "mạch" hứng khởi đó của mình qua câu thơ: " Hành động là Hạt mầm của kẻ Chiến thắng".
"Hạt mầm của kẻ Chiến thắng" cũng là ý nghĩa từ chương của tên gọi nhà sư Gyalwe Nyugu. Qua sự thúc đẩy của lòng từ bi và trí tuệ sâu xa người tu tập tự nguyện bước theo con đường vị tha hầu chăm lo cho kẻ khác. Các hành động đó, thúc đẩy bởi lòng vị tha và thấm nhuần sự hiểu biết về hiện thực, chính là hạt mầm đưa đến sự hình thành của một vị Phật.
Hãy vạch trần (mettre à nu/expose/phơi bày, làm hiển lộ) sự tu tập của mình về tâm thức thần bí nhất và thiền định bên trong thể dạng [trần trụi] đó của tri thức. Khi nào các bạn đạt được sự quán thấy mang lại từ sự cảm nhận đó thì khi đó các bạn sẽ không còn phải thiền định gì nữa cả, cũng không cần đến một hành động nào hướng ra bên ngoài chính mình. Nếu một người nào đó khi đã duy trì được sự luyện tập hướng vào bên trong sự quán thấy, thì người ta sẽ gọi [trường hợp đó] là:
Sự quán thấy, tương tự như một quả núi bất động, hãy cứ để nó đúng với nó là như thế.
Thiền định, tương tự như đại dương, hãy cứ để nó đúng với nó là như thế.
(Một khi đã "quán thấy" được tâm thức thần bí nhất của mình qua các thể dạng trần trụi và đơn sơ của nó thì mình cũng sẽ cảm nhận được sự im lặng như một quả núi và sự mênh mông như đại dương của sự hiện hữu của chính mình, vậy hãy cứ để sự hiện hữu đó đúng với nó là như thế)
Dù trên mặt đại dương sóng có nhiều đến đâu thì cũng cứ mặc, nước nơi đáy đại dương lúc nào cũng im lìm. Khi tâm thức thần bí nhất đã được đưa vào bên trong các bạn, và các bạn đã nhận biết được nó, thì cũng tương tự như mặt trời chiếu rọi ánh nắng, tâm thức thần bí nhất tất sẽ làm phát sinh ra sự chú tâm nền tảng. Các bạn không cần phải phát huy sự chú tâm bằng sức cố gắng hoặc một phương tiện nào khác, bởi vì sự chú tâm đúng đắn mang tính cách tự tại (sự chú tâm mang lại bởi sự cố gắng hoặc các phương tiện gián tiếp khác chỉ là một sự chú tâm giả tạo và gượng ép, sự chú tâm đó thường là thiếu thăng bằng và bền vững. Sự chú tâm đích thật rất nhẹ nhàng và thường xuyên, hiện lên trong tâm thức mình qua từng tư duy, xúc cảm, giúp mình hòa nhập với chính mình và hiện thực. Trong bài Kinh chú tâm vào hơi thở (Trung Bộ Kinh, MN 118), Đức Phật dạy hãy gom sự chú tâm từ bên ngoài và sau đó sử dụng hơi thở như là một phương tiện chuyển tải để đưa sự chú tâm ấy vào thật sâu bên trong chính mình, nhờ đó mình sẽ "trông thấy" được bản chất sâu kín của thân xác, cảm giác, các phóng tưởng tâm thần, và nếu đưa vào sâu hơn nữa - tức là hướng vào bên trong của bên trong những thứ ấy - thì "sự chú tâm đúng đắn" đó cũng sẽ trở thành một sự chú tâm tự tại, giúp mình quán thấy được thể dạng "trống không" của các thứ ấy từ bên trong chúng, nói một cách khác là cảm nhận được dòng tri thức trần trụi, tự tại và nguyên sinh của chính mình, là tâm thức thần bí nhất của mình. Sự quán thấy đó cũng được gọi là sự giác ngộ).
Hành động, tương tự như sự hiển hiện, hãy cứ để nó đúng với nó là như thế
(Hành động cũng chỉ là một hình thức hiển hiện, một thoáng rung động của tâm thức thần bí nhất. Bên trong của bên trong các hành động hay sự hiển hiện đó là một sự yên lặng thật nhẹ nhàng và mênh mông, là sự trống không của tâm thức thần bí nhất. Vậy hãy cứ để hành động đúng với bản chất của nó là nhưng sự rung động, và tâm thức thần bí nhất đúng với nó là một sự trống không. Tất cả cũng chỉ là "Như thế", vậy hãy cứ để nó đúng với nó là "như thế").
Sau khi đã nhận biết được và cảm nhận được tâm thức thần bí nhất thì hãy cứ tiếp tục tập trung vào hướng nhìn đó, dù cho bất cứ khái niệm nào hay đối tượng nào hiện lên thì mình cũng không đuổi bắt chúng. Nhờ đó chúng sẽ không chộp được mình và mình thì bảo toàn được sự trong sáng bên trong bầu không gian của tri thức thần bí nhất của mình. Nhờ đó các bạn sẽ không còn cần phải phân biệt giữa các hành động nào phải thực thi và các hành động nào phải tránh, bởi vì khi đó các bạn đã vượt thoát mọi sự tham-gia (agir/act) và phi-tham-gia (non-agir/non-action), có nghĩa là đã vượt lên trên mọi niềm hy-vọng và cả sự sợ-hãi.
Là những người tu tập, nếu các bạn thật sự đạt được một cách đúng đắn cấp bậc trên đây về các sự "quán thấy", "thiền định" và "hành động", thì các bạn cũng sẽ tạo được cơ may đạt được thể dạng của một vị Phật ngay trong kiếp sống này. Điều đó thật ra cũng không phải là quá khó: "Tôi nêu lên điều đó không một chút ngại ngùng, bất cứ ai luyện tập theo phương cách đó, tất sẽ đạt được sự giác ngộ ngay trong kiếp sống này".
Tuy nhiên, dù cho không đạt được thể dạng của một vị Phật trong kiếp sống này đi nữa, thì sự luyện tập về lòng vị tha và trí tuệ xuyên thấu cũng sẽ giúp mình bảo toàn thật vững chắc những điều mà mình đã thực hiện được ở các cấp bậc thượng thặng, giúp mình tránh được tác động của các nghịch cảnh có thể xảy ra với mình trong kiếp sống hiện tại này. Các bạn sẽ không còn là món đồ chơi bị kéo lê bởi mối dây thòng lọng của hy vọng và sợ hãi, mà trái lại còn có thể lợi dụng các nghịch cảnh đó để tiến nhanh hơn trên con đường. Hết kiếp sống này đến kiếp sống khác, các bạn sẽ còn tiếp tục đạt được hết hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, tạo thêm cho mình khả năng giúp mình vượt lên các cấp bậc ngày càng cao hơn: "Hoặc ít nhất cũng đạt được một thể dạng phúc hạnh thật tuyệt vời! A la la!". Dù trong kiếp sống này mình chưa đạt được thể dạng của một vị Phật đi nữa, thì mình cũng sẽ tìm được một niềm hạnh phúc chưa từng thấy. Tuyệt vời thay!
NHỮNG CÂU THƠ CUỐI CÙNG
Trong phần cuối bài thơ, nhà sư Patrul Rinpoché đưa ra một số lời khuyên như sau về tầm quan trọng của phép tu tập trên đây: "Sự bí mật trao truyền cho các đệ tử của con tim tôi, chính là những lời thuyết giảng này, phát xuất từ con tim tôi, và bên trong con tim của những lời thuyết giảng đó cất chứa cả một ý nghĩa thật sâu xa. Chớ khinh thường ý nghĩa cốt lõi ấy, đó là tinh anh của tất cả mọi ý nghĩa! Không nên để thất thoát đi những lời giáo huấn ấy!"
Nhà sư Dodrupchen (còn gọi là Kyabjé Dodrupchen Rinpoché, 1927-, là nhà sư nổi tiếng nhất hiện nay của học phái Nyingmapa/Ninh-mã và phép Đại hoàn thiện) từng nói rằng: "Kết quả mang lại cho mình tùy thuộc vào sự cố gắng của chính mình". Do đó phải luôn cố gắng là như vậy. Các bạn không thể nào đạt được các mục tiêu thật cao bằng các cách dễ dàng và hấp tấp.
Bures-Sur-Yvette, 19.04.18
Hoang Phong chuyển ngữ