Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hồi quang phản chiếu...

13/09/201307:44(Xem: 7831)
Hồi quang phản chiếu...

Sakya_Muni_63


Hồi quang phản chiếu 

Phản quan tự kỷ

HT.Thích Thanh Từ

Trong nhà thiền có hai câu được xem như châm ngôn của hành giả tu thiền, đó là “Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ”. Hai câu này là một hay khác? Nếu là một thì nói một câu đủ rồi, dùng chi tới hai câu. Nếu khác thì khác chỗ nào? Có khi ta nghe nói “Hồi quang phản chiếu”, có khi nghe nói “Phản quan tự kỷ”, câu nào cũng dạy xoay lại mình hết, tại sao có hai cách gọi khác nhau? Trước hết tôi nói về “Hồi quang phản chiếu”. Chữ “hồi” là quay lại, “quang” là ánh sáng, “phản” là trở lại, “chiếu” là soi sáng. “Hồi quang phản chiếu” tức là quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình. Soi thế nào? Nhiều người không hiểu, tưởng ngồi nhìn chăm chăm thấu tim gan ruột phổi, đó là phản chiếu. Hiểu như vậy là sai lầm. Tôi sẽ dẫn kinh để nói rõ hơn về điều này. Trong kinh Lăng nghiêm, khi Đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời thấy. Rồi Phật để tay xuống hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời không thấy. Ngay đó Phật liền quở Ngài là quên mình theo vật. Tất cả chúng ta từ người trí thức cho tới kẻ bình dân, suốt ngày ai cũng phóng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đuổi theo sáu trần bên ngoài, luôn luôn phân tích, chia chẻ, tìm hiểu. Cứ thấy hình sắc thì phân tích đẹp xấu, nghe âm thanh cũng phân tích tiếng hay dở v.v…

Đối diện với tất cả cảnh giới bên ngoài, đều đem hết khả năng soi sáng của mình phân tích, chia chẻ sự vật. Càng phân tích, chia chẻ nhiều chừng nào thì càng quên mình nhiều chừng ấy. Do đó mắt vừa thấy hình tướng thì nói thấy, khi hình tướng mất đi nói không thấy. Đó là chúng ta phóng ánh sáng của mình đuổi theo vật, hay nói cách khác là phóng quang chiếu ngoại. Phóng quang này không phải phóng quang của chư Phật, mà đem cái tri giác hiểu biết của mình phóng ra ngoài để phân tích, chia chẻ sự vật. Vì vậy khi có sự vật thì tưởng như có mình, khi mất sự vật tưởng như mất mình. Đó là một mê lầm rất đáng thương. Phật quở ngài A-nan quên mình theo vật là vì thế. Cánh tay là vật ở ngoài, còn cái hay thấy tức là ánh sáng của chính mình. Khi có cánh tay Ngài nói thấy, khi không có cánh tay Ngài nói không thấy. Như vậy nhớ mình hay nhớ vật?

Rõ ràng là nhớ vật mà quên mình. Đúng ra khi thấy cánh tay nên nói thấy có cánh tay, khi tay để xuống nên nói thấy không có cánh tay. Tay khi có khi không, cái thấy luôn luôn sẵn có. Nếu tay để xuống nói không thấy như vậy thành mù sao? Chúng ta mê muội chỉ nhớ vật ở ngoài, không nhớ cái hay thấy của mình. Chính cái hay thấy mới là mình, còn vật ở ngoài chỉ là ngoại cảnh. Quên mình theo vật, đó là chỗ tất cả chúng ta đang mắc phải. Mắt thấy sắc chỉ nhớ cảnh nhớ người mà không nhớ có cái hay thấy. Chúng ta tu hành thường vướng hai chứng bệnh rất nặng, rất sâu kín, đó là quên mình và mắc kẹt ngoại cảnh. Vì vậy các thiền sư thường dạy nơi sáu căn phải luôn gìn giữ đừng cho dính mắc sáu trần. Dính mắc tức là chạy theo, mà chạy theo tức là quên mình. Đó là gốc của sự tu. Trong sáu căn dễ nhận dễ thấy nhất là mắt và tai, nên các thiền sư dùng nhiều thủ thuật để chỉ hai tánh thấy và nghe đó. Hoặc đưa phất tử, hoặc đưa cành hoa v.v… để nhắc nơi chúng ta có cái hay thấy. Nếu ngay hình ảnh đó, ta nhớ được mình có cái hay thấy là nhớ được tâm chân thật rồi. 

Hình ảnh Phật đưa cành hoa sen lên, ngài Ca-diếp mỉm cười, đó là sự cảm thông của hai thầy trò, Tôn giả đã lãnh hội được điều Đức Phật muốn chỉ. Thấy cành hoa không lệ thuộc vào cành hoa, mà biết được mình có cái hay thấy. Khi Phật đưa mắt nhìn khắp đại chúng, tới Ca-diếp Ngài cười. Đó là đệ tử hiểu được ý Phật, nhìn cảnh mà chẳng quên mình, hay nói cách khác là nương nơi cảnh mà thấy mình. Vì vậy trong nhà thiền có câu "kiến sắc minh tâm". Nghĩa là thấy hình sắc bên ngoài mà sáng được tâm của mình. Tâm mình ở đâu? Lâu nay nhiều người cứ cho tâm là cái suy nghĩ lăng xăng lộn xộn hằng ngày, không ngờ cái hay thấy hay biết mới là tâm mình. Tâm đó không có lăng xăng lộn xộn. Thấy được cành hoa là chỉ cho "kiến sắc", nhận ra mình có cái hay thấy, hay biết hằng hữu không thiếu vắng là "minh tâm". Rõ được tâm mình thì không chạy theo vật. Nếu chỉ biết cành hoa bên ngoài, có thì nói thấy, không có thì nói không thấy, đó là quên mình theo vật. Quên mình theo vật là mê, nhớ mình không theo vật là giác.

Như vậy thì hồi quang phản chiếu nghĩa là soi ánh sáng trở lại mình. Thay vì trước kia ta phóng ánh sáng ấy theo sáu trần, bây giờ dừng lại, nhớ ánh sáng đó hiện hữu nơi sáu căn của mình, không theo sáu trần nữa. Đó là trọng tâm các thiền sư dạy cho chúng ta. Người được thấy như mù nghe như điếc, dù ngồi giữa chợ cũng như ngồi thiền. Chúng ta nhiều khi ngồi thiền tại thiền đường mà ai nói gì cũng lắng tai nghe. Ngồi thiền như vậy cũng giống như ngồi ngoài chợ. Các thiền sư luôn nhắc chúng ta phải hồi quang phản chiếu, quay lại nhớ mình, đừng nhớ cảnh. Đó là gốc của sự tu. Thiền sư nhờ tu như thế nên các ngài không bận bịu, không kiềm chế, sống rất tự tại thoải mái, thấy nghe đều không dính. Nếu chúng ta tu được vậy có thích không? Rất thích. Nhưng vì mình chưa được thế nên phải có câu thứ hai, tức là “phản quan tự kỷ”. Chữ “quang” của hồi quang có “g” để chỉ ánh sáng. Chữ “quan” của phản quan không có “g” để chỉ sự xem xét quán chiếu. “Phản quan tự kỷ” nghĩa là xem xét lại mình, quán chiếu lại mình. Hồi quang phản chiếu có tánh cách kỳ đặc dành cho bậc thượng cơ, nhất là những vị tu theo Thiền tông. Còn phản quan tự kỷ là nói tổng quát, bao trùm hết thảy giáo lý nhà Phật. Nghĩa là soi xét lại chính mình, từ thân thể cho tới nội tâm, thấy rõ thân thể, nội tâm như thế nào.

Ví dụ Phật dạy tu thiền, quán Tứ niệm xứ là pháp căn bản trong các kinh A-hàm. Quán Tứ niệm xứ là quán cái gì? Một, quán thân bất tịnh, xem xét phân tích tường tận từng bộ phận thân này, thấy đều nhớp nhúa, đó là quán thân bất tịnh. Hai, quán thọ thị khổ, tức là tất cả cảm giác do sáu trần đến với mình, ta cảm nhận rõ ràng chúng đều vô thường, không thật có, là gốc của đau khổ. Ba, quán tâm vô thường, tức những tâm niệm của mình luôn luôn sanh diệt, không dừng, đó là quán tâm vô thường. Bốn, quán pháp vô ngã tức là quán tất cả pháp, từ tâm pháp cho tới ngoại cảnh đều do duyên hợp không có chủ. Phật dạy vị nào cột tâm trong Tứ niệm xứ được bảy ngày không dời đổi, người đó sẽ chứng quả A-la-hán. Chẳng những bảy ngày mà ba ngày, chẳng những ba ngày mà một ngày, cột tâm trong Tứ niệm xứ không dời đổi sẽ chứng quả A-na-hàm. Chúng ta thấy tu dễ chứng quá, phải không? Chỉ cột tâm trong Tứ niệm xứ trọn ngày không dời đổi liền chứng quả A-na-hàm. Quán như thế là phản chiếu lại mình, soi sáng lại mình, xét nét lại mình, nên pháp của các kinh A-hàm hay của Phật giáo Nguyên thủy vẫn là pháp tu “Phản quan tự kỷ”. Cho tới như không dùng Tứ niệm xứ, mà dùng Ngũ đình tâm quán thì cũng là soi xét lại mình. Đó là nói hệ thống A-hàm.

Qua hệ thống Bát-nhã, mỗi đêm chúng ta đều tụng “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Chiếu kiến ngũ uẩn của ai? Ngũ uẩn của mình. Như vậy cũng là soi sáng, xét nét lại chính mình để biết rõ năm uẩn không thật, không có thực thể, từ đó mà qua tất cả khổ nạn. Chúng ta thấy từ hệ A-hàm tiến lên hệ Bát-nhã, Phật đều dạy phản chiếu lại mình. Đến Thiền tông tôi thường hướng dẫn quý thầy cô nhìn lại từng niệm khởi, đừng chạy theo nó, gọi là biết vọng không theo. Như thế có phải phản quan không? Nếu không xoay lại làm sao thấy niệm khởi? Rõ ràng đó là lối phản quan. Tóm lại, từ pháp tu A-hàm, pháp tu Bát-nhã, tới pháp tu Thiền tông đều dạy phản quan. Như vậy toàn bộ hệ thống tu của đạo Phật đều lấy phản quan tự kỷ làm trọng tâm. Câu “hồi quang phản chiếu” mới nghe thấy tương tự nhưng thật ra có khác. Đây là trường hợp dành cho những bậc kỳ đặc như Tổ Lâm Tế hay Lục tổ Huệ Năng. Lục Tổ Huệ Năng khi thấy tăng ngồi thiền, ngài liền kéo lỗ tai thổi phù. Ngài Lâm Tế cũng không thích ngồi thiền, vậy các ngài tu cái gì? Các ngài luôn hồi quang phản chiếu, tức nhớ nơi sáu căn thường sáng rỡ, không phóng ra ngoài.

“Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ” là nền tảng của tất cả người tu Phật chúng ta. Nếu mình làm chưa nổi trường hợp thứ nhất, thì phải theo trường hợp thứ hai, tức là phản quan tự kỷ. Chừng nào nội tâm trong sạch, yên lặng hết mới bước qua trình độ thứ nhất là hồi quang phản chiếu. Đi đứng nằm ngồi mà không dính nghiệp gì hết. Thấy như mù, nghe như điếc, đó là tự tại vô ngại. Tăng Ni nên nhớ trường hợp hồi quang phản chiếu chỉ dành cho người nào triệt ngộ, nghĩa là đi đứng nằm ngồi không quên mình, mới dùng được. Ai còn quên mình thì khoan dùng, dùng rất nguy hiểm. Tăng Ni cần phải nắm thật vững, hiểu cho tường tận như thế, để trong sự tu ứng dụng đúng, đạt kết quả tốt, không bị lầm lẫn đáng tiếc. Đây là ý nghĩa tôi muốn nhắc nhở nhân ngày đầu năm.

Nguồn: http://www.thuongchieu.net/


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2019(Xem: 4249)
Sống Trong Từng Sát Na là phương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Satipatthana Sutta), còn gọi là Kinh Tứ Niệm Xứ, là bản kinh do Ngài đại đức Ananda thuật lại những lời thuyết giảng của Đức Phật lúc Đức Phật đang cư trú ở Kammasadamma, một thủ phủ của xứ Kuru.
13/05/2019(Xem: 4790)
Ngày xưa Đức Phật trong suốt 45 năm giáo hóa tại khu vực rộng lớn dọc theo hai bên bờ Sông Hằng ngài chỉ sử dụng mỗi một phương tiện duy nhất là đi bộ. Trong Kinh nói Đức Phật lúc nào cũng ở trong đại định, như vậy thì lúc đi bộ Đức Phật cũng thiền. Cho nên, ngày nay khi chúng ta nói đến thiền đi bộ thì không là vấn đề mới mẻ gì cả. Nhưng đôi khi chúng ta lại ít để tâm thực tập đúng theo phương thức để mang lại sự an tịnh cho thân tâm trong cuộc sống hàng ngày. Hai tác giả Arinna Weisman và Jean Smith sẽ làm sáng tỏ cách thực tập thiền đi bộ rất phổ thông này, qua sự hướng dẫn chi tiết dưới đây. Việc đi bộ có thể là cơ hội kỳ diệu khác để thực hành chánh niệm. Từng giây phút có thể tăng cường sự tỉnh thức và đôi khi là đối tượng dễ tiếp cận thiền hơn hít thở.
14/04/2019(Xem: 4098)
Nguyên lý của cuộc sống luôn luôn là bến bờ của hạnh phúc mà trong đó mọi sinh vật đều hướng đến bình yên theo từng nhịp thở. Nếu bạn không thở đúng nhịp đập của nội tại, thì bạn đánh mất chính mình và giá trị tồn tại của thực hữu. Thực hữu, dôi lúc, người ta hiểu mơ hồ về nó.
09/04/2019(Xem: 4300)
Huệ Khả Cầu Pháp: Đọc Từ Tạng Pali Nguyên Giác Ngài Huệ Khả xin Sơ Tổ Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma dạy pháp an tâm. Tích này có thể nhìn từ Kinh Tạng Pali ra sao? Bản thân người viết trước giờ chỉ quen dựa cột để nghe pháp, nơi đây không dám có ý kiến riêng, chỉ muốn tìm một số Kinh liên hệ để ghi chú. Câu chuyện này được ngài Trần Thái Tông (1218-1277) đưa vào nhóm 43 công án trong Niêm Tụng Kệ, một trong các sách giáo khoa của Thiền phái Trúc Lâm để khảo sát, nghiên cứu. Bản dịch của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, người có công hồi phục Thiền phái Trúc Lâm, đã dịch toàn bộ các tác phẩm của Trần Thái Tông, trong đó câu chuyện ngài Huệ Khả tức khắc đốn ngộ, viết như sau: “8.- Cử: Nhị Tổ xin Sơ Tổ pháp an tâm. Sơ Tổ bảo: Đem tâm ra ta an cho ông. Nhị Tổ thưa: Con tìm tâm không thể được. Sơ Tổ bảo: Ta an tâm cho ông rồi. Niêm: Em bé lên ba ôm trống giấy, Ông già tám chục mặc áo cầu. Tụng: Tâm đã không tâm nói với ai, Người câm thức mộng mắt tròn xoe. Lão
06/01/2019(Xem: 7122)
Chúng ta thường nghe các nhà khoa học đề cập đến những hành động ý thức và vô ý thức khi họ nói về não bộ của con người. Do đó chúng ta biết được hoạt động của con người không phải lúc nào cũng hợp lý như chúng ta tưởng.
27/11/2018(Xem: 3924)
"Chân Lý" nghĩa là sự thật, cũng gọi là "Đế" như trong "Tứ Diệu Đế" của Đạo Phật. Có hai loại chân lý: Tương đối và Tuyệt đối:
24/10/2018(Xem: 3641)
Đông và Tây có lẽ gặp nhau nhiều nhất trong việc chọn lựa tên cho con cái, nhất là đứa trẻ được chào đời ấy sẽ là trai hay gái, nếu là trai thì chọn những đức tính tốt hoặc lương thiện: Dũng, Đức, Nhân, Hùng, Ái , Nghĩa, Toàn ...riêng với bé gái tượng trưng cho sự mảnh mai, yếu ớt thì lại chọn tên các loài hoa như: Lan, Huệ, Mai, Cúc, Hồng v.v...và vì thế tôi cũng được nằm trong số những bé gái mang tên một loài hoa ...
18/10/2018(Xem: 5265)
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam tự hào đã xây dựng cho riêng mình một thiền phái tôn giáo mang đặc trưng riêng có của con người Việt Nam. Đó chính là Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, một thiền phái nhân văn và gần gũi với cuộc sống của người dân, do một vị vua Triều Trần khai mở và phát triển, Ông là vị vua thứ ba triều đại Nhà Trần, Trần Nhân Tông
05/10/2018(Xem: 4746)
Trong Kinh Kim Cang, có một đoạn vấn hỏi và đối đáp giữa Đức Phật và Ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề: “Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt trần không? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt trần.” “Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt Trời không? ? Bạch Đức Thế Tôn, thật vậy, Như Lai có mắt Trời.” “Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt huệ không? ? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt huệ.” “Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt pháp không? ? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt pháp.” “Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt Phật không? ? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt Phật.”
01/10/2018(Xem: 5148)
Ngày nay chủ đề Thiền không còn xa lạ đối với những ai muốn tìm hiểu và muốn định nghĩa một cách minh bạch, nhưng mấy ai hiểu và cảm nhận một cách chính xác và minh bạch về những hoạt dụng của Thiền.Tùy mỗi trường phái, mỗi góc độ để nhìn và hiểu về Thiền khác nhau, từ đó, việc hành hoạt cũng khác biệt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567