Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Thường Lạc Ngã Tịnh

13/01/201104:08(Xem: 4083)
07. Thường Lạc Ngã Tịnh

 

TỔNG QUAN KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Tác giả: Nguyễn Minh Tiến biên soạn

III. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH

7. THƯỜNG LẠC NGÃ TỊNH

Từ khi đức Phật lập giáo cho đến nay, những ý nghĩa được biết đến nhiều nhất trong đạo Phật có lẽ là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Không những người học Phật luôn phải học hỏi những ý nghĩa này trước tiên, mà ấn tượng mạnh mẽ nhất của người theo các tôn giáo khác khi nhìn về đạo Phật cũng chính là qua những ý nghĩa giáo pháp đặc thù này. Trải qua hơn 25 thế kỷ và đến nay đã được truyền dạy khắp nơi trên thế giới, những ý nghĩa này vẫn giữ nguyên được tính chính xác và sáng suốt, cho dù chúng ta có nhìn nhận cuộc đời này từ bất cứ góc độ nào.

Tính chất vô thường của đời sống là điều không ai có thể phủ nhận được. Những khổ đau của đời sống cũng là một sự thật hiển nhiên. Cho đến những ý nghĩa vô ngã và bất tịnh cũng có thể nhận biết đối với tất cả mọi người, cho dù mức độ nhận thức là rất khác nhau ở mỗi trình độ tu tập. Mặc dù vậy, trong kinh Đại Bát Niết-bàn này đức Phật đã đưa ra lời dạy khiến cho những ai đang tu tập các ý nghĩa trên không khỏi phải nhất thời hoang mang:

“... Các ông nên khéo học phương tiện. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng thường tu những pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh. Lại nên biết rằng, bốn phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà các ông đã tu tập trước kia đều là điên đảo cả. Muốn tu các pháp quán tưởng cho đúng lẽ chân thật, phải như người có trí kia, biết dùng phép khéo léo để lấy hạt bảo châu ra khỏi nước. Ấy là các pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh...”

(trang 254-255, Tập I)

Vì sao đức Phật đã dạy các lẽ vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh rồi lại nêu lên một cách xác quyết rằng phải tu tập các lẽ thường, lạc, ngã, tịnh?

Nếu chỉ chấp chặt vào mặt ngôn ngữ, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận hiểu hoặc thậm chí chỉ là lý giải được điều này. Tất cả giáo pháp do đức Phật thuyết dạy đều nhằm giúp các đệ tử của ngài tu tập hành trì và đạt đến giải thoát, không nhằm hình thành bất cứ một hệ thống lý luận nào. Chính vì thế, trong Tương ưng bộ kinh, chương 12, phẩm 4 (Rừng Simsapā), đức Phật dạy rất rõ về điều này:

“Các ông nghĩ thế nào, này các tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapā mà ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapā?

– Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapā mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapā.

– Cũng vậy, này các tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì ta đã thắng tri mà không nói cho các ông! Thật là quá ít những gì mà ta đã nói ra!

“Nhưng tại sao, này các tỷ-kheo, ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

(Bản dịch từ kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu)

Và chính vì thế, mỗi phần giáo pháp được đức Phật thuyết giảng trong một giai đoạn nhất định đều là hướng đến mục tiêu dẫn dắt thính chúng trên con đường tu tập, không nhằm trang bị những kiến thức hay tri kiến không liên quan đến sự tu tập. Dựa trên nền tảng nhận thức này, chúng ta có thể thấy ngay một điều là những ai không có sự thực hành theo lời Phật dạy sẽ không bao giờ có được khả năng nhận hiểu hoặc luận bàn về ý nghĩa của các giáo pháp đó. Họ chỉ có thể đưa ra những nhận thức hết sức cạn cợt trong phạm trù hý luận, không bao giờ có thể cảm nhận được những ý nghĩa sâu xa và tác dụng chuyển hóa của Phật pháp trong đời sống tu tập.

Trở lại với vấn đề đã nêu trên, những ý nghĩa vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh đã được đức Phật đưa ra như một chỉ dẫn thiết thực cho người tu tập, không phải như những giáo điều hay cơ sở lý luận. Vì thế, những ý nghĩa này chắc chắn đã mang đến tác dụng chuyển hóa tích cực cho tất cả những ai thực sự hành trì theo đó, và bằng chứng cụ thể là Tăng đoàn đã liên tục phát triển khắp mọi nơi, ngày càng có thêm nhiều người thực hành theo lời Phật dạy. Về sự thuyết giảng các ý nghĩa này, đức Phật dạy:

“Ta lại thị hiện vì những kẻ chấp thường mà giảng thuyết phép quán tưởng vô thường; vì những kẻ chấp lấy sự vui mà giảng thuyết phép quán tưởng lẽ khổ; vì những kẻ chấp ngã mà giảng thuyết phép quán vô ngã; vì những kẻ chấp lấy sự trong sạch mà giảng thuyết về sự bất tịnh.”

(trang 446, tập I)

Thật vậy, khi con người đang đắm say trong dục lạc và ngày ngày nuôi dưỡng những độc tố tham lam, sân hận, si mê, liều thuốc vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh do đức Phật đưa ra như vậy đã ngay lập tức chữa lành vô số thương tổn tinh thần cho những con người đang đau khổ. Do ý nghĩa đó mà các vị tỳ-kheo trong thính chúng đã bạch Phật như sau:

“Thế Tôn thuyết dạy [cho chúng con] những lý vô thường, khổ, không, vô ngã thật đáng mừng thay!

“Bạch Thế Tôn! Ví như trong dấu chân của muôn loài thì dấu chân voi là to nhất. Phép quán tưởng vô thường cũng thế, là bậc nhất trong các phép quán tưởng. Như ai tinh cần tu tập phép quán tưởng ấy, có thể trừ diệt tất cả tâm tham dục và ái luyến trong Dục giới, tâm ái luyến trong cõi Sắc giới và Vô sắc giới, cũng như trừ được vô minh, kiêu mạn cùng với những tư tưởng vô thường.”

(trang 246-247, tập I)

Và với niềm tin tưởng vào phần giáo pháp đã tự mình tu tập chứng nghiệm, các vị tỳ-kheo cũng xác quyết:

“Thế Tôn! Những ai không tu tập các phép quán tưởng: khổ, vô thường, vô ngã thì chẳng đáng gọi là bậc thánh. Những người ấy thường buông thả, biếng nhác, trôi lăn trong sinh tử.”

(trang 251, tập I)

Tuy nhiên, với trí tuệ giác ngộ viên mãn của mình, đức Phật biết rõ rằng con đường tu tập hướng đến sự giải thoát không thể dừng lại ở đó. Một khi cội gốc sâu xa nhất của vô minh phiền não chưa được dứt trừ hoàn toàn thì sự sanh khởi của khổ đau chỉ là điều sớm muộn. Vì thế, khi nhận thấy sự tu tập của đại chúng đã đạt đến một trình độ nhất định cũng như lòng tin vào Chánh pháp đã được kiên cố, ngài mới quyết định đưa ra phần giáo pháp sâu xa uyên áo nhất, có công năng dứt trừ tận gốc rễ của mọi hình thức khổ đau trong hiện tại cũng như tương lai. Đó là giáo pháp thường, lạc, ngã, tịnh trong kinh Đại Bát Niết-bàn này. Đức Phật dạy:

“Vì điên đảo nên người thế gian biết văn tự mà không biết nghĩa chân thật. Thế nào là nghĩa chân thật? Vô ngã là sanh tử, ngã tức là Như Lai; vô thường là hàng Thanh văn và Duyên giác, thường tức là pháp thân Như Lai; khổ là tất cả ngoại đạo, lạc tức là Niết-bàn; bất tịnh là pháp hữu vi, tịnh tức là Chánh pháp của chư Phật, Bồ Tát. Đó gọi là không điên đảo.

“Vì không điên đảo nên biết được cả văn tự và nghĩa chân thật. Nếu muốn lìa xa bốn pháp điên đảo, cần phải biết rõ nghĩa chân thật thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.”

(trang 253, tập I)

Như vậy, rõ ràng là sự so sánh những giáo pháp do đức Phật thuyết giảng hoàn toàn không thể dựa trên cơ sở ngôn ngữ và lý luận, mà cần phải có sự thực chứng đối với từng vấn đề được nêu ra. Vì thế, nếu những ai chưa tu tập pháp quán tưởng vô thường theo đúng lời Phật dạy để có thể tự mình trực nhận ý nghĩa vô thường trong đời sống – chứ không chỉ là sự lặp lại những điều ghi trong kinh điển – thì sẽ chưa có đủ khả năng để nhận biết về ý nghĩa thường mà Phật thuyết dạy trong kinh này. Đối với các pháp khổ, vô ngã và bất tịnh cũng đều như vậy.

Khi thực sự tu tập và nhận biết được các ý nghĩa vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, cho dù đạt được rất nhiều thành tựu về tinh thần cũng như giảm nhẹ rất nhiều khổ đau trong cuộc sống, nhưng người tu tập rồi một lúc nào đó chắc chắn cũng sẽ tự mình chạm đến những giới hạn như lời Phật dạy trong kinh này:

“Nếu nói các pháp thảy đều không có ngã tức là đoạn kiến. Nếu nói rằng có cái ngã tồn tại, tức là thường kiến.

“Nếu nói rằng hết thảy các hành đều không thường còn tức là đoạn kiến. Nếu nói rằng các hành đều thường còn, lại cũng là thường kiến.

“Nếu nói [tất cả các pháp đều là] khổ tức là đoạn kiến, nếu nói [tất cả các pháp đều là] vui, lại cũng là thường kiến.

“Tu tập [theo tư tưởng] tất cả các pháp đều thường tồn sẽ rơi vào đoạn kiến. Tu tập [theo tư tưởng] tất cả các pháp đều đoạn diệt sẽ rơi vào thường kiến.

(trang 253, tập I)

Như vậy, những quan điểm vô ngã và có ngã, vô thường và thường, khổ và vui, cho đến sự tu tập tư tưởng các pháp là thường tồn hay là đoạn diệt đều không phải những pháp môn giải thoát rốt ráo. Ở đây, chúng ta thấy rõ một điều là khi chưa đạt đến sự giải thoát rốt ráo thì mọi quan điểm của chúng ta đều bị giới hạn và xoay vòng trong phạm trù khái niệm, buông bên này sẽ vướng vào bên kia, khác nào như một quả cầu trong sân chơi, liên tục bị người chơi đánh qua đá lại:

“...Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, vì không thấy tánh Phật nên tự tạo nghiệp trói buộc, luân chuyển mãi trong sanh tử, khác nào như trái cầu [bị người chơi đánh qua lại mãi]!”

(trang 272, tập V)

Theo câu kinh này thì muốn thực sự giải thoát khỏi sanh tử chỉ có một cách duy nhất là phải đạt đến nhận thức chân thật: thấy được tánh Phật. Bởi vì vấn đề được xác định rõ ở đây là “vì không thấy tánh Phật nên tự tạo nghiệp trói buộc, luân chuyển mãi trong sanh tử”.

Trong phần nói về tánh Phật, chúng ta đã thấy được rằng tánh Phật, hay năng lực giải thoát, hay cảnh giới chứng ngộ rốt ráo của Như Lai, là không thuộc về thời gian và không gian. Vì thế, thật ra tánh Phật cũng không thuộc các phạm trù thường hay vô thường, khổ hay vui... Chỉ vì tùy thuận theo sự nhận biết của chúng sanh, muốn khai mở chỗ bế tắc cho những chúng sanh phàm phu còn chưa tự mình thấy được tánh Phật nên đức Phật mới thuyết giảng các ý nghĩa thường, lạc, ngã, tịnh.

Do đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được vấn đề nếu như ta thực hiện sự “khảo cứu” của mình một cách máy móc theo kiểu đặt khái niệm thường ở một phía và khái niệm vô thường ở phía ngược lại rồi so sánh tính hợp lý hay bất hợp lý của chúng. Cách làm tưởng như rất “logic” này thật ra là hết sức khôi hài và chắc chắn không mang lại bất cứ kết quả nào khi tìm hiểu về những vấn đề trong Phật pháp nói chung, và về những ý nghĩa chúng ta đang xét đến nói riêng. Tuy nhiên, nếu không có được chút kinh nghiệm tu tập nào trong Phật pháp thì đây sẽ là cách thức duy nhất mà các học giả có thể làm khi nghiên cứu về giáo pháp của đức Phật.

Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp dành cho những ai thực sự hành trì và tự chứng nghiệm. Đức Phật đã thuyết giảng các lẽ vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh để dẫn dắt chúng sanh trong sự tu tập hướng đến giải thoát, thì giờ đây khi ngài thuyết giảng các lẽ thường, lạc, ngã, tịnh trong kinh Đại Bát Niết-bàn này cũng vẫn là đi theo con đường duy nhất đó, con đường hướng đến sự giải thoát rốt ráo khỏi sanh tử luân hồi.

Từ đó chúng ta có thể hiểu được rằng không hề có sự mâu thuẫn giữa các phần giáo pháp được chứa đựng trong những lớp vỏ ngôn ngữ tưởng chừng trái ngược nhau, không thể cùng tồn tại như thường với vô thường, khổ với lạc, ngã với vô ngã, tịnh với bất tịnh.

Đức Phật giảng giải về sự tu tập chân chánh theo các pháp thường, lạc, ngã, tịnh như sau:

“Ngã là nghĩa Phật; thường là nghĩa Pháp thân, lạc là nghĩa Niết-bàn, tịnh là nghĩa pháp.

“... ...

“Khổ cho là vui, vui cho là khổ, đó là pháp điên đảo.

“Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, đó là pháp điên đảo.

“Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, đó là pháp điên đảo.

“Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, đó là pháp điên đảo.

“Người nào có bốn pháp điên đảo như vậy là không biết tu tập các pháp một cách chân chánh.

(trang 251-252, tập I)

Như vậy, vấn đề ở đây không phải là sự thuyết dạy lẽ thường để bác bỏ vô thường, ngã để bác bỏ vô ngã... mà điểm quan trọng chính là người tu tập phải nhận biết một cách chân thật về tính chất của các pháp khác nhau, phải biết phân biệt được giữa những gì thực sự là thường tồn với những gì là vô thường, giả tạm, cũng như những gì thực sự là khổ não, những gì là an lạc... Nếu người tu tập đạt được sự thấy biết phân biệt chân chánh như vậy mới gọi là dứt trừ được các pháp điên đảo.

Và để giải thích rõ sự phương tiện tùy thuận thuyết pháp qua từng giai đoạn khác nhau, đức Phật dẫn câu chuyện một vị lương y trước đó đã từng tâu xin vua cấm hẳn việc dùng sữa làm thuốc, rồi sau lại khuyên chính đức vua ấy dùng sữa để trị bệnh. Tuy vậy, quyết định thích hợp của ông ta trong từng trường hợp, dù là cấm dùng sữa hay khuyên dùng sữa đều đã mang lại kết quả tốt đẹp, trị dứt được bệnh tật. Sau đó, đức Phật kết luận:

“... Đức Như Lai ở trong pháp Phật mà thuyết dạy là vô ngã. Vì điều phục chúng sanh, vì biết lúc thích hợp, nên nói pháp vô ngã như vậy.

“Khi đủ nhân duyên lại thuyết pháp hữu ngã. Như vị lương y kia, biết rành tính chất của sữa, cũng là thuốc mà cũng không phải là thuốc, không giống như chỗ những kẻ phàm phu suy lường cái ngã mà ta thuyết dạy.

“... ...

“Cho nên Phật dạy rằng: Các pháp là vô ngã, nhưng thật chẳng phải vô ngã. Thế nào là thật? Nếu như có pháp là chân thật, là thường tồn, là chủ tể, là chỗ nương theo, bản tánh không thay đổi, đó gọi là ngã.”

(trang 260-261, tập I)

Pháp chân thật, thường tồn ở đây chính là cảnh giới giải thoát rốt ráo của Như Lai mà đức Phật đang hết lòng thuyết dạy để dẫn dắt chúng sanh đi đến. Vì thế, dù là “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh” hay “thường, lạc, ngã, tịnh” cũng đều là những phương thuốc linh diệu mà bậc Đại Y vương đã vì liệu trị cho tất cả chúng sanh bệnh khổ nên mới tùy phương tiện dùng đến.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]