Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Hãy hướng mọi trách móc, đổ lỗi vào chính mình

12/01/201103:28(Xem: 4158)
12. Hãy hướng mọi trách móc, đổ lỗi vào chính mình

CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ

Bản Văn Bảy Điểm Tu Tâm của phái Kadam
Nguyên tác: Training the Mind and Cultivating Loving-Kindness by Chošgyam Trungpa
Nhà xuất bản Shambhala, 1993
Việt dịch: Trùng Hưng - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001
none
none
 

ĐIỂM BA
SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG HOÀN CẢNH XẤU
THÀNH CON ĐƯỜNG CỦA GIÁC NGỘ

ĐIỂM BA VÀ NHẪN NHỤC BA LA MẬT

12
Hãy hướng mọi trách móc,
đổ lỗi vào chính mình

Châm ngôn này về việc đối xử với thực tại (sự thật) quy ước, hay kušndzop. Bất kể cái gì xảy ra trong kinh nghiệm bình thường của chúng ta, bất cứ công việc nào chúng ta tham dự vào, bất cứ hoàn cảnh thú vị và mạnh mẽ nào – chúng ta không nên có mong mỏi gì trong sự hoàn trả lại lòng tốt của chúng ta. Khi chúng ta tốt với ai, hãy không có ước muốn gì về một giải thưởng nào cho chuyện đó. Hướng mọi trách móc về mình nghĩa là mọi vấn đề và rắc rối chung quanh sự thực hành, sự chứng ngộ và thấu hiểu không phải là lỗi của một ai khác. Tất cả mọi trách móc luôn luôn bắt đầu với chính chúng ta.

Nhiều người đi qua thế giới này và thực sự tạo ra một cuộc sống thoải mái do bi mẫn và rỗng rang – dầu chỉ có vẻ bi mẫn và rỗng rang. Họ có vẻ đơn độc trong thế giới này. Tuy dù chúng ta chia xẻ chung một loại thế giới, chúng ta bị va chạm thường trực. Chúng ta bị vướng vào trách móc và chúng ta bị rối loạn – những vấn đề tình cảm, những vấn đề tài chính, tương quan lệ thuộc và những vấn đề xã hội xảy ra mọi lúc. Cái gì đó đang chơi khăm chúng ta. Một câu dân gian nói, “Chớ đặt cái bẫy của bạn cho tôi.” Lạ lùng thay, những bẫy mắc đang được đặt cho chúng ta, nhưng chẳng bởi ai cả. Chính chúng ta quyết định nhận lấy những vướng mắc ấy, và rồi chúng ta phẫn hận và giận dữ.

Chúng ta có thể hoàn toàn có một cách sống giống như bất cứ ai khác. Chẳng hạn chúng ta có thể chia một phòng với một bạn học, ăn cùng một thức ăn có vấn đề, chia cùng một ngôi nhà bẩn thỉu, có cùng thời khóa biểu và cùng những vị thầy. Người bạn cùng phòng sắp xếp mọi thứ đều tốt và tìm thấy sự tự do của hắn. Trái lại chúng ta bị mắc lầy trong cái trí nhớ này và đầy ắp phẫn hận luôn luôn. Chúng ta muốn cách mạng, muốn phá tung thế giới. Nhưng có ai gây phiền não cho ta ? Chúng ta có thể nói rằng thầy giáo đã làm điều đó, rằng ai cũng ghét chúng ta và họ đã làm điều đó. Nhưng tại sao họ ghét chúng ta ? Đấy là một điểm rất đáng lưu ý.

Sự trách móc đối với nỗi bất hạnh xảy ra cho chúng ta thì luôn luôn tự nhiên được hướng về phía chúng ta ; đó là việc làm của riêng chúng ta. Đấy không phải chỉ thuần túy là tư tưởng đã pha lỗng của đại thừa. Bạn có thể nói rằng, điều chúng ta đang thảo luận đêm nay là thuần túy đại thừa – một khi chúng ta đi vào tantra, chúng ta có thể trả thù những người ấy. Nhưng vấn đề không phải thế. Tôi cầu xin bạn chớ thử điều đó. Mọi sự đặt nền trên sự bồn chồn riêng của chúng ta. Chúng ta có thể trách móc tổ chức, chúng ta có thể trách móc chính phủ, chúng ta có thể trách móc lực lượng cảnh sát ; chúng ta có thể trách móc thời tiết ; chúng ta có thể trách móc thức ăn, những xa lộ, xe hơi chúng ta, áo quần chúng ta ; chúng ta có thể trách móc vô số sự vật. Nhưng chính chúng ta không để cho sự vật diễn tiến, không buông xả, không phát triển đủ sự ấm cúng và thiện cảm – đấy là điều làm cho chúng ta không thể giải quyết. Thế nên chúng ta không thể trách móc, đổ lỗi cho ai.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể xây dựng mọi loại triết học và nghĩ chúng ta đang đại diện cho tiếng nói của phần còn lại của thế giới, nói rằng đấy là ý kiến của thế giới, đó là điều xảy ra trong thế giới. “Bạn không thấy rằng, bạn không nên bắt tôi chịu đựng điều ấy ? Thế giới là như thế này, còn thế giới chân thực là thế kia.” Nhưng chúng ta không phát biểu nhân danh thế giới, chúng ta chỉ phát biểu nhân danh chính chúng ta.

Châm ngôn này áp dụng bất kỳ khi nào chúng ta trách móc về bất cứ cái gì, thậm chí cà phê của chúng ta lạnh hay phòng tắm chúng ta dơ. Nó mở rộng rất xa. Mọi sự là vì sự bôn chôn lộn xộn của riêng chúng ta, có thể nói thế, nó được biết như là sự chấp ngã, sự trụ ngã. Bởi vì chúng ta quá bôn chôn về chính chúng ta, điều ấy đồng thời làm chúng ta rất dễ bị tổn thương. Bởi thế chúng ta tự cung cấp bia ngắm lý tưởng. Chúng ta bị đánh trúng, nhưng không có ai nhắm trúng chúng ta cả – chúng ta thực sự mời những viên đạn. Thế nên chúng ta ở đây, trong thế giới quá đỗi già nua. Lái mọi trách móc vào mình là một ý tưởng rất tốt.

Ý định hướng mọi trách móc, đổ lỗi vào chính mình là nếu khác đi, bạn sẽ không đi vào con đường bồ tát. Do đó, bạn không muốn đặt bất kỳ sự trách cứ hiếu chiến và xúc động nào lên bất cứ một ai cả. Thế nên hướng mọi trách móc vào chính mình bắt đầu bằng thái độ ấy. Trên nền tảng này, bạn hướng mọi trách móc vào chính mình lần nữa ở mức độ vipashyana. Cái này thực sự bao hàm kinh nghiệm những hậu quả thực, thấy được, hợp lý luận của việc làm khác đi. Chẳng hạn, bạn có thể hướng mọi trách móc vào ông A nào đó, nhưng thay vì thế, bạn hướng mọi trách móc vào chính bạn. Trong trường hợp này, bạn thực sự bắt đầu thấy khả năng rằng sự sân giận và loạn thần sẽ được rải rộng nếu bạn hướng cơn loạn thần của bạn vào một ai khác. Thế nên thay vì vậy, bạn hướng những trách móc của bạn lên chính bạn. Đó là điểm căn bản.

Tất cả điều này hình như nằm trong những phạm trù tổng quát là lòng bi với những người khác và một thái độ thương yêu với chính mình, trong tiếng Sanskrit là karuna (bi) và maitri (từ). Nói cách khác, kinh nghiệm của bi và từ là hướng mọi trách móc vào mình. Thế nên châm ngôn này liên hệ với kỷ luật căn bản của con đường bồ tát, là không làm mọi loại ác hạnh. Bản liệt kê truyền thống bốn mươi sáu điều thất bại của một bồ tát (xem Phụ lục) có thể được sử dụng trong mối liên hệ với việc hướng mọi trách móc vào chính mình. Chúng liên hệ với nhau rất căn bản.

Châm ngôn này là tinh túy của con đường bồ tát. Cho dù có ai đó có kêu lên những tiếng la ó kinh khủng và đổ lỗi cho bạn, bạn cũng nên tự nhận sự trách móc. Về mặt quyền lực, đó là cách nhiều đơn giản hơn và trực tiếp hơn để đơn giản hóa những chứng loạn thần phức tạp vào một điểm. Cũng thế, nếu bạn tìm những người tự nguyện chung quanh bạn để nhận lãnh sự trách móc, sẽ không có người tự nguyện nào ngoài chính bạn. Bằng cách nhận lấy sự trách móc riêng biệt ấy cho chính bạn, bạn giảm thiểu bệnh loạn thần đang xảy ra quanh bạn. Bạn cũng giảm thiểu mọi chứng hoang tưởng hiện hữu trong những người khác, đến độ những người ấy có thể có cái nhìn sáng tỏ hơn.

Bạn có thể thực sự nói, “Tôi nhận sự trách cứ. Chính là lỗi của tôi mà sự việc ấy đã xảy ra và những sự việc ấy có ra như là những kết quả.” Nó rất giản dị và bình thường. Bạn có thể thực sự tương thông với ai đó, họ không ở trong một tâm thái phòng thủ phản công, bởi vì bạn đã nhận mọi trách móc. Tốt hơn nhiều và dễ hơn nhiều để nói chuyện với ai đó một khi bạn đã chấp nhận sự trách cứ đổ lỗi. Bấy giờ bạn có thể soi sáng tình huống và hoàn toàn có thể người mà bạn đang nói chuyện, người ấy có thể là nguyên nhân đặc biệt của vấn đề, sẽ hiểu ra rằng anh ta đã tự mình làm ra cái sự việc tai hại. Người ấy có thể nhận biết việc làm sai trái của mình. Nhưng điều đó dễ xảy ra chỉ khi sự trách cứ, nó chỉ là một con cọp giấy cho tới lúc đó, đã được bạn nhận về phần mình. Điều đó phải xảy ra.

Loại tiếp cận này trở nên rất quan trọng cực kỳ. Tôi đã thực sự làm nó cả ngàn lần. Tôi đã nhận cho mình nhiều sự trách móc. Một người có thể làm một điều kinh khủng căn cứ trên cái hiểu của họ về sự khuyên bảo của tôi. Nhưng ô-kê, tôi có thể hết lòng nhận lấy nó như vấn đề rắc rối của tôi. Theo cách đó, có một số cơ may để làm việc với một người như vậy, và người ta bắt đầu tiếp tục và hoàn thành những hoạt động của nó một cách thích đáng, và mọi sự tốt đẹp.

Đó là một bí quyết hành chánh. Nếu những cá nhân có thể tự nhận sự trách cứ cho chính mình và để cho những người bạn của họ tách khỏi sự trách cứ đó mà tiếp tục công việc và bổn phận của họ, điều ấy làm cho toàn bộ tổ chức vận hành tốt hơn và cho phép nó có hiệu quả nhiều hơn. Khi bạn nói, “Anh thật cà chớn ! Tôi không làm một việc như vậy. Không phải tôi, chính anh đã làm điều đó. Không ai trách tôi được cả”, thì toàn bộ sự việc trở nên rất rắc rối. Bạn bắt đầu tìm kiếm xem tiếng bốp nhỏ này của một sự việc bẩn thỉu văng dội đâu đó trong văn phòng, một cái gì như trái bóng bàn dội tới dội lui. Và nếu bạn ra công chiến đấu với nó quá nhiều, bạn sẽ khó khăn khủng khiếp để giải quyết hay thanh toán cái việc nhỏ gây trở ngại mà vô hình đó. Thế nên bạn càng sớm nhận trách nhiệm về sự hư hỏng, thì mọi việc càng tốt hơn. Và dù đó vốn không thực sự là lỗi của bạn tí nào, bạn hãy nhận nó như là lỗi của chính bạn.

Điều này có vẻ là một điểm đáng quan tâm, trong đó hai phương diện của lời nguyện bồ tát, mošnpa và jukpa (muốn vào và thực sự vào kỷ luật bồ tát) đi cùng nhau. Đấy là cách làm thế nào bạn làm việc với bạn bè chúng sanh hữu tình. Nếu bạn không chấp nhận một chút trách cứ và bất công đến với bạn, không có gì vận hành được. Và nếu bạn không thực sự thu hút vào tất cả sự trách cứ, mà nói nó không phải là của bạn bởi vì bạn cũng tốt và làm việc giỏi, thì bấy giờ chẳng có gì hoạt động được. Thế bởi vì mọi người đang tìm một ai đó để trách móc, đổ lỗi, và họ muốn trách móc bạn – không phải vì bạn đã làm điều gì, mà vì họ hầu như nghĩ rằng bạn có một điểm mềm yếu trong lòng bạn. Họ nghĩ rằng nếu họ trét mứt hay mật ong hay keo dán lên bạn, bấy giờ bạn thực sự có thể nhận nó và nói, “Ô-kê, trách nhiệm hư hỏng đó là của tôi.”

Một khi bạn bắt đầu làm điều đó, thì chính đó là luận lý cao nhất và quyền lực nhất, việc tụng thần chú mạnh mẽ nhất mà bạn có thể làm. Bạn có thể thực sự làm cho toàn bộ sự việc được hữu hiệu. Bạn có thể uống thuốc độc – bấy giờ phần còn lại của tình huống trở thành y dược. Nếu không có ai sẵn sàng hấp thụ sự trách cứ, nó trở thành một trận đấu bóng chằng chịt tương thuộâc khổng lồ. Thậm chí nó không được chặt chẽ như một trận đấu bóng hay, mà đầy nhựa dính và chất nhờn khắp quang cảnh bên ngoài. Mọi người cố gắng đẩy nó cho người khác và không có gì giải quyết được. Cuối cùng trận đấu bóng này càng ngày càng lớn hơn. Bấy giờ nó gây ra những thứ lật đổ và mọi thứ khác.

Xa hơn là những vấn đề chính trị thế giới, người ta luôn luôn cố gắng đổ lỗi và trách móc lên người nào khác, chuyển trái banh khổng lồ dơ bẩn, trơn nhờn hôi thối với đủ loại dòi bọ qua người khác. Người ta nói, “Không phải của tôi, của anh đó.” Cực này nói nó thuộc về cực kia, và cực kia nói nó thuộc về cực này. Ném nó lui tới chẳng giúp gì cho ai. Thế nên ngay từ quan điểm lý thuyết chính trị – nếu có một thứ như là chính trị trong đại thừa hay trong Phật giáo – điều quan trọng cho mỗi cá nhân là thu hút lấy sự trách móc không công bằng và làm việc với nó. Điều này rất quan trọng và cần thiết.

Luôn luôn bạn định quy lỗi cho một ai khác về mọi vấn đề xảy ra trong đời bạn – chính trị, môi trường, tâm lý, gia đình hay tâm linh. Có thể bạn không có một cá nhân riêng biệt nào để trách cứ, nhưng bạn vẫn tiến hành cái luận lý cơ bản rằng có cái gì đó sai lầm. Bạn có thể đến nhà chức trách hay những lãnh tụ chính trị của bạn hay bạn bè của bạn và đòi hỏi môi trường phải thay đổi. Đó là cách thường xuyên của bạn để trách móc người khác. Bạn có thể tổ chức một nhóm người họ cũng như bạn, trách móc môi trường, và bạn có thể gom góp những chữ ký cho một kiến nghị và đưa nó cho một lãnh tụ nào có thể chuyển đổi môi trường. Hay trong việc ấy sự trách móc của bạn có thể thuần túy về cá nhân : nếu chồng hay vợ bạn yêu một người khác, bạn có thể yêu cầu anh ta hoặc chị ta bỏ người tình của mình đi. Nhưng chuyện gì càng liên hệ đến bạn bao nhiêu, bạn càng cảm thấy bạn trong sạch và tốt đẹp, bạn chẳng bao giờ đụng đến bạn cả. Bạn muốn duy trì chính mình một trăm phần trăm. Bạn luôn luôn đòi hỏi ai đó làm cái gì cho bạn, trên mức độ rộng hơn hay nhỏ hơn. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ càng vào điều bạn đang làm, nó trở thành không hợp lý.

Bản văn nói : “Hướng mọi trách móc vào mình.” Lý do bạn cần làm thế là vì bạn đã quá chừng quý trọng mình, thậm chí tới mức hy sinh cuộc đời của người khác. Bạn đã quý chuộng mình, đã bám giữ chính mình quá đỗi thân thiết. Dù đôi khi bạn có thể nói bạn không thích chính bạn, dù cả lúc ấy trong thâm sâu của lòng bạn, bạn biết rằng bạn tự yêu thích mình đến độ bạn sẵn sàng ném người khác xuống mương, xuống cống. Thực sự bạn sẵn sàng làm thế. Bạn sẵn sàng để cho người nào hy sinh đời họ, tự cho đi bản thân họ vì bạn. Dù gì đi nữa, thì bạn là ai ? Thế nên vấn đề mọi trách móc cần được hướng vào chính mình. Châm ngôn này là châm ngôn thứ nhất về sự nhìn thấy toàn bộ cuộc đời của bạn là phần của con đường Bồ đề tâm tương đối.

Châm ngôn này không có nghĩa là bạn không nên nói to lên. Nếu bạn thấy cái gì rõ ràng hủy hoại người nào, bạn cần nói ra. Nhưng bạn có thể nói ra trong hình thức hướng mọi trách móc vào chính bạn. Vấn đề là làm sao trình bày nó cho những người có thẩm quyền. Thường thường bạn đến họ theo một cách thức gây hấn, truyền thống kiểu Mỹ. Bạn đã được huấn luyện để nói cho chính bạn và cho những người khác trong một kiểu “chúa tể của ngôn ngữ”. Bạn bước ra với những tấm áp phích và than phiền : “Chúng tôi không thích cái này.” Nhưng điều ấy chỉ làm cho những người có thẩm quyền cứng cỏi hơn nữa. Có thể có một cách tốt hơn nhiều để tiếp cận toàn bộ sự việc, một cách thức thông minh hơn. Bạn có thể nói, “Có thể đó là sự khó khăn của tôi, nhưng về cá nhân, tôi thấy rằng nước này có mùi vị không tốt.” Bạn và các bạn bè của bạn có thể nói, “Chúng tôi không cảm thấy tốt khi uống nước này.” Nó có thể rất đơn giản và thẳng thắn. Bạn không phải đi suốt toàn bộ công việc pháp luật. Bạn không phải dùng đường lối “chúa tể của ngôn ngữ” với những tuyên bố công khai mọi loại, “Tự do cho toàn thể nhân loại !” hay đại loại như thế. Có khi bạn còn mang theo cả chó và mèo. Tôi nghĩ toàn bộ sự việc có thể được tiến hành rất nhẹ nhàng, hòa nhã.

Quả thật có những vấn đề xã hội, nhưng cách để tiếp cận nó không phải là “Tôi – một thực thể chính trị hợp pháp”, hay “tôi – một người quan trọng trong xã hội”. Dân chủ được xây dựng trên thái độ nói ra cho chính tôi, cái tôi vô địch. Tôi nói cho nền dân chủ. Tôi muốn có những quyền của riêng tôi, và tôi cũng nói cho những quyền của những người khác. Bởi thế, chúng tôi không muốn có loại nước này. Nhưng cách tiếp cận như thế không có tác dụng. Điểm chính là kinh nghiệm của người ta về chính họ có thể được tập họp lại, hơn là chỉ có một nhóm hình thức. Đó là điều bạn làm khi thực hành ngồi.

Trong một trường hợp cùng cực, nếu tôi thấy mình ở trong trung tâm chỉ huy nơi có người bấm nút cho nổ tung trái đất, tôi sẽ giết chết người sắp bấm nút phóng bom đi mà không ngần ngại gì. Có lẽ tôi còn vui vì điều đó ! Nhưng điều đó có hơi khác với điều chúng ta đang nói đây. Trong trường hợp kia, bạn đang đối xử với giới hạn chịu đựng của quyền lực xã hội tổng quát. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ nói về cách làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một cách tập thể thế giới này, để cho nó có thể trở thành một xã hội giác ngộ. Tạo ra một xã hội giác ngộ đòi hỏi sự trau dồi chung bản chất ấy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]