Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Gởi cho và nhận lấy cần được thực hành lần lượt. Hai cái ấy cần cỡi trên hơi thở.

12/01/201103:18(Xem: 3983)
7. Gởi cho và nhận lấy cần được thực hành lần lượt. Hai cái ấy cần cỡi trên hơi thở.

CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ

Bản Văn Bảy Điểm Tu Tâm của phái Kadam
Nguyên tác: Training the Mind and Cultivating Loving-Kindness by Chošgyam Trungpa
Nhà xuất bản Shambhala, 1993
Việt dịch: Trùng Hưng - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001
none
none

ĐIỂM HAI
SỰ THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM

BỒ ĐỀ TÂM TỐI HẬU VÀ TƯƠNG ĐỐI

 

7
Gởi cho và nhận lấy cần được thực hành lần lượt.
Hai cái ấy cần cỡi trên hơi thở.

Cho và nhận là một thực hành rất quan trọng của con đường Bồ tát. Nó được gọi là tonglen trong tiếng Tây Tạng : tong nghĩa là “gởi đi” hay “để cho đi” và len nghĩa là “nhận lại” hay “chấp nhận”. Tonglen là một từ rất quan trọng ; bạn hãy nhớ lấy nó. Nó là thực hành chính trong sự phát triển của Bồ đề tâm tương đối.

Châm ngôn nói : “Hai cái ấy cần cỡi trên hơi thở.” Chúng ta dùng hơi thở như một kỹ thuật theo cùng vì hơi thở thì thường trực và vì nó là một cái gì rất tự nhiên với chúng ta. Bởi thế, chúng ta cũng dùng nó ở đây, đúng như cách chúng ta đang làm trong kỹ thuật shamatha.

Sự thực hành tonglen thì hoàn toàn dễ làm ; nó là một thực hành ngồi thiền thực sự. Bạn cho đi hạnh phúc, lạc thú, thứ nào cảm thấy tốt đẹp của bạn. Tất cả những thứ ấy đi ra với hơi thở ra. Khi bạn thở vào, bạn hít vào những phẫn uất và rắc rối, thứ nào cảm thấy tệ hại. Toàn bộ vấn đề là thay đổi lãnh địa với nhau.

Sự thực hành tonglen thì rất đơn giản. Chúng ta không cần phải phân loại trước tiên những định nghĩa giáo điều của chúng ta về tốt và xấu. Chúng ta chỉ đơn giản thở ra mọi thứ tốt đã cũ và thở vào mọi thứ xấu đã cũ. Ban đầu có vẻ như chúng ta liên kết một cách tiên khởi với những ý niệm của chúng ta về tốt và xấu. Nhưng khi tiếp tục, nó trở nên cụ thể hơn. Một mặt, bạn không thể hy vọng một lá thơ thân thiện từ bà của bạn khi mà bạn đã dấn mình vào trong một cuộc chiến với bà cách đây năm năm. Chắc chắn bà sẽ không viết cho bạn một lá thơ tốt đẹp chỉ sau ba ngày thực hành tonglen. Mặt khác, cho và nhận sẽ chắc chắn có một kết quả tốt, hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ đó là một vấn đề về sự chững chạc và thái độ tổng quát của bạn.

Đôi khi chúng ta cảm thấy sợ hãi rằng chúng ta đang thở vào chất độc nó có thể giết chết chúng ta và đồng thời thở ra mọi thứ tốt đẹp nhỏ nhoi chúng ta có. Nó có vẻ hoàn toàn không thể thực hiện. Nhưng một khi chúng ta bắt đầu vượt sâu vào, chúng ta nhận ra rằng chúng ta còn có nhiều sự tốt hơn để thở ra và chúng ta cũng có nhiều điều hơn để thở vào. Như thế toàn thể tiến trình trở thành một cái gì cân bằng. Điều ấy luôn luôn như vậy, nhưng nó cần tu hành lâu dài. Cho và nhận là tương thuộc. Mặt này càng nhiều tiêu cực chúng ta nhận vào với một cảm thức rỗng rang và bi mẫn, thì càng có nhiều tốt đẹp để thở ra về mặt kia. Thế nên không có gì để phải mất. Tất cả đó là một tiến trình.

Trong tonglen chúng ta ước mong nhận lấy sự khổ đau của những chúng sanh khác. Chúng ta hiểu điều ấy một cách cụ thể : chúng ta thực sự sẵn sàng nhận nó. Như vậy, nó có thể có những hiệu quả thực, cả về người thực hành lẫn những người khác. Có một câu chuyện về một đạo sư Kadam đang thực hành tonglen và ngài thực sự nhận lấy sự đau đớn của người khác trên chính mình : khi có người ném đá vào một con chó ở ngoài nhà của ngài, vị đạo sư bầm tím. Và sự việc như vậy có thể xảy ra cho chúng ta. Nhưng tonglen không nên được dùng như một loại đối trị. Bạn không làm nó rồi chờ đợi hiệu quả – bạn chỉ làm nó và buông thả nó. Vấn đề là không phải nó tác động hay không : nếu nó thành tựu, bạn thở nó ra ; nếu nó không thành tựu, bạn thở nó vào. Thế đấy, bạn chẳng sở hữu cái gì cả. Đó là điểm chủ yếu.

Thường thường bạn muốn bám lấy cái tốt của bạn. Bạn muốn làm một hàng rào quanh bạn và vất mọi thứ xấu xa ra ngoài hàng rào : những người lạ, những hàng xóm hay cái gì bạn có. Bạn không muốn họ đi vào. Bạn không muốn ngay cả những người hàng xóm dắt những con chó của họ đi trên đất bạn vì họ có thể làm hỏng bãi cỏ của bạn. Thế đấy, trong cuộc đời sanh tử bình thường, bạn không cho và không nhận chút nào. Bạn cố gắng hết mức để bảo vệ những hoàn cảnh thích thú nhỏ nhoi mà bạn đã tạo cho mình. Bạn ráng đặt nó trong chân không, như một trái cây trong hộp thiếc, sạch sẽ hoàn toàn. Bạn cố gắng bám giữ nó hết mức và mọi cái bên ngoài lãnh thổ bạn bị xem như đều đáng ngờ. Bạn không muốn mắc bệnh cúm hay bệnh tiêu chảy đang tấn công nơi địa phương bạn. Bạn thường trực tránh xa hết mức. Bạn có thể không đủ tiền để xây một lâu đài hay bức tường quanh bạn, nhưng cánh cửa trước của bạn rất chắc chắn. Bạn luôn luôn khóa hai lần cửa. Thậm chí khi lấy phòng trong một khách sạn, người quản lý luôn luôn nói với bạn khóa hai lần cửa và không để ai vào trong trừ phi chính bạn kiểm tra họ trước. Bạn có thể đọc điều đó trong bản điều khoản của chủ quán trọ yết trên mặt sau cửa khách sạn. Điều ấy chắc chắn nói với bạn toàn bộ sự việc. Chúng ta có điên không ?

Nói một cách căn bản, con đường đại thừa cố gắng chỉ cho chúng ta rằng chúng ta không việc gì phải tự bảo đảm cho mình. Chúng ta có thể trải rộng ra một chút – một chút thôi. Ý tưởng căn bản của thực hành cho và nhận là hầu như một cuộc diễn tập, một kỷ luật của sự không tham đắm trước đam mê, một cách để vượt khỏi lãnh địa. Vượt khỏi lãnh địa cốt đi ra với hơi thở ra, cho đi và cho ra, và đem vào với hơi thở vào càng nhiều càng tốt sự đau đớn và thống khổ của người ta. Bạn muốn trở thành đối tượng của cái đau đớn và thống khổ đó. Bạn muốn kinh nghiệm nó trọn vẹn và triệt để.

Bạn thực hành đặt những người khác lên hàng đầu nhờ một kỷ luật rất cụ thể là tonglen. Bạn làm điều ấy như thế nào theo nghĩa bình thường ? Hay bạn chạy đến người nào đó trên đường phố và nói, “Nào, hãy lấy kẹo của tôi và cho tôi khăn tay giấy trong túi của bạn ?” Dĩ nhiên, bạn có thể làm điều đó nếu bạn muốn, và nếu bạn đủ tháo vát, bạn có thể làm thế mà không làm ai bực mình. Nhưng ấy là một kinh nghiệm với những người khác trên bình diện quá thô. Điều chúng ta làm thì khác. Chúng ta có một cách thực hành đặt người khác lên hàng đầu – bằng cách để cho đi và nhận lại qua phương diện hơi thở. Giai đoạn đầu của tonglen ắt ở sự thực hành cho và nhận trong tâm thức, một cách tâm lý, dần dần và từ từ. Rồi cuối cùng người ta có thể thực sự làm như một sự việc. Có nói trong kinh điển rằng người ta thậm chí có thể thực hành tonglen bằng cách cầm một miếng trái cây trong tay này và cho nó qua tay kia.

Rõ ràng có một số chướng ngại cho việc thực hành tonglen, đặc biệt vì chúng ta đã đi vào một xã hội công nghiệp hiện đại. Nhưng bạn có thể làm nó từng bước, nó thực sự khiến bạn lớn lên và trở thành người trưởng thành rốt ráo. Điểm chính là khai triển một thái độ tâm thức trao đổi mình cho những người khác : thay vì là ông A, bạn có thể trở thành ông B. Bạn có thể có một số kiêu căng và e dè, tuy nhiên bạn có thể bắt đầu làm điều đó. Rõ ràng, để bắt đầu, tonglen là một trạng thái tâm lý hơn cái gì khác. Nếu mỗi người bắt đầu cho người khác những sự vật, đấy có thể là sự chiến đấu ghê gớm. Nhưng nếu bạn phát triển một thái độ sẵn sàng chia phần những đồ vật quý giá của bạn, cho đi những đồ vật quý giá của bạn cho những người khác, điều ấy có thể giúp khởi đầu tạo ra một điều chân thật tốt đẹp.

Làm sao chúng ta thực hành thực sự tonglen ? Trước tiên chúng ta nghĩ về cha mẹ chúng ta, hay bạn hữu chúng ta, hay bất kỳ ai hy sinh đời họ cho lợi ích của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, chúng ta thậm chí chẳng bao giờ biết nói cám ơn họ. Rất quan trọng khi nghĩ đến điều đó, không phải để phát triển mặc cảm tội lỗi mà chỉ để thấu hiểu chúng ta là thế nào. Chúng ta luôn luôn nói, “Tôi muốn”, và họ đã làm quá nhiều cho chúng ta không một chút phàn nàn.

Tôi chắc chắn bạn có một số câu chuyện về việc bạn đã đối xử tệ với cha mẹ và bạn bè của bạn như thế nào, những người đã giúp đỡ bạn rất nhiều. Họ cống hiến toàn bộ con người họ cho bạn, và bạn không bao giờ nghĩ đến chuyện cám ơn hay viết cho họ một lá thơ. Bạn cần nghĩ đến người đã chăm lo cho bạn rất nhiều nhưng họ không trông chờ được xác nhận. Có nhiều người như vậy. Đôi khi có người ở đâu không biết xuất hiện và cố gắng giúp đỡ cho bạn hết lòng. Những người như thế làm mọi sự cho bạn – họ phục vụ bạn, hy sinh chính họ, và rồi họ đi mất không để lại ngay cả một địa chỉ hay số điện thoại. Luôn luôn có người làm việc này, việc nọ cho bạn. Bạn cần nghĩ đến những hoàn cảnh ấy và đưa chúng vào sự thực hành tonglen của bạn. Khi bạn thở ra, bạn cho họ cái tốt nhất của bạn để trả ơn lòng tốt của họ. Để đẩy mạnh cái thiện trong thế giới, bạn cho ra cái tốt nhất mà bạn có, và bạn thở vào những rắc rối, khốn khổ, đau đớn của họ. Nhân danh họ, bạn nhận lấy đau khổ của họ.

Đó là ý niệm căn bản về thực hành Bồ đề tâm tương đối. Đấy là một thực hành rất hướng về hành động. Chúng ta cho hết mức có thể cho, chúng ta trải rộng hết mức có thể trải rộng. Chúng ta trải rộng nhiều vì chúng ta có cái thiện căn bản, nó là một kho tàng vô tận. Bởi thế chúng ta chẳng mất chút gì và chúng ta có thể vẫn nhận nhiều hơn nữa. Chúng ta luôn luôn có thể là những thiết bị giảm sốc cho sự khổ đau của những người khác. Đó là một thực hành rất năng động – không phải tôi nói là tất cả chúng ta phải đồng nhất như nhau đâu. Chúng ta càng cho nhiều cái tốt nhất của chúng ta, chúng ta càng có thể nhận nhiều cái tệ hại của người khác. Đấy chẳng vĩ đại sao ?

Tonglen có vẻ là một trong những biện pháp tốt nhất cho chúng ta giải quyết những vấn đề về sinh thái và ô nhiễm môi trường của chúng ta. Bởi vì mọi sự đều bao gồm trong đó, tonglen là một cách thức nền tảng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường – đó là cách độc nhất. Hoàn toàn có thể có những kết quả vật chất về việc làm sạch sự ô nhiễm trong các thành phố lớn, thậm chí trong toàn thế giới. Khả năng ấy rất là mạnh mẽ.

Cho và nhận không nên được xem như là bằng chứng cho sự can đảm cá nhân của chúng ta. Không phải chúng ta là người tốt nhất vì chúng ta làm tonglen. Cho và nhận cần được xem như một dòng chảy tự nhiên của trao đổi ; nó chỉ diễn tiến, thế thôi. Chúng ta có thể có khó khăn nhận vào mình sự ô nhiễm, nhận vào bên trong cái xấu, nhưng chúng ta nhận nó vào mình hết lòng – trọn vẹn vào trong. Chúng ta nên cảm thấy rằng phổi chúng ta đều đầy với không khí xấu, rằng chúng ta thực sự tẩy sạch thế giới bên ngoài và đem nó vào trong chúng ta. Bấy giờ, có một công tắc nào được bật, và khi chúng ta thở ra, chúng ta thấy rằng chúng ta còn có một kho tàng bao la hơi thở tốt lành luôn luôn có thể cho ra.

Chúng ta bắt đầu bằng việc nghĩ đến mẹ hay cha mẹ của bản thân chúng ta, đến người nào chúng ta thực sự rất thương yêu, chăm sóc nhiều, như mẹ chúng ta, người nuôi dưỡng chúng ta, chăm sóc chúng ta, chú tâm vào chúng ta và dưỡng dục chúng ta đến mức trưởng thành ngày nay. Chúng ta nghĩ trước tiên đến bà, người mà sự yêu mến và lòng tốt tỏa chiếm chúng ta. Kiểu mẫu ví dụ về mẹ chúng ta không nhất thiết là cách thức duy nhất. Ý tưởng là một người nào đó như một bà mẹ, người ấy tốt bụng và dịu dàng, kiên nhẫn với chúng ta. Chúng ta phải có ai đó dịu dàng, tốt bụng với chúng ta và họ chia xẻ sự tốt đẹp của họ với chúng ta. Nếu chúng ta không có, bấy giờ chúng ta là một cái gì trục trặc, chúng ta bắt đầu ghét bỏ thế giới – nhưng cũng có một biện pháp cho điều đó là thở vào trong mình sự ghét bỏ và thù hận thế giới của chúng ta. Nếu chúng ta không có cha mẹ tốt, một người mẹ tốt, hay một người tốt họ phản chiếu một thái độ tốt lòng với chúng ta để nghĩ đến, bấy giờ chúng ta có thể nghĩ đến chính chúng ta.

Khi bạn bắt đầu làm thực hành tonglen, bạn bắt đầu nghĩ đến cái tốt bạn có thể cho ra, cái bạn có thể cho những người khác. Bạn có nhiều điều tốt để cho, để thở ra cho những người khác. Bạn có nhiều cái tốt, nhiều minh mẫn, nhiều sức khỏe. Tất cả những thứ đó đến thẳng từ tâm thái thức tỉnh và giác ngộ nền tảng, cái ấy sống động, mạnh mẽ và đầy thần lực. Thế nên cái bạn cho ra không chỉ là tưởng tượng nữa, hay một cái gì bạn phải làm cho nổ máy ; bạn hiện có điều gì tốt để cho đến bất kỳ ai. Ngược lại, bạn có thể thở vào một cái gì đau đớn và tiêu cực. Sự khổ đau mà những người khác đang trải nghiệm có thể được đem vào bên trong bởi vì, ngược lại với nó, bạn đang có sự mạnh khỏe và tỉnh thức nền tảng, chắc chắn có thể thu hóa bất kỳ cái gì xảy đến. Bạn có thể thu vào nhiều khổ đau hơn nữa bởi vì bạn có nhiều hơn nữa để cho ra.

Ý niệm ấm áp là nguyên lý căn bản của thực hành tonglen. Điều bạn đang làm cũng được gọi là thực hành Từ, hay trong tiếng Sanskrit, maitri bhavana. Maitri nghĩa là “thân hữu”, “ấm áp” hay “thiện cảm” và bhavana nghĩa là “thiền định” hay “thực hành”. Trong tonglen hay maitri bhavana, chúng ta thở ra mọi thứ dịu dàng và tốt lòng, cảm thấy tốt về tất cả mọi sự – thậm chí cảm thấy tốt về việc đang ăn bánh sô-cô-la hay uống nước lạnh hay đang sưởi ấm mình. Bất kỳ cái gì tốt đẹp hiện hữu trong chúng ta, bất cứ cái gì chúng ta cảm thấy tốt, chúng ta thở ra cho những người khác. Chúng ta phải cảm thấy tốt đẹp đôi lúc nào đó – dù nó chỉ kéo dài một phút hay một giây. Và rồi chúng ta thở vào trong tình huống ngược lại, dù cho nó là xấu và khiếp, thô kệch và đáng ghét. Chúng ta cố gắng thở nó vào trong chúng ta.

Tôi muốn nói thẳng thừng rằng rất quan trọng đối với bạn khi đảm nhận thực hành tonglen một cách hoàn toàn nghiêm túc. Tôi e rằng bạn sẽ khó chịu bứt rứt. Điểm chính là thực sự làm nó một cách thích đáng và triệt để. Hơn nữa, quan trọng là vui thích vì chúng ta đang ở trong một điều kiện làm được cái mà nhiều người khác không bao giờ làm. Vấn đề rắc rối là họ luôn luôn cố gắng cho ra cái cái xấu và nhận vào cái tốt. Đấy là vấn đề của xã hội nói chung và cũng là của thế giới. Nhưng giờ đây chúng ta đang ở trên con đường đại thừa và lý luận bình thường bị đảo ngược. Thật tuyệt, thật phi thường ! Chúng ta thực sự đang có cái “xẻng đào” bên trong, có thể nói thế, trên tâm của Phật, trực tiếp và tốt nhất. Xin hãy nghĩ về điều đó. Sự thực hành này sẽ cực kỳ giúp đỡ bạn, thế nên xin hãy dùng nó một cách nghiêm túc.

Thực hành tonglen không thuần túy là việc tu hành tâm thức. Điều bạn đang làm là thật ! Khi bạn thực hành, bạn phải rất cụ thể : khi bạn thở ra, bạn thật thở ra điều tốt ; khi bạn thở vào bạn thật thở vào cái xấu. Chúng ta không thể giả vờ.

Hãy khởi hành với cái tức thời trực tiếp. Chỉ cái ấy. Cái ấy. Bạn nên cảm thấy rằng toàn thể sự việc đều nới lỏng, thả lỏng. Không có cái gì thực sự bám dính vào bạn hay neo vào trong bạn ; mọi thứ đều có thể tách lìa. Khi bạn thả nó đi, nó ra đi trọn vẹn. Khi những sự vật trở lại với bạn, chúng cũng không thả neo, từ một quan điểm ngoài cuộc, vô can. Chúng đến với bạn và bạn đi ra với chúng. Đó là một kinh nghiệm rất kích thích thực sự. Bạn cảm thấy một cảm thức khoáng đạt khủng khiếp.

Khi bạn buông thả, đó giống như cắt đứt một con diều khỏi sợi dây của nó. Nhưng dù không có dây, con diều vẫn trở lại, như một người nhảy dù đáp xuống với bạn. Bạn cảm thấy một cảm giác trơn lỏng và những sự vật bắt đầu lưu thông rất kỳ diệu. Không có cái gì để đối xử với, liên hệ với trong bất kỳ hình thức bóng gió hay ngầm hiểu nào. Không có cảm giác có ai đó đang làm những hoạt động chính trị đằng sau những màn cảnh. Mọi sự hoàn toàn trôi chảy tự do. Thật lạ lùng tuyệt diệu ! – và bạn có thể làm điều đó. Đấy đích xác là cái chúng ta hiểu khi nói về sự ngây thơ chất phác. Hiển nhiên, bạn có thể rất tốt đẹp trong sự cho đi, và rất tốt đẹp trong nhận lại. Điều ấy thật thích thú.

Trong thực hành tonglen, chúng ta thay thế sự chánh niệm về hơi thở không có nội dung nào, bằng chánh niệm về hơi thở có nội dung. Những nội dung là những tư tưởng có tính tình cảm quy chiếu về nỗi khổ đau và vui sướng của con người. Thế nên bạn có nhiệm vụ làm việc mạnh mẽ cho sự lợi lạc của những người khác. Bạn có nhiệm vụ giúp đỡ người ta. Nếu có người nào chảy máu trước mặt bạn, bạn không thể đứng đấy cầm băng – bạn có nhiệm vụ chạy đến và băng bó cho người ấy, vì cái thiện ! Đích thị là bạn làm thế. Và rồi bạn trở lại và ngồi xuống và chờ xem có ai khác cần đến băng. Giản dị như vậy. Đó là đường lối trợ giúp ban đầu.

Con người cần giúp đỡ. Thế nên chúng ta cần tỉnh thức hơn tí nữa. Chúng ta cần chú ý rằng chúng ta không xem điều đó là một giấc mơ ban ngày hay một ý niệm. Chúng ta phải xem nó là rất cụ thể và rất bình thường. Chỉ thở ra và thở vào. Nó rất cụ thể, rất trực tiếp. Sự lan man phóng dật không ngự trị – trừ phi bạn bị một con quỷ hay hồn ma Julius Caesar hay đại loại thứ gì như vậy ám ảnh. Hãy làm điều ấy một cách rất trực tiếp, rất cụ thể và nghiêm ngặt. Hơi thở của bạn đi ra cho cái kia, hơi thở của bạn đi vào cho cái này – cái kia, cái này, cái kia, cái này. Bạn thở ra cái tốt và thở vào cái xấu. Nó rất đơn giản và cụ thể.

Bạn không thực hành tonglen với sự chờ đợi kết quả. Bạn chỉ làm nó và buông thả nó. Bạn không trông chờ những kết quả. Kết quả có đến hay không, bạn cũng chỉ làm nó và buông thả nó. Nếu kết quả không có, bạn nhận vào, và nếu nó có, bạn cho ra. Như thế bạn không sở hữu cái gì cả. Đó là quan niệm tổng thể. Khi cái gì đến một cách tốt đẹp, bạn cho nó đi ; nếu cái gì không thành tựu, bạn nhận nó vào.

Thực hành tonglen không phải là một việc quá tinh tế. Nó không triết lý, thậm chí không cả tâm lý. Nó là một đường lối tâm thức rất cực kỳ đơn giản. Sự thực hành rất sơ khai, thật thế, sơ khai nhất trong tất cả những thực hành Phật giáo. Khi bạn nghĩ về Phật giáo và mọi thứ trí huệ tinh vi, triết học và kỹ thuật đã được khai triển, thật ngạc nhiên rằng chúng nảy ra từ sự thực hành này, rằng chúng ta đang làm một việc đơn giản và sơ khai như vậy. Nhưng chúng ta làm nó và nó hữu hiệu. Nó hình như đã tốt đẹp cho nhiều thế kỷ, và những thế kỷ ấy đã sản sinh ra một số bồ tát, gồm cả chính đức Phật.

Chỉ lưu ý với kỹ thuật ; sự lan man phóng dật không thành vấn đề. Khi bạn đi ra, bạn ở ngoài ; khi bạn đi vào bạn ở trong. Khi bạn nóng, bạn thì nóng ; khi bạn lạnh, bạn thì lạnh. Hãy đơn giản xuyên thẳng vào hoàn cảnh ấy và rất chính xác. Hãy làm cho nó rất cụ thể và rất đơn giản. Chúng ta không muốn biến điều ấy thành một loại cách mạng tưởng tượng, một đường lối xã hội hay tâm lý. Chúng ta hãy làm nó một cách thích đáng.

Chúng ta cần thành thực để bắt đầu. Đó là điểm rất quan trọng. Và chúng ta cần rất cụ thể với kỹ thuật. Nó đã tác động trên những thế hệ quá khứ, và đã chứng tỏ là chân thật. Thế nên chúng ta có thể thực hành cụ thể. Chúng ta không phải nghiên cứu nó thêm nữa. Thay vào đó, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng để thực hành và chỉ thực hành nó một thời gian. Bấy giờ chúng ta sẽ khám phá ảnh hưởng của nó và chúng ta có thể tiếp tục từ đó. Thình lình, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có thể đạt được giác ngộ.

Cho và nhận thật đúng như là huấn luyện nơi bãi tập. Nó giống như những người lính học cách làm sao đâm thủng một bao đầy cát : thấy đó là kẻ thù, họ hét lên, “Hô !”, khi họ đâm xuyên bao cát với lưỡi lê của họ. Một số người lính phải có một thời gian khó nhọc để hòa mình với thiên nhiên vì họ đến từ những thành phố, nơi người ta chưa từng có ý tưởng sống với tuyết hay sức nóng của mùa hè phải thế nào ; họ không biết làm sao vượt sông hay làm nhiều thứ khác, thế nên những người lính phải tập luyện ở thao trường. Tương tự, những chiến sĩ đi theo con đường Bồ tát đi qua một loại thao trường, tập luyện như vậy.

Nếu chúng ta bắt đầu bị tổn thương vì sự chất phác ngây thơ, thế là tốt. Đó là mức độ nơi đó chúng ta có thể trao đổi chính bản thân chúng ta cho những người khác. Chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng vì chúng ta làm một công việc ngây thơ, chân chất như thế chúng ta thích mời tiếp những người khác. Chúng ta không chỉ muốn cho ra sự sung sướng của chúng ta cho những người khác và đem vào sự đau đớn của họ. Có cái gì còn hơn thế. Chúng ta muốn cho ra sự ngây thơ chân chất cho những người khác và chúng ta muốn mời vào trong chúng ta sự giả dối của họ. Đó là cái gì còn hơn là chỉ trao đổi sung sướng lấy đau đớn. Đó là cách thức vĩ đại nhất để trao đổi chúng ta cho những người khác, và việc đó cần thiết cho cái thế giới rất, rất xấu này. Trao đổi hạnh phúc lấy khổ đau là rất đơn giản và dễ làm. Chẳng hạn, người nào qua đường muốn tắm nước nóng, nhưng khi y nhảy vào nước, nước lại lạnh. Thế nên bạn có thể nói, “Hãy đến đây và nhảy vào nước nóng với tôi. Bạn nhảy vào bồn tắm nóng của tôi và tôi sẽ nhảy vào bồn tắm lạnh của bạn.” Thế là tốt, không có vấn đề gì lắm – nhưng nhảy vào sự đạo đức giả của mỗi người thì hấp dẫn hơn. Đó là điều chúng ta đang cố gắng làm.

Sự chân chất của chúng ta cần được chia xẻ với người nào đó. Nó cần phải cho đi. Sự chân chất không nên được xem như viên ngọc độc nhất của gia đình chúng ta mà chúng ta muốn bám giữ. Chúng ta phải cho sự chân chất của chúng ta đến bất kỳ ai. Chúng ta không chỉ thả nó đi theo cách ấy ; thay vào đó, chúng ta đem sự lừa dối của người khác vào chúng ta, và chúng ta làm việc với sự chân chất của chúng ta cùng với cái cong quẹo của người khác đó. Thế nên trao đổi chính mình với người khác là cái gì còn hơn chúng ta tưởng. Nó hơn là chỉ nhảy từ nước nóng vào nước lạnh.

Xa hơn, bạn bắt đầu khai triển một cảm thức hoan hỷ. Bạn thực sự làm điều gì rất ích lợi, thực tế và kỳ diệu một cách nền tảng. Bạn không chỉ tự dạy mình làm thế nào để không ích kỷ, vô ngã, trong ý nghĩa quy ước, mà bạn còn dạy cho thế giới làm thế nào vượt thắng sự đạo đức giả, cái này càng ngày càng trở nên dày nặng khi thế giới càng ngày càng tinh xảo, thạo đời, có thể nói như thế – càng ngày càng đi vào những thời đại đen tối, nói theo lối khác.

Cho và nhận là một sự mở rộng kỹ thuật shamatha. Trong phương pháp shamatha, chúng ta không trụ vào cái gì cả, nhưng chúng ta diễn tiến bằng cách làm việc với chuyển động. Chúng ta không chỉ cố ý giữ tâm thức chúng ta hoàn toàn vững chắc, hoàn toàn an định, mà chúng ta cố gắng sử dụng những vọng động chập chờn của tiến trình tư tưởng của chúng ta bằng cách theo hơi thở của chúng ta và nhìn vào những tư tưởng tiềm thức của chúng ta. Chúng ta khai triển Bồ đề tâm đúng như cách chúng ta thực hành shamatha, chỉ có điều sự thực hành của chúng ta trong trường hợp này còn nổi bật hơn nhiều, bởi vì thay vì chỉ làm việc với tâm thức tiềm thức hay những tư tưởng phóng dật, thì chúng ta nhìn xa hơn nữa vào nội dung của những tư tưởng chúng ta, nội dung hoặc là tham, sân hay si. Thế nên chúng ta vượt khỏi kỹ thuật shamatha một chút, để bao gồm những nội dung của những tư tưởng ấy.

Toàn bộ sự việc là đã từ quá lâu chúng ta đã muốn đẩy sự đau đớn về cho những người khác và chăm chút sự sung sướng cho mình. Đấy là vấn đề kéo dài suốt. Trong trường hợp này, chúng ta đảo ngược hoàn toàn cái luận lý bình thường để xem cái gì xảy ra. Thay vì đẩy khổ đau qua những người khác, chúng ta nhận khổ đau trên chính chúng ta ; thay vì hút lấy hạnh phúc của người khác, chúng ta đem hạnh phúc của chúng ta cho họ. Luôn luôn chúng ta đã làm điều sanh tử thông thường, thế nên chúng ta chỉ cố gắng lật ngược cái luận lý sanh tử một chút để xem điều gì xảy ra. Và điều thường xảy ra là bạn trở nên một người hòa nhã. Bạn không trở nên quỷ quái, bạn trở nên “được việc”. Bạn thấy đó, bạn đã quá đỗi vô lý, không lý trí suốt đến bây giờ, và để làm cho mình trở thành một người có lý trí, bạn cần đẩy quá mức toàn bộ sự việc một tí. Làm như thế, bạn bắt đầu thấu hiểu một người đứng đắn, đàng hoàng là thế nào. Đó gọi là Bồ đề tâm tương đối. Ở đây, quan trọng là hiểu được sự bất hợp lý của bạn.

Tonglen cũng rất quan trọng về mặt thực hành kim cương thừa. Bởi thế, những hành giả kim cương thừa cũng cần lưu ý đến thực hành này. Họ nên làm nó rất cẩn trọng. Không có tonglen các bạn không thể thực hành chút nào những phương pháp kim cương thừa của utpattikrama (giai đoạn phát triển) và sampannakrama (giai đoạn thành tựu). Bạn trở thành một hóa thần không có trái tim.(2) Có một câu chuyện về hai kim cương sư trao đổi với nhau những nhận xét về học trò của mình. Một vị nói, “Đệ tử của tôi có thể thi hành những phép lạ, nhưng không biết sao sau đó họ như mất trái tim. Họ trở thành những người bình thường.” Vị kia nói, “Cũng lạ lùng, những đệ tử kim cương thừa của tôi không thể thực hiện các phép lạ, nhưng họ luôn luôn khỏe mạnh.” Hai vị thầy tiếp tục thảo luận vấn đề này. Rồi một vị nói, “Đúng rồi, tất cả họ đều thực hành tonglen như thế nào ?” Cả hai vị thấy đều cười và nói, “Ha ! Chính là điều đó đấy.” Từ quan điểm này, rất quan trọng đối với chúng ta là có một cốt lõi căn bản của thực tại, để cho khi chúng ta thực hành kim cương thừa, chúng ta không chỉ mặc vào những khuôn mặt và y phục như các hóa thần.

Ngay trong thực hành tiểu thừa, chúng ta cũng không chỉ mặc vào y áo và cạo đầu và mọi thứ còn lại. Không có thực hành tonglen, cả tiểu thừa lẫn kim cương thừa đều trở thành xác chết của con sư tử. (Sư tử là vua của loài thú, khi nó chết, thân thể nó không con vật nào dám tấn công, nhưng những con trùng trong chính thân sư tử ăn nó). Như Phật đã nói, giáo lý của ngài sẽ không bị ai ở ngoài hủy hoại mà là chính những người tự nhận ở trong giáo lý đó nhưng không thực hành chánh pháp. Ở điểm này Phật ám chỉ rõ ràng đến con đường bồ tát. Chính truyền thống và phương pháp đại thừa mang giữ cả tiểu thừa và kim cương thừa. Xin hãy nghĩ đến điều đó.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]