Tác Giả: Sư Nguyên Hiểu nước Tân-La - Tỳ Kheo Thích Giác Chính dịch Việt
Nhà xuất bản Fahasa 2007
Du Tâm An Lạc Đạo là bộ luận do sư Nguyên Hiểu người nước Tân-la soạn, được xếp vào Đại Chính Tạng, t. 47 và Tịnh Độ Toàn Thư, q. 6. Sách này xưa nay rất cần thiết cho các hành giả tu Tịnh độ[1]”. Thế nhưng, trong các đạo tràng Tịnh nghiệp hiện nay chưa có bản dịch sang Việt văn để hành giả tu Tịnh nghiệp tham cứu. Mặc dù hiện nay kinh sách nói về pháp môn Niệm Phật rất nhiều, song vẫn có không ít người tuy niệm Phật, nhưng tâm vẫn còn những nghi ngờ về vấn đề vãng sinh, nên dẫn đến việc tu tập bị chướng ngại và lui sụt. Khi đón nhận bản Hán văn từ tay thầy Chủ nhiệm, chúng tôi cảm thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì được thầy tin tưởng giao phó trách nhiệm; còn lo là vì nghĩ rằng tác phẩm càng ngắn thì càng khó dịch. Hơn nữa, tác giả lại là một vị Tăng được phong là Quốc sư nước Tân-la (Triều Tiên), sống vào đầu thế kỷ V. Văn của Ngài là loại văn bác học cổ xưa, rất cô đọng, mà bản thân người dịch là hàng hậu học cách xa 15 thế kỷ, vốn Phật học nông cạn, trình độ Hán ngữ còn non kém, phương pháp tra cứu chưa vững vàng...
Thiết nghĩ, góp hương sắc vào vườn hoa Tâm, giúp hành giả phát khởi niềm tin; gieo mầm sen trên mảnh đất Huệ, mong người tu tăng thêm sức định, cũng là việc nên làm! Do đó, dù còn nông cạn cả về học lẫn tu, nhưng chúng tôi cũng gắng vận dụng hết khả năng, phát tâm chuyển dịch tác phẩm này sang văn Việt, nguyện cho hành giả tu Tịnh nghiệp Văn-Tư- Tu càng ngày càng tăng trưởng, Tín-Hạnh-Nguyện mỗi lúc một vững bền.
Hoàn thành dịch phẩm này, người dịch xin thành tâm kính lễ tri ân:
- Song thân phụ mẫu đã cho con đầy đủ vóc hài.
- Nhị vị Bổn sư thế độ đã tác thành cho con pháp thân huệ mạng.
- Chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, chư vị Giáo thọ sư, Giáo sư đã dày công giáo dưỡng.
- Thượng tọa Trụ trì và Tăng chúng chùa Bửu Đà đã hoan hỷ cung cấp tứ sự, tạo điều kiện thuận lợi cho con suốtù thời gian tu học cũng như công việc phiên dịch này.
- Chư vị Ni trưởng, Ni sư và Ni chúng các chùa Phước Hòa, Từ Nghiêm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm Pháp Âm được yên tâm học tập trong suốt thời gian qua.
- Xin chân thành tri ân các vị ân nhân xa gần, những người âm thầm ủng hộ và luôn luôn sống với niềm tin vững chắc vào Tam Bảo.
Vì đây là dịch phẩm đầu tay, nên không sao tránh khỏi nhiều lỗi lầm, sai sót. Người dịch kính mong các bậc thạc đức cao minh, pháp lữ đồng tu và bạn đọc xa gần rộng lòng thứ lỗi và chỉ giáo cho. Việc dịch thuật này có được bao nhiêu công đức, xin thành kính dâng lên cúng dường mười phương chư Phật và nguyện hồi hướng cho pháp giới chúng sinh cùng chuyên tu Tịnh nghiệp, cùng phát tâm Bồ-đề, cùng quyết về bến Giác.
Ngày đầu Hạ - Bính Tuất, PL: 2550
Thích Giác Chinh
Nguyên Hiểu (617 - ?) là một vị Tăng thuộc tông Hoa Nghiêm, người nước Tân-la, họ Tiết. Thuở nhỏ tên là Thệ Tràng. Năm 29 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Hoàng Long. Về sau, Sư đi du hóa khắp nơi, chuyên nghiên cứu giáo nghĩa. Vì văn chương lưu loát, biện luận thông suốt, cho nên Sư được người đương thời tôn xưng là Vạn Nhân Địch.
Vào năm thứ tư, triều Chân Đức Nữ Vương, nước Tân-la, Sư cùng với ngài Nghĩa Tương vượt biển sang Trung Quốc để cầu pháp, nhưng giữa đường, Sư chợt ngộ ra ý nghĩa câu “Vạn pháp không ngoài tâm, cần gì phải tìm cầu bên ngoài”, Sư bèn một mình khăn gói quay trở về.
Sư từng sáng tác những bài ca lưu hành trong dân gian, lại thường mang đàn đi vào các thôn xóm, dùng những bài ca, điệu múa làm phương tiện giáo hóa mọi người, khiến cho những kẻ bình dân, trẻ con đều biết đến danh hiệu Phật-đà và niệm Nam-mô.
Về sau, Sư ở chùa Phân Hoàng, biên soạn bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ, nhưng việc chưa hoàn thành thì Sư mất, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Sư được ban tên Thụy, là Hòa Tránh quốc sư.
Sư nói năng và hành động cuồng phóng, thường hòa mình trong trần tục, có khi vào trong quán rượu, rạp hát, có lúc mang theo kiếm vàng gậy sắt, có lúc lại soạn sớ giải Hoa Nghiêm, có lúc khảy đàn nơi đình miếu, có khi lại ngủ qua đêm ngoài cổng làng, hoặc ngồi thiền nơi ven núi bờ sông, mặc ý tùy duyên, ngao du tự tại.
Khi vua nước Tân-la mở đại hội Bách Tòa Nhân Vương Kinh[2], thỉnh các bậc thạc đức khắp nơi. Sư tuy được địa phương tiến cử, nhưng các bậc thạc đức đều không thích tính cách của Sư, nên can gián nhà vua không thâu nạp. Sau đó, phu nhân của vua bị bệnh, chữa trị đủ các thuốc hay mà vẫn không lành. Vua cầu phép mầu khắp nơi, được bộ kinh Kim Cang Tam-muội, nhưng không ai có thể giảng giải, nhà vua bèn ban lệnh cho Sư sớ giải. Sư soạn thành năm quyển, nhưng lại bị kẻ tiểu nhân trộm mất. Do đó, Sư phải soạn lại lược sớ ba quyển, diễn giải tại chùa Hoàng Long suốt ba ngày. Vua quan, Tăng tục đều tụ tập đông đủ để nghe giảng. Nhờ đó, pháp này được lưu hành rộng rãi trong nước, phu nhân của vua nhờ đó cũng được khỏi bệnh mà không cần uống thuốc.
Ngoài bộ sớ giải trên, những trước tác của Sư còn có: Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh Sớ (2 quyển), Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, A-di-đà Kinh Sớ, Du Tâm An Lạc Đạo, Di-lặc Thượng Kinh Tông Yếu, Đại Thừa Khởi Tín Luận Sớ, Bát Chu Tam-muội Kinh Lược Ký, Thập Môn Hòa Tránh Luận, Pháp Hoa Tông Yếu, Nhị Chương Nghĩa, Phán Tỷ Lượng Luận. Trong đó, hai bộ Nhị Chương Nghĩa và Phán Tỷ Lượng Luận bị thất lạc rất lâu, mãi đến những năm gần đây mới được hai vị học giả người Nhật Bản là Hoành Siêu Huệ Nhật và Thần Điền Hỷ Nhất Lang phát hiện.
Tác phẩm Du Tâm An Lạc Đạo được trình bày thành bảy chương:
I. Tôn chỉ lập giáo
II. Xác định nơi chốn của cõi Cực Lạc
III. Những chướng nạn và nghi ngờ
IV. Nhân duyên vãng sinh
V. Các phẩm vị vãng sinh
VI. Luận về việc vãng sinh khó hay dễ
VII. Lập các mối nghi để trừ nghi
Source: thuvienhoasen