Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Cuộc đời và tư tưởng niệm Phật của đại sư Huệ Viễn

25/04/201318:19(Xem: 4045)
08. Cuộc đời và tư tưởng niệm Phật của đại sư Huệ Viễn

Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam
Tập
85

Luận sử tông Tịnh độ

Việt dịch:Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa:Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch: 2548 - 2004

--- o0o ---

08

CUỘC ĐỜI VÀ TƯ TƯỞNG NIỆM PHẬT

CỦA ĐẠI SƯ HUỆ VIỄN

Nguyên tác: Đại sư Diễn Bồi

Việt dịch:Thích Quảng Mẫn

I

Pháp môn Tịnh độ là một trong muôn vàn pháp môn tu tập của giáo lý Phật đà. Nó được xem là pháp môn phương tiện thù thắng nhất mà đức Phật đã khéo léo mở bày đúng theo căn cơ của chúng sanh trong thế giới Ta bà. Chỉ cần niềm tin vững chắc, ước nguyện thành khẩn và nương theo giáo pháp thực hành thì nhất định sẽ được sự lợi ích sanh về thế giới Cực lạc. Cũng vì lẽ đó mà tông phái Tịnh độ đặc biệt được thịnh hành ở Trung Quốc.

Bàn đến tư tuởng Tịnh độ, không cần phải nói cũng biết giáo thuyết này xuất phát từ kinh điển Đại thừa. Cõi Tịnh độ vốn được kinh sách bàn đến rất nhiều, nhưng cõi Tịnh độ của riêng một đức Phật được thể loại kinh đặc biệt bàn luận, cũng như lời mọi người thường nói, thì chỉ có các cõi nước thanh tịnh của đức Phật A-súc, đức Phật Dược Sư và đức Phật A-di-đà. Như nói cõi Tịnh độ của đức Phật A-súc thì có kinh A-súc Phật quốc; cõi Tịnh độ của đức Phật Dược sư thì có kinh Dược Sư Như Lai bổn nguyện. Nói đến cõi Cực lạc của đức Phật A-di-đà thì có kinh A-di-đà v.v… Trong đó, những kinh giới thiệu về cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà chiếm số lượng nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu, vì những người tu theo pháp môn Tịnh độ ở Trung Quốc rất tôn sùng cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà ở phương Tây và vô cùng khát ngưỡng được vãng sanh về thế giới Cực lạc này.

Trong ba kinh Tịnh độ trên, đức Phật tuy giới thiệu cho mọi người cõi Cực lạc phương Tây nhưng nơi xây dựng cho tư tưởng Tịnh độ thành một tông phái độc lập, thì đó là ở Trung Hoa chứ không phải là Ấn Độ. Người tu pháp môn Tịnh độ thời nay điều biết đại sư Huệ Viễn ở núi Lô Sơn là người đầu tiên sáng lập ra đạo tràng Liên xã, để cầu nguyện vãng sanh Cực lạc. Nhưng theo sự ghi chép của sách cổ thì người đầu tiên cầu sanh Cực lạc là Khuyết Công Tắc đời Tây Tấn, rồi sau mới đến ngài Huệ Viễn ở triều đại Đông Tấn. Tuy nhiên, Khuyết Công Tắc chỉ là một người chuyên tu chứ chưa đem tư tưởng Tịnh độ quảng bá vào quần chúng. Người có tầm ảnh hưởng đến quần chúng và cùng tu tập pháp môn Tịnh độ với mọi người, đó là đại sư Huệ Viễn.

Những điều trên đây không ngoài việc giúp những người tu trì pháp môn niệm Phật hiểu rõ về vị đã sáng lập ra Liên tông. Phần dưới đây xin giới thiệu những nét đặc trưng về tư tưởng niệm Phật cũng như sự tích của đại sư Huệ Viễn để làm gương cho mọi người noi theo.

II

Đại sư Huệ Viễn là người sống ở triều đại Đông Tấn, nhằm vào đời vua Thành Đế niên hiệu Hàm hoà năm thứ chín (Tây Lịch 334). Ngài sinh ở Nhạn Môn huyện Lâu Phiền (tức huyện Quách, Đại Châu, tỉnh Sơn Tây). Thuở nhỏ rất ham đọc sách, năm mười ba tuổi, ngài bắt đầu đến Hứa Châu tỉnh Hà Nam du học. Với bẩm tánh thông minh lanh lẹ, chẳng bao lâu đại sư đã làu thông Lục kinh và rất tâm đắc về giáo học của Lão Trang. Các bạn đồng học thời bấy giờ không những đối xử với đại sư một cách đặc biệt như bậc anh tú của Nho học, mà còn rất quí trọng và xem ngài là một người thành tựu rực rỡ nhất. Lúc hai mươi mốt tuổi, ngài muốn du hành đến Giang Đông tìm các bậc học giả nổi tiếng để nâng thêm tầm hiểu biết của mình, nhưng vì lúc ấy Trung Nguyên đang có nạn binh đao, giao thông ách tắc nên ngài không xuống phía nam được và đành ở lại Trung Nguyên. Tuy vậy, lòng thao thức đến việc học hỏi, cầu đạo của đại sư vẫn không suy giảm. Ngài luôn luôn mong ngóng gặp được một bậc minh sư để thoả ước nguyện của mình. Đang lúc như thế thì ngài nghe đâu đại sư Đạo An đang xây dựng tự viện và giảng pháp ở Hằng Sơn, Thái Hành (tức châu Hỗn Nguyên, phủ Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây) nên vui mừng đến nơi ấy và bắt đầu theo học với đại sư. Gặp lúc thầy Đạo An đang giảng kinh Bát-nhã cho đại chúng, ngài Huệ Viễn vừa nghe xong liền có chút sở ngộ, và từ đó xin phát tâm xuất gia làm đệ tử đại sư. Sau khi xuất gia, ngài thường ước mong thấu đạt cương yếu của Phật pháp và xem đại pháp như là trách nhiệm của chính mình. Do đó, ngài luôn tinh tấn hành đạo, chẳng chút trễ nãi biếng nhác. Đại sư Đạo an thấy ngài có đầy đủ túc căn, lại hết lòng vì đạo pháp nên thường khen ngợi rằng: “Khiến cho Phật pháp lưu truyền rạng rỡ ở nước Đông (Đông Tấn) ấy chẳng phải là Huệ Viễn đó sao?”. Chỉ một lời này thôi chúng ta cũng có thể tưởng tượng tài đức của ngài như thế nào rồi.

Về sau, khi ở Tương Dương, đại sư Đạo An đã cho đệ tử của mình đi khắp nơi xiển dương Phật pháp. Mỗi khi một người đệ tử nào đó ra đi, đại sư cũng ân cần dạy những lời thiết thực: Bảo vị ấy phải truyền bá giáo pháp như thế nào, độ người ra sao v.v… Nhưng riêng ngài Huệ Viễn thì đại sư không dạy một lời nào, điều này khiến ngài Huệ Viễn cảm thấy rất buồn. Như tự cho mình là người không xứng đáng được thầy dạy bảo nên ngài buồn lo đến trước đại sư quì xuống thưa rằng: “Đệ tử đợi mãi mà không nghe thầy nhắn nhủ điều gì cả …, phải chăng đệ tử chẳng đủ khả năng để được thầy giao phó?”. Khi xa rời bậc thầy kính yêu của mình mà không nghe thầy dạy một lời nào thì đương nhiên có cảm nghĩ như trên. Nhưng đại sư Đạo an có xem ngài Huệ Viễn là một người không xứng đáng để dạy không? Chắc chắn là không. Đại sư hiểu đệ tử mình rất rõ, thấy học trò là một người nhiệt tâm vì đạo pháp, tinh tấn tu học nên không cần dạy thêm điều gì nữa, hễ gặp chuyện thì tự nhiên hoàn thành công việc tốt đẹp. Cho nên đại sư trả lời ngài Huệ Viễn rằng: “Người như thầy đây thì Lão Tăng còn gì để lo lắng nữa … ta cũng không còn gì để nói cho thầy! Từ nay về sau nhất định thầy sẽ làm rạng rỡ Phật pháp. Thôi! Thầy hãy đi đi, gắng giữ gìn sức khoẻ! Rất nhiều Phật sự đang chờ thầy hoàn thành”. Nghe thầy mình nói như thế, ngài rất an lòng cùng khoảng mười đệ tử hướng phía nam đến Kinh Châu và dừng chân tại chùa Thượng Minh. Kế đó, ngài lại muốn dời đến núi La Phù nhưng khi đi qua Lô Sơn, thấy cảnh vật núi này thanh tịnh rất thích hợp cho việc tu tập và hành đạo của mình, nên quyết định ở lại tinh xá Long Tuyền.

Lúc bấy giờ, có Đạo hữu của ngài là Huệ Vĩnh nói với Thứ sử Hoàn Y rằng: “Thầy Huệ Viễn mới bắt đầu đi hoằng pháp mà đã có rất nhiều đồ chúng theo học, tương lai cứ như vậy phát triển thì lượng người đến tu học sẽ nhiều biết nhường nào! Nếu thầy ấy không có đủ cơ sở tự viện rộng rãi hơn bây giờ thì làm sao hành đạo?” Hoàn Y nghe ngài Huệ Vĩnh nói vậy liền phát tâm ủng hộ thầy Huệ Viễn hết mình. Ông ta cho xây chánh điện và rất nhiều phòng xá ngay bên phía đông núi Lô Sơn, đây là ngôi chùa Đông Lâm nổi tiếng trong lịch sử. Từ đó, ngài Huệ Viễn an tâm hành đạo tại Lô Sơn, đại sư ở đây suốt hơn ba mươi năm và chưa hề ra khỏi vùng này một bước. Gặp lúc cần thiết như đưa tiễn khách quí thì ngài cũng tiễn đến ranh giới (suối) Hổ Khê là cùng, tuyệt nhiên không đi quá Hổ khê nửa bước. Nên trong Phật giáo thường có câu nói: “Tống quân bất quá Hổ khê” (tiễn khách không quá Hổ khê). Do đạo đức của ngài rạng rỡ nên lúc ấy chùa Đông Lâm đã trở thành một trung tâm Phật giáo hùng mạnh nhất ở phương nam. Nếu so với chốn Trường An Phật giáo trăm hoa đua nở thì đúng là thiên hạ đã chia đôi một cách cân xứng cho hai trung tâm này. Cố nhiên chúng xuất gia qui tụ về chùa Đông Lâm ngày một đông thêm, các bậc hiền tài thời bấy giờ đến rất đông, họ thường ở lại y chỉ tu học với ngài. Thế mới biết sự cảm hoá lòng người của đại sư sâu rộng biết dường nào !

III

Công việc hoằng hoá của đại sư Huệ Viễn ngày một phát triển nên chúng Tăng càng đông đúc thêm. Để mọi người vừa khỏi sống nhàn hạ vô ích lại được ích lợi từ giáo pháp giải thoát, nên ngài đã nương theo pháp môn niệm Phật mà đức Thích Tôn đã nói ra, thành lập một đạo tràng niệm Phật cùng phát nguyện sinh về Tây phương. Đây chính là đạo tràng Liên xã rất nổi tiếng ở Lô Sơn, cũng là nơi đầu tiên lập hội niệm Phật. Đại khái đạo tràng được hình thành như vầy: Ngài Huệ Viễn cùng Lưu Di Dân, Lôi Thứ Tông v.v... gồm một trăm hai mươi ba thành viên đến trước tượng Phật A-di-đà ở tinh xá Bát-nhã Vân Đài, cùng lập nguyện sinh về Tây phương Cực lạc và ước mong sau khi lâm chung nhất tề đều được vãng sanh. Văn hiến ghi dấu cho sự việc trọng đại này chính là bài văn phát nguyện của Lưu Di Dân. Nhưng chúng ta nên biết rằng, đạo tràng Liên xã mà ngài Huệ Viễn sáng lập luôn luôn lấy việc niệm Phật tam-muội là chính. Và giáo điển mà hội lập cước chính là kinh Bát-chu tam-muội chứ không phải một trong ba kinh Tịnh độ. Vì kinh Quán vô lượng thọ v.v... thời bấy giờ chưa được lưu truyền sang Trung Hoa. Kinh Bát-chu tam-muội do hai đại sư Chi-sấm và Trúc Phật Sóc dịch vào cuối đời Hán. Nội dung kinh đặt nặng về việc quán Phật Vô Lượng Thọ. Khi tu pháp quán này thành công, đức Phật A-di-đà sẽ hiện rõ trong tam-muội. Cho nên, đây là pháp môn niệm Phật tam-muội chứ không phải là pháp môn niệm Phật đọc nơi miệng được lưu hành rộng rãi như thời nay. Trong kinh nói rằng, lúc tu pháp quán này thành tựu, chư Phật hiện tại đều hiện rõ trước mặt. Hành giả tu theo pháp quán này mục đích được trực tiếp thấy Phật A-di-đà nhưng kết quả lại thấy tất cả chư Phật. Thật ra, điều này cũng giống như ý nghĩa mà kinh Quán vô lượng thọ Phật đã từng nói: “Thấy việc này rồi (thấy Phật) thì cũng có nghĩa là thấy được mười phương chư Phật”.

Theo sự ghi chép trong quyển thứ hai mươi bảy sách “Quảng hoằng minh tập” thì Lưu Di Dân cùng mọi người đã y theo lời chỉ dạy của ngài Huệ Viễn, ngày đêm siêng năng tu niệm Phật tam-muội. Chỉ độ không quá nữa năm thì các vị ấy đã tu thành công phép niệm Phật tam-muội này. Trong Tam-muội, mọi người thường thấy đức Phật thân sắc vàng hiện ra, nên những người ở núi Lô Sơn lập hội niệm Phật để sau khi mạng chung được vãng sanh Cực lạc, cố nhiên là mục tiêu sau cùng của họ, nhưng ngay nơi thân này thấy được Phật lại là một mục tiêu không kém phần quan trọng. Lưu Di Dân thấy Phật trong tam-muội, ngài Huệ Viễn cũng thấy Phật A-di-đà nhưng không nói ra cho mọi người biết.

Theo một truyền thuyết khác thì trong lúc tịnh tu ở núi Lô Sơn, ngài Huệ Viễn rất tinh tấn dõng mãnh, đã ba lần thấy tướng thù thắng của chư Phật và Bồ-tát trong khi nhập vào niệm Phật tam-muội. Nhưng ngài là người thận trọng nên dầu có thấy cũng không bao giờ tùy tiện nói với mọi người. Về sau, lúc ở Đông kham (nhà thờ Phật phía đông), Bát-nhã Đài, ngài vừa xuất định thì thấy đức Phật A-di-đà tràn ngập cả hư không, trong hào quang rực rỡ có vô số hoá Phật, có Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí v.v... Đồng thời lại có ngài Huệ Trì, Đàm Thuận, Lưu Di Dân v.v… Lúc đó, đức Phật A-di-đà bảo ngài rằng: “Do bổn nguyện lực nên Ta đến đây hộ niệm cho ông, bảy ngày sau ông sẽ sanh về cõi Cực lạc của Ta”. Đồng thời, Lưu Di Dân và rất nhiều người cùng hiện đến trước ngài Huệ Viễn thưa rằng: “Ngài phát tâm sớm hơn chúng tôi, nhưng sao ngài lại về muộn như thế?”

Từ những việc trên chúng ta biết được rằng, trong lúc nhập vào niệm Phật Tam-muội, ngài không những có thể thấy đức Phật A-di-đà mà còn được đức Phật thân hành đến chỉ dẫn. Do ngài Huệ Viễn thấy một cách rõ ràng các cảnh thù thắng và biết chắc chắn thời điểm vãng sanh Tịnh độ của mình, nên ngài mới nói rõ cho Pháp Tịnh, Huệ Bảo và mọi người, mình thấy được tướng thù thắng như thế nào, lúc nào vãng sanh … quả nhiên đến thời gian ấy thì ngài thâu thần thị tịch.

Nơi quyển trung sách “Đại thừa yếu nghĩa”, ngài Huệ Viễn và ngài Cưu-ma-la-thập đã từng thảo luận về việc thấy Phật trong định. Ban đầu, ngài Huệ Viễn dựa vào việc dẫn dụ về điều mộng mà kinh “Bát-chu tam-muội” thường nhắc đến để đặt nghi vấn. Luận rằng Phật được thấy trong định, giả như nói nó hoàn toàn thuộc về điều mộng thì đó bất quá cũng chỉ là tưởng tượng chủ quan mà thôi, hoàn toàn không phải Phật hiện ra thật. Còn nếu đó là khách quan, Phật từ bên ngoài đến, thì Phật thật hiển hiện một cách chân thực rồi, sao lại có thể lấy mộng làm dụ?

Ngài Cưu-ma-la-thập đánh đúng vào trọng tâm câu hỏi của ngài Huệ Viễn và trả lời như sau: Hành giả muốn thấy được Phật thì có rất nhiều cách để thấy. Sở dĩ trong kinh lấy mộng để dụ là nhằm đánh tan mối nghi hoặc của mọi người. Vì có người nghi như vầy: Đại Bồ-tát đạt được thần thông thì chuyện đi đến mười phương thế giới, mặt đối diện với Phật Đà chẳng có gì là khó. Còn như hạng người bình thường, đã không biết tu pháp môn Thiền định lại chẳng chứng được thần thông, mà cõi Tây phương Cực lạc của đức Phật A-di-đà xa hơn mười vạn ức Phật độ, thử hỏi làm sao thấy được? Chúng ta đều biết năng lực của mộng rất phi thường, mộng đến đi trong khoảnh khắc. Trong mộng có thể thấy được những vật ở từ rất xa. Việc nhập vào Bát-chu niệm Phật tam-muội có thể xa thấy tất cả chư Phật, thì đó cũng giống như trong mộng thấy được những sự vật. Do đó, đức Phật đặc biệt lấy mộng để dụ.

Đồng thời cần biết rằng, ngay cả thân Phật còn không có một tướng quyết định nào, vì sao vậy? Bởi trong kinh đã nói rõ cho chúng ta biết: Thân của chư Phật đều do các duyên sanh, mà từ duyên sanh thì tất nhiên không có một tự tánh chân thật, tất cả đều như mộng như hóa, rốt ráo không tịch. Nên hành giả muốn thấy thân chư Phật thì không nên lấy sự hư vọng để nhìn. Nếu cho việc thấy Phật là hư vọng thì đó là do ngộ nhận thân Phật có một tướng quyết định, và do dùng sự tưởng tượng phân biệt để nhìn.

Theo sự đối đáp giữa ngài Cưu-ma-la-thập và đại sư Huệ Viễn, chúng ta có thể biết rõ rằng: Ngài Huệ Viễn không chỉ tu tập pháp môn niệm Phật Tam-muội một cách chín chắn, mà ngay cả nội dung của niệm Phật Tam-muội ngài cũng cứu xét rất tường tận rồi mới đi vào thực tiển tu tập. Chứ không như người tu hành bây giờ, cứ tu một cách mù mù mờ mờ, đến ngay việc mình tu cái gì, vì sao phải tu như vậy, trong quá trình tu có khả năng phát sinh những vấn đề gì, họ đều không để ý tới. Do đó, người tu hành thì nhiều nhưng người được thấy Phật vãng sanh Tịnh độ ít đến mức đáng thương.

Tóm lại, ngài Huệ Viễn là một hành giả tu pháp môn Tịnh độ, là người đầu tiên sáng lập hội Liên xã, điều này chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng người tu pháp môn niệm Phật đời nay cần phải biết một sự thật rằng: Pháp môn mà đại sư Huệ Viễn thực hành chính là hạnh Bát-chu niệm Phật tam-muội. Nó hoàn toàn không phải đơn giản ở một câu niệm “A-di-đà Phật” được thực hành rộng rãi như ngày nay đâu. Nếu cho rằng chỉ có câu “A-di-đà Phật” mới là chơn chánh niệm Phật thì người này không những không có sự thấu hiểu về chân nghĩa của niệm Phật mà đối với đại sư Huệ Viễn, người đầu tiên sáng lập ra hộ Liên xã, họ cũng chưa có một sự hiểu biết chính xác.

Song, xin quí vị hãy chú ý: Tôi (tác giả) nói như vậy cốt ý không phải hoàn toàn phủ định câu “A-di-đà Phật” là phương tiện niệm Phật. Tôi chỉ muốn nói rằng niệm Phật thì không duy nhất ở một câu “Di-đà”, mà thực hành niệm Phật Bát-chu Tam-muội ngay nơi thân này thấy được Phật cũng là một trong số các cách để tu tập.

IV

Đại sư Viễn Công sáng lập ra hội Liên xã thì cố nhiên là vị sơ tổ của tông phái Tịnh độ ở Trung Quốc. Nhưng sự cống hiến của đại sư đối với nền Phật giáo Trung Quốc, thì không chỉ ở việc sáng lập tông phái Tịnh độ, ngài còn là người rất tâm huyết trong việc nỗ lực đưa Phật pháp vào nước ta (Trung Quốc). Vì vào thời Đông Tấn, Phật pháp tuy được truyền vào không ngớt nhưng xét một cách toàn diện thì vẫn chưa đạt đến chỗ hoàn bị. Cho nên các Phạm Tăng (Tăng Ấn Độ) cứ không ngớt vào hoằng đạo ở Trung Quốc. Theo sự ghi chép của truyện ký thì ngài Huệ Viễn đã sai các đệ tử như ngài Pháp Tịnh, Pháp Lĩnh v.v... qua Lưu Sa1, vượt dãy núi Tuyết Lĩnh đến một chốn rất xa (Tây Vực) để thỉnh kinh và các đồ đệ của ngài đã thỉnh về rất nhiều bản kinh bằng tiếng Phạn. Do đó, việc ngài Huệ Viễn một mình lập ra trường phiên dịch ở Bát Nhã Đài tại Lô Sơn, một lần nữa nói lên rằng, ngài chính là người đầu tiên trong lịch sử phiên dịch của Trung Quốc đã mở ra Dịch trường.

Đại sư không chỉ sai các đệ tử ra nước ngoài cầu pháp mà ngay như các Tăng sĩ người Ấn đến Trung Quốc, chỉ cần các vị ấy có thể phiên dịch thì bất luận thuộc bộ phái nào, đại sư cũng không quản khó nhọc đến thỉnh các vị ấy về phiên dịch. Sau đây xin nêu một vài ví dụ để làm rõ ý trên:

1. Đại sư Phất-nhã-đa-la đến Trường An vào giữa năm Hoằng Thuỷ đời Diêu tần, là một học giả tinh thông luật Thập tụng và từng cọng tác với ngài Cưu-ma-la-thập dịch bộ luật này. Nhưng thật bất hạnh, khi mới hoàn thành được hai phần ba thì ngài Phất-nhã-đa-la đã vội về cõi Phật. Những người trọng pháp, nhất là đại sư Huệ Viễn, không khỏi bùi ngùi trước sự tổn thất to lớn này, và tiếc cho đại pháp không thể đến được phương Đông (Đông tấn). Đến năm Hoằng Thuỷ thứ bảy, ngài Đàm-ma-lưu-chi đến Quan Trung (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) và đem Luật tạng truyền khắp nơi. Ở Lô Sơn xa xôi, ngài Huệ Viễn vừa nghe được tin này liền tức tốc sai đệ tử Đàm Ung đến nước Tần, đồng thời đích thân viết một lá thư gởi cho ngài Lưu-chi, một lòng thỉnh cầu ngài ấy phát tâm dịch hết phần luật Thập tụng còn lại. Ngài Lưu-chi cảm mến sự nhiệt tâm vì đạo của đại sư Huệ Viễn nên dốc lòng dịch hết phần luật mà ngài Phất-nhã-đa-la chưa kịp dịch. Thế là bộ luật Thập tụng được hoàn thành.

2. Lúc ở Quan Trung, đại sư Đạo An từng mời ngài Đàm-ma-nan-đề đọc và chuyển ngữ bộ luận “A-tỳ-đàm tâm” nhưng do ngài ấy không hiểu hết ngôn ngữ Trung Hoa nên việc dịch thuật chưa thật khả quan lắm. Khiến cho các học giả không hiểu hết nghĩa lý của bộ luận. Đến năm thứ mười sáu niên hiệu Thái Nguyên đời Hậu Tấn, ngài Tăng-già-đề-bà đến Trung Quốc. Đại sư Huệ Viễn biết ngài Đề-bà rất tâm đắc với bộ luận trên mới thỉnh ngài ấy dịch lại bộ “A-tỳ-đàm tâm” và “Tam pháp độ luận”. Hai bộ luận này để lại cho hàng hậu học những lợi ích không phải là ít. “Tâm luận” là bộ sách do luận sư Pháp Thắng viết vào thế kỷ thứ sáu sau Phật nhập Niết-bàn. Nó nổi tiếng là bộ luận rất lô gích và uyên áo. Trước khi bộ luận Câu-xá chưa ra đời thì Tâm luận đã được lưu truyền ở Ấn Độ. Nó được dịch sang tiếng Hán và được nhiều học giả để tâm nghiên cứu. Do vậy, những học giả của nước Trung Quốc học được Tâm luận thì không thể không nhớ đến công lao của đại sư Huệ Viễn.

3. Tam Tạng Cưu-ma-la-thập đến Quan Trung vào thời Diêu Tần, ngài là người dịch và xiển dương học thuyết “Bát-nhã tánh không”. Lúc ấy, học giả quy tụ rất nhiều và nơi này đã trở thành trung tâm của Phật giáo phương bắc. Nhưng ở núi Lô Sơn, đại sư Huệ Viễn không cảm thấy ngài La-thập là mối lấn áp tư tưởng Tịnh độ, mà ngay một chút thái độ phản ứng đại sư cũng không có. Không như người thời nay, họ nghe chút ít lời nói chẳng phải về tư tưởng Tịnh độ thì liền đả kích đối phương là kẻû hủy báng chánh pháp, là tà tri tà kiến; không chỉ vậy, ngài còn viết thư giao hảo, ân cần hỏi han. Đến khi nghe ngài La-thập muốn trở về nước thì đại sư Huệ Viễn cũng không khỏi mang tâm sự buồn rầu tiếc nuối. Tất cả chư vị tổ sư sở dĩ được xem là tổ sư của một thời đại là vì tâm của các ngài đều rộng lượng bao dung như vậy cả. Những hạng người có tâm lượng hẹp hòi thì đâu thể hy vọng có ấn tượng như các ngài.

4. Khi ở phương bắc, Tam tạng pháp sư Giác Hiền tuy là người rất uyên bác nhưng tư tưởng lại không dung thông với ngài Cưu-ma-la-thập. Đại sư Huệ Viễn hiểu điều ấy nên sai đệ tử Đàm Ung đến Quan Trung hoà giải. Bởi ngài Giác Hiền không muốn trở lại phương bắc nên về trú ở núi Lô Sơn. Sau đó, tại chùa Đạo Tràng đất Kiến Khang (kinh đô nhà Đông Tấn), ngài Giác hiền chuyển dịch kinh Hoa nghiêm thành sáu mươi cuốn, là tác phẩm mà Pháp Lĩnh, đệ tử ngài Huệ Viễn được tiếp thu, và bộ luật Tăng-kỳ mà Pháp Hiển tiếp thụ cũng do ngài Giác Hiền dịch ra. Tông phong Hoa nghiêm được thực sự truyền bá kể từ khi ngài Giác Hiền xuống phương nam. Do đó, việc ngài Giác Hiền xuống phương nam và đóng góp cho nền Phật giáo nước nhà là do công lao của đại sư Huệ Viễn. Giả như đại sư không có tâm bao dung thì dẫu ngài Giác Hiền có tâm huyết cho đại pháp mà không nơi để phát huy thì chẳng phải phí bỏ đó sao!

Từ những việc trên ta có thể thấy rằng, đại sư Huệ Viễn tuy là người thực hành pháp môn niệm Phật nhưng không vì vậy mà yếm thế bỏ đời. Đối với những pháp môn trọng yếu, nhất là những việc có liên hệ đến sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp, thì ngài đều lấy tinh thần tích cực để phụng sự, tuyệt nhiên không có tâm chán chường hay sợ gánh vác trách nhiệm. Tinh thần vì pháp của đại sư thật đáng để hàng giáo đồ Phật giáo thời nay, nhất là những người thực hành pháp môn Tịnh độ, kính phục và học hỏi.

V

Đại sư Huệ Viễn chí bền hơn đá, đạo hạnh cao vời, quyền thế chẳng thể uy hiếp mà vinh hoa nào cám dỗ được ngài. Ngài chỉ làm những điều mà một người Tăng sĩ phải làm, không hề lấy lòng mọi người, cũng không lui tới nhà quyền quý. Ở thời đại chuyên chế, quyền uy của đế vương là cao tột nhất, chẳng một ai dám trái lệnh. Nếu vua đến đâu thì quan dân ở đó nhất định phải xuống đường tung hô “vạn tuế” ba lần. Nhưng ngài Huệ Viễn thì không làm như vậy, như lúc vua Tấn An Đế từ Giang Lăng về kinh đô, quan Phụ quốc Hà Vô Kị bảo ngài đến bờ sông nghinh giá nhưng ngài cáo bệnh không đi. Mà kể cũng lạ! Vua An Đế không những không xem chuyện này là phạm thượng với mình, trái lại còn viết thư đến vấn an đại sư Huệ Viễn, vua viết: “Nghe đại sư bêïnh nặng chưa khỏi, trẫm rất băn khoăn! … đại sư ẩn mình tu học ở chốn núi rừng lại mắc bệnh nặng, đường sá xa xôi trẫm không đến thăm được, chắc đại sư trách trẫm lắm!”. Khi tể tướng Hoàn Huyền đi đánh dẹp Ân Trọng Kham, nhân hành quân ngang núi Lô Sơn, ông ta yêu cầu ngài Huệ Viễn ra khỏi Hổ Khê để gặp mặt. Thiết nghĩ một người quyền cao chức trọng lẫy lừng như Hoàn Huyền thì ai dám từ chối không đến bái kiến! Song ngài Huệ Viễn đã thoái thác đang bệnh không thể đến được, chớ không phá lệ để ra Hổ khê đón khách. Kết quả là Hoàn Huyền tự động lên núi. Ban đầu ông ta kiêu ngạo không hành lễ đại sư, đâu hay vừa thấy phong thái thanh thoát trang nghiêm của đại sư, ông ấy bất giác cúi chào ngài rất cung kính. Lúc lên núi, trong thâm tâm ông ta muốn đưa ra nhiều câu hỏi để vấn nạn, nhưng mới đàm luận với đại sư được một lúc thì ông chẳng dám đưa ra một câu hỏi nào. Chỉ cảm thấy đại sư sao quá vĩ đại còn mình thì bé nhỏ, hạn hẹp. Do đó sau khi xuống núi, ông đã nói với mọi người rằng: “Người như đại sư Huệ Viễn thật từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến giờ ta chưa từng gặp qua, ngài đúng là một bậc cao tăng thạc đức!”

Về sau, tể tướng Hoàn Huyền ra lệnh sa thải Tăng chúng nhưng ông cẩn thận dặn quan sở thuộc rằng: “Những Sa-môn làu thông kinh điển, bàn luận thao thao nghĩa lý hoặc trai giới thanh tịnh thì giữ lại cho hành đạo; những vị nào không đủ các điều trên thì cho hoàn tục. Riêng Lô Sơn là nơi hội tụ các vị đạo hạnh siêu thoát thì không nằm trong qui định trục xuất đề ra này!”. Đại sư cảm hoá mọi người một cách sâu xa, thế mới biết, một bậc xuất gia có đầy đủ đạo lực thì phong thái của vị đó chắc chắn không giống với hạng người tầm thường, và dung mạo trang nghiêm từ hoà hiện ra bên ngoài cũng lan xa.

Theo truyện ký thì pháp sư Huệ Nghĩa là một người cương trực, không kiêng dè bất cứ điều gì, ông không tin đại sư Huệ Viễn có đạo phong và tiếng tăm như vậy nên đã đến xem thử ngài Huệ Viễn là người thế nào. Ông ấy bảo với Huệ Bảo, đệ tử ngài Huệ Viễn rằng: “Các ông đều là hạng người tầm thường nên mới dốc lòng bái phục đại sư Huệ Viễn. Còn ta thế nào nhỉ? Ồ! Chắc chắn ta không hành sự như các ông đâu!”. Nói thì nói vậy, chớ khi đến Lô Sơn, gặp lúc đại sư đang giảng kinh Pháp hoa, mấy lần ông định vấn nạn nhưng cuối cùng vì trong lòng quá run sợ nên một câu cũng chẳng dám hỏi. Câu chuyện ngài Huệ Nghĩa khâm phục đại sư Huệ Viễn là như vậy đó. Nhìn vào phong thái của ngài Huệ Viễn, không khỏi khiến người ta bùi ngùi hổ thẹn khi nghĩ đến Tăng chúng thời nay.

VI

Ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn hơn ba mươi năm nhưng bóng dáng của ngài không lúc nào ra khỏi núi, và bước chân cũng chưa từng in dấu nơi chốn phàm tục; ngài chỉ tiển khách đến Hổ Khê là dừng lại. Trong hơn mấy mươi năm ấy, ngài trước sau cố nhiên không bao giờ xao nhãng việc hoằng dương Phật pháp. Đối với sự tu trì của bản thân ngài cũng không để gián đoạn trể nải. Nhưng sanh già bệnh chết nào nhẹ tay cho ai trên cuộc đời này vẫn rõ ràng lời Phật dạy, ngài Huệ Viễn cũng không ngoài lẽ thường tình kia. Do đó, đến tháng tám năm thứ mười hai niên hiệu Nghĩa Hy đời Tấn (Tây Lịch 416), ngài có bệnh nhẹ, mọi người thỉnh ngài dùng rượu Cổ (Cổ tửu ?) và cháo lỏng, ngài từ chối. Đại chúng tha thiết xin ngài dùng mật đặc thì đại sư bảo phải kiểm tra trong luật xem có đúng với luật không. Nếu không trái luật thì uống, trái thì không uống. Nào hay luật chưa kiểm tra xong thì ngài đã thâu thần về cõi Cực lạc. Ngài nhẹ bước ra đi lúc tám mươi ba tuổi, nhục thân được nhập tháp ở phía Tây núi Lô Sơn, Tạ Linh Vận khắc văn bia. Bậc thầy của một đời đến đây đã quay gót Ta bà, cao miền Cực lạc.

VII

Niệm Phật được sanh về Tịnh độ mà đức Thế Tôn đã chỉ cho chúng ta là chuyện không còn gì để nghi ngờ nữa. Nhưng làm thế nào để được vãng sanh, đó mới là chuyện đáng để chúng ta bàn luận. Tôi cho rằng, một người niệm Phật nếu muốn cầu sanh Cực lạc một cách chân chính thì điều kiện tối thiểu là không được quên mất đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni của mình. Nghĩa là trước mỗi lúc niệm Phật, chúng ta niệm danh hiệu bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần, sau đó liên tục niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà. Khi công phu niệm Phật được chín muồi, đến lúc lâm chung tự nhiên sẽ được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Cực lạc.

Tôi cho rằng, những lời dặn dò lúc lâm chung của Lưu Di Dân, một trong mười tám vị hiền nhân cùng tu với ngài Huệ Viễn, đáng làm mẩu mực cho những người tu Tịnh độ thời nay. Truyện chép rằng: “Trước lúc lâm chung, đối trước Phật đài đốt hương lễ Phật chúc tán rằng: đệ tử nương theo lời di giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nên nay mới biết có đức Phật A-di-đà. Nén hương lòng này trước dâng lên cúng dường đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, cúng dường đức Phật A-di-đà và kinh Diệu pháp liên hoa. Chúng sanh được sinh Tịnh độ là do công đức của kinh này. Nguyện tất cả chúng sanh đồng sinh về cõi Tịnh độ”.

Lời nói trên muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của chúng ta, là bậc thầy của mọi loài. Đức Phật A-di-đà là bậc đạo sư tiếp dẫn và Đại thừa kinh điển là hành trang vô cùng quí báu để chúng ta sanh về cõi Phật. Phải tâm nguyện như vậy mới khả dĩ sanh về Cực lạc. Nhưng một số người bây giờ đi ngược lại điều đó, họ chỉ biết duy nhất đức Phật A-di-đà, họ không để ý đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước sau cũng chỉ một câu niệm Phật, họ nào biết đọc tụng kinh điển. Thậm chí còn hô hào “Bổn sư” A-di-đà Phật, hoặc nói gì là đọc tụng Tâm kinh, công đức niệm Phật đều là không tưởng và cũng chẳng có hy vọng để sanh về Tây phương! Không biết họ căn cứ vào kinh luận nào mà dám nói như vậy. Tôi hổ thẹn vì đọc kinh luận không nhiều, nhưng tôi thấy trong kinh luận chỉ ghi là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà không ghi là Bổn sư A-di-đà Phật. Chỉ nói rằng đọc tụng kinh điển Đại thừa thời có thể sanh lên Thượng phẩm thượng sanh, chớ không nói công đức đọc tụng Tâm kinh và niệm Phật là rỗng không, cũng không nói không thể vãng sanh Cực lạc. Đương nhiên lúc sanh về thế giới Cực lạc phương Tây thì Phật A-di-đà là Bổn sư của chúng ta, nói Bổn sư A-di-đà Phật cũng không có gì là không được. Nhưng trước khi chưa sanh Cực lạc thì chúng ta vẫn là một chúng sanh của thế giới Ta bà này, vẫn là đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta đừng bao giờ quên đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bổn sư của chúng ta!

Hôm nay là ngày kỷ niệm ngài Huệ Viễn sáng lập đạo tràng niệm Phật ở núi Lô Sơn. Chúng ta sum họp về đây cùng niệm Phật là để ghi nhớ rằng, ngày này chính là một ngày trọng đại. Đây là một việc đáng để chúng ta vui mừng. Cuối cùng, tôi (Tác giả) mong sau khi hiểu rõ tinh thần vĩ đại của ngài Huệ Viễn, mọi người sẽ lấy đó để bắt chước học hỏi. Mong rằng ngoài việc tu tập cho bản thân, quí vị sẽ làm nhiều việc lợi ích thiết thực cho xã hội, tích tập vô biên căn lành để làm tăng thượng duyên tối thắng cho việc sinh lên Thượng phẩm thượng sanh. Được vậy, tức chúng ta đã không phụ hoài tâm nguyện phát tâm niệm Phật A-di-đà của mình! 

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]