Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận Giải “Đèn Soi Nẻo Giác”

22/02/201920:52(Xem: 5976)
Luận Giải “Đèn Soi Nẻo Giác”

Luận Giải “Đèn Soi Nẻo Giác”

Khunu Lama Rinpoche

Boudhanath, Nepal, 1975

Một bài pháp được ban cho chư Tăng Ni ở International Mahayana Institute tại Boudhanath, Nepal, ngày 2 tháng 2, năm 1975. Nicholas Ribush hiệu đính. Xin xem bản Phụ Lục 1 Illuminating the Path to Enlightenment của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay www.lam-rim.org, để có bản dịch chánh văn. Lama Zopa Rinpoche dịch Tạng ngữ sang Anh ngữ.

Bài pháp này đã được ấn tống năm 2005, trong tác phẩm Teachings from Tibet của nhà xuất bản LYWA. Quý vị có thể đọc thêm những bài pháp của Khunu Lama Rinpoche và các Lạt Ma Tây Tạng cao quý khác ở TeachingsFromTibet.com.

Khunu Lama Rinpoche

Khunu Lama Rinpoche.

            Trước khi lắng nghe bài thuyết pháp này thì trước tiên, hãy phát bồ đề tâm bằng cách nghĩ rằng, “Con muốn đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả các bà mẹ hữu tình.”. Nói cách khác là trước khi lắng nghe thuyết pháp, điều cần thiết là nghĩ đến tất cả các bà mẹ hữu tình.

            Đề tài hôm nay là Lam-drön, Đèn Soi Nẻo Giác (A Lamp for the Path to Enlightenment), do ngài Atisha vĩ đại (Dipamkara Shrijnana) sáng tác tại Tây Tạng, ngài là con trai của một vị Vua Bengali, đã ra đời tại miền Đông Bắc Ấn Độ, năm 982.

ATISHA VÀ SỰ LAN TRUYỀN CỦA GIÁO PHÁP SAU NÀY Ở TÂY TẠNG1  

            Phật pháp đã được thiết lập ở Tây Tạng trước khi Atisha đến đó, nhưng một nhà vua ác độc tên là Langdarma (Udumtsen), người được cho là có sừng mọc trên đầu, đã thù hằn Phật pháp, và khiến cho giáo pháp suy tàn ở Tây Tạng. Tuy nhiên, dù các giáo huấn đã bị tổn hại, nhưng chúng vẫn tồn tại, chỉ là không được thuần tịnh như trước đây. Phải mất gần 60 năm để giúp cho giáo pháp khôi phục lại tính thuần tịnh ban đầu, và chúng được xem là sự lan truyền của giáo pháp sau này ở Tây Tạng.

            Sự thể là ở miền Tây của Tây Tạng, trong vương quốc Gugé, có một vị vua Tây Tạng, Lha Lama Yeshe Ö, và cháu trai của ông, Jangchub Ö, sống ở đó. Họ quyết định mời một vị thầy uyên bác, có chứng ngộ từ tu viện Ấn Độ vĩ đại của Vikramashila, để truyền bá giáo pháp ở Tây Tạng. Khi tìm hiểu để xem ai là người uyên bác và có chứng ngộ cao nhất ở đó thì họ thấy Atisha là người tốt nhất để thỉnh mời.

            Tuy nhiên, trước khi Lha Lama Yeshe Ö có thể thỉnh cầu Atisha từ Vikramashila đến Tây Tạng thì ông cần phải tìm ra vàng để cúng dường một cách đúng đắn, nên ông đã đến một nơi gọi là Garlog để tìm vàng. Tuy nhiên, trước khi ông có thể hoàn thành sứ mạng thì nhà cầm quyền ở Garlog đã bắt ông vào tù, và ông đã chết trong tù. Thế là Lha Lama Yeshe Ö đã hy sinh đời mình để đưa Atisha đến Tây Tạng.

            Rồi thì cháu trai của ông, Jangchub Ö, đã gởi sứ giả đến Ấn Độ để mời ngài Atisha đến Tây Tạng. Cuối cùng, khi gặp được Atisha, ông giải thích rằng giáo pháp đã suy tàn dưới thời cai trị của Langdarma ra sao, các giáo huấn đúng đắn không còn tồn tại ở Tây Tạng nữa, và thỉnh cầu Atisha ban cho người dân Tây Tạng các giáo pháp căn bản về quy y, bồ đề tâm và vân vân, bởi vì họ quá vô minh. Vì vậy nên Atisha đã sáng tác bài pháp quý báu Đèn Soi Nẻo Giác. Bản văn này dựa trên những bài thuyết pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, và là nguồn gốc không chỉ cho toàn bộ các giáo pháp lam-rim của Gelug, mà còn là nguồn gốc của giáo pháp từ các trường phái khác của Phật giáo Tây Tạng, tất cả đều tu tập đường tu tuần tự đến giác ngộ, và trích dẫn tác phẩm này trong giáo pháp của họ.

            Sau khi phát bồ đề tâm như trên, việc chủ yếu của chúng ta là thành tựu giác ngộ. Hiện nay, mặc dù ta có thể nghĩ rằng đời sống trong luân hồi là dễ chịu, nhưng không phải vậy. Thật sự là không hề có sự dễ chịu trong luân hồi. Ta chỉ có thể thành tựu giác ngộ bằng cách tu tập Pháp. Vì vậy mà tất cả chúng ta nên tu tập giáo pháp.

            Về mặt giáo pháp nói chung thì có hai loại: Phật pháp và các giáo pháp của những người ngoại đạo [Phạn ngữ: tirthika; Tạng ngữ: mu-teg-pa]2, và giáo pháp của người ngoại đạo thì dựa trên niềm tin và hiểu biết lầm lạc, trái ngược với niềm tin và sự hiểu biết của Phật pháp. Nếu như tin theo các giáo huấn phi Phật pháp thì con có thể sanh ra ở bất cứ nơi nào, từ các cõi thấp hơn cho đến tột đỉnh luân hồi, là cõi cao nhất trong bốn cõi vô sắc, nhưng không bao giờ thoát khổ.

            Trong Phật pháp cũng có hai phân loại: Tiểu thừa và Đại thừa. Nếu tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa thì con có thể thoát khỏi luân hồi, nhưng không thể đạt giác ngộ. Nếu muốn đạt giác ngộ thì con phải tu tập pháp Đại thừa. Trong Đại thừa, có các giáo pháp do chính Đức Phật thuyết, và giáo pháp do các tín đồ uyên bác của Ngài sáng tác sau này, các vị học giả Ấn Độ kiệt xuất, kể cả sáu món trang sức và hai điều tối thượng,3  và các đạo sư Tây Tạng cao cả.

            Giáo pháp mà chúng ta đang bàn luận ở đây là Lam-drön, do vị học giả uyên bác Dipamkara Shrijnana sáng tác. Giáo pháp này nói về điều gì? Nó bắt nguồn từ Hiện Quán Trang Nghiêm Luận của Đức Di Lặc (Abhisamayalamkara), và giảng giải ba cấp độ của giáo pháp: đường tu của các hành giả hạ căn, trung căn và thượng căn, đặc biệt là các hành giả ở hạng sau cùng.

LUẬN GIẢI ĐÈN SOI NẺO GIÁC THEO TỪNG CÂU KỆ

            Bản văn mở đầu với tựa đề của bài pháp này bằng tiếng Phạn, mà theo Tạng ngữ là Jang-chub lam-gyi drön-ma. Tiếp theo là lời kính lễ Đức Văn Thù Sư Lợi.

1. Câu kệ thứ nhất bao gồm ba điểm. Thứ nhất là có lời kính lễ Tam Bảo: chư Phật trong ba thời, các giáo huấn khẩu truyền và chứng ngộ về các giáo huấn này, và tăng đoàn – chư vị đã thọ nhận đường tu không lay chuyển, hay cao quý. Thứ hai, ngài nói rằng vị đệ tử thanh tịnh của mình, Jangchub Ö, đã thỉnh cầu ngài ban giáo pháp này. Thứ ba, ngài đã hứa, hay thệ nguyện rằng sẽ viết giáo pháp này, tức tác phẩm Đèn Soi Nẻo Giác, Lam-drön.

2. Trong câu kệ thứ hai, Atisha giải thích ngài sẽ viết về điều gì: các đường tu tuần tự của những người thuộc về hạ căn, trung căn và thượng căn. Đây cũng là các đường tu mà Lama Tsongkhapa giảng giải trong các giáo pháp Lam-rim ngắn, trung bình và dài – các đường tu tuần tự của ba loại hành giả này.

3. Về các tín đồ ở ba cấp độ thì trước hết, Atisha giảng giải đường tu tuần tự của những người thuộc hạ căn. Những người như vậy nghĩ rằng, “Không cần biết mình sẽ trải qua nỗi khổ hay niềm hạnh phúc nào trong đời này, nhưng tôi phải tránh việc tái sanh trong các cõi thấp hơn, và đạt được một tái sanh trong cõi cao hơn.”. Với điều này trong tâm thức, các hành giả hạ căn sẽ tránh những hành vi tiêu cực và thực hành thiện hạnh.

4. Những người thuộc trung căn không chỉ chán ghét nỗi khổ trong ba cõi thấp hơn, mà còn chán ghét khổ đau trong ba cõi cao hơn; ghê sợ toàn bộ luân hồi. Những hành giả này sẽ tránh các hành vi xấu ác để thoát khỏi luân hồi, nhưng không mấy quan tâm đến chúng sanh khác.

5. Vậy thì ai là chúng sanh thượng căn? Họ là những người sau khi thấu hiểu nỗi khổ của riêng mình, sẽ xem đó là một ví dụ của nỗi khổ mà những chúng sanh khác cũng đang nếm trải, và phát nguyện cao cả, muốn chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sanh.

6-11. Có sáu hành trì chuẩn bị. Trước tiên, hãy quán tưởng ruộng phước và cúng dường, rồi quỳ xuống, chắp tay lễ lạy và quy y Tam Bảo. Sau đó, hãy phát lòng từ đối với chúng sanh, bằng cách nghĩ về những nỗi khổ của cái chết, tuổi già, bệnh tật và tái sanh, cũng như ba loại khổ và nỗi khổ chung của luân hồi. Hãy phát bồ đề tâm theo cách đó.

12-17. Điều cần thiết là phát nguyện để đạt giác ngộ, và lợi lạc của việc này đã được giải thích trong kinh Nhập Pháp Giới. Atisha còn trích dẫn ba câu kệ từ một kinh khác, Viradatta Vấn Kinh, để giảng giải thêm về lợi lạc của bồ đề tâm.

18-19. Có hai loại bồ đề tâm, tương đối và tuyệt đối. Trong thể loại tương đối thì có thêm hai phân loại nữa, bồ đề tâm nguyện, là ước muốn đạt giác ngộ vì lợi lạc của chúng sanh, nghĩ rằng, “Nếu không đạt giác ngộ thì con không thể giúp cho tha nhân giác ngộ”, và bồ đề tâm hành, thật sự noi theo đường tu của chư Bồ tát bằng cách nhận bồ tát giới, và dấn thân vào bồ tát hạnh, nghĩ rằng, “Con sẽ thực hành lục độ ba la mật, để dấn thân vào thiện hạnh và tránh ác hạnh.”.

20-21. Các giáo pháp giải thích rằng để tu tập bồ đề tâm hành, chúng ta nên nhận giới bồ tát xuất gia, nhưng để thực hiện điều này thì nên giữ một trong bảy cấp độ xuất gia Biệt giải thoát, chẳng hạn như gelong, gelongma, getsul, getsulma và vân vân.4  Trên lý tưởng thì nên giữ một trong những cách xuất gia căn bản này, trước khi nhận bồ tát giới, nhưng các học giả bảo rằng nói chung thì những ai tránh nghiệp xấu ác và tạo thiện nghiệp có thể viên thành bồ đề tâm, dù họ không giữ bất kỳ giới Biệt giải thoát nào cả.

22. Bồ đề tâm nguyện có thể phát khởi mà không nhờ vào một vị lạt ma nào, nhưng bồ đề tâm hành thì phải dựa vào một lạt ma. Muốn tìm một vị lạt ma để nhận bồ tát giới thì chúng ta phải biết trình độ của vị ấy.

23-24. Trước tiên, vị lạt ma nên thấu hiểu tường tận về việc xuất gia và cách truyền giới xuất gia. Hơn nữa, chính ngài nên sống theo hạnh bồ tát xuất gia, và có lòng bi mẫn với đệ tử. Đó là loại lạt ma mà ta cần phải tìm cầu để thọ giới xuất gia. Nhưng nếu không thể tìm một vị lạt ma hoàn hảo như vậy thì sao? Atisha giải thích tiếp trong trường hợp đó thì chúng ta nên làm gì.

25-31. Văn Thù Sư Lợi Phật Độ Nghiêm Tịnh Kinh có giải thích Đức Văn Thù đã phát bồ đề tâm như thế nào vào thời xưa. Đó là điều mà chúng ta có thể làm. Hãy quán tưởng ruộng phước cùng toàn thể chư Phật, và phát bồ đề tâm trước sự hiện diện của các ngài, đó là tác ý để thành tựu giác ngộ. Rồi hãy hứa rằng, “Con xin mời tất cả chúng sanh làm quan khách tham dự niềm hạnh phúc cao thượng của giải thoát và giác ngộ. Con sẽ không sân hận hay sanh tâm hám lợi, tham lam, ganh tỵ và v.v… Con sẽ không hãm hại chúng sanh khác bằng bất cứ cách nào. Con sẽ sống trong giới luật thanh tịnh bằng cách tránh tất cả các nghiệp xấu ác, ngay cả khát vọng thế gian và các đối tượng giác quan, là đối tượng của lòng tham ái, chẳng hạn như âm thanh lôi cuốn và sắc tướng đẹp đẽ, vân vân. Con sẽ từ bỏ những điều như vậy. Tựa như chư Phật đã noi theo đức hạnh thanh tịnh, con cũng sẽ làm như vậy.

“Con sẽ không cố gắng đạt giác ngộ cho riêng mình. Con sẽ ở lại trong luân hồi, dù phải mất vô hạn thời gian để làm việc chỉ vì một chúng sanh. Con sẽ khiến cho những cõi bất tịnh của chúng sanh trở thành thanh tịnh, những nơi có gai góc, sỏi đá và núi non xấu xa. Con cũng sẽ tịnh hóa ba cửa thân, khẩu, ý của mình, và giữ cho thanh tịnh. Từ nay trở đi, con sẽ không tạo thêm nghiệp xấu ác.”.

32-35. Cách tốt nhất để giữ cho ba cửa được thanh tịnh là phát bồ đề tâm nguyện, tu tập bồ đề tâm và noi theo đường tu giác ngộ. Điều này dựa vào việc quán sát ba cấp độ đức hạnh, Biệt giải thoát giới, Bồ tát giới và Mật giới. Nếu thực hiện điều này một cách đúng đắn thì có thể thành tựu viên mãn hai bồ tư lương công đức và trí tuệ siêu việt.

Một điều thật sự giúp ta thành tựu viên mãn hai bồ tư lương là khả năng tiên đoán tương lai; vì vậy, nên cố gắng có được khả năng thấu thị. Nếu không có khả năng này thì mình giống như một con chim non, đôi cánh chưa phát triển, lông mọc chưa đủ và mãi sống trong tổ, không thể bay lượn. Không có khả năng thấu thị thì không thể làm việc cho chúng sanh.

36-37. Người đã đạt được sức mạnh tâm linh để tiên đoán tương lai thì trong một ngày, có thể tạo ra nhiều công đức hơn một người tạo ra công đức trong một trăm năm, mà không có khả năng này. Vì thế, để nhanh chóng thành tựu viên mãn hai bồ tư lương công đức và trí tuệ siêu việt thì điều cần thiết là có sức mạnh tâm linh, để thấy được quá khứ, hiện tại và vị lai. 

38. Để thực hiện điều này, việc đạt được định tâm nhất điểm (single-pointed concentration) [Phạn ngữ: samadhi; Tạng ngữ: ting-nge-dzin] là điều cần thiết. Đối với điều này, chúng ta phải hiểu rõ chi tiết của phương pháp thành tựu định tâm, chẳng hạn như chín giai đoạn, sáu lực và bốn sự chú tâm. 5

39. Để tu tập thiền định một cách đúng đắn thì phải bảo đảm các điều kiện được hoàn hảo. Nếu không thì dù có khổ công tu tập một ngàn năm, ta vẫn không bao giờ đạt được định. Vì vậy, nên tìm một môi trường hoàn hảo, giữ im lặng và tránh làm những việc như chữa bệnh cho người đau ốm và bói toán chiêm tinh, bất kỳ hoạt động nào làm cho mình bận rộn.

40. Cách hành thiền để thành tựu định tâm nhất điểm là chú tâm vào một đối tượng thiện hảo, chẳng hạn như hình ảnh của Đức Phật. Ta sẽ quán tưởng một hình ảnh như vậy trước mặt mình, và đơn thuần chú tâm vào đó. Khi chú tâm vào đối tượng hết lần này đến lần khác thì dần dần, ta sẽ có khả năng giữ gìn nó trong những khoảng thời gian dài hơn, và nhờ tiếp tục tu tập như thế mà cuối cùng, mình sẽ thành tựu tâm tĩnh trụ (calm abiding) [Phạn ngữ: shamatha; Tạng ngữ: shi-né] và định tâm nhất điểm. Do đó, chúng ta sẽ có được “thị kiến cao hơn” [Tạng ngữ: ngön-she], đó là sức mạnh tâm linh để thấy tương lai và vân vân.

41-43. Tuy nhiên, đó không phải là điểm chính. Kế tiếp, phải tu tập thiền minh sát [Phạn ngữ: vipashyana; Tạng ngữ: lhag-tong]. Nếu không có thiền minh sát thì định tâm không thể loại trừ phiền não. Chúng ta phải đạt được trí tuệ chứng ngộ cái Tôi không tự hiện hữu, để đoạn trừ hai mức độ ám chướng, đó là phiền não chướng [Phạn ngữ: kleshavarana; Tạng ngữ: nyön-drib] và sở tri chướng, hay toàn trí chướng [Phạn ngữ: jneyavarana; Tạng ngữ: she-drib]. Việc thực hiện điều này còn dựa vào việc có phương tiện, chẳng hạn như lòng bi và vân vân. Nếu chỉ tu tập trí tuệ mà không tu tập phương tiện thì đó là một sai lầm. Điều này có thể khiến ta rơi vào giải thoát cá nhân, hay niết bàn thấp kém hơn. Tương tự như vậy, nếu chỉ tu tập phương tiện mà không tu tập trí tuệ cũng là một sai lầm, khiến cho mình ở mãi trong luân hồi.

44-46. Đức Phật dạy trong lục độ ba la mật, hạnh cuối cùng trong sáu ba la mật là đường tu trí tuệ, và năm hạnh đầu, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, là đường tu phương tiện, rồi đến trí tuệ, rồi kết hợp cả hai. Ta có thể đạt giác ngộ bằng cách kết hợp tu tập cả hai; nếu chỉ tu tập một mình trí tuệ vô ngã thì không thể giác ngộ.

47-49. Tâm chứng ngộ ngũ uẩn [Phạn ngữ: skandhas], mười hai xứ và mười tám giới không có sự tự hữu được xem là trí tuệ cao hơn. Có sự hiện hữu và bất hiện hữu: không có thứ gì là sự sản sinh của pháp hiện hữu, và cũng không có thứ gì là sự sản sinh của pháp bất hiện hữu. Không có thứ gì là sự sản sinh của cả hai pháp hiện hữu và bất hiện hữu, cũng như không có sự sản sinh của cái vừa không là pháp hiện hữu, vừa không là pháp bất hiện hữu. Đó là một hình thức luận lý phủ nhận sự sản sinh của cả hai pháp hiện hữu và bất hiện hữu. Còn có một hình thức luận lý khác phủ nhận sự sản sinh của một vật từ chính nó, từ vật khác, từ cả hai và từ không phải cả hai, là bốn cực đoan. Điểm chánh để khám phá ra ở đây là sự bất tự hữu. Điều này có thể được tìm thấy qua dòng lý luận hợp lý thứ nhất, phủ nhận sự sản sinh của pháp hiện hữu và bất hiện hữu, và qua dòng thứ hai, phủ nhận sự sản sinh của bốn cực đoan.

50-51. Điều này cũng có thể được khám phá qua dòng lý luận thứ ba, khảo sát sự vật để xem chúng là một hay nhiều. Những dòng lý luận này được Long Thọ khai triển trong Thất Thập Không Tánh Luận và các tác phẩm khác, chẳng hạn như Trung Quán Luận.

52-54. Những điều này được giải thích trong các tác phẩm ấy, nhưng ở đây, chúng được đề cập đến chỉ vì mục đích hành thiền. Thiền về tánh bất tự hữu của cái Tôi và bất tự hữu của tất cả các pháp khác là thiền về shunyata, hay tánh Không. Khi trí tuệ chứng ngộ tánh Không phân tích chủ thể và đối tượng, nó không thể tìm ra sự tự hữu của một trong hai thứ này. Hơn nữa, nó không thể tìm ra sự tự hữu trong trí tuệ tánh Không. Do đó, chúng ta sẽ chứng ngộ tánh Không của ngay cả trí tuệ tánh Không.

55-58. Vì thế giới này được sáng tạo từ sự mê tín, hay khái niệm [Tạng ngữ: nam-tog], nếu như tiệt trừ đấng sáng tạo, là sự mê tín, thì ta có thể đạt được giải thoát. Đức Phật nói rằng chính sự mê tín khiến cho chúng ta rơi vào biển luân hồi. Vì vậy, điều phải tránh là sự mê tín, còn tánh Không của sự mê tín, giống như bầu trời, như không gian trống rỗng, là điều phải được tu tập. Khi đạt được điều này, ta sẽ có khả năng thấy được bản chất tuyệt đối của sự hiện hữu. Vì thế, pháp tu của chư Bồ tát là tránh mê tín, nhờ vậy mà thành tựu tâm không mê tín. Nhờ các phương thức luận lý khác nhau, bằng cách chứng ngộ tánh Không của các pháp được sản sinh và của sự tồn tại cố hữu mà chúng ta có thể tránh sự mê tín, và đạt được trí tuệ tánh Không.

59. Rồi thì chúng ta cũng có thể thành tựu được những cấp độ khác nhau của Gia Hành đạo [Tạng ngữ: jor-lam], đường tu thứ hai của ngũ đạo. Chúng ta sẽ đạt được bốn cấp độ của đạo lộ này và dần dà cũng sẽ đạt được thập địa [Tạng ngữ: sa], hay các địa bồ tát. Cuối cùng, chúng ta sẽ thành tựu địa thứ mười một, chính là giác ngộ.

60-67. Khi đã chứng ngộ tánh Không thì chúng ta cũng có thể có được các chứng ngộ chung của Mật điển, chẳng hạn như bốn lực an định, hung nộ, khống chế và tăng trưởng, và các thành tựu khác, chẳng hạn như “thành tựu chiếc bình tốt”. Thành tựu chiếc bình tốt có nghĩa là thực hành một pháp thiền nào đó trong khi nhập thất một thời gian dài, và nếu như thành công thì ta sẽ có khả năng chỉ cần kê miệng vào miệng bình và nói điều gì đó như là “Nguyện cho tôi trở thành vua của đất nước này”, thì sẽ thành tựu được ước nguyện.

Hay chúng ta có thể có được oai lực Mật điển của “thuốc chữa mắt”. Nếu như thành tựu điều này thì chỉ cần xức một thứ dầu đặc biệt vào mắt là ta có thể thấy được những thứ quý báu, chẳng hạn như vàng, châu báu và vân vân, ngay cả khi chúng ở hàng trăm dặm dưới mặt đất; không cần biết xa xôi như thế nào, ta vẫn có thể nhìn thấy chúng.

Nhờ pháp tu Mật tông mà ta có thể đạt giác ngộ mà không phải trải qua nhiều khổ hạnh lớn lao. Cách tu tập của Mật tông để đạt giác ngộ là nhờ hạnh phúc; còn những đường tu khác để đến giác ngộ thì phải trải qua tu tập khó khăn, khổ hạnh.

Có bốn cấp độ Mật điển khác nhau: Hành Động (Action), Thực Hiện (Performance), Du Già (Yoga) và Tối Thượng Du Già Mật điển (Highest Yoga Tantra). Trước tiên, phải nhận lễ điểm đạo. Để thực hiện điều này thì phải cúng dường vật chất, chẳng hạn như vàng hay ngay cả các thành viên trong gia đình mình, một người phối ngẫu hay anh em, và thỉnh cầu bổn sư của mình ban cho lễ điểm đạo6, với lòng sùng mộ lớn lao. Nếu như cảm thấy hài lòng thì ngài sẽ ban cho chúng ta lễ điểm đạo, với lòng bi mẫn. Khi đã nhận lễ quán đảnh thì chúng ta cũng thọ nhận sự may mắn lớn để có thể đạt giác ngộ và tất cả các chứng ngộ cao cả đi  cùng với nó.

Có bốn lễ điểm đạo khác nhau trong Mật Điển Tối Thượng Du Già: điểm đạo bình, bí mật, trí tuệ siêu việt và ngôn từ, điểm đạo sau cùng là lúc vị bổn sư trao truyền việc minh giải, hay chứng minh, qua lời giảng giải. Tuy nhiên, không nên ban điểm đạo bí mật cho những vị đã xuất gia. Ví dụ, nếu như chư tăng nhận lễ điểm đạo bí mật thì các ngài phải rời bỏ hàng ngũ tăng đoàn, bởi vì những người đã nhận lễ điểm đạo bí mật phải tu tập với một vị phối ngẫu. Nếu họ thực hành pháp tu này mà trước đó không trả giới xuất gia thì họ sẽ mất giới, và hệ quả của điều này là tái sanh trong địa ngục.

Nếu muốn nhận luận giải Mật điển thì trước hết, con phải nhận lễ điểm đạo. Không có điểm đạo thì con không thể thọ nhận giáo pháp Mật điển. Con cũng không thể thực hiện lễ cúng lửa [Tib: jin-sek], hay ban giáo pháp Mật điển.

68. Trong vần kệ cuối cùng, Atisha đã kết thúc bản văn này bằng cách tự mô tả mình như một trưởng lão [Tạng ngữ: nä-tän], một vị tỳ kheo, trong mười hai năm đầu sau khi thọ giới xuất gia, chưa hề phạm bất cứ giới luật nào; một vị sư trưởng. Ngài tuyên bố đã ban lời giảng giải ngắn gọn này về những bước trên đường tu, thể theo lời khẩn cầu của Jangchup Ö, một tín đồ quý phái của ngài. 

KẾT LUẬN

Mỗi một giáo pháp Lam-rim nào đã được sáng tác đều tham chiếu bản văn này, Đèn Soi Nẻo Giác, không kể đó là truyền thống Phật giáo Tây Tạng nào, Nyingma, Kagyu, Sakya hay Gelug. Còn chính Đèn Soi Nẻo Giác thì tham chiếu tác phẩm nào? Đó là giáo pháp Bát nhã ba la mật đa của Đức Phật. Về các bản văn Bát nhã ba la mật đa thì có bản dài, bản trung và bản ngắn, nhưng tác giả của tất cả những bài kinh này là Đức Phật. Vì vậy nên tất cả các bản Lam-rim đều bắt nguồn từ giáo pháp của Đức Phật.

Nếu muốn hiểu rõ Lam-rim thì nên nghiên cứu càng nhiều càng tốt. Khi thấu hiểu Lam-rim tường tận thì con sẽ hiểu Đèn Soi Nẻo Giác. Một khi đã hiểu thì con nên giảng dạy nó khắp nơi trên thế giới.

Có nhiều khía cạnh của truyền thống Đại thừa, nhưng nói chung thì nó chứa đựng kho kiến thức vĩ đại. Tuy nhiên, điểm chính, điều cơ bản là sự quan tâm đến tha nhân, làm việc vì tha nhân, tạo lợi lạc cho tha nhân. Các tín đồ Tiểu thừa chủ yếu chỉ quan tâm đến nỗi khổ trong luân hồi của bản thân họ, và để thoát khỏi điều này, họ sẽ tu tập theo đường tu tam vô lậu học: giới, định, tuệ. Có nhiều cách để giải thích Đại thừa khác với Tiểu thừa như thế nào, và cao hơn Tiểu thừa ra sao, nhưng sự khác biệt chủ yếu là các hành giả Đại thừa thì quan tâm đến việc hành động vì phúc lợi của tha nhân nhiều hơn cho chính mình.

Ngày nay, người ta có thể nghĩ đến việc giúp đỡ người khác, nhưng các hành giả Đại thừa không chỉ làm lợi lạc cho người khác, mà còn giúp đỡ cho chúng sanh đau khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và mỗi một chúng sanh khác. Không có một chúng sanh nào chưa từng là mẹ của mình, tất cả chúng sanh đã là mẹ của chúng ta vô số lần, vì vậy, chúng ta nên quan tâm đến phúc lợi của họ, muốn cho họ đạt giác ngộ càng nhanh càng tốt. Vậy thì đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Tiểu thừa và Đại thừa, đặc biệt là lòng quan tâm đến tha nhân nhiều hơn cho bản thân mình, ước nguyện phổ độ tất cả chúng sanh đến giác ngộ. Đó là điều tạo ra sự khác biệt.

Các con đang nghiên cứu giáo pháp rộng lớn và thậm thâm của Đại thừa, với chủ ý suy nghĩ, phân tích nó là điều xuất sắc, và nên tiếp tục làm như vậy. Nói chung, có nhiều tôn giáo, và tất cả mọi người nghĩ rằng giáo pháp trong tôn giáo của họ là tốt nhất, nhưng chỉ nói rằng tôn giáo của mình tốt nhất thì không chứng minh được là nó tốt nhất; điều đó không có nghĩa lý gì. Vì vậy, đơn thuần nói rằng Phật pháp là tôn giáo tốt nhất trên thế gian sẽ không làm cho nó trở thành tốt nhất. Tuy nhiên, có nhiều lý do hợp lý con có thể sử dụng để chứng minh rằng trên thực tế, Phật pháp là tốt nhất.

Ví dụ, ngay cả việc chấp nhận và tu tập bồ đề tâm thì rất khác biệt với không chấp nhận và tu tập bồ đề tâm. Ngay cả đối với điều này, có một sự khác biệt lớn giữa Phật giáo và các tôn giáo khác; thực tế là sự hiện diện của pháp tu bồ đề tâm cho thấy là Phật giáo cao hơn các tôn giáo khác, rằng đạo Phật tốt đẹp nhất. Đạo Phật còn nói về duyên khởi và tánh Không; nó giải thích duyên khởi như nó hiện hữu, ngay tại đó. Thế thì đạo Phật rất khác với những tôn giáo khác, không chỉ về công hạnh, mà còn về tri kiến, và vì vậy, đạo Phật tốt nhất. Có nhiều cách để chứng minh điều này.

Tuy nhiên, Phật pháp là điều mà càng nghiên cứu nhiều thì càng trở nên sâu xa hơn, con sẽ thấy nó thậm thâm hơn. Đây là một phẩm chất đặc thù của Phật pháp. Đối với những giáo huấn khác, càng nghiên cứu nhiều thì chúng càng trở nên nhẹ hẫng hơn.

Nếu con hiểu bất kỳ điều gì Thầy đã dạy ở đây thì hãy giữ nó trong tâm và xây dựng dựa trên những điều này. Khi đã thấu hiểu nhiều hơn thì hãy giữ đó làm nền tảng của con, và dựa vào đó mà xây dựng thêm. Theo cách này thì kiến thức của con sẽ tiếp tục tăng trưởng. Rồi thì như mặt trời mọc, hãy truyền bá giáo pháp ở phương Tây.

Có nhiều quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, nơi mà Phật pháp đã hiện hữu hàng thế kỷ, nhưng không đâu như Tây Tạng. Ở các quốc gia ấy, chỉ có một phương diện của Phật pháp tồn tại, không có toàn bộ, nhưng ở Tây Tạng thì mọi phương diện của giáo pháp đã hiện hữu, Tiểu thừa, Kinh thừa và Kim Cang thừa. Để nghiên cứu tất cả những giáo pháp này, con nên học tiếng Tạng, nghiên cứu văn phạm tiếng Tạng, và noi theo vị lạt ma của mình một cách đúng đắn.

[Bài cầu nguyện hồi hướng được trì tụng, rồi chư Tăng Ni cúng dường Rinpoche.]

Làm ơn đừng cúng dường bất cứ thứ gì cho Thầy. Thầy có đủ để ăn uống rồi; đó là tất cả những gì Thầy cần. Lý do mà Thầy đã ban cho các con giáo pháp này không phải là để nhận được thứ gì, mà là để các con tu tập một cách thanh tịnh. Thầy không xây tu viện hay cúng dường cho các tôn tượng và vân vân, nên Thầy không cần tiền. Thầy chỉ nhận cúng dường khi Thầy thiếu thứ gì. Khi có đủ thì Thầy không nhận cúng dường, đặc biệt là từ chư Tăng Ni. Ý niệm về sự giàu sang của Thầy khác biệt. Nếu không thì việc giảng dạy và nhận tịnh tài sẽ hơi giống như việc kinh doanh. Giờ đây, Thầy chỉ muốn các con tu tập, nhưng nếu mọi việc trở nên tồi tệ và Thầy không có đủ thức ăn hay thức uống thì có thể là Thầy sẽ nhận thứ gì đó.

[Rồi tất cả mọi người nhận lực gia trì từ Rinpoche, tuần tự từng người một.]

Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân hiệu đính

CHÚ THÍCH

1. Để đọc bản dài của câu chuyện này, xin xem Liberation in the Palm of Your Hand (Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay), trang 44-72, hay biography of Atisha (Tiểu Sử Atisha) trong trang mạng này.

2. Xem Hopkins, Jeffrey: Meditation on Emptiness (Thiền Về Tánh Không), trang 320-21.

3. Đây là những nhà học giả Ấn Độ vĩ đại Long Thọ (Nagarjuna), Thánh Thiên (Aryadeva), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), Pháp Xứng (Dharmakirti), Trần Na (Dignaga), Thích Tử Quang  (Shakyaprabha) và Đức Quang (Gunaprabha).

4. Xin xem Illuminating the Path (Soi Sáng Đường Tu), trang 123.

5. Xin xem Opening the Eye of New Awareness (Mở Mắt Của Ý Thức Mới), trang 53-66.

6. Thời nay, dường như các lễ điểm đạo dễ xảy ra hơn.

Nguồn: https://www.lamayeshe.com/article/commentary-lamp-path-enlightenment

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2012(Xem: 4845)
Kinh Lăng Nghiêm là một trong những bộ Kinh tinh túy cốt lõi thuộc truyền thống Kinh điển đại thừa Bồ Tát đạo trong Phật Giáo. Tinh thần Bồ tát là tinh thần cầu thành Phật, phổ độ chúng sanh, tinh thần ấy không phân biệt giữa hai giới tại gia hay xuất gia. Đã là Phật tử, tức phải xác định mục đích tấn tu duy nhất, mục đích đó là phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo. Trong lời tựa tán thán Kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan phát nguyện “ngũ truợc ác thế thệ tiên nhập”, lời phát nguyện đó cũng chính là lời phát nguyện cho mỗi người Phật tử trên con đường tu tập.
14/09/2012(Xem: 5350)
Phật dạy các pháp đều từ tâm sanh, dù vậy cảnh vật bên ngoài vẫn là hiện hữu. Tuy nhiên sẽ không có cảnh tượng nếu không có tâm tưởng. Những giác quan chính của con người từ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) đều như thế. Sỡ dĩ ta có thể nhận thức được mọi thứ là do căn tiếp xúc với trần, rồi dùng thức để phân biệt nhận lãnh. Nếu không như vậy ta không thể nhận biết được gì.
14/09/2012(Xem: 5381)
Khi nói đến tu là nói đến chuyển hóa Tâm thức trong mỗi con người chúng ta, đó là điều quan trọng nhất. Có hai mức độ chuyển hóa, mức độ thứ nhất là phát tâm từ bi thương hết tất cả chúng sanh, mức độ thứ hai là tập hoán chuyển giữa Mình và Người, còn gọi là thực tập pháp tu Cho và Nhận.
06/09/2012(Xem: 3824)
Khi đức Phật du hóa đến núi Tỳ-ha-La, thuộc thành La-duyệt-Kỳ, Ngài trú ngụ trong động cây Thất-diệp (Sau này tập kết Kinh Luật ở đây); có một vị Cư-sĩ tên là Tán-đà-Na thuộc thành La-duyệt-Kỳ, cứ mỗi ngày thường đến chỗ Phật ngụ. Một hôm trên đường đi, Cư-sĩ Tán-đà-Na nhìn bóng mặt trời thấy còn sớm, vì Cư-sĩ nghĩ rằng đức Phật còn đang nhập định, và các vị Tỳ-kheo cũng còn đang thiền-định; nghĩ như vậy, nên Cư-sĩ Tán-đà-Na tạm thời tạt vào nghỉ chân tại rừng Ô-tạm Bà-Lợi.
01/09/2012(Xem: 4536)
Một hôm đức Phật vào thành A-Nậu-Di khất thực, nhưng vì còn sớm, nên Ngài ghé vào vườn chỗ cư ngụ của Phạm-chí Phòng-già-Bà, để đợi đến giờ rồi mới đi khất thực; lúc đó, Phạm-Chí từ xa trông thấy đức Phật đi đến liền ra nghênh đón và nói: - Chào Cù-Đàm, qúy hóa thay đức Cù-Đàm; từ lâu không đến, nay Ngài chiếu cố chắc là có chuyện gì, kính mời Ngài ngồi chỗ này.
23/08/2012(Xem: 4864)
Khi đức Phật du hoá tại phiá bắc thôn Thâu-lô-Tra, thuộc nước Câu-Lâu-Sấu, bấy giờ các người trong thôn nghe tin: “Sa-môn Cù-Đàm, con Vua dòng họ Thích, lià bỏ tông-tộc, xuất gia học đạo, đang trú ngụ trong vườn Nhiếp-hoà; vị Sa-môn ấy có tiếng tăm lớn đồn khắp mọi nơi là bậc đắc đạo, là thầy của Trời và Người, thuyết pháp vi diệu chưa từng có”, nên họ rủ nhau cùng đến gặp Ngài để lễ bái cúng dường.
18/08/2012(Xem: 8470)
Anh chị em thân mến, đặc biệt là người thân hữu lâu năm Jim[1]. Thật sự tôi rất vui mừng được đến đây để gặp gở mọi người. Một số là người thân quen đã lâu, và hầu hết các vị là mới. Tôi cảm thấy rất quan trọng để gặp gở và chia sẻ một số quan điểm của tôi, chính yếu là những kinh nghiệm của riêng tôi và cũng như tôi nghĩ là một số quán chiếu. Tôi nghĩ ở đằng ấy, những sinh viên trẻ tuổi mà tôi cho là tôi có kinh nghiệm hơn (cười). Các bạn chỉ vừa mới bắt đầu một cuộc đời thật sự, còn tôi đã sắp nói lời giả biệt, bye bye (cười).
18/08/2012(Xem: 4356)
Một hôm, đức Phật dạy các Tỳ Kheo: - Thuở xưa, Chư Thiên đánh nhau với Thần A Tu la. Thích Đề Hòan Nhân (Vua trời Đế Thích) ra lệnh cho Chư Thiên Đạo Lợi: “- Các Ông đánh nhau với Thần A Tu La, làm sao bắt được Vua Thần A Tu La, hãy dùng 5 sợi dây trói lại, đem về giảng đường Thiện Pháp, ta muốn thấy mặt nó.”
16/08/2012(Xem: 4884)
Một số người theo thuyết Nhất thần giáo thành lập niềm tin vào "Thiên chúa" trong nhiều Tôn giáo. Nhiều người tự cho Tôn giáo mình là Hữu thần-Bất khả tri (Agnostic), và những người khác vui vẻ tự nhận mình là Vô thần (Atheist). Một vài giáo phái Bất khả tri luận cũng là Phật tử, và một số họ tin vào "những tầng trời" và "những cõi địa ngục". Tuy nhiên những Phật tử này tránh từ “G" (God) trong tất cả tình huống. Vậy thì Phật tử theo chủ thuyết Bất khả tri luận có thể chấp nhận “Thiên chúa” không?
05/08/2012(Xem: 7221)
Ai trong chúng ta được sinh ra trong đời này rồi, một ngày nào đó cũng phải từ giã tất cả những gì có liên hệ với ta trong một quãng thời gian nhất định của cuộc đời này để phải ra đi. Có kẻ đi lên, có người đi xuống; có kẻ đi ngang và có người lại ngược dòng sinh tử, trở lại thế giới này để cứu khổ độ mê. Tất cả đều do nghiệp lực và nguyện lực của mỗi người trong chúng ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com