Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

B. Ngài Đạo Xước và Tư Tưởng Tịnh Độ

17/07/201200:58(Xem: 13221)
B. Ngài Đạo Xước và Tư Tưởng Tịnh Độ
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

HT Thích Như Điển biên soạn

III. TỊNH ĐỘ TÔNG CỦA TRUNG HOA

B.- Ngài Đạo Xước và Tư Tưởng Tịnh Độ

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế, Ngài chia giáo pháp của Ngài ra làm 3 thời kỳ. Đó là thời Chánh Pháp gồm 500 năm; thời Tượng Pháp gồm 1.000 năm và thời kỳ Mạt Pháp gồm 10.000 năm.

Thời Chánh Pháp có nghĩa là: Các hành giả có tu, có hành và có chứng. Thời kỳ nầy là thời kỳ của Đức Phật, các vị Bồ Tát và các vị A La Hán xuất thế. Khi nghe giáo pháp từ bi, trí tuệ của Phật dạy đều hoan hỷ tín thọ và thành tựu quả vị Bồ Đề. Ngay cả độc ác sinh tâm hại Phật như: Đề Bà Đạt Đa, Vô Não hay bất hiếu như A Xà Thế, ác độc như bạo chúa A Dục trước khi quy y Tam Bảo v.v… nhưng khi những vị nầy nghe, hiểu và thực hành giáo lý giải thoát ấy thành tựu; tức là điểm đến của tâm có kết quả. Thời nầy gọi là thời kỳ có tu, có hành và có chứng; nhưng tiếc thay chỉ có 500 năm ngắn ngủi.

Thời kỳ Tượng Pháp 1.000 năm, sau thời Chánh Pháp là thời kỳ: Có tu, có hành nhưng không chứng. Thời kỳ nầy giáo pháp của Đức Phật vẫn còn tại quê hương Ấn Độ và lần đầu tiên di chuyển về phía Tích Lan cũng như Trung Âu, châu Phi và miền Bắc Ấn Độ, để từ đó tư tưởng Đại Thừa được phát triển qua sự xiển dương lý Vô Ngã, tánh không, trung đạo của các vị Đại Luận Sư như Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh và Long Thọ.

Nếu kể thời của Ngài Long Thọ là thời gian 300 năm đầu của Tượng Pháp (Ngài sinh ra sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn độ 800 năm). Thế mà Ngài đã biết rằng: Trong tương lai việc tu chứng không phải dễ dàng. Do vậy mà Ngài đã xiển dương pháp môn Tịnh Độ qua việc Niệm Phật và cầu vào tha lực của Đức Phật A Di Đà và qua bổn nguyện lực ấy, các chúng sanh ở thế giới Ta Bà sanh về Tây Phương một cách dễ dàng hơn. Rồi từ đó Ngài Thế Thân (người Ấn Độ) bắt cầu qua Ngài Đàm Loan (người Trung Hoa) cho tha lực ấy có cơ hội phát triển tại lục địa Á Châu rộng lớn nầy.

Nếu bảo rằng thời kỳ Mạt Pháp là thời kỳ mà chúng sanh chỉ có tu, không hành và không chứng thì thời gian nầy chính thức bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 9 và đầu thế kỷ thứ 10 sau Tây lịch. Hay nói đúng hơn là cuối thời thịnh Đường của Trung Quốc. Thời nầy có các vị Tổ Thiền nhưng vẫn tu Tịnh Độ như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ chẳng hạn. Đây là dấu mốc của lịch sử truyền thừa của Phật Giáo và là tư tưởng tối thượng thừa của những ai muốn nương vào câu Phật hiệu để giải thoát sanh tử luân hồi.

“Ngài Đạo Xước sinh năm 562 và tịch năm 645, là vị Tăng thuộc Tông Tịnh Độ đời nhà Đường, người Vấn Thủy, Tinh Châu (huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây) có thuyết nói Ngài là người Tấn Dương, Tinh Châu, họ Vệ. Cũng gọi là Tây Hà Thiền Sư. Là Tổ thứ 2 của Tông Tịnh Độ, vị thứ 4 trong 7 vị Cao Tăng của Chân Ngôn Tông Nhật Bản.

Năm 14 tuổi, Sư xuất gia, học khắp các kinh luận, đặc biệt tinh thông kinh Niết Bàn và từng giảng dạy kinh nầy tất cả 24 lần. Sau, Sư ở tại chùa Huyền Trung do Ngài Đàm Loan sáng lập, nhân đọc Văn bia của Ngài Đàm Loan mà chuyển sang tín ngưỡng Tịnh Độ. Lúc ấy Sư được 48 tuổi, từ đó mỗi ngày Sư đều niệm Phật 7 vạn biến.

Suốt một đời, Sư giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ tới hơn 200 lần; chủ trương bất luận là người xuất gia hay tại gia đều nên lấy việc niệm Phật làm cốt yếu. Trong lúc niệm Phật phải đếm những hạt đậu nhỏ gọi là “Tiểu đậu niệm Phật”, đây là khởi đầu của việc lần tràng hạt niệm Phật ở Trung Quốc.

Năm Trinh Quán thứ 3 (629), Sư biết trước ngày tịch; nên họp chúng lại để từ biệt. Khi bốn chúng đông đủ, bỗng thấy Ngài Đàm Loan hiện thân bảo cho biết là dư báo chưa hết, nên Sư lại tiếp tục sinh hoạt như thường. Vua Thái Tông từng đến Thái Nguyên thăm Sư và ban cho nhiều báu vật. Đến năm 80 tuổi, sắc diện Sư vẫn hồng hào, thần khí sảng khoái, giảng giải về Tịnh nghiệp, lý nghĩa thông suốt.

Tháng tư năm Trinh Quán thứ 19 (645) Sư tịch, thọ 84 tuổi. Sư có các vị Đệ tử như: Thiện Đạo, Đạo Phủ, Tăng Diễn, Đạo Ngân.

Trứ tác: Luận Tịnh Độ 2 quyển, An Lạc tập 2 quyển”.

(Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 16752-1653). (Xem Tịnh Độ Vãng Sanh truyện quyển Trung; Phật Tổ thống kỷ quyển 28; Tục Cao Tăng truyện quyển 20, Luận Tịnh Độ quyển hạ).

Nếu niệm thong thả một tràng hạt 108 câu Phật hiệu đầy đủ sáu chữ Hồng Danh “Nam Mô A Di Đà Phật” thì phải cần ít nhất là 5 phút. Một giờ đồng hồ có 60 phút. Trung bình có 1.296 câu được niệm. Nếu niệm liên tục trong 24 giờ đồng hồ thì tổng số là 31.064 lần; nhưng nếu chỉ niệm A Di Đà Phật hoặc giả Di Đà Phật; nghĩa là không cần dùng chữ Nam Mô và chữ A phía trước niệm lướt nhanh trong đầu thì số lượng 70.000 lần có thể niệm trong một ngày một đêm được. Điều ấy có nghĩa là lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, đại, tiểu tiện, lúc làm việc, giảng kinh, ngủ nghỉ v.v… lúc nào trong đầu cũng phải có câu Phật hiệu, thì mới được như vậy. Ở đây nói Ngài Đạo Xước mỗi ngày niệm 7 vạn câu Phật hiệu; tức là 70.000 lần. Quả là một công phu tu tập quá miên mật. Ngày xưa chưa có tràng hạt, mà phải dùng hạt đậu để tính số; cứ mỗi một câu Phật hiệu đã được niệm thì bỏ vào hay bỏ ra khỏi rổ một hạt đậu. Công phu hành trì của các vị Tổ Sư ngày xưa, bây giờ hầu như chẳng có ai theo chân nổi.

Lại trong Tiểu Sử của Ngài được cho biết rằng: Ngài đã giảng kinh Đại Bát Niết Bàn 24 lần. Điều nầy cũng thật là hy hữu. Bộ kinh nầy Đức Phật nói tại núi Linh Thứu, trước lúc thị tịch Niết Bàn cho các vị Bồ Tát, A La Hán, chư Thiên và loài người nghe. Kinh nầy đã được dịch ra tiếng Việt; có 2 quyển. Mỗi quyển độ 700 trang. Riêng bản thân chúng tôi và Tăng, Ni chúng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, phát nguyện lạy kinh mỗi chữ mỗi lạy trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ từ sau rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Thường thường mỗi đêm lạy từ 250 đến 350 lạy như thế. Lạy ròng rã trong gần 10 năm qua; nhưng mới qua gần một nửa quyển thứ 2. Có lẽ còn đến 5 hay 6 mùa hạ nữa sau năm 2011 mới lạy xong bộ kinh nầy. Ở vào thời điểm năm 2011 mới lạy đến phẩm “Sư Tử Hống”. Lạy xong bộ kinh nầy có lẽ trên dưới 500.000 lạy. Thế mà Ngài Đạo Xước đã lặp đi lặp lại 24 lần bộ kinh quan trọng nầy. Vậy trong kim ngôn, ngọc ngữ của Ngài không biết bao nhiêu là triệu chữ kinh văn. Quả thật ngôn ngữ, lời văn, sự linh hoạt của các vị Pháp Sư Phật Giáo không biết dùng bao nhiêu lời mới có thể tán dương hết được công đức này!

Năm Trinh Quán thứ 3 (629) lúc ấy Ngài muốn thị tịch Niết Bàn; nhưng vẫn còn ở lại với đời để độ sanh, vì thấy hình ảnh của Đệ Nhất Tổ Tịnh Độ Tông là Ngài Đàm Loan hiện ra, có ý muốn Ngài Đạo Xước ở lại với đời thêm nhiều năm nữa để Phật Đạo được nhờ. Thế là Ngài đã kéo dài mạng sống của mình thêm 16 năm nữa. Mãi cho đến năm 645 thì Ngài đã vãng sanh Tịnh Độ.

Năm 629 cũng là năm Ngài Huyền Trang đúng 30 tuổi. Năm ấy Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ để thỉnh kinh và suốt 17 năm trường đi về như vậy, Ngài Huyền Trang đã về lại Trung Quốc vào năm 646. Lúc ấy Ngài Đạo Xước đã viên tịch trước đó một năm rồi. Đây là thời thịnh Đường, Phật Giáo phát triển thật mạnh và Tịnh Độ lúc ấy cũng đã đơm hoa kết trái tại xứ sở Trung Quốc nầy.

“Ngài Đạo Xước (562-645) có trứ tác quyển An Lạc Tập gồm 2 quyển. Vào đời nhà Đường và đã thu vào Đại Chánh tạng tập 47. Cứ theo luận Tịnh Độ của Ngài Ca Tài nói, thì Ngài Đạo Xước tin theo Tịnh Độ giáo vào năm Đại Nghiệp thứ 5 (608) đời Tùy; lúc ấy đã 48 tuổi. Như vậy bộ kinh nầy có thể đã được viết vào khoảng năm 609 đến năm 645 Tây lịch. Về mục đích của bộ sách, có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết bảo sách nầy là từ trong toàn bộ giáo nghĩa Phật Giáo mà rút tỉa ra những nghĩa chủ yếu của Tịnh Độ giáo, chứ không liên quan đến bộ kinh điển đặc biệt nào; có thuyết bảo sách nầy là trình bày ý nghĩa chủ yếu của ba bộ kinh Tịnh Độ, là sách khuyên người vãng sanh; cũng có thuyết bảo là giải thích yếu nghĩa của kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, nhằm tuyên dương thực nghĩa của việc vãng sanh Tịnh Độ. Nội dung bộ sách do 12 môn lớn cấu thành. Trong sách, giáo pháp một đời của Đức Phật được chia làm 2 môn Thánh Đạo và Tịnh Độ và cho rằng môn Tịnh Độ thích hợp với chúng sanh độn căn ở đời mạt pháp; cho nên đề xướng pháp môn niệm Phật, khuyên người ta niệm Phật cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đời sau, Nhật Bản chia Phật Giáo thành Thánh Độ Môn và Tịnh Độ Môn, chính đã bắt nguồn từ sách nầy.

Thời đại Ngài Đạo Xước đang chứng kiến sự kiện Vũ Đế nhà Bắc Chu bài xích Phật Giáo, tư tưởng Mạt Pháp trong Phật Giáo Trung Quốc lúc đó rất là phổ biến. Vấn đề tồn tại của Phật Giáo bị đe dọa thật sự. Lúc bấy giờ lại có các nhà thuộc tông Tam Luận cho rằng thuyết vãng sanh Tịnh Độ là kiến chấp hữu tướng, các nhà chú thích Luận Nhiếp Đại Thừa thì cho rằng Niệm Phật là “biệt thời ý”, rồi phần nhiều bài bác pháp môn Tịnh Độ. Bởi thế, trong sách nầy, Ngài Đạo Xước cũng đã biện luận rất nhiều về ý kiến đó.

Sách nầy còn căn cứ vào thuyết năm cái năm trăm năm nói trong kinh Đại Tập, mà chủ trương Phật Giáo Trung Quốc lúc bấy giờ đang ở vào năm trăm năm thứ tư, chúng sanh cần phải nương tựa vào Pháp Môn Niệm Phật mới có thể được cứu vớt, do đó mới cực lực đề xướng Pháp môn niệm Phật. Tư tưởng nầy, sau được học trò của Ngài là Sư Thiện Đạo tập đại thành. Tư tưởng nầy, sau khi được truyền vào Nhật Bản, ở thời đại Liêm Thương (Kamakura), đã trở thành cốt tủy trong Tịnh Độ giáo của các vị Pháp Nhiên và Thân Loan. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 130).

Giáo lý chính của Đạo Phật là pháp duyên khởi; nghĩa là cái nầy sanh, nên cái kia sanh. Cái nầy có nên cái kia có; cái nầy diệt nên cái kia cũng diệt theo. Không có một vật nào độc lập cả, mà phải duyên vào nhau để tồn tại. Từ đó phải trải qua 4 giai đoạn là: thành, trụ, hoại, diệt (không) và tất cả mọi hiện tượng trên thế gian nầy xảy ra phải được nhìn nhận dưới sự nhận thức của Tứ Pháp Ấn. Đó là: Vô thường, khổ, không và vô ngã. Chỉ có Niết Bàn mới là tịch tịnh, an vui giải thoát. Do vậy An Lạc tập của Ngài Đạo Xước hình thành cũng không qua khỏi nhận định nầy. Ngoài ra, Ngài còn căn cứ theo Kinh Vô Lượng Thọ để giải thích, cũng như nhìn hình ảnh văn bia của Thầy mình (Đàm Loan) mà tỏ ngộ lý mầu, thì quả Phật Pháp môn trì danh niệm Phật đối với Ngài có một công năng vô tận.

Sau khi Phật Giáo được du nhập vào Trung Quốc thời Hậu Hán Minh Đế, Phật Giáo đã phát triển cực thịnh cho đến đời Vua Lương Vũ Đế (464-549). Thời kỳ nầy phải nói là thời của Thành và Trụ. Đến đời Vũ Đế nhà Bắc Chu, chính Ngài Đạo Xước đã chứng kiến, nhà Vua và triều thần phế Phật. Đây là thời kỳ hoại cũng như sắp đi đến chỗ diệt vong. Nếu không có Ngài Huyền Trang xuất hiện vào đầu nhà Đường thì Phật Giáo cũng sẽ bị lãng quên với lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc. Do vậy thịnh rồi suy, suy rồi thịnh. Đó là chuyện bình thường của vũ trụ và vạn vật.

Trong “Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới” Đức Phật không bảo rằng: Quả đất nầy tồn tại đến bao giờ, mà Đức Phật đã quy kết vào những điều sau đây:

- Nếu con người còn kính tin Tam Bảo

- Nếu con người còn tôn kính cha mẹ

- Nếu con người còn hòa hảo với anh chị em

- Nếu con người còn có tâm thương xót chúng sanh

thì lúc ấy quả đất nầy vẫn còn tồn tại. Bằng ngược lại, thì tuổi thọ của quả đất nầy sẽ mau giảm và lúc ấy sự hủy diệt con người cũng như muôn vật đang sinh sống trên hành tinh nầy sẽ có cơ nguy. Tuy nhiên mất rồi còn; còn rồi mất. Đó là định luật thiên thu của vũ trụ nầy.

Thật sự ra thì pháp không mạt, chỉ do con người làm cho pháp không phát triển mà thôi. Thời chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp vẫn nội dung của giáo lý ấy, không có gì thay đổi; nhưng có thời có người tu chứng và có thời con người tu không chứng. Ấy là do con người, chứ không phải do pháp. Do vậy cho nên tùy theo từng thời gian và hoàn cảnh khác nhau của mỗi một thời mà các vị Tổ Sư ra đời để dẫn dắt quần sanh đi về nẻo thiện. Có như thế Phật Pháp mới mãi mãi được truyền lưu.

Qua lịch sử mấy ngàn năm đã chứng minh được điều ấy. Đã có biết bao nhiêu triều đại vẻ vang cũng đã bước ngang qua lịch sử. Đâu có triều đại nào vững chãi mãi mãi với năm tháng trên ngai vàng? và hung ác, tàn bạo, trù dập Phật Giáo v.v… rồi các triều đại ấy cũng đâu có luôn vững bền với nhân tâm và thế đạo. Chỉ có Đạo giáo mới là con đường đạo đức chính thống để mọi người có thể nương theo; nhằm củng cố đời sống tâm linh của mình. Từ đó vựt dậy một niềm tin và đứng vững một thời với đất trời và vạn vật; rồi lại biến đổi thăng hoa, rồi lại trầm luân khốn khổ; nhưng dầu cho bất cứ thời điểm nào, Phật Giáo vẫn có được những bậc Thiền gia Thạch Trụ, làm chỗ tựa vững chắc cho người Phật Tử nương tựa. Từ đó, Phật Giáo được mọi tầng lớp của thế gian nầy chấp nhận một cách dễ dàng như hơi thở của con người một cách tự nhiên hay như khí trời cùng vạn vật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019(Xem: 6046)
Bài kết tập này sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu trực tiếp từ những bài kinh thuộc Nikàya (Pali tạng), và Hán tạng ngõ hầu giúp quý đạo hữu nhận biết tính tương đồng, nhất quán của hai hệ thống giáo điển trong việc ứng dụng lời Phât dạy trong đời sống thực tế hàng ngày, qua đó hành giả có thể đoạn ác tu thiện, tự lợi, lợi tha, lợi cho quần nhân, xã hội, lợi cho Tam Bảo; và sau khi mãn phần đối với hành giả Tịnh Độ, sẽ được thoát sanh về miền Cực Lạc.
05/08/2019(Xem: 5864)
Hành giả tùy niệm Như Lai khi tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, được nghĩa tín thọ, pháp thọ, tâm hân hoan đến pháp do dựa vào Như Lai. Đây là cách niệm Phật mà Đức Thích Tôn đã chỉ dạy cho cư sỹ Mahànàma trong chương Sáu Pháp, Tăng Chi Bộ (Pali). Khi tâm không bị tham sân si chi phối do dựa vào Đức Phật, tức là hành giả xả bỏ tâm tự ngã (không tham, không sân, không si) khi Niệm Phật, Niệm ân đức Như Lai.
01/07/2019(Xem: 5166)
"Niệm Phật" nghĩa là xưng danh hiệu - hay nhớ tưởng đến hình tướng, bản nguyện hay công đức của một đức Phật - như Phật Thích-ca hay Phật A-di-đà. Nói chung, có ba cách niệm Phật sau đây:
14/04/2019(Xem: 9466)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo… Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật. Ngài có đời sống dài vô hạn lượng nên còn có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật.
22/02/2019(Xem: 5921)
Một bài pháp được ban cho chư Tăng Ni ở International Mahayana Institute tại Boudhanath, Nepal, ngày 2 tháng 2, năm 1975. Nicholas Ribush hiệu đính. Xin xem bản Phụ Lục 1 Illuminating the Path to Enlightenment của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay www.lam-rim.org, để có bản dịch chánh văn. Lama Zopa Rinpoche dịch Tạng ngữ sang Anh ngữ. Bài pháp này đã được ấn tống năm 2005, trong tác phẩm Teachings from Tibet của nhà xuất bản LYWA. Quý vị có thể đọc thêm những bài pháp của Khunu Lama Rinpoche và các Lạt Ma Tây Tạng cao quý khác ở TeachingsFromTibet.com.
17/12/2018(Xem: 5548)
Ngày đăng tải: tháng 10, năm 2005 Rinpoche đã cho lời khuyên sau đây về ngũ lực để thực hành vào phút lâm chung. [Chú thích: Lời khuyên này đang hiện hành trong một quyển sách nhỏ ở FPMT Shop.] Có năm lực phải được thực hành khi gần kề cái chết. Chúng rất quan trọng. Hiện nay, đó là điều chúng ta cần phải tu tập. Phải nhớ chúng là những điều gì, ít nhất là tên gọi và ý nghĩa của chúng, rồi ta sẽ có khả năng để đưa chúng vào thực hành.
22/10/2018(Xem: 5429)
Nếu chúng ta bỏ chút thì giờ để tìm hiểu “Sở tri chướng” (所知障) là gì? thì trên mạng Internet cho chúng ta kiến giải hoặc của các bậc thầy đáng kính: Hòa thượng, Thiền sư … hay của các chùa, các trung tâm Phật học, trung tâm hoằng pháp. Chẳng hạn như: 1. Sở Tri Chướng [1] 2. Thế nào là sở tri chướng và phiền não chướng? [2]] 3. Sở tri chướng và phiền não chướng [3]
11/10/2018(Xem: 4868)
Mỗi sáng Sư thức dậy thật sớm, đánh chuông báo thức mọi người vào lúc bốn giờ sáng. Trong không gian tĩnh mịch của vùng núi, tiếng chuông nhỏ nhưng ngân dài, vang thật sâu trên dãy hành lang im lặng. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn mịt tối. Tôi bước ra ngoài phòng, đi về phía thiền đường.
13/09/2018(Xem: 9977)
Đột nhiên tôi nhớ lại câu nói của một người đã nói với tôi: “Khi chưa tu học, núi là núi, sông là sông; tu học đến một giai đoạn nào đó, núi chẳng là núi, sông chẳng còn là sông; đến khi giác ngộ, núi lại là núi, sông lại là sông!”. Không biết mình đã đến giai đoạn nào nhưng hôm nay, trong tôi chợt vang lên vài câu hát “…Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình, thảm cỏ tình yêu dưới chân mình…”. Rồi tôi nhớ tới ông ngoại, một người mà tôi gắn bó rất thân thiết từ ngày thơ ấu.
03/09/2018(Xem: 4626)
Dòng sanh tử giống như một dòng nước lũ quá mạnh. Người nào không gan dạ không vững bền thì sẽ bị nó cuốn phăng đi. Vì vậy mỗi người phải gan dạ, vững vàng để vượt lên, đừng để cuốn đi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]