Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Cha Mẹ Ðối Với Con Cái

14/05/201107:52(Xem: 6935)
1. Cha Mẹ Ðối Với Con Cái

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Một

NHỮNG MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA

I. CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI

Gần gũi và rộng lượng

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ thiêng liêng nhất, quý giá nhất vì chính nhờ vào tình thương của cha mẹ mà con cái được sinh ra và lớn khôn. Đây là một trong những mối quan hệ có nhiều biến chuyển, nhiều thay đổi nhất vì mối quan hệ này trải qua một thời gian rất dài, trong khoảng thời gian đó, người cha, người mẹ và những người con đã sống qua nhiều giai đoạn khác nhau của một đời người. Vì vậy cả hai phía đều phải nhạy bén đối với những biến chuyển đang xảy ra trong người thân của mình để chấp nhận và ủng hộ.

Hiện nay hạn chế sinh đẻ là chuyện dễ dàng vì vậy mà những cặp vợ chồng có thể kế hoạch hóa gia đình. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng hãy chờ đợi cho đến khi khả năng tài chánh của gia đình vững vàng thì mới nên có con. Tuy nhiên trong trường hợp bất ngờ người vợ có thai ngoài dự tính thì hãy đón mừng đứa hài nhi, mong rằng đứa con sẽ có một đời sống hạnh phúc của một con người.

Đức Phật dạy cư sĩ Thiện Sanh: Có 5 điều mà cha mẹ nên thực hiện đối với con cái:

- Can ngăn con cái không cho làm những việc quấy ác.
- Tập cho con cái làm những việc thiện lành.
- Trang bị cho con cái nghề nghiệp và học thức.
- Cưới gả con cái một cách thích đáng.
- Khi đúng thời thì trao cho con cái của thừa tự.

Cha mẹ hãy can ngăn con cái, đừng để cho chúng làm những việc có hại cho nó hay có hại cho người khác. Cha mẹ nên khích lệ con cái san sẻ những gì mà chúng có với những người khác và đối xử tốt với mọi người. Nếu con cái được nuôi dạy theo hướng đạo đức thiện lành thì chúng sẽ trở thành những người trưởng thành có nhiều hạnh phúc và có mối quan hệ thân thiện với mọi người. Nếu con cái không được nuôi dạy để trở nên người có đạo đức và biết sống hạnh phúc, thì dù có thành đạt đi chăng nữa, đời sống của chúng cũng gặp nhiều khó khăn, đau khổ.

Cha mẹ phải là những tấm gương cho con cái. Câu sáo ngữ: "Hãy làm theo những điều tôi nói, đừng làm theo những gì tôi làm" thường được dùng để bào chữa cho những người cha hay những người mẹ làm những điều mà họ đã cấm cản con cái của họ làm. Thật ra những hành động của con cái là bản sao những hành động của cha mẹ. Vì vậy nếu cha mẹ gian dối hay đạo đức giả thì có nghĩa là cha mẹ dạy cho con cái của mình hãy sống gian dối và đạo đức giả. Muốn giúp cho con cái trở thành người tốt thì cha mẹ phải sống đời đạo đức và đối xử tốt với mọi người.

Để giúp cho trẻ con phát triển được những tính tốt, cha mẹ cần phải vui sống với chúng. Mặc dầu cả cha lẫn mẹ cần phải làm việc để mưu sinh nhưng không nên trở thành những người quá ‘tham công tiếc việc’. Làm việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập thì có vẻ hấp dẫn, nhưng nếu số tiền đó phải dùng để trả cho những chuyên viên tư vấn về khủng hoảng tâm lý cho trẻ con, và căn gốc của sự khủng hoảng là vì chúng cảm thấy không được cha mẹ thương yêu, thì số tiền kiếm thêm ấy có nghĩa lý gì? Tương tự như vậy, nếu cha mẹ làm việc quá sức và chính bản thân cha mẹ cảm thấy bị căng thẳng về tâm lý, suy giảm sức khỏe và số tiền kiếm được kia còn phải dùng để mua thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau, hoặc là để trả cho việc trị bệnh ung bướu hay bệnh tim mạch, thì số tiền kiếm thêm ấy có nghĩa lý gì? Tương tự như vậy, nếu cha mẹ phải dùng số tiền kiếm thêm kia để đi nghỉ mát mà không mang con trẻ đi theo vì sợ chúng quấy nhiễu thì còn đâu không khí đầm ấm và hạnh phúc của gia đình. Làm việc quá sức là tự đánh gục mình và sẽ ngã quỵ trên con đường xây dựng hạnh phúc.

Hơn nữa, những đứa trẻ ngày nay thiếu mất tình thương và sự trìu mến từ cha mẹ. Ngay cả khi cha mẹ trả hết mọi phí khoản cho con trẻ học nhạc, học nghệ thuật, tham gia những hoạt động thể thao mà nếu đứa trẻ không cảm thấy được thương yêu thì tất cả những thứ đó đều không thể làm cho chúng trở nên những người trưởng thành có hạnh phúc. Xã hội Tây phương đang phải chứng kiến trước mắt sự gia tăng đáng sợ của tội ác, nghiện ngập, ly dị và trẻ con phạm pháp. Không ít nguyên nhân của sự gia tăng đáng sợ trên là do cấu trúc của gia đình bị đổ vỡ và cha mẹ đã không dành đủ thời giờ vui sống với con trẻ. Hy vọng là những xã hội Á châu đang hiện đại hóa ngày nay học được những bài học sai lầm của Tây Âu để có thể khỏi phải đến phiên mình phải mục kích trước mắt những hậu quả đáng tiếc trên. Kiếm được tiền với giá là gia đình không đầm ấm thì quả là một vấn đề phải suy nghĩ.

Cha mẹ nên tận lực lo cho con ăn học nhưng tất cả phải phù hợp với khả năng và sở thích của nó. Nếu một đứa trẻ không có khả năng và đam mê âm nhạc thì tại sao cha mẹ lại bắt buộc chúng phải học những gì mà chúng không yêu thích. Ngược lại, nếu một đứa trẻ có thiên phú và ham thích địa chất học thì cha mẹ nên khích lệ nó theo ngành địa chất.

Trong xã hội hiện đại, ngay từ tuổi ấu thơ trẻ con đã phải chịu áp lực của việc học hành, chúng phải học thật nhiều và cố gắng tối đa để trở thành học sinh giỏi nhất, đạt thành tích tốt nhất. Điều này đã tạo ra nhiều vấn đề bất ổn về tâm lý vì trẻ con rất cần thời giờ để chỉ là trẻ con và để chơi đùa. Chúng nó cần phải có được điều kiện khám phá những công việc mới lạ mà không bị so hơn so kém với đứa khác và được học mà không phải làm những bài kiểm tra để bị chấm điểm, để có danh hiệu này danh hiệu nọ. Con trẻ được thương yêu vì con trẻ là con trẻ, như thế là như thế; chớ không phải con trẻ được cha mẹ thương yêu vì chúng đã phải làm được điều tốt nhất.

Trong xã hội ngày nay cha mẹ không phải quan tâm sắp xếp việc hôn phối của con cái như ngày xưa nữa. Ngày xưa thì công việc làm ăn của gia đình được chuyển giao cho con cái khi con cái có đủ năng lực quản lý; ngày nay thì không nhất thiết phải như vậy. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ rằng, trong xã hội ngày nay, cha mẹ nên cung ứng những điều kiện vật chất và thể chất tốt nhất theo khả năng cao nhất của mình.

Cha mẹ nên quan tâm đến những nhu cầu vật chất và thể chất của trẻ con một cách thực tiễn. Dĩ nhiên, cha mẹ không thể nào thỏa mãn mọi yêu cầu của chúng, vượt quá khả năng tài chánh của mình. Đáp ứng mọi thứ mà trẻ con muốn chưa hẳn là có lợi cho chúng mà nhiều khi còn làm cho trẻ con trở thành những đứa con đua đòi, ỷ lại. Khi những thứ mà trẻ con ham muốn mà cha mẹ không đáp ứng được thì họ có thể giải thích là những thứ đó quá đắt tiền hoặc những thứ đó là không có bán. Rất ích lợi cho trẻ con nếu cha mẹ dạy cho trẻ con hiểu rằng dầu cho trẻ con có được những thứ đó thì chưa chắc chúng có được hạnh phúc hoàn toàn; và nếu như trẻ con cứ ‘làm dữ’ thì tình trạng của chúng sẽ trở nên tệ hại hơn nữa. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ con sự lợi lạc của việc san sẻ những vật chất mà chúng có với những người khác.

Qua việc giúp đỡ trẻ con thích ứng với những ước mong không được thỏa mãn của chúng, cha mẹ chỉ bày cho trẻ con thấy được phương cách để làm cho bản thân chúng giảm đi tánh hay vướng mắc, ngăn ngừa trẻ con xem những gì chúng đang hưởng được là tất nhiên, đồng thời giúp cho chúng biết suy nghĩ đến những nhu cầu và những ước mong của người khác. Thường thì tâm hồn trong sáng của trẻ con hiểu nhanh hơn người lớn, hãy tin điều này. Khi một điều gì đó được giải thích với một thái độ trầm tĩnh, có biện chứng và giải thích nhiều lần với những minh họa cụ thể đặt trong nhiều tình huống khác nhau, trẻ con sẽ hiểu.

Trẻ con, một cách vô thức, xây dựng hình tượng của bản thân chúng dựa theo lời mà những người lớn chung quanh nói về chúng. Nếu trẻ con thường xuyên bị mắng là nghịch ngợm và ngu ngốc thì nghịch ngợm và ngu ngốc sẽ trở nên một ý niệm về bản thân của chúng rồi dần dần chúng trở thành nghịch ngợm và ngu ngốc. Vì vậy điều quan trọng là thường xuyên khen tặng và nói lời thừa nhận về những điều tốt đẹp mà chúng đã làm được.

Khi chỉnh sửa những lầm lỗi của trẻ con thì cha mẹ nên cố gắng giải thích cho chúng hiểu rõ tại sao những hành động lầm lỗi như thế là có hại. Một điều quan trọng nữa là làm sao cho đứa trẻ nhận ra được là chúng đã phạm sai lầm và đồng thời cũng biết rằng tuy là chúng đã làm điều có lỗi nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đã trở thành người xấu. Nếu con trẻ bắt đầu nghĩ rằng bản thân chúng là xấu - thay vì nghĩ rằng hành động đó là xấu - thì chúng bắt đầu hình dung ra một hình tượng xấu của bản thân chúng và phát triển theo chiều hướng xấu đó.

Đôi khi để bắt buộc đứa trẻ phải nghe theo một điều quan trọng, cha mẹ có thể cần phải nói một cách quyết liệt, nhưng trong lòng của cha mẹ lúc đó nên tràn ngập lòng từ ái, chớ không nên có một chút giận dữ. Bằng cách như vậy cha mẹ khiến cho người con biết rằng hành động đó là không nên làm thêm một lần nào nữa. Cha mẹ không giận dữ cũng không chối bỏ con của mình chỉ vì nó đã làm hành động đó.

Làm cha mẹ có nghĩa là phải bước đi trên sợi dây thăng bằng giữa hai cực đoan đối nghịch nhau. Một bên là quan tâm săn sóc quá độ và bên kia là bỏ quên chúng đi, không chịu hướng dẫn chúng những điều mà chúng cần được hướng dẫn, không chịu giúp chúng những khi mà chúng cần được giúp đỡ. Để có thể tránh được cực đoan thứ nhất, tránh được thái độ chấp mắc và xem con cái là sở hữu thì làm cha mẹ phải nhớ rằng con cái không phải là vật sở hữu hay là tài sản của họ. Con cái là những con người có cá tính và đầy đủ nhân vị; chúng đang hình thành nhân cách riêng và có quyền có những ý kiến và những quyết định theo ý nghĩ của riêng chúng.

Qua việc chấp giữ con của mình quá độ, cha mẹ đã tạo nên một hoàn cảnh mà bản thân cha mẹ sẽ không có hạnh phúc vì rằng làm sao mà đứa con đó có thể luôn luôn ở bên cạnh cha mẹ được khi mỗi ngày nó mỗi lớn lên. Với sự chấp giữ như vậy thì khi mà đứa con lớn khôn và có nhu cầu độc lập cao hơn thì cha mẹ sẽ cảm thấy khó chịu vì họ bắt đầu không còn có thể gần gũi và kiểm soát chặt chẽ được những hành vi của người con nữa. Lúc đó, cha mẹ bị bắt buộc phải để cho bản thân đứa con tự quyết định nhiều việc.

Nhiều bậc cha mẹ cứ nói đi nói lại mãi điều mà con cái nên làm và điều mà chúng không nên làm nhưng không hề có ý định giải thích hay thảo luận với chúng tại sao phải làm và tại sao không được làm như vậy. Họ chỉ muốn con cái tuân theo lời họ đã bảo. Thật ra cũng có trường hợp làm như vậy là đúng. Đặc biệt là trong trường hợp sinh mạng của đứa trẻ bị đe dọa và đứa trẻ chưa có đủ nhận thức và khả năng quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên cứ mãi bảo ban điều phải làm và điều không được làm mà không chịu giải thích thì không giúp cho đứa trẻ phát triển khả năng phán xét. Và điều đó cũng không giúp cho đứa trẻ trở nên dạn dĩ hơn khi bàn bạc những vấn đề khó khăn của chúng với cha mẹ để có được những lời khuyên thích đáng. Trẻ con cảm thấy thân mật với cha mẹ khi nào cha mẹ tỏ ra chịu lắng nghe, cố gắng thấu hiểu chi tiết những điều chúng muốn nói, và chịu bàn luận với chúng. Khi cha mẹ chịu khó giải thích cho đứa trẻ biết tại sao hành động như vậy là có hại và tại sao hành động như thế là có lợi ích thì đứa trẻ sẽ phát triển khả năng phán định để có những quyết định thích đáng khi trưởng thành. Làm được như vậy là giúp trẻ con biết suy nghĩ một cách rõ ràng minh bạch và có những hành động tốt đẹp. Sau một thời gian rèn tập cho chúng biết suy nghĩ chín chắn, cha mẹ sẽ cảm thấy yên tâm và đặt niềm tin tưởng nơi chúng. Do đó, giải quyết được vấn đề "tranh giành quyền lực" trong gia đình, một việc rất thường xảy ra ở lứa tuổi 13 - 19.

Cha mẹ không thể nào làm cho đứa con của họ thành một đứa bé lý tưởng theo như trí óc của họ đã hình dung ra. Mỗi đứa trẻ có những thiên tư riêng, và những thiên tư đặc biệt này tương ứng hoặc không tương ứng với điều mà cha mẹ mong muốn nơi chúng. Cha mẹ không có thể mong mõi đứa con sống theo mơ ước riêng của cha mẹ. Là người hướng dẫn cho đứa con chọn nghề nghiệp, người hôn phối và những trò tiêu khiển thì cha mẹ phải để tâm tới những điều mà đứa trẻ ham thích chớ không phải những điều mà bản thân cha mẹ ham thích. Những bậc cha mẹ sáng suốt chấp nhận những đứa con của họ như thế và đồng thời giúp chúng phát triển thuận theo những năng lực và khuynh hướng riêng của chúng.

Một cực đoan khác là quên đứa trẻ đi. Quả thật là không may, trong một xã hội bận rộn hiện đại điều này xảy ra rất thường xuyên. Nhiều khi để cung cấp cho trẻ con thật đầy đủ về mặt vật chất, cha mẹ đã phải làm việc nhiều đến nỗi không có thời gian dành cho con cái, cũng không có thời gian để biểu lộ sự thương yêu hay hướng dẫn những điều mà chúng nó đang cần. Cha mẹ cần phải sắp xếp thời gian cho thích đáng. Tốt hơn là làm việc ít hơn một chút để có một gia đình đầm ấm hơn.

Làm cha mẹ là một điều có nhiều thử thách và có thể làm cho phong phú thêm việc tu tập theo Chánh pháp. Những bài giáo lý về vô thường rõ ràng và thấm thía hơn khi những đứa con chuyển biến, lớn dần lên. Sự bất lợi của cơn giận dữ và tầm quan trọng của lòng kiên nhẫn bây giờ đã trở nên rõ ràng trong những lần cha mẹ đánh mất mình trong cơn giận rồi cảm thấy bất lực đối với đứa con mà mình muốn giúp đỡ. Một lóe sáng về tình thương rộng lớn đối với tất cả mọi sinh linh những khi mà cha mẹ nghĩ đến việc thương yêu mọi người như thương yêu chính con ruột của mình. Với việc tu tập chánh niệm cả cha mẹ lẫn con cái có thể cùng tiến bộ với nhau trong việc phát triển nhân cách.

Hiểu biết cha mẹ của chúng ta

Ngày nay, vấn đề "Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ" là một vấn đề tế nhị. Trong xã hội nơi mà cấu trúc gia đình đang bị suy thoái, nhiều người con đã quên đi nghĩa vụ giúp đỡ cho cha mẹ. Nhiều trường hợp cha mẹ cứ mải mê tìm cách làm thỏa mãn những mong ước và những nhu cầu của con cái, nên con cái đã xem lòng tốt này như là một cái gì tất nhiên và cứ đòi hỏi cha mẹ mọi thứ trên đời. Khi mà đứa trẻ đã có suy nghĩ và hành động như vậy thì điều đó không những làm đau lòng cha mẹ mà còn khiến cho đứa trẻ cảm thấy lạc lõng và cô đơn.

Ngành tâm lý học ngày nay đã nhận thấy rằng những bất an trong cá tính của một người có nguồn gốc là những sự kiện xảy ra trong thời thơ ấu. Biết được sự việc nhưng không có nhận thức sâu sắc, một số người đã oán hận và nghĩ rằng tất cả những vấn đề khổ sở của họ là do cha mẹ tạo nên. Điều kiện trưởng thành của chúng ta đúng là đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xem cha mẹ là ngọn nguồn của những khổ sở tức là chúng ta đang tự mình chấp nhận sống trong trạng thái tâm lý của một nạn nhân. Chúng ta vướng mắc vào ý nghĩ cho rằng: "Cha mẹ tôi đã làm như vậy như vậy nên giờ đây tôi phải khổ sở như thế này" có nghĩa là chúng ta ngăn cản sự phát triển của bản thân. Vướng mắc vào ý nghĩ đó không giúp chúng ta phát triển nhân cách được chút nào cả. Chúng ta nên tự mình nhận lấy tinh thần trách nhiệm đối với những sự bất an và những khổ sở mà chúng ta đang gặp phải trong hiện tại và có những hành động để điều chỉnh chúng.

Quả thật có những đứa trẻ đã lớn lên trong những gia đình tồi tệ, chúng đã bị bỏ quên hay bị cha mẹ lạm dụng. Những đứa trẻ này cần phải được những tấm lòng nhân ái trong xã hội giúp đỡ để chúng khỏi phải tự nguyền rủa vì sự có mặt của chúng đã khiến cho cha mẹ gặp những vấn đề khổ sở. Những đứa trẻ này cũng không nên đi đến một cực đoan khác là nguyền rủa cha mẹ, xem đó là những người đã làm cho chúng phải khổ sở. Nguyền rủa chỉ làm cho vết thương càng trở nên tồi tệ hơn. Hiểu biết và tha thứ sẽ có tác dụng chữa lành những vết thương đó.

Thông thường thì chúng ta rất giỏi trong việc thấy những lầm lỗi của người khác nhưng chúng ta lại tỏ ra yếu kém trong việc nhớ lại những phẩm chất và hành vi tốt đẹp của họ. Đặc biệt là trường hợp của cha mẹ. Không cần phải cố gắng cũng có thể thấy và chỉ trích những lầm lỗi và những hạn chế của cha mẹ chúng ta; không cần phải cố gắng cũng thấy rằng hiện tại chúng ta đang phải gánh lấy hậu quả của những lầm lỗi và hạn chế đó. Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ của chúng ta có thể đã làm những việc có tác dụng xấu đối với chúng ta nhưng trong thâm tâm thì cha mẹ của chúng ta nghĩ rằng đó là điều tốt nhất mà họ đã làm được cho chúng ta; chúng ta nên nghĩ đến tình trạng tâm lý bên trong của cha mẹ và hoàn cảnh mà lúc đó cha mẹ phải sống như thế nào. Suy nghĩ theo cách này thì chúng ta sẽ hiểu biết và tha thứ, sẽ làm dịu đi những cơn đau khổ do sự oán hận và bất bình mang lại.

Nếu chúng ta phàn nàn rằng cha mẹ của chúng ta không hiểu chúng ta và không chấp nhận chúng ta với những gì chúng ta đang là, thì chúng ta cũng nên tự hỏi là chúng ta có hiểu và chấp nhận cha mẹ với những gì cha mẹ đang là hay không. Cha mẹ với những lầm lỗi và những điều đáng trách như vậy không bao giờ có thể giống với hình tượng của bậc cha mẹ mẫu mực mà chúng ta thường vẽ ra trong trí óc. Làm sao có thể chấp nhận đem cha mẹ sai lệch đời thường của chúng ta làm mẫu mực được. Nhưng khi chúng ta có thể chấp nhận như thế thì chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Khi những đứa trẻ nhớ về những tình thương mà cha mẹ đã dành cho chúng thì có nhiều lợi lạc cho đứa trẻ và cho cha mẹ. Cha mẹ đã tạo nên thân thể của chúng ta và săn sóc chúng khi còn trong tình trạng bấp bênh trứng nước. Cha mẹ đã dạy cho chúng ta bập bẹ từng chữ, từng lời nói ngây ngô đầu tiên; cha mẹ đã cho chúng ta ăn học và chu cấp nhu cầu vật chất suốt thời gian chúng ta còn thơ ấu. Nếu cha mẹ không săn sóc cẩn thận thì chúng ta đã bị đói khát trong nôi và rất có thể là thân thể của chúng ta không được toàn vẹn như ngày hôm nay. Khi còn nhỏ, chúng ta cảm thấy không hài lòng khi chúng ta bị cha mẹ khép vào kỷ luật bởi những lỗi lầm của mình, nhưng nếu không làm như vậy thì lớn lên chúng ta thành những con người thô bạo và vô kỷ luật.

Ở độ tuổi 13 đến 19 những đứa trẻ thường gặp khó khăn trong cuộc sống chung với cha mẹ. Chúng nó tự thấy bản thân là người lớn và hay ương ngạnh khi cha mẹ xử sự và xem chúng nó như trẻ nít. Đối với cha mẹ thì đứa trẻ ở độ tuổi đó vẫn là con nít và phải quan tâm bảo bọc. Thật ra trong đôi mắt của cha mẹ thì ngay cả khi chúng ta 60 tuổi thì chúng ta vẫn là trẻ nhỏ. Tôi tức cười khi thấy bà nội của tôi bảo cha tôi (một người đã 65 tuổi) là hãy mang thêm áo khoác khi ra khỏi nhà, không khéo thì bị cảm lạnh. Nếu chúng ta chấp nhận tình huống như vậy và nhẫn nại với cha mẹ thì mối quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ sẽ suôn sẻ hơn.

Rất tốt nếu bạn thấy rằng ở độ tuổi từ 13 đến 19 thì những đứa trẻ xử sự trước sau không nhất quán. Nhiều khi chúng đòi hỏi cha mẹ phải làm nhiều việc giúp cho chúng cứ như là chúng còn quá nhỏ và không thể tự săn sóc bản thân. Cũng nhiều khi chúng lại muốn cha mẹ xử sự với chúng nó như là những người lớn thật sự. Trong tình huống như vậy dĩ nhiên là cha mẹ sẽ thấy bối rối. Phương pháp tốt nhất là hãy để cho những đứa trẻ ở vào độ tuổi này tự khẳng định mình đã là người lớn; nhưng là người lớn theo hướng phải biểu hiện ra những đức tính, phải chứng tỏ là người hữu dụng và có trách nhiệm.

Nhiều khi cha mẹ cảm thấy khó khăn trong việc tự điều chỉnh bản thân khi con cái khôn lớn và trở nên độc lập hơn. Cha mẹ có cảm giác họ trở thành người thừa thãi và bị con cái lãng quên. Hậu quả là một số cha mẹ bị trầm uất, một số khác thì lại cố chen vào cuộc sống của con cái. Thay vì tỏ ra bực tức đối với thái độ của cha mẹ thì con cái có thể cố gắng thấu hiểu và quan tâm đến những xúc cảm của cha mẹ. Chúng ta nên nhạy cảm hơn đối với những nhu cầu tình cảm của cha mẹ, chúng ta sẽ khẳng định với cha mẹ về tình thương yêu kính mến của chúng ta mặc dầu càng lúc chúng ta càng trở nên độc lập.

Đôi khi cha mẹ của chúng ta thấy được những nguy hiểm tiềm ẩn mà chúng ta không thấy; cha mẹ của chúng ta có thể nhìn xa trông rộng trong khi chúng ta chỉ thấy tình huống nhất thời trước mắt. Trong những trường hợp này lời khuyên của cha mẹ là sáng suốt. Mặc dầu những lời khuyên của cha mẹ dường như làm trở ngại cho những ước muốn của chúng ta nhưng thường khi chúng ta có thể thấy được giá trị của những lời khuyên đó. Chúng ta đừng nên có cảm giác rằng sự tự lập của chúng ta bị tổn thương nếu như chúng ta nghe theo những lời khuyên của cha mẹ. Tốt hơn là chúng ta nhận ra sự sáng suốt trong đó và tự nguyện nghe theo.

Nếu chúng ta cảm thấy rằng cha mẹ của chúng ta là vô lý thì chúng ta có thể thảo luận vấn đề đó với cha mẹ, nhưng trước hết và có lợi hơn hết là chúng ta hãy tự mình bình tâm lại trước đã. Vì đến với cha mẹ với trạng thái tâm lý bực dọc thì chúng ta chỉ làm cho cha mẹ khó có thể nghe được điều mà chúng ta muốn trình bày. Thử hỏi chúng ta có chịu nghe những gì một người dữ dằn, thô bạo nói với chúng ta không?

Ngay cả khi cha mẹ của bạn vô lý thì bạn cũng nên nhận ra rằng trong thâm tâm cha mẹ vẫn đang có ý tốt. Cha mẹ của bạn đã hết lòng hết sức giúp đỡ và hướng dẫn bạn. Mặc dầu cha mẹ của bạn sai trái nhưng cha mẹ của bạn lúc nào cũng có một ý muốn mong bạn được đàng hoàng và an ổn. Cha mẹ của bạn có thể là thiển cận và cứ lo lắng những điều mà đối với bạn là vô nghĩa nhưng dù cho khả năng của cha mẹ có bị giới hạn thế mấy đi nữa thì cha mẹ của bạn cũng có ý hướng thiện lành. Nếu chúng ta ý thức được như vậy thì chúng ta sẽ cảm nhận được tình thương mà cha mẹ đã cho chúng ta và chúng ta sẽ không lấy những chuyện như vậy làm tức giận. Chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn đối với những quan tâm của cha mẹ. Hãy mang tâm trạng biết ơn như vậy mỗi khi trình bày quan điểm của mình cho cha mẹ nghe, giải thích quan điểm đó theo một cách khéo léo, nhỏ nhẹ nào đó khiến cho cha mẹ dễ hiểu và dễ tiếp nhận.

Nên nhớ rằng cha mẹ của chúng ta cũng đã sống trong những hoàn cảnh khó khăn và bị hạn chế bởi chính những quan niệm có sẵn trước đó. Cha mẹ chúng ta đã phải sống qua một hoàn cảnh xã hội khác xa với hoàn cảnh xã hội mà chúng ta đang sống bây giờ, vì vậy mà tự nhiên là họ có những quan niệm khác với những quan niệm của chúng ta. Sinh ra và lớn lên như thế nên cha mẹ của chúng ta thấy rằng tất cả những quan niệm đó đều có giá trị; cũng vậy khi sinh ra và lớn lên như chúng ta đã sinh ra và lớn lên thì đối với chúng ta những khung khái niệm và quan điểm của chúng ta thật là đúng đắn.

Nếu chúng ta chỉ nghĩ về những khuyết điểm của cha mẹ thì chúng ta sẽ thấy rằng cha mẹ chúng ta đầy những lỗi lầm. Suy nghĩ như vậy thì chúng ta đã quên đi những phẩm tính tốt đẹp của cha mẹ. Nếu chúng ta nhớ lại những điều tốt đẹp, những sự săn sóc, thương yêu mà cha mẹ đã cho chúng ta thì chúng ta sẽ thấy được những phẩm tính tốt đẹp của cha mẹ và tấm lòng của chúng ta sẽ mở rộng ra. Khi chúng ta không còn ngang ngạnh và thô bạo thì cha mẹ của chúng ta sẽ lắng nghe những điều mà chúng ta muốn trình bày.

Đức Phật dạy cho cư sĩ Thiện Sanh 5 pháp mà người con phải có đối với cha mẹ:

- Ủng hộ, bảo vệ và chu cấp cho cha mẹ những gì cha mẹ cần.
- Thực hiện những nhiệm vụ mà cha mẹ đã ủy thác.
- Bảo vệ danh thơm tiếng tốt của gia đình.
- Hành động và xử trí như thế nào để xứng đáng với gia sản mà cha mẹ trao lại.
- Nhân danh cha và mẹ mà bố thí cúng dường rồi hồi hướng công đức cho cha và mẹ.

Sống đúng đạo nghĩa thì con cái phải thật lòng chia sẻ những công việc tạp vụ trong nhà và làm việc để mang lại lợi ích cho cả gia đình. Vì cha mẹ đã nuôi nấng và dưỡng dục con cái khi chúng còn thơ ấu nên con cái phải cảm thấy vui lòng khi đáp đền công ơn cha mẹ khi cha mẹ bệnh hoạn hay già yếu. Nếu trong hoàn cảnh mà bản thân con cái không thể nào tự tay săn sóc cha mẹ được thì con cái phải tìm người thay thế tận tình làm việc này.

Cha mẹ đã lớn tuổi thì nhiều khi khó tánh nhưng nếu hiểu được cuộc sống của cha mẹ hiện tại khổ nhọc như thế nào thì chúng ta sẽ rộng lòng đối với những điều khó khăn của người mà mỗi ngày một già hơn. Nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người già thì chúng ta sẽ cảm thông và hiểu biết hơn. Một ngày nào đó chúng ta sẽ già đi rồi cũng sẽ cần sự giúp đỡ, săn sóc của con cái.

Để đáp đền phần nào công ơn cao dày của cha mẹ, con cái phải sống một đời sống hướng đến những giá trị đạo đức mà cha mẹ đã dạy bảo họ. Con cái nên tự mình sống đời sống thiện lành nhờ đó cha mẹ không phải lo âu và hổ thẹn, không bị xã hội chỉ trích. Làm được như vậy con cái đã tự làm cho mình xứng đáng thừa hưởng tài sản mà cha mẹ để lại.

Khi cha mẹ qua đời thì con cái nên cúng dường và cầu nguyện rồi hồi hướng những quả phước tốt đẹp đến với cha mẹ, nhờ đó cha mẹ được phước báu và được tái sinh vào cõi an lành. Điều tốt nhất có thể làm ngay bây giờ là con cái nên khuyến khích cha mẹ làm những điều thiện lành có tính cách xây dựng và tránh những điều quấy ác tội lỗi. Chúng ta có thể làm tất cả những phương pháp đã được đề cập ở trên để tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ của chúng ta.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019(Xem: 5811)
Bài kết tập này sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu trực tiếp từ những bài kinh thuộc Nikàya (Pali tạng), và Hán tạng ngõ hầu giúp quý đạo hữu nhận biết tính tương đồng, nhất quán của hai hệ thống giáo điển trong việc ứng dụng lời Phât dạy trong đời sống thực tế hàng ngày, qua đó hành giả có thể đoạn ác tu thiện, tự lợi, lợi tha, lợi cho quần nhân, xã hội, lợi cho Tam Bảo; và sau khi mãn phần đối với hành giả Tịnh Độ, sẽ được thoát sanh về miền Cực Lạc.
05/08/2019(Xem: 5705)
Hành giả tùy niệm Như Lai khi tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, được nghĩa tín thọ, pháp thọ, tâm hân hoan đến pháp do dựa vào Như Lai. Đây là cách niệm Phật mà Đức Thích Tôn đã chỉ dạy cho cư sỹ Mahànàma trong chương Sáu Pháp, Tăng Chi Bộ (Pali). Khi tâm không bị tham sân si chi phối do dựa vào Đức Phật, tức là hành giả xả bỏ tâm tự ngã (không tham, không sân, không si) khi Niệm Phật, Niệm ân đức Như Lai.
01/07/2019(Xem: 5079)
"Niệm Phật" nghĩa là xưng danh hiệu - hay nhớ tưởng đến hình tướng, bản nguyện hay công đức của một đức Phật - như Phật Thích-ca hay Phật A-di-đà. Nói chung, có ba cách niệm Phật sau đây:
14/04/2019(Xem: 9186)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo… Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật. Ngài có đời sống dài vô hạn lượng nên còn có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật.
22/02/2019(Xem: 5837)
Một bài pháp được ban cho chư Tăng Ni ở International Mahayana Institute tại Boudhanath, Nepal, ngày 2 tháng 2, năm 1975. Nicholas Ribush hiệu đính. Xin xem bản Phụ Lục 1 Illuminating the Path to Enlightenment của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay www.lam-rim.org, để có bản dịch chánh văn. Lama Zopa Rinpoche dịch Tạng ngữ sang Anh ngữ. Bài pháp này đã được ấn tống năm 2005, trong tác phẩm Teachings from Tibet của nhà xuất bản LYWA. Quý vị có thể đọc thêm những bài pháp của Khunu Lama Rinpoche và các Lạt Ma Tây Tạng cao quý khác ở TeachingsFromTibet.com.
17/12/2018(Xem: 5425)
Ngày đăng tải: tháng 10, năm 2005 Rinpoche đã cho lời khuyên sau đây về ngũ lực để thực hành vào phút lâm chung. [Chú thích: Lời khuyên này đang hiện hành trong một quyển sách nhỏ ở FPMT Shop.] Có năm lực phải được thực hành khi gần kề cái chết. Chúng rất quan trọng. Hiện nay, đó là điều chúng ta cần phải tu tập. Phải nhớ chúng là những điều gì, ít nhất là tên gọi và ý nghĩa của chúng, rồi ta sẽ có khả năng để đưa chúng vào thực hành.
22/10/2018(Xem: 5334)
Nếu chúng ta bỏ chút thì giờ để tìm hiểu “Sở tri chướng” (所知障) là gì? thì trên mạng Internet cho chúng ta kiến giải hoặc của các bậc thầy đáng kính: Hòa thượng, Thiền sư … hay của các chùa, các trung tâm Phật học, trung tâm hoằng pháp. Chẳng hạn như: 1. Sở Tri Chướng [1] 2. Thế nào là sở tri chướng và phiền não chướng? [2]] 3. Sở tri chướng và phiền não chướng [3]
11/10/2018(Xem: 4784)
Mỗi sáng Sư thức dậy thật sớm, đánh chuông báo thức mọi người vào lúc bốn giờ sáng. Trong không gian tĩnh mịch của vùng núi, tiếng chuông nhỏ nhưng ngân dài, vang thật sâu trên dãy hành lang im lặng. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn mịt tối. Tôi bước ra ngoài phòng, đi về phía thiền đường.
13/09/2018(Xem: 9843)
Đột nhiên tôi nhớ lại câu nói của một người đã nói với tôi: “Khi chưa tu học, núi là núi, sông là sông; tu học đến một giai đoạn nào đó, núi chẳng là núi, sông chẳng còn là sông; đến khi giác ngộ, núi lại là núi, sông lại là sông!”. Không biết mình đã đến giai đoạn nào nhưng hôm nay, trong tôi chợt vang lên vài câu hát “…Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình, thảm cỏ tình yêu dưới chân mình…”. Rồi tôi nhớ tới ông ngoại, một người mà tôi gắn bó rất thân thiết từ ngày thơ ấu.
03/09/2018(Xem: 4552)
Dòng sanh tử giống như một dòng nước lũ quá mạnh. Người nào không gan dạ không vững bền thì sẽ bị nó cuốn phăng đi. Vì vậy mỗi người phải gan dạ, vững vàng để vượt lên, đừng để cuốn đi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com