Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu

19/02/201106:49(Xem: 12835)
8. Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu

NHỮNG TÂM TÌNH CÔ ĐƠN
Nguyên Minh

Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu

Chim khôn kêu tiếng rỗng rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
(Ca dao)

Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã sớm biết được rằng “dịu dàng dễ nghe” là biểu hiện của người khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói. Quả thật, nếu bạn nói ra toàn những lời hợp tình đúng lý, sâu xa hàm súc, nhưng lại bằng một cách nói “khó nghe” thì chắc chắn là sẽ không mấy ai lắng nghe bạn, và vì thế mà hiệu quả của những lời nói ấy sẽ chẳng đạt được bao nhiêu.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sự cần thiết của nội dung lời nói, là muốn nói sao thì nói, bất kể chuyện đúng sai, phải quấy. Ở đây chỉ là nhấn mạnh việc bạn nói năng như thế nào cũng có vai trò quan trọng không kém, thậm chí còn có thể là quan trọng hơn, so với nội dung những điều muốn nói.

Khi bạn đưa ra một ý kiến, điều tất nhiên mà bạn chờ đợi ở sự thẩm định của người khác là ý kiến ấy có thể đúng hoặc sai, chứ không thể tin chắc là bao giờ cũng hoàn toàn chính xác. Nếu là một ý kiến đúng, bạn sẽ được tán thành. Nếu là một ý kiến sai, bạn sẽ nhận được sự giải thích về những điểm không đúng trong đó, và ý kiến ấy bị bác bỏ. Sự bác bỏ ý kiến của bạn hoàn toàn không có nghĩa là người nghe đã mất đi thiện cảm với bạn, mà chỉ có nghĩa là nội dung của ý kiến ấy không phù hợp, không chính xác...

Tuy nhiên, cách trình bày ý kiến của bạn lại thực sự có giá trị mang lại hoặc đánh mất đi thiện cảm của người nghe dành cho bạn. Khi bạn biết “nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, thì cho dù bạn nói sai, bạn vẫn nhận được cảm tình của người nghe. Ngược lại, nếu bạn nói năng theo cách “khó nghe”, thì cho dù những điều bạn nói ra là chính xác và được chấp nhận, nhưng cảm tình của người nghe dành cho bạn có thể là sẽ không còn nữa. Vì thế, người khôn ngoan chưa hẳn đã có thể luôn nói ra những điều hoàn toàn chính xác, không sai lầm, nhưng chắc chắn là bao giờ họ cũng biết trình bày ý kiến của mình theo cách rất “dịu dàng dễ nghe”.

Sức mạnh của lời nói dịu dàng, êm ái là có thể hàn gắn được những tổn thương tinh thần và tạo ra được thiện cảm nơi người nghe. Ngược lại, lời nói thô lỗ, cứng rắn và xúc phạm bao giờ cũng có khả năng gây tổn thương cho người khác và tạo ra những định kiến, ác cảm nơi người nghe.

Vì thế, chúng ta cần phải biết phân biệt giữa nội dung điều muốn nói và cách nói ra những điều ấy. Trong khi chúng ta hoàn toàn không nên chủ quan về tính chính xác của những gì mình nói ra, cần phải biết cởi mở lắng nghe và chấp nhận ý kiến sửa sai của người khác, thì chúng ta lại hoàn toàn có thể tin chắc được rằng việc trình bày ý kiến của mình theo cách êm dịu, hòa nhã và không xúc phạm đến người khác bao giờ cũng là một quyết định chính xác và sáng suốt.

Sự va chạm bằng lời nói là điều xảy ra thường xuyên nhất trong cuộc sống. Hầu hết những ai có chút tri thức đều không tán thành việc giải quyết vấn đề bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, và vì thế mà cách giải quyết bất đồng tất nhiên là phải thông qua việc “đấu khẩu”. Nhưng ngay cả đối với những người ít học thì không phải ai cũng thích chọn giải pháp “đấm đá”, bởi vì họ biết chắc rằng khi đã đánh nhau thì chuyện thông thường là “bên lỗ đầu, bên sứt trán”, chẳng dễ gì giữ được vẹn toàn. Vì thế, chỉ trừ những trường hợp hết sức căng thẳng, quá đáng, bằng không thì đa số vẫn chuộng phương thức “đấu khẩu” hơn là “đấu võ”. Và do đó mà chúng ta luôn có thể thấy sự va chạm bằng lời nói hầu như xảy ra ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong cuộc sống.

Vì là một thứ “vũ khí” cực kỳ đơn giản và rất dễ “khai hỏa”, nên những trận “đấu võ mồm” có thể diễn ra ở rất nhiều mức độ khác nhau. Từ một sự chỉ trích nhỏ nhặt cho đến những phê phán gay gắt, từ những lời qua tiếng lại trong sự gặp gỡ thoáng qua mỗi ngày cho đến những luận điệu công kích nhau một cách có hệ thống, được ghi chép cẩn thận để có thể phổ biến cho thật nhiều người biết đến... Tất cả đều là những biểu hiện khác nhau của việc sử dụng lời nói trong giao tiếp. Chúng có thể mang lại sự hòa hợp, tiến bộ, nhưng cũng có thể dễ dàng gây ra những tổn thương, đổ vỡ...

Hầu hết mọi trường hợp lời nói gây ra thương tổn đều là do người nói muốn tranh lấy phần ưu thế, phần đúng, phần phải về mình. Những trao đổi mang tính cách giải thích hoặc chia sẻ thường không bao giờ gây ra thương tổn cho người nghe. Vì thế mà nguyên tắc thứ hai trong sáu pháp hòa kính nhấn mạnh là “lời nói hòa hợp, không tranh cãi”.

Nói năng hòa nhã, êm dịu đã là biểu hiện của sự khôn ngoan, nhưng nếu biết tránh đi sự tranh cãi mới là người thực sự khôn ngoan nhất. Bởi vì những gì mà sự tranh cãi mang đến cho chúng ta thật ra hoàn toàn không bù đắp được cho những gì chúng ta phải mất đi vì nó. Cảm giác thích thú của người “chiến thắng” - nếu có - chỉ thoáng qua trong chốc lát, trong khi những bất hòa và sự tổn thương tình cảm do sự tranh cãi tạo ra lại có thể còn mãi, thậm chí có khi còn được nuôi lớn thêm mãi nếu không sớm chấm dứt.

Cũng cần phân biệt rõ giữa sự tranh cãi với tranh luận. Mọi cuộc tranh cãi đều nhắm đến việc giành lấy phần thắng, chứng minh rằng những gì mình đưa ra là đúng đắn, hợp lý, còn những gì đối phương đưa ra đều là sai trái, nhầm lẫn. Ngược lại, một cuộc tranh luận luôn để ngỏ khả năng đúng sai của mỗi người, và luôn chấp nhận lắng nghe những người khác để nhận lấy những điều nào là hợp lý, đúng đắn.

Tranh luận chỉ nhằm làm rõ vấn đề, tìm ra chân lý, lẽ phải, bất kể là chân lý hay lẽ phải đó thuộc về ai, và cũng có thể là thuộc về tất cả mọi người, trong trường hợp mỗi người chỉ nói đúng một phần nào hoặc một khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi.

Vì thế, cuộc tranh cãi chỉ được kết thúc khi có sự phân định thắng thua rõ rệt, còn một cuộc tranh luận thì kết thúc khi tất cả mọi người tham gia đều đạt được mục đích của mình, đều hài lòng với kết luận cuối cùng.

Chính do sự khác biệt như trên mà một cuộc tranh cãi thường bao giờ cũng chia thành hai “phe”. Tất cả những ai tham gia tranh cãi đều phải thuộc về một trong hai phe đó, và càng có nhiều người tham gia thì sẽ càng căng thẳng, gay gắt hơn, đôi bên dễ dàng trở nên hằn học, đối địch nhau. Và phe chiến thắng - nếu có - bao giờ cũng trở thành thù nghịch với phe thất bại.

Tranh luận thì khác hẳn, có thể chấp nhận sự tham gia của bất cứ ai quan tâm đến vấn đề, và người tham gia không phải thuộc về phe nào cả. Mỗi người chỉ cần khách quan trình bày quan điểm, ý kiến của riêng mình, đồng thời biết lắng nghe quan điểm, ý kiến của những người khác. Vì thế, một cuộc tranh luận càng có nhiều người tham gia thì ý kiến càng thêm phong phú, đa dạng, và vấn đề được tranh luận càng dễ được làm sáng tỏ hơn, kết luận cuối cùng càng được chính xác hơn. Bất cứ ai đưa ra ý kiến được nhiều người chấp nhận nhất sẽ nhận được sự hoan nghênh của mọi người khác chứ không phải là sự thù nghịch.

Vì tiền đề của một cuộc tranh cãi bao giờ cũng là những định kiến bảo vệ lập luận của “phe ta”, nên nó thực sự không mang lại được gì cho những người tranh cãi. Như một tách trà đầy không thể rót thêm vào được nữa, những người thích tranh cãi cũng không thể học hỏi thêm được điều gì từ người khác vì họ luôn cho rằng những quan điểm, ý kiến của mình đã là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế, xét cho cùng thì những cuộc tranh cãi là hoàn toàn vô ích nếu không muốn nói là có hại.

Ngược lại, tiền đề của một cuộc tranh luận chính là sự khát khao kiến thức, truy tìm chân lý, nên những người tham gia tranh luận luôn có thể học hỏi được nhiều điều từ những người khác cùng tham gia tranh luận. Và sự chia sẻ kiến thức càng giúp họ gần gũi nhau hơn, không hề có sự đối đầu, thù nghịch. Vì thế, tuy không cần thiết phải thường xuyên tranh luận, nhưng nếu có cơ hội tham gia những cuộc tranh luận đúng đắn thì chúng ta sẽ có khả năng học hỏi được rất nhiều.

Mặt khác, tránh xa sự tranh cãi bao giờ cũng là cách tốt nhất để hạn chế những bất hòa trong cuộc sống. Bởi vì như đã nói, những va chạm trong lời nói là thuộc loại va chạm thường xuyên xảy ra nhất trong cuộc sống hằng ngày. Không ai trong chúng ta lại thích nói chuyện với một người hay tranh cãi, luôn chỉ trích và bắt bẻ sai lầm của người khác. Vì thế, chỉ cần bạn có thể loại bỏ được thói quen hay tranh cãi - nếu có - bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mọi người chung quanh đều thích nói chuyện với bạn nhiều hơn, gần gũi và chia sẻ với bạn nhiều hơn. Và đó chính là biểu hiện của một cuộc sống hòa hợp với mọi người.

Ngoài việc tránh xa sự tranh cãi, lời nói hòa hợp còn có nghĩa là phải biết quan tâm đến những gì mình nói ra để không gây thương tổn cho người khác. Ngay cả khi cần phải nói lên những sự thật cứng rắn và đụng chạm đến ai đó, cũng cần phải chọn cách diễn đạt sao cho sự căng thẳng của vấn đề có thể được giảm nhẹ đến mức thấp nhất.

Một ý nghĩa quan trọng khác của việc thực hành hòa hợp qua lời nói là phải cố gắng nói ra những lời tốt đẹp, tạo ra sự hòa hợp, đoàn kết giữa những người khác, cũng như khuyến khích mọi người khác thực hiện những điều tốt lành và tránh xa những điều xấu ác. Được như vậy thì mỗi một lời nói ra của bạn đều sẽ xứng đáng để được gọi là: “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.”

Mặc dù “lời nói chẳng mất tiền mua”, nhưng nó lại thực sự là một sức mạnh quan trọng trong giao tiếp. Lời nói có khả năng xây dựng, làm cho mọi quan hệ ngày càng trở nên gắn bó, tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời lời nói cũng có thể có tác dụng phá hoại, làm cho các mối quan hệ giữa người và người trở nên căng thẳng và thù nghịch. Những công năng tốt hay xấu đó đều là phụ thuộc vào cách “lựa lời mà nói” của chúng ta.

Mặt khác, lời nói là biểu hiện của tâm ý. Trong lòng nghĩ sao thì ngoài miệng biểu lộ ra như vậy. Tâm ý ngay thẳng, hiền thiện thì lời nói cũng thật thà, hòa nhã; tâm ý gian trá, hiểm độc thì lời nói cũng quanh co, hung dữ. Trong lòng không có sự tu dưỡng thì không thể nói ra được những lời thực sự ôn hòa, êm dịu; trong lòng không nuôi dưỡng tình cảm chân thành tốt đẹp thì không thể nói ra được những lời cảm thông chia sẻ; và nếu trong lòng đầy sự thù hận ganh ghét thì chỉ có thể nói ra toàn những lời hung hãn, cay độc...

Cho nên, có thể nói là tâm ý tạo ra lời nói. Nếu không tu dưỡng tâm ý mà chỉ gắng gượng nói ra những lời dịu dàng êm ái để lấy lòng người khác thì cũng chỉ là sự giả dối, ngụy tạo, người nghe sớm muộn gì cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên, nếu thật lòng muốn tu dưỡng tâm ý thì lại có thể bắt đầu từ việc chú ý tu dưỡng lời nói. Nếu có thể tránh nói ra những lời xấu ác thì tâm ý sẽ nhờ đó mà có thể quay về gần với sự hiền thiện, thương yêu.

Lời nói xấu ác tuy rất đa dạng, nhưng cũng không đi ngoài những ý nghĩa sau đây.

Thứ nhất là nói dối, không đúng sự thật. Nguyên nhân và động lực của việc nói dối có thể bao gồm hết thảy những ham muốn, toan tính của con người, nhưng nói chung thì một khi đã dùng cách nói dối để đạt được mục đích của mình đều không phải là điều tốt. Vì thế, bản thân việc nói dối chẳng những đã là một điều xấu, mà nó còn có thể là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều điều xấu ác khác nữa.

Thứ hai là nói lời trau chuốt, không thành thật, chỉ nhằm lấy lòng người khác vì mục đích có lợi cho mình. Lời nói trau chuốt không xuất phát từ những suy nghĩ chân thật trong lòng, mà là dựa theo ý muốn của người nghe, nhằm làm cho người ấy phải tin theo điều gì đó. Tuy lời nói trau chuốt không có vẻ là xấu ác, nhưng nó thường có những động lực không chính đáng nên sẽ nuôi dưỡng và tạo điều kiện phát triển cho những tâm niệm xấu ác. Hơn thế nữa, việc nói trau chuốt rất thường có khuynh hướng trở thành nói dối.

Thứ ba là những lời nói thô tục, hung hăng, thường gây thương tổn cho người khác một cách không cần thiết. Lời nói thô tục, hung hăng thường không do những động lực khác thúc đẩy, mà là xuất phát từ tâm ý hung dữ, thiếu sự tu dưỡng, tạo thành thói quen luôn nói ra những lời hung hăng, xúc phạm, bất kể đối tượng là ai.

Thứ tư là nói những lời vô nghĩa, vô ích. Những lời nói loại này có vẻ như chẳng gây hại đến ai, nhưng thực tế là tạo thành thói quen ăn nói bừa bãi, thiếu cân nhắc. Như cỏ dại làm hại ruộng vườn, những lời vô nghĩa cũng làm hại chúng ta vì làm mất đi cơ hội nói ra những lời tốt đẹp, hữu ích.

Thứ năm là lời nói đâm thọc, cũng gọi là nói hai lưỡi, thường là để gây chia rẽ giữa những người khác. Nói hai lưỡi có nghĩa là nói ra những lời không chân thật, nhất quán. Khi gặp mỗi bên lại nói theo một cách khác nhau nhằm tạo ra sự hoài nghi, mâu thuẫn lẫn nhau giữa mọi người, nhằm đạt được mục đích cho riêng mình. Lời nói loại này luôn hướng đến gây ra sự chia rẽ, ghét bỏ hay thù nghịch lẫn nhau, xuất phát từ tâm niệm tham lam, xấu ác, muốn đạt được mục đích của riêng mình.

Thứ sáu là những lời nói độc ác, gây thương tổn cho người khác. Những lời nói loại này thường không nhằm mục đích gì khác, mà chỉ là sự biểu lộ của tâm ý nóng nảy, hung dữ. Tuy nhiên, khi thường xuyên nói ra những lời độc ác, gây thương tổn cho người khác thì cũng chính là tạo điều kiện để nuôi dưỡng và làm phát triển sự nóng nảy, hung dữ trong tâm ý. Vì thế, việc kiềm chế những lời nói loại này cũng là cách rất tốt để tu dưỡng tâm ý.

Tất cả những lời nói xấu ác như trên đây đều tạo ra những nghiệp xấu ác, gọi chung là khẩu nghiệp - nghiệp tạo ra bởi lời nói - là một trong ba cách tạo nghiệp của chúng ta, đó là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Mặc dù lời nói không có hình dạng, tướng mạo, không thể làm người khác tổn thương, đau đớn về thể xác, nhưng lại có sức mạnh tinh thần cực kỳ lớn lao. Lời nói tốt đẹp có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho chính bản thân ta và mọi người chung quanh, trong khi lời nói xấu ác lại có thể dễ dàng hủy hoại hạnh phúc của bản thân và người khác. Vì thế, muốn sống hòa hợp giữa mọi người, chúng ta không thể không quan tâm đến lời nói của mình, phải luôn tránh nói ra những điều xấu ác, chỉ nói những điều hướng đến sự hòa hợp, tốt đẹp và tránh xa sự tranh cãi.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2021(Xem: 6212)
Chấp hai tay cúi đầu miệng niệm Phật A Di Đà chào chúc thật cao sâu Khỏe sáng suốt cùng chân lý nhiệm mầu Được trường thọ thăng hoa trong cuộc sống… Sống trong một thế giới vô thường biến đỗi, với đầy sự nhiễu nhương, tang thương, chết chóc, do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, xảy ra trước mắt hằng ngày, gây lắm khổ đau, điển hình như Covid-19 (với đầy ác khí) như hiện nay, cũng khiến cho nhiều người lo sợ, khủng hoảng và thức tĩnh. Thấy rõ được rằng, mọi cơ sở vật chất, với nhiều năm đầu tư xây dựng, chỉ một cơn động đất, sóng thần hay bão lửa, lũ lụt nổi lên, sẽ tan tành theo mây khói. Một đời người với biết bao nhiêu lo toan, tính toán, hy vọng, ước mơ, một cơn đại dịch xảy ra, đành âm thầm ra đi trong tức tưởi, không một người thân đưa tiễn, tất cả tài sản bao năm gầy dựng, phải bỏ lại, không mang theo được gì!
30/11/2021(Xem: 5159)
Người Phật tử chân chánh hiểu rằng Chân Lý Tuyệt Đối là không thể nghĩ bàn. Tất cả các pháp môn đều chỉ là phương tiện giúp ta đạt tới cái không nghĩ bàn đó. Trong khi tu hành, ta có thể chọn vào cửa Hữu (Tịnh độ) hay vào cửa Không (Thiền), tùy căn cơ và sở thích. Nếu ai cố chấp pháp mình là đúng, chê bai người khác sai – là chứng tỏ mình chưa hiểu chân lý là thứ gì. Vả lại, thuốc không có quí tiện: thuốc trị được bịnh là thuốc hay. Đại khái, Thiền là pháp môn cao thượng và thẳng tắt dành cho bậc Thượng căn, trong khi Tịnh độ dễ hiểu dễ hành và dễ chứng, cho nên cả Ba căn đều có thể tu được. Đức Bổn Sư Thích-Ca giảng pháp nầy chủ ý nhằm cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp. Như trong kinh Đại Tập, Ngài nói: “Thời Mạt pháp, ức ức người tu hành ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nhờ pháp môn Tịnh độ mà thoát khỏi luân hồì.” Cho nên thời nầy người tu Tịnh độ thành công được vãng sanh vô số (có thoại chứng rành rành), trong khi Thiền sư đắc đạo (như khi xưa) có thể nói rất hiếm, đếm
05/11/2021(Xem: 17342)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh, mà hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mỗi một pháp cũng chính là chân, là bổn, là tâm, là tánh!”. Tập Lời Vàng (Gia Ngôn Lục) dù là toát yếu nhưng với một kẻ hậu học như tôi thì lại tự thấy mỗi mỗi câu nói của Đại Sư Ấn Quang đều bao hàm ý pháp, chỗ nào cũng cần phải học, chẳng thể đọc lướt qua nên phải dịch thuật đến ngàn ngàn câu kệ, hầu mong chuyển đạt lời lời ân cần tha thiết của Đại sư; chỉ để lại phần nói về các chính biến tại Trung Hoa, và những câu nói lập lại từ các bài giảng của Đại sư q
20/10/2021(Xem: 6352)
Kính số 52 Bát Thành có đoạn viết về sơ thiền một cách ngắn gọn như sau: “Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ” (Trung Bộ Kinh, 52 Kinh Bát Thành). Kinh văn quá súc tích về sơ thiền như vậy khó có thể thấm thấu được thâm ý của Thế Tôn, tạo ra nhiều kiến giải của các bút giả, hành giả, học giả vv, khiến quý Phật tử hoang mang. Sau đây là một trong những kiến giải của một hành giả được một đạo hữu chuyển cho Tâm Tịnh về sơ thiền: Hai bài kinh: Kinh Sa Môn Quả và Tiểu Kinh Dụ Lõi Cây, Phật dạy: “Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh vời tầm với tứ (có giác có quán). Muốn đạt được cảnh giới này vị này phải ly dục nơi các căn, tức là thanh lọc nhiễm ô nơi các căn. Để ly dục, vị này học hạnh viễn ly, hạnh Tỷ kheo (hạnh xuất gia) theo lời dạy trong kinh: “Ở đây có người vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình
03/09/2021(Xem: 40096)
(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm) 1. TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN: Án, lam xóa ha. (3 lần) 2. TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN: Tu rị, Tu rị, Ma ha tu rị, Tu tu rị, Ta bà ha. (3 lần) 3. TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN Án, Ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 4. PHỔ CÚNG DƯỜNG CHƠN NGÔN: Án, Nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần) 5. AN THỔ ĐỊA CHƠN NGÔN: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, Án, độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha (3 lần) Hộ pháp, Vĩ Đà thị chứng minh Thân trụ Phật tiền Tâm Tư nguyện Tưởng bằng bí chú đắc oan linh Hà chơn bất thức trì niệm Luật Thiên kinh vạn quyển vô nhất tự Nẳng mô tô tất đế, đa rị, đa rị, mạn đà, mạn đà, ta bà ha (3 lần)
03/09/2021(Xem: 11378)
Pháp hành Trì để vượt thoát Đại Nạn Covid-19
03/09/2021(Xem: 10400)
5.1). Đệ tử tên là: Một lòng quy kính Đức Phật A Di Đà, Thế giới Cực Lạc, Nguyện lấy hào quang, Trong sạch soi cho, Lấy thệ từ bi, Mà nhiếp thọ cho, Con nay chánh niệm, Niệm hiệu Như Lai, Vì đạo Bồ Đề, Cầu sanh Tịnh Độ. Phật xưa có thệ: “Nếu có chúng sinh, Muốn sinh về nước ta, Hết lòng tín nguyện, Cho đến mười niệm, Nếu chẳng đặng sinh, Chẳng thành Chánh Giác”. Do vì nhân duyên, Niệm hiệu Phật nầy, Được vào trong bể, Đại thệ Như Lai, Nhờ sức Từ Bi, Các tội tiêu diệt, Căn lành tăng trưởng, Khi mạng gần chung, Biết trước giờ chết, Thân không bệnh khổ, Tâm không tham luyến, Ý không điên đảo, Như vào Thiền định. Phật và Thánh Chúng, Tay nâng kim đài, Cùng đến tiếp dẫn, Trong khoảng một niệm, Sinh về Cực Lạc, Sen nở thấy Phật, Liền nghe Phật thừa, Chóng mở Phật tuệ, Khắp độ chúng sanh, Trọn Bồ Đề nguyện.
01/08/2021(Xem: 13044)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
30/08/2020(Xem: 7750)
Ngày xưa, sau khi Đức Phật chứng Đạo, tại sao Ngài không mở trường Thiền để có thể dạy hàng ngàn, hàng vạn người cùng một lúc? Ngược lại, Ngài chỉ vân du từ nơi này sang nơi khác, tùy căn cơ khai thị cho những người hữu duyên Ngài gặp trên đường? Đơn giản vì trình độ, hoàn cảnh và cơ địa mỗi người một khác, nên đức Phật ngay nơi mỗi người khai thị pháp mà người đó đang trải nghiệm, và vì vậy chỉ người đó mới thật sự biết đức Phật đang chỉ dạy điều gì, người khác có nghe hay đọc lại kinh điển tường thuật thì cũng chỉ để tham khảo hay suy luận mà thôi.
17/07/2020(Xem: 7140)
Trong kinh có ghi lại lời cảnh giác của Đức Phật, Ngài đã từngnói rằng: “Phàm tất cả chúng sinh còn lên xuống trong ba cõi, lăn lộn trong sáu đường thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi sai lầm”.Lời nói của bậc toàn giác thật chính xác. Chúng sinh còn trầm luân trong ba cõi, sáu đường, là còn gây nhiều nghiệp xấu. Cho nên, dù chúng ta là ai của những đời trước, kiếp trước? Kiếp này, tuy chung sống ở cõi Ta-Bà nhưng mỗi người ôm vào đời một biệt nghiệp riêng, do tội lỗi hay phước báo đã gây ra trong đời trước. Nhưng nói chung,dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng đã từngbị vô minh che mờ lý trí xúi quẩy tạo ra muôn ngàn tội lỗi, và tội lỗi đó cứ chồng chất mãi theo thời gian.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]