Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21 Tính chất của Nghiệp

21/11/201018:23(Xem: 6331)
21 Tính chất của Nghiệp



ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
Đại Đức Narada Maha Thera, 1980 - Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998
Nguyên tác: "The Buddha and His Teachings"
Buddhist Publication Society, Sri Lanka

CHƯƠNG 21

Tính chất của Nghiệp

"Gieo giống nào, gặt giống nấy."
Tạp A Hàm

Chúng ta có phải gặt hái tất cả những nhân đã gieo không? Không nhất thiết phải như thế. Trong bộ Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, Đức Phật dạy:

"Nếu có ai cho rằng con người phải gặt hái trọn hậu quả theo tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức, và con người cũng không thể có cơ hội tận diệt phiền não: Nhưng nếu nói rằng quả phải gặt tương xứng với nhân đã gieo thì ắt có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội dập tắt phiền não." [1]

Như vậy, theo Phật Giáo có thể uốn nắn, chuyển hoán cái nghiệp, mặc dầu kinh Pháp Cú, câu 127, có dạy:

"Không phải bay lên trời cao, lặn xuống biển sâu, hay chui vào hang núi, mà ta có thể tìm được nơi nào trên thế gian nầy để lẫn tránh quả dữ của Nghiệp xấu."

Nếu như phải trả quả của tất cả những nghiệp đã tạo trong quá khứ thì chúng sanh ắt phải chịu vĩnh viễn sống trong đau khổ và không thể mong có ngày giải thoát.

Dầu không hoàn toàn làm chủ cái Nghiệp - vì nhân đã gieo - nhưng ta cũng không tuyệt đối phải bó tay chịu làm nô lệ. Dầu con người xấu xa đê tiện nhất cũng có thể cố gắng trở nên trong sạch đạo đức. Chúng ta luôn luôn biến đổi và luôn luôn trở thành một cái gì mới, và cái mới ấy tùy thuộc chính ta, tùy thuộc nơi hành động của chính ta. Từng giây, từng phút ta có thể tự cải hoán, làm cho ta trở nên tốt đẹp hơn, cũng như xấu xa hơn. Dầu người tội lỗi hư hèn nhất cũng không đáng khinh. Trái lại, nên tạo cho họ một niềm tin tưởng nơi sự cố gắng cải thiện bẩm chất bình sanh của họ. Nên thương hại họ, biết đâu một lúc nào trong quá khứ ta cũng cùng ở trong tình trạng với hạng người hư hèn ấy và ta đã tiến bộ. Hôm nay ở một vị trí thấp kém, họ cũng có thể cố gắng theo ta và có khi tiến trổi hơn ta.

Ai biết được cái nghiệp đã tích trữ của một người khác?

Angulimala, tên sát nhân lừng danh khét tiếng một thời, đã giết chết cả ngàn anh em đồng loại, trở thành một vị A La Hán và thoát khỏi quả dữ của những hành động tàn ác ấy.

Cô Ambapali, một gái giang hồ biết hồi tâm tu hành cũng đắc Quả A La Hán.

Alavaka, dạ xoa hung tợn thường ăn thịt người, từ bỏ thói dữ và cố gắng tu tập, cũng đắc Quả Tu Đà Hườn.

Vua Asoka (A-Dục) có tiếng là hung ác bạo tàn, trở thành một đấng minh quân, đổi những trận giặc xâm lăng khốc liệt ra những chiến dịch truyền bá đạo lý cao siêu thâm diệu và giáo huấn từ bi của Đức Phật, để mưu cầu hạnh phúc cho một phần nhân loại:

"Giữa oai danh của trăm ngàn vua chúa trong lịch sử nhân loại, danh thơm cao quý vừa hùng vĩ vừa dịu dàng, vừa trong sáng vừa trầm lặng, của Hoàng Đế A Dục chói ngời rực rờ như một vị sao tỏ rạng."

Đó là một vài trường hợp hiếm hoi chỉ rằng nhờ ý chí hùng dũng, con người có thể đổi hẳn tâm tánh, từ xấu ra tốt, từ dữ ra lành.

Trong một vài trường hợp khác, cũng có thể quả của một nhân yếu mà tái sanh tròn đủ, còn quả của một nhân mạnh lại được lắng dịu.

Đức Phật dạy:

"Hỡi nầy các Tỳ khưu, người kia không biết khép mình vào kỹ cương của thân, của đạo lý, của tâm, của trí tuệ, người kém đạo đức, kém giới hạnh và do đó, sống đau khổ.

"Dầu một hành động tầm thường của người ấy cũng đủ tạo quả đưa vào cảnh khổ.

" Hỡi nầy các Tỳ khưu, người nọ có nếp sống kỹ cương về phương diện vật chất cũng như về mặt tinh thần đạo đức, và trí tuệ, người đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện và lấy tâm Từ vô lượng đối xử với tất cả mọi chúng sanh.

"Người như thế, dầu có một hành động lầm lạc tầm thường như kể trên, hành động ấy không tạo quả trong hiện tại hay trong kiếp vị lai. [2]

"Tỷ như có một người kia sớt một muổng muối vào bát nước. Nầy hỡi các Tỳ khưu, các thầy nghĩ như thế nào? Nước trong bát có thể trở nên mặn và khó uống không?

- Bạch hóa Đức Thế Tôn, có.

- Tại sao?

- Bạch Đức Thế Tôn, vì nước trong bát thì ít mà cho vào một muổng muối thì phải mặn.

- Bây giờ, tỷ như người kia đổ muổng muối ấy xuống sông Hằng (Ganges), nầy hỡi các Tỳ khưu, các thầy nghĩ sao? Nước sông Hằng có vì muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không?

- Bạch hóa Đức Thế Tôn, không?

- Tại sao?

- Bạch Đức Thế Tôn, vì sông Hằng rộng lớn, nước nhiều, chỉ bấy nhiêu muối ấy không đủ làm mặn.

- Cũng dường thế ấy, có trường hợp người kia vì phạm một lỗi nhỏ mà chịu cảnh khổ. Người khác cũng tạo một lỗi tương tợ nhưng gặt quả nhẹ hơn và sau khi chết, quả kia không trổ sanh nữa, dầu trổ một cách nhẹ nhàng.

"Có thể có trường hợp người kia bị bỏ tù vì ăn cắp nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu, và cũng trong trường hợp người nọ không bị bỏ tù vì nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu.

"Ai bị bỏ tù vì nửa xu, một xu, hay một trăm xu?

"Khi người ta nghèo khổ, túng thiếu, bần cùng thì dầu chỉ nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu cũng bị bỏ tù.

"Ai không bị bỏ tù vì nữa xu, một xu, hay một trăm đồng xu?

"Khi người ta giàu có, dư dả, sung túc, thì không bị bỏ tù vì nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu.

"Cùng một thế ấy, có trường hợp người kia chỉ có một vài hành động bất thiện nhỏ nhặt mà phải lâm vào cảnh khốn cùng, và có trường hợp người nọ cũng phạm lỗi lầm y như vậy mà không phải gặt quả nào trong kiếp hiện tại. Hành động bất thiện ấy cũng không có hậu quả nhỏ nhen nào sau kiếp sống nầy. [3]"

Nguyên Do Vì Sao Đôi Khi Quả Trổ Sanh Trái Ngược Với Nhân Đã Gieo

Nhân lành tạo quả lành. Nhưng đã gieo nhân lành rồi còn hối tiếc, đã làm một việc thiện mà còn ăn năn, hối hận, thì quả trổ sanh không được tương xứng với nhân.

Tích chuyện sau đây là một ví dụ:

Ngày kia Vua Pasenadi xứ Kosala đến hầu Đức Phật và bạch rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, tại thành Savatthi (Xá Vệ) có một nhà triệu phú vừa qua đời mà không có người thừa kế. Vì lẽ ấy bao nhiêu tài sản của ông, gồm hàng trăm thoi vàng, ngoài số bạc và của cải khác, đều được bổ xung vào kho. Bạch Đức Thế Tôn, người giàu có lúc ấy còn sanh tiền sống thật kham khổ, ăn thì chỉ cơm nát với thức ăn thừa và thiu, mặc thì chỉ dùng vải thô và chỉ gai, còn di chuyển thì chỉ có một chiếc xe cũ kỹ với con ngựa gầy."

Đức Phật dạy:

"Mặc dầu vậy, trong một tiền kiếp nhà triệu phú ấy thường để bát cúng dường đến một vị Độc Giác Phật tên là Taragasikhi. Tuy để bát cúng dường nhưng ông không bao giờ quan tâm đến công đức ấy. Ông lại có ý hối tiếc vì đã mất của, và tự nghĩ thầm: 'Phải chi ta để dành vật thực ấy cho người ăn kẻ ở trong nhà còn hơn.' Ngoài ra, ông còn giết chết một người cháu để sang đoạt gia tài.

"Do quả lành của công đức bố thí cúng dường, ông tái sanh bảy lần trong cảnh Trời. Cũng do quả lành ấy ông tái sanh bảy lần làm triệu phú tại thành Savatthi (Xá Vệ) nầy. Vì ông đã hối tiếc, nghĩ thầm rằng: 'Phải chi ta để dành vật thực ấy cho người ăn kẻ ở trong nhà còn hơn', nên mặc dầu giàu có, ông không thể toại hưởng sự nghiệp vĩ đại ấy, không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, luôn luôn lo sợ hết của, không dám nhờ tiền để tạo tiện nghi cho đời sống vật chất.

"Vì đã giết chết một người cháu để sang đoạt tài sản, nhà triệu phú độc ác ấy phải chịu đau đớn nhiều năm, nhiều trăm năm, trong cảnh khổ. Và cũng vì hành động ác độc ấy ông phải chịu tuyệt dòng liên tiếp trong bảy kiếp, do đó bao nhiêu tài sản của ông phải bị xung vào quốc khố. [4]"

Nhà triệu phú được một sự nghiệp vĩ đại nhờ nhân tốt đã gieo. Tuy nhiên đã gieo nhân lành mà còn hối tiếc nên dù được sự nghiệp lớn lao, ông không được hưởng.

Duyên Hỗ Trợ và Duyên Trở Ngại

Trong sự báo ứng của nghiệp ta nên biết rằng có những năng lực hỗ trợ, nâng đỡ, tạo điều kiện, trợ duyên cho quả sớm trổ sanh, và ngược lại cũng có những năng lực kiềm hãm, ngăn chặn, không cho quả trổ sanh, hay nghịch duyên.

Sự sanh trưởng (gati), thời gian hay hoàn cảnh (kala), nhân cách hay tướng mạo (upadhi), và sự nỗ lực cố gắng (payoga) là những năng lực trợ duyên hay nghịch duyên, hỗ trợ hay ngăn cản quả trổ sanh.

Thí dụ như người kia sanh trưởng trong một gia đình quý phái, giàu sang, hay trong hoàn cảnh an lành, sự tái sanh tốt ấy đôi khi là một năng lực ngăn chặn không cho quả dữ trổ sanh.

Trái lại, người nọ sanh trưởng trong gia đình ghèo khó khốn cùng, hay trong cảnh khổ, sự tái sanh bất hạnh của người nầy tạo điều kiện thuận tiện cho quả dữ trổ sanh.

Danh từ Phật Giáo gọi những năng lực ấy là "tái sanh thuận lợi" (gati sampatti) và "tái sanh bất thuật lợi" (gati vipatti).

Người kia, dầu không phải là hạng thông minh, mà nhờ có Nghiệp tốt, sanh trưởng trong hoàng tộc thì cũng được thiên hạ kính nể kiêng vì. Nếu cũng kém thông minh như người ấy mà sanh trong gia đình túng thiếu bần hàn thì ắt không được kính trọng như vậy.

Đức vua Dutthagamani xứ Tích Lan gieo nhân xấu vì đã gây chiến tranh chống tộc Tamil, đồng thời cũng tạo nhiều Nghiệp tốt do các công tác từ thiện có tánh cách tôn giáo và xã hội. Nhờ Nghiệp Tái Tạo tốt ấy Ngài được tái sanh vào cỏi Trời. Tục truyền rằng đến thời Đức Phật Di Lạc (Metteya) ra đời, Ngài sẽ trở xuống một lần chót. Nhân bất thiện mà Ngài đã gieo không trổ quả, nhờ được "tái sanh thuận lợi" trong hoàn cảnh tốt.

Trường hợp vua Ajatasattu (A-Xà-Thế) là một thí dụ khác. Phạm trọng tội giết cha, nhưng về sau ông đến gần Đức Phật và trở nên một vị minh quân có tâm đạo nhiệt thành. Vì mang trọng giết cha, ông phải tái sanh vào cảnh khổ, và do sự tái sanh bất thuận lợi ấy, bao nhiêu nhân lành ông đã gieo không đủ duyên hỗ trợ để trổ quả .

Dung mạo đẹp đẽ (upadhi sampatti) hay xấu xa (upadhi vipatti) là hai yếu tố khác có thể hộ trợ hay gây trở ngại cho sự báo ứng của Nghiệp.

Nếu nhờ Nghiệp tốt mà người kia được tái sanh thuận lợi, nhưng bất hạnh phải tật nguyền hay có tướng mạo dung nhan xấu xí thì cũng không hoàn toàn trọn hưởng phước lành của mình. Một vị hoàng tử đáng lẽ phải nối ngôi cha để trị vì thiên hạ, nhưng nếu vị ấy tật nguyền cũng có thể đó là một trở ngại, không được lên ngôi báu.

Trái lại, diện mạo phương phi là yếu tố giúp thành công. Một đứa trẻ tuy nghèo nhưng mặt mày thông minh sáng sủa có thể làm cho người khác chú ý đến và gieo ít nhiều thiện cảm đến người khác.

Thời gian hay cơ hội thuận lợi và bất thuật lợi (kalasampatti và kalavipatti) là hai yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự báo ứng của Nghiệp. Thí trong một thiên tai, tất cả đều phải cùng chung chịu một số phận. Đó là điều kiện bất thuận lợi, trợ duyên cho nghiệp xấu trổ sanh. Cũng có những điều kiện thuận lợi làm suy giảm năng lực hoặc ngăn chặn không cho Nghiệp xấu trổ sanh.

Trong các năng lực trợ duyên và nghịch duyên, hạnh tinh tấn hay sự nỗ lực cố gắng (payoga) là quan trọng hơn tất cả. Trong sự báo ứng xủa Nghiệp, tình trạng cố gắng hay thiếu cố gắng giữ một vai trò chánh yếu. Do cố gắng trong hiện tại, ta có thể chuyển Nghiệp, tạo Nghiệp mới, hoàn cảnh mới, môi trường mới, cả một thế giới mới.

Dầu có điều kiện thuận lợi và được trợ duyên đầy đủ mà nếu không nỗ lực cố gắng thì chẳng nhưng ta bỏ mất cơ hội quý báu, mà có khi còn hoang phí cả sự nghiệp, vật chất hay tinh thần.

Nếu bệnh mà không tìm thầy thuốc. Nếu gặp khó khăn mà không cố gắng giải quyết, không nỗ lực để vượt qua, thì quả dữ ắt được trợ duyên đầy đủ để trổ sanh. Trái lại, nếu ta tận lực cố gắng để vượt qua mọi khó khăn, luôn luôn cải thiện hoàn cảnh, tận dụng mọi khả năng mọi cơ hội hiếm có để vững vàng tiến bộ thật sự, Nghiệp tốt sẽ được trợ duyên đầy đủ để trổ sanh.

Mặc dầu không hoàn toàn làm nô lệ cũng không tuyệt đối làm chủ cái Nghiệp, chắc chắn là những yếu tố trợ lực và nghịch duyên ấy cũng ảnh hưởng phần nào năng lực báo ứng của Nghiệp, do sự tái sanh, hoàn cảnh, cá tính, cố gắng cá nhân, và những yếu tố tương tợ. Chính lý Nghiệp Báo đem lại cho người Phật tử sự an ủi, niềm hy vọng, chỗ nương tựa và khích lệ tinh thần để có thể đảm vững bước trên con đường tiến bộ.

Khi có việc bất chắc xảy đến, khi gặp trợ ngại, khó khăn, thất bại, và hoàn cảnh bất hạnh, người Phật tử nhận định rằng mình đang gặt hái giống nào mà trước kia chính mình đã gieo, mình đang trang trãi một món nợ đã vay lúc nào trong quá khứ.

Tuy nhiên, thay vì phải bó tay chịu quy hàng hoàn cảnh để cho định luật Nghiệp Báo tự nhiên diễn tiến, người Phật tử tận lực cố gắng diệt trừ, bứng tận gốc rễ giống cỏ xấu, và gieo trồng những giống tốt. Tương lai hoàn toàn nằm trong tay ta.

Người tin tưởng lý Nghiệp Báo không khi nào lên án kẻ hư hèn tội lỗi bởi vì mọi người đều có khả năng và cơ hội để tự cải thiện bất cứ lúc nào. Người kia dầu phải chịu đau khổ trong hiện tại nhưng vẫn có hy vọng như mọi người, rằng trong một ngày tươi đẹp nào, chính mình cũng có thể đạt Đạo Quả cao thượng, an vui hạnh phúc vĩnh cửu trường tồn. Ta tạo địa ngục cho ta, do chính hành động của ta. Cũng do hành động của chính ta, ta tạo thiên đàng cho ta.

Một người Phật tử thuần thành và hiểu biết chắc chắn định luật Nghiệp Báo không khi nào van vái cầu xin được cứu rỗi. Trái lại, đặt trọn niềm tin nơi chính mình, nơi hạnh tinh tấn của mình, để được giải thoát. Thay vì bó tay đầu hàng hay vuốt ve tâng bốc một thần lực siêu nhân nào, người Phật tử đặt trọn niềm tin mình trên ý trí của mình, và không ngừng hoạt động để tạo an lành cho tất cả.

Niềm tin vững chắc nơi Nghiệp Báo "nâng cao giá trị của hạnh tinh tấn và kích thích lòng nhiệt thành", bởi vì lý Nghiệp Báo dạy mỗi người phải lãnh lấy trách nhiệm của mình.

Đối với người Phật tử sơ cơ, định luật Nghiệp Báo là một điều răn. Với hạng người trí thức, Nghiệp Báo là một khích lệ.

Luật Nhân Quả giải thích vấn đề đau khổ, giải thích tình trạng bí ẩn của cái được gọi là Số Mạng và Tiền Định của một vài tôn giáo và, trên hết, giải thích hoàn cảnh chênh lệch giũa loài người, giữa chúng sanh.

Chúng ta là vị kiến trúc sư xây đắp số phận của chúng ta. Chính ta tạo ra hay tiệu diệt ta. Chính ta tạo thiên đàng cho ta và cũng chính ta tạo địa ngục cho ta.

Những gì ta nghĩ, nói, và làm, là của ta. Chính tư tưởng, lời nói và hành động là Nhgiệp. Và Nghiệp đưa ta lên hay xuống từ kiếp nầy sang kiếp khác, mãi mãi trong vòng luân hồi.

Đức Phật dạy:

"Phước và tội mà con người tạo ra là những gì mà con người làm chủ, những gì đưa con người đi, từ nơi nầy...
Là những gì bén gót chạy theo con người như bóng theo hình.
Vậy, từ đây con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác, trong tương lai.
Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế gian ngày mai." [5]

Chú thích:

[1] Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, phần 1, trang 249. Xem Warren, "Buddhism in Translations", trang 218.

[2] Đức Phật muốn ám chỉ các vị A La Hán.

[3] Aguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, phần 1, trang 249, Xem Warren, "Buddhism in Translations", trang 218.

[4] Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, phần i, trang 91. Xem Warren, "Buddhism in Translations", trang 296; và Grimm, "The Doctrine of the Buddha", trang 248.

[5] Kindred Sayings, phần i, trang 98.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/07/2015(Xem: 5888)
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đa số đều thuyết minh tổng quát về pháp môn niệm Phật. Trên thực tế hình thành pháp môn Tịnh Độ phổ biến từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như Kinh Bát Chu Tam Muội (Ban Châu Tam Muội), Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Thủ Lăng Nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng mười tám thế kỷ qua (Tính từ khi Kinh Ban Châu Tam Muội được dịch tại Trung quốc năm 179 s.dl.), và pháp môn Tịnh Độ được hình thành và phát triển thời tổ sư Huệ Viễn (334-416 TL) cho đến ngày nay. Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn niệm Phật đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan Pháp môn niệm Phật, trên căn bản thì thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời đại Tổ Liên Trì về sau
25/06/2015(Xem: 6085)
Trong Phật pháp có nhiều pháp môn tu học học và hướng đến giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là thấy rõ đạo lý duyên khởi của nhân sanh và vũ trụ. Giải thoát có nghĩa là dứt sự khổ đau luân hồi do tâm thức chấp thật ngã và thật pháp tạo vọng nghiệp. Chung quy tu tập theo Phật giáo nhận thức rõ giải thoát là từ tâm này, luân hồi sanh tử cũng do tâm này, vì tâm này là chủ nhân của muôn pháp. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh,
07/05/2015(Xem: 6883)
Các con ơi! Ta vô cùng hoan hỷ đón nhận tất cả các con về thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng mà ta đã thiết lập để cho các con trở về tịnh dưỡng. Ta thật yên tâm khi các con về mái nhà chung tình này để được nghe pháp, tu tập mà không bị quấy nhiễu bởi lục trần nhiễm ô của thế giới Ta Bà. Tuy nhiên, các con ạ! Các con thấy đó. Đa số các con đều được hóa sanh ở những phẩm vị thấp, Trung phẩm và Hạ phẩm.
28/04/2015(Xem: 5908)
Người phương Tây và dân trí thức trong thời mạt pháp hầu như không tin pháp môn niệm phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Họ không tin vì hai lý do. Thứ nhất họ cho rằng Phật A DI ĐÀ và Tịnh độ Cực Lạc là huyền thuyết. Thứ hai là Kinh sách Đại Thừa Phật Giáo không đáng tin cậy vì thường hiểu lầm là Đại thừa ra đời từ cuộc Tập Kết Kinh điển thứ thứ Tư, hơn 400 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, cách thời Phật Thích Ca quá xa khiến cho kinh sách đại thừa có phần sai lệch và khó có thể kiểm chứng. Sau đây là những chân lý chứng minh kinh điển đại thừa Phật giáo và Pháp môn niệm Phật nói riêng là hoàn toàn chân thực, không hư dối. Những chân lý này được kiến giải một cách khách quan dựa trên những sự kiện lịch sử Phật giáo và những lời thuyết giảng của Đức Phật ghi lại trong Kinh điển Đại thừa xảy ra đúng với những sự kiện lịch sử sau thời Đức Phật và phù hợp với những thành tựu khoa học ngày nay.
28/04/2015(Xem: 6634)
Một đời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca được khái quát hóa trong ngũ thời bát giáo mà theo ngài Trí Giả, Tổ sư sáng lập ra Tông Thiên Thai đã sử dụng ngũ thời để phân định trình tự thuyết pháp của đức Phật; dùng “Bát giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. Ngũ thời được chia trình tự như sau:
10/03/2015(Xem: 8017)
Trong diễn đàn này nhiều quý bạn hữu đã nói về niệm Phật A-Di-Đà bốn chữ hay sáu chữ. Theo tôi thì chúng ta đã học Mười hạnh Phổ-Hiền thì bình-đẳng kính chung không từ một ai, nhưng tin vào lời người ta nói thì phải có sự quán xét đúng hay sai. Đặc biệt với Phật pháp và giáo lý nhà Phật thì đòi hỏi phải thật nghiêm túc nếu không sai một ly đi vạn dặm, có khi mất hết cả công sức bao nhiêu năm tu hành bỏ ra mà không thành tựu, thậm chí còn sa hố là phỉ báng chính pháp, phát đi những điều không đúng về giáo lý của Phật.
23/01/2015(Xem: 7120)
Từ khi Phật giáo hòa nhập vào văn hóa nhân loại thì bắt đầu ý nghĩa đón xuân cổ truyền được mở rộng thành ý nghĩa đón Xuân Di Lặc. Từ đó, đón xuân trong quan niệm người Đông Á mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa nhân loại. Chúng ta vận dụng tính nhân bản đạo đức Phật giáo làm tô đẹp ý nghĩa mùa xuân cổ truyền và chuyển hóa những tập quán tiêu cực để quần chúng có thêm chánh kiến trong sinh hoạt đón xuân hằng năm.
23/01/2015(Xem: 6403)
Trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta thường thể hiện và vận dụng trăm pháp rất thực tế, nó là tổng hợp nội dung của hiện tượng tâm lý, những yếu tố cơ bản nhất vốn có trong con người, cũng do đây mà chúng ta có thể biết điều này và biết được điều khác. Chúng ta vì người mà ứng xử, hay hóa độ chúng sanh mà không hiểu hiện tượng tâm lý con người thì rất chướng ngại. Một trăm pháp này bao gồm trong pháp thế gian và pháp xuất thế gian, lộ trình tu học từ địa vị phàm phu đến quả vị thánh, là nền tảng cơ bản của người học Phật, cho nên mọi người cần phải học môn này.
23/01/2015(Xem: 7223)
Chúng ta nghiên cứu xuyên suốt tư tưởng Phật học nhận thức được rằng, có hai pháp môn cần phải tham cứu trước. Một là “Luật Tông” là căn bản nhất của tất cả các pháp môn. Các tông phái Phật học rất nhiều do giới luật mà tồn tại. Khi Đức Phật sắp nhập diệt, đã từng phó chúc cho A Nan rằng: “Sau khi Thế Tôn nhập diệt, các thầy hãy lấy giới luật làm thầy, nương vào giới luật mà tu hành để được giải thoát giác ngộ”. Đây là vấn đề Phật học thường đề cập, đó là điều chắc thật không cần biện giải nhiều lời. Hai là “Duy Thức”, thông đạt tất cả nguyên lý các pháp. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm như người thợ vẽ,
23/01/2015(Xem: 6075)
Bản văn này giới thiệu ý nghĩa căn bản của Thiền và niệm Phật, luận thuật quan niệm các học giả Phật giáo đối với sự phát triển tư tưởng Thiền tông và Niệm Phật. Từ trên khái niệm đến triển khai rõ ý nghĩa và nội dung vô cùng phong phú của Thiền và niệm Phật, đặc biệt chú trọng về phương diện lịch sử từ sau thời đại nhà Tùy để trình bày mối quan hệ về Thiền tông và niệm Phật. Ở đây tóm lược hệ thống ý nghĩa quá trình diễn biến về Thiền và niệm Phật trong mối quan hệ mang tính đặc trưng theo từng giai đoạn. Sau cùng, luận văn từ trong diễn biến lịch sử của Thiền và niệm Phật để đưa đến kết luận xu thế dung hợp giữa Thiền và Tịnh độ theo hướng đi của Phật giáo Trung quốc. Căn cứ hiện thực của lịch sử Phật giáo và đưa đến nhận định rằng: Từ sau thời Tống thì Thiền Tịnh song tu là phương pháp mô phạm căn bản của sự tu trì Phật giáo Trung quốc. Tin chắc rằng, trong tương lai Phật giáo Trung quốc vẫn duy trì năng lực truyền thống Phật pháp vốn có của chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567