BỐ THÍ BA LA MẬT
Thích Trí Siêu
Nhà xuất bản: Phương Đông 2007
6. Bố thí và Sáu Ba La Mật
Trong sáu Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) thì Bố thí đứng đầu, vì nó làm nền tảng cho cả sáu Ba La Mật.
I. Bố thí làm nền tảng cho bố thí
Bố thí gồm có ba trình độ: hạ, trung, thượng. Nghĩa là sao?
Khi mới bắt đầu bước chân vào Bồ Tát đạo, Bồ Tát tập bố thí trong sạch, nhưng chỉ bố thí những đồ vật tầm thường như : đồ ăn, thức uống, đèn, dầu,v...v... Đó gọi là bố thí hạ (avara).
Từ chỗ luôn luôn thực hành bố thí hạ, tâm của Bồ Tát bắt đầu phát triển, Bồ Tát tập bố thí nhiều hơn như : quần áo, thuốc men, nhà, cửa, vàng, bạc, những món đồ quý giá, v...v... Đó gọi là bố thí trung (madhya).
Từ chỗ thực hành bố thí trung, hảo tâm của Bồ Tát phát triển tới mức cùng tột, tức là bố thí tất cả những gì mà mình có (nội thí và ngoại thí) không ngần ngại hay hối tiếc như: đầu, mắt, tay, chân, v...v... Đó gọi là bố thí thượng (agra).
II. Bố thí làm nền tảng cho trì giới
Bồ tát biết rằng nếu ta tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, không bao giờ biết làm phước bố thí cho ai, thì kiếp sau ta sẽ chịu cảnh nghèo khổ. Vì nghèo khổ nên ta có những ý tưởng trộm cắp, lường gạt.Và nếu đi trộm cắp hay cướp giật thì ta dễ phạm phải tội giết người. Vì nghèo khổ nên ta khó có thể thỏa mãn dục lạc, dục lạc không được thỏa mãn thì ta sẽ dễ phạm vào tà hạnh dâm dục.Vì nghèo khổ nên ta phải chịu làm những việc hạ tiện, hạ cấp. Vì hạ tiện, hạ cấp nên ta luôn luôn sợ chủ và ta sẽ dễ phạm phải tội nói dối, nịnh bợ, v...v... Như vậy, vì nghèo khổ, ta sẽ dễ phạm vào mười điều ác của thân, miệng, ý.
Ngược lại, Bồ Tát nghĩ, nếu thực hành bố thí, ta sẽ tái sinh trong cảnh giàu sang, tiền của đầy đủ, nhờ đó sẽ dễ giữ gìn giới luật.
* Chuyện tích con rắn, con ếch và con rùa (Jàtaka)
Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), trong một tiền kiếp xa xưa, là một con rắn. Con rắn này ở trong một cái lạch cùng với một con ếch và một con rùa, và cả ba con đều làm bạn giao du với nhau. Thế rồi một hôm hạn hán, nước ở trong lạch cạn dần và sắp hết, trong lạch chả còn gì để ăn. Mỗi con chia nhau ra đi kiếm ăn. Vì quá đói không tìm được gì nên con rắn đã nghĩ chuyện tính ăn con ếch. Nó bèn nhờ con rùa đi tìm con ếch lại nhà nó chơi. Đến khi rùa gặp được ếch thì ếch trả lời rằng:
Khi rơi vào cảnh nghèo đói, túng thiếu
Người ta thường quên hết nghĩa ban đầu
Không kể gì đến đạo đức,
Chỉ biết làm sao
Cho hết đói mà thôi!
Hãy nhớ những gì ta vừa nói và về bảo với rắn rằng: 'Con ếch sẽ không bao giờ trở về gặp rắn nữa đâu!'.
III. Bố thí làm nền tảng cho nhẩn nhục
1. Khi Bồ Tát thực hành hạnh bố thí mà đối tượng (người nhận) từ chối, xua đuổi, hay đòi hỏi hơn, hoặc xin không đúng lúc, hoặc không cần xin mà cứ xin. Lúc đó Bồ Tát sẽ nghĩ như vầy: 'Nay ta thực hành bố thí, cốt để cầu giác ngộ thành Phật; không có ai bắt buộc ta phải cho cả. Bố thí đây là làm cho chính ta, tại sao phải nổi giận?' Suy tư như vậy, Bố Tát thực hành nhẫn nhục.
2. Khi Bồ Tát bố thí mà người nhận không bằng lòng, nổi giận hay mắng chửi, thì Bồ Tát lại nghĩ như vầy: 'Nay ta cho tất cả những tài sản quý giá của ta. Ta tập xả bỏ những gì khó xả bỏ. Có lý đâu ta lại không chịu được những lời mắng chửi vô nghĩa lý này? Nếu ta không nhẫn nhục thì sự bố thí của ta sẽ không trong sạch. Bố thí mà không kiên nhẫn cũng giống như con voi trắng (bạch tượng), sau khi tắm ở dưới sông, vừa lên trên bờ lại nằm ềnh ra đất dơ.' Suy tư như vậy, Bồ Tát thực hành nhẫn nhục.
IV. Bố thí làm nền tảng cho tinh tấn
Trong lúc thực hành bố thí, Bồ Tát cũng thực hành luôn cả tinh tấn (Vìrya). Khi mới bắt đầu thực hành bố thí, phước đức quả báo của Bồ Tát rất ít nên Bồ Tát không thể thực hiện nhiều sự bố thí. Nhưng vì muốn bố thí nhiều, cho tất cả mọi loài, nên Bồ Tát phải tinh tấn thực hành bố thí. Nhờ tinh tấn bố thí nên phước đức (Tài, Pháp) của Bồ Tát càng tăng trưởng khiến Bồ Tát lại càng say mê bố thí nhiều hơn, và cho nhiều người. Cứ thế Bố thí và Tinh tấn vừa làm nhân vừa làm duyên cho nhau.
V. Bố thí làm nền tảng cho thiền định
Người tu Thiền định,ban đầu luôn luôn gặp phải năm chướng ngại (ngũ cái) : tham lam, giận tức, hôn trầm, trạo cử và nghi hối. Nếu không diệt trừ được năm chướng ngại này thì không thể tiến xa trong Thiền định.
Thực hành Bố thí trong sạch tức là đang diệt trừ năm chướng ngại. Vì sao?
- Bố thí là diệt trừ tham lam, bỏn xẻn.
- Bố thí trong sạch tức có nhẫn nhục, có nhẫn nhục thì tiêu trừ được giận tức.
- Khi bố thí để cầu quả vị Phật, Bồ Tát cần nhiều Tài và Pháp để có thể bố thí rộng rãi cho tất cả mọi loài. Vì cần nhiều Tài, Pháp nên Bồ Tát phá trừ được lười biếng, giải đãi là nguyên nhân đưa đến hôn trầm.
- Khi bố thí Bồ Tát khởi tâm trong sạch, tâm kính trọng người nhận, chú ý đến hành động của mình không dám suy nghĩ bậy bạ, nên luôn luôn tỉnh thức không chạy theo vọng tưởng, do đó diệt trừ trạo cử.
- Khi thực hành bố thí, Bồ Tát biết chắc là sẽ gặt được phước đức quả báo vô lượng, vì thế nên Bồ Tát luôn luôn tìm cơ hội để bố thí. Nhờ bố thí nên được nhiều phước báo và từ đó lại càng tin nơi sự bố thí. Nhờ lòng tin vững chắc này Bồ Tát phá trừ nghi hối.
VI. Bố thí làm nền tảng cho trí huệ
1. Nhờ bố thí đời này qua đời khác, Bồ Tát gặt được nhiều phước đức, do đó Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, nhờ tin nơi Tam Bảo, Bồ Tát phát tâm học chánh pháp, nhờ học chánh pháp, Bồ Tát phá trừ tà kiến,và vô minh, nhờ phá trừ vô minh mà trí huệ tăng trưởng.
2. Hơn nữa, khi thực hành Bố thí Ba La Mật, Bồ Tát luôn luôn suy tư về thực tướng của ba yếu tố (người cho,vật được cho, người nhận). Nhờ luôn luôn suy tư như vậy, Bồ Tát hiểu được thực tướng của Bố thí. Hiểu được thực tướng tức là trí huệ bát nhã.
3. Tất cả mười phương chư Phật đều bắt đầu con đường giác ngộ bằng một hạnh đầu tiên là bố thí. Cũng vậy, một ngàn vị Phật quá khứ của hiền kiếp, mỗi vị trong lúc phát Bồ đề tâm (tức tâm cầu thành Phật) lần đầu tiên, đều là đang bố thí cúng dường cho một đức Phật nào đó: có vị thì cúng dường một hoa sen, có vị cúng dường một cái áo, có vị cúng dường một cái tâm xỉa răng, v...v... và trong lúc cúng dường như vậy, các ngài đều phát Bồ đề tâm (bodhicitta). Do đó Bố thí là nền tảng của Phật đạo.