Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo lý Tịnh Độ qua lăng kính Duy Thức Học

25/06/201520:54(Xem: 6583)
Giáo lý Tịnh Độ qua lăng kính Duy Thức Học
                 Phat Di Da 

GIÁO LÝ TỊNH ĐỘ QUA LĂNG KÍNH DUY THỨC HỌC
Thích Đức Trí


 

1-             Từ tâm mà khởi tu

2-             Dòng tâm thức đưa đến nghiệp luân hồi

3-             Pháp niệm Phật chứng ngộ Niết bàn

4-             Tự tánh Di Đà, duy Tâm Tịnh độ

5-             Vấn đề Vãng sanh Tịnh độ

6-             Lời kết



Nội dung

 

1-  Từ tâm mà khởi tu

Trong Phật pháp có nhiều pháp môn tu học học và hướng đến giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là thấy rõ đạo lý duyên khởi của nhân sanh và vũ trụ. Giải thoát có nghĩa là dứt sự khổ đau luân hồi do tâm thức chấp thật ngã và thật pháp tạo vọng nghiệp. Chung quy tu tập theo Phật giáo nhận thức rõ giải thoát là từ tâm này, luân hồi sanh tử cũng do tâm này, vì tâm này là chủ nhân của muôn pháp. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt. Tâm nhiễm thì thế giới nhiễm, tâm tịnh thì thế giới tịnh”. Phật pháp có hai phương diện để chứng ngộ chân lý. Phương diện pháp Tánh tông thì trực tiếp chứng ngộ Niết bàn, pháp Tướng tông thì từ tướng mà thể nhập tự tánh. Cho nên nói, giáo lý tu tập là phương tiện, vốn không có cao thấp, do từ nhu cầu con người mà thiết lập. Giáo lý Tịnh độ là từ phương diện tướng mà đi vào ngõ giải thoát. Một khi niệm Phật đi vào cảnh giới chánh định, sau đó là từ sự tướng mà quán triệt tâm và cảnh để chứng đắc thật tướng. Ở đây cần có vài phần luận giải để thấy rõ nghĩa lý quan trọng của pháp môn này. Các pháp môn tu như Thiền, Tịnh, Mật, Luật trong Phật giáo đều từ tâm mà khởi tu. Nay từ giáo lý Duy thức để soi sáng lộ trình tu học của Pháp môn niệm Phật cũng là điều cần thiết. Duy thức tông thuyết minh cụ thể về tâm trên hai phương diện hiện tượng và bản thể, đồng thời giải thích tính chất của vũ trụ vạn hữu đang tồn tại xung quanh ta. Tịnh độ lấy câu niệm Phật để chuyển hóa tâm thức, để tâm tương ưng với tâm Phật, thể nhập với thế giới Tịnh độ. Từ đó mới có nguyên lý vãng sanh và sự chứng ngộ.

2- Dòng tâm thức đưa đến nghiệp luân hồi

Muốn hiểu về vận chuyển của tâm thì phải hiểu nội dung căn bản của Duy thức học. Lộ trình tâm ấy được đức Phật thuyết tổng quan trong các kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa. Giáo lý Duyên khởi thuyết minh tính chất vô ngã về con người và thế giới vạn hữu. Duy thức học là bộ môn  giải thích về lộ trình tâm thức và thế giới sanh khởi. Đó là chìa khóa cho con người nhận thức rõ các pháp để điều phục tâm theo mục đích giải thoát. Theo các học giả Phật giáo nghiên cứu về Duy thức học đều quan niệm rằng nguồn gốc của Duy thức tông liên hệ chặt chẻ với giáo lý Nguyên thủy. Tư tưởng chính yếu của Kinh A Hàm là giáo lý Duyên khởi. A hàm là hệ kinh dung thông tư tưởng Đại thừa và Nguyên thủy. Pháp sư Ấn Thuận nhận định như sau: “Những kinh Đại thừa đều lấy Duyên khởi làm tông yếu. Các phương diện của luận Đại thừa cũng từ nguyên lý Duyên khởi. Đặc biệt Bồ tát Long Thọ đã khai thị về Duyên khởi tánh không, tán dương Duyên khởi là tâm yếu rốt ráo của Phật pháp.[1] Từ nguyên lý Duyên khởi thuyết minh được: “Tất cả pháp vô ngã” là luận đề của Duy thức học triển khai. Trên căn bản tất cả pháp đều do tâm tạo. Tâm được hiểu tổng quát theo Duy thức gồm năm thức trước, ý thức, mạt na thức và a lại da thức. Thức thứ sáu nương vào ý căn và liên hệ chặt chẻ với năm thức trước gọi là “Ngũ câu ý thức”, nó còn có khả năng duyên vào các hình ảnh lưu giữ trong tâm gọi là “Độc đầu ý thức”. Thức thứ bảy bản chất luôn chấp kiến phần của A lại da làm ngã. Thức thứ tám là A lại da, còn gọi là tạng thức, thức này chứa tất cả các chủng tử và do các chủng tử huân tập mà thành, thức này luôn bị thức thứ bảy bám chấp vào. Như vậy tám thức này từ vô lượng kiếp đến nay luôn huân tập chủng tử và thừa kế hạt giống nghiệp đưa đến tái sanh luân hồi. Điều đó hoàn toàn phù hợp với Phật pháp, Đức Phật diễn tả dòng nghiệp do tâm vận hành như sau: “Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh là chủ của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”.[2]

Nay nói niệm Phật để chuyển hóa tâm thức, chuyển hóa hạt giống nghiệp để được vãng sanh và giải thoát. Như vậy phải chuyển hóa tâm thường duyên với cảnh trần và pháp trần của thức thứ sáu, chuyển hóa tâm chấp trước của thức thứ bảy, chuyển hóa hạt giống ô nhiễm trong thức thứ tám. Quá trình tu tập là chuyển thức thành trí và chứng ngộ chân tâm. Chỉ có chân tâm mới thực sự giải thoát khỏi cảnh tam giới lục đạo. Vì vậy, phương pháp niệm Phật chứng ngộ Niết bàn phải đạt cảnh giới nhất tâm bất loạn mới trở về chân tâm. Chân tâm ấy chính là Tự tánh Di Đà vốn có từ xưa nay trong chúng ta.

Trước hết phải tìm hiểu rằng, chân tâm hay tánh giác Di Đà vốn có do đâu mà biến thành tám thức? Theo Duy thức học giải thích là do một niệm vô minh, tâm chuyển sang trạng thái lay động. Nhưng do mê lầm, không biết trạng thái loạn động đó và chân tâm vốn cùng một thể, nên từ trí tuệ sáng suốt trở thành kiến phần của thức. Một khi chủ thể nhận thức được thiết lập thì có đối tượng nhận thức, cho nên sanh ra tướng phần của tám thức. Từ kiến phần và tướng phần mà hiện ra mười pháp giới và tất cả vũ trụ vạn hữu. Thực chất tâm thức chúng ta vốn không thực có, chỉ là dòng niệm niệm tương tục rồi chấp có một cái ngã chân thật. Sau đó, tham ái xuất hiện mới tạo ra các thứ nghiệp sanh khởi luân hồi.

3-  Pháp niệm Phật chứng ngộ Niết bàn

Niệm Phật là một pháp môn dung thông trong giáo lý Nguyên Thủy và Đại thừa. Giáo lý nguyên Thủy thì niệm Phật chính là quán niệm Phẩm đức của Phật. Như quán niệm mười Phẩm đức của Phật, đó là: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác… cho đến Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ." [3]  Quán niệm ở đây là phương pháp hổ trợ tâm thiền, phát khởi tâm từ bi và trí tuệ.  Quán niệm công đức của Phật được tịnh hóa thân tâm chứng ngộ chân lý. Trong Kinh Bát Chu Tam Muội thuộc hệ Đại thừa cũng dạy quán niệm Phật A Di Đà với mười Phẩm đức như Phật Thích Ca. Tiến xa hơn một bước là quán đức tướng quang minh của Phật, quán cảnh giới Tây phương cực lạc, kết quả sau cùng là tâm an định và thấy Phật. Kinh chép: “Như ta vừa nghe danh hiệu đức A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác hiện nay ngài ngự ở thế giới chư Phật. Thế giới của ngài tên là Cực Lạc ngài thường ngự vào các pháp hội của các Bồ tát để nói pháp và giáo hóa. Rồi người nghe y theo chỗ nghe được chuyên tinh tưởng nhớ quán sát không ngừng nghỉ cho đến khi hình ảnh trên hiện rõ ràng trong trí sau cùng được thấy Đức A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẵng Giác.”[4] Niệm Phật theo kinh này là phương thức thiền quán tưởng, quán tưởng phẩm đức và hình ảnh của Phật, tức tâm xa lìa vọng động và chứng Tam muội Niệm chư Phật hiện tiền. Tiếp sau phần quán tưởng này là phép quán tâm, bước vào trạng thái triệt tiêu chủ thể và đối tượng trong pháp quán niệm để chứng đắc tuệ giải thoát: “Hiền Hộ! Ông nên biết các Bồ tát nhơn tam muội nầy chứng được trí giác vĩ đại.”[5] Duy thức học giải thích đây là trạng thái tâm nhất như, không còn chủng tử hữu lậu, trở về với thế giới vắng bặt mọi dấu hiệu tâm và thức, tạng thức bây giờ chuyển thành  “Bạch tịnh thức”.

Trong Ngũ phương tiện niệm Phật môn[6] của Trí Giả đại sự cũng thiết lập trên cơ sở luận lý Duy thức: 1- Xưng danh vãng sanh niệm Phật tâm muội môn: Niệm danh hiệu Phật nguyện vãng sanh. Đó là tịnh hóa tâm thức bằng danh hiệu Phật, khi đạt tam muội thì tâm phan duyên vắng lặng, buộc tâm vào danh hiệu Phật là phương tiện dẹp sự bám víu niệm ngã chấp thức thứ bảy, an trú trong chánh định là tịnh hóa nghiệp chủng trong tạng thức thứ tám. 2- Quán tưởng diệt tội niệm Phật tam muội môn: Đây là phép quán hào quang sắc tướng Phật được dứt trừ tội chướng. Nhờ sức quán tưởng này các chủng tử bất thiện được thanh tịnh hóa, tập khí nghiệp được đoạn trừ. 3- Chư cảnh duy tâm niệm Phật tam muội môn: Đối tượng Phật quán cũng từ tâm mà sanh khởi. Đây thực sự các pháp đều do tâm tạo, không có tự ngã, tâm không chấp trước, thức thứ bảy được chuyển hóa bằng tính chất ngã không. 4- Tâm cảnh câu li niệm Phật tam muội môn: Trạng thái này theo Duy thức là xa rời cái kiến phần (chủ thể là tâm, đối tượng là cảnh), như thế ngã và pháp không còn chỗ thiết lập thì phiền não triệt tiêu, tâm thể vắng lặng, khế hợp chân như thật tướng. 5- Tánh khởi viên thông niệm Phật môn: Đây là trạng thái thiền định sâu lắng, xả bỏ mọi tướng trạng của tâm thức, nhập vào trạng thái Niết bàn, thực hành trọn vẹn mười hạnh Phổ Hiền phổ độ chúng sanh khắp mọi cảnh giới.

      Ngài Trừng Quán trong “Hoa Nghiêm kinh sớ”[7] cũng triển khai năm pháp niệm Phật 1- Duyên cảnh niệm Phật môn, tức duyên theo đối tượng cảnh để niệm Phật, 2- Nhiếp cảnh duy tâm niệm Phật môn, tức quán cảnh do tâm khởi,3- Tâm cảnh câu mẫn (miến) niệm Phật môn, tức tâm và cảnh đều vắng lặng, 4- Tâm cảnh vô ngại niệm Phật môn, tức tâm cảnh vô ngại, 5- Trùng trùng vô tận niệm Phật môn, tức đạt tâm tánh không giới hạn. Đó là những pháp niệm Phật căn cứ trên tâm và cảnh mà thiết lập. Cũng tương tự như năm pháp niệm Phật của Trí Giả đại sư, niệm Phật như pháp quán tưởng, nhiếp tâm, quán tâm và biện tâm để triệt tiêu ngã pháp, tâm cảnh nhất như. Giai đoạn này theo Duy thức là chứng được Duy thức tánh.

4-  Tự tánh Di Đà, duy Tâm Tịnh độ

      Tự tánh Di Đà: Đó là cảnh giới thực tướng niệm Phật, thuộc lý niệm Phật, siêu việt phương tiện. Tự tánh sáng suốt  gọi là vô lượng quang, tự tánh ấy xưa nay không sanh diệt gọi là Vô lượng Thọ. Chúng sanh tuy có đức tánh Phật A Di Đà nhưng vì vô minh phiền não che lấp, nay dùng pháp niệm Phật để khôi phục tánh ấy trở lại. Niệm A Di Đà mà không chấp trước tướng niệm, không chấp đối tượng Phật niệm. Không còn quan niệm Tây Phương và Ta bà cách biệt. Niệm A Di Đà không quay tâm về quá khứ, không duyên theo hiện tại, không phóng tâm với tương lai. Vì sao? Bản tánh A Di Đà vốn là thường trụ siêu việt thời gian và không gian. Có thể nói A Di Đà là bản thể của vũ trụ. Bản thể tức là pháp thân bình đẳng của mười phương ba đời chư Phật. Đó là cảnh giới Đại viên cảnh trí trong duy thức học, tự tánh thanh tịnh tâm, Phật tánh, pháp thân, Như Lai tạng, pháp giới tánh, viên thành thật tánh, chân như thật tướng v.v…

      Duy tâm Tịnh độ: Mười pháp giới đều không ngoài tâm này, Tây phương tịnh độ cũng không ngoài tâm này. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, Duy thức sở biến” (Các pháp do tâm mà tồn tại, do thức biến hiện). Nay nói vạn pháp duy thức, nghĩa là tất cả hiện tượng tâm và vật quan hệ theo chủ thể và đối tượng, tất cả đều là sự biểu hiện của tâm thức. Một khi sáu căn tiếp xúc sáu trần thì có sáu thức thành mười tám giới. Mỗi giới đều có chủng tử lưu trữ trong tạng thức. Thức thứ tám là chiếc nôi con người và vạn loại. Thế giới hiện tượng sai biệt không ngoài tâm thức biến hiện. Hiện tượng và bản thể là hai mặt của một thực tại. Tây phương cực lạc được hiểu là như thế, thế giới ấy được thiết lập bởi tâm thanh tịnh. Cho nên nói Tịnh độ tại tâm, ngoài tâm không có Tịnh độ. Đứng về lý mà nhận thức như vậy gọi là “Duy tâm tịnh độ”.

5-   Vấn đề Vãng sanh Tịnh độ

      Khi bàn vấn đề vãng sanh mọi người cứ quan niệm rằng: “Phật dạy tu là tự mình thắp đuốc lên mà đi, Tịnh độ tại tâm sao còn cầu sanh Tây phương cực lạc”. Chúng ta phải hiểu, giáo lý là phương tiện tùy theo đối tượng con người mà thiết lập. Tây phương là cảnh giới sự tướng, thuộc Phàm thánh đồng cư độ.  Đó là cảnh giới phúc lạc có Phật pháp tăng hiện hữu. Niết bàn là bản thể thanh tịnh của các bậc thánh giả đã chứng ngộ chân lý trọn vẹn. Hơn nữa, kinh luận Đại thừa xác nhận vãng sanh đâu phải là dành riêng cho đối tượng người đã chứng ngộ. Vì rằng, vãng sanh Tây phương còn được thấy Phật nghe pháp và được khai ngộ. Trong kinh có xác nhận có ba hạng vãng sanh[8], hạng bậc thượng, bậc trung và bậc hạ có tu tập công đức sai biệt nhưng có tín, hạnh, nguyện chân thật và niệm Phật vãng sanh.

      Hầu hết các kinh và luận liên quan giáo lý Tịnh độ đều xác nhận niệm Phật lâm chung được Phật tiếp độ, niệm Phật được chư Phật hộ niệm, niệm Phật để thấy Phật vãng sanh. Phương thức tu tập này luôn tin tưởng nguyện lực Phật A Di Đà. Đức Thích Ca vì cứu độ chúng sanh mà từ cung trời Đâu suất ứng thân xuống cõi đời này để tu hành thành Phật để giáo hóa. Phật Di Đà cũng vì cứu độ chúng sanh mà tiếp độ chúng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Từ niềm tin như vậy, hành giả khởi tín tâm tu hành và phát nguyện sanh về Cực lạc. Vãng sanh thiết lập ba yếu tố: Một là bổn nguyện Phật. Hai là người tu hành phát nguyện. Ba là thực hành phương pháp tu pháp niệm Phật theo đúng kinh luận. Chúng sanh do tâm tạo nghiệp bất thiện, chiêu cảm quả báo luân hồi trong ba đường sáu nẻo. Nay phát tâm tu tập thiện pháp, niệm Phật thì cảm được phước báo tốt đẹp cảnh giới Tây phương cực lạc. Đó là sự thật hiển nhiên theo nguyên lý nhân quả không có gì lý luận xa xôi. Nhưng trường hợp đới nghiệp vãng sanh có hiện thực hay không? Vấn đề này là một trường hợp đặc biệt trong giáo lý Tịnh độ. Cũng như cây hoa mai qua mùa đông kéo dài cơn lạnh sẽ nở hoa chậm trể, nhưng nếu trong thời gian ấy, biết bảo quản trong môi trường ấm áp, đầy đủ phân nước, ánh sáng thì cây hoa mai đó sẽ nở sớm hơn. Đới nghiệp vãng sanh được hình dung như thế. Vì theo kinh luận Tịnh độ đều xác nhận tha lực Phật đóng vai trò quan trọng trong ý nghĩa vãng sanh. Vậy Phật lực là hiện thực hay là huyền thoại? Kinh điển Nam tạng hay Đại thừa đều xác nhận Phật có vô lượng công đức và nguyện lực từ bi cứu độ chúng sanh. Ngay cả người tu mười điều thiện cũng được sanh thiên, huống gì người tín nguyện hạnh đầy đủ mà không sanh Tây phương. Kinh Nikaya có nhiều câu chuyện ghi nhận, có nhiều trường hợp người làm một việc lành, đủ duyên cũng sanh cõi thiên giới. Nhưng sanh về Tây phương thù thắng hơn cảnh thiên giới, vì nghe Pháp âm Phật A Di Đà nên được tâm bất thối, đó nhân duyên lành để chứng ngộ tại cảnh giới đó và vĩnh viễn thoát li luân hồi.


6-    Lời kết

Tịnh độ qua lăng kính Duy thức phản chiếu toàn diện mối quan hệ  tâm và thế giới vạn hữu. Chúng ta ghi nhận rằng: Tây phương Cực lạc do tâm tạo, tâm ấy là chân tâm, là tự tánh Di Đà. Thể nhập tự tánh ấy thông qua chứng ngộ Niết bàn là ý nghĩa thực tướng niệm Phật, nó thuộc về lý niệm Phật. Vấn đề ứng dụng tu niệm, quán tâm để hồi phục chơn tâm là phù hợp với đạo lý Duy thức học và quan điểm các pháp môn khác.

 Phật đà quan và thuyết Bổn Nguyện Phật là phạm trù vô cùng sâu sắc mà được hầu hết các kinh liên quan Tịnh độ nhấn mạnh. Cho nên bàn luận về điều đó không có phương pháp nào tốt hơn là tin và thực hành lời dạy của Phật trong giáo lý Tịnh độ. Vấn đề này cần có thái độ tư duy và kiến giải thận trọng nếu không đưa đến nhiều ngộ nhận là điều đáng tiếc.

Nói rõ ra, Tịnh độ tông chủ trương tu học trên hai phương diện tự lực và tha lực.  Đứng về Duy thức học quy kết, tất cả mọi hiện tượng thân tâm và thế giới đều do năng lực tâm thức thiết lập, vậy cảnh giới Tây phương , bổn nguyện Phật và tâm nguyện chúng sanh cũng thể hiện theo tiến trình nguyên lý đó./.

 

 



[1] Ấn Thuận “Nghiên cứu nguồn gốc môn Duy Thức”, tham khảo  từ bản Hán.

[2]Kinh Tăng Chi Bộ Anguttara Nikaya, HT. Thích Minh Châu dịch

 

[3] Kinh Tạp A Hàm số 980, Việt dịch: Thích Đức Thắng, Tuệ Sĩ chú giải.

[4]Kinh Bát Chu Tam Muội,Hán dịch: Đời Tùy Tam Tạng, Khất Đa và Cấp Đa 
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Lễ

[5] Kinh Bát Chu Tam Muội, Hán dịch: Đời Tùy Tam Tạng, Khất Đa và Cấp Đa 
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Lễ

[6]Trí Giả Đại Sư, Ngũ phương tiện niệm Phật môn, ĐCT, Vol. 47, No. 1962

[7] Trừng Quán, Hoa Nghiêm Kinh Sớ, ĐCT. No. 35

[8] Kinh Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Kinh-Cư Sĩ Hạ Liên (Hội tập), Tâm Tịnh chuyển ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2020(Xem: 7337)
Theo, Đại-Vô-Lượng-Thọ-Kịnh. Đại-A-Di-Đà-Kinh Q1.- Bình-Đẳng-Giác- Kinh Q1. Đại-Bảo-Tích-Kinh Q17. Bi-Hoa-Kinh Q3. Vô-Lượng-Quảng- Trang-Nghiêm-Đại-Thừa-Kinh… Thì đều lạy tu theo 48 nguyện. 48 đại nguyện có đủ trong 6 bộ kinh nói trên. Chỗ cốt yếu cho người tu niệm Phật và lễ lạy 48 đại nguyện là : 1.Tin tưởng tha thiết nguyện về cõi Phật A Di Đà chắc thật diệt sạch hết tâm nghi ngờ. Lòng tin trọn vẹn trong sạch. 2. Lập thời khóa tu niệm lễ lạy trong một ngày đêm 1, 2, hay 3 Thời, Tùy ý thích. Chọn cho thích hợp để tu. Quan trọng là thành tâm. Đừng ham nhiều mà lụy thân rồi chán bỏ! 3. Quyết tâm phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ, Tâm luôn kính nhớ ưa thích cõi Cực Lạc của Từ Phụ A Di Đà, quí mến Từ Phụ A Di Đà. niệm Hồng danh Phật liên tục, khi xướng lạy lời nguyện thân tâm vui thích mừng rỡ cảm động, thân nhẹ lân lân như ơn Phật đang ban phước cao vời vô tận, đầy tâm an lạc, như thấy mình đầy đủ sức khỏe. Niệm, chừng nào được “nhứt tâm bất loạn” đồng nghĩa với “hế
22/06/2020(Xem: 5339)
Đi tìm nguồn cội của những việc cần tìm hiểu quả là điều rất hữu ích và cần thiết cho những người học Phật như chúng ta ngày nay. Tuy trong hiện tại chúng ta có quá nhiều phương tiện để tìm hiểu, đọc tụng cũng như học hỏi, nhưng cũng không phải muốn tìm gì là có ngay lời giải đáp đúng như ý ta mong đợi, mà vẫn cần phải qua những trải nghiệm của bản thân cũng như sự tu học hành trì, nghiên cứu lâu ngày, chúng ta mới thẩm thấu được lời Phậtdạy. Vì lẽ lời dạy của Đức Phật nằm rải rác khắp nơi trong ba tạng của Nam Truyền và ba tạng của Bắc Truyền, có cả hàng triệu triệu chữ và nhiều nhà phiên dịch, chú giải khác nhau, nên không phải ai cũng có cơ duyên để trì tụng, nghiên cứu hết ba tạng Kinh điển này. Riêng bản thân tôi không dám làm việc gì quá khả năng, chỉ cố gắng gom góp lại những chỗ đã đọc qua, nhằm cống hiến cho quý vị một sự hiểu biết căn bản về Đức Phật A-di-đà, để chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa khi trì tụng các Kinh A-di-đà, Kinh Vô Lượng Thọ hay Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Đó
21/06/2020(Xem: 9799)
Do một thiện niệm vừa phát sinh sau khi TT Thích Nguyên Tạng chấm dứt 48 bài pháp thoại liên tục được livestream trên Facebook của trangnhaquangduc trong mùa cách giản xã hội vì đại dịch Corona vào mỗi sáng sau thời công phu khuya ( với kinh Lăng Nghiêm, Đại Bi và thập chú ) mà người viết mới có dịp ôn lại những gì trong “ PHÁP NGỮ CỦA HT TỊNH KHÔNG” đã được TT Thích Nguyên Tạng Việt dịch và được xuất bản từ 2004. Thời gian trôi qua nhanh quá , thấm thoát đã 16 năm mà đến bây giờ đây là lần thứ ba tôi mới đọc lại , phải nói là rất ân hận cho sự vô minh của mình trong nhiều năm và đã uổng phí thời gian để có thể tu tập đúng hơn nữa .
07/05/2020(Xem: 6593)
Đệ tử tên là: .......... Một lòng quy kính - Đức Phật A Di Đà. Thế giới Cực Lạc - Nguyện lấy hào quang - Trong sạch soi cho, Lấy thệ từ bi - Mà nhiếp thọ cho - Con nay chánh niệm, Niệm hiệu Như Lai - Vì đạo Bồ Đề - Cầu sanh Tịnh Độ. Phật xưa có thệ: “Nếu có chúng sinh - Muốn sinh về nước ta Hết lòng tín nguyện - Cho đến mười niệm - Nếu chẳng đặng sinh Chẳng thành Chánh Giác - Chỉ trừ kẻ ngũ nghịch - Kẻ bài báng Chánh Pháp” - Do vì nhân duyên - Niệm hiệu Phật nầy - Được vào trong bể - Đại thệ Như Lai - Nhờ sức Từ Bi Các tội tiêu diệt - Căn lành tăng trưởng.- Khi mạng gần chung, Biết trước giờ chết- Thân không bệnh khổ- Tâm không tham luyến,
05/05/2020(Xem: 6835)
Chiều nay ngày 19 tháng 7 năm Mậu tuất (2018), tôi đến Phương trượng Tổ đình Từ Đàm, đảnh lễ Trí Quang Thượng Nhân, sau khi xuất hạ, Thượng Nhân đã dạy cho tôi những điều hữu ích gồm: 1- Pháp học: Pháp giới tạng thân A-di-đà-Phật là chỉ cho Thân thể của Phật A-di-đà bao trùm khắp cả không gian và thời gian về mặt không gian là cả mười phương. Về mặt thời gian là bao trùm cả ba đời.
13/03/2020(Xem: 19827)
Quyển "The Buddha and His Teachings" (Đức Phật và Phật Pháp) được ấn hành tại Sài gòn năm 1964 nhờ sự phát tâm bố thí của liệt vị Phật tử Việt Nam. Đạo hữu Phạm Kim Khánh, pháp danh Sunanda, đã dày công phiên dịch thiên khái luận nhỏ bé này ra tiếng mẹ đẻ với mục đích đáp lại phần nào lòng mong ước của những ai muốn hiểu Đức Phật và giáo lý của Ngài. Công đức này được hàng Phật tử Việt Nam ghi nhận. Trong hiện tình, nước Việt Nam không mấy được yên ổn. Bao nhiêu người đang đau khổ, về vật chất cũng như tinh thần. Không khí căng thẳng này quả không thích hợp với việc làm có tánh cách tinh thần và đạo đức
20/12/2019(Xem: 5923)
Niệm Phật là phương pháp thực hành rất phổ biến trong Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông hay còn được gọi là Pháp môn Niệm Phật. Nhưng nếu thuần túy chỉ niệm Phật mà thôi, thiếu tu học thì chúng ta có thể tái sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc được hay không? Tính cốt lõi của pháp môn Niệm Phật là lấy Minh tâm (trong sáng) làm công yếu, lấy Hạnh môn (tịnh tâm) làm chính yếu. Tu và học phải đi đôi với nhau. Tu là thay đổi bản chất, tánh nết của mình cho được tốt hơn, cho được thiện lành hơn -đó mới là tu tâm dưỡng tánh. Còn Học là để mở mang kiến thức, để hiểu và nhận ra những điều thiện lành. Vậy tu học là đôi chân vững chắc để chúng ta đi đến được bến bờ giác ngộ. Tu làm sao để nở tâm Bồ Đề, đừng nở tâm ganh tỵ. « Văn, tư, tu » như lời Đức Phật dạy, trước tiên chúng ta phải lắng nghe, sau đó suy nghĩ để nhận biết rồi mới thực hành. Khi niệm Phật chúng ta phải nhất tâm tưởng đến Phật hiện tại, giúp tâm chúng ta có chất liệu để thành Phật. « Nhất thiết ch
12/09/2019(Xem: 6306)
Đại sư Từ Chiếu (Chi: Tzu Chao) có lần nói: "Người tu Tịnh độ lúc sắp chết thường bị Ba Điều Nghi và Bốn cửa ải làm trở ngại cho việc vãng sanh Cực Lạc. Do đó hành giả ngày thường cần chuẩn bị, suy tư và đề phòng để có thể loại trừ chúng trong lúc lâm chung.
24/08/2019(Xem: 10612)
Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý độc đáo về giải thoát của Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn đang sống (Hữu dư Niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư Niết bàn). Phật giáo Tiểu thừa hướng tới Vô dư Niết bàn - một Niết bàn tịch diệt, cô đơn, từ bỏ mọi thú vui trần thế. Phật giáo Đại thừa lại hướng tới Hữu dư Niết bàn - một Niết bàn nhân bản, nhập thế và hoạt động cùng những buồn vui nhân thế. Quan niệm này đã mang lại một sức hấp dẫn, sức sống mới cho Phật giáo, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.
22/08/2019(Xem: 7428)
Chư Tôn liên tông vãng sanh tịnh độ Cực Lạc lưu lại bằng chứng: - Đa số các ngài vãng sanh tự tại và biết trước ngày tháng ra đi - Một số lưu lại xá lợi (Sư Thích Thiền Tâm biết trước 6 tháng, ngày vãng sanh Cực Lạc, ra đi ngay trên bổn tọa trước đại chúng, lưu lại xá lợi răng ngũ sắc, và một bài kệ Bồ Tát Thích Quảng Đức an nhiên tự thiêu vì đạo pháp để lại xá lợi trái tim bất diệt)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]