Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Lời Kiêu Mạn

06/09/201219:40(Xem: 3828)
Những Lời Kiêu Mạn

NHỮNG LỜI KIÊU MẠN
Toàn Không

Khi đức Phật du hóa đến núi Tỳ-ha-La, thuộc thành La-duyệt-Kỳ, Ngài trú ngụ trong động cây Thất-diệp (Sau này tập kết Kinh Luật ở đây); có một vị Cư-sĩ tên là Tán-đà-Na thuộc thành La-duyệt-Kỳ, cứ mỗi ngày thường đến chỗ Phật ngụ. Một hôm trên đường đi, Cư-sĩ Tán-đà-Na nhìn bóng mặt trời thấy còn sớm, vì Cư-sĩ nghĩ rằng đức Phật còn đang nhập định, và các vị Tỳ-kheo cũng còn đang thiền-định; nghĩ như vậy, nên Cư-sĩ Tán-đà-Na tạm thời tạt vào nghỉ chân tại rừng Ô-tạm Bà-Lợi.

Lúc đó trong rừng Ô-tạm Bà-Lợi có Phạm-chí tên là Ni-câu-Đà cùng năm trăm đệ-tử ở đó, họ đang lớn tiếng bàn luận chính trị. Khi Phạm-chí Ni-câu-Đà vừa trông thấy bóng dáng Cư-sĩ Tán-đà-Na từ xa đi tới, ông liền ra lệnh:

- Mọi người hãy giữ im lặng, vì có người lạ đang đi tới.

Từ xa, Cư-sĩ đã nghe tiếng nói chuyện ồn ào, nên sau khi gặp, chào hỏi xã giao xong, ông nói với Phạm-chí Ni-câu-Đà:

- Thầy tôi là Sa-môn Cù-Đàm thường ưa yên tịnh không chịu ồn ào, không giống như các ông thường hay bàn luận ồn ào.

Phạm-chí Ni-câu-Đà đáp lời:

- Sa-môn Cù-Đàm có lần nào cùng ông đàm luận không, Ông làm sao biết được Sa-môn Cù-Đàm có đại trí-tuệ? Ông ở nơi biên địa khác nào như trâu đui ăn cỏ, sự thấy biết của ông thiên lệch; Sa-môn Cù-Đàm thầy của ông cũng vậy, ưa bảo thủ những quan niệm thiên lệch, và thích ở chỗ không người; nếu thầy ông tới đây, chúng tôi sẽ gọi là “con trâu đui”.Còn việc Sa-môn Cù-Đàm thường tự xưng là đại trí-tuệ, nhưng chúng tôi chỉ cần dùng một câu là làm cho ông ta bí lối, mà phải làm thinh; ông ta cũng ví như “con rùa thun rụt hết đầu đuôi bốn chân vào vỏ”, và cho như thế là yên, nhưng chúng tôi chỉ cần một mũi tên bắn ra là không còn chỗ trốn.

Bấy giờ đức Thế-Tôn đang ở trong tịnh-thất nghe (Ngài dùng Thiên nhĩ) Phạm-chí nói những lời như thế, Ngài liền rời động cây Thất-diệp, đi đến chỗ Phạm-chí Ni-câu-Đà. Phạm chí Ni-câu-Đà trông thấy đức Phật từ đằng xa đi tới, vội bảo các đệ-tử rằng:

- Sa-môn Cù-Đàm đang đến đây, vậy các ngươi chớ đón tiếp, không cung kính, cũng không mời ngồi; trái lại chỉ một chỗ riêng cho ông ta ngồi mà thôi, rồi hỏi: “Sa-môn Cù-Đàm từ đâu tới? Ông dùng pháp gi để dạy đệ-tử khiến họ được tịch tĩnh ?”.

Phạm-chí vừa nói xong thì đức Thế-Tôn cũng vừa tới nơi, các đệ-tử Phạm-chí tự nhiên đứng dậy nghênh tiếp và nói:

- Qúy hóa thay đức Cù-Đàm đến đây! Vinh hạnh thay đức Sa-môn đến đây! Xin mời Ngài ngồi tạm chỗ phiá trước đây, từ lâu không được gặp Ngài, nay có việc gì Ngài lại đến đây?

Tại sao họ lại thay đổi thái độ một cách mau chóng như vậy? Đó là do oai nghi thần-lực của Phật khiến ác tâm của họ bị tiêu tan. Sau khi đức Phật an tọa rồi, cư-sĩ Tán-đà-Na cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, lúc ấy Phạm-chí Ni-câu-Đà nói:

- Sa-môn Cù-Đàm: từ đâu đến đây, Ông dùng pháp gì để dạy đệ-tử khiến họ được tịch tĩnh?

Đức Phật liền nói:

- Thôi đi Phạm-chí: pháp của Ta dạy bảo đệ-tử từ trước đến nay thì không thể nào ông so sánh được, ngay cả thầy ông và đệ-tử tu hành tịnh hay bất tịnh Ta đều có thể nói được.

Lúc đó các đệ-tử của Phạm-chí bàn tán với nhau: ”Sa-môn Cù-Đàm có thần-lực lớn, có trí-tuệ lớn, người ta hỏi nghĩa lý của mình, mà mình lại nói nghĩa lý của người ta”. Khi ấy Phạm-chi Ni-câu-Đà nói:

- Tốt lắm, xin ông hãy phân biệt rõ ràng, chúng tôi đang muốn nghe.

Đức Phật nói:

- Những việc làm của các ông đều thấp kém như lõa thể rồi lấy tay che, hoặc không nhận thức ăn đựng trong bát. Không nhận đồ ăn khi người ta đang ăn, hoặc khi nhà người ta có người đang có thai. Không nhận thức ăn khi nhà có chó đưng trước cửa, hoặc nhà có nhiều ruồi. Không nhận thức ăn khi người tu hành mời, hoặc một ngày hai ngày cho đến bảy ngày chỉ ăn một bữa. Hoặc chỉ ăn rau, chỉ ăn cỏ, chỉ uống nước cháo, chỉ ăn mè (vừng), chỉ ăn gạo sống. Hoặc ăn phân bò, phân nai; hoặc ăn rễ, búp, lá, hạt; hoặc ăn qủa (trái cây) rụng; hoặc choàng áo trên vai, mặc áo cỏ, áo vỏ cây, áo da nai; hoặc cuốn cỏ quanh mình, mang tấm lông, mặc áo bỏ ngoài gò mả; hoặc không ngồi giường, cạo tóc chừa râu, nằm trên chông gai; hoặc nằm trên trái cây vỏ cứng, lõa thể nằm trên đống phân bò; hoặc một ngày tắm ba lần, hoặc một đêm tắm ba lần.

Tóm lại: các ông dùng vô số khổ hạnh để hành hạ xác thân như thế, ông nghĩ sao, tu khổ hạnh như vậy đáng gọi là thanh tịnh chăng; nếu ông cho là thanh tịnh, Ta sẽ từ trong cái tịnh ấy mà chỉ ra những điều bất tịnh cho ông xem.

Phạm-chí đáp:

- Đó là những pháp thanh tịnh chứ chẳng phải là bất tịnh, ông cứ nói những điều bất tịnh, tôi đang muốn nghe.

Đức Phật bảo:

- Người tu khổ hạnh, trong tâm vẫn tự nghĩ: “Nay ta tu như thế này, sẽ được mọi người nể vì, cung kính, lễ bái, cúng dường”, đó không phải là thanh tịnh, mà là cấu uế (dơ bẩn, xấu xa, đê hèn, tồi tệ); người tu khổ hạnh khi được cung kính, lễ bái, cúng dường liền say đắm không muốn từ bỏ, luyến ái không muốn thoát ly, đó là luyến ái xấu xa cấu uế.

Khi vừa trông thấy bóng dáng người lạ đến, vội vàng cùng bảo nhau ngồi thiền, nhưng khi không có người lạ lại tự ý đi đứng, ngồi nằm, chuyện trò thỏa thích, đó là không chân chính, cấu uế; khi nghe chính nghĩa của người khác không chịu nhìn nhận, đó là kiến giải sai lầm cấu uế; nếu ai hỏi đúng mà tiếc rẻ không chịu đáp, đó là tư tưởng xấu xa cấu uế.

Thấy người cúng dàng Sa-môn, Bà-la-Môn, sinh lòng chê bai, cản trở gièm pha, đó là cấu uế hèn hạ; nếu có thức ăn, tham lam giữ ăn một mình, đó là ích kỷ dơ bẩn cấu uế; người tu khổ hạnh mà sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời ly gián, nói lời độc ác, nói lời thêm bớt, tham lam, sân hận, tà kiến, đó là cấu uế.

Tu khổ hạnh mà lười biếng, ham vui mê mờ, không tu thiền định, đó là buông lung phóng đãng cấu uế; người tu khổ hạnh không có tín nghĩa, không giữ tịnh giới, không siêng năng học hỏi, kết bạn cùng người ác để làm việc ác, đó là cấu uế; nếu tu khổ hạnh mà thích làm những điều xảo trá, tìm tòi những chỗ sơ hở của người khác, đó là thấp hèn cấu uế.

Thế nào Ni-câu-Đà, lối tu khổ hạnh như vậy đáng gọi là thanh tịnh chăng?, Ta sẽ từ trong pháp cấu uế của các ông mà chỉ ra pháp thanh tịnh không cấu uế.

Phạm-chí Ni-câu-Đà đáp:

- Đó là bất tịnh chứ không phải là thanh tịnh, xin Ngài cứ nói những pháp thanh tịnh không cấu uế.

Đức Phật giảng:

Người tu khổ hạnh không tự nghĩ rằng: “Ta tu như thế sẽ được cung kính, lễ bái, cúng dường”,đó là pháp khổ hạnh dứt trừ cấu uế; người tu khổ hạnh khi được cúng dường, nhưng tâm không tham đắm, biết cách thoát ly, xa lià, đó là tốt đẹp không cấu uế.

Tu khổ hạnh thường tu tọa thiền theo thường lệ, chứ không vì có người hay không có người đến mà thay đổi, đó là chân chính xa lià cấu uế; khi nghe đến chính nghĩa của người khác liền vui vẻ tin nhận, đó là đúng đắn không cấu uế; nếu có ai hỏi han liền vui vẻ giải đáp, đó là đàng hoàng xa lià cấu uế.

Khi thấy người cúng dường Sa-môn, Bà-la-Môn, thì vui mừng thế cho họ không gièm pha cản trở, đó là có tâm hoan hỉ không cấu uế; lúc nhận được thức ăn, không luyến tiếc tham đắm, không dành ăn một mình, mà chia cho kẻ khác, đó là vị tha hòa đồng xa lià cấu uế; không tự khen mình chê người, đó là chân chính không cấu uế.

Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời ly gián, không nói lời thêm bớt, không nói lời độc ác, không tham lam, không giận hờn thù hận, không tật đố tà kiến, đó là đoạn diệt cấu uế.

Chẳng tự cao tự đại, chẳng kiêu căng ngã mạn, đó là xa lià cấu uế; giữ lòng tín nghĩa, thực hành hạnh báo đáp, giữ gìn tịnh giới, siêng năng học hỏi, làm bạn với người lành, lo tích chứa điều lành, đó là phạm hạnh không cấu uế; không xảo quyệt, không ỷ mình hiểu biết, không tìm khuyết điểm của người, đó là cao cả xa lià cấu uế.

Này Ni-câu-Đà nghĩ thế nào, pháp khổ hạnh như vậy có phải là pháp thanh tịnh xa lià cấu uế không?

Phạm-chí đáp:

- Đúng vậy, qủa thật đó là những pháp thanh tịnh xa lià cấu uế.

Rồi Phạm-chí hỏi Phật:

- Chẳng hay pháp khổ hạnh đến mức độ này có được gọi là kiên cố đệ nhất hay chưa? Xin Ngài cho biết.

- Chưa, đó mới chỉ là vỏ cây thôi, chưa được gọi là kiên cố. Này Ni-câu-Đà, người tu khổ hạnh tự mình không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lời đối chọi nhau, không nói lời ly gián, không nói lời thêm bớt, không nói lời độc ác, không tham lam, không giận hờn thù hằn, không tật đố tà kiến. Người tu khổ hạnh cũng không bảo người khác làm các việc ác ấy, người này đem tâm Từ trải khắp một phương, đến các phương khác cũng vậy, với tâm Từ quảng-đại, bình đẳng khắp cả thế-gian, không oán giận; với tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả cũng như thế, người tu khổ hạnh này mới được gọi là lõi cây.

- Xin Ngài nói về nghĩa khổ hạnh kiên cố.

- Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.

- Vâng.

- Người tu khổ hạnh đã như lõi cây ở trên rồi, còn phải biết việc xảy ra trong vô số kiếp về trước, hoặc một đời, hoặc hai đời cho đến vô số đời, quốc độ thành hoại hay kiếp số trước sau đều biết hết. Đồng thời còn phải biết rõ mình từng sinh vào chủng tộc đó, tên tuổi như thế, từ đó sinh về đây, từ đây chết đi rồi sinh về kia; tất cả những việc từ vô số kiếp như thế đều nhớ cả, đó là người tu khổ hạnh kiên cố không hoại.

- Xin Ngài giảng thế nào là pháp khổ hạnh bậc nhất?

- Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.

- Vâng, thưa đức Thế-Tôn, con đang muốn nghe.

- Này Ni-câu-Đà, những người tu khổ hạnh đã không làm mười điều ác, cũng không bảo người khác làm mười điều ác; vị ấy đem trải tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả rải khắp thế-gian. Vị ấy tự biết việc xảy ra cho chính mình trong vô số kiếp, và vị ấy có thể dùng thiên-nhãn thanh tịnh quán sát các loại chúng-sanh thấy họ chết đây sinh kia, sinh ở cõi tốt, cõi xấu đều thấy biết hết. Lại còn thấy rõ có chúng-sanh thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ việc ác, hủy báng thánh-hiền, tin theo tà đạo dị kiến, sau khi chết bị đọa vào ba cõi dữ là Địa-ngục, Súc-sinh và Ngạ-qủy. Vị ấy còn thấy biết có chúng-sanh làm các điều lành, miệng nói các lời chân thật, ý nghĩ các việc tốt lành, ca ngợi thánh-hiền, tu hành chính tín, và sau khi qua đời được sinh vào cõi tốt là cõi Trời hoặc cõi Người có địa vị giàu sang. Vị ấy với thiên-nhãn thanh-tịnh thấy chúng-sanh theo hành-nghiệp (việc làm, lời nói, ý nghĩ) mà chết đi ở cõi này và sinh đến cõi kia, không có gì mà không thấy không biết, đó là khổ hạnh thù thắng bậc nhất.

Đức Phật giảng tiếp:

- Còn có pháp thù thắng hơn nữa mà Ta thường đem giảng dạy cho hàng Thanh-văn, và họ nhờ pháp ấy mà tu được phạm-hạnh, trở thành bậc Thánh.

Bấy giờ các đệ-tử Phạm-chí đồng nghĩ và bảo nhau: “Nay chúng ta mới thấy được đức Cù-Đàm là tối thượng, Thầy ta không thể so sánh được”.

Khi ấy Cư-sĩ Tán-đà-Na nói với Phạm-chí Ni-câu-Đà:

- Trước đây ông đã nói như thế này: “Hễ thấy Sa-môn Cù-Đàm đến đây, chúng tôi sẽ gọi là “con trâu đui”. Chúng tôi chỉ một câu là đủ làm cho Sa-môn Cù-Đàm bí lối mà phải làm thinh như con rùa thun cả đầu, đuôi, bốn chân vào trong vỏ và cho thế là yên; nhưng chúng tôi chỉ cần một mũi tên bắn ra là Sa-môn Cù-Đàm không còn chỗ trốn”, sao ông không đem những lời này ra làm bí lối đức Thế-Tôn?

Phạm-chi cúi mặt lặng thinh không nói năng chi cả, đức Phật hỏi Phạm-chí:

- Trước đây ông có nói như vậy không?

- Thưa có, qủa thật tôi có nói, nếu tôi biết như vầy, tôi đã chẳng dám nói như thế đối với đức Cù-Đàm.

- Ông khá không nghe các bậc tiền bối thường nói: “Chư Phật, Như-Lai thường ưa ở núi rừng thanh vắng”,như Ta ngày nay ưa ở chỗ vắng, chứ không như các ông chỉ thích ở chỗ ồn ào, nói chuyện vô ích suốt ngày.

Phạm-chí nói:

- Tôi có nghe nói chư Phật trong quá khứ ưa chỗ vắng, độc cư trong rừng như Thế-Tôn ngày nay, chẳng như chúng tôi ưa chỗ ồn ào, nói điều vô ích suốt ngày.

Đức Phật bảo:

- Ông há không biết Sa-môn Cù-Đàm hay thuyết pháp về đạo Bồ-đề rằng: “Không những tự điều phục mình mà còn điều phục cho kẻ khác, không những dứt phiền não cho mình mà còn dứt phiền não cho kẻ khác. Không những tự mình qua đến bờ giác giải thoát, mà còn độ cho người khác đến bờ giác giải thoát”.

Khi ấy Phạm-chí Ni-câu-Đà, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật, đầu mặt đảnh lễ, tay sờ chân Phật, tự xưng tên mình và nói:

- Con là Ni-Câu-Đà, nay xin quy y Phật, và con xin đảnh lễ dưới chân Ngài.

Đức Phật dạy:

- Thôi đi Ni-câu-Đà, hãy đứng dậy, chỉ cần tâm ông hiểu lời Ta nói, là đã đảnh lễ Ta rồi.

Lúc đó Phạm-chí Ni-câu-Đà lại đảnh lễ một lần nữa dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, Đức Phật đạy tiếp:

- Này Ni-Câu-Đà,

Chớ nghĩ rằng: “Như-Lai vì lợi dưỡng (lợi lộc về cơm áo v.v..) mà thuyết pháp, vì nếu có lợi dưỡng thì Ta bố thí hết cho ông. Ta thuyết Pháp vi diệu bậc nhất với mục đích diệt trừ làm việc ác, và tăng trưởng làm việc thiện của chúng-sanh mà thôi”.

Ông không nên nghĩ: “Như-Lai vì muốn được sự tôn trọng, vì muốn được tiếng khen, vì muốn là người dẫn đầu nên nói pháp. Nay quyến thuộc của ông Ta trả hết cho ông, Ta thuyết pháp với mục đích diệt trừ điều ác, tăng trưởng điều thiện của chúng-sanh mà thôi”.

Cũng chớ nghĩ rằng: “Như-Lai sẽ đặt ông ở nơi thiện pháp thanh bạch, mà chính ông phải tự mình ở nơi thiện pháp và siêng năng tu hành. Có như vậy, Như-Lai sẽ nói thiện pháp thanh bạch cho ông để diệt trừ điều ác tăng trưởng điều thiện”.

Lại nữa, ông đừng nghĩ: “Như-Lai vì muốn làm thầy cho nên thuyết pháp. Ta trả ông lại cho thầy ông, Ta chỉ nói pháp cho ông nghe mà thôi”.

Sau cùng, nếu ông cho rằng: “Ta có thiện pháp tương ưng thiện, giải-thoát tương ưng giải-thoát, nhưng Sa-môn Cù-Đàm đoạt của ta”,Ông chớ nghĩ như vậy, Ta trả lại pháp của ông cho ông, Ta chỉ giảng pháp cho ông nghe thôi.

Lúc bấy giờ cả hội chúng đều yên lặng, không có một ý niệm nào, không có một ai lên tiếng gì cả, vì do ma ngu si ám. Đức Phật thấy vậy, liền bảo Cư-sĩ Tán-đà-Na:

- Ta muốn trở về Tịnh-thất, ông hãy đi với Ta.

Đức Phật đứng dậy, nắm tay Cư-sĩ Tán-đà-Na, rồi Ngài vận dụng Thần-túc nương hư không mà đi trước sự ngơ ngác của mọi người..,.

Toàn Không

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2010(Xem: 5533)
Vào những năm đầu Tây lịch, Phật giáo từ miền Đông bắc Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, từ đó Phật giáo lại truyền vào bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bổn. Ở những quốc gia này, Phật giáo đại thừa được quảng đại quần chúng tin theo và thọ trì. Như các tông phái Tịnh độ khác, Chân tông Tịnh độ cũng thuộc đại thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của Chân tông Tịnh độ cùng tương đồng với các giáo phái đại thừa khác như Thiền tông, Mật tông Tây Tạng là những tông phái được phổ biến thạnh hành ở Tây phương.
04/09/2010(Xem: 6514)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 6077)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
28/08/2010(Xem: 10435)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
28/08/2010(Xem: 5049)
Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và cộng đồng không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong một không gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn thiện cho xã hội của chúng ta ngày nay.
14/06/2010(Xem: 3956)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà triết học, các luận sư và các luận thuyết trứ danh cũng đều xuất hiện tại xứ sở đầy huyền bí này
15/05/2010(Xem: 7080)
Người học Phật chúng taai cũng đều chứng nghiệm được rằng việc tu học tại xứ người quả thật không đơn giản. Trước tiên vì bối cảnh của quốc độ mình đang trú, sau cùng nhưng lại có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc sống của bản thân và chính gia đình mình. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cứ nhìn hay là quán những khúc mắc đó như là một phương tiện trong ý nghĩa của tùy duyên bất biến để học, tu và hành Đạo. Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên câu thứ 4 trong mười điều của Luận Bảo Vương Tam Muội có ghi rõ là: xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
14/05/2010(Xem: 7868)
thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại. Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố qu
09/05/2010(Xem: 13919)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
30/04/2010(Xem: 10431)
Đã khá lâu rồi, „Lá Thư Tịnh Hữu“ vắng bóng trên Viên Giác. Bắt đầu từ năm 2000, đến giờ sắp sang năm 2004, mà cũng chưa chấm dứt. Nhiều bạn hữu nói nhỏ, “không biết ông Thị Chơn Nghiệp Dọc này còn dài dài đến bao lâu nữa!”. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và báo Viên Giác, Thị Chơn (TC) tôi đảo một vòng trong khuôn viên của chùa để thăm các quầy phát hành bánh trái, nước uống và thức ăn chay. Chợt nghe một giọng Huế khá quen thuộc phát ra dưới mái lều che mưa nắng dựng nơi quầy phát hành của Sư Bà Như Tuấn:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]